Văn Lang – Âu Lạc, thiên di hay bản địa?

Nhà “thiên di học” Tạ Đức phát triển ý kiến của học giả Pháp Anrousseau và Đào Duy Anh đã đưa ra thuyết về Nguồn gốc người Việt người Mường, mà phần chủ yếu là về nguồn gốc của nước Văn Lang và Âu Lạc. Giả thuyết của Tạ Đức tóm tắt chính trong 3 hướng thiên di như sau:
1.    Năm 690 TCN nước Sở thôn tính nước La có kinh đô ở Nghi Thành, Hồ Bắc. Hoàng tộc Lạc Việt (La) di tản khắp bốn phương, lập ra các nước/các triều đại mới của người Lạc Việt. Trong khoảng 690 – 682 TCN một nhóm hoàng tộc Lạc Việt họ Hùng đã tới tận vùng lưu vực sông Hồng, quy tụ các nhóm Mường bản địa, dựng nên nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên ở Việt Nam.
2.    Một nhóm hoàng tộc La khác xuôi dòng Dương Tử về Chiết Giang, dựng nên nước Ư Việt. Nước Ư Việt trở thành một nước mạnh từ cuối thời Xuân Thu, đến năm 333 TCN bị nước Sở thôn tính, hoàng tộc Ư Việt lại di tản về phương Nam, lập ra các nước mới, đầu tiên là Mân Việt ở Phúc Kiến, sau đó tiến tiếp xuống hòa nhập với nước Văn Lang ở Quảng Tây.
3.    Một nhóm hoàng tộc La khác lại ngược dòng Dương Tử tới Tứ Xuyên, lập ra triều Khai Minh nước Thục. Khi Tần diệt nước Thục và nước Ba, hoàng tộc Thục di tản tới Quý Châu, giành được vương quyền của nước Dạ Lang. Năm 257 TCN cha của Thục Phán đánh chiếm nước La Bạc ở Quảng Tây. Tiếp đó Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu ở Quảng Tây – Vân Nam và Lạc Việt chống Tần. Tới năm 207 TCN sau khi Tần Thủy Hoàng mất Thục Phán thôn tính nốt nước Văn Lang ở đồng bằng sông Hồng, trở thành vua nước Âu Lạc là An Dương Vương.
Giả thuyết của Tạ Đức nghe qua có vẻ hợp lý, nhất là khi tác giả dẫn nhiều tư liệu khảo cổ học cho thấy mối liên hệ cội nguồn giữa văn hóa Đông Sơn với các khu vực Điền (Vân Nam), Dạ Lang (Quý Châu), Thục (Tứ Xuyên), Quảng Tây, Hồ Nam và Phúc Kiến, Chiết Giang. Tuy nhiên, sự tương đồng trong khảo cổ của văn hóa Đông Sơn với một vùng rộng lớn ở Nam Dương Tử còn có thể do nguyên nhân khác. Người Việt không cần tới “thiên di” để làm nên văn hóa văn minh. Văn hóa Đông Sơn có liên hệ nguồn cội với nhiều khu vực ở Hoa Nam bởi vì… toàn bộ khu vực này vốn là một “thiên hạ” chung dưới thời nhà Chu, kéo dài gần 1.000 năm, mà trong đó Văn Lang chính là đất lập quốc của Văn Vương, vị vua khởi đầu của nhà Chu.

THIÊN DI, NHỮNG MÂU THUẪN
Tạ Đức dựa vào tài liệu của các học giả Trung Quốc để vẽ nên nguồn gốc, vị trí và hướng thiên di của người La. Có điều, việc này tiềm ẩn nhiều sai lầm khi lập thuyết mà không dựa vào tư liệu gốc, lại dựa trên các tài liệu, nhận xét của những tác giả đời nay. Ví dụ, Tạ Đức viết: “Lưu Nham (1999) và Hà Quang Nhạc (2005) dẫn tư liệu thư tịch cho biết: nước La có từ thời Hạ, gốc ở Tân Trịnh (Trung Hà Nam), sau rời đến La Sơn (Nam Hà Nam)…”. Không cần phải có kiến thức cao siêu gì lắm cũng có thể thấy chẳng có thư tịch cổ nào nói nước La ở Tân Trịnh (Trung Hà Nam) và La Sơn (Nam Hà Nam) cả, đơn giản là vì vào thời Hạ Thương Chu thì những địa danh này còn chưa hề tồn tại. Định vị nước La ở những chỗ trên chỉ là suy đoán, nếu không nói là gán ghép, của các tác giả Trung Quốc.
Người La có nguồn gốc từ nhà Hạ… Nhưng nhà Hạ ở chỗ nào thì các tác giả còn đang rất lẫn lộn. Lúc là ở Nhị Lý Đầu ở Hà Nam. Lúc là văn hóa Lương Chử ở Chiết Giang. Nhà Hạ, khi con người còn đang ở thời kỳ đồ đá, không nhẽ lại có phạm vi mênh mông từ Chiết Giang, Giang Tô, sang cả Hà Nam? “Văn hóa Hạ” ở đâu còn chưa xác định thì làm sao có thể kết luận những di chỉ như ở Lão Ngưu Pha (Thiểm Tây) hay Nghi Thành (Hồ Bắc) là của con cháu nhà Hạ (người La)?
Việc cho rằng một nhóm người La sau khi bị Sở đánh chạy sang hướng Đông lập nên nước Ư Việt là không đúng với sử sách ghi chép về nước Việt này. Sử ký Tư Mã Thiên, Việt Vương Câu Tiễn thế gia ghi rõ: “Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp.”
Nước Việt thời Chu, hay Ư Việt (gọi theo Tạ Đức) như thế là nước có từ thời Hạ Thiếu Khang, đâu cần phải tới thời Đông Chu mới hình thành. Lịch sử nước Việt này cũng không chép chuyện “thiên di” nào cả. Truyện chim bạch trĩ với sứ giả Việt Thường gặp Chu Công cho thấy rõ, nước Việt con cháu nhà Hạ ở cửa sông Dương Tử, cạnh biển, đã tồn tại từ đầu nhà Chu (thời Tây Chu).
Để xác định chuyện người La thiên di tới sông Hồng, lập nên nước Văn Lang, các tác giả của thuyết thiên di dựa vào mấy dòng mở đầu của Việt sử lược: Đến thời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang.
Việt sử lược là cuốn sách khuyết danh tìm thấy ở bên Tàu thời nhà Nguyên. Kẻ đã 3 lần định xóa sổ Đại Việt mà viết sử nước Việt thì liệu có bao nhiêu % đáng tin? Thời điểm đầu thế kỷ 7 trước Công nguyên (thời Chu Trang Vương) cho việc lập quốc Văn Lang hoàn toàn trái với tất cả các truyền thuyết Việt kể rằng nước Văn Lang do mẹ Âu Cơ lập nên, chí ít cũng từ 3.000 năm trước, nếu không phải là 4.000 năm…
Rất có thể Trang = Tlang hay Lang. Trang Vương có nghĩa tương tự như Hùng Vương mà thôi (Hùng – Tráng). Nếu vậy thì đoạn chép trên của Việt sử lược sẽ thành “Đến thời Hùng Vương ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật …”. Xét thế thì thời điểm ra đời của nước Văn Lang hoàn toàn không phải vào quãng 698 – 691 TCN.
Còn “người lạ dùng ảo thuật” ở bộ Gia Ninh không phải là người “xa lạ”, di cư từ nơi khác đến. Theo Giao Châu ký của Lỗ Công, được chép trong Truyện núi Tản Viên: “Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu“. Người lạ có phép ảo thuật ở đây chính là Tản Viên Sơn Thánh.
Tản Viên Sơn Thánh được người Việt thờ là vị thần tối linh, đứng đầu Tứ bất tử nước Nam. Phép “ảo thuật” của Tản Viên được biết là cây gậy đầu sinh đầu tử và cuốn sách ước được Long Vương tặng. Suy rộng ra thì gậy thần sách ước biết sinh tử – âm dương, đo vẽ được cả đất trời của Tản Viên chính là Hà thư Lạc đồ, là kiến thức khoa học của người Việt ở thủa bình mình của dân tộc.
Tản Viên là vị thần đứng đầu trong ba vị (Ba Vì): Tản Viên Nguyễn Tuấn, Hiển Công Quý Minh, Sùng Công Cao Sơn. Ba Vì tức là 3 bộ tộc thời lập quốc đã kết hợp cùng nhau theo Tản Viên trị thủy. Tiếp đó với việc Sơn Thánh “cùng vui với các loài thủy tộc” hay Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình thì bộ tộc phía Đông dòng Thần Long cũng đã kết hợp nốt, đủ 4 phương hội tụ, bắt đầu lịch sử của người Việt. Tản Viên Sơn Thánh mới là người lạ có phép ảo thuật ở bộ Gia Ninh đã áp phục các được các bộ lạc mà lập quốc như Việt sử lược chép.
Ý kiến cho rằng Thục Phán là dòng dõi Khai Minh nhà Thục ở Tứ Xuyên hoàn toàn không có cơ sở vì theo Thục vương bản kỷ Tần đã bức tử vị Thục hầu cuối cùng của nhà Khai Minh. Làm gì còn “hoàng tộc” Thục nào nữa mà thiên di xuống phía Nam.
Còn chuyện Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu, Lạc Việt kháng Tần những năm 216 – 207 TCN thì càng vô lý. Sử ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 33 (năm 216 TCN), Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ. Năm 216 TCN Tần Thủy Hoàng đã lập quận huyện đầy đủ ở đất Việt rồi, còn nước nào ở đây nữa mà có Thục An Dương Vương?
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Giáp Ngọ, năm thứ 1 [207 TCN], (Tần Nhị Thế năm thứ 3). Vua (Triệu Đà) chiếm lấy đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương. Tới năm 207 TCN Triệu Đà đã chiếm lại cả 3 quận mà Tần lập ra trên đất Việt. Vậy thử hỏi còn thời gian nào ở quãng giữa năm 216 đến 207 TCN để cho Thục Phán làm vua nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa?

MỘT KIẾN GIẢI KHÁC
Truyền thuyết họ Hồng Bàng về sự hình thành nước Văn Lang kể Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra trăm người con trai. Do “thủy hỏa tương khắc” nên Lạc Long Quân dẫn 50 người con về thủy phủ chia trị các xứ. Âu Cơ và 50 người con lên ở đất Phong Châu, suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới Động Đình hồ, Nam tới nước Hồ Tôn.

Bach Viet 1Khi vẽ cương vực của nước Văn Lang trong truyền thuyết lên bản đồ thì thấy rõ các khu vực Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây và một phần Hồ Nam đều nằm trong phạm vi nước Văn Lang. Vì thế hoàn toàn dễ hiểu sự liên hệ cội nguồn của văn hóa Đông Sơn với Điền (Vân Nam), Dạ Lang (Quý Châu) do những khu vực này đều là đất của Văn Lang. Mối liên hệ này có từ sớm, sớm hơn nhiều so với thời “Trang Vương nhà Chu” vào đầu thế kỷ 7 TCN.
Truyện Rùa vàng về sự hình thành của nước Âu Lạc kể Vua An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ phụ ngày trước cầu hôn lấy Mỵ Nương là con gái vua Hùng Vương, Hùng Vương không gả cho, bèn mang oán. Phán muốn hoàn thành chí người trước, cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải tên nước là Âu Lạc, rồi lên làm vua, xây thành ở đất Việt Thường…
Hai truyền thuyết về sự hình thành nước Văn Lang (Truyền thuyết họ Hồng Bàng) và Âu Lạc (Truyện Rùa vàng) xét kỹ thì chỉ là một chuyện vì:
–    Âu Cơ lấy Lạc Long Quân thì tên nước phải là Âu – Lạc, tức là nước do Thục Phán lập nên.
–    Âu Cơ và Lạc Long Quân “thủy hỏa tương khắc” là chuyện “tổ phụ” của Thục An Dương Vương “cầu hôn Mỵ Nương không được mà mang oán”, từ đó dẫn đến sự chia tách 2 dòng Hùng – Thục hay Âu – Lạc.
Nước của Lạc Long Quân đã biết là nước Xích Quỷ ở vùng ven biển. Còn nước Văn Lang là nước do dòng theo mẹ Âu Cơ lập nên ở Phong Châu. Hai nước này như vậy cách nhau cả nghìn năm chứ không tồn tại cùng một lúc. Tức là dòng Âu Cơ đã đánh thắng dòng Lạc Long mà lập nên nước Văn Lang, tương tự chuyện Thục Phán đánh Hùng Vương lập nên nước Âu Lạc.
Theo thần tích Việt thì Âu Cơ quê ở động Lăng Xương (Thanh Thủy, Phú Thọ). Âu Cơ ở Lăng Xương tức là … Cơ Xương từ vùng đất Âu. Cơ Xương là tên của Chu Văn Vương, ban đầu là Tây Bá hầu của nhà Ân Thương. Cơ Xương khởi nghiệp đóng đô ở đất Phong. Văn Vương ở đất Phong là nước Văn Lang ở Phong Châu. Nghĩa của từ Văn Lang là vua Văn, tức là Cơ Xương, rất rõ ràng, không cần phải suy luận, liên hệ ngôn ngữ gì cả. Mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang chính là Văn Vương Cơ Xương.
Lang Văn Cơ Xương nổi lên ở phía Tây nên còn gọi là Thục vì Thục là từ khác chỉ hướng Tây. Đất Ba Thục hay đất của Tây Bá hầu là đất Âu, đất gốc tổ của họ Cơ nhà Chu ở Quý Châu. Thư tịch cũ (Cựu Đường thư, Thái Bình hoàn vũ) cũng cho biết “Quý Châu là đất Tây Âu, Lạc Việt”. Thục An Dương Vương chính là Lang Văn Cơ Xương.
Văn Lang và Âu Lạc như vậy chỉ là 2 tên gọi của cùng một nước. Văn Lang là gọi theo tên vua Văn. Âu Lạc là gọi theo tên 2 vùng đất hay 2 dòng tộc Lạc Long – Âu Cơ hợp nhất thời Lang Văn.
Chuyện Thục Phán đánh Hùng Vương là cách kể khác của sự kiện Cơ Phát, con của Văn Vương Cơ Xương đã phát động các chư hầu đánh Trụ diệt Ân. Sự kiện này trong truyền thuyết Việt bị chép lẫn với việc Tần (Chiêu Tương Vương) từ đất Xuyên Thục diệt nước Văn Lang của nhà Chu (Noãn Vương) năm 256 TCN. Ở cả 2 sự kiện này Thục Phán và Tần đều xuất phát từ phía Tây (Thục) đánh nước ở phía Đông, do vậy được gọi là An Dương Vương, nghĩa là vị vua đã dẹp yên phương Đông (An = yên, Dương là hướng mặt trời mọc, tức là hướng Đông).
Nước Văn Lang – Âu Lạc của thiên tử Chu gồm Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu, đúng như cương vực được chép trong truyền thuyết và hoàn toàn phù hợp với những liên hệ cội nguồn của văn hóa trống đồng Đông Sơn với các khu vực Điền và Dạ Lang. Rộng hơn, thiên hạ của nhà Chu bao gồm cả các nước ở vùng Nam Dương Tử, Nam Hoàng Hà, cũng như … Đông Dương (phạm vi Lào, Căm-pu-chia ngày nay). Sự tương đồng về văn hóa của Đông Nam Á cổ đại (bao gồm cả Hoa Nam) chính là từ nguyên nhân lịch sử này.

Bàn về nước Việt Thường

Truyện chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái là truyện rất ngắn gọn nhưng lại rất khó hiểu vì những thông tin địa lý lịch sử mang trong đó không khớp gì với sử sách ngày nay. Truyện này bắt đầu như sau:
Về đời vua Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim bạch trĩ sang tiến cống. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu Công phải sai sứ qua nhiều lần dịch mới hiểu nhau được…
Đây là tích truyện đầu tiên nói tới nước Việt Thường. Nước Việt Thường này nằm ở đâu và quan hệ của nó đối với lịch sử Việt Nam như thế nào là câu hỏi đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm do có thể nước Việt Thường là một giai đoạn cội nguồn của lịch sử Việt Nam.
Gần đây, tác giả Tạ Đức trong cuốn Nguồn gốc người Việt người Mường cho rằng nước Việt Thường này nằm ở Hồ Nam, hình thành vào cuối thời Ân đầu thời Chu sau khi nước Xích Quỷ ở Ngô Thành bị tan rã. Sau đó do sự bành trướng của nước Sở mà người Việt Thường đã di cư dần xuống phía Nam, cùng với dân bản địa ở đây lập nên các quốc gia tiếp theo trong sử Việt (Tường Kha, Thương Ngô, Văn Lang)…
Người Việt Thường nếu vậy thì là dân “thiên di” thuộc loại siêu đẳng… Người Việt Thường đúng là “chuyên gia”, cứ giặc đánh đến thì bỏ nước mà đi, sang đất láng giềng rồi lập quốc ở đó. Truyền thuyết và lịch sử Việt sao không thấy có chút “ký ức” gì về phương pháp lập quốc độc đáo này?

VIỆT THƯỜNG VÀ CẢO KINH
Đọc tiếp Truyện chim bạch trĩ:
Chu Công hỏi: “Tại sao tới đây?”. Họ Việt Thường đáp: “Đời nay không có mưa dầm gió dữ, ngoài bể không nổi sóng lớn đã ba năm nay, ý chừng là Trung Quốc có thánh nhân xuất thế, nhân vậy tới đây”.
Chu Công than rằng: “Chính lệnh không thi hành thì người quân tử không bắt được kẻ khác thuần phục mình, đức trạch không mở rộng thì người quân tử không hưởng lễ của người. Còn nhớ Hoàng Đế có câu thề rằng: phương Việt Thường không thể xâm phạm được”. Bèn ban thưởng cho phẩm vật địa phương, dạy răn mà cho về.
Họ Việt Thường quên đường về, Chu Công bèn ban cho 5 cỗ biền xa đều chế cho hướng về phương Nam. Họ Việt Thường nhận lấy rồi theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp đi một năm thì về tới nước. Cho nên, xe chỉ nam thường dùng để đi trước đưa đường.
Truyền thuyết cho thấy rõ nước Việt Thường được nhắc tới là một nước giáp với biển. Sứ Việt Thường nói: “ngoài bể không nổi sóng lớn” và khi về thì men theo bờ biển mà về nước. Nước Việt Thường do vậy không thể ở Hồ Nam, là vùng đất còn cách biển cả ngàn km.
Nhưng khó hiểu nhất là đoạn họ Việt Thường “theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp” để về nước. Nhà Chu ở đâu mà sứ giả Việt Thường lại đi về qua Phù Nam và Lâm Ấp? Phù Nam và Lâm Ấp ở tận miền Trung và miền Nam Việt Nam ngày nay cơ mà.
Theo Hoa sử nhà Chu khởi nghiệp từ Cơ Xương, ban đầu đóng ở đất Phong. Khi Cơ Phát cùng chư hầu đánh Trụ diệt Ân thắng lợi, lên ngôi thiên tử của Trung Hoa thì đã cho dời lại đô về đất Cảo ở phía Tây, bắt đầu thời kỳ Tây Chu. Chu Thành Vương nối ngôi cha khi còn nhỏ, Chu Công làm phụ chính. Sứ giả Việt Thường vào cống chim trĩ thời Chu Thành Vương như vậy là ở Cảo Kinh. Cảo Kinh của nhà Chu phải nằm không xa đất “Phù Nam, Lâm Ấp”, nên không thể là vùng Thiểm Tây ở tận Bắc sông Hoàng Hà như các sử gia Tàu chú thích.
Dựa trên những thông tin mới trong địa lý lịch sử Việt Nam thì nước Việt Thường và kinh đô nhà Chu có thể xác định như sau. Đầu tiên, nước Việt Thường thời Tây Chu là nước… Việt. Điều này thật đơn giản và rõ ràng đến bất ngờ. Nước Việt thời Chu có địa bàn ở vùng hạ lưu sông Dương Tử, nay là các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang. Người nước Việt là con cháu nhà Hạ, đã khai phá vùng đất này và lấy đó làm nơi thờ cúng Hạ Vũ. Tới thời Đông Chu, nước Việt cường thịnh, Việt Câu Tiễn đánh thắng nước Ngô, trở thành một bá vương trong Xuân Thu ngũ bá.
Thượng thư đại truyện đầu thời Hán chép: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường dùng nhiều lớp thông ngôn đến hiến chim trĩ trắng…”. Việt Thường có nghĩa là nước Việt ở phía Nam vì Thường = thẳng, là đầu hướng Nam xưa trong cặp lưỡng lập thẳng – cong, vuông – tròn. Phương Nam xưa là phương Bắc ngày nay, tương tự như kim la bàn gọi là Nam châm lại luôn chỉ về cực Bắc. Nước Việt nằm ở cửa sông Dương Tử thì đúng là ở phía Nam của đất Giao Chỉ. Phải gọi là Việt Thường (Việt ở phương Nam) để phân biệt với Việt gốc là đất Giao Chỉ của thời nhà Hạ.
Đất Phong của Văn Vương được xác định là Phong Châu (Phú Thọ), kinh đô của nước Văn Lang trong truyền thuyết Việt. Do vậy Cảo Kinh của thời Tây Chu phải là vùng Vân Nam. Có vậy thì sứ giả Việt Thường mới có thể từ Cảo Kinh mà ra đến bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp được.
Tạ Đức có cho một thông tin đáng chú ý về di chỉ Ngô Thành ở Giang Tây. Thành ấp này đã bị phá hủy vào cuối thời Ân, đầu thời Chu, sau không thấy dấu tích của người ở nữa. Ai đã phá hủy Ngô Thành? Không thể là nhà Ân vì lúc này Ân Trụ Vương còn đang phải đối phó với cuộc tấn công của Chu Vũ Vương ở An Huy. Càng không phải do nước Sở bành trướng xuống phương Nam vì thời kỳ này nước Sở còn chưa ra đời. Ngô Thành đã bị tấn công bởi chính Chu Vũ Vương trong đợt phạt Trụ vì đây vốn là đất gốc của nhà Thương, từ trước khi Bàn Canh dời đô. Đây chính là vùng Thương Ngô, tức là đất Ngô của nhà Thương.
Tuy nhiên, trong cuộc tấn công này Chu Vũ Vương chỉ dừng lại ở Thương Ngô mà không tiến xa hơn về phía Đông, nơi có nước Việt từ thời Hạ. Lý do như Chu Công đã nói: “phương Việt Thường không thể xâm phạm được”. Không phải Hoàng đế hay các vua Chu sợ gì sức mạnh của nước Việt, mà vì nước Việt là đất dành riêng để thờ Đại Vũ, tổ tiên của người Hoa Hạ. Đây là khu vực linh thiêng đối với những người Hoa dòng dõi từ Hoàng Đế Hữu Hùng nên “không thể xâm phạm”.
Cũng vì sự liên hệ ruột thịt giữa nước Việt này với nhà Hạ mà nhà Hạ là nước Xích Quỷ ở vùng Nam Giao – Động Đình, tức là khu vực Giao Chỉ, nên trong khi nói chuyện Chu Công mới hỏi sứ giả Việt Thường về người Giao Chỉ (đúng hơn là hỏi về những người dòng dõi nhà Hạ): “Người Giao Chỉ cắt tóc ngắn, xăm mình, để đầu trần, đi chân đất, nhuộm răng đen là cớ làm sao?”. Hoa sử chép về việc lập nước Việt là vào thời Hạ trung hưng, con cháu nhà Hạ vua tôi cắt tóc ngắn, xăm mình lội nước lao động cật lực khai phá đất mới… Vùng đất mới ở cửa sông Dương Tử này được dành riêng thờ vua Vũ nhà Hạ, chính là nước Việt (Việt Thường) thời Chu.
Nước Việt lại là dòng dõi nhà Hạ thì rõ ràng nhà Hạ là một triều đại lịch sử của người Việt. Hạ là Việt, tức là Hoa là Việt vì Hoa Hạ là một. Trung Hoa cổ đại chính là Bách Việt.
Chu Vũ Vương mất, Thành Vương nối ngôi thiên tử của Trung Hoa. Nước Việt lúc này (“sau 3 năm” từ khi Vũ Vương diệt Trụ?) thấy “Trung Quốc có thánh nhân xuất thế” nên cử sứ giả vào cống, tỏ ý thần phục nhà Chu. Chim trĩ là biểu tượng của văn minh vì Trĩ = trữ = chữ. Có chữ viết tức là có văn minh. Cống chim trĩ ý muốn nói nước Việt sẽ theo văn minh, theo ánh sáng dẫn đường của nhà Chu. Với việc cống chim trĩ này nước Việt Thường chính thức tham gia vào thiên hạ Trung Hoa mà nhà Chu là thiên tử.

ĐƯỜNG ĐI CỦA SỨ VIỆT THƯỜNG
Vấn đề hấp dẫn nhất trong chuyện chim bạch trĩ là sứ giả Việt Thường đã đi cống nhà Chu và về nước theo con đường nào. Những thông tin ngắn gọn được chép trong truyền thuyết cho phép xác định tuyến đường đi về của sứ giả Việt Thường.
Sử ký Tư Mã Thiên cho biết họ Việt Thường đã phải qua “ba lần sứ dịch” mới đến được kinh đô nhà Chu. Dị bản Lĩnh Nam chích quái chép từ ngữ chỗ này là “trùng dịch” với chữ “dịch” mang nghĩa là “tạm nghỉ chân để đổi ngựa”. Hiểu thông tin ở đây thành “phiên dịch” (thông ngôn) nhiều lần là sai. Sứ giả Việt Thường đã dừng chân ở dịch quán dành cho sứ giả nước ngoài 3 lần, tức là từ Việt Thường đến Cảo Kinh sứ giả đã đi qua 3 nước. Mỗi nước phải dừng lại để lấy “visa”, hay đóng “giấy thông hành” kiểu như Đường Tăng đi thỉnh kinh vậy.
Khi nối giữa nước Việt ở Chiết Giang với Cảo Kinh ở Vân Nam bằng một đường chim bay thì thấy rõ tuyến đi của sứ Việt Thường qua đúng 3 nước. Đó là: nước Ngô ở Giang Tây (Thương Ngô), nước Sở ở Hồ Nam (Kinh Sở) và khả năng là nước Thục ở Quý Châu (Quý Châu là Ba Thục, đất khởi nghiệp của Tây Bá hầu Cơ Xương).

Viet ThuongTuyến đường đi về của sứ Việt Thường

Khi ra về, sứ Việt Thường “quên đường”… Đường đi tới một nước xa lạ còn biết chẳng nhẽ đường về nhà lại quên? Thay vì đi theo hướng cũ sứ Việt Thường chọn đi hướng gần như ngược với lúc đi, kể cả khi đã được phát xe chỉ nam để định phương hướng. Hẳn không phải đơn giản là sứ Việt Thường quên đường mà là muốn đi một con đường khác, nhân thể đi “thăm chính thức” các chư hầu của nhà Chu, nhằm công bố sự hội nhập của mình trong thiên hạ Trung Hoa. Cũng vì thế Chu Công mới cấp cho 5 cỗ biền xa, tương tự như một dạng “giấy giới thiệu” từ trung ương xuống các địa phương cho Việt Thường. 5 cỗ biền xa này do vậy mới được đi trước để đưa đường.
Như vậy thì ra vùng “Phù Nam, Lâm Ấp” cũng là những chư hầu của nhà Chu mà nước Việt đã đến đặt “quan hệ ngoại giao”. Từ Vân Nam để ra biển Phù Nam, Lâm Ấp thì hẳn sứ Việt Thường đã đi dọc theo dòng Mê Kông, hay sông Khung Giang trong ngôn ngữ xưa. Khung = Khương, Khương là họ của Thái Công Lã Vọng, đại công thần lập quốc của nhà Chu, được phong ở đất Tề.
Nhà sử học Đào Duy Anh cho biết: “Sách Điền Hệ của Súy Phạm viết về các dân tộc thiểu số ở miền Vân Nam cho biết rằng một dân tộc thiểu số tên là Sản Lý hay Xa Ly, có truyền thuyết nói rằng đời Chu Thành vương họ sai sứ giả đến triều cống, khi về được Chu công cho xe chỉ nam, vì thế họ lấy tên là Xa Lý. Lại có một dân tộc khác là Lão Qua (Lào) có truyền thuyết rằng ở thời nhà Chu, tổ tiên của họ là nước Việt Thường. Sách Điền Nam tạp chí thì nói Diến Điện (Mianma) là nước Việt Thường xưa“.
Xa Lý nay là tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào, giáp với Lai Châu, Điện Biên ngày nay. Từ Vân Nam để ra dòng Mê Kông thì rõ ràng phải qua vùng Phong Xa Lỳ và tiến tới biên giới giữa Lào và Mianma. Truyền thuyết ở vùng Lào – Miến này một lần nữa xác nhận tuyến đường về của sứ Việt Thường, cũng như vị trí Cảo Kinh của Tây Chu ở Vân Nam.
Khu vực đất Lào thời Chu thực ra là nước Lỗ, đất phong của Chu Công. Khu vực này còn gọi là Lâm Ấp vì Lâm = Ly = La = Lỗ = Lão. Còn đất Phù Nam thiết Pham hay Phan, là họ của Tất Công, vị quân chủ thứ ba ở thành Lạc Dương (phần Đông của nhà Chu). Phù Nam là đất phong của họ Phan. Sứ nước Việt trên đường về đã đến thăm một loạt các nước chư hầu, là những đại công thần khởi nghiệp của nhà Chu.
Khi ra đến biển Phù Nam, vì biết chắc nước Việt Thường nằm cạnh biển nên sứ giả cứ men theo bờ biển mà về. Tuyến đường men biển này khá dài, chạy ngược hình chữ S của Việt Nam ngày nay, qua Quảng Tây, Quảng Đông, về đến quê hương Việt Thường ở Phúc Kiến, Chiết Giang. Thời gian cho quãng đường về dài như vậy tới hơn một năm là hoàn toàn hợp lý.
Tổng khoảng cách cả đi và về của sứ Việt Thường tính vào khoảng 8.000 – 10.000km. Một quãng đường du hành ngoại giao kỷ lục vào thời kỳ 3.000 năm trước. Với kỷ lục này ấn tượng của chuyến đi sứ họ Việt Thường đã để lại khắp dọc đường và in sâu trong truyền thuyết Việt qua Truyện chim bạch trĩ. Cũng vì phạm vi của chuyến công du này quá rộng dẫn đến tình trạng định vị nước Việt Thường lúc thì ở phía Bắc, lúc lại là phía Nam, thậm chí còn ở cả bên Lào và Miến Điện. Nay với việc xác định nhà Chu là nước Văn Lang thời Hùng Vương, Tây Chu đóng đô ở Cảo Kinh tại Vân Nam thì nước Việt Thường cống chim trĩ là nằm ở phía Đông, là nước Việt hậu duệ của nhà Hạ ở hạ lưu Nam Dương Tử.

Bàn về nước Xích Quỷ cùng Tạ Đức

Tôi là một trong số những người đầu tiên mua cuốn sách Nguồn gốc người Việt người Mường của Tạ Đức ở nhà xuất bản Tri thức vào đúng hôm cuốn sách được nộp lưu chiểu. Đây là do sự tình cờ nhưng có lẽ cũng là có chút duyên nào đó với những vấn đề mà cuốn sách đặt ra. Vấn đề nguồn gốc tộc người Việt Mường là vấn đề thú vị nhưng cũng rất nan giải. Nhất là khi vấn đề lại được nêu ra theo một quan điểm “khác thường” trong một cuốn sách nhiều trang, nhiều tư liệu dẫn chứng từ những lĩnh vực khảo cổ, truyền thuyết, ngôn ngữ,…
Cuốn sách của Tạ Đức đã được nhiều người khen chê nên tôi chỉ xin bàn luận thêm vào những vấn đề mà cuốn sách đã đặt ra về nguồn gốc người Việt với hy vọng là những bàn luận này phần nào giúp tác giả có thêm tư liệu, thêm cách nhìn nhận về sự thật của những khúc mắc khi tìm về cội nguồn của người Việt chúng ta.
Xin bắt đầu từ Chương 5 – Nước Xích Quỷ, nhà nước đầu tiên có tên của người Việt theo truyền thuyết. Xin dẫn các kết luận về nước Xích Quỷ của Tạ Đức đã nêu trong cuốn sách:
1 – Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương trong truyền thuyết Việt Nam là một nước có thực trong lịch sử. Thực chất, đó là liên minh của ba nước Việt Chương ở Giang Tây, Việt Thường ở Hồ Nam, Việt Dương hay Dương Việt ở Hồ Bắc ra đời trong quá trình đấy tranh giành độc lập gắn với sự tan rã của đế chế Thương. Nước Việt Chương có kinh đô ở Ngô Thành là nòng cốt và đã lãnh đạo quân dân Xích Quỷ đánh bại cuộc xâm lược của quân Ân Thương do vua Thương Vũ Đinh đích thân chỉ huy.
2 – Nền tảng vật chất của nước Xích Quỷ là nền văn hóa đồng thau Ngô Thành với các di vật tiêu biểu là những bộ não bạt và trống đồng cỡ lớn có vai trò đặc biệt trong tín ngưỡng của người Xích Quỷ.
3 – Điều có ý nghĩa nhất là bằng truyền thuyết Họ Hồng Bàng và đặc biệt là bằng truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, người Việt Nam đã lưu truyền được những hồi âm, hồi quang xa xăm của nước Xích Quỷ đó.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định “Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương trong truyền thuyết Việt Nam là một nước có thực trong lịch sử”. Tuy nhiên việc định vị và định thời gian của nước Xích Quỷ như Tạ Đức thì gặp phải một số mâu thuẫn:
–    Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương theo truyền thuyết Việt có cách nay trên 4.000 năm, tức là trước nhà Thương tới cả 1.000 năm.
–    Theo truyền thuyết Kinh Dương Vương đi tuần ở núi Ngũ Lĩnh, lấy con gái Thần Long ở hồ Động Đình. Việc định vị Kinh Dương là châu Kinh, châu Dương ở quanh sông Dương Tử, Ngũ Lĩnh và Động Đình hồ ở Hồ Nam là lạc hướng bởi những từ ngữ trong cổ sử. Xin bàn thêm ở dưới đây về những địa danh này.
–    Nền văn hóa đồng thau ở vùng Giang Tây – Hồ Nam – Hồ Bắc có nhiều điểm đặc trưng là văn hóa Thương. Đất Kinh Sở như vậy chính là đất của nhà Thương rồi, đâu cần đánh chiếm gì nữa.
–    Thánh Gióng đã giúp vua Hùng chiến thắng giặc Ân, vua Ân chết ở Giếng Việt. Còn Ân Vũ Đinh đã đánh thắng nước Quỷ Phương sau 3 năm. Vũ Đinh là thời thịnh đầu nhà Ân chứ không phải thời nhà Ân tan rã. Vì thế truyền thuyết Thánh Gióng không phải sự kiện Ân Vũ Đinh đánh nước Quỷ Phương.
Xin nêu một số tư liệu làm rõ các vấn đề trên:

KINH DƯƠNG VƯƠNG Ở ĐÂU?

Truyền thuyết Họ Hồng Bàng chép: “Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân…
Thiên Nam ngữ lục (thế kỷ 17) kể về việc kết hôn của Kinh Dương Vương:

Kinh Dương ngày ấy đi chơi
Thuyền trăng buồm gió tếch vời Nam minh.

Ở chốn Nam minh ấy Kinh Dương Vương gặp con gái Thần Long:

Nàng rằng: thiếp con Động Đình
Thần Long là hiệu, Nam minh là nhà.

Nam minh được chú là “bể rộng ở phía Nam”. Sách Nam hoa kinh của Trang Tử có câu “Bằng chi tỉ ư Nam minh đã, đoàn phù dạo nhi thường giả cửu vạn lý”. Dịch nghĩa: Chim bằng khi rời biển Nam, vỗ cánh trong làn gió cuốn mà bay lên chín vạn dặm tầng không.
Như vậy Nam minh chính là biển Nam. Trong lịch sử Hoa Việt thì rõ ràng đây là vùng biển Đông ngày nay. Thông tin trên của Thiên Nam ngữ lục cho thấy Kinh Dương Vương đã gặp con gái Thần Long ở Động Đình tức là biển Đông. Động Đình, cái nôi của người Việt cổ không hề là hồ nước nông choèn ở Hồ Nam. Động Đình nơi có Thần Long, nơi rồng bay lên, phải là biển Đông, vùng vịnh Bắc Bộ ngày nay.
Dẫn chứng khác là ở Việt Nam có tục thờ thần Bát Hải Động Đình làm Vua cha của Thoải phủ (thủy phủ) trong đạo Mẫu. Vua cha Bát Hải Động Đình được thờ chính là ở đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cụm từ “Bát Hải Động Đình” chỉ rõ Động Đình là vùng biển (Hải) chứ không phải hồ nước. Bát Hải nghĩa là biển có tên là Bát (số 8), tức là biển Đông vì số 8 là con số chỉ phương Đông trong Hà thư.
Tương tự núi Ngũ Lĩnh nơi Kinh Dương Vương đi tuần là ngọn núi có tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở vùng trung tâm vì số 5 là số trung tâm của Hà thư. Ca dao xưa có câu:
Núi thờ cha Tản Viên
Núi thờ mẹ Tây Thiên
Đều hướng về Ngũ Lĩnh
Thờ núi Tổ linh thiêng.
Ngũ Lĩnh trong câu ca dao rõ ràng là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ vua Hùng ngày nay ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ngũ Lĩnh không hề là 5 ngọn núi ở bên Hồ Nam.
Châu Kinh châu Dương thời Đại Vũ chia 9 châu do vậy không phải ở đất Kinh Sở bên sông Dương Tử. Kinh là nơi có người Kinh ngày nay, tức là vùng Bắc Việt. Dương vốn là tên của vùng Quảng Đông (Quảng Châu xưa gọi là Dương thành). Kinh Dương Vương là vị vua cai quản vùng Bắc Việt – Quảng Tây – Quảng Đông, xưa gọi là đất Nam Giao, ứng với chuyện Lộc Tục (Kinh Dương Vương) làm vua phương Nam.
Tóm lại, Kinh Dương Vương là vị vua Việt ở ngay trên đất Việt ngày nay nơi có người Kinh sinh sống, có ngọn núi Nghĩa Lĩnh (Ngũ Lĩnh) ở Phú Thọ, bên cạnh biển Động Đình (biển Đông). Lăng mộ Kinh Dương Vương ở Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh hoàn toàn có thể là nơi Kinh Dương Vương qua đời thật sự.

NHÀ ÂN VÀ NƯỚC QUỶ PHƯƠNG Ở ĐÂU?

Hàng loạt những dẫn chứng khảo cổ mà Tạ Đức đưa ra trong cuốn sách về văn hóa đồng thau ở khu vực Giang Tây – Hồ Nam – Hồ Bắc cho thấy khu vực này thuộc văn hóa đồng khí Thương. Những đặc điểm của văn hóa Việt ở đây cũng hiện hữu bởi vì… nhà Thương chính là một triều đại của người Việt. Nhận định “… tầng lớp thống trị ở Bàn Long Thành là người Thương, còn cư dân là người bản địa (người Việt)” cho thấy rõ nước là nước Thương, người là người Việt, hay nói cách khác nhà Thương là một quốc gia của người Việt.
Khi xác định như vậy thì có thể thấy hàng loạt địa điểm khảo cổ văn hóa Thương từ Ngô Thành, Tân Can, tới Bàn Long Thành, Trịnh Châu và An Huy là những thành ấp trên con đường dời đô của vua Bàn Canh nhà Thương lên hướng Bắc (xem bản đồ). Bàn Long thành tức là tòa thành của vua Bàn Canh (long = vua). Hướng thiên đô của nhà Thương hiện rõ qua các di chỉ khảo cổ này, là hướng từ Nam lên Bắc, từ Tân Can tới An Huy. Đô thành thay đổi, nhưng đất đai vẫn là đất của nhà Thương hay của các chư hầu được vua Thương phân phong. Việc nhà Thương dời đô có từ thời Bàn Canh, trước thời Ân Vũ Đinh.

Khao co TQ 3Các khu vực đồ đồng thời Thương Chu

Theo Trúc Thư Kỷ Niên, Ân Cao Tôn “Tam thập nhị niên, phạt Quỷ Phương, thứ vu Kinh” (Năm 32, đánh Quỷ Phương, đóng quân tại đất Kinh). Ân Vũ Đinh đi đánh nước Quỷ Phương đóng ở đất Kinh, tức là đất Kinh thuộc đất của nhà Thương chứ không phải Cao Tông tấn công đất Kinh.
Nước Quỷ phương là nước Cửu phương, nghĩa là nước nằm về phía Tây lãnh thổ nhà Ân Thương. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây của Hà thư. Nước Quỷ Phương như vậy phải là khu vực Tứ Xuyên, ứng với nền văn hóa Tam Tinh Đôi của thời kỳ này (xem bản đồ). Chỉ có vùng Tứ Xuyên với nền văn minh Kim Sa rực rỡ giàu có từ 2.000 năm trước công nguyên mới có thể khiến Cao Tông nhà Ân Thương khổ cực suốt 3 năm trời mà chiếm lấy.
Việc xác định nước Quỷ Phương lãnh thổ ở Tứ Xuyên được củng cố thêm bởi truyền thuyết: Hùng Dịch được phong làm vương nước Sở là dòng dõi vua Xuyên Húc. Xuyên Húc là bố Hoan Đâu, mà Hoan Đâu là tổ người Tam Miêu. Người Tam Miêu là thành phần chính của nhà Thương trên đất Kinh Sở.
Truyền thuyết viết trong dòng họ có một người tên Lục Chung. Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương, vợ Lục Chung có thai mười một (11) tháng rồi giở nách bên tả sinh 3 người con, giở nách bên phải sinh 3 người con! Người thứ 6 tên là Quý Liên họ Mỵ. Quý Liên có một người con tên Dục Hùng. Dục Hùng lấy tên làm họ. Từ đó con cháu đều lấy tên Hùng làm họ. Hùng Dịch vua khai sinh ra nước Sở là cháu chắt Dục Hùng …
Truyện Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương cho thấy nước Sở và Quỷ Phương là 2 vùng khác nhau và nằm cạnh nhau. Vì thế địa phận Kinh Sở không thể là nước Quỷ Phương mà là đất thuộc nhà Ân thời Vũ Đinh. Vùng đất cạnh Kinh Sở chính là Tứ Xuyên. Đây mới là địa bàn của nước Quỷ Phương. Nước Sở như vậy là sự kết hợp giữa 2 dòng người nhà Thương và người Quỷ Phương qua cuộc hôn nhân của Lục Chung.

XÍCH QUỶ NGHĨA LÀ GÌ?

Theo cách giải thích của Tạ Đức, Xích Quỷ là “quỷ mặc áo đỏ”, ứng với thần Xuy Vưu. Suy luận này hơi suy diễn quá vì Xuy Vưu là vị thần của phương Tây, đứng đầu bộ tộc Cửu Lê (Cửu là số 9, chỉ phương Tây). Phương Tây trong Ngũ hành có màu trắng. Xuy Vưu là thần chiến tranh, không hề là Viêm Đế Thần Nông, một vị thần của nông nghiệp.
Xích Quỷ hay Xích quẻ là quẻ Ly (La), chỉ phương Nam. Xích là màu đỏ, màu của phương nóng, phương Nam. Nước Xích Quỷ ra đời vào quãng 4.000 năm trước, tức là ứng với thời gian của nhà Hạ trong Hoa sử. Trong cuốn sách Tạ Đức đã đưa ra khá nhiều dẫn chứng cho thấy nhà Hạ là một triều đại của người Việt, ví dụ như chuyện Hạ Vũ hội chư hầu ở Cối Kê, trên đất Việt. Hay người La có nguồn gốc từ nhà Hạ mà La = Việt… Tạ Đức chỉ dẫn những tư liệu như vậy mà không nói thẳng ra: nhà Hạ là triều đại của người Việt.
Nhà Hạ, vương triều đầu tiên của Hoa sử lại là của người Việt. Vậy thì lịch sử Trung Hoa cổ đại chính là Việt sử vì Hạ là Hoa (Hoa Hạ). Thực ra Hạ (hè) hay Hoa (hỏa) đều là chỉ xứ nóng, tương đương với từ Xích trong Xích Quỷ, có màu đỏ trong tên nước Hồng Bàng. Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương không gì khác là nhà Hạ từ Đại Vũ. Đây là một quốc gia, một thời đại lịch sử của người Việt.
Như vậy nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương hay Hồng Bàng của Lạc Long Quân ở vào thời điểm của nhà Hạ, cách nay khoảng 4.000 năm. Xích Quỷ do vậy không thể là nước Quỷ Phương vào thời nhà Ân, cách nay chỉ 3.00 năm.

THÁNH GIÓNG LÀ AI?

Truyền thuyết Việt chép rất rõ, Thánh Gióng giúp Hùng Vương đánh giặc Ân, chiến thắng rồi bay về trời ở núi Sóc Sơn. Vua Ân tử trận, chết ở Vũ Ninh như trong Truyện Giếng Việt cho biết. Sự kiện này cho thấy trận chiến giữa Thánh Gióng và giặc Ân không phải là trận Ân Cao Tông phạt Quỷ Phương vì phần thắng trong trận đánh sau thuộc về nhà Ân. Người đã buộc vua Ân tử trận phải là… Vũ Vương của nhà Chu. Huyền sử Việt chép thành địa danh Vũ Ninh. Trước khi lên ngôi Chu Vũ Vương có tên là Ninh Vương = Vũ Ninh.
Cái tên Phù Đổng của Thánh Gióng giải nghĩa rất đơn giản: Phù Đổng thiết Phổng. Phù Đổng là 2 ký tự để ký một âm chữ Nôm là Phổng, hay Bổng (phụ âm ph và b đổi lẫn cho nhau). Dẫn chứng về cái tên Bổng rõ ràng là câu trong lời tiếm bình Việt điện u linh của Tiến sĩ đời Lê Cao Huy Diệu: “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. Gọi là Phổng vì Thánh Gióng mới 3 tuổi mà ăn cơm cà của cả làng lớn “phổng” nhanh như thổi. Sau khi thắng giặc Thánh Gióng đã bay “bổng” về trời từ núi Sóc…
Phép phiên thiết đã làm lạc hướng không biết bao nhiêu nhà nghiên cứu. Thánh Gióng được gọi là thần Bổng, không phải là ông Đổng. Thần Đổng ở đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) mà Tạ Đức đã dẫn là một vị thần khác, với thành tích chính là diệt thủy quái, chứ không phải đánh giặc Ân. Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị“. Các sách cũ (theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam của Ngô Đức Thọ) đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần trấn phương Bắc nay còn thờ ở Quan Thánh cạnh Hồ Tây. Ông Đổng với thân hình khổng lồ là Huyền Thiên, không phải là Thánh Gióng.
Theo Tạ Đức, Thánh Gióng là thần trống đồng, cũng rất có thể. Tuy nhiên, thời Ân Vũ Đinh thì trống đồng dạng Đông Sơn còn chưa ra đời. Do đó Thánh Gióng phải ở vào một thời kỳ khác, sau đó. Nhìn lên bản đồ các nền văn hóa đồ đồng thì thấy rõ khu vực văn hóa trống đồng chính là phạm vi nước Văn Lang của vua Hùng được chép trong truyền thuyết: Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành. Chính nước Văn Lang với văn hóa trống đồng này là nước đã tiến đánh nhà Ân và diệt vua Trụ.
Tạ Đức có dẫn nhận định của TS. Nguyễn Việt rằng cuộc chiến Thánh Gióng đánh giặc Ân là cuộc chiến giữa người Dạ Lang ở Ba Thục với nhà Ân. Thục là từ chỉ phương Tây, phương mặt trời lặn (thụt). Ba Thục hay Bá Thục nghĩa là đất của Tây Bá hầu Cơ Xương nhà Chu. Cơ Xương là Chu Văn Vương, được huyền sử Việt chép thành Văn Lang. Tương tự, vua Tre (Trúc Vương) mà TS. Nguyễn Việt nói tới chính là vua Thục (Trúc = Thục như trong từ nước Thiên Trúc thiết Thục). Thánh Gióng đã giúp vua Thục hay vua Chu diệt nhà Ân, lập nên nước Văn Lang – Âu Lạc.
Truyền thuyết Trung Hoa còn có chuyện Bá Di, Thúc Tề nước Cô Trúc, không theo Chu Vũ Vương đánh Trụ, bỏ vào núi, không ăn thóc nhà Chu. Nước Cô Trúc đọc thành Cả Thục, tức là nước của vua Thục. Thục và Chu là một, chỉ hướng Tây vì nhà Chu nổi lên từ phương Tây (phương Chiêu = Chu).

Câu chuyện của nước Xích Quỷ mà Tạ Đức đã dẫn như vậy đã gộp 3 thời kỳ lịch sử trong sử Việt vào thành một. Đầu tiên là Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ – Hồng Bang là nhà Hạ ở vùng Nam Giao ven vịnh Bắc Bộ – biển Đông (Động Đình) ngày nay. Nhà Thương thay thế nhà Hạ, tiếp bước tiến lên chinh phục phương Bắc theo gót dời đô của vua Bàn Canh. Toàn bộ khu vực từ Kinh Sở tới vùng An Huy ở Bắc Hoàng Hà đều là đất nhà Ân Thương, với hiện hữu các di vật đồ đồng đặc trưng văn hóa Thương. Cơ Xương mở nước Văn Lang, rồi Cơ Phát (Thục Phán) cùng Thánh Gióng đánh Trụ diệt Ân, lập nên cơ đồ thiên tử thiên thu của nhà Chu ở trên vùng đất trống đồng Đông Sơn. Tam Đại Hạ Thương Chu của Trung Hoa đều là lịch sử Việt. Người Việt không cần phải “thiên di”, mà cần có một cách nhìn rộng hơn về không gian lịch sử nguồn gốc của mình.