Lý Nam Việt Đế và Triệu Việt Vương

Sử sách Việt có những chuyện viết rõ bằng chữ nghĩa hẳn hoi nhưng các sử gia bao đời nay cứ phải đi tìm chân lý ở tận đâu đâu…

Người Tây chép sử Nam nói rằng: Sử nước Nam mãi đến đời Trần mới bắt đầu làm, thì những đời trước tất phải theo sử Tàu mà chép ra. Đời Tiền Lý sử Tàu đã không có thì sử thần nước Nam lấy đâu mà chép? Vậy thì thế nào cũng có chỗ bịa đặt, mà có một điều khiến cho nhiều người tin là bịa đặt là chuyện Nhã Lang đi gửi rể và đổi móng rồng, y như chuyện Trọng Thủy và Mỵ Châu” (H. Maspero, trích theo Đại Nam dật sử của Ứng học Nguyễn Văn Tố).

Ông Tây Maspero nói có lý … một phần. Sử Nam ngoài chép theo sử Tàu còn chép theo … “dật sử”, tức là sử trong dân gian người Việt. “Móng rồng” trong chuyện Nhã Lang – Cảo Nương không phải bịa đặt, mà là hình tượng của một câu chuyện lịch sử có thật, khác “móng rùa” của chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu…

Đại Việt sử ký toàn thư chép về Lý Bôn: “Mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy.
Lý Bôn là Nam Việt Đế. Sách nào cũng chép vậy, từ Việt sử lược tới An Nam chí nguyên. Nam Việt Đế tức là vua nước Nam Việt. Không hiểu sao các sử gia lại chép chỉ còn là Lý Nam Đế?

Câu đối ở Quán Giang (Hoài Đức – Hà Nội), nơi thờ Lý Bôn, bắt đầu bằng: “Hồng duy Nam Việt triệu cơ…”.
Lý Bôn là vua nước Nam Việt. Nam Việt là nước do Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) lập nên, đô đóng ở Phiên Ngung (Quảng Đông). Như vậy Lý Bôn chính là Triệu Vũ Đế, là người Việt (Giao Chỉ) đầu tiên xưng đế, mở đầu một thời đại huy hoàng của sử Việt. Lý Nam Việt Đế là cách gọi theo kiểu sử Việt lấy họ vua và tên nước mà gọi. Triệu Vũ Đế là cách gọi của Hoa sử theo quốc danh và miếu hiệu của vua. Tuy 2 tên nhưng là một người.

Ở Quán Giang Lý Bôn được thờ với tên Cử Long Hưng. Còn ở đình Xuân Quan (Văn Giang – Hưng Yên) Triệu Vũ Đế lập điện Long Hưng bên bờ sông Hồng. Long Hưng nghĩa là Hưng Vương, ứng với câu đối ở Phủ Giầy: “Hưng Vương vĩ lược cao thiên cổ”.
Hưng Vương Lý Bôn cũng là Long Hưng Triệu Vũ Đế, và cũng chính là “Hán” vương Lưu Bang của Hoa sử.

Hoi Bat Trang Lễ hội làng Bát Tràng, nơi thờ Lưu thiên tử và hoàng hậu

Tương tự, tiếp theo Lý Bôn các sử gia xác định có thời Triệu Việt Vương dựa vào đoạn chép của An Nam chí nguyên Việt sử lược: “Năm Nhân Thọ thứ hai thời Tùy Văn Đế, người cầm đầu châu là Nguyễn (Lý) Phật Tử chiếm Việt Vương Thành”. Vì có “Việt Vương Thành” nên suy ra có Việt Vương và kết luận Việt Vương này là Triệu Việt Vương (!?).

Thực ra chuyện Hậu Lý Nam Đế dưới thời Tùy Văn Đế chiếm Việt Vương Thành là thành … Việt Trì (Phong Châu), cổ thành của người Việt từ thời Chu Văn Lang.

Còn để xác định Triệu Việt Vương dựa vào chữ “Việt Vương Thành” thì cách xác định sau còn chính xác hơn: Việt Vương là vua nước … Nam Việt, họ Triệu tức là con cháu Triệu Vũ Đế. Triệu Việt Vương là vua Nam Việt của nhà Triệu. Triệu Việt Vương tiếp ngôi của Lý Nam Việt Đế thì không phải là vua Nam Việt thì là gì?

Dật sử Việt chép Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đóng quân ở đầm Dạ Trạch (Hưng Yên), nằm mộng thấy rồng vàng hiện lên, trao cho móng rồng. Lấy móng rồng đó làm mũ đâu mâu. Từ đó đánh đâu thắng đấy…

Dinh Da Hoa Đền Dạ Trạch thờ Triệu Quang Phục và Chử Đồng Tử

Đầm Dạ Trạch gần bãi Tự Nhiên, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung thời Hùng Vương. Lĩnh Nam chích quái chép sự tích của Chử Đồng Tử và Triệu Quang Phục vào trong một truyện Đầm Nhất Dạ. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì thấy người trao móng rồng cho Triệu Việt Vương không phải là Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử tu tiên, chỉ có “bảo bối” là trượng lạp (gậy nón), cưỡi hạc, chứ không cưỡi rồng. Rồng là hình tượng của đế vương mà Chử Đồng Tử thì không làm vua bao giờ.

Người trao móng rồng cho Triệu Quang Phục chính là … Triệu Vũ Đế ở điện Long Hưng (Xuân Quan – Văn Giang) ngay bên cạnh đầm Dạ Trạch. Móng rồng mà dùng làm mũ thì có khác gì là vương miện? Ý nghĩa của việc này là Triệu Vũ Đế (Lý Bôn) đã trao vận hội đế vương (Long Hưng) cho Triệu Quang Phục. Điều này nhấn mạnh triều đại Nam Việt của Triệu Việt Vương là vương triều chính truyền của Triệu Vũ Đế (Lý Bôn – Lưu Bang).

Vế đối về Triệu Việt Vương ở đình Phù Sa (Ninh Bình): “Đâu mâu thánh vũ hưng Nam Lý”, mô tả rất chính xác ý nghĩa của mũ đâu mâu. Triệu Việt Vương là người đã “hưng Nam Lý”, tức là đã chấn hưng nước Nam Việt từ Lý Bôn.

Người tiếp nối Triệu Vũ Đế chấn hưng Nam Việt là Triệu Văn Vương hay Triệu Mạt. Mạt <-> Một. Triệu Mạt là vị vua họ Triệu thứ nhất, cũng là Triệu Đà (Đà <->Đầu). Mạt còn đọc là Muội <-> Mùi <->Dê <-> Dương, là vua Triệu ở Dương Thành (Phiên Ngung).

Thành Phiên Ngung (Quảng Đông) còn có tên là Ngũ Dương Thành với hình tượng 5 vị tiên cưỡi 5 con dê. Thực ra Dương nghĩa là phương Đông, nơi mặt trời lên. Ngũ Dương nghĩa là 5 đời vua nhà Triệu phía Đông (gồm cả Triệu Vũ Đế Lưu Bang).

Sau khi Lữ Hậu mất Triệu Văn Vương đã nối tiếp Triệu Vũ Đế Lưu Bang cai quản đất Nam Việt, xưng đế ngang với nhà Tây Hán. Truyền thuyết Việt chép là Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử giảng hòa, chia đôi lãnh thổ, lấy bãi Quân Thần làm ranh giới… Không rõ giữa Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử thì ai là Quân ai là Thần. Có lẽ ai có vương miện “móng rồng” thì sẽ là Quân, người kia là Thần.

Triều đại của Lý Phật Tử là triều Tây Hán của các vua danh Hiếu, cũng là con cháu Lý Bôn – Lưu Bang. Lý Phật Tử không có mũ đâu mâu móng rồng của Triệu Vũ Đế nên có vấn đề về danh nghĩa so với triều đại Nam Việt của Triệu Việt Vương. Vì thế Nhã Lang mới được cử đi ở rể để lấy trộm đâu mâu…

Chuyện Nhã Lang – Cảo Nương là hình ảnh của chuyện Minh Vương Triệu Anh Tề làm con tin ở nhà Tây Hán, lấy Cù Thị về lập làm Hoàng hậu và sứ giả Tây Hán là Thiếu Quý xúi giục Cù Thị và Triệu Ai Vương hàng nhà Tây Hán. Anh Tề và Nhã Lang cận nghĩa. Cù Thị và Cảo Nương cận âm.

Sử ký Tư Mã Thiên, Nam Việt Úy Đà liệt truyện có đoạn:
“[Triệu] Hồ mất, thụy là Văn Vương. Anh Tề lên ngôi thay, lập tức giấu ngay ấn Vũ Đế của Triệu Đà“.

Thì ra ấn Vũ Đế của Lưu Bang nằm trong tay nhà Triệu. Đây chính là “móng rồng” mà Triệu Việt Vương đã nhận từ thần nhân. Có thể khi Lữ Hậu mất, người nhà họ Lữ (Lữ Gia) đã lấy ấn Hoàng đế của Lưu Bang mang về phương Nam, rồi tôn một người cháu Lưu Bang lên làm vua nước Nam Việt.

Ấn Vũ Đế là “móng rồng” đã bị Anh Tề giấu. Sau khi Triệu Anh Tề mất Cù Hậu lập thái tử Hưng lên là Triệu Ai Vương, hẳn ấn Vũ Đế nằm trong tay Cù Hậu. Nhà Tây Hán cử Thiếu Quý sang dụ, cả Triệu Ai Vương và Cù Hậu vào chầu như các nước chư hầu, xin nội thuộc. Có thể Cù Hậu đã nộp lại ấn Vũ Đế cho Hiếu Vũ Đế.

Nàng Cảo Nương – Cù Thị phản quốc, sau đó bị tể tướng Lữ Gia giết, rồi đưa Triệu Kiến Đức lên ngôi vua Nam Việt là Triệu Vệ Dương Vương.

Khi Lộ Bác Đức nhà Tây Hán tấn công, quân Nam Việt thất bại. Ngũ Dương Thành thất thủ, Vệ Dương Vương đã cùng tể tướng Lữ Gia lên thuyền nhẹ chạy về cửa biển Giao Chỉ.

Den Van Coi

Đền thờ Lữ Gia ở Vân Côi

Câu đối ở đền thờ Lữ Gia tại Vân Côi (Nam Định):
Triệu thị hữu thiên tồn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền.

Dịch:
Còn trời họ Triệu còn xã tắc
Không Hán, lên thuyền đất chẳng chung.

Theo truyền thuyết người Việt thì Triệu Việt Vương thua Lý Phật Tử, bỏ chạy và chết ở cửa biển Đại Nha. Đây chính là vị vua Triệu cuối cùng, Triệu Vệ Dương Vương. Có thể Vệ Dương Vương đã bị bắt ở vùng cửa sông Đáy (Nam Định, Ninh Bình) ngày nay, là nơi tập trung có các đền thờ Triệu Việt Vương và Lữ Gia.

Vệ còn đọc là Duệ, có nghĩa là cuối cùng. Dương là phía Đông. Triệu Vệ Dương Vương nghĩa là vị vua cuối cùng của nhà Triệu phía Đông… Bởi vì sau đó còn nhà Triệu phía Tây là Nam Triệu của Tây Vu Vương (Tây Lý Vương).

Truyền thuyết Triệu Việt Vương trong dật sử Việt đã chép đầy đủ những sự kiện chính của 4 đời vua Triệu nước Nam Việt kể từ Văn Vương Triệu Mạt tới Vệ Dương Vương Triệu Kiến Đức. Dật sử dân gian còn đầy đủ và chính xác hơn chính sử chép theo sách Tây sách Tàu.

Bốn nhà Triệu trong sử Việt

Có lẽ đoạn sử rối rắm, gây nhiều tranh cãi nhất trong sử Việt là giai đoạn từ Thục An Dương Vương tới Triệu Đà. Không sách nào khớp với sách nào, từ sử ta tới sử Tàu, từ cổ thư tới truyền thuyết. Sử sách gì mà chép những chuyện không thể hiểu nổi, kiểu như An Dương Vương 80 tuổi mới sinh con Mỵ Châu, Triệu Đà thọ 121 tuổi…
Lịch sử không dễ mất đi mà không để lại dấu vết gì. Sự thật ở ngay trước mắt nhưng lại rất xa. Với “tuổi thọ” 121 năm của Triệu Đà thì có thể thấy… trong hình tượng Triệu Đà này có ít nhất là 2, thậm chí là 3 nhân vật lịch sử thật sự. Xin lần lượt bàn từng “vị” Triệu Đà theo dòng thời gian.

Triệu Đà – Trọng Thủy
Nhà Triệu thứ nhất là họ Triệu của vua Tần. Tần Thủy Hoàng có tên Triệu Chính, theo họ mẹ ở nước Triệu. Triệu Chính là con của Trọng Thủy và nàng Mỵ Châu trong truyền thuyết Việt.
Năm 256 trước Công nguyên Tần Chiêu Tương vương diệt nhà Chu, thu chín cái đỉnh về Tần. Thiên tử đã mất thì thiên hạ cũng thay đổi. Đế quốc Tần bắt đầu từ đây chứ không phải đợi đến lúc Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước.
Sử Việt chép cũng thời gian năm 257 TCN Thục An Dương Vương đánh Hùng Vương lập nước Âu Lạc. Sự kiện này thực ra chính là việc Tần diệt Chu trong Hoa sử.
Truyền thuyết Việt thì chép thành họ Triệu (Triệu Đà) cho con là Trọng Thủy ở rể, lừa lấy mất nỏ thần, đuổi An Dương Vương chạy ra biển. Mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy chính là cuộc hôn nhân Tần – Việt với kết cục bi thảm, ai oán, kết thúc sự tồn tại của vương triều Chu gần 1000 năm.

Long Hưng Triệu Vũ Đế
Khoảng năm 218 Tần Thủy Hoàng sai Úy Đồ Thư phát 50 vạn binh, chia làm 5 đạo quân tấn công Bách Việt. “Trong 3 năm, [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người Tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư“ (Hoài Nam tử).
Các sử gia ngày nay cho rằng “người Tuấn kiệt” ở đây là Thục Phán. Nhưng như vậy quá rối rắm và vô lý. Thục Phán đã là vua Âu Lạc từ năm 257 TCN, sao tới năm 218 TCN lại được các tướng suy tôn làm thủ lãnh? Âu Lạc đã bị Tần diệt, có còn vua đâu nữa?
Khởi nghĩa kháng Tần của người tuấn kiệt tại Giao Chỉ không phải là Thục Phán. Xét về thời gian và hành trạng thì người Tuấn kiệt lãnh đạo dân Âu Lạc lúc này phải là … Lưu Bang. Do chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang là một quan nhỏ dưới thời Tần, khi dẫn dân phu đi Lịch Sơn vì phu dịch bỏ trốn nhiều quá, biết khó tránh tội chết, nên đã tự mình dựng cờ “khởi nghĩa”, được mọi người hưởng ứng. Khởi nghĩa của Lưu Bang thắng lợi cũng đúng vào sau lúc Tần Thủy Hoàng mất (năm Tần Nhị Thế thứ 3, tức 206 TCN). Hình thức và thời gian khởi nghĩa này thật khớp với ghi chép của Hoài Nam tử ở trên.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên thì Lưu Bang là người đất Phong, làm đình trưởng ở huyện Bái, khởi nghĩa ở núi Mường Đăng. Lưu Bang cũng là Lý Bôn trong sử Việt. Lý Bôn được thờ rất nhiều ở vùng xứ Đoài, là đất Phong Châu phía Tây Giao Chỉ xưa. Đất Bái là Thái Bình (Thái Bình đọc lái là Bái Đình), được chép là quê của Lý Bôn. Mường Đăng, nơi Lý Bôn trảm xà khởi nghĩa, hẳn là vùng Thái Nguyên – Bắc Giang, nay có tục thờ Lý Bôn. Lưu Bang – Lý Bôn, người khởi đầu triều Tiền Lý của sử Việt.
Lý Bôn được sử Việt gọi là Lý Nam Đế, người phủ Long Hưng đất Thái Bình. Long Hưng hay Hưng Lang là danh xưng của Lý Bôn – Lưu Bang, đã bị biến thành Hán Vương.
Bất ngờ hơn khi truyền thuyết Việt có chuyện Triệu Vũ Đế lập điện Long Hưng ở Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Và theo Thiên Nam ngữ lục thì chính Triệu Vũ Đế mới là người đã nhân thấy rồng bay lên trên sông Nhị Hà mà đặt tên cho thành Thăng Long, chứ không phải Lý Công Uẩn. Triệu Vũ Đế họ Lý, danh xưng Long Hưng thì hẳn chính là Lưu Bang – Lý Bôn. Như vậy trong truyền thuyết Việt Lưu Bang được gọi là Triệu Vũ Đế.
Câu đối ở điện Long Hưng:
Bạt địa nguy thôi phương tích bất tùy Tần Hán khứ
Xung thiên vũ trụ anh tiêu trường yết Lạc Hùng lai.

Dịch:
Bạt đất mênh mông, danh tiếng thơm bất khuất thời Tần Hán
Động trời khắp chốn, chí anh hùng giữ mãi buổi Lạc Hùng.

Cũng vị Triệu Vũ Đế này còn lấy vợ là Trình Thị ở đất Đồng Xâm – Kiến Xương – Thái Bình. Sử ký chép Triệu Đà quê ở Chân Định… Chân Định là tên cũ của đất Kiến Xương, là nơi Lưu Bang lấy … Lữ Hậu, ở vùng đất Bái (Thái Bình).

Den Trinh Thi Đền thờ Hoàng hậu Trình Thị ở Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình

Lưu Bang và Lữ Hậu còn được thờ đúng họ tên tới nay ở ngay đình Bát Tràng – Hà Nội, cạnh điện Long Hưng ở Xuân Quan. Ngoài ra, ở làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa – Bắc Giang) có thờ Vua ông Vua bà, không rõ lai lịch, có thể cũng chính là Lưu Bang và Lữ Hậu vì suốt lịch sử Hoa và Việt chỉ có 2 vị này là có thể đều cùng gọi là vua được.
Tư liệu dân gian cho phép đoán định Triệu Vũ Đế hay Triệu Đà trong sử Việt là Lưu Bang – Lý Bôn phần nào cũng sáng tỏ hơn những thông tin khác về Triệu Đà. Triệu Đà là huyện lệnh huyện Long Xuyên, có thể hiểu là chuyện Lưu Bang ban đầu là đình trưởng đất Bái (phần Đông Giao Chỉ) dưới thời Tần. Hoặc nói tới chiến công của Lưu Bang giết thái thú quận Tam Xuyên ở Ung Châu là Lý Do, con thừa tướng Lý Tư nhà Tần.
Chuyện Nhâm Ngao trao quyền quận Nam Hải cho Triệu Đà, Triệu Đà nhân đó đánh chiếm Quế Lâm, Tượng Quận có thể cũng là hành trạng của Lưu Bang khi khởi nghĩa kháng Tần, thắng lợi ở 3 vùng đất mà Tần chiếm của Việt trước đây.
Triệu Vũ Đế – Lý Bôn lập ra nước Nam Việt, nên có tên Lý Nam Đế. Có thể triều đại mà Lưu Bang lập nên gọi đúng là nhà Triệu, nước Nam Việt, chứ không phải Hán. Hiếu Cao Tổ Lưu Bang không dính dáng gì tới Hán cả. Lưu Bang là người khai mở kỷ nhà Triệu (thứ hai) năm 206 TCN trong sử Việt.

Nhà Triệu – Lữ Gia
Nếu Triệu Vũ Đế là Lưu Bang, vậy nhà Triệu với 5 đời vua được ghi trong sử sách là như thế nào?
Ở Quảng Tây đã tìm thấy mộ của Triệu Mạt với ấn “Văn đế hành tỷ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông cho gợi ý: Triệu Mạt là Triệu Một, tức là vị vua đầu của nhà Triệu. Như vậy nhà Triệu Nam Việt bắt đầu từ Triệu Văn Vương chứ không phải Triệu Vũ Đế.
Nhà Triệu này xuất hiện sau khi Lữ Hậu mất năm 180 TCN như Sử ký Tư Mã Thiên chép. Nhà Triệu thứ ba này mới là nhà Triệu đã chiếm Mân Việt và Tây Âu Lạc. Sự có mặt của tể tướng 4 đời vua Triệu là Lữ Gia cho thấy có thể nhà họ Lữ (của Lữ Hậu) sau khi thất bại nắm quyền ở phương Bắc đã tôn một người con hay cháu của Lưu Bang lên làm vua Nam Việt. Vị vua này gọi là vua đầu Triệu Mạt. Vì nhà Triệu này được chuyển tiếp một cách không chính thức nên không có vua Vũ Đế, mà bắt đầu bằng Triệu Văn Vương. Triệu Vũ Đế đã là Lưu Bang, cũng là ông tổ của nhà Triệu Nam Việt.
Nhà Triệu thứ ba ở Phiên Ngung kết thúc khi Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức của nhà Hiếu tấn công Nam Việt. Lữ Gia và Triệu Thuật Dương Vương lên thuyền nhẹ chạy từ Phiên Ngung về cửa biển ở đất Bái (đất của họ Lữ). Huyền sử Việt chép thành chuyện Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử đuổi, chết ở cửa Đại Nha (Nam Định).
Lữ Gia lui về Phong Châu lập phòng tuyến chống nhà Hiếu (Tây Hán) dọc sông Lô. Phong Châu là đất gốc của Triệu Vũ Đế Lưu Bang – Lý Bôn. Tàn quân nhà Triệu lui về đây cũng hợp lý. Đền thờ Lữ Gia nay có ở Nam Định và vùng Vĩnh Phúc, Sơn Tây là dấu vết của cuộc chiến này.

Den Trang Dong Nơi thờ Lữ Gia ở thôn Tràng Đông, xã Trưng Vương, Việt Trì

Nam Triệu – Tây Lý Vương
Việc Lữ Gia và Triệu Thuật Dương Vương rút về Phong Châu cho thấy đã có một cuộc di cư lớn của nhóm người Tày Thái từ Quảng Đông về Tây Giao Chỉ khi Lộ Bác Đức tấn công Phiên Ngung (năm 111).
Tư liệu của nhà nghiên cứu Lương Nghị về đền thờ Lữ Gia ở thôn Tràng Đông, xã Trưng Vương, Việt Trì cho biết:
Sau khi Lữ Gia mất, đang lúc giao thời một người chắt của Triệu Đà là Nguyễn Vụ với danh nghĩa con cháu nhà Hùng, tự lên ngôi vua ở cố đô Văn Lang, đổi tên Loa Thành thành Tây Vu Thành, lấy hiệu là tây Lý Vương. Nhà vua hiệu triệu nhân dân nổi dậy chống Hán, lấy Tây Vu Thành làm căn cứ chống giặc. Đồng thời cử con là Lang Tề sang nhà Tây Hán điều đình để chấp nhận vương triều của mình. Nhà Hán ép Lang Tề lấy vợ Hán nhưng Lang Tề không chịu, bèn về nước liên kết với các hào kiệt chống Hán. Các quân sĩ của Lữ Gia còn lại tiếp tục chiến đấu dưới lá cờ của Tây Lý Vương. Cuộc chiến đấu kéo dài 14 năm sau, làm cho quân Hán vô cùng khốn đốn, sau đó mới vị tiêu diệt.
Tư liệu này hoàn toàn trùng hợp với chuyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái cho biết “người Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế”. Khi Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt thì “Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.
Cái tên Nguyễn Vụ của người chắt Triệu Đà cũng tương tự trường hợp sách Tàu đổi họ của Lý Thân (Lý Ông Trọng) thành Nguyễn Thân. Nguyễn Vụ hay Lý Vụ, Lý Vũ, tức là vua Lý. Vùng Tây Vu trong Lĩnh Nam chích quái gọi là đất Nam Triệu, do họ Lý lãnh đạo, giao hảo với nhà Tây Hán (cử Lang Tề đi sứ), chống Đông Hán, rồi hàng phục nhà Hậu Lý của Lý Bí – Lưu Bị thời Gia Cát Vũ Hầu (chuyện Mạnh Hoạch).
Tây Vu Thành không phải là Loa Thành ở Cổ Loa, mà là vùng đất phía Tây Giao Chỉ (đất Phong), nơi có cố đô Việt Trì từ thời Lang Xương Chu Văn Vương (Văn Lang). Danh xưng Tây Lý Vương cho thấy rõ con cháu Triệu Vũ Đế mang họ Lý của Lý Bôn. Tây Lý Vương là triều Lý Nam Triệu ở phía Tây, phân biệt với triều Lý Nam Việt ở phía Đông (Phiên Ngung) trước đó. Nam Triệu được sử Việt còn gọi là triều Hậu Lý Nam Đế, về sau hàng phục nhà Tùy năm 602.

Biểu đối chiếu 4 nhà Triệu trong sử ViệtBon nha Trieu

Họ Lý của nhà Triệu bắt đầu từ Lý Bôn – Lưu Bang. Năm Quý Tỵ 208 TCN Lý Bôn khởi nghĩa chống Tần thắng lợi trên đất Âu Lạc. Lý Bôn, người Việt Giao Chỉ đầu tiên xưng Đế, mở nước Vạn Xuân. Xác định họ Lý truyền từ Lưu Bang Triệu Vũ Đế, sang Nam Việt Triệu Văn Vương rồi Nam Triệu Tây Lý Vương đã làm thông suốt một mảng thời gian quan trọng trong sử Việt, kết nối lịch sử phần Đông với Tây, Nam với Bắc.