Bàn về thành hoàng làng

Thành hoàng ghi bằng chữ Nho là 城隍. “Thành” 城 là cái thành, chỉ một địa điểm tụ cư xưa. “Hoàng” 隍 theo nghĩa chữ Nho là cái ao cạn, hay cái hào nước cạn. Các tác giả thường cho rằng đây là cái hào bao quanh cái thành, và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành (Từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh). Tuy nhiên, nếu xét sát nghĩa như trên thì ta thấy “hoàng” không phải là cái hào có nước bao quanh thành. Hơn nữa khi 2 từ này ghép lại là “thành hoàng” thì không có từ nào để chỉ người cả, nên không thể suy ra nghĩa là vị thần coi giữ thành.
Chính xác hơn thì từ Hoàng 隍 vốn là một chữ Nôm được cấu tạo từ bộ phụ 阝, chỉ một khu đất, và chữ hoàng 皇, chỉ người đứng đầu. Khi ghép nghĩa của 2 bộ phận này (phép Hội ý) ta có chữ Hoàng 隍 mang nghĩa là người đứng đầu một khu vực đất đai, tương ứng với nghĩa là thần chủ của khu vực đó.
Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính chép: “Xét về cái tục thờ Thần hoàng này từ trước đời Tam Quốc trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tống, nhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.”
Như thế ban đầu là tục thờ “thần hoàng”, chứ không phải “thành hoàng”, nên việc ghép nghĩa “hoàng” là cái hào bao quanh thành ở đây là không sát thực. Ban đầu “thần hoàng” hay “hoàng” là từ để chỉ một vị thần chủ được thờ phụng. Sau này khi người ta lập thần cho một khu vực cư trú nhất định (thành) thì vị thần này mới mang tên gọi là “thành hoàng”. Cho tới nay, ở các tỉnh miền Nam, người ta vẫn gọi là “Bổn cảnh thần hoàng”, chứ không phải “thành hoàng” như ở miền Bắc.
Trong lời hát xoan ở Phú Thọ, Vĩnh Phú, khi dùng để hát chầu nơi cửa đình, thường nói đến vị “Vua”. Ví dụ, hát mời vua:

Vua lên thánh đức trị vì
Vua về nghe hát, mừng làng sống lâu.

“Vua” ở đây là thành hoàng làng. Tức là chữ Hoàng có nghĩa là “vua”, chỉ thần chủ của làng.
Người Việt rất coi trọng tín ngưỡng thờ thành hoàng nên những vị thần được cả làng lựa chọn thờ cúng đều là những người có công lao, sự nghiệp đối với làng xã, với đất nước. Khảo sát trong các vị thành hoàng ở Việt Nam hầu như đều là những nhân vật lịch sử có thật ở các thời kỳ khác nhau. Những nhân vật lịch sử có sự tích rõ ràng được gọi là các Nhân thần. Chủ yếu đây là những anh hùng dân tộc, những nhân vật lịch sử qua các thời kỳ trung đại như các vị tướng của Bà Trưng, Bà Triệu, thời Tiền Lý, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh, Lê, Lý, Trần. Hiếm gặp hơn (chủ yếu ở miền Nam) là các nhân vật lịch sử thời Nguyễn được sắc phong là thành hoàng làng.
Những còn nhân vật ở thời kỳ xa xưa, với sự tích huyền ảo thường bị nhầm lẫn gọi là Thiên thần hay Nhiên thần. Tuy nhiên, khi xét kỹ đây đều vẫn là những con người có thực, là những vị anh hùng có công lao to lớn trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một số “Nhiên thần” hay “Thiên thần” ở dạng này có thể kể đến như Tản Viên Sơn Thánh, Huyền Thiên Trấn Vũ, Thánh Dóng, thần Đồng Cổ, Bạch Hạc Tam Giang… Dù có được gọi là “Sơn thần” hay “thủy thần” thì các vị thần này vẫn có nguyên mẫu là một nhân vật từng tồn tại trong quá khứ.

DIen Long Hung
Đình Xuân Quan, nơi thờ Triệu Vũ Đế.

Người Việt lại càng tỉnh táo và cẩn trọng trong việc nhìn nhận các vị quan lại của nhân dân hay của giặc ngoại xâm. Hầu như người Việt không thờ “giặc ngoại xâm” bao giờ, mà thực chất những vị thần được thờ có xuất xứ dưới thời Bắc thuộc đều vốn là những người gốc Việt, từng có công với dân với nước. Đây là trường hợp của Triệu Đà (làng Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên; các làng ở khu vực Từ Sơn và Quế Võ, Bắc Ninh), Lưu Bang, Lữ Hậu (làng Bát Tràng), Đặng Nhượng, Tích Quang (làng Lý Đỏ, Hải Dương; làng Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), Nhâm Diên (làng Nga My Thượng, Thanh Oai), Sĩ Nhiếp (các làng ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh), ba vị họ Chu (ở Thạch Thất, Hà Nội). Thậm chí có cả các Tiết độ sứ thời kỳ sau này như Vũ Hồn (ở Hải Dương), Cao Biền (ở Bắc Ninh). Khi suy xét kỹ nguồn gốc, sẽ nhận ra tất cả những vị thành hoàng “thời Bắc thuộc” này vốn đều là người gốc Việt, làm quan dưới các triều đại của người Việt.

IMG_7205
Ngai vị Lưu Thiên tử và Lữ Hoàng hậu ở đình Bát Tràng.

Một số trường hợp thờ thành hoàng có nguồn gốc Trung Hoa như Tứ vị Hồng nương, Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân, thậm chí cả Tề Thiên Đại Thánh. Đây đều là những vị phúc thần phổ biến trong văn hóa Trung Hoa, không phải “giặc ngoại xâm”.
Trường hợp khác là các thành hoàng có nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn Độ (Bà La Môn giáo và đạo Phật). Xếp vào loại này có các vị Bà trong Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Đế Thích (tập trung ở Hưng Yên và Hà Nội). Thậm chí có nơi thờ cả Phật tổ Thích Ca làm thành hoàng như đình làng Thổ Cốc (Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên). Có lẽ tên gọi “Thiên thần” chỉ nên dùng cho các vị thành hoàng xuất xứ từ tôn giáo.
Lẻ tẻ có một vài nơi có đền miếu thờ các viên tướng giặc như thờ Mã Viện hay Sầm Nghi Đống, nhưng thực chất đều không phải là các thành hoàng làng được sắc phong, mà là do những nhóm Hoa kiều lập miếu thờ.

IMG_9016.JPGChính điện đình Kim Ngân, thờ ông tổ bách nghệ Hiên Hoàng.

Ở một số làng thờ các vị có công truyền dạy nghề cho dân làng, như vị tổ nghề gốm Bát Tràng, làng Phù Lãng, vị tổ nghề đúc đồng ở Đại Bái, nghề chạm khắc gỗ làng Đông Giao, Hải Dương… Trong số các vị thành hoàng là tổ nghề, đáng chú ý có nơi thờ các nhân vật của cổ sử Trung Hoa như đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội) thờ Hiên Viên Hoàng Đế là tổ bách nghệ. Nhiều làng nghề mộc như Dư Dụ (Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội) thờ ông Lỗ Ban, tổ sư của nghề mộc.
Người Việt không thờ cái hào bao quanh thành, không thờ những tà thần làm thành hoàng, không thờ giặc ngoại xâm trong đình làng. Thành hoàng làng đều là những nhân vật lịch sử hoặc tôn giáo có công lúc sống, hiển linh lúc mất với nước với dân.

Đền miếu Việt

“Đền miếu” là cách gọi chung cho các kiến trúc dùng để thờ cúng, thực hành các tín ngưỡng. Tín ngưỡng thờ thần trong các ngôi làng của người Việt đã xuất hiện ngay từ khi làng được hình thành. Do đó các kiến trúc đền miều cũng đã có từ khi đó.

Tùy theo từng vùng miền, từng đối tượng thờ cúng mà các công trình thờ phụng ở làng mang những tên gọi khác nhau như đền, miếu, mạo, nghè, từ, quán, chùa, am, phủ, điện… Tất cả đều có công năng chung là nơi để phụng sự, thờ cúng các vị thánh, thần và là nơi thực hành các tín ngưỡng của người dân hoặc của các vị tu hành. Đây là điểm dựa tâm linh quan trọng đối với cộng đồng người dân trong thôn làng. Tục thờ thần thánh thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo thờ tổ tiên, một nét đặc trưng văn hóa của người Việt.

Cu thachCự thạch, đàn tế cổ ở Đại Đình, Tam Đảo.

Ban đầu người Việt thực hành việc thờ cúng dưới dạng các bệ thờ lộ thiên được xếp bằng đá hoặc xây dựng. Những bệ thờ cổ nhất còn lưu lại tới ngày nay dưới dạng các di chỉ cự thạch, gặp ở một số vùng miền núi ở Vĩnh Phúc, Cao Bằng,… Dần dần sau này từ các bệ thờ phát triển thành các loại hình kiến trúc có mái, khép kín khác nhau. Các đàn tế mà nay còn được sử dụng không còn nhiều, chủ yếu ở những nơi có tục thờ Trời (đàn Nam Giao), thờ Thần Nông (đàn Tịch Điền, đàn Xã Tắc) vì theo quan niệm việc thờ cúng này phải thực hiện ở ngoài trời.

Sau các bệ thờ là những am, miếu nhỏ. Những am bệ này thường được lập để tạm thời thờ cúng, trước khi xây thành miếu điện, như trường hợp thờ gốc cây, thờ đá, thờ người chết bất đắc kỳ tử,… Am cũng là từ để chỉ một kiến trúc nhỏ dành cho người tu hành chuyên tâm.

IMG_6262Đền Nhà Bà ở Phù Ninh, Phú Thọ.

Ở miền Bắc xưa kia hầu như làng nào cũng có một ngôi miếu chính để thờ cúng vị thần bảo hộ của làng. Nhưng cũng không hiếm trường hợp làng có nhiều ngôi miếu, thờ các vị thần khác nhau. Nhiều trường hợp đây cũng là các vị thành hoàng của làng, là những người lúc sống có công với làng xã, hoặc khi mất từng hiển linh phù trợ quốc gia, được các triều đại phong kiến công nhận qua các sắc phong.

Thông thường nếu đình làng là chốn “công đường”, nơi khấn cáo, tế lễ thành hoàng làng, thì đền, miếu hay nghè của làng là nơi an nghỉ, lưu giữ các di vật, sắc phong của thành hoàng. Cũng như đình làng, các đền miếu của làng thường do làng quản lý, cử ra một người thủ từ để trông nom hương khói. Nhưng việc cúng tế, tổ chức tế lễ vẫn do ban khánh tiết chung của làng thực hiện.

Nghe Gia Lam.jpgNghè Gia Lâm, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội.

Một loại hình miếu thờ quan trọng rất phổ biến đối với các địa phương có truyền thống khoa bảng là Văn từ của làng. Văn từ, Văn chỉ (Từ chỉ, Từ vũ) là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương. Một số nơi trong Văn chỉ, Văn miếu có thờ cả Sĩ Nhiếp như vị thánh tổ Nho học nước Nam (Nam Giao học tổ). Mục đích của Văn chỉ là để cổ vũ, dẫn dụ đạo học của quê hương.

Thời phong kiến, một số làng có Quán, là nơi thờ tự của Đạo giáo và nơi tu hành của các đạo sĩ, do Đạo quản lý. Các đạo quán thường được lập ở những nơi được cho là có tính phong thủy tốt, các huyệt mạch quan trọng của thế đất. Cũng có nhiều trường hợp “quán” cũng là nơi thờ cúng các vị thần, thậm chí cả thành hoàng làng, và điều này thường chứng tỏ vị thần được thờ từng là một đạo sĩ hay có liên quan tới Lão giáo.

Lam Duong quan.jpgCổng Lâm Dương quán, nay là chùa Đa Sĩ.

Một điểm thờ tự mà trước kia hầu hết các làng quê Bắc Bộ đều có là ngôi chùa làng. Chùa là nơi phụng thờ Phật và nơi tu hành của các vị sư, sãi và do sư quản lý. Các chùa ở miền Bắc thường thờ theo hình thức Đại thừa, thờ đức Phật Thích Ca, Tam Thế phật cùng các chư Phật khác. Chùa gắn bó thân thiết trong đời sống tâm linh của dân làng. Chùa là nơi dân làng lễ bái, tu thân, trau dồi đức hạnh, để phúc đức lại cho con cháu. Tuy nhiên, chùa làng thường lại không do làng quản lý mà do sư sãi của Phật giáo quyết định.

Trên thực tế nguồn gốc các ngôi chùa hiện nay khá phức tạp. Ở nhiều nơi các đạo quán của Lão giáo trước đây nay đã bị cải thành nơi thờ Phật, và được gọi là chùa. Điển hình như Hưng Thánh quán ở Thường Tín được gọi là chùa Mui, Lâm Dương quán là chùa Đa Sĩ (Hà Đông), chùa Thiên Tôn ở Ninh Bình,… Những nơi này tên gọi và hệ thống tượng thờ phần lớn đã thay đổi, chỉ duy còn giữ được bộ tượng Tam Thanh, đặc trưng của điện thờ Đạo giáo.

IMG_0595.JPGChùa Pháp Vũ ở Ân Thi, Hưng Yên.

Phổ biến hơn nữa, chùa được nói đến khi có liên quan tới các nhân vật của Bà La Môn giáo đã được Việt hóa sâu sắc. Điển hình là tục thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) rất phổ biến ở các chùa của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội. Tứ pháp hay bốn vị Bà (Dâu, Dàn, Tướng, Đậu) thực chất là Tứ đại Thiên vương trong Bà La Môn giáo đã du nhập vào nước ta từ thời kỳ rất sớm. Cũng ở các vùng này còn có các đền thờ Đế Thích, cũng được gọi thành chùa (Đế Thích tự như ở vùng Hưng Yên hay chùa Vua ở Hà Nội).

Nhiều chùa còn kiêm luôn là đền thờ, với bố cục “tiền Phật hậu Thánh”, có khi là “tiền Thánh hậu Phật”. Đây là các trường hợp thờ các vị thánh tổ thiền sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải như chùa Láng, chùa Thầy, chùa Keo,… Còn nữa, chùa Hương Tích thờ bà chúa Ba Diệu Thiện thời Hùng Vương dưới ngôi Nam Hải Quan Âm của đạo Phật.

Chua THay.jpgBệ đá thời Lý đỡ tượng Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy.

Các loại hình Phủ, hay quy mô nhỏ hơn là Điện, là nơi thờ Mẫu hay các vị thần trong Tam tứ phủ. Đây cũng là nơi thực hành tín ngưỡng thông qua hoạt động hát chầu văn và lên đồng. Ngày nay, các điện thờ Mẫu thường được dựng bên trong khuôn viên của chùa, hình thành tổ hợp “tiền Phật hậu Mẫu”.

Dong Hoa.jpgĐền Đỗng Hoa, đàn thiện ở Thạch Thất.

Ở một số địa phương ở miền Bắc còn có loại hình “thiện đàn”, nhiều chỗ gọi là đền thờ Tam giáo. Đây từng là nơi hoạt động của phong trào Đông kinh nghĩa thục, là nơi tổ chức các buổi cầu cơ giáng bút, nhằm phổ biến lòng yêu nước, thương nòi trong nhân dân. Thần điện của các thiện đàn rất phong phú, tập hợp nhiều vị thần mang tính truyền thống dân gian như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tản Viên Sơn Thánh, Thái Thượng Lão Quân, Khổng Tử, Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh, Quan Thánh Đế Quân… Quan niệm của những nhân sĩ trong phong trào thiện đàn là gìn giữ được tín ngưỡng thờ thánh thần là gìn giữ được hồn cốt của dân tộc, giúp nhân dân ta có tâm thức vượt qua đêm dài nô lệ dưới gót giặc ngoại xâm.

 

Văn Tây Thiên Quốc Mẫu

Bản văn chép bằng chữ Nôm lưu tại đền Hóa, Tây Thiên năm 1988.

Tay Thien

Phụng kính lòng tiên cẩn mệnh
Vận tuần thánh mẫu giáng đàn chứng minh.
Tối anh linh Tây Thiên tú khí
Tả Phù Nghi hữu thượng Bồng Châu
Vạn dân thiên hạ khấu đầu
Quốc gia này cũng sở cầu mộc ân.
Ông bà trưởng giả lão tuần
Dân hiền trướng ngọa, kiệm cần lo âu.
Lễ sở cầu nhất tâm kính tiến
Lòng chí thành thấu đến hoàng thiên
Sắc sai thánh mẫu chúa tiên
Rẽ năm mây xuống kết liền trần gian.
Chốn thiên ban thu bà lóng lánh
Phóng hào quang giáng sinh trần cảnh khi nay
Da ngà mắt phượng mày ngài
Tiên nga miệng nở hoa tóe mây tuyết điểm
Nghệ thi thư không kém thanh minh
Gần xa nô nức yến anh
Tin đi thư lại khắp danh Tấn Tần.
Nào có để bụi trần vướng vít
Lánh cõi trần vui thú chốn tiên
Tiên cung vứt chiếc áo vàng
Hô phong hóa phép áo liền ra
Ba mảnh lưu vực đình nhà
Mảnh bay làng Mạ, mảnh ra Xuân Đình.
Tự nhiên anh linh chính ngự
Tiếng đồng khấn cả đâu đâu
Ai muốn lên cầu Tiên Chúa
Lên Tây Thiên dục tú anh linh
Thạch Bàn quấn khúc hồi long
Thánh cung chính vị, Chấn cung thượng tòa
Đại bao la long chầu hổ phục
Cầm phượng thụy mênh mông cửa đền
Chín suối bao quanh bên gành chim điểu
Trống canh vang trong truyền loa ếch thú
Khêu ếch trong thành đánh mõ giao canh
Chim thời đánh phách đánh sênh
Thú cầm hoa quả tiến trình đài phi.
Sóc vọng kỳ triều thần bái mệnh
Các triều thần chư tướng tôn nghiêm
Bốn mùa hoa quả trên cành
Dưới khe nước tựa hình quân reo.
Thủa Hùng triều tới nơi lục đại
Hiếm lo hoàng tử chưa sinh
Hùng vương tu lễ tiến trình
Nguyện xin Hoàng tử giáng sinh nơi đời.
Thánh mẫu tới nơi ngọc bệ
Giáng chúng sinh chung thủy kết duyên
Thánh tự ra kết chúa tiên
Sẽ cho hoàng tử duy truyền nơi ngôi.
Thư giao lai đằng hoằng như khí
Sánh cõi trần vui thú chốn tiên
Cứ trong ngọc tỉ duy truyền
Sắc phong Thánh mẫu chính tiên đền rồng.
Phù quốc tộ đại hồng đại lộc
Câu phàm dân đại đức bi lê
Vương sĩ quân thần khẩn đảo
Vánh canh khuya mộng báo phân minh
Phạm Lê đôi ả chí tình
Lam Sơn khởi nghĩa giúp thành Lê quân.
Sắc phong quốc mẫu nguyên huân
Phúc sinh đệ nhất nước thần anh linh.
Địa phương truy, truy truyền kế thế
Ức vạn niên quốc tế linh từ
Trước là bái tạ vua cha
Sau lại quốc mẫu cùng là chư dinh.
Tối anh linh Thạch Bàn điện thượng
Mẫu Tây Thiên thánh thượng đoan trang
Ngôi rồng chính lập đền vàng
Bên chùa bên miếu rõ ràng uy nghi
Hai bên khe thênh thênh nước chảy
Trước cửa đền suối ấy Giải Oan
Du du phóng bộ ngàn quan
Từ từ bước khoan khoan gót ngọc
Suối Giải Oan nước trong như lọc
Tẩy trần ai vứt đục sạch rồi
Cảnh Tây Thiên là cảnh bầu trời
Khi nhàn hạ dạo chơi du lịch
Trong sườn non róc rách nước khe
Vẳng tai nghe sênh phách nhịp nhàng
Đủng đỉnh lên chơi chốn Thạch Bàn
Trông nước chảy tuần hoàn khuất khúc
Lên chốn ấy biến màu tuần tục
Rất ngàn quan đưa tứ túc từ
Thanh nhàn hướng cảnh cõi thừa dư
Cõi tốt nhất một tòa thiên tạo
Ai là kẻ chân tu đắc đạo
Lên Tây Thiên Tam Đảo mà tu
Ai ơi chớ ngại công phu
Dốc lòng thành kính cũng như một lòng
Dù ai có bệnh kêu van
Đến cúng cửa mẹ thời can cửa nhiều
Khó điều nhất trai tồn tẩy
Lại nhờ mẹ chẩy anh trung
Tả hà đức hiếu linh từ
Dốc lòng thành kính cũng như một lòng
Mẫu ban công cùng là tiếp lộc
Hóa cho ngọc đúc tiền xe
Mong tuổi thọ cao cả hải Bắc
Lại nhờ mẹ ngọt nước trường sinh
Già thời mạnh khỏe tinh nhanh
Trẻ thời đến tuổi công danh gặp thời.
Chớ lo gì vạn niên vận thủy
Dốc một lòng khẩn đảo cho chuyên
Cầu trai trai ắt được hiền
Có khi cầu gái gái lên nữ tài.
Gặp phải khi thời hoạn nạn
Động đất khó con lắm thay
Lễ khi kịp phải đặt bày
Thỉnh mời thánh mẫu ngày dày chứng minh.
Mẹ hành binh hô phong hoán vũ
Đâu đấy đều vui thú thảnh thơi
Mẹ cho hạ cũng như xuân
Phong đăng hoa cốc muôn dân thái hòa
Trước cửa tòa đua nở
Trên đền rồng đã khái ngang ca
Tiêu thiều nhã nhạc vang vang
Tiếng tơ tiếng trúc tiếng đàn chen nhau
Gảy mấy câu tình tang tích tịch
Thú hữu tình tích tịch tình tang
Có khi bà ngự đài ngang
Vào ra ba dốc, khi sang ngũ hồ
Khi hò hô bà dạo chơi bát cảnh
Khi lại ngồi bát cảnh tiên bang
Khi bà sang chốn tuần hoàn
Khi lên thượng đế luận bàn quốc gia
Nước du hòa mà dân xã thịnh
Đâu đấy đều nhập thiện Thuấn Nghiêu
Anh linh tự cổ chí triều
Sắc phong thánh mẫu chính tiên đền rồng.

Bà Giàng và Tứ Pháp

Ở miền Trung, có một vị thần được thờ rất phổ biến, dọc ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam Đà Nẵng, nơi nào cũng có thờ. Vị thần có cái tên khá dân gian: Bà Giàng. Bà Giàng là ai mà lại được thờ phổ biến như vậy ở đây? Để nhận diện vị thần này, thử điểm qua các di tích thờ Bà Giàng ở vùng ven biển Trung Bộ.

IMG_3345Miếu Bà Giàng – Thai Dương phu nhân ở Thuận An.

Một ngôi miếu cổ nổi tiếng ở cửa biển Thuận An (Huế) gắn với sự tích Thai Dương phu nhân. Sự tích này đã được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và vị thần Thai Dương phu nhân ở đây đã được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần sắc phong. Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân được kể nói chung như sau:
Có một ngư phủ ra làm nghề biển, nằm gối đầu lên khối đá mà ngủ. Ông nằm mộng thấy người đàn bà mang thai lay đầu mình dạy bảo rằng: “Chớ chạm vào thai ta”. Ngư phủ tỉnh dậy không thấy ai khấn rằng: “Thần có thiêng xin đêm nay phù hộ cho ta bắt được nhiều cá”. Quả nhiên, hôm đó ông đạt được ý nguyện như lời cầu xin. Dân chài trong địa phương cùng nhau lập đền thờ. Mỗi lần họ cầu xin điều gì đều được như ý.

IMG_3332Đá thờ trong nội điện miếu Bà Giàng – Thai Dương phu nhân ở Thuận An.

Tục thờ Thai Dương phu nhân gắn liền với tục thờ đá cổ. Miếu Thai Dương phu nhân ở cửa Thuận An còn được gọi là miếu Bà Giàng. Dễ nhận thấy âm Giàng đã được ghi trong sách vở bằng chữ Dương. Còn chữ được dịch ra thành “phu nhân”.
Câu đối ở miếu Thai Dương phu nhân:
跋跅化生帖海澄波彰聖澤
邰陽顯現騰雲駕雨妙神機
Bạt thác hóa sinh, thiếp hải trừng ba chương thánh trạch
Thai dương hiển hiện, đằng vân giá vũ diệu thần cơ.
Dịch:
Dấu mạnh hóa sinh, biển lặng sóng yên ngời đức thánh
Thai trời hiển hiện, đi mây về gió khéo cơ thần.
Ở các nơi khác, Bà Giàng được ghi trong sắc phong là Dương phu nhân. Ví dụ như sắc phong của xã Thi Ông ở Hải Lăng, Quảng Trị. Điều này củng cố thêm nhận định Bà Giàng = Dương phu nhân.

Sac Duong phu nhan.jpgSắc phong thời Tự Đức cho Dương phu nhân trung đẳng thần ở xã Thi Ông, Hải Lăng, Quảng Trị.

Ở thôn Thanh Phước xã Hương Phong, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng có một viên đá được vua phong là “phu nhân”. Đó là “Kỳ Thạch phu nhân”, là một tấm đá có khắc chạm tượng. Đây là tấm phù điêu của một tháp Chăm cổ được người dân tìm thấy trên bãi cồn. Tấm đá chạm hình quỷ vương Ravanda mười đầu, mười tám tay, bốn chân đang lay chuyển ngọn núi của thần Shiva trong Hindu giáo. Làng Thanh Phước gọi tấm chạm này là “Bà Đá”, cho dù hình khắc không thể hiện nhân vật nữ nào. Sắc phong cho Kỳ Thạch phu nhân ở làng Thanh Phước có từ thời Minh Mạng.

IMG_3468
Am Bà Đá – Kỳ Thạch phu nhân ở Thanh Phước.

Từ 2 vị “phu nhân” Bà Giàng và Bà Đá trên, ta thấy chữ Bà ở đây không phải chỉ nữ giới mà nó liên quan đến các vị thần Hindu giáo của của người Chăm xưa để lại qua các phiến đá cổ. Bản thân tên gọi Chămpa được ghi là Chiêm Bà. Chữ Bà do đó là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ cổ. Chiêm Bà nghĩa là Vua Chiêm, nước của vua Chiêm.
Bà Giàng như ở miếu Bà Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) còn gọi là Bô Bô. Như thế Bà là biến âm của Bô, hay Bố, vốn là từ chỉ Vua ngày trước, tương tự như trong danh xưng Bố cái đại vương.
Ở thôn Lương Hậu (Thủy Lương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) có ngôi miếu Bà Giàng hay Lùm Giàng. Trên miếu ghi chữ “Bố Y Na miếu”. Căn cứ vào chữ này mà người ta cho rằng đó là nữ thần Thiên Y A Na, phiên âm từ tên Poh Nagar ra. Tuy nhiên, đúng với tên gọi vị thần ở đây là Bà Giàng thì phải phiên âm như sau:

  • Bố = Bà
  • Y Na = Yang = Giàng.

Bố Y Na là cách ghi âm Hán Việt khác của từ Bà Giàng. Miếu ở Lương Hậu còn có bức tượng thần Shiva nhiều tay trong điệu múa vũ trụ, cho thấy liên hệ trực tiếp giữa cái tên Bà Giàng với tín ngưỡng của Hindu giáo (người Chăm).
Từ Giàng (Yang) trong tiếng dân tộc nghĩa là Trời. Từ phát hiện trên ta lại có, Bà là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ Chăm. Như thế Bà Giàng nghĩa là Vua Trời. Ghi bằng âm Hán Việt ở miền Bắc là Thiên Đế (Đế Thích). Vua Trời trong văn hóa Chăm là thần Shiva.
Ở chùa Đông Lâm tại thôn Cù Hoan (Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị) có miếu Bà Giàng bên trong thờ một mukhalinga là hình một Linga tròn được gắn với đầu của thần Shiva. Hình thần Shiva còn thấy cả râu mép, rất rõ ràng không phải là nữ thần.

Mukhalinga
Tượng Bà Giàng – mukhalinga chùa Đông Lâm (ảnh theo Internet).

Rất nhiều những điểm thờ cúng khác liên quan đến chữ Bà đều có tượng đá Chăm thể hiện các vị thần của Hindu giáo. Tại chùa Ưu Điềm (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) có miếu Bà Lồi, trong đó lưu giữ một bức phù điêu có khắc hình thần Shiva và vợ đang cưỡi trên con bò thần Nandin. Trong miếu còn các hiện vật khác của một ngôi đền Chăm cổ, có cả một Linga tròn và mảnh vỡ của tượng Yoni. Chữ Bà như vậy chỉ các vị thần trong Hindu giáo, nay được gọi là các Chư Thiên.

IMG_3531Phù điêu và Linga cùng các hiện vật đá ở miếu Bà Lồi, chùa Ưu Điềm.

Các “Bà” hay Chư Thiên Hindu giáo thường gắn với truyền thuyết về “thai sinh”, sinh ra từ thân cây hay trong một tảng đá. Ví dụ như trường hợp Thai Dương phu nhân ở Thuận An đã nói ở trên. Có thể cái “Thai” này là tượng trưng của Linga, biểu tượng của thần Shiva.
Từ nhận định chữ Bà là chỉ các vị thần của Hindu giáo ở miền Trung còn đi đến một phát hiện bất ngờ khác. Bốn vị thần Tứ Pháp – Phong Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tên dân gian là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn. Những chữ “Bà” này làm cho người ta nghĩ rằng đây là 4 vị nữ thần…

P1150366
Ban Pháp Vũ ở chùa Dâu.

Thực ra chữ Bà này không phải là từ chỉ phụ nữ. Đây là từ có nguồn gốc trong “tiếng Chăm”, ví dụ như các nơi Bà Đanh, Bà Đá,… thường được cho là du nhập văn hóa Chăm. Như đã dẫn chứng ở trên Bà tương đương với vua hay vương. 4 vị “Bà” làm Mây Mưa Sấm Chớp ở vùng Luy Lâu dó đó là 4 vị vương thần, hay gọi chính xác là Tứ đại Thiên vương. Đây là 4 vị thần của Hindu giáo mà đã được tiểu thuyết Phong Thần diễn nghĩa gọi là Phong Điều Vũ Thuận, liên quan đến việc làm mưa làm gió.

P1150368Ban thờ Pháp Vân ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Cốt lõi của cây Dung thụ nơi sinh Tứ pháp là Thạch Quang Phật, tức là cái “Thai” đá, hay Linga, biểu tượng của thần Shiva. Tứ đại Thiên vương cũng là những vị thần theo hộ giúp thần Shiva.
Tục thờ Tứ pháp do đó thực chất là thờ các vị thần Hindu giáo, đã du nhập vào miền Bắc từ rất sớm ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Khi đó, dưới sự cai quản của Sĩ Nhiếp miền Bắc và miền Trung Việt đang cùng trong 1 châu. Giao Châu thời này bao gồm cả các quận Nhật Nam, Cửu Chân, mà Nhật Nam chính là nơi bố của Sĩ Nhiếp là Sĩ Tứ làm thái thú. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi tín ngưỡng của miền Bắc và miền Trung Việt lúc này cùng là một, thờ các vị Thiên Đế và Chư Thiên của đạo Bà La Môn.

 

Nam quốc Anh Hoàng

Một điểm đặc biệt gắn liền với tục thờ ba vị vua Hùng thánh tổ ở Phú Thọ là luôn kèm theo thờ 2 vị công chúa. Như ở đền Thượng, đền Trung trên núi Nghĩa Lĩnh, bên cạnh 3 long ngai bài vị  của Đột ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn ở chính cung thì còn có một cỗ ngai không bài vị để ở đầu đốc bên phải, trong văn tế được ghi là thờ hai công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung. Bản thân cụm di tích đền Hùng cũng mô phỏng cách thờ tương tự, bao gồm 3 ngôi đền thờ Hùng Vương (Thượng, Trung, Hạ) và thêm đền Giếng lập riêng thờ 2 vị công chúa này. Bộ thần điện cũng thấy ở các đình Cổ Tích, đình Việt Trì…

IMG_1978.JPG
3 ngai thờ Tam Sơn linh lang và 1 ngai không bài vị bên phải thờ Hoa Dung công chúa ở đình làng Việt Trì.

Theo Ngọc phả Hùng Vương thì công chúa Mỵ Châu Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, còn công chúa Mỵ Nương Ngọc Hoa lấy Tản Viên Sơn Thánh. Câu chuyện Sơn Tinh thi tài, lấy được công chúa Mỵ Nương nổi tiếng, người Việt ai cũng biết. Tuy nhiên, xét kỹ thì thân thế của 2 công chúa được thờ ở đền Hùng không hẳn như vậy. Con rể vua Hùng ở Phú Thọ không phải là Tản Viên từ núi Ba Vì.
Điều khó hiểu là tại sao 2 công chúa của Hùng Vương cuối cùng (thứ 18) lại được thờ chung với 3 vị Thánh tổ dựng nước đầu tiên? Và tại sao các nơi lại thờ 2 vị này chung trong 1 ngai, không ghi tên bài vị rõ ràng?

IMG_1705
Đình Cả làng Trẹo.

Ở Nghĩa Lĩnh có 2 làng He (Vi Cương, nay thuộc xã Chu Hóa) và Trẹo (Triệu Phú, thuộc xã Hy Cương) là các thôn “tạo lệ” cho phụng sự của đền Hùng. Hai làng này thờ giống như ở đền Hùng gồm 3 vị Hùng vương và 2 công chúa. Đặc biệt 2 làng có tục “Rước chúa gái” trên cơ sở truyền thuyết công chúa Ngọc Hoa trên đường về nhà chồng đi qua đây buồn rầu nhớ cha mẹ nên không đi nữa. Dân làng phải diễn trò cho công chúa vui lên mà đi tiếp. Các trò diễn đó được gọi là “Bách nghệ khôi hài”, là những trò liên quan đến trồng lúa, cày ruộng và săn bắt.
Nhiều nơi trong Phú Thọ có truyền thuyết Sơn Tinh hoặc vua Hùng dạy dân đi săn. Như ở Vân Luông (xã Văn Phú, Việt Trì) là nơi thờ 3 vị Đột ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn nhưng lại có tục ném cài cướp bông, liên quan đến việc Sơn Tinh đưa Ngọc Hoa công chúa về thăm cha và đi săn lợn rừng. Hay ở xã Phú Lộc huyện Phù Ninh có tục múa gà phủ và nghi lễ mở cửa rừng, liên quan đến sự tích Sơn Tinh dạy dân làm cung nỏ, dùng dây thường bện lưới để đi săn.
Những tục lệ liên quan đến hoạt động tiền nông nghiệp cho thấy sự cổ xưa của sự tích, của nhân vật được thờ. Đi săn sẽ gắn với thời kỳ đầu của Hùng vương, hơn là thời kỳ cuối khi nghề luyện kim và nông nghiệp đã rất phát triển.
Trong các trò trình nghề ở Phú Thọ thường có đoạn diễn tích Đế Thuấn cày voi. Như trò tứ dân lập nghiệp ở Tứ Xã (Lâm Thao) có người đóng vua Thuấn dẫn voi đi cày và hát:
Vốn tôi đây dòng dõi thần minh
Kẻ tên hiệu tôi là Ngu Thuấn
Nghĩ cha mẹ tôi càng oán hận
Hận ở điều ăn ở không cân
Em dượng tôi ngạo mạn bất nhân
Ân tôi phải dĩ nông vi bản
Tôi cũng mong hữu gia hữu sản
Nhác trông lên núi Lịch tốt thay
Ân tôi phải bắt voi cày núi đá.

Phu Tho Hung VuongVị trí các địa danh trong bài.

Như đã xác định, vị vua Hùng thứ 3 được thờ ở Phú Thọ là Đế Thuấn. Vì Đế Thuấn cũng được ngọc phả và truyền thuyết gọi là Sơn Thánh tổ (Viễn Sơn hay Lịch Sơn) nên sự tích của vị này bị nhầm với Tản Viên Sơn Thánh. Những việc dạy dân cấy cày, săn bắn ở Phú Thọ là của Lịch Sơn Đế Thuấn, chứ không phải của Tản Viên Ba Vì. Công nghiệp chính của Tản Viên là trị thủy sông Đà, hơn là khai lập bách nghệ. Bản thân tổ của Bách nghệ là vị vua Hùng đầu tiên (Đột ngột Cao Sơn), tức Hoàng Đế Hiên Viên trong văn hóa phương Đông.
Từ nhận định rằng vị Sơn Thánh ở Phú Thọ là Viễn Sơn Đế Thuấn thì chợt nhận ra công chúa Ngọc Hoa lấy chồng không phải là lấy Tản Viên ở núi Ba Vì. Vua Hùng dựng lầu kén rể ở Bạch Hạc là đã chọn Đế Thuấn, người từ núi Lịch (Tuyên Quang). Điều này giúp giải thích tại sao Ngọc Hoa công chúa lại được thờ cùng với Tam Sơn Hùng Vương thánh tổ.

IMG_6117
Hoành phi Nam quốc Anh Hoàng ở đền Giếng.

Hoành phi ở đền Giếng trong quần thể di tích đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh: Nam quốc Anh Hoàng. Ý ở đây so sánh hai công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung với 2 bà Nga Hoàng và Nữ Anh, là con gái của Đế Nghiêu được gả cho Đế Thuấn. Thực tế thì đây không chỉ còn la sự so sánh mà ta có thể đặt dấu bằng giữa nhị vị công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung với Nga Hoàng và Nữ Anh.
Tên Ngọc Hoa đọc phiên thiên cho chữ Nga, là tên của Nga Hoàng.
Câu đối ở đền Giếng:
皇家衍出龍仙派
帝闕端門姊妹花
Hoàng gia diễn xuất long tiên phái
Đế khuyết đoan môn tỉ muội hoa.
Dịch:
Rồng tiên lại tiếp dòng vua chúa
Hoa ngọc chị em chính đế cung.
Ngọc phả Hùng Vương có một chi tiết thường hay bị bỏ qua: Lộc Tục… hóa tiên về biển cùng con gái Động Đình Quân là Ngọc Dung. Lộc Tục ở đây không phải Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình ở đoạn sau đó. Chỉ có thế thì Lộc Tục mới có thể cùng công chúa Ngọc Dung “hóa tiên” được. Ngọc Dung là tên gọi tắt của 2 vị Ngọc Hoa – Tiên Dung, vốn được thờ chung trong 1 ngai. Cả hai đều được vua Hùng (tức là Ất Sơn – Đế Nghiêu) gả cho Đế Thuấn.
Cổ sử Trung Hoa kể rằng, nguyên Đế Thuấn là người bộ lạc Hữu Ngu, mẹ ông là người rất hiền đức mất sớm. Cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác và sinh ra Tượng và một cô con gái khác. Dù bị mẹ con Tượng và cả Cổ Tẩu đối xử không tốt, Thuấn vẫn một mực hiếu thuận, giữ đúng đạo làm con. Danh tiếng Thuấn được người trong bộ lạc nể phục. Nhờ đó ông được Đế Nghiêu gả cho hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh, đồng thời tặng cho lương thực và rất nhiều gia súc. Sau thời gian thử thách, Đế Nghiêu quyết định truyền ngôi lại cho Thuấn bất chấp lời can ngăn, vì Nghiêu có một người con trai đã đến tuổi trưởng thành là Đan Chu.
Chuyện Đế Nghiêu truyền ngôi cho Đế Thuấn chính là cốt truyện Vua Hùng kén rể ở Phú Thọ. Ngọc Dung công chúa ở đây là hai vị Nga Hoàng, Nữ Anh, con của Đế Nghiêu. Việc truyền hiền (thiện nhượng) này là thể hiện xã hội của thời kỳ mẫu hệ. Lấy con gái vua tức là được kế nhiệm ngôi vua, cai quản đất nước. Cuộc xung đột tranh giành ngôi vị lúc này là giữa Đế Thuấn và Đan Chu, con của Đế Nghiêu. Truyền thuyết Việt kể thành việc tranh chấp Mỵ Nương giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.

IMG_1842Ban thờ Ngọc Hoa – Tiên Dung trong sân chùa Hoa Long.

Ở cạnh chùa Hoa Long và đình làng Việt Trì từng có một lầu gác thờ Hoa – Dung công chúa, vốn còn dấu kê chân cột bằng đá ong. Nơi đây có thể là “lầu kén rể” của vua Hùng cho con gái. Nay ngôi đền thờ hai vị công chúa này được xây lại trong khuôn viên chùa Hoa Long, có tượng 2 vị bằng đá cẩm thạch.
Cổ kính hơn còn lưu lại được, ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh có ngôi đền Nhà Bà thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung. Tương truyền, trước đây hai nàng công chúa đã đến vùng quê này vừa để du xuân, vừa dạy nhân dân săn bắn, hái lượm và trồng cây… nên mảnh đất này được gọi là Tiên Du.

IMG_6227
Đền Nhà Bà ở Tiên Du.

Một vế đối còn lưu được bên cột hoa biểu ngoài đền:
君由白鶴來駙南越萬邦稱女傑
Quân do Bạch Hạc lai phò, Nam Việt vạn bang xưng nữ kiệt
Dịch:
Chúa đến giúp từ Bạch Hạc, Nam Việt muôn bang gọi gái tài.
Chữ “phò” 駙 ở đây còn có nghĩa là “phò mã”, chỉ con rể vua. Chữ “vạn bang” ở đây cũng như trong Ngọc phả Hùng Vương, nói tới nước Nam rộng lớn, cội nguồn của nhiều bang quốc (Thủa Hoàng Đế mở muôn nước).
Nếu như Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử ở vùng Khoái Châu thì làm sao có thể lại cùng Ngọc Hoa đi “tiên du” tới vùng đồi núi trung du ven sông Lô này mà dạy dân trồng cây, hái lượm được?
Hình tượng hai vị công chúa con vua Ngọc Hoa – Tiên Dung thể hiện ngôi vị thủ lĩnh đứng đầu quốc gia ở thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Đó là cái thủa “quốc sơ”, bách nghệ mới được khai sinh. Thời kỳ mà cuộc sống người Việt còn đang phải sống dựa vào rừng núi, săn bắn hái lượm. Sản xuất lúa nước mới được bắt đầu với việc sáng tạo ra cách cày ruộng sử dụng gia súc (Đế Thuấn cày voi). Một bước tiến từ xã hội nguyên thủy lên xã hội thị tộc, có nước, có vua. Đọc lại chuyện xưa, không thể không cảm cái ơn đức của tổ tiên khai mở từ thủa hồng hoang. Câu “Ẩm hà tư nguyên”, Uống nước nhớ nguồn, được treo ở đền Giếng, đền Nhà Bà, không thể không nhắc lại.

Triệu Cơ Vương tích

Hùng Vương ngọc phả là một bộ sử tóm tắt của thời xa xưa nhất, đã được cha ông ta lưu truyền được cho tới nay sau hàng ngàn năm lịch sử gian nan dựng và giữ nước của dân tộc Việt. Đoạn đầu của Ngọc phả chứa đựng những thông tin cơ bản nhất về thời kỳ Hùng Vương.

2019-05-01
Trang đầu của Ngọc phả Hùng vương R285.

Bản Ngọc phả Hùng Vương lưu tại Thư viện Quốc gia mang mã số R285 chép mở đầu như sau:
Đại Nam Hùng Vương Sơn thánh tổ tiền thái tổ Cao Hoàng đế ký truyền Ngọc phả Cổ Tích lưu lai.
Tích giả tự Hoàng Đế chi thời, Viêm Đế tam thế tôn Đế Minh sinh Đế Nghi, ký nhi Nam tuần Ngũ Lĩnh sơn. Đế Minh tiếp đắc Vụ Tiên nương thần nữ nhi sinh Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục. Tại vị nhị bách ngũ thập niên, thọ nhị bách ngũ thập thất tuế, hóa tiên quy hải, dữ Động Đình quân nữ Ngọc Dung, dung mạo đoan chính, thánh trí thông minh, trác xuất Đế Nghi chi lượng. Đế Minh dĩ trí tuệ vưu kỳ, sử chi tự vị, khâm truyền đại bảo thống ngự vạn bang. Dương Vương cố nhượng kỳ huynh. Ư thị Đế Minh lập Đế Nghi vi tự, dĩ lỵ Bắc phương, nhi phong Kinh Dương Vương vi Nam diện lý thiên hạ, cổ vân Giao Chỉ quận. Kinh Dương cải Xích Quỷ động, hiệu Xích quốc.
Dịch:
Ngọc phả chép truyện Đại Nam Hùng Vương Sơn thánh tổ, Tiền Thái tổ Cao Hoàng Đế, lưu tại Cổ Tích.
Xưa kia từ thời Hoàng Đế, cháu ba đời của Viêm Đế là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi tuần phương Nam ở núi Ngũ Linh. Đế Minh gặp được con gái thần nương Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tại vị 250 năm, hưởng thọ 257 năm, hóa tiên về biển cùng con gái Động Đình Quân là Ngọc Dung. Vương dung mạo đoan chính, thánh trí thông minh, vượt hơn tầm của Đế Nghi. Đế Minh lấy làm lạ, muốn lập làm kế tự, truyền mệnh ngôi báu thống trị vạn bang. Dương Vương cố nhường cho anh nên Đế Minh lập Đế Nghi kế tự, cai quản phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương ở mặt Nam quản lý thiên hạ, xưa là quận Giao Chỉ. Kinh Dương Vương đổi thành động Xích Quỷ, gọi là nước Xích.
Ngọc phả Hùng Vương này vốn được lưu ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương ở Phú Thọ, nơi có di tích Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Thôn Cổ Tích là “trưởng tạo lệ” cho việc phụng sự Hùng Vương nên việc thờ cúng tại đình làng Cổ Tích hoàn toàn giống với việc thờ trên đền Hùng. Các bài vị của đền Hùng và bài vị thờ ở thôn Cổ Tích là được sao chép giống nhau. 3 cỗ long ngai thờ ở chính cung đền Thượng gồm các bài vị:

  • Đột ngột Cao Sơn Hiển Hùng ngao thống thủy điện an hoằng tế chiêu liệt ứng thuận phả hộ thần minh thọ quyết ứng quảng huệ y diễn vệ hàm công thánh vương vị.
  • Ất Sơn thánh vương vị
  • Viễn Sơn thánh vương vị.

IMG_1485
Long ngai bài vị ba vị Hùng Vương ở đình Cổ Tích. 

Việc thờ 3 vị vua Hùng Đột ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn không chỉ gặp ở xã Hy Cương mà còn gặp ở nhiều nơi khác trong khu vực Phú Thọ như ở các thôn Việt Trì, An Thái, Vân Luông… 3 vị vua Hùng này như thế không phải là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ như vẫn nhầm tưởng, mà là 3 ngôi vua Hùng đầu tiên của thời dựng nước.
Sắc phong của thôn Cổ Tích dưới thời Quang Trung gọi là: Hùng Vương Sơn Thánh Tổ Nam Thiên đại bảo Tiền Hoàng Đế triệu tạo hồng đồ Việt Nam thuỷ tổ đại thánh Đột Ngật Cao Sơn Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát vị thánh vương. Ta thấy Hùng Vương Sơn Thánh Tổ, người đã tạo lập quốc gia “Nam Thiên đại bảo”, không phải là thần núi như kiểu giải thích vô nghĩa vô lối đang được phổ biến. Vị Đột ngột Cao Sơn theo sắc phong là Hùng Vương Sơn Thánh tổ, vị vua Hùng đầu tiên “triệu tạo hồng đồ, Việt Nam thủy tổ”.

IMG_1492
Sắc chỉ thời Quang Trung của thôn Cổ Tích về việc thờ phụng Hùng Vương.

Trong Ngọc phả Hùng Vương đã dẫn, Đột ngột Cao Sơn được nhắc đến ngay từ tên gọi của Ngọc phả: Đại Nam Hùng Vương Sơn thánh tổ tiền thái tổ Cao Hoàng đế. Thái tổ Cao hoàng đế Sơn thánh là tương đương với tên gọi Đột ngột Cao Sơn. “Đột ngột” nghĩa là đầu tiên, tương đương với danh hiệu Thái tổ. Ở Phú Thọ nhiều nơi vẫn thờ Đột ngột Cao Sơn là Thái tổ Hùng Vương, như ở xã Trạm Thản của huyện Phù Ninh (đền Tố hay đền Bình Thản).

IMG_6329.JPGCổng đền Tố ở xã Trạm Thản, Phù Ninh.

Vị Thái tổ Hùng vương đầu tiên mở đầu trong Ngọc phả Hùng Vương là Đế Minh. Ngọc phả ghi ngay từ dòng đầu “Tự Hoàng Đế thời”. Đế Minh là Hoàng Đế (Đế Hoàng) của Hữu Hùng thị trong cổ sử Trung Hoa. Danh hiệu “Hiển Hùng” trên bài vị chỉ rõ đó là Đế Minh vì Hiển nghĩa là sáng, là minh. Chữ Hiển này được đọc khác đi trong tên gọi Hiên Viên (Hiển Vương) của Hoàng Đế Hữu Hùng.
Đại Việt sử ký toàn thư mở đầu: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy Thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam.
Đế Minh trong Ngọc phả cũng là người “thống ngự vạn bang” (cai trị muôn nước), tức chính là Hoàng Đế. Còn chuyện Hy Thị định Giao Chỉ ở phương Nam xét rõ là chuyện Lộc Tục cai quản phương Nam, tên xưa là Giao Chỉ, được kể trong Ngọc phả.

IMG_6169.JPGHoành phi Vương tích triệu Cơ và Nam bang triệu tổ ở đình Cổ Tích. 

Thôn Cổ Tích, nơi có đền Hùng, vốn có tên là Lũng Cơ. Tức là nguyên tên gọi chữ Cổ là từ chữ Cơ. Hoành phi trong đình Cổ Tích cũng như trên đền Thượng của núi Hùng ghi Triệu Cơ Vương tích, là giải nghĩa cái tên Cổ Tích của khu vực này. Cơ cũng là họ của Hoàng Đế theo cổ sử Trung Hoa. Triệu Cơ Vương tích do đó có thể hiểu là dấu tích dựng nước của Vua Cơ – Hoàng Đế Hữu Hùng.
Hai ngôi Hùng Vương tiếp theo là Ất Sơn và Viễn Sơn, cũng được thờ ở nhiều nơi tại Phú Thọ. Ất là số đếm thứ 2 trong Thập can. Còn ở nhiều nơi Viễn Sơn được ghi thành Quý Minh, bởi vì Quý là thứ 3 trong thứ tự Mạnh Trọng Quý. Như thế Ất Sơn và Viễn Sơn nghĩa là các vị vua Hùng đời thứ 2 và 3, sau vị đời thứ nhất đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn. Tiếp sau Đế Minh theo Ngọc phả Hùng Vương là Đế Nghi và Lộc Tục. Vậy Ất Sơn là Đế Nghi, còn Viễn Sơn là Lộc Tục.
Truyền thuyết ở Phú Thọ kể về ba vị Quan Lang đi săn là chàng Cả, chàng Hai và chàng Út, đã hóa thành ba ngọn núi Hùng “Tam Sơn cấm địa”, cũng chính là 3 vị Hùng vương Sơn thánh được thờ tại đây. Ở đình Việt Trì thì gọi là “Tam Sơn linh lang”, cũng là chỉ các vị này.

IMG_1979
Gian tiền tế đình làng Việt Trì.

Theo thư tịch thời Nguyễn ở tổng Vân Nham phủ Đoan Hùng, vị Viễn Sơn còn được thờ dưới tên là Lịch Sơn. Ngọn núi ở phía xa (so với kinh đô tại ngã ba Việt Trì), mang tên Lịch Sơn là núi Lịch nằm bên kia dòng sông Lô, chỗ giáp ranh giữa Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Trên đỉnh núi này theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có đền thờ Đế Thuấn và Đế Nghiêu và người xã Yên Lịch có tự điển để phụng thờ.
Đế Minh đã được xác định là Hoàng Đế Hiên Viên thì 2 ngôi tiếp theo sẽ phải là Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Tức là Ất Sơn – Đế Nghi là Đế Nghiêu, còn Viễn Sơn hay Lịch Sơn là Đế Thuấn của cổ sử Trung Hoa. Thời kỳ này được tôn vinh là thời Đường Ngu thịnh trị của Trung Hoa cổ đại. 3 vị thánh tổ Hùng Vương thờ trên ngôi đền quốc tổ ở Phú Thọ như vậy là Tam Đế: Đế Hoàng, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, là những người đã khai lập vạn bang của quốc gia họ Hùng tại vùng Nghĩa Lĩnh – Phong Châu ngày nay.

IMG_5983
Nghi môn đền Thượng trên núi Hùng.

Câu đối của đền Hùng còn ghi:
Lịch Tam hoàng chí Tam vương, thần truyền thánh kế
Đĩnh bách nam khai Bách Việt, tổ thiện tôn bồi.
Dịch:
Từ Tam Hoàng đến Tam Vương, thần dõi truyền, thánh nhân kế tục
Sinh trăm trai mở Bách Việt, tổ thiện đức, con cháu bồi vun.
Từ đời Tam Hoàng đến đời Tam Vương truyền nối nhau, đều là tổ tiên, là lịch sử mở nước của Bách Việt.