Tuyển tập các bài viết lịch sử nước Nam qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian với tựa đề BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI ra mắt bạn đọc tới nay đã được hơn một năm. Cho dù cuốn sách đã không thể bày bán trên các tiệm sách, nhà sách, nhưng một năm qua đã có nhiều bạn đọc tìm và mua cuốn sách chưa xuất bản này. Những gì bạn đọc dành cho cuốn sách thực sự là một nguồn động viên to lớn đối với tác giả. Xin trân trọng bày tỏ lời cảm ơn bạn đọc gần xa đã quan tâm và ủng hộ cho cuốn sách.
Trước hết xin cảm ơn tới 2 nhà văn Hồ Trung Tú và Nguyễn Xuân Hưng, những người đã góp nhiều ý kiến và đánh giá đối với cuốn sách. Anh Hồ Trung Tú trong bài viết trên báo Người lao động về “Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba” đã rất công tâm khi xếp cuốn sách này vào chung với các tác phẩm của tác gia nổi danh đương thời khác. Quả là một đánh giá đáng giá. Anh Nguyễn Xuân Hưng thì có riêng một bài phát biểu cảm tưởng về cuốn sách, lời văn nhẹ nhàng nhưng rất hấp dẫn và đúng vấn đề, đúng với phong cách của một nhà văn.
Lời cảm ơn thứ hai dành cho các thành viên Diễn đàn Lý học phương Đông đã rất quan tâm tới cuốn sách. Đàn chủ Thiên Sứ đã ngỏ lời mua sách ngay từ đầu khi sách mới trình làng. Tiếc là do hoàn cảnh nên chưa được gặp anh để trao tặng sách. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của đàn chủ đã là gương cho những thành viên có tiếng khác như anh Thiên Bồng ở miền Nam, tìm đặt mua sách. Đặc biệt là bác Lãn Miên, tuổi tuy đã cao mà đã 2 lần hạ cố tới “thảo lư” mua sách, tuy cả 2 lần “thảo dân” đều vắng nhà. Có lẽ duyên số… phải đợi đến lần thứ ba mới có dịp hội ngộ chăng?
Một bác có tuổi khác ở TP Hồ Chí Minh ngay trong lần ra sách đầu đã đặt mua ngay 10 cuốn. Sách này chắc không phải thứ ăn được để mua số lượng nhiều mà dùng dần khi đói. 10 cuốn sách mua về hẳn là để tặng bạn tặng bè, giúp tác giả đưa được nội dung tới nhiều người đọc hơn. Chân tình này đối với cuốn sách thật đáng quý.
Kỷ lục về số lượng mua sách thuộc về một độc giả đặt mua tới 3 lần, tổng cộng 21 cuốn sách. Độc giả này là Tổng giám đốc một Công ty cổ phần chứng khoán có tiếng. Một doanh nhân lại có hứng thú, tâm huyết đến vậy thật hiếm có. Cách suy nghĩ thực tế, chín chắn của một doanh nhân đối với vấn đề được nêu ra còn có tinh thần khoa học hơn nhiều so với các giáo sư tiến sĩ mà từng được lấy ý kiến tham khảo khi soạn sách.
Còn nhiều độc giả khác, người đến tận nơi, người gửi qua bưu điện,… đã nhận được cuốn sách. Hy vọng những gì cuốn sách đem lại cho độc giả không chỉ là sự giải trí trong đôi chốc, mà là sự giải phóng tư duy để tìm về chân lý đúng đắn hơn cho lịch sử và văn hóa nước nhà. Tìm hiểu nguồn gốc tổ tiên của mình là việc không ai không cần làm. Có lẽ vì vậy mà cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đến vậy của bạn đọc.
Có nhiều người có những ý tưởng hay, muốn viết thành sách, nhưng lại không đủ kiên trì mà viết ra. Nhưng đáng trách hơn, có những người thấy sách hay nhưng lại không đủ nhiệt tình bỏ công ra đặt sách. Nếu bạn muốn có cuốn BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI xin đừng ngại liên hệ theo địa chỉ bachviet18@yahoo.com.
“Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử,… còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử…“. Một lần nữa xin cảm ơn những người dân Việt đã gìn giữ những tư liệu lịch sử quý báu trong dân gian, trong thần tích, trong tín ngưỡng. Đó cũng gìn giữ để là hồn Việt còn sống mãi và tỏa sáng.
Hồn sông núi nước Nam còn mãi
Để hôm nay ta lại là ta
Hé mây trời sáng bao la
Anh linh tiên tổ Hùng ca đời đời.
Tóm tắt 18 bài viết trong cuốn BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI
1. Ông trời Bà trời
Ông Trời là Hoàng Đế Hiên Viên, cũng là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của người Việt. Bà Trời hay Mẫu Thượng thiên là Tây Thiên quốc mẫu – Tây Vương Mẫu, cầm đầu bộ tộc Cao Sơn ở núi Côn Lôn – Tam Đảo.
2. Đế quốc Lạc Hồng
Lạc Hồng là hai vùng đất Đào – Đường thời Đế Nghiêu – Đế Nghi. Đế Nghi làm vua phương Bắc (Hồng), Lộc Tục làm vua phương Nam (Lạc), là thời kỳ Nam Giao mở nước của người Việt.
3. Tản Viên Sơn Thánh
Vị thần đứng đầu trong các thần linh Việt là Sơn Tinh – Đại Vũ, người đã phát huy ứng dụng Hà Lạc trong công cuộc trị thủy và tập hợp các bộ tộc ở bốn phương, dựng nên nước Việt thời sơ sử.
4. Rồng bay biển Bát
Cha rồng Lạc Long Quân xuất thế nơi biển Động Đình – biển Đông là vua cha của Thoải phủ, là Hạ Khải, người mở đầu Hoa Hạ của 4.000 năm trước.
5. Non sông Bách Việt
Mẹ Âu Cơ dựng nước Văn Lang ở đất Phong là Văn Vương Cơ Xương. Người sinh Bách Việt là Chu Vũ Vương sau khi diệt Ân Trụ Vương với sự phò tá của thần Phù Đổng. Những cổ vật đồ đồng thời Thương Chu hiện hữu ở vùng Đông Dương minh chứng cho những sự kiện này.
6. Lão Tử hóa Việt kinh
Vị giáo chủ Đạo Giáo Lão Tử không ai khác là Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần đã sai khiến Rùa Vàng giúp vua Chu An Dương Vương dời đô từ Tây sang Đông, xây thành ở Cổ Loa.
7. Nhân duyên Tần Việt
Câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy là mối lương duyên Chu – Tần, sinh ra đại đế Tần Thủy Hoàng, thống nhất Trung Hoa thời cổ đại.
8. Hương Bổng Đổng Đằng
Hương là đức thánh Chiêm Lý Ông Trọng trấn Hoa Di. Bổng là Phù Đổng Thiên vương đánh giặc Ân. Đổng là Huyền Thiên Đại Thánh khiển quy xà. Đằng là vua Mây họ Phạm trấn giữ miền duyên hải.
9. Thiên Nam đế thủy
Người khởi đầu nước Nam Việt là Triệu Vũ Đế, cũng là Cao Tổ Lưu Bang và là Long Hưng Lý Bôn, xuất Thái Bình, khởi nghĩa ở Long Biên mà nên nghiệp đế vương.
10. Nam quốc sơn hà
Nước Nam Việt của nhà Triệu là chuyện Triệu Quang Phục trong truyền thuyết. 4 đời vua Triệu gắn liền với tên họ của Lữ Gia, hay Lữ tộc từ Lữ Hậu.
11. Lời thề sông Hát
Khởi nghĩa của Nhị Trưng Vương hay Trương Hống Trương Hát nối tiếp ý chí Phục Man của Lữ Gia, lấy sông Hát làm nơi dựng cờ đền nợ nước Nam Việt, trả thù nhà cho Triệu Việt Vương.
12. Những anh hùng thời loạn
Tiền nhân họ Phùng là Phàn Sùng đánh đuổi Lục Lâm Hán quân xâm lược. Huynh đệ Sĩ Vương 40 năm tự quản Giao Châu, chống giặc giữ là các châu mục thái thú Đặng Nhượng, Tích Quang. Sĩ Nhiếp thứ hai là Đô Hồ Phạm Tu, cũng là thần Long Đỗ, thành hoàng Thăng Long.
13. Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Ngọn cờ của khởi nghĩa Khăn Vàng trên đất Tượng Lâm của anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh đã chặn đứng bước tiến của Hán quân Mã Viện xuống phương Nam, làm tiền đề cho Lý Bí dựng nên nước Tây Đồ Di – Tây Thục.
14. Sáu trăm năm Lâm Ấp
Thục Ngô mất nhưng Lâm Ấp của Mạnh Hoạch vẫn còn. 600 năm độc lập của con cháu Triệu Vũ Đế tính đến khi Lý Phật Tử về với nhà Tùy. Tấm bia cổ phát hiện ở Bắc Ninh xác nhận chùa Dâu là chùa Thiền Chúng, nơi Tùy Văn Đế xây tháp xá lợi ngay trên kinh đô của Lý Phật Tử.
15. Bố Cái đại vương
Lâm Ấp – Nam Chiếu lại phục hưng từ Bố Cái đại vương họ Phùng, là Khun Borom, tổ của người Thái ở Tây Bắc, Lào, Thái Lan và Vân Nam.
16. Giang Tây sứ quân
Cao Vương Biền người Bột Hải – biển Đông đã dẹp được quân Lâm Ấp khỏi miền Đông Giao Chỉ, trở thành Tiết độ sứ Giang Tây – Tĩnh Hải đầu tiên. Những viên gạch Giang Tây xây La Thành là gạch của Tĩnh Hải quân.
17. Đại Việt Đại Hưng
Tam vị chủ họ Khúc kiến lập nước Đại Việt đầu tiên, từ Long Thành chiếm Nghiễm Châu, đóng đô ở Hưng Vương phủ, thống nhất 2 vùng Thanh Hải và Tĩnh Hải. Đồng tiền Đại Hưng bình bảo là vật chứng rõ ràng của thời đại này.
18. Truyền thuyết Đinh Lê
12 sứ quân là các tiết độ sứ thời Mạt Đường, là Thập quốc thời Ngũ quý. Họ Lý ẩn họ Lê, âm thầm phục quốc trên đất Đinh bộ – Tĩnh Hải, tới Lý Thánh Tông dời đô về Thăng Long và xưng Đại Việt ngàn năm độc lập.
Tác giả cho hỏi muốn mua quyển này thì đến đâu để có được ?
LikeLike
Xin liên hệ bachviet18@yahoo.com
Sách gửi qua bưu điện hoặc lấy tại Hà Nội.
LikeLike