Thần tích Lão Tử ở làng Thổ Hà

Ha Bac
Theo ghi chép của Ty văn hóa Hà Bắc năm 1973 thì thần tích làng Thổ Hà ở Việt Yên được kể theo 2 truyện:
  1. Thành hoàng làng Thổ Hà tên húy là Lão Đam, tên chữ là Lý Bá Dươnng, vốn là người nhà trời. Thượng Hoàng sai Lão Đam đầu thai vaof bà lão Mậu Huyền Diệu Mông để giúp dân dẹp bọn Xích Quỷ. Vì đầu thai sớm quá nên Lão Đam phải ở trong bụng mẹ 81 năm, rồi ra đời dưới gốc cây mận. Lão Đam sau khi dẹp hết bọn Xích Quỷ thì hóa ở chùa Đoan Minh (chùa làng Thổ Hà) và được phong là Thái Thượng Lão Quân.
  2. Cuối đời Chu, Lão Tử đã đi xuống miền Nam du ngoạn. Khi Lão Tử tới tả ngạn sông Nguyệt Đức thấy một khu đất rông hơn 50 mẫu, ba mặt liền sông, sau có hồ sen thiên tạo rộng hơn 6 mẫu. Lúc này đang mùa sen nở, hoa thắm lá xanh, hương bay ngàn dặm. Lão Tử thấy phong cảnh đẹp bèn cắm trang ở đây, đặt tên là Thổ Hà trang. Sau khi lập trang ông ta còn mở trường truyền đạo cho các đồ đệ, nhà trường nay là chùa Đoan Minh. Lão Tử có nhiều phép màu trừ hung sát quỷ. Đương khi Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nhưng thành cứ xây lên, sáng dậy lại bị đổ, bởi thần Kim Kê ở núi Thất Diệu trêu cợt. Vua nghe thấy ở trang Thổ Hà có người biết trừ hung sát quỷ bèn cử sứ giả lại mời. Lão Tử nhận lời, rồi đi đến núi Thất Diệu sai Thanh Giang sứ hiện thành rùa vàng vào rừng trừ yêu quái, lại thư phù vào lá trúc thả xuống sông cho trôi khắp mọi nơi xua yêu quái. Nhờ vậy, nửa tháng đã xây xong thành Cổ Loa, Lão Tử có từ ra về, được An Dương Vương ban thưởng rất hậu. Về đến trang Thổ Hà bèn mở tiệc khao toàn thể dân làng. Đang lúc đó trên trời xuất hiện một đám mây ngũ sắc bay đến. Lão Tử liền bay lên trời, ẩn vào mây biến mất. Hôm đó là ngày 22 tháng 2 âm lịch.
    Nhân dân làm sớ tấu, vua truyền cho dân Thổ Hà lập đình phụng sự.
    (Theo Bắc Giang tỉnh chí, Trịnh Như Tấu).

IMG_7320
Chùa Đoan Minh, trường giảng đạo của Lão Tử.

Sự tích 1 chép Lão Đam dẹp bọn Xích Quỷ, có lẽ bị nhầm chữ. Đúng là Xích Tỵ (Mũi Đỏ). Đây là chuyện Lão Tử chữa bệnh dịch hạch hoặc đậu mùa (bệnh có biểu hiện nổi mụn đỏ trên da) cho người dân. Trong tín ngưỡng dân gian, Lão Tử được tôn như một vị thánh cứu thế chính là vì công nghiệp chữa bệnh dịch cứu nhân gian này.
Chi tiết Lão Tử đã thư phù vào lá trúc thả xuống sông cho trôi khắp mọi nơi xua yêu quái. Hẳn là ông đã biết dùng loại thảo dược gì đó (“lá trúc”) để sát khuẩn cho nước ăn, triệt tận gốc nguồn dịch bệnh.
So sánh sự tích 2 với tiểu sử của lão Tử trong Lão Tử minh (bài minh văn soạn thời Hán Hoàn Đế):
Lão Tử vi Chu tàng thất sử. Đương U Vương thời Tam Xuyên thật chấn dĩ Hạ Ân chi quý, âm dương chi sự giám dụ thời vương.
Dịch:
Lão Tử làm quan coi sử sách của nhà Chu. Thời Chu U Vương, vùng Tam Xuyên xảy ra động đất, đã lấy sự biến động của âm dương mà răn dụ Vua.

IMG_7258
Bia “Thủy tạo đình miếu bi” ở trước đình làng Thổ Hà.

Đoạn văn ngắn ngủi nhưng đã cung cấp thông tin rất quan trọng về thời gian, công nghiệp thực sự của Lão Tử:
Thời gian: Lão Tử là quan thủ thư của nhà Chu dưới thời Chu U Vương, tức là vị vua cuối cùng của thời Tây Chu. U Vương là vị vua tàn bạo, nổi tiếng với câu chuyện đốt lửa Ly Sơn mua nụ cười của Bao Tự. Cũng vì thế mà sau đó, Chu Bình Vương đã phải dời đô nhà Chu sang phía Đông, mở đầu thời kỳ Đông Chu liệt quốc.
Công nghiệp của Lão Tử: vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử nhân đó dựa sự quỷ thần, lấy tấm gương của các nhà Hạ, Ân mất nước để khuyên răn Chu U Vương.
Đây cũng là cốt truyện của việc An Dương Vương (vua Chủ) xây thành Cổ Loa ở vùng Đông Ngàn, bị hồn ma các vua đời trước biến thành con Bạch Kê tinh quấy phá, thành xây xong là đổ do… động đất. Huyền Thiên Trấn Vũ, tức Lão Tử, đã cử thần Kim Quy đến đăng đàn trên núi Thất Diệu, giúp vua An Dương Vương diệt yêu trừ quỷ dựng thành.
Câu đối ở đình Thổ Hà:
龜解効靈七燿山中傳役鬼
龍能承化五雲庄下記豋僊
Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ
Long năng thừa hóa, Ngũ Vân trang hạ ký đăng tiên.
Dịch:
Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ
Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

Bổ sung: MÓNG RÙA TRAO LẠI LÀ BẢO BỐI GÌ?
Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả cho biết, người xây thành Cổ Loa là Hùng Vương, chứ không phải Thục An Dương Vương. Khi thành mới dựng, cứ xây xong lại đổ. Vua cầu khấn thì được Rùa Vàng hiện làm Thanh Giang sứ giả đến giúp trừ tinh quỷ ở núi Thất Diệu. Sau đó Rùa Vàng trao cho vua Hùng một bảo vật là chiếc Móng Rùa, được dùng làm lẫy nỏ thần, sẽ giúp nhân dân trong thiên hạ được yên vui…
Vậy chiếc Móng Rùa đó là vật gì mà lại có sức mạnh như vậy?
Câu chuyện Lão Tử với tên Huyền Thiên Trấn Vũ, cử thần Kim Quy giúp vua xây thành ở núi Võ Đang giúp tìm ra chiếc Móng Rùa này.
Lão Tử cuối đời xuất quan đi về phía Tây (hẳn có nghĩa là ông đi hóa – quy Tây – về trời) thì gặp quan Doãn Hỷ cầu xin ông để lại sở học của mình, chép ra thành Đạo Đức kinh để truyền thế.
So sánh 2 chuyện ta thấy quan Doãn Hỷ chính là đã vào vai trong hình tượng thần Kim Quy, là đệ tử của Huyền Thiên Lão Tử. Như thế, chiếc Móng Rùa để lại không gì khác chính là cuốn Đạo Đức Kinh, tác phẩm truyền đời nổi tiếng, làm nền tảng cho văn hóa tín ngưỡng phương Đông sau này.
Ở đền Sái Đông Anh trên núi Võ Đang, trong lễ hội thần Kim Quy được gọi là Chúa (xem hình Chúa áo vàng), cùng với Vua sống đến tế lễ thần Huyền Thiên.

P1110606

Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu khảo

“Vạn phái nguồn gốc sâu xa như biển lớn chảy mãi. Tiên vương ân nghĩa đắp bồi vạn thế, đức trạch cao dày khắp chốn, sự lành còn đó muôn năm, đất nước yên bình, quốc gia thịnh vượng sao!
Nên Ta tuân theo Trời, nối tiếp đức lớn, ngưỡng tổ tông tích đức qua các đời, sáng lòng nhân, yên trời đất núi sông khắp chốn vậy. Ấy là gây dựng nước Nam Việt ta cơ đồ bao la, công nghiệp đế vương to lớn. Trời theo cùng, người quy về, các chư hầu cùng phục, lập thứ tự trăm quan trong triều đình, yên định vạn dân, xưng tên nước, đặt trăm quan, chia trăm họ, phân các quan lập các xứ, dựng nước xây thành, vững mạnh 15 bộ giữ mỗi phương phân định, thiết lập các chức vị, phủ huyện, xã, châu, trang, động, sách.
Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.
Cho nên quốc triều mới tiến hành soạn sách Nam Thiên bảo lục, để mãi ban cho hậu thế, con cháu dòng dõi lưu truyền muôn đời. Chỉ truyền cho người hiền, không truyền cho người thiếu phép tắc. Sự tích này không thể đem cho người ngoài. Còn nếu kém nhận thức mà coi thường sự tiết lộ định ước của Sách trời thì cũng không thể là người được trao truyền.
Xưa Tiền Hoàng đế Thánh tổ Cõi lớn trời Nam, Hùng Vương Sơn Nguyên, đã gây dựng cơ đồ, thủy tổ Việt Nam, mở nước Cổ Việt Hùng Thị, mười tám đời thánh vương ngự trị Cõi lớn trời Nam, mở mang hùng đồ nước Việt, nước biếc một dòng, bắt đầu vận vua sáng đế thánh. Núi xanh vạn dặm, lập nền đô thành điện báu, mở vật giúp người, thống trị mười lăm bộ, giữ thế mạnh trước phiên thần, nối tiếp phát huy cõi đất lớn thành Viêm Hồng, do vua trị nước hơn ba ngàn năm, mãi giúp cho dòng giống vững như bàn đá. Hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh, truyền trăm đời đế vương ngự ở Việt thành, muôn năm thánh điện núi Hùng, đất tổ trời Nam, gốc nước cơ đồ, vạn xuân tôn kính, ngàn xưa chảy mãi.”

Bài tựa trong Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả

Lời mở đầu

Nước Nam ta có sử từ bao giờ? Câu trả lời tưởng như đơn giản, lịch sử nước Nam bắt đầu bằng các vua Hùng dựng nước. Lịch sử đó được ghi chép một cách chính thống dưới tên gọi “Ngọc phả Hùng Vương” và lưu giữ ở nơi đền thờ quốc tổ Hùng Vương tại miền đất tổ Vĩnh Phú.
Thế nhưng, thời gian qua đi, không mấy người Việt ngày nay có thể tiếp xúc và đọc được những ghi chép quý báu của cha ông về thời kỳ hình thành đất nước, hình thành dân tộc. Không đọc tộc phả làm sao biết cha ông là ai? Không đọc ngọc phả làm sao biết tổ tiên là ai?
Lớp bụi mờ của thời gian, sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh trong quá khứ, cùng những biến động của xã hội qua hàng ngàn năm đã làm cho lịch sử xa xưa của cha ông người Việt bị khuất lấp. Vì thế việc đọc Ngọc phả Hùng Vương nguyên bản, đúng nghĩa là điều nhất thiết phải làm với bất kỳ con dân Việt nào khi muốn tìm về nguồn cội, để hiểu quá khứ, để tự tin vững bước trong tương lai.
Theo ghi chép của Ngọc phả Hùng Vương, từ thời Thục An Dương đã giao cho thôn Cổ Tích, nay ở xã Hy Cương, Việt Trì, làm “trưởng tạo lệ”, lo việc hương hỏa, phụng sự cho đền thờ Hùng Vương thánh tổ trên núi Nghĩa Lĩnh. Các huyện, các châu khác có trách nhiệm đóng góp công điền, sưu thuế hàng năm phục vụ việc thờ các vua Hùng. Ngọc phả về Hùng Vương thánh tổ đã được các vị học sĩ Hàn lâm viện của nhà nước phong kiến biên soạn qua một số lần và được lưu giữ tại thôn Cổ Tích và đền Hùng. Các cuốn Ngọc phả của đền Hùng cũng đã được các thôn xã khác của vùng đất tổ Phong Châu sao chép, lưu giữ và thờ cúng. Thôn Vân Luông nay ở phường Vân Phú, thành phố Việt Trì là một trong những nơi thờ Hùng Vương như vậy và rất may mắn là ở đây còn lưu giữ được đầy đủ các bản văn về Hùng Vương thánh tổ.
Tập sách này cung cấp các tư liệu ngọc phả về Hùng Vương được lưu truyền ở ngôi đền cổ “Hùng Vương từ” tại thôn Vân Luông của thành phố Việt Trì. Các tư liệu được nghiên cứu khảo sát trên các bản gốc chép tay trên giấy dó lưu giữ tại ban quản lý di tích đền Vân Luông, kết hợp đối chiếu với bản sao năm Bảo Đại thứ 33 (1938) được lưu trong Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam. Bộ tư liệu đầy đủ của đền Vân Luông bao gồm các phần sau:

  1. Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyềntự điển. Soạn năm Thiên Phúc nguyên niên thuộc Lê Đại Hành. Bản chép tay chữ Nho gồm 13 trang ghi về 18 chi Hùng Vương gồm đầy đủ từ tên hiệu, tên truy phong, ngày sinh, ngày mất, số đời vua kế truyền, số cung phi, con trai, con gái, hoàng tôn và cháu chắt. Đồng thời cũng ghi chép mức thuế mỗi suất đinh phải đóng vào thời này.
  2. Ghi chép về các huyệt mộ và lệ thờ Hùng Vương, tạm gọi là Hùng Vương tự lệ. Bản chép tay chữ Nho dài 13 trang, có một bài tựa về lý do soạn sách Nam Thiên bảo lục. Bản này được chép và có niên đại cùng với phần Nam Việt Hùng Thị sử ký dưới đây.
  3. Nam Việt Hùng Thị sử ký. Bản chép tay chữ Nho dài 75 trang, được ghi soạn năm 32 đời Hùng Vương, do Hàn lâm học sĩ Quốc tử giám Nguyễn Đình Chấn soạn. Đây là một tập hợp các câu chuyện xảy ra dưới thời Hùng Vương, đã được sắp xếp vào những thời Hùng Vương nhất định, từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ tới khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi và Thục An Dương Vương lập cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh.
  4. Văn chào, dùng để cúng ở lăng thờ Sơn Tinh trước đền. Bản chữ Nôm kèm phiên âm chữ quốc ngữ.
  5. Các sắc phong của đền Vân Luông.

Trong cuốn sách này chúng tôi đã tiến hành dịch và giới thiệu với bạn đọc nội dung các ngọc phả trên. Đặc biệt bản dịch này được làm trên cơ sở tôn trọng văn bản gốc nên các tên địa danh, nhân danh được đề cập đến đều được ghi đúng nguyên gốc. Những chỗ cần thiết chúng tôi có chú thích thêm cho các tên riêng này, do cách đọc và cách hiểu nhân danh, địa danh trước đây khi soạn ngọc phả có thể không tương đồng với quan niệm chung hiện nay.
Để tiện cho việc theo dõi và tìm hiểu, khi dịch cuốn Nam Việt Hùng Thị sử ký chúng tôi chia văn bản thành từng truyện và đặt tên mỗi truyện, nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự của mỗi truyện như trong nguyên bản. Trong quá trình dịch, chúng tôi có tham khảo bản dịch đã công bố của GS. Ngô Đức Thọ cho bản Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền của thôn Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ. Bản Ngọc phả của thôn Hy Cương do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470). Nội dung của cuốn Nam Việt Hùng Thị sử ký về căn bản giống như cuốn Ngọc phả thời Hồng Đức, nhưng đã có bổ sung thêm một số phần và chỉnh sửa tên hiệu của các vua Hùng cho phù hợp với bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển.
Theo thông tin từ trang của Lưu tộc Việt Nam, một bộ ngọc phả tương tự mang tên Hùng Vương Kim ngọc Bảo giám thực lục cũng đã được sao lưu ở thôn Cá Đốc, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Bản Ngọc phả này được ghi: khâm tặng theo sắc chỉ cho Lễ bộ Tả thị lang Nguyễn Hanh, Binh bộ Tả thị lang Trương Quốc Hoa, Binh bộ Hữu thị lang Phạm Quỹ, Hình bộ Tả Thị lang Vũ Hồn, Quang lộc tự khanh Biện lý Lễ bộ sự vụ Phan Huy Biện, Thông chính Phó sứ Biện lý Hình bộ sự vụ kiêm quản Thông chính ấn triện Lê Thiện, Hồng lô tự khanh Biện lý Hộ bộ sự vụ Mai Đức Thường, Lễ bộ Lang trung Biện lý bộ vụ Lý Văn Phức, Công bộ Lang trung Biện lý bộ vụ Nguyễn Đình Tân. Trong số đó có Mai Đức Thường là một trong những sứ thần Việt Nam đi sang nhà Thanh cùng với Nguyễn Văn Siêu năm 1848. Vì thế, cuốn Sử ký trên được biên soạn quãng thời kì những năm đầu triều Nguyễn.
Có thể thấy ở thời này các vua Nguyễn chính thức coi mình là dòng dõi Hùng Vương. Do đó dòng lạc khoản “đời Hùng Vương” ở đây là chỉ triều đại nhà Nguyễn. Cách xưng này tương tự cách xưng “Long Phi” hay gặp trong các hoành phi câu đối và văn bản thời Nguyễn, là cụm từ chỉ chung một đời vua đương triều, chứ không theo niên hiệu thông thường. Nhà Nguyễn bắt đầu từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1806. Như thế năm 32 đời Hùng Vương của nhà Nguyễn sẽ là năm 1837. Tương ứng đây là năm Minh Mạng thứ 18.
Bản Văn chào được dùng để đọc tế lễ tại miếu Sơn Tinh trước sân đền Vân Luông trong ngày lễ hội cướp bông ném chài (ngày mồng 3 tháng Giêng hàng năm). Mặc dù bản văn này đã được phiên âm bởi người địa phương nhưng có nhiều âm đọc không sát, nên ở đây bản văn này đã được phiên chú lại âm Nôm bởi tác giả Thuận Hóa Phan Anh Dũng. Theo các từ cổ và các chữ Nôm viết dạng cổ thì bản cúng này chép lại một bản gốc xưa hơn khoảng thế kỷ 15, đầu đời Hậu Lê.
Qua khảo sát thực tế trong các kho tư liệu của Viện Hán Nôm và Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam thì những bản ngọc phả của các di tích thờ Hùng Vương tại Phú Thọ về nội dung đều là các bản sao chép từ 3 phần ngọc phả như ở đền Vân Luông. Thời san sao chép có thể khác nhau, nhưng nội dung cơ bản đều đồng nhất. Vì thế các tư liệu ở đền Vân Luông đã bao gồm được hết các thông tin ngọc phả về Hùng Vương còn lưu lại được qua các di tích tại Phú Thọ. Ngọc phả của đền Vân Luông do vậy có thể dùng cho việc thờ cúng cũng như tìm hiểu về Hùng Vương trên vùng đất tổ Phong Châu.
Đền Vân Luông cũng là ngôi đền thờ Hùng Vương còn lưu được kiến trúc cổ từ thời Nguyễn, chưa trùng tu, xây mới. Cách bài trí ban thờ trong cấm cung ở đây gồm ban chính thờ 3 vị vua Hùng là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn. Ban bên phải thờ 2 ngai vị, tuy cùng ghi là Bản thổ đại vương, nhưng có thể đây là bài vị cho 2 công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung tương tự như cách thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và nhiều nơi khác thờ Hùng Vương ở Phú Thọ.
Cuốn sách là một sự gửi gắm của các tác giả Nhóm Nghiên cứu Di sản Văn hóa Đền Miếu Việt tới bạn đọc, như một nén hương thành kính dâng lên anh linh các vị tiên tổ vua Hùng, nhắc lại câu Uống nước nhớ nguồn, khắc ghi công cha nghĩa mẹ, những bậc tiền nhân đã làm nên dân tộc Việt, quốc gia Việt ngàn đời bền vững.

Bia sach cuoi

Mục lục sách

Lời giới thiệu
Lời mở đầu 
  

NAM VIỆT HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ VĨNH TRUYỀN

  • Kỷ Hồng Bàng Thị
    Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ
  • Sử ký Việt Nam
  • Kinh Dương Vương
  • Hùng Hiền Vương
  • Hùng Quốc Vương
  • Hùng Hy Vương
  • Hùng Hi Vương
  • Hùng Diệp Vương
  • Hùng Huy Vương
  • Hùng Ninh Vương
  • Hùng Chiêu Vương
  • Hùng Uy Vương
  • Hùng Trinh Vương
  • Hùng Võ Vương
  • Hùng Việt Vương
  • Hùng Định Vương
  • Hùng Triều Vương
  • Hùng Tạo Vương
  • Hùng Nghị Vương
  • Hùng Duệ Vương

HÙNG VƯƠNG TỰ LỆ   

 NAM VIỆT HÙNG THỊ SỬ KÝ  

  • Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ
  • Kinh Dương Vương lấy Động Đình Quân nữ và chọn đất đóng đô ở Nghĩa Lĩnh
  • Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh bào ngọc, nở trăm trai
  • Lạc Long Quân đặt tên, phân định thứ vị cho trăm hoàng tử
  • Hùng Quốc Vương phân chư hầu, chia thiên hạ, đặt trăm quan, định trăm họ, phong trăm thần
  • Hùng Hy Vương
  • Hùng Hi Vương
  • Hùng Diệp Vương dùng lễ dối tế trời
  • Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân
  • Hùng Huy Vương gặp Phật, có được linh bảo
  • Hùng Huy Vương cầu Tiên ở Tam Đảo
  • Các đời Hùng Trị Bình Kiến Phu
  • Hùng Nghị Vương kết hòa với Thục Vương, bộ chủ Ai Lao
  • Hùng Duệ Vương kén rể Sơn Tinh – Thủy Tinh
  • Hùng Duệ Vương xây thành Cổ Loa
  • Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương
  • Thục An Dương Vương dựng cột đá thề ở Nghĩa Lĩnh
  • Lịch kỷ Hùng Vương từ thời Thái cổ

VĂN CHÀO, SẮC PHONG, HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI ĐỀN VÂN LUÔNG  

  • Văn chào
  • Sắc phong
  • Hoành phi, câu đối

KHẢO LUẬN NGỌC PHẢ VÀ TỤC THỜ HÙNG VƯƠNG TRÊN MIỀN ĐẤT TỔ  

  • Tục thờ Hùng Vương qua các di tích trên miền đất tổ
  • Khái luận lịch sử qua Ngọc phả Hùng Vương
  • Mốc lịch sử Việt thứ nhất: Thủ lĩnh cộng đồng
  • Mốc lịch sử Việt thứ hai: Chế độ thế tập
  • Mốc lịch sử Việt thứ ba: Chế độ phong kiến
  • Mốc lịch sử Việt thứ tư: Quốc gia thống nhất

BẢN CHỤP TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ HÙNG VƯƠNG Ở ĐỀN VÂN LUÔNG   

  • Bản chụp Văn chào
  • Bản chụp Nam Việt Hùng Thị sử ký và Hùng Vương tự lệ
  • Bản chụp Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền

Tổng số 240 trang, khổ 15×23 cm, in 4 màu toàn bộ.

Lữ Nam Đế và Quốc Oai

Ngày mồng 6 tháng 3 năm Quý Mão được truyền là ngày Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát. Cũng những ngày này là ngày lễ hội ở chùa Thầy, nơi có đền Tam Xã thờ vị tướng của vùng Quốc Oai là Đỗ Động tướng quân Đỗ Cảnh Thạc. Tam xã Sài Sơn gồm các làng Thụy Khê, Sài Khê và Đa Phúc. Liệu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tướng quân Đỗ Cảnh Thạc có quan hệ gì với nhau?
Mối quan hệ giữa 2 ngày lễ của 2 sự kiện lịch sử này lại được tìm thấy qua nhân vật thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu nước Nam Việt. Câu chuyện về Lữ Gia, tể tướng ba đời nhà Triệu được ghi chép khá kỹ trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện bởi Tư Mã Thiên, nhưng ở nước ta, chuyện về Lữ Gia được lưu truyền trong thần tích về vị tướng này. Một trong những bản thần tích như thế là ngọc phả của làng Đa Phúc ở Sài Sơn, mang tên Lữ Nam Đế sự tích. Bản ngọc phả giống như vậy cũng được chép ở làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Sự tích Lữ Nam Đế có một số chi tiết cụ thể hơn so với Sử ký của Tư Mã Thiên. Xin xem và xét những chi tiết mới này theo dòng lịch sử.
Sự tích Lữ Nam Đế mở đầu: Thần họ Lữ húy Gia, người xã Thiên Phúc (nay đổi là Đa Phúc) huyện Ninh Sơn (đời Lê Trang Tôn đổi là Yên Sơn), làm quan triều Triệu Văn Vương, đến khi Minh Vương lên ngôi, ông được ban chức Thái phó.
Thần tích này cho biết Lữ Gia là người quê ở vùng Quốc Oai (xã Thiên Phúc, huyện Ninh Sơn). Lữ Gia làm quan bắt đầu từ Triệu Văn Vương. Tới thời Triệu Minh Vương thì được ban chức Thái phó.
Lúc đầu, khi Minh Vương còn là Thái tử, vào làm con tin bên nhà Hán sống ở Trường An, lấy bà Cù Thị ở Hàm Đan, sinh được một người con trai tên là Hưng. Đến khi Minh Vương lên ngôi, nhân giấu ấn của Tiên đế, đã dâng thư cho nhà Hán xin lập bà họ Cù làm hoàng hậu, con trai Hưng làm Thái tử.
Chi tiết Triệu Anh Tề đã giấu ấn khi lên ngôi cũng được Sử ký Tư Mã Thiên kể:
Thái tử Anh Tề xin về nước. Hồ mất, thụy là Văn Vương. Anh Tề lên ngôi thay, lập tức giấu ngay ấn Vũ Đế của Triệu Đà.
Chi tiết này thật khó hiểu vì nó có vẻ không ăn nhập gì với những chuyện xảy ra. Anh Tề ở Hán về thì đã lấy ấn Vũ Đế ở đâu để giấu đi? Tại sao lại phải giấu? Việc giấu ấn Vũ Đế liên quan thế nào đến việc Anh Tề lên ngôi? Tại sao nhờ giấu ấn này mà Anh Tề xin được nhà Hán cho lập Cù Thị làm hoàng hậu? Đằng sau chiếc ấn Vũ Đế này là một bí ẩn của lịch sử giữa 2 triều Hán và Triệu.

Van De hanh ti
Ấn Văn Đế hành tỉ từ mộ Triệu Mạt ở Quảng Châu (ảnh wikipedia).

Rất có thể khi Anh Tề ở Trường An nhà Hán đã lấy được ấn Vũ Đế, rồi mang về nước Nam Việt mà xưng vua, lập hoàng hậu, thái tử. Cũng có thể ấn Vũ Đế đã có ở Nam Việt từ Triệu Văn Vương. Nhưng chiếc ấn này có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với nhà Triệu mà còn với nhà Hán, vì đó mà Anh Tề có thể dùng để đòi quyền với nhà Hán (đòi người – Cù Thị và thái tử Hưng). Điều này cho thấy, ấn Vũ Đế thực chất là bảo tỉ khai quốc của Triệu Đà – Lưu Bang, ông tổ của cả 2 nước Hán (Hiếu) và Triệu. Người giữ ấn có quyền khẳng định ngôi vị chính truyền của mình từ vị Cao Tổ – Vũ Đế này.
Sau đó, khi Cù Hậu và Triệu Ai Vương (tên Hưng) định nội phụ vào chầu nhà Hán, nhà Hán ban cho Hưng và Lữ Gia “ấn bạc”. Điều này cho thấy, ấn Vũ Đế ban đầu là ấn vàng, tức là ấn của Hoàng đế, với nghĩa sánh ngang với nhà Hán.
Câu chuyện Triệu Anh Tề làm con tin ở Hán, lấy Cù Thị, rồi lúc về giấu ấn Vũ Đế để xưng vương là cốt của câu chuyện Nhã Lang lấy Cảo Nương rồi đánh tráo móng rồng trong truyền thuyết về Triệu Quang Phục. Cù và Cảo là cận âm. Nhã Lang là Anh Tề cận nghĩa.

Uoc LeMảng chạm đầu hồi đình Ước Lễ, Thanh Oai.

Thần tích Lữ Nam Đế kể tiếp đoạn Cù Hậu âm mưu hại Lữ Gia trong tiệc rượu:
Sứ giả ngồi phía Đông, Cù Hậu ngồi ở phía Nam, Hưng và các tướng đều ngồi ở phía Tây. Em trai Lữ Gia là Lữ Cường làm tướng, đem binh sĩ đến ở ngoài cung. Khi rót rượu, Cù Hậu nói với Lữ Gia rằng: “Nam Việt nội phục nhà Hán là có lợi, tướng quân không muốn là cớ làm sao?”. Nói vậy là có ý khích sứ giả nhà Hán, nhưng sứ giả hồ nghi không dám chống cự.
Lữ Gia thấy xung quanh không có tai mắt của mình liền bỏ ra ngoài. Cù Hậu tức giận muốn cầm mâu đâm Lữ Gia, nhưng Hưng cản lại. Lữ Gia đi ra, sai em trai mang quân đến phủ đệ riêng ở Trúc Viên Sài Sơn, cáo bệnh không gặp sứ giả.

Đoạn kể này cung cấp thông tin đặc biệt quan trọng mà Sử ký Tư Mã Thiên không đề cập tới. Em trai của thừa tướng Lữ Gia tên là Lữ Cường. Lữ Cường làm tướng võ, cầm đầu quân đội. Sau khi nội bộ nhà Triệu mâu thuẫn về việc nội phụ nhà Hán thì họ Lữ chia nhau ra. Lữ Gia ở lại Phiên Ngung. Lữ Cường dẫn quân về đóng ở quê họ Lữ ở Sài Sơn.
Thông tin này cho phép hiểu hơn diễn biến sau đó và việc thờ Lữ Gia ở vùng Quốc Oai. Lữ Gia sau khi giết Cù Hậu và Triệu Ai Vương, đã lập con trưởng của Minh Vương là Kiến Đức lên làm vua, tên hiệu là Triệu Vệ Dương Vương. Khi Lộ Bác Đức nhà Hán dẫn quân chiếm Phiên Ngung, Lữ Gia cùng hàng trăm gia quyến lên thuyền đi về phía Tây, trở về quê hương ở vùng Bắc Việt. Lộ Bác Đức đuổi theo và bắt giết được Lữ Gia ở vùng Nam Định (núi Gôi, Vụ Bản). Đây cũng là vùng cửa sông Hát (sông Đáy) đổ ra biển, xưa gọi là cửa Đại Ác.
Lữ Gia hy sinh ở vùng cuối sông Hát. Ông được tôn làm Lữ Nam Đế cho dù ông chưa hề làm vua bao giờ. Rất có thể cái tên Lữ Nam Đế này là tên kép chỉ Lữ Gia và Triệu Vệ Dương Vương, 2 người đã cùng lập vị và cùng vong ở cửa Đại Ác.
Vậy còn Lữ Gia nào tiếp tục chống quân Hán ở vùng đầu sông Hát – Quốc Oai? Hang Cắc Cớ trong núi Sài tương truyền là nơi nghĩa quân Lữ Gia tử tiết. Miếu thờ Lữ Gia ở làng Thụy Khê dưới chân núi Sài nay vẫn còn.

IMG_3842Điện thờ ở đền Lữ Gia tại làng Thụy Khê, Sài Sơn.

Thông tin từ thần tích cho thấy, vị họ Lữ chống quân Hán ở vùng Sài Sơn không phải là thừa tướng Lữ Gia mà là Lữ Cường, tướng chỉ huy quân đội đã dẫn quân về Sài Sơn trước khi nổ ra cuộc chiến giữa Nam Việt và nhà Hán. Vị “Lữ gia” được thờ ở vùng Thanh Oai – Quốc Oai như thế thực ra là Lữ Cường.
Vùng Thanh Oai – Quốc Oai xưa được gọi là Đỗ Động. Nơi đây có thành Quèn với các hiện vật khảo cổ của thời Tây Hán như các mảnh sành sứ, hay rõ ràng hơn nữa là các đồng tiền Ngũ Thù của thời Tây Hán đã được tìm thấy ở đây. Rất có thể thành Quèn chính là địa danh “Trúc Viên” được nói tới trong thần tích. Phép phiên thiết cho ta kết quả:
Trúc Viên thiết Triên – Chiên – Quyên – Quèn.
Tên gọi khác của thành Quèn là Cổ Hiền, cũng là tên phiên thiết, cho chữ Quyền – Quèn. Tên thành có thể thực sự là Quyền, chỉ trị sở trung tâm nắm quyền cai quản của khu vực “Quốc Oai” – oai nước, lúc này.
Sự kiện Lữ Cường dẫn quân Nam Việt lui về Quốc Oai, xây thành phòng thủ chống Hán được truyền thuyết Việt kể tiếp bằng sự tích về Đỗ Động tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, đóng ở thành Quèn, hy sinh ở Tam Xã Sài Sơn. Chỉ có điều, sự kiện này đã bị chép gán vào thời kỳ 12 sứ quân, là thời kỳ vốn không hề xảy ra ở Việt Nam sau này.

IMG_3724
Hũ tiền Ngũ thù được tìm thấy ở thành Quèn.

Thừa tướng Lữ Gia cùng vua Triệu Vệ Dương Vương hy sinh ở cửa Đại Ác nhưng cuộc chiến chống Hán nước Nam Việt chưa dừng lại đó. Em trai của Lữ Gia là Lữ Cường trước đó đã chia quân về quê hương bản quán, xây dựng tuyến phòng thủ Đỗ Động Sài Sơn (Đỗ  có nghĩa là chặn, dừng). Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tiếp tục đánh vào Bắc Việt. Thành Quèn thất thủ, Đỗ Động tướng quân hy sinh ở chân núi Sài…
Nhưng mối nợ nước thù nhà đó chưa hết. Mấy năm sau, cũng ở vùng đất nơi đầu sông Hát đã nổ ra cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ của Ả Lã Trưng Vương. Ả Lã tức là con gái nhà họ Lã, là một trong các hoàng phi của vua Triệu đã chạy về vùng Mê Linh. Vua Triệu Vệ Dương Vương – ông Thi Sách hy sinh ở cửa Đại Ác. Ả Lã vì thù cha (Lữ Gia) thù chồng (Nam Đế) đã tập hợp lại người dân nước Nam Việt cũ làm nên cuộc khởi nghĩa tiếp theo…
Câu đối ở đền thờ Lữ Gia tại Sài Sơn:
一點精忠存趙社
千秋正氣峻柴岩
Nhất điểm tinh trung tồn Triệu xã
Thiên thu chính khí tuấn Sài nham.
Dịch:
Lòng trung một điểm gìn nhà Triệu
Chính khí ngàn thu hiểm núi Sài.

P1200460Đình Ngô Sài ở Quốc Oai, nơi thờ Đỗ Cảnh Thạc và Ả Lã Nàng Đê.

 

Lữ Nam Đế sự tích

Thần tích lưu ở làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) và Đa Phúc (Sài Sơn, Quốc Oai).
Sơn Tây tỉnh, Quốc Oai phủ, Lật Sài tổng, Đa Phúc xã ngọc phả cổ lục.

Bản dịch:

SỰ TÍCH LỮ NAM ĐẾ
Thần họ Lữ húy Gia, người xã Thiên Phúc (nay đổi là Đa Phúc) huyện Ninh Sơn (đời Lê Trang Tôn đổi là Yên Sơn), làm quan triều Triệu Văn Vương, đến khi Minh Vương lên ngôi, ông được ban chức Thái phó.
Lúc đầu, khi Minh Vương còn là Thái tử, vào làm con tin bên nhà Hán sống ở Trường An, lấy bà Cù Thị ở Hàm Đan, sinh được một người con trai tên là Hưng. Đến khi Minh Vương lên ngôi, nhân giấu ấn của Tiên đế, đã dâng thư cho nhà Hán xin lập bà họ Cù làm hoàng hậu, con trai Hưng làm Thái tử. Nhà Hán nhiều lần sai sứ giả dụ Minh Vương vào triều. Minh Vương đã cáo bệnh không chịu nghe theo. Đến khi con trai Hưng đã lập tôn bà họ Cù làm hoàng hậu.
Nguyên khi bà họ Cù chưa lấy Minh Vương, bà thường đi lại với Thiếu Quý An Quốc người Bá Lăng. Năm Nguyên Đỉnh thứ 4 đời Vũ Đế nhà Hán đã sai Thiếu Quý đến dụ Hưng và hoàng hậu Cù Thị vào triều. Đến khi sang nước Việt, Thiếu Quý lại tư thông với bà. Người trong nước biết chuyện đó, nhiều người không ủng hộ. Cù Hậu tức giận, muốn dựa vào thế nhà Hán, nhiều lần khuyên Hưng và các quần thần quy phục. Thế rồi nhân sứ giả nhà Hán đến, liền dâng thư xin được theo qui chế đối với các nước chư hầu ba năm một lần triều cống, vua nhà Hán chấp thuận, liền ban ấn bạc cho Hưng và Thừa tướng Lữ Gia. Năm sau, Hưng và và Cù Hậu đã sắm sửa hành trang của cải châu báu đầy đủ để nhập triều.
Lúc đó, Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã cao, làm Thừa tướng trải qua ba triều, tôn tộc đều làm trưởng lại đại thần, tất cả hơn 70 người. Con trai thì lấy công chúa, con gái đều gả cho con em các nhà vương gia. Ngày ấy, họ Lữ giữ quyền rất lớn, người trong nước tin theo, còn lớn hơn cả người theo vua Triệu. Lữ Gia đã nhiều lần can ngăn Hưng không nên qui phục nhà Hán, nhưng Hưng không nghe, nên đã nhiều lần cáo bệnh không muốn gặp sứ giả.
Sứ giả nhà Hán đều để ý đến Lữ Gia. Cù Hậu bèn bầy tiệc rượu mời sứ giả nhà Hán đến, âm mưu trừ khử Lữ Gia. Sứ giả đến uống rượu, các đại thần đều đến uống rượu. Sứ giả ngồi phía đông, Cù Hậu ngồi ở phía Nam, Hưng và các tướng đều ngồi ở phía Tây. Em trai Lữ Gia là Lữ Cường làm tướng, đem binh sĩ đến ở ngoài cung.
Khi rót rượu, Cù Hậu nói với Lữ Gia rằng: “Nam Việt nội phục nhà Hán là có lợi, tướng quân không muốn là cớ làm sao?”. Nói vậy là có ý khích sứ giả nhà Hán, nhưng sứ giả hồ nghi nhìn nhau không dám chống cự.
Lữ Gia thấy xung quanh không có tai mắt của mình liền bỏ ra ngoài. Cù Hậu tức giận muốn cầm mâu đâm Lữ Gia, nhưng Hưng cản lại. Lữ Gia đi ra, sai em trai mang quân đến phủ đệ riêng ở Trúc Viên Sài Sơn, cáo bệnh không gặp sứ giả.
Cù Hậu muốn giết Lữ Gia nhưng không giết nổi. Hán Vũ Đế cho rằng: “Hưng và Cù Hậu đã quy phục, chỉ còn Lữ Gia là không chịu nghe theo, nên không muốn mang quân sang đánh, muốn sai tướng là Trang Sâm mang 2000 quân đi sứ.
Trang Sâm nói: “Nếu có ý tốt thì mang vài người là đủ, còn nếu dùng vũ lực mà đem 2000 người thì chẳng làm gì được”. Tướng ở Tế Bắc là Hàn Thiên Thu hăng hái nói rằng: “Chỉ có nước Nam Việt bé tí tẹo thế, lại có thêm Hưng và Cù Hậu làm nội ứng rồi, thì thần chỉ xin đem theo 300 dũng sĩ sang sẽ bắt được Lữ Gia đem về đền ơn vua”. Thế là nhà Hán liền cử Hàn Thiên Thu và em trai Cù Hậu là Cù Lạc đem 2000 quân sang đất Việt.
Thừa tướng Lữ Gia liền ban lệnh cho dân cả nước rằng: “Vua Triệu nhỏ tuổi, Cù Hậu vốn là người Hán, đã từng dâm loạn với sứ nhà Hán, chỉ muốn nội phụ nhà Hán, lại mang tất cả bảo khí của Tiên Đế để sang cống vua Hán để lấy lòng, lại sai tôi tớ đem vàng bạc đến Trường An bán kiếm lời. Họ chỉ giữ mối lợi nhất thời, chẳng đoái hoài đến giang sơn xã tắc nhà Triệu”. Thế rồi sai tướng đến đánh, giết chết cả Hưng, Cù Hậu và sứ giả nhà Hán. Lại cho người đến nói với Tần Vương ở Thương Ngô, xin cho lập con cả của Triệu Minh Vương là Kiến Đức làm vua Nam Việt.
Kiến Đức lên ngôi thì Hàn Thiên Thu đem quân đến xâm phạm bờ cõi, phá tan mấy làng ấp. Lữ Gia liền mở đường, cấp lương cho binh sĩ, đặt đồn lũy đến tận Phiên Ngung dài 40 dặm, đem quân đánh giết chết Hàn Thiên Thu, treo cờ tiết nhà Hán lên trên ải. Sau đó lại chất đá làm cửa, chống lại quân Hán. Nhà Hán sai Lâu Thuyền tướng quân đến chặn giữ các nơi hiểm yếu, lại sai bọn Lộ Bác Đức, Dương Bộc đem mấy vạn quân đến công phá cửa đá, đánh bại quân Việt. Kiến Đức và Lữ Gia đem mấy trăm quân đi thuyền chạy ra biển. Thế là nhà Triệu đã bị bọn Lộ Bác Đức, Dương Bộc dẹp yên.
Tương truyền, Lữ Gia đánh nhau với quân Hán, bị thua lại bị quân Hán chém cụt đầu. Ngài vẫn ngồi trên lưng ngựa, chạy mãi đến địa giới xã Đăng Khôi huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản), gặp đám phụ nữ đi qua, họ đều nói: “Xưa nay người không có đầu lại có thể sống được chẳng?”. Thế là Người liền ngã ngựa mà hóa. Ngài rất linh thiêng, các đời vua đều phong tặng, trong đó có ý tán thán rằng: “Lữ Nam Đế đã tỏ rõ tài năng dám chống lại nhà Hán”.
Người đời sau từng ca ngợi: “Riêng một mình chẳng coi được ấn tín nhà Hán làm vinh hạnh, nên rõ ràng không thuận tiện cho kẻ quy phụ, thế thì há bảo là không trí được chăng? Chém Thiếu Quý diệt Thiên Thu bỏ cờ tiết nhà Hán, chiếm cứ nơi hiểm yếu, như thế há bảo rằng không dũng mãnh hay sao? Phế một vua lập một vua, chỉ biết thờ con cháu Vũ Đế, giữ gìn xã tắc nhà Triệu, sống chết vì đất nước, như thế há bảo rằng không có nghĩa được hay sao?”.
Từ xưa đến nay nhân dân các nơi thờ phụng rất là tôn kính, hễ có cầu khấn điều gì đều rất linh nghiệm.

Nguyên văn:

山西省國威府栗柴總多福社玉譜古籙

呂南帝事跡

神姓呂諱嘉寧山(黎莊尊時改為安山縣)天福人(今改多福)仕趙文王朝至明王即位拜太傅初明王為太子時入質於漢居長安娶邯郸樛氏女生子興及明王即位因藏先帝璽上書於漢請立樛氏為皇后興為世子漢数遣使者誘明王入朝王稱病不朝從子興立尊樛氏為皇后原樛氏未嫁明王時常與伯陵人安國少季通漢武帝元鼎四年使少季来誘興及樛后入朝少季至後與後私通國人知之多不附樛后后怒欲倚漢威数勸興群臣求內附即因使者上言請此內諸侯三歲一朝漢帝許之錫興與丞相呂嘉銀印次年興及樛后知飭治行装重宝為入朝
其时丞相呂嘉年老歷相三朝尊族仕官為長史者七十餘人男皆尚公主女皆嫁王之子弟及槍梧秦王有連親壻也其㞐國中甚重國人信之多為耳目者得眾心愈於王嘉数諌興勿內附弗咱因称病不見漢使者使者皆注意嘉樛后乃置酒介漢使隂謀欲誅嘉使者飲大臣皆視坐飲使者東鄉樛南鄉興與将相皆西鄉嘉弟呂強為将将卒居宮外行酒后謂嘉曰
南越內附國之利也而相君不更者何也以意激漢使使者弧疑相顧遂莫敢抗嘉見耳目非是即出后怒欲縦嘉以矛興止之嘉遂出分其弟兵仍就柴山竹園私第称病不見使者后欲誅嘉而力不能
漢武帝以為興及樛氏已內附獨嘉不咱命不足興兵欲使将莊参以弍千兵往使莊参曰以好往数人足矣以武往二千人無以為也濟北将韓千秋奮曰以一區區之越又有興及樛后內為應願得勇士三百人必蒦嘉以报於是漢使韓千秋興樛后弟樛樂以弍千人往入境丞相嘉遂不令國中趙王年少樛后本漢人又與漢使乱專欲內附尽持先帝器入献于漢以自媚多縱人行至長安慮賣以為重僕自守一時之利無願趙氏社稷為萬世計慮之意乃與其弟将卒攻興遂殺興及樛后尽殺漢使者遣人先說槍梧秦王及諸郡邑立明王長子衛陽侯建德為王建德即立而韓千秋引兵入境破数小邑嘉乃開道給良未至番禺四十里出兵撃韓千秋等滅之使亟封漢使節置塞上人積石為門以抗漢楼船發兵守要害處漢使博德楊僕等将𢼂萬進兵破石門敗之建德及嘉興𢼂百人夜奔入海以船西去而趙已為博德楊僕等所平矣
世傳以為嘉與戰漢不利䘮其首猶騎馬奔至天本縣(今務本縣)登灰社諸村婦女皆言古今豈有無首而生者遂墜馬為死稔著靈異歷代封曰呂南帝盖表其能與北敵抗也後人称之曰獨不漢印為荣確然求內附為不便不可謂非智誅少季滅千秋亟封漢印㨿守要害攄先王之忄憤於九泉不可謂非勇癈一君立一君惟知事武帝子孫趙氏社稷死生以之遑悔其他不可謂非義從来北方之民歲時奉祀祈禳無不靈驗焉

La Thành và các vị thành hoàng Thăng Long

Truyện sông Tô Lịch trong Lĩnh Nam chích quái có một dị bản mở đầu như sau:
Nước ta có người họ Tô tên Lịch xưa ở Long Đỗ, nay là mé ven sông, ba đời sống nhân nhượng với nhau. Đời Tấn được cử làm chức hiếu liêm, cắm cờ ở trước cổng xóm, vì vậy người đời bèn gọi xóm ấy là xóm Tô Lịch.
Sau đó truyện nói: Thần chính là vị đại vương của cả quốc gia vậy.
Thử xem trong lịch sử nước ta, vị nào ở Long Đỗ, sống đức độ, khoảng đời Tấn làm chức hiếu liêm và được coi là “đại vương” của cả quốc gia. Vị quan chủ quản có đức độ thời Tấn là Đào Hoàng. Tuy nhiên, khả năng cao hơn thần Tô Lịch ở đây là Sĩ Nhiếp, người đã nhiều đời (từ thời cha là Sĩ Tứ đã là thái thú quận Nhật Nam) sống có đức, lại giỏi về văn (chức hiếu liêm). Đặc biệt Sĩ Nhiếp từng được nhà Ngô phong là Long Độ đình hầu, Long Độ sau đổi thành Long Đỗ (do kỵ húy). Vị “hầu tước” này được sử Việt gọi là Sĩ Vương, đúng là bậc “đại vương của cả quốc gia” vậy.
Truyện sông Tô Lịch chép tiếp:
Đời Đường Mục Tông Lý Nguyên Gia làm quan đô hộ, giữ đất Long Biên. Lý cho rằng phía Bắc thành có dòng nước chảy ngược, sợ dân hay sinh lòng phản nghịch nên chọn đất khác định chuyển La Thành sang vời sông Tô Lịch, bèn khấn mời Tô Lịch làm thần chủ giữ thành rồi xin lập đền thờ cúng.
Nửa đêm, Lý Nguyên Gia nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Ta vâng mệnh sứ quân làm chủ thành này, nếu như ta có thể giáo hóa được dân chúng trong thành trở nên có trung hiếu thì xin hãy lập đền thờ”. Nguyên Gia xin vâng.
Từ đó dân không có lòng phản nghịch. Lý bèn xây thành nhỏ để ở lại lập đền thờ phụng.
Đoạn truyện trên cung cấp một thông tin rất quan trọng: La Thành vốn ban đầu không ở vị trí sông Tô Lịch ngày nay. Tới thời Đường Mục Tông thành mới được chuyển về và xây một thành nhỏ bên sông Tô Lịch. Vậy La Thành trước đó nằm ở đâu?
Thông tin trong chính sử về La Thành thời Sơ Đường rất rối rắm. Đại Việt sử ký toàn thư lúc thì chép năm 767 thời Đường Túc Tông Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đánh tan quân Chà Và và Côn Lôn đến cướp châu thành, rồi đắp lại La Thành. Nhưng lại chú là theo sách Nguyên Hòa quận huyện chí thì năm này Trương Bá Nghi bỏ thành cũ mà xây lại thành ở chỗ mới ở phía Bắc cách sông Tô Lịch 200 thước. Nhưng đúng hơn thì việc La Thành được chuyển về sông Tô Lịch xảy ra vào thời Lý Nguyên Gia sau đó.
Đoạn sau Đại Việt sử ký toàn thư chép về Lý Nguyên Gia:
Đường Nguyên Hòa năm thứ 4 (819) mùa đông tháng 10 đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo mà mất lòng dân chúng. Tướng của Tượng Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man ở Hoàng Động. Thanh nhân thấy lòng người oán giận Tượng Cổ ban đêm quay về đánh úp lấy châu, giết Tượng Cổ (Thanh là người Giao Châu, Tượng Cổ là người tôn thất nhà Đường). Đường Đế chiếu cho Quế Trọng đánh Thanh không được. Thanh vào trong người Man Lão để làm loạn, cướp phá phủ thành. Đô hộ là Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến. Do đấy người Man Hoàng Động dẫn người Hoàn Vương vào cướp.
Hoàng Động nơi người Man nổi loạn, giết quan độ hộ nhà Đường là ở đâu không rõ, nhưng rõ ràng rằng nơi này không xa châu thành (La Thành) vì Dương Thanh “ban đêm quay về đánh úp” Lý Tượng Cổ. Rất có thể Hoàng Động là ở vùng Sơn Tây ngày nay.
Người Man Lão ở Sơn Tây đã liên kết với người nước Hoàn Vương, tức là với người ở phía Nam (Hoàn Vương là tên nước của vùng phía Nam sau khi Lâm Ấp bị nhà Tùy tiêu diệt). Nhà Đường cử một vị tôn thất khác là Lý Nguyên Gia (Lý là họ của vua Đường) sang làm đô hộ, nhưng cũng không dẹp được.
Việc nổi loạn của người Man và sự tấn công của Hoàng Vương chính là lý do mà Lý Nguyên Gia buộc phải rời bỏ trị sở cũ Tống Bình – La Thành sang nơi mới gần sông Tô Lịch. Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đóng ở thành ngày nay.

IMG_6219
Mộ gạch cổ dưới đình Quán La.

Dòng “nước chảy ngược” này không phải là sông Tô Lịch, mà là sông Thiên Phù, xưa là một nhánh sông Hồng chảy từ quãng khu vực Phú Thượng qua vùng phía Tây Bắc hồ Tây. “Nước chảy ngược” là ý chỉ việc ngập lụt, nước dâng cao. 2 sự việc ngập lụt và loạn dân được “thần thoại hóa” thành chuyện Long Quân dâng nước tiêu diệt con cáo chín đuôi ở Hồ Tây trong Truyện Hồ Tinh của Lĩnh Nam chích quái. Di tích của truyện này nằm ở khu vực Xuân La, Nhật Tảo bên Hồ Tây là đình Quán La (nơi có “hang cáo” – mộ cổ thời Lục triều), chùa Khai Nguyên (nơi thờ Đường Huyền Tông) và chùa Thiên Niên (nơi Huyền Thiên Trấn Vũ lập đàn diệt Cửu vĩ hồ). Như vậy, rõ ràng là châu thành trị sở thời Sơ Đường của An Nam nằm chính ở đây, bên dòng sông Thiên Phù (sông Già La), phía Tây Bắc của Hồ Tây. Tới Lý Nguyên Gia do nạn lụt lội và loạn người Man nên mới dời về vị trí mới ở phía Nam Hồ Tây bên sông Tô Lịch.
Khi Lý Nguyên Gia dời thành đã lấy Tô Lịch làm vị thần phù trợ cho La Thành. Ban đầu La Thành vốn mới là một thành nhỏ. Tới năm Hàm Thông đời Đường Ý Tông, quân Nam Chiếu làm loạn. Vua Đường sai Cao Biền sang dẹp, đặt ra quân Tĩnh Hải, sai Biền làm Đô hộ sứ. Biền xưng vương, đóng quân trong phủ.
Thần Tô Lịch sau đó hiển linh khi Cao Biền xây thành lớn hơn ở đây. Lý do xây thành lớn, gọi là Đại La là vì Cao Biền đã thắng lợi trong việc đánh dẹp người Man – Nam Chiếu, việc mà các tôn thất nhà Đường như Lý Nguyên Gia, Lý Trác không làm được. Cao Biền khi đó đã tôn thần Tô Lịch – Long Đỗ làm đô phủ thành hoàng của thành mới Đại La.

IMG_5934
Đình Trích Sài.

Như thế tên thần Tô Lịch là vị thần do Lý Nguyên Gia tôn thờ khi dời thành. Còn thần Long Đỗ là tên thời Cao Biền. Sau đó tới thời Lý xuất hiện thêm một tên gọi nữa là thần Bạch Mã:
Đến đời Lý Thái Tổ, khi vua dời đô về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, muốn mở rộng phủ thành nhưng đắp thành xong đều bị lở, bèn cử người tới cầu thần. Đêm đó, vua nằm mộng thấy thần đến chúc mừng rồi dặn nhà vua cứ theo dấu vó ngựa đắp. Có con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông, trở về điểm xuất phát rồi biến vào đền. Nhà vua y lời thần, bèn cho đắp thành xây lũy theo vết chân ngựa để lại, xây đến đâu chắc đến đấy. Lý Thái Tổ sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương, tức Thành hoàng của cả thành Thăng Long. Ngôi đền này vì thế cũng được gọi là đền Bạch Mã.
Đền Bạch Mã nay nằm ở trong khu phố cổ Hà Nội trên phố Hàng Buồn, là ngôi đền trấn Đông của Thăng Long. Việt Điện u linh chép:
Đến đời Lý Thái Tông, cho mở phố chợ về Cửa Đông, dân cư buôn bán tấp nập, chen chúc huyên náo sát tới tận bên đền. Vua muốn dời đền đến chỗ thanh tịnh khác, nhưng rồi lại bảo: “Xưa lập ở đây, nay không nên dời đi chỗ khác”; mới đem sửa sang lại đền, liền với các nhà ngoài phố, nhưng vẫn để một khoảng làm nơi thờ thần. Đến đêm, thần hiển linh nổi trận gió bấc rất to, cả dãy phố đều đổ, duy chỉ có đền thờ thần vẫn nguyên vẹn. Vua lấy làm lạ hỏi, có người biết, tâu lại chuyện hiển linh của thần từ trước. Vua mừng nói: “Đó thật là vị thần coi việc nhân gian”, xuống chiếu cho sửa lễ tế đền, cho thần hưởng lộc cứ đến mùa xuân lại đến làm lễ cầu phúc. Vua lại sắc phong thần làm Quảng Lợi vương. Ở phố chợ Cửa Đông, ba lần phát hỏa, các nhà trong phố đều bị cháy, duy chỉ có chỗ đền thờ thần, lửa không bao giờ lấn tới.

P1010759
Tiền tế đền Bạch Mã.

Câu đối đền Bạch Mã:
Hiển hách thần uy, nhất trận linh phong đằng bảo mã
Huy hoàng hỏa đức, thiên thu vượng khí trấn Thăng Long.
Khu vực này còn có nhiều nơi khác thờ thần Tô Lịch, Long Đỗ, Bạch Mã như đình Thái Cam ở phố Hàng Vải. Đình này còn có tên là đền Tân Khai thờ 3 vị thần của Thăng Long là Tô Lịch, Bạch Mã và Thiết Lâm. Hai vị thần Tô Lịch và Bạch Mã và Tô Lịch đã bàn ở trên. Còn thần Thiết Lâm tương truyền là thần của vùng rừng lim bên Hồ Tây.
Đối chiếu với câu chuyện về Hồ Tây ghi về đình Trích Sài:
Vùng Hồ Tây là một rừng lim rậm rạp, có nhiều gò núi, có con cáo 9 đuôi đã tu luyện thành tinh, luôn thay hình đổi dạng hại dân quanh vùng… Sau nhờ thần tiên giúp sức trừ được yêu quái, rừng lim bỗng sụp xuống thành hồ, gọi là hồ Xác Cáo.
Tên Trích Sài cũng có nghĩa là lấy củi, cho thấy vùng này vốn là khu rừng. Như thế thần Thiết Lâm (rừng lim) là vị thần của phía Tây Bắc hồ Tây, gắn với chuyện diệt con Cửu vĩ Hồ. Vùng này xưa gọi còn gọi là bến Lâm Ấp. Vị thần diệt Cáo là Huyền Thiên Trấn Vũ nên khả năng thần Thiết Lâm cũng là thần Huyền Thiên.

 

IMG_4518Hoành phi ở đình Tân Khai: Long Đỗ Chung Linh.

Câu đối ở đình Tân Khai:
Đại La thành nhất đái giang sơn, Long Đỗ chí kim do thắng tích
Tứ vọng tự lũy triều hương hỏa, Lạc Đô chung cổ độc anh thanh.
Dịch:
Thành Đại La một dải núi sông, Long Đỗ tới nay còn thắng tích
Thờ Tứ trấn các triều hương lửa, Lạc Đô từ cổ nổi tiếng thiêng.
Tóm lại, La Thành ban đầu ở phía Tây Bắc hồ Tây với vị thần Thiết Lâm là thần Huyền Thiên đã diệt trừ con cáo chín đuôi. Tới thời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Gia sợ lụt lội và loạn dân đã chuyển La Thành về gần sông Tô Lịch, lập Tô Lịch làm thần. Cao Biền thắng được quân Nam Chiếu cho xây thành lớn hơn gọi là thành Đại La, lấy thần Long Đỗ là chính khí của thành. Thời Lý dời đô về đây xây thành được thần hiện lên giúp đỡ, phong thần Bạch Mã làm đô thành hoàng.