Con Rồng cháu Tiên ở… Myanmar

Myanmar là một quốc gia Phật giáo nổi tiếng với những ngôi chùa tháp, tượng Phật vàng khổng lồ và các dấu chân, xá lợi Phật như ở các thành phố Yagon, Mandalay … Thế nhưng ở Myanmar vẫn không khó nhận ra một lớp văn hóa bản địa truyền thống, không phải Phật giáo hay Ấn Độ giáo, mà lại là những nét văn hóa rất… Việt.
Trước hết phải nói về người Karen, là nhóm dân tộc tới nay vẫn còn dùng trống đồng ở Myanmar. Người Karen sống tập trung ở 2 bang Kayah và Kayin, là dân tộc lớn thứ ba của Myanmar, chiếm 7% dân số của nước này. Thực tế về nhóm người ở Myanmar dùng trống đồng có thể làm cho nhiều người phải ngỡ ngàng đặt câu hỏi, vậy những người dân này có liên hệ thế nào với nền văn hóa trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam?

Trong dong Myanmar 1

Trống đồng ở Myanmar.

Trống đồng Karen thuộc loại trống đồng loại Heger III có trang trí là hình mặt trời ở trung tâm và nhiều vòng tròn đồng tâm với các mô típ chính là cá và chim. Trên mặt trống ở 4 góc là hình những con cóc chồng lên nhau, thường là 3 tầng. Do đó, loại trống này còn gọi là trống cóc (frog drum).
Trống đồng là nhạc cụ được người Karen rất coi trọng, sử dụng trong các buổi cúng lễ để gọi hồn tổ tiên về chứng giám các đám cưới, đám tang, mừng nhà mới hay để xua đuổi tà ma. Người Karen cũng tin rằng trong trống đồng có các linh hồn ngự trị nên họ cất giữ trống cẩn thận và phải làm lễ cúng trống nếu mặt trống bị thay đổi biến dạng.

Hinh tren trong dong Myanmar

Hoa văn trên trống đồng Myanmar.

Người Karen cũng thường để các đồ quý giá trong trống đồng và chôn cất ở nơi kín đáo, tin rằng đó là những của mà sau khi họ chết sẽ đem theo. Tục chôn trống đồng cùng với người chết cũng từng gặp ở người Karen, cho những thủ lĩnh của bộ tộc.
Trống đồng còn là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực đối với người Karen. Thậm chí bang Karenni (một bang nhánh của người Karen trước đây) dùng hình ảnh mặt trống đồng làm biểu tượng trên lá cờ của mình.

Co KarenniCờ của người Karenni.

Người Karen có truyền thuyết nói rằng họ xuất phát từ một vùng “sông cát bay” (river of running sand). Người ta cho rằng đó là nói tới sông Hoàng Hà ở Trung Quốc. Nhưng với nền văn hóa trống đồng sâu sắc vẫn còn tới nay như vậy thì người Karen không thể nào khởi nguồn từ vùng sông Hoàng Hà được. Nhóm dân tộc này chắc chắn có khởi nguồn ở khu vực văn hóa trống đồng tại Đông Nam Á. Vùng “cát bay” ở “Trung Quốc” cổ đại có thể là vùng miền Trung Việt vì nước Việt cổ chính là Trung Hoa.
Một nhóm người Karenni được biết đến nhiều nhất là nhóm người cổ dài Kayan, nổi tiếng bởi tục đeo các vòng đồng ở cổ. Những người phụ nữ Kayan quấn các vòng đồng quanh cổ từ khi còn nhỏ. Có truyền thuyết cho rằng những chiếc vòng cổ này là tượng trưng cho cổ rồng.

Nguoi Kayan

Phù điêu phụ nữ người Kayan với những chiếc vòng đồng trên cổ, cổ tay và cổ chân.

Người cổ dài Kayan không chỉ đeo các vòng đồng ở cổ mà ở cổ tay, cổ chân họ cũng đeo những chiếc vòng này. So sánh thì tục đeo vòng ở cổ tay cổ chân rất tương đồng với những chiếc vòng đồng trong văn hóa Đông Sơn.
Tín ngưỡng của người Kayan cho rằng dân tộc mình được hình thành do kết quả sự kết hợp giữa mẹ rồng (a female dragon) và cha tiên (a male angel). Họ được sinh ra từ một trong những quả trứng của rồng. Truyền thuyết khởi nguồn này của người Karen chỉ rõ mối liên hệ nguồn gốc trực tiếp với người Việt cổ, cùng là dòng giống Rồng Tiên, dùng trống đồng, vòng đồng.
Trong truyền thuyết Việt, Cha Tiên lấy Mẹ Rồng là chuyện Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Phải chăng người Karen là một nhánh tộc từ thời mở sử Việt này đã di cư về phía Tây?

4-1463545283_1200x0

Vòng ống chân ở di chỉ Làng Vạc, Nghệ An (Ảnh internet).

Hình tượng rồng trong văn hóa Myanmar tới nay còn rất phổ biến. Các bức chạm khắc gỗ hình rồng, hình chim phượng được dùng để trang trí khách sạn, công sở, gia đình ở nhiều nơi. Hình rồng còn dùng trong tạo hình các giá đỡ cho các bộ cồng chiêng. Cồng chiêng cũng là nhạc cụ và văn hóa phổ biến ở Myanmar.
Doi rong

Chạm gỗ hương hình rồng đỡ cồng ở Myanmar.

Con rồng ở Myanmar còn biến thể thành một loài linh thú đầu sư tử, sừng và chân hươu, vòi và ngà voi, thân và đuôi cá, cánh chim. Biểu tượng linh thú này dùng phổ biến trong các trang trí chùa đền, ngai vàng… ở Myanmar.

Cong chieng MyanmarHình mẫu một bộ giá cồng chiêng với linh thú dạng rồng ở Myanmar.

Một liên hệ khác của tộc người tại Myanmar với lịch sử Việt là nhóm người Shan. Người Shan ở Myanmar thuộc nhóm Tai-Kadai, là dân tộc lớn thứ hai ở nước này, chiếm 9% dân số. Bang Shan là bang có diện tích rộng nhất Myanmar, nằm ở phía Đông của nước này.

Ban do dan toc Myanmar

Bản đồ phân bố các nhóm dân tộc ở Myanmar
(Màu đỏ là nhóm Karen. Màu xanh xám là nhóm Shan).

Người Shan thuộc nhóm Tai Luang hay Tay Yai (Thái Lớn). Hiện người ta cho rằng người Shan di cư đến từ Vân Nam từ trước thế kỷ 10. Đối chiếu lịch sử các quốc gia Đông Nam Á có thể nhận ra rằng bang Shan chính là 1 trong 7 “chiếu” hình thành dưới thời Khun Borom hay Bố Cái đại vương Phùng Hưng ở thế kỷ 8. Khun Borom là vị vua đầu tiên khởi dựng nước Nam Chiếu dưới thời nhà Đường và được coi là ông tổ của người Thái Lào.
Theo sử Thái – Lào thì một hoàng tử của Khun Borom là Khun Lok Klom đã được cử tới Muang Hongsa (Mường Hồng Sa?) thuộc đất Myanmar ngày nay. Nguồn gốc của người Shan như thế không phải từ Vân Nam mà là từ vùng Tây Bắc Việt Nam vì Khum Borom đầu tiên lập thủ phủ ở Mường Then, nay là Điện Biên của Việt Nam.

Bang Shan

Vị trí 7 chiếu dưới thời Khun Borom (Nam Chiếu).

Kiến trúc của người Shan còn để lại đáng kể những cụm di tích với hàng ngàn ngôi tháp tương đối nhỏ thờ Phật tại khu Indein cạnh hồ Inle hay ở thủ phủ Shan tại Taunggyi. Những trang trí trên các tháp này khá tương đồng với người Chăm ở Việt Nam, với nổi bật các hình chim và nét cong như tượng người chim (Kinnari), hình chim công, hình vũ nữ… Những trang trí tương tự có thể thấy trên các kiến trúc thời Lý Trần cùng thời ở Việt Nam.
Kinnari

Trang trí người chim và chim vẹt trên mái một ngôi tháp ở Indein, cố đô của tộc Shan.

Như thế 2 nhóm dân tộc lớn thứ hai và thứ ba của Myanmar là Shan và Karen đều có mối liên hệ với người Việt. Có thể coi nhóm Karen là dòng giống Rồng. Còn nhóm Shan là giống Tiên (Chim), là 2 nhánh của một nền văn hóa cổ con Rồng cháu Tiên xưa.

Rong phuong

Chạm gỗ Rồng – Phượng ở Mandalay.

Bốn con Nghê

Con Nghê, loại hình thú biểu tượng “thuần Việt” trong mỹ thuật và văn hóa truyền thống, là con gì, có nguồn gốc xuất xứ thế nào, vẫn là câu hỏi đặt ra đối với các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tới bản sắc văn hóa Việt. Đã có nhiều lý giải về hình tượng Nghê trong văn hóa Việt nhưng hiện vẫn chưa bao quát hết được ý nghĩa của hình tượng này, cũng như chưa xác định được loại hình và công dụng cụ thể của hình tượng Nghê khi ứng dụng.
Có thể thấy mặc dù cùng có tên gọi là Nghê nhưng có nhiều hình tượng Nghê gặp ở nhiều khía cạnh ứng dụng khác nhau. Việc “đơn giản hóa” tên gọi Nghê chung vào 1 loại hình dẫn đến loại bỏ những loại hình ứng dụng khác của Nghê, làm cho khái niệm Nghê trở nên không xác định, không có quy tắc cụ thể khi áp dụng. Vì thế, việc phân biệt, phân loại các loại hình Nghê khác nhau sẽ giúp làm rõ hơn hình tượng này cùng công dụng và nguồn gốc của nó.
Bài ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa nói tới con Nghê trong các công trình kiến trúc (cửa, nhà, cầu, quán):

Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay.
Cắt kèo và lựa đòn tay.
Bào trơn, đóng bén, khéo thay mọi nghề.
Bốn cửa anh chạm bốn nghê,
Bốn con nghê đực chầu về tổ tông.

Lấy cảm hứng từ bài ca dao này, xin đưa ra 4 loại hình Nghê chủ yếu gặp ở nước ta.
1. Đầu tiên và có lẽ cũng là cổ xưa nhất là hình tượng Kim Nghê. Kim nghê 金猊là 1 trong số những đứa con của rồng, được dùng trên nắp các lư hương vì tin rằng loại thú này thích hương khói. Nguyên mẫu của Kim nghê như đã được bàn trước đây là hình Hổ trên nắp đồ đồng Thương Chu. “Kim” đây chính là kim loại, chỉ loại hình Nghê trên các vật dụng kim loại (đồng, sắt). Hổ – hỏa, là ngọn lửa nên hình tượng này gắn với hương khói, đồ đựng nóng. Tới nay Kim nghê trên lư hương đã chuyển thành dạng hình Sư tử, nhưng vẫn giữ vị trí là tay cầm của nắp vật nóng.

Kim-nghe-1024x934

Hình hổ – Kim nghê trên nắp đồ đồng thời Chiến Quốc.

2. Loại Nghê thứ hai là Toan Nghê, tức là Sư tử. Toan nghê 狻猊 hiểu đơn giản là con Nghê to khỏe. Vì Nghê ban đầu là con Hổ như ở loại Kim Nghê nên con Hổ rất khỏe là ám chỉ loài Sư tử. Có thể đây là tên gọi để chỉ loài Sư tử bởi vì loài Sư tử không hề sinh sống ở khu vực Đông Á, người xưa buộc phải dùng tên một loài vật đã biết để gọi cho nó.
Xếp vào nhóm Nghê sư tử này là các bệ đỡ tượng Phật hình Sư tử. Bản thân công năng dùng trong tượng Phật cũng xác định đây là hình tượng “ngoại lai” từ Trung Á (Ấn Độ). Nhóm Toan nghê do đó chỉ có thể thể hiện dưới dạng hình Sư tử, chứ không có các biến tướng khác.
Thời điểm xuất hiện Sư tử trong văn hóa phương Đông có lẽ gắn liền với sự du nhập của Phật giáo. Ở nước ta văn bia và điêu khắc đá thời Lý có ghi nhận về loại “Sư tử nghê đài” này.

Su-tu-da-chua-Phat-Tich-1024x683

Sư tử đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

3. Loại Nghê thứ ba là Nghê chầu, là loại hình Nghê phong phú và phổ biến trong văn hóa truyền thống Việt. Ca dao có câu:

Mỗi người đều có một nghề
Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.

“Nghề” của con Nghê là chầu. Công năng làm con vật đứng chầu xác định cách thể hiện hình tượng Nghê này. Con thú chầu này có thể là bất cứ loài vật gì: Kỳ lân, Sư tử, Chó, Rồng, thậm chí đến cả Cá, cũng có thể thể hiện thành Nghê khi nó có chức năng “chầu”. Do đó mới có các loại Kỳ lân nghê, Sư tử nghê, Long nghê, Khuyển nghê, rồi có thể cả Ngư nghê.
Đặc điểm của Nghê chầu là đứng ngay ngắn, nghiêm trang, quay mặt về phía trong nơi có đối tượng thờ cúng. Chữ “nghê” lúc này tương đương với chữ “ngay”, “ngây” hay “nghiêm”. “Ngay nghê” hay Nghê chầu thường được “ăn mặc” (trang trí) một cách nghiêm trang, lộng lẫy bởi các đao lửa, bờm, râu bay bốc…
Hình tượng Nghê chầu có lẽ xuất hiện vào đầu thời Lê vì các di vật khảo cổ Lý Trần chưa tìm thấy dạng con vật chầu nào cả. Cũng vì vậy mà Nghê chầu là “đặc sản” thuần Việt, không gặp trong văn hóa Trung Quốc như Kim Nghê hay Toan Nghê.

Nghe-o-Thai-mieu-nha-Le-963x1024

Dàn Nghê chầu chực trước Thái miếu nhà Lê ở Thanh Hóa.

Nhân tiện nói thêm về câu thành ngữ truyền khẩu lưu truyền hiện nay trong mỹ thuật truyền thống: “Nghê chầu, chó trực”. Thành ngữ “chó trực” được giải nghĩa ở đây là chó thì đứng quay mặt thẳng ra ngoài. Tuy nhiên, câu từ vậy trong thành ngữ là không ổn. Trong thành ngữ này “chầu” là động từ, “trực” lại là tính từ. “Chầu” là từ Nôm, còn “trực” lại là từ Hán Việt.
Sự khập khiễng này cho thấy, câu trên đúng hơn phải là: “Nghê chầu, chó chực”. “Chầu chực” ghép lại mới thành một từ hoàn chỉnh. Chầu và chực cùng một loại từ (động từ) trong tiếng Nôm. Ý nghĩa của nó nghĩa là Nghê có chức năng là chầu, quay mặt hướng vào nơi được thờ. Còn Chó chỉ có chức năng là chực, quay mặt ra phía ngoài đón khách.
4. Còn một loại Nghê nữa gặp rất phổ biến nhưng hiện chưa được xếp thành một loại và bị đánh lẫn với Nghê chầu ở trên. Dạng Nghê này hãy tạm gọi là Ngô nghê vì cách tạo hình ngộ nghĩnh của nó. Đó là hình những con Nghê hình dạng như con chó, tuy đầu to miệng rộng, tai to hơn, gặp trong các mảng chạm khắc ở các đình làng. Những con Nghê này được thể hiện một cách sinh động, rất “dân gian”. Có lúc đó là hình ảnh con nghê ngủ, gãi tai, hay bầy nghê mẹ nghê con đang đùa giỡn. Có chỗ là nghê quay mông ra ngoài, có khi lòi rõ cả bộ phận sinh dục…
Loài hình Nghê này rõ ràng là biểu đạt cho hình ảnh của con người trong đời sống bình dân. Cũng vì thế nó được gặp nhiều trong các đình làng, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Trong khi nó ít được thấy hơn ở các đền miếu, là nơi thờ cúng, nơi mà loại Nghê chầu thực hiện vai trò của mình. Chữ “Ngô” cũng hay ở chỗ có nghĩa là “ta”, chỉ con người. Ngô nghê là biểu tượng hóa thân của người ta trong văn hóa.

Nghe-gai-tai-Van-Xa-300x205

Nghê gãi tai trên nóc đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam).

Loại Nghê dân gian mới là hình tượng được xem như đối lập với hình tượng Rồng – biểu tượng của vương quyền và thần quyền. Nghê đối lại với Rồng như dân đối lại với vua. Cũng vì thế cần phân biệt những hình chạm Rồng khi nhìn trực diện, đầu Rồng lúc này rất giống Nghê. Hoặc có chỗ thể hiện là Rồng con còn chưa phát triển thân, râu tóc đầy đủ, cũng dễ nhầm với Nghê. Sự khác biệt là hình chạm Nghê, thường là loại Ngô nghê – biểu tượng cho dân gian, nên sẽ không được trang trí cầu kỳ, diêm dúa bởi bờm, lông, mà thường có da trơn, hình đơn giản.

Rong-Nghe-Ung-Thien-1024x479

Mảng chạm Rồng – Nghê – Người ở đình Hoàng Xá (Vân Đình, Hà Nội).

Khác với Ngay nghê (Nghê chầu), Ngô nghê thường không đứng nghiêm một chỗ, hay quay mặt vào trong như Nghê chầu, mà rất sống động, đang chạy nhảy hay ngủ nghỉ. Ngô nghê có thể là nghê con hay nghê cái, trong khi Nghê chầu chỉ có thể là Nghê đực (như trong câu ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa ở trên).
Như thế ít nhất có 4 loại hình Nghê khác nhau với ý nghĩa biểu tượng và nguồn gốc xuất hiện khác nhau. Đối với mỗi một dạng công năng biểu tượng thì hình tượng Nghê cũng cần được thể hiện tương ứng, phù hợp.

Đôi điều về các thủy thần ở Phủ Lý Hà Nam

Thông tin giới thiệu đình Văn Xá thuộc thôn Văn Xá (Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam). Đây là một di tích được xếp hạng quốc gia, có nhiều chạm khắc gỗ đẹp.
Đình thờ nhị vị Thủy tề Long vương cùng song thân. Thần phả, sắc phong và truyền thuyết kể rằng, vào đời vua Lý Thái Tổ, ở Văn Xá, huyện Thanh Liêm có ông Cao Phúc kết hôn với bà Từ Thị Lang ở Văn Xá, huyện Nam Xang. Hai ông bà tuổi cao mà vẫn chưa có con. Một hôm, hai ông bà vớt được hai quả trứng trắng ngoài sông bèn đem về, 100 ngày sau nở ra 2 con rắn trắng, một con dưới bụng có chữ Câu Mang anh, một con có chữ Câu Mang em. Hai ông bà để nuôi và thương yêu như con đẻ.
Một năm ở Thanh Liêm trời làm dịch bệnh, hai ông Cao Mang làm mưa to gió lớn tẩy trừ dịch bệnh cho dân rồi làm ra một cái giếng sâu và đi mất. Tương truyền, cái giếng này ở Văn Xá, Nam Xang có mạch thông sang Văn Xá, Thanh Liêm. Dân Văn Xá, Thanh Liêm lập miếu thờ. Cũng năm đó lũ to làm đê vỡ, hai ngài Bạch Xà từ giếng ra, đầu gối bên này, đuôi chạm bên kia nằm chắn khúc đê vỡ để ngăn dòng nước chảy, sau hai ngài lại ra sông đi mất. Quan sở tại tâu lên triều đình, nhà vua phong cho hai ngài là Nhị vị Thủy tề Long vương, thân phụ là Văn Phúc đại Vương, thân mẫu là bà Từ Văn Lang công chúa. Năm sau ở Nam Xang lại có dịch bệnh. Từ bà hóa thành con nghê tới làm phép chữa bệnh cho dân. Dân Nam Xang lập miếu thờ…

Chinh dien dinh Van XaChính điện đình Văn Xá.

Câu đối ở đình Văn Xá:
神化是何年交接禮文猶然敘南舍外鄉青林内邑
民思到今日希奇事業如復覩黄雲捲霧洪水平流
Thần hóa thị hà niên, giao tiếp lễ văn do nhiên, tự nam xá ngoại hương, thanh lâm nội ấp
Dân tư đáo kim nhật, hy kỳ sự nghiệp như phục, đổ hoàng vân quyển vụ, hồng thủy bình lưu.
Dịch:
Thần hóa tự năm nào, lễ văn giao tiếp còn đây, tụ họp quán Nam ngoài làng, bầy yên trong ấp
Dân nhớ tới nay hiện, sự nghiệp lạ kỳ như vẫn, trông thấy mây vàng cuốn móc, nước Hồng lặng trôi.

IMG_6557.JPGHậu cung thờ Nhị vị thủy thần ở đình Văn Xá.

Sự tích về 2 vị con Mãng xà mang cái tên đầy “thần thoại” – Câu Mang không khỏi gây sự nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện. Ngay chính thủ từ của đình Văn Xá cũng gọi đó là thờ sự “linh ứng”, chư không nên tin vào điều phi khoa học.
Tuy nhiên, cái “lý” của truyền thuyết dân gian luôn có. Những câu chuyện được kể dù kỳ bí nhưng đều có nền tảng là những sự kiện nhân vật hiển hiện.
Câu Mang là một cái tên thần gặp khá nhiều, thậm chí trong thần thoại Trung Hoa cổ, chỉ Mộc thần hướng Đông. Còn ở Lý Nhân ngay trong phần giới thiệu ở trên cũng đã có những thông tin giải thích cái tên này:
– Mang = Mường, tương tự như địa danh Nam Xang là Nam Xương trong truyện Người thiếu phụ Nam Xương của Truyền kỳ mạn lục (nay còn có đền thờ ở Lý Nhân là đền Vũ Điện ở xã Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam). Mường nghĩa rộng là đất nước, chứ không phải chỉ là bản mường.
– Câu = Cao = Cả, chỉ thủ lĩnh, người đứng đầu.
Như thế Câu Mang = Cả Mường hay thủ lĩnh của đất nước. Hai vị thần Câu Mang là 2 vị thủ lĩnh tầm cỡ quốc gia.

IMG_7360.JPGNghi môn đình Công Đồng.

Cũng ở khu vực này còn có đình Công Đồng (thôn Tiên Lý, Đồn Xá, Phủ Lý, Hà Nam). Đình Công Đồng thờ ông Trương Minh và Liên Hoa công chúa có công đánh giặc Ân. 3 người con của 2 vị này là Trương Đức, Trương Hiền và Trương Bảo được thờ ở các ngôi đền nhỏ gần đình Công Đồng gọi là Đức thánh Cả, Đức thánh Hai và Đức thánh Ba. Đình Công Đồng cũng đã được xếp hạng di tích quốc gia, trong đình còn lưu được nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ và các mảng chạm khắc rất đẹp.

IMG_6652 (2).JPGChạm khắc ở đình Công Đồng.

Có thể thấy sự tích 2 ngôi đình Văn Xá ở Lý Nhân và Công Đồng khá tương đồng. Trương hay Trưởng cũng như Câu – Cao là những từ chỉ thủ lĩnh. Mô típ truyện các thủy thần sinh ra từ trứng ở khu vực này có thể quy chung về sự tích của vua cha Bát Hải Động Đình và các vị quan lớn trong Thoải phủ. Điển hình ở Hà Nam là nơi có đền Lảnh, nơi thờ chính của Quan lớn đệ Tam Thoải phủ tại huyện Duy Tiên.
Ngay cái tên “đình Công Đồng” cũng đã chỉ ra sự tích 3 vị thánh ở đây là các vị quan lớn của ban Công đồng trong Tứ phủ. Cha của các vị này chính là đức vua cha Bát Hải hay Lạc Long quân. Công chúa mẹ của các vị này là Mẫu Thoải hay Long nữ Động Đình.
Như vậy, truyện các vị thần Câu Mang ở Lý Nhân không phải xảy ra vào thời Lý, mà là thời Hùng Vương. Chữ Lý ở đây chỉ là từ chỉ vua nói chung, gần giống như chữ Hùng vì Lý = lửa, là mặt trời, ánh sáng, chỉ thủ lĩnh. Không rõ chữ “Lý” trong các địa danh Phủ Lý, Lý Nhân, Tiên Lý có phải cùng với nghĩa này không.

Hoanh phi dinh Van XaHoành phi “Lý đại phi anh” ở đình Văn Xá.

Truyền tích đình Công Đồng kể các vị thánh họ Trương giúp vua Hùng đánh giặc Ân. Giặc Ân đây không phải giặc Ân thời Phù Đổng thiên vương, mà Ân = Ơn là số 2, chỉ hướng Xích đạo. Lạc Long Quân cùng các vị quan lớn đã đánh giặc Thục, là dòng của Đế Nghi ở hướng Nam (nay) nên còn gọi là Ân. Sự tích đánh giặc Ân tương tự cũng gặp ở đền Đức thánh Cả Bột Hải đại vương tại Thái Đường (Ứng Hòa, Hà Nội).