Tập sử ký Xuân Lan

Triệu Vũ Hoàng Đế ở Long Hưng điện, Xuân Quan.

Đế họ Triệu, tên Đà, người Chân Định. Đầu thời Tần, Nhâm Hiêu ở Nam Hải bị bệnh, cho gọi gấp Đế tới. Đế đang làm chức lệnh ở Long Châu. Nhâm Hiêu nói:

– Nhà Tần vô đạo, thiên hạ cực khổ. Ta nghe Trần Thắng tạo loạn, thiên hạ không biết lúc nào được yên. Phiên Ngung có thế núi hiểm trở, vốn có biển Nam, Đông Tây vài ngàn dặm, lại cùng Trung Quốc nương tựa. Cũng là một nơi đứng đầu các châu, có thể lập nước riêng.

Hiêu mất. Đế đảm nhận việc úy của Nam Hải, bèn tức thời gửi hịch đi các nơi, chặn đường, tụ hợp quân đội, diệt các quan lại nhà Tần, tấn công chiếm Quế Lâm, Tượng quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở thành Phiên Ngung. Khi Hán Vương dẹp Sở, lên ngôi, ban chiếu lập Đế làm Nam Việt Vương, sai Lục Giả đem ấn thao cùng với phù tín để thông sứ, khuyên hòa tập với Bách Việt để biên cương phía Nam không có tai hoạ. Khi Lục Giả đến, Đế ngồi xổm mà tiếp. Lục Giả nói:

– Vương là người Trung Quốc, phần mộ thân thích đều ở Chân Định. Nay nhân giữ khư khư đất Việt mà với thiên tử hán không chịu khuất phục. Điều này có thể được không?

Thế là Đế mới ngồi dậy, tạ lỗi rằng:

– Ta ở chốn man di đã lâu, nên đã quá thất lễ.

Rồi cùng tiếp Lục Giả. Được vài ngày nói:

– Nước Việt không có nhiều người có thể nói chuyện được cho đến khi tiên sinh đến, hàng ngày tôi được nghe những điều chưa từng được nghe.

Đế tặng cho Lục Giả túi đựng đồ đáng ngàn vàng. Lục Giả trở về nước Bắc. 

Đế cất quân xuống phía Nam, giao chiến với An Dương Vương đang đóng đô ở thành Cổ Loa. An Dương Vương lấy nỏ thần bắn ra. Đế bèn lùi quân về đóng ở chân núi Trâu Sơn (nay ở chân núi Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh có miếu thờ Thánh đế), cùng với An Dương Vương đối đầu với nhau. Rồi Đế đề nghị thông hòa. An Dương Vương vui mừng, đồng ý từ Tiểu giang về phía Bắc do Đế cai trị, từ sông đó về phía Nam do Vương cai trị. 

Nhân đó Đế giả cách sai con là Trọng Thủy vào làm cận vệ, cầu hôn với con gái Vương là Mị Châu. Vương sơ ý không biết là kế gian nên đồng ý. Trọng Thủy dụ Mị Châu trộm lấy lẫy nỏ thần giấu đi, tìm một lẫy nỏ khác đổi móng của Rùa vàng, rồi nói dối với Mị Châu là muốn về thăm hỏi cha mẹ. Nhân đó nói:

– Tình cảm vợ chồng không thể nào mất. Ơn sinh thành của cha mẹ không thể đổi. Ta nay về thăm cha mẹ. Nhỡ sau này hai nước bất hòa, Bắc Nam cách trở. Ta đến đâu để có thể gặp được nhau?

Mị Châu nói:

– Thiếp thân là nữ nhi, mà nay gặp cảnh chia biệt, tình này khó vượt. Thiếp có một chiếc gối gấm lông ngỗng, thường mang theo người, đến nơi nào thì sẽ nhổ lông mà thả trên đường để biết là ở nơi đó.

Trọng Thủy giấu lẫy nỏ mà về, tâu lên Đế. Đế được việc đó rất vui mừng, bèn phát quân tấn công An Dương Vương.  Vương không biết là lẫy nỏ đã mất, vẫn ngồi chơi cờ mà tự cười rằng:

– Quân Bắc không sợ nỏ thần của ta sao?

Đế dẫn quân đến dưới thành. Vương dương nỏ thì thấy lẫy thần đã mất, đành thua chạy. Vương để Mị Châu ngồi sau ngựa mà chạy về phía Nam. Trọng Thủy nhận theo lông ngỗng. Vương chạy đến bờ biển thì cùng đường, không có thuyền chèo, bèn cầm sừng tê bảy tấc theo Rùa vàng mở đường nước vào biển mà đi ở xứ Hải Sơn, xã Cao Xá, quận Diễn Châu. Mị Châu ngẩng lên trời nói:

– Thiếp một lòng trung tín lại bị người lừa gạt. Nay xuống nước xin hóa thành châu ngọc để rửa sạch mối thù nhục này.

Mị Châu bèn nhảy xuống nước chết bên bờ biển. Trai ngọc uống vào hóa thành minh châu. Đế dẫn quân truy đến nơi thì thấy một vùng trống không, chỉ thấy thi thể của Mị Châu ở đó. Trọng Thủy ôm xác Mị Châu về chôn cất ở Loa thành, thi thể hóa thành đá ngọc. Trọng Thủy vì đó rất đau đớn, khi đến xứ Trang Dục tưởng như thấy hình thể Mị Châu, bèn đầu thân xuống giếng mà chết (tương truyền ngọc minh châu rửa bằng nước giếng này thì sẽ trở nên trong sáng).

Đế chiếm giữ nước Âu Lạc, khai mở đất đai, phương Nam đều bình được. Khi Lã Hậu nhà Hán không cho phép thông quan mua bán đồ sắt, Đế tức giận phát binh đánh hạ Linh Lăng, Trường Sa. Nhân binh uy đó lấy tài vật đút lót mà sai khiến Mân Việt và Tây Âu Lạc. Biên cương Đông Tây mở hơn vạn dặm, tự xưng là Nam Việt Vũ Đế, lên ngôi Hoàng đế, đi xe hoàng ốc, cắm cờ tả đạo, xưng “Chế”, cùng với Hán Trung Quốc đối đầu.

Hán Vương nhân mồ mả người thân của Đế ở tại Chân Định, đặt người giữ ấp đó ngày tháng phụng thờ, gọi con cháu Đế đến ban thưởng hậu hĩ, lại sai Lục Giả đi sứ, gửi thư cho Đế rằng:

– Trẫm là con vợ lẽ của Cao Đế. Khi có biến họ Lã, nhờ sức của các công thần mà dẹp được yên. Trẫm vì các vương hầu không cho chối từ nên không thể không nhận lên ngôi. Trước kia nghe Vương đem quân đánh biên giới, Trường Sa khổ sở không ngừng, Nam Quận lại càng khổ. Nước của Vương có thể được lợi riêng sao? Tất phải chết nhiều quân sĩ, hại các quan tướng tài, làm cho vợ góa chồng, con mồ côi, cha mẹ mất con. Được một mất mười. Trẫm không nhẫn tâm làm vậy. Có được đất của Vương cũng không thành lớn thêm. Có được tài vật của Vương cũng không giàu thêm. Xin cùng Vương bỏ những điều hiềm khích trước đây mà thông sứ như xưa.

Lục Giả đến, Đế nhận chiếu, hạ lệnh: 

– Trong một nước không thể hai người hùng cùng lập ngôi, không thể hai người hiền ở cùng một thời. 

Nhân đó Đế gửi thư xưng:

– Man di đại trưởng lão phu, thần, vốn là quan sứ ở Việt trước đây. May mắn Cao Đế ban cho thần ấn tỉ. Huệ Đế vì nghĩa không nỡ tuyệt. Lão phu ở Việt đã 49 năm, đến nay đã có cháu bồng rồi, nhưng ngày đêm thức ngủ không yên, ăn uống không biết vị ngon, mắt nhìn không thấy sắc đẹp, tai không nghe thấy tiếng chuông trống,  vì không được phụng sự nhà Hán vậy. Nay may mắn được ban cho thông sứ như trước, Lão phu dù chết xương cũng không nát.

Đế bèn nhận hòa với Hán Đế. Đương khi đó Đế hỏi Lục Giả rằng:

– Ta so với Hán Cao Đế thì thế nào?

Lục Giả nói:

– Vương sao dám so với Cao Đế được.

Đế nói: 

– Ta hận là không khởi binh ở Phong Bái, sao lại không bằng Hán?

Lục Giả sắc mặt tiu nghỉu.

Đế ở ngôi 71 năm, trải xuân thu thọ 120 tuổi. Đế thừa khi nhà Tần loạn, chiếm hữu Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung. Thời Hán Văn Đế làm đế một phương, có lòng yêu dân, có trí tuệ giữ gìn đất nước, có võ công mạnh như Tàm Tùng, văn giáo vang nơi Tượng quận. Lấy thi thư mà giáo hóa phong tục trong nước. Lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng dân. Dạy dân trồng trọt, dệt vải, nước giàu quân mạnh, Nam Bắc giao hòa. Thiên hạ vô sự. Là vị chủ có chân tài lược anh hùng. Trị nước một thời lâu dài vậy. 

Truyền đời Văn Vương, Minh Vương, Ai Vương, Vệ Dương Vương tất cả được 5 đời. Tới khi Hán Vũ Đế thôn tính lấy được nước đó, phân đặt các quan thú lệnh. Con cháu lại tụ tập tại những nơi vắng vẻ không người ở cửa biển Thần Phù, Hoành Sơn. Chế tạo thuyền bè, vượt biển đột nhập vào đất liền, cướp đoạt người ở bờ biển, giết các quan thú lệnh nhà Hán. Dân sợ phục, gọi là Nam Triệu.

Cho tới thời Ngô Tôn Quyền thì từ các xứ núi Thiên Cầm, Hà Hoa, Cao Vọng, Điểu Tồn, Hải Ngạn, Lại Bộ, Vọng Cái, Trang Chử, Thạch Song, Lôi Sơn, núi cao biển sâu, sóng gió hiểm trở, đều có nạn Nam Triệu, thường lấy việc cướp bóc làm nghề. Đồ đảng chúng khá mạnh, bèn lấy của cải châu báu đút lót cho nước Tây Bà Dạ để cầu cứu trợ.

Cuối thời Tấn, thiên hạ đại loạn, thổ tù Triệu Ông Dịch cùng  nhiều anh em đồ đảng dũng lược hơn người, nên được chúng phục theo. Cùng với đồ đảng Nam Triệu hơn hai vạn người chia giữ bờ biển ở các đầu thành 2 lộ. Trên từ Quỳ Châu đến Diễn Châu là lộ Già La. Từ Cầm Châu đến Hoan Châu là lộ Lâm An. Mổ trâu ngựa để kết thề. Do đó xây thành ở làng Cao Xá, Diễn Châu. Đông giáp biển, Tây đến nước Bà Dạ, Nam tới Hoành Sơn, do Triệu Ông Dịch cai quản.

Nhà Tấn lệnh cho tướng quân Tào Cam tiến đánh. Trải qua 4-5 năm, quân Tấn không chịu nổi khí núi chết quá nửa. Tấn rút quân về.

Sau Triệu Việt Vương, tên húy là Quang Phục, sinh ở làng Lan Cứu (nay là xã Xuân Lan), là hậu duệ của Cổ Tiên Thánh Đế. Thời Tiền Lý Nam Đế là Tả tướng quân. Nhà Lương Tiêu Diễn lệnh cho Trần Bá Tiên dẫn quân xâm chiếm phương Nam. Nam Đế tị cư ở động Khuất Liêu rồi mất tại đó. Việt Vương thay quyền nắm giữ đất nước, thấy sức lực không thể giữ bèn lùi về Dạ Trạch. Vùng này đất trũng thấp, khó đi bằng đường bộ. Vương dùng thuyền độc mộc nhân buổi tối ra đánh, cướp lấy lương thực, cầm cự lâu dài để làm quân giặc suy yếu. Trong 3-4 năm quân Lương không giao chiến được. Bá Tiên than rằng:

– Xưa gọi là đầm một đêm bay lên trời. Nay phải gọi là đầm một đêm trộm cướp vậy.

Đến khi Hầu Cảnh gây loạn, Bá Tiên trở về nước, giao lại cho tì tướng Dương Sàn cầm quân. Việt Vương trai giới lập đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo trời đất cùng thần linh bản thổ. Bỗng thấy có thần nhân cưỡi rồng hạ xuống trong đầm, nói với Vương rằng:

– Nơi ta bay lên trời là chốn linh thiêng. Nhà ngươi đã thành tâm cầu khấn, ta vì đó mà đến cứu giúp để dẹp yên tai họa, loạn lạc.

Xong bèn tháo móng rồng trao cho Vương, nói là dùng để đặt ở mũ đâu mâu, nhằm hướng đó thì giặc tất đều sẽ bị diệt.

Nói xong thì bay về trời. Vương làm theo như lời đó. Quân Lương thua to, giết được tướng Dương Sàn. Đuổi diệt được quân Lương. Vương mới lập làm Triệu Việt Vương, vào ở trong thành Long Biên. Ban chiếu sửa hai thành Loa Lộc, Vũ Ninh. Đặt tên là nước Nam Việt. 

Lại có người họ tộc của Tiền Nam Đế là tướng Lý Phật Từ từ động Dã Năng trở về. Vương thấy Phật Tử là anh họ Nam Đế, không nỡ tận tuyệt, bèn cắt đất ở Cát Châu cho ở đó. Phật Tử cho con là Nhã Lang cầu hôn với con gái Vương là Quả Nương. Vương đồng ý. 

Nhã Lang nịnh vợ rằng:

– Xưa hai cha của chúng ta còn là thù địch, nay lại là kết hôn nhân, thật là điều tốt thay! Cha nàng có thuật gì mà có thể đánh được quân của cha ta?

Quả Nương không biết thâm ý, ngầm lấy mũ đâu mâu móng rồng cho chồng xem. Nhã Lãng âm thầm tráo đổi móng đó, lại nói riêng với Quả Nương rằng:

– Ta nay dứt tình để về thăm cha mẹ. Vạn nhất chẳng may có giặc, vua cha của nàng gặp bất lợi, thì qua nơi nào nàng hãy lấy lông ngỗng ở chiếc gối gấm mà đánh dấu đường. Ta sẽ đến tương trợ.

Nhã Lang về bàn mưu với cha. Phật Tử đem quân đến. Ban đầu Vương không biết, tập hợp lính, đốc quân, đem mũ đâu mâu ra đợi giặc. Quân giặc tiến áp đến rất đông. Vương biết thế lực không chống lại được bèn đem con gái chạy về phía Nam. Giặc đều đuổi đến gần. Vương hô lớn rằng:

–  Rồng vàng thần vương không giúp ta sao?

Bỗng Long vương chỉ cho thấy con gái Việt Vương tự rắc lông ngỗng, chính là giặc vậy. Vương rút đao mà chém. Vương cưỡi ngựa đến cửa biển Đại Nhã thì gặp nước ngăn trở bèn than rằng:

– Ta tới đường cùng rồi!

Rồng vàng mới rẽ nước thành đường, dẫn Vương đi vào trong nước. Quân Phật Tử đuổi đến chỉ thấy mênh mông không biết là đâu, bèn phải quay về.

Vương ở ngôi 23 năm, lập đền ở cửa biển Đại Nhã (nay là huyện Đại An) phụng thờ. Phật Tử sau rời đô về Phong Châu, ở ngôi 32 năm. Đến khi nhà Tùy đến xâm chiếm thì ra hàng và về Bắc. Người trong nước cũng lập đền ở cửa biển Tiểu Nhã phụng thờ, đối diện với đền Việt Vương.

Các cuộc khởi nghĩa của chúa nước Nam thời Bắc thuộc

Thiên Nam vân lục của Nguyễn Hãng thế kỷ XVI có Truyện Nam Chiếu, tuy về căn bản giống với truyện trong Lĩnh Nam chích quái, nhưng có một số thông tin bổ sung thêm. Xin dịch lại câu chuyện này và so sánh diễn biến nước Nam Chiếu trong lịch sử Việt.

Thời kỳ Nam Triệu

Xưa vào thời Triệu Vệ Dương Vương, quân Hán xâm lược phương Nam, tể tướng Lữ Gia tử thủ, họ Triệu vong. Hán yên định nước này, phân đặt các quan thú lệnh cai quản. 

Đoạn khởi đầu của Truyện Nam Chiếu nói về việc nhà Tây Hán diệt nước Nam Việt của họ Triệu năm 111 TCN. Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến kinh đô Nam Việt ở Phiên Ngung mà còn là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khởi nghĩa lớn ở miền Bắc Việt. Chính sử còn ghi đó là khởi nghĩa của Tây Vu Vương, chiếm Cổ Loa thành mà xưng Vương. Tư liệu dân gian ở Vĩnh Phúc gọi là Tây Lý Vương, cho biết vị Vương này là con cháu nhà Triệu mang họ Lý. Bởi vì vị vua lập nên nước Nam Việt là Triệu Vũ Đế cũng là Nam Việt Đế – Lý Bôn.

Cuộc di cư của con cháu họ Triệu và Lữ Gia từ Phiên Ngung về Bắc Việt sau khi nước Nam Việt sụp đổ là ghi chép lịch sử cho một cuộc thiên di lớn của nhóm dân tộc Tai-Kadai (nhóm Tày Thái) từ Lưỡng Quảng về vùng Tây Bắc Việt (Phong Châu). Đây là nguyên nhân vì sao người Thái ở Tây Bắc Việt và người Tày Nùng ở Đông Bắc Việt cùng với người Tráng ở Quảng Tây có ngôn ngữ rất gần nhau, tới nay vẫn có thể hiểu được tiếng nói của nhau.

Khởi nghĩa của Tây Vu Vương sau đó bị dập tắt, nhưng nhà Tây Hán chưa bình định được vùng Bắc Việt. Tư liệu dân gian ở các di tích còn cho biết, con gái của thừa tướng Lữ Gia là Ả Lã đã phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát Môn, đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán ở Long Biên, lên ngôi lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Trưng triều như vậy cũng là một tiếp nối của nhà Triệu nước Nam Việt.

Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau tụ tập lại ở Thần Phù, Hoành Sơn, đóng tàu thuyền, tùy thời theo đường biển nhập vào cướp bóc ven biển, giết các quan thủ lệnh, làm dân chúng khiếp sợ, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai thành Nam Chiếu, nhân đó lấy làm tên hiệu. 

Truyện Nam Chiếu đã gọi đích danh giai đoạn đầu của con cháu họ Triệu ở vùng Bắc Việt là Nam Triệu. Người chống lại nhà Hán sau khởi nghĩa của Trưng Vương ở vùng Thần Phù – Hoành Sơn (Thanh Hóa hay đất Cửu Chân) được chép là tướng Đô Dương của Trưng Vương. Đồng thời đây cũng tương ứng với giai đoạn của Mạnh Hoạch ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, vẫn được ghi như trong thần tích vùng Thạch Thất (Sơn Tây). Man Vương (vua xứ Mường) Mạnh Hoạch thực ra mang họ Lý, là dòng dõi nhà Triệu duy trì được sau khởi nghĩa của Trưng Vương, chiếm cứ vùng đất dọc sông Mã từ Thanh Hóa lên Tây Bắc Việt.

Đến thời Tam Quốc, Ngô Tôn Quyền sai Đái Lương, Lã Đại cùng làm thú mục để quản. Nam Chiếu từ núi Thiên Cầm, huyện Kỳ Hoa, xã Hà Trung cho đến cửa biển, một vùng bờ biển dài, trời cao nước sâu, sóng gió hiểm trở, không có vết người ở, thường lấy việc cướp bóc làm chi phí. Các quan thú lệnh không ngăn được. Khi chúng nhiều thịnh lên mới lấy châu ngọc biếu nước Bà Dạ (nay là đạo Nghĩa An), cầu kết hôn nhân để cùng cứu trợ lẫn nhau. 

Một phát hiện bất ngờ: cuộc nổi dậy ở vùng Thanh Hóa (Cửu Chân) chống lại nhà Ngô thời Đái Lương, Lã Đại làm thú mục theo chính sử là khởi nghĩa của Bà Triệu. Sách Giao Chỉ chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các huyện trong quận… Mô tả về Bà Triệu trong sách này thật không khác gì lời kể của Truyện Nam Chiếu.

Bà Triệu thực chất là dòng dõi của nhà Triệu nước Nam Việt. Người anh Triệu Quốc Đạt đã hy sinh trước đó có thể thủ lĩnh là Đô Dương ở giai đoạn trên. Bà Triệu đã làm chủ một vùng ven biển như mô tả trong Truyện Nam Chiếu, nên xưng là Lệ Hải Bà Vương. Lệ = Lê = La, là từ chỉ phương Xích đạo. Lệ Hải nghĩa là vùng biển La ở phương Nam. Từ Bà trong Bà Vương và Bà Dạ không phải chỉ người nữ mà là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ người Chiêm Bà.

Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa.

Đến cuối thời Tấn, thiên hạ đại loạn, có các thổ tù là Ngụy Ông, Lý Dịch, cũng là dòng dõi họ Triệu. Anh em đông đúc, dũng lược hơn người, được nhân dân địa phương tôn trọng, cùng Nam Chiếu kết liên, quân lính tới vài vạn người. Lại lấy châu ngọc hiến cho nước Bà Dạ, xin một vùng đất trống để ở. Nước Bà Dạ đồng ý. 

Nước Bà Dạ ở đạo Nghĩa An, tức là vùng Nghệ An, là người địa phương gốc, tức là dòng tộc Mon-Khmer, là người La Lồi con cháu của Đế Nghi – Đế Lai xưa. Chữ La cùng nghĩa với chữ Lệ, Lê chỉ phương Nam như đã nói ở trên. Người La còn gọi là người Hời hay người Chiêm (Chiêm Bà). Truyện Nam Chiếu như thế đã cho biết vào thời điểm này 2 tộc người Tày Thái di cư và La Chiêm bản địa đã kết liên với nhau ở quãng vùng Thanh Nghệ.

Thế là một dải bờ biển ban đầu còn lẫn lộn, được chia thành 2 lộ: Một lộ trên từ Phong Sơn, dưới tới Diễn Châu, do Ngụy Ông, Lý Dịch của Nam Chiếu đóng; Một lộ trên từ Quỳ Châu, dưới đến Hoan Châu, là lộ Như La do Bà Dạ đóng. Cùng giao ước kết làm các nước anh em. Thế rồi Nam Chiếu xây thành ở làng Cao Xá, tự lập làm Vua, có đất đai Đông tới biển, Tây đến Ba Thục, Nam tiếp với Bà Dạ, Bắc giáp với Cửu Chân. 

Nam Triệu xưng Vương ở làng Cao Xá – Diễn Châu. Ngụy Ông Lý Dịch trong Lĩnh Nam chích quái ghi là Triệu Ông Lý. Chính sử Việt chép là Lý Phật Tử, hay Hậu Lý Nam Đế, người nối tiếp dòng dõi của Triệu Vũ Đế Lý Bôn của nước Nam Việt trước đây.

Lộ Như La trong Lĩnh Nam chích quái chép là Già La (hai chữ Như 茹 và Già 笳 viết gần giống nhau). Rõ ràng đây là chỉ tộc người La của nước Bà Dạ (Già). Theo như phân chia giữa Nam Triệu và Bà Dạ thì Nam Triệu ở vào vùng Thanh Hóa, còn Bà Dạ ở vào vùng Nghệ An. 

Nhà Đông Tấn sai Tào Nhĩ dẫn quân đến đánh. Quân Tấn đến thì quân Nam Chiếu chia tán, quân Tấn đi thì lại về tụ lại. Mai phục ở rừng núi hiểm trở nơi đầu nguồn sông mà đánh, rồi nấp ở cuối non, ngoài biển, sáng ra tối vào, cầm cự hơn 4, 5 tháng, thường không đối trận. Quân Tấn không chịu nổi lam chướng, chết hơn quá nửa, bèn rút quân về. 

GS. Lê Mạnh Thát đã phát hiện ra một vị Vương thời Nam Bắc triều mang họ Lý là Lý Miễu qua 6 bức thư gửi cho một vị đại sư ở phương Bắc. Lý Miễu hẳn là một trong những vị vua của Nam Triệu ở thời kỳ Hậu Lý Nam Đế. Quân Nam Triệu tránh đối đầu với quân Tấn, thường trốn vào vùng rừng núi, tức là vùng phía Tây Thanh Nghệ và Tây Bắc Việt. Đây cũng là vùng đất của người Thái ngày nay.

Thời kỳ Nam Chiếu

Nam Chiếu khởi lên từ Tây Hán, lập vào cuối thời Tấn, trải tới thời Tùy Đường lại trở nên cường thịnh. Đường Ý Tông sai Cao Biền đến đánh, cũng không khắc chế được. 

Năm 602 Lý Phật Tử  đầu hàng nhà Tùy. Nước Nam Triệu cùng với dòng dõi nhà Triệu họ Lý chấm dứt ở đây. Nhưng còn “huynh đệ quốc” là nước Bà Dạ thì chưa dứt. Tại vùng đất Nam Đàn của Nghệ An đã phát hiện di tích đền Nhạn Tháp với hộp xá lị và gạch thời Đường. Cũng tại nơi đây có tòa thành Lồi, chỉ đúng tên gọi của tộc người La Lồi xưa.

Nam Đàn có tên xưa là Nam Đường, cũng là Đường Lâm, quê hương của Phùng Hưng. Khởi nghĩa ở vùng này thời Đường là khởi nghĩa của Mai Thúc Loan và ngay sau đó là Phùng Hưng. Di tích thờ Phùng Hưng ở Nghệ An nay là đền Quỳnh Tụ, xã Quỳnh Xuân, huyện Hoàng Mai, khá gần với địa danh làng Cao Xá ở Diễn Châu.

Có lẽ Mai Thúc Loan là người La tộc của nước Bà Dạ, còn Phùng Hưng là Thái tộc của Nam Triệu trước đó. Cả 2 cuộc khởi nghĩa này đều rất lớn, quân số hàng vạn người, đánh chiếm cả vùng miền Bắc Việt (thành Tống Bình). Ngay cái tên La thành của Hà Nội cũng chính là tên của La tộc và khả năng xuất hiện dưới thời Mai Thúc Loan – Phùng Hưng chiếm giữ thành Tống Bình.

Đất đai của giai đoạn Nam Chiếu thời Đường mở rộng tới tận Ba Thục (Tứ Xuyên?), được chính sử ghi là sự nổi lên của 6 chiếu ở Vân Nam do Bì La Các cầm đầu. Bì La Các chẳng qua là tên gọi khác của Bố Cái của người La, tức Phùng Hưng.

Tới thời Ngũ Đại, Thạch Kính Đường sai quan tư mã Lý Tiến dẫn quân đến đánh. Nam Chiếu thua to, chạy sang nhờ đất Ai Lao, mới lấy hiệu là nước Đầu Mô. Tên hiệu lớn là Tử Mô Lang. Thường hay làm việc cướp bóc, lúc đánh lúc nghỉ, chưa hề ngừng, cho đến nay cũng vậy.

Cái tên Đầu Mô tương đương với danh xưng Bố Cái vì Đầu chỉ thủ lĩnh, cũng là Bố. Mô là lớn, cũng nghĩa là Cái. Các thủ lĩnh của Nam Chiếu được gọi là Bố Cái, chứ không chỉ riêng vị thủ lĩnh đầu tiên là Phùng Hưng.

Tên Tử Mô Lang có thể giải nghĩa như sau:

– Tử là màu tím, màu tượng trưng của phương Bắc trong Ngũ hành, còn dùng bằng màu Đen. Nên Tử tương đương với Hắc.

– Mô – Mơ – Mai

– Lang là từ chỉ thủ lĩnh, tương đương với Đế.

Tử Mô Lang = Mai Hắc Đế. Tương tự từ Bố Cái, Mai Hắc Đế là một danh xưng cho triều đại Nam Chiếu ở giai đoạn này, không nhất thiết chỉ 1 vị Đế ban đầu là Mai Thúc Loan.

Miếu thờ Mai Hắc Đế ở Hùng Sơn, Nam Đàn, Nghệ An.

Truyện Nam Chiếu là truyện lịch sử rất ngắn, hoàn toàn không có màu sắc “chích quái” hay “u linh” nào cả, nhưng đã tóm tắt đầy đủ các cuộc khởi nghĩa không ngừng của người Nam chống lại phương Bắc. Đó là Tây Vu Vương và Trưng Vương thời Tây Hán, Man Vương Mạnh Hoạch thời Đông Hán, Lệ Hải Bà Vương thời Tam Quốc, Hậu Lý Nam Đế thời Tấn và Tùy, Bố Cái Đại Vương và Mai Hắc Đế thời Đường và Ngũ đại.

Tây Hồ sự tích

Truyện Hồ Tinh trong Lĩnh Nam chích quái:

Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời Thượng cổ đã có người ở rồi. Đến đời vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở bến sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh thành ngày nay vậy.
Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân gian.
Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở; trên núi có một vị thần được người mọi phụng thờ. Vị thần ấy dạy cho người mọi cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là Bạch y man. Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát, dụ dỗ được người con trai con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ sở về việc ấy.
Long Quân mới sai bộ hạ Thủy phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu Thạch Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi Hồ Trạch (nay là hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên Niên quán); bờ phía Tây bên đầm thì đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cày cấy, gọi là Lỗ Hồ động. Chỗ nào cao ráo thì đều có dân cư, tục gọi là Hồ thôn. Còn cái hang nay gọi là Lỗ Hồ trạch vậy.
Câu chuyện Long Quân diệt con Cáo chín đuôi thành hồ Tây trên được xếp vào thời “thượng cổ” cùng với Lạc Long Quân. Tuy nhiên, trong chuyện không hề nói tới Lạc Long Quân mà chỉ nói “Long Quân”. Hồ Tây vốn là một nhánh sông Hồng, hình thành khá muộn về sau này, nên khó có thể thời Lạc Long Quân 4000 năm đã có hồ, có động, có thôn như vậy. Lịch sử gắn với huyền thoại hình thành và phát triển của Hồ Tây thực sự ra sao?

Bat Thap
Khu vực tháp trong chùa Thiên Niên – đàn trấn yểm của Huyền Nguyên đại đế.

Trong Truyện Hồ Tinh có cho biết Long Quân đã lập chùa quán để trấn yểm bên Hồ Tây là Thiên Niên quán. Thiên Niên quán ngày nay là chùa Thiên Niên ở Trích Sài ven hồ Tây. Ở chùa này có lưu sự tích về việc diệt con Cáo chín đuôi qua tấm bia Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký (Bài ký trên bia chùa Thiên Niên, thôn Trích Sài, huyện Hoàn Long). Bài ký này được khắc trên tấm bia đá dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ 13 (1901). Nội dung kể:
Khu vực Hồ Tây, trước kia là khu rừng rậm mọc toàn gỗ lim. Trong rừng có hòn núi nhỏ, có con cáo chín đuôi đã thành tinh ẩn náu trong hang núi đó, thường thường hiện hình làm hại người và vật, đã lâu ngày không trừ được.
Vua Tiền Lý Nam Đế lấy làm lo, sai hai công chúa đi học pháp thuật để trừ hại cho dân. Hai công chúa tu luyện ba năm, kết quả chưa thành, con cáo yêu quái càng quấy nhiễu dữ. Hai công chúa xin sang phương Bắc học Trung Quốc. Thuyền đi đến sông Nguyệt Đức, buổi chiều gặp một vị Đại tiên. Vị này nói:
– Ta nghe hai công chúa có chí trừ yêu quái mà con hồ tinh lọt lưới ẩn nấp chưa trừ được. Vậy ta đến giúp để cứu dân.
Hai công chúa mừng lắm, đón vị Đại tiên về và vào tâu với vua. Vua cho mời vị Đại tiên, hỏi tường tận về pháp thuật. Đại Tiên bảo hãy chuẩn bị lập đàn ở nơi cao ráo, sạch sẽ, dựng 8 cửa, 8 tháp như hình bát quái trận đồ và dạy hai công chúa tất cả những bí quyết phù chú.
Trong khoảng 100 ngày, việc học tập đã thành thạo. Bèn chọn ngày tốt, xem địa thế và lập đàn trừ yêu. Dùng cờ và lọng ngũ sắc mỗi thứ 100 cái. Rồi rước vị Huyền Chân Đại đế ở phương Bắc chủ trì đàn trấn yêu. Lại dựng miếu thờ vĩnh viễn, để con cáo yêu quái sau khi bắt được, không thể lại hiện hình, tác quái được nữa.
Vua theo lời lập 3 đàn, đàn giữa thờ Thiên, địa, thần kỳ do vị Đại tiên chủ trì, đàn tả thờ Dương thần, đàn hữu thờ Âm thần do hai công chúa phụng lễ.
Đến ngày lễ đàn, Đại tiên một tay cầm bùa, một tay cầm kiếm, chỉ vào trước núi đá. Bỗng thấy con cáo từ trong hang núi nhảy vọt ra, đá núi đổ xuống. sóng nước sôi lên, bắn tung tóe ra bốn phía, rừng lim sụt xuống, tất cả biến thành hồ nước, đất sụt tới tận bên cạnh đàn. Trong đàn lửa bốc lên, cờ lọng bị cháy hết. Phía trên đám lửa kết thành một đám mây đen bay lên lưng chừng trời, Đại tiên bắt trói con yêu quái bay lên không trung. Sau cùng không thấy nữa, chỉ còn hai công chúa bắt quyết ngồi ở đàn, lửa chẳng hề bén đến thân thể.
Quan quân báo tin về với vua Lý, vua theo như lời Đại tiên nói trước, sai dựng đền ở nơi lập đàn, để hai công chúa sớm chiều thờ phụng. Đền ở giáp bên hồ. Sát bờ bên kia hồ cũng lập miếu để thờ Huyền Chân Đại đế và chỗ dựng 8 tháp nơi đàn cũ, xây ngôi chùa để hai công chúa trụ trì. Sau một thời gian, hai công chúa cũng hóa theo Tiên Phật…
So sánh chuyện này với Truyện Hồ Tinh có thể thấy hai chuyện kể khác nhau nhưng cùng là một sự kiện. Người diệt Hồ Tinh ở đây được chép là Huyền Chân Đại Đế, tức là Huyền Thiên Trấn Vũ, người thờ ở đền Quan Thánh bên phía đối diện của Hồ Tây. Còn thời gian được chép là vào thời “Tiền Lý Nam Đế”. Tuy nhiên, Huyền Thiên Trấn Vũ là tên mà Đường Cao Tông phong cho Lão Tử là Thái Thượng Lão Quân Huyền Nguyên hoàng đế. Như thế, Huyền Thiên đại đế mới có từ sau thời nhà Đường. Trong khí đó thời “Tiền Lý Nam Đế” lại là trước thời Tùy Đường. Khả năng triều “Tiền Lý Nam Đế” ở đây là chỉ chính triều Đường vì các vua Đường mang họ Lý (Lý Đường).

Trich Sai
Cổng đình Trích Sài.

Ở trong đình Trích Sài có ban thờ Tam vị công chúa và am bên cạnh đó cũng thờ 3 vị này dưới tên Phúc Thọ Lộc. Sách Tây Hồ chí đã viết về am này như sau:
Đền ba vị chúa Phúc Lộc Thọ tại phường Trích Sài. Ba vị chúa là: Vạn Thọ phu nhân tức hóa thân của Kim Mẫu, Vạn Phúc công chúa và Vạn Lộc công chúa. Hai công chúa đều là con vua Tiền Lý Nam Đế do bà phi họ Đoàn sinh ra. Đến tuổi cài trâm, cả hai cô đều thông tuệ, yêu mến sông núi, thường cùng thả con thuyền dưới núi Mài, là khu vực gồm 5 ngọn núi đất, khi đó là rừng rậm. Nghe nói trong rừng có con cáo 9 đuôi làm hại người, hai cô quay chèo mong sao tìm cách học đạo trừ yêu. Đến cầu Khôi Lâm, gặp một bà tự xưng là họ Ma, vốn là Giác Hải Đại vương, có biết phép thuật, liền hỏi:
– Có thể trừ yêu quái không?
Đáp rằng:
– Được!
Hai công chúa mừng đón bà họ Ma lên thuyền đưa về tâu vua. Vua xuống chiếu chọn ngày lập đàn dưới núi, đảo cáo Thượng Đế rồi mời họ Ma đến làm phép. Giông gió sấm sét liền nổi lên dữ dội, cây rừng bị nhổ hết, đồi núi sạch không mà yêu ma tuyệt tích. Giữa đàn có đám mây đỏ rực bây lên, trông lại thì họ Ma đã biến đi đâu mất. Xa giá trở về, vua đem chuyện hỏi đình thần. Hoặc có kẻ nói Kim Mẫu hóa thân, vua liền phong là Vạn Thọ phu nhân Trấn Tĩnh Bà Vương, cho lập miếu thờ.

Có thể thấy vị Bà Vương họ Ma này cũng là vị Đại tiên trong sự tích chùa Thiên Niên và là Long Quân trong Truyện Hồ Tinh. Như vậy cả 3 chuyện về con Cáo chín đuôi ở hồ Tây đều là một sự kiện. Sự kiện này cụ thể là gì?
Đây hẳn là việc hình thành Hồ Tây khi một nhánh sông Hồng tách rời khỏi dòng chính, nước dâng, sụn lún được huyền thoại hóa thành trận hồng thủy của Long Quân hóa ra một vực sâu.
 
Tam Thanh
Điện thờ Tam Thánh Đế ở trước đình Phú Gia.
Bên cạnh đó con Cáo chín đuôi ở khu vực phía Tây hồ Tây này còn liên quan đến những sự kiện lịch sử và di tích khác. Không xa chùa Thiên Niên là khu vực Quán La nơi có chùa Khai Nguyên, thuộc xã Xuân La. Ngôi chùa này theo ghi chép từng là nơi thờ Huyền Nguyên Đế Quân. Sự tích trong Việt Điện u linh:
Trong thời Khai Nguyên nhà Đường, Thứ sử Quảng Châu tên là Lư Ngư sang làm đô hộ bên ta, đóng tại thôn An Viễn, khoảng giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liêm, thấy chỗ đất này bằng phẳng rộng rãi, cây cối tốt tươi, phía sau có sông Già La, địa thế càng đẹp. Ngư mới sai lập phủ lỵ và dựng đền thờ thần vị Huyền Nguyên Đế Quân.
Một đê, Ngư mộng thất một cụ già đầu bạc phơ đến bảo Ngư rằng:
– Quán này nên đặt tên là quán Khai Nguyên. Thôn này cũng nên đổi tên là thôn Khai Nguyên.
Ngư thức dậy theo lời mà đặt tên quán, thôn và dựng bia ghi, để nêu rõ cái công của vua Khai Nguyên nhà Đường. Rồi lại dựng một đền, đặt tượng thần thổ địa để nêu công đức. Đền ấy đặt tên là Gia La quán, cầu đảo thường linh ứng, hương khói quanh năm. Đến hồi đầu năm Thiệu Long (1258) nhà Trần, sư Văn Thảo sửa dựng lại đền, đổi làm chùa An Dưỡng. Từ đó, sứ các nơi đến họp, người ta gần như đến lễ và ngoạn cảnh rất đông, xe ngựa thường đi chật đường không ngớt. Sau vì lâu năm, khách qua lại vắng dần, chùa cũng gần đổ nát, nay đã dời về Quy Bộ Đầu.
Năm Trùng Hưng thứ nhất sắc phong “Khai Nguyên uy hiển đại vương”. Năm thứ 4 gia phong hai chữ “Long trứ”. Năm Hưng Long 21 gia phong hai chữ “Trung vũ”.
Cần chú ý là khu vực này cũng liên quan đến con Cáo, với những cái tên Cáo Đỉnh, Xuân Cảo. Đây mới là trung tâm của “hang Cáo”, nơi ẩn náu của con Cửu vĩ Hồ hồ Tây.
Hiện nay trong chùa Khai Nguyên vẫn còn một tượng vị vua được người dân cho là tượng của Đường Minh Hoàng (niên hiệu Khai Nguyên).
Duong Minh Hoang
Tượng Đường Minh Hoàng trong chùa Khai Nguyên.

Quán Già La và chùa Khai Nguyên xưa ở Xuân La nay đã dời về khu vực Bộ Đầu, tức là bến Chèm ở sát sông Hồng, nay là đình làng Phú Gia và chùa Bà Già ở Phú Thượng, Từ Liêm. Bản xã thần tích của đình Phú Gia cũng chép chuyện này:
Đời Đường thứ sử Lư Ngư lập một đền thờ thổ thần gọi là Già La Quán, sau đổi thành chùa An Dưỡng ở thôn Bà Già cạnh đền Sóc thiên vương, giáp sông Già La. Sông này sau đổi là Thiên Phù.
Khai Nguyen Dich GiaoMột sắc phong ở đình Phú Gia: Khai Nguyên Địch giáo Long ân trứ Uy hiển Trung vũ…
Đình Phú Gia thờ một vị thành hoàng là Khai Nguyên Địch giáo Uy hiển Long trứ Trung vũ Đại vương, thời vua Hùng đánh giặc Ân. Tuy nhiên tên thần ở trên chính được nói tới trong Việt điện u linh, kể sự tích thần Khai Nguyên ở Quán La. Nói cách khác, vị thần ở đình Phú Gia cũng chính là Đường Minh Hoàng niên hiệu Khai Nguyên, mà tượng thờ nay còn ở chùa Khai Nguyên tại Xuân La.
Tới đây cần giải nghĩa các địa danh trong sự tích Hồ Tây. Đầu tiên là các chữ La trong tên địa danh cổ “Già La“, “Quán La“. Trong Truyện Hồ Tinh có “Lỗ Hồ động“, “Lỗ Hồ đàm“. Kết nối các chuyện có thể thấy La và Lỗ là cùng một từ. Thực ra từ này chỉ hướng Tây vì trong Dịch học phương Tây là phương của lý lẽ – la lỗ.
Bản thân cái tên Thi Hồ cũng có thể là âm khác của Tây vì Tây còn đọc là Xi – Thi. Rõ nhất chính là tên hồ Tây, chỉ hướng Tây, cho dù hồ này không hề nằm ở hướng Tây của thành Thăng Long.
Trong tên con Cáo chín đuôi – Cửu vĩ Hồ thì chữ Cửu cũng là con số chỉ hướng Tây trong Dịch học. Từ Cửu biến ra Cảo, rồi Cáo.
Ba Gia tu
Hoành phi Bà Già Tự ở chùa Phú Gia.
Chữ thứ hai cần giải nghĩa là chữ Hồ. So sánh các địa danh thì có thể đoán chữ Hồ này tương đương với chữ Già trong tên chùa Bà Già, Già La vì Lỗ Hồ = Già La. Chữ Hồ và Già này chỉ điều gì?
Hiện nay tên Già La đang được cho là âm tiếng Chăm Đà da li, cho dù người Chăm cũng chẳng hiểu Đà da li nghĩa là gì. Suy đoán này dựa vào dòng ghi chép chuyện Trần Nhật Duật trong Đại Việt sử ký toàn thư:
Nhật Duật thích chơi với người không nói cùng thứ tiếng, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này có người Chiêm Thành ở tên là Đà-da-li, sau gọi chệch là Bà Già) có khi tới bốn ngày mới về.
Tuy nhiên, những địa danh Bà Già, Già La đã có ít nhất từ thời Đường thì làm sao mà lại do những tù nhân Chiêm Thành bị bắt thời Lý Trần đặt ra được? Đây đúng là những từ tiếng Chiêm, nhưng là thời trước đó nhiều.
Thời trước nữa người Chiêm còn được gọi là người Hồ hay người Di. Đây mới chính là gốc tích của chữ Hồ và chữ Già. Hồ là chỉ người Hồ (người Chiêm). “Hồ thôn” hiểu đơn giản là thôn của người Chiêm. Già – Dạ – Di cũng vậy.
Ba Gia tu bi ky
Bà Già tự bi ký.
Chữ thứ ba trong sự tích Tây Hồ là chữ . Vị thần ở đình Trích Sài được chép là Trấn Tĩnh Bà Vương. Nhưng vị thần tương ứng ở chùa Thiên Niên lại là một vị Đại tiên. Có thể thấy chữ Bà không có nghĩa là nữ mà nghĩa chỉ thần thánh hay thủ lĩnh. Bà Vương = Đại vương. Bà Già nghĩa là thủ lĩnh/thần người Di.
Lịch sử trung đại Việt có nước Tây Bà Dạ hoặc Tây Đồ Di từng liên kết với Nam Chiếu chính là tương ứng với sự tích này. Tây = La = Lỗ. Dạ = Di = Già = Hồ.
Bản thân khu vực Già La còn được gọi là Lâm Ấp. Lâm Ấp cũng là tên gọi chung của Nam Chiếu thời kỳ Lục triều.
Thời Tùy Đường thì phía Tây của sông Nhị Hà là đất của Nam Chiếu (theo Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái). Truyện Hồ Tinh kể con Cửu vĩ Hồ đã biến thành Bạch y man ở chân núi Tản để hại người. Hiểu một cách khác thì trong số những người ở vùng Sơn Tây (núi Tản) có những người nổi loạn được gọi là Cửu vĩ Hồ. Bản thân chữ Bạch là màu trắng chỉ hướng Tây. Bạch y Man cũng tương đương với Tây Di hay Lỗ Hồ, chỉ người Man ở phía Tây sông Nhị.
Truyện Nam Chiếu cho biết người Nam Chiếu từ thời Tấn đến tận thời Tùy liên tục quấy phá vùng Tây Nhị Hà. Đây chính là con Cửu vĩ Hồ được ám chỉ trong truyền thuyết hồ Tây. Phải đến đời Đường Khai Nguyên thì quân Nam Chiếu mới được bình định.
Khởi nghĩa của người Tây Di dưới thời Đường Khai Nguyên là khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Mai Hắc Đế đã tiến chiếm thành Tống Bình, đuổi tướng nhà Đường là Quang Sở Khách phải chạy về nước. Sau đó Mai Hắc Đế thất bại, thành Tống Bình lại về tay nhà Đường. Rất có thể chính sự kiện này là cái cốt của câu chuyện diệt con Cáo chín đuôi ở Hồ Tây dưới thời Đường Khai Nguyên.
Khu vực Phú Thượng – Xuân La là vùng đất cao nhất quanh hồ Tây. Nơi đây đã tìm thấy hàng loạt các mộ cổ thời Lục triều và giếng nước thời Tùy Đường. Hiện nay dưới đình Quán La vẫn còn có một khu mộ cổ xây bằng gạch thời Lục triều, được biết dưới tên Thông Thiền động. Cái hang Cáo chín đuôi vẫn còn di chỉ vật chất là đây.
Mo Luc Trieu
Một mộ cổ trong động Thông Thiền dưới đình Quán La.
Như thế vùng Tây Bắc của hồ Tây đã là khu dân cư tập trung từ thời Lục triều tới Tùy Đường. Rất có thể đây là vùng thành Ô Diên được nói tới thời Hậu Lý Nam Đế – Lý Phật Tử. Truyền thuyết cho biết Lý Phật Tử đã lấy bãi Quân Thần làm ranh giới phân chia Đông – Tây, phía Tây thuộc đất của Lý Phật Tử. Bãi Quân Thân chính là khu vực Chèm – Quy Bộ Đầu. Như thế Lý Phật Tử đã lấy vùng Tây Hồ Tây làm ranh giới với các triều đại Trung Hoa thời Lục triều và thời Tùy.
Hơn nữa, đây có thể là trị sở của Giao Châu theo như sự tích, thứ sử Lư Ngư đã xây trị sở ở đây và xây chùa quán thờ Huyền Thiên. Đối chiếu vào sử Việt, ta thấy đây có thể chính là thành Tống Bình, trị sở của quận Giao Chỉ sau thành Luy Lâu ở Long Biên. Thành Tống Bình là trị sở của quận Giao Chỉ từ năm Tùy Đại Nghiệp (605-616).
Dinh Quan La
Cổng đình Quán La.
Dẫn chứng khác cho vị trí của thành Tống Bình là chuyện quan đô hộ Triệu Xương thời Đường Trinh Nguyên đã gặp Lý Ông Trọng hiển mộng ở bến Chèm. Bến Chèm cạnh gò Quy Bộ Đầu nơi có chùa Bà Già và đình Phú Gia ở trên.
Việc Mai Hắc Đế và sau đó là Phùng Hưng tấn công thành Tống Bình là tấn công khu vực Tây Bắc của hồ Tây này, chứ không phải vùng Nam hồ Tây. Rất có thể Phùng Hưng đã đặt thành Tống Bình là thành Đại La, lấy từ tên nước La – Lỗ của mình. Thành Đại La thời Phùng Hưng còn được gọi là Phượng thành, rất tương ứng với tên thành Ô Diên (ô và diên đều là 2 loài chim).
Chỉ tới khi Cao Biền được cử sang đánh quân Nam Chiếu thì mới xây thành ở phía Nam hồ Tây, lập đô hộ phủ ở đó, xưng Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Bằng chứng rõ ràng là lớp gạch dưới cùng ở Hoàng Thành nay là gạch Giang Tây quân của Cao Biền. Dưới Hoàng thành không hề phát hiện được các dấu vết kiến trúc thời Lục triều hay đầu thời Đường (khi chưa có chế độ Tiết độ sứ quân).
Chua Khai Nguyen
Chùa Khai Nguyên.
Việt điện u linh ở trên chép khu vực Lư Ngư lập quán nằm “giữa 2 huyện Long Đỗ và Từ Liêm“. Từ Liêm đọc thiết là Chiêm – Chăm, chỉ người Chiêm thì đã rõ. Long Đỗ là khu vực ở phía Đông Nam, gắn với sự tích của thần Bạch Mã – Sĩ Nhiếp.
Từ Cao Biền hồ Tây không gắn với con Cáo chín đuôi nữa (vì người Hồ – Nam Chiếu đã bị Cao Biền đánh bại, xây thành mới), mà gắn với truyền thuyết con Trâu Vàng. Truyện này được đánh dấu trong sự tích Truyện con trâu vàng ở huyện Tiên Du trong Lĩnh Nam chích quái. Con Kim Ngưu chạy từ núi Phật Tích ở Tiên Du Bắc Ninh về đã thành vị thần bảo hộ của hồ Tây từ thời Cao Biền. Cũng Cao Biền đã lấy thần Long Đỗ – Bạch Mã làm thành hoàng cho kinh thành này, đánh dấu việc dời vị trí từ bên Từ Liêm – Chiêm sang Long Đỗ ở phía Nam, từ sông Già La (Thiên Phù) sang sông Tô Lịch.
Kim Ngưu thiết Cừu, chính là con Cừu đá ở chùa Dâu hay con Bò thần Nandin trong đạo Bà la môn. Tiên Du Phật Tích là nơi tu hành của Khâu Đà La trong sự tích Man Nương – Sĩ Nhiếp, đánh dấu một vùng ảnh hưởng phía Đông của thần Long Đỗ – Bạch Mã tới vùng hồ Tây – Thăng Long.
Tây Hồ được hình thành khoảng thời Lục Triều, gắn với người Chiêm Hồ ở phía Tây, được truyền thuyết hóa thành con cáo Cửu vĩ Hồ. Cửu vĩ Hồ bị diệt dưới thời Đường Khai Nguyên. Nhà Đường dùng Huyền Thiên, vị thần của Đạo Giáo để trấn giữ vùng này. Thành Tống Bình được xây dựng tại vùng Tây Bắc hồ Tây. Đến thời Cao Biền dẹp Nam Chiếu đã xây thành mới ở vùng Đông Nam bên sông Tô Lịch, lấy hình ảnh Kim ngưu làm biểu tượng mới cho hồ Tây. Vùng hang Cáo xưa bị quên lãng như chính lịch sử Việt Nam vậy.
Cuu vi ho
Vòng đỏ là khu vực phát hiện các mộ cổ thời Lục Triều đến Tùy Đường.
Câu đối ở chùa Khai Nguyên:
前挹龍城稱勝景
後環牛渚引文闌
Tiền ấp Long thành xưng thắng cảnh
Hậu hoàn Ngưu chử dẫn văn lan.

Dịch:
Ấp trước thành Rồng gọi cảnh đẹp
Vòng sau Trâu bãi dẫn đường văn.

Triều đại Phùng Hưng qua di tích và lễ hội làng Triều Khúc

IMG_3530

Hội xuân năm nay 2019, làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đón nhận bằng văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho lễ hội của làng. Đây là lễ hội kỷ niệm ngày tức vị thành hoàng làng là Bố Cái đại vương Phùng Hưng. Hội làng Triều Khúc đặc biệt được nhiều người quan tâm bởi lễ hội có điệu múa “Con đĩ đánh bồng”, trong đó các thanh niên trai làng ăn mặc trang phục sặc sỡ, đầu quấn khăn đỏ, mặc áo trắng, vai và hông đeo tua năm sắc, nhảy múa từng cặp khi rước kiệu thánh và tế lễ tại đình.
Câu hỏi thường xuất hiện ở người xem hội là tại sao trai lại đóng giả gái và ăn mặc như vậy? Nguồn gốc của điệu múa tương truyền có từ thời Phùng Hưng khởi nghĩa, nhưng ý nghĩa của nó thì ít người hiểu đúng.
Không khó nhận ra, các tua năm màu mà các trai làng trang sức là hình ảnh lông chim phượng hoàng ngũ sắc, hình ảnh gặp khá nhiều trên các chạm khắc tiên múa trong các đình làng. 2 tầng tua ở vai và hông thể hiện cánh và đuôi của chim phượng. Khăn đội đầu màu đỏ là mào phượng.

IMG_3504
Điệu múa Con đĩ đánh bồng tại sân đình Triều Khúc trong lễ tế.

Hình ảnh người chim đánh trống bồng và nhảy múa từng được so sánh với hình tượng Nhạc công thiên thần Gandharva trong Hindu giáo. Hình tượng này gặp trong các hiện vật thời Lý Trần, mà thường bị gọi thành là người hình chim Khẩn Na La (Kinari). Có nhiều nhận định cho rằng hình tượng này vốn là từ văn hóa Chăm ở phía Nam ảnh hưởng ra ngoài Bắc. Liệu có phải đội quân của Phùng Hưng chính là quân đội người Chăm phương Nam đã tiến ra Bắc đánh thành Tống Bình thời Đường?
Liên hệ giữa nghĩa quân của Phùng Hưng với hình tượng chim Phượng còn thấy trong các câu đối lưu giữ tại đình Triều Khúc. Câu đối ở chính điện tại đình:
武徳滅唐朱鳥天猶橫劍氣
神權破漢白藤海尚沸濤聲
Vũ đức diệt Đường, Chu Điểu thiên do hoành kiếm khí
Thần quyền phá Hán, Bạch Đằng hải thướng phí đào thanh.

Dịch:
Đức võ diệt Đường, hơi kiếm mãi lan trời Chu Tước
Quyền thần phá Hán, tiếng sóng sục sôi cửa Bạch Đằng.

Chu Điểu hay Chu Tước là một trong bốn con vật linh của Tứ linh chỉ phương hướng. Chu Điểu thiên là trời phương Nam.
Câu đối ở 2 cột trụ 2 bên đầu hồi đình Triều Khúc:
帝大羅一統山河衮冕承天傳鳳曆
神南越萬民父母衣冠終古拜龍宫
Đế Đại La nhất thống sơn hà, cổn miện thừa thiên truyền phượng lịch
Thần Nam Việt vạn dân phụ mẫu, y quan chung cổ bái long cung.
Dịch:
Vua Đại La thống nhất núi sông, xiêm miện theo trời truyền lịch phượng
Thần Nam Việt muôn dân cha mẹ, áo mũ xưa nay bái cung rồng.

Trong câu đối này triều đại của Phùng Hưng được ghi là “truyền phượng lịch”, hay triều đại lấy chim Phượng làm biểu tượng. Rất có thể chữ Phượng hay đọc là Phụng cũng chỉ họ Phùng. Ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh phất cờ khởi nghĩa được tái hiện bằng hình ảnh những con chim Phụng bay nhẩy trong điệu múa Con đĩ đánh bồng của hội làng Triều Khúc.

IMG_2277.JPG
Chim Phượng trên vì mái đình Triều Khúc.

Đình Triều Khúc theo sự tích là do Phùng An, con của Phùng Hưng lập ra trên gò Lĩnh Hán, là đại bản doanh của Phùng Hưng khi tiến đánh thành Tống Bình. Ban đầu nơi này có tên là Đại Cổ miếu. Vấn đề là tại sao miếu mới lập lại gọi là “Cổ”?
Chữ “Cổ” ở đây thực ra phải là chữ Cả, chỉ thủ lĩnh. Chính xác là Đại Cả miếu, tức là miếu thờ vị vua lớn ban đầu. Chữ Đại Cả này tương đương với từ Bố Cái hay Đại Vương trong tên tôn xưng của Phùng Hưng.
Như trong vế đầu của câu đối trên, Phùng Hưng còn được gọi là “Đế Đại La”. Trong số các hoành phi câu đối còn lưu được khá nhiều ở đình Triều Khúc thì có ít nhất 10 câu nói tới từ Đại La này với nghĩa chỉ Phùng Hưng. Ngay ngoài cột nghi môn, có đôi câu đối:
天瑞應同胞三聖文交海武大羅羽翌丹心扶震日
帝業成中國一家東珥河西傘岳鬱蔥此氣繞乾坤
Thiên thụy ứng đồng bào tam thánh, văn Giao Hải vũ Đại La, vũ dực đan tâm phù chấn nhật
Đế nghiệp thành trung quốc nhất gia, Đông Nhị hà Tây Tản nhạc, úc thông thử khí nhiễu kiền khôn.
Dịch:
Điềm trời ứng cùng bọc ba thánh, văn Giao Hải, võ Đại La, vùng vẫy lòng son giúp ngày đế
Nghiệp vua thành trong nước một nhà, Đông sông Nhị, Tây núi Tản, tốt xanh khí đó quấn đất trời.

Vế đầu câu đối cho biết anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, kẻ văn người võ vẫy vùng lập nên đế thống. Ở đây từ “Chấn nhật” là lấy câu trong Kinh Dịch của quẻ Chấn: Đế xuất hồ Chấn.

IMG_1817.JPG
Nhà tiền tế đình Triều Khúc với hoành phi La Thiên Hiển Thánh.

Như thế, trong câu đối này Phùng Hưng có võ công hiển hách và có tên là Đại La. Hoành phi ở nhà tiền tế của đình Triều Khúc chính giữa đề La Thiên hiển thánh. Còn bên trong nội điện nơi đặt tượng Phùng Hưng có câu đối ngắn:
帝越泰磐龍肚鼎
羅天星宿漢山宫
Đế Việt thái bàn Long Đỗ đỉnh
La Thiên tinh túc Hán Sơn cung.
Dịch:
Vững nền vua Việt đỉnh Long Đỗ
Sao giữ trời La cung Hán Sơn.
Long Đỗ đỉnh chỉ việc Phùng Hưng dựng nghiệp ở đất Long Đỗ – Thăng Long. Còn Hán Sơn chỉ gò Lĩnh Hán, đại bản doanh của ngài khi đánh thành Tống Bình, nay là Triều Khúc.

IMG_2375
Nội cung đình Triều Khúc.

Tới đây ta có một phát hiện bất ngờ. Đại La hay La Thiên là danh xưng chỉ tên nước hay tên triều đại của Phùng Hưng. Đất nước do Phùng Hưng khởi dựng có tên là nước La, gọi tôn xưng là Đại La, tương tự như các tên gọi Đại Việt, Đại Đường, … Như thế thì khả năng rất cao, tên La thành của Hà Nội chính là chỉ tên triều đại của Phùng Hưng và có từ lúc này. Trước đó, khu vực này đang là thành Tống Bình. Chỉ sau khởi nghĩa của Phùng Hưng thì mới thấy xuất hiện tên thành Đại La.
Quan trọng hơn, chữ La nghĩa là chỉ phương lửa, phương nóng hay phương Xích đạo, phương Nam ngày nay. Cái “la bàn” với cây kim La Kinh có 2 đầu chỉ 2 hướng La và Kinh hay Nam và Bắc.
Xưa còn có câu ca dao:

Ai ơi chớ lấy kẻ La
Cái tương thì khú, cái cà thì thâm.

Kẻ La chỉ người phương Nam, tức là người Chăm thời đó. Khởi nghĩa Phùng Hưng thực chất bắt đầu từ đất Chăm ở phía Nam nhà Đường, gọi thành Nam Đường, rồi ra Đường Lâm. Đất Đường Lâm của Phùng Hưng là Nam Đàng hay Nam Đàn ở Nghệ An. Sử còn ghi địa danh là Phúc Thọ. Từ đây, vị quan lang phụ mẫu người Chăm theo đạo Hindu đã dấy binh, đánh ra Bắc dẹp nhà Đường, lập nên nước Đại La, tức quốc gia phương Nam. Hoa sử gọi nước này là Nam Chiếu.
Nước đã đánh bại nhà Đường ở phương Nam đầu thời Đường thì chỉ có nước Nam Chiếu, mà thành phần sắc tộc chính là người Thái Mường, xưa gọi là người “Chăm” hay “Chiêm”, cũng là Chim, chỉ người phương Nam (Chu Điểu như trong câu đối đầu đã dẫn).
Theo ghi chép của Hoa sử, nước Nam Chiếu ban đầu do Bì La Các thành lập, rồi truyền cho con là Các La Phượng. Phân tích tên những vị vua đầu của Nam Chiếu cho thấy liên hệ trực tiếp tương ứng với khởi nghĩa của Phùng Hưng.

  • Bì La Các: chữ La như đã biết, chỉ triều đại của Phùng Hưng. Bì Các tương đương với Bố Cái, chỉ vị thủ lĩnh đầu tiên, người khai mở triều đại.
  • Các La Phượng: chữ La như trên, là tên triều đại – Đại La. Các hay Cái là từ chỉ thủ lĩnh. Chữ Phượng chính là hình ảnh con chim Phượng hay Phụng, chỉ họ Phùng. Các La Phượng như thế tương ứng với Phùng An, người con đã nối nghiệp Phùng Hưng.

Nước Nam Chiếu theo sử sách có danh xưng là Đại Lễ. Dễ thấy Đại Lễ tương đương với tên gọi Đại La đã được khám phá là tên gọi triều đại của Phùng Hưng lập ra.
Câu đối khác trong đình Triều Khúc nói tới tên Đại La:
福壽帝開基九道歲星當越炤
大羅神翊運五洲雨雪到南晴
Phúc Thọ đế khai cơ, cửu đạo tuế tinh đương Việt chiếu
Đại La thần dực vận, ngũ châu vũ tuyết đáo Nam tình.
Dịch:
Phúc Thọ vua mở nền, chín đạo tháng năm giữ sáng Việt
Đại La thần bốc vận, năm châu mưa tuyết đến trời Nam.

Núi Nhồi xứ Thanh và Mạnh Hoạch

Núi Nhồi, ngọn núi đá nổi tiếng ở thành phố Thanh Hóa có tên chữ là An Hoạch. An Hoạch liệu có phải là nơi đánh dấu chiến công thu phục Mạnh Hoạch không?

img_2443
Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi An Hoạch.

Mạnh Hoạch thực ra là Mường Hoàng, chỉ thủ lĩnh người Thái Mường ở phía Tây và Bắc Trung Bộ nước ta. Vì thế trong lịch sử không phải chỉ có 1 vị Mạnh Hoạch. Xét ở khu vực núi Nhồi và Thanh Hóa có thể có khả năng liên quan tới 3 vị thủ lĩnh xứ Mường Mạnh Hoạch sau:
1. Mạnh Hoạch đầu tiên là thời Tam Quốc, do Gia Cát Khổng Minh thu phục. Dấu vết ở khu vực núi Nhồi là chùa Hinh Sơn nơi có tạc tượng Lưu Bị, Quan Công và Khổng Minh vào vách đá để thờ cúng.

quan cong
Tượng Quan Công khắc trên vách đá ở chùa Hinh Sơn (ảnh internet).

Nên biết là Mạnh Hoạch vào thời này là thủ lĩnh khu vực Tây Bắc Việt và Bắc Trung Bộ mà Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái chép là nước Nam Triệu, chiếm cứ một dải từ Thần Phù đến Hoành Sơn:
Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.
2. Mạnh Hoạch khác là ở thời Đường, tức nước Nam Chiếu. Người đánh dẹp Nam Chiếu ở Thanh Hóa chính là Cao Vương Biền, di tích thờ còn lại là đền Cao Sơn trên núi An Hoạch.

img_2354
Đền Cao Sơn ở chân núi Nhồi.

Thủ lĩnh người Thái Mường dưới thời Đường là họ Phùng từ Phùng Hưng. Bản thân tên Bố Cái cũng là từ chỉ thủ lĩnh của người Thái Mường, nên Bố Cái có nghĩa tương đương với Mạnh Hoạch.
tư liệu cho biết vùng núi này có nhóm dân cư khá đông mang họ Lôi, tức là từ chữ Lồi chỉ người Chăm. Lồi thực ra không phải chỉ chỉ người Chăm mà là chỉ người Nam Chiếu.

img_2352
Tượng phỗng ở sân đền Cao Sơn bên chân núi Nhồi.

3. Mạnh Hoạch khác là thủ lĩnh người Thái Mường đã được Thái úy Lý Thường Kiệt thu phục như văn bia chùa Báo Ân ở chân núi Nhồi ghi lại. Thông tin từ wikipedia về Lý Thường Kiệt cho biết:
Năm 1061, người Mường ở biên giới quấy rối. Lý Thánh Tông sai ông làm Kinh phỏng sứ vào thanh tra vùng Thanh Hóa, Nghệ An, được toàn quyền hành sự. Ông phủ dụ dân chúng, lấy được lòng người. Tất cả năm châu 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục.
Đây chính là kể về sự kiện mà Thái úy Lý Thường Kiệt đã lập tuyên thệ được ghi trên bia An Hoạch sơn Báo Ân Tự bi:
Quyết hậu nãi thệ vu sư, Bắc chinh lân quốc; Tây thảo bất đình. Thiện thất túng thất cầm chi thắng địch.
Dịch: Rồi đó ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lại chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả.

img_2373Tượng thần khắc trên vách núi ở đền Cao Sơn.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa đông (năm 1103) người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản. Giác trước học thuật lạ có thể biến cây cỏ thành người, bèn chiêu tập những kẻ vô lại chiếm giữ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai bọn Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên.
Lý Thường Kiệt được phong thái ấp ở Thanh Hóa chính là gắn liền với sự dẹp loạn người Mường ở phía Tây. Mà thủ lĩnh người Thái Mường ở phía Tây được gọi là Mạnh Hoạch hay Mường Hoàng.

 

Người đầu tiên xây thành nhà Hồ ở Thanh Hóa

Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nằm giữa 2 dòng sông Mã và sông Bưởi, là di tích đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ thì hiển nhiên do nhà Hồ (Hồ Quý Ly) xây dựng. Nhưng nơi đây đã từng là hành cung hay một trị sở quan trọng của các triều đại từ trước đó. Ai là người thật sự đầu tiên đặt gạch nền móng để xây dựng thành tại khu vực này?

Dinh Phu LuuGian tiền tế đình Phù Lưu (Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Xung quanh khu vực thành nhà Hồ có nhiều nơi thờ vị thần tên là Cao Sơn đại vương. Như ở phía cổng Tây của thành nhà Hồ có đình Phù Lưu và đền Cao Sơn tại xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc). Còn ở phía Đông thành có phế tích đền Còng tại xã Vĩnh Hưng, cũng là nơi thờ Cao Sơn đại vương.
Cao Sơn là một vị thần được thờ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê trong sách Thanh Hóa chư thần lục do bộ lễ triều Nguyễn soạn vào năm Thành Thái thứ 15 cho biết ở Thanh Hóa có tới trên 400 làng nơi thờ Cao Sơn làm thành hoàng trải dài ở hầu hết các huyện của tỉnh Thanh. Hiện nay ngay ở thành phố Thanh Hóa còn có một con đường lớn mang tên Cao Sơn.
Vậy Cao Sơn là ai, có công nghiệp như thế nào đối với xứ Thanh mà được tôn thờ rộng rãi như vậy?
Theo sách Thanh Hóa chư thần lục thì: Bản ngọc phả làng Yên Tôn Thượng ghi cụ thể về xuất thân vị thần tên huý là Hiển, ông đỗ tiến sỹ vào thời Tấn (thế kỷ 10), khi đó nước Việt ta bị phong kiến phương Bắc cai trị, tiến sỹ Hiển được điều sang cai quản vùng đất thuộc Thanh – Nghệ này nay. Khi qua núi An Tôn, nhận thấy vùng đất này là thắng địa, ông cho xây dựng ở chân núi một số công trình để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Viên quan cai trị đã lập công to trong lần đi chinh chiến ở đất Đông Di. Ông mất năm 103 tuổi, tại núi Đại Liễn. Trang Bảo Thánh huyện Đông Thành, Nghệ An, Cao Hiển vốn là viên quan có học vấn cao, lại có lòng thương dân, nên ông được dân tôn vinh. Nhân dân vùng đất An Tôn thờ Ông, coi Ông như một vị thành hoàng bảo hộ cho dân làng. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều có sắc phong thần cho Ông thuộc hạng Thượng đẳng tối linh với nhiều mỹ tự ca ngợi.

Bia An TônTấm bia An Tôn… năm Thành Thái thứ nhất đặt ở sân đình Phù Lưu.

Thần tích này cho biết Cao Sơn có tên là Cao Hiển, người Trung Quốc sang nước ta dẹp giặc Đông Di và đã cho xây dựng một số công trình ở vùng núi xứ Thanh.
Chỗ khác, như ở đền Còng (Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc) thì chép thần Cao Sơn ở vào thời Lý: vào khoảng năm Khánh Lịch (1041-1048) ông làm quan tới chức Thừa tướng kiêm trấn thủ các xứ Nghệ An, Thanh Hóa… Bỗng năm đó có giặc Đông Di (Cao Ly Triều Tiên ngày nay) nổi lên xâm chiếm đất đó, quấy nhiễu cướp đoạt dân cư. Nhà vua bèn sai ông ra quân dẹp giặc…
Thật không biết vị thần Cao Sơn này chính xác sống vào thời nào. Chỗ thì bảo là đời Tấn (thế kỷ thứ 10), chỗ lại là thời Lý nhưng dùng niên hiệu Khánh Lịch của nhà Tống. Thậm chí ông này còn đánh giặc Đông Di ở tận Triều Tiên??? Quãng thời gian thế kỷ 10 – 11 thì nước ta đã độc lập rồi, lấy đâu ra vị quan đô hộ nào của phương Bắc cai quản ở đất Thanh Hóa nữa?
Vị tiến sĩ tài ba cai quản đất Thanh Nghệ mang tên Cao Hiển Văn Trường này thực ra là Tiết độ sứ của nhà Đường Cao Biền. Tướng Cao Biền có công đánh dẹp quân Nam Chiếu, truyền tích gọi là giặc Đông Di, ở vùng Thanh Nghệ, chứ chẳng phải ở tận Cao Ly Triều Tiên. Nam Chiếu là quốc gia xuất phát từ Bắc Trung Bộ Việt (không phải từ Vân Nam như sử Tàu vẫn chép) chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Việt, làm nhà Đường lao đao, phải cử Cao Biền làm tướng đánh dẹp. Việc Cao Biền tiến xuống phía Nam, đánh vào sào huyệt của Nam Chiếu ở Nghệ An đã từng được bàn trong bài trước về thần Cao Sơn Cao Các. Thanh Hóa là nơi Cao Biền cho xây hành cung, là một vị trí chiến lược trong yếu trong việc trấn giữ quân Nam Chiếu thời kỳ này.
Sự xuất hiện của Cao Biền và hành cung tại Vĩnh Lộc thời Đường được khẳng định bởi những khai quật khảo cổ thành nhà Hồ. Tại di tích này đã phát hiện nhiều viên gạch mang dòng chữ Giang Tây quânGiang Tây chuyên. Giang Tây là từ tương đương với tên gọi Tĩnh Hải mà Cao Biền là vị Tiết độ sứ đầu tiên của Tĩnh Hải quân. Gạch Giang Tây quân là loại gạch của Tĩnh Hải sứ quân Cao Biền.

Giang Tay quanGạch Giang Tây quân tìm thấy ở thành nhà Hồ
(nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Cũng tại di tích thành nhà Hồ còn tìm thấy các viên gạch mang chữ Đại Việt quốc, nhưng lại không hoàn toàn giống như gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên dùng trong xây thành Hoa Lư và Thăng Long. Viên gạch ở thành nhà Hồ mang các chữ còn lại đọc được là Đại Việt quốc Nam bình 大越国南平. Gạch Đại Việt là loại gạch dùng xây thành dưới thời nước Đại Việt do Lưu Cung lập nên, chứ không phải thời Lý vì mãi tới năm 1054 vua Lý thứ 3 là Lý Thánh Tông mới đặt tên nước là Đại Việt và dùng gạch với niên hiệu Long Thụy Thái Bình.

Gach Dai Viet quocGạch Đại Việt quốc Nam bìnhtìm thấy ở thành nhà Hồ
(Nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Hai lớp gạch Giang Tây quânĐại Việt quốc ở thành nhà Hồ như vậy tương đồng với các lớp gạch xây thành tại Hoa Lư. Đây là bằng chứng xác thực về một trị sở quan trọng liên tục từ thời Đường tới thời Đinh Lê tại địa bàn Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Các hiện vật thời Lý Trần cũng được phát hiện và trưng bày tại thành nhà Hồ như lá đề có hình rồng, phượng, gạch lát nền hoa dây, hình đầu thú đất nung,… Có thể thấy rõ đây là một trung tâm chính trị tồn tại liên tục bắt đầu từ khi Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng vào thời Đường cho tới khi nhà Hồ chuyển kinh đô của cả nước về An Tôn và xây thành đá. Việc loại bỏ không trưng bày hay không tính tới các lớp di vật của thời Đường, thời Đinh Lê tìm thấy trong di tích làm hạn chế giá trị của di tích này và làm khuất lấp sự thực lịch sử về vai trò của các triều đại trước thời Trần Hồ khi xây dựng khu vực thành ở Vĩnh Lộc.

La de lechLá đề lệch hình rồng trưng bày ở khu thành nhà Hồ.

Sự hiện diện của Tiết độ sứ Cao Biền và hành cung thời Đường ở Vĩnh Lộc còn được ghi nhận trong một sự tích khác. Đình Hồ Nam tại xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) cũng như nhiều ngôi đình, nghè ở khu vực xung quanh thành nhà Hồ hiện đang thờ vị thần là Quản Gia Đô Bác. Sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo chép về vị thần này như sau:
Buổi đầu, ngài giữ chức Quan Lang Thổ Tù ở đất Thiên Vực họ Trịnh, tên La (Ngọc phả ghi là Ra), là người thông minh mẫn tiệp, trung tín, truyền mãi danh thơm. Nhà ở xứ Long Xá, đời thế làm tù trưởng, có 3 anh em, 2 trai, 1 gái, trai trưởng là ngài, thứ là Tú, gái út tên là Thị Ba. Cả ba anh em dung mạo đẹp đẽ, dáng dấp khỏe mạnh, đĩnh đạc.
Vào thời gian vua Đường Ý Tông niên hiệu Hàm Thông bên Bắc Quốc (Trung Quốc), vua xuất trị thiên hạ sai Cao Biền giữ chức Đô Hộ sứ trấn giữ nước Nam. Khi đặt chân tới Nam Bang, Cao Biền mệnh xưng là Cao Vương đi kinh lý quan sát địa hình núi sông. Qua đất nhà Trịnh ở huyện Vĩnh Ninh, Cao Biền ngang qua nhà ông. Biền biết ông là người trung thực, bình định xong được Nam Chiếu, Cao Biền cho ông theo cùng về thành Đông Quan. Ông không quản mệt nhọc, một lòng theo hầu, chuyên tâm vào việc. Cao Biền cho ông là người hiền lành, tài đức, chịu khó nên rất mực yêu thương, bèn giao cho ông năm quyền quản lý kho của phủ và việc nhà. Ông làm việc chăm chỉ nên lại lập được nhiều công lớn. Cao Vương rất mực yêu mến tài của ông, ban cho Thạch Khố sứ quan, kiêm Quản Tri quan trung Nội Ngoại chư khố.
Ông lại cáo từ về quê. Cao Vương quý ông trung thành ban cho ông 500 quan tiền, vì thế mà trở thành người giàu có. Ông lại có tính thương xót kẻ nghèo khó, mọi người trong huyện ai nấy đều được ông ban phát.
Trước kia tổ phụ họ Trịnh có hiềm khích với người làng Vĩnh Thanh, có oán thù về đời thế từ lâu mà chưa phân giải được, người đó tên là Hà Lang… Khi thuyền gần tới phía bờ cát, ba anh em đang ngồi trên thuyền nhìn nhau, Hà Lang từ trong bờ đột nhiên xông ra phục kích, cả ba anh em đều bị hại… Xác trôi quanh quẩn ở đó 5 ngày, người nhà biết được báo tin cho Cao Vương. Cao Vương nhớ đến công lao, bèn cho an táng ở đỉnh núi Nhật Chiêu, sai người đắp thành mộ, lập đền thờ trên đó, lệnh cho nhân dân thờ phụng… Cao Biền phong cho ngài là Đương Giang Quản Gia Thần Vương…

Dinh Ho NamĐình Hồ Nam (Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Cuối triều nhà Trần, khi họ Hồ tiếm ngôi vua đế, dời kinh đô từ về Tây Đô. Một đêm, mộng thấy một người khách lạ, mình mặc áo lụa mỏng, đầu đội bình đính, lưng thắt đai đen, đứng bái trước mặt tự xưng: Thần là Trịnh La, nối đời làm Tù trưởng, xin Cao Vương phong làm Thần vương, giúp dân quanh vùng được hưởng phụng thờ bảo vệ dân trong một vùng. Nay thiên hạ thái bình, nguyện xin đại vương bày rõ uy đức, chớ đem tai ương đến cho dân sinh. Nói xong không thấy đâu nữa.
Vua Hồ tỉnh dậy, mới biết là mình nằm mộng, liền chiêu gọi các phụ lão hỏi rõ đầu đuôi. Vua Hồ biết được quả rất anh linh, có ý giúp lập cơ vận nhà Hồ, bèn ban lệnh cho sửa chữa đền thờ, gia phong cho thần là Đương Giang Quản Gia Đô Bác Đại Vương.
Từ sự tích trên ta có bằng chứng rõ ràng về hiện diện của Cao Vương Biền tại đất Vĩnh Lộc. Hơn thế, khi đó tù trưởng hay thủ lĩnh địa phương tại đây là người họ Trịnh, đã theo Cao Biền làm quản gia. Có thể suy luận, người đã giúp Cao Biền xây hành cung tại Vĩnh Lộc chính là vị Quản Tri quan trung nội ngoại chư khố Trịnh La. Đó cũng là lý do tại sao sau đó khi vua Hồ dời đô về An Tôn đã gặp vị “thành hoàng” họ Trịnh này hiển mộng phù trợ.

2018-04-19Sơ đồ các điểm di tích trong khu vực thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc
(ảnh theo Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ).

Điểm đáng lưu ý khác là như thần tích cho biết họ Trịnh ở đất Vĩnh Lộc đã đời thế làm tù trưởng, từ thời Đường. Sau đó đến thời Lê vùng đất này lại có danh tướng là Trịnh Khả, công thần lập quốc của nhà Lê, cùng tham gia khởi nghĩa với Lê Lợi. Trịnh Khả có cha là Tổng chính (chánh tổng) của vùng Vĩnh Ninh. Tổ tiên trước làm quan triều Trần, có công bình dẹp giặc Nguyên. Như vậy, họ Trịnh trên vùng đất Vĩnh Lộc là thủ lĩnh của khu vực này suốt từ thời Đường tới thời Lê sơ. Sang thời Lê trung hưng lại nổi lên chúa Trịnh, cũng quê ở Vĩnh Lộc, là người nắm quyền điều hành quốc gia trong một thời gian dài.
Như thế rất có thể cội nguồn của các chúa Trịnh, tướng quân Trịnh Khả thời Lê đều bắt đầu từ vị Trịnh La, người xây thành đầu tiên tại đất Vĩnh Lộc dưới thời Cao Vương Biền. Đồng thời, hơn 400 nơi thờ thần Cao Sơn ở Thanh Hóa cũng chính là nơi thờ Cao Biền, vị Tiết độ sứ quân đầu tiên của đất Tĩnh Hải, người xây thành Đại La, Hoa Lư và thành ở Vĩnh Lộc.

Nam Triệu Trưng Vương

Khởi nghĩa Trưng Vương là một cuộc khởi nghĩa độc đáo, có tầm vóc to lớn trong lịch sử nước ta. Lễ hội đền Hát Môn, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa, đã được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các bài viết, khảo cứu về Trưng Vương đã có nhiều, lại một lần nữa được tập hợp trong cuốn sách Đền Hát Môn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vừa xuất bản 2017.
Tuy nhiên, những câu hỏi tồn nghi về khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong các tài liệu này vẫn chưa được làm rõ một cách thỏa đáng. Ngoài việc cho rằng ông Thi Sách tên là Thi chứ không phải Sách thì có lẽ không có thông tin khám phá gì nhiều trong những tài liệu này.

IMG_3360Tế lễ hội đền Hát Môn.

Dưới đây, xin nêu một số điều đáng chú ý rút ra từ các tư liệu dân gian về khởi nghĩa Trưng Vương ở khu vực Hát Môn.
Thần tích về tướng Hoàng Thông thời Hai Bà Trưng ở đình Yên Dục, xã Hiệp Thuận, Quốc Oai, Hà Nội kể:
Xưa vua Hùng Vương truyền mười tám đời, phương Nam mở nước, non sông ứng vận sao Dực sao Chẩn, đất Bắc mới phong, phân thuộc về sao Đẩu sao Ngưu. Sau vua Thục An Dương Vương làm vua được năm mươi năm thì họ Triệu lấy mất. Đến thời thuộc về nhà Hán ở trang Kiều Lộc, có một nhà họ Hoàng tên là Sáng, vợ là Phùng Thị Tam.
Ông bà lành hiền nhân đức, sớm nào cũng thắp hương thờ trời, trước làm sao sau làm vậy. Năm Nguyên Phong nhà Hán thứ năm nhằm hôm mười hai tháng mười bà Phùng thị nằm mộng thấy đỏ rực trong nhà…
Được hơn một năm,… Ngài sinh ra hình dáng mặt mũi như hoa, da như mỡ. Đến khi lớn tài kiêm văn võ, tài giỏi hơn cả người mới đặt tên là Thông. Bấy giờ có tên Tô Định, người nhà Hán sang làm quan Thái thú, giết oan ông Thi Sách, thuế dịch nặng nề, dân không chịu được, kẻ hào kiệt khắp nước nổi lên.
Bấy giờ bà Trưng Trắc giận tên Tô Định giết chồng, bà ấy chiêu tập quân lính thu dụng hào kiệt để đuổi đánh tên Tô Định. Ngài ở trang Kiều Lộc cùng khởi quân hiệp cùng các xứ đi theo bà Trưng Trắc lấy lại các phủ huyện. Tên Tô Định chay thoát. Ngài đuổi đến trang Trảo Oa thì giết được.
Tướng Hoàng Thông ở Hiệp Thuận (gần Hát Môn) như vậy sinh vào năm Nguyên Phong thứ sáu. Nguyên Phong là niên hiệu của Hiếu Vũ Đế nhà Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ sáu là năm 105 TCN. Vậy mà Hoàng Thông lại theo Hai Bà Trưng, đánh đuổi, thậm chí còn là người đã giết được Tô Định. Nếu theo sử sách ngày nay, khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra ở Hát Môn năm 40 sau Công nguyên. Tính từ năm Nguyên Phong thứ sáu tới lúc này thì Hoàng Thông đã là 145 tuổi. Thần tích nhầm hay… sử gia nhầm?
Câu đối ở đình Yên Dục (dẫn theo sách Đền Hát Môn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt):
Mộng Hiệp nhất đóa vân, Sài Lĩnh chung anh đĩnh sinh hiển hách
Uy soái tam thôn sĩ, Lộc Thành ứng nghĩa thu phục sơn hà.
Dịch nghĩa:
Một đám mây lành đất Mộng Hiệp, núi Sài linh thiêng sinh ra bậc hiển hách
Uy linh thống soái ba thôn, quân sĩ thành Lộc ứng nghĩa thu phục non sông.
Thông tin về năm sinh của vị tướng đã giết Tô Định ở vùng sông Hát núi Sài vào năm Nguyên Phong nhà Tây Hán cho thấy khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tại Hát Môn không phải xảy ra vào thời Đông Hán. Hai Bà Trưng khởi nghĩa thực chất nổ ra ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt ở Phiên Ngung bị diệt vào thời Tây Hán.
Thần tích đền Hát Môn thì chép:
Trưng Vương thu được hơn 60 thành, giành lại đất Nam, dẹp yên giặc Tô Định. Nước Nam thống nhất, bách quan nghênh giá đón Trưng Vương vào thành Chu Diên, lên ngôi tự xưng là Trưng Vương, phong cho Nhị Nương là Phó vương, được tự do ra vào cung cấm, tham dự triều chính. Vua họ Trưng đóng đô ở Mê Linh, đặt quốc hiệu là Triệu.
Thần tích đền Hát Môn như thế cho biết quốc hiệu nước của Trưng Vương là Triệu. Đối chiếu với Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái:
“Người Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế”. Khi Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt thì “Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.
So sánh 2 thông tin này thì thấy rõ nước Triệu (Nam Triệu) của Trưng Vương chính là xuất phát từ nước Nam Việt của Triệu Vũ Đế. Điều này một lần nữa xác định thêm nhận định rằng khởi nghĩa của Trưng Vương phải nổ ra vào thời Tây Hán. Trưng Vương là hậu quân của nhà Triệu Nam Việt đã rút về Phong Châu chống lại nhà Tây Hán.

IMG_3516Lễ rước của các làng trong hội đền Hát Môn.

Câu đối khác của đình Yên Dục:
Hiển thánh tích trưng Sài lĩnh mộng
Phù vương tâm bạch Hát giang ba.
Dịch nghĩa:
Di tích thờ bậc hiển thánh rạng rỡ núi Sài
Lòng sáng phò vua trào dâng nơi sông Hát.
Các câu đối ở đình Yên Dục đều nói tới mối liên quan giữa tướng Hoàng Thông với núi Sài và sông Hát. Sông Hát là nơi Trưng Vương khởi nghĩa, liên hệ với tướng Hoàng Thông thì dễ hiểu. Nhưng còn Sài Sơn ở Quốc Oai thì liên quan gì đến vị tướng này và tới khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
Để lý giải điều này thì cần biết Sài Sơn là di tích gắn với thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia. Tương truyền là nghĩa quân Lữ Gia đã tử tiết ở núi Sài. Như vậy hậu quân của nhà Triệu Nam Việt chính là nghĩa quân của Lữ Gia đã rút từ Phiên Ngung về Phong Châu.
Theo thần tích của thôn Nại Xá, nơi từng có đền thờ Thi Sách, thì Trưng Vương có tên thời con gái là Ả Lã. Ả Lã nghĩa là con gái họ Lã. Trưng Vương là con gái của thừa tướng Lữ Gia. Ông Thi Sách, chồng của Trưng Vương, như thế không ai khác chính là vị vua Triệu cuối cùng của nước Nam Việt là Triệu Kiến Đức, người đã bị quân Tây Hán truy sát ở cuối sông Hát.
Mối thù không đội trời chung giữa họ Lữ – nhà Triệu với Tây Hán đã làm nên cuộc khởi nghĩa Trưng Vương và sự chống đối bền bỉ sau này của Nam Triệu – Nam Chiếu ở vùng Phong Châu – Tây Bắc Việt. Mối thâm thù này được ghi lại qua các câu đôi ở các di tích như câu đối do Cao Bá Quát đề ở cột trụ cổng đền Hát Môn:
縱不金刀天再造
未應銅柱地分疆
Túng bất kim đao thiên tái tạo
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.
Câu đối này thường bị hiểu sai do Cao Bá Quát đã dùng phép chiết tự ở đây. Trong vế đối thứ nhất cụm từ “kim đao” 金刀 là chỉ chữ Lưu 劉, họ của các vua Hán. Câu đối này có thể được dịch như sau:
Mặc không Lưu Hán trời riêng tạo
Chẳng nhận cột đồng đất rạch biên.

img_8025-2.jpg
Ngoại đình đền Hát Môn.

Tương tự, câu đối tại đền Đồng Xâm (Thái Bình) nơi khởi nghiệp Triệu Vũ Đế:
靈跡億年遺鉄斧
帝图四百少金刀
Linh tích ức niên di thiết phủ
Đế đồ tứ bách thiểu kim đao.
Dịch:
Tích thiêng vạn năm lưu búa sắt
Đất vua bốn hướng chẳng họ Lưu.
“Thiết phủ” là chiếc búa sắt lưu ở đền Đồng Xâm, là một linh vật của đất Thái Bình, tương truyền là cây búa Triệu Vũ Đế được ban cho khi khởi nghiệp. Kim 金 đao刂là chiết tự của chữ Lưu 劉 như nói ở trên.
Câu đối ở đền thờ Lữ Gia tại chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định):
趙氏有天存社稷
漢人無地出楼船
Triệu thị hữu thiên tồn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền.
Dịch:
Còn trời họ Triệu còn xã tắc
Không Hán, lên thuyền đất chẳng chung.
Họ Lữ đã cùng vua Triệu Vệ Dương Vương kiên quyết lên thuyền đi về Giao Châu chống lại Tây Hán.
Mối tương quan Triệu Vũ Đế – Lữ Gia – Trưng Vương thể hiện rất rõ. Nước Nam Việt từ Triệu Vũ Đế khởi lập không mất, mà nó được truyền thừa sang phía Tây qua cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương, lập nên nước Nam Triệu, rồi còn hùng bá một phương tới mãi sau này với tên Nam Chiếu.

Chuyện Nam Chiếu trong sách An Tĩnh cổ lục

An Tĩnh cổ lục là một công trình khảo cứu địa phương Nghệ An – Hà Tĩnh của học giả người Pháp Hippolyte Breton, hiệu trưởng trường quốc học Vinh từ những năm 1920. Công trình này khác với cách viết các loại “địa chí” của nước ta trước đây ở chỗ nó áp dụng cách nghiên cứu liên ngành địa chất, lịch sử, văn hóa, khảo cổ trên những tư liệu thực tế ở địa phương và cho những nhận định khái quát tổng hợp khá thú vị.
H. Breton dẫn nhập cuốn sách của mình bằng cách nói về diễn biến địa chất của vùng bờ biển Nghệ Tĩnh, nhưng lại khai thác đối chiếu với các thông tin từ văn hóa dân gian. Sách viết: Kho tàng truyền thuyết Hán – Việt… chứng minh rằng tổ tiên của người An Nam và người Trung Hoa đã được chứng kiến những cuộc xâm chiếm của lãnh địa đối với lãnh hải, hiện tượng mà người ta phải đặt vào đầu thời hình thành các đồng bằng duyên hải của Trung Quốc và của An Nam.
H. Breton đã đề cập đến truyền thuyết Nữ Oa, con của Viêm Đế bị chết đuối ngoài biển, hóa thành chim Tinh Vệ ngậm đá từ núi Tây bay sang lấp biển Đông (Tinh Vệ hàm thạch hay Tinh Vệ điền hải trong Sơn hải kinh).
Như thế, ngay từ đầu tác phẩm H. Breton đã sử dụng truyền thuyết kết hợp với địa chất để bàn luận về lịch sử. Đây là điều táo bạo, ít người dám làm thời đó. Tuy nhiên Breton thực sự chưa biết rằng chuyện Tinh Vệ lấp biển xảy ra chẳng ở đâu xa mà chính là vùng biển Trung Bộ của Việt Nam. Trung Quốc thời Viêm Đế, lập quốc ở tận lưu vực sông Hoàng Hà, làm gì có giáp biển mà bồi với lấp. Tinh Vệ lấp biển chính là chuyện Mai An Tiêm khai phá hoang đảo trong truyền thuyết Việt và cũng là chuyện Nữ thần Trầm hương Thiên Y A Na của người Chăm.
Từ diễn biến địa chất “bãi bể nương dâu” này H. Breton đã mô tả và giải thích sự kiện Cao Biền đào kênh ở Nghệ An:
Xứ Diễn Châu được bao vây tất cả mọi mặt bởi đồi núi, chỉ mở ra mặt biển về phía Đông, Ở thời kỳ đệ tứ kỷ, xứ này làm thành cái mà tôi gọi là “vịnh Diễn Châu” thông về phía Bắc với vịnh Thanh Hóa bởi eo Hoàng Mai và về phía Nam với vịnh Vinh bởi eo Đò Cấm. Cuộc nổi lên của lục địa vào cuối thời kỳ đệ tứ kỷ biến vịnh thành vũng, va hai eo bể thành đèo, ngày nay mang tên của hai làng Hoàng Mai và Đò Cấm. Vào thế kỷ thứ IX Tiết độ sứ Cao Biền người Trung Quốc sai đào hai con kênh ở hai đèo để nối liên với nhau các vũng Thanh Hóa, Diễn Châu và Vinh.

Ban do ATCL

Các địa danh được nói tới trong bài.

Ghi nhận công tích của Cao Biền trên đất Nghệ Tĩnh, H. Breton viết: viên quan này đã để lại ở An Tĩnh những kỷ niệm bất diệt… Cao Biền sang cai trị vùng Tĩnh Hải (Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ) từ 865 đến 875 đã xây dựng:
– Đào sông Hoàng Mai và Đò Cấm.
– Chùa Hương Tích và Nhạn Tháp.
– Đắp thành Long Môn.
 Về Đò Cấm, nhân dân gọi là “kênh sắt”. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng khi đào con kênh này Cao Biền đã phải dùng thuốc súng để phá vỡ những “tảng đá sắt” chẹn ngang đèo.
Ở phần Xứ Vinh, H. Breton nói về một phế tích Tháp Cao Biền: Ở địa phận làng Phương Tích và làng Yên Trường có một hòn núi khiến con sông đào từ Vinh đến Đò Cấm phải uốn dòng về phía Đông. Trên đỉnh núi ấy Cao Biền… đã dựng lên một cái tháp, người thì nói đó là một cái tháp để xá lỵ của nhà Phật, người thì nói đó là một cái đèn để ban đêm chiếu sáng cho thuyền bè qua lại trên sông đào, hoặc đó là đồn binh để báo hiệu…
Tại làng Yên Trường, giữa chân núi và con sông đào là đền Lĩnh Vạn. Đền này do Cao Biền dựng…
Chứng tích sự hiện diện của Tiết độ sứ Cao Biền ở Nghệ Tĩnh quá rõ ràng. Cao Biền còn lưu lại bài thơ Quá Thiên Uy kính:
Sài lang khanh tận khước triều thiên,
Chiến mã hưu tê chướng lĩnh yên.
Quy lộ hiểm hy kim thản đãng,
Nhất điều thiên lý trực như huyền.
Dịch:
Sài lang chôn sạch lại chầu vua
Ngựa chiến thôi kêu cõi núi mờ
Đường hiểm nay về bằng phẳng rộng
Một lèo nghìn dặm thẳng như tơ.
(Theo Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1996).
Kênh Thiên Uy chính là kênh Thiết Cảng hay kênh sắt ở khu vực sông Cấm của Nghệ An. Cao Biền đã đào 2 con kênh Hoàng Mai và Đò Cấm nối liên vận đường thủy từ Bắc Bộ vào Nghệ An để đánh dẹp quân Nam Chiếu như trong bài thơ cho biết. Sự hiện diện này của Cao Biền cũng hoàn toàn khớp với phân bố các nơi thờ thần Cao Sơn Cao Các ở Nghệ An tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành và Hưng Nguyên. Tục thờ Cao Sơn Cao Các chính là thờ Tiết độ sứ Cao Biền ở khu vực này.

Chua Thien Ton

Chùa Thiên Tôn ở Ninh Bình.

Cao Biền đã vượt sông Cấm tiến vào phía Nam. H. Breton cho rằng Cao Biền có liên quan tới việc xây chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh. Điều này rất có lý vì ở chân núi Hồng Lĩnh còn có cái hồ lớn được gọi là Hồ nhà Đường. Ngoài ra, khá đặc biệt là ở Ninh Bình có chùa Thiên Tôn tương truyền do Cao Biền dựng nên. Chùa Thiên Tôn thờ Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện và bố mẹ của bà là vua Trang Vương và Hoàng hậu. Tức là giống với chùa Hương Tích, nơi thời Phật Quan Âm và có di chỉ nền đài Trang Vương.
Cao Biền đã đào thông kênh qua Đò Cấm, tiến vào xứ Vinh là để dẹp quân Nam Chiếu vì căn cứ gốc của Nam Chiếu ở khu vực này. Đó là nơi có Nhạn Tháp và thành Long Môn ở Nam Đàn. H. Breton từng thu thập được viên gạch của Nhạn Tháp có đề niên hiệu thời Đường và nhắc đến việc cần tìm hiểu thêm nguồn gốc của ngôi tháp này. Khảo cổ ngày nay ở Nhạn Tháp đã tìm thấy hộp vàng đựng xá lỵ và các viên gạch có chữ với niên hiệu Trinh Quán lục niên (632). Với niên hiệu này thì nguồn gốc của Nhạn Tháp và Long Môn tại Nam Đàn phải sớm hơn thời Cao Biền vì Cao Biền sang An Nam vào những năm Đường Hàm Thông (860-874).
Nhạn Tháp nằm trong khu vực một thành cổ có tên Hồ Thành hay Chiêm Thành. Trong An Tĩnh cổ lục gọi là Lồi Vương Thành với cửa Long Môn. Rõ ràng đây là một tòa thành của người Chăm. Nhưng tại sao thành của người Chăm lại nằm ở Nghệ An và có niên đại vào thời Đường Trinh Quán (632)?
Di tích Nhạn Tháp này không liên quan đến Cao Biền nhưng lại là một di tích của Nam Chiếu. Nam Chiếu còn được gọi là người Hồ như trong thần tích về Cao Sơn Cao Các dẹp họ Hồ. Vì thế thành này gọi là Hồ Thành hay Chiêm Thành.
Niên đại Trinh Quán lục niên (632) của gạch Nhạn Tháp đưa đến một nhận định khá bất ngờ. Nhạn Tháp và Lồi Vương thành được xây dựng bởi vị “đệ nhất đại chiếu”, tổ của Nam Chiếu là Tế Nô La vào đầu thời nhà Đường. Lúc này Nam Chiếu chưa lập quốc riêng mà còn đang thần phục nhà Đường. Vì vậy mà gạch xây tháp tuy là tháp trong thành Chăm nhưng vẫn mang niên hiệu của nhà Đường.
Lồi Vương do đó có thể là đọc sai từ Lỗ Vương (Lồi khi ghi chữ Nho thì ghi bằng chữ Lỗi). Nam Chiếu khi lập quốc lấy tên là Đại Lễ. Lễ cũng là Lỗ như trong tên của Cáp Lỗ Phong sau này.
Nhạn Tháp và Lồi Vương Thành nằm cách không xa thị trấn Sa Nam, nơi Mai Thúc Loan khởi nghĩa. H. Breton trong An Tĩnh cổ lục đã đưa ra nhận định rằng Mai Thúc Loan là người gốc Chămpa. Điều này đúng với nghĩa Chăm hay Chiêm là gồm cả người Nam Chiếu.
Cái tên Sa Nam có thể hiểu là: Sa nghĩa là chúa trong tiếng Chăm. Sa Nam là Nam Chúa hay Nam Chiếu, rất rõ.

Den Mai Thuc LoanĐền thờ Mai Thúc Loan ở chân núi Hùng Sơn tại Nam Đàn.

Tế Nô La cũng là Phùng Tói Cái, vị tiền nhân 7 đời của Phùng Hưng, là người đã từng vào chầu Đường Cao Tổ và được làm quan lang ở Đường Lâm. Tên Đường Lâm rất có thể còn lưu lại trong địa danh Nam Đàn = Nam Đường = Đường Lâm.  Một số tư liệu chép về Mai Hắc Đế: Năm Nhâm Tuất (722) là năm Khai Nguyên thứ 10 về đời vua Huyền Tông nhà Đường, ở Hoan Châu có một người tên là Mai Thúc Loan nổi lên chống cự với quân nhà Đường. Mai Thúc Loan là người huyện Thiên Lộc, tức là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì, sức vóc khỏe mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn bạo, dân gian khổ sở, lại nhân lúc bấy giờ lắm giặc giã,ông ấy bèn chiêu mộ những người nghĩa dũng, rồi chiếm giữ lấy một chỗ ở đất Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đường tỉnh Nghệ An) rồi xây thành đắp lũy, xưng hoàng đế, tục gọi là Hắc Đế”.
Thành Vạn An của Mai Hắc Đế nằm ở huyện Nam Đàn nên trong tư liệu trên đã gọi Nam Đàn là Nam Đường. Còn Phúc Lộc (địa danh khác trong tên quê của Phùng Hưng) là vùng Can Lộc – Hà Tĩnh, cũng là quê hương của Mai Thúc Loan.
Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh từng tham gia khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Như thế châu Đường Lâm – Phúc Thọ của họ Phùng nằm ở xứ An Tĩnh, hoàn toàn có lý.
Phùng Hưng là hậu duệ của Phùng Tói Cái hay Nam Chiếu Mông Tế Nô La nên khởi nghĩa Phùng Hưng chính là sự nổi dậy thành lập nước Nam Chiếu độc lập. Cao Biền khi dẹp quân Nam Chiếu chiếm thành Tống Bình ở Bắc Bộ đã tiến quân vào xứ An Tĩnh, đào kênh thông thủy, dẹp “sài lang” ở vùng đất Nam Đàn – Đường Lâm.
Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái kể sau thời Cao Biền:
Tướng Tư Mã là Lý Tiến đem 30 vạn quân đánh vào Đồ Sơn, quân Nam Chiếu bèn rút về biên giới Ai Lao, hiệu là Đầu hoành Mô quốc Bồn Man, thường lấy sự cướp bóc làm nghề, lúc đánh lúc nghỉ, chưa hề bao giờ yên chiến sự. Đất đó nay là phủ Trấn Ninh, muôn đời sát nhập trong bản đồ nước Đại Việt.
Bồn Man la Mường Phuon hay Xiêm Khoảng của Lào, từng gọi là Trấn Ninh thời Pháp. Con đường thượng đạo phía Tây Nghệ An mà H. Breton nói đến trong sách của mình là con đường nối từ Nam Đàn sang Xiêm Khoảng. Con đường này có vai trò chiến lược quan trọng trong nhiều thời đại khi quân khởi nghĩa sử dụng nó để rút lui phòng thủ hay làm bàn đạp để tấn công miền ven biển Nghệ Tĩnh.
Một chi tiết lạ nữa trong An Tĩnh cổ lục nói: Mười hai sứ quân cát cứ vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một trong 12 sứ quân là Hồ Hưng Dật, tổ của họ Hồ ở vùng An Tĩnh.
Đây là tư liệu độc đáo nói rằng thái thú Diễn Châu Hồ Hưng Dật là một sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh. Về nguồn gốc nguyên tổ họ Hồ này đã từng bàn. Nó liên quan đến việc Lý Thái Tổ – Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp châu Diễn. Lý Thái Tổ cũng là Lý Tiến được nói đến trong Truyện Nam Chiếu.
Thay lời kết, xin dẫn lời của H. Breton trong An Tĩnh cổ lục:
Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên”.

Lâm Ấp và Giao Châu (phần 3)

Về Sĩ Nhiếp người cùng thời có thư mô tả như sau:
Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được… Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà (Triệu Đà) cũng không hơn được.
Người Hồ đi theo xe Sĩ Nhiếp đốt hương ở đây là người Hời hay người Chăm, của đất Hồ Tôn từ thời Hùng Vương. Các Man Di đều sợ phục…
Những mô tả trên cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa Giao Châu Sĩ Nhiếp và vùng đất Hời ở Nam Trung Bộ. Các thái thú các quận của Giao Châu cũng là họ hàng của Sĩ Nhiếp, bao gồm cả quận Nhật Nam, nơi khởi lập của Lâm Ấp.
Năm 226 Sĩ Nhiếp mất, thọ 90 tuổi. Nhà Ngô muốn tập trung quyền lực của mình ở Giao Châu, xóa bỏ quyền tự trị của họ Sĩ, nên đã chia Giao Châu thành 2 phần, là Giao Châu ở phía Nam và Quảng Châu ở phía Bắc, cử 2 thứ sử mới đến cai trị, đẩy Sĩ Huy, con Sĩ Nhiếp đi cai quản 1 quận xa. Sau khi Sĩ Huy bị giết 2 châu này lại nhập lại thành Giao Châu như cũ, thể hiện rõ sự chia tách này là nhằm phế truất quyền lực của họ hàng Sĩ Nhiếp.
Đây là một sai lầm lớn của nhà Ngô, đặc biệt là việc Lữ Đại đã lừa giết Sĩ Huy. Hành động này đã phá vỡ liên minh 3 vùng Đông Giao Châu, Tây Giao Châu và Trung Bộ Việt đã hình thành từ thời Khu Liên, dẫn đến tình trạng bất ổn ở Giao Châu và sự đánh phá, phục thù liên tục của họ Phạm từ miền Trung sau này. Bắt đầu từ đây khái niệm Lâm Ấp mới bó hẹp là chỉ khu vực miền Trung Việt do họ Phạm cai quản.
Khởi nghĩa của anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh mà chính sử cho là nổ ra vào thời gian này ở Cửu Chân thực ra là đã nhầm lẫn giữa 2 sự kiện. Triệu Quốc Đạt là Khu Liên (Khu Đạt), người đã chống quân Đông Hán ở Cửu Chân, lập nước Lâm Ấp từ vùng Tượng Lâm đổ về phía Nam. Còn sự phản kháng nhà Ngô sau khi Sĩ Nhiếp mất ở Giao Châu – Cửu Chân là của con cháu Sĩ Nhiếp họ Phạm khi nhà Ngô phế bỏ quyền tự trị của dòng họ này.
Mất đi người lãnh đạo có uy tín và công đức như Sĩ Nhiếp, Giao Châu dễ dàng lâm vào cảnh bạo loạn. Năm 263, khi Ngụy diệt hậu duệ của Lý Bí (Lưu Bị) ở phía Bắc, viên lại Lã Hưng giết chết thái thú Giao Châu là Tôn Tư, giành quyền cai trị. Sau đó Lã Hưng theo về nhà Tấn. Phần phía Nam Giao Châu rơi vào tay Hán tộc. Một phần đất Giao Châu nhà Ngô còn giữ được ở phía Bắc buộc phải tách ra thành Quảng Châu.
Nhà Ngô tìm cách chiếm lại Giao Châu nhưng mấy lần đều thất bại, thậm chí còn mất thêm quận Uất Lâm của Quảng Châu. Phải tới năm 269, tướng Ngô là Đào Hoàng mới thắng trận một cách vất vả, giành lại được Giao Châu và Cửu Chân từ tay quân Tấn. Nhà Ngô phong cho Đào Hoàng làm Giao Châu mục.
Đặc biệt đáng chú ý là việc Đào Hoàng mở mang đất đai cho Giao Châu. Tấn thư kể: Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương đất đai hiểm trở, Di Lão hung hãn, trải nhiều đời không phục, Đào Hoàng chinh phạt, mở đặt 3 quận, cùng với Cửu Chân thành hơn 30 huyện.
3 quận mới lập này của Giao Châu được Đào Duy Anh xác định như sau: Vũ Bình là phía Nam vùng Tây Bắc Việt, nơi có huyện Phong Khê đời Hán. Tân Xương là phía Bắc vùng Tây Bắc, nơi có thành Văn Lang. Còn Cửu Đức là vùng Nghệ An.
Đào Hoàng đã thảo phạt ai để mở 3 quận mới? Theo vị trí các quận trên thì vùng Tây Bắc Việt không thuộc Giao Châu thời trước Đào Hoàng, cũng không thuộc đất đai của nhà Tấn. Đây chính là vùng đất người Di Lão do Mạnh Hoạch cai quản. Còn chuyện thảo phạt đất Nghệ An đặt quận Cửu Đức cũng lạ kỳ. Vì như vậy thì ra vùng đất từ Thanh Nghệ đổ vào Nam không hề thuộc Giao Châu thời Ngô, mãi tới Đào Hoàng mới mở thêm được 1 quận ở quãng Bắc Trung Bộ. Tức là quận Nhật Nam không thể là vùng Trung Bộ Việt như đang được định vị.
Thoi Dao Hoang

Vị trí các quận Giao Châu thời Đào Hoàng.

Sự kiện Đào Hoàng đánh người Di Lão mở 3 quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương đã chứng tỏ đây vốn là khu vực đất đai thuộc Nam Triệu – Mạnh Hoạch quản lý. Nhà Ngô đã loại bỏ con cháu Sĩ Nhiếp, tấn công Mạnh Hoạch ở Tây Bắc và Thanh Nghệ, tiến sát vào vùng đất Lâm Ấp từ Hoành Sơn đổ về Nam của Phạm Hùng. Đất đai của nhà Ngô được mở rộng nhưng liên minh chống Hán hình thành từ thời Lâm Ấp – Khu Liên đã hoàn toàn bị phá vỡ. Đó là điều đau xót khi vì những lợi ích mâu thuẫn riêng mà nhà Ngô đã quên mất giặc ngoài của người Việt là Hán tộc, đang là nhà Tấn ở phương Bắc. Tấn là từ phiên thiết Tây Hán, chỉ rõ một triều đại của người Hán.
Từ góc độ người dân Việt ở Giao Chỉ thì Đào Hoàng là một vị châu mục có công đức lớn, đã giải phóng Giao Châu khỏi sự thống trị của Hán tộc (Tấn). Chính vì vậy mà khi Tôn Hạo định thuyên chuyển Đào Hoàng đi làm đô đốc Vũ Xương, dời đến Hợp Phố đã có nghìn người Giao Châu xin cho Hoàng ở lại. Tôn Hạo bèn cho Đào Hoàng ở lại Giao Châu.
Năm 280, nhà Tấn đem quân diệt Ngô, hạ Kiến Nghiệp, bắt sống Tôn Hạo. Tôn Hạo đích thân viết một bức thư khuyên Đào Hoàng quy thuận nhà Tấn. Đào Hoàng khóc suốt mấy ngày, sau cùng mới chịu, sai sứ đưa ấn bao về Lạc Dương. Nhà Tấn cho ông giữ nguyên chức cũ, lại ban tước Uyển Lăng hầu, Quan quân tướng quân.
Một vị tướng người Việt, đã vất vả giành giật Giao Châu từ tay quân Tấn, nay lại phải đầu hàng, thật đau xót, mới phải khóc suốt mấy ngày trước khi nộp lại ấn tín. Thời thế đã thay đổi. Đào Hoàng không thể theo gương Sĩ Nhiếp mà chống lại nhà Tấn nữa khi Ngô chủ đã hàng. Nhưng ông cũng đã tiếp tục giữ yên Giao Châu trong thời gian tiếp theo, không để nhà Tấn áp bức ở khu vực này.
Tấn thư còn ghi chuyện vua Tấn muốn giảm quân đội ở Giao Châu, Đào Hoàng dâng sớ nói:
Giao Châu khuất nẻo riêng một miền, chen vào giữa núi và biển, ngoài cách với Lâm Ấp chỉ có bảy trăm dặm. Tướng Di là Phạm Hùng mấy đời làm giặc lẩn lút, thường cướp phá trăm họ. Lại kết liên với Phù Nam, hăng vào quấy rối: nào đánh phá quận – huyện; nào giết hại quan, dân… Tôi khi xưa được nước cũ kén dùng, đóng quân ở miền Nam có hơn mười năm. Tuy trước sau đánh dẹp, giết được bọn Cừ Khôi nhưng trong núi, thẳm, hang cùng, vẫn còn có những quân nấp náu. Vả lại đám quân của tôi coi, vốn có hơn tám nghìn người. Đất miền Nam nóng ẩm, phần nhiều có khí độc. Lại thêm liên năm đánh dẹp, chết mòn mãi đi, hiện nay còn có hai nghìn bốn trăm hai mươi người. Nay bốn biển hỗn đồng, không đâu là không thần phục. Cố nhiên nên cuốn giáp, bỏ gươm chăm về lễ, nghĩa. Nhưng người trong châu này, chán chuyện yên vui thích gây họa loạn! Lại bờ biển phía nam Quảng Châu vòng quanh hơn sáu nghìn dặm, không chịu tòng phục đến hơn năm vạn nhà! Cùng với những bọn bất kham ở Quế Lâm cũng đến vạn nhà nữa! Đến như bọn chịu gánh vác việc quan, chỉ có hơn năm nghìn nhà. Môi răng của hai châu, vững được chỉ trông nhờ quân lính. Lại Ninh Châu. Hưng Cổ, tiếp giữ thượng lưu, cách quận Giao Chỉ nghìn sáu trăm dậm. Đường thủy, đường bộ đều thông. Giữ gìn lẫn cho nhau. Quân trong châu chưa nên rút bớt, để tỏ ra vẻ mảnh rẻ, trống rỗng…
Đào Hoàng đã viện lý do trong châu hay có bạo loạn, phải đối phó với Phạm Hùng ở Lâm Ấp… nên không thể giảm quân đội. Thực ra việc chống loạn và chống Lâm Ấp chỉ là một phần sự thật. Điều chính là Đào Hoàng không chịu giảm quân để duy trì vị thế tự trị của Giao Châu trước nhà Tấn. Vua Tấn đã không đạt được mục đích khi định hạn chế quyền lực của Đào Hoàng ở Giao Châu.

P1150393 (2)

Trán bia Tấn cố sứ trì tiết quan quân tướng quân Giao Châu mục Đào liệt hầu.

Năm 300 Đào Hoàng qua đời, người cả châu kêu khóc như chết mất cha mất mẹ. Người dân ở Giao Châu lập miếu thờ Đào Hoàng tại thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh, ngay cạnh thành Luy Lâu, trị sở của Giao Châu lúc đó. Tại đây còn lưu giữ được tấm bia chữ Hán cổ nhất Việt Nam mang tiêu đề Tấn cố sứ trì tiết quan quân tướng quân Giao Châu mục Đào liệt hầu. Mặt trước bia khắc niên hiệu Kiến Hưng thứ 2 (314), thời Tấn.

Mieu Dao HoangMiếu thờ Đào Hoàng ở thôn Thanh Hoài, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Câu đối ở miếu thờ Đào Hoàng tại thôn Thanh Hoài:
威徳青藩吴北牧
恩施赤子越南慈
Uy đức thanh phiên Ngô Bắc mục
Ân thi xích tử Việt Nam từ.
Dịch:
Ngô Bắc mục oai đức rạng phiên
Mẹ Việt Nam ơn bày con đỏ.

Tục thờ Giao Châu mục Đào Hoàng như vậy vẫn còn tới nay. Người Việt hoàn toàn đúng khi coi vị châu mục này như từ mẫu, và thờ cúng hương hỏa không ngớt. Đào liệt hầu là người đã giải phóng Giao Châu khỏi tay nhà Tấn và duy trì sự yên ổn, tự trị cho vùng đất này ngay cả sau khi đã phải hàng Tấn.

Lâm Ấp và Giao Châu (phần 2)

Vào thời Hán Mạt, tại khu vực Giao Châu Đô Dương Khu Liên đã tiếp nối sự nghiệp của Nhị Trưng Vương, chặn Hán quân tại khu vực Tượng Lâm, là vùng đất nằm giữa Cửu Chân và Nhật Nam hay Quý Châu và Quảng Tây. Khu Liên có lẽ đã tử trận trong cuộc chiến này, nhưng cả một vùng đất phương Nam rộng lớn từ Nhật Nam đổ về đã thoát khỏi sự thống trị của Hán tộc.
Đối với vùng đất Lâm Ấp, nhà Hán thực hiện theo chính sách mà Lý Cố đề ra (Hậu Hán thư):
Quân ta ở Nhật Nam đơn chiếc và thiếu lương, giữ không được, đánh cũng không xong, chỉ có thể dời hết cả lại dân (người Trung Quốc) về Bắc để dựa vào Giao Chỉ. Việc yên rồi sẽ khiến trở về. Mộ người Man Di khiến họ tự đánh họ, lại chở vàng, lụa để tự cấp cho họ. Kẻ nào có thể phản gián, khiến giặc đầu thú được thì hứa thưởng bằng cách phong hầu cấp đất.
Nhà Đông Hán đã không thể đánh dẹp được những cuộc khởi nghĩa ở phương Nam, đành phải rút hết người Hán về, để quyền quản lý cho người bản xứ, chấp nhận phong hầu cấp đất. Chính tình thế này đã làm xuất hiện Sĩ Nhiếp ở Giao Châu.
Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ Sĩ Vương chép: Đinh Mão năm thứ 1 (187) (Hán Trung Bình năm thứ 4). Vương có 3 người em trai là Nhất, Vĩ và Vũ. Bấy giờ thứ sử Chu Phù bị giặc Di giết chết, châu quận rối loạn, vương (Sĩ Nhiếp) bèn dâng biểu cử Nhất làm thái thú Hợp Phố, Vĩ làm thái thú Cửu Chân, Vũ làm thái thú Nam Hải.
Thứ sử Chu Phù đã bị giết chết trong cuộc khởi nghĩa của Khu Liên. Anh em Sĩ Nhiếp nhân đó đã được phong nhận làm thái thú các quận của Giao Châu (Giao Chỉ, Nhật Nam, Hợp Phố, Cửu Chân, Nam Hải). Theo như chính sách mà Lý Cố đã đề ra thì có thể thấy anh em Sĩ Nhiếp là những người bản xứ, được phủ dụ phong hầu cấp đất tại Giao Châu. Năm 203 theo đề nghị của Sĩ Nhiếp, nhà Đông Hán đã buộc phải công nhận 7 quận phía Nam gộp lại thành Giao Châu, do Sĩ Nhiếp quản lý. Nhìn từ góc độ của người Việt ở phương Nam thì Sĩ Nhiếp chính là người đã tiếp quản nước Lâm Ấp của Khu Liên, dưới danh nghĩa chư hầu của nhà Đông Hán. Vì vậy mặc dù Sĩ Nhiếp không lên ngôi nhưng sử Việt vẫn gọi là Sĩ Vương và dành hẳn một kỷ trong sách sử cho thời kỳ này.
Trong khi đó nhà Đông Hán suy sụp sau khởi nghĩa Khăn Vàng của Trưng Trắc Trưng Nhị (Trương Giác, Trương Lương). Người Bách Việt ở Hoa Nam đã dành thắng lợi trước quân Hán ở khu vực Nam Trường Giang. Tôn Quyền dựng nên nước Ngô ở phía Đông. Anh em Lưu Biểu Lưu Bị làm nên nước Thục ở vùng Kinh Châu, Quý Châu và Ích Châu. Năm 210 Sĩ Nhiếp đem Giao Châu về với Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân, rồi Long Biên hầu.
Truyền thuyết Việt lưu lại công đức của Sĩ Nhiếp dưới tên danh tướng Phạm Tu của Lý Nam Đế. Lý Nam Đế ở đây là Khu Liên, người khởi dựng nước Nam – Lâm Ấp. Phạm Tu cũng có các danh phong Tả tướng quân, Long Biên hầu. Sĩ Nhiếp mang họ Phạm vì sử sách cho biết người kế tục ở Lâm Ấp là cháu bên ngoại của Khu Liên họ Phạm.
Câu đối ở cổng đền thờ Sĩ Nhiếp tại thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh:
豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
是事業文科舉昔治亦進乱亦進最矩四十年政策拯表交州
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp.
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Dịch:
Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Là thi cử văn khoa sự nghiệp xưa, trị cũng tiến loạn cũng tiến, quy củ bốn mươi thu chính sách kia cứu tỏ Giao Châu.
Với ân đức của Sĩ Nhiếp duy trì yên ổn Giao Châu trong 40 năm trong vòng vây của quân Hán và dưới thời Ngô, Sĩ Nhiếp còn được dân gian tôn thần, trở thành vị thành hoàng của thành Thăng Long. Thần Long Đỗ thực ra là danh phong Long Độ đình hầu của Sĩ Nhiếp. Vị thần sông Tô Lịch là Phạm Tu hay Phạm Tô, cũng chính là Sĩ Nhiếp.
Sĩ Nhiếp trở thành một vị thủy thần, bảo hộ cho thành Thăng Long. Hơn nữa Sĩ Nhiếp còn là người tác lập nên tục thờ Tứ pháp, đứng đầu là Pháp Vân (thần Mây) ở khu vực Luy Lâu cũ (Bắc Ninh – Hưng Yên). Phạm Tu Sĩ Nhiếp cũng là vua Mây họ Phạm ở đất Đằng Châu (Hưng Yên).

Me DauBan thờ Sĩ Nhiếp ở đình Mễ Đậu, Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Trong khi ở phía Đông Giao Chỉ Sĩ Nhiếp nắm quyền cai quản thì ở phía Tây, trên các khu vực miền núi Mường Mán, người lãnh đạo lúc này là Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch là dòng dõi của nhà Triệu Nam Việt, sau khởi nghĩa của Trưng Vương họ Lữ không thành, vẫn hoạt động ở các khu vực miền núi Tây Bắc, Lào và Thanh Nghệ như trong Truyện Nam Chiếu chép:
Người Nam Chiếu là con cháu vua Vũ Đế Triệu Đà. Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu.
Không rõ Mạnh Hoạch có tham gia trong khởi nghĩa của Khu Liên hay không, nhưng chắc chắn khu vực Tây Bắc Việt vẫn bất phục Đông Hán từ trước. Phải mãi tới khi Vũ Hầu Gia Cát dẫn binh xuống và dùng chính sách chiêu dụ thì Mạnh Hoạch mới phục tùng nhà Thục, nhưng vẫn giữ quyền tự trị ở phương Nam.
Tộc phả họ Phạm Công ở Quảng Ngãi cung cấp những thông tin rất xác đáng về thời kỳ này: Cuối đời Hùng Duệ Vương con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái Châu (Bình Trị Thiên) và Trung Châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung Bộ ngày nay.
Sau khi Triệu Đà chống lại nhà Nam Hán, lập nên nước Nam Việt (207 TCN) sáp nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt và thu gom cả đất Nam Hà (xứ Lâm Ấp). Chỉ đến khi nhà Hán xâm chiếm lại Nam Việt, nhà Triệu bị diệt vong (111 TCN) thì họ Lý xưng vương xứ Lâm Ấp. Mãi đến đời Lý Khu Kiên mất, họ Phạm kế vị với 19 đời vua trải qua gần 500 năm (140-605), đóng đô tại thành Châu Sa (xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay).
Đời Hùng Duệ Vương ở đây có thể hiểu là thời Vương Mãng. Vương Mãng nghĩa là vị vua cuối cùng (Mãn) của họ Hùng (người Bách Việt). Cuối thời Tân của Vương Mãng là thời Đông Hán. Phạm Duy Minh trong tộc phả này là Đằng Châu Sĩ Nhiếp Phạm Tu. Lý Thành là đại diện cho nước Nam Triệu ở vùng Tây Bắc, hay Mạnh Hoạch. Vùng Nam Trung Bộ do con của Sĩ Nhiếp là Phạm Duy Hinh vào trấn thủ. Cả 3 khu vực này đều bắt đầu từ nước Lâm Ấp của Khu Liên khởi dựng trước đó, có quan hệ mật thiết với nhau, cùng là đồng minh chống Hán.

Lam Ap Tam quoc

Lâm Ấp thời Tam quốc.

Câu đối ở đình Mễ Đậu (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) về Sĩ Nhiếp:
於北朝當吳蜀之衝保全一境
衍南海以孔孟之道徳澤千秋
Ư Bắc triều đương Ngô Thục chi xung, bảo toàn nhất cảnh
Diễn Nam Hải dĩ Khổng Mạnh chi đạo, đức trạch thiên thu.
Dịch:
Đối đầu Ngô Thục ở Bắc triều, giữ vẹn toàn cảnh sắc
Lấy đạo Khổng Mạnh truyền Nam Hải, thấm công đức ngàn thu.
Sĩ Nhiếp, vị tướng họ Phạm đã kế tục sự nghiệp của Khu Liên tại Lâm Ấp không thể bị lãng quên. Mối liên hệ Giao Châu và Lâm Ấp rất gắn bó trong thời kỳ này.