Tháp Báo Thiên – trấn Nam thành Thăng Long

Bản đồ khu vực Thăng Long thời Hồng Đức cho thấy phía Bắc hoàng thành có quán Chân Vũ bên hồ Tây, phía Đông là đền Bạch Mã, phía Tây là đền Linh Lang. Tuy nhiên, ở phía Nam hoàng thành lúc đó còn rất xa đàn Nam Giao, không hề có đền Kim Liên – trấn Nam Thăng Long theo quan niệm hiện nay. Thay vào đó ngay gần Nam môn là ngọn tháp Bảo Thiên cao lớn.
(Tên thường gọi là tháp Báo Thiên là theo tên ngôi chùa. Còn tên đầy đủ của tháp là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp (大勝資天寳塔). Do đó bản đồ Hồng Đức gọi là tháp Bảo Thiên)
Từ bản đồ này có thể thấy, trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long thì vị trí trấn Nam thời Lê sơ không phải là đền Kim Liên với thần Cao Sơn, mà là chùa Báo Thiên. Chùa Báo Thiên là ngôi chùa đóng vai trò trấn Nam của Thăng Long khi đó.

Hong Duc

Bài thơ của Đề Báo Thiên tháp của Phạm Sư Mạnh thời Trần góp phần khẳng định thêm nhận định này: 
Trấn áp Đông Tây giữ đế kỳ 
Một mình cao ngất tháp uy nghi 
Chống trời cột trụ non sông vững 
Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy 
Chuông khánh gió đưa vang đối đáp 
Đèn sao đêm đến rực quang huy 
Đến đây những muốn lưu danh tính 
Mài mực sông xuân viết ngẫu thi.
Câu đầu tiên của bài thơ “Trấn áp Đông Tây củng đế kỳ đã cho thấy tháp Báo Thiên chính là vật trấn cho kinh đô (đế kỳ).
Hướng Nam kinh thành là hướng quan trọng nhất vì quan niệm xưa vua quay mặt về phương Nam mà trị vì. Tháp Báo Thiên được dựng ở chính đối diện Nam Môn càng cho thấy ý nghĩa của nó đối với tâm linh của kinh thành. Nhưng chùa/tháp Báo Thiên thờ vị thần nào, hay vị thần nào là thần trấn Nam Thăng Long lúc này?
Quan niệm cho rằng đã là “chùa” thì thờ Phật, không hẳn luôn đúng. Thờ Phật thì đã không gọi là Báo Thiên – báo ơn Trời. Hơn nữa người xưa không dùng Phật để làm thần trấn giữ kinh thành.
Chùa – tháp Báo Thiên là nơi từng nhiều lần dưới thời Lý dùng để cầu mưa. Cổ Châu Phật bản hạnh ngữ lục ở chùa Dâu (Bắc Ninh) chép:
Bằng đời vua Lý Nhân Tông
Ba năm mưa gió đùng đùng đã rân
Vua phán rước Bụt Pháp Vân
Ra Báo Thiên tự minh quân chúc kỳ.
Đại Việt sử ký toàn thư chép dưới thời Lý Thần Tông: Vua ngự đến chùa Bảo Thiên, làm lễ phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm hôm ấy mưa to.
Chùa Báo Thiên hay Bảo Thiên tháp lễ phật Pháp Vân mà cầu mưa. Chùa này như thế nằm trong hệ thống thờ Tứ pháp.
Ở khu vực tháp Báo Thiên xưa từng tìm thấy bức tượng đá, gọi là Bà Đá và được lập thành chùa. Chùa Bà Đá nay vẫn còn. Cách gọi “Bà” là cách gọi tương tự đối với Tứ pháp. Rất có thế pho tượng Bà Đá này là tượng Pháp Vân (Bà Dâu).
Các chùa thờ Tứ pháp thực ra thờ chính là Thạch Quang Phật hay hình tượng Linga, biểu trưng của thần Shiva/Indra. Trong văn hóa Việt ở miền Bắc xưa thần Shiva/Indra được gọi dưới tên Vua Trời Đế Thích. Đây là lý giải cho chữ Thiên trong tên của tháp Báo Thiên.

20190720_182713 (2)Tranh vẽ tháp Báo Thiên trong chùa Lý Quốc Sư.

Dưới thời Lý, vị thần được tôn thờ trong các chùa thường không phải Phật Thích Ca, mà lại là Đế Thích. Ví dụ, thời Lý Thánh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Mùa đông tháng 12 làm hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ, đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để phụng thờ.
Còn thờ Lý Thần Tông: Dựng hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành và tô tượng Đế Thích. Vua ngự đến xem.
Các chùa có thờ Đế Thích này đều có chữ Thiên.
Như thế, chùa Báo Thiên thực ra là thờ Vua Trời Đế Thích, nằm trấn ở hướng Nam của Thăng Long. Vua là thiên tử, quay mặt về phương Nam mà trị vì, nên ở hướng Nam đặt Vua Trời làm trấn là hợp lý.
Tháp Báo Thiên còn liên quan đến vị thiền sư nổi tiếng thời Lý là Nguyễn Minh Không, mà nay còn chùa Lý Quốc Sư, vốn là đền thờ Nguyễn Minh Không ở khu vực phường Báo Thiên xưa. Đại Việt sử ký toàn thư chép vào thời Lý Thần Tông:
Tháng 5, đại hạn, cầu đảo được mưa to. Chủ đô Nhiễm hoàng là Hà Nhi dâng chim sẻ trắng. Dựng nhà cho đại sư Minh Không.Đọc đoạn này ta có thể hiển đại sư Minh Không đã được Lý Thần Tông cho dựng nhà vì đã cầu đảo được mưa to khi đại hạn. Nguyễn Minh Không được biết là được vua ban cho khu ấp gần tháp Báo Thiên làm Tịnh xá, trước kia gọi là làng Tiên Thị, nay là nơi có chùa Lý Quốc Sư. Như thế, đại sư Minh Không đã lập công cầu mưa ở chùa Báo Thiên nên được ban nhà ban đất ở vùng này.
Sau đó, khi Lý Thần Tông mắc bệnh, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha phú dịch cho vài trăm hộ.
Việc tha phú dịch cho vài trăm hộ này là liên quan đến sư Minh Không, tức là các hộ dân ở vùng đất ban trước đó được miễn phú dịch do ơn đức của sư Minh Không và để phục dịch cho nhà chùa nơi sư ngụ.
Tháp Báo Thiên xây gạch nhưng chóp tháp lại bằng đồng. Đỉnh tháp này tương truyền là một trong An Nam tứ đại khí. Các tháp thời Lý Trần thường ở trên đỉnh có hình hoa sen, có chức năng để đốt đèn (dùng dầu lạc). Như thế chức năng của cái chóp đồng trên đỉnh tháp Báo Thiên khả năng cũng là một hình Sen Đăng, biểu tượng của ánh sáng hay mặt trời.

IMG_4725Cây Thiên hương ở chùa Lý Quốc Sư.

Hiện ở chùa Lý Quốc Sư còn một cây Thiên hương cổ dựng trước cửa chùa. Khả năng Thiên hương là hình tượng phát triển lên từ những cây cột đèn đá hoặc tháp gạch trước đây.
Chùa Lý Quốc Sư vốn là đền Tiên Thị thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Tên làng Tiên Thị, đất tịnh xã của Nguyễn Minh Không, nghĩa là chợ Tiên. Chữ Tiên này hẳn là chỉ thiền sư Minh Không.
Câu đối ở chùa Lý Quốc Sư nói tới tháp cổ và chợ Tiên ở nơi am của thiền sư:
古寺塔流餘苨址
真僊市在闢師庵
Cổ Tự Tháp lưu dư nễ chỉ

Chân Tiên Thị tại tịch sư am.
Dịch:
Chùa tháp xưa còn nơi rậm rạp 
Chợ tiên thực ở cửa am sư.
Tự Tháp và Tiên Thị là đều tên của làng ở chân tháp Báo Thiên xưa.
Trong chùa Lý Quốc Sư còn có tượng các vị Từ Đạo Hạnh và Giác Hải làm bằng đá ở dạng phù điêu, giống phong cách các tượng đá ở miều Trung dùng cho các đền thờ thần Hindu. Cùng với việc thờ Đế Thích – Tứ Pháp ở chùa Báo Thiên, thì các phù điêu đá này cũng là dẫn chứng khác cho mối liên hệ giữa đạo Phật thời Lý của thiền sư Nguyễn Minh Không với Hindu giáo.

20190720_182204
Ban thờ chính ba vị thiền sư với các tượng phù điêu chùa Lý Quốc Sư.

Các câu đối về Thiên Đế

Toàn bộ các câu đối trong ghi chép ở đền Cầu Váu (Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên), nơi thờ Vua Trời Đế Thích.

IMG_4923

Câu 1

休言巨小諸神,上帝獨尊無與對
勿論邇遐萬姓,下天一等赤欽崇
Hưu ngôn cự tiểu chư thần, Thượng Đế độc tôn vô dữ đối
Vật luận nhĩ hà vạn tính, hạ thiên nhất đẳng xích khâm sùng.
Dịch:
Thôi lời các thần nhỏ to, Thượng Đế độc tôn không ai sánh
Chớ kể vạn họ gần xa, dưới trời đều một dạ kính sùng.

Câu 2

祿是總災是除,封域順成*永保
樂主和禮主敬,古今上下同由
*豐年也
Lộc thị tổng tai thị trừ, phong vực thuận thành* vĩnh bảo
Nhạc chủ hoà lễ chủ kính, cổ kim thượng hạ đồng do.
* phong niên dã
Dịch:
Lộc thì cộng, nạn thì trừ, bờ cõi thuận bền giữ mãi
Nhạc để êm, lễ để kính, xưa nay trên dưới đều theo.

Câu 3

福降自天,上下四民永保
禮虔享帝,同由一念順安
Phúc giáng tự thiên, thượng hạ tứ dân vĩnh bảo
Lễ kiền hưởng đế, đồng do nhất niệm thuận an.
Dịch:
Phúc ban từ Trời, trên dưới tứ dân gìn giữ mãi
Lễ thành cúng Vua, đồng tâm cùng niệm sự yên bình.

Câu 4

默化神機,十二仙娥安眼
包藏妙用,三千世界一壺
Mặc hoá thần cơ, thập nhị tiên nga an nhãn
Bao tàng diệu dụng, tam thiên thế giới nhất hồ.
Dịch:
Ngầm hóa cơ thần, mười hai tiên nga lành mắt
Dấu kín dùng hay, ba ngàn thế giới chung bầu.

Câu 5

人欲壽者求,得門而入
帝至尊無對,過廟則趍
Nhân dục thọ giả cầu, đắc môn nhi nhập
Đế chí tôn vô đối, quá miếu tắc tri.
Dịch:
Đế chí tôn không ai bì, miếu xưa tất đông đúc
Người muốn sống lâu nên khấn, đến nơi cửa mà vào.

Câu 6

勝會衣冠,燦爾天河斗列
高楼鼓吹,恍然雲洞樂喧
Thắng hội y quan, xán nhĩ thiên hà đẩu liệt
Cao lâu cổ xúy, hoảng nhiên vân động nhạc huyên.
Dịch:
Hội đẹp áo mũ, sáng thế Thiên Hà sao đẩu
Lầu cao cổ súy, bỗng nhiên nhạc nổi động mây.

Câu 7

上帝降衷,仁義禮智
下民遂欲,富貴壽康
Thượng đế giáng trung, nhân nghĩa lễ trí
Hạ dân toại dục, phú quý thọ khang.
Dịch:
Thượng đế ban lành Nhân Nghĩa Lễ Trí
Hạ dân toại nguyện Phú Quý Thọ Khang.

Câu 8

同然福集堂基永孚休慶
油爾雲浮幢盖保合泰和
Đồng nhiên phúc tập đường cơ vĩnh phu hưu khánh
Du nhĩ vân phù tràng cái bảo hợp thái hòa.
Dịch:
Cùng là góp phúc ở nếp nhà, niềm tin tốt mãi
Ùn ùn mây nổi như lọng che, yên hòa giữ gìn.

Câu 9

維岳降神經有見
自天顯聖外無聞
Duy nhạc giáng thần kinh hữu kiến
Tự thiên hiển thánh ngoại vô văn.
Dịch:
Từ núi thần giáng, từng đã thấy
Từ trời thánh hiện, khác chưa nghe.

IMG_5073

Câu 10

億年顯跡金牛上
萬古靈祠義冑西
Ức niên hiển tích Kim Ngưu thượng
Vạn cổ linh từ Nghĩa Trụ Tây.
Dịch:
Muôn năm tích rạng bờ Kim Ngưu
Vạn đại đền thiêng Tây Nghĩa Trụ.

Câu 11

滅鬼一弓方顯聖
出人半局始知天
Diệt quỷ nhất cung phương hiển thánh
Xuất nhân bán cục thủy tri thiên.
Dịch:
Trừ quỷ một cung nơi hiển Thánh
Xuất trần nửa cuộc mới biết Trời.

Câu 12

三級璦臺䀡起敬
兩擎砥柱仰弥高
Tam cấp ái đài chiêm khởi kính
Lưỡng kình để trụ ngưỡng di cao.
Dịch:
Ngọc đài ba bậc xem mà kính
Hai bên cột trụ ngưỡng càng cao.

Câu 13

色空理悟曇而聖
生化機玄帝又天
Sắc không lý ngộ Đàm nhi Thánh
Sinh hóa cơ huyền Đế hựu Thiên.
Dịch:
Biết lẽ sắc không, Phật mà Thánh
Diệu kỳ sinh hóa, Đế cũng Trời.

Câu 14

耕𨯳群方歌日出
管絃萬户詠風薫
Canh tạc quần phương ca nhật xuất
Quản huyền vạn hộ vịnh phong huân.
Dịch:
Cấy cày các chỗ ca ngày mới
Đàn sáo bao người ngợi gió thơm.*
*夏節 Hạ tiết

Câu 15

碁局收餘𪽋勝著
寶香焚處現真身
Kỳ cục thu dư lưu thắng trước
Bảo hương phần xứ hiện chân thân.
Dịch:
Cuộc cờ sắp hết còn nước thắng
Hương quý đốt lên hiện thân tiên.

Câu 16

慧日凝祥張氏墅
慈雲普蔭下亭*花
*遼下亭
Tuệ nhật ngưng tường Trương thị thự
Từ vân phổ ấm Hạ đình* hoa.
* Liêu Hạ đình
Dịch:
Chở che mây ái hoa đình Hạ*
Ngày sáng đẹp lành nhà họ Trương.
* Đình Liêu Hạ

Câu 17

真香閃爍慈雲現
碁局圓神慧日高
Chân hương thiểm thước từ vân hiện
Kỳ cục viên thần tuệ nhật cao.
Dịch:
Cờ thế vẹn tinh cao lúc trí
Hương tiên lấp lánh hiện mây lành.

Câu 18

金峯勝地鍾靈氣
上界仙宮現法身
Kim phong thắng địa chung linh khí
Thượng giới tiên cung hiện pháp thân.
Dịch:
Cõi trên cung thánh ngời thân phép
Non giữa đất lành đúc khí thiêng.

Câu 19

錫類人褱多范子
侯棋世界少張公
Tích loại nhân hoài đa Phạm tử
Hầu kỳ thế giới thiểu Trương công.
Dịch:
Góp lành người mong nhiều Phạm tử
Tướng cờ thế giới hiếm Trương công.

IMG_4977

Câu 20

改命機神仙跡古
好生德洽歲花新
Cải mệnh cơ thần tiên tích cổ
Hảo sinh đức hợp tuế hoa tân.
Dịch:
Thần kỳ thay mệnh xưa tiên tích
Đức rộng hiếu sinh tuổi mới thêm.

Câu 21

藜杖儘空三界鬼
檀香普濟萬家春
Lê trượng tẫn không tam giới quỷ
Đàn hương phổ tế vạn gia xuân.
Dịch:
Gậy cỏ sạch không ba giới quỷ
Hương đàn giúp khắp vạn nhà xuân.

Câu 22

除妖先及吞山𩴳
佑德無穷献果張
Trừ yêu tiên cập thôn sơn Sát
Hữu đức vô cùng hiến quả Trương.
Dịch:
Không cùng ơn giúp Trương dâng quả
Trước kịp trừ yêu Quỷ nuốt non.

Câu 23

慈雲普蔭天三界
慧日輝煌智六通
Từ vân phổ ấm thiên tam giới
Tuệ nhật huy hoàng trí lục thông.
Dịch:
Mây từ ấm khắp ba ngàn giới
Ngày tuệ rạng ngời sáu trí thông.

Câu 24

𩴳讋天威寧論魃
仙蒙惠德況扵生
Sát triệp thiên uy ninh luận bạt
Tiên mông huệ đức huống ư sinh.
Dịch:
Sát sợ oai Trời không gây hạn
Tiên trùm ơn huệ lại thêm sinh.

Câu 25

扇火紅光千怪滅
真香馥郁萬祥生
Phiến hỏa hồng quang thiên quái diệt
Chân hương phúc úc vạn tường sinh.
Dịch:
Quạt lửa ánh hồng ngàn quái diệt
Hương thần tỏa khắp vạn dân lành.

Câu 26

添龄無数今張子
驅害曽刊古弄林
Thiêm linh vô sổ kim Trương tử
Khu hại tằng san Cổ Lộng Lâm.
Dịch:
Thêm vô số tuổi đây Trương tử
Đuổi họa chất chồng Cổ Lộng Lâm.

Câu 27

恩霑法雨三千界
喜倍天僊十二娥
Ân triêm pháp vũ tam thiên giới
Hỉ bội thiên tiên thập nhị nàng.
Dịch:
Ơn thấm ba ngàn giới mưa phép
Mừng thêm mười hai nàng tiên trời.

Câu 28

鏡朗照肝洪造鑄
香薰改命朶雲慈
Kính lãng chiếu can hồng tạo chú
Hương huân cải mệnh đóa vân từ.
Dịch:
Kính sáng chiếu tâm nên vận lớn
Hương thơm thay mạng đám mây lành.

Câu 29

仙升佛降今如見
國擣民祈古以來
Tiên thăng Phật giáng kim như kiến
Quốc đảo dân kỳ cổ dĩ lai.
Dịch:
Tiên lên Phật xuống nay như thấy
Nước cúng dân cầu xưa tới giờ.

IMG_5088

Câu 30

光芒赤電疑弓影
靉靆黃雲想犢車
Quang mang xích điện nghi cung ảnh
Ái đãi hoàng vân tưởng độc xa.
Dịch:
Sáng lòa chớp đỏ ngờ cung ảnh
Mù mịt mây vàng ngỡ xe trâu.

Câu 31

紫極常居雨露申休潭地軸
青雲可躡鈞韶傾耳到天門
Tử cực thường cư, vũ lộ thân hưu đàm địa trục
Thanh vân khả nhiếp, quân thiều khuynh nhĩ đáo thiên môn.
Dịch:
Thường ở cực tía, mưa móc ơn thần thấm khắp đất
Thể cưỡi mây xanh, nhạc thánh lắng nghe tận cửa trời.

Câu 32

曲奏霓裳天上月
人皆絃管陸中仙
Khúc tấu nghê thường Thiên thượng Nguyệt
Nhân giai huyền quản Lục trung Tiên.
Dịch:
Đàn hát cùng người Tiên tại đất
Nghê thường tấu khúc trăng trên trời.

Câu 33

江村絃管多春色
帝座鈞天響廟廷
Giang thôn huyền quản đa xuân sắc
Đế tọa quân thiên hưởng miếu đình.
Dịch:
Thôn xóm sáo đàn khen xuân sắc
Ngôi Đế ngang Trời vọng miếu đình.

Câu 34

告舍人曰吾入相
自天子所我出車
Cốc xá nhân viết ngô nhập tướng
Tự thiên tử sở ngã xuất xa.
Dịch:
Người xã Cốc rằng: Tôi nhập tướng
Thánh từ Trời nói: Ta ra xe.

Câu 35

高棋伯仲張公智
誨奕叨承*上帝仁
*滥也添也
Cao kỳ bá trọng Trương Công trí
Hối dịch thao thừa* Thượng Đế nhân.
* lạm dã thiêm dã
Dịch:
Phép răn nhiều ít lòng Thượng Đế
Cờ cao lớn nhỏ trí Trương Công.

Câu 36

士樂觀光為相為將
象徵大順出馬出車
Sĩ lạc quan quang vi tương vi tướng
Tượng trưng đại thuận xuất mã xuất xa.
Dịch:
Sĩ vui thoáng chỗ vì Tướng vì Vua
Voi bày thế thuận ra Ngựa ra Xe.

Câu 37

世無乾𩴳弓常静
人並張公命可囬
Thế vô Càn Sát cung thường tĩnh
Nhân tận Trương Công mệnh khả hồi.
Dịch:
Đời không Càn Sát cung thường tĩnh
Người đến Trương Công mệnh còn hồi.

Câu 38

亮工德仰金峯峻
福善心如鏡水平
Lượng công đức ngưỡng kim phong tuấn
Phúc thiện tâm như kính thủy bình.
Dịch:
Việc chính đức trông cao ngọn núi
Điều phúc tâm như mặt nước gương.

Câu 39

陟降在帝左右
威福承天聪明
Trắc giáng tại đế tả hữu
Uy phúc thừa thiên thông minh.
Dịch:
Lên xuống bên Vua trái phải
Oai phúc theo Trời sáng trong.

IMG_5090

Bài ký bia đền linh xã Liêu Hạ

IMG_5037

 Cử nhân Bách Sơn Khương Văn Định xã Vĩnh An bái soạn.

Vào năm Long Thụy thứ hai triều Lý có ông Trương Ba là người xã Liêu Hạ, ba đời tu thiện, tính thích uống rượu và chơi cờ rất giỏi, khắp nước không ai thắng nổi. Từ nước Bắc tới có ông Kỵ Như, cũng là một người chơi cờ rất giỏi. Ông Trương vui mừng, tiếp đón kết giao tình, cùng dẫn về nhà, thỏa chí thích tài. Hai ông hiểu rõ huyền cơ của Tạo hóa (Sách báu ở Trì La có Vua Trời nói rằng cờ là sự biến hóa của huyền cơ), lấy sự vui mừng mà bằng lòng. Bảy năm hai ông kết bạn kim lan. Một hôm, ông Trương nói với ông Kỵ Như rằng:
– Chúng ta chơi cờ cao như vậy, ở Hạ giới không ai là đối thủ. Trộm nghe Vua Trời là danh cờ của Thượng giới. Tôi định muốn được lên đường mây, gõ cửa trời, bái cung Vua, nguyện hầu chuyện cùng cho tỏ tường cái duyên tiên đời trước, cho tận cái hào khí thủa nay vậy.
Sau đó mấy hôm, hai ông đang ngồi chơi cờ thì thấy có một ông già thân gầy như cây mai, râu trắng như tuyết, đội nón lá, quần áo thủng lỗ chỗ, hình dung rất kỳ dị, bẩn thỉu. Ông già chống gậy đến thẳng trước nhà, nói:
– Tôi mới về làng, đường xa hiểm trở, xem hai ông đấu cờ, tôi cũng rất hứng thú, muốn được thử một ván.
Kỳ Như mới nhường chiếu để ông già và Trương Ba đấu cờ. Mới được vài nước ông già đã thắng rõ. Ông Trương mới chắp tay mà nói rằng:
– Lão Tiên từ đâu đến đây? Phép cờ tối cao. Xin được biết tính danh, nguyện cầu thầy dạy cho.
Ông già chậm rãi nói:
– Nhà ta chính ở cung trời 33 trên Thượng giới (tức là Đế Thích, tính danh này chỉ có người biết mới hiểu).
Ông Trương và Kỵ Như nghe vậy thất kinh, trong lòng biết là Vua Trời Thượng giới xuống đấu cờ, quả đúng như nguyện ước. Hai ông bẻ mía ngọt, chuối xanh ở trong vườn về dâng lên, dập đầu lạy 5 lạy. Vua Trời lấy từ trong tay áo ra bó hương có ba nén là trầm hương, giáng hương và chân hương tặng cho hai ông mà nói:
– Lúc khác mà gặp nạn thì đốt ngay hương này lên, ta sẽ đến cứu giúp.
Dứt lời không thấy đâu nữa. Hai ông lạy tạ, rồi lấy hương quý cất đi.
Sau này hai ông ốm mất, người nhà mới nhớ đến việc hương thần, liền đem đốt lên. Vua Trời cưỡi mây hạ xuống, gọi Tam phủ công đồng đến tìm hồn hai ông về hồi sinh trên cõi dương. Chữa thuốc không đến một khuê (là thuốc tiên). Lại sửa sổ đen của Nam Tào (người khi sinh thì ghi sổ hồng, khi chết thì ghi sổ đen để tính toán), tăng thêm tuổi hạc thành tiên ông Đông Hải.
Hai ông cảm ơn tái tạo của Vua Trời (trăm ngày đếm một), dựng nên điện thờ ở xã Liêu Hạ theo phương Càn, cùng với xã Liêu Hạ phụng thờ Vua Trời và Tam phủ. Cầu đảo linh ứng như lời. Vạn thế truyền vang tiếng lạ.

IMG_0403Một góc bia Đế Thích điện ở Liêu Hạ.

Thiên Cang Bắc Đẩu Tinh quân ở Đồng Kỵ

IMG_4821
Nghi môn đình Đồng Kỵ.
Làng Đồng Kỵ ở Từ Sơn, Bắc Ninh từng nổi tiếng với hội thi pháo vào mồng 4 tháng Giêng hàng năm. Hội thi này có nguồn gốc cũng từ vị thần Thiên Cang là thành hoàng làng này như sau:
Thời Hùng Vương có ông Cang Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cang. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cang đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mồng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cang chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp xong giặc, Thiên Cang trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng.

Để nhớ ơn Thiên Cang, làng Đồng Kỵ thờ đức Thiên Cang làm thành hoàng làng tại đình và hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Thiên Cang ra lệnh xuất quân đánh giặc.

Theo thần tích thì thần Thiên Cang đã có công dẹp quỷ Xích và sau đó là đánh giặc Ân.

IMG_4905
Đình Đồng Kỵ.
Câu đối ở đền Đồng Kỵ:
前伐鬼後破殷恒恒維烈
古生祠今清廟濯濯厥靈
Tiền diệt quỷ, hậu phạt Ân, hằng hằng duy liệt
Cổ sinh từ, kim thanh miếu, trạc trạc quyết linh.
Dịch:
Trước diệt quỷ, sau phá Ân, mãi mãi còn rạng
Xưa đền sinh, nay miếu thanh, ngời ngời khí thiêng.
Câu đối khác ý tương tự ở đình Đồng Kỵ:
氣奪殷師赫赫殸名垂北地
力撑雄運巍巍功德配南天
Khí đoạt Ân sư, hách hách thanh danh thùy Bắc địa
Lực sanh Hùng vận, nguy nguy công đức phối Nam thiên.
Dịch:
Khí giành Ân binh, hiển hách tiếng danh trùm đất Bắc
Sức nâng Hùng vận, nguy nga công đức khắp trời Nam.
IMG_4852
Cửa võng đình Đồng Kỵ.
Tuy nhiên, cũng có chỗ 2 công tích dẹp quỷ và phá giặc Ân này được gộp vào một, như trong câu đối ở đình:
神武掃清殷鬼賊
宗城永奠貉鴻基
Thần võ tảo thanh Ân quỷ tặc
Tông thành vĩnh điện Lạc Hồng cơ.
Dịch:
Võ thần quét sạch giặc Ân quỷ
Thành tổ lập dài nền Lạc Hồng.
Từ đó có thể nhận định, trong trận chiến với Hùng Vương, giặc Ân đã từng tạo ra dịch bệnh, hoặc cùng lúc đó đã xảy ra dịch bệnh. Đây là nạn dịch hạch hoặc đậu mùa, làm cho thân thể người mắc bệnh bị nổi đỏ. Vì thế các thần tích mới gọi là quỷ Xích.
Vị thánh Thiên Cang ở Đồng Kỵ như vậy vừa giúp chữa bệnh dịch cho dân, vừa đánh giặc Ân xâm lược. Trong sắc phong vị này được tôn làm Thiên Cang Đế:
Cao minh Bảo quốc Hộ dân Sóc giang Linh ứng Hiển hữu Thuần nhạ Thông triết Phù vận Tế thế Hộ quốc An dân Thiên Cang Đế Hiển linh Thông duệ Minh triết Trì đạt Anh mẫn Tế dân Đại vương.
IMG_4885
Bản chụp sắc phong Thiên Cang Đế ở Đồng Kỵ.
Điều đáng chú ý là tên “Thiên Cang” 天罡 vốn là từ để chỉ sao Bắc Đẩu. Thiên Cang Đế do đó tương ứng với Bắc Đẩu Tinh quân.
Mặt khác, theo Nam Việt Hùng Thị sử ký (Ngọc phả Hùng Vương) thì Phù Đổng Thiên Vương được phong: Sau lại phong là Xung Thiên Thần Vương (ngày xưa thần Bắc Đẩu Tinh Quân giáng sinh làm Xung Thiên Thần Vương).
Như vậy, Thánh Dóng là Bắc Đẩu Tinh quân giáng sinh. Từ đây suy ra, Thiên Cang Đế ở Đồng Kỵ cũng chính là Phù Đổng Thiên Vương.
Trong truyện Phong Thần diễn nghĩa, Khương Thái Công khi lập bảng Phong Thần cũng có phong cho các vị thần Bắc Đẩu Tinh quân, mà vị thần đứng đầu tên cũng là Thiên Cang.
Một câu đối khác ở đình Đồng Kỵ:
天造英威弌陣成功光鐵馬
地鍾神秀千秋靈蹟在同江
Thiên tạo anh uy, nhất trận thành công quang thiết mã
Địa chung thần tú, thiên thu linh tích tại Đồng giang.
Dịch:
Trời tạo oai tài, một trận thành công bừng ngựa sắt
Đất hun nét thánh, ngàn thu dấu diệu ở sông Đồng.
Câu đối lại kể vị thần tướng nhà Trời ở Đồng Kỵ đã đánh trận bằng “ngựa sắt”. Rõ ràng vị thần Thiên Cang này cũng chính là Thánh Dóng.
Các câu đối nói tới địa danh “Đồng giang”, “Đồng thủy”, cho thấy “Đồng” là tên riêng, chứ không phải Đồng Kỵ là cùng nhau làm giỗ. Rất có thể chữ “Đồng” ở đây là âm sai của Đổng trong Phù Đổng Thiên Vương.
Phù Đổng là tên phiên thiết. Phù ký âm cho âm “Ph”, đổi với các âm “B” và “D”. Do đó Phù Đổng đọc thiết có thể thành Bổng hoặc Dổng, từ đo cho tên Nôm là Dóng.
IMG_4940
Đền Đồng Kỵ.
Câu đối khác ở đình Đồng Kỵ
持地廠神皋西望峰州天日近
斯民陶聖武南来桐水雨膏流
Trì địa xưởng thần cao, Tây vọng Phong Châu thiên nhật cận
Tư dân đào thánh võ, Nam lai Đồng thủy vũ cao lưu.
Dịch:
Đất đó chỗ ở thần, Phong Châu gần mặt trời Tây hướng
Dân đây đúc võ thánh, sông Đồng nước đẫm chảy bên Nam.
Hội pháo làng Đồng Kỵ trước đây làm những quả pháo lớn bằng tre, nứa, rơm, cót, giấy và được trang trí cầu kỳ bằng các hình tượng Tứ linh Long Ly Quy Phượng. Khi rước pháo trong lễ hội có 4 ông quan đám mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, tượng trưng cho 4 tướng tiên phong. Có thể thấy việc chia quân làm 4 đội là theo mô hình Tứ tượng mà được biểu trưng bằng Tứ linh – 4 linh vật. Mô hình Tứ tượng còn được thể hiện bằng tên gọi khác là Nhật nguyệt tinh thần, tạo thành hình Thái cực đồ.
Trong hội Đồng Kỵ còn có trò “ôm cột Thái Bạch” khi 4 ông quan đám đua nhau ôm được cây cột chính. Tên “Thái Bạch” cũng là biểu tượng của Dịch học, có thể là hình tượng cho vua giặc (vua Ân).  4 ông đám đua nhau ôm cột Thái Bạch là 4 tướng tiên phong của Thánh Dóng đua nhau bắt tướng/vua giặc Ân.
IMG_4879
Pháo lễ ở đình Đồng Kỵ với Tứ linh.
Với nhận định Thiên Cang Đế Đồng Kỵ là Phù Đổng Thiên Vương thì có thể tóm tắt diễn biến thời này như sau. Khi giặc Ân sang xâm chiếm nước của Hùng Vương, chúng còn gieo rắc dịch bệnh, làm người mắc bệnh nổi đỏ nên gọi là quỷ Xích. Khương Thái Công Lã Vọng (tức Thánh Dóng – Thiên Cang Đế) vừa cầm quân chống giặc Ân, vừa tìm cách chữa trị đẩy lùi bệnh dịch. Sau khi thắng được dịch bệnh, Khương Thái Công chuyển từ thế thủ sang thế công, xuất quân tấn công nhà Ân. Đội quân phạt Ân được chia làm 4 đạo tiên phong theo Tứ tượng Long Ly Quy Phượng. Dùng pháo làm hiệu lệnh.
Từ sự kiện lịch sử Khương Thái Công phát binh diệt Ân, làng Đồng Kỵ đã lưu thành phong tục, như câu đối ở đình làng:
聖澤流兮故里化成仁厚俗
神君至止斯民喧唱太平歌
Thánh trạch lưu hề, cố lý hóa thành nhân hậu tục
Thần quân chí chỉ, tư dân huyên xướng thái bình ca.
Dịch:
Ơn thánh truyền chừ, hóa nên làng cũ tục Nhân Hậu
Đức thần tới đó, vang hát dân đây khúc thái bình.
Nhân Hậu là tên làng Đồng Kỵ trước đây. Ở Bắc Ninh cũng từng có cả tổng Nhân Hậu.
IMG_4843
Cửa đình với hoành phi: Thánh trạch lưu hề.
Câu đối khác ở đình Đồng Kỵ:
基圖千古壯前島山後常領俱降
俎豆億年香左祠宇右春臺並壽
Cơ đồ thiên cổ tráng, tiền Đảo sơn, hậu Thường lĩnh câu giáng
Trở đậu ức niên hương, tả từ vũ, hữu xuân đài tịnh thọ.
Dịch:
Cơ đồ ngàn đời vững bền, trước Tam Đảo, sau núi Thường cùng giáng
Mâm bàn muôn năm hương lửa, trái mái đền, phải đài xuân lâu dài.

Sự tích thờ phụng Đế Thích

Tích xưa phụng sự

Xã Cầu Bảo huyện Văn Giang phụng sự

Thiên Đế ngự ba ngàn thế giới, là Đại Phạm Thiên vương, Thiên chủ Trung tôn cai quản lục dục. Đế Thích là uy cảm của Linh Hữu Bột Hải Hoàng hậu, vua nước Thiền Tiên. Sự tích này của Ngọc bê hạ xưa có văn bia, tới nay mưa vùi gió dập, không còn dấu vết để xem xét. Kể rằng ở địa phận xã Ngu, lộ Quán Triền, trong một ngôi nhà cỏ có một bà lão bán tương. Bỗng một ngày thấy một vị trượng phu từ trên không hạ xuống, dung mạo đường đường, phi phàm. Người đó đi đến và ngồi tọa định. Rồi thấy một phụ nữ kiều diễm mặc áo trắng tươi tắn vượt lại. Chưa kịp trả lời thì thấy bên bờ Tây của sông có nhiều người dân xã Ngu cúi lạy. Đế nói: Ta là vua Đế Thích của 33 cõi trời xuống diệt trừ Càn Xát Bà Vương và 15 loại quỷ trừ hại cho dân. Nói xong thì bay lên không mà về. Nhân dân lập đền tại chỗ đó để thờ phụng, hàng năm có tế lễ. Sau này gặp khi cần chống hạn thì cầu thánh giá về nơi Quán Triền thì được ứng nghiệm, cầu mưa được mưa, nhân dân thường đến cầu đảo nhiều. Triều trước từ khi vua mới lên ngôi các vị bách thần được khai hiệu bởi quan lễ. Quan lễ bàn rằng Thiên Đế vô cùng cao quý, không dám phong tặng nên không có văn sắc.

IMG_4912
Thiên Đế điện ở Cầu Váu, Văn Giang, Hưng Yên.

Xã La Bật huyện Thiên Thi phụng thờ Thánh đế Đế Thích

Theo như lời truyền lại, xưa có một cái cây có ba nhánh khi trôi đến địa phận của bản xã thì có thánh hiển hiện nói rằng đó là Đế Thích giáng hạ. Người trong ấp nhân đó mới lấy cây gỗ để khắc tượng lập quán mà thờ, rất linh ứng. Xã Liễu Cầu ở cạnh đó có hai chị em cho gặp loạn mà sang nước Ai Lao, đã ngầm khấn đươc bảo hộ. Bỗng nhiên thấy đi được như bay. Khi quay về đến quê vào quán bái tạ thì bỗng chốc hình hài biến mất, chỉ còn lưu lại chỏm tóm trên đầu. Sau Đế Thích lại có biến thân thành một lão ông đến xã Liêu Hạ huyên Đường Hào cùng với Trương Ba đấu cờ. Sau đó Trương Ba mắc bệnh mà chết. Vợ Trương Ba lấy hương thắp khấn, lại thấy Đế Thích xuất hiện, thu hồn phách của Trương Ba nhập vào thân xác người đồ tể. Trương Ba được phục sinh gặp lại vợ. Nay ở đền Liêu Hạ từ ở chính giữa có lập tượng, bên trái đặt tượng Trương Ba, phía trước đặt một bàn cờ lớn. Sự tích được kể trong sách Lĩnh Nam trích quái. Từ đó về sau ở địa phương nếu gặp hạn muốn chống thì đón tượng để cầu đảo, đều có mưa ngay. Có nhiều công đức đối với nhân dân. Nhưng sắc phong cho tới nay nhất thiết đều không.

IMG_5807
Bức chạm cõi Thiên ở đền Xá, Ân Thi, Hưng Yên.

Xã Liêu Hạ huyện Đường Hào vâng sao sự tích

Miếu vua Đế Thích xưa từ triều Lý năm Long Thụy thứ tư giáng hạ ở xã Liêu Hạ, tại thôn Thượng ở phương Càn, thử tài cờ cùng với người bản xã tên là Trương Ba. Trương Ba biết là tiên ông trên trời xuống thành người phàm trần nên chắp tay bái tạ. Đến khi Trương Ba mất, đã giáng xuống cải tử hoàn hồn cho kéo dài thêm hơn 800 năm. Nhân dân lập miếu thờ phụng. Thái tể Vinh quận công triều Lê đã cho chép việc này thành sách.

Năm Canh Ngọ tháng Giêng ngày lành.

IMG_0397
Đền thờ Đế Thích ở Liêu Hạ, Yên Mỹ, Hưng Yên.

奉事舊跡

文江縣求保社奉事

天帝御三千界内大𣑽天王統六欲中尊天主帝釋威感靈祐渤海皇后禪僊國王玉陛下其事跡古有碑文至今雨打苔封無痕可攷傳聞愚社地分舘㕓路旁草舍古有老婦沽漿忽於日見一丈夫從空而下容貌堂堂非凢人比入來憇息坐定曰見嫗嬌婦女身著白服皂檽過否答曰未也言江之西岸那時愚社先民羅拜帝曰我是三十三天帝釋王也爲汝下民滅除乾𩴳婆王十五類鬼以祛民害言罷騰空而去因立祠于伊處以奉之歲時享用齋禮嗣後歲或亢旱奉迎聖駕于舘㕓處至誠祈之屡得澍雨之應處人民多來祈禱前朝嗣王新政豋秩百神間有承開𥈠號在禮畨官禮畨官議以天帝至尊不敢封贈無有勅文

天施縣羅払社奉祀帝釋聖帝

由舊傳言一木三枝流至本社地分顯聖言言帝釋降下邑人因取此木刻像立觀而祀之稔著靈應旁接柳梂社有妤妹二娘遭亂入哀牢國宻懇保護忽然行步如飛囬至本觀拜謝形骸一時變了只留頭髮在焉再有變身為老人就唐豪縣遼下社與張巴闘碁後巴以病終其妻取香焚懇俄見前來收巴𩲉魄入屠人就屍巴遂更生復與其妻作合今遼下祠正中塑像左立張巴前置一大碁局事跡具在嶺南摘怪籙嗣後本地方或遇亢旱迎像祈擣輙獲澍雨多有功德及民其敕封從來一切並無

唐豪縣遼下社承抄事跡

帝釋王廟昔自李朝龍瑞四年天帝降下遼下社上村之乾方試碁與本社人名張巴張巴知其天上僊翁下是凢人因拱手拜謝及張巴卒後降臨改死還魂許延八百餘年立廟宇奉事黎朝太宰榮郡公有為之語記以録其事
歲在庚午年正月吉日

Bản sự tích được chép trên giấy sắc, lưu tại điện Thiên Đế ở thôn Cầu Váu, Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên.

Chiêm quan chữ nghĩa Đền Hùng

Hàng trăm con chữ rờ rỡ uẩn súc, bao ngữ nghĩa lấp lánh tâm thức Việt trên những hoành phi câu đối giăng từ Đền Hạ Đền Trung Đền Thượng Đền Giếng… trong khu Di tích Đền Hùng. Chữ mới nhất cũng tròm trèm gần thế kỷ. Bao bận được kính cẩn quan chiêm như thế mà vẫn thấy khó dứt mắt…

Cao Son Canh HanhNgôi Đền thiêng kết cấu hình chữ Vương tọa lạc trên Nghĩa Lĩnh ở độ cao vừa phải 175 mét gồm các quần thể Đền Hạ, Trung, Thượng đã được bao năm rồi nhỉ? Thời vua Đinh Tiên Hoàng thế kỷ thứ X cho viết thần tích Đền Hùng nhưng nơi thờ tự vua Hùng đã có từ lẩu lâu.
Và thời gian nào Hùng Vương Cơ Miếu (miếu thờ cơ nghiệp Vua Hùng) từ làng Trẹo (đọc chệch từ Triệu) ở chân núi Hy Cương được ai, triều nào dời sang bên Nghĩa Lĩnh?
Tôi nghĩ đến cái lần giặc Minh hung bạo triệt phá Đại Việt trong đó có việc làm cỏ Đền Hùng. Thần tích rõ là bị hủy. Nhưng còn bao câu đối hoành phi? Chắc cũng cùng chung số phận?
May mà thời Lê Trịnh, Đền lại được phục dựng, lại nguy nga! Nhưng xôm tụ bàn thờ Quốc Tổ được như bây giờ phải tính đến công sức của dân 18 tỉnh thành miền Bắc đâu như năm 1917 hay 1918 chi đó, đã có một cuộc lạc quyên lớn góp được hơn 6.000 đồng bạc Đông Dương để sửa sang tu bổ Đền Hùng.

Uẩn súc ngữ nghĩa
Khá khen cho cái lần trùng tu năm 1917 quy mô ấy. Việc đầu tiên phải tính đến cái cổng chính Đền Hùng? Xây mới hay trùng tu? Đau cái nỗi, cận gần là thế mà chưa tìm ra những biên chép cụ thể. Nhưng có lẽ từ thời điểm đó, con dân nước Việt hành hương, mới đến cổng thôi, chưa nhịp bước leo những Hạ, Trung, Thượng mà có cảm giác như đương chạm mặt trước Bàn thờ Quốc Tổ?
Ngước lên sừng sững bức hoành là 4 chữ trên nóc cổng Cao sơn cảnh hành (Núi cao, ngẩng trông. Đường rộng ta bước). Vế đối hai bên như lời diễn giải ý nghĩa của bức đại tự:
Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch
Đăng cao viễn vọng quần phong la liệt tự nhi tô
n
(Mở lối đắp nền, bốn phía non sông qui một mối
Lên cao nhìn rộng, núi non trùng điệp tựa đàn con
)
Khéo là thứ đại tự ấy. Núi cao ta ngẩng đầu trông/ Đường rộng ta bước đất thiêng Đền Hùng. Có người đã mạo muội diễn nôm 4 chữ ấy. Mạo muội bởi 4 chữ này lấy từ Kinh Thi. Cao sơn ngưỡng chi, cảnh hành hành chi. Duyên do ông Nhan Hồi học trò Khổng Tử, ca ngợi đạo của Thày mình:
Ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên, chiêm di tại tiền, hốt yên tại hậu
(Càng ngẩng trông, càng thấy cao, đục đẽo vào càng thấy cứng, vừa thấy đằng trước, thoắt đã đằng sau).
Thôi thì những cao thâm này khác của tích Tàu, nếu tán ra thì còn dài. Nhưng lần sửa sang xây cất ấy, những hiệp thợ Việt tuân người mách bảo, chỉ chăm chút có 4 chữ mà thôi. Cao sơn cảnh hành. Ngẩng trông lên là ân đức của Vua Hùng. Dưới chân là đường rộng như cơ đồ cơ nghiệp vua Hùng đã mở mang cho tộc Việt!
Nhớ bận ấy lên Đền, tình cờ đụng được một vị áo chùng, khăn đóng, giọng hào sảng đương cắt nghĩa cho các người cùng đi ngữ nghĩa uyên thâm của đôi câu đối mà nhằm vào hai chữ “thác thủy” khởi đầu vế đối. “Thác” nghĩa là nâng lên, là tạo dựng. Rõ rồi. Còn “thủy” có bộ “nữ ” bên trái và chữ “thai” bên phải tượng trưng cho phụ nữ nghĩa là sinh nở.
Như vậy, thác – sức lực tạo dựng nên hiểu đó là Cha. Thủy – sinh nở, tức là Mẹ! “Thác thủy” là lấy tích Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh trăm con tỏa khắp nơi nhưng đều quy về một mối tức gốc tổ!
Lại cũng khá khen cho tác giả câu đối! Dùng chữ nghĩa sao đó khiến hậu thế nổi… hứng có thể sáng tạo ra những ngữ nghĩa không ngờ? Đã đành Thủy do hai chữ “nữ” và “thai” hợp thành. Nhưng oái oăm, Thai ở đây không phải là… thai sản.
Thủy càng chả phải là sinh nở mà vẫn ngữ nghĩa của nó là mới. Thác thủy khai cơ là dựng nền mở lối mới vậy! Nhưng vị nọ với tâm thế luôn đăm đắm hướng về nguồn cội, cắt nghĩa như thế cho đám con Lạc cháu Hồng nghe, áng chừng thú vị và cũng lọt tai đấy chứ nhỉ?
Cũng như bức hoành Triệu Tổ Nam Bang hoặc Nam Việt Triệu Tổ (thứ khắc thứ đắp) người thuyết minh hướng dẫn đã dõng dạc như trong vài ba cuốn sách hẳn hoi là Tổ muôn đời của nước Nam.
Nghe có vẻ thuận và lọt tai? Nhưng chuẩn vẫn phải gọi đúng cái tên là Tổ đầu tiên của nước Nam! Bởi chữ Triệu được khắc được đắp có một nghĩa duy nhất là bắt đầu là ngay mới. Triệu ở đây không phải là số đếm để mà muôn hay vạn chi cả!

Về một chữ lạChữ trên mặt tiền, Hùng Vương Cơ Miếu.

Lần ấy ghé Hùng Vương Cơ Miếu, tôi chợt thấy một chữ lạ trong đôi câu đối.
Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đới thượng triều tôn
(Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ
Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua
).
Ba sông ở đây là sông Lô, sông Thao, sông Đà.
Chữ lạ ấy là chữ Bách!
Đã đành chữ, ngữ nghĩa của câu đối uẩn súc, thâm hậu. Tác giả đã hào sảng cái mạch chủ quyền độc lập quốc gia bất khả xâm phạm trong bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt khi rinh hẳn tổ hợp từ định phận thiên thư về cho một vế đối ở bàn thờ Quốc Tổ. Nhưng trong câu đối, chữ Bách viết khá lạ. Cứ băn khoăn mãi cái nỗi, không hiểu sao tác giả câu đối lẫn người thợ khắc chữ lại không dùng chữ Bách mà người thạo tiếng Hán ai cũng rành?
Chữ bách ở đây được viết, có thể nói là cường điệu và ở dạng tháu. Tháu đây không có nghĩa là lối viết thảo, giản lược. Mà chữ bách nom từa tựa như chiếc rìu Việt cổ. Hình rìu Việt lại có đầu rìu cuộn lại hình sóng nước, hình rắn và có đầu rắn. Kiểu viết như thế này khiến ta liên tưởng ngay tới Bách Việt. Chao ôi, nội đôi câu đối này thôi, và cũng nội một kiểu viết chữ Bách rờ rỡ nghiêm ngắn đĩnh đạc trên bàn thờ Quốc Tổ kia đã toát lên âm hưởng hùng khí chủ quyền quốc gia bao đời của giống nòi Lạc Việt.
Hình như chữ Bách này khi chuyển câu đối từ Hùng Vương Cơ Miếu sang Đền Thượng ở Nghĩa Lĩnh đã được kíp thợ khắc bằng chữ bách thường thấy, thường viết?
(Một dịp thích hợp, chúng tôi sẽ trở lại chữ Bách này trong một bài viết về hòn đá lạ – thực chất là một đạo bùa đang đặt ở Đền Thượng từng xôn xao cư dân mạng lâu nay. Đó là chữ Bách trong hàng chữ Bách Giải Tiêu Tai Phù – bùa giải tai ách – viết trên một mặt hòn đá)
Một dạo người viết bài này lấy làm tâm đắc ngữ nghĩa đôi câu đối tại Đền Thượng do chính nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, người trai trưởng thi sĩ Tản Đà trực tiếp cắt nghĩa. Câu ấy là:
Thử địa thử sơn, Nam quốc kỷ
Ngô vương ngô thổ, Bắc thần tôn
(Đất này núi này nước Nam dấy nghiệp
Vua ta nước ta khiến phương Bắc cũng phải nể
).
Lần ấy trong buổi trà dư tửu hậu với mấy ông thạo chữ ở Hà Thành, mạo muội hé ra cái điều sở đắc ấy, một ông cười đại ý, cụ Nguyễn Khắc Xương nghĩ thế cũng là được! Nhưng cái sự thể nó không hẳn thế…
Không hẳn là thế nghĩa là cứ chăm chắm nghĩa của Bắc thần tôn thì dễ lạc sang nghĩa khác. Bắc thần tôn thường hiểu và dịch là phương Bắc, Bắc quốc. Bởi phải hiểu và dịch như thế thì mới đối được với vế bên là Nam quốc. Phải quá đi rồi!
Hơn nữa, chữ Thần ở đây (khác chữ thần trong thánh thần buổi sớm, thần chỉ các quan…) gồm bộ Miên, dưới là chữ Thìn. Thần cư là nơi vua ở. Thần chương là văn chương của vua. Chữ Tôn ở đây là tôn trọng nể vì!
Nhưng Bắc thần tôn ở đây phải lấy Luận Ngữ ra mà giải. Đó là câu trong chương Vi Chính. Có câu “Tử viết: Vi chính dĩ đức. Thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi
(Khổng Tử nói rằng, người làm chính trị, cầm quyền trị dân mà dùng Đức để thi hành chính sự thì dân chúng đều tuân phục tựa như ngôi sao Bắc thần, ở một chỗ mà mọi vì sao khác đều phải tuân chầu!)
Vậy đôi câu đối nên hiểu:
Đất này núi này đã được ghi chép là của nước Nam
Vua ta trị vì bằng Đức nên dân ta tôn kính như muôn sao hướng về Bắc Đẩu
.

Hiếm hoi tác giả

Chữ Hùng Vương Tổ Miếu ở Đền Trung. Ảnh: Xuân Ba.

Bao bận ghé Đền mà vẫn cứ bẵng đi cái việc hỏi ông thủ từ Nguyễn Xuân Các, Trưởng Ban Khu Di tích Đền Hùng, sơ bộ thống kê thì Khu Di tích Đền Hùng có bao nhiêu hoành phi câu đối, bao nhiêu là Hán? là Nôm? Là quốc ngữ? Lại nữa, tác giả những bức hoành phi câu đối ấy là ai vậy?
Quả là một điều khiếm khuyết lẫn tiếc xót, như nét mặt rầu rĩ của ông thủ từ khi ắng lặng đi một hồi rồi mới khẽ khàng rằng, đến tận bây giờ, mặc dầu đã hết sức cố gắng bươn bả này khác nhưng nhà Đền vẫn chưa biết tác giả những chữ nghĩa ấy là ai? Được viết và dâng cúng vào Đền Hùng thời gian nào?
Khiếm khuyết ấy ở thời nào vậy? Cứ lẩn thẩn, khi chế tác, các hiệp thợ tiếc chi một dòng lạc khoản (tác giả, triều nào ngày lành trọng đông hay trọng xuân hoặc sơ hạ) thì hậu thế tường ngay! Hoặc giả có một cuốn giấy bổi hay xuyến chỉ chép lại tường tận rồi giao cho thủ từ.
Hay là có những cuốn ấy nhưng qua bao tao loạn biến cố, nó mất đi rồi? Than ôi, bây chừ hậu sinh con cháu về Giỗ Tổ đành ngậm ngùi cảm nhận ngữ nghĩa qua người thuyết minh hoặc các bảng biểu treo trên tường.
Không biết tác giả nhưng thầm đoán phải là những đấng văn chương, các bậc túc nho hay chữ hoặc cao sang hơn phải là chữ nghĩa của các đấng quân vương. Thêm nữa, việc tuyển chọn chữ nghĩa để dâng bàn thờ Quốc Tổ phải từng được tiến hành rất cẩn trọng thì mới chất lượng thế!
Nói vô danh, khuyết danh cả cũng chả phải! Có đấy. Nhưng hiếm hoi làm sao, nghển ngó mỏi cổ cũng chỉ được biết ở Hùng Vương Cơ Miếu có ba bức hoành. Một của vua Duy Tân (Nam quốc sơn hà), hai bức của vua Khải Định (Quyết sơ sinh dânDân sinh là điều tiên quyếtTử tôn bảo chi Con cháu nhớ giữ gìn).
Và cũng hiếm hoi ở Đền Trung có đôi câu đối của Chúa Trịnh Sâm:
Vấn lai dĩ sự tu vi sử
Tế nhận như đồ dục mệnh thi
(Hỏi lại việc xưa nên chép sử
Ngắm xem phong cảnh muốn đề thơ
).
Sở dĩ biết tác giả là Trịnh Sâm bởi hậu thế căn cứ vào Bản dập thủ cảo của Tĩnh vương Trịnh Sâm trên núi Hùng được treo ở Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ trước 1945, và chụp đăng trên tạp chí BEFFO,1937.
Chúa có câu đối, vua cũng chả kém. Thơ của vua Lê Hiển Tông (bố vợ của Quang Trung) về Đền Hùng:
Mộ cũ ở lưng đồi
Đền thờ trên sườn núi
Muôn dân tới phụng thờ
Khói hương còn mãi mãi…
Nhưng thơ vua chỉ lưu trong sách, trên Đền không thấy ghi!
Cũng cần nói thêm, chính sử còn chép rõ giai đoạn vua Lê chúa Trịnh đã có sự quan tâm đặc biệt và vương triều này đã góp phần lớn xây dựng lại đền Hùng. Năm 1407 nhà Minh phá trụi thùi lụi Đền Hùng. Khi nước độc lập, triều Lê sơ chiêu dân lập lại làng.
Vua Lê Thánh Tông xây lại đền Trung, đền Hạ, như vậy hầu như hoàn thành xây dựng lại ba đền có từ thời Lý Trần, Tiếp đó xây lại đền Giếng. Năm 1600, thời vua Lê Kính Tông, chúa Trịnh Tùng sai quan thị độc Nguyễn Trọng sao lại tài liệu về đền Hùng. Năm 1727, chúa Trịnh Cương sai Hoàng Nghĩa Chử xây dựng ở Hy Cương tức đền Hùng. Cuối thế kỷ XVIII, vua Lê, chúa Trịnh đề thơ ca ngợi sự nghiệp vua Hùng và cảnh đẹp núi Hùng.
Và cũng hiếm hoi câu đối Nôm? Hiện tạc ở Lăng Vua Hùng:
Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ Mồ Ông.
Khá hay. Nghe nói của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không biết có phải? Còn quốc ngữ, hình như hiếm hoi mỗi câu. Mà cũng phải trước năm 1945 bởi hồi ấy còn Xứ Bắc Kỳ, Trung và Nam Kỳ?
Con cháu ba kỳ thăm mộ tổ
Non sông muôn thuở rạng nòi Tiên.
Biên ra như thế không có nghĩa là khuyến khích việc cần khẩn trương cúng thêm chữ nghĩa Hán Nôm lẫn quốc ngữ lên bàn thờ Quốc Tổ! Hoàng phi lẫn câu đối Đền Hùng chừng như cũng đã rậm đã dày?
Thôi cứ để tiếp tục lẫn trường tồn cái mạch uẩn súc thoang thoáng như hiện trạng cho thuận mắt! Bởi cứ nghĩ đến những chữ nghĩa trên các hoành các câu đối chăng giăng khắc in một cách tùy tiện, sai be bét, lòe loẹt và ngây ngô ở không ít các đình chùa di tích đã thấy hai hãi!
Sao lại tài liệu về Đền Hùng! Gặp được dòng này trong sử cứ ngỡ như đang vớ được cuốn vở ghi danh tên các tác gia cúng tiến chữ nghĩa vào Đền Hùng mà thời Lê Trịnh từng làm!
Và không phải chỉ thời ấy làm việc đó? Xa hơn cũng như gần hơn? Dẫu thất tán nhưng người nhà Đền lẫn các nhà chức việc hình như chưa ráo riết và siêng năng thực thi cái việc chắp nối sưu tra từ ký ức trong dân gian lẫn việc nối mạng với giới nghiên cứu cùng các nhà bảo tàng trong ngoài nước?
Phập phồng một ngày đẹp giời, hậu thế hành hương Đền Hùng khi chiêm quan chữ nghĩa trên các hoành phi câu đối có được cảm khoái biết thêm được các tác giả cùng lý lịch trích ngang và hoàn cảnh ra đời của những chữ nghĩa ấy!

Đêm Mồng Mười tháng Ba năm Tỵ
Xuân Ba

Ngước lên sừng sững bức hoành là 4 chữ trên nóc cổng chính Đền Hùng “Cao sơn cảnh hành” (Núi cao, ngẩng trông. Đường rộng ta bước). “Cao sơn cảnh hành”. Ngẩng trông lên là ân đức của Vua Hùng. Dưới chân là đường rộng như cơ đồ cơ nghiệp vua Hùng đã mở mang cho tộc Việt!

Bài và ảnh theo báo giấy Tiền phong

NGÀY GIỖ TỔ THÁNG 3 LÀ NGÀY GIỖ AI?

Câu trả lời về nguồn gốc ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 sẽ rất đơn giản nếu… đọc cuốn Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu khảo vừa mới ra mắt. Bởi vì trong Ngọc phả này có ghi chép cụ thể ngày sinh ngày hóa từng đời vua Hùng.
Hiện nay, căn cứ theo bia đá năm Bảo Đại thứ 15 lưu ở đền Hùng thì:
Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ.
IMG_6039
Tấm bia Hùng Vương từ khảo năm Bảo Đại thứ 15 ở đền Hùng.
Trong một văn bia khác sớm hơn, vào năm Khải Định thứ 8 nói rõ hơn việc này, có khắc nguyên công văn trả lời của Bộ lễ cho tỉnh Phú Thọ về việc định ngày 10 tháng 3 làm quốc tế:
… xã Hy Cươnng, phủ Lâm Thao của quý hạt có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3, kết hợp với thờ thổ kỳ làm lễ riêng…
Từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…
IMG_6029
 Hùng miếu điển lệ bi năm Khải Định thứ 8.
Theo đó thì ngày giỗ tháng 3 là ngày giỗ của Hùng Vương thứ 18. Tuy nhiên, đền Hùng vốn dĩ không thờ Hùng Vương thứ 18 mà thờ 3 vị vua Hùng đầu tiên. Trong đó vị đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương, bài vị giữa. Rất có thể, tuần phủ Phú Thọ đã nhầm ngày kỵ của Đột ngột Cao Sơn, vị thánh vương của 18 đời Hùng, với Hùng Vương thứ 18.
Tra cuốn Ngọc phả Hùng Vương Thánh tổ cho kết quả:
  • Hùng Duệ Vương, vị vua Hùng cuối cùng hóa ngày 5 tháng 5. Hoàn toàn không phải tháng 3.
  • Trong khi đó, Hùng Quốc Vương (Đột ngột Cao Sơn): cùng sinh với trăm vương năm Canh Ngọ. Sau trăm vương cùng hóa vào giờ Thìn ngày 12 tháng 3.
Hung Quoc Vuong
Trang Ngọc phả có ngày sinh và hóa của Hùng Quốc Vương cùng trăm trai.
Đây mới thực sự là nguồn gốc của ngày giỗ tháng Ba. Nhân dân ở Phú Thọ không phải lấy ngày cúng “thổ kỳ” làm ngày giỗ đền Hùng, mà “thổ kỳ” ở đây chính là vua Hùng. Họ làm tế lễ vào ngày 11 tháng 3, trước ngày hóa của Hùng Quốc Vương 1 ngày. Sau này, đến thời Khải Định, nhà nước phong kiến mới theo đó định ngày 10 tháng 3 làm quốc tế, trước ngày lễ của dân tạo lệ 1 ngày.
Hùng Quốc Vương, vị Thái tử (con trưởng) của Lạc Long Quân đã cùng sinh và cùng hóa với 99 người anh em khác. Ngày giỗ tháng 3 là ngày giỗ của vị vua Hùng đầu tiên trong 18 đời Hùng Vương, cũng là ngày giỗ của cả 100 người con trai sinh ra cùng bọc trứng, là thủy tổ của Bách Việt. Vì thế ngày này không chỉ là ngày giỗ của người Việt Nam, mà có thể lấy làm ngày giỗ của cả cộng đồng Bách Việt, vốn cùng một bọc đồng bào.