Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết)

Trong bài trước, chúng ta đã biết người Dao là một bộ phận chính của nhà Thương Ân, có nguồn gốc từ thời Đế Cao Tân. Sang thời Chu, vùng đất quanh trung lưu sông Trường Giang là nước Sở nên đây cũng là đất nước của người Dao vào thời này. Các vua Sở mang họ Hùng, mà trong tiếng Dao nghĩa là Vương.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 1.
Dụng cụ của thầy cúng người Dao có ghi Thiên phủ, Địa phủ, Dương phủ, Thủy phủ.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 2.
Hổ đồng thời Ân Thương.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 3.
Lôi đồng thời Thương Chu ở Lào Cai.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 4.
Tranh Tam Quan của người Dao.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 5.
Tranh thờ Tam Thanh phối Tam Từ của người Dao.

Văn hóa Dao và nhà Thương Ân

Trúc thư kỷ niên cho biết, năm thứ 32 đời vua Vũ Đinh nhà Ân “chinh phạt người Quỷ Phương, đóng trú ở đất Kinh”. Sự kiện Ân Cao Tông phạt nước Quỷ Phương, nhưng lại đóng quân ở đất Kinh Sở tại Hồ Nam – Hồ Bắc cho thấy vùng đất này nằm trong đất của nhà Ân. Có thể nói, đất Kinh vốn là địa bàn gốc của nhà Thương từ vua Thành Thang, trước khi Bàn Canh thiên di lên phía Bắc lập Ân.

Nước Quỷ Phương hay Cửu Phương, nghĩa là nước nằm về phía Tây lãnh thổ nhà Ân Thương. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây của Hà thư. Nước Quỷ Phương là khu vực Tứ Xuyên, ứng với nền văn hóa Tam Tinh Đôi của thời kỳ này. Chỉ có vùng Tứ Xuyên với nền văn minh Kim Sa rực rỡ giàu có từ hơn 1.000 năm trước Công nguyên mới có thể khiến Cao Tông nhà Ân Thương khổ cực suốt 3 năm trời mới chiếm được.

Đặc trưng của các đồ đồng đúc dưới thời Ân Thương là những hình vẽ các loài vật đầy thần bí, như hình con Quỳ (rồng một chân), hình chim Cú, Ve sầu, mặt Thao thiết. Một chiếc bình đồng có niên đại quãng thời đầu Tây Chu được phát hiện ở thành phố Lào Cai, trên đó trang trí bởi biểu tượng Ve sầu như gặp trên đồ đồng thời Thương. Lào Cai cũng là địa bàn sinh sống của nhiều người Dao với văn hóa Dao đậm nét, nhất là văn hóa tín ngưỡng. Cách thực hành các nghi thức tế lễ của người Dao luôn toát lên vẻ thần bí của một nền văn hóa lâu đời từ quá khứ.

Năm 1989 tại thị trấn Đại Dương Châu, huyện Tân Can, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã phát hiện một ngôi mộ cổ thời Thương với số hiện vật tìm thấy lên đến hơn 1.500 đồ vật. Điều đáng ngạc nhiên là bởi các đồ vật thời Thương sớm lại tìm thấy ở một địa điểm ở phía Nam sông Dương Tử. Đây là bằng chứng khảo cổ cho việc xác định nhà Thương vốn ban đầu xuất phát từ phía Nam sông Trường Giang.

Trong số 480 món đồ đồng tìm thấy ở Đại Dương Châu có một đồ vật được xếp hạng là quốc bảo của Trung Quốc, đó là con hổ đồng hai đuôi. Con hổ đồng được chế tác tinh xảo, toàn thân hổ được trang trí bởi hoa văn uốn cuộn như rồng. Trên lưng hổ có hình một con chim nhỏ đang ngồi một cách yên bình. Con “long hổ” hai đuôi này như gợi nhắc tới truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao.

Thời nhà Thương, chữ tượng hình bắt đầu trở nên phổ biến, hình thành một thể chữ khá chín muồi mà nay gọi là Giáp Cốt văn, do chúng thường được khắc trên yếm rùa và xương động vật. Giáp cốt văn tự được coi là khởi nguồn của các loại chữ tượng hình Trung Hoa sau này. Người Dao cũng có tục cúng Rùa với nghi lễ diễn xướng trang trọng trong các dịp lễ tết. Về chữ viết, cho tới nay người Dao là dân tộc vẫn sử dụng chữ Nho, cho dù nó được gọi là chữ “Nôm Dao”, bởi có tới hơn 85% chữ Dao đồng nhất hoàn toàn với chữ Nho. Các sách cúng, sách bói, lịch, sớ… của người Dao đều được ghi bằng chữ Nho một cách nguyên sơ nhưng thuần thục. Chắc chắn người Dao là một trong những bộ phận dân tộc chính đã làm nên chữ viết tượng hình Trung Hoa.

Người Dao ăn Tết riêng theo lịch Dao, mà như ở Thanh Hóa gọi là ăn “Tết năm cùng”. Tết này được bắt đầu vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng. Tương tự, người Mông cũng có tục ăn Tết Mông vào cùng thời gian đầu tháng 12 âm lịch. Tết Nguyên đán ngày nay lấy tháng Dần làm tháng Giêng, gọi là lịch Kiến Dần. Đây là lịch ban đầu của thời nhà Hạ, sau tới nhà Hán lấy lại và từ đó không thay đổi. Còn nhà Thương khi lập nên vương triều đã lấy tháng Sửu (trước tháng Dần 1 tháng) làm tháng Giêng. Tết của người Dao và người Mông vào đầu tháng 12 âm lịch cho thấy nhóm người Miêu Dao vốn dùng lịch Kiến Sửu của nhà Thương. Đây là một dẫn chứng nữa cho thấy người Dao là thành phần chính của dân nhà Thương Ân.

Người Dao có tín ngưỡng thờ Tam Nguyên. Tranh thờ Tam Nguyên, dùng trong lễ cấp sắc và các lễ hội của người Dao thể hiện các vị quan là Thượng Nguyên Thiên Quan tứ phúc cúng vào rằm tháng Giêng, Trung Nguyên Địa Quan xá tội cúng vào rằm tháng Bảy, Hạ Nguyên Thủy Quan giải ách cúng vào rằm tháng Mười. Khái niệm Tam Nguyên hay Tam Quan tương tự như tín ngưỡng Tam phủ của người Kinh. Trên chiếc chày gỗ là dụng cụ của các thầy cúng người Dao cũng có khắc hình các vị thần của Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ và Dương phủ. Đặc biệt, vị vua của Địa phủ đã được Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái ghi nhận là Ân Vương, người đã chết trong trận chiến với Thánh Dóng. Ngày rằm tháng 7 cúng Địa Quan Xá Tội Đại vương cũng là một ngày tiết lễ lớn trong năm của người Dao.

Truyền thuyết Bàn Vương của người Dao có đoạn cuối kể rằng Bàn Vương đi săn sơn dương, chẳng may bị sơn dương húc chết, người Dao vô cùng thương tiếc, làm lễ cúng tế Bàn Vương… Sự việc này là nói tới chuyện Ân Trụ Vương đi săn “con hươu” của thiên hạ không thành, đã nhảy vào ngọn lửa ở Lộc Đài tại kinh đô Triều Ca để tự kết thúc trong cuộc chiến giữa nhà Chu và vua Ân. Lộc là hươu, là sơn dương, cũng là Lục, nghĩa là đất đai hay Địa phủ.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 6.
Các thầy cúng người Dao trong lễ hội Bàn Vương.

Múa Bắt Rùa của người Dao ở Hoàng Su Phì.

Hùng Vương nước Sở

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia chép: “Tổ tiên nước Sở xuất phát từ đế Chuyên Húc Cao Dương. Cao Dương là cháu nội của Hoàng Đế, con của Xương Ý. Cao Dương sinh ra Xứng, Xứng sinh ra Quyển Chương, Quyển Chương sinh Trùng Lê. Trùng Lê làm Hảo chính cho đế Cốc Cao Tân, rất có công, có thể chiếu sáng cho thiên hạ, đế Cốc ban cho danh hiệu Chúc Dung”. Tổ tiên các vua nước Sở vốn bắt đầu dưới thời Đế Cao Tân, tương tự như truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao và xuất xứ của vua Thành Thang nhà Thương Ân.

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia kể tiếp: “Lục Chung sinh được 6 người con, đều do người phải bị nứt mổ mà sinh ra. Con trưởng là Côn Ngô; thứ hai là Sâm Hồ; thứ ba là Bành Tổ; thứ tư là Hội Nhâm; thứ năm là Tào Tính; thứ sáu là Quý Liên, họ Mị, hậu duệ của ông chính là nước Sở. Côn Ngô thị, thời nhà Hạ từng làm hầu bá, thời vua Kiệt bị Thành Thang diệt. Bành Tổ thị, thời nhà Ân từng làm hầu bá, cuối đời Ân, Bành Tổ thị bị diệt. Quý Liên sinh Phụ Tự, Phụ Tự sinh Huyệt Hùng. Con cháu nửa chừng suy vi, có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước Man di, không sao ghi chép được các đời”.

Sự hình thành 6 người con hay 6 họ nước Sở từ Lục Chung cũng khá tương đồng với truyền thuyết 12 họ người Dao. Các họ này “có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước Man di”. Điều này cũng rất khớp với sự kiện vua Bàn Canh dẫn một nửa số dân Thương vượt sông lập nên nhà Ân. Những người nhà Thương ở lại quanh khu vực sông Trường Giang rõ ràng sau đó thuộc về phạm vi nước Sở.

Sở thế gia cho biết: “Thời Chu Văn Vương, con cháu của Quý Liên là Chúc Hùng. Con của Chúc Hùng thờ Văn Vương, mất sớm. Con của Chúc Hùng là Hùng Lệ. Hùng Lệ sinh Hùng Cuồng. Hùng Cuồng sinh Hùng Dịch. Hùng Dịch vào thời Chu Thành Vương, Thành vương cất nhắc hậu duệ các bề tôi cần mẫn có công thời Văn Vương và Vũ Vương, rồi phong cho Hùng Dịch ở Sở Man, phong tặng ruộng đất cho con trai Hùng Dịch, lấy họ Mị, sống ở Đan Dương”.

Người Sở còn gọi là Man. Còn người Dao cũng gọi là người Mán. Thậm chí có chỗ Bàn Vương được gọi là Hùng Vương, nên có những thông tin cho rằng người Dao cũng thờ Hùng Vương. Điều này càng khẳng định thêm nhận định rằng thành phần chính của nước Sở của Chúc Hùng là người Miêu Dao.

Tín ngưỡng người Dao mang màu sắc Đạo giáo một cách sâu sắc, chứng tỏ đây là tôn giáo gốc của dân tộc Dao. Cũng như Đạo giáo của Trung Hoa, trong hầu hết các lễ cúng người Dao đều phải có tranh thờ Tam Thanh, ba vị thần có quyền lực tối thượng cai quản ở 3 nơi, là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Ba vị này có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau, hoặc các vị này được vẽ hòa cùng với hàng loạt các vị thần linh khác.

Những thực hành cúng lễ, nhảy múa, hầu đồng của người Dao như trong các ngày Tết nhảy, lễ Bàn Vương, lễ cấp sắc… phảng phất một nguồn gốc tín ngưỡng đa thần như ở nước Sở, mà tới nay còn được biết qua tác phẩm Sở từ, phần Cửu ca của Khuất Nguyên.

Qua những so sánh trên, có thể nhận định rằng, dân tộc Dao vốn là thành phần chính của nhà Ân Thương. Cũng giống như người Việt thờ 18 đời Hùng Vương, tín ngưỡng Bàn Vương của người Dao nói đến nhiều thời đại các vị vua tổ của mình. Đó là ông Bàn Cổ khai thiên lập địa, là ông Tiết con của Cao Tân Thị thời Đế Nghiêu, là Thành Thang cầm búa lớn mở ra nhà Thương với 12 họ người Dao, là Bàn Canh quá sơn vượt Trường Giang lập Ân, là Ân Trụ Vương chết làm vua Địa phủ, là các vua Sở họ Hùng. Sự thiếu khuyết của truyền thuyết Việt cho giai đoạn mở nước về phía Đông Nam của Lạc triều từ Long Quân được bổ sung bằng truyền thuyết Bàn Vương của người Dao.

https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nen-su-dao-tiep-theo-va-het-179220919114714623.htm

Viết nên sử Dao (phần 1)

Tháng 9 năm 2018, tôi về dự lễ hội Bàn Vương ở xã Hồ Thầu trong tuần văn hóa du lịch “Qua miền di sản Ruộng bậc thang” trên vùng núi Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang. Nhìn những họ người Dao hội tụ về đây bái lễ tổ tiên, trời đất trước những bức tranh thờ nhiều màu sắc vẽ hình các vị thần Đạo Giáo, những điệu múa của các thầy mo cùng với những cuốn sách cúng ghi bằng thứ chữ tượng hình Nôm Dao, tôi không khỏi băn khoăn: Vị Bàn Vương, thủy tổ của người Dao là ai? Các họ người Dao khởi nguồn từ đâu, có quan hệ thế nào với lịch sử người Việt?
1. Bàn Cổ khai thiên lập địa
Người Dao là một tộc người đông đúc sinh sống ở Trung Quốc và Việt Nam. Địa bàn cư trú ban đầu của họ ở vùng quanh hồ Động Đình ở trung lưu sông Trường Giang. Người Dao ở nhiều nơi có tín ngưỡng thờ Bàn Hồ hay ông Bàn Cổ, là người đã khai thiên lập địa ra trời đất và con người theo quan niệm của dân tộc Dao. Sách cúng người Dao nói là “Bàn Cổ xuất thế Trường Sa quốc”. Trường Sa nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, là quê hương gốc của người Dao.
Truyền thuyết về Bàn Cổ sáng thế được ghi chép lại từ rất sớm trong Sơn Hải kinh, là cuốn sách cổ từ thời trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng thần thoại Bàn Cổ của Trung Hoa có xuất phát từ truyền thuyết Bàn Hồ của người Dao. Người Dao còn có những truyền thuyết về thần Phục Hy cùng với bà Nữ Oa đội đá vá trời, là những thần thoại tối cổ của Trung Hoa. Như vậy, những vị thủy tổ đầu tiên của dân tộc Dao cũng là thủy tổ của Trung Hoa. Vậy người Dao có liên hệ như thế nào với tộc người gốc của Trung Hoa cổ đại?
2. Long Khuyển Bàn Hồ ngũ sắc thời Cao Tân thị
Tất cả dân tộc Dao đều tôn thờ Bàn Vương là thủy tổ của mình. Ghi chép sớm nhất về Bàn Vương người Dao là truyện Bàn Hồ trong Hậu Hán thư, như sau:
Ngày trước thời họ Cao Tân có giặc Khuyển Nhung, trong lúc Đế bị bệnh bèn xâm phạm, mà chinh phạt vẫn không khắc chế được. Bèn chiêu mộ hỏi khắp thiên hạ, người có thể lấy được đầu tướng Khuyển Nhung là Ngô tướng quân, sẽ ban cho ngàn dật vàng ròng, phong ấp vạn nhà, gả con gái cho. Vừa lúc đó Đế có con chó, lông năm sắc, tên gọi Bàn Hồ.
Sau khi lệnh ban xuống, Bàn Hồ đã tha được đầu người đến dưới cửa khuyết, quần thần kinh ngạc xem kỹ, thì chính là đầu của Ngô tướng quân. Đế rất mừng… đem con gái gả cho Bàn Hồ… Bàn Hồ được cô gái, cõng lên mà chạy vào Nam Sơn… Qua ba năm, sinh được mười hai người con, sáu nam sáu nữ… Con cháu của họ ngày càng sinh sôi… Ngày nay là họ người man ở Trường Sa, Vũ Lăng.

Một điểm hết sức đáng chú ý là Bàn Hồ được xác định xuất hiện ở thời Đế Cao Tân, là vị Đế thứ ba trong Ngũ đế Trung Hoa, sau Hoàng Đế và Đế Chuyên Húc. Theo truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ Dao, đặc biệt là trong Quá sơn bảng văn, sách cổ của người Dao về nguồn gốc và sự di cư của dân tộc Dao, thì Bàn Hồ là con Long Khuyển được Bình Vương gả con gái và phong là Bàn Vương sau khi có công lớn giết được Cao Vương. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 con trai, 6 con gái) đều được ông là Bình Vương ban sắc thành 12 họ là: Bàn, Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu, như các họ của người Dao ngày nay.
So sánh với chính sử Trung Hoa, Trúc thư kỷ niên, cuốn Biên niên sử viết trên thẻ tre từ thời Chiến Quốc, chép: Cao Tân thị có người vợ tên là Giản Địch, vào tiết xuân phân, khi chim huyền điểu tới thì đang theo Đế đi làm lễ tế giao để cầu tự, bấy giờ cùng người em gái của mình tắm ở sông Huyền Khâu. Có con chim huyền điểu ngậm quả trứng mà đánh rơi, trứng ấy có năm màu rất đẹp, hai người tranh nhau đi lấy, rồi dùng giỏ ngọc úp lên. Giản Địch lấy được trứng trước, bèn nuốt vào bụng, thế rồi mang thai, sau đấy xẻ ngực mà sinh ra Tiết. Tiết lớn lên rồi làm chức Tư đồ cho vua Nghiêu, vì có công với dân mà được nhận phong ở đất Thương. Trải qua mười ba đời sinh ra Chủ Quý. Vợ của Chủ Quý tên là Phú Đô, nhìn thấy có luồng khí trắng vắt ngang mặt trăng trong lòng rung cảm, thế rồi sinh ra Thang vào ngày Ất, bởi thế mới có hiệu là Thiên Ất.
Truyền thuyết “huyền điểu sinh Thương” cho biết nhà Thương là dòng dõi từ Đế Cao Tân từ thời Đế Nghiêu, vợ là Giản Địch do nuốt trứng ngũ sắc của chim huyền điểu mà sinh ra ông Tiết. Dòng dõi 14 đời của ông Tiết là vua Thành Thang. Đối chiếu truyền thuyết của người Dao với truyền thuyết Trung Hoa có thể thấy người Dao có tổ tiên chính là ông Tiết, dòng dõi họ Cao Tân. Ông Tiết là tổ của nhà Thương, nên người Dao cũng là thành phần dân tộc gốc của nhà Thương, khởi dựng từ Thiên Ất Thành Thang.
Trúc thư kỷ niên chép về Thành Thang: Thang đi về phía Đông tới bên bờ sông Lạc, ngắm nhìn đàn tế của Đế Nghiêu, lại ném ngọc bích xuống sông, lùi ra phía sau mà đứng. Sau đấy một cặp cá màu vàng nhảy vọt lên, một con chim đen theo đó mà đậu xuống dưới đàn tế, hóa thành hắc ngọc. Lại có con rùa đen xuất hiện, trên lưng có hoa văn màu đỏ sắp thành chữ, nói là Hạ Kiệt vô đạo, Thành Thang sẽ thay thế hắn. Có vị thần Đào Ngột xuất hiện ở núi Bi. Có vị thần dắt theo con sói trắng, miệng ngậm cái móc, đi vào triều đình nhà Thương.
Những điềm báo Thành Thang làm thiên tử trong Trúc thư kỷ niên mô tả Ngũ sắc: cá vàng, chim đen, rùa mai đỏ, thần ở núi (xanh), sói trắng. Ngũ sắc là biểu tượng của Ngũ hành. Người có Ngũ sắc nghĩa là người nắm được Ngũ hành, hay nắm được thiên hạ. Con sói trong chuyện của Thành Thang cùng với Ngũ sắc cho thấy sự tương đồng với truyện Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao. Vị Bàn Vương (Long Khuyển Bàn Hồ) đã diệt Cao Vương, lấy con gái của vua mà sinh ra 12 họ người Dao chính là Thành Thang, người đã diệt Hạ Kiệt, lên ngôi thiên tử của nhà Thương.
Ghi nhận khác của người Xá, là một tộc người rất gần với người Dao có thờ Bàn Hồ, kể rằng: Thời Đế Cao Tân, trong cung có một bà già tai to bị đau tai. Trăm chim vào chầu, quan ngự y cắt ra thì xuất hiện Long Khuyển. Đó là Kim Long giống tằm, nuôi được tám tháng, Kim Long thân dài 8 thước, cao 5 thước, toàn lông ngũ sắc, bèn ban hiệu là Bàn Hồ.
Trong truyền thuyết Việt có dòng theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông. Ban đầu đó là nhà Hạ Trung Hoa. Nhà Thương nối tiếp nhà Hạ, vẫn lấy Rồng làm biểu tượng, nhưng lại gọi là Long Khuyển. Khuyển hay Khang là tính chất của hướng Tây. Cẩu (chó) cũng là cửu, chỉ hướng Tây. Long Khuyển nghĩa là tộc người dòng Rồng ở phía Tây, bởi phần hướng Đông là nhà Hạ.
3. Bàn Canh vượt Trường Giang
Người Dao tôn thờ Bàn Vương là tổ. Nhà Thương cũng có vị vua tổ là Bàn Canh, nổi tiếng bởi những cuộc thiên di liên tục, 5 lần dời đô, lập nên nhà Ân Thương, tức là nhà Thương thứ hai. Kinh Thư có 3 thiên Bàn Canh thượng, trung và hạ nói đến việc vua Bàn Canh dời đô. Các vua Thương dời đô nhiều lần đến mức… dân gian có cụm từ “lang thang”, chỉ sự di cư bất định như các vị vua (lang) nhà Thương (thang).
Sách cúng người Dao còn kể: vào năm Dần Mão, nạn hạn hán xảy ra, con cháu người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, cơ cực nên phải thiên di vượt biển tìm nơi sinh sống. Với sự che chở của Bàn Cổ đại vương, 12 tộc họ người Dao vượt biển thành công. Để lưu truyền cho đời sau, họ đã viết sách “Quá Sơn Bảng Văn” kể lại quá trình thiên di đầy gian khổ, ca ngợi Bàn Vương.
Câu chuyện Bàn Vương đã qua núi, vượt bể này là như nhắc tới một cuộc thiên di của người Dao từ thời rất xa xưa. “Vượt bể” ở đây là vượt sông lớn, chứ người Dao vốn không sinh sống ở bên bờ đại dương để có thể vượt biển. Có thể thấy truyền thuyết Bàn Vương vượt bể của người Dao là nói đến vua Bàn Canh, người đã dẫn một bộ phận dân nhà Thương vượt qua sông Trường Giang, lập nên đất Ân ở vùng phía Bắc sông này.
Một trong những kinh đô của nhà n Thương được biết là di chỉ khảo cổ Bàn Long Thành, là một tòa thành đất trên một khu vực khai quật rộng tới 1 km2, nay ở tỉnh Hồ Bắc, ngay phía Bắc sông Dương Tử. Di chỉ có hàng trăm ngôi mộ cổ với nhiều hiện vật đồ đồng, đồ gốm, đồ ngọc có niên đại vào đầu và trung kỳ thời Ân Thương. Đây là dấn ấn rõ ràng nhất của sự kiện Bàn Canh dẫn dân Thương vượt hà. Long là từ chỉ vua nên Bàn Long Thành tức là thành của Bàn Vương.
Hậu Hán thư kể chú chó Bàn Hồ đi về Nam Sơn, sinh ra 6 người con trai và 6 người con gái, thành tổ tiên của 12 họ người Dao. Hướng Nam xưa nay là hướng Bắc nay, tượng bởi quẻ Cấn – núi. Số 6 là con số chỉ hướng Nam xưa (Bắc nay) trong Hà thư. Chi tiết Bàn Vương (hay Bàn Hồ) đã dẫn người Dao bơi 7 ngày bảy đêm trên đại dương để đến nơi ở mới cũng tương đồng với việc nhà Thương đã năm lần bảy lượt di cư.
Tín ngưỡng thờ Bàn Hồ của người Dao đã cho thấy họ là một bộ phận người dân đã lập nên nhà Thương Ân, triều đại được truyền thuyết Việt xếp vào dòng những người con theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá miền biển hướng Đông Nam xưa.

Đoạn sách cúng kể về Bàn Vương dẫn 12 họ người Dao “phiêu du quá hải, thiên lý chi lộ”.
Bài cúng mở đầu bằng “Bàn Cổ xuất thế Trường Sa quốc”
Đàn tế cúng trong lễ hội Bàn Vương ở Hoàng Su Phì
Các họ người Dao tế lễ Bàn Vương

Mâm vàng Âu Cơ và sách trời định phân thiên hạ

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể về sự ra đời của trăm người con trai của đức Hiền vương Lạc Long Quân và Âu Cơ:
Tới đầy tuần sinh nở, vào năm Canh Ngọ ngày 5 tháng 5, đúng ban ngày giờ Ngọ, mặt trời chiếu thẳng. Cái thai thần của Âu Cơ chuyển động, rồng mây đầy nhà, ánh sáng loé lên. Trong trướng, hoàng phi sinh ra một bọc ánh như ngọc trắng, hương lạ thơm nức. Sơ sinh ở núi Nghĩa Lĩnh, đất tổ Phong Thứu, dưới lọng ngọc ở khu núi đá bên đầm sen… Ngày hôm ấy vào giờ Thân bỗng thấy một áng mây xanh từ phía Tây bay đến hội ở sân rồng điện ngọc. Rồi bốn vị thiên tướng hiện ra rất kỳ lạ… nói rằng:
– Bào ngọc trăm trứng, thần khí rạng thiêng, điềm rồng giáng sinh.
Thiên sứ báo cho Hiền Vương đặt bào ngọc lên chiếc mâm vàng, lệnh cho triều đình các tướng đến tề tựu ở ngôi chùa cổ ở Viễn Sơn, tức Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng Thiền Thứu Lĩnh, đặt ở trong chùa, chọn quan trai giới chầu hầu, đèn hương không ngớt.

Chùa Thiên Quang trên núi Hùng Nghĩa Lĩnh, nơi mâm vàng đựng bào ngọc nở ra trăm trai

Đầy 100 ngày sau khi bào ngọc nở ra trăm trai, có 8 vị tướng xưng là Bát bộ Kim Cương vâng sắc chỉ của Thượng Thiên Chư Phật Ngọc Đế sai xuống trợ giúp… Trời ban cho Hiền Vương một lệnh long bài, một quả bảo ngọc thần ấn, một viên ngọc trắng, một thanh kiếm thần, một quyển sách trời, một chiếc thước ngọc, để trên mâm vàng, tất cả đều đặt trong chính điện.
Các hoàng tử đã thành những người lớn, nhưng trong triều không có ai có thể phân biệt được trưởng thứ và tên gọi. Hiền Vương lập đàn cầu trời thì có một vị Tiên ông xuất hiện, cầm gậy trúc, rửa chân trên bàn đá ở bến sông Việt Trì. Vua cho mời Tiên ông vào hỏi chuyện và nhờ giúp cho việc đặt tên trăm người con trai.
Tiên ông nói: Vua có thành tâm, Lão bốc một quẻ trong Sách trời tính xem tiền định thế nào, để xác lập vương tử, cùng với tên gọi cho trăm người con, xem tướng trăm trai thì Vua sẽ cử được người tài lập làm con trưởng, phân định thứ bậc anh em, vị trí trái phải.
Tiên ông lấy bút viết ra, đặt trăm tên cho các thần tướng, đặt lên chiếc mâm vàng, phân định thứ bậc anh em. Trăm hoàng tử đến hội ở chính điện, mà nhận chữ đề tên, trong tên có cùng một tiếng. Một người là con trưởng, theo như lời định được lập làm Thái tử nối ngôi vua. Còn 99 người khác lần lượt đến trước mâm vàng nhận danh hiệu được ban.

Tranh vẽ Lão tiên ông bên bến Việt Trì

Trong sự tích bào ngọc của mẹ Âu Cơ nở ra trăm người con trai, trưởng thành và được phân thứ bậc thì luôn nhắc tới một chiếc “mâm vàng” (nguyên văn là “kim bàn”). Chiếc mâm này đã đựng bào ngọc đặt ở trên núi Nghĩa Lĩnh, rồi lại dùng để đựng các bảo khí trời ban, và sau đó dùng để ghi tên và thứ tự cho trăm hoàng tử. Chiếc mâm vàng này là thứ gì mà lại quan trọng đến vậy trong huyền sử lập quốc của người Việt?
Thật vô cùng bất ngờ khi nhận ra rằng, chiếc mâm vàng của Hiền Vương Âu Cơ là hình ảnh của một vật hoàn toàn có thật, mang ý nghĩa lớn lao như những dòng sử đầu tiên khi cha sinh mẹ đẻ, khai mở nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Một chiếc mâm vàng như vậy là một cổ vật từ thời Tây Chu, cách đây khoảng 3000 năm, tương đương với thời lập quốc Văn Lang.
Chiếc mâm bồng đúc bằng đồng, có 3 chân là hình 3 tượng người đang ngồi quỳ như hành lễ. Thành mâm phía bên ngoài được trang trí bằng các hoa văn rồng và họa tiết vân lôi tinh tế. Trong lòng mâm, trên nền vàng óng ánh của đồng cổ, là một bài minh văn đúc chìm, gồm 12 dòng, cộng tất cả là 144 chữ. Khoảng giữa thành của mâm có 2 dòng chữ chạy xung quanh mâm, mỗi dòng gồm 10 chữ Kim văn. Đây là dạng chữ Kim văn, được đúc chìm, sâu, còn khá sắc nét, thể hiện thư pháp tiêu biểu của thể chữ này vào thời kỳ Tây Chu.

Mâm vàng Âu Cơ (Hiện vật sưu tầm của Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Bài minh văn trên mâm vàng này có thể được đọc như sau:
照曰乍文王初于政匍右上下武
右王征上下畯民永丕長伐 夷于
嗣憲左右用邦行王井宇天子
卲子文武天丐子祁上下 亟昊邦
宗亡司保命福年方亡不見荊
生高帥尹卲周兮荊惟征祁
揚祖在微武王哉微 使烈祖天
亡乃來見令周公舍寓于乙王
休祖辛子多光其祀文公得宇
公屯日曆弗抯習史夜 辟戊永
襲休命用乍祖文弋录生厥民
抯辟其年永心厥匹啖所用尹

王蚤壽用子子周孝单祀之
先作豆寶用永孫孫子子庀萬
Phiên âm và ngắt câu:
Chiếu viết: sạ Văn Vương sơ vu chính, bồ hữu thượng hạ. Võ hữu Vương chinh thượng hạ, tuấn dân vĩnh phi, trường phạt Di. Ư tự hiến, tả hữu dụng bang, hành vương tỉnh vũ. Thiên tử thiệu tử, văn võ thiên cái tử, kỳ thượng hạ cức. Hạo bang tông vong, ty bảo mệnh phúc niên, phương vong bất kiến, Kinh sinh cao suý, doãn Thiệu Chu hề Kinh duy chinh. Kỳ dương tổ tại Vi. Võ Vương tai Vi, sử liệt tổ thiên vong, nãi lai kiến, lệnh Chu Công xá ngụ, ư Ất Vương hưu. Tổ Tân tử đa, quang kỳ tự. Văn Công đắc vũ. Công truân nhật lịch, phất tra tập sử, dạ tịch mậu vĩnh, tập hưu mệnh dụng, sạ Tổ Văn dặc lục, sinh quyết dân, tra tịch kỳ niên, vĩnh tâm quyết thất, đạm sở dụng doãn.
Vương tảo thọ dụng, tử tử Chu hiếu đan tự chi.
Tiên tác đậu, bảo dụng vĩnh, tôn tôn tử tử phỉ vạn.

Dòng chữ Kim văn: Tiên tác đậu bảo dụng vĩnh tử tử tôn tôn phỉ vạn.

Dịch nghĩa:
Minh rằng: khi [Chu] Văn Vương lên nắm chính sự, gian nan để có được trên dưới. [Chu] Võ Vương chinh chiến khắp nơi, khuyến dân được lâu bền tốt đẹp, liên tục phạt Di. Khi lập con nối ngôi [Chu Thành Vương], có các đại thần tả hữu giúp trị, thi hành khuôn phép của Vương.
Thiên tử là một người cao cả. Trời ban cho các bậc văn võ xử lý công việc trên dưới.
Tông thất của Hạo bang [Thiếu Hạo là tổ của nhà Thương] mất, sau nhờ giữ mệnh phúc nên nhánh Kinh vẫn còn. Lại sinh ra việc dấy quân. Các quan Thiệu Chu chinh phạt Kinh.
Tốt đẹp thay tổ ở đất Vi. Võ Vương chiếm đất Vi, sai liệt tổ của nước đã mất đến gặp, [Võ Vương] lệnh cho Chu Công ân xá, cho dời đến vùng đất thờ của Ất Vương [Thiên Ất, tức Thành Thang]. Tổ Tân có nhiều con cháu, duy giữ việc tế tự. Văn Công nối nghiệp, ông vất vả ngày tháng, tìm hiểu học sử, phép tắc đầy đủ, kế nối điều lành. Sau đó Tổ Văn ghi chép lại, quyết vì dân sinh, làm thành phép tắc, năm đó bền lòng quyết hợp, lấy đó mà dùng để cai quản.
Vua sớm thọ. Con cháu nhà Chu dùng hiếu lễ tế tự.
Những chuyện trên được dùng để tạo ra chiếc mâm, làm đồ quý dùng lâu dài, cho con cháu vạn đời.

Bài Kim văn trong chiếc mâm vàng kể về giai đoạn lập triều của nhà Chu, từ khi Văn Vương khởi dựng, Võ Vương chinh phạt, yên định thiên hạ, đến Thành Vương cùng các đại thần Thiệu Công, Chu Công phụ tá, lập ra khuôn phép chế độ, bình định Kinh phương. 
Quân Kinh thời Chu Thành Vương thì không phải là Kinh Sở, mà là chỉ cuộc nổi loạn của Vũ Canh. Có Canh = Kinh. Đây cũng là dẫn chứng cho thấy, nước Sở vốn là địa bàn chính của nhà Ân Thương. Cuộc đụng độ giữa Chu và Ân được huyền sử Việt kể trong sự tích Thánh Dóng đánh giặc Ân. Nước Văn Lang, phía Bắc giáp Hồ Nam, chính là địa bàn của Kinh – Ân. Còn Thánh Dóng, không phải ai khác, là lão tiên ông “câu cá” bên sông Nhị, đã đăng đàn dùng sách trời và mâm vàng đặt tên cho trăm trai như Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả đã kể.
Người tạo ra chiếc mâm này là con cháu của nhà Ân Thương, được gọi là họ Vi. Khi Chu Võ Vương phạt Ân, đã triệu kiến Liệt tổ họ Vi đến gặp, rồi cho hưởng phong ở vùng đất nơi Thiên Ất Thành Thang đã khởi nghiệp lập Thương. Đến vị tổ tiếp theo của họ Vi tên là Tân, có nhiều con, giữ gìn việc tế tự. Sau đó vị tổ Văn (có lẽ là cha của người làm ra chiếc mâm này) ra sức học tập, ghi lại những dòng sử này vào chiếc mâm, dùng để cúng tế hiếu lễ với thiên tử Chu và truyền đời đời cho con cháu.
Lịch sử cho biếtt, Vi Tử Khải là anh em ruột của Trụ Vương. Chu Võ Vương diệt Trụ, vẫn tôn trọng các vị vua của triều đại trước, nên phong cho Vi Tử Khải ở đất Tống. Điều đáng nói là thông tin trên chiếc mâm cho biết rằng, vùng đất phong của họ Vi là vùng đất khởi nghiệp ban đầu của Thành Thang nhà Thương (“Ất Vương hưu”). Đất Tống do đó không phải ở miền Bắc Dương Tử, mà ở phía Nam, quãng tỉnh Quảng Đông ngày nay.
Những thông tin được ghi lại trên chiếc mâm vàng là nỗ lực ghi chép lịch sử rất sớm về thời kỳ nhà Chu lập quốc, phân phong chư hầu cho các đại công thần và cho con cháu các triều đại trước đó. Trong bài sử này, vị vua Chu cuối cùng được nhắc đến là Chu Thành Vương, nên ước đoán, chiếc mâm có bài minh văn này được tạo ra dưới thời vị vua Chu tiếp theo là Khang Vương (1020 TCN – 996 TCN).
Ở Trung Quốc, một chiếc mâm có chữ Kim văn tương tự đã được phát hiện, có tên là “Sử Tường bàn” (mâm Sử Tường) và được xếp là 1 trong số 64 bảo vật cấm mang ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, bài Kim văn trên mâm Sử Tường dài hơn, kể sự việc tới thời Chu Mục Vương, nên niên đại của nó sau chiếc mâm mô tả ở trên khoảng 60 năm. Ngoài ra, khác với mâm Sử Tường, chiếc mâm được mô tả ở đây có 3 chân hình tượng người, nên trong bài minh văn được thể hiện là chữ Đậu 豆 (mâm bồng), có vẽ nguyên cả 2 quai của mâm.

Hình người quỳ lễ là chân của chiếc mâm

Những bài minh văn trên mâm vàng đúng là những cuốn “sách trời”, chứa đựng lịch sử 3.000 năm trước, từ khi Hiền Vương Âu Cơ (Chu Văn Vương) mang nặng đẻ đau, gian nan khởi dựng nước Văn Lang, đến Hùng Quốc Vương (Chu Võ Vương) lên ngôi thiên tử, phân định thiên hạ, chia các anh em ở trăm nơi đầu núi góc biển làm chư hầu, cha con nối tiếp nhau, đời đời thế tập dòng họ và đất đai. Những dòng Kim văn đúc trên các đồng khí Thương Chu là những tấm bia hàng ngàn năm của lịch sử cổ đại, chứng tích cho thời kỳ xã hội người Việt chuyển mình từ chế độ thị tộc sang chế độ phong kiến, lập nên một thiên hạ rộng lớn bao trùm toàn cõi trời Đông.

Tục cúng xá tội vong nhân, một đạo lý từ thời Hùng Vương

Từ bao đời nay, cứ vào đầu tháng Bảy người Việt lại có tục cúng ngày Xá tội vong nhân. Theo quan niệm dân gian vào ngày 2/7 âm lịch hằng năm, Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để cô hồn dạ quỷ được trở về nhân gian. Rồi đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, ma quỷ sẽ bị gọi trở lại địa ngục. Đây được coi là ngày “âm khí xung thiên”, nên người ở trần gian sẽ phải cúng cháo, gạo hay muối cho các vong linh, gọi là cúng cô hồn… Nguồn gốc của lệ tục này bắt đầu từ khi nào và liệu có liên quan gì đến lịch sử của người Việt?

Trong kho tàng huyền sử Việt có một câu chuyện vô cùng kỳ dị nói tới Diêm Vương và các hồn ma bóng quỷ. Đó là Truyện Giếng Việt, bắt đầu như sau:

Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua Địa phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.”

Truyện Giếng Việt cung cấp một thông tin hết sức quan trọng, Ân Vương chết biến thành vua Địa phủ. Như thế, vua Ân chính là Diêm Vương, người cho mở Quỷ Môn Quan thả các vong hồn lên Dương thế vào tháng 7 hàng năm. Tục cúng cô hồn vào tháng 7 do đó liên quan tới cái chết của vua Ân trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương.

Truyện Giếng Việt kể tiếp, đến đời Tần, có quan Ngự sử là Thôi Vĩ đã cho trùng tu lại miếu Ân Vương. Con trai của Thôi Vĩ là Thôi Lượng, sau đó đã đi lạc đường trên núi Trâu Sơn, đến được Ân Vương Thành và gặp mặt Ân Hậu. Ân Hậu tiếp đãi Thôi Vĩ một cách ân cần rồi cho Dương Quan dẫn Thôi Vĩ về. Sau đó Dương Quan nhân biến thành một con dê đá, đứng sau đền Việt Vương trên núi Trâu.

Núi Trâu Sơn nay thuộc địa phận huyện Quế Võ. Trên núi từng có đền thờ Ân Vương rất cổ xưa. Con “dê đá” ở đền Ân Vương là một bức tượng hình nửa thân của một con linh thú kỳ dị nằm trên núi ở thôn Cựu Tự thuộc xã Ngọc Xá. Bức tượng thú bằng đá sa thạch, rất lớn, cao khoảng hơn 1,5m, khắc hình con thú có cổ dài, thân có vảy như rồng, có 2 sừng cong như sừng dê, nhưng lại có mỏ như mỏ phượng và trên thân có 2 cánh và có chân.

Phi LiemTượng Phi Liêm ở thôn Cựu Tự trên núi Trâu Sơn.

Đây là tượng con thần thú Phi Liêm, loại thú kết hợp giữa Rồng và Phượng. Dạng tượng Phi Liêm bằng đá lớn như thế này thường được thấy từ thời Tần Hán, đặt cạnh các lăng mộ hay miếu thờ các vương tôn quý tộc. Phi Liêm cũng là tên một vị trọng thần của vua Ân trong Phong thần diễn nghĩa. Thần thú Phi Liêm là tiền thân cho hình tượng Thiên Lộc, Tỳ Hưu, những linh vật cát tường phổ biến về sau này.

Truyện Giếng Việt còn kể, Ân Vương đã sai vị Ma Cô Tiên đến trao cho Thôi Lượng thuốc ngải chuyên chữa bệnh u bướu và ban cho một người con gái để kết làm vợ, lại ban cho một viên ngọc Long Tụy, trong cặp ngọc báu thư hùng mà vua Ân mang theo người khi chết ở Trâu Sơn. Ma Cô Tiên được biết là một vị thọ thần và phúc thần trong văn hóa phương Đông, là từ câu chuyện Giếng Việt này.

Vùng núi Trâu Sơn nay còn có một ngôi chùa cổ khá lớn mang tên chùa Ma Cô Tiên, nằm ở thôn Châu Cầu, xã Châu Phong. Chùa còn lưu được nhiều bia ký từ thời Lê, nhưng đặc biệt các chữ Ma có trên bia đều bị đục bỏ. Rải rác ở các thôn quanh núi Trâu như ở Phùng Dị, Hữu Bằng có những ngôi miếu nhỏ thờ Ma Cô Tiên.

IMG_4000

Tượng Ma Cô Tiên ở Phùng Dị, xã Ngọc Xá.

Liên quan đến các âm hồn tác quái, truyền thuyết Việt còn có truyện Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây lại đổ. Vua chay giới cầu đảo, thì có Rùa Vàng hiện lên xưng là sứ giả Thanh Giang. Thanh sứ cho biết, đây là bởi vong hồn của Vương tử đời trước báo thù. Vong hồn này ẩn náu trong núi, cùng với yêu quái nguyên là tinh con gà trắng (Bạch Kê Tinh) hóa thành ở quán Ma Lôi bên núi, tụ tập gây hại. An Dương Vương cùng thần Kim Qui đi đánh yêu quái, bắt được Bạch Kê Tinh đem giết đi.

Ở núi Thất Diệu, nay thuộc khu vực xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh, có ngôi miếu Bạch Kê, trong đó thờ một vị “Mẫu Nghi Thiên Hạ” gọi là Mẫu Bạch Kê. Cùng trên núi đó có đình làng Yên Phụ và ngôi đền Núi cùng thờ đức Vua Bà Ma Vương. Ở đây còn có một cái ao được gọi là Giếng Cô Tiên, gắn với truyền thuyết Bạch Kê và việc xây thành Cổ Loa.

Từ những di tích tín ngưỡng ở núi Yên Phụ có thể thấy Bạch Kê Tinh ở Cổ Loa chính là Ma Cô Tiên, một phi nhân của Ân Vương hay của “Vương tử đời trước” đã báo oán Thục Vương khi xây thành. Làng Ma Lôi có quỷ tinh gà trắng hiện hình vào người con gái chủ quán cũng chính là nói đến vị Ma Cô Tiên.

Truyền thuyết kể, An Dương Vương sau khi diệt được Bạch Kê Tinh liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Xương người chết xưa kia chất đầy trong núi, tạo nên oan khí vô cùng, nên mới hình tượng thành Ma Cô Tiên – Bạch Kê Tinh gây hại. Những địa danh như ngã ba Sọ, chợ Chờ, đò Lo ở vùng Yên Phong cũng gắn nỗi ám ảnh của người dân xưa kia khi phải đi qua vùng núi này.

Lịch sử Trung Hoa kể, khi bị quân đội của Vũ Vương nhà Chu, cầm đầu bởi đại tướng là Khương Tử Nha tấn công vào kinh đô Triều Ca, Ân Trụ Vương đã đốt cháy Lộc Đài và nhảy vào biển lửa tự vẫn, chấm dứt thời kỳ nhà Ân Thương kéo dài khoảng 600 năm và đồng thời chấm dứt cuộc chiến giành giật thiên hạ hàng chục năm giữa 2 nhà Ân và Chu với bao nhiêu đổ máu cho cả 2 bên.

Kết thúc cuộc chiến này, các tướng lĩnh đã hy sinh của cả 2 bên đã được vào đưa vào bảng phong thần, trở thành các vị thần có thờ tự. Còn bao nhiêu sinh linh đã thiệt mạng trong cuộc chiến, mà bi thảm nhất chính là cái chết của Trụ Vương, thì được cúng tế trong tục cúng cô hồn. Ngày cúng cô hồn là ngày kinh thành của Ân Vương thất thủ, nước mất, nhà vong.

Tháng 7 là tháng đầu mùa thu theo Âm lịch. Thục Vương hay Chu Vương là thủ lĩnh khu vực phía Tây thiên hạ, lấy mùa thu làm tháng biểu tượng cho triều đại. Khởi đầu mùa thu cũng nghĩa là khởi đầu triều đại phía Tây của nhà Thục hay nhà Chu trong lịch sử.

Cúng cô hồn tháng Bảy hàng năm thực chất là ngày cầu siêu cho nhân dân đói khổ vì chiến tranh loạn lạc, binh sĩ nơi sa trường, đã chết trong cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Chu và nhà Ân hay Thục Vương và Hùng Vương của 3000 năm trước. Cũng vì lẽ đó mà nó được gọi là ngày xá tội vong nhân. Sau chiến tranh, những tử sĩ dù là của bên nào cũng đều được xá tội, được hương khói cho siêu thoát các vong hồn. Việc xá tội cho cả kẻ thù bên kia chiến tuyến để có được lòng người, có được sự đại đoàn kết của toàn dân là cái đức của người làm vua, là thiên mệnh giúp quốc gia bền vững. Thiên hạ đại xá để bắt đầu một triều đại mới.

Xã hội phương Đông phát triển từ chế độ chiếm hữu nô lệ (thời Ân Thương hay Hùng Vương) sang chế độ phong kiến (nhà Chu hay nhà Thục nước Âu Lạc) đã phải trải qua một cuộc “cách cổ đỉnh tân”, thay cũ đổi mới, thật đắt giá với hàng vạn người đã đầu rơi máu chảy. Tục cúng xá tội vong nhân tháng Bảy thể hiện đạo lý nhân bản, vị tha, cầu sinh, chán ghét chiến tranh. Nó nhắc nhở mọi người không quên những người nghèo khổ đã khuất, những binh sĩ bỏ mình vì nước, bởi không có sự hy sinh của họ thì xã hội đã không thể tiến lên phía trước, chúng ta cũng không thể có cuộc sống an lành ngày hôm nay.

IMG_5360

Chiếc Dữu đựng rượu thời Ân Thương.

Đạo lý này cũng thể hiện qua bài thơ mà Ngự sử đại phu Thôi Vĩ đã đề ở miếu Ân Vương trên núi Trâu:

Thắng thua một cuộc không Ân đức

Vạn thế linh thiêng trấn Việt Thường

Trăm họ một lòng cùng thờ phụng

Xin phù tổ quốc mãi yên phương.

Xa toi vong nhan

Những điều mới biết về Ma Cô Tiên ở Châu Sơn

Ma Cô Tiên trong thần thoại Trung Hoa là một nữ thần trường thọ cùng với Tây Vương Mẫu. Thế nhưng ở Việt Nam lại có di tích và tục thờ Ma Cô Tiên từ lâu đời, gắn liền với một giai đoạn giao thời đặc biệt giữa huyền thoại và lịch sử.
Đại Nam nhất thống chí chép: Núi Trâu Sơn còn gọi là núi Vũ Ninh ở phía Đông huyện Quế Dương 12 dặm, núi non liên tiếp kéo dài, trên núi có Việt Tỉnh (Giếng Việt). Tục truyền đời Hùng Vương, vua nhà Ân sang xâm lăng, đóng binh ở dưới núi. Đổng Thần Vương đánh phá, Ân Vương chết tại núi này, người nơi ấy lập đền thờ, lâu năm đền bỏ hoang. Đến đời Tần có Thôi Lượng sửa sang lại. Ân Vương cảm ơn ấy sai Tiên Ma Cô trao thuốc tiên cho con của Lượng, chữa được bệnh bướu cổ. Ở bên núi có đền Ma Cô Tiên, lại có hai đền thờ, thờ Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương.

IMG_3798
Một tấm bia
? Cô Tiên tự với chữ bị xóa.

Ở Trâu Sơn nay tại làng Châu Cầu (xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh) có ngôi cổ tự mang tên chùa Cô Tiên. Khi xem các bia đá cổ tại chùa thì phát hiện thấy tất cả những chỗ có tên chùa đều bị đục mất 1 chữ trước chữ Cô Tiên. Theo ông Nguyễn Quang Khải, là một nhà nghiên cứu tôn giáo có thâm niên ở Bắc Ninh, thì cách đây hơn 30 năm ông đã từng đọc bia tại chùa này. Khi đó chữ bị đục vẫn còn nhận ra là chữ Ma và như thế chính tên ngôi chùa này là chùa Ma Cô Tiên 麻姑仙.
Sự tích về Ma Cô Tiên được ghi trong Truyện Giếng Việt của Lĩnh Nam chích quái: Tiết Thượng nguyên tháng Giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường. Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cởi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh.
Chuyện Ma Cô Tiên đánh vỡ bình ở đền được Thôi Vỹ (con của Thôi Lượng) cứu giúp rất giống truyện Từ Thức gặp tiên làm gãy cành hoa mẫu đơn ở huyện Tiên Du, cũng trong Bắc Ninh. Từ Thức sau vào hang động gặp được Giáng Tiên, còn Thôi Vỹ rơi xuống giếng rồi gặp Ma Cô Tiên, được Ma Cô Tiên tìm người con gái gả cho Thôi Vỹ. Từ Thức ra về bằng một cỗ xe đi rất nhanh còn Thôi Vỹ được kể là do Dương quan đưa về. Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trên núi, nay con dê ấy còn ở sau đền Việt Vương trên núi Trâu.
“Con dê đá” ấy nay đúng là vẫn còn ở Trâu Sơn, nhưng nó không phải là Dê. Nay ở làng Cựu Tự của xã Ngọc Xá còn một tượng đá lớn cao gần bằng người, có hình một con vật kỳ lạ, có chân móng guốc, có sừng cong như sừng dê. Nhưng con vật này trên thân có vảy và có cánh ngắn ở cổ vai. Quan sát kỹ còn nhận ra con vật này có mỏ nhọn như mỏ chim.

IMG_2719Tượng linh vật đá ở làng Cựu Tự.

So sánh với các hình tượng linh vật cổ chợt nhận ra, đây là con Phi Liêm, một dạng kết hợp giữa Rồng và Phượng. Phi Liêm là linh vật phổ biến vào thời Tần Hán ở Trung Quốc. Phi Liêm tượng trưng cho thần gió (Phong Sư) và là tiền thân của các hình tượng Thiên Lộc, Tỳ Hưu, Kỳ Lân sau này.
Truyện Giếng Việt cho biết: Đến đời Nhâm Ngao, Triệu Đà Nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh.
Như thế đền thờ Ân Vương ở Trâu Sơn đã được Triệu Đà cho xây sửa cúng tế hậu hĩnh. Đền Ân Vương cũng là nơi mà Ma Cô Tiên đã gặp Thôi Vỹ. Có thể nhận định rằng hình con Phi Liêm đá ở làng Cựu Tự chính là vết tích còn lại của ngôi đền Ân Vương được truyền thuyết nói tới.
Một sự tích khác được kể là giặc Ân khi tới núi Vũ Ninh (tức Trâu Sơn) đã bắt nhân dân ta phải cho ngựa đá ăn… Đây cũng là liên hệ giữa con “Ngựa đá” ở Trâu Sơn với nơi thờ Ân Vương. Tượng Phi Liêm bằng đá nay còn lại ở làng Cựu Tự là linh vật của đền thờ Ân Vương. Bản thân tên làng Cựu Tự nghĩa là nơi thờ cũ, cũng chỉ ra điều này.
Vậy còn đền thờ Triệu Vũ Đế được nói tới ở Trâu Sơn là ở đâu?

IMG_2533Khu đất trước đây là đình làng Hữu Bằng, với những tấm bia của đình bị vứt bỏ.

Sắc phong năm Minh Mệnh thứ 1 còn sao lưu được của làng Hữu Bằng xã Ngọc Xá cho thông tin: Sắc chỉ Bắc Ninh tỉnh Võ Giang huyện Bằng Xá Thất Gian nhị xã nhĩ nhị xã tòng tiền phụng sự Triệu Vũ Hoàng đế miếu tiết mông ban cấp.
Làng Hữu Bằng cũng là nơi còn lưu được bức tượng Triệu Vũ Đế bằng gỗ lớn bằng người thật cùng với nhiều bia công đức của đình làng. Thông tin từ sắc phong trên cho biết 2 xã Bằng Xá và Thất Gian được ban cấp phụng thờ miếu Triệu Vũ Hoàng Đế. Như thế bức tượng gỗ này và đình làng Hữu Bằng thực chất vốn là của miếu Triệu Vũ Đế được truyền thuyết và sách vở nói tới ở Trâu Sơn.

Tuong Trieu Vu De 2
Tượng Triệu Vũ Đế còn lại ở chùa Hữu Bằng.

Một chứng thực khác cho tục thờ Ma Cô Tiên ở Châu Sơn được bất ngờ tìm thấy tại chùa Đại Bi, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh. Chùa Đại Bi là nơi vị Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang lập nên để tưởng nhớ tới cha mẹ mình và nay còn đền thờ Huyền Quang. Trong sân chùa có mộ của vị Đại Sĩ này với tấm bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng khắc năm Tự Đức thứ 18. Tấm bia cho biết Huyền Quang vốn họ Lý, tên Đạo Tái. Bà mẹ họ Lê một lần đi lấy thuốc trên núi Châu Sơn, nghỉ tại chùa Cô Ma Tiên, mơ thấy một con khỉ đội mũ triều thiên mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà. Bà về có thai 12 tháng mới sinh ra con trai…
Tấm bia chùa Đại Bi là bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của ngôi chùa Ma Cô Tiên ở núi Châu Sơn. Câu chuyện con khỉ hầu mặc áo hoàng bào đội mũ triều thiên ở núi Châu Sơn mang đầy ẩn ý. Châu Sơn nơi chùa Ma Cô Tiên như đã biết là khu vực thờ Triệu Vũ Đế, xưa còn là hành cung của vua Triệu khi khởi nghĩa (khi lập đền thờ Ân Vương ở núi Vũ Ninh). Hình tượng khỉ mặc triều phục rõ ràng là chỉ Triệu Vũ Đế. Câu chuyện này muốn nói Tam tổ Huyền Quang là hậu duệ của họ Triệu (thực ra là họ Lý). Thông tin của người dân địa phương ở Châu Sơn cho biết nơi đây cũng là nơi ẩn trú của tôn thất nhà Lý khi nhà Trần lên thay.

IMG_3115
Bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng ở chùa Đại Bi.

Vị trí của ngôi chùa/đền Ma Cô Tiên ở núi Trâu/Châu Sơn như thế đã được xác định là chùa Cô Tiên tại làng Châu Cầu. Tuy nhiên, Ma Cô Tiên là ai mà lại có sự tích từ xa xưa và được thờ tự như vậy?
Truyện Giếng Việt kể Ma Cô Tiên dắt một người con gái đem cho Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Tụy. Cái tên Châu Cầu 珠球 có nghĩa là viên ngọc, là mối liên hệ với câu chuyện này.
Trong số các tấm bia còn lại ở chùa Cô Tiên có tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự Bi mà trên đó còn có thể đọc được một phần bài minh kể về sự tích của vị Thánh Tổ này. Bài minh này bắt đầu bằng việc ca ngợi chùa “? Cô Tiên” là một nơi “cổ tích danh lam” trên vùng đất “long sơn hổ thủy”, đã từng một thời rất thịnh đạt (nhất thời phát đạt). Nơi đây đã từng có một vị đế vương được các nơi xa phải ngưỡng chầu (viễn xứ triều ngưỡng) vì công nghiệp đã dẹp yên nạn binh đao, lưu danh vạn thế. Trong bài minh cũng đề cập đến một nhân vật nữ đã lấy chồng ở phương xa (nữ công viễn giá) và cuối cùng cho biết nơi đây từng là nơi tụ hội của các bậc anh kiệt (nam quán quần anh).
Thông tin từ bài minh trên tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự cho thấy Cô Tiên hay Ma Cô Tiên là một nhân vật có thật, liên quan đến một vương triều huy hoàng trong lịch sử và đã được tôn thờ như một vị “Thánh tổ”.

IMG_3810.JPG
Bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự Bi Ký ở chùa Châu Cầu.

Làng Châu Cầu trước đây cũng thờ Triệu Vũ Đế làm thành hoàng làng. Hiện Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu được bản sao sự tích về Triệu Vũ Đế và hoàng hậu Trình Thị nhưng là bản sao lục thần tích của xã Đường Sâm ở Kiến Xương phủ, Chân Định huyện (tỉnh Thái Bình ngày nay). Đặc biệt là tất cả các sắc phong hiện còn cho thành hoàng làng Châu Cầu lại không phải sắc phong cho Triệu Vũ Đế.
Hiện làng Châu Cầu còn sao lưu được 9 đạo sắc phong, đạo sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) ghi tên Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa. Đạo sắc cuối cùng là năm Duy Tân năm thứ 3 ghi tên thần sau 9 lần gia tặng là Thông huyền Diệu hóa Thanh hư Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa chi Thần.

dsc03934.jpg
Bản sao sắc phong Đồng Khánh nhị niên.

Vị thần được thờ ở Châu Cầu có tên là Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa/Phu nhân. Có thể thấy đây cũng chính là vị Ma Cô Tiên thánh tổ, đã xuất giá lấy chồng xa như trong bia chùa Châu Cầu nói đến.
Danh phong Đệ nhất Cửu trùng chỉ một vị trí rất cao của vị thần này vì Cửu trùng là từ dùng chỉ Vua (Vua Bà). Đệ nhất Cửu trùng Phu nhân trong bối cảnh của Châu Cầu thì chỉ có thể chỉ vị Hoàng hậu của Triệu Vũ Đế, tức bà Trình Thị.
Có thể nhận ra: Ma = má = mẫu. Thiên tiên Thánh mẫu do đó tương đương với tên Ma Cô Tiên. Trong đó chữ Cô chỉ người phụ nữ tu hành, cùng hàm ý trong các tên Thiên tiên, Thánh tổ, Thông huyền, Diệu hóa. Hoàng hậu Trình Thị không chỉ có quyền quản Cửu trùng mà còn là một đạo sĩ, thánh tổ của một đạo giáo. Thật bất ngờ khi biết rằng hoàng hậu của Triệu Vũ Đế là người đã từng có thực quyền nhiếp chính, được tôn xưng là Mẫu nghi thiên hạ và hóa thần trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa như một vị tiên đầy quyền năng.

Thần tiên Địa phủ ở Châu Sơn

Đây là một bài khó viết vì nó động đến một lịch sử linh thiêng lâu đời của người Việt và vì nó rất thật, thật như có thể giơ tay là chạm được vào quá khứ…

Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái (dịch giả Lê Hữu Mục):
Việt Tỉnh ở núi Trâu Sơn, quận Vũ Ninh; đời Hùng Vương thứ ba, Ân Vương cử binh Nam xâm, đóng quân ở núi Trâu Sơn; Hùng Vương cầu Long quân giúp, Long quân bao tìm khắp thiên hạ, nếu được người kỳ tài thì dẹp được giặc; đến kỳ cầu được Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt đi đánh, tướng sĩ nhà Ân đều tan vỡ. Ân Vương chết ở dưới núi, làm Địa Phủ Quân; dân lập đền thờ, bốn mùa cúng tế nhưng lâu năm suy dần bỏ thành chùa hoang.
Núi Trâu Sơn được nói tới, nơi có Giếng Việt, nay ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Đoạn đầu truyện cho biết Ân Vương sau khi chết đã được làm vua Địa phủ, có đền thờ ở núi Trâu Sơn. Đây là thông tin quan trọng đối với tín ngưỡng Tứ phủ nước ta, vì hiện trong Tứ phủ chưa rõ vị vua cha của Địa phủ là ai.
Trâu Sơn chính xác phải là núi Châu hay Chu. Vết tích ngôn ngữ còn lưu trong tên làng Châu Cầu và xã Châu Phong. Châu hay Chu ở đây chỉ nhà Chu, là triều đại mà nhờ Sóc thiên vương Thánh Dóng đã diệt được nhà Ân.

IMG_0008
Chùa Hữu Bằng ở xã Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh.

Truyện kể tiếp: Người bản quốc tên là Thôi Lạng làm quan nhà Tần đến chức Ngự Sử Đại Phu thường đi ngang qua đấy, thương cảnh điêu tàn mới trùng tu miếu vũ lại, nhân đó có đề một bài thơ…
Sau đến đời Nhâm Ngao, Triệu Đà Nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh; Ân vương cảm đức, muốn đền công cho Thôi Lạng mới sai Ma Cô Tiên đi tìm khắp nơi. Lúc bấy giờ Thôi Lạng đã chết, chỉ còn con là Thôi Vỹ.
Sau khi kể qua thời Chu, đến thời Tần thì ta thấy xuất hiện nhân vật Ma Cô Tiên. Ma Cô Tiên tức là tiên nữ tên Ma Cô, là người của Địa phủ Ân Vương.
Tiết Thượng nguyên tháng Giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường; Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cổi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh, nhân đó hỏi đến chỗ ở của Thôi Vỹ; Thôi Vỹ nói đến tên cha thì nàng mới hay là con Thôi Lạng. Nàng mừng bảo rằng:
– Ta bây giờ không có lấy gì để đền ơn, sau này chàng sẽ được hậu báo.
Bèn đưa cho Thôi Vỹ một tấm lá ngài và dặn rằng:
– Hãy giữ lấy vật này cho cẩn thận, lúc nào cũng để trong mình, gặp bệnh nhục ảnh (thịt thừa) mà đem cứu tất khỏi, rồi thế nào cũng được giàu sang phú quý.
Tiên Ma Cô tìm gặp được Thôi Vỹ và bày cho anh ta phép thuật để được giàu sang phú quý. Phép thuật của Ma Cô Tiên giao cho Thôi Vỹ ở đây là phép chữa bệnh u bướu.
Ứng Huyền đem Thôi Vỹ sang nhà Nhâm Ngao; Thôi Vỹ lấy ngải ra cứu, cái nhọt lập tức lành ngay. Nhâm Ngao rất mừng, nuôi Vỹ làm con, mở trường để dạy Vỹ; tính Vỹ thông minh, ưa thích đàn cầm, thấy con gái Nhâm Ngao là Phương Dung mới đem lòng yêu dấu, nhân cùng nàng tư thông, tình ý quyến luyến; con Ngao là Nhâm Phu biết được, muốn làm cho Vỹ chết.
Nhờ có phép thuật của Ma Cô Tiên Thôi Vỹ đã được Nhâm Ngao nuôi dạy và còn tư thông với con gái của Nhâm Ngao.
Đoạn tiếp theo truyện kể việc Thôi Vỹ rơi xuống hang, gặp Ân Hậu rồi quay trở về.
… Bỗng thấy có một người râu dài, bụng to tiến lên dâng biểu, quỳ xuống mà tâu rằng: “Ngày mồng 3 tháng giêng, người phương Bắc là Nhâm Ngao đã bị thần Xương Cuồng đánh chết”. Tâu xong, Hậu bèn nói: “Dương quan nhân hãy đưa Thôi công tử trở về trần thế”. Ân hậu tiễn khách quay vào. Dương quan nhân bèn bảo Vỹ nhắm mắt, ngồi lên vai mình. Hơn một khắc sau đã đến tới đỉnh núi. Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trên núi, nay con dê ấy còn ở sau đền Việt Vương trên núi Trâu.
Sau Vỹ về đến nhà Ứng Huyền thuật chuyện cho Ứng Huyền nghe. Đến ngày mồng một tháng Tám, Vỹ cùng với Huyền đi chơi thì gặp Ma Cô Tiên dắt một người con gái đem cho Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Toại, nói đó là ngọc châu, từ thuở trời đất mới khai tịch đã có một cặp trống mái từ đời Hoàng Đế trải đến đời Ân truyền làm thế bảo
Đây là lần thứ hai Ma Cô Tiên đã dắt gái đem cho Thôi Vỹ. Có lẽ chính từ sự tích này mà trong dân gian đã hình thành tên “ma cô” chỉ những người làm nghề mối lái, dắt gái.
Câu chuyện trên đầy màu sắc thần bí, tưởng như là hoang đường nhưng ở chính miền Trâu Sơn ấy nay vẫn còn những di tích lưu lại được, cho dù các vết tích đã bị tàn phá, hủy hoại rất nhiều.

Trieu Vu De o Huu Bang 2
Tượng Triệu Vũ Đế ở chùa Hữu Bằng.

Trước hết là ở chùa Hữu Bằng ở xã Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh hiện còn lưu giữ được một pho tượng gỗ Triệu Vũ Đế. Theo các sắc phong hiện còn lại ở bảo tàng Bắc Ninh thì toàn bộ khu vực xung quanh núi Trâu Sơn đều tôn Triệu Vũ Đế làm thành hoàng. Đây là bằng chứng hiện hữu về tục thờ Triệu Vũ Đế ở vùng núi Trâu Sơn, xác nhận chi tiết trong Truyện Giếng Việt về việc Triệu Đà và Nhâm Ngao đóng quân ở Trâu Sơn. Tượng Triệu Vũ Đế (và hoàng hậu) ở đây có thể chính là di vật còn lại từ ngôi đền thờ Triệu Việt Vương ở Trâu Sơn mà Truyện Giếng Việt nhắc đến.

IMG_9592Đình Châu Cầu.

Theo tư liệu của Bảo tàng Bắc Ninh, ở làng Châu Cầu của xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh hiện còn 12 trang thần tích về Triệu Đà và và nội dung 09 đạo sắc phong cho Thiên tiên Thánh mẫu đệ nhất cửu trùng công chúa. Trong làng Châu Cầu có một di tích cổ là chùa Cô Tiên. Ngôi chùa tuy mang cái tên rất “Nôm” na, nhưng đây lại từng là một ngôi chùa lớn có 99 gian, là một danh lam cổ tích, hiện còn lưu được những tấm bia từ thế kỷ 17-18.
Đặc biệt, theo tư liệu của Viện Hán Nôm thì chùa này có tên đầy đủ là Ma Cô Tiên 麻姑仙. Tên Ma Cô Tiên của chùa này xác nhận đây chính là di tích liên quan tới Truyện Giếng Việt về tiên nữ Ma Cô đã giúp Thôi Vỹ được vinh hoa phú quý thời Triệu Vũ Đế. Chùa này vốn là nơi thờ tiên Ma Cô, có từ rất lâu. Rất có thể Thiên tiên thánh mẫu ở làng Châu Cầu là vị Ma Cô Tiên này, vì rất hiếm khi gặp Mẫu Cửu trùng là thành hoàng một làng như ở đây và sự tích của làng không liên quan gì tới Mẫu Cửu trùng.

IMG_9634
Bia cổ ở chùa Cô Tiên.

Ma Cô là nhân vật trong thần thoại của Đạo giáo, sự tích về bà sớm xuất hiện trong tác phẩm Thần tiên kỷ của Cát Hồng. Điển tích về tiên nữ Ma Cô kể thời Hán Hoàn đế thần tiên Vương Viễn tự Phương Bình có hẹn cùng tiên nữ Ma Cô xuống nhà Thái Kinh dưới hạ giới để uống rượu. Trong bữa tiệc, Ma Cô tự mình nói với Phương Bình rằng: “Từ lần gặp gỡ trước đến nay, đã thấy Đông Hải ba lần biến thành đồng dâu, hướng đến đảo Bồng Lai thì lại thấy nước cạn đi so với trước, xem thời gian thì ước đoán đã cạn đi một nửa, lẽ nào lại sắp biến thành gò đống, lục địa ư?”. Phương Bình cười nói: “Thánh nhân đều nói, Đông Hải sắp sửa nổi lên thành cồn đất rồi đó!”.
Vì Ma Cô “đã thấy Đông Hải ba lần biến thành đồng dâu” cho nên người ta thường lấy Ma Cô ví với sự trường thọ.
Thành ngữ “bãi bể nương dâu” là từ câu nói trên của Ma Cô. So với sự tích về Ma Cô trong Truyện Giếng Việt thì ý nghĩa của thành ngữ này nay có thể hiểu khác. Đông Hải thời cổ của Trung Hoa chắc chắn chỉ biển Đông – vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam. Còn hướng ra Bồng Lai tức là hướng ra vịnh Hạ Long, chốn tiên cảnh Bồng Lai của hạ giới. Đông Hải tương đương với Hải Dương, chỉ khu vực ven biển xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Núi Trâu Sơn nằm giáp ngay với Chí Linh của tỉnh Hải Dương là chỗ này.
Tiên Ma Cô có từ thời Ân và xuất hiện lại vào thời nhà Hán. 3 lần “bãi bể thành nương dâu” như thế thực ra là chỉ 3 lần thay đổi triều đại trong lịch sử Trung Hoa: Ân Thương sang Chu, Chu sang Tần và Tần sang Hán (Triệu), như được nhắc tới đầy đủ trong Truyện Giếng Việt. Còn câu nói của Phật Phương Bình thời Hán Hoàn Đế: “Đông Hải sắp sửa nổi lên thành cồn đất rồi đó” ý chỉ triều đại lại sắp thay đổi một lần nữa.

IMG_9616
? Cô Tiên tự hậu phật bi ký.

Tiên Ma Cô không chỉ là biểu tượng của trường thọ mà còn là của sự phú quý, hạnh phúc mang đến những thứ quý giá như ngọc Long Tụy và hôn nhân hỷ sự. Tiên Ma Cô cũng là nhân chứng cho sự thay đổi, tiến hóa của lịch sử Việt – Trung Hoa trên miền đất ven biển Đông.

 

 

Bàn Vương và người Dao

Đồng bào người Dao là dân tộc có nhiều phong tục mang đậm dấu ấn tâm linh. Trong đó quan trọng có lễ cúng Bàn Vương, người được coi là thủy tổ đã sinh ra 12 nhánh dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, lễ làm cho người đến tuổi trưởng thành, người Dao quan niệm rằng có trải qua lễ cấp sắc mới biết lễ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên.

IMG_7217Bàn thờ Bàn Vương trong lễ hội Bàn Vương của người Dao tại Hồ Thầu, Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Truyền thuyết về Bàn Vương của người Dao có nhiều dị bản. Như người Dao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang kể: tuy là vua nhưng Bàn Vương vẫn giữ thói quen sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Ngài luôn căn dặn các con phải chăm chỉ lao động sản xuất. Có một lần, Bàn Vương cùng tùy tùng lên núi săn bắn, đuổi theo một con sơn dương bị thương, chẳng may bị sơn dương húc, ngài ngã vào cây gù hương và mất tại đó. Thi thể Bàn Vương bị vướng trên nhành cây, các con bèn chặt cây làm thân trống, đuổi bắt con sơn dương để lấy da làm trống tế lễ Bàn Vương. Từ đó, cứ đến khoảng tháng 2 Âm lịch hàng năm, con cháu người Dao từ đời này sang đời khác phải nhớ ngày cúng giỗ Bàn Vương, thể hiện sự biết ơn với tổ tiên đã sinh ra họ.

IMG_7205Sách cúng người Dao ở Hồ Thầu, Hoàng Su Phì có đoạn:
出世長水國 盤胡儀儀置天地 置得男多女又水 聞説今朝有状請 盤胡着病是何日 何人抯水箒洗面 盤胡何年何月死
Bàn Hồ xuất thế trường thủy quốc
Bàn Hồ nghi nghi trí thiên địa
Trí đắc nam đa nữ hựu thủy
Văn thuyết kim triều hữu trạng thỉnh
Bàn Hồ trứ bệnh thị hà nhật
Hà nhân tra thủy trửu tẩy diện
Bàn Hồ hà niên hà nhật tử…
Quan niệm Bàn Vương khai thiên lập địa như trong sách cúng người Dao đã dẫn ở trên tương đồng với truyền thuyết Trung Hoa về ông Bàn Cổ bổ vỡ khối hỗn mang phân chia trời đất. Tuy nhiên, truyền thuyết Bàn Hồ của người Dao có nhiều chi tiết hơn, mô tả một thời kỳ rõ ràng hơn, đã có phân hóa, có đấu tranh trong xã hội. Bàn Hồ ở đây phải chỉ một giai đoạn khác so với thời Bàn Cổ sáng thế.
Chuyện Bàn Hồ của người Dao kể về một con Long Khuyển và cuộc chiến giữa hai nhân vật huyền thoại là Bình Hoàng – Cao Vương. Long Khuyển vốn ở trên trời và được Bình Hoàng hết mực yêu quý. Khi Bình Hoàng quyết tâm tiêu diệt Cao Vương, Long Khuyển xin được nhận nhiệm vụ đó. Cảm kích trước sự dũng cảm của Long Khuyển, Bình Hoàng hứa rằng nếu nhiệm vụ kia hoàn thành, sẽ gả con gái cho Long Khuyển. Bàn Hồ (tên con Long Khuyển) bơi 7 ngày 7 đêm qua đại dương thì đến địa phận của Cao Vương. Cao Vương thấy con chó dài 3 thước, lông đen mượt có vằn vàng cho là giống vật quý liền đem về nuôi trong cung. Nhân lúc Cao Vương say rượu, Long Khuyển chồm lên cắn chết, ngoạm lấy đầu rồi bơi về báo công. Bình Hoàng giữ đúng lời hứa, gả con gái cho Long Khuyển và ban cho một vùng đất. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 trai, 6 gái) và được nhạc phụ ban sắc thành 12 họ là họ Bàn, họ Mãn, họ Trần, họ Lan, họ Đặng, họ Tống, họ Phượng, họ Lương, họ Uyển, họ Triệu, họ Đới, họ Lưu…
Vậy Bàn Hồ, vị thủy tổ của 12 họ người Dao là ai và những truyền thuyết trên là hình bóng của giai đoạn lịch sử nào của dân tộc này?

IMG_7418Các họ người Dao làm lễ 12 bái trong lễ cúng Bàn Vương ở Hồ Thầu.

Một tập tục gợi ý về nguồn gốc của người Dao là tục ăn Tết của người Dao và người Mông (nhóm Miêu – Dao) theo Âm lịch, nhưng lại trước ngày Tết hiện tại của người Việt và người Trung Quốc 1 tháng. Lịch Âm hiện nay đang theo lịch của nhà Hạ, lấy tháng Dần làm tháng Giêng đầu năm, hay còn gọi là lịch kiến Dần. Như thế người Miêu – Dao ăn Tết theo lịch kiến Sửu, lấy tháng Sửu làm tháng Giêng. Lịch kiến Sửu là lịch của nhà Thương.
Người Dao còn bảo lưu được tập tục dùng lịch của nhà Thương, nên khả năng nhà Thương chính là tổ tiên của nhóm dân tộc này. Với nhận định như thế, có thể phân tích so sánh câu chuyện Bàn Vương với lịch sử lập quốc của nhà Thương.
Nhà Thương bắt đầu từ vua Thành Thang, được sự giúp đỡ của một hiền thần là Y Doãn đã diệt Hạ Kiệt. Căn cứ vào Trúc thư kỷ niên, Y Doãn được Thành Thang cử sang làm gián điệp bên nhà Hạ, lợi dụng sự bất mãn của nàng Muội Hỷ khi nàng không còn được Hạ Kiệt sủng ái để lấy tin tức về tình hình Hạ Kiệt. Sau khi nắm được nội tình nhà Hạ, Y Doãn trở về với Thành Thang.
Hành trạng của Y Doãn khá giống với sự tích long khuyển Bàn Hồ của người Dao. Cao Vương hay Cao Tân ở đây là Hạ Kiệt. Bình Hoàng là vị vua Thành Thang, nhờ sự giúp đỡ của Y Doãn đã thành công trong việc lật đổ Hạ Kiệt lập nên triều Thương. Y Doãn đã phò tá 4 đời vua Thương nối tiếp nhau, sau tự mình nắm quyền vua Thương, rồi cuối đời trao lại ngôi cho Thái Giáp.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Nhật từng phân tích ý nghĩa của chú chó Bàn Hồ:
– Khuyển hay Khang là tính chất của hướng Tây. Cẩu (chó) cũng là cửu, chỉ hướng Tây.
– Chú chó Bàn Hồ đi về Nam Sơn, sinh ra 6 người con trai và 6 người con gái, thành tổ tiên của 12 họ người Dao. Hướng Nam xưa nay là hướng Bắc nay, tượng bởi quẻ Cấn – núi. Số 6 là con số chỉ hướng Nam xưa (Bắc nay) trong Hà thư.
Như thế Long khuyển Bàn Hồ có xuất xứ từ phía Tây và di dời lên phía Nam xưa (Bắc nay). Định vị này hoàn toàn tương ứng với vị trí Tây Bắc của nhà Thương so với nhà Hạ ở phía Đông Nam.
Chi tiết Bàn Vương (hay Bàn Hồ) đã dẫn người Dao bơi 7 ngày bảy đêm trên đại dương để đến nơi ở mới cũng tương đồng với việc nhà Thương đã năm lần bảy lượt di cư. Đặc biệt là dưới thời vua Bàn Canh dân nhà Thương đã theo vua vượt sông Dương Tử lên phía Nam (xưa) hay Bắc nay. Tên vua Bàn Canh cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa vị vua Thương này với người Dao.

IMG_8678

Một ngôi nhà người Dao ở Quản Bạ, Hà Giang.

Di chỉ thời Thương mang tên Bàn Long Thành nay ở tỉnh Hồ Bắc, ngay phía Bắc sông Dương Tử. Đây là dấn ấn rõ ràng nhất của sự kiện Bàn Canh dẫn dân Thương vượt hà. Long là từ chỉ vua nên Bàn Long Thành tức là thành của Bàn Vương, mà Bàn Vương lại là thủy tổ người Dao.
Truyền thuyết và tục thờ cúng Bàn Vương của người Dao như vậy xác nhận họ chính là hậu duệ của nhà Thương từ Thành Thang, Y Doãn, Bàn Canh. Nhà Thương gắn liền với việc phát triển của chữ viết, với chữ trên xương cốt và mu rùa (chữ giáp cốt) đã được phát hiện. Người Dao đến nay vẫn còn sử dụng loại chữ Nho đó để ghi chép, thờ cúng, cho dù họ có tiếng nói (phát âm) riêng. Trong lễ cúng của họ còn có điệu múa Bắt rùa độc đáo, có lẽ gắn với việc sử dụng mu rùa trong cúng bài từ thời Thương.

IMG_7483Các thầy cúng trong điệu múa Bắt rùa ở lễ hội Bàn Vương tại Hồ Thầu.

Các hình tượng rồng trên đồ đồng Thương Chu

Tóm tắt các hình tượng con của rồng trên đồ đồng Thương Chu.

Bi hi

1. Bí hí hay Bá hạ nghĩa là gắng sức đỡ từ bên dưới, chỉ hình con rùa.

Phu hi

2. Phụ hí là con vật gánh, vác phía trên.

Thao thiet

3. Thao thiết là mặt sắt hay rắn mặt. Ý nghĩa thần quyền.

Tieu do

4. Tiêu đồ hay Phô thủ là đầu nhô ra. Chỉ đầu hình thú ngậm vòng.

Be ngan

5. Bệ ngạn là con hổ giữ ngục hay ở chốn công đường.

Kim nghe

6. Kim nghê là hổ kim loại, thích lửa trên nắp đồ đựng nóng và lư hương.

Bo lao

7. Bồ lao là con vật hiến tế, kêu to khi bị giết, dùng trên chuông.

Nhai ti

8. Nhai tí là trợn mắt, biểu thị sự uy mãnh trên vũ khí.

Si van

9. Si vẫn hay Ly thủ là đầu thú ở chỗ mép ly hợp tiếp giáp.

Trao phong

10. Trào phong là đón gió, chỉ cả con thú đứng chỗ cao ngẩng đầu.

Cong phuc 2

11. Công phúc là loại rắn dẫn nước.

10 đứa con của rồng trong văn hóa Hoa Việt

Truyền thuyết “Long sinh cửu tử” xuất hiện dưới thời Tống – Minh đã tập hợp lại một số hình tượng thú giống rồng có vai trò trang trí trong kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật truyền thống như thao thiết, bồ lao, nhai tí, bí hí, si vẫn,… Số lượng những đứa con rồng theo các tài liệu khác nhau lên tới hơn 10 loại. Những hình tượng này có vai trò khá quan trọng trong văn hóa truyền thống vì chúng làm nên nét riêng biệt của các di tích đền đài và các đồ vật thờ liên quan.
Tuy nhiên, câu hỏi về nguồn gốc nguyên mẫu ban đầu và ý nghĩa sơ khởi của những biểu tượng các đứa con của rồng là gì thì hiện vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Những khảo sát gần đây của các học giả Việt Nam mới dừng lại ở các văn vật từ thời Đinh Lý, chưa đủ để trả lời cho câu hỏi này. Truy nguyên nguồn gốc các đứa con của rồng phải lùi xa hơn nữa, vào lúc và ở nơi mà hình tượng rồng ban đầu xuất hiện thì mới có thể biết những đứa con của rồng được “sinh ra” và “lớn lên” như thế nào. Đồng thời qua đó cũng có thể hiểu được vai trò của văn hóa Việt Nam trong việc hình thành các hình tượng này.
Hình tượng Rồng trong văn hóa Trung Hoa xuất hiện khá sớm, ngay từ thời kỳ đồ đá mới đã có hình rồng bằng đá ngọc trong văn hóa Hồng Sơn hay trên tông ngọc của văn hóa Lương Chử. Sang tới thời Thương, thiên hạ Trung Hoa bước vào giai đoạn đồ đồng thì con rồng trở thành biểu tượng hoa văn mỹ thuật rất phổ biến trên các vật dụng. Trên hầu hết các đồ đồng thời kỳ này đều có thể bắt gặp hình rồng với những biến thể khác nhau, rất đa dạng. Đồ đồng Trung Hoa đạt đỉnh cao rực rỡ vào thời Thương Chu, tương ứng thời gian với văn hóa trống đồng Đông Sơn, một nền văn hóa cũng không kém phần huy hoàng ở phía Nam.
Trong truyền thuyết Việt thì sự phát triển của hình tượng Rồng được thể hiện qua Truyện Họ Hồng Bàng. Dòng dõi theo cha Rồng Lạc Long Quân đi xuống biển về phía Đông Nam xưa, tức là Đông Bắc nay, hình thành nên khu vực văn hóa khảo cổ Ân Thương. Dòng theo mẹ đi lên núi về phía Tây Bắc được nhấn mạnh hơn với các hình tượng chim hạc và hươu (Hà và Lạc) trên trống đồng Đông Sơn, chính là văn hóa Chu. Trên thực tế, có thể gặp những hiện vật giao thoa giữa cả 2 dòng văn hóa cha Rồng mẹ Tiên này như hình tượng giao long trong văn hóa Đông Sơn hay chim hạc trên đồ đồng Thương.
Ở Việt Nam tồn tại cả 2 dòng đồ đồng nói trên. Dòng đồ đồng Đông Sơn có mặt ở nước ta thì đã rõ. Còn dòng đồ đồng Thương Chu thường được gọi là đồ đồng Hán, cho dù niên đại của những đồ đồng này có trước thời Hán.
Nghệ thuật thời Thương Chu cũng như Đông Sơn mang tính chất biểu tượng cao. Giai đoạn càng cổ xưa thì tính biểu tượng lại càng cao. Tới cuối thời Chu các hoa văn, hình trang trí trên đồ vật bắt đầu dần trở nên “tả thực” hơn. Sang thời Hán đồ đồng làm dưới dạng các tượng người, thú giống như thật. Cũng chính vì tính biểu tượng cao này mà đồ đồng cổ Thương Chu đóng vai trò nguồn gốc cho các hình tượng văn hóa sau này của phương Đông.
Hình tượng Rồng trong văn hóa phương Đông đạt đỉnh cao đầu tiên là trên các đồ đồng thời Thương Chu – Đông Sơn. Do đó đây cũng là lúc mà “rồng sinh con”, hay là lúc hình thành các biến thể của hình tượng rồng, phù hợp và đáp ứng các yêu cầu khác nhau của nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng. Vì vậy, muốn tìm nguồn gốc những đứa con của rồng cần khảo sát hình tượng rồng trong các đồ đồng của thời kỳ này.
Ý nghĩa và nguồn gốc của những hình tượng thường được thể hiện qua ngay tên gọi. Nên việc tìm hiểu các hình tượng con của rồng cần đi sâu phân tích tên gọi của chúng. Nhiều khi tên gọi đọc lên nghe tưởng là tiếng Hán, tên chữ lạ hoắc, nhưng thực ra đó chỉ là cách ghi âm tiếng Nôm mà thôi, vì thực tế các hình tượng này là hình tượng của văn hóa Việt (Bách Việt). Áp dụng “Nôm na pháp” giúp cung cấp thêm thông tin xác thực về ý nghĩa và nguồn gốc của các hình tượng con của rồng.

1. Bí hí
Bí hí 贔屭 theo nghĩa của chữ là “gắng sức làm”. Hình tượng này có hình dáng của con rùa, dùng để đỡ các vật nặng. Các tác giả hiện nay liên hệ nó với truyền thuyết Nữ Oa chặt chân con Ngao ngoài biển để chống trời hay so sánh với con rùa vũ trụ trong Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, Rùa đội bia hay đội vật nặng trong văn hóa phương Đông không thiếu gì khả năng từ những nguồn gốc khác thuyết phục hơn.
Truyền thuyết Việt cho biết người Việt cổ theo hình dáng của con Rùa mà làm ra nhà sàn với các cột lớn chống đỡ cho ngôi nhà. Vậy biểu tượng rùa mang vật nặng hoàn toàn có thể xuất phát ngay từ khi người Việt biết làm nhà sàn, một loại nhà phổ biển trên toàn cõi Đông Nam Á. Hình ảnh Nữ Oa chống trời cũng chỉ là biểu tượng hóa của cách bắt chước rùa làm nhà sàn, chống mái (trời) bằng cột mà thôi. Người Hán ở vùng sông Hoàng Hà không có “bản quyền” về truyền thuyết này vì họ không hề làm nhà sàn mà chỉ có các loại nhà đắp đất. Đồng thời họ cũng không có các loài rùa lớn hay ba ba. Xuất phát điểm của người Hán ở Thiểm Tây thậm chí không hề giáp biển để mà có con Ngao cho Nữ Oa chặt chân. Con rùa chống vật nặng như vậy vốn xuất phát từ vùng ven biển Đông trong lịch sử tộc Việt.
Trên đồ đồng Thương Chu nét biểu tượng của Rùa – Bí hí nằm ở những cái chân của các đồ vật. Chân đỉnh, chân vạc, chân ấm… của các đồ đồng thời kỳ này đều làm to, ngắn, trông giống như chân voi. Bí hí còn có tên là Bá hạ, có thể cùng nghĩa là chống đỡ từ phía dưới. Vậy là có thể thấy chân Rùa hay yếu tố Bí hí trong các đồ đồng cổ bởi người Việt đã theo hình con rùa mà làm nhà, làm chân cột chống đỡ các đồ vật.

IMG_5465
Phần chân của chiếc hủy quang tê giác thời Tây Chu.

Con Rùa còn liên quan trực tiếp tới văn chương chữ nghĩa qua một số truyền thuyết. Đó là việc Việt Thường cống vua Ðường Nghiêu rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa. Rồi từ trên lưng con rùa thần mà Đại Vũ đã ghi lại Lạc thư. Hay Phục Hy chép Bát quái cũng từ lưng rùa. Hiển hiện hơn, loại chữ cổ xưa của Trung Hoa từng được phát hiện cũng là chữ viết trên mu rùa, gọi là chữ Giáp cốt. Chính vì những sự tích này mà con Rùa mới gắn với chữ nghĩa, mới đội văn bia nơi đền miếu.
Cái tên gọi Bí hí như vậy chỉ nên dùng để chỉ Rùa khi nó đội các vật nặng (tháp, công trình kiến trúc), hoặc chỉ các chân đỡ giống như chân Rùa. Những con rùa đội bia nên vẫn gọi là Rùa thì hơn vì nó không có tính chất “gắng sức làm” của từ bí hí mà mang tính chở văn chương.

2. Thao thiết
Xuất hiện sớm nhất trong số các đứa con của rồng trên văn vật cổ là hình tượng Thao thiết. Chữ ghi âm này hiện dùng là 饕餮, gắn với bộ thực 食 là ăn uống. Tuy nhiên hình tượng Thao thiết ban đầu không phải chỉ xuất hiện trên các đồ đựng thức ăn. Nó xuất hiện đầu tiên trên tông ngọc của văn hóa Lương Chử dưới dạng một bộ mặt có mắt, mũi to, miệng rộng. Sau đó Thao thiết phát triển gặp phổ biến trên các đồ đồng thời Thương có hình mặt thú mắt to, mũi lớn, có sừng. Thao thiết là bằng chứng trực tiếp cho thấy rằng hình tượng những đứa con của rồng trong truyền thuyết Long sinh cửu tử chính là bắt nguồn từ các hình trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu.

download (1)Ống tông có mặt Thao thiết của văn hóa Lương Chử.

8b434-lich20ba20cu
Lịch đồng thời Tây Chu với hình Thao thiết ở 3 mặt.

Tông ngọc cũng như các đồ đồng đỉnh, lịch, bình rượu,… thời Thương có mục đích sử dụng chính không phải để đựng thức ăn mà là đồ tế khí. Vì vậy bộ mặt Thao thiết thực chất ban đầu mang nghĩa thần quyền, tạo cảm giác kỳ bí cho hiện vật. Về sau Thao thiết thể hiện tính uy nghiêm, sự cứng rắn của vương quyền.
Thao thiết còn gọi là Thú diện văn. Gốc của từ này đơn giản có thể là dạng tiếng Việt “đầu cứng”, thể hiện trong các thành ngữ “mặt sắt đen sì” hay “rắn mặt”. Thao là biến âm của từ Đầu. Thiết là cứng, là kim loại.
Thao thiết thường có hình dạng một mặt thú, có sừng như sừng trâu. Vị thần đầu trâu trong văn hóa phương Đông là Viêm Đế Thần Nông. Cũng vị thần này đã dạy dân trồng lúa, có cái ăn cái mặc. Có thể vì vậy mà chữ Thao thiết được viết với bộ thực 食 (lương thực). Thao thiết như thế là biểu tượng của Thần Nông hay của sự no đủ.

IMG_1879Ấm đồng thời Tây Chu trang trí toàn bằng Thao thiết ở cả phần thân và nắp.

3. Tiêu đồ
Tiêu đồ 椒啚 thường có hình mặt thú, nhưng kích thước nhỏ hơn Thao thiết (trong tương quan so với đồ vật có hình tượng này). Đặc điểm nữa là Tiêu đồ có ngậm vòng hay tay nắm với ý nghĩa đóng kín, nắm chắc, khác với Thao thiết có miệng mở rộng.
Tiêu đồ còn có tên là Phô thủ. Phân tích có thể thấy, cả 2 tên này đều cùng một nghĩa. Tiêu tương đương với Phô, nghĩa là nhô lên, nhô ra. Đồ là âm đọc khác của Đầu. Như thế hiểu đơn giản đây là hình cái đầu thú nhô ra. Truyền thuyết kể Tiêu đồ là loài trai ốc. Điều đó có nghĩa là hình Tiêu đồ không có thân, chỉ có đầu nhô ra.
Hình đầu thú nhỏ ngậm vòng hay ngậm tay cầm gặp nhiều trên đồ đồng Thương Chu. Ví dụ trên các chiếc bình có vòng bên hông. Hay thậm chí ở quai các chiếc tước đồng có hình đầu thú ngậm quai cũng có thể coi là tiền thân của biểu tượng Tiêu đồ.

IMG_7247 (2)Hình đầu thú ngậm vòng trên chiếc bình thời đầu Chiến Quốc (Ảnh chụp theo Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

IMG_5408
Tay cầm chiếc tước thời Thương có hình đầu thú.

Hình Tiêu đồ tương tự còn gặp cả trên các đồ đồng Đông Sơn, như trên thố đồng hay tay nắm cửa.

P1170134Tay nắm hình mặt thú (Ảnh chụp hiện vật của Bảo tàng lịch sử).

P1170135Thố đồng Đông Sơn có hình mặt thú ngậm vòng (Ảnh chụp hiện vật của Bảo tàng lịch sử).

4. Kim nghê
Cho dù cụm từ Toan nghê 狻猊 tiếng Hán dịch là sư tử nhưng chắc chắn nguồn gốc Kim nghê không phải lấy nguyên mẫu của sư tử vì phạm vi phương Đông chưa bao giờ có sư tử sinh sống. Kim nghê lại càng không bao giờ đi đỡ tượng hay làm thú cưỡi cho Phật.
Hình tượng một con vật như loài thú móng vuốt trên nắp đồ vật thực ra đã gặp từ thời Chiến Quốc. Như trên nắp một chiếc liễn đồng thời này, hình dáng hoàn toàn giống Kim nghê ngày nay.

IMG_7255Phủ đựng thức ăn thời Xuân Thu (Ảnh chụp theo Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

Hay một hình ảnh khác là như trên chiếc nồi hổ ba chân cũng khoảng thời Chiến Quốc. Chức năng của nó là làm tay cầm cho phần nắp (vung nồi).

IMG_1473

Như vậy ban đầu Kim nghê vốn là hình con hổ trên nắp các đồ dùng. Vì Hổ cũng là Hỏa, là lửa, nên Kim nghê dùng biểu trưng cho các vật nóng, sau thành ra loại thích khói lửa để trên nắp các lư hương hay chỗ hóa vàng.
Cần phân biệt hình tượng Kim nghê (nghê trên đồ kim loại) với con Nghê chầu ở các di tích thờ cúng, thường bằng gỗ, đá, sành sứ. Con Nghê ở các di tích mang ý nghĩa là con vật đứng chầu ngay ngắn (ngô – nghê – ngay, thực ra đều là tiếng Việt cả), nghiêm trang. Do đó có rất nhiều loại Nghê khác nhau cùng chức năng đứng chầu từ nghê chó, nghê rồng, nghê sư tử, nghê kỳ lân, đến cả nghê cá.

5. Bồ lao
Bồ lao 蒲牢 là biểu tượng có hình rồng hai đầu, thường dùng làm quai treo chuông. Theo truyền thuyết thì đó là một loài thú hoặc chim ở biển, khi gặp cá kình thì kêu rất to. Chi tiết loài Bồ lao sống ở biển cũng đủ thấy đây là hình tượng của văn hóa Bách Việt vì địa bàn của Hán tộc vốn không giáp biển. Chưa kể một vài tài liệu nói Bồ lao ở biển Nam Hải hay biển Đông. Biển Đông thì chỉ có thể là ở giáp vùng đất Việt ngày nay.
Chữ Lao nghĩa là vật hiến tế. Chữ Bồ không có nghĩa, có thể đơn giản là từ chỉ định “con”, “cái”. Bồ lao hiểu nghĩa đen là con vật dùng để hiến tế. Có thể con vật hiến tế cho thủy thần (cá kình) xưa khi bị giết hay bị ném xuống nước kêu rất to. Người ta mới lấy đó làm truyền tích cho hình tượng Bồ lao.
Hình tượng rồng 2 đầu hay 2 con rồng đấu đuôi vào nhau gặp trên các não bạt, bác (dạng chuông nhỏ) từ thời Chiến Quốc. Những con rồng này được thể hiện với phần miệng đang há to như đang kêu. Rõ ràng rồng hai đầu trên nhạc khí đồng thời Chiến Quốc là tiền thân của hình tượng Bồ lao trên các chuông đồng sau này.

hien_vat 8_kienthuc_cxeoChuông đồng thời Xuân Thu (Ảnh internet).

Bac Son 042
Chuông đồng Chiến Quốc có hình rồng đấu đuôi.

6. Nhai tí
Nhai tí hay Nhai xải có chữ là 睚眥. Chữ này nghĩa thường là nhìn một cách khinh bỉ. Hình tượng Nhai tí dùng đúc tạc ở chuôi cán vũ khí.
Hình rồng trên cán vũ khí đã xuất hiện từ thời Chiến Quốc trong cả đồ đồng Thương Chu cũng như đồ Đông Sơn. Ban đầu là cả một cụm rồng nối nhau như trên chuôi kiếm. Cũng có những chiếc qua đồng của thời này với phần chuôi là hình cả con rồng. Như vậy hình tượng Nhai tí cũng có nguồn gốc là trang trí rồng trên vũ khí đồng từ thời Chiến Quốc.

IMG_7244 (2)Qua đồng thời Chiến Quốc (Ảnh chụp theo Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

img_4597-e1508257236855.jpg
Chuôi kiếm có hình hủy long.

7. Si vẫn
Si vẫn 螭吻 còn gọi là Ly đầu hay Ly thủ, nghĩa là đầu con Ly. Hình tượng này dùng trên nóc nhà ở nơi tiếp giáp của mái. Dân gian gọi là con Kìm (ở đỉnh mái) hay con Sô (biến âm của Si) ở góc mái.
Gợi ý về nguồn gốc của Ly đầu là chiếc bình Phỏng Chu Ly thủ phương hồ của vua Minh Mạng làm phỏng theo đồ đồng thời Chu năm 1838. Trên hình mộc bản có thể thấy rõ “Ly thủ” là đầu một loài thú như con hươu, có sừng ở vị trí phía trên nắp của bình.

4
Bản rập Phỏng Chu Ly thủ phương hồ (Ảnh theo Trung tâm lưu trữ quốc gia IV).

Hay thường gặp trên đồ đồng thời Thương như trên dữu (loại bình có nắp và quai) ở chỗ tiếp giáp là hình đầu trâu. Tương tự ở vị trí đó trên các loại đôn vuông hoặc tròn là hình đầu dê với sừng cong, thậm chí cả đầu voi.

duu-e1508257492201.jpg
Dữu đồng đựng rượu thời Thương.

DonĐôn tứ dương thời Thương.

Như thế, nguyên mẫu Ly đầu là hình trang trí đầu thú ở phần tiếp giáp các bộ phận. Có thể chữ Ly này đồng âm với từ ly rời, chỉ chỗ mà các bộ phận có thể tách nhau. Hoặc Ly = lề, chỉ chỗ tiếp giáp. Từ “vẫn” cũng có nghĩa là mép, chỉ nơi tiếp giáp. Không quan trọng hình đầu thú này có ngậm vật hay không. Thời kỳ đầu Thương Chu thể hiện ở vị trí tiếp giáp trên là các loài hươu, dê hay trâu. Về sau hình tượng này được “long hóa” thành ra hình đầu rồng, trong khi tên gọi vẫn là Ly hay Si.

8. Trào phong
Trào phong 嘲風 là biểu tượng hình một con thú dáng như con hổ đang ngẩng đầu (đón gió). Hình tượng này thường đặt trên bờ dải các công trình kiến trúc. Dân gian gọi là con Náp. Xét trên đồ đồng Thương Chu thì hình tượng tạo nổi ở bên hông các vật dụng chính là tiền thân của Trào phong sau này trên các công trình kiến trúc.
Ví dụ trên chiếc bình thời Xuân Thu, một dạng bình tiêu biểu của thời kỳ này có 2 con vật nửa hổ nửa rồng đang ngoảnh đầu ra ngoài. So sánh thì thấy vị trí và hình tượng của nó rất giống với Trào phong trên đền đài. Hoặc trên chiếc bình thời Chiến Quốc có 4 con rồng được tạo bám 4 góc bình. Nhưng hình rồng hổ ở thành bình đồng Thương Chu chính là tiền thân của con Trào phong sau này trên đền đài.
Hình con Náp hay Trào phong phân biệt với con Kìm hay Si vẫn (con Sô) ở chỗ hình này gồm nguyên cả con thú, đầu ngẩng và đặt ở vị trí lưng chừng, chứ không phải vị trí tiếp hợp các bộ phận.

Binh Xuan thuBình thời Xuân Thu.

Binh Chien quoc
Bình thời Chiến Quốc.

9. Bệ ngạn
Chữ Ngạn trong Bệ ngạn 狴犴 nghĩa là tù ngục. Chữ Bệ có bộ Khuyển, chỉ một loài vật. Loài vật hình như con hổ, hung dữ dùng bày nơi công đường và nhà ngục cũng đã có từ thời Chiến Quốc. Dưới đây là hình một loài hổ cũng tương đối “long hóa” của thời này.

Bac Son 069

10. Công phúc
Công phúc 蚣蝮 là hình tượng được dùng trang trí cầu cống vì tương truyền loài này thích uống nước. Có thể Công là đọc sai của từ Cống. Còn Phúc nghĩa là con rắn. Loài rắn ưa nước gọi là Công phúc.
Rồng uống nước thì cũng có nhiều mô típ trên đồ đồng Thương Chu. Ban đầu là hình rồng có chức năng làm vòi các ấm rượu, như hình rồng trên ấm đồng Tây Chu sau.

IMG_1855

Tới thời Đường rồng hút nước biến thành 2 tay cầm của chiếc bình.

IMG_1435

Thêm một hình tượng nữa là Phụ hí. Chữ phụ 負 có nghĩa là vác, cõng. Chữ hí 屭 có lẽ cũng như trong tên Bí hí, chỉ việc nặng. Phụ hí là hình tượng sử dụng trên các bia, mộ, được dùng thành cặp đôi. Hình dáng hoàn toàn giống rồng. Tiền thân của Phụ hí trên đồ đồng Thương Chu có thể là hoa văn trang trí các quai vạc, quai đỉnh, thông thường cũng là 2 con rồng đầy đủ. Ví dụ như hoa văn 2 con quỳ long trên quai của chiếc lịch thời Tây Chu sau. Vị trí trang trí này cũng phù hợp với cái tên Phụ hí vì nó mang nghĩa mang vác của tay quai đồ vật.

IMG_7292

Như vậy, các hình tượng con của rồng khác nhau đều có nguyên mẫu từ các hình trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu. Điều này hoàn toàn hợp lý vì đồ đồng Thương Chu là một trong những nấc thang đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, làm nền tảng cho sự phát triển các biểu tượng nghệ thuật sau này trên các công trình kiến trúc và vật dụng truyền thống. Cho dù tên chữ Nho của những hình tượng này đọc nghe lạ tai nhưng bản chất các hình tượng đó vẫn là văn hóa Bách Việt, là dòng giống của cha Rồng xưa xuống khai phá vùng ven biển Đông Bắc.

Vài điều về thời dựng nước trong Lĩnh Nam chích quái

Những mẩu truyện trong Lĩnh Nam chích quái là những thông tin hết sức cô đọng về quá khứ của người Việt từ đầu thời kỳ dựng nước. Có nhiều chi tiết trong các chuyện này, đọc đi đọc lại mà không khỏi giật mình vì sự xác tín và thâm sâu của nó. Người Việt đã dùng truyền thuyết lưu lại lịch sử của mình một cách khéo léo nhưng cũng rất rõ ràng. Chỉ là chúng ta “có mắt không tròng” mới đọc mà không hiểu những nhắn gửi của tiền nhân để lại.
Ví dụ, Truyền đầm Dạ Trạch kể: Đồng Tử trở về giảng lại đạo Phật, Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, chợ búa, cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo. Trên đường viễn hành, trời tối mà chưa tới thôn xá, hai người tạm nghỉ ở giữa đường, cầm trượng che nón mà trú thân. Đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng, đền đài, dinh thực, phủ khố miếu xã, vàng bạc châu báu, giường chiếu chăn màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ, la liệt trước mắt. Sáng hôm sau ai trông thấy cũng kinh lạ, đem hương hoa, ngọc thực tới dâng mà xin làm bề tôi. Có văn võ bách quan chia quân túc vệ, lập thành nước riêng.
Truyện kể rất rõ ràng, Chử Đồng Tử sau khi lấy con gái vua đã lập thành một nước riêng, có văn võ bách quan, có quân đội, có thành quách… Tức là Chử Đồng Tử đã lập ra một triều đại riêng, tuy không phải chính thống theo lối thiện nhượng như Sơn Tinh (vì lấy con gái vua mà chưa được đồng ý). Đối chiếu với Hoa sử thì đây là chuyện của Hậu Nghệ, nhân lúc vua Hạ Thái Khang ham chơi săn bắn đã chặn đường về mà đoạt ngôi. Nhà Hạ bị gián đoạn tới Hạ Thiếu Khang mới lại trung hưng.

Lau dai Da Hoa

Cổng đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử với 4 chữ Cận thủy lâu đài.

Câu đối trên cổng đền Đa Hòa ở Khoái Châu về Chử Đồng Tử:
淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
Một câu chuyện khác cũng về thời kỳ vươn ra biển Đông của người Việt là Truyện dưa hấu. Truyện bắt đầu như sau: Về đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai Tiêm vốn người ngoại quốc, khi lên 7, 8 tuổi, vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. Kíp tới khi lớn lên diện mao đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yến, hiệu là An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái…
Mai An Tiêm như thế là một “người ngoại quốc”. “Ngoại quốc” thời Hùng Vương thì chỉ có thể là từ nước Hồ Tôn ở phía Nam. Truyện Mai An Tiêm từng được xác định cũng là sự tích thánh mẫu Thiên Y A Na của vùng miền Trung Việt. An Tiêm = Thiên Yên = Thiên Y A Na. Trong truyền tích Thiên Y A Na lấy hoàng tử Bắc Hải cũng sinh được một trai và một gái, đặt tên là Tri và Quí, rất khớp với Truyện dưa hấu kể rằng An Tiêm sinh được một trai một gái.
Biểu tượng của thánh mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa là loài chim Yến hay chim Tinh Vệ, tha đá ở núi Tây mà lấp biển biển Đông. Còn Mai An Tiêm vốn có tên là Mai Yến, là tên của loài chim này (loài chim đã mang hạt dưa tới cho An Tiêm?). Mai là hướng mặt trời lên (ban mai) hay hướng Đông, được biểu trưng bằng số 8 (Bát) trong Hà thư. Có lẽ Bát Hải đã bị chép nhầm thành ra Bắc Hải, chỉ vị hoàng tử chồng của Thiên Y An Na.
Truyện Đổng Thiên vương thì có đoạn kể Long Quân hiển hiện thành một cụ già tới gặp vua Hùng và nói: Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi có thể dẹp được giặc vậy.
Lời nhắn nhủ của Long Quân rất kỳ lạ. Khi thắng được giặc thì các tướng có công sẽ được phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Đây chính là nói tới việc bắt đầu của chế độ “phong kiến”, phân phong và kiến lập của các chư hầu nhà Chu. Thánh Dóng là vị tướng dẫn đầu quân đội của nhà Chu tiến đánh Ân Trụ Vương. Đối chiếu theo Hoa sử thì có thể Thánh Dóng tương ứng với là Khương Thái Công Lã Vọng. Phải chăng Vọng là biến âm của Dóng? Chuyện Văn Vương cầu hiền gặp được Lã Vọng cũng tương tự như việc vua Hùng cầu người tài đánh giặc Ân vậy. Sau khi thành đại nghiệp Lã Vọng được kiến phong đất ở nước Tề, gọi là Khương Thái Công. Câu nói của Long Quân trong truyện là bằng chứng về khởi điểm chế độ phong kiến, thiên tử – chư hầu của thời Hùng Vương (thời Chu) tại nước ta.
Chế độ phân phong này còn được nhắc đến trong một truyện khác của Lĩnh Nam chích quái. Truyện bánh chưng bánh dày có đoạn: Vua bèn truyền ngôi cho Liêu, anh em hai mươi mốt người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau các tướng tranh giành nhau thường dùng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự…
Rõ ràng đây là chuyện phân phong và kiến lập các chư hầu. Lang Liêu hay Văn Lang là Chu Văn Vương, người đã tác Dịch, được truyền thuyết kể là làm ra bánh chưng bánh dày (bánh trăng bánh giời hay âm dương, tròn vuông). Nhà Chu đã phân phong cho các công thần và anh em trong dòng tộc cùng họ Cơ các vùng đất, sau thành các nước chư hầu. Các nước chư hầu tới thời Đông Chu thì nổi lên bá đạo, rồi vương đạo, tranh giành nhau qua các thời Xuân Thu Chiến Quốc, đúng như truyện kể trên. Thậm chí truyện còn dùng cả hình ảnh thực tế là cái hàng rào gỗ để ghi nhận sự tranh giành giữa các chư hầu, 21 người anh em của Lang Liêu…

Ho Phung Di

Núi Trâu Sơn nhìn từ hồ Phùng Dị (Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh).

Đặc biệt có một địa danh rất linh thiêng của nước Việt cổ, được nhiều truyện trong Lĩnh Nam chích quái nhắc tới, đó là núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, gần khu vực Lục Đầu giang. Đây là nơi Thánh Dóng đánh giặc Ân theo truyền thuyết. Vua Ân chết tại trận ở núi này và được lập đền miếu. Truyện Giếng Việt kể tới thời Tần Nhâm Hiêu làm quan ở Long Xuyên, có Thôi Vĩ là con của ngự sử đại phu nhà Tần (Thôi Lượng) sau khi chữa bệnh cho Nhâm Hiêu thì ngã xuống giếng tại núi Trâu Sơn. Thôi Vĩ gặp một con rắn trắng lớn, trên trán có chữ Vương Kinh Tử (dòng dõi của Kinh Vương hay Lạc Vương?). Rắn dẫn Thôi Vĩ gặp Ân hậu… Khi trở về có Dương quan đưa đường. Dương quan sau đó hóa thành con dê đá ở sau chùa Triệu Việt Vương.
Còn Truyện đầm Nhất Dạ cho biết: Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập làm Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn huyện Vũ Ninh.
Truyện Rùa vàng, bản A.2107 chép: Về sau nhà vua nhiều lần phá quân Tần Triệu Đà. Đà đóng quân ở Trâu Sơn cùng quân nhà vua đối lũy…
Theo tư liệu này thì Triệu Đà là quân Tần, hay Trọng Thủy là Tần chứ không phải Triệu. An Dương Vương mất nước vào tay nhà Tần chứ không phải Triệu Việt Vương sau này.
Như thế nếu theo các truyện này núi Trâu Sơn ít nhất có các di tích sau:
– Chiến trường Thánh Dóng đánh giặc Ân.
– Miếu Ân Vương.
– Giếng Việt.
– Nơi Triệu Đà (Tần) đóng quân khi đánh An Dương Vương.
– Thành của Triệu Việt Vương thời Tiền Lý Nam Đế.
– Chùa Triệu Việt Vương và con dê đá hóa hình của Dương quan.

Chua Huu Bang

Chùa Hữu Bằng (Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh) ở chân núi Trâu Sơn.

Theo các tư liệu địa chí của Bắc Ninh thời Nguyễn thì những di tích này từng tồn tại ở đây. Núi Trâu Sơn ở Bắc Ninh nay là khu vực huyện Quế Võ với các cái tên xã rất “cổ tích” của miền Giếng Việt: Châu Cầu (Châu = Trâu, có chùa Cô Tiên – nơi Thôi Vĩ gặp tiên nữ Ma Cô?), đầm Thất Gian (nơi Thánh Dóng nhổ tre đánh giặc), Ngọc Xá (liên quan đến viên ngọc Long Tụy?), hồ Phùng Dị (nơi Thôi Vĩ gặp sự lạ, rơi xuống giếng?). Trâu Sơn như vậy là nơi giao thời của các triều đại: từ Thương sang Chu, Chu sang Tần, Tần sang Triệu.
Một câu đối ở chùa Hữu Bằng tại chân núi Trâu Sơn:
有憑灵寺傳自古
樓臺經始永千秋
Hữu Bằng linh tự truyền tự cổ
Lâu đài kinh thủy vĩnh thiên thu.
Quanh núi Trâu Sơn như thế là một khu vực rất đáng được tìm hiểu cặn kẽ cả về mặt sự tích dân gian cũng như khả năng phát hiện những di chỉ khảo cổ của thời kỳ trước Công nguyên.