Thần Xương Cuồng và thánh Không Lộ

Truyện Mộc tinh của Lĩnh Nam chích quái chép:
Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây Chiên đàn cao hơn ngàn nhẫn, cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn dặm, có chim hạc đến đậu nên đất chỗ đó gọi là Bạch Hạc. Cây trải qua mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật.
Kinh Dương Vương dùng nhạc mà đánh thắng yêu, yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ hàng năm thường tới 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn. Dân thường gọi yêu là thần Xương Cuồng. 

Tác giả Đặng Tiến trong bài Cọp, từ Mộc Tinh đến ông Ba Mươi đã đưa ra nhận định rất xác đáng rằng thần Xương Cuồng được nói đến trong Truyện Mộc tinh là thần Hổ. Trong bài viết tác giả đã so sánh dữ kiện lệ cúng thần Xương Cuồng vào 30 tháng Chạp với tên gọi dân gian của Hổ là ông Ba Mươi. Tác giả cũng dẫn bài Thần Hổ của Phạm Đình Hổ kể lại trong Vũ trung tùy bút:
Làng Ngọc Cục ở huyện ta (Đường An, Hải Dương) khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ phải bắt người làm việc hy sinh để cúng (…) Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy. Từ năm Canh Thân 1800 trở về sau thói ấy mới bỏ.
Từ nhận định thần Xương Cuồng là thần Hổ, nay xin bổ sung thêm một số dữ kiện. Thứ nhất là trong Huyền học (Kỳ môn độn giáp) có vị hung thần là Bạch Hổ Xương Cuồng 白虎猖狂. Đây là thông tin cho mối liên hệ trực tiếp giữa lốt hổ và thần Xương Cuồng.
Loài hổ được coi là Chúa sơn lâm, không chỉ vì đó là loài thú dũng mãnh nhất trong rừng. Những chuyện kể về hổ dữ thường gắn với những cây cổ thụ to lớn, nơi hổ rình ăn thịt người. Có lẽ vì lý do đó mà người xưa cho rằng hổ là tinh của cây gỗ lớn lâu năm.

keo-hanh-thien-3-1024x683
Bức chạm thần thú ở chùa Keo Hành Thiện (Nam Định).

Cây “Chiên đàn” là loài cây được nhắc đến trong các chuyện cổ. Ngoài Truyện Mộc tinh trong Lĩnh Nam chích quái còn nhắc tới cây Chiên đàn ở Truyện Rùa vàng, là cái cây mà yêu tinh Gà trắng khi hóa thành chim Cú sáu chân ngậm lá thư bay lên đậu để tấu với Ngọc Hoàng. Có thể thấy cây Chiên đàn như thế gắn với các loài yêu tinh, quỷ quái. Vậy Chiên đàn là cây gì?
Phép phiên thiết cho ta một bất ngờ: Chiên đàn thiết Chàn hay Chằn. Thì ra Chiên đàn là tên ghi âm Nôm của từ Chằn. Chằn tinh chỉ loài yêu quái nói chung. Như thế, gọi là cây Chiên đàn tương đương với gọi đó là Mộc tinh mà thôi.
Tiếp theo, tại sao lại gọi Hổ là ông Ba mươi và cúng thần Hổ Xương Cuồng vào ngày 30?
– Trong thập nhị địa chi thì chi thứ 3 là chi Dần (Tý, Sửu, Dần…). Chi Dần hình tượng là con Hổ.
– Còn trong thập can thì số 10 là số Kỷ – Cả hay Kỵ.
Như thế 30 nghĩa là Kỵ Dần, tức là ngày cúng Hổ, rất đúng với tên gọi và phong tục.
Theo thông tin của báo Phú Thọ thì trong cuốn Thiên Nam vân lục liệt truyện (tân biên) của Nguyễn Hãng, hiệu Nại Hiên tiên sinh, quê làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) viết vào thời Lê Thánh Tông (1460 – 1479) có truyện Quỷ Xương Cuồng, phần đầu truyện giống như Truyện Mộc tinh. Phần tiếp theo kể:
Đến thời Đinh Tiên Hoàng, nhà vua mời một đạo sỹ tên là Vân Du dùng thuật lạ mới giết được con quỷ điên này. Thuật lạ bao gồm: Kỵ (cưỡi), can (xào), điếu (câu), hiểm (vỗ tay) thường tổ chức vào dịp cuối năm để dâng hiến các thần, cũng có thể dùng để lừa quỷ điên.
Kỵ là cưỡi ngựa phi chạy, lựa mình nhặt lấy vật rơi dưới đất.
Can là nằm ngửa dùng chân nâng gậy để người khác quất vào đầu gậy mà không đổ.
Điếu là làm cầu phi vân cao 12 thước, bện đay làm chão dài 26 thước, buộc hai đầu chôn dưới đất mắc lên cây mà đi lại, chạy nhảy, treo mình, cúi ngửa trên cây mà không ngã xuống.
Hiểm là vỗ tay nhảy nhót, hoan hô, lăn đi lật lại, tiến lui lên xuống.
Những trò chơi này thường có chuông trống náo loạn, có ngâm vịnh, nhảy múa góp vui. Trong lúc bày cuộc vui náo nhiệt, thờ phụng, quỷ điên vui vẻ hưởng lễ, không để ý đến việc khác, Vân Du lừa lúc nó không đề phòng, đọc câu quyết thần bí rồi dùng kiếm chém chết. Bộ hạ của quỷ điên chạy tan tác cả. Từ đó yêu khí hết, dân chúng yên ổn làm ăn.
Vị pháp sư diệt thần Xương Cuồng ở đây tên là Vân Du (trong Lĩnh Nam chích quái gọi là Văn Du Tường). Trong một bài trước đã từng nhận định, vị pháp sư này chính là Dương Không Lộ. Dương = Tường, Vân Du tương đương nghĩa với Không Lộ.

keo-hanh-thien-1024x683Bức chạm ở chùa Keo Hành Thiện.

Thông tin của Phú Thọ ở trên cho hay đoàn tạp kỹ của pháp sư Không Lộ gồm 4 người, với tên gọi là theo các tiết mục mà họ trình diễn (cưỡi, sào, câu, vỗ tay). Trong Lĩnh Nam chích quái thì những người này tên là Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu, diễn các trò nhảy, lăn, phi, vỗ tay, hò hét… Ở bài trước cũng đã xác định vết tích của 6 vị Thượng này là các Thánh Tượng (thiết Thượng) đầu gỗ của trò rối Ôi Lỗi, còn lưu diễn đươc tới nay ở các di tích thờ Không Lộ thiền sư.
Nay với nhận định thần Xương Cuồng là thần Hổ thì có thể thấy việc Không Lộ thiền sư chữa bệnh cho vua Lý hóa hổ chính là thành tích diệt thần Xương Cuồng của vị đại pháp sư này. Nhận đình này thêm một lần nữa xác định người diệt thần Xương Cuồng thời Đinh – Lý chính là Không Lộ thiền sư.

keo-hanh-thien-2-1024x472Các Thánh tượng đầu gỗ của chùa Keo Hành Thiện.

Câu đối ở chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) nơi thờ Không Lộ thiền sư:
法是天仙心是仸
鄉為聖祖國為師
Pháp thị thiên tiên tâm thị phật
Hương vi thánh tổ quốc vi sư.
Dịch:
Phép là tiên trời, tâm là phật
Quê tôn thánh tổ, nước tôn thầy.
Phép là tiên trời, tức là phép của đạo sĩ. Tâm mới từ bi như phật. Đây cũng chính là giáo lý của phái Không Lộ: tu tiên và lấy đức theo phật, chứ không phải tu phật. Không Lộ thiền sư là vị thánh tổ của đạo phù thủy nước ta, người đã trừ loại yêu quái hung hiểm nhất là Hổ Xương Cuồng.

Đất Thái Bình đã có lịch sử 3000 – 2000 năm

Bài viết trích trong sách Thái Bình với sự nghiệp dựng nước Vạn Xuân của hai tác giả Phạm Minh Đức và Bùi Duy Lan (2008).
Năm 1990 – 1991 trong lúc một số tác giả viết bài cho rằng thế kỷ thứ VI chưa có Thái Bình vì vậy Thái Bình không thể là quê hương, là đất dấy nghĩa của Lý Bí… thì giáo sư Vũ Tự Lập và những cộng sự của ông đã đi điền dã khắp vùng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là Thái Bình. Sau những chuyến đi thực tế một hội thảo khoa học đã được tổ chức và cuối cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã ra mắt bạn đọc sách “Văn hóa và cư dân vùng đồng bằng sông Hồng“. Sách đưa ra bản đồ lịch sử phát triển châu thổ sông Hồng, theo đó thì “Đất đai thuộc huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ và phầ lớn đất đai thộc huyện Tiên Hưng, Thư Trì, Thụy Anh có lịch sử từ 3000 – 2000 năm. Hầu hết phần đất các huyện Vũ Tiên, Đông Quan, Thụy Anh có lịch sử 2000 -1000 năm. Vùng Nam Kiến Xương, Tiền hải và một phần Thái Ninh cũ có lịch sử từ 1000 năm trở lại đây theo xu hướng muộn dần.
Không chỉ ngày nay các nhà nghiên cứu mới đưa ra tuổi của đất Thái Bình – Long Hưng mà từ xa xưa một số sách của người Hán cũng đã viết về vùng đất này…
(Lược bỏ một đoạn dẫn các thư tịch về đất Thái Bình từ xưa)
Ngoài nguồn tư liệu thư tịch đã nêu Thái Bình còn lưu nhiều truyền thuyết về thời Hùng Vương, thời An Dương Vương. Đặc biệt có truyền thuyết về Triệu Đà, về Đường Thâm (nay là Đồng Sâm) lấy vợ, đền Đồng Sâm và nhiều nơi trong vùng đã lập đền thờ Triệu Đà và Trình Hoàng hậu.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chương (Cục Bảo tồn bảo tàng, nay là Cục Di sản văn hóa) trong bài “Về tình hình phân bổ các di tích lịch sử thời các vua Hùng” Thái Bình có 244 di tích thờ các vị thần thời Hùng Vương đến thời Triệu Đà. Trong khi đó ở hai tỉnh Vĩnh Phúc , Phú Thọ (nội Văn Lang) chỉ còn được 432 di tích. Cả tỉnh Hà Tây chỉ có 164 di tích. Thái Bình là tỉnh có mật độ thờ các công thần thời Hùng Vương cao nhất cả nước”.
Việc thờ các thần thời Hùng Vương, có người cho rằng dân từ các miền đất nước đến Thái Bình hội cư đã đem theo cả các vị thần từ quê gốc về Thái Bình? Qua dẫn chứng đã nêu và qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy những nơi thờ các công thần thời Hùng đều là những miền đất cổ của Thái Bình, những làng có tên Nôm và hầu hết ở các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương. Một phần đất Kiến Xương cắt về Tiền Hải, một phần đất của Đông Quan xưa cắt về Thái Thụy. Ở những vùng dân cư khai phá thời Trần, Lê không có các công thần thời Hùng vương. Thời Hùng Vương nước ta có 15 bộ, đất Thái Bình thời ấy thuộc bộ Lục Hải.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào các năm 40-43 diễn ra ở Thái Bình rất sôi động. Nhân dân Thái Bình đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Câu nói bất tử của nữ tướng Cẩm Hoa ở làng Lộ Xá (nay là thôn An Liêm xã Thăng Long huyện Đông Hưng) còn vang vọng đến ngày nay: “Ta sinh ra vì việc nước, chết vì việc nước, chết cũng như sống vậy” với ý chí ấy nhân dân vùng Hương Đường – Vũ Thư đã “đốt tre tươi mài thành mũi giáo, đập mảnh vại làm gươm” để giết giặc. Cả nhà họ Triệu đã hy sinh vì nước. Tấm gương trung liệt ấy đến kẻ thù phải thán phục. Hơn một trăm năm sau Sĩ Nhiếp khi làm Thái thú Giao Châu đến thăm đền phải ghi tặng “Nhất gia trung liệt hiển Giao Châu” (Một nhà hy sinh oanh liệt nổi tiếng ở Giao Châu). Nhân dân vùng sông nước ven sông cũng vót cọc làm giáo, vác bê chèo làm gươm để đánh giặc. Các tướng súy đã đánh giặc là phải thắng, không thắng giặc thì cùng chết với giặc. Bà Lê Thị Cố ở làng Hoàng Quan, Rồi Công (xã Đông Phương, An Tràng) nói: “Bất Cam sinh mệnh tướng quần đầu” và đánh giặc đến lúc trên người không còn mảnh vải che thân (vì vậy tục lệ của làng là không rước thánh ra khỏi đền thờ trong ngày hội).
Tổng kết cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trên đất Thái Bình ngày nay có gần 30 tướng súy tham gia. Trong đó nhiều người đã đưa nghĩa sĩ về Phong Châu cùng Bà Trưng tiến về giải phóng Luy Lâu. Mã Viện trở lại xâm lược, họ lại sát cánh cùng Bà Trưng chống giặc. Bà Trưng hy sinh, nhiều người trở lại quê hương, lấy sông nước để thủ hiểm, tiếp tục chống giặc. Những nơi thờ tướng lĩnh của Hai Bà Trưng ngày nay phần lớn ở bên sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, ven các sông nội đồng. Không có dân cư từ thời Hùng Vương, không được sống trên mảnh đất đầy sóng gió này làm sao tôi luyện được ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm như vậy? Đất đai Thái Bình và truyền thống của người Thái Bình được tôi luyện trong cuộc sống hàng ngày, trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm từ thời Hùng Vương là những yếu tố thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa của Lý Bí trên đất Thái Bình ở thế kỷ thứ VI. IMG_6632 (2)

Nếu còn hồ nghi, trăn trở với sử liệu thần phả, ta có thể theo dấu vết di tích khảo cổ để giám định niên đại tuổi của đất. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX ở thôn Ô Cách, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ đã sưu tầm được gần 100 mũi tên đồng, lục lạc, giáo đồng. Tháng 5 năm 2000 tại làng Công xã Minh Tân nhân dân đã tìm thấy 2 trống đồng đều có cùng niên đại với trống đồng Đông Sơn, cách ngày nay 2500 năm. Hiện vật đồng Đông Sơn còn tìm thấy ở làng Mẽ, làng Buộm thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà), cửa sông Diêm Hộ (Thái Thụy).
Ngoài các hiện vật đồng, những ngôi mộ cổ đầu Công nguyên cũng là chứng tích lịch sử. Ngay tại làng lưu Đồn xã Thụy Hồng huyện Thái Thụy, một xã vùng ven biển, năm 1974 trong khi đào mưng máng nhân dân đã tình cờ đào được một số ngôi mộ cổ hình thuyền độc mộc có kích thước 2,2×1,4×0,4m. Những ngôi mộ cổ này có cùng niên đại với mộ cổ Thủy Nguyên cách ngày nay ngót 2000 năm.
Ngoài các ngôi mộ cổ của người Việt, dấu vết quý tộc Hán từ trước thềm Công nguyên còn thấy ở vùng Hưng Hà, Quỳnh Phụ, bắc Vũ Thư… Tại các vùng đất trên đã phát hiện gần 100 khu địa táng, xây cuốn vòm, mộ cao tới 3-4 mét. Vùng hạ lưu, ít nhất đã tìm thấy được khu mộ Hán trước thế kỷ III tại Phú Xuân (thành phố Thái Bình), Vân Động (xã Vũ Lạc huyện Kiến Xương). Lui xuống là Động Trung, trong khi làm đất ngoài đồng, nhân dân đã đào được tiểu đồng có đề chữ “Mã Viện chi thiếp” (vợ bé của Mã Viện). Con cháu họ Mã (gia đình Mã Soang) nhận là họ nhà mình xin được trông nom. Ngôi mộ ấy còn mãi đến năm hợp tác xã san ghềnh lấp trũng mới bị mất (1960).
– Mộ cổ ở làng Mẽ (Mỹ Xá) thị trấn Hưng Nhân huyện Hưng Hà: cửa mộ dày 40cm rộng 3m, cao 1,65m. Phần chính của mộ dài 4m, rộng 3m, cao 1m65m kích thước (40x20x5cm) (theo cụ Nguyễn Văn bàn năm nay đã 90 tuổi (2007) thì sau ngày Cách mạng tháng 8-1945 khi ấy cụ làm cán bộ thông tin ở xã đã từng đi xuống hầm mộ), tại đây người ta đã tìm thấy môt con rồng bằng đất nung, được chắp nối từng khúc dài 1,2m, có hai con thú bằng kim loại, có cán gươm tượng người bằng đồng.
– Mộ cổ ở làng Phú Lạc xã Phú Xuân (cách thành phố Thái Bình 2km) dân gian thường gọi là mả Ngô. Mộ đã bị đào bới từ lâu, hiện vật còn thu được 5 bình gốm các loại, 1 bát gốm, 1 dao găm đồng… Những hiện vật cổ ở đây cho phép các nhà khảo cổ kết luận: mộ cổ Phú Xuân có niên đại vào thế kỷ III sau Công nguyên.
Từ những phát hiện trên, năm 1999 Bảo tàng Thái Bình đã xuất bản sách “Di tích khảo cổ học ở Thái Bình“. Tác giả Nguyễn Ngọc Phát và Vũ Đức Thơm viết: “Loại mộ này thường là các gò đống lớn, khối lượng ấp trúc lên tới hàng ngàn m3. Hầu hết các mộ này có kết cấu song táng hoặc đơn táng. Huyệt mộ dài 5-6m, rộng từ 1,5-3m. Móng thân vòm mộ được sử dụng loại gạch lưỡi búa, còn gọi là gạch múi bưởi, dài 40cm, rộng 20-25cm… Gạch lát mộ có loại nặng 70kg, có kích thước 53x53x10cm. Toàn bộ gạch được ấp trúc bằng đất sét hoặc đất thịt pha sét. Trên mộ người sau thường dựng miếu, trồng cây đa, cây si… Những ngôi miếu, những cây đa, cây si này có vài trăm năm tuổi”…