Sách mới: Kinh triều bảo lục. Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn

LỜI GIỚI THIỆU

Khi còn nhỏ thời đi học, tôi từng được đọc bài thơ Sơn Tinh – Thủy Tinh của nhà thơ Huy Cận. Tôi nhớ mãi câu mở đầu của bài thơ tả cảnh núi Tản Viên trong buổi bình minh:

Núi Tản như con gà cổ đại

Khổng lồ mào đỏ thắp bình minh

Mênh mông gọi nắng cho mùa chín

Từ thuở Sơn Tinh thắng Thủy Tinh.

Lúc đó tôi thực sự chưa hiểu được ý nghĩa của hình ảnh này, nhưng ấn tượng về ngọn núi Tản rực hồng trong ánh mặt trời theo tôi mãi khi lớn lên.

Khi đã lớn khôn hơn, một ngày tôi lên mạng internet, gõ “Sơn Tinh – Thủy Tinh” để tra tìm lại bài thơ yêu thích từ thuở ấu thơ. Duyên số thế nào mà khi đó tôi lại bắt gặp một công trình lịch sử về thời cổ đại của Sơn Tinh, của Thủy Tinh, với tên gọi Sử thuyết Hùng Việt, tác giả Văn Nhân Nguyễn Quang Nhật. Đọc những trang Sử thuyết họ Hùng này tôi mới bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng người Việt chúng ta có một lịch sử lâu đời và huy hoàng không thể ngờ, rằng những dấu vết xưa của cuộc sống con người Việt vẫn còn truyền qua nhiều thế hệ ở trong những câu chuyện tưởng chừng là huyền thoại ấy.

Bài thơ của nhà thơ Huy Cận đã dẫn lối cho tôi tìm về với thời đại các vua Hùng, với Sơn Tinh, Thủy Tinh, công chúa Ngọc Hoa Mỵ Nương… tuy huyền ảo nhưng lại rất thật và rất sống động. Để rồi một ngày, tôi chợt nhận ra Tản Viên Sơn Thánh, chàng Sơn Tinh trong truyền thuyết chính là Kinh Dương Vương, vị Thánh tổ nước Nam ta. Vùng núi Ba Vì là kinh đô Ngũ Lĩnh thời mở nước. Ba dòng sông Đà, sông Thao, sông Lô gặp nhau ở Ngã ba Bạch Hạc hợp lưu thành sông Hồng chảy về biển Đông là địa bàn của Thủy Tinh Động Đình. Dải thác Vạn Bờ ở Hòa Bình – Mộc Châu, nơi Sơn Thánh trị thủy, còn ầm vang tiếng nước sông Đà khi chảy qua khe núi đá, là cửa Long Môn Vũ Hóa, nơi cá chép hóa rồng ngàn xưa…

Lúc này tôi mới hiểu, ngọn núi Tản là nơi Kinh Dương Vương đã thắp ánh bình minh chiếu rọi cho người Việt cổ bước đi những bước đi đầu tiên cấy cày, chăn nuôi, săn bắn, dệt vải, chiến thắng thiên tai, gây dựng cuộc sống ấm no cho con cháu ngàn đời sau. Cuộc tao ngộ kỳ lạ giữa Kinh Dương Vương và Long Nữ Động Đình đã diễn ra dưới chân núi này, bên dòng sông Đà. Đó cũng là cuộc hợp và chia của cha Rồng Lạc Long Quân với mẹ Tiên Âu Cơ bên bãi dâu Trường Sa. Cũng là cuộc so tài đọ sức không ngừng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, giữa hai dòng lên núi và xuống biển. Đấu tranh để cho xã hội từng bước, từng bước tiến lên, để cho Đẻ Đất Đẻ Nước, hình thành nên trăm nơi đầu non góc biển, nơi ngự trị của trăm người con trai Bách Việt.

Có gì kỳ vĩ hơn thế! Tản Viên Sơn Thánh – Nam Thiên Thánh Tổ Kinh Dương Vương, người mở đầu công cuộc dựng xây đất nước bằng cây gậy thần đầu sinh đầu tử và cuốn sách ước mọi điều ứng nghiệm. Gậy thần sách ước là Hà đồ Lạc thư, là trí tuệ và thế giới quan siêu việt của Thánh Tản. Đó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà là một lịch sử chân thực và hùng tráng của dân tộc.

Một lời khó nói hết về vị linh thần bất tử hàng đầu, vị Thánh tổ trời Nam Kinh Dương Vương. Những gì chúng ta biết về tổ về tông thật còn quá ít, quá sai lệch. Góp nhặt sự xưa chuyện cũ, tìm về chốn đền linh miếu thiêng, mong nhận ra cha, gặp lại mẹ từ hơn bốn ngàn năm xưa. Đó là những gì chúng tôi mong muốn ghi lại và gửi gắm tới mọi người dân Việt trong cuốn Kinh triều bảo lục Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn này.

Thay cho lời mở đầu, xin lấy lời thơ của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, một người sinh ra chính tại vùng núi Tản sông Đà này: “Nước non nặng một lời thề”. Đó là lời thề sông núi từ cha ông trao truyền cho con cháu để muôn đời dòng giống Việt trường tồn.

Tiết Trùng cửu năm Nhâm Dần 2022

Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách khổ 16×24, 378 trang, gồm 32 trang màu sơ đồ và ảnh di tích.

Mục lục

LỜI NÓI ĐẦU

THAY CHO LỜI DẪN

NAN GIẢI SƠN TINH

SỬ TÍCH SƠN TINH – THỦY TINH

Di tích thờ Tản Viên

Ngọc phả Tản Viên Đinh Phi Thánh Mẫu Hùng triều Việt Thường Thị

Ngọc phả cổ chép về Tản Viên Thánh mẫu Quốc mẫu Vua Bà Tam vị Đại vương triều Hùng Nam Việt

Ngọc phả ba vị Tản Viên Sơn Thánh, Tả Hữu Lưỡng Kiên Thần Cao Sơn, Quý Minh

Ngọc phả cổ chép về Thần nương họ Phan thời Việt Thường Thị sinh một bầu năm vị thủy quan

Linh Uyên Đại Vương ngọc phả

SƠ ĐỒ VÀ ẢNH DI TÍCH I

DI TÍCH TẢN VIÊN SƠN ĐẠI SỬ THI KINH DƯƠNG DỰNG NƯỚC

Vùng di tích Sơn Thánh Ất Sơn ở sông Lô, núi Lịch và hai công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung

Vùng di tích Tản Viên Sơn Thánh ở Phong Châu ven các sông Đà, Lô, Thao

Vùng di tích Tản Viên Sơn Thánh quanh núi Ba Vì và các hành cung Tản Viên

Vùng di tích phía Đông Thủy quốc Động Đình ven các dòng sông cổ

Vùng di tích Tản Viên Sơn Thánh và dòng Âu Cơ ở sông Đà, Hòa Bình, Ninh Bình

Vùng di tích Tản Viên Sơn Thánh ở Hà Nam và Ninh Bình

Các di tích Tản Viên Tam Vị đánh Thục vùng trung du Bắc Bộ

Các di tích Tản Viên Tam Vị đánh Thục vùng đồng bằng Bắc Bộ

Các di tích thờ Cao Sơn, Quý Minh và các vị đánh Thục ở đồng bằng Bắc Bộ

Di tích Thánh Tản – đại sử thi Kinh Dương Vương dựng nước

ĐỆ NHẤT LINH THẦN TẢN VIÊN SƠN THÁNH

Hương Lang, vị thần đứng đầu linh thần đất Việt             

Sơn Tinh, bất tử thành tiên

Nhạc phủ Thần Vương và Mẫu Thượng Ngàn

Tam Vị Tản Viên trong các thiện đàn Tam Giáo

SƠ ĐỒ VÀ ẢNH DI TÍCH II

THEO DÒNG LỊCH SỬ KINH DƯƠNG VƯƠNG

Nam quốc Anh Hoàng

Thế tộc Tản Viên Sơn

Đợi tuần tháng tám cá ăn thề

Bên bến sông Tương

Kinh đô Ngũ Lĩnh và Thủy quốc Động Đình

Đẻ Đất Đẻ Nước

Tả hữu kiên thần

Bốn giai đoạn của thời đại Hùng Vương

Kinh Dương Vương bản kỷ

Những vị tiên thời hậu Hùng Vương

Hình tượng các vị tiên trên gương đồng hay các tranh lụa thời Tần Hán mang đặc điểm, ý nghĩa riêng của quan điểm Đạo giáo đương thời và trở thành nguồn mẫu cho những biểu tượng tiên nhân, tiên nữ trong tín ngưỡng và mỹ thuật dân gian Việt thời cận đại.

Những vị tiên thời hậu Hùng Vương - Ảnh 1.
Bích đồng Nghi Vệ.

Năm 257 trước Công Nguyên, Tần Chiêu Tương Vương diệt nhà Đông Chu, chấm dứt chế độ phong kiến phân quyền kéo dài hơn 800 năm của Trung Hoa. Năm 221 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng lên ngôi xưng Hoàng đế, khởi đầu cho thời kỳ thiên hạ thống nhất, quản lý hành chính theo chế độ quận huyện từ trung ương xuống địa phương. 

Văn hóa tín ngưỡng tôn giáo trên toàn cõi trời Đông cũng theo đó có một bước tiến đáng kể. Từ giai đoạn trăm nhà đua tiếng của Bách gia chư tử thời Chiến Quốc tới thời Tần tín ngưỡng nổi bật lên là Tiên đạo, điển hình với câu chuyện Tần Thủy Hoàng cho người ra biển Đông để tìm thuốc Tiên trường sinh bất tử. Hình tượng Tiên trong thời kỳ Tần Hán do đó mang tư tưởng Đạo giáo một cách sâu sắc, mà nền tảng căn bản của nó là học thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Tới cuối thời Đông Hán sang thời Tam Quốc thì Đạo Giáo đã trở thành một tôn giáo với hệ thống thần điện hoàn chỉnh trong phong trào Ngũ đấu mễ do Trương Đạo Lăng khởi xướng và nối tiếp bởi anh em Trương Giác, Trương Lương, Trương Bảo trong khởi nghĩa Khăn Vàng.

Trên vùng đất Việt khi đó trào lưu thống nhất thiên hạ và hoàn thiện Đạo Giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân. Chính vùng ven biển Đông trên miền Bắc Việt là nơi Tần Thủy Hoàng Đế đã gặp vị Thiên Tuế Ông Yên Kỳ Sinh để cầu thuốc trường sinh. Dấu vết của tiên ông Yên Kỳ Sinh nay là ngọn núi Yên Tử, mang tên của vị Đạo sĩ thời Tần này.

Năm 207 trước Công Nguyên, Triệu Vũ Đế lập nước Nam Việt, xưng đế ngang với nhà Tây Hán, văn hóa Nam Việt khi đó có xu hướng tiếp nối nền văn hóa trống đồng Đông Sơn thời nước Âu Lạc của An Dương Vương. Tuy nhiên, nhà Triệu làm chủ phương Nam không được lâu. Năm 111 trước Công Nguyên, Hiếu Vũ Đế tấn công kinh đô Phiên Ngung, nhà Triệu nước Nam Việt sụp đổ.

Hậu quân của nhà Triệu theo thừa tướng Lữ Gia về xây dựng căn cứ kháng chiến trường kỳ chống lại nhà Tây Hán tại vùng đất tổ Phong Châu. Lữ Gia ở nhiều di tích tại đây, như ở Linh Tiên Quán (Hoài Đức), được thờ như một vị Đạo sĩ tu tiên, luyện tiên đan. Đạo Giáo ở phương Nam do đó vẫn tiếp tục phát triển dưới thời Nam Việt, tuy có thể không cùng màu sắc so với Đạo Giáo ở phương Bắc đương thời.

Bắt đầu từ Hiếu Vũ Đế, phần đất Nam Việt nằm trong cùng một thể chế quốc gia với miền Bắc Trung Hoa nên tôn giáo ở đất Việt lúc này có cùng chung một bầu không khí phát triển với Đạo Giáo ở phương Bắc. Di tích lưu tồn của thời kỳ này đến nay là những mộ xây gạch, được gọi là mộ kiểu Hán, gặp ở rất nhiều nơi, với quy mô mộ lớn và đồ tùy táng nhiều ở khắp miền Bắc nước ta, từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… 

Di vật tiêu biểu thể hiện quan điểm tôn giáo tín ngưỡng thời kỳ này là những chiếc gương đồng được chôn theo người chết trong mộ. Những chiếc gương đồng trong mộ Hán không đơn thuần là đồ trang sức cá nhân, mà mục đích chính của việc khắc họa hình ảnh các vị thần tiên Thượng giới lên gương là nhằm siêu độ, dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi Tiên bất sinh bất diệt.

Có thể kể đến những vị tiên tiêu biểu của thế giới Thần Tiên thời kỳ hậu Hùng Vương như sau.

Nữ Oa – Phục Hy

Trên các bức bích họa thời Hán, cặp thần tiên tối cổ Nữ Oa – Phục Hy được thể hiện dưới dạng hình người thân rắn, cuộn đuôi vào nhau. Trên tay của Nữ Oa và Phục Hy có thể nâng Mặt trăng và Mặt trời hay cầm thước đo thẳng và thước đo cong. Đây đều là biểu tượng của hai yếu tố Âm và Dương trong Lưỡng nghi.

Tại khu mộ cổ khổng lồ Nghi Vệ ở Bắc Ninh được khai quật từ thời Pháp trong số các gương đồng đã phát hiện có một chiếc gương thể hiện cặp thần tiên thân rắn khá đặc biệt. Hình tượng người rắn tương tự còn gặp trên những tấm lụa phủ liệm quan tài cùng thời kỳ.

Hình tượng Nữ Oa – Phục Hy còn lưu truyền tới nay trong văn hóa dân gian Việt dưới hình ảnh của cặp thần Ông Đùng – Bà Đà trong lễ hội ở nhiều nơi. Ngay tranh dân gian Đông Hồ cũng có bức vẽ hình Tứ tượng, thể hiện hình 2 đứa trẻ quay đầu ngược nhau và thân quấn lấy nhau. Đây là một cách thể hiện khác của cặp thần tiên Nữ Oa và Phục Hy, bởi theo nguyên lý của Dịch học Lưỡng nghi Âm Dương sinh ra Tứ tượng.

Hình tiên thân rắn còn gặp trên bức chạm ở một ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài Hà Tây xưa là đình Tây Đằng. Bên mé hữu của đình trên xà ngang có bức chạm 2 vị tiên cầm hoa sen với thân rắn dài, có vảy. Hai vị tiên này đứng chầu vào giữa, là nơi có 2 vị tiên khác, một đang ôm rắn và một đang ôm cá. Hai vị tiên ở giữa bức chạm Tây Đằng là 2 vị thần chủ của tiên giới: Tây Vương Mẫu và Đông Vương Công.

Tây Vương Mẫu – Đông Vương Công

Theo quan niệm trong Tiên đạo, các vị tu hành đắc đạo thành Tiên, trước hết đều phải đến bái kiến đấng Đông Vương Công, rồi sau đó đến bái kiến đấng Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu còn là biểu tượng của sự Bất tử, đi liền cùng với hình thỏ ngọc giã thuốc, điều chế Tiên dược.

Tây Vương Mẫu theo mô tả của Sơn Hải kinh là người có thân hổ, chủ tọa ở núi Côn Lôn. Còn Đông Vương Công, vị thần ngự ở biển Đông, gắn với hình Rồng, con thần thú của hướng Đông. Chính vì thế có gương đồng thể hiện hình 2 vị tiên này cùng hình Long – Hổ ở 2 bên.

Cũng trên chiếc gương đồng phát hiện ở mộ cổ Nghi Vệ nói trên còn có hình người thân hổ ở giữa gương. Đây là hình Tây Vương Mẫu, thần chủ của núi Côn Lôn. Hình ảnh Tây Vương Mẫu và Đông Vương Công còn lưu truyền trong văn hóa dân gian như hình người ôm rắn và người ôm hổ được chạm ở trên phần nóc của đình Tây Đằng.

Các chân nhân

Trên gương đồng thời Hán thường bắt gặp các vị tiên Vương Tử Kiều, Xích Tùng Tử, là những vị chân tiên đắc đạo trường thọ. Đặc điểm biểu hiện của các chân nhân trên gương đồng là có thân hình nhỏ mảnh, mọc lông hay mọc cánh, cưỡi hay đang chăm sóc các thần thú có hình dạng nửa rồng nửa hổ nửa chim với các tên gọi như Phi liêm, Ác lai, Tịch tà.

Quan niệm thành tiên được thể hiện trong cuốn Bão phác tử luận tiên của Cát Hồng, vị huyện lệnh huyện Câu Lậu trên miền Bắc Việt vào thời Tấn. Cát Hồng dẫn sách Tiên kinh cho biết, tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên“.

Quan niệm về cách thức lên núi đắc đạo thành tiên thường được thể hiện trên phần minh văn của các gương đồng thời Hán. Ví dụ, minh văn điển hình trên gương ghi: Lên núi Thái thấy Thần nhân; Ăn táo ngọc, uống nước suối; Cưỡi giao long vượt mây trôi.

Các tiên nhân khi tu tiên đạo thì không ăn ngũ cốc, lên núi uống nước suối, thân thể chỉ còn lại xương cốt, khi thành tiên sẽ cưỡi rồng, cưỡi hổ mà hóa tiên.

Tại mộ Nghi Vệ còn gặp một bức bích đồng hình tròn, ở trên có thể hiện hình Long – Hổ với tiên nhân cưỡi hổ. Hình tiên nhân gầy, có lông vũ được thể hiện rất rõ. Đây là tiền đề cho các hình tượng tiên có cánh và tiên cưỡi rồng rất phổ biến sau này trong điêu khắc dân gian ở các đình đền miếu mạo thời Lê Nguyễn. Ý nghĩa của việc thân hình người biến thành hình vật hay cưỡi linh vật là chỉ người đã đắc tiên đạo, thoát được xác phàm, trở thành tiên nhân bất tử. Khi đó ranh giới giữa “người” và “vật” đã không còn nên các tiên nhân đều có hình dạng biến hóa. Trên các tranh lụa liệm quan tài thời Hán còn vẽ các tiên nhân ở trong các hình dạng thân người đầu cáo, hay mang cánh chim, mỏ chim… rất dị thường.

Ngũ Đế Thiên Hoàng

Trong Đạo Giáo thời Hán – Tam quốc có 5 vị thần cai quản 5 hướng gọi là Ngũ Đế Thiên Hoàng. Lão Tử trung kinh viết, tên của các thần Ngũ Đế là:

– Thần phương Đông tên là Câu Mang Tử, hiệu là Văn Thuỷ Hồng Nhai Tiên Sinh, là Đông phương Thương đế, Đông Hải quân;

– Thần phương Nam tên là Chúc Dung Tử, hiệu là Xích Tinh Thành Tử, là Nam phương Xích đế, Nam Hải quân;

– Thần phương Tây phương tên là Nhục Thu Tử, hiệu là Hạ Lý Hoàng Công; là Tây phương Bạch đế, Tây Hải quân;

– Thần phương Bắc tên là Ngu Cường Tử, hiệu là Huyền Minh Tử Xương, là Bắc phương Hắc đế, Bắc Hải quân.

– Thần Trung ương tên là Hoàng Thường Tử, hiệu là Hoàng Thần Bành Tổ, là Trung ương Hoàng đế quân.

Ngũ Đế ứng với Ngũ phương và Ngũ sắc, là những dạng biểu hiện của Ngũ hành. Đặc biệt Ngũ Đế cũng là các vị “thủy thần” mà được gọi là “Hải quân” của 4 miền biển Đông Tây Nam Bắc.

So sánh với đạo Tam Tứ phủ ở Việt Nam thì Ngũ Đế Thiên Hoàng của Đạo Giáo chính là Ngũ vị Tôn Quan trong ban Công đồng Tứ phủ. Các vị quan lớn Tứ phủ cũng là 5 vị thủy thần trấn trị 5 phương, ứng đúng với 5 màu của Ngũ sắc. Có nơi như đình Mai Xá (xã Song Mai, Kim Động, Hưng Yên) thờ 5 vị thủy thần thời Hùng Vương, trong đó có Câu Mang Đại Vương, là tên của Đông phương Thanh đế – Đông Hải quân trong Ngũ Đế.

Trên gương đồng thời Hán đúc hình các vị thần này còn có chữ Quân nghi cao quan, thể hiện phép tắc về thứ bậc quan chức, hay tương đương với khái niệm “Công đồng” trong Tứ phủ. Chính chữ “quan” này là trong tên của Ngũ vị Tôn Quan.

Trùng liệt thần

Thời Tam Quốc phổ biến loại gương đồng mang tên “Trùng liệt thần” (đa thần), với 3 lớp thần tiên được khắc họa trên gương. Một gương đồng như vậy đã được tìm thấy ở khu khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, là di tích mới được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2022. Thời kỳ này cũng là thời kỳ Đạo giáo ở Trung Hoa đi vào hoàn chỉnh nên hệ thống thần điện của Đạo thể hiện trên gương đồng cũng trở nên đầy đủ nhất.

Thần điện theo phong cách trùng liệt thần với các vị thần được xếp thành các lớp, các phủ, là quan niệm tín ngưỡng được gặp trong các tranh thờ của nhiều dân tộc ở miền Bắc nước ta như người Dao, người Tày, người Cao Lan… và trong chính hệ thống tín ngưỡng Tứ phủ ngày nay của người Kinh.

Những chiếc gương đồng thời Lưỡng Hán như những bức tranh toàn cảnh về đạo Thần Tiên lưu truyền hậu thế, để lại những hình mẫu về các tiên nhân cho tín ngưỡng và mỹ thuật truyền thống Việt ở thời cận đại cũng như cho tới nay.

Những vị tiên thời hậu Hùng Vương - Ảnh 2.
Mẫu gương đồng có hình Long – Hổ và Tây Vương Mẫu – Đông Vương Công.
Những vị tiên thời hậu Hùng Vương - Ảnh 3.
Gương đồng với dòng minh văn “Lên núi Thái, thấy Thần nhân”…
Những vị tiên thời hậu Hùng Vương - Ảnh 4.
Tranh lụa thời Hán vẽ hình tiên thân rắn.
Những vị tiên thời hậu Hùng Vương - Ảnh 5.
Tranh lụa thời Hán với hình các tiên nhân hóa linh vật.
Những vị tiên thời hậu Hùng Vương - Ảnh 6.
Mẫu gương Trùng liệt thần.

https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-vi-tien-thoi-hau-hung-vuong-179221210000346601.htm

Những vị Tiên nữ Việt thời Hùng Vương

Hình tượng Tiên nữ đã xuất hiện trong văn hóa Việt từ rất sớm, với ý nghĩa biểu tượng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội. Ngay từ thời đại Hùng Vương, trong các truyền tích về thời dựng nước. chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những vị Tiên nữ.

Các vị Tiên nữ thời kỳ này là những hoàng phi, hoàng hậu của các đời vua Hùng và đều đã trở thành những bậc “Mẫu nghi thiên hạ” trong tín ngưỡng dân gian.

Vụ Tiên Thần nữ

Vụ Tiên là vị Tiên siêu cổ của người Việt. Bà là vợ của Thái tổ Hữu Hùng Đế Minh trong truyền thuyết họ Hồng Bàng. Đế Minh nhân đi Nam tuần gặp được bà Vụ Tiên Thần nữ, vô cùng vui mừng, đã kết duyên mà sinh ra Lộc Tục…

Dấu vết của bà Vụ Tiên lưu truyền tới nay là trong tục thờ Tây Thiên Quốc Mẫu ở núi Tam Đảo, nơi ngọc phả kể rằng có một người con gái là tiên từ Cửu thiên giáng hạ, nhan sắc chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, thông thạo văn ấn, nữ tắc nữ công, lại tài năng võ nghệ, binh thư thao lược, nữ lưu hào kiệt. Khi có giặc xâm lăng, bà đã chiêu mộ quân binh, kéo về chi viện cho Hùng Vương, dẫn quân ra trận diệt giặc. Thắng trận bà được vua Hùng phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu, đời đời thờ phụng.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 1.
Tây Thiên Quốc Mẫu ở đền Thượng Tây Thiên.

Bản thân chữ “Tây Thiên” khi đọc lướt sẽ cho chữ “Tiên”. “Vụ Tiên” chính thực nghĩa là “Vua Tiên”. Tây Thiên Quốc mẫu đã trở thành Mẫu Thượng Thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ, cai quản Thiên phủ, tức là đứng đầu quần Tiên trên Thượng giới.

Mẫu Thượng Thiên là bà Mẹ Trời của người Việt, ngự trị trên đỉnh Tam Nguy của núi Côn Lôn (tên khác của núi Tam Đảo). Đây cũng là nơi bắt nguồn của dòng suối Bát Nhã, chảy từ ngọn Phù Nghi (Nghĩa) xuống qua chín khúc hồi hoàn. Vua cha Đế Minh ở núi Thái Hùng Lĩnh và Mẹ trời Tây Thiên bên dòng suối Nghĩa đã đi vào câu ca dao bất hủ của người Việt:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu đối ở đền Thỏng, là chính đền thờ Tây Thiên Quốc Mẫu tại xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc:

Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh Tiên giáng

Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký lập Mẫu nghi.

Dịch:

Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế

Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi lập mẫu oai nghiêm.

Thủy Tiên Thần Long

Đẹp thay Tiên nữ!” là lời thốt lên của Kinh Dương Vương khi gặp mẫu Thần Long bên bờ Động Đình. Kinh Dương Vương là dòng Sơn thần từ bà Vụ Tiên trên núi Tam Đảo. Còn Mẫu Thần Long là Thủy Tinh công chúa Xích Lân Long Nữ, con của Động Đình Đế Quân. Cuộc hội ngộ giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đầu tiên này đã sinh ra đức vua Lạc Long Quân. Vị Tiên nữ Động Đình đã trở thành Mẫu Thoải trong tín ngưỡng Tứ phủ, vị mẫu cai quản Thủy phủ.

Chính đền thờ Xích Lân Long Nữ ở Việt Trì gọi là đền Tiên Cát, cho thấy rõ ràng rằng Mẫu Thoải là một vị Tiên. Thủy Tiên Thánh Mẫu còn được thờ ở nhiều nơi khác tại vùng đồng bằng ven sông Hồng, dưới những tên gọi và chuyện kể khác nhau. Điển hình là chuyện bà Phan Cù Nương ở làng La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) bên bãi Trường Sa của sông Đà. Hay chuyện Quý Nương sinh Hoàng Xà trong sự tích đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình… Tựu chung các sự tích về Thủy Tiên Thánh Mẫu đều kể bà Mẹ Rồng sinh một bọc, nở ra mấy người con dưới hình rắn – rồng, rồi trở thành các vị thủy quan ngự trị các lưu vực sông ngòi.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 2.
Ban thờ Mẫu Thần Long ở đền Tiên Cát.

Đền Á Lữ, nơi thờ Kinh Dương Vương ở Thuận Thành, Bắc Ninh có đôi câu đối về mẫu Thần Long:

Tương truyền Lĩnh động Tiên sinh Thánh

Tòng thử Viêm phương quốc hữu quân.

Dịch:

Tương truyền chốn Lĩnh Tiên sinh Thánh

Từ đó phương Viêm nước có vua.

Tiên Dung Công chúa

Vị công chúa con vua Hùng thứ ba, có vẻ đẹp như trăng rằm, được Hùng Vương đặt tên là Tiên Dung và vô cùng yêu quý. Công chúa trên đường đi ngao du sơn thủy, xuôi dòng sông Hồng qua bãi Tự Nhiên ở đất Khoái Châu đã có cuộc kỳ ngộ với chàng trai Chử Đồng Tử. Hai vợ chồng cùng nhau học được Tiên đạo, một gậy một nón dựng nên cơ đồ bề thế, lâu đài cung điện ở vùng đầm nước bãi sông. Chử Đồng Tử được nhân dân theo về, lập thành nước riêng, nên Tiên Dung cũng đã trở thành Hoàng phi của một bậc Thiên tử.

Cùng với vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung còn có vị Tây Sa Công chúa, là con của Tây Vương Mẫu giáng phàm, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cứu dân. Kết cục Chử gia tam tiên một đêm đã bay lên trời hóa thành bất tử, nhập vào bóng trăng với sự tích chú Cuội, chị Hằng và thỏ ngọc.

Câu đối ở đền Đa Hòa, là nơi cung quách xưa của Chử Đạo Tổ và Tiên Dung Công chúa:

Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch

Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên.

Dịch:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ

Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Bạch Kê Ma Cô Tiên

Truyền thuyết về thành Cổ Loa kể rằng, các Tiên nữ đêm đêm đã xuống trần giúp An Dương Vương xây thành, nhưng bị yêu quỷ hóa thành con gà trắng gáy báo sáng, làm các Tiên nữ bỏ đất xây thành mà bay về trời. Thực ra, vị Tiên nữ ở Cổ Loa chính là Mẫu Bạch Kê, mà nay đền thờ còn sau núi Thất Diệu ở xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 6.
Nghi môn miếu Bạch Kê ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 7.
Bia đá chùa Ma Cô Tiên ở Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Đôi câu đối ở nghi môn đền Mẫu Bạch Kê ghi:

Hồng Lạc di phong trang thể thế

Tiên Long dư duệ khải hồng cơ.

Dịch:

Phong tục Lạc Hồng hình thể đẹp

Rồng Tiên dòng dõi mở cơ đồ.

Mẫu Bạch Kê là dòng dõi Lạc Hồng của Hùng Vương đã cản trở An Dương Vương xây thành, bởi An Dương Vương là triều đại đã thế ngôi Hùng Vương trên đất này. Người đã chống lại vua nước Âu Lạc chính là nhà Ân Thương. Cầm đầu đội quân nhà Ân khi đó là các nữ tướng, mà tới nay vẫn còn được tái hiện trong vai 28 cô tướng của hội Dóng Phù Đổng.

Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương

Ân sai hai tám tướng cường nữ nhung

Xâm cương cậy thế khoe hùng

Kéo sang đóng chật một vùng Vũ Ninh.

Truyện Giếng Việt kể, trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương, vua Ân chết ở chân núi Vũ Ninh, trở thành vua của Địa phủ. Tới thời Tần Hán có người Thôi Vĩ đã lạc vào núi này, rơi xuống lòng đất gặp được Ân Hậu, rồi được một vị tiên nữ là Ma Cô Tiên đem cho ngọc báu, thuốc tiên. Thôi Vĩ trở nên giàu có, hạnh phúc và trường thọ. Ma Cô Tiên từ đó trở thành một vị phúc thần và thọ thần nổi tiếng trong văn hóa phương Đông.

Ma Cô Tiên là một hoàng phi của vua Ân, nên đây cũng chính là vị Mẫu Địa phủ trong quan niệm xưa. Bản thân chữ “Ma” có nghĩa là “má”, “mẹ” hay “mẫu”, là cách gọi xưng đối với vợ vua thời cổ. Nơi thờ vị Tiên mẫu này ở chân núi Vũ Ninh miền Châu Sơn là ngôi chùa cổ mang chính tên chùa Ma Cô Tiên, tại thôn Châu Cầu, xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Vua Tiên Âu Cơ

Nói đến Tiên nữ thời Hùng Vương ai cũng nghĩ ngay đến bà Âu Cơ, bà mẹ đã sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm trai Bách Việt. 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, tôn người con trưởng lên làm vua Hùng, lập nước Văn Lang, đóng đô ở Việt Trì… Tiên mẫu Âu Cơ đã về trời ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), nay còn di tích là ngôi đền mẫu nổi tiếng tại đây.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 4.
Hoành phi “Bách Việt chi Tổ” ở đình Ngọc Trục, nơi thờ bà Âu Cơ ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đôi câu đối tại chính điện đền mẫu Hiền Lương nói tới bà Âu Cơ là tổ của dòng Tiên lên núi, lưu truyền vạn đại, cùng đất nước và nhân dân mãi trường tồn:

Tố hồng mang đế kết dĩ lai, Tiên chủng vĩnh truyền lưu quốc tổ

Lịch Tượng quận triệu tu nhi hậu, nhân quần miễn mộ bá Viêm bang.

Dịch:

Nhớ thủa hồng mang gắn kết tới nay, nòi tiên mãi lưu truyền là Quốc tổ

Trải đất Tượng quận dựng sửa sau về, bầy dân luôn ngưỡng mộ khắp Viêm bang.

Mẫu Âu Cơ còn gặp trong hình tượng bà mẹ đẻ của Tản Viên Sơn Thánh ở vùng đất Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ). Người Mường thờ bà là Quốc Mẫu Vua Bà, như một vị thủy tổ của dân tộc. Cũng bởi sự tích 50 người con lên núi lập quốc và là mẹ của Sơn Thánh mà bà Âu Cơ đã trở thành thánh Mẫu lâm cung Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ ngày nay. Hình tượng Tiên mẫu Âu Cơ gắn liền với hình chim Âu bay lượn trên mặt các trống đồng, hay chim Phượng hoàng gáy báo điềm lành mở nước trong Tứ linh vật.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 5.
Mẹ đẻ Tản Viên Sơn Thánh ở đền Lăng Sương.

Tiên nữ Tây Thiên Ngọc Tiêu

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 9.
Bà Ngọc Tiêu ở đền thờ Thanh Sơn Đại vương trên núi Tây Thiên.

Cũng là Tiên nữ núi Tam Đảo, nhưng bà Ngọc Tiêu được Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể tới không phải là vị Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu đánh giặc thời Đế Minh, mà là một tiên nữ yêu kiều, kết duyên cùng với Hùng Chiêu Vương.

Ngọc phả kể rằng vua Hùng thứ bảy là Chiêu Vương đã tâm thành hướng Phật, quyết chí cầu Tiên. Vua đến núi Tam Đảo, lập Vọng Tiên đàn hành lễ bảy ngày bảy đêm để mong gặp được Tiên nhân. Đêm đó, nhà vua đã được ứng mộng qua một bài thơ Tiên, dùng cách chiết tự (những chữ trong ngoặc kép) mách bảo nơi Tiên giáng:

Tây Thiên “sơn nhân thượng”

Bất kiến “tâm hạ tướng”.

Niệm Đông “túc các” nhân

“Doãn cư thượng khẩu” vượng.

Dịch:

Trên Tây Thiên tiên đó

Không thấy điều mong chờ

Gặp người nơi Đông Lộ

Vua sẽ được như mơ.

Vua theo lời trong mộng, quay xuống chân núi, đã gặp được tiên nữ Ngọc Tiêu ở làng Đông Lộ (Đại Đình, Tam Đảo), kết nên duyên lành, đón về Phong Châu sinh cư. Rồi cả 2 người học được tiên thuật, thọ sánh ngang tuế nguyệt, hóa sinh bất diệt.

Trong thời Hùng Vương, hình tượng các Tiên nữ đều là những vị hoàng phi, hoàng hậu, vợ của các vua Hùng. Các phi hậu này người có công giúp vua Hùng đánh giặc, oanh liệt tử chiến sa trường, người có công khai dân mở đất, sinh con nối dòng tiếp dõi họ Hùng. Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Tứ phủ đều có nguồn gốc sâu xa từ những Tiên Mẫu thời Hùng Vương.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 8.
Tam Tòa Thánh Mẫu ở chùa Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh, gồm bà Vụ Tiên, Âu Cơ và Thần Long.

Ngọc phả chép về hai vị Thiên tử họ Hùng

Thần tích  làng Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Chi Khôn, bộ thượng đẳng thứ 7
Bản chính trong từ đường quan Thượng thư bộ Lễ quốc triều.

Xưa nước Việt ta dựng nền ở phương Nam, cương vực theo sao Ngưu, sao Đẩu. Triều Hùng mở vận, Thánh tổ gây dựng cơ đồ. Vua Kinh Dương Vương từ khi thừa mệnh vua cha ở Bắc triều nhận quyền chủ trị phương Nam, đi tìm xem hình thế sông núi nước Việt, lấy vùng đất đẹp Hoan Châu mà dựng lập kinh đô, lấy vẻ mạnh của nơi Nghĩa Lĩnh mà tu sửa miếu đền. Cha truyền con nối đều lấy Hùng Vương làm tôn hiệu.

Khi Kinh Dương Vương lấy tiên nữ Động Đình là Âu Cơ, ở tại nơi đầu núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ từ đó mang thai, được 3 năm 30 ngày sinh hạ được một bầu trăm trứng, nở ra trăm người con trai. Tất cả đều có tư chất hơn người, anh hùng vượt đời. Đến khi trưởng thành Vua mới phong tước hầu dựng các nơi làm bình phong, chia nước thành 15 bộ. Một là Sơn Tây, hai là Sơn Nam, ba là Hải Dương, bốn là Kinh Bắc, năm là Ái Châu, sáu là Hoan Châu, bảy là Bố Chính, tám là Ô Châu, chín là Ai Lao, mười là Hưng Hóa, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Cao Bằng, mười ba là Lạng Sơn, mười bốn là Quảng Tây, mười năm là Quảng Đông.

Khi đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng:
–    Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con nhưng chủng loại không cùng, nước lửa tương khắc, không thể cùng chung sống. 

Nhân đó mới chia biệt, phân thành trăm họ. 50 người con theo cha về biển là Thủy thần.  50 người con theo mẹ về núi làm Sơn thần. 50 người con về núi phân ra để cai quản trên từ các đầu núi, dưới tới các góc biển. Mỗi đạo có người làm đế chủ quản một phương, cùng hưởng lộc trời, là người chủ trưởng vậy.

Tới thời Huy Vương ở ngôi đóng đô ở Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước tên là Văn Lang, quốc đô tên là thành Phong Châu. Vua đức rộng tài cao, khoan nhận rất mực, kế thừa vận của 6 đời trước, chuyên tâm lấy đức hóa dân, lấy công mà yên trị, cũng có thể đáng gọi là bậc quân vương vậy. 

Khi ấy có một vị đạo quan của bộ Sơn Nam, vốn là dòng dõi trong số 50 người con của một bọc trăm trứng về núi, được phân trị ở Sơn Nam, họ là Hùng, tên Khắc, lấy người trang Tức Mặc, huyện Chân Định, phủ Thiên Trường tên là Trần Thị Huệ, lập làm Chính phi. Vợ chồng tuy là nắm quyền chủ một phương nhưng cố sức làm điều phúc thiện. Tuổi đã ngoài bốn mươi mà điềm cung nỏ, buồm thuyền chưa thấy được nơi cửa huyền. Do đó vợ chồng cố gắng tạo phúc, hết sức làm điều nhân, điều nhỏ cũng vì coi dân như con. Trong năm các lễ thời, thuế khóa nhận được, tất cả đều cho dân, không lấy một điểm nào. Cửa quan không có kiện tụng, giam giữ, sân đường không có roi vọt.

Một hôm chủ bộ quan đi đến nơi đất đầu khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, chợt gặp một người con gái, tuổi độ ba lần tám (24), mặt hoa da phấn, mắt ngọc mày ngài, tỏa vẻ có đức sắc. Chính phi thích nhan sắc ấy bèn triệu tới hỏi danh tính, quê quán. Người con gái trả lời:
–    Thiếp tên là Mỹ Nương, là người khu Hàn Lâm, con gái phú ông họ Nguyễn. Mẹ thiếp mất sớm, hiện sống cùng với cha. Tới nay tuổi đã 24.

Chính phi bèn nói rằng:
–    Người đẹp ắt phải có duyên cầm sắt với người đẹp, có mối tơ hồng định sẵn. Chồng ta là chủ quan Sơn Nam, dòng dõi họ Hùng, tuổi đã cao mà chưa có con sinh dưỡng. Ta là Chính phi, muốn tìm khắp một tiểu nữ có thể có điềm sinh lan xuất huệ, thỏa nguyện bình sinh. Nay ta thấy nàng nhan sắc ngôn ngữ đều không phải người thường. Ta muốn kết nguyện Châu Trần. Không biết ý nàng có ưng không?

Cô gái đó đáp:
–    Phận thiếp bồng bềnh, duyên cầm sắt là do ở Nghiêm đường. Đâu dám tự quyết.

Chính phi bèn loan giá tìm vào nhà ông Nguyễn, hỏi Mỹ Nương cho Chủ quan. Ông Nguyễn vui mừng đồng ý, xem chọn ngày giờ làm lễ sánh duyên, rước về nhiệm sở, lập làm Đệ nhị Cung phi. 

Từ đó loan phượng tình nồng, thư cưu hợp vận. Được quãng nửa năm, một hôm Nương cùng với Chính phi cùng nằm trong buồng chính, mơ màng giấc ngủ. Chính phi bỗng mộng thấy cùng với Nương đến một nơi bốn mặt xung quanh đều là rừng núi rậm rạo. Lại có một con hổ từ hướng Nam đến. Chính phi quay ra sau, lại thấy một con hổ từ hướng Bắc tới. Hai con hổ cùng giao đấu. Các nàng đều muốn cứu một con hổ. Trong mộng ảo mới thấy hai con hổ hóa thành hai cậu thanh đồng. Một cậu chạy nhập vào Chính phi, một cậu chạy nhập vào Mỹ Nương. Bất chợt kinh sợ mà tỉnh giấc. Đem chuyện trong mộng nói với Chủ quan. 

Chủ quan vui mừng rằng:
–    Hổ thay! Hổ thay! Hổ là điềm rất tốt. Nàng mơ thấy như vậy tất nhiên nàng cùng với Mỹ Nương có điềm sẽ mang thai.

Lời nói được một ngày, quả nhiên Chính phi cùng với Đệ nhị cung cùng có mang. Mang thai được 12 tháng, tới năm Đinh Hợi, tiết mùa đông ngày 10 tháng 11, giờ Dần 1 khắc Chính phi sinh được một người con trai. Giờ Dần 6 khắc Đệ nhị cung phi cũng sinh được một con trai. Dáng rồng thân hổ, mắt phượng mày tằm, ngũ nhạc cùng chầu, tam đình bằng phẳng, thân dài tám thước, tai trắng mày xanh, tai dài quá gối, thật là khác người thường.

Sinh được trăm ngày người bố là Chủ bộ quan cùng Chính phi và Đệ nhị cung phi, với hai con trai vào gặp vua Huy Vương. Vua mở tiệc mừng lớn, lại nói với Chủ bộ quan rằng:
–    Hai đứa cháu đẹp đẽ này đúng là dòng dõi tông phái gia tộc. Trẫm nay đặt tên cho cháu trưởng là Minh Gia, cháu thứ là Minh Tông, để làm rạng nghĩa của dòng dõi gia tông. 

Chủ bộ quan nhận mệnh, cảm tạ. Xong việc lại trở về nhiệm sở Sơn Nam. Chưa được một năm Chủ bộ quan lại lấy tiền đem về khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc cho xây dựng một cung điện để hai người con Minh Gia, Minh Tông khi lớn lên sẽ ở đó. Xây cung xong lại trở về nhiệm sở.

Than ôi, sự biến đến thật vô thường! Là vận trời vậy sao? Trong 3 năm Chủ bộ quan cùng Chính phi và Mỹ Nương đều theo nhau mà mất. Minh Gia, Minh Tông kêu góc vang trời, nhưng tình thế không thể làm sao được. Lần lượt làm lễ chôn cất. Hương lửa tế lễ trong nhà theo như nghi thức.

Khi sự hiếu đã xong, hai ông tuổi đã 21. Hai ông vốn thiên tư thông minh, học tuy ít nhưng biết rộng cổ kim, hiểu khắp trời đất. Tuổi 25 vua Huy Vương cho phép kế chức của cha nhận quản đạo Sơn Nam. Người anh lmà Minh Gia Thiên tử. Người em làm Minh Tông Thiên tử. Hai vị Thiên tử cảm tạ, trở về, tới cung ở khu Hàn Lâm thì ở lại đó, khuyến khích nghề nông tang, tăng lợi trừ hại, lại cho dân Hàn Lâm được miễn việc phục dịch binh dong, tô thuế, để làm dân đất thang mộc sau này khi hai vị Thiên tử đã trăm tuổi. Thật là có công lớn với khu Hàn Lâm vậy.

Lại nói, khi đó đất nước có giặc Ân phương Bắc là Thạch Linh Thần tướng dẫn trăm vạn hùng binh đến xâm lược.  Giáo giáp khắp trời, cờ xí rợp đất. Biên cương gửi thư báo gấp. Vua rất lo lắng, bèn lập đàn cầu đảo trời đất và bách thần. Vua tự mình đến ở nơi đàn cầu đảo. Sau 3 ngày bỗng thấy có mưa gió sấm chớp nổi lên. Có một ông lão cao hơn 9 thước, ngồi ở đường lớn, cười nói nhảy múa. Mọi người thấy vậy đều cho là lạ. Dân vào tâu Vua. Vua thân đón ông lão vào trong đàn, mời ngồi trên, rồi hỏi:
–    Nay có giặc phương Bắc đến xâm lấn. Thắng bại như thế nào, xin được chỉ giáo.

Ông lão suy nghĩ hồi lâu đắn đo mưu kế, rồi nói với Vua rằng:
–     Nay hoàng gia đang có hai vị thần hổ đầu thai, hiện là chủ tể đất Sơn Nam, chính thuộc tông phái của hoàng gia. Những người này có thể gấp cho dẫn binh chống giặc trước. Sau đó cho sứ giả đi tìm trong thiên hạ để cầu được người tài. Như thế giặc phương Bắc chắc chắn có thể bình được.

Vua bèn sai sứ đến khu Hàn Lâm, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng gấp triệu hai vị Thiên tử về triều, dẫn quân chống giặc phương Bắc. Một mặt sứ giả đi chiêu mộ các nơi trong thiên hạ. Sứ giả vâng mệnh đi tìm mộ người tài. Một hôm đi đến làng Phù Đổng, quận Vũ Ninh, đạo Kinh Bắc. Trước đó, làng Phù Đổng có một nhà giàu sinh được một người con trai tên là Thiết Xung Thần vương. Tuổi đã lên 3 mà chỉ biết nằm ngửa, ăn uống mà lớn, nhưng không biết cười nói. Đến khi nghe lời kêu gọi của sứ giả bỗng nhiên ngồi thẳng dậy, mở miệng nói với mẹ rằng:
–    Mẹ hãy gọi sứ giả đến đây.

Thần vương nói với sứ giả:
–    Nhà ngươi mau về báo với Vua cho làm một con ngựa sắt, một chiếc nón sắt, một cây roi sắt. Giặc Bắc Vua sẽ không phải lo lắng gì nữa.

Sứ giả nghe lời vội về triều, tâu với Vua. Vua nghe vậy rất mừng, bèn gấp truyền lệnh cho thợ thu thập sắt đúc thành ngựa sắt cao mười thước, nón sắt rộng một ôm tay, roi sắt dài một trượng, chở tới cho Thần vương. Thần vương hét to lên mấy chục tiếng, tự nhiên thân vươn cao 18 thước, làm một bữa no say xong Thần vương nhảy thẳng lên ngựa, dõng dạc nói:
–    Ta đến đây!

Ngựa chạy như bay đến thẳng chân núi Trâu, quận Vũ Ninh. Thần vương lấy cờ chỉ vào. Thạch Linh Thần tướng tự nhiên ngã lăn ra mà chết. Còn lại các dư đảng chưa kịp diệt mà roi sắt đã bị rơi mất. Thần vương bèn túm bụi tre non cùng với hai vị Thiên tử đánh một trận lớn. Giặc Bắc đều đại bại mà chạy và chết vô số. Từ đó, giặc phương Bắc không dám đến xâm lấn.

Hai vị Thiên tử cùng với Thần vương cưỡi ngựa thẳng đến núi Ninh Sóc. Thần vương bay lên trời mà đi. Hai vị Thiên tử cũng theo đó mà hóa (khi đó là ngày 15 tháng 12). Sau khi hai vị Thiên tử cùng với Thần vương đã hóa, vua Huy Vương nhớ tới công lao lớn với đất nước bèn phong tặng cho Thần vương là Phù Đổng Thiên Vương, cho trăm mẫu ruộng để làm ruộng thờ phụng. Cho làng Phù Đổng lập miếu thờ cúng. Lại cho khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc được miễn các quân dịch, tô thuế để phụng thờ hai vị Thiên tử, các kỳ xuân thu đều có quốc tế, bốn mùa hương đèn, vạn đời không dứt.

Một vị Minh Gia Thiên Tử
Một vị Minh Tông Thiên Tử
Chuẩn cho khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc thờ phụng.

Lại nói từ đó về sau tới Đinh, Lý, Trần, Lê đều có giúp nước cứu dân, vốn xưa có nhiều đế vương phong tặng mỹ tự để vạn năm hưởng lộc, cùng với trời đất mãi còn. Mãi vậy! Tốt thay!

Phụng thờ mở các tiệc sinh, hóa cùng với các chữ húy nhất thiết cấm là hai chữ Gia, Tông, cùng với các sắc phục hai màu hồng và tía.
Ngày sinh thần là mồng 10 tháng 11, lễ dùng trên cỗ chay, dưới cỗ thịt trâu, rượu, ca hát 3 ngày.
Ngày hóa thần là ngày 15 tháng 12, lễ dùng lợn đen tuyền, xôi, bánh, cơm.
Ngày hội khánh hạ mồng 10 tháng 2, lễ dùng lợn, gà, xôi, rượu, ca hát 3 ngày.
Ngày hội khánh hạ mồng 10 tháng 8, lễ dùng cỗ thịt trâu, ca hát 3 ngày.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất, tháng đầu thu, ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần là Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Hữu thứ 8, tháng cuối thu, ngày tốt, Quản giám bách thần, Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền lại tuân theo bản chính của tiền triều phụng sao.