Dịch học Hùng Việt

Bat quaiDịch học phương Đông gắn liền với dòng chảy lịch sử của nền văn minh cổ đại được gọi dưới tên là “Trung Hoa”: Vua Phục Hy tìm thấy Hà đồ trên lưng con Long Mã; Đại Vũ trị thủy đã nghĩ ra Lạc thư; Hoàng Đế bàn về y thuật đã vận dụng Ngũ hành; Văn Vương tác dịch khi bị giam cầm ở Dĩu Lý… Rõ ràng, trên con đường trở về cội nguồn văn minh phương Đông, Dịch lý không thể không được tìm hiểu thấu đáo.
Dịch lý là lẽ sống, là nền tảng văn hóa, ngôn ngữ, là sự tích tụ tinh hoa và trí tuệ qua nhiều đời của tiền nhân. Dịch đã từng là ngọn đuốc soi đường cho cả thiên hạ Trung Hoa đi lên văn minh, tiến bộ trong suốt đêm dài quá khứ, khi xã hội con người chập chững những bước đi đầu tiên của lịch sử. Thế nhưng, nền Dịch học trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến ngày nay đã bị biến dạng, khác rất xa với Dịch học xưa kia. Dịch bị biến thành một thứ quỷ quái, không thể hiểu nổi, hay trở thành công cụ của đám buôn thần bán thánh.
Việc cải biến, làm lệch lạc Dịch lý được truyền thuyết Việt lưu lại trong câu chuyện lẫy nỏ thần của An Dương Vương bị kẻ thù đánh tráo, dẫn đến cảnh nước mất nhà tan, vô cùng đau xót. Tìm lại chiếc lẫy nỏ thần, khôi phục được nguồn gốc sức mạnh của người Việt là mục đích sâu xa của việc khảo cứu Dịch.
Khôi phục Dịch học, nền tảng tinh thần, trí tuệ cho người Việt, là việc làm hết sức khó. Tác phẩm Dịch học Hùng Việt do tác giả Nguyễn Quang Nhật biên khảo là một bước đột phá mới trong lĩnh vực này. Qua tác phẩm những thông tin trong Dịch học đã trở nên trong sáng, rõ ràng và đầy ý nghĩa khi được ứng chiếu với văn hóa, ngôn ngữ, địa lý và lịch sử của Việt Nam.
Tiếng Việt, phải chăng đó là ngôn ngữ của những người đã làm nên Dịch học? Tam thánh Dịch học là Chu Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử vốn đều là những người Việt nên Dịch học chỉ có thể hiểu sáng rõ khi vận dụng ngôn ngữ Việt. Dịch học Hùng Việt được tác giả phục dựng trước hết dựa trên tiếng Việt. Điều này làm cho những khái niệm Dịch học như tên của can chi, tên các quẻ trùng… trở nên rất gần gũi và dễ hiểu với ngưới Việt.
Tác phẩm Dịch học Hùng Việt ra đời cách đây đúng 10 năm và đã được giới thiệu trên các trang mạng trực tuyến. Ở lần biên tập này tác phẩm được bổ sung bằng các chứng lý vật thể phong phú hơn. Những hoa văn trống đồng, sản phẩm mang đầy “Dịch tính” của người Việt được dẫn lại. Những hình ảnh đồ dùng bằng đồng xanh của thời kỳ Thương Chu tìm thấy ở phương Nam được trình bày một cách tương ứng và phù hợp.
Đây là hình ảnh của những hiện vật thực, rất độc đáo, lấy từ bộ sưu tầm riêng của cá nhân. Những tuyệt phẩm đồ đồng này giúp đưa người đọc trở về với khung cảnh tác Dịch của người xưa, để từ đó có thể hiểu đúng hơn những thông điệp của quá khứ. Một quá khứ mà đã bị lớp bụi thời gian dày đặc che phủ và bị bao kẻ thù bằng mọi cách muốn xóa sạch các vết tích. Về lịch sử của con dân họ Hùng được phục dựng lại nhờ vận dụng Dịch lý xin đọc thêm trong cuốn Sử thuyết Hùng Việt của cùng tác giả.
Điểm cốt yếu của Dịch là con người phải biết sống hòa hợp với môi trường, cụ thể là với thực tế địa lý – khí hậu tự nhiên. Thông qua các cặp quẻ Dịch, các quy luật tương tác xã hội (khoa học, công nghệ, kinh tế, chính trị) dung hợp với các quy luật tương tác của các yếu tố tự nhiên (núi, biển, gió, …). Nhìn nhận Dịch lý từ góc độ minh triết tự nhiên và quản trị thực tiễn cũng là điểm mới, đã được thể hiện một cách rất logic và thích hợp trong tác phẩm Dịch học Hùng Việt.
Nền Dịch học khớp với thực tế địa lý – khí hậu mà nó hình thành chính là kim chỉ nam mà tổ tiên để lại cho con cháu vững bước đi tới tương lai, ngay cả trong thời đại công nghệ số hóa 4.0 ngày nay. Những đúc kết đó, nhân sinh quan và thế giới quan đó, có thể soi tỏ nhu cầu bức thiết về chất lượng cuộc sống, một nền kinh tế xanh phát triển bền vững của thế giới, mà trong đó Việt Nam có những lợi thế tiềm năng.
Đóng góp của Dịch lý trong sự tiến bộ của nền văn hóa phương Đông và của nền văn minh nhân loại là không thể phủ nhận, trên mọi lĩnh vực (triết học, y học, ẩm thực…). Chưa bao giờ như lúc này, người Việt cần một nền Dịch học chân chính. Dịch học Hùng Việt chính là chìa khóa để phát huy giá trị và linh lực vô tận mà tiền nhân để lại cho con dân Việt.
Nhóm biên tập Hùng Việt sử quán xin trân trọng đưa tới tay bạn đọc bản in tác phẩm khảo cứu sẽ trở thành kinh điển về Dịch lý – nền tảng văn hóa phương Đông này.
Bia truoc

Sách dày 446 trang. Liên hệ mua sách theo địa chỉ: bachviet18@yahoo.com

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

ĐÔI LỜI NÓI TRƯỚC

Phần I DẪN NHẬP

Nôm na là cha mách qué
Điểu thú văn
Dịch học và đồ đồng Đông Sơn
Dịch học hình tượng
12 con giáp của người Việt
Tên gọi Địa chi
Liên hệ về nghĩa của các Địa chi

Phần II DỊCH HỌC TỔNG QUÁT

Dịch học tượng số hay nút thừng

Chục con
Hà thư và Chục con
Tổng quan về Lạc đồ
Tổng luận về Hà – Lạc

Dịch học tượng vạch hay vạch quẻ

Đôi ngôi Âm Dương
4 dạng hay Tứ tạng
8 Quả hay Bát quái

Dịch học tượng số lẻ

Tam tòa hay Tam tài
Ngũ hành hay 5 hình
9 chỗ hay Cửu trù

Dịch học và tiến hóa xã hội

Tri thức, khoa học – quẻ Đoài
Công cụ kỹ thuật – quẻ Chấn
Kinh tế – quẻ Cấn
Chế độ chính trị – quẻ Tốn

Phần III 64 QUẺ TRÙNG

Cặp quẻ Lớn – Khôn

Quẻ Lớn mạnh hay Cường: Thiên/Thiên = Kiền
Quẻ Khôn ngoan: Địa/Địa = Khôn

Cặp quẻ Mờ – Mịt

Quẻ Mờ tối: Thủy/Lôi = Mông
Quẻ Mệt: Sơn/Thủy = Truân

Cặp quẻ Cầu – Cạnh

Quẻ Cầu: Thủy/Thiên = Nhu
Quẻ Cạnh: Thiên/Thủy = Tụng

Cặp quẻ Kết – Đoàn

Quẻ Kết, Gắn kết: Thủy/Địa = Tỷ
Quẻ Đoàn, Đàn: Địa/Thủy = Gia nhân

Cặp quẻ Lý – Nhí

Quẻ Lý, Lẽ: Phong/Thiên = Lý
Quẻ Nhí, Nhỏ: Thiên/Trạch = Tiểu súc

Cặp quẻ Xuôi – Ngược

Quẻ Phù hợp, Xuôi: Địa/Thiên = Thái
Quẻ Ngược ngạo: Thiên/Địa = Bĩ

Cặp quẻ Cùng – Chung

Quẻ Cùng: Thiên/Hỏa = Đồng nhân
Quẻ Chung: Hỏa/Thiên = Đại hữu

Cặp quẻ Khiêm nhượng – Dự phần

Quẻ Khiêm nhường, Nhún nhường: Địa/Sơn = Khiêm
Quẻ Dự phần: Lôi/Địa = Dự

Cặp quẻ Tùy theo – Cải, Sửa

Quẻ Tùy theo: Trạch/Lôi = Tùy
Quẻ Cải, Sửa: Sơn/Phong = Cổ

Cặp quẻ Độn – Đáo (Đôn – Đáo)

Quẻ Độn: Địa/Trạch = Độn
Quẻ Đáo: Phong/Địa = Lâm

Cặp quẻ Cưỡng – Bức (Bế, Bí)

Quẻ Cưỡng: Hỏa/Lôi = Phệ hạp
Quẻ Bức, Bít, Bách: Sơn/Hỏa = Bí

Cặp quẻ Bái – Phục

Quẻ Bá: Sơn/Địa = Bác
Quẻ Phụt: Địa/Lôi = Phục

Cặp quẻ Tụ – Thăng hay Tựu – Thành (Tề – Tựu)

Quẻ Tụ, Tựu: Thiên/Lôi = Tụy
Quẻ Thăng: Sơn/Thiên = Thăng

Cặp quẻ Đông – Đủ

Quẻ Đủ, Đầy: Trạch/Phong = Di
Quẻ Đông: Sơn/Lôi = Đại quá

Cặp quẻ Khổng – Lồ

Quẻ Khảm hay Khổng: Khảm/Khảm = Khảm
Quẻ Lồ, Lửa: Ly/Ly = Ly

Cặp quẻ Hợp – Hằng (Họp – Hành)

Quẻ Hợp thời, Đúng lúc: Trạch/Sơn = Hàm
Quẻ Hằng: Lôi/Phong = Hằng

Cặp quẻ Ranh – Mãnh (Rành – Mạnh)

Quẻ Rành, Ranh: Lôi/Thiên = Quán
Quẻ Mãnh, Mạnh: Thiên/Sơn = Đại tráng

Cặp quẻ Mọc – Lặn

Quẻ Mọc: Hỏa/Địa = Tấn
Quẻ Lặn: Địa/Hỏa = Minh di

Cặp quẻ Chống – Đánh

Quẻ Chống: Hỏa/Trạch = Khuê
Quẻ Đánh: Phong/Hỏa = Sư

Cặp quẻ Nạn (Nan) – Giải

Quẻ Nạn: Thủy/Sơn = Kiển
Quẻ Giải, Giải nạn: Lôi/Thủy = Giải

Cặp quẻ Bớt – Thêm

Quẻ Bớt: Sơn/Trạch = Tổn
Quẻ Thêm: Phong/Lôi = Ích

Cặp quẻ Kể, Cả – Quyết

Quẻ Kể, Cả: Thiên/Phong = Cấu
Quẻ Quyết: Trạch/Thiên = Quải

Cặp quẻ Lỏng – Khỏng (Khoảng)

Quẻ Lỏng: Địa/Phong = Vô vọng
Quẻ Khoảng, Quảng: Trạch/Địa = Đại súc

Cặp quẻ Tu (Tù) – Tỉnh

Quẻ Tù: Trạch/Thủy = Khốn
Quẻ Tỉnh: Thủy/Phong = Tỉnh

Cặp quẻ Thay cũ – Đổi mới

Quẻ Thay cũ: Hỏa/Phong = Cách
Quẻ Đổi mới: Trạch/Hỏa = Đỉnh

Cặp quẻ Lôi – Cản

Quẻ Lôi: Chấn/Chấn = Chấn
Quẻ Cản: Cấn/Cấn = Cấn

Cặp quẻ Tùng – Tiệm

Quẻ Chậm: Phong/Sơn = Tiệm
Quẻ Tùng: Lôi/Trạch = Quy muội

Cặp quẻ Phong – Lưu

Quẻ Giam: Hỏa/Sơn = Phong
Quẻ Lưu, Giữ: Lôi/Hỏa = Lữ

Cặp quẻ Chứa – Chan

Quẻ Chứa hay Đoài: Đoài/Đoài = Đoài
Quẻ Tán, Chan, San: Tốn/Tốn = Tốn

Cặp quẻ Trao (Giao) – Đổi

Quẻ Giao, Trao: Thủy/Trạch = Tiết
Quẻ Đổi hay Chuyển biến: Phong/Thủy = Hoán

Cặp quẻ Trung phu – Tiểu quá

Quẻ Tiểu quá: Lôi/Sơn = Tiểu quá
Quẻ Trung phu: Phong/Trạch = Trung phu

Cặp quẻ Khép (Khấp) – Khởi

Quẻ Khép: Hỏa/Thủy = Ký tế
Quẻ Khởi: Thủy/Hỏa = Vị tế

LỜI KẾT

SÁCH THAM KHẢO

Duu 3

Sĩ Nhiếp, tục thờ Tứ pháp và đạo Bà La Môn

Truyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái kể (lược trích):
Thời Hiến Đế nhà Hán, quan thái thú là Sĩ Nhiếp đóng đô thành ở bờ phía Nm sông Bình Giang (nay là Thiên Đức Giang). Phía Nam thành đó có chùa thờ Phật, có vị sư từ phương Tây tới, hiệu là Già La Đồ Lê trụ trì ở đấy, có phép đứng một chân, mọi người đều kính phục gọi là tôn sư, kéo nhau tới học đạo.
Hồi ấy có người con gái tên là Man Nương… theo học đạo Phật… Một đêm…  Man Nương ngủ ở giữa cửa, sư Già La bước qua mình Man Nương. Man Nương tự nhiên động thai… Đầy tháng sinh ra một đứa con gái, tìm sư Già La mà trả. Đêm đến, sư Già La bế đứa con gái tới ngã ba đường thấy một cây phù dung cành lá xum xuê, có một cái hốc sâu mà sạch sẽ, sư đặt đứa trẻ vào mà nói: “Ta gửi con Phật, mi giữ lấy sẽ thành Phật đạo”.
Già La, Man Nương từ giã ra về, Già La cho Man Nương một cây trượng mà bảo: “Ta cho nàng vật này, nàng về nhà nếu gặp năm đại hạn thì lấy trượng cắm xuống đất, lấy nước cứu sinh dân”. Man Nương cung kính bái lĩnh mà về ở trong chùa. Gặp năm đại hạn, nàng lấy trượng cắm xuống đất, tự nhiên nước cuồn cuộn chảy ra, dân được nhờ ơn.
Khi Man Nương ngoài chín mươi tuổi là lúc cây phù dung bị đổ, trôi ra ở bến sông trước cửa chùa, quanh quẩn ở đấy mà không trôi đi. Dân thấy thế, định bổ làm củi nhưng rìu nào cũng đều bị gãy, bèn đưa hơn ba trăm người trong làng ra kéo cây gỗ lên mà không chuyển. 
… Dân mời Man Nương bái lễ, thuê dân chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào tự điện, đặt vào bên trong tượng Phật, tượng Phật tự nhiên trông như mạ vàng. Sư Già La đặt Phật hiệu là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Long, tứ phương cầu đảo không điều gì không ứng.

Khau Da LaTượng Khâu Đà La ở chùa Dâu.

Ngôi chùa được nói đến ở đây là chùa Dâu tại Thuận Thành, Bắc Ninh, cạnh trung tâm Luy Lâu, trị sở Giao Châu thời Sĩ Nhiếp. Cổ Châu Phật bản hạnh của chùa Dâu kể cụ thể hơn truyền thuyết về Tứ pháp ở đoạn cuối:
Đêm ấy, Thái thú Sĩ Nhiếp ở thành Liên Lâu nằm mộng thấy chư tiên bảo phải lấy cây phù dung đó tạc bốn pho tượng để thờ, gọi là “Tứ Pháp”. Thái thú cho mời những người thợ thuộc dòng họ Đào đến cưa cây phù dung để tạc bốn pho tượng.
Tạc xong tượng đầu tiên thì thấy mây ngũ sắc vần vũ, nên gọi là “Pháp Vân”, tượng thứ hai làm xong thì mưa xuống, nên gọi là “Pháp Vũ”, tượng thứ ba làm xong thì sấm nổ, nên gọi là “Pháp Lôi”, tượng thứ tư làm xong thì thấy có chớp nhoáng trên trời, nên gọi là “Pháp Điện”.
Các chùa thờ Tứ pháp hiện còn ở khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội với các lễ hội hàng năm khá lớn là di tích của truyền thuyết này. Nhiều tài liệu Phật giáo cho rằng đây là một chuyện đánh dấu sự du nhập của đạo Phật nước ta ở thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên và Tứ pháp là sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian của nền văn minh nông nghiệp với đạo Phật.

Phap Van

Ban thờ và tượng Pháp Vân ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Tuy nhiên, ở các nơi thờ và trong lễ hội Tứ pháp, vai trò của đạo Phật rất mờ nhạt. Để hiểu đúng hơn về tín ngưỡng này, GS Đinh Gia Khánh trong cuốn Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á đã có một khám phá quan trọng về tục thờ Tứ pháp. GS nhận định rằng mây mưa sấm chớp vốn là các thuộc tính của thần Indra, một vị thần quan trọng nhất của đạo Bà La Môn (vua của các thần). Sau này Bà La Môn giáo chuyển hóa thành Phật giáo thì vai trò của thần Indra mờ đi.
Vị thần dông tố Indra của Bà La Môn giáo ở Việt Nam được chuyển thành Đế Thích, thường gặp trong các chùa thờ Phật bên cạnh tượng Cửu Long. Đế Thích cũng có đền thờ riêng như chùa Vua ở Hà Nội và một số đền thờ khác ở Hưng Yên, gắn với câu chuyện nổi tiếng hồn Trương Ba, da hàng thịt. Tứ pháp và tục thờ Đế Thích chính là dấu vết của Bà La Môn giáo du nhập vào nước ta dưới thời kỳ Sĩ Nhiếp.
Với khám phá này ta thấy nhà sư Khâu Đà La thực ra là một tăng lữ Bà La Môn, chứ không phải đạo Phật. Phép đứng một chân (tu theo kiểu Yoga?) cũng là cách tu của Bà La Môn giáo, không phải Phật giáo.
Quan trọng hơn, theo như Cổ Châu phật bản hạnh thì chính Sĩ Nhiếp là người đã cho tạc tượng và lập các đền thờ Tứ pháp. Nói cách khác thì Sĩ Nhiếp có thể là người theo Bà La Môn giáo.

Lang Si Nhiep

Lăng Sĩ Nhiếp.

Trong lá thư của Viên Huy, vốn là quan nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi cho Thượng thư lệnh nhà Hán năm Đinh Hợi, Hán Kiến An năm thứ 12 (207) có viết về Sĩ Nhiếp:
“Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được.”
Người Hồ đi sát bánh xe Sĩ Nhiếp để đốt hương tới hàng chục người. Người Hồ ở đây là người Ấn Độ. Rõ ràng đây không phải các nhà sư của đạo Phật vì đạo Phật không hành lễ kiểu đốt hương đi theo xe như vậy. Đây là các tăng lữ Bà La Môn đến từ Ấn Độ mà Khâu Đà La (Gia La Đồ Lê) của Truyện Man Nương có thể là một trong số đó.

Con cuu

Cừu đá ở chân tháp Hòa Phong trong chùa Dâu.

Một biểu hiện khác khá lý thú là hiện ở chùa Dâu và tại lăng mộ Sĩ Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tượng đá con cừu ở mỗi nơi. Truyền sử kể rằng: vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước ta, có vị sư người Tây Thiên sang nước ta tu hành truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo 2 con cừu. Một hôm sơ ý để 2 con đi lạc, 1 con lạc đến chùa Dâu, 1 con lạc đến Lăng Sĩ Nhiếp, dân ở 2 vùng này đã tạc tượng 2 con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ.
Vị sư từ Tây Thiên (Ân Độ) liên quan đến chùa Dâu và Sĩ Nhiếp này rõ ràng là Khâu Đà La. Hình tượng con cừu là biểu trưng của Bà La Môn giáo, gắn với khát vọng cầu mưa ở những nơi thảo nguyên khô cằn. Giáo học Bà La Môn của Khâu Đà La được truyền cho 2 người: Man Nương và Sĩ Nhiếp. Đó là lý do tại sao có tượng 2 con cừu ở đây.

Con Cuu lang Si NhiepCừu đá bên lăng mộ Sĩ Nhiếp.

Trong lá thư của Viên Huy nói về Sĩ Nhiếp ở trên có nêu: “các Man Di đều sợ phục”. Man Di ở đây là ở chỗ nào? Man Di thời Sĩ Nhiếp đối với Giao Châu thì chỉ có thể là khu vực Tây Bắc và Trung Bộ nước ta, hay là địa bàn của nước Lâm Ấp. Vế đối trên đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á còn ghi nhận việc này:
豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp.
Dịch: Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Khu vực Lâm Ấp ở Trung bộ nước ta thì rõ ràng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo (Bà La Môn) từ rất sớm, chính cũng vào khoảng thời gian trị vì của Sĩ Nhiếp. Phải chăng hình ảnh Man Nương trong truyện là chỉ Man Di – Lâm Ấp, nơi đã tiếp nhận Bà La Môn giáo của thời kỳ này?
Câu đối ở chùa Dâu:
勝地古來傳莫狀
崇祠屹立自王仙
Thắng địa cổ lai truyền Mạc trạng
Sùng từ ngật lập tự Vương tiên.
Dịch:
Đất đẹp cổ xưa truyền trạng Mạc
Đền nghiêm sừng sững từ tiên Vương.
Vế đối đầu nói tới Mạc Đĩnh Chi đã góp phần dựng lại chùa Dâu. Vế đối sau gọi Sĩ Nhiếp (Vương) là bậc “tiên”.
Cần nói thêm những hiểu biết mới về nhân vật Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp thực ra mang họ Phạm, được truyền thuyết Việt thờ dưới tên danh tướng Phạm Tu và là vị Vua Mây họ Phạm ở Đằng Châu (Hưng Yên). Nay ta hiểu tại sao lại gọi là Vua Mây – liên quan đến tục thờ Tứ pháp và thần dông tố Indra – Đế Thích.
Phạm Tu hay Phạm Tô còn là vị thần sông Tô Lịch, thành hoàng của thành Thăng Long. Sĩ Nhiếp từng được phong là Long Biên hầu, rồi Long Độ đình hầu. Dưới thời Trần, do kiêng tên của Trần Thủ Độ nên Long Độ được đọc thành Long Đỗ. Thần Long Đỗ hay Tô Lịch chính là Phạm Tu – Sĩ Nhiếp.
Cái tên Phạm Tu liệu có phải muốn nói rằng Sĩ Nhiếp là một tu sĩ họ Phạm, hoặc là người tu theo “Phạm giáo”. Phạm Thiên là tên của Đế Thiên, vị thần tối cao trong Bà La Môn giáo. Phạm Thiên và Đế Thích là 2 vị thần tối cổ của tôn giáo này.
Họ Phạm này của Sĩ Nhiếp cũng là họ Phạm của các vua Lâm Ấp. Sau thời Khu Liên lập nước Lâm Ấp, Phạm Hùng, cháu bên ngoại của Khu Liên lên ngôi cai quản Lâm Ấp. Phạm Hùng ở Quảng Ngãi được gọi là Đại lang Phạm Duy Hinh, nay còn đền thờ ở Bình Sơn. Phạm Đại lang là con của Đằng Châu họ Phạm, tức là cùng gia đình với Sĩ Vương. Lâm Ấp (Trung Bộ) lúc này thực chất là một tiểu quốc trực thuộc cai quản của Sĩ Nhiếp. Do vậy câu đối ở đền Tam Á mới nói: “khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp”.
Có nhiều ý kiến cho rằng họ Phạm của các vua Lâm Ấp là lấy theo Ấn Độ giáo (tức là theo Phạm Thiên – vua). Điều này trở nên hợp lý khi nay nhận ra rằng Ấn Độ giáo (Bà La Môn) đã du nhập vào Lâm Ấp và Giao Châu dưới thời Sĩ Nhiếp, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Truyền thuyết về Tứ pháp với mối quan hệ Sĩ Nhiếp (Giao Châu) – Man Nương (Lâm Ấp) – Khâu Đà La (Bà La Môn giáo) là “di ảnh” của sự kiện này.

Chuyện Nam Chiếu trong sách An Tĩnh cổ lục

An Tĩnh cổ lục là một công trình khảo cứu địa phương Nghệ An – Hà Tĩnh của học giả người Pháp Hippolyte Breton, hiệu trưởng trường quốc học Vinh từ những năm 1920. Công trình này khác với cách viết các loại “địa chí” của nước ta trước đây ở chỗ nó áp dụng cách nghiên cứu liên ngành địa chất, lịch sử, văn hóa, khảo cổ trên những tư liệu thực tế ở địa phương và cho những nhận định khái quát tổng hợp khá thú vị.
H. Breton dẫn nhập cuốn sách của mình bằng cách nói về diễn biến địa chất của vùng bờ biển Nghệ Tĩnh, nhưng lại khai thác đối chiếu với các thông tin từ văn hóa dân gian. Sách viết: Kho tàng truyền thuyết Hán – Việt… chứng minh rằng tổ tiên của người An Nam và người Trung Hoa đã được chứng kiến những cuộc xâm chiếm của lãnh địa đối với lãnh hải, hiện tượng mà người ta phải đặt vào đầu thời hình thành các đồng bằng duyên hải của Trung Quốc và của An Nam.
H. Breton đã đề cập đến truyền thuyết Nữ Oa, con của Viêm Đế bị chết đuối ngoài biển, hóa thành chim Tinh Vệ ngậm đá từ núi Tây bay sang lấp biển Đông (Tinh Vệ hàm thạch hay Tinh Vệ điền hải trong Sơn hải kinh).
Như thế, ngay từ đầu tác phẩm H. Breton đã sử dụng truyền thuyết kết hợp với địa chất để bàn luận về lịch sử. Đây là điều táo bạo, ít người dám làm thời đó. Tuy nhiên Breton thực sự chưa biết rằng chuyện Tinh Vệ lấp biển xảy ra chẳng ở đâu xa mà chính là vùng biển Trung Bộ của Việt Nam. Trung Quốc thời Viêm Đế, lập quốc ở tận lưu vực sông Hoàng Hà, làm gì có giáp biển mà bồi với lấp. Tinh Vệ lấp biển chính là chuyện Mai An Tiêm khai phá hoang đảo trong truyền thuyết Việt và cũng là chuyện Nữ thần Trầm hương Thiên Y A Na của người Chăm.
Từ diễn biến địa chất “bãi bể nương dâu” này H. Breton đã mô tả và giải thích sự kiện Cao Biền đào kênh ở Nghệ An:
Xứ Diễn Châu được bao vây tất cả mọi mặt bởi đồi núi, chỉ mở ra mặt biển về phía Đông, Ở thời kỳ đệ tứ kỷ, xứ này làm thành cái mà tôi gọi là “vịnh Diễn Châu” thông về phía Bắc với vịnh Thanh Hóa bởi eo Hoàng Mai và về phía Nam với vịnh Vinh bởi eo Đò Cấm. Cuộc nổi lên của lục địa vào cuối thời kỳ đệ tứ kỷ biến vịnh thành vũng, va hai eo bể thành đèo, ngày nay mang tên của hai làng Hoàng Mai và Đò Cấm. Vào thế kỷ thứ IX Tiết độ sứ Cao Biền người Trung Quốc sai đào hai con kênh ở hai đèo để nối liên với nhau các vũng Thanh Hóa, Diễn Châu và Vinh.

Ban do ATCL

Các địa danh được nói tới trong bài.

Ghi nhận công tích của Cao Biền trên đất Nghệ Tĩnh, H. Breton viết: viên quan này đã để lại ở An Tĩnh những kỷ niệm bất diệt… Cao Biền sang cai trị vùng Tĩnh Hải (Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ) từ 865 đến 875 đã xây dựng:
– Đào sông Hoàng Mai và Đò Cấm.
– Chùa Hương Tích và Nhạn Tháp.
– Đắp thành Long Môn.
 Về Đò Cấm, nhân dân gọi là “kênh sắt”. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng khi đào con kênh này Cao Biền đã phải dùng thuốc súng để phá vỡ những “tảng đá sắt” chẹn ngang đèo.
Ở phần Xứ Vinh, H. Breton nói về một phế tích Tháp Cao Biền: Ở địa phận làng Phương Tích và làng Yên Trường có một hòn núi khiến con sông đào từ Vinh đến Đò Cấm phải uốn dòng về phía Đông. Trên đỉnh núi ấy Cao Biền… đã dựng lên một cái tháp, người thì nói đó là một cái tháp để xá lỵ của nhà Phật, người thì nói đó là một cái đèn để ban đêm chiếu sáng cho thuyền bè qua lại trên sông đào, hoặc đó là đồn binh để báo hiệu…
Tại làng Yên Trường, giữa chân núi và con sông đào là đền Lĩnh Vạn. Đền này do Cao Biền dựng…
Chứng tích sự hiện diện của Tiết độ sứ Cao Biền ở Nghệ Tĩnh quá rõ ràng. Cao Biền còn lưu lại bài thơ Quá Thiên Uy kính:
Sài lang khanh tận khước triều thiên,
Chiến mã hưu tê chướng lĩnh yên.
Quy lộ hiểm hy kim thản đãng,
Nhất điều thiên lý trực như huyền.
Dịch:
Sài lang chôn sạch lại chầu vua
Ngựa chiến thôi kêu cõi núi mờ
Đường hiểm nay về bằng phẳng rộng
Một lèo nghìn dặm thẳng như tơ.
(Theo Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1996).
Kênh Thiên Uy chính là kênh Thiết Cảng hay kênh sắt ở khu vực sông Cấm của Nghệ An. Cao Biền đã đào 2 con kênh Hoàng Mai và Đò Cấm nối liên vận đường thủy từ Bắc Bộ vào Nghệ An để đánh dẹp quân Nam Chiếu như trong bài thơ cho biết. Sự hiện diện này của Cao Biền cũng hoàn toàn khớp với phân bố các nơi thờ thần Cao Sơn Cao Các ở Nghệ An tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành và Hưng Nguyên. Tục thờ Cao Sơn Cao Các chính là thờ Tiết độ sứ Cao Biền ở khu vực này.

Chua Thien Ton

Chùa Thiên Tôn ở Ninh Bình.

Cao Biền đã vượt sông Cấm tiến vào phía Nam. H. Breton cho rằng Cao Biền có liên quan tới việc xây chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh. Điều này rất có lý vì ở chân núi Hồng Lĩnh còn có cái hồ lớn được gọi là Hồ nhà Đường. Ngoài ra, khá đặc biệt là ở Ninh Bình có chùa Thiên Tôn tương truyền do Cao Biền dựng nên. Chùa Thiên Tôn thờ Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện và bố mẹ của bà là vua Trang Vương và Hoàng hậu. Tức là giống với chùa Hương Tích, nơi thời Phật Quan Âm và có di chỉ nền đài Trang Vương.
Cao Biền đã đào thông kênh qua Đò Cấm, tiến vào xứ Vinh là để dẹp quân Nam Chiếu vì căn cứ gốc của Nam Chiếu ở khu vực này. Đó là nơi có Nhạn Tháp và thành Long Môn ở Nam Đàn. H. Breton từng thu thập được viên gạch của Nhạn Tháp có đề niên hiệu thời Đường và nhắc đến việc cần tìm hiểu thêm nguồn gốc của ngôi tháp này. Khảo cổ ngày nay ở Nhạn Tháp đã tìm thấy hộp vàng đựng xá lỵ và các viên gạch có chữ với niên hiệu Trinh Quán lục niên (632). Với niên hiệu này thì nguồn gốc của Nhạn Tháp và Long Môn tại Nam Đàn phải sớm hơn thời Cao Biền vì Cao Biền sang An Nam vào những năm Đường Hàm Thông (860-874).
Nhạn Tháp nằm trong khu vực một thành cổ có tên Hồ Thành hay Chiêm Thành. Trong An Tĩnh cổ lục gọi là Lồi Vương Thành với cửa Long Môn. Rõ ràng đây là một tòa thành của người Chăm. Nhưng tại sao thành của người Chăm lại nằm ở Nghệ An và có niên đại vào thời Đường Trinh Quán (632)?
Di tích Nhạn Tháp này không liên quan đến Cao Biền nhưng lại là một di tích của Nam Chiếu. Nam Chiếu còn được gọi là người Hồ như trong thần tích về Cao Sơn Cao Các dẹp họ Hồ. Vì thế thành này gọi là Hồ Thành hay Chiêm Thành.
Niên đại Trinh Quán lục niên (632) của gạch Nhạn Tháp đưa đến một nhận định khá bất ngờ. Nhạn Tháp và Lồi Vương thành được xây dựng bởi vị “đệ nhất đại chiếu”, tổ của Nam Chiếu là Tế Nô La vào đầu thời nhà Đường. Lúc này Nam Chiếu chưa lập quốc riêng mà còn đang thần phục nhà Đường. Vì vậy mà gạch xây tháp tuy là tháp trong thành Chăm nhưng vẫn mang niên hiệu của nhà Đường.
Lồi Vương do đó có thể là đọc sai từ Lỗ Vương (Lồi khi ghi chữ Nho thì ghi bằng chữ Lỗi). Nam Chiếu khi lập quốc lấy tên là Đại Lễ. Lễ cũng là Lỗ như trong tên của Cáp Lỗ Phong sau này.
Nhạn Tháp và Lồi Vương Thành nằm cách không xa thị trấn Sa Nam, nơi Mai Thúc Loan khởi nghĩa. H. Breton trong An Tĩnh cổ lục đã đưa ra nhận định rằng Mai Thúc Loan là người gốc Chămpa. Điều này đúng với nghĩa Chăm hay Chiêm là gồm cả người Nam Chiếu.
Cái tên Sa Nam có thể hiểu là: Sa nghĩa là chúa trong tiếng Chăm. Sa Nam là Nam Chúa hay Nam Chiếu, rất rõ.

Den Mai Thuc LoanĐền thờ Mai Thúc Loan ở chân núi Hùng Sơn tại Nam Đàn.

Tế Nô La cũng là Phùng Tói Cái, vị tiền nhân 7 đời của Phùng Hưng, là người đã từng vào chầu Đường Cao Tổ và được làm quan lang ở Đường Lâm. Tên Đường Lâm rất có thể còn lưu lại trong địa danh Nam Đàn = Nam Đường = Đường Lâm.  Một số tư liệu chép về Mai Hắc Đế: Năm Nhâm Tuất (722) là năm Khai Nguyên thứ 10 về đời vua Huyền Tông nhà Đường, ở Hoan Châu có một người tên là Mai Thúc Loan nổi lên chống cự với quân nhà Đường. Mai Thúc Loan là người huyện Thiên Lộc, tức là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì, sức vóc khỏe mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn bạo, dân gian khổ sở, lại nhân lúc bấy giờ lắm giặc giã,ông ấy bèn chiêu mộ những người nghĩa dũng, rồi chiếm giữ lấy một chỗ ở đất Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đường tỉnh Nghệ An) rồi xây thành đắp lũy, xưng hoàng đế, tục gọi là Hắc Đế”.
Thành Vạn An của Mai Hắc Đế nằm ở huyện Nam Đàn nên trong tư liệu trên đã gọi Nam Đàn là Nam Đường. Còn Phúc Lộc (địa danh khác trong tên quê của Phùng Hưng) là vùng Can Lộc – Hà Tĩnh, cũng là quê hương của Mai Thúc Loan.
Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh từng tham gia khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Như thế châu Đường Lâm – Phúc Thọ của họ Phùng nằm ở xứ An Tĩnh, hoàn toàn có lý.
Phùng Hưng là hậu duệ của Phùng Tói Cái hay Nam Chiếu Mông Tế Nô La nên khởi nghĩa Phùng Hưng chính là sự nổi dậy thành lập nước Nam Chiếu độc lập. Cao Biền khi dẹp quân Nam Chiếu chiếm thành Tống Bình ở Bắc Bộ đã tiến quân vào xứ An Tĩnh, đào kênh thông thủy, dẹp “sài lang” ở vùng đất Nam Đàn – Đường Lâm.
Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái kể sau thời Cao Biền:
Tướng Tư Mã là Lý Tiến đem 30 vạn quân đánh vào Đồ Sơn, quân Nam Chiếu bèn rút về biên giới Ai Lao, hiệu là Đầu hoành Mô quốc Bồn Man, thường lấy sự cướp bóc làm nghề, lúc đánh lúc nghỉ, chưa hề bao giờ yên chiến sự. Đất đó nay là phủ Trấn Ninh, muôn đời sát nhập trong bản đồ nước Đại Việt.
Bồn Man la Mường Phuon hay Xiêm Khoảng của Lào, từng gọi là Trấn Ninh thời Pháp. Con đường thượng đạo phía Tây Nghệ An mà H. Breton nói đến trong sách của mình là con đường nối từ Nam Đàn sang Xiêm Khoảng. Con đường này có vai trò chiến lược quan trọng trong nhiều thời đại khi quân khởi nghĩa sử dụng nó để rút lui phòng thủ hay làm bàn đạp để tấn công miền ven biển Nghệ Tĩnh.
Một chi tiết lạ nữa trong An Tĩnh cổ lục nói: Mười hai sứ quân cát cứ vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một trong 12 sứ quân là Hồ Hưng Dật, tổ của họ Hồ ở vùng An Tĩnh.
Đây là tư liệu độc đáo nói rằng thái thú Diễn Châu Hồ Hưng Dật là một sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh. Về nguồn gốc nguyên tổ họ Hồ này đã từng bàn. Nó liên quan đến việc Lý Thái Tổ – Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp châu Diễn. Lý Thái Tổ cũng là Lý Tiến được nói đến trong Truyện Nam Chiếu.
Thay lời kết, xin dẫn lời của H. Breton trong An Tĩnh cổ lục:
Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên”.

Thần Cao Sơn Cao Các ở Nghệ An

Den Xuan HoaĐền Xuân Hòa, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An, thờ Cao Sơn Cao Các.

Cao Sơn Cao Các là một trong những vị thần lâu đời và phổ biến nhất của đất Nghệ An. Theo sách Địa chí văn hóa Hưng Nguyên thì chỉ riêng ở huyện Hưng Nguyên trong 109 xã, thôn ở đây có trên dưới 40 xã thôn thờ Cao Sơn Cao Các. Tác giả Ninh Viết Giao đã trích dẫn bản khai thần tích của xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lộc (nay thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương  – thị xã Cửa Lò và xã Nghi Thạch – huyện Nghi Lộc) của cử nhân Hoàng Thúc Lang vào đời Minh Mệnh như sau: “Nay phụng sát những nơi thờ Cao Sơn Cao Các là 335 nơi, trong đó đã phong thần là 322 nơi, chưa phong là 113 nơi.”
Là một vị thần được thờ phổ biến như vậy ở Nghệ An nhưng Cao Sơn Cao Các là ai, là 2 hay 1 nhân vật thì còn chưa rõ.

Sac phong Ngoc Dien

Bản dịch sắc phong Cao Sơn Cao Các ở đền Ngọc Điền.

Theo tài liệu Tục thờ thần và thần tích Nghệ An của giáo sư Ninh Viết Giao thì thần tích vị thần này ở đền Ngọc Điền tại thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An như sau:
Thần Cao Sơn, tên thật là Cao Hiển, tự là Vân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng, hiểu sâu, tài kiêm văn võ. Năm 29 tuổi đậu Tiến sỹ dưới triều vua Hy Tông nhà Tống và làm quan đến chức Thượng thư. Khi vùng biên giới nhà Tống có loạn quấy phá, Cao Hiển nhanh chóng dẹp loạn, giúp dân yên ổn làm ăn, được nhân dân tín phục. Nhờ công lao to lớn đó, Cao Hiển được vua Tống phong làm Đại Thừa Tướng.
Để thực hiện ý đồ bành trướng, nhằm uy hiếp và khuất phục nước ta, Vua nhà Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó sứ An Nam. Đời sống của nhân dân nước ta còn nhiều khó khăn, nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát. Cao Hiển hiểu rõ và thông cảm với khó khăn của cư dân Đại Việt. Một mặt xin vua Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân An Nam tìm cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, tìm cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó cuộc sống của nhân dân được ổn định.
Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn là vị quan có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân bản xứ. Xây dựng mối bang giao hòa bình tốt đẹp giữa hai nước An Nam. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Khi ông mất vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ.
Cuốn sách chữ Hán Bách thần sự tích, tài liệu chép tay, không rõ tác giả, hiện lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An, chép như sau: “Cao Sơn Cao Các Đại vương, Thượng đẳng thần, có 30 miếu thờ. Miếu thờ chính ở xã Đông Tháp, huyện Đông Thành. Nguyên là người nước Bắc, họ Cao tên Hiển, tiến sỹ Triều Minh, sang nước ta làm Án sát sứ… Sau khi mất hiển hiện linh ứng, dân xã lập đền thờ…“.

Den Cao Son Dien Chau

Đền Cao Sơn ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Cố PGS. Ninh Viết Giao cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã tra cứu thư tịch Trung Quốc, thấy rằng không có tiến sỹ Cao Hiển nào sang nước ta làm chức Án sát sứ. Những thông tin về thần Cao Sơn ở các nơi này không khớp nhau, nhiều dị bản như PGS Ninh Viết Giao đã nhận xét. Lúc thì là vị Án sát sứ thời Minh, lúc lại là thời Tống. Thời Minh chẳng có vị quan đứng đầu khu vực nước ta nào mang họ Cao cả. Còn thời Tống thì càng không, vì lúc đó nước Đại Việt đã độc lập, làm gì còn có “An Nam quốc vương” nào của nhà Tống ở đây nữa.
Những thông tin thần Cao Sơn có tên Cao Hiển, người ở Bảo Sơn Trung Quốc, đỗ cao rồi sang nước ta làm quan phụ chính, rất trùng khớp với sự tích của Cao Sơn đại vương ở khu vực Hà Hồi (Thường Tìn, Hà Nội). Vị Cao Sơn này như đã nhận định, không phải thời Minh hay thời Tống, mà chính là tướng Cao Biền thời Đường. Cao Biền người phương Bắc, từng đỗ đạt và làm quan to dưới thời Đường. Cao Biền được cử sang nước ta trấn thủ An Nam để dẹp loạn Nam Chiếu. Sau khi đánh Nam Chiếu thắng lợi, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và Cao Biền nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ đầu tiên.
Về thần Cao Các ở nhiều nơi chép cùng là một vị với thần Cao Sơn. Theo Ngọc phả đại vương tôn vị trung thần triều đình của đền Ngọc Điền: Tại làng Châu Ái, Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Anh Đô, có ông đồ Cao Trạch, người hiền lành, phúc hậu, lấy bà Lê Thị Điểm… sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Cao Các. Lớn lên Cao Các thông minh hơn người thường. Khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, ông rời làng đi tìm minh chúa. Khi gặp được Đinh Bộ Lĩnh, thấy ông tư chất thông minh hơn người. Hỏi về học vấn đều đáp trôi chảy nên đã phong ông làm Giám Nghị Đại Phu, giao cho 5 vạn binh lính phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Với tài trí và mưu lược của mình, Cao Các đã cùng các tướng sỹ lần lượt dẹp loạn, thu phục các sứ quân.
Sau khi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại thắng Đinh Hoàng Đế. Ông ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Thấy đây là vùng non nước hữu tình ông bèn cho quân sỹ lập quân cư.
Ba năm sau, chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp nước Đại Việt. Vua Đinh triệu Cao Các về triều giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược của mình, Cao Các cầm quân xông pha trận mạc, khiến vua Chiêm đại bại, phải trốn về nước. Sau trận đại thắng quân Chiêm, vua Đinh muốn giữ ông lại triều đình nhưng Cao Các xin được ở lại An Ninh. Ông lâm bệnh và mất đột ngột tại quê nhà. Vua Đinh thương tiếc cho lập miếu thờ ông.
Đoạn thần tích trên cũng là cách kể khác của chuyện Cao Biền mà thôi. Đinh Bộ Lĩnh không hề có lúc nào đánh nhau với quân Chiêm Thành hay Xạ Đẩu cả. Chỉ cần thay nhà Đinh ở đây bằng nhà Đường thì chuyện của Cao Các sẽ hoàn toàn khớp với công nghiệp của Cao Biền. Cao Biền dẹp quân Nam Chiếu chính là dẹp quân Chiêm Thành vì Nam Chiếu lúc này là khu vực Trung Bộ nước ta.

Binh phong Cao Son

Bình phong ở đền thờ Cao Sơn tại Công Thành, Yên Thành.

Sự tôn thờ Cao Biền ở Nghệ An là do ông ta đã có công khai thông đường thủy ở khu vực Diễn Châu khi làm kênh Thiên Uy hay Kênh Sắt (Thiết Cảng) tại đây. Ở đây vẫn còn lưu được bia Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Cao Biền soạn.
Thần tích đền Ngọc Điền còn cho một thông tin: Vào thời Cảnh Hưng có nạn Hồng Thủy, đất nước lụt lội, đồng ruộng ngập sâu, nạn sâu keo phá hoại mùa màng khắp nơi, nhân dân làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn Cao Các phù hộ. Quả nhiên linh ứng, diệt được sâu keo. Từ đó nhân dân rước bài vị Cao Sơn Cao Các về lập đền miếu ở nhiều nơi để thờ phụng và hương hỏa quanh năm.
Cảnh Hưng cũng là niên hiệu dựng tấm bia Cao Sơn đại vương tại đền Kim Liên, Hà Nội. Có thể thấy tục thờ Cao Sơn (Cao Biền) một cách rộng rãi bắt đầu từ thời gian này. Tới nay những khu vực thờ Cao Sơn (Cao Biền) có thể tóm tắt như sau:

  • Kinh thành Thăng Long: Cao Sơn đại vương được tôn làm thần Trấn Nam kinh thành, đền chính là đền Kim Liên vì Cao Biền là người đã khởi dựng thành Đại La.
  • Khu vực Thường Tín: với hội 7 làng của tổng Hà Hồi thờ Cao Sơn đại vương, đến chính ở Phương Quế, là nơi Cao Biền lập trang ấp, công đức cho nhân dân.
  • Ninh Bình: Cao Sơn đại vương cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn. Đây là nơi ông lập gia đình (lấy vợ) ở Phụng Hóa (Nho Quan).
  • Nghệ An: với thành tích khai thông kênh Sắt và đánh quân Nam Chiếu (Chiêm Thành) Cao Biền được tôn thờ rộng rãi dưới tên Cao Sơn Cao Các.
  • Những nơi khác ở miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Bình đều có các nơi thờ Cao Sơn – Cao Biền.

Câu đối ở đình Kim Lan (GIa Lâm, Hà Nội) đã khái quát công nghiệp của Cao Sơn – Cao Biền như sau:
討南詔築大羅城開天威浜留玉几
勸農丧傳甄陶藝安民濟世祐金閶
Thảo Nam Chiếu trúc Đại La thành, khai Thiên Uy banh lưu ngọc kỷ
Khuyến nông tang truyền chân đào nghệ, an dân tế thế hữu kim xương.
Dịch:
Dẹp Nam Chiếu đắp Đại La thành, khơi kênh Thiên Uy, công nghiệp còn lưu ghế ngọc
Khuyến nông tang truyền nghề làm gốm, yên dân giúp thế, ân đức mãi ghi hộp vàng.

Cao Son o Xuan Hoa

Tượng Cao Sơn Cao Các ở đền Xuân Hòa, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An.

Hiện có một số tác giả cho rằng nước ta khởi đầu độc lập bắt đầu từ khi Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ ở Long thành. Nhưng nếu vậy, so ra người làm Tiết độ sứ đầu tiên ở nước ta là Cao Vương Biền, cũng là người đầu tiên xây thành Đại La (Thăng Long, Hà Nội), đồng thời có hàng loạt công nghiệp lập quốc khác như đánh giặc Nam Chiếu, khuyến khích nghề tằm tang, canh nông, nghề gốm sứ, khai thông kênh Thiên Uy… Cao Biền mới thực sự là người gây dựng nền độc lập đầu tiên của nước Nam trên đất Tĩnh Hải.