Triệu Vũ Đế và núi Trâu Sơn

Cuốn sách Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử do Trung tâm nghiên cứu văn hóa minh triết vừa mới xuất bản tập hợp một số bài nghiên cứu của các tác giả có tiếng hiện nay bàn về vai trò của Triệu Đà trong sử Việt với ý muốn công nhận nhà Triệu là một triều đại chính thống trong sử Việt. Các bài viết này dẫn luận khá nhiều thông tin và tư liệu thành văn, khảo cổ, tín ngưỡng dân gian. Trong số đó đặc biệt đáng chú ý là thông tin của Bảo tàng Bắc Ninh về tục thờ Triệu Đà ở tỉnh này.
Theo thống kê của các tác giả Nguyễn Văn An và Lưu Ngọc Thành trong sách này tại tỉnh Bắc Ninh hiện còn lưu giữ được các sắc phong thờ Triệu Vũ Đế ở 2 khu vực. Một là ở 2 làng Song Tháp và Đa Vạn ở thị xã Từ Sơn. Hai là ở 6 làng thuộc huyện Quế Võ là Hữu Bằng, Cựu Tự, Kim Sơn, Long Khê (xã Ngọc Xá), Châu Cầu, Thất Gian (xã Châu Phong). Các ngôi đình của 6 làng này trước đây thờ Triệu Vũ Đế và phu nhân Trình Thị làm thành hoàng làng, nay đều đã không còn. Duy nhất ở chùa Hữu Bằng (Ngọc Xá, Quế Võ) còn giữ được một bức tượng gỗ Triệu Vũ Đế, tuy đã bị hư hỏng khá nặng.

Huu BangChùa Hữu Bằng ở Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh.

Thông tin về di tích thờ Triệu Đà ở Bắc Ninh như trên thoạt xem tưởng không có gì quan trọng so với các khu vực khác thờ Triệu Đà là Thái Bình (đền Đồng Xâm) hay Hưng Yên (đình Xuân Quan), nhưng đây lại thực là thông tin quý giá và mới mẻ về công nghiệp của Triệu Vũ Đế ở nước ta. Ở Thái Bình có nhiều di tích thờ Triệu Đà vì đó là nơi ông lấy vợ là hoàng hậu Trình Thị. Ở vùng Văn Giang – Hưng Yên có đền thờ Triệu Vũ Đế là vì đó là nơi ông từng đóng quân khi khởi nghĩa và thấy rồng bay lên (Long Hưng) trên sông Nhị Hà. Còn tại sao khu vực huyện Quế Võ lại từng có đậm đặc tục thờ Triệu Vũ Đế như vậy? Nơi này gắn với công nghiệp của vị đế vương đầu tiên của nước Nam Việt như thế nào?
Trước hết cần nhận ra rằng khu vực huyện Quế Võ (Bắc Ninh) chính là địa danh Vũ Ninh với núi Trâu Sơn, là địa danh hay được nhắc tới trong truyền thuyết Việt. Trâu Sơn nay gọi thành Châu (Châu Phong, Châu Cầu), nằm gần khu vực Lục đầu giang, trên tuyến đường quốc lộ 18 ngày nay. Đây là địa bàn rất thuận tiện cho việc giao thông cả thủy lẫn bộ, lại có núi đồi và sông nước, khá hiểm trở dễ cho việc ẩn náu, phòng thủ, tiến lui.
Về núi Trâu Sơn Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái kể:
Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.
Qua đời Chu tới đời Tần, có người nước ta là Thôi Lượng làm quan cho nhà Tần đến chức ngự sử đại phu, thường qua vùng này thấy cảnh suy tàn, chạnh lòng thương cảm, bèn sửa sang sang lạ đền miếu…
Sau các tướng Nhâm Ngao, Triệu Đà đem quân xâm chiếm phương Nam, đóng quân ở núi này.
Truyện kể Thôi Vỹ là con Thôi Lượng sau khi chữa bệnh cho Nhâm Ngao, ngã xuống hang tại núi Trâu Sơn, lạc vào Ân Vương thành, được Ân hậu tiếp đãi tiệc rượu…
Bỗng thấy có một người râu dài, bụng to tiến lên dâng biểu, quỳ xuống mà tâu rằng: “Ngày mồng 3 tháng giêng, người phương Bắc là Nhâm Ngao đã bị thần Xương Cuồng đánh chết”. Tâu xong, Hậu bèn nói: “Dương quan nhân hãy đưa Thôi công tử trở về trần thế”.
Ân hậu tiễn khách quay vào. Dương quan nhân bèn bảo Vỹ nhắm mắt, ngồi lên vai mình. Hơn một khắc sau đã đến tới đỉnh núi. Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trong núi, nay con dê ấy còn ở sau chùa Việt Vương trên núi Trâu Sơn.
Đoạn trích này là dữ liệu cho biết khu vực núi Trâu Sơn từng có chùa thờ Triệu Việt Vương, tức là thờ Triệu Đà, hoàn toàn khớp với thông tin mà bảo tàng Bắc Ninh cho biết về tục thờ Triệu Vũ Đế ở vùng Quế Võ. Chùa Hữu Bằng (xã Ngọc Xá) nay còn tượng Triệu Vũ Đế có thể coi là ngôi “chùa Việt Vương” mà Truyện Giếng Việt đã nói tới.

Bia daHàng bia đá ở chùa Hữu Bằng.

Cũng Truyện Giếng Việt như trên cho biết Trâu Sơn là nơi mà hai tướng Nhâm Ngao và Triệu Đà đã đóng quân vào thời Tần. Nhiều thần tích khác cũng kể về việc Triệu Đà khi đánh nước Âu Lạc đã từng đóng quân ở Vũ Ninh. Như vậy nguyên do của tục thờ Triệu Đà ở đây là vì nơi đây từng là một nơi đồn quân quan trọng của Triệu Vũ Đế.
Tuy nhiên, vấn đề khó lý giải ở chỗ là chiếu theo chính sử thì Triệu Đà chưa từng sang miền Bắc nước ta bao giờ. Triệu Đà làm quan huyện Long Xuyên (ở Quảng Tây?), thay Nhâm Ngao ở Nam Hải (Quảng Đông?), rồi chiếm Quế Lâm, Tượng Quận lập nên nước Nam Việt. Mãi tới sau khi Cao Hậu nhà Hán mất, Triệu Đà mới “nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình” (Sử ký Tư Mã Thiên). Vậy tại sao lại có nhiều di tích của Triệu Đà ở Bắc Việt như vậy? Triệu Đà lấy vợ ở Thái Bình khi nào? Đóng quân ở Bắc Ninh khi nào? Thấy rồng bay lên ở Long Biên khi nào?
Di tích và tư liệu dân gian rõ ràng nói những điều khác so với cách giải thích của chính sử ngày nay về Triệu Đà. Những địa danh và những câu chuyện về thời khởi nghĩa của Triệu Đà đều nằm ở Bắc Việt. Nói cách khác, Triệu Đà vốn khởi nghĩa ở miền đồng bằng sông Hồng, chống lại nhà Tần. Đây là cuộc khởi nghĩa của người Việt kháng Tần như sách Hoài Nam tử đã chép:
Trong 3 năm, [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người Tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư.
“Người Tuấn kiệt” được nói tới là Triệu Đà, chứ không phải An Dương Vương như sự “tưởng tượng” của các sử gia ngày nay. “Quân trưởng Tây Âu” đã bị giết rồi, làm gì còn An Dương Vương nào lúc này nữa.

Trau Son 2Núi Trâu Sơn nhìn từ quốc lộ 18.

Chuyện người Việt bỏ vào rừng, “đánh du kích” chống quân Tần là lời giải cho tục thờ Triệu Việt Vương ở núi Trâu Sơn. Trâu Sơn là điểm đóng quân phòng thủ rất thuận lợi như đã nói ở trên, là nơi mà Triệu Đà đã cầm đầu người Việt dựa vào thế sông núi vùng Lục đầu giang mà chống Tần.
Một liên hệ khác, Truyện Đầm Dạ Trạch cũng có thông tin liên quan tới Triệu Việt Vương ở núi Trâu Sơn:
… Đến đời tiền Lý Nam Đế, bọn nhà Lương đem quân sang xâm lược, vua Lý Nam Đế sai Triệu Quang Phục làm tướng cự địch. Quang Phục đem quân ẩn nấp trong đầm. Đầm sâu rộng lớn, bùn lầy, rất khó ra vào, Quang Phục dùng thuyền độc mộc, dễ bề đi lại, quân giặc khó biết tung tích ở đâu. Đêm đến dùng thuyền độc mộc lẻn ra đột kích, đánh cướp lương thực, cầm cự lâu ngày làm cho quân giặc mệt mỏi, trong ba bốn năm không hề đối diện chiến đấu…
… Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn lên ngôi lấy hiệu là Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh.
Triệu Quang Phục lên ngôi thay Lý Nam Đế thì phải đóng đô ở chốn phồn hoa đô hội, chứ sao lại vào núi Trâu Sơn làm gì? Ở đây phải hiểu là thành Trâu Sơn của Triệu Việt Vương vốn là căn cứ chống giặc từ khi khởi nghĩa chưa thành công. Mạnh dạn hơn, những chuyện Triệu Quang Phục ẩn nấp trong đầm, dùng thuyền lẻn ra đột kích, chính là chuyện Triệu Đà trú quân ở núi Trâu Sơn chống Tần.
Các tài liệu tới nay rất hay nhầm lẫn Triệu Quang Phục với Triệu Đà vì cả hai đều là Triệu Việt Vương. Ví dụ, cũng trong cuốn sách mới xuất bản đã dẫn ở đầu bài có đăng ảnh đình Phù Sa (ở Yên Mô, Ninh Bình) và ghi chú là đình thờ Triệu Đà. Thực tế là đình Phù Sa thờ Triệu Quang Phục, nằm trong hệ thống các di tích thờ vua Triệu này ở vùng cửa sông Đáy (cửa Đại Ác, nơi Triệu Quang Phục theo truyền thuyết đã tử tiết).
Câu đối ở đình Phù Sa:
兜鍪聖武興南李
獨木神兵走北梁
Đâu mâu thánh vũ hưng Nam Lý
Độc mộc thần binh tẩu Bắc Lương.
Dịch:
Đâu mâu võ thánh dấy Nam Lý
Độc mộc binh thần đuổi Bắc Lương.

Phu SaĐình Phù Sa ở Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình.

Sự nhầm lẫn này không phải ngẫu nhiên, mà thực ra chuyện Triệu Quang Phục chính là chuyện của nhà Triệu Nam Việt. Khởi nghĩa của Triệu Quang Phục vùng đầm Dạ Trạch là nói tới thủa ban đầu của Triệu Vũ Đế ở núi Trâu Sơn – Vũ Ninh. Sau đó, như đã biết, Triệu Vũ Đế chuyển quân về đóng ở Long Biên, nơi có di tích điện Long Hưng (Xuân Quan) ngày nay. Từ đó, đế nghiệp của họ Triệu bắt đầu hưng thịnh, với việc thấy rồng vàng bay lên trên sông Hồng.
Về đoạn sử này, Cổ Lôi ngọc phả truyền thư chép là Triệu Vũ Đế lúc nhỏ có tên là Nguyễn Thận, cùng với Chử Đồng Tử nương tựa vào nhau, mò cua bắt ốc ở bãi Tự Nhiên mà sống. Sau đó Nguyễn Thận gặp và đi theo Nhâm Ngao về Bắc. Chị ruột Nhâm Ngao lấy quan thái giám Triệu Cao, không có con, nên nhận Nguyễn Thận về nuôi, đổi tên thành Triệu Đà…
Đây là cách kể khác của phần đầu khởi nghĩa Triệu Đà – Triệu Việt Vương tại “đầm Dạ Trạch” (cùng nơi với Chử Đồng Tử) và liên quan đến Nhâm Ngao. Đầm Dạ Trạch của Triệu Việt Vương như thế không phải ở bãi Tự Nhiên (Long Biên) mà là ở Trâu Sơn – Vũ Ninh, nơi ngày nay còn ngôi “chùa Việt Vương” với tục thờ Triệu Vũ Đế tại huyện Quế Võ.

2017-08-24 (1)Vị trí các khu vực được nói tới liên quan đến Triệu Vũ Đế.

Tóm tắt lại phần khởi nghiệp của Triệu Đà ở đồng bằng sông Hồng: Triệu Vũ Đế người Chân Định (có thể là Chân Đăng, đời Trần là vùng Việt Trì – Phú Thọ như được tiến sĩ Phạm Sư Mạnh nói tới trong bài Tuần thị châu Chân Đăng), lấy vợ là bà Trình Thị ở Kiến Xương (Thái Bình). Sau đó tụ tập nhân dân Việt chống Tần ở vùng núi Trâu Sơn (Bắc Ninh). Khi Nhâm Ngao mất (bị thần Xương Cuồng vật chết) Triệu Đà tiếp vị trí của Nhâm Ngao ở Long Biên và bắt đầu cuộc khởi nghĩa kháng Tần thắng lợi.
Đây cũng chính là đoạn đầu khởi nghĩa của Lưu Bang trong Hoa sử. Lưu Bang người đất Phong (Phong Châu – Vĩnh Phú), lấy bà Lữ Trĩ (Trình Thị thiết Trĩ) ở đất Bái (Thái Bình phản thiết Bái). Một lần áp giải dân phu đi làm ở Lịch Sơn (Lịch Sơn là dãy núi giữa Tuyên Quang và Vĩnh Phúc ngày nay vẫn mang tên này), giữa đường dân phu bỏ trốn nhiều. Lưu Bang biết theo luật pháp nhà Tần quan áp giải để dân phụ trốn như thế sẽ phải chịu tội chết, nên đã thả hết dân phu và cùng nhau lên núi ẩn náu (núi Trâu Sơn – Vũ Ninh). Mười năm lẩn tránh trong núi, lấy cướp làm nghề (truyền thuyết gọi là đánh du kích ở đầm Dạ Trạch), chống đối lại nhà Tần.
Núi Trâu Sơn là địa danh Mang Đường nơi Lưu Bang tụ tập bè đảng ban đầu trong Sử ký Tư Mã Thiên. Nơi mà Lữ Hậu (Trình Thị) đã theo “khí mây” mà tìm đến với Lưu Bang.
Tới khi Tần Thủy Hoàng mất, viên huyện lệnh (Nhâm Ngao) đất Bái (lúc này là huyện Long Xuyên ở khu vực Long Biên – Từ Sơn) vì lo lắng loạn lạc nên theo lời Tiêu Hà cho mời Lưu Bang về trợ giúp. Sau đó viên huyện lệnh này lại đổi ý, dẫn tới việc nhân dân trong thành nổi dậy, giết Nhâm Ngao (Truyện Giếng Việt kể là bị thần Xương Cuồng vật chết), rồi tôn Lưu Bang làm thủ lĩnh (Bái Công). Lưu Bang chém con rắn trắng (truyền thuyết Việt chép là thấy rồng vàng bay lên ở Long Hưng), bắt đầu cuộc khởi nghĩa kháng Tần.
Rồng bay lên là lấy ý trong hào ngũ của quẻ Càn: Phi long tại thiên, chỉ việc thành nghiệp của bậc đế vương. Rõ ràng ý nghĩa của hình ảnh “Long hưng” sâu sắc hơn chuyện chém rắn như cách kể của Hoa sử.

Rong Phu SaRồng ở đình Phù Sa.

Chi tiết trong Cổ Lôi ngọc phả truyền thư chép Triệu Đà lấy họ theo Triệu Cao phải hiểu đây là Triệu Cao… Tổ, tức là Cao đế Lưu Bang. Lưu Bang trong sử Việt được chép là Lý Bôn. Triệu Quang Phục nối nghiệp của Nam Đế Lý Bôn, “hưng Nam Lý”. Triệu Quang Phục tức chính là các vị vua Triệu nước Nam Việt đã tiếp ngôi của Cao đế Lưu Bang ở miền Nam
Vấn đề Triệu Đà trong sử Việt nay nhìn nhận lại, không chỉ ở việc công nhận sự chính thống của triều đại này, mà cần làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp vị “Hưng đế” đầu tiên của nước Nam người Việt. Triệu Đà – Lý Bôn – Lưu Bang là một nhân vật sinh ra gặp cảnh loạn lạc, thời thế tạo anh hùng, đã buộc phải nắm lấy ngọn cờ khởi nghĩa, lật đổ nhà Tần, lập nên triều Hiếu huy hoàng của người Việt.

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ pháp

Tứ pháp là bộ bốn vị thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Mây, Mưa, Sấm, Chớp), được kể trong Truyện Man Nương. Chuyện xảy ra dưới thời Sỹ Nhiếp, liên quan tới vị sư đến từ Ấn Độ là Khâu Đà La. Tứ pháp được tạo tượng thờ từ thân cây dung thụ, nơi ẩn chứa đứa con gái của Man Nương và Khâu Đà La và được tin là các thần cầu mưa rất linh ứng.
Sự tích Tứ pháp được tóm tắt trong câu đối sau ở chùa Đậu (chùa Thành Đạo thờ Pháp Vũ ở Thường Tín, Hà Nội):
萬古仰玄功涸潤枯繁嘉惠普霑南海甸
两間鍾灝氣樹藏石化慶源溯自士王朝
Vạn cổ ngưỡng huyền công, hạc nhuận khô phồn, gia huệ phổ triêm Nam hải điện
Lưỡng gian chung hạo khí, thụ tàng thạch hóa, khánh nguyên tố tự Sỹ Vương triều.
Dịch:
Vạn năm ngưỡng phép thiêng, thấm hạn tưới khô, ơn lành phủ khắp điện Nam Hải
Hai gian đúc khí lớn, giấu cây hóa đá, nguồn tốt đến từ triều Sỹ Vương.
Thụ tàng” chỉ chuyện Man Nương sinh con, mang cho Khâu Đà La, Khâu Đà La giấu đứa bé trong cây Dung thụ, sau trở thành Tứ pháp. “Thạch hóa” chỉ chuyện phần cây Dung thụ có đứa bé con Khâu Đà La cứng như đá, rìa búa bổ vào đều mẻ. Sau được tạc thành Thạch Quang Phật.
Trong các bài viết trước đây đã từng xác định, Tứ pháp là bốn tính chất hay là hiện thân của thần dông tố Indra, vị thần tối cao của đạo Bà La Môn. Khâu Đà La và bản thân Sỹ Nhiếp là những tu sĩ theo Bà La Môn giáo.

Bia chua DauBia đá “Tu tạo Pháp Vũ tự bi” chùa Đậu.

Chùa Đậu ở Thường Tín còn gọi là chùa Vua, không phải là chùa dành cho vua chúa (Sỹ Nhiếp không xưng vua), mà là chùa thờ Vua. Vua ở đây là thần Phạm Thiên – Đế Thích của đạo Bà La Môn. Chùa này theo các tư liệu vốn có tên là Kính Thiên điện hay điện thờ Trời.
Tương tự, ở thành phố Hà Nội cũng có chùa Vua thờ thần Đế Thích. Khu vực chợ gần đó gọi là chợ Trời, không phải là chợ ở ngoài trời, mà là khu vực thờ ông Trời. Chùa Vua đúng tên mà nay còn ghi ở đó là Thiên Đế điện.
Đế Thích là vị thần cai quản thời tiết và chiến tranh. Cũng vì vậy mà dân gian kể thành ra Đế Thích rất giỏi chơi cờ. Chơi cờ tướng là nghệ thuật điều binh khiển tướng, tức là tổ chức chiến tranh.

Thiên Đế điện – chùa Vua Hà Nội.

Đạo Bà La Môn như vậy rất thịnh hành dưới thời Sỹ Nhiếp ở cả miền Bắc và miền Trung Việt. Họ Phạm của Sĩ Nhiếp cũng như họ Phạm ở Lâm Ấp có thể vừa là pháp danh trong đạo, vừa là họ. Trong quan niệm của Bà La Môn thì tầng lớp thống trị là con của thánh thần. Thần Bà La Môn là Phạm Thiên nên người cai quản đất nước cũng mang họ Phạm.
Như thế trung tâm Luy Lâu vốn khởi đầu không phải là bởi Phật giáo mà là đạo Bà La Môn. Chỉ sau khi Sỹ Nhiếp mất thì Phật giáo ở đây mới bắt đầu nổi lên, bằng sự xuất hiện của sư tổ Khương Tăng Hội, chép dịch kinh và truyền đạo. Việc Khương Tăng Hội từng sang Kiến Nghiệp để thuyết giáo cho Tôn Quyền nay có thể hiểu lại.
Khi Sỹ Nhiếp mất, Tôn Quyền cho Lữ Đại sang thay họ Sỹ – Phạm cai quản Giao Châu. Việc Đông Ngô khuyến khích Phật Giáo ở Giao Châu như thế còn có ý nghĩa về chính trị, nhằm loại bỏ “tàn dư” của thời Sỹ Nhiếp do Bà La Môn giáo thống trị. Giao Châu từ đó chuyển sang chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Trong khi khu vực miền Trung vẫn tiếp tục do họ Phạm lãnh đạo và tiếp tục theo Bà La Môn giáo. Khương Tăng Hội không chỉ từ Giao Châu sang thuyết giáo Tôn Quyền mà có thể đã dựa vào Tôn Quyền để khuếch trương Phật giáo tại Giao Châu, nơi vốn là lãnh địa của Bà La Môn giáo họ Phạm.
Vị sư tổ Thiền tông Khương Tăng Hội đã soạn các bản kinh bằng chữ Nho rõ ràng là với mục đích truyền bá Phật Giáo ở Giao Châu sau thời Sỹ Nhiếp. Tác phẩm Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội do đó không phải là kinh nguyên văn của Ấn Độ được dịch mà là sách do Khương Tăng Hội sáng tác với mục đích truyền giáo vào Giao Châu – Trung Quốc. Chính vì vậy mà trong Lục độ tập kinh ta thấy xuất hiện có những mô típ điển hình của truyền thuyết Việt như chuyện sinh trăm trứng hay chuyện sừng tê bảy tấc rẽ nước (An Dương Vương). Thiền sư Lê Mạnh Thát đã từng lấy đây làm dẫn chứng để cho rằng các truyền thuyết của nước ta là đi chép từ kinh của Ấn Độ. Như vậy là không hợp lý. Ngược lại, đây là những truyền thuyết Việt đã được Khương Tăng Hội vận dụng đưa vào trong kinh Phật để cho phù hợp với tâm lý và tư tưởng người Việt khi mới truyền giáo. Thủ pháp truyền giáo này được áp dụng ở thời kỳ đầu du nhập đạo Phật sang phương Đông như thời Đông Tấn có sư Tuệ Viễn đã dùng các điển tích của Trang Tử để giảng đạo Phật ở Trung Quốc.
Việc một khu vực chuyển từ ảnh hưởng của Bà La Môn giáo sang Phật giáo gặp rất phổ biến ở thời kỳ đầu của Phật giáo. Sự việc này được hình ảnh hóa thành ra 2 vị thần tối cao của Bà La Môn giáo là Indra (Đế Thích) và Brahma (Phạm Thiên) trở thành 2 vị hộ pháp khi Phật tổ ra đời. Trong các chùa ngày nay thường gặp tượng của Phạm Thiên và Đế Thích đặt ở 2 bên tượng Cửu long (Thích Ca sơ sinh) hoặc thờ thành ban Đức Ông riêng.

Duc OngBan thờ Đức Ông chùa Bộc.

Ở chùa Bộc có ban thờ Đức Ông nằm phía bên trái chính điện. Bức tượng Đức Ông này có quần áo trang phục như một vị vua và được cho là hình tượng của vua Quang Trung. Tuy nhiên, đôi câu đối hai bên ban thờ này chép:
洞裡無塵大地山河留棟宇
光中化佛小天世界轉風雲
Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ
Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.
Dịch:
Trong động bụi không, đất rộng núi sông lưu đền mái
Giữa quang phật hóa, một trời thế giới chuyển gió mưa.
Đoạn câu đối “tiểu thiên thế giới chuyển phong vân” là chỉ thần Đế Thích, vị thần cai quản chuyện làm mưa làm gió ở trên thế giới này đã theo Phật. Tứ pháp, Vân Vũ Lôi Điện, là hiện thân của thần Đế Thích, bắt nguồn từ Bà La Môn giáo du nhập vào Giao Châu dưới thời Sỹ Nhiếp. Sau này, từ khi Khương Tăng Hội soạn kinh và truyền giáo ở Giao Châu thì các điện thờ Tứ pháp mới chuyển hóa thành các chùa thờ Phật.

Bàn về loại gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo

Loại gạch có dòng chữ  Lý gia đệ tam đế Long Thủy Thái Bình tứ niên tạo là loại gạch sớm nhất của nhà Lý còn để lại cho tới nay. Loại gạch này gặp ở một số di tích quan trọng, cụ thể là:
1. Hoàng thành Thăng Long: đây là lớp gạch gặp khá nhiều, nằm trên các lớp gạch Giang Tây quânĐại Việt quốc quân thành chuyên. Ở Thăng Long loại gạch này còn dùng để xây tháp Báo Thiên (nay đã mất dấu tích) vì Phạm Đình Hổ trong sách Tang thương ngẫu lục đã chép:
… Những hòn gạch hoa, hòn viên nào cũng khắc chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Lại có câu thơ:
Lý Thị cố cơn thành mậu thảo
Thái Bình duy tích uỷ tàn chuyên.
(Lý Thị nền xưa vùng cỏ tốt
Thái Bình hiệu cũ đống sành hoang). 

P1120725

2. Chùa Phật Tích, Bắc Ninh: Ngôi chùa này nổi tiếng với bức tượng Phật ngồi trên tòa sen của đời Lý. Dưới nền chùa Phật Tích ở Tiên Du, Bắc Ninh đã phát hiện một nền tháp được xây dựng có sử dụng loại gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo (ảnh từ Internet).

cdv-nenmong-10_jpg

3. Tháp Tường Long, Đồ Sơn, Hải Phòng:
Ở trên dãy Đồ Sơn còn một nền tháp khá lớn được xây dựng bằng những viên gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo. Tương truyền rằng vua Lý Thánh Tông khi đi qua đây, đêm nằm mộng thấy rồng vàng xuất hiện, nên cho xây một tòa tháp cao, đặt tên là Tường Long. Di vật còn lại ở khu vực này ngoài nền gạch có nhiều viên gạch có chữ còn có một phần bệ tượng Phật thời Lý trang trí tương tự như bệ tượng Phật ở chùa Phật Tích.

IMG_5731 (2)So sánh các viên gạch ở 3 địa điểm khác nhau trên có thể thấy những viên gạch này đều làm theo một tiêu chuẩn, hình chữ nhật, ở chính giữa có ô gồm 2 dòng chữ 李家第三帝龍瑞太平四年造 (Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo) bằng loại chữ khải khá đẹp và giống nhau.
Khó có thể chấp nhận rằng những viên gạch này làm từ cùng một chỗ, rồi mang vận chuyển đi các nơi cách xa nhau như vậy để xây. Nhiều khả năng khuôn chữ và khuôn gạch là thống nhất, từ một chỗ. Còn gạch được sản xuất ở từng địa phương có di tích.
Dù thế nào thì sự đồng nhất giữa các viên gạch này cho thấy các di tích này được làm một cách tập trung từ triều đình của Lý Thánh Tông, cùng một lúc, cùng một khuôn, chứ không phải hành động ngẫu nhiên của các địa phương. Bản thân chữ “tạo” trên gạch có thể không phải chỉ là làm ra viên gạch đó, mà là chỉ công trình dùng loại gạch này được xây dựng năm như ghi trên gạch. Nói cách khác, những viên gạch này là một dạng văn bia của các di tích mà chúng được dùng để xây nền móng.
Về nghĩa, Lý gia đệ tam đế thì đã rõ là vua Lý Thánh Tông. Nhưng tại sao gạch xây thành Thăng Long lại là gạch của vua Lý Thánh Tông chứ không phải Lý Thái Tổ? Lý Thái Tổ theo sử sách hiện tại đã cho dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhân đi trên sông Hồng thấy rồng vàng bay lên nên đặt tên kinh thành là Thăng Long. Nhưng tại sao không tìm thấy viên gạch nào mang niên hiệu Thuận Thiên của Lý Thải Tổ ở Thăng Long cũng như ở các nơi khác? Thay vào đó lại là việc xây dựng thành Thăng Long và một loạt các điểm khác dưới thời Lý Thánh Tông, năm thứ 4.
Căn cứ vào hiện vật khảo cổ để lại là những viên gạch được ghi chữ rõ ràng thì người xây thành Thăng Long, và hiển nhiên cũng là người đã dời đô ra Thăng Long, phải là vị vua thứ ba của nhà Lý là Lý Thánh Tông.
Thêm vào đó Lý Thánh Tông mới là người đã đặt tên nước là Đại Việt. Trước đó, 2 vị vua đầu nhà Lý không thấy sử sách chép gọi tên nước là gì. Như thế Lý Thánh Tông khi lên ngôi đã chính thức xưng hoàng đế, đặt tên nước là Đại Việt và tiến hành dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

IMG_5704

Một phần bệ tượng Phật và chân cột chạm hoa sen còn lại ở khu tháp Tường Long.

Còn sự kiện thấy rồng bay lên trên sông Hồng được xác nhận bằng di tích tháp Tường Long ở Đồ Sơn của Lý Thánh Tông. Tường Long nghĩa là rồng hiện hình tỏ tường. Tháp Tường Long nằm trên dải núi Đồ Sơn hình như một con rồng 9 khúc đang ngậm ngọc (đảo Hòn Dấu). Đồ Sơn cũng rất gần với của sông Hồng đổ ra biển là cửa Thái Bình. Nếu tính đường sông thì từ kinh đô Thăng Long tiến ra biển gần nhất chính là đi về cửa Thái Bình giữa Hải Phòng và tỉnh Thái Bình ngày nay.
Đặc biệt, niên hiệu của vua Lý Thánh Tông ghi trên gạch cũng liên quan tới sự kiện này. Long Thụy Thái Bình nghĩa là chỉ điềm rồng (long thụy) khi vua lên ngôi (thái bình), hoặc thậm chí chỉ rồng bay lên trên đất Thái Bình, tức là khu vực Đồ Sơn.
Con Rồng ở đất Thái Bình có khả năng chỉ… Lạc Long Quân, mà được vùng này thờ là vua cha Bát Hải Động Đình tại đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Câu đối ở đền Đồng Bằng:
四千年國俗尚神捌海龍飛傳異蹟
十八號雄朝出世洮江虎略振靈聲
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bốn nghìn năm nước gọi thượng thần, biển Bát rồng bay truyền tích lạ
Mười tám hiệu triều Hùng xuất thế, sông Đào hổ lược dậy danh thiêng.
Những viên gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo là bằng chứng xác thực việc thiên đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã xảy ra dưới thời Lý Thánh Tông. Lịch sử của nhà Lý do đó buộc phải xem xét lại, để trả về đúng vị trí và công nghiệp cho 3 vị vua đầu triều Lý.

Đồng Cổ Sơn thần là ai?

Bài của tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng các đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa không phải là thờ thần trống đồng mà là thờ thần núi Tam Thai hay núi Khả Lao.
http://nongnghiep.vn/den-dong-co-tho-ai-post159518.html
Xin bàn thêm về ý kiến này.

IMG_9156Đền Đồng Cổ ở phố Thụy Khê, Hà Nội.

Trong thần điện Việt không có “thần núi” với nghĩa là quả núi được tôn lên thành thần. Người Việt không thờ những vật thiên nhiên làm thần, mà chỉ tôn thờ những nhân vật có thật làm thần. Những cái tên gọi kiểu Thần núi, Thần sông… là chỉ “chức danh” của các vị thần, hay của các nhân vật có thật được tôn vinh. Nó tương tự như có ông Chủ tịch phường nhưng ông ta là người thật chứ không phải là “cái phường” được tôn làm Chủ tịch.
Hiểu như vậy thì Đồng Cổ Sơn thần đúng là một vị thần núi, nhưng là một nhân vật lịch sử được đảm nhận vai trò làm thần ở núi Đồng Cổ. Nhân vật đó là ai?
Trong bài trên có dẫn sách Thanh Hóa kỷ thắng:
“…Trong đền thờ thần có trống đồng (…). Nguyên thần là tinh khí của trái núi, rất linh ứng. Xưa Hùng vương đi đánh Chiêm Thành trú binh dưới chân núi Khả Lao, đêm mộng thấy thần nhân nói rằng:
– Nguyện được đem trống đồng đi phù trợ vương chiến thắng.”
Như thế vị thần Đồng Cổ này đã có từ thời Hùng Vương, dùng trống đống trợ vua đánh giặc Chiêm Thành.
Câu đối ở đền Đồng Cổ (Thụy Khê, Hà Nội):
可牢山毓秀鍾英萬古灵聲長不泯
蘇瀝水营祠勒石前朝御墨尚留香
Khả Lao sơn dục tú chung anh, vạn cổ linh thanh trường bất miến
Tô Lịch thủy doanh từ lặc thạch, tiền triều ngự mặc thướng lưu hương.
Dịch:
Núi Khả Lao sinh tú đúc anh, vạn cổ tiếng thiêng dài bất tận
Nước Tô Lịch lập đền khắc đá, tiền triều đề ngự lưu tôn hương.
Chiếu theo dòng sử mới thì vị thần trồng đống chính là Cao Lỗ. Phân tích từ ngữ ta thấy Khả Lao và Cao Lỗ là tương đồng:
– Khả = Cả = Cao
– Lao = Lão = Lỗ, vốn là từ chỉ nước Lào hay nước Lỗ xưa.
Còn có Khả Lao đọc phản thiết là Khao Lả = Cao Lỗ.
Khả Lao hay Cao Lỗ nghĩa là vị thủ lĩnh đứng đầu nước Lỗ hay nước Lào.
Vị trí nước Lỗ xưa là vùng lưu vực sông Mã, tức là phần Bắc Lào và vùng Thanh Hóa ngày nay. Đó cũng là nơi có thần Đồng Cổ và có những nơi sản xuất trống đồng từ xa xưa ở Đông Sơn.
Như vậy Đồng Cổ Sơn Thần chính tướng quân Cao Lỗ hay vị thái sư Chu Công của nhà Chu.
Sự tích Cao Lỗ chế nỏ thần từ chiếc móng rùa của thần Kim Quy chỉ việc Chu Công viết hào từ để hoàn thiện bộ Kinh Dịch, và cũng là chỉ việc Cao Lỗ chế tạo trống đồng, một pho sách Dịch khắc trên đồng. Nhà Hạ có Liên Sơn Dịch, là Dịch khắc trên đá núi. Nhà Thương có Quy Tàng Dịch, là Dịch khắc trên mai rùa (trong hình tượng Thanh Giang – Thương sứ Kim Quy). Còn nhà Chu nay với phát hiện Trống đồng là chiếc nỏ thần của Chu Công – Cao Lỗ thì có thể gọi là Đồng Cổ Dịch – Dịch đúc trên trống đồng. Trống đồng – Dịch lý là ánh sáng soi đường cho người Việt trong đời sống cũng như trong việc chống ngoại xâm.
Đồng Cổ Dịch hay Dịch trống đồng một lần nữa xác định chủ nhân của Kinh Dịch là người Việt và lịch sử văn hoá phương Đông buộc phải viết lại.