Trung y hay Việt y?

Cuốn Y học tam tự kinh của tác giả Trần Tu Viên soạn đời nhà Thanh có phần đầu là chương Y học nguyên lưu (Nguồn gốc y học) được mở đầu như sau:
Y chi thủy. Bản Kỳ Hoàng.
Linh Khu tác. Tố Vấn tường.
Nạn Kinh xuất. Cánh dương dương.
Việt Hán quý. Hữu Nam Dương.
Lục kinh biện. Thánh đạo chương.
Dịch nghĩa:
Y học khởi đầu vốn từ Kỳ Bá và Hoàng Đế
Sáng tác bộ sách Linh Khu, giảng giải qua sách Tố Vấn.
Sách Nạn Kinh ra đời làm cho y học càng sáng tỏ hơn.
Cuối thời Việt Hán có thầy ở đất Nam Dương
Biện luận rõ 6 bộ kinh, làm rạng rỡ đạo thánh.

y-hoc

Bìa sách Y học Tam tự kinh.

Đây là bài kinh ba chữ cho các thầy thuốc Đông y học để biết được nguồn gốc, sự phát triển ban đầu của y học phương Đông. Tuy nhiên, vấn đề ít được các y sinh, y sư biết là những tác giả, những vị thần y khởi nguồn của y học phương Đông được bộ kinh này nhắc tới hóa ra đều là những người Việt.
Từ thời Thần Nông người phương Đông đã có những tìm hiểu, những khái niệm ban đầu về y học và các cách chữa trị các bệnh. Thần Nông được kể là đã nếm thử hàng trăm loại cây cỏ để kiểm tra các tính chất dược học của chúng và tổng kết lại thành cuốn Thần Nông bản thảo kinh. Tác phẩm này được coi là dược điển sớm nhất của Trung Hoa.
Đặc biệt Thần Nông đã phát hiện ra việc dùng Trà. Thần Nông lần đầu tiên nếm thử trà từ những chiếc lá chè trên cành trà bị cháy, được gió nóng của đám cháy đưa tới và rơi vào vạc nước sôi của ông… Vấn đề ở chỗ, Trà là loài cây đặc sản, chỉ mọc tự nhiên ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nơi phát sinh của cây Trà ở phương Đông chủ yếu là vùng Vân Nam, Bắc Việt và Lào. Như vậy thì Thần Nông nếm chè chỉ có thể là ở khu vực này. Thần Nông không thể ở tận vùng sông Hoàng Hà như người Tàu đang “tưởng tượng”, mà Thần Nông chính là thời thái sơ lịch sử của người Việt.
Theo như đoạn Y học Tam tự kinh dẫn ở trên nguồn gốc của Y học phương Đông được tính bắt đầu từ 2 bộ sách vấn đáp giữa quân thần Hoàng Đế và Kỳ Bá, có tên là Linh KhuTố Vấn. Hai bộ sách này tổng cộng có 18 thiên, gộp thành sách Nội Kinh. Hoàng Đế thuộc dòng dõi Thần Nông, thủ lĩnh của Hữu Hùng Thị, sau khi thắng Xi Vưu đã được tôn làm vị vua đầu tiên của Trung Hoa. Thủ lĩnh của Hữu Hùng thì còn ai khác ngoài vua Hùng? Truyền thuyết Việt Hoàng Đế trong chính là Đế Minh, “cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông”, vị vua Hùng đầu tiên của sử Việt.
Thiên Nam ngữ lục có câu:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.
“Viêm Hoàng tử tôn”, con cháu Thần Nông, Hoàng Đế chính là người Hoa Việt. 2 người khởi đầu y học phương Đông cũng là 2 vị quốc tổ của người Việt.
Vị tổ nghề y tiếp theo được Y học Tam tự kinh nhắc tới là thần y Biển Thước với tác phẩm Nạn Kinh còn lưu lại tới nay. Biển Thước là một thầy thuốc sống vào thời Chiến Quốc. Sử ký Tư Mã Thiên trong Biển Thước Thương Công liệt truyện cho biết: “Biển Thước là người huyện Trịnh, quận Bột Hải, họ Tần, tên Việt Nhân”. Ông hành nghề y rất tài tình, cứu sống thái tử nước Quắc, chuẩn đoán chính xác bệnh tình của Tề Hoàn Công và từng sang thăm bệnh cho Tần Vũ Vương.
Vấn đề là quê hương của Biển Thước nằm ở đâu? Mộ của Biển Thước được người đời sau lập khắp nơi từ Thiểm Tây, Sơn Đông, Sơn Đông Hà Nam ở Trung Quốc. Các tài liệu khác nhau chỗ bảo Biển Thước người nước Tề, chỗ bảo nước Lỗ, chỗ nói nước Triệu. Thực sự thì Biển Thước người nước nào?
Trước hết cần xác định Biển Thước người quận Bột Hải thì Bột Hải đây không phải là vùng biển phía Bắc Trung Quốc giáp với Triều Tiên. Bởi vì vùng đất này thời trước là của các tộc người Liêu, người Di, không phải người Hoa. Mãi tới khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa mới sai tướng Mông Điềm vượt sông Hoàng Hà đánh chiếm lấy vùng Hà Sáo, lập các quận huyện mới và xây trường thành. Khu vực ven biển giáp Triều Tiên do vậy không thể nằm trong phạm vi thiên hạ Trung Hoa thời Tiên Tần.
Vậy Bột Hải quê của Biển Thước là ở đâu?
Bột Hải là từ mà cách đây không lâu vẫn được dùng ở Việt Nam để chỉ Biển Đông ngày nay. Ví dụ, trong vở tuồng Trưng Nữ Vương của Phan Bội Châu, tướng Tô Định khi xưng danh mào đầu nói:
Cõi Nam Quan quét sạch bụi trần
Miền Bột Hải trừng thanh bạch lãng.
Tô Định lập công nghiệp ở miền Bột Hải thì Bột Hải ở đây rõ ràng chỉ Biển Đông.

thai-duongĐền thờ Đức thánh cả Bột Hải đại vương ở Thái Đường.

Dẫn chứng khác, ở khu vực Vân Đình nay vẫn còn có đền thờ Đức thánh Cả tại thôn Thái Đường (xã Thái Bình, Ứng Hòa, Hà Nội). Đức thánh Cả ở đây có tên sắc phong là Bột Hải đại vương. Tuy nhiên, công trạng của vị thánh này lại là đánh giặc Ân ở vùng Hoan Ái. Câu đối trong đền ghi:
Đệ lục đại Hùng Vương, thần tướng huy đao, kình khô ngạc đoạn
Kỷ thiên thu Đông Hải, Ân binh tuyệt mệnh, kích chiết chu trầm.
Dịch:
Hùng Vương thứ sáu triều xưa, thần tướng vung đao, kình đứt sấu đoạn
Biển Đông nghìn thu thủa trước, quân Ân hết số, kích gãy thuyền chìm.
Câu đối này cho biết đức thánh Bột Hải đại vương đã đánh giặc Ân ở vùng biển Đông. Nói cách khác Bột Hải là tên gọi xưa của Biển Đông. Bột Hải thực ra là Bát Hải. Bát là số 8, con số chỉ phương Đông trong Hà thư.
Tên thật của thần y Biển Thước là Việt Nhân cho thấy rõ ràng ông là một người Việt chính cống. Huyện Trịnh ở bên bờ biển Đông của đất Việt có thể là vùng đất Thái Bình xưa vì nơi đây từng mang tên là Chân Định (tên cũ của huyện Kiến Xương). Chân Định đọc phiên thiết là Trịnh.
Văn chầu Quan lớn đệ Tam của Tứ phủ cũng cho biết:
Trịnh giang biên doành ngân lai láng
Đôi vầng hồng soi rạng Nam minh
Con vua Thoải quốc Động Đình
Đệ tam thái tử giáng sinh đền rồng.
Quan đệ Tam là con vua Bát Hải Động Đình ở chốn Nam minh. Nam minh là biển Nam, tức là biển Đông. Bát Hải như đã phân tích, tương đương với Bột Hải, chỉ biển Đông. Động Đình hồ nghĩa là cái hồ lớn ở phía Đông, tức là biển Đông.
Trong văn chầu cho biết nơi sinh Quan đệ Tam có con sông Trịnh. Quan đệ Tam và Vĩnh Công Bát Hải Động Đình là anh em sinh cùng bọc trứng ở đất Thái Bình, nay là đền Đồng Bằng (An Lễ, Quỳnh Phụ). Đây là dẫn chứng cho thấy khả năng huyện Trịnh quận Bột Hải, quê của Biển Thước là vùng huyện Kiến Xương xưa.
Tên Biển Thước là lấy danh theo một thầy thuốc nổi tiếng từ thời Hoàng Đế. Nếu đọc theo Hán văn, Biển Thước 扁鹊 dịch là “con chim khách dẹt”, chẳng có nghĩa gì cả. Rất có thể, đây là tên phát âm theoo tiếng Việt. Biển là… biển. Biển Thước là loài chim biển di cư, hay chim hải âu. Hoàng Đế là vị vua Hùng của người Việt ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay) nên tên của vị thần y thời Hoàng Đế đọc theo tiếng Việt là điều hiển nhiên.
Tiếp theo Y học Tam tự kinh nói tới vị thầy thuốc nổi danh là Trương Cơ, tự là Trọng Cảnh. Đây là tác giả của những cuốn sách y học nổi tiếng truyền lại như Thương Hàn luận, Kim quỹ yếu lược. Tiểu sử của vị y sư này cho biết, ông là người đất Nam Dương (Hà Nam) và từng làm thái thú quận Trường Sa.
Trương Trọng Cảnh hiện đang được cho là sống cuối vào thời Đông Hán. Tuy nhiên, chỗ bất cập là cuối thời Đông Hán thì Thái thú quận Trường Sa là Tôn Kiên, là bố của Tôn Quyền, người lập nên nhà Đông Ngô thời Tam quốc sau đó. Vùng đất Trường Sa khi đó thuộc họ Tôn Ngô, làm sao còn có vị họ Trương nào làm Thái thú Trường Sa lúc này?
Ngay trong Y học Tam tự kinh cho biết: Việt Hán quý, hữu Nam Dương. Tức là cuối thời Việt Hán có ông Trương Trọng Cảnh người quê ở Nam Dương.
Thời Hán được nói tới ở đây là “Việt Hán”. Trong 2 triều đại hiện lịch sử ghi nhận là Tây Hán và Đông Hán thì nhà Tây Hán mới có thể gọi là Việt Hán. Bởi vì Cao Tổ Lưu Bang là một người Việt, khởi nghĩa kháng Tần thành công lập nên nhà Hán (chính xác hơn là nhà Hiếu). Triều đại của Lưu Bang còn gọi là Viêm Lưu, chỉ triều đại của họ Lưu ở Viêm phương, tức phương Nam. Viêm Lưu là một triều đại Việt. Trong khi đó, nhà Đông Hán từ Hán Quang Vũ Lưu Tú là người Hán chính gốc nên triều đại này không thể gọi là Việt Hán.
Dẫn chứng khác là trong các truyện kể về Trương Trọng Cảnh có việc ông đã dùng các bài thuốc Lục vị và Bát vị độc dáo để chữa bệnh cho Hiếu Vũ Đế Lưu Triệt. Lưu Triệt là Vũ Đế của nhà Tây Hán. Như vậy, nhiều khả năng Trương Trọng Cảnh phải là một thầy thuốc sống vào cuối thời Tây Hán (khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên) chứ không phải thời Đông Hán (sau Công nguyên).
Y học nguyên lưu từ Thần Nông, Hoàng Đế tới các danh y khai mở nền y học phương Đông là Việt Nhân Biển Thước, Việt Hán Trương Cơ đều là người Việt. Nếu có ai đó định đăng ký bản quyền y học phương Đông thì phải gọi là Việt y, chứ không phải Trung y.

“Ai oán” Việt Tần

Theo quan niệm hiện nay thì cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên của người Việt với phương Bắc là khi tướng Tần Đồ Thư đem đại quân tiến đánh phương Nam năm 216 TCN. Cho dù không có thư tịch Trung Hoa nào nhắc tới tên Thục An Dương Vương nhưng các sử gia ngày nay “bịa” ra giả thuyết Tần đã diệt nước Tây Âu của Thục Vương là bố của Thục Phán, rồi Thục Phán liên kết với nước Lạc Việt của vua Hùng để làm cuộc kháng chiến trường kỳ chống Tần, kết thúc bằng thắng lợi oanh liệt, giết Đồ Thư, mang lại độc lập…
Nhưng một khi đã nhận ra những “nỗi oan” vô lý của Triệu Đà trong chuyện xâm chiếm nước Âu Lạc thì những “nỗi ai oán” của An Dương Vương và Tần Vương cũng không kém phần bức xúc…

AI LÃNH ĐẠO NGƯỜI VIỆT CHỐNG TẦN THẮNG LỢI?
Sử ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 33 (năm 216 TCN), Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ.
Sách Hoài Nam tử cho biết: Trong 3 năm, [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người Tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư.
Người Tuấn kiệt” lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi của dân Tây Âu là ai? Các sử gia đời nay cho rằng đó là Thục Phán. Nhưng năm 216 TCN Tần Thủy Hoàng đã đánh chiếm vùng đất Việt, lập quận huyện đầy đủ, còn đâu nước nào nữa mà có Thục An Dương Vương?
Theo sử Việt An Dương Vương đánh Hùng Vương lập nước Âu Lạc năm 256 TCN, nếu 50 năm sau (năm 207 TCN) vẫn còn sống thì đã ngoài 70-80 tuổi, làm sao mà còn lãnh đạo người Việt đánh Tần? Chưa kể chuyện Triệu Đà đánh nước Âu Lạc của An Dương Vương nay bị dời tới năm 179 TCN, tức là vào lúc An Dương Vương đã ngoài trăm tuổi, vậy mà vẫn còn có con gái Mỵ Châu đang ở tuổi cập kê mười tám đôi mươi?!
Trong khi đó, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương. Còn Đại Việt sử ký toàn thư chép: Giáp Ngọ, năm thứ 1 [207 TCN] (Tần Nhị Thế năm thứ 3). Vua (Triệu Đà) chiếm lấy đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương.
Triệu Đà chứ không phải ai khác vào năm 207 TCN đã chiếm lại 3 quận Quế Lâm (hoặc Lâm Ấp), Tượng Quận và Nam Hải mà Tần lập ra trên đất Việt. Vì vậy Triệu Đà mới là “người Tuấn kiệt” đã lãnh đạo nhân dân Âu Lạc kháng Tần thắng lợi được nhắc đến trong sách Hoài Nam tử.
Sử sách ghi rõ ràng thời gian và nhân vật trong cuộc chiến với quân Tần như thế mà các sử gia Việt Nam vẫn không muốn công nhận. Bởi vì họ thích An Dương Vương, một người Việt, chiến thắng quân Tần hơn là Triệu Đà. Có điều họ không nhận ra, Triệu Đà cũng là người Việt, vua Việt chẳng khác gì An Dương Vương. Triệu Đà khởi nghiệp từ đất Thái Bình, lãnh đạo nhân dân Việt kháng Tần thắng lợi, giành lại đầy đủ các quận mà Tần lập ra trên đất Việt ngay sau khi Tần Thủy Hoàng mất.

TẦN CHIẾM VIỆT NHƯ THẾ NÀO?
Nếu Triệu Đà không phải người đã xâm lược nước Âu Lạc thì người đã đánh diệt An Dương Vương chỉ có thể là nhà Tần. Truyền thuyết Việt cũng như người Choang ở Quảng Tây (truyện Thần cung bảo kiếm) chép chi tiết sự kiện Tần đánh Việt qua câu chuyện thương tâm Trọng Thủy – Mỵ Châu. Trọng Thủy là người Tần như trong bài thơ sau, hiện còn lưu ở am Mỵ Châu tại thành Cổ Loa:
Hoàng thành đoạn kính thảo ly ly
Vãng sự thương tâm bất khả ti
Tần Việt nhân duyên thành oán ngẫu
Sơn hà kiếp vận đáo nga mi…
Dịch (theo Đỗ Văn Hỷ):
Thành hoang khuất khúc xanh rì cỏ
Việc cũ đau lòng biết hỏi ai?
Tần Việt nhân duyên thành cập oán
Non sông vận kiếp tới mày ngài…
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công Âu Lạc, Tần Vương đã cử vương tôn của mình là Trọng Thủy sang kết hôn với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu, nhằm dò xét quân tình. Trọng là thứ ba trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý. Thủy là hành thủy chỉ phương Bắc, như trong tên hiệu của Tần Thủy Hoàng. Trọng Thủy là vị vương tử thứ ba của nhà Tần.
Khi Trọng Thủy đã nắm được mọi đường ngang lối dọc ở Âu Lạc, kiếm cách trốn về nước, rồi dẫn đạo quân của Đồ Thư tổng tấn công nước Âu Lạc. Quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống bị Tần diệt như sách Hoài Nam Tử kể là An Dương Vương, vua của nước Âu Lạc, đã phải “cầm sừng văn tê bảy tấc đi ra biển”.
Sự thực thì việc Trọng Thủy ở rể trên đất Việt là chuyện Dị Nhân Doanh Tử Sở, cháu của Tần Chiêu Tương Vương, làm con tin tại nước Triệu. Doanh Tử Sở lấy người thiếp của Lã Bất Vi là Triệu Cơ hay Châu Cơ, được truyền thuyết Việt chép là nàng Mỵ Châu. Doanh Tử Sở lên ngôi có hiệu là Tần Trang Tương Vương. Còn Châu Cơ – Mỵ Châu là người sinh ra đại đế Tần Thủy Hoàng. Câu chuyện Lã Bất Vi “buôn vua” chỉ là sự sao chép lệch lạc của mối nhân duyên Tần Việt ở thành Cổ Loa.
Như vậy Tần đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương không phải vào thời Tần Thủy Hoàng mà là vào năm 257 TCN, thời điểm sử Việt chép An Dương Vương đánh Hùng Vương. Tần Thủy Hoàng khi thống nhất Trung Hoa đã tiến hành chính sách “hòa tập Bách Việt”, “đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn” tới đất Lục Lương, phân chia quận huyện trên đất Việt. Sử Việt đã chép lẫn cuộc tấn công của Đồ Thư đánh Dịch Hu Tống – An Dương Vương năm 257 TCN với việc di dân quy mô lớn của Tần Thủy Hoàng năm 216 TCN.

NHỮNG DANH NHÂN ĐẤT VIỆT THỜI TẦN
Tần Thủy Hoàng là đứa con của 2 dòng máu Tần Việt (Trọng Thủy – Mỵ Châu) nên dưới thời Tần các danh nhân ở đất Việt rất được trọng dụng. Truyền thuyết Việt còn ghi chuyện Lý Thân, người làng Thụy Hương, Từ Liêm, được Tần Thủy Hoàng gả con gái và giao chức Tư lệ hiệu úy, trấn thủ đất Hoa Di. Khi Lý Thân mất, Tần Thủy Hoàng vô cùng thương tiếc, cho đúc tượng đồng to bằng người thật đặt ở Hàm Dương, đủ thấy sự quý mến của Tần Thủy Hoàng với Lý Ông Trọng như thế nào.
Câu đối ở đình Chèm thờ Lý Ông Trọng:
Tần quan lỵ chỉ Trung Hoa tướng
Việt điện nguy nhiên thượng đẳng thần.
Dịch:
Ải Tần chốn đó tướng Trung Hoa
Điện Việt còn đây thần thượng đẳng.
Một chuyện khác về thời Tần được chép trong Lĩnh Nam chích quáiTruyện Giếng Việt. Truyện mở đầu như sau:
Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn… Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.
Qua đời Chu tới đời Tần, có người nước ta là Thôi Lượng làm quan cho nhà Tần đến chức ngự sử đại phu, thường qua vùng này thấy cảnh suy tàn, chạnh lòng thương cảm, bèn sửa sang lại đền miếu…
Thôi Lượng làm quan tới chức ngự sử đại phu dưới thời Tần. Ngự sử đại phu tức là chức quan phó của thừa tướng, rất cao trong hàng quan chức thời Tần Hán. Rõ ràng đã có một triều Tần trên đất Việt, với những người Việt làm phò mã, ngự sử đại phu. Điều này chỉ có thể hiểu được khi biết rằng một nửa dòng máu của Tần Thủy Hoàng là dòng máu Việt từ nàng Mỵ Châu mà ra.

CON ĐƯỜNG ĐÔNG DU CỦA TẦN THỦY HOÀNG
Sự có mặt của triều Tần trên đất Việt sẽ không hề vô lý khi biết rằng Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Lục quốc đã cho dời đô về phía Nam, gần biển hơn. Tần Thủy Hoàng bản kỷ (Sử ký Tư Mã Thiên) chép:
Năm thứ 35, sai làm con đường thông từ huyện Cửu Nguyên đến đất Vân Dương, đục núi, lấp các khe núi, nhờ vậy đường đi suốt và thẳng. Thủy Hoàng cho rằng ở Hàm Dương người thì đông mà cung đình các vua trước thì nhỏ nói:
– Ta nghe vua Văn Vương nhà Chu đóng đô ở đất Phong và Vũ Vương đóng đô ở Cảo, miền giữa Phong và Cảo là đô của đế vương.
Bèn sai xây cung để tiếp các triều thần ở phía Nam sông Vị….
Con đường Tần Thủy Hoàng cho làm để đi thông ra biển qua đất Vân Dương cũng là nơi Thủy Hoàng sau đó đi tuần du phương Đông năm thứ 37 (211 TCN), lên Cối Kê tế vua Vũ, nhìn ra biển Nam Hải dựng đá khắc công đức nhà Tần. Chỗ có thể lên núi để nhìn ra biển Nam Hải thì chắc chắn phải là ở vùng ven biển Đông ngày nay.
Trong những lần Đông du đó Tần Thủy Hoàng đã gặp vị đạo sĩ bác sĩ Yên Kỳ Sinh. Chuyện Yên Kỳ Sinh được sách Trung Quốc chép như sau:
Yên Kỳ Sinh người Phụ Hương, thuộc Lang Gia. Ông bán thuốc ở ven biển Đông Hải. Người đời gọi là Thiên Tuế Ông. Tương truyền khi Tần Thủy Hoàng đông du đã gặp ông, ban cho ông hàng vạn vàng ngọc. Ông bèn để tất cả lại nơi Phụ Hương đình rồi bỏ đi. Ông để thư lại cho Tần Thủy Hoàng đến tìm ông dưới núi Bồng Lai. Tần Thủy Hoàng mấy lần sai người ra biển tìm ông nhưng đều bị bão phải quay về. Bèn lập đền thờ ở Phụ Hương đình và hơn 10 nơi ven biển.
Yên Kỳ Sinh chẳng xa lạ gì với người Việt vì đỉnh núi Yên Tử ở Đông Triều, Quảng Ninh chính là một trong những lưu tích của Yên Kỳ Sinh. Tần Thủy Hoàng gặp Yên Kỳ Sinh khi đi tuần du như vậy là ở ven biển Đông. Con đường Thủy Hoàng mới mở do đó cũng là con đường chạy ra biển Đông, đi qua đất Việt.

Cac quan cuc Nam thoi Tan

Vị trí các quận cực Nam của nhà Tần.

Chứng tích về vị trí con đường của Tần Thủy Hoàng mở còn được thấy trong chuyện về Triệu Đà. Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: Nhâm Ngao, ốm sắp chết, mời huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà đến nói:
– Tôi nghe bọn Trần Thắng làm loạn. Nhà Tần làm điều vô đạo, thiên hạ khổ cực. Bọn Hạng Vũ, Lưu Quý, Trần Thắng, Ngô Quảng đều dấy binh tụ tập quân sĩ, tranh giành thiên hạ. Trung Quốc loạn lạc chưa biết lúc nào yên. Những người hào kiệt phản Tần đều đứng lên cả. Nam Hải ở nơi xa lánh, tôi sợ quân giặc xâm lấn đến đây, nên định dấy binh chặn đứt con đường mới để tự phòng bị, đợi chư hầu có sự thay đổi.
Chặn đứt con đường mới” là chặn con đường mà Tần Thủy Hoàng mới mở đi ra Vân Dương. Dương là hướng mặt trời lên, hay hướng Đông. Vân Dương nghĩa là phía Đông của đất Vân Nam, tức là vùng Bắc Việt – Quảng Tây. Câu nói của Nhâm Ngao chỉ rõ con đường Tần Thủy Hoàng mới mở là đi qua đất Nam Việt nơi Nhâm Ngao và Triệu Đà đang quản lý. Đó cũng là nơi có các di tích của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh thời Tần Thủy Hoàng.
Tại con đường Đông du đó, Lưu Bang thời trẻ đã từng đứng quan sát Tần Thủy Hoàng đi qua mà ngậm ngùi mộng đế vương (Cao Tổ bản kỷ). Lưu Bang không phải ai khác chính là Triệu Đà ở đất Thái Bình. Do vậy, Lưu Bang – Triệu Đà mới có thể thấy Tần Thủy Hoàng đi du ngoạm ở khu vực đất Quảng Ninh ngày nay…
An Dương Vương hiển nhiên là người Việt. Tần Thủy Hoàng ít nhất có nửa dòng máu mẹ là người Việt. Triệu Đà cùng Lưu Bang cũng là người Việt từ đất Thái Bình. Dòng sử Việt từ thời các vua Hùng dựng nước tới nhà Hiếu của Lưu Bang chưa hề bị đứt mạch. Đã đến lúc người Việt phải trả lại sự thực cho những “nỗi oan ức” của tiền nhân…