Ngọc phả Tản Viên Sơn Thánh do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn sửa

Ngọc phả ghi về Tản Viên Sơn Thánh,

Bản sửa của Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích in từ cuốn “ĐẠI HÓA THẦN KINH”

ĐẠI HÓA THẦN KINH

Ở phía Tây Bắc của thành Phong Châu có một dãy núi, núi có hình như chiếc lọng, bên trên có một ngôi đền. Đền là nơi ngự của vị thánh đệ nhất Tản Viên Sơn. Xem trong quốc sử rằng từ khi mở nước Hồng Bàng, khai phá phương Nam, có Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh một bầu trăm trứng, thực là tổ của Bách Việt. Nhưng hậu sinh sau ngàn năm muốn cầu tìm lý lẽ cho ngàn năm về trước thì tất sẽ đặt câu hỏi, lịch sử này là hoang truyền, sợ không có chứng cứ xác thực. Thế nhưng, chim huyền điểu sinh ra nhà Thương, cá trắm đỏ khởi nên họ Lý. Việc đế vương sinh ra có sự đặc biệt dị thường xưa cũng đã từng có. Huống hồ nước Nam ta, nối nhau có thần minh, đất đúc nên linh khí, tất sinh ra những tư chất như vậy. Người lạ thì việc tương ứng cũng lạ. Tin hẳn không sai.

Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

– Ta là giống Tiên, nàng là giống Rồng, nước lửa tương khắc, không thể ở chung.

Thế là bèn phân 50 người con theo mẹ về biển, nay chính là Thủy thần Quảng Tế. Còn trong 50 người con theo cha lên núi thì Thánh Tản ta là con trưởng.

Thánh vốn là Thanh Vi Thái Bạch Kim Tinh giáng sinh. Bẩm sinh đã khác lạ, tư chất vượt thường, có tài động trời trùm đất, có thuật dời núi lấp biển, Thật đúng là con của đất trời, vua trưởng của xã tắc. Từ khi lên núi, Thánh phụ ở ngôi, lập đô Phong Châu. Thời ấy mưa thuận gió hòa, dân yên nước thịnh, đào giếng cầy ruộng, tất cả đều theo phép tắc của vua, khắc đề là Giao Chỉ, rạng rỡ nét phong hóa thuần cổ. Được hơn bốn năm Thánh phụ bất chợt quy thiên, mây che Đỉnh Hồ, ôm bảng đen mà nén khóc. Thuyền ra khe lớn, thương thay ngựa lồng khó giữ. Tản Sơn Thánh từ đó đau xót không ngơi, bèn nhường lại nước cho người em thứ ba, chuyên tâm niệm vào việc tu luyện. Lại thêm núi Tản Viên có hình núi đẹp đẽ, vách đứng chọc trời, trên có một con đường có thể tới đường mây. Dưới có con đường có thể thông với địa phủ. Tất cả các núi cao đường xa của nước Nam đều dẫn về chầu quanh nơi này. Tản Thánh ở đó, ngày đêm tu luyện, ngày càng thêm tinh. Được 16 năm bỗng nhiên thần hóa. Thượng Đế sắc phong làm Nam Nhạc thần, nắm quyền Nam Tào Bắc Đẩu, là chủ của vạn thần nước Nam. Tất cả việc nối ngắt các triều đại, hóa sinh của người vật, không có gì là không thuộc quyền xét của Thánh, là đại diện phân xử chính. Đến nay việc ra vào đi đứng, ăn uống trang phục đều như lúc còn sống. Trong các thần bất tử nước Nam thì Tản Thánh ta là đứng đầu.

Thời Hùng Vương có người ở châu Ái là Nguyễn Khang, lớn tuổi mà chưa có con trai, cùng với em đến cầu đảo ở núi Tản Viên. Tản Thánh ta xét tâm thành ấy, hóa làm một đạo sĩ, ban tặng cho nơi đất tốt ở động Lăng Sương, quyết rằng: một huyệt sinh được ba vị thánh. Năm ấy sinh ra Nguyễn Tùng, quả nhiên là tư chất kỳ lạ hơn người, khí chất con nhà thành đạt. Khi Nguyễn Tùng được 15 tuổi thì Tản Thánh lại hiện thành vị tiên Thái Bạch, trao cho gậy thần. Nguyễn Tùng theo phép sau cứu được Thái tử của Long cung, tức là con trưởng của Thủy thần Quảng Tế. Thủy thần cảm công đức ấy mới tặng cho cuốn sách ước, dặn rằng: dựa vào sách này mà cầu được như ý. Nguyễn Tùng từ khi được sách này thì tất cả lân thử nghiệm đều thấy linh ứng. Sau Nguyễn Tùng tham gia giúp việc nước, được 14 năm thì cáo lui, đi ngắm các nơi danh thắng sông núi. Đến khi 77 tuổi thì tạ thế (nay thấy trong ngọc phả xã Thủ Pháp có chép việc này). Các em Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng đều hưởng tuổi thọ, với nước cùng vui, sau hóa có hiển linh, được thờ cùng ở xã Thủ Pháp, tỉnh Sơn Tây. Kỳ thực ba vị thánh này đều là sự hiển hóa của Tản Viên Thánh thay phiên nhau mà xuất hiện (để phân minh rõ việc này nay có thể xem tham khảo với ngọc phả xã Thủ Pháp).

Lại nói, thời loạn 12 sứ quân, chính sự nước Nam không người lo lắng. Tản Thánh phục tấu Đế đình rằng:

– Nước của thần xa ở phương nóng, ánh sáng chiếu rọi, không có ngoại lệ. Xin chọn cho một vị vua chính thống làm chủ nhân dân.

Thượng Đế đồng ý, bèn mệnh sai Đinh Tiên Hoàng giáng sinh, dẹp trừ giặc phương Bắc, sáng lập triều đình. Bậc vua chính thống thực sự bắt đầu từ đó.

Nước Nam trước đây còn chất phác lạc hậu, chưa biết đến sách vở. Tản Sơn Thánh lại tâu lên Đế đình, lại mệnh sai thánh đồng Nhâm Diên giảng dạy về hôn nhân, cày cấy. Sau lại mệnh sai thái thú Tích Quang giảng dạy thơ sách, lễ nghĩa. Phương Nam ta bắt đầu có phong tục tốt đẹp từ đó. Trải thế thứ các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hoàng Nguyễn, đều do Tản Thánh trình tâu lên, tuy giản dị nhưng nguyên tắc là giữ được điều trọng yếu, tìm được nguồn gốc mà ủy thác. 

Tản Thánh ta thực là thủy tổ của nước Nam. Mà Lạc Long Quân cũng là thủy tổ của các tổ vậy. Vạn năm công đức sánh cùng trời đất. Đời đời thờ cúng. Các triều tôn báo, sắc phong là Chiêu tường Tập thiện Đại vương, tới nay có nhiều linh ứng. Song ngọn núi cao tuyệt, thần lại rất thiêng, hiếm có ai lên được đến đỉnh để mà có thể biết rõ. Nay phụng chép các bài thơ của các vị thánh đã đề để dùng làm tham khảo.

Thơ của thiền sư Không Lộ:

Muốn lên núi lạnh cất tiếng vang

Gió tiên thổi tiễn bước thênh thang

Vân Già chùa cổ tìm vết lối

Rêu khóa cửa tầng thoát tục gian

Rèm ngọc ánh hồng tô nét đất

Đá bàn mây tỏ giữa trời quang

Tiểu thần may mắn hầu cung khuyết

Xin gọi cúc hoa hướng nắng tràn.

Thơ của thiền sư Từ Đạo Hạnh:

Bất tử danh truyền, ảo chính chân

Ba sinh tu luyện chứng tiền thân

Sao bay cực tím nghiêng về Bắc

Rêu phủ tường sâu chẳng biết xuân

Mọc tỏa hoa trời hương chẳng dứt

Thư đem chim biếc mộng bao lần

Ở đời thiện ác đều giám quyết

Nghiêm cẩn đêm ngày có thị thần.

Thơ của Phù Đổng Thiên vương:

Giáp Tí bấy lâu bụi khói tung

Lẫm liệt linh thiêng tỏ vô cùng

Huy hoàng hương lửa hai đài vững

Sừng sững càn khôn một sức nâng

Dốc lượn núi xa nên tạc vẽ

Lầu tầng gác nối tạo bình phong

Bầu trời một khoảnh như ngời sáng

Giữa chốn ngày nào gậy sắt vung.

Thơ Thân vương Trần Quốc Tuấn:

Ngoài thành một ngọn núi Châu Phong

Hình dáng chênh vênh, cúi ngưỡng trông

Vạn cổ sách thần nêu tuyệt đỉnh

Nghìn tầng đá quái khóa thâm cung

Bao la sao đẩu lòng vô hạn

Xoay chuyển càn khôn trí tuệ hùng

Một tấc oai trời còn ngóng vọng

Khi xưa thần kiếm chặn gió lồng.

Tiểu thần Nguyễn Bỉnh Khiên bái đề:

Dực Chẩn dải sao trấn đất Nam

Làn mây mờ thẳm vén Tiên am

Phép mầu sấm sét người sao biết

Xét việc dữ lành thần giỏi làm

Mù mịt khói hương nhô bệ đá

Trong trong sương quý rỏ hoa chàm

Tiểu thần may được nương nhờ chốn

Vạn tuế ba lần xin tụng vang.

Những bài thơ đề trên đều sánh như những dãy nhà trái phải bằng đá ngọc tuyệt tác để mà lưu truyền lâu dài.

Tiểu thần Cổ Am Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng mệnh chỉnh lý.

Trang đầu cuốn Ngọc phả Tản Viên Sơn Thánh do Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉnh lý

Con Trâu chở Đạo và Huyền Thiên Lão Tử

Bài đăng báo Lao động số Xuân Tân Sửu 2021

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả bàn rằng: Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng… Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng.

Các thánh nhân thời cổ đại đã chế ra Thiên can và Địa chi dùng để phân định thời gian và nhận biết phương hướng. 12 con giáp không chỉ dùng để chỉ ngày giờ tháng năm, mà còn là để gọi tên cho các khu vực trên mặt đất. Vì thế các con giáp được gọi là các Địa chi. 12 địa chi được sắp xếp theo 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi phương tương ứng với 3 vùng đất (3 địa chi). Như một chiếc gương đồng thời Đường (thế kỷ 7-9) tìm thấy ở Quảng Nam có khắc nổi trên mặt gương hình Tứ linh, Bát quái và Thập nhị địa chi, minh họa rõ cho những mối liên hệ này.

Xem đồ hình trên gương cổ, chi Sửu có hình tượng là con Trâu, nằm cùng hướng quẻ Khảm trong Bát quái và cùng với phương Huyền vũ (hình con Rùa) trong Tứ linh. Đây là phương Bắc, trong Ngũ hành thuộc về hành Thủy (nước), ứng với màu Tím (hoặc Đen).

Gương đồng thời Đường tìm thấy ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Tên gọi chi Sửu có mối liên hệ với từ Nước như sau: Sửu – Sủy – Thủy. Con trâu được người Việt Nam gọi đầy đủ là con trâu nước hay thủy ngưu. Trâu là con vật quen thuộc của nền văn minh lúa nước đã được người xưa dùng làm con vật tiêu biểu cho phương “nước” – hành Thủy, hay hướng Bắc ngày nay. Tính chất căn bản của quẻ Khảm hay hướng Nước đó là sự tòng thuận. Con Trâu là con vật nuôi do người điều khiển mà làm các công việc hàng ngày như cày, kéo, nên người xưa đã dùng hình ảnh con Trâu để tượng trưng cho tính chất thuận tòng của hành Thủy, Bắc phương.

Tòng thuận cũng là tư tưởng then chốt trong học thuyết Đại Đạo do Lão Tử đề xướng từ cách đây trên 2.500 năm. Trong tác phẩm để đời Đạo Đức Kinh của mình, ở chương “Tượng nguyên” Lão Tử đã viết: “Trong cõi có Tứ Đại, mà Người là một. Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Trong tư duy Dịch học cổ đại, Đất tượng trưng cho những gì thuộc về vật chất, về tri thức khoa học kỹ thuật. Trời tượng trưng cho những gì thuộc về tinh thần, về minh triết nhân sinh. Đạo Đức kinh giảng rằng, con người phải biết tuân theo những hiểu biết của khoa học kỹ thuật. Khoa học đến lượt mình lại cần được sự định hướng của minh triết. Chân lý này tuy đơn giản nhưng ngày nay với khoa học công nghệ hiện đại chế ra hàng tấn bom nguyên tử treo lơ lửng thì ta mới hiểu, khoa học mà không có sự định hướng của minh triết sẽ có hậu quả khôn lường.

Minh triết có gốc ở Đạo. Đạo là từ sự tự nhiên, không cưỡng ép. Con người ta có Khôn (trí tuệ, khoa học) nhưng phải có Ngoan (biết tuân thủ, biết hướng Đạo) thì mới được bền lâu. Khi con người làm những điều trái với tự nhiên, mất “đạo đức”, như phá rừng, thiêu đốt nguyên liệu hóa thạch, đã dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng to lớn đến tương lai loài người ngày nay. Đây là những viễn cảnh đã được báo trước trong Đạo Đức kinh.

Tư tưởng tòng thuận, tự nhiên, vô vi là căn cơ trong Đạo Lão. Vì thế mà Lão Tử thường được thể hiện dưới hình ảnh đang cưỡi một con Trâu. Trâu là con vật chở Đạo tòng thuận, sống và hành động thuận theo trời đất, không đi ngược với lẽ tự nhiên.

Ở nước ta sự tích về hành trạng và công nghiệp của Lão Tử được gặp ở nhiều di tích cổ, là những nơi còn lưu dấu chân con Trâu chở Đại Đạo trên vùng đất Bắc Việt. Như bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã được công nhận, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được vang danh từ lâu bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là Lão Đam, Thái Thượng Lão Quân.

Thần tích về Lão Tử ở làng Thổ Hà được khắc trên tấm bia “Cung sao thánh tích” lưu tại đình. Sự tích thánh mở đầu như sau: “Thời Hùng Vương kết thúc, khi An Dương Vương nối ngự trị, có một người từ nước Bắc tới trang Thổ Hà, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, sống ở tại chùa tên là chùa Đoan Minh. Ngài ngày đêm đọc giảng, tự như có sức lực của thần thánh vậy. Ở trong trang có nhiều đệ tử đến theo học. Một hôm, Ngài nói với đệ tử rằng:

– Ta vốn xuất hiện từ chốn Hồng Mông, trời đất sinh ra nên Ta có được bản tính thông minh. Xưa mẹ Ta nói với Ta rằng: Mẹ vốn sinh ra từ sự huyền diệu của lòng từ bi, tên là Mỹ Thổ Hoàng, nằm mộng nuốt một con Trâu trắng là tinh khí của mặt trời mà cảm ứng mang thai. Sau 81 năm vào mùa Xuân năm Canh Thìn, ngày 7 tháng Giêng, bên nách cánh tay chuyển động mà sinh ra Ta. Khi sinh đầu đã bạc, chân có chữ. Ta không có cha. Theo lời mẹ mà lấy Lý làm họ, tên là Lão Đam, tự Lý Bá Dương, danh Thái Thượng.”

Sự tích làng Thổ Hà cho biết vị Thái Thượng ở đây mang tên Lão Đam hay Lý Bá Dương, cầm tinh con Trâu trắng mặt trời. Tinh con Trâu trong sự tích này có ý nghĩa nói tới Đạo tòng thuận của Lão Tử.

Ở làng Thổ Hà, Lão Tử không chỉ giảng đạo mà còn ra sức chữa bệnh cứu giúp nhân dân. “Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi. Trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: Nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử vâng mệnh, đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú. Xong, Ngài lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương. Các nơi đều trở nên yên ổn. Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân. Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang.

Giặc Xích tỵ (Quỷ mũi đỏ) là loại dịch bệnh gây nổi các vết đỏ trên da, dẫn đến tử vong. Có thể đây là bệnh dịch hạch hoặc đậu mùa, rất phổ biến thời xưa. Nhờ có những tri thức về y học, về vệ sinh dịch tễ mà Lão Tử đã giúp nhân dân và triều đình ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Do đó ông đã được tôn phong ở trang Thổ Hà. Nhưng công nghiệp của vị Thái Thượng này không chỉ dừng ở đó. Thần tích làng Thổ Hà kể tiếp:

Sau đó vua (An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng). Thành xây nửa tháng vừa xong.”

Đây là một thông tin hết sức bất ngờ, khi biết được rằng người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa trong truyền thuyết lại là triết gia Lão Tử của Trung Hoa cổ đại. Thần Kim Quy đã theo sự sai khiến của Lão Tử hiện thành Thanh Giang sứ giả mà chém Bạch Kê tinh. Sự thật trong truyền thuyết Cổ Loa thành này là gì?

Về hàng trạng của Lão Tử, tấm bia cổ đời Hán Hoàn đế (146-167) có tên “Lão Tử minh” chép: “Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.”

So sánh thông tin của Lão Tử minh và sự tích thành Cổ Loa sẽ nhận thấy, nguyên nhân chính của việc thành xây bị đổ là những trận động đất của vùng Tam Xuyên. Tam Xuyên là 3 con sông, chỉ vùng đất hợp lưu sông Đà, sông Lô và sông Thao ở Việt Trì. Tam Xuyên hay Tam Giang là tên gọi cổ của vùng đất Bắc Việt, nơi có thành Cổ Loa.

Lão Tử là quan thủ thư dưới thời Chu U Vương, vị vua cuối cùng của nhà Tây Chu. U Vương tính tình tàn dị, để mua nụ cười của Bao Tự mà đã cho đốt lửa Ly Sơn ngàn dặm, gây kinh động tới các chư hầu. Lão Tử nhân việc động đất ở Tam Xuyên đã đăng đàn ở núi Thất Diệu, nhằm muốn khuyên răn vua Chu về đạo thuận theo mệnh trời và nhắc nhở bài học mất nước của Hạ Kiệt, Trụ Vương thời trước.

Đình Thổ Hà có câu đối nói về sự việc này:

Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ

Long năng thừa hóa, Ngũ Vân trang hạ ký đăng tiên.

Dịch:

Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ

Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

Cửa võng ban thờ chính điện đình làng Thổ Hà

Như trên đã biết, trong địa chi thì chi Sửu – con Trâu nằm cùng hướng với Huyền vũ, là hình tượng “Quy Xà hợp hình”, gồm có Rùa và Rắn (Rồng). Vì thế, thần Kim Quy từ dưới nước đi lên cũng là biểu tượng của hành Thủy, của tinh thần Đạo tòng thuận, tuân theo lẽ trời đất. Đạo lý này chính là điều đã giúp được An Dương Vương yên định được oán khí trong nhân dân, xây dựng thành trì, củng cố đất nước vững mạnh, nối nghiệp tổ tiên và theo mệnh trời mà trị quốc.

Tại Ngọc điện ở làng An Xá (xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương), Lão Tử được thờ dưới hình một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy đầu Rồng, chân dẫm lên một con Rùa vàng. Hình tượng Rùa vàng hay Trâu trắng đều là thể hiện tinh thần tòng thuận của Đạo Lão.

Tượng thờ Thái Thượng Lão Quân ở làng An Xá, Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương

Về Lão Tử còn lưu truyền câu chuyện “Tử khí Đông lai”, kể rằng, khi Lão Tử đi qua cửa Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ nhìn thấy có một luồng khí sắc tím bay tới từ phía Đông, biết rằng sẽ có thánh nhân đi qua. Quả nhiên lúc sau Lão tử cưỡi trâu xanh từ hướng Đông qua đây. Doãn Hỷ ăn mặc chỉnh tề, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại và viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ lại tư tưởng của mình trong cuốn Đạo Đức Kinh.

Thần Kim Quy cũng từ phía Đông tới giúp An Dương Vương, rồi trao cho vua cái Móng rùa để làm bí quyết an dân giữ nước. Móng rùa ở đây không gì khác chính là cuốn Đạo Đức kinh, hay là tư tưởng Đại Đạo mà Lão Tử đã theo đuổi. Sống có Đạo, có Đức, tuân theo trời đất, hợp với tự nhiên là chiếc Móng rùa được Lão Tử gửi gắm lại cho nhân gian.

Ở Cổ Loa, người được tôn sùng vì giúp An Dương Vương trừ yêu xây thành là Huyền Thiên Chân Vũ. Đây là tên thờ của Lão Tử, xuất hiện dưới thời Đường. Do học thuyết của Lão Tử lấy sự tòng thuận trong tính chất của phương Bắc (Huyền vũ) làm căn bản nên ông được tôn là Đại Thánh Bắc phương Thiên Tôn. Đặc biệt ở làng Thụy Lôi, là nơi thờ phụng Huyền Thiên Chân Vũ bên núi Võ Đương (núi Sái ở Đông Anh), có tục lệ hàng năm nuôi một con bò chăn cho béo tốt, đến ngày dùng để tế lễ đức Huyền Thiên. Truyền ngôn rằng: “khi xưa Ngài nằm ở đây trông thấy một con bò tinh. Ngài ước rằng được ăn thịt con bò ấy. Rồi sau khi Ngài hóa, con bò ấy cũng chết. Cho nên dân làng đều tế bằng bò. Dân làng phải lập cuộc giả vương giả tướng để lễ tạ Ngài, tức là thay mặt vua Thục để lễ tạ.” Việc nuôi bò để tế Huyền Thiên Chân Vũ là hình thức khuyến khích Đạo tòng thuận trong biểu tượng của con “Hoàng ngưu” (chi Sửu còn có hình tượng là con Bò vàng trong lịch pháp Trung Quốc).

Tượng Huyền Thiên Đại thánh ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Các nơi thờ Huyền Thiên Chân Vũ như ở Quán Thánh bên Hồ Tây, Huyền Thiên Cổ Quán ở phố Hàng Khoai, hay ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, Long Biên, đều thể hiện Ngài trong hình dáng to lớn, đang chống một thanh gươm có Rắn quấn quanh lên mình con Rùa. Những hình tượng này đều thống nhất với cách thờ đối với Thái Thượng Lão Quân như ở làng An Xá ở trên. Quy xà hợp hình thành linh vật Huyền vũ, đại diện của Bắc phương, sắc tím.

Huyền Thiên Lão Tử cầm tinh con Trâu, giảng Đại Đạo ở Thổ Hà, tiêu trừ dịch bệnh, đăng đàn nêu cao đạo tòng thuận ở núi Võ Đương, để lại cuốn Đạo Đức kinh làm bí quyết nỏ thần giúp An Dương Vương an định thành đô, trị bình thiên hạ. Mùa Xuân năm Tân Sửu 2021 bắt đầu. Xem lại chuyện xưa mà ngẫm trong xã hội ngày nay. Thế kỷ 21 này dịch bệnh lây lan, xã hội đầy những sự thái quá, phá bỏ quy luật tự nhiên, tất không khỏi phải gánh lấy hậu quả. Xin hãy cưỡi Trâu mà đi giữa đường đời để có được sắc tím huyền diệu của Đạo, giúp cho con người có cuộc sống yên bình dài lâu, hạnh phúc như các bậc thần tiên.

Câu đối đình Thổ Hà

Để nhớ đến đức Huyền Thiên Lão Tử, người đã khai mở con đường Đạo Đức cho nhân gian, xin ghi nhớ đôi câu đối ở chính điện tiền tế đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.

Dịch nghĩa:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ thanh hư mở Đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền màu nhiệm tạo Thần Tiên.

MINH THI

Về cuốn sách: “Quốc Sư Minh Không Qua Di Sản Văn Hóa Đền Thánh Nguyễn”

Đến ngày Tết ông Táo cuốn sách sẽ được in xong.

Chúng tôi muốn viết thêm để giới thiệu rộng rãi đến những người quan tâm vị Quốc sư Lý triều Nguyễn Minh Không.

Điều phải nói trước nhất, là nỗ lực của chúng tôi, một nỗ lực vượt lên trên chính mình để có được tác phẩm về Quốc sư Minh Không kịp ra mắt năm nay, cống hiến đến đông đảo mọi giới. Ai cũng biết, vấn đề về Minh Không và Không Lộ có sự đan xen lẫn lộn nhân thân giữa 2 nhân vật. Cả mấy trăm năm qua, học giới nghiên cứu về 2 vị Thánh tăng này, vẫn chưa dứt điểm câu trả lời, Không Lộ và Minh Không, là hai người hay một người?

Trong 1 buổi tọa đàm chia sẻ do Nhóm Chùa Việt tổ chức tại nhà sách Văn hóa Đông Tây, cách đây mấy năm trước, Giáo sư Tiến sĩ Hòa thượng Thiền sư Lê Mạnh Thát, Người đã trả lời câu hỏi đó thế này: “Vấn đề về Không Lộ chắc để thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và làm rõ“.

Đã có quá nhiều những bài viết, những công trình nghiên cứu, những tranh luận như thế về Không Lộ và Minh Không 1 người hay 2 người.Tối thiểu, ta biết rõ là từ Đặng Xuân Bảng (1828-1910), một nhà Nho, một trí thức lớn, một Phật tử thuần thành đã nêu lên vấn đề này và xử lý. Tuy thế, vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ dứt điểm hoàn toàn.

Những năm trước, tại Bái Đính đã có 2 Hội thảo về quốc sư Minh Không diễn ra. Hội thảo đầu tiên “Lý triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không với nền y học Việt Nam“. Hội thảo thứ 2 “Thân thế sự nghiệp Nguyễn Minh Không” do UBND tỉnh Ninh Bình kết hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức vào ngày 6 tháng 9 năm 2019.

Thế rồi, vẫn dừng lại ở Hội thảo với những bài viết, đầy những dữ liệu trích dẫn…Lạ thay là chưa một công trình nào tiếp cận và làm rõ về nơi quê hương bản quán của ngài, hiện là nơi có ngôi Đền Thánh Nguyễn thờ Ngài, có những gì về tư liệu liên quan cuộc đời ngài?Cuốn sách “Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn” là một cách giải quyết để làm rõ về câu hỏi Không Lộ Minh Không 1 hay 2 nhân vật.

Bước đầu, như thế, chúng tôi đã cống hiến được cho tất cả mọi giới, nhất là những nơi có thờ cúng Ngài là các di tích lịch sử Đền Đình Chùa, và các nhà nghiên cứu cũng như quần chúng quan tâm về Thánh về vấn đề thắc mắc nhân thân nhầm lẫn giữa 2 vị một cách rõ ràng và cụ thể.Năm năm qua, đi rong ruổi khắp hết các di tích những nơi thờ Thánh từ Thánh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Tây cũ, Hà Nội, Hà Nam… là đình, đền, chùa miếu, những di tích ấy, nhân dân truyền nhau và tư liệu đều cho vị thánh tăng họ thờ có quê quán Đàm Xá – Gia Viễn, Ninh Bình.

Và ngay tại Đền Thánh Nguyễn, ta biết, đang tồn tại nơi là quê hương, là quê cha đất tổ thờ Quốc sư Minh Không nhưng tư liệu qua bi văn… vẫn nằm đó.Cái tên Quốc Thanh, được nhắc đến qua cuốn Thuyền Uyển Tập Anh một tác phẩm Phật giáo đời Trần, thế mà đến nay, hiện vẫn còn đó, là tên thôn của Điềm Giang xưa nay thuộc xã Gia Thắng, tất nhiên là nó quá hiển nhiên với dân làng Điềm, nhưng nó vẫn xa lạ với giới nghiên cứu khi đi tìm ngôi chùa Quốc Thanh mà Minh Không tu hành được TUTA nhắc đến.

Còn nhiều và quá nhiều những vấn đề như thế, đã bị bỏ trống khi nghiên cứu về quốc sư Minh Không, hoặc chí ít, nó không được khảo sát 1 cách có hệ thống nhất khai thác tư liệu di văn ở nơi quê hương của Thánh qua di sản Hán Nôm Đền Thánh Nguyễn.”Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn” tập trung khai thác toàn bộ những gì liên quan còn lưu tại Đền từ văn bia, văn cúng, ngọc phả, văn tế, câu đối. Phải nói, quả là Đền Thánh Nguyễn xứng đáng để chúng tôi tiếp cận bước đầu công trình nghiên cứu của mình về các vị Thánh tăng đời Lý: Không Lộ, Minh Không Giác Hải và Từ Đạo Hạnh vì ở đó còn quá nhiều tư liệu.

Về sắc phong. Hiện ở Đền còn 51 đạo sắc phong, bắt đầu từ đạo sắc sớm nhất, Dương Hòa ngũ niên (1639) đến đạo sắc cuối cùng đời Khải Định thứ 9 (1924).

Về văn bia. Đền Nguyễn còn văn bia sớm là bia Phúc Thái tam niên (1644) và bia muộn nhất Bảo Đại thập tứ niên (1938).

Về văn tế. Đây là mảng rất đặc sắc ở Đền Thánh Nguyễn. Văn tế được làm trong dịp lễ khánh thành Đền. Đó là di sản về Tế lục khúc trong Lễ hội ở Đền Thánh Nguyễn. Cả sơ đồ tế lễ vẫn còn cẩn thận được lưu giữ. Tôi cảm động là khi bắt gặp kích thước, số đo để may áo thánh mặc cho tượng thánh được truyền lại qua nhiều đời.

Về ngọc phả. Đền còn giữ bản ngọc phả rất cổ. Ngọc phả về Minh Không và về thánh Tô. Đọc ngọc phả về Tô Hiến Thành, ta rất ngạc nhiên là ngọc phả về Tô Hiến Thành được ghi là Tô Hiến Thành sinh ra ở Điềm Xá, Điềm Giang xưa.Ngọc phả, nhất là ngọc phả về Minh Không cho ta thông tin quá rõ về người cha của Minh Không là ai? và về quê quán người mẹ của Thánh.

Về câu đối. Riêng câu đối cũng cung cấp cho ta 1 lượng thông tin không hề ít để xác định vị trí ngôi Đền, bản quán…

Về cây Đèn đá nổi tiếng qua truyền thuyết nơi này, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi phát hiện nó chính là cột kinh Đinh Liễn, không gì khác hơn.

Còn nhiều những vấn đề đã được làm sáng tỏ qua cuốn sách chúng tôi công bố lần này. Ví dụ: 

– Để dịch và chú chừng ấy tư liệu ở Đền Thánh Nguyễn chắc không đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức. Nhưng, để hiểu và phân tích được chừng ấy tư liệu, qua tác phẩm này, quý vị sẽ thấy, chúng tôi phải viện dẫn hết tất cả các tư liệu ở khắp các nơi có di tích về Thánh, các tư liệu mới tìm được 5 năm qua nói về thánh.

– Từng di tích 1 được liệt kê đầy đủ ở đây. Đó là sắc phong, bài vị, văn bia, tư liệu từng nơi ghi chép gì… Có thế, chúng tôi mới có thể so sánh và phiên chú được những gì còn lưu giữ nơi Đền Thánh Nguyễn.

Tuy thế, triệt để vấn đề, mà qua cả nghìn năm tồn tại và phát triển sâu rộng như sự tích và di tích về Minh Không thì chúng tôi lần lượt làm sáng tỏ và cống hiến thêm trong các công trình sau vào những năm tới.Dự định 10 năm nghiên cứu về Minh Không Không Lộ… như vậy đã khép lại 5 năm. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ lần lượt cho xuất bản và giới thiệu tiếp các công trình này của mình.Hy vọng đón nhận sự yểm trợ và đóng góp chung của tất cả quý vị yêu mến vị Thánh tăng đời Lý mà chúng tôi đang nghiên cứu.

Điểm đáng trân quý nhất của công trình này, vẫn là việc tiếp cận và công bố những tư liệu gốc vốn có đang được lưu giữ ở ngôi Đền Thánh Nguyễn.Trân trọng giới thiệu đến quý vị món quà quý của chúng tôi, cuốn sách: “Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn“.

Cuốn sách có lời giới thiệu của GS – Hòa thượng, thiền sư Lê Mạnh Thát và sự đóng góp của cả Nhóm thông qua Nhóm NCDSVH Đền Miếu Việt.

(Quý vị có thể đăng ký mua sách từ bây giờ!) 

Bài giới thiệu của thầy Thích Tâm Hiệp, chủ biên sách Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn

SỰ KẾT HỢP KỲ DIỆU GIỮA SỰ THẦN VÀ PHẬT TRONG TRƯỜNG HỢP CHÙA YÊN PHÚ

Đình làng Yên Phú

Làng Yên Phú xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội có ngôi chùa khá đặc biệt, là nơi vị sư bà Phương Dung đi tu vào thời Hai Bà Trưng. Theo thần tích của làng thì bà Phương Dung khi đang tu hành ở chùa Yên Phú đã nhặt được 2 quả trứng bên sông Kim Ngưu, đem về đã nở ra 2 vị thủy thần mặt người thân cá, tên là Trung Vũ và Đài Liệu. Sau đó cả 3 mẹ con tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Thắng giặc, hai vị thần về nơi sinh dựng lại miếu đền và khi đó cảm hứng đọc một bài thơ:
Tự cổ đế vương ức triệu dân
Quy thần tất tự điến tinh thần
Thử truyền vị biện Chân tương Ảo
Hồi tưởng Sơn danh Phật tức Chân.

Tượng thần Đài Liệu ở Yên Phú

Trong lời của thần này đặc biệt có câu cuối: “Hồi tưởng Sơn danh Phật tức Chân” khá là khó hiểu. “Sơn danh” là gì mà khi nhớ đến lại biết “Phật là thật”?

Nhờ sự kết hợp thần tích ở Yên Phú với Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả thì câu thơ thần này đã được giải. Bản Nam Việt Hùng Thị sử ký ghi:

Xưa Tiền Hoàng đế Thánh tổ Cõi lớn trời Nam, Hùng Vương Sơn nguyên, đã gây dựng cơ đồ, thủy tổ Việt Nam, mở nước Cổ Việt Hùng Thị, mười tám đời thánh vương ngự trị Cõi lớn trời Nam, mở mang hùng đồ nước Việt, nước biếc một dòng, bắt đầu vận vua sáng đế thánh. Núi xanh vạn dặm, lập nền đô thành điện báu, mở vật giúp người, thống trị mười lăm bộ, giữ thế mạnh trước phiên thần, nối tiếp phát huy cõi đất lớn thành Viêm Hồng…”Nguyên văn chữ Nho là: Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh tổ Nam Thiên Đại bảo Tiền Hoàng đế.

Tên gọi “Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ” cũng được ghi trong bức tranh gỗ sơn son thiếp vàng lưu ở đình Bình Đà mà đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tên gọi này còn gặp trong nhiều các văn bản thần phả thần tích khác.

Cụm từ “Sơn Nguyên” trước nay chưa ai hiểu. Nay, khi nhận ra từ “Sơn” chính là chỉ các vị thánh tổ Hùng Vương thì cái tên này đúng phải đọc là:

Hùng Vương Sơn – Nguyên Thánh tổ

Cách gọi “Hùng Vương Sơn” cũng tương tự như “Tản Viên Sơn”, chỉ vị tổ Hùng Vương hay thánh Tản Viên. “Sơn” ở đây hoàn toàn không phải là quả núi như vẫn nghĩ.
Sơn triều chính là tên gọi của thời khởi đầu, giai đoạn thánh tổ Hùng Vương, bắt đầu từ “Nguyên thánh tổ” Đế Minh, qua 2 vị Viễn Sơn, Ất Sơn và kết thúc ở Tản Viên Sơn, để chuyển qua giai đoạn Kinh triều của Lạc Long Quân.

Hai vị thủy thần giáng sinh thời Hai Bà Trưng mà hồi tưởng lại thì chỉ có thể là về thời Hùng Vương. Ý của câu thơ cuối này cho biết: vào thời Hùng Vương thì đã có sự việc Phật giáng thế ở trời Nam.

Phật thời Hùng Vương. Tranh sứ Bảo tàng đền Hùng.

Thực vậy, Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả cho biết vua Hùng Vương thứ 7 khâm sùng thiên đạo, kính sự quỷ thần. Vua mới ngự ở điện Kính Thiên. Bên cạnh điện từ xưa có một ngôi chùa, nguyên là nơi khi xưa Thánh thượng của đất nước đời trước tu luyện thân tâm, thuốc thiêng diệu dụng, được phép thành tiên, hoá sinh bất diệt, giữa ban ngày bay lên trời. Dấu tích bắt đầu tại chùa này, nơi được các bộ chúng thần tiên giáng thế giúp đỡ. Núi sông chung đúc linh thiêng lạ đẹp. Nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú cùng trăm thần tụ hội, truyền trông nom tinh núi, tinh nước, sông ngòi biển núi, trăm thú đến chầu, tất cả đều quy về một mối. Xưa gọi là chùa Từ Sơn Cảnh Thừa Long (nay là Thiên Quang Hòa Thượng thiền tự).

Sau đó Hùng Huy Vương “nhất thành khả cách”, tại ngôi chùa thiêng này đã gặp một Lão ông nói:

– Ta là thần miền Tây Vực, cư trú lâu ngày ở biển Giác, chu du trên thuyền Bát Nhã, không nhiễm lòng trần, tẩy niềm tục Niết Bàn. Nay thấy nơi đây có lòng thành cảm cách, râm ran tiếng cầu kinh xướng kệ, cho nên ta cảm ứng mà đến đây.

Trong chốc lát, cụ già lấy trong ống tay áo ra một chiếc móng rồng, một khối ngọc trời, đem trao cho Vua. Liền đó một đám mây ngũ sắc hiện ra sáng loá cả núi rừng. Lão ông bay lên trời mà đi. Vua mới biết đó là đức Phật trên trời giáng ngự.

Hùng Vương đã dùng 2 bảo bối mà Phật ban chế thành 2 bảo vật trấn quốc là Thiên Linh kiếm và Vương Linh ấn. Dấu vết của việc này chính là ngôi chùa trên núi Hùng Nghĩa Lĩnh mang tên chùa Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng, là ngôi chùa còn tới nay cạnh đền Hạ trên núi Hùng.

Chùa Thiên Quang trên núi Nghĩa Lĩnh

Dịch nghĩa bài thơ thần ở chùa Yên Phú:

Từ cổ đế vương muôn triệu dân
Theo thần tất phải giữ tinh thần.
Sự truyền không dễ phân Chân, Ảo
Nhớ lại Sơn triều Phật chính Chân.

Văn tế Hùng Vương tiết Nguyên đán

Chính nguyệt sơ nhất nhật văn

Cung duy Thánh Vương!

Cựu tuế dĩ qua. Tân niên sơ đáo.

Thiên tằng hòa hảo. Hải diện ba trừng.

Dân chúng hân hoan. Hỉ xuân nghênh phúc.

Tăng thọ tăng đinh. Tăng tài tiến lộc.

Phong đăng hòa cốc. Mục dưỡng an ninh.

Sỹ nông công cổ. Bách nghệ giai tinh.

Tiết thuộc xuân sinh. Nhật phùng sơ nhất.

Hiệu Nguyên đán tiết. Khai mạc chung niên.

Hậu thế lưu truyền. Đệ niên kỳ trại.

Thánh tổ di lai. Niệm ân vạn cổ.

Thập bát thế truyền. Tồn tư phụ đạo.

Vương tổ từ tâm. Khuyến dân canh tác.

Đồng cư đồng thực. Nhật dạ dữ dân.

Đồng bào đồng chí. Chủng tộc tương thân.

Hữu nghĩa hữu nhân. Phú bần tương trợ.

Công tư đẳng sự. Thượng hạ thuần hòa.

Bách tính bách gia. Vạn nhân như nhất.

Giai đồng tác thực. Bất khả cạnh tranh.

Thượng lệnh hạ ban. Thi hành nghiêm chỉnh.

Dân quốc kỷ cương. Bất nghi khinh thị.

Quốc gia thịnh trị. Thiên hạ thái bình.

Quốc tặc hoành hành. Tác uy tác loạn.

Dục đắc an ninh. Tảo trừ quốc nạn.

An cư lạc nghiệp. Tác thực phồn vinh.

Di ngôn Thánh tổ. Tỉ kiến tồn sinh.

Vạn cổ anh linh. Truyền lưu bất diệt.

Thực lại

Thánh Vương âm phù chi đại huệ dã.

(Bản văn của thôn Trẹo, xã Vi Cương, trưởng tạo lệ Hùng Vương)

Thần tích phường Hồ Khẩu về 3 vị thủy thần

Thần tích phường Hồ Khẩu, huyện Hoàn Long, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bản dịch chép theo sách Thần tích Hà Nội do TS. Nguyễn Thị Oanh chủ biên.

Nghi môn đền Vệ Quốc

Hai vị dương thần (nam thần) và một vị âm thần (nữ thần).

Vị thứ nhất được sắc phong là Dực Thánh Đại vương.

Vị thứ hai được sắc phong là Vệ Quốc Đại vương.

Vị thứ ba được sắc phong là Thái Ngọc Quỳnh Dung Công chúa.

SỰ TÍCH NAM THẦN

Xưa, vào đời Hùng Vương, ở động Đản Thánh, châu Bố Chính có ông Lê Quốc Công húy là Tín Phệ, làm quan trong triều, vâng mệnh quản lãnh công việc trong lục bộ, được gả cho cháu gái trong hoàng tộc là công chúa Cẩn Nương. Sau công chúa mất sớmmà chưa có điềm mộng gấu (chưa có con trai), ông dâng sớ xin được đi du lãm phong thủy, chọn được đất lành thuộc địa phận ấp ta (tức phường Hồ Khẩu, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức), dựng nhà để ở. Sau lại lấy thánh mẫu Thục Nương phu nhân làm vợ kế.

Ông cùng với phu nhân cầu tự ở đền Đông Hải Vương. Đêm nằm mơ thấy có ông lão đầu bạc đọc thơ rằng:

Lòng thành đã thấu tới trời xanh

Cho ứng rồng thần xuống thế gian

Họ Lê một bọc hai quý tử

Phù hộ quốc gia, giúp dân lành.

Một hôm phu nhân du chơi Hồ Tây, thấy một con cá chép vẩy đỏ lấp lánh, đùa rỡnsóng nước. Trong lòng cảm động mà có thai. Đến khi mang thai đủ tháng, nằm mơ thấy có hai người mũ áo chỉnh tề, tới chắp tay nói rằng:

–  Chúng thần là ở bộ Lễ Long cung, vâng sắc mệnh đầu thai.

Phu nhân giật mình tỉnh giấc, bỗng thấy trời đất mù mịt, mưa gió ập tới, trong phòng hương thơm tỏa khắp, mây lành rực rỡ, sinh hạ được một bọc hai người con trai.

Ông liền theo giấc mộng đặt tên cho người con trưởng là Cống Lễ, người con thứ là Cá Lễ. Cống Lễ sinh ra đã cao 9 thước, tướng mạo đường hoàng. Cá Lễ sinh ra hàm én râu hổ, tay dài quá gối. Đều là bậc anh hùng cái thế, dũng lược hơn người, tài năng xuất chúng, sức nâng đỉnh bạt núi.

Duệ Vương lên ngôi, xuống chiếu tìm người có học vấn quảng bác, văn võ toàn tài. Hai ông liền ra ứng tuyển. Vua thấy nơi gần hai ông đứng có gió mát thổi quanh người. Vua biết là thủy thần xuất thế, bèn cùng cho nhận chức thị tòng.

Bấy giờ Vua mới gả Mỵ Nương cho Tản Viên Sơn Thánh và muốn nhường ngôi báu cho Sơn Thánh. Thục Vương bèn đem quân sang xâm chiếm. Vua bèn lệnh cho hai ông chỉ huy thủy quân (ông Cống Lễ làm Tả chưởng quản, ông Cá Lễ làm Hữu chưởng quản), lãnh ấn đại tướng quân ra sông Bạch Đằng nghênh địch. Ở đồn lớn Mộc Châu lệnh cho Tản Viên Sơn Thánh thống lãnh lục quân nghênh chiến. Thủy bộ cùng tiến. Đại phá được quân Thục, bắt sống không biết bao nhiêu tên.

Sau 2 năm Thục Vương lại tập hợp 100 vạn hùng binh, chia làm 5 đạo tiến vào làm loạn. Vua phong hai ông làm Thủy Tề hầu, lệnh thống lãnh thủy quân đến hợp lực cùng với Tản Viên Sơn Thánh đến đánh dẹp một trận. Quân Thục bỏ chạy tán loạn. Quan quân truy đuổi đến tận biên giới mới trở về. 

Ngày khải hoàn, thuyền đến bên sông Tô Lịch (tức nay là đoạn sông trước cửa đền Vệ Quốc), chợt trời đất tối sầm, gió thổi sóng cuồn cuộn, ánh cầu vồng đỏ như thép luyện từ trên trời chiếu thẳng vào thuyền. Hai ông bèn buộc lại mũ đai, hướng về cửa thành bái mệnh. Trong chốc lát, bay lên trời mà hóa.

Các tướng trong quân thuyền về triều tâu lên. Vua ban cho mũ áo, sắc phong làm Thượng đẳng phúc thần, cho phép phường Hồ Khẩu phụng thờ (giáp Bắc thờ Cống Lễ Đại vương, giáp Đông thờ Cá Lễ Đại vương). Xuân thu hai kỳ sai quan đến tế lễ mãi làm thường lệ.

Sau vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm có mật đảo ở đền. Khi bình được Chiêm, gia phong thêm 2 chữ Linh ứng.

Thời vua Trần Thái Tông, Hưng Đạo Vương đánh Ô Mã có cầu đảo ở miếu Triệu Vũ Đế, mộng thấy Vũ Đế lệnh cho hai thần Hồ Khẩu theo hướng Tây Bắc nghênh địch, hai tướng họ Trương theo hướng Đông Nam nghênh địch. Trong chốc lát, giặc tan. Một đạo về Hồ Tây hóa thành đôi rồng. Một đạo ra sông Lục Đầu hóa thành hổ đen, rồi đều bay lên trời mà biến mất. Vương lấy làm lạ. Đến khi đánh giặc, quả được thần trợ giúp, một trận đã thành công. Vương bèn tâu lên triều tặng thêm hai chữ Phụ quốc Tế thế.

Vào những năm Vĩnh Thọ triều nhà Lê, vỡ đê phường Yên Phụ. Cứ đắp lại đến đâu lại bị nước đánh trôi đến đó. Triều đình sai quan đến đền của hai vương cầu đảo. Lũ lụt mới tạm dừng. Bèn gia phong hai chữ Hiển ứng Uy linh

SỰ TÍCH NỮ THẦN 

Thánh phụ là Bộ trưởng quân La Thành Lý Quốc Công, húy là Thành. Thánh mẫu họ Hồ, một hôm nằm mộng thấy mình đến bệ kiến ở điện Long cung, được Hoàng hậu Long cung cho ngọc quỳnh dao. Đến khi tỉnh lại thấy mình có thai, sinh hạ một cô con gái, môi đỏ như phấn, mắt phượng mày ngài, gọi là Quỳnh Nương.

Năm Quỳnh Nương 19 tuổi xuất giá lấy ông Cá Lễ. Mới được nửa năm Nương đi thuyền trở về thăm nhà (Đại La ở bên trái sông Tô Lịch). Đi đến giữa dòng thì gió to sóng lớn nổi lên, trời đất tối sầm. Trong chốc lát trời tạnh hửng thì Công chúa đã bay lên trời.

Ông Cá Lễ bèn lập đàn tế ở bên sông cầu khấn trong 7 ngày. Đến đêm bỗng nằm mơ thấy thuyền rồng bơi trên mặt nước. Phu nhân đoan trang ngồi trong thuyền, vái ông mà thưa rằng:

– Thiếp là con gái của vua Thủy Tinh. Còn chàng vốn ở thủy cung Đông Hải. Gặp nhau chỉ có hạn, chẳng dám trù trừ lưu lại. Nhưng nguyện cùng chàng như hình với bóng, âm phù cho đất nước, để tỏ rõ lòng trung trinh.

Dứt lời, không thấy đâu nữa. Ông bèn dâng tấu lên triều đình. Vua liền cho xây đền thờ ở nơi nàng hóa (nay là đền Chính Đức) để phụng thờ. Lại ban cho gỗ trầm hương để tạo tượng. Bao phong cho mỹ tự là Thái Ngọc Quỳnh Dung Công chúa Thủy Tinh Phu nhân.

Sau đến đời Lý Thái Tông đi đánh Chiêm, thuyền đi qua đền, thần hiển linh trợ giúp. Vua làm bài thơ rằng:

Ngọc Nương ơi hỡi Ngọc Nương

Nước sông Tô chảy mãi lưu hương

Thần tiên bất từ cùng non nước

Đền miếu huy hoàng vạn cổ trường.