Ngọc phả triều Lý (Thần tích Phù Lập, thôn Trung, tổng Thụ Phúc, Tiên Du, Bắc Ninh)

Quản giám tri điện bộ Lễ triều Lê vâng sao ngọc phả cổ truyền

Hoàng đế Bệ hạ khâm phụng sắc văn thần hiệu:

Sắc phong Đại đô Thành hoàng Đại vương Lý Nam Đế Đê Vũ Linh ứng Đại vương tôn Thượng thượng đẳng Phúc thần.

Sắc phong Nhàn uyển Phong tư Trinh thục Quý Minh Công chúa.

Sắc văn:

Hùng chấn uy linh, tôn nghiêm chính thuận,

Anh dục sơn xuyên, tú chung hà hải,

Cao phối thiên, hậu phối địa,

Hách quyết linh, trạc quyết thanh.

Phổ thông linh tế, cao minh bác học,

Hiển đức lượng công, quảng duyên lưu khánh.

Phổ hoá thí nhân, khuông quốc khang dân.

Tặng Thượng thượng đẳng Phúc thần. Cho phép phường Hạ, trang Thụ Triền, huyện Tiên Du, quận Từ Sơn, đạo Bắc Ninh phụ lão phụng lĩnh hai đạo sắc văn mang về phụng thờ. Cơ thần tương trợ, bảo vệ lê dân. Vâng thay!

Xưa có người quê ở Thái Bình. Đất này bằng phẳng, sông nước đẹp đẽ. Rạng rỡ ngàn năm trong tín sử. Vạn đời rờ rỡ linh thiêng, quy mô to lớn rành rẽ, công nhiều nghiệp lớn. Vận nước lâu bền. Kế lớn tốt lành vậy!

Từ cháu ba đời của Lý Cầm sinh ra Lý Quế Hòe, vợ là Võ Thị Hương. Vợ chồng tích thiện hành nhân, ngày đêm hương khói thờ Thượng đế. Một nhà phong lưu, ba sinh hưởng lửa đủ đầy, dư giả vậy. Vào năm Quý Hợi tháng 2 ngày mùng 8 bà họ Võ nằm mộng thấy ánh sáng đầy nhà. Chốc lát có một con rắn hoa trắng cuốn khúc trườn tới, bỗng hóa thành một đóa hoa sen. Bà họ Võ cầm lấy thì tỉnh giấc, bèn kể lại cho ông Lý Quế Hòa. Từ đó uyên ương chung gối mà có mang. Mang thai được một năm, đến ngày mùng 9 tháng 2 năm Giáp Tý điềm lành ứng hiện, hương thơm khí bay đầy nhà, trong trướng rực rỡ. Bà họ Võ sinh được một bầu. Từ sáng sớm mây trời mù mịt, đến giờ Ngọ thì sinh ra, mưa trời ngừng tạnh quang đãng. Bèn đặt tên con là Vũ.

Khi sinh ra diện mạo phi thường, hình dung quý phái. Đến khi lên 5 thiên tư thông minh khác lạ, phẩm chất hơn người. Hàng ngày thường ở yên một nơi tự học xem sách, không đợi người giúp dạy. Lại giỏi đánh đàn, tinh thông âm luật. Đến khi 15 tuổi đi thi đậu Hiếu liêm, được cử làm quan cho nhà Lương là quan lệnh Long Xuyên (đổi tên là Lý Bôn Long), rồi được đề bạt chức Hiệu úy. Gặp lúc nhà Lương có loạn, bèn từ quan về rồi khởi binh đuổi các thủ lệnh, phá giặc Lâm Ấp bên ngoài. Liền xưng Đế, lập nước hiệu Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, đóng đô ở Long Biên.

Ba năm sau, nhà Lương dẹp được loạn. Nhà Lương sai Tư mã Trần Bá Tiên đến xâm chiếm. Đế dẫn quân chống cự, thua ở Tô Lịch, sau lại thua ở Gia Ninh. Đế cùng với các tướng trong họ tộc dẫn quân vào Tân Xương, ở Liêu Trung, thu dưỡng quân binh, sửa sang khí giới giáo giáp. Tháng 8 lại dẫn quân ra đóng đồn ở hồ Điền Triệt, làm nhiều chiến thuyền lớn đóng chật mặt hồ. Quân Lương sợ hãi.

Một đêm nước sông chảy mạnh vào trong hồ. Quân Lương theo đó đánh trống reo hò mà vào. Đế cùng với các tướng cùng họ tộc rút lui về giữ trong động Khuất Liêu, giao lại quyền cho tướng Triệu Quang Phục chống cự với quân Lương của Bá Tiên. Đế ngày mùng 5 tháng 5, bỗng thấy một áng mây xanh, ba tiếng hiệu lệnh vang trên trời. Trong thành đất trời chuyển động, núi sông, cây cỏ vạn vật đều khiếp sợ. Mây lành năm sắc rực rỡ. Ba ngàn thế giới, vạn vật trăm thú kình nghê, cá rắn theo mưa gió đến hội chầu. Vương thấy nước nhà có điềm lạ, bèn chiếu lệnh cho quan văn võ áo mũ chỉnh tề, chay tịnh, đều tề tựu ở điện Kính Thiên vâng chờ lệnh, chầu bái Hoàng Đế, Thượng Đế, Tứ phủ vạn linh.

Hôm đó là ngày Giáp Thìn, một đám mây vàng bay từ phía Tây tới, dừng lại ở đầm rồng của điện Kính Thiên. Tự nhiên có 4 tướng hiện ra, cao hơn nửa trượng, đầu đội mũ hoa, thân mang áo hoàng bào gấm vóc, hông đeo đai ngọc, chân đi giày sắt, miệng cười hào quang tỏa lửa, mây bay ngập mắt, tay cầm một lệnh bài: Ngọc Hoàng Thượng đế sắc hạ xuống Nam Miên. Vương về triều sẽ tự nhiên mà bay lên.

Đến ngày 15 tháng 10 Lý Nam Đế bỗng nhiên thân thể mệt mỏi, dưah vào lan can, mơ màng mà hóa đi. Tên thờ là Đê Vũ Đại vương.

Lại nói, Công chúa Quý Minh là người làng Bồng Lai, có cha là Võ Bá Khánh, lấy vợ là Nguyễn Thị Dung. Đến ngày 15 tháng 3 sinh được một người con gái, nhan sắc tươi đẹp, hình tuy là nữ nhưng lại tương tự như nam. Ai cũng nói là có mặt đẹp như hoa đào, sắc xinh như ánh nước, thực là dung nhan chim sa cá lặn, lại có tướng mạo hoa nhường trăng thẹn, mày loan như trăng mới mọc, mắt trong như sóng thu, rang soi trắng trẻo mềm mại như hoa đang nở, ngọc sinh hương. Nên đặt tên là Minh. Hình dáng đều xem toàn mỹ vậy.

Đến năm lên 18 tuổi đi chơi ở Long Biên. Lý Nam Đế lúc đó đi chơi trong thành, gặp Quý Minh ở thành Long Biên, lấy làm thích thú, bèn đón về đô thành, làm sính lễ lớn mang đến ông Võ Bá Khánh. Mở tiệc trong quân cho tướng sĩ vui vẻ. Tự lập làm Đệ tam cung Công chúa. Sau khi về giữ ở động Khuất Liêu, đến tháng 5 Đệ tam cung Công chúa bị bệnh. Đến ngày 12 tháng 8 thì hóa.

Đế rất đau xót, bèn sai đem hài cốt chôn cất ở vùng đất trong động. Đến khi Hậu Lý Nam Đế truy tặng tổ tiên, đề cao công đức, tu lập đền miếu, phong thêm cho bách thần đã hóa của triều trước,  lệnh bộ Lễ viết sắc phong thần, ban cho tiền để dựng miếu, giao cho bộ Lễ mang sắc phong tới 372 đền truy tặng:

– Lý Nam Đế là Đê Vũ Linh ứng Đại vương Thượng thượng đẳng Phúc thần.

 Nhàn uyển Phong tư Trinh thục Quý Minh Công chúa.

Bộ Lễ vâng mang sắc phong qua phường Hạ, trang Thụ Triền thuộc đạo Bắc Ninh. Phụ lão tới hầu vâng lĩnh hai đạo sắc văn mang về phụng thờ. Phụ lão trang Thụ Triền tề tựu đón thỉnh thầy phong thủy có tiếng, tìm xem thiên văn địa lý, gặp thấy được ở ngay trong trang có một nơi có thế cục quý, dựa Càn Tốn, hướng kiêm Mão Dậu, lại còn trước có ấn đường làm án, nước chảy chầu phía trước, núi ngang hình chữ nhất, sau có rồng cuốn ôm gối, hai dòng nước hợp như cổ áo, là đất phát nhiều con trai mạnh khỏe, văn nhân tuấn tú. Bèn giao phường Hạ phụng thờ, muôn năm càng thêm tăng ngưỡng, trải các đời càng thêm kính thờ, ghi cúng ghi thờ để cho sống lâu, mạnh khỏe, phù trì cho phường Hạ được hưng vượng vậy.

Phả chép về một vị Đại vương thời Triệu Vũ Đế (Thần tích làng Ninh Sơn, tổng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông)

Phả chép về một vị Đại vương thời Triệu Vũ Đế

Chi Cấn, bộ Trung đẳng.

Đất Việt xưa trời Nam khởi vận, núi sông chia cương vực theo sao Dực Chẩn, xe sách cuốn nối, các vùng đất An Nam đẹp tựa đuôi chim, phân cách thẳng hướng sao Đẩu Ngưu. Nam tới Minh đô Giao Chỉ, xếp vào hàng thư lễ. Sách Ngũ đế đức thời vua Nghiêu chép rằng Việt Thường Thị dâng một con rùa thần ngàn tuổi, lưng có chữ khoa đẩu, ghi lại từ khi khai mở đến nay. Vua Nghiêu sai chép làm lịch rùa. Sách Thượng thư Đại truyện chép thời Chu Thành Vương Việt Thường Thị vào cống chim trĩ trắng, một con trĩ đen, một cặp ngà voi. Quốc thống đến nay bền lâu vậy. Tuy vậy đến nay kể cũng đã xa xôi, Ngoại kỷ, Bản kỷ, Tiền biên, Hậu tục cho tới gần thời bây giờ mà tính đã vài ngàn năm. Quốc thống có lúc chia lúc hợp, chính trị có lúc được lúc mất. Phong tục thuần hậu hay ngang ngạnh khó mà luận được.

Lúc quốc sơ họ là Hồng Bàng, ban đầu nhận mệnh vua là Kinh Dương, là hậu duệ họ Thần Nông. Ban sơ Đế Minh phong vua là Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy tiên nữ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân, kế nối quốc thống Kinh Dương, có điềm sinh trăm trai, thực là thủy tổ của Bách Việt. Như khi khởi đầu của trời đất nếu đã có người nuốt trứng dẫm vết mà sinh ra Thương Chu, tất có thuyết sinh trăm trứng. Trưởng tử của Lạc Long lấy tên là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, dựng nước Văn Lang, bèn chia thành 15 bộ để thống trị, định ra tên quan để nhận chức, thường xăm hình lên thân mình để tránh các loài thủy tộc, dịch tiếng nhiều lần để thông hiếu với Trung châu. Truyền rằng bách thần sông núi thường có thể xuất thế, khó biết rõ ở nơi nào. Như thế mà truyền 18 đời, trải 2600 năm, tất phong tục trở nên đôn hậu, cũng có thể nghĩ đến vậy.

Sau này vua ỷ mình có sức thần mà không tu sửa việc võ nên mất. Lại truyền tới Thục An Dương Vương thắng được Văn Lang, do không tu đức để yên dân chúng, khinh suất tin vào con rể nên cuối cùng đã bại. An Dương có trí dũng nên Triệu Vũ không địch lại nổi. Tuy nhiên, Thục vì một nữ nhân mà có uy chiếm Văn Lang, lại cũng vì một nữ nhân mà bị họ Triệu thôn tính. Truyền rằng Vua bắt đầu thế nào thì kết thúc cũng như vậy, là lẽ đó vậy. Thục đế vong.

Trải tới thời đầu Tây Hán, ở trang Thụy Hương, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây người trong trang có một nhà họ Lý tên Phụng, lấy vợ là Đào Thị Thanh. Gia cảnh túng quẫn, nhưng tấm lòng vẫn đều có đức dày. Khi ấy vợ chồng cùng đến phủ Ninh Sơn ở trang Ninh Sơn ở lại đó, lấy việc kiếm củi làm nghề sinh nhai hàng ngày, dần dân trở nên giàu có. Tuổi đã gần 50 mà còn chưa có con trai. Một hôm nghe nói ở Ninh Sơn có một ngôi đền rất thiêng, thường có báo ứng, vợ chồng ông bèn sắm sửa lễ nghi vào trong đền làm lễ cầu khấn. Đêm đó Thái bà nằm mộng bỗng thấy có một người cao lớn đường đường, thân khoác áo hồng, đứng trước án mà nói:

– Gia đình khanh có đức dày. Trời đã định cho ta đầu nhập làm con, xuất thế giúp nước. Ngày sau sẽ được nhờ, xin chớ lo lắng.

Nói xong liền biến mất. Bỗng thấy một ánh sao hào quang rơi thẳng xuống miệng, bèn nuốt lấy. Bà sợ hãi tỉnh dậy, kể lại cho ông nghe. Ông nói rằng đó tất là điềm lành. Đến sáng ngày vợ chồng ông làm lễ tạ. Từ đò trở về cố hương ở Từ Liêm ở. Lại thấy bà Đào Thị có mang thai. 

Đến năm Giáp Tý tháng Giêng ngày mùng 9 sinh hạ được một người con trai, thiên tư cao lớn, thể mạo khôi kỳ, cao tới 2 trượng. Ông biết đó là thiên tướng giáng sinh, thần linh xuất thế bèn đặt tên là Trọng. Khi ông lên 7 tuổi học lực tinh thông, đọc hiểu binh thư, tài về võ lược. Mỗi khi ra nơi can trường thì có cái dũng vạn người không đương. Đến khi tuổi 20 cha mẹ đều mất. Sau 3 năm chịu tang ông bèn vào Tần làm quan, làm đến chức Tư lệ Hiệu úy, dẫn quân đánh giặc Hung Nô ở Lâm Thao. Quân Hung Nô thua to bỏ chạy. 

Đến khi Triệu Vũ Đế họ Triệu tên Đà, người Hán đất Chân Định, khi Tần loạn chiếm cứ Lĩnh Biểu, mưu lấy Âu Lạc. Xe mui vàng, cờ cắm trái tự xưng đế một phương, cũng là bậc có khí lược anh hùng. Thế rồi Triệu Đà gọi ông Lý Trọng cho tướng cầm quân phương Nam, dẫn quân đánh Thục. Ông Trọng nhận mệnh. Tức thì ông Trọng đem quân thủy bộ năm nghìn quân tiến đến huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn tây (Ninh Sơn sau đổi thành An Sơn), đóng quân tập trung ở trang Ninh Sơn. Ông đến bái yết đền thần, cho gọi phụ lão trang Ninh Sơn đến nói: 

– Cha mẹ ta vốn ngày trước nghèo nàn, đến ở trang này, lấy nghề hái củi sinh sống. Cho nên ta chính là thần của bản trang giáng sinh xuất thế. Vì vậy ta đến đóng ở đây để xem tình trạng thế nào, không phải là quân lạ xâm phạm, xin đừng sợ.

Khi đó phụ lão nghe vậy rất vui mừng, đều làm lễ bái hạ, xin làm gia thần. Ngay hôm đó ông bèn truyền binh sĩ cùng nhân dân lập nên một đồn để sau này chống quân Thục. Rồi ông tìm người trong trang khỏe mạnh, được 50 người làm gia thần thủ túc. Ngày hôm sau thấy có sứ giả mang thư lệnh đến, gọi ông dẫn quân đánh đạo Bắc của giặc Thục. Ông bèn hôm đó giết mổ làm cỗ trâu, tế cáo trời đất sông núi bách thần, rồi cất quân tiến đến đạo Kinh Bắc, thành Cổ Loa, hội bàn kế tấn công. Ngày hôm đó cùng quân Thục đánh một trận lớn. Quân Thục thua to, chém được chính tướng cùng với các tì tướng và quân sĩ vài ngàn đầu. Giặc thua chạy không biết đi đâu. Từ đó họ Triệu là Đế, thần dân được yên bình. Lập nước quy mô. Ông mới than rằng:

– Sinh mệnh của hàng vạn người đều dựa vào đây, mà ta sở dĩ phá giặc Thục là do trời đã giúp ta vậy.

Ông bèn nói với gia thần trang Ninh Sơn rằng:

– Sau này ta trăm tuổi để cho việc thờ tế có 10 nén vàng, ngày sau hãy mua thêm đất đai cho việc thờ cúng.

Khi ấy đang trời mùa xuân vào ngày đầu thượng tuần tháng Hai thấy có sứ giả của Triệu đem thư tới, trong đó nói rằng khi giặc Thục đã thua chạy, hôm đó đã dâng tấu lên Triệu Vương, vua ban chiếu gọi ông về phụng mệnh. Vua mở tiệc mừng lớn, gia phong tướng sĩ các cấp, bèn cho ông nhận thực ấp ở huyện Ninh Sơn. 

Ông bái tạ, phản hồi về nơi ở tại Ninh Sơn (sau thuộc phủ Ứng Thiên thành Thăng Long). Ngay hôm đó ông truyền cho phụ lão và nhân dân trong trang tu sửa đền miếu, làm cho nghiêm trang. Ông bày tiệc mời phụ lão nhân dân Ninh Sơn đến. Đang lúc yến tiệc bỗng thấy trời đất nổi lên một đám mây vàng lớn, hình như dải lụa đỏ từ trên trời rơi thẳng xuống trước miếu. Lại thấy ông theo mây mà đi, tức hóa vậy. Khi đó là ngày mùng 10 tháng 8 giờ Ngọ. Nhân dân kinh sợ bèn làm lễ dâng biểu tấu lên triều đình. Vua sai quay về làm lễ tế, lại cho trang Ninh Sơn làm nơi hộ nhi để phụng thờ.

Đến khi Cao Biền đánh Nam Chiếu có hiển linh phù trợ. Biền cho tu sửa miếu đền để thờ. Từ đó trở thành thường lệ.

Đến thời Tống niên hiệu Thái Bình sai Hầu Nhân Bảo dẫn 20 vạn quân, thủy bộ cùng tiến, chia đạo xâm chiếm nước Nam. Khi ấy Lê Đại Hành tự dẫn đại quân mười vạn chống cự, tiến đến huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên thì gặp đạo quân thủy tiến đến. Đế bèn đóng quân ở bên bến sông. Đêm đó cần khấn ở đền thần để thần âm phù dẹp giặc Hầu, sẽ phong thêm là Trung đẳng phúc thần. Rồi vua xuất chiến, quân Nguyên quả nhiên thua, tướng Nhân Bảo cùng quân tùy tùng đều giết ngay. Lại bắt được đại tướng Biện Phụng Huân, dẫn về kinh, khải hoàn. Sau đó khi đãi tướng sĩ nhân đó nói rằng:

–  Giặc Nguyên dẹp sạch cũng có thần trợ giúp vậy.

Bèn phong thêm cho bách thần. Phong Lý Trọng Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương võ Bảo cảnh Hiển ứng Anh linh Hùng kiệt Đại vương. Màu áo hồng đỏ khi làm lễ đều cấm.

Lại nói, từ đó về sau có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự. Thời Trần Thái Tông giặc Nguyên đến xâm phạm, kinh thành bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu đảo bách thần ở các đền. Qua một đêm Đại vương đã có hiển ứng, âm phù. Đến khi dẹp được giặc Mã Nhi, Thái Tông bèn bao phong mỹ tự là Linh ứng Anh triết Hiển hữu.

Đến khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh Liễu Thăng, rồi có được thiên hạ, Thái Tổ bèn phong thêm là Phổ tế Anh linh. Sắc chỉ ban cho trang Ninh Sơn tu sửa đền miếu để thờ phing. Tốt thay! Lành thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ và các húy tự nhất thiết cấm là Phụng, Thanh, Trọng. Đồng ý cho trang Ninh Sơn phụng thờ.

Ngày sinh thần là mùng 9 tháng Giêng. Lễ chính dùng trên là cỗ chay, dưới là cỗ trâu, xôi, rượu, bánh dày, ca hát, đấu vật các trò, ba ngày thì ngừng.

Ngày hóa là mùng 10 tháng 8. Lễ chính dùng trên là cỗ chay, dưới là trâu đen, xôi, rượu, bánh dày.

Niên hiệu Thành Thái năm thứ 10 tháng 3 nhuận ngày 19 xã Ninh Sơn vâng sao chính bản từ chính thể có niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất của Hàn lâm bộ Lễ Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính đã vâng soạn, niên hiệu Vĩnh Hữu thứ 6 Quản giám Bách linh Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền chính bản cũ.

Xã Ninh Sơn vâng sao chính bản sự tích.

Lý trưởng Nguyễn Huy.

Ngọc phả ghi chép Tiền Lý Nam Đế và Linh Nhân Hoàng Thái Hậu

Thần tích xã Hữu Lộc, tổng Cự Lâm, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình, dịch từ bản chép tay năm Tự Đức thứ 13 hiện lưu lại miếu Hữu Lộc, có đối chiếu với bản thần tích số hiệu AE.a5/61 của Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Chi Càn, bộ Thượng đẳng. Bản chính bộ Lễ quốc triều.

Xưa đất Việt ta, họ Hùng mở mang cơ nghiệp, các bậc thánh tổ dựng cơ đồ, truyền nối 18 đời, thịnh trị được hơn 2000 năm. Cha truyền con nối đều xưng là Hùng Vương. Ngọc lụa, xe sách, núi sông một mối. Đó là tổ của Bách Việt vậy. Truyền đến Tuyền Vương không có người nối dõi, bèn nhường nước cho Thục An Dương Vương. Dương Vương giữ nước được 50 năm thì đến Triệu Đà lấy nước, từ đó nội thuộc nhà Hán. 

Trải qua các triều đại Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, đến khi nhà Lương sai Tiêu Tư sang làm Thái thú đất Việt ta. Tư vốn là người tham tàn bạo ngược, thi hành chính sách hà khắc. Đất Việt ta ai ai cũng chịu cảnh lầm than, không chốn cậy nhờ. Nhưng may thay lòng người u uất, ý trời tất sẽ dẹp yên! 

Bấy giờ có người ở Long Hưng, Thái Bình họ Lý tên Bí, tổ tiên vốn là người phương Bắc. Cuối thời Tây Hán phải khổ sở việc chinh chiến, phu dịch mới lánh sang đất Nam sinh sống,  trở thành người Nam, đến đời ông cũng được 7 đời (Xét tích xưa, cha của ông là Lý Công Chước, mẹ là Trương Thị Hằng. Mẹ ông mộng thấy cưỡi rồng bay lên trời ôm được Thái dương Tinh quân mà hạ xuống thì bỗng nhiên tỉnh giấc, biết là gặp giấc mộng Bồng Từ mà thôi. Thế rồi bà có mang, mà đến khi sinh ông vào ngày 12 tháng 7 giữa mùa thu năm Nhâm Thân. Đương lúc sinh ra, hào quang đầy phòng, khí lành bao phủ xung quanh. Khi ấy mọi người đều hô rằng: Hương thơm là từ hài nhi đó). Ông bẩm sinh minh mẫn chẳng học mà cũng biết. Trên tỏ thiên văn, dưới tường địa lý, tất cả đều tinh thông. Năm ông vừa 16 tuổi, cha mẹ đều lần lượt qua đời. 

Năm 19 tuổi, ông ra làm quan nhà Lương làm chức Thái bộc xạ. Đến khi nhà Lương gặp loạn, ông trở về Thái Bình chiêu hiền nạp sĩ, dấy đại quân khởi nghĩa. Ông xem xét thấy nơi nào đất Việt ta có đất đai trù phú, dân cư trọng yếu vững chắc, ông đều lập đồn doanh để làm nơi phòng ngự. Một hôm ông dẫn quân đi qua khu An Để, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam. Ông thấy địa thế nước chạy uốn quanh co như rồng uốn khúc, bên cạnh có một dòng sông nhỏ chảy vòng quanh, sơn thủy hữu tình. Vả lại nơi đây nhân dân no đủ, phong tục thuần hậu. Đúng là nơi đất để lập đồn doanh. Ông cao hứng ngâm một bài thơ:

Thành thị lâu đài xinh tựa ngọc

Núi sông, hoa cỏ ngát màu xanh

Thừa khí đúc thành, tuy mạch nhỏ

Nơi đây thực chốn dựng cung thành.

Hôm ấy ông lập tức sai quân lính cùng nhân dân xây dựng một đồn doanh ở phía bờ ngạn sông nhỏ bên cạnh khu dân cư, tọa Quý hướng Đinh, phân kim kiêm hướng Bính Tý, Bính Ngọ. Mọi việc hoàn tất, từ đó ông Đông chinh Tây chiến, thường thường qua lại đóng quân ở nơi này.

Lại nói, bấy giờ ở khu Tây Để có người con gái nhà họ Đỗ tên là Khương Nương (Xét tích xưa, cha của Khương Nương là Đỗ Công Cẩn, mẹ là Bùi Thị Hoan, vốn là người khu Tây Để, gia thế lấy nghề y sinh sống. Ông Đỗ đã ngoài 50 tuổi mà chưa có con. Vợ chồng ông đi lễ cầu đảo đến chùa núi Phật Tích, mộng thấy có một người trao cho một chiếc gương vuông, đến khi trở về thấy cảm động trong người mà có thai. Đến kỳ sinh nở vào ngày mùng 10 tháng 11 mùa Đông năm Đinh Sửu, bà sinh hạ được một người con gái, má phấn môi hồng, mắt phượng mày ngài. Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết đặt tên cho con là Khương Nương). 

Năm 16 tuổi tròn, Khương Nương nhan sắc tuyệt trần, cho dù tiên nữ chốn Bồng Doanh hay người đẹp nơi Lãng Uyển cũng chẳng thể vượt qua. Vả lại ngay từ nhỏ nàng đã theo học tinh thông kinh sử. Người đương thời gọi là bậc nữ trung mà còn hơn cả nam giới. Tuy nhiên chốn thiềm cung còn đóng, lá ngọc đương phong, mối lương duyên chưa hẹn cùng ai. 

Bấy giờ Lý công nghe biết nàng tài sắc vẹn toàn bèn nói với Đỗ Công xin được đính ước kết duyên trăm năm cùng với Khương Nương. Đỗ Công mừng lắm liền đồng ý. Thế rồi chọn ngày ngày lành tháng tốt định lễ sánh đôi duyên hòa hợp cùng nhau. Từ đấy ông lập làm Đệ nhất cung phi, cho nàng ở lại khu Tây Để để phụng sự cha mẹ nàng. 

Xong việc, mổ trâu bò khao thưởng quân sĩ. Ông chọn đinh phu trai tráng trong khu Tây Để được 36 người để làm người hầu cận thân tín. Hôm ấy liền đem quân thẳng tiến, trên thuyền thì chiêng trống sấm vang lừng ngàn dặm, trên đường tinh kỳ hai bên như ảnh bóng long xà lay động, tiến thẳng đến thành Tiêu Tư đánh lớn một trận, Tiêu Tư đại bại, bỏ thành tháo chạy. Lý công chiếm giữ được thành ấy nhưng chưa được bao lâu quân Lâm Ấp lại vào cướp bóc. Ông lại sai Đại tướng Phong Tu đại phá quân Lâm Ấp. 

Thiên hạ thái bình, giặc cướp được dẹp yên. Ông lên ngôi Hoàng đế, tự lập là Tiền Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đặt quốc đô là thành Long Biên. Năm ấy, cũng sách phong cho Khương Nương làm Hoàng hậu, lấy khu Tây Để làm nơi nghỉ ngơi cho Hoàng hậu. Dân được ban cho miễn tô thuế, binh phu. Từ đấy trang thôn Tây Để đều được nhận phúc lành, tất thảy đều được vinh hiển giàu có vậy.

Lại nói, từ khi Khương Nương vào triều đã được 4 năm. Một hôm Đỗ công bỗng bị bệnh cảm ngoài rồi Đỗ công mất. Vua cho Hoàng hậu và một viên Đại tướng đưa Hoàng hậu về khu Tây Để làm lễ an táng. Từ khi Đỗ công mất, phu nhân của ông vì đau buồn trước cái chết của chồng mà lâm bệnh nặng, thuốc thang chữa trị mà chẳng thuyên giảm, cầu thần cũng chẳng công hiệu. Phu nhân cũng qua đời, Hoàng hậu bèn làm lễ mai táng, viết biểu tấu với vua xin cho phép ở lại quê nhà chịu tang cha mẹ. Vua chấp thuận và ban cho vô số vàng bạc, lụa là gấm vóc. Từ đấy, Hoàng hậu ở khu Tây Để chuộng làm việc nhân nghĩa, phát chẩn cứu bần. Phàm trong nhân dân từ người già yếu cho đến người cô quả Hoàng hậu đều đem của cải trong nhà ra cứu giúp. Tất thảy nhân dân đều ca ngợi ân đức, đội ơn như trời biển, thân yêu như cha mẹ vậy.

Lại nói, bấy giờ Lý Nam đế ở ngôi đã được 7 năm. Nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên đem quân xâm chiếm nước Nam để rửa mối nhục. Khi đó vua đóng quân ở hồ Triệt. Quân Lương không dám tiến lại gần, đã hơn năm mà chưa phân thắng bại. Bấy giờ vào tháng 6 mùa hè, nước sông dâng lên đổ vào đầy hồ. Bá Tiên thừa cơ chỉnh đốn thuyền bè theo dòng nước mà thẳng tiến vào hồ Triệt. Quân của vua bị thua. Vua bèn trao quyền lại cho Đại tướng Triệu Quang Phục, còn mình lui vào giữ động Khuất Liễu rồi qua đời (bấy giờ là ngày 15 tháng 7). Khi đó trời đất bỗng nhiên tối tăm. Qua 3 ngày thì trời quang mây tạnh. Tại nơi này đã thấy mối đắp thành gò lớn. 

Lúc này Khương Nương Hoàng hậu đang ở khu Tây Để, khóc lóc ầm trời, không ai ngăn nổi, lập tức truyền cho nhân dân xây dựng một đền ở bên bờ sông nơi cung doanh theo phương hướng cũ, viết thần vị của vua là: Tiền Lý Nam Đế Hoàng đế, để phụng thờ.

Công việc xong xuôi Khương Nương bèn ban cho nhân dân 10 hốt vàng để nhân dân mua nhiều ao ruộng làm vốn công. Lúc đó Khương Nương bảo với nhân dân rằng: 

  • Ta với nhân dân đã thành tình nghĩa lâu rồi, chẳng phải một ngày mà nên há lại quên sao? Ví như ta về sau trăm tuổi thì nhân dân viết tên thần vị của ta để phụng thờ với Tiên đế, cùng được phối hưởng. Nhân dân nên tuân theo lệnh của ta không được thay đổi. 

Lúc đó nhân dân đều lạy tạ nhận lệnh. Việc xong Khương Nương và 6 người hầu gái cùng vào động Khuất Liễu thăm viếng lăng mộ của Tiên đế. Trên đường đi mới vào đến trong động, bỗng nhiên thấy trời đất mờ mịt, sấm chớp ầm vang. Trong một khoảnh khắc mây đen tan biến thì Khương Nương đã không còn thấy đâu nữa rồi. Chỉ thấy bên cạnh lăng mộ của Tiên đế lại nổi lên một gò đất (bấy giờ là ngày 16 tháng 2). 

Lúc đó mấy người thị nữ theo Nương đến đấy nhìn thấy sự tình như vậy tất cả đều kinh hãi. Khi trở về nói với nhân dân thì nhân dân đều nói ngày 16 tháng đó, nhân dân đều nhìn thấy có một vầng sáng lớn giống như dải lụa từ phương Nam bay ngang thẳng đến trước miếu rồi biến mất. Đến lúc này, khi nghe tin Hoàng hậu đã hóa thì nhân dân đều lấy làm kinh sợ. Hôm đó nhân dân làm lễ viết tên thần: Khương Nương Hoàng hậu, để phụng thờ cùng một nơi với Lý Nam Đế. 

Lại nói, từ khi Lý Nam Đế đã băng hà, Quang Phục đem quân về giữ đầm Dạ Trạch, lập đàn cầu đảo trời đất. Sau 3 ngày thấy một ông lão cưỡi rồng vàng từ trên trời bay thẳng xuống, tuốt móng rồng trao cho Quang Phục. Quang Phục đem làm lẫy nỏ, gọi là Nỏ thần móng rồng. Phàm có những khi nhanh hay chậm, mọi lúc đem hướng vào thì đều không có ai chống lại được. Vì thế mà bình định được giặc Lương. Quang Phục tự lập làm Triệu Việt Vương. 

Bấy giờ có con của anh trai Tiền Lý Nam Đế (tức là con của Đào Lang Vương) tên là Lý Phật Tử cùng con trai là Nhã Lang khởi binh ý đồ muốn khôi phục nhà Lý. Nhưng vì Triệu Việt Vương có nỏ thần móng rồng, nên khi giao chiến quân của Lý Phật Tử đều thua cả. Một ngày Phật Tử cùng với các tướng sĩ bàn âm mưu cầu hôn con gái của Triệu Việt Vương là Bạo Nương, xin cho Nhã Lang kết duyên vợ chồng. Việt Vương đồng ý, quần thần đều can ngăn nhưng vua không nghe. Thế là Lý Phật Tử sai con trai Nhã Lang nhập vào hàng quân để làm con tin. Từ đấy, Triệu Việt Vương rất tin yêu Nhã Lang. Trải qua thời gian 1 năm, một ngày Nhã Lang cùng Bạo Nương ngồi uống trà. Nhân đó Lang mới hỏi Cảo Nương rằng: 

  • Xưa kia 2 nước cùng là kẻ thù giao chiến không ngừng. Nay đã nên duyên Tần – Tấn thì việc chiến tranh cũng có thể đã dứt rồi. Nhưng xưa kia Hoàng phụ có thuật lạ gì mà khiến cho phụ thân ta nhiều lần thua bại? 

Bạo Nương chẳng để ý đem nỏ thần móng rồng cho Nhã Lang xem. Nhã Lang trộm nhìn biết được như vậy. Một ngày khác hoán đổi lẫy nỏ, lấy trộm móng rồng cất giấu một nơi. Xong việc Nhã Lang xin vua cho về thăm cha. Vua cho về. Nhã Lang vội vàng phi ngựa chạy về đem tâu với cha mình. Lý Phật Tử biết vậy đem quân tới đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương đã mất nỏ thần, đành bỏ thành mà chạy thẳng đến của biển Đại Áp mà mất. Tàn quân còn lại đều được dẹp yên. 

Phật Tử lên ngôi tự lập làm Hậu Lý Nam Đế. Ông bèn luận công ban thưởng các cấp bậc. Thế rồi tặng phong sắc chỉ, mỹ tự cho bách thần. Bèn tôn phong cho Tiền Lý Nam đế sắc chỉ là Thượng đẳng Tôn thần, lại tôn phong cho Khương Nương làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Truyền cho các địa phương sở tại, trang khu có đồn doanh được thiết lập của Lý Nam Đế trước đây, nhanh chóng trở về kinh thành nghênh đón sắc phong mang về nhân dân để phụng thờ. Bấy giờ khu Tây Để nghe được chiếu chỉ, các bậc phụ lão tới kinh thành làm lễ rước sắc về, nhân dân sửa sang miếu điện để phụng thờ. Từ đấy về sau, nhân dân, đất nước cầu đảo đều có nhiều linh ứng.

Khi nước Nam trải qua các triều đại có Đinh, Lê, Lý, Trần 4 nhà khai sáng nghiệp lớn, đều thường giúp nước cứu dân. Đến cuối nhà Trần, họ Hồ tranh ngôi, giặc Minh làm loạn. Bấy giờ có người ở động Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu, họ Lê tên Lợi khởi nghĩa Lam Sơn với ba ngàn quân mạnh đã tiễu trừ được họ Hồ và dẹp yên giặc Minh. Liền lên ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn, đó là Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên.

Truyền ngôi đến Chiêu Tông thì quyền thần họ Mạc chiếm ngôi. Bấy giờ có Đại thần là Nguyễn Thái úy dẫn quân đánh dẹp. Một ngày quan Thái úy dẫn quân qua nơi miếu khu Tây Để làm lễ cầu đảo, cầu âm phù đánh giặc giúp nước dẹp giặc, nếu sau này đất nước được thanh bình sẽ cùng nhau được hưởng phúc lành. Làm lễ xong đem quân tiễu trừ giặc Mạc. Đến khi thiên hạ thái bình Thái úy cùng Chiêu Tông trở về chính cung, lên ngôi Hoàng đế. Thế rồi ban thưởng công lao ba quân, gia phong tướng sĩ các cấp theo thứ bậc, cho đến việc truy phong bách thần giúp nước. Quan Thái úy dâng biểu tâu ngày trước đã cầu đảo ở nơi miếu khu Tây Để. Vua nghe biết bèn gia phong sắc chỉ, lệnh cho quan Thái úy rước sắc về khu Tây Để làm lễ tế tự. Thái úy phụng mệnh nghênh sắc về khu Tây Để, cho mổ trâu, làm lễ tế tự. Việc xong, truyền cho nhân dân sửa sang cung đền để giữ hương khói ngàn năm, cùng hưởng phúc lành với đất nước kéo dài mãi mãi là lệ thức vậy. Tốt thay!

Tôn phong Tiền Lý Nam đế Hoàng đế Thượng đẳng Tôn thần.

Phong cho Linh Nhân Hoàng Thái hậu triều Lý.

Ban cho khu Tây Để, trang An Để, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam phụng thờ.

Theo các tiết Khánh hạ, ngày hóa, ngày sinh và tên húy tên tự: hai chữ Bí, Khương cùng tên Thánh phụ, Thánh mẫu xem trong tích trên, tất thảy đều phải tránh âm. Đền chính ở động Khuất Liễu.

– Ngày 12 tháng 7, ngày sinh của Hoàng đế. Lễ dùng trâu bò, ca hát.

– Ngày 15 tháng 7, ngày hóa của Hoàng đế. Lễ dùng lợn đen, xôi, rượu.

– Ngày mùng 10 tháng 11, ngày sinh của Hoàng hậu. Lễ dùng tế trên mâm chay oản, quả, mâm dưới dùng lợn đen, xôi, rượu.

– Ngày 16 tháng 2, ngày hóa của Hoàng hậu. Lễ dùng y như lệ trước trong ngày sinh của thần.

– Ngày Khánh hạ mùng 2 tháng Giêng, ngày mùng 2 tháng 12. Làm lễ tùy theo.

Phàm trong thiên hạ các trang, khu phụng thờ Lý Nam Đế tổng cộng có 87 nơi, mà khu Tây Để là thứ 28 trong đó.

Ngày tốt tháng đầu thu năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính phụng mệnh soạn.

Ngày tốt tháng giữa mùa hè năm Hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền lại tuân theo bản chính triều cũ phụng mệnh sao chép.

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 13 (1860) ngày tốt tháng cuối mùa ?, dân gốc của xã lại tuân theo đúng như bản chính mà vâng chép.

Triệu Việt Vương

Tôi viết bài thơ Triệu Việt Vương

Chống Tần Chân Định kiến cơ xương

Núi Châu mây hiển che quân chủ

Sông Nhị rồng lên hiệu bốn phương

Dạ Trạch hùng uy tan giặc dữ

Phiên Ngung hoàng ốc tiết mao dương

Tiên đồng thoát trảo về nơi biển

Nam Việt vạn xuân mãi ngát hương.

Hai vị Lý Nam Đế trong sử Việt

Trên cơ sở phân tích các di tích và sự tích về Lý Nam Đế, có thể nhận thấy có 2 nhân vật lịch sử Lý Nam Đế có nguồn gốc và thời gian tách biệt, cụ thể là:

1. LÝ BÔN LONG, người Long Hưng Thái Bình, làm quan lệnh Long Xuyên, lấy vợ ở Vũ Thư, đánh Long Biên – Bắc Ninh, xưng đế nước Vạn Xuân, chặn giặc ở Hợp Phố, khi dời đi đã giao quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Tức đây là Triệu Vũ Đế khởi nghĩa kháng Tần chống Sở thời trước Công nguyên.

2. LÝ XÁ LỢI, người châu Dã Năng, đi tu trong chùa từ nhỏ, khởi nghĩa ở vùng Sơn Tây, đánh chiếm vùng Đông Anh – Hà Nội, mở 

nước Lâm Ấp, chặn giặc ở cửa sông Tô Lịch, sau giao quyền lại cho Hữu tướng Phạm Tu. Tức đây là Triệu Quốc Đạt – Khu Liên chống giặc Đông Hán.

Thần tích làng Cổ Trai, tổng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình

Triều Tiền Lý đánh giặc Lương Lý Nam Hoàng Đế cùng Hậu Lý Linh Lang Đại vương

Quan Thượng thư Bộ Lễ thiên triều vâng soạn 

Ghi chép ngọc phả cổ. Chi Càn.
Nước Nam Việt xưa Sơn Nguyên Thánh Tổ trời Nam nhận cơ đồ, cổ gọi là Việt Thường Thị, Kinh Dương Vương thừa mệnh vua cha đến trị trậm Nam Bang, đất thắng châu Lạc xây dựng kinh đô, hình mạnh Nghĩa Lĩnh trùng tu cung cư miếu điện. Đời đời cha truyền con nối hơn hai ngàn năm đều lấy Hùng Vương làm tôn hiệu.
Lại nói, thời trị 18 triều Hùng truyền đến Duệ Vương. Vương thọ 160 năm, không có người kế hậu, bèn nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Vương có nước được 50 năm, thì có người Chân Nam Định họ Triệu tên Đà cất quân đến đánh, nên nhà Thục mất. Triệu Đà đươc nước, cha truyền con theo đều xưng gọi là bậc chủ anh hùng.
Từ đó đất Việt ta thuộc về nhà Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, tổng cộng 349 năm. Thời vua Lương lấy Tiêu Tư làm thái thú đất Việt. Tiêu Tư là người nặng hình pháp, chính trị ngược ngạo, hại dân. Nhân dân đất Việt thật là chưa có lúc nào khổ như lúc này.
Lại nói, thời ấy tương truyền rằng có người động Thái Bình quận Long Biên họ Lý tên Tấn. Ông là người xử thế văn thơ, khoan hòa hiếu đễ, kế đời theo nghiệp văn thơ, công đức rộng, tài kiêm văn võ, anh hùng vô địch. Ông lấy bà Đào Thị Lan làm vợ, mộng thấy có rồng vàng đến quấn quanh thân mà có mang. Mang thai được 12 tháng 15 ngày đến năm Kỷ Sửu ngày 12 tháng Giêng giờ Thân bỗng thấy mây lành rạng rỡ, khí lành bay khắp nơi, hương thơm ngào ngạt. Thái bà họ Đào sinh được một người con trai, vẻ rồng mắt phượng, 5 gò chầu về, tay dài quá gối, sau lưng có 28 vì tinh tú. Trên bụng có lời viết rằng: Lý Bí Lý Nam Hoàng Đế.
Đến khi lên 5 tuổi đã hiểu âm luật, nên bèn đặt tên là ông Lý Bí. Đến 7 tuổi người cha bèn cho vào học với Trần Giản tiên sinh. Học được 18 năm thì quán triệt văn chương, trên từ thiên văn, dưới đến địa lý, không việc gì không biết, không vật gì không hiểu. Có thể sánh cùng cung tường Khổng Mạnh, thao lược bốn khóa ba truyện không nhường Tôn Ngô.
Khi ông 16 tuổi thì thân dài 8 thước, sức chống vạn người, cao lớn đường đường, thần oai võ lược. Bỗng nhiên nổi chí tang bồng, tỏ tâm với việc cung tên. Ông Bí bèn triệu tập nghĩa binh. Anh hùng bốn biển đều lên tiếng. Ông Bí có kinh luân hơn người, anh tài đức độ, tự có khí tượng của bậc đế vương.
Khi ấy, những người tài cao, chí lớn ở bốn biển nghe tiếng đều tự đến xin làm con cháu nước nhà. Ông có được hơn ba vạn người. Ông Bí bèn truyền cho 300 danh tướng làm cỗ thái lao, lập đàn cầu đảo trời đất bách thần. Ông bèn khấn rằng:
–    Thần là người Nam sao có thể điềm nhiên khi nay có người nước lạ xưng là tướng Lương, tên là Tiêu Tư, tàn ác nhân đân, giết hại vật. Sinh dân than oán cảnh chính trị bạo ngược, bất nhân. Nay thần cùng với quân binh dẹp giặc. Nguyện xin được đại đức của trời đất âm phù cho vậy.
Khấn xong ông bèn xưng là Tiền Lý Nam Đế, cất quân mạnh hơn ba vạn người. Vua bèn truyền các danh tướng nổi danh cương mạnh đi xem địa thế hình cương Nam Bang, tìm đất tốt để thiết lập hành cung, đồn sở. Một hôm vua dẫn quân đến khu Cổ Trai, trang Vĩnh Duyên, tổng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, phủ Tân Hưng, thấy vùng đất có đầu mạch từ trong làng chạy ra, hình đất có thế cục quý, rồng chạy uốn lượn, nước chảy quanh co. Trái phải có rồng hổ chầu về, phong tinh dẫn mạch, nhất nhất quay đầu. Vua bèn truyền binh sĩ và nhân dân thiết lập một nơi hành cung để ở, dựa Quý hướng Đinh. Việc xong vua bèn đem quân mạnh 5 vạn chia thành thủy bộ, cùng tiến đến đất Vạn Xuân, đánh trận lớn. Tổng cộng 12 trận. Quân Lương thua to, bỏ chạy. Vua đuổi theo chém được không kể xiết, đều rơi xuống sông Nhĩ. Nhánh sông nước không chảy được. Còn lại dư đảng đều bắt sống hết, không còn một tên. Vua bèn tự lập là Tiền Lý Nam Đế Hoàng đế.
Từ đó quốc gia vô sự, thiên hạ thanh bình, trong triều không có việc lớn, vạn dân được no đủ, mừng vui. Bốn biển thấy cảnh tượng thái hòa. Khi ấy, vua loan giá đi chơi phong cảnh trời Nam, không nơi nào không đến. Lúc thì đàn reo sáo múa, thi thư đối xướng với đất trời. Nhạc phượng ca loan, âm sắc như chốn Bồng Lai. Cỏ ba lá dẫn lối, bầu ngọc gió trăng, thuyền câu là dấu tiên, soi hình cảnh hội khói sương, xa mây vạn hình là bước chân. Nam là thánh, Bắc là thần, ra vào phong cảnh trời Nam, trở về nửa túi càn khôn.
Một hôm (tức ngày 12 tháng 2 mùa Xuân năm Bính Thìn) vua trở về hành cung nơi cũ (tức là trang Vĩnh Duyên, đất qua phía Bắc sông). Vua ngồi ở hành cung. Bỗng thấy trời đất u ám, giữa ngày mà như đêm. Từ trong thân vua thấy rồng vàng xuất hiện, bay thẳng lên trời. Vua không bệnh mà mất. Nhân dân viết tên húy mỹ tự phụng thờ, muôn năm hương lửa vạn đời không ngừng.