Tư liệu khảo cổ Nam Việt

Tư liệu trích từ bài báo Quá trình hình thành và sụp đổ của nước Nam Việt trước sự thôn tính của nhà Hán qua tư liệu khảo cổ và lịch sử của PGS. TS. Hoàng Xuân Chinh trong Tạp chí Khảo cổ học số 6-2017.
… (lược bỏ phần mở đầu)
Tộc Nam Việt, nhà nước sơ khai Nam Việt
Nam Việt vừa là tộc danh tộc Nam Việt vừa là tên nước – nước Nam Việt. Nước Nam Việt do Triệu Đà lập nên vào thời Hán, còn tộc Nam Việt xuất hiện sớm hơn nhiều. Qua tư liệu khảo cổ phát hiện trong những năm gần đây trên đất Quảng Đông thì có thể nhà nước sơ khai Nam Việt đã ra đời trong thời đại đồng thau thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Địa bàn cư trú của tộc Nam Việt, theo “Hán thư Lưỡng Việt truyện” thì Nam Việt “phía Tây có Tây Âu, phía Đông có Mân Việt”. Qua đó, giới hạn cụ thể khu vực cư trú của người Nam Việt chưa thể định luận. Nhưng dựa vào cương vực Tây Âu là ở vào khoảng Bắc – Tây Bắc Quảng Tây và Mân Việt là vào khoảng Phúc KIến và Nam Triết Giang cùng Đài Loan ngày nay. Có thể ước chừng Nam Việt ở vào khoảng Quảng Đông và Đông Bắc Quảng Tây ngày nay, mà trung tâm là tam giác châu Châu Giang, sau này trở thành kinh đô Phiên Ngung của nước Nam Việt.
Tộc Nam Việt trong quá trình hình thành và phát triển thành nhà nước sơ khai không những có mối quan hệ với các tộc, các nhà nước lân cận, mà còn có quan hệ với người Hoa Hạ trong nội địa Trung nguyên. Tình hình này được phản ánh khá rõ trên tư liệu khảo cổ.
Các di tích thời đại Đá mới từ sơ kỳ đến hậu kỳ trên đất Quảng Đông phân bố rộng khắp và liên tục, không bị biến dị và cắt đoạn với đặc trưng nổi bật là đồ gốm văn in kỷ hà hệ Lĩnh Nam theo phân loại của Lý Bá Khiêm trong hội thảo về gốm văn in kỷ hà tổ chức ở Lư Sơn năm 1978 (Lý Gia Khiêm 1979). Chính trên cơ sở văn hóa Đá mới với đặc trưng gốm văn in kỷ hà hệ Lĩnh Nam, tộc Nam Việt đã phát triển văn hóa thời đại Đồng thau rộng khắp từ lưu vực Bắc Giang, Tây Giang, Đông Giang đến Châu Giang, Trạm Gianng. Theo thống kê chưa thật đầy đủ, cho đến năm 1995, trên đất Quảng Đông đã phát hiện được khoảng 500-600 địa điểm có tầng văn hóa thời đại Đồng thau, trên 10 di tích có dấu tích lò đúc đồng, khoảng 300 ngôi mộ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, thu được khoảng trên 1.200 hiện vật đồng thau, khoảng trên 20 khuôn đúc đồng bằng đá (Dương Thức Đỉnh 1998).
Chẳng hạn như năm 1962 – 1963. tại Mã Đầu Cương thuộc huyện Thanh Viễn phát hiện 2 ngôi mộ thời Đông Chu, đồ tùy táng chủ yếu là đồ đồng thau và gốm cứng văn in kỷ hà. Đồ đồng thu tổng cộng có 64 hiện vật như lôi, đỉnh, phẫu, chuông dẹt, vật hình trụ có tượng đầu người cùng công cụ và binh khí.
Năm 1986 trở đi, tại vùng Long Tử Sơn huyện Hòa Bình phát hiện trên 10 mộ thời Đông Chu, trong đó mộ số 1 thu được 5 hiện vật đồng thau như đỉnh kiểu Việt, việt, dao nạo, qua cùng vò gốm cứng văn chiếu, cốc gốm tráng men, ấm có vòi rót tay cầm và một dãy 11 viên đá ngọc trang sức to nhỏ khác nhau.
Năm 1987 – 1988, tại núi đối diện với Đại Cũng Bình huyện Lạc Xương phát hiện hơn 20 ngôi mộ thời Đông Chu có đỉnh đồng kiểu chân đế hình thú và chân đế dẹt, kiếm dài, kiếm ngắn, giáo, qua, việt, móc đai, trong đó có một lưỡi qua trang trí văn quỳ phượng, văn mây móc liền nhau là loại rất hiếm thấy. Đồ gốm có phễu, vò trang trí quỳ văn, vân lôi văn và văn chữ mễ.
Năm 1983 tại Bối Phu Sơn khu La Bình huyện La Định phát hiện mộ Chiến Quốc sớm, đáy mộ có hố lưng hình tròn. Đồ tùy táng có 98 hiện vật đồng thau như đỉnh, gương, thích, vật hình trụ trên có tượng đầu người, kiếm, qua, giáo, việt, rìu cùng cốc gốm mịn màu đen tay cầm cao nông lòng, chén sứ nguyên thủy và 18 viên đá ngọc trang sức. Đáng chú ý 4 vật trụ trên có tượng đầu người được cắm ở đáy quan tài gỗ 2 trước 2 sau.
Năm 1989 tại khu mộ Lại Dương Đôn thuộc Khai Phong Nam khai quật 30 mộ huyệt đất thuộc các giai đoạn sớm, giữa và muộn thời Chiến Quốc. Đa số đáy mộ có hố lưng hình tròn hoặc vuông, phát hiện được một sưu tập đồ đồng thau cùng gốm cứng văn in kỷ hà và sứ nguyên thủy (Dương Thức Đỉnh 1995).
Năm 1971 trở đi, tại Yết Dương Trung Hạ Diện Đầu Lĩnh khai quật 15 ngôi mộ thời Chiến Quốc, trong đó mộ phong phú đồ tùy táng nhất có 29 hiện vật, gồm 19 đồ đồng thai, 10 đồ gốm và sứ nguyên thủy. Trong đó có 1 qua đồng viện bằng hồ hẹp và 1 lưỡi giáo khắc chữ “vương”. Ngoài ra, còn có kiếm dài và di bằng sứ nguyên thủy tương tự đồng loại phát hiện ở Thượng Hải, Kim Sơn Thích Gia Đôn, Hoài Dương Cao Trang (Khâu Lập Thành 1920).
Phong phú hơn cả là phát hiện ở huyện Quảng Ninh. Năm 1977, tại Đồng Cổ Cương phát hiện 22 ngôi mộ thời Chiến Quốc, thu được 295 đồ đồng thau trong tổng số 357 hiện vật tùy tàng. Năm 1995, tại Long Trở Cương khai quật 15 ngôi mộ thời Chiến Quốc. Mộ phong phú đồ thùy táng nhất có trên 30 hiện vật, trong đó đồ đồng thau có trên 20 hiện vật. Tổng cộng có 15 mộ, thu được trên 100 hiện vật đồng thau.
Ngoài ra, lẻ tẻ cũng thu được một số sưu tầm đồ gốm, đồ đồng khá đẹp. Chẳng hạn như tại Xiêm Cương ngoại ô thành phố Quảng Châu thu được một sưu tập đồ đồng thau gồm qua, kiếm ngắn trang trí văn hình mặt người, dao trang trí văn lôi văn thời Xuân Thu và đồ gốm quỳ văn (Mạnh Anh Hòa 1997).
Phần lớn các nhà khảo cổ Trung Quốc cho rằng tới giữa thời Xuân Thu đến giữa thời Chiến Quốc văn hóa thời đại Đồng thau trên đất Quảng Đông cực kỳ phát triển – tuy không bằng văn hóa Điền và văn hóa Lạc Việt. Cho đến lúc này, công cụ bằng đá hầu như không còn. Đồ gốm tiêu biểu cho thời kỳ này là gốm cứng văn in quỳ văn cùng gốm men và sứ nguyên thủy. Đồ đồng thời kỳ này rất đặc biệt, bên cạnh số lượng khá lớn đồ đồng mang phong cách đồ đồng thời Xuân Thu – Chiến Quốc của khu vực Trung nguyên như lôi, đỉnh, phẫu, dao nạo, kiếm dài, qua, giáo, móc đai, v.v… đã xuất hiện khá nhiều đồ đồng thau mang sắc thái địa phương như đỉnh nông lòng kiểu Việt, việt, vật hình trụ trên có tượng đầu người. Về đồ đồng mang phong cách Trung nguyên, một số là được truyền trực tiếp từ Trung nguyên xuống, một số đúc chế tại địa phương theo phong cách đồ đồng Trung nguyên. Nam Việt tuy xa Trung nguyên, nhưng có bờ biển dài cùng nhiều sông lớn, và Nam Việt có mối quan hệ khá sớm với Câu Ngô và Vu Việt là hai nước có trình độ phát triển cao hơn Nam Việt lại gần Trung nguyên hơn nên rất có thể đồ đồng Trung nguyên đã qua Câu Ngô và Vu Việt mà truyền vào Nam Việt trước khi Nam Việt thuộc Hán. Thời kỳ này trên đất Quảng Đông chưa xuất hiện đồ sắt.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng đây là thời kỳ hình thành nhà nước sơ khai của tộc Nam Việt, và văn hóa Hán cũng đã góp phần vào quá trình hình thành nhà nước sơ khai này. Về tính chất của nhà nước sơ khai này phải chăng đồng nghĩa với khái niệm phương quốc, giai đoạn giữa trong mô thức 3 giai đoạn của giáo sư Tô Bình Kỳ.
Quận Nam Hải của nhà Tần và nước Nam Việt của nhà Triệu
… (lược bỏ đoạn bàn luận thư tịch, không liên quan đến khảo cổ)
Thời kỳ nước Nam Việt mở rộng bao gồm cả nước Âu Lạc là thời kỳ hùng mạnh nhất của nước này. Bộ mặt văn hóa lúc bấy giờ có những đổi mới khác hẳn về chất so với thời nhà nước sơ khai Nam Việt.
Thể hiện rõ nhất là đã phát hiện được những ngôi mộ to lớn có cấu trúc độc đáo, đồ tùy táng cực kỳ phong phú. Đó là mộ Nam Việt Vương ở Quảng Châu, khu mộ La Bạc Loan ở huyện Quý và khu mộ Ngân Sơn Lĩnh là 2 vùng thuộc đất Tây Âu xưa được xem là thuộc đất nước Nam Việt thời nhà Triệu.
Như mộ Nam Việt Vương có trên 500 hiện vật đồng thau và nhiều đồ sơn, đồ vàng bạc chạm khắc tinh mỹ, đồ ngà voi, đồ pha lê. Đồ tùy táng không những nhiều mà còn mang phong cách khác nhau. Chẳng hạn đỉnh đồng có tới 37 chiếc thuộc 3 phong cách khác nhau là đỉnh phong cách Hán Trung nguyên, đỉnh phong cách Sở và đỉnh phong cách bản địa Nam Việt. Hay chuông, vừa có chuông nữu vừa có chuông dũng và chuông câu. Đáng chú ý là có tới 9 thạp đồng và 2 thạp gốm về kiểu dáng và hoa văn trang trí rất giống với thạp đồng văn hóa Đông Sơn. Sự có mặt của hiện vật văn hóa Đông Sơn trong mộ Nam Việt Vương là phản ánh đúng tình hình chính trị lúc bấy giờ, vì lúc này Âu Lạc là một thành viên của nước Nam Việt.
Mộ La Bạc Loan số 1 có trên 200 hiện vật đồng thau với nhiều phong cách khác nhau. Trong đó đáng chú ý là 2 chiếc trống đồng mà các học giả Trung Quốc cho là thuộc loại hình Thạch Trại Sơn và 4 thạp đồng mà kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí hoàn toàn giống với thạp đồng văn hóa Đông Sơn.
Khu mộ Ngân Sơn Lĩnh có một số công cụ và vũ khí kiểu Việt như rìu đồng xòe rộng hai đầu vểnh lên mà học giả Trung Quốc gọi là việt hình chữ phượng, hay loại kiếm ngắn không có chắn tay, cán dẹt ngắn, lưỡi rộng dẹt, giữa có sống dọc nổi rõ, v.v…
Qua đó có thể nói nước Nam Việt của Triệu Đà lúc phát triển nhất, bên cạnh đồ đồng kiểu Việt ngày một nhiều, còn có đồ đồng kiểu Tây Âu, Lạc Việt và đồ đồng phong cách Hán Trung nguyên và bộ mặt văn hóa Nam Việt lúc này cũng đã hình thành nên những khu vực có tính chất địa phương như khu vực kinh đô Phiên Ngung, khu vực Bình Lạc Quế Lâm, khu vực Quý huyện, khu vực Lạc Việt Âu Lạc.
Nhà Hán thôn tính Nam Việt
… (lược bỏ đoạn bàn luận thư tịch, không liên quan đến khảo cổ)
Tình hình này được phản ánh khá rõ trên tư liệu khảo cổ. Trong khu vực rộng lớn này bên cạnh đồ gốm đồ đồng bản địa, xuất hiện ngày càng nhiều đồ gốm, đồ đồng phong cách Hán. Đồ sắt trước đây đã có nhưng đến lúc này đồ sắt Trung nguyên truyền xuống ngày càng nhiều.
Tại kinh đô Phiên Ngung cũng như xung quanh các thành phố đô thị lớn nhỏ trong khu vực đều phát hiện được nhiều mộ đất và nhất là mộ gạch vòm cuốn rất đặc trưng cho mộ Hán thời Hán. Đồ tùy táng, bên cạnh một số ít đồ gốm và đồ đồng bản địa là số lượng lớn đồ gốm và đồ đồng phong cách Hán. Đồ gốm thường có các loại vò in ô vuông, văn ô vuông có thêm dấu triện tròn hoặc vuông, vò ấm 3 chân có vòi rót có tay cầm, nhĩ bôi, hồ, đỉnh và đặc biệt là mô hình nhà, bếp lò, giếng, nhà kho, chuồng lợn, v.v… Đồ đồng có hồ, liễm, hộp, gương đồng, tiền bán lạng, tiền ngũ thù, v.v… Đồ sắt thường có nồi, kiếm sắt.
… (lược bỏ phần kết)

Cao Biền và Ả Lã

Làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) thờ vị thành hoàng là Ả Lã Nàng Đê như vị tổ nghề dệt lụa. Tuy nhiên thần tích của vị này lại được gắn với tướng Cao Biền thời Đường. Điều này khá kỳ lạ vì Ả Lã Nàng Đê được biết là một vị nữ tướng thời Trưng Vương, được thờ ở nhiều nơi, tại sao lại là vợ của Cao Biền thời Đường được? Tất cả các làng lân cận với Vạn Phúc như Ngọc Trục, Đại Mỗ, Tây Mỗ đều thờ Ả Lã Nàng Đê, nhưng là nữ tướng của Trưng Vương. Khu vực Hà Đông cũng không có vết tích gì của Cao Biền cả. Ở đây hẳn đã có sự nhầm lẫn hoặc chắp nối không ăn khớp giữa các nhân vật.

IMG_2334

Danh hiệu của Ả Lã Nàng Đê ở làng Vạn Phúc được chép là Quốc vương thiên tử Nga Hoàng đại vương. Đây rõ là danh hiệu của Trưng nữ Vương, như được nêu trong thần tích của làng Nại Tử (Đan Phượng, Hà Nội). Phải là Trưng Vương thì mới xưng “Quốc vương thiên tử”. Còn Nga Hoàng là tên con gái của Đế Nghiêu được gả cho Đế Thuấn. Khi Đế Thuấn đi tuần và mất, bà Nga Hoàng đã tự vẫn trên dòng sông Tương theo chồng. Trưng Vương khởi nghĩa trả thù chồng nên cũng thường được ví với các vị thần sông Tương này như trong câu đối tại đền Hát Môn:
Tây Giang tỷ muội thần Tương nữ
Đông Hán tung hoành bá Việt vương.
Dịch:
Giang Tây em chị thần Tương nữ
Đông Hán dọc ngang bá Việt vương.
Ở miếu thờ Ả Lã tại Vạn Phúc còn cho biết bà là hậu duệ của vua Hùng. Như thế không thể nào Ả Lã ở Vạn Phúc lại sống ngang thời Đường thế kỷ thứ 9 với Cao Biền được.
Ả Lã Nàng Đê được thờ ở khu vực sông Nhuệ, sông Đáy là Trưng Vương vì đây là nơi tử tiết của nữ chủ như từng đề cập tới trong các bài viết trước. Còn mối liên quan đến Cao Biền thì chắc chắn do một sự khớp nối khác giữa các nhân vật lịch sử trong thần tích.

Cao Bien A La

Vị trí 2 khu vực và các địa danh nói đến trong bài.

Lần xem các di tích về Cao Vương Biền trên khu vực miền Bắc thì chợt nhận thấy, Vạn Phúc vốn cũng là tên một tổng của huyện Thanh Trì nằm bên bờ hữu sông Hồng. Trên bản đồ thời Hồng Đức (1470 – 1497) đoạn sông chỗ này có ghi chú gồm phía Bắc là làng Tiểu Lan Châu, giữa là Đại Lan châu và Nam là Cao Biền Nhuệ.
Cao Biền Nhuệ tức là mũi Cao Biền vì dòng sông Hồng ở khúc này uốn lượn gấp khúc thành mũi, bên bồi bên lở thành các bãi sông rộng (các châu). Đây cũng là khu vực có sự tích về Cao Biền đã đóng quân ở đây như ở làng Mỹ Ả (Đông Mỹ, Thanh Trì) và làng Kim Lan (Gia Lâm) nằm 2 bên bờ sông đều thờ Cao Biền. Đặc biệt ở Kim Lan người ta đã phát hiện ra di chỉ bãi Hàm Rồng với rất nhiều đồ gốm, tiền cổ (tiền Khai Nguyên thông bảo, Đại Hưng bình bảo và Thiên Phúc trấn bảo). Trong các di vật còn tìm thấy cả gạch Giang Tây quân, là loại gạch xây thành Đại La dưới thời Cao Biền. Khu vực này như vậy là nơi Cao Biền đóng quân, làm gạch ngói cho xây thành Đại La.
Khu vực sông Hồng uốn gấp khúc này là một vùng đất địa linh nhân kiệt quan trọng của Thăng Long Hà Nội. Từ thời Triệu Vũ Đế đi ngang qua đây đã thấy rồng vàng hiện lên. Nay còn di tích của Triệu Vũ Đế là điện Long Hưng ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Xuân Quan và Kim Lan trước đây là cùng một xã, gọi là Xuân Lan. Rất có thể chữ Lan đây là ghi âm Lang – Long. Kim Lan hay Kim Long nghĩa là rồng vàng như xuất hiện trong sự tích về Triệu Vũ Đế ở trên.
Khu vực này cũng có tục thờ bà tổ nghề dâu tằm vì đây là bãi sông bồi lấp, rất thích hợp cho trồng dâu nuôi tằm. Ví dụ, văn tế tiên tằm vào tháng giêng (Xuân nguyên tế tiên tàm văn) của làng Kim Lan xướng:
Hoàng đế Hữu Hùng thị thánh đế vị tiền
Nguyên phi Tây Lăng thị Hoàng hậu vị tiền…
Còn trong văn tế khai hạ tháng giêng của làng Đại Lan nêu:
Tiên tàm thánh đế Nguyên phi Tây Lăng thị Loa tổ vị tiền…
“Tây Lăng thị” đây là Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, vị quốc mẫu ở núi Tam Đảo, người cùng với Hoàng đế Hữu Hùng (Đế Minh) khai quốc họ Hùng.

Kim LanNghi môn đình Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội).

Như vậy do những sự trùng hợp về tên gọi sau mà sự tích của Cao Biền thời Đường bên bãi sông Hồng đã bị gắn với sự tích của Ả Lã Trưng Vương ở vùng Hà Đông:

  • Vạn Phúc vừa là tên đất Vạn Bảo ở Hà Đông, vừa là tổng Vạn Phúc ở Thanh Trì.
  • Mũi Cao Biền ở sông Hồng gọi là Cao Biền Nhuệ, bị nhầm với sông Nhuệ, nhánh sông chảy qua Hà Đông.
  • Bà tổ nghề dâu tằm bên sông Hồng của vùng Mỹ Ả bị nhầm với Ả Lã của làng lụa Vạn Phúc.
  • Ả Lã Trưng Vương khởi nghĩa vùng Phong Châu hay vùng phía Tây của biển Đông (Tây Giang trong câu đối trên ở đền Hát Môn) bị lẫn với vùng đất Tĩnh Hải quân của Tiết độ sứ Cao Biền (cũng gọi là Giang Tây như trên các viên gạch xây thành thời này).
  • Ở Hà Đông cũng có miếu Hàm Rồng nơi thờ Ả Lã Nàng Đê, tương truyền là một long mạch mà Cao Biền đã phát hiện. Còn ở bên sông Hồng là di chỉ Hàm Rồng ở làng Kim Lan, tương truyền (theo Thiên Nam ngữ lục) là nơi Cao Biền để dành táng mả…

IMG_3718

Đình Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Xem thêm thần tích của làng Vạn Phúc (Hà Đông) và của làng Kim Lan (Gia Lâm). Thần tích xã Vạn Phúc (Hà Đông) viết:
Xưa cõi trời Nam bắt đầu mở mang, phân chia cương giới theo hướng sao Đẩu sao Ngưu. Từ triều Hùng vương mở vận, thánh tổ xây dựng cơ đồ, tương truyền trải qua 18 đời với hơn hai nghìn năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, tất thảy đều xưng Hùng. Ngọc bạch xa thư, núi sông thống nhất, đó là tổ tông của Bách Việt vậy.
Truyền đến Hùng Duệ Vương sinh được 2 con gái, không có người nối dõi bèn nhường ngôi cho họ Thục. Thục An Dương Vương ở ngôi vừa được 50 năm thì có người ở Chân Định họ Triệu tên Đà dấy binh đến xâm lấn. Nhà Thục mất. Triệu Đà chiếm được nước, cha truyền con nối 5 đời làm vua, được 105 năm thì đổi qua triều Tiền Lý, Hậu Lý, Ngô Vương lập quốc, Nam Bắc phân tranh. Từ đó nước ta thuộc Tây Hán. Thời Hán Vũ Đế tướng Lữ Gia của nước Việt ta không quy phục triều đình nhà Hán, giết sứ giả Hán là An Quốc Thiếu Quý. Nhà Hán bèn ra lệnh cho Lộ Bác Đức đem quân đánh, bắt sống được Dương Hầu và Lữ Gia, thôn tính đất nước. Ra lệnh đặt thú lệnh cai quản ở đó…
Thần tích làng Kim Lan kể tương tự:
Kể từ trời Nam mở nước, cương vực phân chia, thánh tổ họ Hồng Bàng trải xem non nước, thấy đất Hoan Châu rộng lớn bèn kiến lập kinh đô, tu tạo cung điện, cha truyền con nối hưởng phúc dài lâu, hơn 2000 năm đều lấy tôn hiệu là Hùng Vương. Thục An Dương Vương lên ngôi mới được 5 năm thì Triệu Vũ đến đánh, lấy được nước này, năm đời làm vương được 149 năm, rồi lại trải qua các đời Tiền Lý, Hậu Lý, Ngô Vương lập nước, Nam Bắc phân tranh…
Thần tích 2 làng này đưa ra một thứ tự rất lạ. Sau khi nhà Triệu truyền ngôi 5 đời thì tới thời “Tiền Lý, Hậu Lý, Ngô Vương”. Như thế các vị vua Lý Bôn, Lý Phật Tử và Ngô Quyền là ở vào quãng thời gian ngay trước và sau Công nguyên. Điều này chỉ có thể hiểu được theo Sử thuyết Hùng Việt, khi xác định Lý Bôn là Lưu Bang nhà Hiếu (Tây Hán), Lý Phật Tử là Lưu Bị nhà Tây Thục, còn Ngô Quyền là Tôn Quyền nước Đông Ngô.
Thần tích làng Vạn Phúc (Hà Đông) tiếp tục bằng sự tích khá dài về Nam Chiếu, nội dung tương tự như trong Truyện Nam Chiếu của Lĩnh Nam chích quái:
Về sau con cháu họ Triệu tán loạn tứ phương, họp nhau ở cửa biển Thần Phù, nơi cô quạnh không bóng người. làm thuyền ra biển, đột nhập vào bờ giết quan thú lệnh nhà Hán. Dân sợ quá bèn quy phục theo, tôn là Nam Triệu vương. Đến khi Ngô Vương Tôn Quyền sai Lữ Đại làm thú mục cai trị bọn họ. Thời đó bọn Nam Chiếu ở khắp các nơi núi cao biển sâu, sóng gió hiểm ác, từ núi Thiên Cầm cho đến bờ biển Hà Hoa, Cao Vọng, Ô Tôn, Trường Sa, Hoàng Sa. Chúng thường thường ẩn hiện đánh giết thú lệnh, chưa từng ai cứu được. Cuối đời Tấn, thiên hạ đại loạn, anh em họ Triệu có người tên là Triệu Ông dũng lược hơn người, được mọi người suy tôn quy phục, kết thông với bọn Nam Chiếu nước Bà Dịch, chia đầu nguồn bờ biển thành 2 lộ: Từ Quỳ Châu đến Diễn Châu là lộ Nhứ La; Từ Sắt Châu đấn Mãn Châu là lộ Lâm An, phía Nam giáp biển đến Hoành Sơn và đến phía Đông nước Bà Dịch. Tấn ra lệnh đem quân Tào Cam đánh họ nhưng không thắng. Bọn Nam Chiếu thường xâm lược các nơi nước An Nam, thú lệnh không thể chế ngự được.
Đối chiếu theo Sử thuyết Hùng Việt thì Nam Triệu Vương nổi dậy thời Tây Hán à khởi nghĩa của Trưng Vương cùng con cháu nhà Triệu vì Trưng Vương Ả Lã là con gái Lữ Gia và là hoàng phi của Triệu Vệ Dương Vương. Còn Triệu Ông thời Tấn là Mạnh Hoạch, hoạt động ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ Việt lúc này. Mạnh Hoạch do đó cũng là con cháu họ Triệu nước Nam Việt và là thủ lĩnh của Nam Chiếu từ thời Hán – Tấn.
Thêm một ý là khởi nghĩa của Khu Liên (Khu Đạt) vào cuối thời Đông Hán nổ ra ở Tượng Lâm, lập nước Lâm Ấp, được nhận định cũng là khởi nghĩa của Triệu Quốc Đạt. Rất có thể Khu Liên cũng là dòng dõi nhà Triệu và cơ sở ban đầu của khởi nghĩa là vùng đất của Nam Triệu – Nam Chiếu (Tây Bắc và Bắc Trung Bộ). Khu Liên mất (hy sinh?), phần đất này chuyển cho Mạnh Hoạch (Triệu Ông Lý) cai quản. Phần Đông Bắc bộ do Sỹ Nhiếp họ Phạm, là cháu bên ngoại của Khu Liên tiếp quản.

Kim Lan 2Đình Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội).

Cuối cùng, một điểm đáng lưu ý trong các sắc phong cho Cao Biền ở Kim Lan thì vị này được gọi là Cao Minh. Minh và Hiển cùng một nghĩa là sáng, rõ. Có thể vì thế mà Cao Biền còn được gọi là Cao, người Bắc quốc trong các di tích thờ Cao Sơn đại vương, vị thần trấn Nam của Thăng Long và Hoa Lư.
Những ghi chép, truyền khẩu của người Việt về các nhân vật lịch sử được thờ phụng qua hàng ngàn năm chắc chắn có những lầm lẫn. Ả Lã Trưng Vương, vị vua bà Nam Triệu vương, tổ của nước Nam Chiếu thời Hán – Tấn lại được ghép thành vợ của Cao Vương Biền, người đã đánh dẹp Nam Chiếu trên đất Tĩnh Hải. Gạt đi lớp bụi mờ của thời gian, thì những thần tích, những câu chuyện đó vẫn mang cốt lõi lịch sử chân thực.
Tài liệu tham khảo:
Trần Văn Mỹ. Làng Đại Lan những nét văn hóa xưa. NXB Văn hóa thông tin, 2010.
Trần Văn Mỹ. Làng Kim Lan xưa và nay. NXB Văn hóa thông tin, 2010.
Tuyển tập thần tích. Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội. NXB Hà Nội, 2010.

Liễu Hạnh công chúa, người khởi xướng Đạo Mẫu Tứ phủ

Trong tín ngưỡng Tứ phủ vai trò của Thánh mẫu Liễu Hạnh được đề rất cao, được coi là “giáo chủ” của của tín ngưỡng này với vị trí Đệ nhất Thiên tiên thay thế cho cả Thượng thiên thánh mẫu. Lý do nào dẫn tới sự tôn sùng đặc biệt đối với Mẫu Liễu như vậy? Cho dù bà là một nhân vật xuất hiện khá muộn trong lịch sử và nếu xét về công nghiệp hộ quốc an dân thì bà Liễu Hạnh không có thành tích gì to lớn.
Nếu nói Liễu Hạnh là người đã khởi xướng Đạo Mẫu ở Việt Nam thì chắc ai cũng đồng tình. Tuy nhiên như vậy thì ra trước khi Mẫu Liễu xuất hiện ở Việt Nam chưa có đạo Mẫu? Chi tiết này ít người chú ý nhưng lại là điểm then chốt để nhìn nhận công nghiệp của thánh mẫu Liễu Hạnh.

IMG_4656

Thủy đình ở phủ Vân Cát tại Vụ Bản, Nam Định

Mẫu Liễu được tôn là một trong bốn vị thần bất tử, thay chỗ cho cả Từ Đạo Hạnh hay Nguyễn Minh Không. Tuy vậy, 3 lần giáng sinh của bà thực ra không có gì đáng kể về công tích. Lần thứ nhất bà giáng sinh ở Vi Nhuế (Vụ Bản, Nam Định) trong một gia đình giàu có họ Phạm. Trong lần giáng sinh đầu này bà là người rất có hiếu với cha mẹ, không lấy chồng, giúp đỡ nhân dân xây đường, đắp cầu, dựng chùa. Bà có tiếng tăm tốt (hiếu, trinh, từ) nên khi mất được người dân tôn làm phúc thần.
Lần giáng sinh thứ hai của Liễu Hạnh ở Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) vào nhà họ Lê, kết duyên với chồng họ Trần, sinh 2 con rồi hóa sớm năm 20 tuổi. Lần thứ ba bà giáng sinh ở Thanh Hóa, lấy chồng là kiếp sau của ông Trần Đào là Mai Thanh Lâm, sinh được 1 con trai, rồi cũng hóa sớm.

IMG_4375

Nghi môn Nguyệt Du cung (Phủ Bóng) ở Phủ Giầy.

Sự kỳ lạ của câu chuyện Liễu Hạnh công chúa thực sự nằm ở các diễn biến sau đó. Ghi chép của tác giả Nguyễn Văn Huyên về hành tích của Mẫu Liễu trong cuốn Sự thờ cúng các thần tiên ở Việt Nam:
… Khi mãn hạn đi đầy, nàng chết. Nhưng thay vì trở về thiên đình nàng ở lại trên trái đất, khi thì dưới dạng một người đàn bà đi đường hoặc bán hàng, khi thì là một cô hàng nước để khiêu khích tình dục của người trần.
Tất cả những ai làm trái ý nằng đều bị nàng làm cho chết. Hơn nữa, để thỏa cơn giận, nàng còn giết hạ cả súc vật, gây nên sự kinh hoàng trong nhân dân vùng Sơn Nam. Để nàng nguôi giận tại nhiều làng người ta phải lập đền thờ nàng.
Sau đó nàng đến tỉnh Thanh Hóa. Nàng đến bất cứ đâu thì ở đó súc vật chết hàng loạt và các vị thần thành hoàng đều lánh xa, để tránh nàng.
Tới vùng Sùng Sơn, thấy phong cảnh  ngoạn mục, nàng quyết định ở lại đấy. Ngay đêm hôm đó, nàng báo mộng cho các vị chức sắc trong làng, ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng, nếu không thì chết chóc sẽ tàn phá cả vùng.
Từ khi đó, trong năm ngày liền, dân làng chết hàng loạt. Vì vậy người ta quyết định theo lời chỉ dẫn trong mộng, xây cất những ngôi đền tại Sùng Sơn để thờ nàng.
Mô tả của tác giả Nguyễn Văn Huyên hơi có ác ý khi nhìn nhận những hành động của Mẫu Liễu. Cách kể khác nhẹ nhàng hơn của các tín đồ đạo Mẫu về hành trạng này:
Nhiều làng trên đất nước cũng lập phủ thờ Mẫu. Chúa đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh cùng hai vị công chúa. Thấy phong cảnh vùng Sòng Sơn non xanh nước biếc, Chúa dừng lại hiển thánh nhiều lần tỏ sự uy linh. Đêm đêm Tiên Chúa vùng hai vị Tiên nữ nằm mắc võng giữa rừng cây, ban ngày hiện thành bà già bán quán, thiếu nữ ca hát trên đường, kẻ nào qua đường mà chứ trêu ghẹo thì chắc chắn gặp tai ương. Chiều tà sẩm tối thì kéo quân binh rầm rập đi tuần khắp nơi, dân làng nghe tiếng phải đi ngủ sớm, những tên hoà lý sâu mọt trong làng thường bị xử phạt, thậm chí cho người đột nhập vào làng bắt trói lý trưởng nhốt xuống giếng sâu, hoặc bắt các kỳ mục trong làng treo lên cây cho nhịn đói.
Gạt bỏ đi những quan niệm nhìn nhận về Mẫu Liễu từ các khía cạnh khác nhau, những ghi chép trên cho thấy Mẫu Liễu đã hành động rất tích cực không phải chỉ vì tính ngang tàng, phá phách. Mục đích chính của những hành động này được nói rất rõ khi hiển mộng: “Ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng”. Đây mới là động cơ chính cho sự tung hoành của Chúa Liễu. Mục tiêu chính mà bà yêu cầu là phải đưa các nữ thần vào trong thần điện phụng dưỡng thờ cúng. Đòi hỏi sự chia sẻ “thần quyền” cho phái nữ này sẽ dễ dàng hiểu được nếu biết bối cảnh về tín ngưỡng Tam phủ lúc đó.

Song Son 2Đền Sòng ở Thanh Hóa.

Các di tích đền Tam phủ còn lại tới nay cho thấy trước khi Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, tín ngưỡng Tam phủ gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ với 3 vị thần chủ là: Ngọc Hoàng thượng đế, Diêm La thiên tử và Long Vương Bát Hải. Ở thời gian này các phủ chưa hề có mặt các nữ thần với vai trò thần chủ như trong hệ thống Tứ phủ hiện nay. Việc đưa các nữ thần vào Tứ phủ thành các Mẫu, sánh ngang cùng với với các vị vua cha chính là công lao của mẫu Liễu Hạnh.
Chúa Liễu đã phải giáng sinh 3 lần, rồi khổ công đi Bắc (Lạng Sơn biên giới phía Bắc) vào Nam (tới Đèo Ngang, tức là biên giới phía Nam của nước ta thời đó) để “vận động hành lang” nhằm nâng cao vai trò của thần nữ trong Việt điện. Cuối cùng Chúa cũng phải ra mặt, yêu cầu gắt gao ở Sòng Sơn, dẫn đến cuộc đại chiến với các nam thần của Nội Đạo Tràng.
Đi sâu vào lai lịch của ba vị quan thánh đã đối đầu với Chúa Liễu trong trận chiến Sòng Sơn ta sẽ hiểu hơn, đây thực chất là cuộc đấu tranh của các tín đồ Tam phủ thờ nam thần chống lại đòi hỏi vị trí cho các nữ thần trong các phủ. Ba vị quan thánh là các con đầu của Thượng sư họ Trần có tên Nhật Quang, Nguyệt Quang và Ngọc Quang. Đây là khái niệm về Tam tài gồm Thiên (Nhật – Dương), Địa (Nguyệt – Âm) và Nhân (Ngọc). Sau này 3 vị quan thánh cũng được phân chia cai quản Tam phủ gồm Thiên đình, Trái đất và Người trần.
Nói cách khác, ba vị quan thánh là đại diện cho tín ngưỡng Tam phủ thờ nam thần khi đó. Chữ “Nội đạo” liệu có phải hiểu nghĩa là đạo Cha, đạo thờ nam thần, đối lập với “đạo Mẫu” do Chúa Liễu khởi xướng (“Ngoại đạo”, đạo bên ngoại)?

Den Mau Lang Son

Phủ Mẫu ở Lạng Sơn.

Chúa Liễu đã phải so tài “văn’ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, rồi đấu “võ” với các đạo sĩ của Tam phủ. Kết cục được kể là Ba vị quan thánh đã bắt được Chúa Liễu, buộc bà quy y Phật. Nhưng thực ra thắng lợi đã thuộc về Chúa Liễu vì bà được sắc phong là Chế Thắng Hòa Diệu đại vương và được phụng thờ khắp nơi. Tức là mục đích về nâng cao “thần quyền” cho nữ giới đã đạt được. Từ đó cũng xuất hiện Đạo Mẫu Tứ phủ, thay chỗ cho Nội đạo Tam phủ, khi mà mỗi phủ đều có 1 vị Vua cha và 1 Thánh mẫu song hành làm thần chủ. Cùng với việc Mẫu Liễu được tôn vào ngôi Thiên chủ, hai vị mẫu khác là Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải cũng được lập thành Tam vị thánh mẫu, thờ phụng trên cả nước.
Câu đối về Mẫu Liễu ở Phủ Giầy:
廾一在人間身是姮娥心是佛
重三皈帝命家稱慈母國稱王
Củng nhất tại nhân gian, thân thị Hằng Nga tâm thị Phật
Trùng tam quy đế mệnh, gia xưng từ mẫu quốc xưng vương.
Dịch:
Hai mốt ở nhân gian, thân ấy Hằng Nga tâm ấy Phật
Ba lần theo mệnh đế, nhà xưng từ mẫu nước xưng vương.

Mau Lieu

Khám thờ Mẫu Liễu ở đền Sòng, Thanh Hóa.

Với nhìn nhận công đức của Thánh mẫu Liễu Hạnh như trên thì nay Đạo Mẫu Tứ phủ đã có thể được gọi là Đạo vì nó có đầy đủ các yếu tố “Tam bảo”:

  • Giáo chủ: Thánh mẫu Liễu Hạnh.
  • Giáo lý: Tôn thờ nữ thần.
  • Tăng lữ: số người theo tín ngưỡng này hiện rất nhiều là các thanh đồng của các di tích, điện thờ Mẫu trong cả nước.

Những bảo vật Đại Việt và Đại Hưng

Tiền đồng đầu tiên của nước ta hiện nay đang được cho là đồng tiền Thái Bình hưng bảo với chữ Đinh ở mặt sau vì nó tương ứng với niên hiệu Thái Bình của vua Đinh Tiên Hoàng theo sử sách. Tuy nhiên, trên tất cả các đồng tiền được biết hiện nay chữ đầu tiên không phải chữ Thái 太, mà là chữ Đại 大. Điều này làm cho giới chuyên môn xác định tên đồng tiền này phải đọc là Đại bình hưng bảo. Rắc rối ở chỗ như vậy tên đồng tiền lại không tương ứng với bất kỳ niên hiệu nào của ta cũng như của Trung Quốc.
Lạ hơn nữa còn có đồng tiền với các chữ ghi rõ ràng là Đại Việt thông bảo 大越通寶 đã được tìm thấy ở nước ta. Theo TS. Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, thì đồng tiền Đại Việt thông bảo được nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử thu thập ở khu vực huyện Yên Mô của tỉnh Ninh Bình từ năm 2006. Đồng tiền này từng được triển lãm trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Bảo tàng Hà Nội.
Đồng Đại Việt thông bảo có đường kính 24,9 mm, đường kính lỗ là 6,1 mm, độ dày 1,3 mm, trọng lượng 3,5 g. Giám định lớp patin trên tiền xác nhận đây là tiền cổ thật sự. Kích thước lỗ rộng và dạng thư pháp của chữ cho nhận định rằng đây là tiền có niên đại tương đương với đồng Đại bình hưng bảo (Phạm Quốc Quân, Tạp chí Khảo cổ học 5-2007).
Vấn đề làm các tác giả lúng túng là ở thời kỳ nhà Đinh thì làm gì có quốc danh Đại Việt vì mãi tới Lý Thánh Tông, vị vua thứ ba của nhà Lý, sau khi lên ngôi mới đặt tên nước là Đại Việt. Vì thế có ý kiến cho rằng đây là tiền Đại Định thông bảo đã được “sửa” chữ Định 定 thành chữ Việt 越. Ý kiến này khó có thể chấp nhận được vì hai chữ này rất khác nhau và như nêu trên đồng Đại Việt thông bảo có kích thước và thư pháp khác. Đồng thời đồng tiền này không chỉ thấy ở Việt Nam mà trong một số bộ sưu tầm của Trung Quốc và Nhật Bản cũng có loại tiền Đại Việt thông bảo này.

DVTB

Tiền Đại Việt thông bảo ở nước ngoài.

TS. Phạm Quốc Quân cho rằng đồng Đại Việt thông bảo là tiền của nhà Đinh, dùng từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân năm 968 cho tới khi lấy niên hiệu Thái Bình năm 970 thì chuyển sang tiền Đại bình hưng bảo. Và rằng quốc hiệu của nhà Đinh là Đại Việt, thay cho Đại Cồ Việt như sử sách vẫn chép.
Như vậy, những cách giải thích hiện nay cho 2 đồng tiền cổ này đều chưa thỏa đáng. Một là không có niên hiệu, tên gọi Đại Bình nào ở thời Đinh cả. Hai là tên nước của vua Đinh không phải là Đại Việt, vì sau đó đến đời Lý tên này mới được đặt. Vậy phải hiểu những tên gọi trên hiện vật khảo cổ của thời kỳ này như thế nào?
Khi nhìn rộng ra hơn phạm vi nước “Đại Việt” ngoài miền Bắc Việt ngày nay thì thấy rõ: Đại Việt là quốc hiệu của nước do Lưu Cung thành lập, đô đóng ở Quảng Châu. Đồng tiền Đại Việt thông bảo là tiền của thời Lưu Cung khi mới lập quốc năm 917 cho tới khi đổi tên nước.
Lý do dùng quốc hiệu chứ không phải niên hiệu vua trên đồng tiền của thời kỳ này cũng dễ hiểu. Khi nhà Đường suy yếu, các khu vực trong Trung Hoa tự tách ra lập thành các quốc gia riêng. Thời kỳ này còn gọi là thời Hoa Nam thập quốc. Với cả chục quốc gia cùng chung văn tự, văn hóa nằm cạnh nhau như vậy rõ ràng dùng quốc hiệu để đặt tên tiền sẽ giúp phân biệt được tiền giữa nước này với nước kia. Nước Đại Việt của Lưu Cung không phải là ví dụ duy nhất dùng quốc hiệu cho tiền của mình. Thời kỳ này còn có đồng tiền Đường Quốc thông bảo của nước Nam Đường có cách đặt tên tương tự.

Dai Viet quoc

Mảnh gạch Đại Việt… tìm thấy ở động Thiên Tôn, Ninh Bình.

Tên gọi Đại Việt còn được dùng trên các viên gạch để xây thành thời kỳ này ở miền Bắc Việt. Những viên gạch với dòng chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên大越國軍城塼 tìm thấy ở  Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long và một số nơi khác là bằng chứng về sự hiện diện của Lưu Cung trên vùng đất Bắc Việt. Thành Hoa Lư chính là được xây dựng dưới thời Lưu Cung như một trị sở ở Bắc Việt.
Phát hiện những viên gạch xây thành Hoa Lư mang tên Đại Việt quốc quân thành chuyên và đồng tiền Đại Việt thông bảo ở Ninh Bình cho thấy Lưu Cung đã có khá nhiều thời gian để đúc tiền và xây thành trên đất Bắc Việt. Vì thế sự kiện Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng buộc phải xem xét lại…

Dai Hung binh baoTiền Đại Hưng bình bảo có chữ Đinh ở mặt sau.

Việc nhìn nhận tên nước Đại Việt trên đồng tiền cũng dẫn đến khả năng giải nghĩa cho đồng Đại bình hưng bảo. Đồng tiền này theo cách đọc thuận chiều kim đồng hồ sẽ là Đại Hưng bình bảo. Đại Hưng chính là tên nước mà Lưu Cung đã đổi sang từ tên Đại Việt. Sử Tàu biến hóa thành nước Đại Hán rồi Nam Hán, trong khi Lưu Cung lập nước gọi là Việt rõ ràng từ quốc danh Đại Việt đầu tiên.
Như thế tiếp theo đồng tiền Đại Việt thông bảo với của triều đại Lưu Cung là tiền Đại Hưng bình bảo. Đồng tiền này có thể có chữ Đinh ở mặt sau hoặc không. Chữ Đinh ở đây không phải là họ vua mà là từ để chỉ khu vực phía Tây hay Tĩnh Hải quân thời kỳ này. Đinh, Tĩnh đều là tính chất của phương Tây trong Dịch học.
Nhiều khả năng ở khu vực phía Tây nước Đại Hưng có trị sở ở Hoa Lư thì tiền Đại Hưng bình bảo có chữ Đinh được sử dụng phổ biến. Còn ở phía Đông nước này (tức là vùng Thanh Hải quân ở Quảng Đông) bắt đầu dùng niên hiệu vua trên đồng tiền. Ví dụ như gặp đồng Càn Hanh trọng bảo 乹亨重寳 với niên hiệu Càn Hanh của Lưu Cung.

Can hanh

Đồng tiền Càn Hanh trọng bảo.

Hai đồng tiền cổ và viên gạch của Đại Việt – Đại Hưng triều đại từ Lưu Cung lại hiện hữu ở kinh đô Hoa Lư. Vậy mối quan hệ giữa nước Đại Việt này với nước “Đại Cồ Việt” của nhà Đinh là như thế nào? Nhà Đinh dùng tiền gì và xây thành bằng gạch gì? Sao lại không thấy hiện vật của nhà Đinh ở chính kinh đô của mình? Lịch sử giai đoạn này quả đang còn rất nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.

Hưng Đạo đại vương và Tam tứ phủ

Nghi monĐền Trần Thương thờ Trần Hưng Đạo ở Lý Nhân, Hà Nam.

Trong tín ngưỡng thờ Trần triều thì người được thờ chính là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài từng hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Nhưng điều khá lạ là ở các nơi thờ Hưng Đạo đại vương, hai ban thờ hai bên thường lại thờ các thần Nam Tào và Bắc Đẩu. Thậm chí như ở khu vực Vạn Kiếp của Hải Dương, đền thờ Nam Tào và Bắc Đẩu còn được xây dựng riêng hai bên đền thờ Trần Hưng Đạo ở giữa.

Nam TaoBan thờ Nam Tào ở đền Trần Thương.

Nam Tào Bắc Đẩu là những vị thần quan nắm sổ sinh sổ tử ở dưới Địa ngục. Vị vua ở giữa mà 2 vị này theo hầu như thế phải là người cai quản Địa phủ, tức Diêm vương. Cách thực đặt Nam Tào và Bắc Đẩu ở hai bên Hưng Đạo đại vương cho thấy tín ngưỡng xưa cho rằng chính Hưng Đạo đại vương là người cai quản Địa phủ hay là Vua cha của Địa phủ.
Thông tin về Trần triều còn cho rằng: “Khi hóa Đức thánh đã về thiên đình nhận chỉ của Ngọc Hoàng phong là Cửu Thiên Vũ Đế, với sứ mệnh diệt trừ yêu ma ở cả 3 cõi thiên đình, trần gian, âm phủ”. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định ở trên, rằng Hưng Đạo đại vương là vị vua của Địa phủ. Cửu thiên không phải là 9 tầng trời như Cửu trùng. Cửu là số 9 chỉ hướng Tây, hướng của sự quy về, của cõi người đã khuất. Cửu Thiên tức là trời Tây hay Địa phủ.
Thậm chí có chỗ còn cho rằng: “Hưng Đạo đại vương được tôn là Ngọc Hoàng thượng đế, vị giáo chủ Đạo Giáo Việt Nam“. Rõ ràng Trần Hưng Đạo là một Đạo sĩ, thì mới có thể làm giáo chủ Đạo Giáo. Trần Quốc Tuấn được tôn thờ không phải chỉ do tài đánh giặc. Hưng Đạo nghĩa là chấn hưng Đạo Giáo. Trần Quốc Tuấn vốn là một đạo sĩ, có thể từ trước khi quản lý quân đội.
Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương là tác giả của tác phẩm Vạn Kiếp tông bí truyền thư (萬劫宗秘傳書), còn gọi là Vạn Kiếp binh thư. Về cuốn này còn lưu được bài tựa của Trần Khánh Dư như sau:
“Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến, khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong. Xưa kia, Cao Dao làm chức sĩ sư mà mọi người không dám trái mệnh, Văn Vương và Vũ Vương nhà Chu là bậc thầy về văn và về võ, ngấm ngầm sửa đức để khuynh loát quyền bính của nhà Thương mà lấy nghiệp vương. Đó đều có thể gọi là những người giỏi cầm quân, không cần bày trận vậy. Vua Thuấn múa lá mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự mình tìm đến, Tôn Vũ nước Ngô đem mỹ nhân trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở hùng cường, phía Bắc ra uy với nước Tần nước Tấn, nổi tiếng khắp chư hầu. Đó đều có thể gọi là những người giỏi bày trận, không cần giao chiến vậy. Cho đến Mã Ngập nước Tấn dựa vào bát trận đồ chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thụ Cơ Năng mà lấy lại Lương Châu. Thế gọi là người giỏi giao chiến không bao giờ thất bại vậy.
Cho nên, trận nghĩa là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, vua Hiên Viên lập ra phép “tỉnh điền” để đặt binh chế, Gia Cát Lượng xếp đá bên sông để làm bát trận, Vệ công sửa lại làm trận Lục Hoa, Hoàn Ôn định ra trận Xà Thế, trước sau đều có trận đồ nổi tiếng, trình bày tuần tự, thành phép tắc rõ ràng. Nhưng người đương thời ít ai thông hiểu, muôn vàn đầu mối nhìn vào dường như rối loạn, chưa từng nắm được lẽ biến dịch bên trong. Ví như những phép tắc và suy luận của Lý Thuyên, người sau không ai hiểu nghĩa là gì.
Vì thế, Quốc công ta bèn so sánh, kê cứu trận đồ và binh pháp của các nhà, tổng hợp lại thành một bộ sách. Tuy chép cả những điều chi tiết, nhưng người sử dụng thì nên bỏ bớt những chỗ rườm, tóm lấy thực chất. Rồi lấy năm hành ứng với nhau, chín cung câu với nhau, phối hợp cương và nhu, xoay vần chẵn và lẽ, không làm hỗn loạn âm dương và thần sát, phương lợi và sao tốt, hung thần và ác tướng, ba cát và năm hung, việc nào việc ấy thực phân minh rõ rệt. Quốc công lại còn thêm bớt với chiến thuật của thời Tam đại, nhờ đó trăm trận trăm thắng. Cho nên đương thời phía bắc làm cho Hung Nô phải sợ, phía tây làm cho Lâm Ấp phải kinh. Rồi ông đem sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có lời dặn rằng: “Sau này con cháu và bề tôi phò tá của ta có học được bí thuật này thì nên lấy đầu óc sáng suốt, linh hoạt mà thực hành và sắp đặt nó, chứ không nên lấy đầu óc cứng nhắc, tối tăm mà cất giữ và lưu truyền. Nếu trái đều đó thì sẽ mang vạ vào thân, lại hại lây đến cả con cháu. Đó gọi là tiết lậu cơ trời vậy
.”
Bài tựa của Trần Khánh Dư cho Vạn Kiếp tông bí truyền thư toàn nói tới các vua Trung Hoa từ thời cổ đại: Cao Dao, Chu Văn, Vũ, Thuấn, Hiên Viên… Vậy là “truyền thư này” được xây dựng trên nền tảng tri thức của Trung Hoa cổ đại và quan niệm thời Trần cho thấy Trung Hoa cổ đại là lịch sử cổ của người Việt.
Kỳ lạ nhất là câu: “Cho nên đương thời phía bắc làm cho Hung Nô phải sợ, phía tây làm cho Lâm Ấp phải kinh“. Nhà Trần Đại Việt sao lại Bắc giáp Hung Nô, Tây giáp Lâm Ấp? Hung Nô ở phía Bắc Đại Việt là nước nào? Lâm Ấp ở phía Tây Đại Việt là chỗ nào?
Trong bối cảnh của nước Đại Việt thời Trần thì rõ ràng Bắc Hung Nô ở đây là chỉ quân Mông Thát. Quân Nguyên được gọi là giặc Hung Nô. Còn Tây Lâm Ấp hẳn là chỉ khu vực đất Lào và Tây Bắc Việt. Đây vốn là đất thuộc Nam Chiếu. Vậy là Lâm Ấp không chỉ là miền Trung Việt, nơi mà thời Trần đã là nước Chiêm Thành. Lâm Ấp mãi tới thời Lý Trần vẫn dùng chỉ khu vực Tây Bắc và Lào.
Từ bài tựa của Trần Khánh Dư ta thấy Trần Hưng Đạo là người rất thông hiểu Dịch lý và đã vận dụng nó vào thực tế chiến tranh (binh thư) một cách thành công. Điều này minh chứng thêm khả năng ông là một Đạo sĩ, nghiên cứu Dịch học từ trước khi nắm giữ quân đội.
Trong quan niệm xưa, Ngọc Hoàng thượng đế là người đã qua vạn kiếp tu hành. Như thế tên “Vạn Kiếp” ở đây có thể nghĩa là chỉ Ngọc Hoàng. Mà như trên đã dẫn, dân gian coi Hưng Đạo đại vương là Ngọc Hoàng, có quan Nam Tào Bắc Đẩu theo hầu. Vạn Kiếp tông bí truyền thư như thế có thể hiểu là cuốn sách bí truyền của dòng họ Trần (Trần Hưng Đạo = Ngọc Hoàng = Vạn Kiếp).
Đôi câu đối chính điện đền Trần Thương ở Lý Nhân, Hà Nam:
陳迹補豐碑鴻貉江山鳴厘劎
蒼煙懷萃廟龍珠水月駐行旌
Trần tích bổ phong bi, Hồng Lạc giang sơn minh lý kiếm
Thương yên hoài tụy miếu, long châu thủy nguyệt trú hành tinh.
Dịch:
Vết Trần cộng bia hoa, Hồng Lạc núi sông vang kiếm lệnh
Khói Thương nhớ miếu rộng, giếng rồng trăng nước dựng cờ hành.

IMG_5124 (2)Đền Tam phủ ở thành phố Bắc Ninh.

Bàn thêm về vấn đề hình thành Tam và Tứ phủ. Tam phủ được biết là có trước Tứ phủ, nhưng hiện không rõ Tam phủ ban đầu gồm những phủ nào và gồm những vị thần nào. Khi xuất hiện Tứ phủ thì quá trình thay đổi hệ thống thần điện diễn ra như thế nào?
Hiện tại ở tỉnh Bắc Ninh còn lưu được một số di tích đền Tam phủ như đền ở thành phố Bắc Ninh và ở bến Bình Than (xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Những đền này thờ 3 vị vua chí tôn là (theo thông tin của đền ở thành phố Bắc Ninh):

  • Thiên phủ Đại thiên Thiên đế
  • Địa phủ Diêm la Thập điện Minh vương
  • Thủy phủ Đại thiên Long chúa Bát hải Long vương.

IMG_5130 (2)Điện thờ quan Tam phủ.

Như vậy, Tam phủ ban đầu gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Đặc biệt hơn là các phủ này đứng đầu là các vị đế vương chứ chưa có các nữ thần mẫu trong các phủ.
So với hệ thống Tứ phủ hiện nay ta thấy từ Tam phủ sang Tứ phủ đã bổ sung thêm:

  • Mỗi phủ thêm 1 vị mẫu chủ cùng với vua cha của phủ đó.
  • Thêm Nhạc phủ với Mẫu thượng ngàn đứng đầu. Vua cha Nhạc phủ vốn không có mặt trong Tam phủ, trong tứ phủ cũng không hiện hữu một cách rõ ràng.

Có thể thấy Tứ phủ xuất hiện cùng với sự ra đời của thánh mẫu Liễu Hạnh và các phủ đều được bổ sung vai trò thần chủ của các mẫu, song song và thay cho các vị vua cha Tam phủ trước đó. Như thế có thể nói Tứ phủ được gọi là đạo Mẫu vì nó đề cao vai trò của các nữ thần. Trong khi  trước đó Tam phủ chỉ dừng lại ở quan niệm 3 cõi Thiên Địa Thủy do các nam thần đế vương cai quản.
Câu đối ở cổng đền Tam phủ tại thành phố Bắc Ninh:
耿耿鸞輿來法會
森森鶴駕降香筵
Cảnh cảnh loan dữ lai pháp hội
Sâm sâm hạc giá giáng hương diên.
Dịch:
Lấp lánh xe loan đến hội pháp
Trầm trầm giá hạc xuống chiếu hương.

Tên thụy của Trưng nữ Vương và các sự tích Ả Lã Nàng Đê

Cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương là cuộc khởi nghĩa độc nhất vô nhị trên thế giới khi 2 người phụ nữ đã quật cường phất cờ khởi nghĩa chống lại thế lực hùng mạnh của vương triều phương Bắc, tự xưng vua cai quản đất nước trong vài năm. Là một nhân vật quần thoa anh kiệt trong lịch sử như vậy nhưng những gì chúng ta biết về Trưng Vương còn quá ít, nếu không nói là rất mù mờ và nhiều mâu thuẫn.
Nguyên nhân thực sự của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương là gì? Dựa vào đâu để 2 người phụ nữ đơn côi có thể quy tụ được hào kiệt bốn phương khởi nghĩa? Bà Trưng tên thật là gì (vì chắc chắn Trưng Trắc, Trưng Nhị không phải là tên thật của Hai Bà).
Trưng Vương khi thất bại được biết đã tử tiết trẫm mình trên sông. Nhưng Cấm Khê nơi Bà Trưng hy sinh là ở đâu? Thi hài của bà có được tìm thấy và chôn cất không? Nơi an nghỉ cuối cùng của Bà Trưng ở đâu?
Tại sao một vị nữ vương oai hùng như vậy mà số đền thờ Bà Trưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay (Mê Linh, Hát Môn, Đồng Nhân, Phụng Công và một số ít đền thờ nhỏ khác)? Trong khi đó một vị nữ tướng tương truyền đã theo Trưng Vương khởi nghĩa là Ả Lã Nàng Đê theo thống kê có tới 56 làng thờ ở 11 tỉnh thành. Đây là vị nữ tướng có số lượng nơi thờ cúng nhiều nhất trong số các vị thần thời Trưng Vương.
Lần theo cái tên Ả Lã cho chúng ta những thông tin đầy đủ, chân thực hơn về xuất xứ cũng như sự tử tiết của Trưng nữ Vương.
Trước hết, theo Nại Tử xã Thần miếu sự tích nguyên gốc tại xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội có ghi như sau:
Dương Thi Sách là người Chu Diên là con của Lạc tướng Dương Thái Bình, mẹ là Hồ Thị Nhữ, sinh ngày mùng 10 tháng 6. Nghe nói Ả Lã Nàng Đê (Trưng Trắc) là người có nhan sắc kiều diễm mà vẫn chưa lấy chồng bèn nói với Lạc tướng, Lạc tướng nói rằng: Ta và Lạc tướng Phong Châu trước đã có nguyện ước, Nay nghe có nàng Ả đó phải chăng là duyên tiền định vậy. Bèn cho người đến hỏi đón về (tức ngày mùng 10 tháng 11). Ở đất Chu Diên hai họ đều cùng vui mừng….
Dương Công đã chết. Tô Định tìm giết hết họ hàng nhà Dương công, Trưng nữ vương bèn chạy về đất Mê Linh bàn bạc nói rõ sự tình của Thái thú. Lạc tướng Trưng công liền chiêu mộ binh sỹ tinh nhuệ làm quân tiên phong. Trưng nữ vương vì căm ghét Tô Định là kẻ tham tàn bạo ngược giết chồng mình nên đã dấy quân đến hỏi tội Tô Định. Sau đó đánh chiếm được 65 thành ở vùng Lĩnh Nam, rồi lên ngôi vua, tôn phong cho chồng là Quốc vương Thiên tử Đông Hán Đại vương, còn mình thì tự xưng là Quốc Thiên tử, coi tên Ả Lã Nàng Đê là tên thụy.
Thần tích Nại Tử, nơi từng có miếu thờ ông Thi Sách cung cấp một thông tin đặc biệt quan trọng: Trưng Trắc khi còn con gái có tên là Ả Lã hay Ả Lã Nàng Đê là tên thụy của Trưng nữ Vương. Thông tin này cho thấy thực chất các nơi thờ Ả Lã Nàng Đê chính là thờ thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Trưng Vương. Vì lý do tránh sự đàn áp của kẻ thù, sự tích các nơi đã không ghi tên Trưng Vương mà gọi bằng tên thụy hay tên thời con gái của bà là Ả Lã.

IMG_5630

Phù điêu Voi ở địa điểm thờ Ả Lã Nàng Đê.

Phát hiện Ả Lã Nàng Đê chính là Trưng Vương dẫn đến một loạt những thông tin khác làm sáng tỏ xuất xứ, thân thế của Hai Bà Trưng. Theo thần tích đình Đại Mỗ thuộc xã Đại Mỗ huyện Từ Liêm, thì Ả Lã Nàng Đê là con gái tể tướng Lữ Gia quê ở Thiên Phúc, huyện An Sơn. Cuối thời Triệu, vua tôi nhà Hán muốn thôn tính Nam Việt, thừa tướng Lữ Gia đã chỉ huy quân sĩ giết giặc xâm lược là Hàn Thiên Thu. Mua chuộc không được, Hán Võ Đế sai tướng Bác Đức và Dương Phác đem quân xâm lược nước ta. Tướng Lữ Gia tổ chức kháng chiến chống lại, sau bị giặc bắt và sát hại. Ả Lã Nàng Đê đến tuổi trưởng thành, tiếp thu tinh thần của cha, đã đứng ra chiêu mộ dân binh, tụ nghĩa ở sông Hát cùng Hai Bà Trưng. Sau Ả Lã Nàng Đê được Hai Bà Trưng ban tước lộc và cho về lập ấp luyện quân ở cửa sông Đáy. Ba năm sau Mã Viện đem quân tiến đánh, Ả Lã Nàng Đê tham gia chiến đấu trận Lãng Bạc và Cấm Khê, cuối cùng bà trầm mình ở sông Hát.
Thì ra Ả Lã – Trưng Vương là con gái của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết: “Họ hàng (Lữ Gia)… con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua”. Như thế con gái Lữ Gia cũng chính là vương phi của nhà Triệu Nam Việt. Trưng Vương là vợ vị vua cuối cùng của nhà Triệu là Triệu Kiến Đức (Vệ Dương Vương). Truyền thuyết Việt khéo gọi ông với cái tên “Thi Sách”, nhằm che dấu đi nguồn gốc thật sự của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương.
Như chính sử đã chép, cả vua Triệu Vệ Dương Vương và thừa tướng Lữ Gia đều đã bị bắt và hy sinh trong cuộc tấn công dưới thời Hiếu Vũ Đế của Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức. Cha (thừa tướng Lữ Gia) và chồng (vua Triệu) đều hy sinh, nhưng gia quyến nhà Triệu và họ Lữ là các hoàng phi đã chạy thoát về đất Phong Châu. Chính ở đây đã nổ ra cuộc khởi nghĩa đền nợ nước trả thù nhà của Hai Bà Trưng.
Khởi nghĩa Trưng Vương ở Phong Châu như vậy là do hậu quân của nhà Triệu Nam Việt sau khi kinh đô Phiên Ngung thất thủ, xảy ra dưới thời Tây Hán (Hiếu), chứ không phải Đông Hán như chính sử đang chép. Các sách sử biên soạn sau này đã nhầm lẫn khởi nghĩa ở Hát Môn của Trưng Vương với một cuộc khởi nghĩa hay kháng cự khác của một số thủ lĩnh người Việt vào thời Đông Hán.

IMG_5634 (2)Nhà tiền đình ở đình Vân Côn.

Tiếp tục lần theo tên Ả Lã Nàng Đê ta tới vùng đất Quốc Oai – Hoài Đức ven dòng sông Đáy. Sông Đáy là sông Hát thời Trưng Vương. Ở khu vực các làng Vân Côn của Hoài Đức và Phương Hạp của Quốc Oai cùng thờ chung Ả Lã Nàng Đê và có tục kết chạ với nhau. Sự tích Ả Lã Nàng Đê ở đây kể khi Ả Lã trẫm mình trên sông Hát, thi thể của bà đã trôi từ dòng Hát Môn xuống Hát Giang (tức sông Đáy ngày nay), đến đoạn Vân Côn thì ở lại đó. Thời ấy vì lo chạy giặc, lại lo sợ bị liên lụy, người dân không ai dám bén mảng đến xác của bà. Về sau, xác của bà trôi xuống đến thôn Phú Hạng, người dân nơi đây cũng lo lắng, sợ hãi không kém. Nhưng, cảm phục trước tinh thần yêu nước của vị nữ tướng này, nhân dân hai làng đã bất chấp nguy hiểm vớt xác bà lên để an táng. Về sau, mỗi làng dựng một miếu thờ riêng, ở Vân Côn lấy tên là Quán Sông, còn Phú Hạng đặt tên Quán Ngọ. Cũng từ đó, hai làng tôn bà là Mẫu rồi kết nghĩa anh em, sống hòa thuận với nhau.

IMG_5643 (2)Quán Vân Côn.

Khu vực làng Vân Côn và Phú Hạng chính là nơi đã vớt được thi thể của Trưng Vương trên dòng sông Đáy. Có thể nói nơi đây là nơi an nghỉ cuối cùng của nữ chủ tướng.
Chuyện kể ở Vân Côi và Phú Hạng cho thấy sự đàn áp của giặc sau khi Trưng Vương tử tiết đáng sợ như thế nào. Xác nữ chủ trôi trên sông nhiều ngày mà không ai dám vớt. Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc thờ Trưng Vương đúng danh hiệu của một vị vua chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Người dân ở các nơi buộc phải lấy tên thụy của bà là Ả Lã để thờ cúng, nhằm che mắt kẻ thù.

IMG_5582 (2)

Cửa võng khu tiền tế đình Vân Côn.

Câu đối ở nghi môn đình Vân Côn:
奮莪興兵輔借徵朝忠烈將
父讎不共権威大鎮喝江門
Phấn nga hưng binh, phụ tá Trưng triều trung liệt tướng
Phụ thù bất cộng, quyền uy đại trấn Hát giang môn.
Dịch:
Nữ dũng dấy binh, triều Trưng phò tá tướng trung liệt
Thù cha không đội, trấn áp uy quyền cửa Hát giang.
Câu đối này nhắc tới việc Ả Lã đã tự dấy binh chống giặc, trả thù cho cha, tức là trả thù cho cái chết của Lữ Gia.

IMG_5595 (2)Cửa cung cấm đình Vân Côn.

Những ngôi đình, quán rất nhiều xung quanh khu vực sông Đáy thờ Ả Lã cũng chính là thờ Trưng Vương. Thậm chí, một số nơi thánh bà Ả Lã còn được gán vào thời Đinh Tiên Hoàng như ở đình So (Cộng Hòa, Quốc Oai). Đình So nằm ngay cạnh các làng Vân Côn và Phú Hạng trên cùng một dòng sông Đáy. Vì thế vị thánh bà Lã Thị Ả thờ ở đình So chắc chắn cũng là Ả Lã Nàng Đê – Trưng Vương. Còn việc thờ 3 người con trai của bà có công đánh giặc cũng tương tự như ở đình Ngọc Trụ (Từ Liêm) Ả Lã Nàng Đê có 3 người con trai làm tướng được phong thờ.
Câu đối khác ở đình Vân Côi:
鎮國威靈良相徴朝明大義
護民惠徳平蘇伐漢史青留
Trấn quốc uy linh, lương tướng Trưng triều minh đại nghĩa
Hộ dân huệ đức, bình Tô phạt Hán sử thanh lưu.
Dịch:
Trấn quốc oai linh, lương tướng triều Trưng sáng đại nghĩa
Hộ dân ơn đức, bình Tô đánh Hán sử xanh lưu.

Tứ pháp và Thái Thượng Lão Quân ở Hà Nam

IMG_4586

Chùa Bà Đanh nằm bên dòng sông Đáy cạnh hòn núi Ngọc là một thắng cảnh có tiếng của đất Hà Nam. Chùa còn có tên là Bảo Sơn tự, tương truyền rằng vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ Tứ pháp, đến thời Lê chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn. Câu đối trong chùa ca ngợi cảnh đẹp và sự linh thiêng của ngôi chùa độc đáo này:
神界寂空水鏡山鬟層閣外
靈蹤彷彿竹響松濤半天来
Thần giới tịch không, thủy kính sơn hoàn tằng các ngoại
Linh tung phảng phất, tùng đào trúc hưởng bán thiên lai.
Dịch:
Cõi thần lặng không, núi bọc nước soi tầng gác trước
Dấu thiêng phảng phất, trúc reo thông vẫy nửa trời qua.

IMG_4581 (2)Chùa Bà Đanh – núi Ngọc.

Trong cung cấm của chùa ngoài một pho tượng Tứ pháp còn có tượng Phật Tam Thế cùng với Thái Thượng Lão quân và Nam Tào, Bắc Đẩu. Câu đối trong chùa nói về Tứ pháp:
榕化靈光儕四法
梅修品格遇三乘
Dong hóa linh quang sài tứ pháp
Mai tu phẩm cách ngộ tam thừa.
Dịch:
Cây dung hóa thiêng cùng Tứ pháp
Cốt mai tu phẩm rõ Tam thừa.
Câu đối này nói tới sự tích bà Man Nương thời Sĩ Nhiếp ở thành Luy Lâu, theo thầy Khâu Đà La tu hành, sau đó sinh một đứa con gái, được thầy làm phép gửi vào trong một cây dung thụ bên sông. Về sau cây dung thụ được dùng để tạc tượng Tứ pháp, là các vị thần cầu mưa linh ứng ở khu vực này.
Tứ pháp gồm 4 vị nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Dân gian gọi là các Bà Dâu, Bà Dàn, Bà Đậu, Bà Nành, … tùy từng địa phương. Có nhiều ý kiến cho rằng các “bà” ở đây là ảnh hưởng tín ngưỡng thờ thần của người Chăm, do các tù binh Chăm thời Lý Trần Lê lập nên…
Mây Mưa Sấm Chớp thực ra là 4 tính chất của Đế Thích hay thần dông tố Indra, một vị thần tối cao của đạo Bà Là Môn. Có thể chữ “Bà” trong tên “Bà Đanh” ở đây chính là chỉ đạo Bà – La Môn. Chữ “Bà” này không phải là yếu tố ảnh hưởng của người Chăm từ Trung Bộ Việt như thường nghĩ. Khu vực Trung Bộ Việt vào đầu Công nguyên đang thuộc cai quản của Sĩ Nhiếp ở miền Bắc. Khâu Đà La, Sĩ Nhiếp thực chất là các tu sĩ của đạo Bà La Môn. Do đó, nếu đạo Bà La Môn phổ biến ở Giao Chỉ thì cũng phổ biến ở miền Trung. “Người Chăm” miền Trung như vậy chịu ảnh hưởng tín ngưỡng của người Việt ở miền Bắc trong trường hợp này.

Một chút bàn luận về nhân vật Sĩ Nhiếp trong sử Việt của tác giả Văn Nhân Nguyễn Quang Nhật: Sử hiện nay cho Sĩ Nhiếp có tên khác là Sĩ Tiếp. Suy nghĩ theo hướng khác thì Sĩ không phải là họ mà chỉ kẻ Sĩ hay người có học. Sĩ Tiếp là quan triều Lý Bôn (Lưu Bang) và Vương Mãn. Cuối thời Vương Mãn bọn Lục Lâm thảo khấu nổi loạn chiếm kinh đô Tràng An, giết vua Vương Mãn. Không còn vua và triều đình trung ương, khắp nơi các quan đầu mục nổi lên xưng tướng, xưng vương. Riêng Sĩ Tiếp chỉ đóng cửa giữ thành, bảo an dân chúng… Phải chăng chính vì thế mà sử gọi là Sĩ Tiếp? Chữ “tiếp” là tiếp tục – tiếp nối…
Thời Hai Bà Trưng sử hiện nay bỏ qua hẳn chi tiết Mã Viện sau khi diệt Đô Dương bộ tướng của Trưng Vương thì nghị hoà… 2 nước Hán – Trưng nhà ai nấy ở. Biên giới được đánh dấu bằng cột đồng ở động Cổ Sâm – Khâm Châu, nay thuộc Quảng Tây. Tư liệu viết trên cột đồng khắc câu … trụ đồng gãy thì Giao Chỉ… tiêu đời… tức rất rõ ràng lúc cắm cột đồng phân ranh thì Giao Chỉ còn nguyên…
Do bỏ hẳn đoạn sử này nên sử cả ta và Tàu quên luôn không nói gì đến “nước” và bộ máy lãnh đạo quốc gia trên đất Giao Chỉ thời hậu Trưng này.
Sử thuyết Hùng Việt cho rằng thủ lãnh nước hậu Trưng chính là Sĩ Nhiếp – Ngạn Uy được chép trong sử.
Sĩ Nhiếp tức kẻ sĩ nhiếp quyền, đặt kinh đô nước hậu Trưng ở Luy Lâu, sau theo về với Tôn Quyền. Luy Lâu trở thành thủ phủ của Giao Châu như chép trong sử.
Quan điểm của Sử thuyết Hùng Việt là: lịch sử Thiên hạ không có thời Tam quốc, chỉ có thời Lưỡng quốc kháng Ngụy. 2 nước Thục và Ngô của người Trung Hoa vừa đánh lẫn nhau vì thù trong, vừa cùng nhau chống lại nước Ngụy của Hán tộc, tức giặc ngoài.
Gần đây việc khai quật thành Luy Lâu lần 2 đã phát hiện tới 900 mảnh khuôn đúc trống đồng với đủ loại hoa văn đặc trưng của trống đồng Đông Sơn. Niên đại của lò đúc trống đồng này ước định quãng thế kỷ 3-4.
Luy Lâu, thủ phủ Giao Châu thời Sĩ Nhiếp là đất của người Việt, nên ở đấy đúc trống đồng theo tục Việt là hoàn toàn hợp lẽ. Còn theo sử hiện nay đấy là thời Hán thuộc thì sự việc Luy Lâu đúc trống cũng giống như nước Hồi giáo chế mõ tụng kinh Phật vậy… Làm gì có việc như thế.

Vi keo

Bộ vì kèo ở chùa Bà Đanh.

Đôi câu đối ở khu tiền tế bên ngoài chùa Bà Đanh:
地湧寒江傳妙決
天移蓬島在人間
Địa dũng hàn giang truyền diệu quyết
Thiên di bồng đảo tại nhân gian.
Dịch:
Đất phun sông mát truyền phép lạ
Trời chuyển đảo bồng chốn nhân gian.
Câu đầu chỉ phép màu của Tứ pháp tạo nguồn nước cứu hạn cho nhân dân. Vế đối sau ca ngợi cảnh đẹp ở đây như chốn Bồng Lai tiên cảnh. Có thể câu này ứng với tục thờ Thái Thượng Lão Quân trong chùa, là một nơi tiên tích của đạo Giáo.

Bao Son tu

Chính điện Bảo Sơn tự.

Câu đối ở gian giữa chùa Bà Đanh:
化鼓两間司橐籥
功高四法凜靈聲
Hóa cổ lưỡng gian tư thác thược
Công cao tứ pháp lẫm linh thanh.

Vế đối sau thì ý tứ khá rõ ràng, công của Tứ pháp to lớn, vang vọng mãi tiếng thiêng. Còn vế đối đầu tương đối khó hiểu. Vế này sử dụng từ ngữ trong Đạo Đức Kinh, chương 5 – Thiên Thượng:
Thiên địa chi gian, kì do thác thược hồ
Tạm dịch là Trời đất là không gian, giống như cái ống bễ vậy.
“Hóa cổ” là cái trống Tạo hóa. Cả vế này “Hóa cổ lưỡng gian tư thạc thược” hiểu nôm na là: Trống Hóa Công có 2 gian (Trời và Đất) thì (ngài) cai quản cái ống bễ nối chúng.
Đối tượng được nói đến ở đây là người cai quản sự liên thông giữa trời và đất chính là Thái Thượng Lão Quân. Vế đối này như vậy ca ngợi vai trò, quyền lực của Thái Thượng Lão Quân.
Câu đối trên là dẫn chứng một cách rõ ràng rằng chùa Bà Đanh thờ Thái Thượng Lão Quân như một đối tượng thờ chính, sánh ngang cùng với Tứ pháp, chứ không phải phối thờ.
Chùa Ba Đanh như vậy thờ tới 3 tôn giáo:

  • Tứ pháp là đạo Bà La Môn.
  • Đạo Phật, và
  • Đạo Lão.

Đây không phải mô hình Tam giáo đồng lưu thông thường vì không có yếu tố “Nho giáo” trong chùa này. Chắc chắn tục thờ cúng này có nguồn gốc, có lịch sử hình thành riêng của nó. Tại sao Thái Thượng Lão Quân lại được thờ cùng Tứ pháp ở chùa Bà Đanh?
Thần tích vùng Phủ Lý, Hà Nam giải đáp câu hỏi này. Theo thần tích của xã Phù Đạm thì Thái Thượng Lão Quân, hiệu là Lý Bá Hoành, tự là Lão Đam, húy là Thái Ông. Ngài giáng sinh đầu thai ở thôn Kim Chân, xã Thúc Lực…
Ngài vốn tính thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ngài đem đạo phù thủy truyền bá cho nhân dân. Ngài đến xã Phù Khê (tức Phù Đạm) thấy nhân dân trong xã bị dịch chết quá nửa. Ngài bèn đóng giả một cụ già viết 1 đạo bùa thổi vào trong xã, bao nhiêu người bị bệnh trong xã đều khỏi…

P1210273Đình Phù Vân ở Phủ Lý.

Thôn Phù Vân của xã Phù Đạm xưa nay thuộc thành phố Phủ Lý. Đình Phù Vân vẫn còn lưu giữ được tục thờ Thái Thượng Lão Quân ở đây. Theo thần tích trên Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, vị tổ sư của Đạo Giáo. Lão Tử giáng sinh ở ngay khu vực Hà Nam của nước ta, từng chữa dịch bệnh cho nhân dân trong vùng. Đó là lý do tại sao khu vực Hà Nam lại thờ Thái Thượng Lão Quân như ở chùa Bà Đanh. Các di tích và truyền tích ở Hà Nam là minh chứng về quê hương bản quán của Lão Tử ở Việt Nam, ngay trên đất Hà Nam.
Câu đối khác ở chùa Bà Đanh:
一息蓬蓬八表遊行天地使
層臺屹屹萬家欹頌海山僊
Nhất tức bồng bồng, bát biểu du hành thiên địa sử
Tằng đài ngật ngật, vạn gia y tụng hải sơn tiên.
Dịch:
Một thoáng bồng bồng, tám phương du hành khiển trời đất
Hai tầng ngân ngất, vạn nhà khen tụng thần núi sông.