Hùng Vương tứ hiếu Bài cuối: Lang Liêu

Trong thời đại Hùng Vương, nước Văn Lang là thời kỳ có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất. Triều Hùng Văn Lang kéo dài hơn 800 năm (8 thế kỷ), từ khi vua Hùng đánh thắng giặc Ân (khoảng thế kỷ XI trước Công nguyên) cho tới khi chuyển sang nước Âu Lạc của An Dương Vương (thế kỷ III, năm 258 trước Công nguyên).

Tại vì sao triều Hùng nước Văn Lang lại có thể tồn tại thịnh trị đến hơn 800 năm? Dựa vào điều gì? Đó chính là “Hiếu” và “Đễ”, như đã được lưu truyền về Lang Liêu, vị vua khai triều nước Văn Lang trong Truyện Bánh chưng.

Hiếu với trời đất

Truyện Bánh chưng kể, hoàng tử Lang Liêu nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.

Vị thần nhân đã giúp Lang Liêu dùng gạo làm lễ vật kính tế trời đất không ai khác là Hậu Tắc, người được gọi là Nông sư. Tắc nghĩa là lúa tẻ, tức là lúa nước. Cũng như sự tích Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn Tuyên Quang, chuyện Hậu Tắc trồng lúa nước cho thấy đây chắc chắn là một nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương Thánh tổ dựng “xã tắc” họ Hùng ở vùng đất tổ Phong Châu.

Hùng Vương tứ hiếu Bài cuối: Lang Liêu - Ảnh 1.
Ban thờ đình Hướng Nghĩa, Minh Thuận, Vụ Bản,Nam Định, nơi thờ Hậu Tắc hoàng đế.

Sách Việt điện u linh cho biết “Đế Quân tên là Hậu Tắc, là thủy tổ nhà Chu dạy dân trồng trăm thứ lúa. Phàm là dựng nước lập đô đều lập xã tắc đàn xuân thu làm lễ tế”. Các triều đại Lý, Trần, Lê nước ta đều tôn thờ ông Hậu Tắc là “Thiên tổ địa chủ xã tắc đế quân”, một vị thần quan trọng trong đại điển lễ tế quốc gia hàng năm ở đàn Xã tắc và lễ Tịch điền. Dấu vết tục thờ Hậu Tắc tới nay vẫn còn ở vùng Vụ Bản, Nam Định, là ruộng tịch điền thời Lý Trần.

Lang Liêu dùng gạo ngon làm bánh chưng bánh dày với hình trời tròn đất vuông kính dâng lên tiên tổ Thiên Địa, tức là kính nhớ đến vị Thiên tổ Địa chủ Hậu Tắc. Dâng bánh chưng vào ngày Tết là cách để gợi lại ký ức nguồn cội, để nhắc nhớ công ơn tổ tiên của người Việt đã sáng tạo ra đồ ăn thức uống, nuôi sống con dân đất Việt. Chính sự hiếu với nguồn cội, tổ tiên ấy đã làm nên một vị vua Lang Liêu nối ngôi chính thống, đứng đầu trong các anh em Bách Việt.

Truyện Bánh chưng kể: “Công tử thứ 9 là Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày… Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Lấy tên là bánh Lang Liêu và gọi là Tiết Liêu”.

Đình Hương Trầm ở phường Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ, nơi có cánh đồng nếp thơm xưa, tương truyền là nơi ở của Lang Liêu (phủ Lang Liêu). Đây cũng là nơi Lang Liêu đã gặp được thần nhân mách bảo và sáng chế ra bánh chưng bánh dày. Trước đây ở phường Dữu Lâu từng có miếu thờ Lang Liêu, nay đã bị thời gian phá hủy. Bài vị của Lang Liêu được đưa về đình làng Dữu Lâu để thờ phụng cùng với tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Con số 9 là số chỉ phương Tây trong Hà thư. Hoàng tử thứ 9 Lang Liêu nghĩa là thủ lĩnh của người Liêu Lão ở khu vực phía Tây đất nước. Lang Liêu chế ra bánh chưng vuông tượng trưng cho Đất, bánh dày tròn tượng trưng cho Trời, bao hàm đạo Âm Dương. Tức là Lang Liêu là người đã chế tác ra Kinh Dịch, một cuốn kinh chứa đựng những kiến thức triết học, bao trùm thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt thời cổ đại. Kinh Dịch là cuốn Thiên thư, là ánh sáng soi đường cho người Việt trong suốt lịch sử nước Văn Lang hơn 800 năm thịnh vượng.

Đễ – thân tình với anh em

Truyện Bánh chưng mở đầu: Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Truyện Bánh chưng không đơn giản lại mở đầu bằng cách nhắc tới thời điểm phá xong giặc Ân. Bởi khi thắng giặc lớn cũng là lúc bắt đầu một triều đại mới. Chính vì thế vua Hùng mới cần tìm một người kế vị mới lên làm minh quân. Triều đại mới này là Văn Lang, bởi trước đó đang là thời của nước Xích Quỷ hay Việt Thường từ Lạc Long Quân.

Hùng Vương tứ hiếu Bài cuối: Lang Liêu - Ảnh 5.
Nghi môn đình Dữu Lâu.
Hùng Vương tứ hiếu Bài cuối: Lang Liêu - Ảnh 6.
Đình Dữu Lâu.

Theo Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, dòng 50 người con theo mẹ lên núi đã tôn Hùng Quốc Vương lên làm vua, lập nước Văn Lang đóng đô Phong Châu. Người khởi dựng Văn Lang do đó chính là Lang Liêu. Cũng vì thế, món đồ tế trời đất của Lang Liêu có ý nghĩa rất lớn, bởi đó là nghi lễ dùng mở ra một thời đại mới. Từ đó cho nên bánh chưng bánh dày mới dùng làm đồ tế lễ cho ngày Tết (“Tiết liệu” tức là đồ ăn ngày Tết), là khi mở đầu một năm mới, bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới của Đất Trời.

Truyện Bánh chưng ghi: “Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi hai anh em đều chia nhau giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở”.

Còn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể là khi người con trưởng của Âu Cơ là Hùng Quốc Vương lên ngôi, “Vua cha bèn dựng hầu lập bình phong, chia nước làm 15 bộ, xác định cương giới, các đầu núi góc biển, cử ra trăm quan trấn thủ, gìn giữ các phương… Vua mới phân quan lại, định các xứ, cai quản vạn dân. Khi đó lệnh cho anh em trăm trai có tài thần báu trời, cai quản rõ ràng các nơi. Trăm nơi núi sông một mối, xe sách quy mô chế độ đồng nhất, bốn biển một nhà, xưng thần phụ thuộc”.

Lang Liêu sau khi thắng giặc Ân đã lên ngôi thiên tử, phân phong cho các anh em và công thần ở các nơi đầu non góc biển làm các chư hầu, gọi là phiên trấn, phên dậu bình phong. Đây chính là nói đến sự khởi đầu của chế độ phong kiến (phong tước và kiến địa) trong sử Việt.

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể tiếp: “Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương. 50 tên tộc trấn ở các đầu núi, cửa khe non ngàn, cùng gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù phụ đạo. 50 tên tộc trấn ở các góc biển, vực suối cửa sông, cùng là các thần linh trên nước, tiện để bảo hộ dân sinh, giúp phù tông xã. Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ. Đất đai 15 bộ này được xác định cương giới, định người trưởng quân gọi là Bô (bố), cha gọi là Trá (cha), con trai gọi là Côn (con).

Nam nữ đều xem theo dòng cha mà xưng. Hậu thế đổi thành quan lang, phiên thần, thổ tù, phụ đạo. Cháu chắt của các công thần khai quốc được cha truyền con nối, vạn đời nối giữ Nam Bang. Còn các nhánh tông phái của các bộ chủ Hùng Vương đời đời trị nước, truyền mãi nước Nam.”

Thời kỳ này cũng được Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là thời Trị bình kiến phu, tức là trị quốc bình thiên hạ, kiến lập các nước chư hầu, tương đương với khái niệm “phong kiến” sau này. Chính sự “đễ” – tình đoàn kết giữa những người con cùng bọc đồng bào là sợi dây kết nối giữa các nước chư hầu của nước Văn Lang. Trăm anh em, trăm nước chư hầu, đều phục tùng người kế vị chính thức là Lang Liêu, dựng nên một thiên hạ họ Hùng rộng lớn bền vững.

Câu đối ở đình Bảo Đà cũng ở phường Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ:

Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm

Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.

Tạm dịch:

Mấy ngàn năm giúp đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp

Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

Hùng Vương tứ hiếu Bài cuối: Lang Liêu - Ảnh 7.
Nghi môn đình Bảo Đà, với đôi câu đối về nước Văn Lang.

Truyện Bánh chưng kể: “Về sau, anh em tranh giành nhau làm trưởng, mỗi người dựng “mộc sách” (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phường bắt đầu có từ đây vậy”.

Nước Văn Lang liệt quốc cũng bởi mất đi sự hiếu đễ, mất đi lễ nghĩa căn bản, dẫn đến sự tranh giành, phân tách giữa các chư hầu, chiến loạn liên miên, thiên hạ không lúc nào được ngơi.

Sách Luận ngữ dẫn lời Khổng Tử nói: “Này các đệ tử, đầu tiên là hiếu, sau là đễ, cẩn thận mà đáng tin, yêu chúng dân cùng người thân…” Hiếu đễ là cái gốc của con người, của gia đình, là nền tảng làm nên quốc gia và thiên hạ thịnh vượng.

Thay cho lời kết, xin ghi lại câu chuyện hiếu đễ của Lang Liêu với bài thơ Hiếu với trời đất:

Tôi nghe kể chuyện nước Văn Lang
Lang Liêu dâng cha chẳng bạc vàng
Mà tấm lòng thành gói trời đất
Vuông tròn đúc đủ tình thế gian.

Âm dương một đạo để ngàn đời
Rọi sáng đường đi cả tộc người
Bánh chưng bánh dày vui ngày Tết
Tưởng nhớ Lang xưa với Sách trời.

(Hết)

https://congdankhuyenhoc.vn/hung-vuong-tu-hieu-bai-cuoi-lang-lieu-179221109101335197.htm

Những cuộc chiến tranh và di cư thời Hùng Vương qua các di tích đền miếu ở vùng đất tổ Phong Châu và đồng bằng Nam sông Hồng

Mở đầu

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm trải qua 18 triều đại vua Hùng với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ từ thấp lên cao. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ họ Hùng, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến “cách cổ đỉnh tân”, phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới. Một triều đại mới lập nên kèm theo việc định cư người dân ở các vùng đất mới dưới một chế độ quản lý mới. Đây cũng là những mốc phát triển cương vực của nước ta trong thời đại Hùng Vương.

Những cuộc di cư, phân chia đất đai lãnh thổ được nói tới khá rõ ngay trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Trước tiên đó là cuộc chia tay lịch sử giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Khi đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, giống loài không hợp nhau, chung sống với nhau thực cũng khó. Vì thế ta phải chia tách riêng. 50 con theo cha về biển, làm Thuỷ tinh. 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc.

Người con trưởng là Hùng Quốc Vương theo mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang, lên ngôi vua: Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương. 50 tên tộc trấn ở các đầu núi, cửa khe non ngàn, cùng gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù phụ đạo. 50 tên tộc trấn ở các góc biển, vực suối cửa sông, cùng là các thần linh trên nước, tiện để bảo hộ dân sinh, giúp phù tông xã. Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ.

Như thế, các vị sơn thần và thủy thần đều là những người con cùng bọc đồng bào đã chia ra trăm nơi đầu non góc bể trấn giữ, rồi mới hóa thần. Dấu vết của cuộc “đại phong thần” thời Hùng Vương này còn in đậm lưu truyền tới ngày nay qua các di tích thờ phụng các vị sơn thần thủy thần trải khắp từ miền trung du đất tổ Phong Châu tới vùng đồng bằng sông Hồng ven biển. Lần theo các di tích đền miếu còn lại và những sự tích lưu truyền có thể phục dựng lại lịch sử thời đại Hùng Vương với những cuộc chiến và di cư ở mỗi giai đoạn dựng nước.

GIAI ĐOẠN SƠN TRIỀU HÙNG VƯƠNG THÁNH TỔ

Câu đối ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh khái quát về giai đoạn “có tổ” của người Việt:
Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.
Dịch:
Sách trời định chốn, chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt biết có tổ
Núi tỏa linh thiêng, cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.

Hữu Hùng Đế Minh mở vạn bang chư hầu thiên hạ

Huyền sử Việt bắt đầu bằng Truyện Họ Hồng Bàng có Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông, sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần ở phương Nam, lấy bà Vụ Tiên mà sinh ra Lộc Tục… Còn Đại Việt sử ký toàn thư mở đầu bằng câu “Thủa Hoàng Đế mở muôn nước”, nói tới cuộc chiến giữa Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên với Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê. Sau chiến thắng này Hoàng Đế lên nắm quyền thống trị vạn bang gồm tộc người thuộc các dòng phương Nam xưa (của bà Vụ Tiên), phương Bắc xưa (của Viêm Đế), phương Tây (của Xi Vưu). Hiên Viên trở thành Minh chủ của thiên hạ muôn nước, được huyền sử Việt chép là Đế Minh.

Ba vị quốc tổ Hùng Vương được thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và khắp các nơi trên vùng đất tổ Phong Châu (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn Tây) là:

  • Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh Vương;
  • Viễn Sơn Thánh Vương;
  • Ất Sơn Thánh Vương.

3 vị Sơn Thánh là 3 vị vua Hùng đầu tiên của thời Hồng Bàng, có trước thời Lạc Long Quân nên tương ứng đó là các vị Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục như kể trong Truyện họ Hồng Bàng

Cuộc chiến lập ra thiên hạ Họ Hùng đầu tiên được lưu truyền rõ nhất trong sự tích vùng núi Tây Thiên. Quốc Mẫu Tây Thiên là bà Vụ Tiên đã hội quân ở Đại Đình dưới chân núi Tam Đảo, tiến về Phong Châu giúp vua Hùng đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn chống giặc. Thắng trận, Tây Thiên trở thành Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu, vị Mẫu Thượng Thiên của người Việt trong tín ngưỡng Tứ phủ, và trong tục thờ Cha Trời, Mẹ Đất. Công Cha như núi Thái Sơn ở Nghĩa Lĩnh – Phong Châu. Nghĩa Mẹ như suối nguồn từ đỉnh Phù Nghi (Nghĩa) của Tam Đảo chảy mãi không ngừng.

Tam vị Thánh Tổ họ Hùng được thờ rộng khắp trên miền đất tổ Phong Châu mà trung tâm là núi Hùng Nghĩa Lĩnh ở Việt Trì, mở ra miền ngược ở Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Bái, hay sang phía Đông qua sông Lô tới Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

Xuôi sông Hồng, di tích thờ Hùng Vương Thánh Tổ ở đồng bằng phía Nam không nhiều, nhưng có thể kể đến: đình Đống Long ở xã Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội thờ Đột Ngột Cao Sơn; đền Khả Phong ở Kim Bảng, Hà Nam thờ vua Hùng Cao Sơn, các đền ở xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình thờ vọng quốc tổ Hùng Vương. Ở nội thành Hà Nội từng có đền thờ vua Hùng, nay là đền Dâu (Thuận Mỹ) tại phố Hàng Quạt. Ngoài ra đáng kể là một số các đình ở ngay giữa khu phố cổ Hà Nội như đình Kim Ngân thờ Hiên Viên Hoàng Đế với tư cách là tổ bách nghệ.

Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn

Tiếp theo thời kỳ Sơn triều mở nước của 3 vị Thánh tổ Hùng Vương là thời kỳ của Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, gặp và lấy mẫu Thần Long Động Đình. Chuyện này cũng là việc Tản Viên Sơn Thánh cùng vui với các loài thủy tộc ở bộ Gia Ninh và kết thân với Thủy Tinh Động Đình thủy phủ. Kinh Dương Vương và Tản Viên Sơn Thánh đều được gọi là Nam Thiên Thánh Tổ, chỉ cùng một nhân vật trong lịch sử trời Nam.

Là vị Thánh tổ của trời Nam nên số lượng nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh trải khắp miền Bắc, nhưng tập trung nhất là ở vùng Sơn Tây. Nơi đây các di tích thờ Thánh Tản dày đặc thành từng cụm, được biết dưới tên Ngũ thần cung Tản Viên, cũng là vùng Ngũ Lĩnh nơi Kinh Dương Vương đi tuần phương Nam. 

Ngũ hành cung Tản Viên hình thành một khu vực “kinh đô” của thời kỳ Kinh Dương Vương, được truyền thuyết gọi là Ngũ Lĩnh. Mỗi một “Lĩnh” hay một “thần cung” là một khu vực, trong đó lại bao gồm nhiều các “hành cung”, nay là các đền, đình, di tích thờ Tản Viên Sơn.

  • Thượng Thần cung: là cụm di tích đền Thượng, đền Hạ, đền Trung ở núi Tản Viên. Đây là nơi thờ các bậc tiên tổ Thái Bạch Kim Tinh, Ma Thị Cao Sơn, Quốc mẫu Đinh Phi.
  • Hạ Thần cung: là khu vực thấp của vùng Bể Cạn (Hạc Hải) xưa, với các di tích như đình Thụy Phiêu, Văn Khê. Đây là nơi diễn ra cuộc giao chiến Sơn Tinh với Thủy Tinh.
  • Trung Thần cung: là vùng “hạ điền” (ruộng hè) xưa, gần với ngã ba Bạch Hạc, được thần tích gọi là vùng Cổ Đằng, Tam Vật Lại. Vùng này là nơi Thánh Tản dạy dân cày cấy, đánh cá, chăn nuôi…
  • Tây Thần cung: là vùng giáp sông Đà với các di tích Ngọc Nhị, Bằng Tạ, Khê Thượng. Đây cũng là nơi có bãi Trường Sa (bãi dâu Tang Ma), chốn Sơn Tinh cứu sống con rắn thần Thủy Tinh và cũng là chuyện Kinh Dương Vương gặp Thần Long Động Đình.
  • Đông Thần cung: nổi tiếng được biết là đền Và, cùng với đền Ngự Dội ở bên kia sông Nhị. Đây là nơi yết triều của Kinh Dương Vương.
  • Nam Thần cung: là vùng Thánh Tản đi săn ở xứ Mường Mang Sơn, Quang Diệu.
  • Bắc Thần cung: vùng phía bên kia sông Hồng, với những di tích như đền Thính, đền Tranh ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Từ vùng kinh đô Ngũ Lĩnh này Kinh Dương Vương – Tản Viên đã khai mở quốc gia về các hướng Đông Tây Nam Bắc, cùng với “Tứ phủ Công đồng đi tuần trong nhân gian“, thực sự đã làm nên một cuộc “Đẻ Đất Đẻ Nước” trong lịch sử nước Xích Quỷ thời đầu Kinh triều.

Ở vùng phía Nam sông Hồng, di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh có thể kể đến khu vực Ứng Hòa, Hà Tây cũ; quần thể đền Tam Thôn gồm đền Kê Thượng, đền Kê Hạ và Miễu Sơn ở xã Ninh Vân của Hoa Lư, Ninh Bình. Việc thờ Thánh Tản ở vùng Hà Nam và Nam Định thường là thờ cùng trong bộ ba Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Một điểm đặc biệt của khu vực đồng bằng Nam sông Hồng là tục thờ thần Hậu Tắc, nhất là ở vùng hành cung tịch điền thời Lý Trần tại xã Minh Thuận, Vụ Bản, Nam Định. Về Hậu Tắc có câu chuyện bà Khương Nguyên sinh con ra bỏ trong rừng, được muông thú che chở nuôi nấng, chính là một cách kể khác của truyền thuyết về Kỳ Mạng Tản Viên Sơn Thánh. Hậu Tắc được nhà Lý tôn là Thiên Tổ Địa Chủ Xã Tắc Đế Quân, là vị Đế Tổ sánh ngang thời với Kinh Dương Vương mở nước.

Ngũ Lĩnh và Động Đình.

GIAI ĐOẠN KINH TRIỀU LẠC LONG QUÂN

Câu đối ở đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình):
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bốn nghìn năm nước gọi thượng thần, biển Bát rồng bay truyền tích lạ
Mười tám hiệu triều Hùng xuất thế, sông Đào hổ lược dậy danh thiêng.

Cuộc tranh đoạt giữa Lạc Long Quân và Đế Lai

Sau thời Hữu Hùng Đế Minh, người Việt đã đi nốt chặng đường khởi dựng nhờ hòa hợp 4 tộc người ở 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong chuyện Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình. Con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân nhờ sự hỗ trợ của dòng tộc bên mẹ ở Động Đình (biển Đông) đã tiến hành cuộc chiến tranh đoạt lấy ngôi thủ lĩnh (biểu hiện trong hình tượng Âu Cơ) với chính dòng Hữu Hùng phương Bắc là Đế Lai.

Truyện Họ Hồng Bàng mô tả cuộc chiến này: “Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc.”

Cuộc chiến cách nay 4000 năm này đã khởi đầu thời kỳ thị tộc phụ đạo và còn lưu dấu rất đậm nét trong tín ngưỡng dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lạc Long Quân là Vua Cha của Thoải phủ, đã tập hợp những người anh em trong cùng bọc trứng đánh lại quân “Thục”. Những người anh em này được tôn thờ là Ngũ vị Tôn quan, lập thành ban Công đồng của điện thờ Tứ phủ.

Nếu vùng Phong Châu là vùng đất tổ với tục thờ các vị Hùng Vương Sơn Thánh thì vùng đồng bằng Nam sông Hồng lại là khu vực đậm đặc các di tích thờ các vị thủy thần của dòng theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá miền biển Động Đình. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả cho biết Lạc Long Quân “hóa sinh về biển làm đế chủ Thủy Tiên Động Đình Long Quân” nên đức vua cha Bát Hải Động Đình của Thủy phủ chính là Lạc Long Quân. Đền thờ chính của Bát Hải Động Đình là đền Đồng Bằng ở Thái Thụy, Thái Bình. Gắn liền với vua cha Bát Hải là Ngũ vị Tôn quan, mà điển hình nhất là Quan Đệ Tam ở đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) và Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương.

Trong Truyện Hồ Tinh thì Long Quân đã sai “lục bộ thủy phủ” dâng nước tiêu diệt con Cửu vĩ Hồ ở Thủy quốc Động Đình (tức Hồ Tây). Cửu vĩ Hồ nghĩa là tộc người Hồ ở hướng Tây vì số 9 (cửu) là con số chỉ phương Tây trong Hà thư. Dòng tộc của Đế Lai bị Lạc Long Quân đánh đuổi phải chạy về hướng Tây, nên từ đó còn được gọi là Thục (từ “thục” trong tiếng Nôm có nghĩa là “chín”, đồng âm với số 9, chỉ hướng Tây).

Câu chuyện về Thánh Tam Giang ở Ngã Ba Bạch Hạc thi tài giữa thần Thổ Lệnh và Thanh Khanh cũng chính là giữa Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ. Thổ Lệnh được thờ ở vùng Thường Tín, Phủ Lý với tên Trung Thành Phổ Tế Đại Vương, với sự tích gắn với Ngã Ba Bạch Hạc rất rõ như kể ở đền Đa Chất (Phú Xuyên).

Xuyên suốt từ Ngã Ba Hạc ra tới cửa Ba Lạt là tục thờ Linh Lang Đại Vương tuy bị chép vào nhiều thời kỳ khác nhau, từ thời Hùng chống Thục ở Vụ Bản, Nam Định, tới thời Lý, rồi thời Trần. Thực ra tất cả chỉ có 1 vị Linh Lang thời Hùng Vương đã đánh Thục thắng lợi như trong thần tích ở Duyên Trường, Vụ Bản, Nam Định. Linh Lang chính là Lạc Long Quân, người đã thắng trận chiến tranh giành quyền lực với dòng lên núi của Đế Lai. Linh Lang là vua của Thủy phủ Động Đình, lấy hồ Dâm Đàm làm kinh đô của Thủy quốc. Các di tích thờ Linh Lang chạy dọc theo sông Cái từ Hồ Tây – Thanh Trì – Lý Nhân ra đến tận Thái Bình và cửa Ba Lạt.

Thế tộc Tản Viên.

Một vị thủy thần phổ biến khác là Quý Minh, thường chép là Hữu kiên thần trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh với xuất xứ từ vùng bãi dâu Tang Ma bên sông Đà, có mang danh là Lãng Nhạc Quý Minh, chỉ rõ là dòng Thủy thần. Nhiều nơi Quý Minh được phong là Đông Hải Đại vương cũng chứng tỏ điều này. Ngay cái tên Trần Quý Minh như ở đền Nội Lâm tại Hoa Lư cũng mang nghĩa là vị thần trấn Đông (vì Trần là Đông A), hay thủy thần vùng ven biển Đông. Tương tự chuyện Linh Lang đánh Thục, Quý Minh chống Thục là cuộc chiến lập quốc của Lạc Long Quân chống lại dòng Đế Lai. Quý Minh có thể chính là Lạc Long Quân hoặc người em thứ 3 cùng bọc, tức là Quan Đệ Tam Thoải phủ.

Phổ biến ở Hà Nam và Nam Định thờ vị thủy thần Câu Mang Đại Vương, cũng là một trong Ngũ phương Đế của Đạo Giáo. Ngũ đế của Đạo Giáo có thần phương Đông tên là Câu Mang Tử, hiệu là Văn Thuỷ Hồng Nhai Tiên Sinh, là Đông phương Thượng đế, Đông Hải quân. Có thể thấy thần Câu Mang hay Cao Mang tương đương với Đông Hải Quý Minh.

Còn nhiều hình thức thờ các vị Thủy thần khác ở vùng đồng bằng Nam sông Hồng bởi đây là khu vực của Thủy quốc Động Đình vào thời 4000 năm trước, khi nước sông và biển đang rút dần, mở ra vùng đầm phá, nơi con người có thể sinh sống, làm nghề đánh cá, sống lênh đênh trên sông nước. Đặc điểm chung của các thủy thần thời này là có xuất thế là Rắn hoặc Rồng, từ cùng một bọc 2, 3 hay 5 trứng, nở ra các vị tướng có công chống giặc Thục hoặc giặc Hồ, hoặc có sự tích giúp dân hộ đê hoặc cầu mưa. Không ít nơi kể chuyện ông Dài ông Cụt, khi có 1 vị thủy thần anh em đó bị mất đuôi.

Sự kiện rồng Lạc “cụt đuôi” có thể giải thích chính là trong truyện về Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử như một giai đoạn ngắt quãng của Lạc triều khi cướp công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng làm chủ một phương, rồi bay về trời. Di tích thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở Nam sông Hồng chủ yếu gần ven sông như khu vực bãi Tự Nhiên ở Thường Tín, đền Lảnh Giang ở Duy Tiên, Hà Nam và một số di tích lân cận, tới tận Ý Yên, Nam Định..

Những vị thủy thần ở vùng Nam sông Hồng có thể kể đến 5 anh em Quảng Xung, Quảng Bác, Quảng Xuyên, Quảng Tế, Quảng Hóa ở khu vực Duy Tiên – Cầu Giẽ – Chương Mỹ, hay Tam Lang Long Vương từ trên khu Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) xuống Vụ Bản (Nam Định), các vị thủy thần trong đình Công Đồng ở làng Tiên Lý (Bình Lục, Hà Nam), đình Xâm Dương (Ninh Sở, Thường Tín)…

Cuộc chiến về lại đất Lạc của Thục Chúa

Dòng tộc Đế Lai di dời về phía Tây, trải qua gần ngàn năm tới thời “Hùng Vương 18” đã trở thành “Bộ chủ Ai Lao”, tức là thủ lĩnh vùng đất Âu ở Vân Nam, Quý Châu (Ba Thục) ngày nay. Thục Chúa phát động một cuộc đại chiến mà các Ngọc phả về Tản Viên Sơn ghi lại với số quân lên tới hàng chục vạn, tấn công đất nước của Hùng Vương (Lạc Vương). Đối đầu với quân Thục lúc này là Tam vị Sơn Thánh gồm Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Cuộc chiến Hùng – Thục (Lạc – Âu) lần này diễn ra ác liệt, qua nhiều trận đánh. Cuối cùng, Thục Vương giành thắng lợi, Sơn Thánh buộc phải khuyên Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương. 

Thục Vương về đất Phong Châu (Phú Thọ), lập kinh đô Văn Lang, dựng lại đền miếu của Thái tổ Đế Minh, trên núi Nghĩa Lĩnh để tôn thờ. Thục Vương trở thành Âu Cơ, vị quốc tổ của dòng sơn thần theo Mẹ lên núi của người Việt.

Âu Cơ được thờ chính ở đền Hiền Lương tại Hạ Hòa, Phú Thọ, và một vài nơi khác ở miền xuôi như đền Thuận Mỹ ở Hà Nội, đình Ngọc Trục ở Đại Mỗ, Hà Tây xưa.

Cuộc chiến Âu – Lạc là nền tảng lịch sử cho việc thờ các vị Lạc tướng Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Duệ Vương chống Thục, được lập miếu đền trải khắp cả vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng trung du Bắc Bộ ngày nay. Cao Sơn, Quý Minh là dòng dõi của Lạc Long Quân, theo cha xuống biển, nên ở nhiều di tích 2 vị này, nhất là Quý Minh, được thờ dưới dạng các thủy thần xuất thế.

Trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh thì Tả kiên thần Cao Sơn còn được gọi là Nộn Nhạc Cao Sơn, là Sơn thần nên chỉ thỉnh thoảng bắt gặp một số di tích thờ ở vùng Nam sông Hồng. Làng Trung Kính Thượng tại Hà Nội thờ Hùng Nộn Công là một hình thức của Nộn Nhạc Cao Sơn Đại vương. Một số di tích ở Ninh Bình thờ Cao Sơn là Lạc tướng Vũ Lâm cũng có thể được nhận định là ở thời kỳ này.

Các vùng di tích Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Vùng Phong Châu gặp nhiều di tích thờ Cao Sơn và các vị tướng chống Thục hơn bởi vì nơi đây đã diễn ra cuộc đụng độ giữa dòng Hùng Vương và Thục Vương trong truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Ví dụ:

  • Ở Quế Nham (Đồng Quế, Sông Lô, Vĩnh Phúc) thờ 4 vị đại vương là danh tướng theo Sơn Thánh đánh Thục.
  • Ở Hương Lan (Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ) thờ 3 vị Chàng Chấu Linh Lang đại vương, là tùy tòng hầu kiệu của Duệ Vương.
  • Ở Bảo Đà (Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) thờ Tả hữu kiên thần Cao Sơn, Quý Minh và Cương Trực tướng quân.

Sự kiện Hùng chống Thục thời Cao Sơn Đại vương  diễn ra 1000 năm sau cuộc chiến chống Thục thời Quý Minh – Linh Lang, khi đại diện của dòng Thục của Đế Lai xưa là Âu Cơ quay trở lại, đánh bại dòng Lạc từ Lạc Long Quân Sùng Lãm (Sùng cũng nghĩa là Cao nên Cao Sơn còn có tên Nguyễn Sùng), lập nên nước Văn Lang đóng đô ở Việt Trì.

GIAI ĐOẠN THỤC TRIỀU AN DƯƠNG VƯƠNG

Câu đối ở nghi môn đình Bảo Đà (Dữu Lâu, Việt Trì):
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.
Dịch:
Mấy ngàn năm giúp đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

Cuộc chiến đánh giặc Ân dựng nước Văn Lang

Lễ hội làng Phù Đổng kể Hùng Vương thứ 6 đã hiệu triệu các chư hầu, tìm người tài giỏi, thì được thiên thần giáng thế là Phù Đổng Thiên Vương giúp đỡ, tiên phong dẫn quân chống lại giặc Ân. Dẫn đầu quân đội nhà Ân lúc này là “28 tướng cường nữ nhung” với các thủ lĩnh là Thạch Linh Thần tướng và Ma Cô Tiên (Ma Lôi), hậu phi của vua Ân. Theo Truyện Giếng Việt, Ân Hậu bị Thánh Dóng đánh bại, chết dưới chân núi Vũ Ninh tại Châu Sơn (Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay). Ân Vương được truyền thuyết Việt gọi là vua Hùng đời cuối (Hùng Duệ Vương), chết hóa thành Vua của Địa phủ. Thắng giặc, Thánh Dóng trở về núi Vệ Linh (Sóc Sơn) lập đàn tế cáo trời đất, ghi bảng “Bách thần nguyên tự”, phong thần cho các tướng sĩ tử trận của cả 2 bên Hùng – Thục để ngàn đời hương hỏa. 

Thục Vương còn được kể dưới tên Lang Liêu trong Truyện Bánh Chưng, chỉ thủ lĩnh của người Liêu – Lão (Ai Lao Di). Nhờ có lòng hiếu kính tổ tiên, Lang Liêu đã lên nối mệnh trời, lập cột đá ở Nghĩa Lĩnh thề trung thành với họ Hùng của Đế Minh, chia cho 22 người anh em ở các nơi đầu núi góc biển làm phiên dậu bình phong, cùng nhau giữ gìn đất nước. Trước đây ở Việt Trì có di tích phủ Lang Liêu ở làng Dữu Lâu, nay được được phục dựng lại. 

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể rằng Hùng Quốc Vương, người con trưởng của Âu Cơ lên ngôi, chia nước làm 15 bộ, phân phong cho trăm anh em Bách Việt làm các phiên thần, thổ tù, quan lang, phụ đạo, đời đời được cha truyền con nối đất đai và chức vị. Hùng Quốc Vương chính là vua Lang Liêu trong truyền thuyết. Bắt đầu từ đây xã hội Việt bước vào thời kỳ phong kiến phân quyền, hay thời kỳ “Trị bình kiến phu” (trị quốc, bình thiên hạ, kiến lập chư hầu) như chép trong Ngọc phả.

Khu vực phía Nam sông Hồng tuy không phải nơi xuất phát của Phù Đổng Thiên Vương nhưng cũng là nơi xuất tích của khá nhiều vị tướng cùng thời, theo Thánh Dóng diệt giặc Ân. Có thể kể đến anh em Minh Gia, Minh Tôn ở Hiển Khánh (Vụ Bản, Nam Định), Quan lang Hoàng Đào ở Hổ Sơn (Vụ Bản, Nam Định), 3 vị đại vương ở An Lạng (Văn Lý, Lý Nhân, Hà Nam), Cốt Tung ở Liễu Trì, Hạ Lôi, Lý Tiến ở Hà Nội…

Các vị thần nước Âu Lạc 

Trong thời kỳ dựng nước Văn Lang đã xuất hiện một số nhân thần được tôn thờ ở vùng Nam sông Hồng. Trước hết đó là Nam Hải Đại vương tức An Dương Vương, như ở Cố Đê, Vụ Bản, ở Lạc Na, Hồng Quang, Nam Trực (Nam Định) hay các nơi thờ vợ, con của An Dương Vương ở Thái Bình.

Tướng quân Cao Lỗ, người giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần cũng được thờ ở một số nơi tại vùng Nam sông Hồng, như ở đình Từ Châu, Liên Châu, Thanh Oai.

Vị thần khác thời kỳ Âu Lạc là Đồng Cổ Sơn thần được thờ rải rác từ Hà Nội (Nguyên Xá, Đông Xã), Nam Định (Vụ Bản) đến Thanh Hóa với sự tích về trống đồng trấn áp giặc Chiêm Hồ và hiển linh giúp vua Lý trong sự kiện Tam Vương.

Một vị nhân thần kỳ lạ đáng kể ở thời kỳ Thục An Dương Vương là Thái Thượng Lão Quân, tức Lão Tử Lý Nhĩ Đam mà sự tích ghi quê ở Thúc Lực, Kim Chân tại Hà Nam (Kim Bảng). Thái Thượng Lão Quân được thờ ở đình Phù Vân tại Phủ Lý, chùa Bà Đanh thuộc Kim Bảng, Hà Nam, hay ở động Thiên Tôn Hoa Lư, với sự tích là đã giúp An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ xây thành Cổ Loa hoặc chống “giặc” Xích Tị bằng phép thư phù (chữa bệnh dịch).

GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT THIÊN HẠ

Câu đối ở đình Xuân Quang tại Văn Giang, Hưng Yên:
Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt
Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.
Dịch:
Một lệnh dẹp không Tần, vạn dặm mở đầu dứt Mân Lạc
Hai ngôi sánh cùng Hán, nghìn năm gây nền vững đế vương.

Cuộc chiến thống nhất thiên hạ của Triệu Trọng Thủy

Truyện Rùa Vàng kể, cuối thời nhà Thục, nước Triệu nhăm nhe thôn tính nước Âu Lạc. Hoàng thế tôn của Triệu là Trọng Thủy được cử sang kết giao làm con tin (con rể) tại Đông Ngàn Cổ Loa của An Dương Vương. Rồi cuộc chiến giữa Triệu và Thục nổ ra. An Dương Vương thất thế, phải cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển, chấm dứt thời kỳ tồn tại hơn 800 năm của nước Văn Lang – Âu Lạc. Từ đó bắt đầu một thời kỳ toàn trị thống nhất thiên hạ của nhà Triệu.

Sử ký Tư Mã Thiên chép đây là sự kiện Tần Chiêu Tương Vương đánh bại Chu Noãn Vương năm 257 TCN, khởi đầu triều Tần hùng mạnh. Tới Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, bãi bỏ chế độ phân phong chư hầu mà xưng Đế, lập quốc gia thống nhất, quản lý bằng chế độ quận huyện. Nhà Tần mang họ Triệu từ tổ tiên là Tạo Phụ đánh xe cho Chu Mục Vương được phong ở Triệu thành. Vì thế, truyền thuyết Việt kể thành Triệu Đà diệt nước của An Dương Vương mà lập quốc.

Vùng Phú Thọ có cụm di tích thờ  hai vị tướng là Hồ Thiên HươngĐinh Công Tuấn chống lại họ Triệu ở bên sông Thao.

Ở vùng phía Nam sông Hồng không có di tích thờ Trọng Thủy hoặc Mỵ Châu như vùng Cổ Loa. Tuy nhiên, có một số di tích ở vùng Hà Nam, Nam Định thờ các vị tướng của nhà Thục chống lại cuộc xâm lăng của nhà Triệu như ở đền Vĩ ở Cao Viên, Thanh Oai thờ tướng Vũ Chiêu Tâm. Ở Vụ Bản, Nam Định có các tướng của Thục là Cao ĐệTrì Chân chống lại giặc Triệu.

Về sự hiện hữu của nhà Tần trên đất Việt còn có di tích thờ Đức thánh Chèm là Lý Ông Trọng ở Ninh Sơn, Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là nơi Lý Ông Trọng đã tử tiết.

Khởi nghĩa kháng Tần của Triệu Vũ Đế

Đế quốc Tần tồn tại không được lâu. Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, các chư hầu khắp nơi lại nổi lên, như muốn quay lại thời kỳ phân phong xưa. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, lúc này một đình trưởng huyện Bái là Lưu Bang nhờ gặp được thời thế, dẫn quân chiếm Quan Trung của nhà Tần, rồi phân tranh thiên hạ với quân Sở của Hạng Vũ. Kết quả là Hán Vương chiến thắng, thống nhất thiên hạ, khởi đầu nhà Hán Hiếu (Hảo hán).

Lịch sử Việt gọi Hiếu Cao Tổ là Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), năm 206 TCN đã khởi nghĩa kháng Tần từ vùng đất Long Xuyên, chiếm các quận ở Lĩnh Nam, lập quốc Nam Việt mà xưng Đế. Sau khi Cao Hậu mất, thiên hạ Trung Hoa lại chia thành 2 nước. Nhà Hiếu (Tây Hán) chiếm giữ vùng phương Bắc. Nhà Triệu ở Nam Việt với thừa tướng là Lữ Gia. Cuộc đối kháng 2 miền Bắc – Nam tiếp tục diễn ra.

Cụm di tích thờ Triệu Vũ Đế ở Gia Viễn, Ninh Bình tại các đình Trùng Thượng, Trùng Hạ, Thần Thiệu. Một số di tích thờ Triệu Việt Vương ở Nam Định cũng có thể là thờ Triệu Vũ Đế. Đền Nhự Nương thời Hoàng hậu Trình Thị, vợ của Triệu Vũ Đế tại Nam Trực, Nam Định.

Đặc biệt là cụm di tích ở Mạo Phổ, Lương Lỗ, Thanh Ba và thị xã Lâm Thao, Phú Thọ thờ Triệu Ông Út hay Út Ngọ Lôi Mao, là Việt Tây Vương sau thời Tần. Đây chính là vua Văn Vương nhà Triệu của nước Nam Việt có kinh đô ở Phiên Ngung.

Thay cho lời kết

Các di tích tín ngưỡng dân gian ở nước ta thực sự là kho tư liệu phong phú, đa dạng, độc đáo, đặc sắc, không gì thay thế được đối với những nghiên cứu tìm về lịch sử nguồn cội của dân tộc, từ thời kỳ xa xưa nhất khi xã hội và con người Việt mới hình thành, từng bước từng bước dựng nên non sông vững bền bởi những công sức của các bậc tiền nhân mà đã hóa thành những vị thần trong lòng dân tộc. Đó là cuốn đại sử thi được viết nên từ những di sản vật thể và phi vật thể trong dân gian qua suốt chiều dài lịch sử.

Tìm hiểu, so sánh đối chiếu, tổng hợp khái quát vào kho tàng sử liệu dân gian cho phép phát hiện, nhận diện ra từ những chi tiết lịch sử đến cả tiến trình phát triển xã hội trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử thật sự của dân tộc bị khuất lấp trong lớp bụi mờ của thời gian nhưng không mất đi, mà lịch sử đó vẫn đang sống cùng với nhân dân trong từng di tích, từng sự tích, từng lễ hội ở mỗi làng quê miền xuôi cũng như miền ngược. Bảo tồn di tích, nhìn nhận lại quá khứ là sự thôi thúc đối với mỗi người dân đất Việt, để hướng đến tương lai một cách tự tin hơn, vững chắc hơn.

Trên cơ sở phân tích các thần tích, ngọc phả và đối chiếu các di tích thờ cúng các vị thần ở nước ta, thời đại Hùng Vương có thể được diễn đạt qua 4 giai đoạn như trong sơ đồ sau.

Bốn giai đoạn của thời đại Hùng Vương.

Tài liệu tham khảo

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo. Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân, Thích Tâm Hiệp. NXB Lao động, 2022.

Kinh triều bảo lục Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn. Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân, NXB Lao động, 2022.

Lĩnh Nam chích quái. Trần Thế Pháp; Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính. Bản in của NXB Văn học, 1990.

Sự tích các vị thần linh thờ ở đền làng huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bùi Văn Tam. NXB Khoa học xã hội, 2015.

Di sản văn hóa đình đền Mạo Phổ. Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân. NXB Lao động, 2022.

Sự tích các thành hoàng làng Thăng Long – Hà Nội. Đỗ Thị Hảo (chủ biên). NXB Chính trị quốc gia, 2020.

Hà Nội di tích và văn vật. Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội. Sở văn hóa và thông tin Hà Nội, 1994.

Thần tích thần sắc Hà Nam. Lại Văn Toàn, Trần Thị Băng Thanh (chủ biên). NXB Khoa học xã hội, 2004.

Thần tích Hà Nội. Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Nguyễn Thị Oanh. NXB Hà Nội, 2019.

Sử ký Tư Mã Thiên. Phan Ngọc dịch. NXB Văn học, 2006.

Hùng Vương tứ hiếu Bài 3: Chử Đồng Tử

Dưới thời Hùng Vương có một tấm gương hiếu thảo sáng như ánh trăng rằm: một chàng trai quên mình báo hiếu cho cha và học đạo cứu giúp dân, được truyền tụng muôn đời cho hậu thế. Đó là Chử Đồng Tử ở vùng đầm nước Dạ Trạch với câu chuyện hiếu thuận cảm tới trời đã trở thành bất tử trong tâm thức dân gian người Việt.

Chí hiếu động thiên

Vào thời Hùng Vương thứ 3, ở làng Chử Xá ven sông Hồng tại Khoái Châu, Hưng Yên, có người dân tên là Chử Cù Vân, sinh được một người con trai là Chử Đồng Tử. Đồng Tử truân chuyên từ nhỏ, khi mới 13 tuổi thì người mẹ mắc bệnh qua đời. Thế rồi nhà lại bị hoả hoạn, bao nhiêu của cải đều bị cháy sạch, duy chỉ còn 1 chiếc khố, 2 cha con thay nhau mặc khi có việc đi ra ngoài.

Đến khi người cha ốm nặng sắp mất, liền dặn Đồng Tử rằng: “Con người ta nghèo hèn hay phú quý đều do số trời định cả. Nhà ta trước đây giàu có, sau này nghèo khổ cũng là do trời vậy, không biết làm thế nào. Cha nay bị bệnh, số trời xem ra cũng khó tránh khỏi, nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có đất bụi che chở không lộ ra ngoài, con nên để khoả thân mà chôn cất, để lại cái khố cho con, lấy cái mà che thân”. Dặn dò xong ông thở dài 1 tiếng rồi mất.

Lăng mộ thân phụ đức thánh Chử.
Thân phụ và thân mẫu thánh Chử ở Chử Xá.

Tử Đồng bổ đất gào trời,

Ôm cha gào khóc hết lời thở than.

Công cha mẹ như sơn như hải,

Tóc tơ chưa đắp lại cù lao.

Thân hèn vả lại nhà nghèo,

Lấy gì giả nghĩa mà theo thói đời.

Còn cốt cách ở nơi cõi tục,

Trời đoái thương có lúc giàu sang.

Nhiều phen quần áo vẻ vang,

Bây giờ ta hãy tiềm tàng náu thân.

Cha sống thiếu mùi trần gấm vóc,

Cha thác không liệm bọc the là.

Thương cha lòng nặng bề bề,

Cất ngay cái khố đem che phụ hài.

(Bài thơ chữ Nôm lưu tại đình Thượng xã Tự Nhiên huyện Thường Tín).

Chử Đồng Tử không nỡ để cha thân trần mà khâm liệm nên đã lấy chiếc khố duy nhất chôn cho cha. Còn mình đành ở trần ngâm nước, bắt cá sống qua ngày.

Đền Ngự Dội ở thôn Màn Trầu, Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên.
Chử gia tam tiên ở đền Ngự Dội tại thôn Màn Trầu xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên.

Nhưng trời không phụ lòng người con hiếu thảo. Chính sự khốn khó đến tột cùng ấy lại đem đến mối lương duyên kỳ lạ giữa chàng trai Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng. Công chúa sinh ra có vẻ đẹp như tiên giáng, được vua cha rất mực yêu quý. Một hôm công chúa đi du thuyền xuôi về quê ngoại ở làng Yên Lạc (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), khi đi qua bãi sông Tự Nhiên, thấy cảnh đẹp, bèn dừng thuyền lên bờ, quây màn dội nước tắm. Ngờ đâu, chỗ màn che lại đúng nơi chàng trai họ Chử mình trần chôn cát… 

Câu đối ở cửa đền Đa Hòa, nơi thờ chính của thánh Chử Đồng Tử ghi:

Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ

Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.

Dịch:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ

Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Gậy nón của Chử Đồng Tử ở đình Thượng Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội.
Chồng kiệu Chử gia tiên ở đình Hạ Tự Nhiên trong ngày lễ hội.
Bức chạm “Tử – húy tự” (kiêng húy chữ Tử) ở đình Hạ Tự Nhiên.

Vì người mà hành đạo

Sau cuộc kết duyên kỳ ngộ với công chúa Tiên Dung hai vợ chồng Chử Đồng Tử đi buôn bán ở các xứ xa. Trên đường đi thuyền ở Hoan Châu, Chử Đồng Tử lại có cơ duyên gặp một vị lão tiên ở núi Quỳnh Viên, bên dòng suối Hiêu Hiêu chảy trên núi tu học mà thành đạo. Tiên ông trao cho Chử Đồng Tử cây gậy đầu sinh đầu tử và nón thần cùng phép ước. Khi trở về bản quán, công chúa Tiên Dung thu nhận thêm một cô gái cắt lúa ven sông, là con của Tây Vương mẫu giáng trần làm Hữu phu nhân Tây Sa công chúa, cùng với Chử Đồng Từ dùng phép thần cứu sống và chữa bệnh cho nhiều người trong vùng.

Ở các di tích thờ Chử Đồng Tử, thường còn kèm theo tục thờ thần Cá. Như đền Hóa Dạ Trạch có tượng thờ Cá thần với tên là Bế Ngư Thần quan. Ở đền Đa Hòa có thờ vị Thần Rí (đọc chệch của từ Lý là cá chép). Sự tích ở đây kể rằng, thần Rí là một câu bé bơi lội rất giỏi, nhưng hay đùa nghịch thả cá và phá lưới của dân chài. Vì thế người dân đã cắm cọc trên khúc sông nơi Rí hay tắm. Rí chẳng may nhảy xuống sông bơi đâm phải cọc mà chết lúc mới 12 tuổi. Từ đó thần trở nên rất thiêng. Trong một cuộc so tài giữa các thần, thần Rí còn quật chết một con voi lớn của nhà vua.

Tượng thánh Chử Đồng Tử ở đền Đa Hòa.
Chử Đạo Tổ với gậy thần chế ngự Thủy quái (tranh dân gian Tứ bất tử).

Sự tích về thần Rí ở Khoái Châu rất giống với Truyện Ngư Tinh được kể trong sách Lĩnh Nam chích quái: “Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ… Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại… Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Thoa ở Thủy phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền…”

Có thể thấy Truyện Ngư tinh có cùng một cốt truyện như truyền thuyết về thần Cá Rí hại dân chài. Như thế, “Long Quân”, người đã dùng gậy thần (cọc) diệt Ngư tinh ở đây chính là Chử Đồng Tử. Chử Đạo Tổ được thờ ở các làng ven sông Hồng như một vị thủy thần (long quân) có khả năng chế ngự được thủy quái, phù trợ cho dân chài lưới.

Bài Dạ Trạch tiên gia phú ở đình Quan Xuyên (Khoái Châu), tương truyền do Chử Đạo Tổ giáng bút, có câu: “Thế mà như Thiệu Bá cam đường không phạt, cũng là do lòng người tư mộ”. Câu này ví Chử Đạo Tổ có lòng nhân đức như ông Thiệu Bá thời Tây Chu, không phạt tội người dân dưới gốc cây cam đường, dù trong dân lưu truyền những điều không đúng về đức thánh Chử.

Lưỡng ngư chầu trên mái đền Đa Hòa.
Ngư nghê ở đền Đa Hòa.

Nhờ lòng nhân đức, cứu dân độ thế mà nhiều người đã theo về với vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, hình thành nên một vùng lâu đài thành quách ven sông, có đủ trăm quan văn võ và binh sĩ túc vệ, dựng thành một nước riêng.

Khi Vua Hùng biết tin, nổi giận, dẫn quân đến trừng phạt thì công chúa Tiên Dung nói: “Việc này không phải do ta làm mà là do trời khiến vậy. Sống chết có trời, làm con ai chống lại cha bao giờ. Xin hãy thuận theo lẽ, cứ để mặc cho quân của vua cha chém giết”.

Thế rồi, để trọn đạo hiếu trung, đêm đó gia đình Chử Đồng Tử cùng thành quách lâu đài đã bay về trời, đi vào cõi tiên bất tử. Câu đối ở đền Đa Hòa ghi:

Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch

Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên

Dịch:

Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch

Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên.

Ba vị gia tiên Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa bay lên trời trong đêm đã đi vào cung trăng, với hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và thỏ Ngọc giã thuốc mỗi đêm trăng tỏ. Bài Quang minh tu đức kinh văn tương truyền do Chử Đồng Tử tiên ông giáng bút ở đền Đa Hòa có thơ:

Bất tử Nam thiên Tổ Chử Đồng

Uy linh vang dội khắp xa gần

Treo gương tu đức soi kim cổ

Truyền đạo quang minh độ thế trần

Cắt thịt xót thương người bệnh khổ

Ra tay cứu vớt kẻ trầm luân.

Lòng son đỏ ối vàng tô thắm

Trung hiếu thần tiên thượng đẳng thần.

Chồng kiệu ngày lễ hội đền Hóa Dạ Trạch.

https://congdankhuyenhoc.vn/hung-vuong-tu-hieu-bai-3-chu-dong-tu-179221103174549679.htm