Những biểu tượng trong bài ca dao “Anh là thợ mộc Thanh Hoa”

Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cầu, làm quán, làm nhà… khéo thay!
Lựa cột anh dựng đòn tay
Bào trơn đóng bén nó ngay một bề.

Phần mở đầu bài ca dao tỏ ra đơn giản và tả thực. Một người thợ mộc Thanh Hoa khéo léo, làm được đủ mọi thứ. Phần mở đầu này không cho biết tiếp theo là nói về anh thợ mộc đang đục chạm cho công trình nào. Làm cầu, làm quán hay đang làm nhà?
Phần tiếp theo không phải là làm nhà mấy gian, mấy chái, mà lại chỉ dùng “bốn cửa” để định khung cảnh. Ý nghĩa biểu tượng của bài ca dao bắt đầu từ đây. Bốn cửa ở đây là bốn phương, bốn lĩnh vực của đời sống xã hội, của nhân sinh quan đương thời. Do đó bài ca dao được tiếp bởi 4 đoạn thơ lục bát, mỗi đoạn có 4 câu. Mỗi đoạn thơ nói về một lĩnh vực.

Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
Bốn cửa anh chạm bồn rồng
Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.

Đối với người Việt thì việc đầu tiên là việc thờ cúng tổ tông. Trong bài được biểu hiện bằng hình ảnh con dê. Dê đực là loài vật được dùng để tế lễ từ thời xa xưa. Cùng với đó là hình ảnh Rồng, con thì ấp, con thì leo. Rồng là nói đến vua, đến người lãnh đạo. Đoạn thơ này như vậy dành cho tổ tiên và vua, đúng theo đạo lý của Nho giáo.

IMG_5109

Đôn Tứ dương.

Đặc biệt hình ảnh diễn tả trong đoạn thơ thứ hai trùng khớp với hình trên chiếc đôn Tứ dương, một đồ đồng đặc trưng của thời Thương. Đôn Tứ dương có từ 3000 năm trước, dùng trong việc tế lễ thần linh. Trên chiếc đôn vuông này bốn góc là hình đầu 4 con dê lớn, sừng uốn cong, râu dài. Còn ở giữa 4 cạnh có hình đầu con vật nhỏ hơn với 2 sừng thẳng. Rất có thể đó là những con rồng con (rồng ấp). Hoa văn trên thân có hình “rồng leo” và chim phượng.
Chiếc đôn Tứ dương cũng cho hiểu thêm ý nghĩa của “bốn cửa” trong bài ca dao. Mỗi cửa là một hướng, một phương vị. Đôn có bố cục vuông nhưng có 8 hướng (4 dê và 4 rồng). Dê tiếng Hoa là dương, đồng âm với Dương trong Âm – Dương. Sừng dê cong vì Trời tròn (Trời là Dương). Còn 4 con rồng nhỏ là Âm. Âm thì ẩn, ém đi nên hình rồng nhỏ. Đất vuông (Đất là Âm) nên sừng rồng thẳng. Âm Dương được phối hợp thể hiện thành 8 hướng (Bát quái) trên chiếc đôn này.

IMG_5067Dê và Rồng trên đôn Tứ dương.

Bốn cửa anh chạm bốn mèo
Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
Bốn cửa anh chạm bốn gà
Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.

Đoạn ca dao tiếp theo dùng 2 con vật Mèo và Gà. Mèo bắt chuột và leo xà. Đây là thể hiện không gian trên – dưới. Gà đêm gáy, ngày đi kiếm ăn. Hình ảnh biểu tượng của thời gian ngày – đêm. Như vậy trên bốn cửa của anh thợ mộc đã thể hiện đủ không gian và thời gian.

Bốn cửa anh chạm bốn lươn
Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.
Bốn cửa anh chạm bốn hoa
Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.

Đoạn về Lươn và Hoa cũng mang tính biểu tượng. Sau không gian và thời gian đã khắc ra ở đoạn trên, đoạn này hẳn là nói về “nhân gian”. “Thân lươn bao quản lấm đầu”, Lươn là biểu tượng của giới bình dân. Con thắt khúc, con trườn ra. Còn Hoa là biểu tượng của tầng lớp cao hơn, “tinh hoa”, với dáng vẻ và kích cỡ khác nhau. Có hoa nhỏ như hoa sói, có hoa lớn như hoa sen. Đoạn ca dao nói đầy đủ về các loại người trong xã hội.

Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
Một đèn đọc sách ngâm thơ,
Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

Đoạn kết nói về Đèn. Đèn là biểu tượng của trí tuệ, của khoa học công nghệ, của lý trí. Do đó có đèn dùng để lao động sản xuất (dệt cửi, quay tơ). Có đèn để sinh hoạt văn hóa (đọc sách, ngâm thơ). Và cuối cùng là đèn để đợi chờ, tìm bạn.
Anh thợ mộc Thanh Hoa làm bài thơ dài dòng như vậy không phải khéo nói để “tán gái” (như căn cứ theo câu kết). Làm thợ, anh có tầm hiểu biết sâu sắc về thế giới và xã hội nên anh đã chạm khắc cả một thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt vào trong bài ca dao.

Leave a comment