Ngũ vị tôn quan

Trong các ban thờ công đồng Tứ phủ hiện nay thì ngoài lớp tượng vua cha Ngọc hoàng thượng đế luôn có tượng 5 vị tôn quan trong 5 màu sắc áo đỏ, xanh lá cây, trắng, vàng và xanh tím. Sau các đức vua cha và thánh mẫu thì 5 vị quan lớn này là những nhân vật quan trọng hàng đầu của tín ngưỡng Tứ phủ. Tên gọi và chức danh của Ngũ vị tôn quan như sau:
1. Quan đệ nhất thượng thiên. Tước phong Đào tiên đệ nhất – Điều thất hoàng thái tử.
2. Quan đệ nhị giám sát. Tước phong Nhạc thần đại vương – Đô đài giám.
3. Quan đệ tam ở đền Lảnh Giang. Tước phong Thủy tào điển sứ – Đệ tam thủy thần nhạc đại vương.
4. Quan đệ tứ khâm sai. Tước phong Thiên Hựu đại vương.
5. Quan đệ ngũ tuần Tranh.

Ngu vi ton quan

Ngũ vị tôn quan, tượng ở đền Lê Chân, Hải Phòng

Thân thế các vị tôn quan theo các thần tích ở đền Đồng Bằng (An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) hay đền Lảnh Giang (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) được biết là con vua cha Bát Hải (vua cha Thoải phủ), đã đầu thai sinh cùng một trứng, hóa thành các thần rắn, rồi lên trần gian phù giúp vua Hùng đánh Thục.
Trong bài viết Bạch Hạc Tam Giang đã chỉ ra rằng truyện về các vị thần sông Bạch Hạc (Lĩnh Nam chích quái) là Thổ Lệnh và Thạch Khanh hay tục thờ Trung Thành Phổ Tế đại vương ở vùng Phú Xuyên có quan hệ với Ngũ vị tôn quan của tín ngưỡng Tứ phủ. Thổ Lệnh hay Trưởng Lệnh là Quan lớn đệ tam, thác hóa ở khu vực thôn Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên), gần đền Lảnh Giang. Lảnh có thể là từ đọc khác của Lệnh.
Còn vị thần Bạch Hạc thứ hai Thạch Khanh là Quan đệ ngũ tuần Tranh. Cái tên Thạch Khanh và Tranh cận âm. Vị thần này còn được nhắc đến ở làng Đống Tranh (Minh Cường, Thường Tín) trong tục thờ Trung Thành Phổ Tế đại vương.
Trong thần tích ở làng Đa Chất thì 3 người anh em con của Đào Công Bột là ông Cự, Hồng và Quý Lân sau khi đánh Thục ở lần đầu đã hóa trước. Tiếp theo chỉ còn Trưởng Lệnh và Thạch Khanh lập công đánh Thục. Đây là điều giúp lý giải việc hai vị quan đệ tam và quan đệ ngũ là hai giá đồng thường gặp, trong khi ba vị quan còn lại rất hiếm khi giáng đồng.
Tiếp tục truy tìm vết tích của 3 người anh em họ Đào đã hóa trước này. Sự tích về các vị quan lớn của Tứ phủ có cho biết: Quan đệ nhất là Đức Thánh Cả, Quan đệ nhị là Đức Thánh Trung và Quan đệ tứ là Đức Thánh Hạ, đã thác hóa ở sông Đáy tại Vân Đình. Hiện ở khu vực Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) có các đền thờ 3 vị thánh này. Đền Đức Thánh Cả nằm ở thôn Thái Bình với sự tích kể rằng đây là một vị tướng giúp vua Hùng đánh giặc nhà Ân ở vùng châu Hoan châu Ái. Đức Thánh Cả ở Thái Bình có tên được thờ là Bột Hải hoàng đế.

IMG_3784 (2)Đền Thái Bình, Ứng Hòa, Hà Nội.

Câu đối tại đền Thái Bình:
第六代雄王神將揮刀鯨刳鰐断
幾千秋東海殷兵絶命戟折舟沉
Đệ lục đại Hùng Vương, thần tướng huy đao, kình khô ngạc đoạn
Kỷ thiên thu Đông Hải, Ân binh tuyệt mệnh, kích chiết chu trầm.
Dịch:
Hùng Vương thứ sáu triều xưa, thần tướng vung đao kình đứt sấu đoạn
Biển Đông nghìn thu thủa trước, quân Ân hết số kích gãy thuyền chìm.
Cái tên Bột Hải hoàng đế của Đức Thánh Cả đã xác nhận mối liên hệ vị thánh này với Ngũ vị tôn quan con vua Bát Hải và 5 anh em con ông Đào Công Bột. Bột hay Bát là số 8, chỉ hướng Đông. Trong câu đối trên cũng nói rõ nơi Đức Thánh Cả lập công trạng là biển Đông. Bột Hải hay Bát Hải là biển Đông, là nơi xuất thế của vua cha Bát Hải Động Đình hay nơi trị nhậm của Đào Công Bột (Hải Dương).
Khác với thần tích về Ngũ vị tôn quan, Đức Thánh Cả ở Vân Đình không phải giúp vua Hùng 18 đánh Thục mà là giúp vua Hùng thứ 6 đánh giặc Ân, nhưng lại ở “châu Hoan, châu Ái”. Rõ ràng trận thủy chiến đánh giặc Ân ở châu Hoan, châu Ái này không phải trận chiến trên cạn của Thánh Gióng diệt giặc Ân ở núi Trâu Sơn – Vũ Ninh.
Để lý giải sự khác biệt này cần nhắc lại bản chất cuộc chiến Hùng Thục thời vua cha Bát Hải Động Đình. Đây là cuộc chiến tranh giành vương vị của ông Khải – Lạc Long Quân với ông Ích sau khi Đại Vũ – Kinh Dương Vương mất. Ích cũng là Ất, là số 2 trong thập can (Giáp, Ất…). Địa bàn gốc của tộc người theo Bá Ích là vùng cựu đô Ngàn Hống ở châu Hoan từ thời Hoàng Đế – Đế Minh. Vì thế thần tích về Đức Thánh Cả ở Thái Bình đã kể thành Hùng Vương thứ sáu (Hùng Lục Vương hay Lạc Vương) đánh giặc Ân ở Hoan Ái. Ân hay ơn là số 2. Ái cũng là từ biến âm của Ích – Ất.
Dòng tộc theo Bá Ích do cuộc chiến này đã phải chạy sang phía Tây, sau nhiều đợt di cư đến đất Kỳ Sơn ở Quý Châu. Do đó dòng tộc này được gọi là Thục (thục nghĩa là chín, cùng âm với số 9, chỉ hướng Tây) hay Di Hạ (Di Hạ phiên thiết cho từ Dạ, là nước Dạ Lang ở vùng Vân Nam Quý Châu). Lạc Long Quân giành chiến thắng, khởi đầu nhà Hạ ở vùng ven biển Đông, được truyền thuyết và tín ngưỡng Việt tôn là vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ, mở mang Hoa Đào Trang ở đất Thái Bình.
Ngũ vị tôn quan như vậy là 5 vị đại công thần lập quốc của Lạc Long Quân, được tôn thờ thành các thủy thần trên các dòng sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tranh,… và là những vị quan “trị sự” hàng đầu trong Tứ phủ công đồng.

Bạch Hạc Tam Giang và Lạc Long Quân

Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển là đi đâu? Lạc Long Quân mất ở chỗ nào? Lần tìm trong truyền thuyết và tín ngưỡng thờ thần của người Việt hé lộ thêm thông tin về cha Rồng và lịch sử của thời kỳ này.

Truyện thần sông Bạch Hạc trong Lĩnh Nam chích quái kể:
Khoảng các năm Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông, Lý Thường Minh làm chức đô hộ đất Phong Châu … xây Đạo Thánh linh quán ở ven sông Bạch Hạc, đặt tượng Tam thanh bở trong quán để phụng thờ. Lại xây hai ngôi am ở phía trước và phía sau quán, muốn tạc tượng thờ… Canh ba đêm ấy, mộng thấy có hai dị nhân, diện mạo hùng vĩ, phong tư nhàn nhã, đều mang theo quân hầu, trước hò sau hét, …, tranh nhau chiếm am trước… Hai người riêng xưng tên họ, một tên là Thạch Khanh, một tên là Thổ Lệnh. Thường Minh xin đọ tài nghệ, nếu ai thắng sẽ ở am trước. Thạch Khanh ứng tiếng mà chạy, mới tới bờ sông đã thấy Thổ Lệnh ở cạnh sông từ trước rồi… Thổ Lệnh được ở am trước… Đời Trần phong làm Trung Dực võ liệt phụ quốc hiển uy vương…
Truyện kể về Thổ Lệnh và Thạch Khanh đã hiển ứng ở thời Đường không cho biết gì về nguồn gốc, xuất xứ và công tích gì của 2 vị thần này. Cũng vì thế nhiều người cho rằng đây chẳng qua là hai thần đất (Thổ) thần đá (Thạch) được tôn sùng mà thành. Nhưng thần đất và thần đá sao lại tranh nhau làm thủy thần là thế nào?
Thổ Lệnh được thờ không chỉ ở vùng Bạch Hạc Phong Châu mà đây là vị thần được thờ ở rất nhiều nơi, từ khu vực đầu sông Nhuệ (Tây Tựu, Phú Diễn) tới vùng Thường Tín, tập trung nhất ở Phú Xuyên (Hà Nội) và một số nơi ở Hà Nam. Theo thống kê của Viện nghiên cứu văn hóa thì chỉ riêng trong số 153 làng xã có thần tích của Phú Xuyên đã có 28 làng thờ Trung Thành Phổ Tế đại vương (tên gọi của Thổ Lệnh ở vùng này). Còn theo thần phả ở đình Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên) thì từng có tới 172 nơi thờ vị thần này. Có thể thấy Trung Thành Phổ Tế đại vương hay Bạch Hạc Tam Giang là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng dân gian. Đây chắc chắn là một nhân thần có công trạng to lớn trong lịch sử dân tộc.

P1140203Đình Đa Chất, Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội, nơi hóa của Trưởng Lệnh họ Đào.

Đền thờ chính của Trung Thành Phổ Tế đại vương vốn là đền Ba Lương ở thôn Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên), nơi thần hóa. Đền này nay không còn, nhưng thần tích vẫn được lưu giữ ở đình Đa Chất. Bản thần tích này kể, thời Hùng Duệ Vương ở châu Cửu Giang, huyện An Lão, phủ Kinh Môn, Ái Châu có một nhà quý tộc là ông Đào Bột lấy bà Phạm Thị Điểm người bản huyện làm vợ. Ông được Duệ Vương bổ làm chức Bộ trưởng Hoan Châu, sau đó do có công dẹp giặc ở Hải Dương nên được vua phong làm Bộ trưởng coi giữ đất Hải Dương.
Chính phi của Bột công không may qua đời, ông tái giá với bà Nguyễn Thị Hương, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam…
Mấy năm sau, khi ở Hải Dương ông bà gặp sự lạ, vớt được 5 quả trứng nổi trên mặt nước, rồi nửa đêm có rồng báo mộng về trứng thần. Bà vợ mang thai, sinh một bọc, nở ra năm người con trai, diện mạo khôi ngô, thân thể rộng dài, lưng trông như vảy cá một rẻo… Bột công đặt tên cho các con là Cự, Hồng, Trưởng, Thạch Khanh và Quý Lân.
Lớn lên, năm anh em vào chầu vua và được phong tước trọng. Cự Công làm Đông Long thái sư. Hồng Công làm Tây Long thái phó. Trưởng Công làm Nam Long Trưởng lệnh, quyền tể tướng, làm Thổ lệnh cai quản 50 Thuỷ thần. Khanh Công làm Bắc Long Thái Bảo quyền nắm thuyền rồng. Quý Công là Thiếu Long, nắm giữ đài rồng nơi nhà vua ngự. Lại thêm chức cho Bột công là Đại vương.
Nhà vua cắt cử ngũ công trấn giữ năm phương, kiêm chủ tể nắm các ngả sông để bảo vệ dân. Đệ nhất công làm chủ tể Hải Dương quận. Đệ nhị công làm chủ tể Sơn Tây đạo. Đệ tam công Trưởng lệnh công làm chủ tể Sơn Nam quân, xây thành ở xã Tông Chất tại ngã ba sông Lương giang, Du giang và Tô giang. Đệ tứ Quý công xây dựng thành cung ở Kinh Bắc. Đệ ngũ công xây thành tại Nam Trực.

Như vậy hai vị thần sông Bạch Hạc Thổ Lệnh và Thạch Khanh là hai anh em, cùng một bọc sinh ra. Thổ Lệnh trong thần tích này gọi là Trưởng Lệnh. Có thể Thổ Lệnh đúng phải là Thủ Lệnh, tương đương với tên Trưởng Lệnh.
Công trạng chính của 5 anh em họ Đào là giúp vua Hùng đánh Thục. Sau khi đánh quân Thục lần đầu 3 vị Cự, Hồng, Quý Lân đã hóa trước. Trong trận tiếp theo Trưởng Lệnh và Thạch Khanh cầm thủy quân đánh quân Thục toàn thắng. Sau đó Trưởng Lệnh còn dẹp giặc Thái Thịnh ở Hồng Châu. Khi về đến ngã ba Lương Giang, mở tiệc mừng công thì ngài cưỡi cá chép theo dòng nước mà hóa về trời.
Câu đối ở đình Đa Chất:
靈夢感唐臣白鶴三江傳勝蹟
皇圖開越甸鴻庞千載沐王庥
Linh mộng cảm Đường thần, Bạch Hạc Tam Giang truyền thắng tích
Hoàng đồ khai Việt Điện, Hồng Bàng thiên tải mộc vương hưu.
Dịch:
Mộng thiêng cảm tướng Đường, Bạch Hạc Tam Giang truyền thắng tích
Hoàng đồ mở điện Việt, Hồng Bàng nghìn thủa thấm ơn vua.

Ở Phú Xuyên có câu “sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương” nói về Trung Thành Phổ Tế đại vương. Làng Tông Chất nơi thần hóa sau đổi thành Đa Chất. Làng này rất đặc biệt bởi tới giờ vẫn dùng một thứ ngôn ngữ cổ riêng mà chỉ người trong làng với nhau mới hiểu. Liệu Tông Chất có phải nghĩa là nơi “vị tông tổ bị chết”? Tông Chất là làng được dành riêng để thờ phụng, chăm sóc mộ phần và hương hỏa của Trung Thành Phổ Tế đại vương nên có tên như vậy và vẫn giữ một ngôn ngữ riêng trong làng.
Mặc dù thần tích về Bạch Hạc Tam Giang hay Trung Thành Phổ Tế đại vương kể khá chi tiết, đầy đủ các sự kiện nhưng việc nhận diện đúng các nhân vật này trong lịch sử vẫn cần được lý giải hơn nữa. Tại sao một vị thần thời Hùng Vương lại là được thờ rộng rãi như vậy? Giặc Thục trong câu chuyện Bạch Hạc Tam Giang là Thục nào?
Khi xét kỹ thần tích kể về anh em Thổ Lệnh và Thạch Khanh thì thấy chuyện này hoàn toàn trùng khớp với chuyện kể về sự xuất hiện và công trạng của Vĩnh Công ở đền Đồng Bằng (An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Vĩnh Công cũng là vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Ở cả 2 sự tích đều nói về những anh em sinh cùng một bọc trứng, con của rồng. Khi đất nước có giặc Thục những anh em này đã tập hợp lại cùng chống giặc. Trong chuyện Bát Hải Động Đình thì con Hoàng xà lớn (tức Vĩnh Công) đã tập hợp anh em thành 10 vị quan lớn, mỗi vị trấn giữ một vùng để đánh Thục.
Liên hệ rõ nhất giữa 2 sự tích là tên của vị phụ thân Đào Công Bột. Vị họ Đào này sau khi hóa được phong là Bột Hải đại vương. Bột là đọc khác của Bát, là số 8 chỉ hướng Đông. Bột Hải = Bát Hải = biển Đông. Đào Công Bột từng làm Bộ trưởng đất Hải Dương, tức là phụ trách khu vực phía Đông giáp biển, cũng là vùng đất xuất phát của Vĩnh Công Bát Hải Động Đình.
Bát Hải Động Đình lập Hoa Đào Trang ở vùng Thái Bình. Thông tin này là giải nghĩa cho họ Đào của Bột Công. Đào hay Hoa, hay Hạ đều chỉ màu đỏ, màu của xứ nóng. Đất Đào là Hoa Hạ. Bát Hải Động Đình hay Đào Công Bột chính là Hạ Khải, người đã mở đầu Hoa Hạ ở vùng biển Đông. Hạ Khải cũng là Lạc Long Quân, vị vua của Thủy phủ trong truyền thuyết Việt. Đó là lý do vì sao anh em họ Đào lại được thờ phổ biến đến vậy trong dân gian.
Vì Đào Công Bột là vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ nên năm anh em họ Đào trấn giữ ngũ phương là Ngũ vị tôn ông (Thập vị quan lớn) trong tín ngưỡng Tứ phủ. Đặc biệt, một trong những nơi thờ Trung Thành Phổ Tế đại vương là làng Đống Tranh ở xã Minh Cường (Thường Tín, Hà Nội), có câu đối ở cổng đình:
突屼靈鐘標棟宇
瓏玲英毓瑩崢江
Đột ngột linh chung tiêu đống trụ
Lung linh anh dục oánh Tranh giang.
Dịch
Ngất cao thiêng đúc nêu mái đống
Lung linh đẹp dưỡng sáng sông Tranh.
Câu đối này nói tới Tranh giang, một con sông không hề chảy qua khu vực Thường Tín – Phú Xuyên. Sông Tranh là đoạn sông ở phía Nam tỉnh Hải Dương, con sông của vị quan lớn Đệ ngũ tuần Tranh trong Tứ phủ. Câu đối và cái tên làng Đống Tranh đã cho thấy liên hệ trực tiếp giữa anh em họ Đào với các vị quan lớn trong Tứ phủ.

Dong TranhĐình Đống Tranh, Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội.

Bản thân nơi Trưởng Lệnh hóa ở làng Đa Chất không cách xa Lảnh Giang, nơi có đền thờ quan Đệ tam của Tứ phủ là mấy. Trưởng Lệnh là Đệ tam công họ Đào. Còn quan lớn Đệ tam cũng tử tiết tại Lảnh Giang. Liệu có phải Lương giang và Lảnh giang là một, là đoạn sông Châu Giang đổ vào sông Hồng?
Câu đối khác ở đình Đống Tranh:
良水三岐異夢巍燃南土建崇祠
峰州萬里長城凜烈北方留正氣
Lương thủy tam kỳ dị mộng, nguy nhiên Nam thổ kiến sùng từ
Phong Châu vạn lí trường thành, lẫm liệt Bắc phương lưu chính khí.
Dịch:
Mộng lạ ngã ba sông Lương, nguy nga đất Nam dựng đền lớn
Thành dài Phong Châu vạn dặm, lẫm liệt phương Bắc giữ khí ngay.
Ngã ba sông Lương được gọi là Tam Kỳ, nơi có đền Ba Lương, chỗ hóa của Trung Thành Phổ Tế đại vương. Tam Kỳ còn tương ứng với Tam Giang. Hơn nữa Vĩnh Công Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng được sắc phong là Trấn Tây An Tam Kỳ linh ứng đại vương. Sự khớp nhau giữa tên gọi, công tích cho thấy hai chuyện Bát Hải Động Đình cùng Ngũ vị tôn ông và Đào Công Bột cùng 5 anh em Trưởng Lệnh, Thạch Khanh chỉ là một.

Co CheMảng chạm tiên rồng ở đình Cổ Chế, một nơi thờ Trung Thành Phổ Tế đại vương ở Phúc Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội.

Cuộc chiến Hùng – Thục được nói tới ở đây là cuộc chiến giữa ông Khải và ông Ích trong cổ sử Hoa Hạ thời kỳ 4.000 năm trước. Ông Khải là con của Đại Vũ và Long Nữ Động Đình, cũng là Lạc Long Quân của truyền thuyết Việt. Khi Đại Vũ mất, ông Khải không chấp nhận di mệnh truyền ngôi cho Bá Ích của Đại Vũ, đã liên kết các bộ tộc bên cha (Lạc) và mẹ (Long), làm cuộc đảo chính, đánh đuổi Bá Ích chạy về phía Tây. Thục là từ chỉ hướng Tây nên dòng Bá Ích được truyền thuyết Việt chép là quân Thục, gây chiến tranh kéo dài với dòng của Lạc Long – Hùng Vương.
Ông Ích còn được sự ủng hộ của bộ tộc Hữu Hộ Thị ở phía Nam (nay) trong cuộc chiến này. Vì vậy mới có chuyện Trưởng Lệnh (dòng Lạc Long – Hùng Vương) đã phải dẹp giặc Hồng Châu. Hồng Châu hay Hồng Lĩnh là nơi có cố đô Ngàn Hống xưa. Hay trong thần tích đình Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) ghi Trưởng Lệnh đi đánh dẹp giặc Tôn Tinh. Tôn Tinh là Hồ Tôn Tinh thời Hùng Vương, là nước ở phía Nam nước Văn Lang.
Cuối cùng không rõ sự tranh giành ngôi vị nơi thờ giữa Thổ Lệnh và Thạch Khanh ở Bạch Hạc có phải ngầm chỉ sự tranh giành vương vị giữa hai dòng Lạc Long và Thục không. Thạch là hành chỉ hướng Tây trong Ngũ hành. Thạch Khanh là vị khanh hầu phía Tây, tương ứng với Bá Ích. Xét kỹ thì Thổ Lệnh – Thạch Khanh và Hạ Khải – Bá Ích đều là anh em một dòng từ Hoàng Đế. Trong cuộc tranh giành ngôi vị ở Tam Giang Phong Châu, Hạ Khải – Lạc Long đã thắng, Bá Ích – Thục buộc phải “xếp sau” và di rời về phía Tây. Ích cũng là Ất hay thứ 2 (trong thập can).
Cuộc chiến Hùng – Thục thứ nhất trong truyền thuyết Việt đánh dấu sự chia tách của người Việt theo hai hướng Đông Tây. Dấu vết, truyền tích của cuộc chiến thời lập quốc này vẫn còn in đậm, lưu giữ dưới câu chuyện về thần Bạch Hạc Tam Giang và vị thần họ Đào được thờ suốt một dải từ ngã ba sông Việt Trì tới vùng đồng bằng Bắc bộ. Sự tích các vị thần thời Hùng Vương đan xen lẫn nhau, nhưng ngẫm kỹ vẫn có thể sáng tỏ chuyện của 4000 năm trước.

Nước Lỗ của Khổng Tử nằm ở đâu?

Nhân thể chuyện xây văn miếu và thờ Khổng Tử ở Việt Nam đang được dư luận bàn tán rôm rả xin góp vui vài ý về sự thật nước Lỗ và quê hương của Khổng Tử.
Khổng Tử người nước Lỗ thì ai cũng biết, nhưng nước Lỗ này nằm ở đâu? Sử ký Tư Mã Thiên chép về quê hương của Khổng Tử  như sau: Khổng Tử sinh ở ấp Trâu, thuộc làng Xương Bình nước Lỗ. Tổ tiên trước kia là người nước Tống…
Thông tin gốc như vậy mà không biết căn cứ vào đâu cho rằng quê của Khổng Tử “nay là” huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc? Khổng Miếu ở Sơn Đông cho dù có là di sản văn hóa thế giới nhưng niên đại của cái miếu đó chắc không quá được thời Đường Tống đổ về, tức là xây cách thời Khổng Tử cỡ trên 1.500 năm.

Nước Lỗ vốn là đất phong của Chu Công Đán, vị đại công thần lập  quốc lớn nhất của nhà Chu. Nước Lỗ của Chu Công không hề nằm ở vùng Sơn Đông vì thời Ân Thương khu vực Sơn Đông là đất của dân Di, không phải của người Hoa. Chu Công còn phải vất vả đi đánh dẹp cuộc nổi loạn của hậu duệ nhà Ân là Vũ Canh liên kết với đám Hoài Di, Từ Nhung thời Chu Thành Vương. Như vậy làm gì có chuyện đất phong của Chu Công trước đó lại nằm trên đất của Di Địch được.
Trà kinh của Lục Vũ (học giả thời Đường) chép: Trà làm thức uống, khởi từ Thần Nông thị, truyền bởi Lỗ Chu Công, Tề có Án Anh… Vậy là 3.000 năm trước Chu Công nước Lỗ đã thích uống trà. Nhưng vùng Sơn Đông (hay vùng Hoàng Hà nói chung) làm gì có cây trà mà uống? Trà (chè) là loài cây gốc tự nhiên ở khu vực dãy Hymalaya, như ở Vân Nam và Bắc Việt. Làm gì có trà mọc ở bán đảo Sơn Đông băng giá.
Chuyện khác, Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử đã ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ Khoa Đẩu cổ văn do ông cha chúng tôi cất giấu. Vương lại lên nhà thờ đức Khổng Tử, nghe được tiếng vàng, đá, tơ, trúc, bèn không cho phá nhà nữa, đem toàn bộ sách trả cho họ Khổng”.
Thì ra Khổng Tử chép Ngũ kinh bằng chữ Khoa đẩu. Chữ Khoa đẩu được biết là chữ của người Việt cổ. Khổng Tử soạn kinh bằng chữ Việt, hỏi Khổng Tử là người Việt hay người Tàu?
Chân lạp phong thổ ký do Chu Đạt Quan thời Nguyên đi sứ sang đất Chân Lạp (Cămpuchia) thì ghi nhận: Ngôi tháp bằng đá (Phnom Bakheng) ở ngoài cửa thành hướng Nam nửa dặm, người ta thuật lại rằng ông Lỗ Ban, vị kiến trúc sư Trung Hoa theo huyền thoại đã xây cất trong một đêm. Ngôi mộ của ông Lỗ Ban (Angko Wat) ở ngoài cửa Nam lối một dặm, có hàng trăm căn nhà bằng đá.
Lỗ Ban, vị tổ nghề mộc và xây dựng người nước Lỗ cùng thời với Khổng Tử mà lại đi xây tháp ở Cămpuchia và mộ nằm ở Angko Wat. Hỏi nước Lỗ của Lỗ Ban và Khổng Tử phải nằm ở đâu?
Khổng Tử làm Kinh Xuân thu đến năm Lỗ Ai Công săn được con Lân thì dừng bút. Vì thế Kinh Xuân thu còn gọi là Lân kinh. Thế nhưng, Chu Hy (thế kỷ 12 thời Nam Tống) chú giải về con Lân như sau: Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống.
Loài thú đứng đầu các loài có lông mao (động vật có vú), trông giống hươu, đuôi bò, móng ngựa, có một sừng thì phải là con Tê giác. Con Lân là con Tê hay con Tây. Vấn đề là con Tê giác thì không thể nào có ở khu vực Sơn Đông được. Tê giác là loài vật của vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, gặp ở Lào – Việt Nam – Cămpuchia. Nước Lỗ nơi Lỗ Ai Công săn được con Lân chắc chắn nằm ở khu vực bán đảo Đông Dương, chứ không phải bán đảo Sơn Đông của vùng ôn đới.

NhathohoCao

Nhà thờ họ Cao tại Nho Lâm, Diễn Thọ.

Thông tin từ văn hóa dân gian Việt cũng cho một số chỉ dẫn về vị trí nước Lỗ. Nhà thờ họ Cao ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An thờ tổ Cao Đại Tôn là ông Cao Thiện Trí, sống vào quãng năm 1360. Gia phả họ Cao nhận mình là xuất xứ từ vùng Bột Hải. Bột Hải nếu như ngày nay là vùng biển giáp với Triều Tiên ở tít phía Bắc Trung Quốc. Thực ra Bột Hải hay Bát Hải nghĩa là biển ở phương số Tám (8), tức là phương Đông trong Hà thư. Bột Hải của họ Cao là vùng biển Đông ngày nay.
Ông Cao Thiện Trí còn được gia phả họ Cao ghi lấy vợ là bà Khổng Thị Tám, người… nước Lỗ chạy loạn sang Nghệ An. Nước Lỗ ở gần Nghệ An và Bột Hải – biển Đông thì phải là khu vực nước Lào ngày nay. Đây mới là vị trí thực sự quê của Khổng Tử, nơi có những con Lân – Tê sinh sống, có những cây trà cổ thụ mọc trong tự nhiên, nơi người dân vốn dùng chữ Khoa đẩu mà chép sách truyền kinh.
Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Diễn Châu, Nghệ An thì có câu đối:
Cổ nguyệt môn cao, hệ xuất thần minh Ngu đế trụ
Bảng sơn địa thắng, thế truyền thi lễ Khổng sư tông.
Dịch:
Cửa cao trăng Hồ, sinh ra dòng dõi anh minh đế Ngu Thuấn
Đất lành núi Bảng, các đời truyền lễ nghĩa thầy Khổng Khâu.
Họ Hồ, dòng họ của những vĩ nhân Hồ Quý Ly, Quang Trung và Hồ Chí Minh, là có nguồn gốc từ Đế Ngu Thuấn, theo lễ nghĩa của Khổng Tử. Người Việt thực sự đã bị lạc hướng và hiểu sai về nguồn gốc và văn hóa của mình. Những đóng góp to lớn của Khổng Tử cho nền văn hóa Trung Hoa chính đã tạo nên nền tảng của văn hóa Việt.
Có thơ:
Muốn cứu đời thánh nhân Khổng Tử
Dốc lao tâm khổ tứ viết kinh
Thư, Thi, Dịch, Lễ, Nhạc thành
“Vạn thế sư biểu” tôn vinh đời đời.

Lời cảm ơn độc giả sách BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI

rong tron

Tuyển tập các bài viết lịch sử nước Nam qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian với tựa đề BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI ra mắt bạn đọc tới nay đã được hơn một năm. Cho dù cuốn sách đã không thể bày bán trên các tiệm sách, nhà sách, nhưng một năm qua đã có nhiều bạn đọc tìm và mua cuốn sách chưa xuất bản này. Những gì bạn đọc dành cho cuốn sách thực sự là một nguồn động viên to lớn đối với tác giả. Xin trân trọng bày tỏ lời cảm ơn bạn đọc gần xa đã quan tâm và ủng hộ cho cuốn sách.

Trước hết xin cảm ơn tới 2 nhà văn Hồ Trung Tú và Nguyễn Xuân Hưng, những người đã góp nhiều ý kiến và đánh giá đối với cuốn sách. Anh Hồ Trung Tú trong bài viết trên báo Người lao động về “Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba” đã rất công tâm khi xếp cuốn sách này vào chung với các tác phẩm của tác gia nổi danh đương thời khác. Quả là một đánh giá đáng giá. Anh Nguyễn Xuân Hưng thì có riêng một bài phát biểu cảm tưởng về cuốn sách, lời văn nhẹ nhàng nhưng rất hấp dẫn và đúng vấn đề, đúng với phong cách của một nhà văn.

Lời cảm ơn thứ hai dành cho các thành viên Diễn đàn Lý học phương Đông đã rất quan tâm tới cuốn sách. Đàn chủ Thiên Sứ đã ngỏ lời mua sách ngay từ đầu khi sách mới trình làng. Tiếc là do hoàn cảnh nên chưa được gặp anh để trao tặng sách. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của đàn chủ đã là gương cho những thành viên có tiếng khác như anh Thiên Bồng ở miền Nam, tìm đặt mua sách. Đặc biệt là bác Lãn Miên, tuổi tuy đã cao mà đã 2 lần hạ cố tới “thảo lư” mua sách, tuy cả 2 lần “thảo dân” đều vắng nhà. Có lẽ duyên số… phải đợi đến lần thứ ba mới có dịp hội ngộ chăng?

Một bác có tuổi khác ở TP Hồ Chí Minh ngay trong lần ra sách đầu đã đặt mua ngay 10 cuốn. Sách này chắc không phải thứ ăn được để mua số lượng nhiều mà dùng dần khi đói. 10 cuốn sách mua về hẳn là để tặng bạn tặng bè, giúp tác giả đưa được nội dung tới nhiều người đọc hơn. Chân tình này đối với cuốn sách thật đáng quý.

Kỷ lục về số lượng mua sách thuộc về một độc giả đặt mua tới 3 lần, tổng cộng 21 cuốn sách. Độc giả này là Tổng giám đốc một Công ty cổ phần chứng khoán có tiếng. Một doanh nhân lại có hứng thú, tâm huyết đến vậy thật hiếm có. Cách suy nghĩ thực tế, chín chắn của một doanh nhân đối với vấn đề được nêu ra còn có tinh thần khoa học hơn nhiều so với các giáo sư tiến sĩ mà từng được lấy ý kiến tham khảo khi soạn sách.

Còn nhiều độc giả khác, người đến tận nơi, người gửi qua bưu điện,… đã nhận được cuốn sách. Hy vọng những gì cuốn sách đem lại cho độc giả không chỉ là sự giải trí trong đôi chốc, mà là sự giải phóng tư duy để tìm về chân lý đúng đắn hơn cho lịch sử và văn hóa nước nhà. Tìm hiểu nguồn gốc tổ tiên của mình là việc không ai không cần làm. Có lẽ vì vậy mà cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đến vậy của bạn đọc.

Có nhiều người có những ý tưởng hay, muốn viết thành sách, nhưng lại không đủ kiên trì mà viết ra. Nhưng đáng trách hơn, có những người thấy sách hay nhưng lại không đủ nhiệt tình bỏ công ra đặt sách. Nếu bạn muốn có cuốn BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI xin đừng ngại liên hệ theo địa chỉ bachviet18@yahoo.com.

Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử,… còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử…“. Một lần nữa xin cảm ơn những người dân Việt đã gìn giữ những tư liệu lịch sử quý báu trong dân gian, trong thần tích, trong tín ngưỡng. Đó cũng gìn giữ để là hồn Việt còn sống mãi và tỏa sáng.

Hồn sông núi nước Nam còn mãi
Để hôm nay ta lại là ta
Hé mây trời sáng bao la
Anh linh tiên tổ Hùng ca đời đời.

Bia tap 1

Tóm tắt 18 bài viết trong cuốn BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI

1. Ông trời Bà trời
Ông Trời là Hoàng Đế Hiên Viên, cũng là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của người Việt. Bà Trời hay Mẫu Thượng thiên là Tây Thiên quốc mẫu – Tây Vương Mẫu, cầm đầu bộ tộc Cao Sơn ở núi Côn Lôn – Tam Đảo.
2. Đế quốc Lạc Hồng
Lạc Hồng là hai vùng đất Đào – Đường thời Đế Nghiêu – Đế Nghi. Đế Nghi làm vua phương Bắc (Hồng), Lộc Tục làm vua phương Nam (Lạc), là thời kỳ Nam Giao mở nước của người Việt.
3. Tản Viên Sơn Thánh
Vị thần đứng đầu trong các thần linh Việt là Sơn Tinh – Đại Vũ, người đã phát huy ứng dụng Hà Lạc trong công cuộc trị thủy và tập hợp các bộ tộc ở bốn phương, dựng nên nước Việt thời sơ sử.
4. Rồng bay biển Bát
Cha rồng Lạc Long Quân xuất thế nơi biển Động Đình – biển Đông là vua cha của Thoải phủ, là Hạ Khải, người mở đầu Hoa Hạ của 4.000 năm trước.
5. Non sông Bách Việt
Mẹ Âu Cơ dựng nước Văn Lang ở đất Phong là Văn Vương Cơ Xương. Người sinh Bách Việt là Chu Vũ Vương sau khi diệt Ân Trụ Vương với sự phò tá của thần Phù Đổng. Những cổ vật đồ đồng thời Thương Chu hiện hữu ở vùng Đông Dương minh chứng cho những sự kiện này.
6. Lão Tử hóa Việt kinh
Vị giáo chủ Đạo Giáo Lão Tử không ai khác là Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần đã sai khiến Rùa Vàng giúp vua Chu An Dương Vương dời đô từ Tây sang Đông, xây thành ở Cổ Loa.
7. Nhân duyên Tần Việt
Câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy là mối lương duyên Chu – Tần, sinh ra đại đế Tần Thủy Hoàng, thống nhất Trung Hoa thời cổ đại.
8. Hương Bổng Đổng Đằng
Hương là đức thánh Chiêm Lý Ông Trọng trấn Hoa Di. Bổng là Phù Đổng Thiên vương đánh giặc Ân. Đổng là Huyền Thiên Đại Thánh khiển quy xà. Đằng là vua Mây họ Phạm trấn giữ miền duyên hải.
9. Thiên Nam đế thủy
Người khởi đầu nước Nam Việt là Triệu Vũ Đế, cũng là Cao Tổ Lưu Bang và là Long Hưng Lý Bôn, xuất Thái Bình, khởi nghĩa ở Long Biên mà nên nghiệp đế vương.
10. Nam quốc sơn hà
Nước Nam Việt của nhà Triệu là chuyện Triệu Quang Phục trong truyền thuyết. 4 đời vua Triệu gắn liền với tên họ của Lữ Gia, hay Lữ tộc từ Lữ Hậu.
11. Lời thề sông Hát
Khởi nghĩa của Nhị Trưng Vương hay Trương Hống Trương Hát nối tiếp ý chí Phục Man của Lữ Gia, lấy sông Hát làm nơi dựng cờ đền nợ nước Nam Việt, trả thù nhà cho Triệu Việt Vương.
12. Những anh hùng thời loạn
Tiền nhân họ Phùng là Phàn Sùng đánh đuổi Lục Lâm Hán quân xâm lược. Huynh đệ Sĩ Vương 40 năm tự quản Giao Châu, chống giặc giữ là các châu mục thái thú Đặng Nhượng, Tích Quang. Sĩ Nhiếp thứ hai là Đô Hồ Phạm Tu, cũng là thần Long Đỗ, thành hoàng Thăng Long.
13. Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Ngọn cờ của khởi nghĩa Khăn Vàng trên đất Tượng Lâm của anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh đã chặn đứng bước tiến của Hán quân Mã Viện xuống phương Nam, làm tiền đề cho Lý Bí dựng nên nước Tây Đồ Di – Tây Thục.
14. Sáu trăm năm Lâm Ấp
Thục Ngô mất nhưng Lâm Ấp của Mạnh Hoạch vẫn còn. 600 năm độc lập của con cháu Triệu Vũ Đế tính đến khi Lý Phật Tử về với nhà Tùy. Tấm bia cổ phát hiện ở Bắc Ninh xác nhận chùa Dâu là chùa Thiền Chúng, nơi Tùy Văn Đế xây tháp xá lợi ngay trên kinh đô của Lý Phật Tử.
15. Bố Cái đại vương
Lâm Ấp – Nam Chiếu lại phục hưng từ Bố Cái đại vương họ Phùng, là Khun Borom, tổ của người Thái ở Tây Bắc, Lào, Thái Lan và Vân Nam.
16. Giang Tây sứ quân
Cao Vương Biền người Bột Hải – biển Đông đã dẹp được quân Lâm Ấp khỏi miền Đông Giao Chỉ, trở thành Tiết độ sứ Giang Tây – Tĩnh Hải đầu tiên. Những viên gạch Giang Tây xây La Thành là gạch của Tĩnh Hải quân.
17. Đại Việt Đại Hưng
Tam vị chủ họ Khúc kiến lập nước Đại Việt đầu tiên, từ Long Thành chiếm Nghiễm Châu, đóng đô ở Hưng Vương phủ, thống nhất 2 vùng Thanh Hải và Tĩnh Hải. Đồng tiền Đại Hưng bình bảo là vật chứng rõ ràng của thời đại này.
18. Truyền thuyết Đinh Lê
12 sứ quân là các tiết độ sứ thời Mạt Đường, là Thập quốc thời Ngũ quý. Họ Lý ẩn họ Lê, âm thầm phục quốc trên đất Đinh bộ – Tĩnh Hải, tới Lý Thánh Tông dời đô về Thăng Long và xưng Đại Việt ngàn năm độc lập.