Bàn về nước Việt Thường

Truyện chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái là truyện rất ngắn gọn nhưng lại rất khó hiểu vì những thông tin địa lý lịch sử mang trong đó không khớp gì với sử sách ngày nay. Truyện này bắt đầu như sau:
Về đời vua Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim bạch trĩ sang tiến cống. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu Công phải sai sứ qua nhiều lần dịch mới hiểu nhau được…
Đây là tích truyện đầu tiên nói tới nước Việt Thường. Nước Việt Thường này nằm ở đâu và quan hệ của nó đối với lịch sử Việt Nam như thế nào là câu hỏi đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm do có thể nước Việt Thường là một giai đoạn cội nguồn của lịch sử Việt Nam.
Gần đây, tác giả Tạ Đức trong cuốn Nguồn gốc người Việt người Mường cho rằng nước Việt Thường này nằm ở Hồ Nam, hình thành vào cuối thời Ân đầu thời Chu sau khi nước Xích Quỷ ở Ngô Thành bị tan rã. Sau đó do sự bành trướng của nước Sở mà người Việt Thường đã di cư dần xuống phía Nam, cùng với dân bản địa ở đây lập nên các quốc gia tiếp theo trong sử Việt (Tường Kha, Thương Ngô, Văn Lang)…
Người Việt Thường nếu vậy thì là dân “thiên di” thuộc loại siêu đẳng… Người Việt Thường đúng là “chuyên gia”, cứ giặc đánh đến thì bỏ nước mà đi, sang đất láng giềng rồi lập quốc ở đó. Truyền thuyết và lịch sử Việt sao không thấy có chút “ký ức” gì về phương pháp lập quốc độc đáo này?

VIỆT THƯỜNG VÀ CẢO KINH
Đọc tiếp Truyện chim bạch trĩ:
Chu Công hỏi: “Tại sao tới đây?”. Họ Việt Thường đáp: “Đời nay không có mưa dầm gió dữ, ngoài bể không nổi sóng lớn đã ba năm nay, ý chừng là Trung Quốc có thánh nhân xuất thế, nhân vậy tới đây”.
Chu Công than rằng: “Chính lệnh không thi hành thì người quân tử không bắt được kẻ khác thuần phục mình, đức trạch không mở rộng thì người quân tử không hưởng lễ của người. Còn nhớ Hoàng Đế có câu thề rằng: phương Việt Thường không thể xâm phạm được”. Bèn ban thưởng cho phẩm vật địa phương, dạy răn mà cho về.
Họ Việt Thường quên đường về, Chu Công bèn ban cho 5 cỗ biền xa đều chế cho hướng về phương Nam. Họ Việt Thường nhận lấy rồi theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp đi một năm thì về tới nước. Cho nên, xe chỉ nam thường dùng để đi trước đưa đường.
Truyền thuyết cho thấy rõ nước Việt Thường được nhắc tới là một nước giáp với biển. Sứ Việt Thường nói: “ngoài bể không nổi sóng lớn” và khi về thì men theo bờ biển mà về nước. Nước Việt Thường do vậy không thể ở Hồ Nam, là vùng đất còn cách biển cả ngàn km.
Nhưng khó hiểu nhất là đoạn họ Việt Thường “theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp” để về nước. Nhà Chu ở đâu mà sứ giả Việt Thường lại đi về qua Phù Nam và Lâm Ấp? Phù Nam và Lâm Ấp ở tận miền Trung và miền Nam Việt Nam ngày nay cơ mà.
Theo Hoa sử nhà Chu khởi nghiệp từ Cơ Xương, ban đầu đóng ở đất Phong. Khi Cơ Phát cùng chư hầu đánh Trụ diệt Ân thắng lợi, lên ngôi thiên tử của Trung Hoa thì đã cho dời lại đô về đất Cảo ở phía Tây, bắt đầu thời kỳ Tây Chu. Chu Thành Vương nối ngôi cha khi còn nhỏ, Chu Công làm phụ chính. Sứ giả Việt Thường vào cống chim trĩ thời Chu Thành Vương như vậy là ở Cảo Kinh. Cảo Kinh của nhà Chu phải nằm không xa đất “Phù Nam, Lâm Ấp”, nên không thể là vùng Thiểm Tây ở tận Bắc sông Hoàng Hà như các sử gia Tàu chú thích.
Dựa trên những thông tin mới trong địa lý lịch sử Việt Nam thì nước Việt Thường và kinh đô nhà Chu có thể xác định như sau. Đầu tiên, nước Việt Thường thời Tây Chu là nước… Việt. Điều này thật đơn giản và rõ ràng đến bất ngờ. Nước Việt thời Chu có địa bàn ở vùng hạ lưu sông Dương Tử, nay là các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang. Người nước Việt là con cháu nhà Hạ, đã khai phá vùng đất này và lấy đó làm nơi thờ cúng Hạ Vũ. Tới thời Đông Chu, nước Việt cường thịnh, Việt Câu Tiễn đánh thắng nước Ngô, trở thành một bá vương trong Xuân Thu ngũ bá.
Thượng thư đại truyện đầu thời Hán chép: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường dùng nhiều lớp thông ngôn đến hiến chim trĩ trắng…”. Việt Thường có nghĩa là nước Việt ở phía Nam vì Thường = thẳng, là đầu hướng Nam xưa trong cặp lưỡng lập thẳng – cong, vuông – tròn. Phương Nam xưa là phương Bắc ngày nay, tương tự như kim la bàn gọi là Nam châm lại luôn chỉ về cực Bắc. Nước Việt nằm ở cửa sông Dương Tử thì đúng là ở phía Nam của đất Giao Chỉ. Phải gọi là Việt Thường (Việt ở phương Nam) để phân biệt với Việt gốc là đất Giao Chỉ của thời nhà Hạ.
Đất Phong của Văn Vương được xác định là Phong Châu (Phú Thọ), kinh đô của nước Văn Lang trong truyền thuyết Việt. Do vậy Cảo Kinh của thời Tây Chu phải là vùng Vân Nam. Có vậy thì sứ giả Việt Thường mới có thể từ Cảo Kinh mà ra đến bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp được.
Tạ Đức có cho một thông tin đáng chú ý về di chỉ Ngô Thành ở Giang Tây. Thành ấp này đã bị phá hủy vào cuối thời Ân, đầu thời Chu, sau không thấy dấu tích của người ở nữa. Ai đã phá hủy Ngô Thành? Không thể là nhà Ân vì lúc này Ân Trụ Vương còn đang phải đối phó với cuộc tấn công của Chu Vũ Vương ở An Huy. Càng không phải do nước Sở bành trướng xuống phương Nam vì thời kỳ này nước Sở còn chưa ra đời. Ngô Thành đã bị tấn công bởi chính Chu Vũ Vương trong đợt phạt Trụ vì đây vốn là đất gốc của nhà Thương, từ trước khi Bàn Canh dời đô. Đây chính là vùng Thương Ngô, tức là đất Ngô của nhà Thương.
Tuy nhiên, trong cuộc tấn công này Chu Vũ Vương chỉ dừng lại ở Thương Ngô mà không tiến xa hơn về phía Đông, nơi có nước Việt từ thời Hạ. Lý do như Chu Công đã nói: “phương Việt Thường không thể xâm phạm được”. Không phải Hoàng đế hay các vua Chu sợ gì sức mạnh của nước Việt, mà vì nước Việt là đất dành riêng để thờ Đại Vũ, tổ tiên của người Hoa Hạ. Đây là khu vực linh thiêng đối với những người Hoa dòng dõi từ Hoàng Đế Hữu Hùng nên “không thể xâm phạm”.
Cũng vì sự liên hệ ruột thịt giữa nước Việt này với nhà Hạ mà nhà Hạ là nước Xích Quỷ ở vùng Nam Giao – Động Đình, tức là khu vực Giao Chỉ, nên trong khi nói chuyện Chu Công mới hỏi sứ giả Việt Thường về người Giao Chỉ (đúng hơn là hỏi về những người dòng dõi nhà Hạ): “Người Giao Chỉ cắt tóc ngắn, xăm mình, để đầu trần, đi chân đất, nhuộm răng đen là cớ làm sao?”. Hoa sử chép về việc lập nước Việt là vào thời Hạ trung hưng, con cháu nhà Hạ vua tôi cắt tóc ngắn, xăm mình lội nước lao động cật lực khai phá đất mới… Vùng đất mới ở cửa sông Dương Tử này được dành riêng thờ vua Vũ nhà Hạ, chính là nước Việt (Việt Thường) thời Chu.
Nước Việt lại là dòng dõi nhà Hạ thì rõ ràng nhà Hạ là một triều đại lịch sử của người Việt. Hạ là Việt, tức là Hoa là Việt vì Hoa Hạ là một. Trung Hoa cổ đại chính là Bách Việt.
Chu Vũ Vương mất, Thành Vương nối ngôi thiên tử của Trung Hoa. Nước Việt lúc này (“sau 3 năm” từ khi Vũ Vương diệt Trụ?) thấy “Trung Quốc có thánh nhân xuất thế” nên cử sứ giả vào cống, tỏ ý thần phục nhà Chu. Chim trĩ là biểu tượng của văn minh vì Trĩ = trữ = chữ. Có chữ viết tức là có văn minh. Cống chim trĩ ý muốn nói nước Việt sẽ theo văn minh, theo ánh sáng dẫn đường của nhà Chu. Với việc cống chim trĩ này nước Việt Thường chính thức tham gia vào thiên hạ Trung Hoa mà nhà Chu là thiên tử.

ĐƯỜNG ĐI CỦA SỨ VIỆT THƯỜNG
Vấn đề hấp dẫn nhất trong chuyện chim bạch trĩ là sứ giả Việt Thường đã đi cống nhà Chu và về nước theo con đường nào. Những thông tin ngắn gọn được chép trong truyền thuyết cho phép xác định tuyến đường đi về của sứ giả Việt Thường.
Sử ký Tư Mã Thiên cho biết họ Việt Thường đã phải qua “ba lần sứ dịch” mới đến được kinh đô nhà Chu. Dị bản Lĩnh Nam chích quái chép từ ngữ chỗ này là “trùng dịch” với chữ “dịch” mang nghĩa là “tạm nghỉ chân để đổi ngựa”. Hiểu thông tin ở đây thành “phiên dịch” (thông ngôn) nhiều lần là sai. Sứ giả Việt Thường đã dừng chân ở dịch quán dành cho sứ giả nước ngoài 3 lần, tức là từ Việt Thường đến Cảo Kinh sứ giả đã đi qua 3 nước. Mỗi nước phải dừng lại để lấy “visa”, hay đóng “giấy thông hành” kiểu như Đường Tăng đi thỉnh kinh vậy.
Khi nối giữa nước Việt ở Chiết Giang với Cảo Kinh ở Vân Nam bằng một đường chim bay thì thấy rõ tuyến đi của sứ Việt Thường qua đúng 3 nước. Đó là: nước Ngô ở Giang Tây (Thương Ngô), nước Sở ở Hồ Nam (Kinh Sở) và khả năng là nước Thục ở Quý Châu (Quý Châu là Ba Thục, đất khởi nghiệp của Tây Bá hầu Cơ Xương).

Viet ThuongTuyến đường đi về của sứ Việt Thường

Khi ra về, sứ Việt Thường “quên đường”… Đường đi tới một nước xa lạ còn biết chẳng nhẽ đường về nhà lại quên? Thay vì đi theo hướng cũ sứ Việt Thường chọn đi hướng gần như ngược với lúc đi, kể cả khi đã được phát xe chỉ nam để định phương hướng. Hẳn không phải đơn giản là sứ Việt Thường quên đường mà là muốn đi một con đường khác, nhân thể đi “thăm chính thức” các chư hầu của nhà Chu, nhằm công bố sự hội nhập của mình trong thiên hạ Trung Hoa. Cũng vì thế Chu Công mới cấp cho 5 cỗ biền xa, tương tự như một dạng “giấy giới thiệu” từ trung ương xuống các địa phương cho Việt Thường. 5 cỗ biền xa này do vậy mới được đi trước để đưa đường.
Như vậy thì ra vùng “Phù Nam, Lâm Ấp” cũng là những chư hầu của nhà Chu mà nước Việt đã đến đặt “quan hệ ngoại giao”. Từ Vân Nam để ra biển Phù Nam, Lâm Ấp thì hẳn sứ Việt Thường đã đi dọc theo dòng Mê Kông, hay sông Khung Giang trong ngôn ngữ xưa. Khung = Khương, Khương là họ của Thái Công Lã Vọng, đại công thần lập quốc của nhà Chu, được phong ở đất Tề.
Nhà sử học Đào Duy Anh cho biết: “Sách Điền Hệ của Súy Phạm viết về các dân tộc thiểu số ở miền Vân Nam cho biết rằng một dân tộc thiểu số tên là Sản Lý hay Xa Ly, có truyền thuyết nói rằng đời Chu Thành vương họ sai sứ giả đến triều cống, khi về được Chu công cho xe chỉ nam, vì thế họ lấy tên là Xa Lý. Lại có một dân tộc khác là Lão Qua (Lào) có truyền thuyết rằng ở thời nhà Chu, tổ tiên của họ là nước Việt Thường. Sách Điền Nam tạp chí thì nói Diến Điện (Mianma) là nước Việt Thường xưa“.
Xa Lý nay là tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào, giáp với Lai Châu, Điện Biên ngày nay. Từ Vân Nam để ra dòng Mê Kông thì rõ ràng phải qua vùng Phong Xa Lỳ và tiến tới biên giới giữa Lào và Mianma. Truyền thuyết ở vùng Lào – Miến này một lần nữa xác nhận tuyến đường về của sứ Việt Thường, cũng như vị trí Cảo Kinh của Tây Chu ở Vân Nam.
Khu vực đất Lào thời Chu thực ra là nước Lỗ, đất phong của Chu Công. Khu vực này còn gọi là Lâm Ấp vì Lâm = Ly = La = Lỗ = Lão. Còn đất Phù Nam thiết Pham hay Phan, là họ của Tất Công, vị quân chủ thứ ba ở thành Lạc Dương (phần Đông của nhà Chu). Phù Nam là đất phong của họ Phan. Sứ nước Việt trên đường về đã đến thăm một loạt các nước chư hầu, là những đại công thần khởi nghiệp của nhà Chu.
Khi ra đến biển Phù Nam, vì biết chắc nước Việt Thường nằm cạnh biển nên sứ giả cứ men theo bờ biển mà về. Tuyến đường men biển này khá dài, chạy ngược hình chữ S của Việt Nam ngày nay, qua Quảng Tây, Quảng Đông, về đến quê hương Việt Thường ở Phúc Kiến, Chiết Giang. Thời gian cho quãng đường về dài như vậy tới hơn một năm là hoàn toàn hợp lý.
Tổng khoảng cách cả đi và về của sứ Việt Thường tính vào khoảng 8.000 – 10.000km. Một quãng đường du hành ngoại giao kỷ lục vào thời kỳ 3.000 năm trước. Với kỷ lục này ấn tượng của chuyến đi sứ họ Việt Thường đã để lại khắp dọc đường và in sâu trong truyền thuyết Việt qua Truyện chim bạch trĩ. Cũng vì phạm vi của chuyến công du này quá rộng dẫn đến tình trạng định vị nước Việt Thường lúc thì ở phía Bắc, lúc lại là phía Nam, thậm chí còn ở cả bên Lào và Miến Điện. Nay với việc xác định nhà Chu là nước Văn Lang thời Hùng Vương, Tây Chu đóng đô ở Cảo Kinh tại Vân Nam thì nước Việt Thường cống chim trĩ là nằm ở phía Đông, là nước Việt hậu duệ của nhà Hạ ở hạ lưu Nam Dương Tử.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s