Những vị thần Lỗi Lạc: Thiên Y A Na, Cao Các, Man Nương, Bạch Mã

Trong tín ngưỡng dân gian ở khu vực miền Trung, như trong các miếu hội đồng hay trong văn sớ cúng thường nhắc tới một số tên các vị thần, không rõ lai lịch, nhưng lại được tôn thờ từ lâu. Như trong văn khế của thầy pháp đọc khi làm lễ tạ thổ ở Phú Yên có đoạn:
Cung thỉnh:
Cao Các thành hoàng đại vương chi thần thỉnh đáo lai lâm thỉnh đồng hiệp ta.
Thái giám Bạch Mã chi thần đồng lai hiệp tạ.
Thiên Y An Na Diễn Phi chúa ngọc hồng nương, phổ chi đức thượng đẳng thần đồng lai hiệp tạ.
Bổn thổ quản cai ngũ phương chủ Ngung Man nương phu thê nhị vị vãng thần…
Cao Các, Bạch Mã, Thiên Y An Na, Man Nương là ai? Đây là vị thần người Việt hay người Chăm? Tại sao những vị thần quen thuộc của người Việt là được thờ ở khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ?
Thực ra những vị thần được tôn thờ như vậy vốn đều là những con người thực sự có công, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của khu vực Trung Bộ trong quá khứ xa xưa. Càng đi vào thời xa xưa lại càng thấy sự tương đồng giữ các nhân thần ở miền Trung với các vị thần của miền Bắc.
Vị thần thờ phổ biến nhất ở khu vực miền Trung là Thiên Y A Na thánh mẫu. Bá chúa Trầm đã được xác định là nhân vật Mai An Tiêm trong truyền thuyết Việt và cũng là hình ảnh chim Tinh Vệ lấp biển trong truyền thuyết Trung Hoa. Bà là người đã có công khai phá vùng đất ven biển miền Trung, quai đê lấp biển, phát triển nông nghiệp, hy sinh ngoài biển vì nhân dân. Do đó bà đã trở thành vị nữ thần tối cao trong tín ngưỡng ở miền Trung. Thiên Y A Na hoàn toàn không phải vị thần có nguồn gốc Ấn Độ và cũng không phải vị thần riêng của người Chăm, bởi ở cái thời khai thiên lập địa ấy người Chăm là một nhánh phương Nam trong cộng đồng người Việt của các vua Hùng.

IMG_5323Miếu thờ Thiên Y A Na ở Phú Lâm, Tuy Hòa, Phú Yên.

Vị thần khác cũng hay được nhắc đến trong sớ cúng và có nhiều miếu thờ, đình thờ thành hoàng ở miền Trung là Cao Các quảng độ đại vương. Cao Sơn Cao Các ở vùng Thanh Hóa Nghệ An đã từng được xác định chính là Tiết độ sứ Cao Biền dưới thời Đường. Do việc đánh dẹp Nam Chiếu, mà ngọn nguồn Nam Chiếu là khu vực miền Trung Việt, nên vị Cao Vương này được thờ suốt dải miền Trung, tới tận Phú Yên, Khánh Hòa như một người có công mở đất phương Nam. Cao Sơn Cao Các cũng là vị thần trấn Nam của kinh thành Thăng Long vì người đầu tiên xây thành Đại La chính là Cao Biền.
Một đoạn bản văn sớ ở Thừa Thiên Huế:
Thừa Thiên hiệu pháp, Khai hoàng Hậu thổ Nguyên quân, Thổ hoàng Địa kỳ Tử Anh phu nhân, Thái giám Bạch Mã tôn thần, Kim niên hành khiển đại vương, Thái tuế chí đức tôn thần, Đương cảnh thành hoàng đại vương, Bổn xứ thổ địa lý vực chánh thần, Khôn ly thổ hỏa nhị vị tiên nương, Ngũ hành liệt vị tiên nương, Lịch đợi tiên sư tôn thần, Đông trù tư mệnh táo quân, Ngũ phương thổ công tôn thần, Ngũ phương long thần thổ địa trú trạch thần quan, Ngọc tuyền kim tỉnh long vương, Tiên khai canh hậu khai khẩn chi thần, Thập bát long trạch liệt vị tướng quân, Thổ địa phước đức tài thần, Gia đường hương hỏa liệt vị oai linh, Ngũ phương chúa Ngung cổ tích chi thần, Môn thừa hộ úy cấm kỵ liệt vị đẳng thần, Phổ cập Man Nương thần nữ, Chúa Lỗi chúa Lạc châm chợ mọi rợ Man Di, Mê linh khô cốt phục thi cố khí, Thổ mộc tà tinh lỵ mị vong lương nội ngoại gia viên cư nhất thiết yếm trệ nam nữ vô tự âm linh u hồn liệt vị đồng lai hiến hưởng cộng bảo bình an…

So mien TrungVăn sớ này có nói đến tên: “Phổ cập Man Nương thần nữ, chúa Lỗi chúa Lạc”. Như trong văn khế ở Phú Yên còn gọi là “Chủ Ngung Man Nương”. Cái tên Man Nương thần nữ nhắc tới bà Man Nương trong sự tích Tứ pháp thời Sĩ Nhiếp ở thành Luy Lâu (Bắc Ninh). Đây là dẫn chứng cho thấy mối liên quan giữa sự tích Tứ pháp với khu vực miền Trung Lâm Ấp lúc này. Bà Man Nương trong truyện là hình ảnh đại diện cho khu vực miền Trung (Nam Man) khi đạo Bà Là Môn của Khâu Đà La truyền vào Giao Châu.
Chúa Lỗi chúa Lạc” là cụm từ khá hay. Lỗi  hay Lồi là từ thường dùng để chỉ người Chăm như thành Lồi ở Huế. Còn Lạc thì đã biết, chính là Lạc Việt, chỉ người Kinh. Cụm từ “lỗi lạc” nghĩa là chỉ người Chăm người Kinh hay Nam – Bắc. Tên hiệu trên nói rằng bà Man Nương là chúa (chủ) của cả người Chăm và người Kinh.

IMG_5262_1

Tháp Nhạn ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.

Suốt dải miền Nam Trung Bộ từ Bình Trị Thiên tới Phú Yên Khánh Hòa có tục thờ thần Bạch Mã thái giám. Miếu, đình thờ vị này gặp ở nhiều nơi. Ngay như ở Hội An theo thống kê có đến 73% làng xã có thờ, có sắc phong cho thần Bạch Mã. Ở Phú Yên, đình Ngọc Lãng tại xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa và miếu Thái Giám dưới chân núi Ngọc (chân Tháp Nhạn) cùng nhiều nơi khác còn giữ tục thờ và các sắc phong cho thần Bạch Mã.
Vậy thần Bạch Mã là ai mà được tôn thờ đến vậy?
Tên thần “Bạch Mã” nhắc nhớ tới vị thần trấn Đông của kinh thành Thăng Long. Vị thần này có mỹ tự là “Long đỗ Quảng lợi Bạch mã đại vương”.  Còn thần Bạch Mã ở Hội An cũng thường có tên “Lợi vật Bạch Mã chi thần”.
Thần Bạch Mã ở miền Trung cũng là thần Bạch Mã của Thăng Long, điều này sẽ không khó hiểu nếu biết rằng thần Long Đỗ Bạch Mã của Thăng Long chính là Sĩ Nhiếp họ Phạm. Sĩ Nhiếp là vị vương đã cai quản toàn bộ khu vực Giao Châu 7 quận dưới thời Tam quốc. Miền Trung Việt lúc đó do con cháu của Sĩ Nhiếp họ Phạm quản lý (Phạm Hùng), sau này tách ra thành nước Lâm Ấp tồn tại gần 600 năm. Do đó người miền Trung lấy Sĩ Nhiếp – Bạch mã làm một vị thần tối cao là hoàn toàn hợp lý.
Sĩ Nhiếp cũng là vị Đô Hồ Phạm Tu, thượng thủy tổ họ Phạm ngày nay. Bản thân tên “Đô Hồ” của Phạm Tu cũng chỉ ra rằng ông là thủ lĩnh của người Hồ, tức là người Lâm Ấp lúc này (vùng nước Hồ Tôn thời Hùng Vương).
Chữ “thái giám” trong tên của thần Bạch Mã ở miền Trung không phải chỉ “hoạn quan” như nhầm tưởng. “Giám” là soi xét, coi sóc, như trong từ “giám đốc”. Thái giám phải hiểu là vị quan đứng đầu cai quản khu vực. Hiểu nôm na theo ngôn ngữ ngày nay là “Tổng giám đốc”. Chức danh này rất phù hợp với vị trí của Sĩ Nhiếp, là người cai quản toàn bộ phương Nam (Lâm Ấp) một cách độc lập tự trị trong thời loạn Tam quốc.
Dấu ấn của thời kỳ này trên khu vực miền Trung như vậy thể hiện qua hình tượng thần Bạch Mã cũng như Man Nương thần nữ. Vì Sĩ Nhiếp và Tứ pháp theo đạo Bà La Môn (Đế Thiên Đế Thích) nên khả năng hình ảnh Bạch Mã phải tìm trong đạo giáo này, chứ không phải trong đạo Phật.
Các vị thần được tôn thờ ở miền Trung, Nam Trung Bộ lại là những vị chủ quản của vùng miền Bắc (Cao Biền, Sĩ Nhiếp). Mối quan hệ giữa Bắc Việt và Trung Việt đã có từ xa xưa, sâu sắc “như cành chung gốc lớn lên”, “như anh em của mẹ hiền” Việt Nam.

Nam Giao học tổ Đặng Sĩ

Xã Liên Bạt ở Ứng Hòa, Hà Nội là nơi có ngôi đình cổ Lương Xá mới bị hạ giải để thay bằng đình… bê tông. Lễ hội ở Liên Bạt là một lễ hội lớn nổi bật với tục rước kiệu giao quan giữa 3 thôn Bặt Trung, Bặt Ngõ và Bặt Chùa. Theo tác giả Nguyễn Hữu Thức trong Hội làng Thăng Long – Hà Nội (tập 3) thì hội lễ làng Liên Bạt diễn ra vào mùa xuân ngày 15 tháng Ba hàng năm…
Thôn Bặt Trung rước long ngai bài vị Đức thánh đệ tam choàng áo màu vàng, tên gọi là Đặng Lang, cùng anh dạy dân chữ nghĩa, thủ tiết và hy sinh cùng ngày với anh ở bãi Cấm của làng, nay là lăng Thánh. Kiệu đốn theo sau thánh giá đặt sắc phong và hương nhang thờ thần, hai bên có hai pho tượng phỗng (kiểu tượng Chàm), mô phỏng tướng giặc bị quy phục…
Kiệu bát cống của thôn Bặt Chùa trên là long ngai bài vị Đức thánh đệ nhị, choàng áo màu tím, tức ông Đặng Xã, có công dạy dân Liên Bạt biết chữ nghĩa, xây dựng đồn binh chống lại giặc nhà Hán vào thời loạn Vương Mãng những năm đầu thế kỷ (8-23 sau Công nguyên). Ông giữ trọn khí tiết không chịu để thân mình rơi vào tay giặc và “hóa” ở bãi Cấm trên cánh đồng phía Đông Bắc cạnh làng. Đám rước của thôn Bặt Chùa có khác là thêm hai kiệu tư (bốn người). Mỗi người đặt một tượng tục gọi là thần đồng, cao 1,45m đi song song áp giá tả hữu kiệu bát cống rước thánh giá Đức thánh đệ nhị…
Đám rước Bặt Ngõ có kiệu bát cống trên uy nghi long ngai bài vị Đức thánh đệ nhất, tên là Đặng Sĩ, vị châu trưởng xứ Giao Châu hồi đầu Công nguyên có công mở trường dạy học giáo hóa dân làng Liên Bạt. Đức thánh đệ nhất choàng áo màu xanh…
Đám rước của ba thôn nhập làm một… Quả là “Tam quang hợp minh”…
Khi các vị thành hoàng đã yên vị, dân ba thôn lại mang kiệu tư, tổ chức đi rước văn. Đám rước vào nhà cụ Tú Mậu, cụ đồ nhiều chữ Hán nhất làng để rước bài văn tế do cụ đại diện người có học của làng soạn thảo, mang ra đình trình lễ thánh và để chủ tế lễ hội đồng.

1
Liên Bạt đình môn.

Câu đối ở cổng đền ba thôn Liên Bạt:
台岳拱朝鍾作三村文献地
春秋祈報造成壹境禮義風
Đài nhạc củng triều chung tác tam thôn văn hiến địa
Xuân thu ký báo tạo thành nhất cảnh lễ nghĩa phong.
Dịch:
Núi đài cúi chầu, ba thôn hun đúc nền văn hiến
Xuân thu tế đáp, một cõi tạo thành tục lễ nghi.
Khi xem xét sự tích ba vị thành hoàng này sẽ nhận thấy điều lạ, trái ngược với chính sử. Những hình ảnh Tam Thai, Ngũ Nhạc cũng như tục rước văn, rước thần đồng trong lễ hội Liên Bạt là dùng để ca ngợi công đức các vị họ Đặng trong giáo dục văn hóa, chữ nghĩa cho nhân dân trong vùng. Ba vị quan dưới thời Bắc thuộc sau Công nguyên ở nước ta mà lại có ân đức sâu dày với nhân dân Việt, dạy dân chữ nghĩa, tạo nên một miền đất Liên Bạt văn hiến còn lưu mãi tới ngày nay.
Lạ hơn nữa là vị châu trưởng Giao Châu là Đặng Sĩ cùng với hai người em đã chiến đấu chống “giặc Hán” đến hơi thở cuối cùng, bảo vệ đất nước, hy sinh ngay tại quê nhà. Vậy những vị quan cai trị Giao Châu này là ai? Thuộc về triều đại của người Việt hay thời ngoại xâm?
Ba anh em họ Đặng còn có công bình định phương Nam, đánh giặc Man, được thể hiện trong hình ảnh những tượng phỗng được rước cùng kiệu trong lễ hội.
Đối chiếu với sử sách hiện tại, người cai quan Giao Châu dưới thời nhà Tân của Vương Mãng là thứ sử Đặng Nhượng. Như thế rõ ràng vị Đức thánh đệ nhất ở Liên Bạt chính là Đặng Nhượng, người đã “tự cát cứ” Giao Châu vào thời Vương Mãng. Nhưng sử sách lại chép về sau Đặng Nhượng nghe lời tướng Hán là Sầm Bành, đầu hàng nhà Đông Hán và được phong tước hầu. Điều này trái ngược hẳn với sự tích ở Liên Bạt, khi mà cả 3 anh em họ Đặng đã kiên cường chống giặc Hán và 2 người em đã hy sinh tại bãi Cấm ở trong làng. Nơi đây nay còn quán Bặt Chùa cùng với khu rừng lăng thánh.

2
Khu lăng thánh và quán Bặt Chùa.

Người anh cả Đặng Sĩ (hay Đặng Nhượng) không hy sinh ở Liên Bạt nhưng ông cũng không hề theo giặc Hán nhận phong hầu. Thần tích ở đình Gia Lâm (Lệ Chi, Gia Lâm) đã cho biết vị Đặng cư sĩ đã từng đi học và làm quan ở Gia Lâm, và cũng hy sinh tại Gia Lâm. Cả 3 anh em họ Đặng đã bỏ mình vì nước, chứ không có chuyện hàng giặc như sử sách hiện đang chép.
Đặc biệt cái tên Đặng Sĩ và công nghiệp dạy chữ cho dân thời đầu Công nguyên của họ Đặng cho thấy Đặng Nhượng chính là “Nam Giao học tổ” Sĩ Nhiếp mà sử sách nói tới. Sử Việt thời kỳ đầu Công nguyên có tới 2 thời Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp thứ nhất là các châu mục thái thú Đặng Nhượng, Tích Quang thời nhà Tân của Vương Mãng, là những người đã mở mang nền văn hiến ở Giao Châu và kiên cường chống giặc Hán xâm lược. Sĩ Nhiếp thứ hai ở vào cuối thời Đông Hán, nổi dậy cai quản Giao Châu 7 quận sau khởi nghĩa thắng lợi của Khu Liên.

3
Hoành phi tiền đình Ang Phao.

Dấu vết của Sĩ Nhiếp thứ nhất (Đặng Nhượng) còn thấy ở một số di tích khác như tại đình Áng Phao (Thanh Oai), nơi thờ một vị Cư sĩ chống lại ách đô hộ của Hán. Thực ra “cư sĩ” đọc thiết là “quý”, chỉ những người lãnh đạo, “quý tộc” lúc này. Từ này cũng tương đương với từ “cừ súy” (đọc thiết cũng là “quý”), trong chuyện Mã Viện đã bắt hàng trăm “cừ súy” Việt về phương Bắc. Cuộc tấn công của Mã Viện vào thời Đông Hán là tiến đánh các vị cư sĩ – cừ súy Việt hay Sĩ Nhiếp đang cai quản Giao Châu, chứ không phải đánh Hai Bà Trưng. Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng họ Lã (Ả Lã Nàng Đê) diễn ra từ thời trước Công nguyên, chống chọi với Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức nhà Tây Hán.

4
Đình Bặt Ngõ.

Câu đối ở đình Bặt Ngõ ca ngợi công ơn của Đức thánh đệ nhất Đặng Sĩ – Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp:
教澤匡含開文峯五岳
神髙通鬱造秀氣三台
Giáo trạch khuông hàm khai văn phong ngũ nhạc
Thần cao thông uất tạo tú khí tam thai.
Dịch:
Giáo ơn thấm sâu, mở núi văn Ngũ nhạc
Thần thông cao vọi, tạo khí đẹp Tam thai.