Bí ẩn cột kinh chùa Nhất Trụ: Đại Thánh Minh hoàng đế Lê tổ là ai?

Chùa Nhất Trụ ở Ninh Bình, ngôi chùa cổ nằm cạnh khu di tích Hoa Lư, nơi có đền thờ các vua Đinh, vua Lê. Chùa này có cái tên nổi bật bởi cây cột kinh phật đá lớn cao hơn 8 m. Chiếc cột kinh chùa Nhất Trụ này được được công nhận là bảo vật quốc gia.
Trên tám mặt của thân cột khắc đầy chữ Hán, nhưng trải qua thời gian hơn 1.000 năm, nửa dưới và ba mặt nửa trên cột đã bị mờ hoàn toàn. Năm mặt nửa trên còn lại cũng không đọc được nguyên vẹn. Nếu còn nguyên vẹn, ước khoảng 2.500 chữ, giờ đây số chữ có thể khổ tâm đọc được hoặc nhận dạng là 1.200 chữ. Theo TS. Đặng Công Nga, nội dung văn tự có 3 phần: kệ, kinh, lạc khoản. Nội dung văn tự là kinh Thủ Lăng Nghiêm, ca ngợi sự bền vững của Đức Phật, sự to lớn bao trùm của tài năng Phật Như Lai…

IMG_9208.JPG
Cột kinh chùa Nhất Trụ.

Tìm hiểu niên đại của cột bia này dựa trên dòng lạc khoản ở mặt cột phía Tây Nam còn đọc được là: Đệ tử Thăng Bình hoàng đế tả tạo…
Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lê, Đại Hành hoàng đế chép:
Tân Tị, năm thứ 2 (981). Mùa xuân tháng 3, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng chống giữ, sai binh sĩ đóng cọc ngăn sông, quân Tống rút lui. Lại tiến đến sông Chi Lăng. Vua sai binh sĩ giả hàng để dụ Nhân Bảo, bắt được chém đi. Bọn Khâm Tộ nghe tin thủy quân thua đem quân về. Vua đem các tướng đuổi đánh, quân Khâm Tộ thua to, chết quá nửa, thây chất đầy đồng, bắt được tướng là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đấy trong nước yên tĩnh.
Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh càn Ứng vận Thần vũ Thăng bình Chí nhân Quảng Hiếu Hoàng đế.

Với tôn hiệu lầ Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng đế này thì có thể xác định người đã cho dựng cột kinh chùa Nhất Trụ là vua Lê Đại Hành.
Tuy nhiên, ở m
ặt hướng về phía Tây của cột, là mặt chữ còn khá rõ, ghi:
Bát Nhã tiền việt hải chi ba huề hương … Đại Thánh Minh hoàng đế Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai…
GS. Hà Văn Tấn dịch là: Thuyền Bát Nhã trước vượt sóng biển mang về bản hương, Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm…
Dịch như thế có chỗ không hợp lý. Đã là “thiên mệnh” thì làm sao có thể “tự mình” kế tiếp được? Chữ “tự” ở đây đúng hơn cần hiểu là “từ lúc”. Đoạn bia trên dịch lại là: Thuyền Bát Nhã trước vượt sóng biển mang về bản hương, Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê từ lúc kế tiếp mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm…
Như vậy thời điểm dựng cột bia này là 16 năm tính từ lúc một vị vua “tổ họ Lê” là Đại Thánh Minh hoàng đế lên ngôi, mở triều đại mới. Các nhà nghiên cứu hiện nay dựa vào chữ “tổ họ Lê” ở đây mà cho rằng Đại Thánh Minh hoàng đế cũng là Lê Đại Hành. Nhưng như vậy thật rối rắm và vô nghĩa khi mà Lê Đại Hành trên xưng mình là “Thăng Bình hoàng đế”, dưới lại là “Đại Thánh Minh hoàng đế”. Hơn nữa Lê Đại Hành còn đang sống thì làm sao tự gọi mình là “tổ” được?
Đại Thánh Minh hoàng đế theo cách dễ hiểu nhất phải là vị vua trước Lê Đại Hành. Người trước Lê Đại Hành đã “cả định non sông” thì rõ ràng là Đinh Tiên Hoàng. Vua Đinh lên ngôi năm 968, tính đến năm Lê Đại Hành sau khi phá Tống xưng là Thăng Bình hoàng đế (981) là 14 năm. Cột bia được dựng sau đó khoảng 2 năm là phù hợp với tôn hiệu Thăng Bình hoàng đế.
Đinh Tiên Hoàng được sử sách chép có danh xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế, rất gần với tên Đại Thánh Minh hoàng đế trên cột bia. Rất có thể sử sách đã chép lầm chữ Thánh thành Thắng.
Khả năng khác: Thánh Minh đọc thiết là Thinh hay Đinh. Thắng Minh cũng đọc thiết là Đinh. Đây là 2 cách phiên thiết của cùng một chữ Đinh, tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng.
Vấn đề quan trọng nhất, theo cột bia chùa Nhất Trụ thì Lê Đại Hành không phải là vị vua khai triều và tổ của các vua Lê. Vị “Lê tổ” là Đại Thánh Minh hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng. Đây là một bí mật được bộc lộ từ văn bia. Vua Đinh thực chất có họ Lê, là vị vua khai triều của nhà Tiền Lê trước Lê Hoàn.
Vì Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đều mang họ Lê nên cuộc chuyển giao vương quyền giữa 2 vị vua này là một việc truyền ngôi bình thường, không có chuyện Lê Hoàn đoạt vị của nhà Đinh. Họ Đinh của Đinh Tiên Hoàng do đó là một dạng tên xưng, chứ không phải họ thật. Đinh là từ chỉ hướng Tây, tương đương với từ Tĩnh trong Tĩnh Hải quân thời kỳ này. Vua Đinh lấy chữ Đinh làm họ vì là người cai quản Tĩnh Hải quân (Tiết độ sứ).
Như vậy, cột kinh chùa Nhất Trụ được lập nên vào năm 983 khi sau khi Lê Đại Hành phá Tống. Cột kinh như một cột mốc lịch sử cho 16 năm của triều Tiền Lê, giữ vững đất nước trước giặc ngoại xâm kể từ vị Lê tổ Đinh Tiên Hoàng tới Thăng Bình hoàng đế Lê Hoàn.

IMG_9188
Đình Yên Thành, cạnh chùa Nhất Trụ.

Câu đối ở đình Yên Thành, nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành ở cạnh chùa Nhất Trụ:
桑劍蘆旗芳跡古
金臺銀地故宮春
Tang kiếm lô kỳ phương tích cổ
Kim đài ngân địa cố cung xuân.
Dịch:
Kiếm dâu cờ lau, còn thơm dấu cũ
Đài vàng đất bạc, xuân mãi cung xưa.

Điển thờ Hùng Vương ở đền Vân Luông

Nam Thien chinh thong

THƯỢNG THẦN CUNG ĐIỆN
Viễn Sơn thánh vương (bài vị trái)
Đột Ngật Cao Sơn Hiển linh Thống thủy Điện an Hoằng tế Phổ hóa Minh túc Hậu ứng Quảng Huệ Uy hàm Diễn đức công Thánh vương (bài vị giữa)
Ất sơn thánh vương (bài vị phải)

TRUNG THẦN CUNG ĐIỆN
(bài vị trái)
Đột Ngật Cao Sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương (bài vị giữa)
(bài vị phải)

HẠ THẦN CUNG ĐIỆN
(bài vị trái)
(bài vị giữa) Tên hiệu cũng giống như Trung Thần Cung
(bài vị phải)

Tháng Giêng ngày 8, ngày 10. Tháng Giêng ngày 4 (ngày giỗ). Ngày 15 (ngày mở). Tháng Giêng ngày 6 (ngày sinh).
Tháng Hai ngày 15 (ngày sinh).
Tháng Ba ngày 15, ngày 20 (ngày giỗ).
Tháng Năm ngày 5 (ngày sinh).
Tháng Chín ngày 15, ngày 14.
Tháng Mười ngày 10 (ngày sinh)

Vạn phái nguồn gốc sâu xa như biển lớn chảy mãi. Tiên vương ân nghĩa đắp bồi vạn thế, đức trạch cao dày khắp chốn, sự lành còn đó muôn năm, đất nước yên bình, quốc gia thịnh vượng sao!
Nên ta tuân theo Trời, nối tiếp đức lớn, ngưỡng tổ tông tích đức qua các đời, sáng lòng nhân, yên trời đất núi sông khắp chốn vậy. Ấy là gây dựng nước Nam Việt ta cơ đồ bao la, công nghiệp đế vương to lớn. Trời cùng người đều quy về, các chư hầu cùng phục, lập thứ tự trăm quan trong triều đình, yên định vạn dân, xưng tên nước, đặt trăm quan, chia trăm họ, phân các quan lập các xứ, dựng nước xây thành, vững mạnh 15 bộ giữ mỗi phương phân định, thiết lập các chức vị, phủ huyện, xã, châu, động. Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.
Các triều đại xưa đưa bút thành sách, lộc quý trời Nam, mãi trùm các thế, con cháu dòng dõi lưu truyền muôn đời, không thể mất. Không truyền lại sự tích này thì không thể là người hiểu biết. Còn nếu lấy đó mà coi thường sự tiết lộ của sách trời điềm lớn thì cũng không thể thành người.
 Xưa Tiền Hoàng đế Thánh tổ Cõi lớn trời Nam, Hùng Vương Sơn Nguyên, đã gây dựng cơ đồ, thủy tổ Việt Nam, mở nước Cổ Việt Hùng Thị, mười tám đời thánh vương ngự trị Cõi lớn trời Nam, mở mang cơ đồ nước Việt, nước biếc một dòng, bắt đầu vận vua sáng đế thánh. Núi xanh van dặm, lập nền đô thành điện báu, mở vật giúp người, thống trị mười lăm bộ, giữ thế mạnh trước phiên thần, nối tiếp phát huy Cõi lớn thành đất Viêm Hồng, trị nước hơn ba ngàn năm, mãi giúp cho dòng giống vững như bàn đá, hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh, truyền trăm đời đế vương ngự ở Việt thành, muôn năm thánh điện núi Hùng, đất tổ trời Nam, gốc nước cơ đồ, vạn xuân tôn kính, ngàn xưa chảy mãi, các cung thần Thượng Trung Hạ, đền miếu từ xưa, dấu vết lưu truyền.
Dân xã 5 huyện phủ Lâm Thao phụng thờ
(Vì điện chính của Hoàng Đế ở Phong Châu nay là điện báu ở đầu núi Ngũ Lĩnh, nơi yên táng lăng mộ của bậc cửu tôn).
Các huyện Tam Đái, Phù Khang, Lập Thạch phụng thờ (Vì điện cung thần Bắc cùng núi Nham, núi Tằng, núi Bách Thôi, các đầu núi lập lăng điện tôn quý).
Ba huyện Sơn Dương, Tam Dương, Tây Lan của phủ Đoan Hùng phụng thờ (Vì Hoàng Đế lập lăng điện tôn quý ở núi Tam Đảo, đầu núi Bạch Long trong gò Tụy Ninh. Hai huyệt Tây Thiên, Phù Nghĩa cùng Sơn Dương, Phi Sơn, Nham Đỉnh có lăng điện tôn quý ở chùa trong núi, dưới là các lăng tôn quý ở vùng đất quanh huyệt).
Xã Quần Anh huyện Nam Chân xứ Sơn Nam phụng thờ (Vì điện lăng tôn quý được lập ở miệng ngọn núi nơi cửa biển, có ba huyệt).
Ba huyện Tiên Du, Tản Hoa Đông Ngạn xứ Kinh Bắc phụng thờ (Vì điện tôn quý 9 huyệt ở các núi Sóc Sơn, Dương Sơn, Giác Sơn, Vạn Sơn, Ư Sơn, Bi Sơn, an táng tại đó).
Hai huyện Đông Triều, Hoa Phong xứ Hải Dương phụng thờ (Vì lăng tôn quý ở ba huyệt núi Yên Tử, Ngôi Sơn, Lục Đầu Giang, lập Chân Châu, Triều Sơn, Hoa Phong, Cửu Sơn an táng).
Huyện Thụy Nguyên Tông Sơn, phủ Thiệu Thiên, xứ Ái Châu phụng thờ (Vì lăng điện tôn quý ở Lam Kim Sơn, Lạng Sơn, Tống Sơn ba huyệt).
Hai huyện Đức Quang, Hà Hoa và hai huyện Thiên Duyên, Thạch Hà xứ Hoán Châu phụng thờ (Vì là thành đô cũ, 60 lăng điện tôn quý tại chùa được táng ở các đầu núi Hùng Lĩnh, lập chùa tên là Ngàn Hống Thứu Lĩnh, 60 huyệt núi).
Châu Bố Chính, châu Hoành Sơn các trang động phụng thờ (Vì lăng điện tôn quý 9 huyệt lập tại Long Hóa, Tượng Sơn, Thần Đầu giáp biển an táng).
Các phủ huyện chậu Quảng Nam, Phú Xuân, Quy Nhân, Tây Sơn phụng thờ (Vì lăng điện tôn quý ba huyệt lập ở Tây Sơn, Ngọc Lĩnh, Chu Sơn, Đà Sơn, Điện Thiên, Đài Sơn đầu núi trong chùa Bảo Long an táng).
Mười châu xứ Hưng Hóa các trang động trong châu phụng thờ (Vì lăng tôn quý lập ở đầu núi An Lãng bốn huyệt, núi Phù Hoa đặt ba huyệt).
Châu Thu Vật, Tụ Long xứ Tuyên Quang các trang động trong châu phụng thờ (Vì lăng tôn quý ở Bảo Lạc, Côn Lôn, Sơn Bắc trong điện ba huyệt được an táng).
Châu Tam Thanh Sơn phủ Cao Bình các trang động trong châu phụng thờ (Vì lăng điện tôn quý đặt tại núi Tam Thanh hai huyệt).
Xứ Lạng Sơn các châu trang động phụng thờ (Vì lăng điện tôn quý đặt tại núi Tứ Châu, núi Quỷ Môn hai huyệt).
Hai xứ Quảng Đông, Quảng Tây phụng thờ (Vì lăng điện tôn quý tạo núi Kim Bảo, núi Đốc Long hai huyệt).
Các nước Phúc Kiến, Cao Miên, Hồ Tôn phụng (Vì lăng điện tôn quý ở tại núi Thái Lão, núi Cửu Long hai huyệt).
Nước Bắc núi Ngũ Lĩnh, Vân Nam, hồ Động Đình, Linh Sơn trong vùng phụng thờ (Vì 6 điện tôn quý Trung Hoa ở núi Tiền Cơ lập điện ở đó).
Ngọc phả Hùng Vương truyền nhà ngàn xưa, con cháu dòng dõi truyền các đời vua nước Nam, các họ tộc đế vương từ họ Hùng mà cố gắng lưu giữ. Muôn năm trăm bậc đại đế vương thay nhau kế vị nước Nam, hưởng phúc giữ cơ đồ, giúp vận truyền nối đời Hùng Vương, phù giúp cho xã tắc non sông Nam Việt vững mạnh, lập đặt bàn rồng bệ ngọc truyền vị đế vương núi sông đất nước. Cùng rèn đúc đất nước thành ấn phù trân quý, dương cờ mở đô thành, lập cung điện, đổi tên dựng nước đặt hiệu.
Vốn họ Hùng nguyên tộc ở tại địa phương nước Nam, định kỳ giao nhận giấy văn, lập mốc giới núi sông, cúi vọng mà cầu trời đất, thần kỳ, các bậc thánh qua các đời, các bậc thành hoàng linh thiêng, trăm vương thượng đẳng, trăm thần hội tụ của thiên hạ, các linh cung thổ địa, cùng nhau giám chứng, giúp trợ đức vua, mở nước lập nền, dựng nên nghiệp đế, trị yên thiên hạ, bốn bể thẳng cánh chim hồng chim nhạn, cùng hưởng phúc thái bình.
Từ Ba Vua họ Hùng Hoàng Đế Nghiêu Thuấn Vũ Thang dựng nước đến nay, nước Nam các đời nối nhau truyền nghiệp đế qua vua các họ, truyền tới vua Chu, các nhà Tần, Hán, Đường, Tống, Tề, Lương, Nguyên, Minh, Thanh, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, các vương Lê, Nguyễn, Trịnh dựng triều, các đế vương ngự trị.
Nhớ Kinh Dương Vương Thái tổ Cao hoàng đế ban sơ, là nguyên bậc thánh đế vương đầu, khởi dựng cơ đồ, thuận trời ra trị, mở vật giúp người, kính lẽ trời, phép tắc các bậc tổ, là bậc thánh thần văn võ, sáng chế lập ra phép tắc, để giáo hóa vạn dân, sáng trước đủ sau.
Đời đời các họ vua giữ quyền chính, thay tên sửa chỗ cho cơ đồ, đều có xe loan ngự giá đến điện Hùng Vương trên núi, phụng tế trời đất, đốt lửa vọng về núi Thái, cùng các bậc tiền hoàng đế tiên vương đời trước, trăm thần nước Nam.
Các vua khi lên ngôi báu tìm các cháu chắt của nguyên tộc họ Hùng là các trinh nữ xinh đẹp, đưa tiến làm phi tần, hoàng hậu. Cầu lấy nước ở giếng thiêng tại miếu mà cầu con được hiển ứng, trời sinh thái tử, hưởng nước lâu dài, hơn năm trăm năm trị thịnh. Ngưỡng vọng công đức các bậc đế trước, thường xuyên phong tặng thêm. Lại ban sách vàng, tiền vàng phong tặng, tôn thêm tên mỹ tự, bốn chữ Thánh Tổ Tối Linh, giúp nước. Lại ban cho làng Cổ Tích Trung Nghĩa, xã Nghĩa Cương làm trưởng tạo lệ mà giữ theo đế đức Hùng Vương. Cháu chắt được sắc mệnh cho quốc tính theo điển mà thờ, cho là thân vương với quốc gia cùng tồn, thu trăm lộc của trời, trùm ân đức vạn đời, sánh cùng trời đất, ngày tháng núi sông mãi mãi.
Dòng dõi các đế vương không dám vi phạm vào sách trời nước Việt, có ước thề theo tộc nước Nam mà làm vua, lên ngôi trị dân, đều nhớ tới công xưa thánh trước đã mở tạo cơ đồ. Nếu vi phạm điều minh ước này sẽ hưởng nước không quá một đời. Các vị đế vương từ xưa đến nay đều như vậy. Cho đến các nhà Đinh, Lê, Lý các vua đều phụng thờ.
Từ khi chúa Trịnh Hy tổ Khang Vương đi kinh lý qua, cầu sự nhưng lòng trời không ứng, nên oán trời trách người, bất kính thần thánh, đã giảm tỉnh dân các xứ phủ huyện xã được cấp lương riêng và giảm tô thuế, lấy đó nộp vào ngân khố. Nhưng vẫn để lại hai phủ Lâm Thao, Tam Đái, các huyện Sơn Vi, Phù Khang, dân 5 tổng 18 xã làm tạo lệ, giữ việc phụng thờ.
Điện Hùng Vương trên núi ở huyện Sơn Vi có Xuân Lũng làm thứ lệ. Các làng Phù Khang, Phù Liễn cùng Phù Lỗ, Lỗ Trì, Việt Trì dân 18 xã phụng sự các miếu điện cung của các bậc triều trước. Các vua đều tôn phong, theo các điển thờ mà phụng tế. Còn việc tu sửa nơi thờ phụng thì được vua giao cho người cai quản cung ở bản xứ đảm trách. Hai phủ Lâm Thao, Tam Đái cùng dân các huyện xã cung cấp nhân lực phục dịch. Ba năm một lần tu sửa. Sáu năm một lần dựng cung điện. Điện thờ có các đồ tế khí lễ nghi như các vật kiệu rồng, cờ, trống, lọng, quạt, chiêng, chuông. Giao cho hai phủ Lâm Thao, Tam Đái dân các huyện xã chiếu theo suất đinh, mỗi suất tiền 36 quan để làm việc tu sửa cung điện thờ cho nghiêm trang đẹp đẽ. Quanh năm từ tháng Giêng tới tháng Chạp các kỳ ngày tiết ngày sinh, ngày giỗ đều làm lễ nghênh phụng.
Hội lệ có chầu xướng vào tiệc xuân thu. Lễ chính có quốc tế, bày bài vị các ngày sinh theo lệ thường của triều trước, ban cho phụng sự, ban cho cung thờ, ban cho tiền. Dưới làm lễ tế yết. Các phủ huyện địa phương cùng với 5 phủ 24 huyện, nha môn cung tam ti, nghiêm trang, áo mũ chỉnh tề, sạch sẽ, cứ theo lệ các ngày này đến ở cung miếu điện làm lễ thờ tế như nghi phép để làm rạng rỡ ý thọ của núi sông.

Van Luong 2

Những điều mới biết về Triệu Đà

Những tranh cãi về Triệu Đà vị vua đầu tiên của nước Nam Việt từ bao thế kỷ này chưa bao giờ dứt.  Người thì tôn là vị đế vương oai hùng khởi đầu sử Việt. Kẻ lại bảo là tội đồ làm người Việt chịu cảnh Bắc thuộc ngàn năm. Tranh cãi bởi vì chân tướng sự thực về Triệu Đà chưa được nhận ra. Một khi bản chất công trạng sự nghiệp lịch sử của vị vua này được hiểu đúng thì không cần phải tranh cãi nữa, vì lịch sử là sự thực, không cần biện luận đúng hay sai, tốt hay xấu.
Những sự thực mới biết về Triệu Đà có thể nhìn nhận ra được bằng cách so sánh giữa 2 nguồn tư liệu. Một là của chính người Việt tức là các truyền thuyết Việt lưu truyền về Triệu Đà ở các nơi thờ phụng trên đất Việt. Một là những ghi chép của người Trung Hoa về thời kỳ lịch sử này trong các thư tịch cổ, mà điển hình là Sử ký Tư Mã Thiên. So sánh 2 hướng nhìn, 2 cách ghi chép cho cùng một thời kỳ đem lại những thông tin thật bất ngờ về vị vua vĩ đại nhưng lại nhiều nỗi oan khuất mang tên Triệu Đà.

Thủa đầu trên quê hương
Thần tích làng Đồng Xâm, nơi có đền thờ Triệu Vũ Đế ở xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình kể:
Năm thứ 44 thời An Dương Vương, kỷ nhà Thục (Tần Thủy Hoàng năm 33) nhà Tần sai Hiệu úy Sử Lộc đem thuyền chở quân sĩ đào ngòi vận chuyển lương thực thâm nhập vùng Lĩnh Nam, chiếm đất Lục Lương đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, cho Nhâm Hiêu làm Nam Hải úy, Đế [Triệu Đà] làm Long Xuyên lệnh (tức huyện Nam Hải), đem bọn bị biếm trích đến đóng ở Ngũ Lĩnh (năm ấy Đế 31 tuổi).
Tiếp đó thần tích kể Triệu Đà đi đến trang Đường Sâm, lấy nàng Lan con gái họ Trình, sinh ra Trọng Thủy. Triệu Đà cho lập hành cung tại Đường Sâm, sau này là nơi thờ tự Triệu Đà và hoàng hậu Trình Thị.

IMG_4212.JPGĐền thờ Hoàng hậu Trình Thị ở gần Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình).

Nguyên văn chữ Nho của đoạn kể trên về Triệu Đà: “Đế vi Long Xuyên lệnh (tức Nam Hải huyện), lĩnh trích đồ thú Ngũ Lĩnh“.
Đoạn thông tin này bị hiểu là Triệu Đà dẫn đám dân đi lính thú của nhà Tần tấn công nước Việt. Nhưng đọc kỹ thì không phải vậy. Hiểu chính xác phải là Triệu Đà được cử làm huyện lệnh Long Xuyên, cũng là huyện Nam Hải. Triệu Đà nhận lĩnh việc đưa những người phu dịch (“đồ“) đến vùng Ngũ Lĩnh.
Làm gì có chuyện những người có tội bị biếm trích lại là quân lính để tấn công phương Nam. Đây là việc nhà Tần tăng cường nhân công cho việc xây dựng ở nước Nam, tương tự việc phu dịch xây Vạn lý trường thành ở phía Bắc. Triệu Đà là một lệnh trưởng chịu trách nhiệm dẫn dân phu đến vùng núi Ngũ Lĩnh.
Đoạn trích trên cũng cho biết, Triệu Đà đi đến vùng đất Thái Bình (Đồng Xâm), rồi lấy vợ, sinh con, còn lập cả hành cung (dựng nhà để ở) tại đó. Vậy là Thái Bình hay vùng Bắc Việt lúc này rõ ràng đã nằm trong lãnh thổ của nhà Tần thì Triệu Đà mới có thể ngụ cư, làm huyện lệnh và dẫn dân phu đi đến đó.
Đoạn kể về Triệu Đà này so với ghi chép trong Sử ký Tư Mã Thiên thì giống y hệt chuyện của Lưu Bang. Cao Tổ bản kỷ chép: “Cao Tổ dĩ đình trưởng vi huyện tống đồ Lịch Sơn“. Dịch: Cao Tổ làm đình trưởng trong huyện dẫn lính đồ thú đi Lịch Sơn.
Cần biết rằng “Ngũ Lĩnh” trong các thần tích Việt là chỉ dãy Hoàng Liên Sơn, nơi mà Kinh Dương Vương được phong cai quản vùng đất “Ngũ Lĩnh Vân Nam” ở phương Nam (theo Ngọc phả Hùng Vương). Còn “Lịch Sơn” chẳng ở đâu xa, là ngọn núi Lịch của Viễn Sơn, vị vua Hùng thứ 3, nay vẫn còn nguyên tên gọi, nằm giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ bây giờ.
Thần tích Đồng Xâm kể tiếp: Năm thứ 48 thời Thục An Dương Vương (năm thứ 37 Tần Thủy Hoàng, năm ấy Thủy Hoàng băng hà). Nhân đấy Nhâm Hiêu bàn mưu cùng Đế xâm chiếm Thục, thế rồi liền dẫn quân tiến đánh. Đế đóng quân ở vùng núi Tiên Du Bắc Giang, đại chiến với An Dương Vương. An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn, Đế thua chạy. Khi ấy, Nhâm Hiêu đem thuyền quân đóng ở Tiểu Giang (nay là bến Đông Hồ), xâm phạm phải thổ thần, nên bị nhiễm bệnh phải quay về.
Vùng gần thành Cổ Loa có sự tích Triệu Đà theo sông Hồng dẫn quân đến đánh Thục như ở các làng Văn Tinh, Lực Canh ở xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội. Di tích về Triệu Vũ Đế còn có là điện Long Hưng ở xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên với sự tích Triệu Vũ Đế đi dọc sông Hồng và thấy rồng bay lên, đặt tên vùng này là Thăng Long.
Câu đối ở điện Long Hưng:
一指已無秦萬里開先閩貉絶
两立何難漢億年倡始帝王基
Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt
Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.
Dịch:
Một lệnh dẹp không Tần, vạn dặm mở đầu dứt Mân Lạc
Hai ngôi sánh cùng Hán, nghìn năm gây nền vững đế vương.
Thần tích Đồng Xâm kể tiếp: Nhâm Hiêu nói với Đế rằng: Nhà Tần mất rồi. Hãy dùng kế mà tấn công Phán (tên của An Dương Vương) thì có thể lập nước được. Đế biết An Dương Vương có nỏ thần, không thể địch nổi, nên lui về phòng thủ ở núi Vũ Ninh. Sau đó sai sứ giảng hòa, chia đất. Bình Giang trở lên phía Bắc Đế cai trị. Bình Giang trở về Nam An Dương Vương cai trị.
Triệu Đà khi đánh Thục đã lui về phòng thủ ở núi Vũ Ninh. Vũ Ninh là núi Châu Sơn ở Quế Võ, Bắc Ninh, nay còn tục thờ Triệu Đà tại 8 làng của vùng này. Đây cũng hoàn toàn giống chuyện Lưu Bang sau khi dẫn dân phu đi Lịch Sơn, dân phu trốn nhiều quá buộc Lưu Bang sợ trách nhiệm phải cùng bỏ vào vùng núi Mang Đường, từ đó chống lại nhà Tần.
Cao Tổ bản kỷ chép: Tần Thủy Hoàng Đế thường nói: 
– Phía Đông Nam có khí thiên tử. 
Bèn đi chơi về phía đông để trấn áp. 
Cao Tổ nghi rằng đó là vì mình, bèn trốn tránh giữa miền đầm và núi giữa hai huyện Mang Đường.

Ban do Trieu Da
Các địa danh liên quan đến Triệu Đà.

Khởi nghĩa trên đất Việt
Thần tích Đồng Xâm kể: Năm thứ 50 đời An Dương Vương (Tần Nhị Thế năm thứ 2), Nhâm Hiêu bệnh nguy kịch nói với Đế rằng: “Nghe nói bọn Trần Thắng làm loạn, lòng dân chưa biết theo ai. Đất này là nơi hẻo lánh, ta sợ bọn giặc xâm phạm đến đây nên muốn cắt đường mà tự phòng bị (là nơi Tần mở đường qua Việt), đợi xem các nước chư hầu biến động ra sao”.
Như thế nhà Tần đã mở một con đường độc đạo để đi sang Việt. Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 35, sai làm con đường thông từ huyện Cửu Nguyên đến đất Vân Dương, đục núi, lấp các khe núi, nhờ vậy đường đi suốt và thẳng. Đây cũng là con đường mà Tần Thủy Hoàng thường “Đông du”, đến vùng đất có Lưu Bang như kể trên.
Thần tích Đồng Xâm kể tiếp: Đến khi bệnh nguy cấp Nhâm Hiêu nói: “Đất Phiên Ngung dựa núi cách sông, Đông Tây mỗi chiều dài mấy nghìn dặm, lại có người Tần giúp đỡ, nên cũng đủ để dựng nước hưng vương, làm chủ một phương. Các vị trưởng sử trong quận không ai có thể bàn được, chi nên phải triệu ông đến bảo”. Nhân đó cho Đế thay mình.
Nhâm Hiêu mất, Đế lập tức truyền hịch đến các cửa ải Hoành Bồ, Dương Sơn, Hoàng Khê rằng: “Quân giặc đã đến. Các quân binh cắt đường tự thủ”. Hịch truyền đến các châu huyện đều hưởng ứng theo. Thế rồi giết hết các trưởng sử do Tần cắt đặt, thay bằng những người bạn bè thân thích của mình cai quản. Rồi phát binh đánh Thục Vương.
Đoạn thần tích này nói Triệu Đà đã tiếp ý của Nhâm Hiêu, loại bỏ các quan của Tần ở trong quận, nhưng lại “phát binh đánh Thục Vương“. Đã giết các trưởng sử của Tần thì phải phát binh đánh Tần mới đúng. Tất cả sự trùng hợp về không gian, sự kiện nêu trên cho thấy Thục Vương chính là nhà Tần trong chuyện Triệu Đà. Người đã khởi nghĩa kháng Tần trên đất Việt không phải ai khác chính là Lưu Bang. Triệu Đà là một tên gọi từ góc nhìn của truyền thuyết Việt cho Lưu Bang, vị vua khởi lập nhà Hiếu (Hán) sau khi lật đổ nhà Tần.

IMG_2270Tượng Triệu Vũ Đế ở điện Long Hưng, Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên.

Trọng Thủy – Lý Thân
Có một chi tiết cần làm rõ trong chuyện Triệu Đà, đó là nhân vật Trọng Thủy. Thần tích Đồng Xâm kể:
Đế sai con trai là Trọng Thủy vào làm thị vệ và cầu hôn với con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Vua Thục chấp nhận. Trọng Thủy cùng công chúa ở nước Thục được ba năm, liền dỗ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần, rồi ngấm ngầm phá lẫy, đánh đổi đi…
Một khi đã xác định Thục chính là Tần, thì Trọng Thủy là phò mã của nhà Tần. Truyền thuyết Việt có một người là phò mã của Tần Thủy Hoàng, đó là Lý Ông Trọng, đức thánh Chèm. Cùng tên là Trọng. Họ Lý cũng chính là họ của Triệu Đà vì Triệu Đà là Lưu Bang hay Lý Bôn.
Theo sự tích ở đình Chèm (Từ Liêm, Hà Nội) thì Lý Ông Trọng là Tư lệ hiệu úy của nhà Tần, được Tần Thủy Hoàng gả con gái là Bạch Tĩnh công chúa cho. Còn Trọng Thủy thì theo đúng ghi chép của thần tích, đã vào cung nhà Thục làm “thị vệ” rồi cầu hôn công chúa của Thục Vương.

P1000409.JPG
Đình Ninh Sơn, nơi thờ Lý Thân ở Chương Mỹ, Hà Nội.

Đặc biệt hơn, sự tích ở vùng Hà Tây kể Triệu Đà vốn tên là Nguyễn Thận ( = Lý Thân vì họ Lý đổi ra họ Nguyễn dưới thời Trần), sau làm con nuôi của Triệu Cao, nên đổi sang họ Triệu. Triệu Cao ở đây như vậy là ông tổ của nhà Triệu, có thể gọi là Triệu Cao Tổ. Cao Tổ nhà Triệu thì rõ ràng là Hiếu Cao Lưu Bang. Lý Ông Trọng là con (nuôi) của Cao Tổ, tương đương với Trọng Thủy, con Triệu Cao Tổ Lưu Bang.
Gia phả Phạm Công tộc tại Mộ Đức – Quảng Ngãi ghi: Cuối đời Hùng Duệ Vương  con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái châu (Bình Trị Thiên) và Trung châu (gọi là xứ Lâm Ấp).
Thần tích Đồng Xâm cũng kể: Đến năm thứ nhất nhà Triệu (Đế 50 tuổi, Tần Nhị Thế năm thứ 3) Đế đã thắng quân Thục chiếm được Lâm Ấp, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương, đóng đô ở Phiên Ngung (nay là Quảng Đông).
Lý Ông Trọng như vậy là là vị thủ lĩnh khởi đầu của nước Lâm Ấp hay Nam Chiếu. Nước Nam Chiếu ban đầu gọi là Nam Triệu như trong Truyện Nam Chiếu, Lĩnh Nam chích quái đã chép:
Người Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế…
Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu.
Người Nam Chiếu là dòng dõi Triệu Đà. Kết nối các thông tin trên càng khẳng định thêm rằng Lý Thân – Lý Ông Trọng chính là Trọng Thủy, con (dòng dõi) của Triệu Đà trong truyền thuyết.
Câu đối về Lý Ông Trọng ở đình Chèm:
秦關莅止中華將
越甸巍然尚等神
Tần quan lỵ chỉ Trung Hoa tướng
Việt điện nguy nhiên thượng đẳng thần.
Dịch:
Ải Tần chốn đó tướng Trung Hoa
Điện Việt còn đây thần thượng đẳng.

Phần luận kết trong Ngọc phả Hùng Vương ở đền Vân Luông

Xét như: Tiếng đức Tiền hoàng đế thời Thái Cổ, từ kỷ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của mùa xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng hoang trước khi có trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng nghi, là Thiên, Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng.
Thời Hỗn Mang còn chưa biết đạo trời đất khởi đầu thế nào, đến Âm dương biến làm Tam tài, vị quân thủ dẫn đường dần dần mở ra phong khí, dần dần có văn minh, làm rõ ràng các giáo lý trị dân. Trời xuất hiện nhiều bậc đại thánh. Cha trời Mẹ đất là Thiên tử xuất hiện đầu tiên. Sau đến các vật ở vạn nước được yên định, nhận trọng trách lớn như thế sao.
Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân có định hướng.
Cứ mỗi đời có bậc quân vương lại tất có sự sáng chế của quân vương đó. Các vua sau tự theo đó mà được lâu dài, to lớn mà không rung động. Khi dân có việc khó thì lấy đó làm sự nguy mà quyết. Có thể xem hiền mà sửa mình.
Địa Hoàng định hai thời phân làm Ngày Đêm, lấy 30 ngày làm một tháng, 12 tháng làm một năm. Phân tách thiện ác, cuối cùng tuân với gốc gác, ơn huệ mà theo. Các anh em của Người 18.000 là chúa tể thiên hạ các phương, sáng chế lập ra pháp luật, ban bố vạn đời. Khiến cho hậu thế đều biết được chỗ sáng tối, tháng năm như thế. Trời sinh tinh khí thánh nhân tụ hội ở vị trí là thầy là vua, cao quý hơn hết. Vị trí là ngôi vị của trời. Lộc là lộc của trời. Thiên tử thay trời lo vật, thừa mệnh trời mà ra trị. Kính trời, theo phép tổ, làm việc quý người, bèn phân chia chức trách như vậy.
Nhân Hoàng một họ 9 người cùng nhau, núi sông chia làm 9 khu, người ở một phương, là một thời giàu có. Vạn vật đều thuần hậu, ôn hòa. Chúa không dối, vua thần không dối. Tận hưởng lộc trời tốt thay!
Tới thời Xuân Thu khi Lỗ chủ Công là Tưởng bắt Kỳ Lân năm thứ 14. Xét trải tháng năm, ngày được 3.267.000, chia làm 10 kỷ, là: Cửu Đầu, Ngũ Long, Nhiếp Đề, Hợp Lạc, Liên Thông, Tự Mệnh, Tuần Phỉ, Nhân Đề, Thiền Thông, Sơ Ngật, tất cả là 10 kỷ. Từ Nhân Hoàng đến Tự Mệnh có 88 vị quân vương. Từ Tuần Phỉ về sau đều truyền các vua nối vị.
Kỷ Thiền Thông kết thúc vào thời Viêm Đế. Kỷ Sơ Ngật được khởi đầu từ Hoàng Đế, là Hiên Viên, lấy đức trị dân, họ hiệu là Hữu Hùng Thị, tên xưng Hoàng Đế. Ngài là bậc thần linh trị quốc, dùng binh phủ dụ vạn dân, gieo ngũ cốc đi bốn phương, lập chế độ chính triều đình, bốn mùa đều thuận, vạn dân vui mừng, thiên hạ thái bình.
Đế có 6 tướng bao quát hết trời đất thần minh. Ở ngôi được 100 năm thì mất. Người kế tục là Đế Minh, sinh Đế Nghi là con trưởng, Kinh Dương Vương là con thứ (tên húy là Lộc Độc, phong ở Nam Man). Kinh Dương Vương trấn trị Ngũ Lĩnh Vân Nam, vùng đất có núi dài miên man, được thế phong thủy, biển đảo đúc thiêng. Lấy con gái Động Đình Quân, sinh được một hoàng tử kỳ tài hơn người, có khí độ thông minh đại trí, liền phong là Lạc Long Quân (tên húy là Sùng Lãm, hiệu là Hùng Hiền Vương). Vua cha lệnh sai trấn ở chính điện tại đô thành Nghĩa Lĩnh. Lấy bà Âu Cơ, sinh ra điềm lành trăm trai, xưng vua trị nước, cùng với các chư hầu trong thiên hạ cùng yên ổn vô sự.
Thời Vua tu đức, cầu điều nhân nên đức Thổ được thịnh vượng. Dạy dân cày cấy lương thực. Cái ăn cái mặc đầy đủ. Triều đình giữ kỷ cương, theo tôn ti mà định ngôi thứ. Cha con anh em trên dưới hiếu thuận. Con cháu truyền 18 cành lá, đại bảo ấn phù cơ đồ theo mệnh trời mà ra trị nước Nam. Ngọc trắng xe sách núi sông một mối, vĩnh truyền muôn năm hơn trăm đời vương đế trị nước, nắm quyền chính trị phương Nam, nối tiếp được hơn 2.650 năm. Thật là lâu bền. Để lại con cháu giữ nước, vạn đời cơ đồ, con thánh cháu thần dòng dõi, nam nữ trăm họ được 14.370 người, xưng tên là Cổ Việt Hùng Thị. Con vua, quan lang, thổ tù được phân ra trấn giữ núi sông đất Việt. Về sau là các vua nối trị cùng các phiên thần, thổ tù, quan lang, phụ đạo, cùng là những công thần khai quốc.
Trải thời gian từ kỷ Tuần Phỉ về sau, từ Nghiêu Thuấn Ngũ Đế tới nay đã hơn 3.000 năm. Trước Tam Đại không như thời Đường Ngu. Sau Hán Đường Tống không như Tam Đại. Đạo đời lên xuống, không quá 300 năm mới có một sự biến. Rồi 200 năm có một biến, 300 năm có một biến trung bình, 500 năm có một biến lớn. Từ lúc khai mở về sau 4-5 vạn năm lúc phong khí chưa mở văn minh, chưa có đất nước, chưa yên, tới Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, thay nhau mà hưng vượng về sau, lấy vương đạo mà trị.
Xưa thời Hy Nông trở về đời Bàn Cổ, chưa có lịch, gộp các tộc có tên phủ thế trị dân, tất cả là 22 chi hệ được xét. Từ Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, Ngũ Đế là các nguyên thánh trị thiên hạ. Đế là vua, thiên hạ chúa tể ngự thế, theo Càn khôn mà khởi tạo ra lòng nhân, là đức dưỡng sinh thay Tạo hóa vậy.

Nhật Nguyệt Tinh Thần

Có một hình tượng được dùng rất phổ biến trong các đền miếu, được đặt một cách trang trọng ở chính giữa các công trình kiến trúc, điện thờ, vật thờ,… Đó là 2 linh vật đang chầu hay dâng một khối tròn, bốc lửa hoặc hình lá đề. Hình tượng này có ít nhất từ thời Lý, như trên cột đá chùa Dạm, trang trí đầu ống ngói ở Hoàng thành Thăng Long, trán bia chùa Long Đọi… Hai linh vật chầu hai bên có thể là Rồng, Phượng, thậm chí có chỗ là Cá hóa rồng.  Tên gọi và ý nghĩa của hình tượng này là gì?

Den Soc
Đền Thượng Sóc Sơn, với 2 lớp rồng chầu mặt nguyệt trên nóc.

Hình tượng hình tròn bốc lửa hay là đề ở chính giữa có nhiều cách gọi: Mặt nguyệt, Mặt trời, Ngọc, Âm dương, Thái cực. Nói chung tất cả đều thể hiện về một điều gì đó tôn quý, sơ khởi, có thể gọi là “nguyên thần”. 2 linh vật chầu vào “nguyên thần” ở giữa như thế là biểu tượng của tín ngưỡng hướng về nguồn cội, về gốc gác của vạn vật.

Luong long chau NNTT 3
Lá đề lưỡng long dâng châu ở hầm tòa nhà Quốc hội.

Hình tượng này có tên trong thư tịch cổ là Nhật Nguyệt tinh thần 日月星辰. Đây là cụm từ được sử dụng khá nhiều trong Ngọc phả Hùng Vương. Ví dụ các đoạn sau:
– Đoạn kể về thái tử Lạc Long Quân sau khi đi khắp nước về thăm Đế tổ là Đế Minh, Đế bá là Đế Nghi: Đế tổ Đế bá, thị Thái tử vi cốt nhục, quán như nhật nguyệt tinh thần, sí nhược kim bảo châu ngọc, đại vật bất tề. Dịch ý: Đế tổ, Đế bá coi Thái tử như cốt nhục, xem như nhật nguyệt tinh thần, quý như châu ngọc vàng báu, vật quý cũng không bằng.

Quan nhu NNTT
Một trang Ngọc phả Hùng Vương dùng cụm từ Nhật nguyệt tinh thần.

– Đoạn Ngọc phả bàn về thời đầu Hùng Vương thịnh trị: Tứ phương bách tính, dĩ thần thuộc sự. Vạn dân tắc canh điền giám tỉnh, tuế tác nhập tức. Thiên địa nhật nguyệt tinh thần, âm dương dĩ chính, tứ thời tiết hậu. Dịch ý: Bốn phương trăm họ đều thần thuộc. Vạn dân được cày ruộng soi giếng, ăn nên làm ra. Trời đất nhật nguyệt tinh thần đều chính. Bốn mùa khí hậu an hòa.
– Đoạn kể về Lão tiên ông chống gậy trúc ở bến sông Việt Trì được Hùng Hiền Vương mời về đặt định tên cho trăm hoàng tử: Lão hữu thần thư nhất quyển, bốc tri thiên địa nhật nguyệt tinh thần, hô danh tiên pháp. Dịch ý: Lão có một quyển sách thần, là xem mà biết phép tiên, gọi tên trời đất nhật nguyệt tinh thần
– Đoạn về Hùng Vương dùng lễ dối, bị Trời giáng tai họa: Đắc Thân niên Thân nguyệt, nhật nguyệt tinh thần xuất tuệ, phong vũ bất điều, thì khí bất chánh, thử nhân quân đức chánh vị thuần. Dịch ý: Đến năm Thân tháng Thân, nhật nguyệt tinh thần rơi rụng. Mưa gió không điều hòa. Khí thời không chính. Đức của người làm vua không được thuần.
– Đoạn Hùng Huy Vương cho xây dựng điện thờ trên núi Nghĩa Lĩnh: Phát tích tại bản tự, đắc thần bộ chúng, giáng thế phù dực, sơn hà chung linh tú dị, nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú, Bách thần đô hội. Dịch ý: Dấu tích bắt đầu tại chùa này, nơi được các bộ chúng thần giáng thế giúp đỡ, núi sông chung đúc linh thiêng lạ đẹp, Nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú cùng trăm thần tụ hội.

Luong long chau NNTT
Hình tượng Nhật nguyệt tinh thần dưới dạng Thái cực đồ ở một ngôi đình tại Phú Thọ.

Nghĩa cụm từ này không hẳn như vẫn dịch là “Mặt trăng Mặt trời Tinh tú”. Nhật Nguyệt Tinh Thần là cụm từ chỉ 4 trạng thái trong Tứ tượng:

  • Nhật (Mặt Trời) – tương ứng với Thái Dương.
  • Nguyệt (Mặt Trăng) – tương ứng với Thái Âm.
  • Tinh (các vì sao đứng yên, định tinh) tương ứng với Thiếu Âm.
  • Thần (hay Thìn, các ngôi sao chuyển động, hành tinh) tương ứng với Thiếu Dương.
NNTT

Như vậy cụm từ “Nhật nguyệt tinh thần” là tương đương với Thái cực đồ, mà trong đó có cả Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Đây là dẫn chứng rõ ràng cho thấy hình ảnh “mặt nguyệt” mà đôi rồng chầu gặp trong đền miếu có tên là Nhật Nguyệt Tinh Thần, là đồ hình Tứ tượng, bao quát hết cả không gian và thời gian.
Đồ hình Thái cực – Tứ tượng – Nhật nguyệt tinh thần này còn trở thành hình lá đề trong các chủ đề được trình bày thời Lý, như trên cột đá chùa Dạm hay trên trang trí nóc Hoàng thành Thăng Long.

Luong long chau NNTT 4
Lưỡng long dâng chầu Nhật nguyệt tinh thần ở chùa Dạm, Bắc Ninh.

Trong lễ tục truyền thống, hình tròn Nhật nguyệt tinh thần còn gặp ở các tục vật cầu, ở Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) hay làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang). Bản thân các quả cầu này cũng là vật được thờ trong đình làng. Ngày hội khi đêm cầu ra cũng làm lễ tế, rước. Ở làng Vân có quan niệm:
Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.
Nhìn nhận xa hơn thì quả cầu là hình tượng của “Nhật nguyệt tinh thần” hay Thái cực đồ vẫn được dùng cho rồng, phượng chầu trong đền miếu. Quả cầu như thế là sự hội tụ về tinh thần của trời đất vạn vật. Với nghĩa đó nó được thờ cúng và lễ rước.

Cau Thuy Linh.jpg
Các quả cầu trong hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội).

 

 

 

Thục An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng và Thạch Sanh

18 triều Hùng nước Nam, thần truyền thánh kế hơn 2000 năm, dựng lập một thiên hạ họ Hùng mênh mông, gồm cả trăm chư hầu đầu non góc biển, là phên dậu bình phong, phân trăm quan, đặt trăm họ, phong trăm thần… Thời kỳ dựng nước của các vùa Hùng được kết thúc bởi sự chuyển nhượng ngôi vị từ Hùng Vương sang cho nhà Thục. Nhưng câu hỏi đặt ra: Thục là ai? Ngọc phả Hùng Vương một lần nữa lại cung cấp những thông tin cực kỳ xác đáng, giúp nhận diện triều đại tiếp nối 18 Hùng triều này.
Ngọc phả Hùng Vương của xã Hy Cương (Việt Trì, Phú Thọ) chép về đời Hùng Vương thứ 17 có sự kiện sau:
Hùng Nghị Vương thừa hưởng nhiều đời thiên hạ thái bình. Vua sinh ra đam mê tửu sắc, ham thích du chơi, không lo sửa sang võ bị. Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ phương Nam có cây kiếm thần nên còn do dự chưa quyết.
Bấy giờ chúa phụ đạo bộ Ai Lao là người có hùng tài đại lược, cũng vốn là tông phái của Hùng Vương. Vua Thục biết thế bèn đem quân sang đánh bộ Ai Lao để đoạt chức chúa phụ đạo. Bộ Ai Lao không kháng cự được bèn sai sứ giả sang cầu cứu với Hùng Nghị Vương. Hùng Nghị Vương thân đem 10 vạn tinh binh tiến thẳng đến dưới thành Ai Lao để cứu viện. Thục Vương nghe tin bèn biên thư gửi cho Hùng Nghị Vương, nói: “Quân Thục từ phía Tây đến, chỉ muốn bộ chủ [Ai Lao] truyền lại cho ngôi báu, đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống với muôn cỗ xe của nhà vua”.
Hùng Nghị Vương thấy lời lẽ trong thư như thế bèn rút quân về. Thục vương bắt được bộ chủ phụ đạo [Ai Lao] đem về Thục, gả công chúa cho, rồi bắt nhường ngôi cho mình. Thục Vương sai sứ giả sang tạ ơn Hùng Nghị Vương, xin coi triều Nam là anh, triều Tây là em, cùng nhau giảng hoà định ước, hai nước quan hệ đi lại với nhau. Hùng Nghị Vương bằng lòng như thế. Từ đó triều Tây ngừng việc binh.
Đoạn ngọc phả này cung cấp thông tin mà trước giờ ít được chú ý. Trước khi Thục Vương thay thế Hùng Vương ở đời Hùng Vương 18, thì từ đời Hùng Vương 17 đầu tiên Thục Vương đã chiếm bộ Ai Lao, tiếm vị “bộ chủ phụ đạo“. Thục Vương thậm chí còn viết thư tỏ ý “đe dọa” tới Hùng Vương để Hùng Vương không can thiệp vào chuyện đoạt vị ở bộ Ai Lao.
Nên biết rằng chức “bộ chủ phụ đạo” vốn được lập ra dưới thời Hùng Quốc Vương khi phân chia lãnh thổ. Đứng đầu một chư hầu phiên dậu (một bộ) là một bộ chủ phụ đạo. Chức vị này được phép “phụ truyền tử kế“, cha truyền con nối. Nói cách khác, bộ chủ phụ đạo chính là vua của một nước chư hầu trong thiên hạ họ Hùng. Thục Vương tranh đoạt chức vị này ở bộ Ai Lao nghĩa là đã chiếm nước chư hầu vào hàng lớn nhất, thân cận nhất của Hùng Vương.
Đoạn ngọc phả trên cũng cho biết Thục nghĩa là Tây, nhà Thục tương đương với triều đại phía Tây. Tây Thục xưng Hùng Vương Văn Lang phía Nam là anh.
Sang đời Hùng Vương thứ 18 là Hùng Tuyền Vương (hay có bản chép là Hùng Duệ Vương), Ngọc phả kể chuyện Hùng Tuyền Vương xây thành Cổ Loa, được thần Kim Quy trợ giúp diệt trừ yêu quỷ và trao cho móng rùa làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần và thành Cổ Loa vững chắc, quân Thục không làm gì được triều Hùng.
Như vậy theo Ngọc phả Hùng Vương, người xây thành Cổ Loa không phải là Thục An Dương Vương. Nói cách khác, thành Cổ Loa đã được xây trước khi Thục chiếm được Văn Lang.
Tới chỗ này lại có một chuyện khó hiểu. Đang có sức mạnh quân sự như vậy nhưng Hùng Vương lại theo lời Tản Viên Sơn Thánh, quyết định nhường ngôi cho Thục Vương, tặng thêm cả nỏ thần. Còn mình thì đi tìm tiên thuật, hóa sinh bất diệt…
Sự thực hẳn phải là khác. Thục Vương đã từng cầu hôn con gái Hùng Vương 18, nhưng không thành. Sau đó thực chất là vừa ép vừa dụ để Hùng Vương nhường lại ngôi cho mình. Đây là ý đồ của nhà Thục đã có từ thời Hùng Vương thứ 17 ở trên.
Với những sự kiện trên về Thục Vương chiếm ngôi của Hùng Vương, chấm dứt Hùng triều trong Ngọc phả, thì chợt nhận ra: Thục trong chuyện này chính là nhà Tần. Tần vốn là một chư hầu của thiên hạ Trung Hoa, vào cuối thời Chu trở nên hùng mạnh. Một trong những cuộc đánh chiếm mở rộng đất Tần là đánh vào Tây Chu. Sử gọi vùng này là Tây Âu.
Sách Hoài Nam tử cho biết: Trong 3 năm, [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống.
Tây Âu là vùng đất Vân Nam, xưa là vùng Ai Lao di. Bộ chủ Ai Lao bị Tần Thục đánh chiếm ngôi vị như thế chính là Dịch Hu Tống, một dòng dõi của Hùng Vương Văn Lang, vì:
– Dịch chỉ người đã tác Dịch, tức là Văn Vương (Văn Lang).
– Hu hay Hậu.
– Tống hay Tông.
Dịch Hu Tống = Dịch Hậu Tông, nghĩa là dòng dõi của vua Dịch học Văn Vương, tức là dòng dõi vua Hùng Văn Lang.
Chỉ có Tần mới dám ngang nhiên đánh chiếm đất đai của dòng dõi Thiên tử (Tây Chu), thậm chí viết thư đe dọa vua Chu (Hùng Vương) không được can thiệp. Sau đó, còn xưng làm anh em với thiên tử Chu thay cho lễ quân thần.

bach-viet-13Vị trí các địa danh trong bài.

Tới đời tiếp theo, như đã biết với chuyện con tin của Tần là Dị Nhân Tử Sở ở rể tại nước Châu – Triệu hay trong chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, Hùng Vương – thiên tử Chu mất thành, mất nước, mất bảo vật nỏ thần theo kiểu vừa bị chiếm vừa bị ép nhường ngôi. Thiên tử Chu Noãn Vương năm 256 TCN đã “hóa sinh bất diệt” bằng cách cầm sừng văn tê bảy tấc đi ra biển theo thần Kim Quy. Đây cũng là năm mà Tần chính thức xóa sổ nhà Chu theo ghi chép của chính sử.
Ngọc phả Hùng Vương kể:
Thục An Vương đã được nhường nước, tưởng nhớ ơn đức trời biển của Hùng Tuyền vương bèn xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh cho dựng Dao Đài để làm nơi quốc gia phụng thờ, dựng hai cột đá trên núi, chỉ lên trời thề rằng:
– Nguyện trời cao mây xám lồng lộng xét soi, nước Nam trường tồn trường tại. Ngôi miếu Hùng vương nơi đây nếu vua sau kế trị mà bội ước nhạt thề thì sẽ bị rìu trăng búa gió trừng phạt, không phụ lời thề của tiền nhân.
Nhà Tần khi diệt Chu đã không tận diệt con cháu vua Chu, mà cho họ được an trí ở một vùng đất nhỏ, cũng gọi là Đông Chu. Đây hẳn là vì giao tình giữa vua Tần với nhà Chu trong cuộc thông gia dẫn đến việc nhường ngôi nói trên.

Picture3Đá cổ (cự thạch) ở Xín Mần, Hà Giang (gần Tây Côn lĩnh).

Thêm một chi tiết là Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất thiên hạ các nước đã lên núi Thái Sơn để phong thiện tế cáo trời đất. Nên biết là núi Thái của thời kỳ này không phải là ở vùng Sơn Đông bên Tàu. Thái Sơn của thiên hạ họ Hùng là ngọn Côn Lôn, nơi vị Thái tổ Hùng Vương là Đế Minh đã khởi dựng cơ nghiệp hồng đồ. Dãy Côn Lôn này chính là dãy Hoàng Liên Sơn ở Bắc Việt, mà được ghi rõ ràng trong Ngọc phả Hùng Vương của đền Vân Luông (Việt Trì):
Xưa tại Đại quốc Trung Hoa, đô đóng ở thành Thiên Thọ Bắc, lăng phần mộ tổ trời táng ở núi Côn Lôn, cùng năm hồ, biển lớn, núi Nam hội chầu chính đường, ban đầu là từ cháu ba đời Viêm Đế dòng Thần Nông thị, từ Hy Hoàng tới đó, truyền ngôi quốc bảo chính thống Nam Bang, để lại cho con cháu đời sau vậy.
Sự kiện Thục Vương lên núi Nghĩa Lĩnh lập cột đá thề là việc Tần Thủy Hoàng phong thiện ở núi Thái Sơn. Cột đá thề của Tần Thục do đó khả dĩ nhất là nằm trong khu vực… bãi đá cổ Sa Pa ở gần đỉnh Phan Xi Phăng của dãy núi tổ Hoàng Liên. Bãi đá có khắc những hình ruộng bậc thang, vuông tròn này vốn là khu vực tế đàn của thời Hùng Vương, nên sẽ hợp lý nhất đó cũng là nơi phong thiện trên núi Thái của Tần Thủy Hoàng. Suy luận hơn nữa, cũng chính vùng núi Sa Pa này có các mộ của các vị vua Hùng mà “trời táng ở núi Côn Lôn” như Ngọc phả đã ghi.
Việc Tần diệt Chu hay Thục thay Hùng, thống nhất Trung Hoa, chuyển từ chế độ phong kiến phân quyền (thiên tử – chư hầu) sang phong kiến tập quyền trung ương (chế độ quận huyện), còn được truyền thuyết Việt kể dưới góc độ khác. Đó là chuyện Chín chúa tranh vua của người Tày ở Cao Bằng, khi mà Thục Phán đã đánh bại các chúa (các nước chư hầu) rồi thôn tính luôn nước Văn Lang.

Thạch SanhTượng Thạch Sanh thờ ở chùa Đống Lân ở TP Cao Bằng.

Liên hệ xa hơn nữa, cũng ở Cao Bằng, nơi xuất xứ của truyện Thạch Sanh, lấy công chúa rồi dùng niêu cơm tiếng đàn của mình dẹp tan quân sĩ của mười tám nước. “Thạch” hay Thổ là hành chỉ hướng Tây trong Ngũ hành, tương đương với Tây Thục, hay Tần. Truyện cổ tích Thạch Sanh ghi rõ: “Về sau vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh“, tức là y chang truyện vùa Hùng 18 nhường ngôi cho Thục.
Thục Vương – Tần Vương – Thạch Sanh là một. Nhận định này thật khó tin, nhưng khó có gì hợp lý hơn khi so sánh những thông tin từ Ngọc phả Hùng Vương.

Thần núi Tam Đảo Lăng Thị Tiêu

Ngọc phả và thần tích về Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu kể về vị mẫu chúa tên là Thẩm, húy Nhược Cảm, xuất xứ ở vùng núi Tây Thiên. Vị mẫu này từng tập hợp quân đội, giúp vua Hùng dẹp giặc Thục, sau đó dựng các hành cung ở chân núi Tam Đảo, rồi hóa về trời. Quốc mẫu Tây Thiên đã được xác định là con gái bà Vụ Tiên trong truyền thuyết họ Hồng Bàng, là Mẫu Thượng Thiên trong Tứ phủ, là Tây Vương Mẫu trong Đạo Giáo, là Hậu Thổ Nguyên Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, bà Lụy Tổ nghề dâu tằm… Tuy nhiên ở Tam Đảo còn một truyền tích về nhân vật nữ tiên khác cũng từ núi Tây Thiên.

Dien mau Hoa Long.jpgĐiện thờ với Hoành phi “Tây Thiên thánh mẫu” tại chùa Hoa Long, Việt Trì.

Ngọc phả Hùng Vương (soạn bởi Nguyễn Cố thời Lê Đại Hành) lưu tại Phú Thọ kể, vào đời Hùng Chiêu Vương (đời Hùng Vương thứ bảy), vua Hùng lên núi Tam Đảo, đến ngôi chùa cổ tên là chùa Tây Thiên. Vua cho dựng đàn tràng, làm lễ bái yết, khấn lời cầu nguyện Hoàng Thiên cho các vị thần tiên giáng xuống cho được có dịp hạnh ngộ, thoả lòng mong ước…. Khi về đến dưới núi Vua gặp một mỹ nhân phong tư xinh đẹp, cốt cách thanh cao, biết là thần tiên sai đưa tiên nữ đến cho mình. Vua đón về trở về thành Phong Đô, lập tiên nương làm vương phi chính nhất….
Chưa đầy năm Ngọc Tiêu mang thai, rồi sinh một con trai tư chất bẩm sinh thông minh, anh tài trác việt. Đến tuổi trưởng thành được vua cha lập làm Thái tử nối quốc thống…
Về sau, Vua cùng hoàng phi học được tiên thuật, hưởng nước được 200 năm, Vua truyền cho con lên ngôi trị vì. Vua thọ sánh ngang tuế nguyệt Kiều Bành, hoá sinh bất diệt.
Ở xã Dữu Lâu của Việt Trì, Phú Thọ, từng có đền thờ Lang Liêu và vợ là nàng Lăng Thị Tiêu với sự tích tương tự về việc Lang Liêu đi cầu được tiên ở núi Tam Đảo. Lang Liêu cũng là vị vua Hùng thứ 7 sau khi nối ngôi vua cha. Điện thờ mẫu Lăng Thị Tiêu còn có ở trong chùa Hoa Long tại phường Bến Gót ở Việt Trì.
Như vậy, vị tiên mẫu thứ hai xuất phát ở núi Tam Đảo là bà Ngọc Tiêu hay Lăng Thị Tiêu, lấy vua Hùng đời thứ 7 là Hùng Chiêu Vương hay Lang Liêu. Vị thánh mẫu này đã cùng vua Hùng học được tiên thuật, hóa sinh bất diệt nên được tôn thờ từ thời Hùng Vương. Rõ ràng đây là một nhân vật thần nữ khác so với Tây Thiên Quốc Mẫu được kể ở trên. Ngay sự tích được kể cũng cho biết, khi vua Hùng lên núi Tam Đảo thì nơi đây đã có một ngôi chùa cổ Tây Thiên.
Tại khu di tích Tây Thiên còn dấu vết của của việc vua Hùng cầu tiên là là chùa Phù Nghì. Chùa này tương truyền được xây trên nền Vọng Tiên đài, nơi Hùng Vương thứ 7 đã lập đàn cầu tiên.

IMG_2418.jpgBia ma nhai do Lê Khắc Phục lập khi lên cầu đảo ở núi Tam Đảo.

Sự tích khác liên quan đến vị thần nữ núi Tam Đảo là truyện Thanh sơn đại vương được chép trong Việt điện u linh. Truyện như sau:
Núi Tam Đảo là một danh sơn ở nước ta, dãy núi vòng quanh phương Bắc, dài tới nghìn dặm. Đời Lý, Trần trước có ghi tên núi vào trong tự điển, nhưng chưa được rõ rệt, sau gặp nhiều lần binh lửa nên bỏ mất. Đến đời vua Nhân Tông nhà Lê, trong hai năm Kỷ Tị và Canh Ngọ (1449 – 1450) bị đại hạn luôn, cầu đảo khắp các thần, đều không thấy mưa. Triều đình họp bàn: Tam Đảo là núi có tiếng mà sự thờ cúng lại quá chểnh mảng, nay nên cho lên sửa sang và tế lễ để cầu đảo. Vua liền sai soạn văn, phong thần núi là Thanh Sơn đại vương và cho lên làm lễ cầu mưa. Hôm ấy mây nổi, khắp trời tối trăm, sáng hôm sau mưa xuống như trút, rồi năm ấy được mùa. Từ ấy về sau, hễ gặp đại hạn, lên đền cầu mưa đều ứng nghiệm. Thần núi được tôn làm phúc thần một phương và núi được ghi vào tự điển từ đấy.
Dấu vết của việc cầu đảo này còn lưu trên là tấm bia ma nhai khắc trên vách đá ven suối có tên Bát Nhã tuyền do quan đại thần Lê Khắc Phục lập. 
Ngày nay, vị thần núi Tam Đảo này được lập thành một ngôi đền riêng, gần với đền Thượng Tây Thiên. Trong đền có tượng thần hình dáng một mỹ nhân tuyệt sắc.

IMG_6495Điện thờ Thanh Sơn đại vương ở Tây Thiên.

Câu đối ở điện thờ Thanh Sơn đại vương trên núi Tây Thiên:
Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo
Cửu tiêu nhật nguyệt ánh trùng quang.
Đáng chú ý ở câu này dùng chữ “Cửu Tiêu”, chỉ chốn trời cao.
Với những thông tin về vị nữ thần chốn Cửu Tiêu, đẹp như một mỹ nhân này thì có thể nhận định: thần núi Tam Đảo chính là bà Ngọc Tiêu (Lăng Thị Tiêu), vị tiên nữ giáng trần người lấy vua Hùng thứ bảy trong Ngọc phả Hùng Vương ở Phú Thọ. Một số sự tích hiển linh khác ở Tây Thiên – Tam Đảo được kể như việc báo mộng cho Trần Nguyên Hãn về khởi nghĩa của Lê Lợi hẳn cũng thuộc về vị nữ thần này.
Hiện tượng ở một nơi nhưng có 2 vị thần thuộc 2 thời kỳ khác nhau là thường gặp trong tín ngưỡng thờ thần ở miền Bắc. Ví dụ, ở Sóc Sơn, trong khi vị thần thờ chính là Phù Đổng Thiên Vương (thánh Dóng), nhưng lại có thờ cả thần núi Vệ Linh là Na Tra thái tử. Sự tích kể Na Tra từng hiển linh trước giặc Tống trên sông Đà ở Thái Nguyên. Trong quần thể đền Dóng Sóc Sơn, có riêng đền Hạ là để thờ vị thần núi Sóc này.
Hay cũng ở núi Sóc còn có chuyện Tỳ Sa Môn thiên vương hiển linh trước nhà sư Khuông Việt. Trong đền Thượng Sóc Sơn ngoài Thánh Dóng được thờ chính còn có cả tượng thờ Na Tra thái tử và Tỳ Sa Môn thiên vương. Những chuyện này làm cho các nhận định về Thánh Dóng khá lẫn lôn, quy kết thành Tỳ Sa Môn thiên vương. Thực tế, Thánh Dóng vẫn là Thánh Dóng, còn cùng nơi đó có những vị thần khác hiển linh, tuy có liên quan, nhưng không phải là hình tượng gốc của Thánh Dóng.
Qua những tư liệu và di tích ở trên, có thể nhận định, ở Tây Thiên có 2 vị nữ thần được thờ phụng:
– Một là Tây Thiên quốc mẫu hay Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu, vị mẫu thời Hùng Vương thứ nhất, giúp vua Hùng dẹp giặc, dựng nước. Đây là vị quốc mẫu tối cao, chiếm nhiều ngôi vị quan trọng trong Đạo Mẫu và Đạo Giáo, cũng như các tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân gian.
– Hai là Thanh Sơn đại vương Ngọc Tiêu (Lăng Thị Tiêu), người lấy Hùng Vương thứ 7, là vị thần núi Tam Đảo, thường được cầu đảo làm mưa và hiển ứng báo mộng qua các thời.
Câu đối ở đền Thỏng (Hữu thần cung), tại xã Đại Đình, Tam Đảo:
石路赴西天靈地存名仙降
高山豋扶議古臺記位母儀
Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh tiên giáng
Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký vị mẫu nghi.
Dịch:
Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế
Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi ngôi mẫu oai nghiêm.