Hổ dữ, Hổ lành và triết lý “thả Hổ về rừng”

Khi nói đến Hổ ta thường nghĩ đến sự hung dữ, độc ác, hại người. Nhưng trong văn hóa truyền thống, Hổ lại là biểu tượng của điều lành cát tường, là bà mẹ Thiên nhiên, bao bọc, nâng đỡ cho Con người.
1. Trong tập truyện cổ Lĩnh Nam chích quái có câu chuyện kể về lễ tục cúng thần vào ngày cuối năm 30 tháng Chạp của người Việt. Truyện Mộc tinh chép:
Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây Chiên đàn cao hơn ngàn nhẫn, cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn dặm, có chim hạc đến đậu nên đất chỗ đó gọi là Bạch Hạc. Cây trải qua mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng nhạc mà đánh thắng yêu, yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ hàng năm thường tới 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn. Dân thường gọi yêu là thần Xương Cuồng.
Truyện Mộc Tinh nói đến cây “Chiên đàn” cao hơn ngàn nhẫn. Khi áp dụng phép phiên thiết âm ngữ ta có: Chiên đàn thiết Chàn, hay Chằn. Thì ra Chiên đàn là tên ghi âm Nôm của từ Chằn. Chằn tinh chỉ loài yêu quái nói chung. Như thế, gọi cây Chiên đàn tương đương với gọi đó là Mộc Tinh. Tuy nhiên, sự thật thì Mộc Tinh không phải là một loại cây, mà lại là… loài Hổ.
Trước hết, lệ cúng thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp trùng với tên gọi dân gian của Hổ là ông Ba Mươi. Thêm vào đó, trong Kỳ môn độn giáp có vị hung thần là Bạch Hổ Xương Cuồng. Phạm Đình Hổ trong cuốn Vũ trung tùy bút cũng cho biết rằng thần Xương Cuồng chính là Thần Hổ: “Làng Ngọc Cục ở huyện ta (Đường An, Hải Dương) khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ phải bắt người làm việc hy sinh để cúng… Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy.”
Loài Hổ được dân gian tôn gọi là Chúa Sơn Lâm, không chỉ vì đó là loài thú dũng mãnh nhất trong rừng. Những chuyện kể về Hổ dữ thường gắn với những cây cổ thụ to lớn, nơi Hổ rình ăn thịt người. Có lẽ vì lý do đó mà người xưa cho rằng Hổ là tinh của cây gỗ lớn lâu năm, dẫn đến truyện Mộc Tinh như trên.
Hổ được gọi là ông Ba Mươi và cúng thần Hổ Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp. Điều này xuất phát từ khái niệm trong Can chi. Chi thứ 3 trong thập nhị địa chi là chi Dần, có hình tượng là con Hổ. Còn số 10 xưa là số Cả (Kỷ) hay Kỵ. Như thế 30 nghĩa là Kỵ Dần, tức là ngày cúng Hổ, rất đúng với tên gọi và phong tục dân gian. Ở một số nơi miền Nam như Bến Tre có còn tập tục tôn Hổ là Hương Cả, đứng đầu hương chức trong làng. Tên gọi Ông Cả tương thông ý nghĩa với tên Chúa Sơn Lâm của loài Hổ.
2. Nếu Hổ trong truyện Mộc Tinh Xương Cuồng là loài Hổ dữ, ăn thịt người thì hình tượng Hổ trong văn hóa truyền thống phương Đông lại mang ý nghĩa khác. Sách Lễ ký từ thời đức Khổng Tử đã ghi Hổ là một trong tứ thần thú: “Tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Tứ linh thú này theo dân gian gọi là “Long, Ly, Quy, Phượng”. So sánh 2 bộ tứ thần có thể thấy Hổ tương ứng với con Ly hay Lân. Loài Kỳ Lân theo sách Lã Thị xuân thu là thần thú tiêu biểu cho các loài động vật có lông mao. Còn loài Hổ cũng là chúa Sơn Lâm, đứng đầu muôn loài vật.
Tứ linh Long Ly Quy Phượng là biểu trưng của mô hình Tứ tượng (Thái cực đồ), trong đó có Thái Dương ứng với Phượng hoàng Đỏ ở hướng Nam nay, Thiếu Dương có tượng là Rồng Xanh (Thanh Long) ở phương Đông, Thái Âm là Rùa thiêng Huyền Vũ màu Đen ở phương Bắc nay, còn Thiếu Âm là Hổ Trắng, chiếm phương vị ở hướng Tây. Bản thân mô hình Ngũ hành xưa được biểu hiện thành ban Ngũ Hổ trong các đền miếu và trong tục thờ của tín ngưỡng Tứ phủ.
Theo triết học cổ phương Đông (Dịch học) xã hội con người phát triển theo chu kỳ tuần hoàn trải qua cả 4 mặt của Tứ tượng. Mô hình Tứ tượng – Ngũ hành đặt Con người ở vị trí trung tâm và tương tác với 4 hành tượng xung quanh. Thiếu Dương hành Mộc tượng trưng cho quan hệ giữa con người với xã hội, tức là cách hành xử giữa người với người. Còn Thiếu Âm hành Thổ biểu diễn quan hệ giữa con người với thiên nhiên, tức là tri thức hiểu biết về tự nhiên của con người. Chính vì vậy mà con thần thú biểu tượng của Thiếu Âm có tên gọi là Ly, hay Lý, Lẽ, vốn gốc nghĩa là Lửa, là ánh sáng của tri thức khoa học.
Tên gọi này còn thể hiện trong hình tượng Kim Nghê, là một trong những “đứa con của Rồng” (Long sinh cửu tử) trong văn hóa phương Đông. Kim Nghê được cho là loài vật thích khói lửa nên dùng đúc trên nắp các lư hương hay chỗ hóa vàng. Thực ra hình tượng này đã có ở dạng tay cầm trên nắp đồ vật đựng bằng đồng từ thời Chiến Quốc. Ban đầu Kim Nghê vốn là hình con Hổ vì Hổ cũng là Hỏa, là Lửa, tương ứng với con Ly ở trên. Tên gọi Toan Nghê xưa được dùng để nói tới hình Sư tử, vốn nghĩa là một loại Hổ cương mãnh. Hình tượng con Nghê hay con Lân thường gặp trong các điệu múa Lân (múa Sư tử), hay trên các bức chạm khắc Rồng Nghê rất phổ biến trong các đình làng.
3. Cặp linh thú Bạch Hổ – Thanh Long biểu hiện cho 2 mặt Âm – Dương vận hành phối hợp với nhau, là hình tượng rất hay gặp trong văn hóa cổ phương Đông. Biểu tượng này thịnh hành từ thời trước Công nguyên. Trong các mộ gạch xây thời Hán tìm thấy ở nhiều nơi tại Việt Nam hay gặp những chiếc gương đồng được bồi táng. Trên những chiếc gương đồng thời này thường được đúc hình tượng Long – Hổ và dòng chữ nêu ý nghĩa của chúng: “Thượng hữu tiên nhân bất tri lão. Tả Long hữu Hổ tịch bất tường”, nghĩa là: Trên có vị Tiên không biết già, Rồng trái Hổ phải xua điều xấu. Hình Hổ ở thời kỳ này không phải là biểu thị cho sự hung dữ, hay sức mạnh, mà là biểu tượng cát tường, bảo hộ phúc lành cho con người. “Cưỡi Hổ thành Tiên” là một trong những hình thức tu của đạo Thần Tiên khởi phát trong thời Hán.
Vào quãng đầu Công nguyên Đạo Giáo ở Việt Nam và Trung Hoa phát triển mạnh. Tư tưởng của đạo Thần Tiên bao trùm lên quan niệm tín ngưỡng của xã hội lúc đó. Vương Sung, một nhà triết học nổi tiếng thời này nói: “Ve lột vỏ, rắn thay da, rùa bỏ mai, hươu rụng sừng, da vỏ tiêu hết, chỉ giữ lại xương cốt mới có thể thoát xác tái sinh”. Đây là quan niệm của Đạo gia, như được thể hiện trên những hình vẽ trên lụa hay trên tường mộ thời này.
Một bức tranh lụa thời Hán như vậy có hai phần. Phần phía dưới thể hiện cảnh sinh hoạt của con người như đang nấu nướng, chế biến, săn bắn và tế lễ. Phần trên là cảnh tiên, có cặp Huyền Vũ – Chu Tước trên và dưới để “điều hòa âm dương”. Giữa là hình rồng cưỡi mây, biểu hiện của đắc đạo phi tiên. Quanh đó là các tiên nhân đã mọc thêm cánh, nhẹ bay qua thân xác phàm tục của mình thành tiên. Mặt mũi, hình dạng thân thể của họ cũng thay đổi, nên có những tiên nhân mang cánh chim, đầu cáo hay hình cá rất dị thường. Những bức tranh lụa trong mộ cổ thời Hán được gọi là “minh tinh”, được bồi liệm với ý nghĩa đưa đường (dẫn lộ) cho người chết thoát khỏi thân xác phàm tục mà đến với thế giới thần tiên.
Cũng từ thời Hán người được tôn sùng đứng đầu tiên giới là vị Tây Vương Mẫu, mà hình ảnh thường được thể hiện trong các bức bạch họa (tranh lụa) và bích họa (tranh tường) trong các mộ gạch. Theo Sơn Hải Kinh thì Tây Vương Mẫu nguyên là vị chủ thần hướng Tây trên núi Côn Lôn, có thân Hổ mặt người. Một chiếc gương đồng được phát hiện từ thời Pháp khi khai quật mộ gạch ở Nghi Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) có hình Tây Vương Mẫu trong cách thể hiện này. 2 bên Tây Vương Mẫu là hình các tiên nhân thị chầu ở dạng thân rắn đầu người, xuất phát từ quan niệm rắn lột xác thành tiên. Hình Hổ trong trường hợp Tây Vương Mẫu đã trở thành biểu tượng “bà mẹ” Thiên nhiên đối với con người.
Cùng một ý nghĩa dẫn độ người chết về với cõi thần tiên là các bộ tranh thờ của người dân tộc miền núi nước ta. Trong bức tranh khắc gỗ Độ linh của người Tày ở Hòa An, Cao Bằng, thể hiện một quãng đường dài với những vị thần tiên tiếp dẫn linh hồn con người từ khi mới chết đến cho khi siêu thoát. Con đường linh này được bắt đầu bởi vị thần mang tên là Hổ Vĩ (đuôi hổ), cưỡi trên một con Hổ có chiếc đuôi dài. Quãng đường Độ linh được kết thúc bởi hình Long Đầu (đầu rồng), cho thấy cặp Long – Hổ chính là biểu thị ngắn gọn cho khái niệm Âm – Dương, cho đoạn đường mà linh hồn phải trải qua trước khi thoát tục.

4. Một hình tượng Hổ đặc biệt gặp trên một bảo vật có niên đại từ thời Ân Thương (cách nay trên 3.000 năm) là chiếc bình Hổ tôn. Chiếc bình có hình Hổ đang ở tư thế ngồi. Đầu Hổ to, có 2 tai nhọn, mắt và mũi Hổ lớn, trông rất có thần thái. Miệng Hổ há rộng, lộ hàm răng trên. Hai chân trước của Hổ quặp lấy một hình người đúc nổi. Đầu người trần trụi nằm ngay dưới miệng Hổ. Hai tay người dang ra, ôm lấy thân Hổ. Hai chân người ngồi choãi ra hai bên, với bàn chân trần dẫm lên 2 chân Hổ. Nắp bình khá nhỏ, có tay cầm đúc ở dạng hình một con Hươu có chấm như Hươu sao và được trang trí bằng 2 con Quỳ Long ở 2 bên. Mặt trong của nắp bình có đúc chìm tộc huy hình chim (Điểu) và 2 chữ “Phụ Quý”, là tên của một vị vua nhà Ân Thương. Quai bình có 2 đầu hình một loài vật mặt như mặt Cáo, có 2 răng nanh và mõm dài nhô ra như đầu loài Cầy vòi. Trên tay cầm của bình có hình các con Quỳ Long. Phần lưng bình có mặt Thao thiết có sừng, gắn với phần đuôi tròn, dày và cong cuộn. Đuôi Hổ cùng với 2 chân trước làm thành chỗ tựa thứ ba cho chiếc bình.
Toàn cảnh chiếc Hổ tôn cho người ta có cảm giác như hình một con Nghê đang chầu. Chỗ khó giải thích nhất của chiếc Hổ tôn là cảnh người ôm Hổ, đầu người trần trụi nằm ngay dưới răng Hổ, nhưng khuôn mặt quay sang một bên lại không hề có vẻ sợ hãi. Biểu hiện của người được đúc trên chiếc bình không giống như một cảnh hiến tế người cho thần Hổ.
Lời giải về ý nghĩa của chiếc Hổ tôn rất bất ngờ lại nằm trong cuốn kỳ thư Kinh Dịch từ thời nhà Chu. Quẻ Lý của Chu Dịch có lời quẻ như sau: “Lý: Hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh”. Trong đó Lý nghĩa là “dẫm”, hay đi theo. “Hổ vĩ” là đuôi Hổ. “Bất điệt nhân” là không cắn người. Hanh là tính chất hanh thông, thuận lợi trong Dịch học. Lời quẻ Lý mô tả chính xác hình ảnh chiếc Hổ tôn: Dẫm lên chân Hổ, nhưng Hổ không cắn người, mà lại là sự Hanh thông, thuận lợi. Vì sao thế?
Như đã bàn ở phần đầu của bài, Hổ là biểu tượng của tri thức, hiểu biết của con người đối với thế giới tự nhiên. Bản thân tên chi Dần gần với âm Nôm của chữ Rành, chỉ sự rõ ràng của Lý lẽ. Đi theo đuôi Hổ, giống như trong bức tranh Độ linh của người Tày, có nghĩa là đi theo ánh sáng của tri thức, tất nhiên không bị hại, mà lại được mọi sự thông thuận. Hình ảnh Hổ Chúa Sơn Lâm cùng với các loài muông thú (Hươu, Cầy cáo) là biểu tượng của Thiên nhiên. Bình Hổ tôn thể hiện sự hài hòa giữa Con người và Thiên nhiên. Con người ôm lấy bà mẹ Thiên nhiên, dựa vào Thiên nhiên và được Thiên nhiên bao bọc, che chở, nâng đỡ.
Khởi phát ban đầu khi loài người mới xuất hiện, con người phải dựa vào thiên nhiên mà sống. Khi con người đã hiểu biết nhiều hơn, thông minh hơn, họ sống trong xã hội loài người, nảy sinh tư tưởng “duy ý chí”, xa rời lẽ tự nhiên. Theo đúng quy luật của Dịch học, xã hội ngày càng phát triển, con người trở nên mạnh mẽ hơn trong xã hội, thì sẽ đến lúc phải quay lại vòng xoáy ốc theo chu kỳ mà trở về với thiên nhiên. Thiên nhiên, nếu không cách biết đối xử đúng, thì sẽ là Hổ dữ, nhưng nếu biết “Đi theo Hổ” thì lại là điều tốt lành. Triết lý “Thả Hổ về rừng” là để cho bản tính của Con người trở về với Thiên nhiên, làm theo quy luật của tự nhiên. Con người nhờ có tri thức khoa học biết dựa vào tự nhiên mới có cuộc sống cát tường, thuận lợi, văn minh. “Cưỡi Hổ thành Tiên” là dựa vào thiên nhiên mà “đắc đạo”, đạt được thành công viên mãn trong cuộc sống.

Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần, số Xuân Nhâm Dần 2022

Con Trâu chở Đạo và Huyền Thiên Lão Tử

Bài đăng báo Lao động số Xuân Tân Sửu 2021

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả bàn rằng: Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng… Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng.

Các thánh nhân thời cổ đại đã chế ra Thiên can và Địa chi dùng để phân định thời gian và nhận biết phương hướng. 12 con giáp không chỉ dùng để chỉ ngày giờ tháng năm, mà còn là để gọi tên cho các khu vực trên mặt đất. Vì thế các con giáp được gọi là các Địa chi. 12 địa chi được sắp xếp theo 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi phương tương ứng với 3 vùng đất (3 địa chi). Như một chiếc gương đồng thời Đường (thế kỷ 7-9) tìm thấy ở Quảng Nam có khắc nổi trên mặt gương hình Tứ linh, Bát quái và Thập nhị địa chi, minh họa rõ cho những mối liên hệ này.

Xem đồ hình trên gương cổ, chi Sửu có hình tượng là con Trâu, nằm cùng hướng quẻ Khảm trong Bát quái và cùng với phương Huyền vũ (hình con Rùa) trong Tứ linh. Đây là phương Bắc, trong Ngũ hành thuộc về hành Thủy (nước), ứng với màu Tím (hoặc Đen).

Gương đồng thời Đường tìm thấy ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Tên gọi chi Sửu có mối liên hệ với từ Nước như sau: Sửu – Sủy – Thủy. Con trâu được người Việt Nam gọi đầy đủ là con trâu nước hay thủy ngưu. Trâu là con vật quen thuộc của nền văn minh lúa nước đã được người xưa dùng làm con vật tiêu biểu cho phương “nước” – hành Thủy, hay hướng Bắc ngày nay. Tính chất căn bản của quẻ Khảm hay hướng Nước đó là sự tòng thuận. Con Trâu là con vật nuôi do người điều khiển mà làm các công việc hàng ngày như cày, kéo, nên người xưa đã dùng hình ảnh con Trâu để tượng trưng cho tính chất thuận tòng của hành Thủy, Bắc phương.

Tòng thuận cũng là tư tưởng then chốt trong học thuyết Đại Đạo do Lão Tử đề xướng từ cách đây trên 2.500 năm. Trong tác phẩm để đời Đạo Đức Kinh của mình, ở chương “Tượng nguyên” Lão Tử đã viết: “Trong cõi có Tứ Đại, mà Người là một. Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Trong tư duy Dịch học cổ đại, Đất tượng trưng cho những gì thuộc về vật chất, về tri thức khoa học kỹ thuật. Trời tượng trưng cho những gì thuộc về tinh thần, về minh triết nhân sinh. Đạo Đức kinh giảng rằng, con người phải biết tuân theo những hiểu biết của khoa học kỹ thuật. Khoa học đến lượt mình lại cần được sự định hướng của minh triết. Chân lý này tuy đơn giản nhưng ngày nay với khoa học công nghệ hiện đại chế ra hàng tấn bom nguyên tử treo lơ lửng thì ta mới hiểu, khoa học mà không có sự định hướng của minh triết sẽ có hậu quả khôn lường.

Minh triết có gốc ở Đạo. Đạo là từ sự tự nhiên, không cưỡng ép. Con người ta có Khôn (trí tuệ, khoa học) nhưng phải có Ngoan (biết tuân thủ, biết hướng Đạo) thì mới được bền lâu. Khi con người làm những điều trái với tự nhiên, mất “đạo đức”, như phá rừng, thiêu đốt nguyên liệu hóa thạch, đã dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng to lớn đến tương lai loài người ngày nay. Đây là những viễn cảnh đã được báo trước trong Đạo Đức kinh.

Tư tưởng tòng thuận, tự nhiên, vô vi là căn cơ trong Đạo Lão. Vì thế mà Lão Tử thường được thể hiện dưới hình ảnh đang cưỡi một con Trâu. Trâu là con vật chở Đạo tòng thuận, sống và hành động thuận theo trời đất, không đi ngược với lẽ tự nhiên.

Ở nước ta sự tích về hành trạng và công nghiệp của Lão Tử được gặp ở nhiều di tích cổ, là những nơi còn lưu dấu chân con Trâu chở Đại Đạo trên vùng đất Bắc Việt. Như bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã được công nhận, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được vang danh từ lâu bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là Lão Đam, Thái Thượng Lão Quân.

Thần tích về Lão Tử ở làng Thổ Hà được khắc trên tấm bia “Cung sao thánh tích” lưu tại đình. Sự tích thánh mở đầu như sau: “Thời Hùng Vương kết thúc, khi An Dương Vương nối ngự trị, có một người từ nước Bắc tới trang Thổ Hà, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, sống ở tại chùa tên là chùa Đoan Minh. Ngài ngày đêm đọc giảng, tự như có sức lực của thần thánh vậy. Ở trong trang có nhiều đệ tử đến theo học. Một hôm, Ngài nói với đệ tử rằng:

– Ta vốn xuất hiện từ chốn Hồng Mông, trời đất sinh ra nên Ta có được bản tính thông minh. Xưa mẹ Ta nói với Ta rằng: Mẹ vốn sinh ra từ sự huyền diệu của lòng từ bi, tên là Mỹ Thổ Hoàng, nằm mộng nuốt một con Trâu trắng là tinh khí của mặt trời mà cảm ứng mang thai. Sau 81 năm vào mùa Xuân năm Canh Thìn, ngày 7 tháng Giêng, bên nách cánh tay chuyển động mà sinh ra Ta. Khi sinh đầu đã bạc, chân có chữ. Ta không có cha. Theo lời mẹ mà lấy Lý làm họ, tên là Lão Đam, tự Lý Bá Dương, danh Thái Thượng.”

Sự tích làng Thổ Hà cho biết vị Thái Thượng ở đây mang tên Lão Đam hay Lý Bá Dương, cầm tinh con Trâu trắng mặt trời. Tinh con Trâu trong sự tích này có ý nghĩa nói tới Đạo tòng thuận của Lão Tử.

Ở làng Thổ Hà, Lão Tử không chỉ giảng đạo mà còn ra sức chữa bệnh cứu giúp nhân dân. “Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi. Trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: Nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử vâng mệnh, đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú. Xong, Ngài lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương. Các nơi đều trở nên yên ổn. Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân. Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang.

Giặc Xích tỵ (Quỷ mũi đỏ) là loại dịch bệnh gây nổi các vết đỏ trên da, dẫn đến tử vong. Có thể đây là bệnh dịch hạch hoặc đậu mùa, rất phổ biến thời xưa. Nhờ có những tri thức về y học, về vệ sinh dịch tễ mà Lão Tử đã giúp nhân dân và triều đình ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Do đó ông đã được tôn phong ở trang Thổ Hà. Nhưng công nghiệp của vị Thái Thượng này không chỉ dừng ở đó. Thần tích làng Thổ Hà kể tiếp:

Sau đó vua (An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng). Thành xây nửa tháng vừa xong.”

Đây là một thông tin hết sức bất ngờ, khi biết được rằng người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa trong truyền thuyết lại là triết gia Lão Tử của Trung Hoa cổ đại. Thần Kim Quy đã theo sự sai khiến của Lão Tử hiện thành Thanh Giang sứ giả mà chém Bạch Kê tinh. Sự thật trong truyền thuyết Cổ Loa thành này là gì?

Về hàng trạng của Lão Tử, tấm bia cổ đời Hán Hoàn đế (146-167) có tên “Lão Tử minh” chép: “Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.”

So sánh thông tin của Lão Tử minh và sự tích thành Cổ Loa sẽ nhận thấy, nguyên nhân chính của việc thành xây bị đổ là những trận động đất của vùng Tam Xuyên. Tam Xuyên là 3 con sông, chỉ vùng đất hợp lưu sông Đà, sông Lô và sông Thao ở Việt Trì. Tam Xuyên hay Tam Giang là tên gọi cổ của vùng đất Bắc Việt, nơi có thành Cổ Loa.

Lão Tử là quan thủ thư dưới thời Chu U Vương, vị vua cuối cùng của nhà Tây Chu. U Vương tính tình tàn dị, để mua nụ cười của Bao Tự mà đã cho đốt lửa Ly Sơn ngàn dặm, gây kinh động tới các chư hầu. Lão Tử nhân việc động đất ở Tam Xuyên đã đăng đàn ở núi Thất Diệu, nhằm muốn khuyên răn vua Chu về đạo thuận theo mệnh trời và nhắc nhở bài học mất nước của Hạ Kiệt, Trụ Vương thời trước.

Đình Thổ Hà có câu đối nói về sự việc này:

Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ

Long năng thừa hóa, Ngũ Vân trang hạ ký đăng tiên.

Dịch:

Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ

Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

Cửa võng ban thờ chính điện đình làng Thổ Hà

Như trên đã biết, trong địa chi thì chi Sửu – con Trâu nằm cùng hướng với Huyền vũ, là hình tượng “Quy Xà hợp hình”, gồm có Rùa và Rắn (Rồng). Vì thế, thần Kim Quy từ dưới nước đi lên cũng là biểu tượng của hành Thủy, của tinh thần Đạo tòng thuận, tuân theo lẽ trời đất. Đạo lý này chính là điều đã giúp được An Dương Vương yên định được oán khí trong nhân dân, xây dựng thành trì, củng cố đất nước vững mạnh, nối nghiệp tổ tiên và theo mệnh trời mà trị quốc.

Tại Ngọc điện ở làng An Xá (xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương), Lão Tử được thờ dưới hình một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy đầu Rồng, chân dẫm lên một con Rùa vàng. Hình tượng Rùa vàng hay Trâu trắng đều là thể hiện tinh thần tòng thuận của Đạo Lão.

Tượng thờ Thái Thượng Lão Quân ở làng An Xá, Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương

Về Lão Tử còn lưu truyền câu chuyện “Tử khí Đông lai”, kể rằng, khi Lão Tử đi qua cửa Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ nhìn thấy có một luồng khí sắc tím bay tới từ phía Đông, biết rằng sẽ có thánh nhân đi qua. Quả nhiên lúc sau Lão tử cưỡi trâu xanh từ hướng Đông qua đây. Doãn Hỷ ăn mặc chỉnh tề, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại và viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ lại tư tưởng của mình trong cuốn Đạo Đức Kinh.

Thần Kim Quy cũng từ phía Đông tới giúp An Dương Vương, rồi trao cho vua cái Móng rùa để làm bí quyết an dân giữ nước. Móng rùa ở đây không gì khác chính là cuốn Đạo Đức kinh, hay là tư tưởng Đại Đạo mà Lão Tử đã theo đuổi. Sống có Đạo, có Đức, tuân theo trời đất, hợp với tự nhiên là chiếc Móng rùa được Lão Tử gửi gắm lại cho nhân gian.

Ở Cổ Loa, người được tôn sùng vì giúp An Dương Vương trừ yêu xây thành là Huyền Thiên Chân Vũ. Đây là tên thờ của Lão Tử, xuất hiện dưới thời Đường. Do học thuyết của Lão Tử lấy sự tòng thuận trong tính chất của phương Bắc (Huyền vũ) làm căn bản nên ông được tôn là Đại Thánh Bắc phương Thiên Tôn. Đặc biệt ở làng Thụy Lôi, là nơi thờ phụng Huyền Thiên Chân Vũ bên núi Võ Đương (núi Sái ở Đông Anh), có tục lệ hàng năm nuôi một con bò chăn cho béo tốt, đến ngày dùng để tế lễ đức Huyền Thiên. Truyền ngôn rằng: “khi xưa Ngài nằm ở đây trông thấy một con bò tinh. Ngài ước rằng được ăn thịt con bò ấy. Rồi sau khi Ngài hóa, con bò ấy cũng chết. Cho nên dân làng đều tế bằng bò. Dân làng phải lập cuộc giả vương giả tướng để lễ tạ Ngài, tức là thay mặt vua Thục để lễ tạ.” Việc nuôi bò để tế Huyền Thiên Chân Vũ là hình thức khuyến khích Đạo tòng thuận trong biểu tượng của con “Hoàng ngưu” (chi Sửu còn có hình tượng là con Bò vàng trong lịch pháp Trung Quốc).

Tượng Huyền Thiên Đại thánh ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Các nơi thờ Huyền Thiên Chân Vũ như ở Quán Thánh bên Hồ Tây, Huyền Thiên Cổ Quán ở phố Hàng Khoai, hay ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, Long Biên, đều thể hiện Ngài trong hình dáng to lớn, đang chống một thanh gươm có Rắn quấn quanh lên mình con Rùa. Những hình tượng này đều thống nhất với cách thờ đối với Thái Thượng Lão Quân như ở làng An Xá ở trên. Quy xà hợp hình thành linh vật Huyền vũ, đại diện của Bắc phương, sắc tím.

Huyền Thiên Lão Tử cầm tinh con Trâu, giảng Đại Đạo ở Thổ Hà, tiêu trừ dịch bệnh, đăng đàn nêu cao đạo tòng thuận ở núi Võ Đương, để lại cuốn Đạo Đức kinh làm bí quyết nỏ thần giúp An Dương Vương an định thành đô, trị bình thiên hạ. Mùa Xuân năm Tân Sửu 2021 bắt đầu. Xem lại chuyện xưa mà ngẫm trong xã hội ngày nay. Thế kỷ 21 này dịch bệnh lây lan, xã hội đầy những sự thái quá, phá bỏ quy luật tự nhiên, tất không khỏi phải gánh lấy hậu quả. Xin hãy cưỡi Trâu mà đi giữa đường đời để có được sắc tím huyền diệu của Đạo, giúp cho con người có cuộc sống yên bình dài lâu, hạnh phúc như các bậc thần tiên.

Câu đối đình Thổ Hà

Để nhớ đến đức Huyền Thiên Lão Tử, người đã khai mở con đường Đạo Đức cho nhân gian, xin ghi nhớ đôi câu đối ở chính điện tiền tế đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.

Dịch nghĩa:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ thanh hư mở Đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền màu nhiệm tạo Thần Tiên.

MINH THI

Đọc giải những chiếc gương đồng cổ

Gương đồng xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa từ khá sớm, bắt đầu gặp nhiều từ thời Chiến Quốc. Tới thời Hán gương đồng rất thịnh hành với nhiều hoa văn, họa tiết và minh văn. Nghệ thuật chế tác gương đồng thịnh nhất vào thời nhà Đường, với những chiếc gương rất đẹp, nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó dạng gương “la bàn”, dùng trong thuật phong thủy (đúng hơn là trong Dịch lý) là những hiện vật giúp khám phá quan niệm triết học (Dịch học) của người xưa. Bài viết này dựa trên phân tích các hoa văn và hình vẽ trên mặt một số chiếc gương đồng cổ tiêu biểu qua các thời kỳ và liên hệ với Dịch học người Việt, xin đưa ra một số nhận định mới về ý nghĩa của những chiếc gương đồng.

Những gương la bàn ở thời kỳ muộn hơn thì sẽ dễ đọc giải hơn các gương cổ. Một dạng gương phong thủy khá tiêu biểu của thời nhà Đường (thế kỷ 7-9) là chiếc gương có hình vuông sau. Một chiếc gương như vậy cũng từng được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ ở Duy Xuyên, Quảng Nam. 

Chính giữa gương có núm nổi với lỗ xuyên để treo gương. Xung quanh núm là hình Tứ linh: Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ. Lớp tiếp theo là đồ hình Hậu thiên Bát quái. Khung vuông bên ngoài là 12 địa chi.

Gương vuông thời Đường

Vì Tứ linh cũng có ý nghĩa tương thông với Ngũ hành và Ngũ sắc nên phần trung tâm của gương như vậy là thể hiện Thái cực đồ (gồm Tứ tượng), là phần nhân, phần cốt lõi của vũ trụ. Hình Bát quái là bầu trời tròn. 12 con giáp là mặt đất vuông. Trời tròn trên Đất vuông. Tổng hợp những điều trên có thể đọc được chiếc gương này như trong hình sau.

Giải đọc gương vuông thời Đường

Từ cách đọc của gương vuông thời Đường, ta xem xét loại gương cổ hơn của thời đầu Công nguyên. Những chiếc gương đồng thời Tây Hán và đặc biệt là vào thời nhà Tân của Vương Mãng (năm 45 TCN – 23 SCN) thường được gọi là loại gương TLV do đặc điểm có hình gấp khúc như các chữ T – L – V ở các hướng trên mặt gương. Ý nghĩa của các hình này tới nay có nhiều giải thích khác nhau. Sau đây xin đưa ra một cách giải thích mới cho những hình tượng này.

Gương TLV thời nhà Tân

Nhìn loại gương TLV này ta thấy rõ nhất là phần hình vuông có 12 chấm và có chữ ghi 12 Địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Rõ ràng đây là thể hiện nghĩa “Đất vuông” bằng các địa chi tương tự như trên gương vuông thời Đường. Mặt đất được chia làm 12 phần, gọi tên bằng các chi. Mỗi chi trên gương do đó ứng với một khoảng của hình vuông, chứ không phải ứng với các chấm nổi.

Bên ngoài hình vuông là hình tròn của gương. Nếu hình vuông bên trong đã là “Đất vuông” thì hiển nhiên vòng tròn bên ngoài phải là “Trời tròn”, úp lên trên mặt đất. Trời ở đây được thể hiện bằng 8 chấm nổi. Điểm chú ý nữa là ứng với mỗi chấm nổi có vẽ hình một con linh thú. Nếu 12 địa chi đã dùng để thể hiện mặt đất thì dễ dàng suy ra 8 quẻ của Bát quái sẽ dùng để biểu thị bầu trời. Tương tự như trường hợp dùng Bát quái trên gương vuông ở trên. Đặc biệt ở gương đồng thời này là người ta không dùng vạch quẻ để thể hiện Bát quái mà dùng các chấm nổi và linh thú tương ứng. Bát quái được sử dụng vào thời gian sớm trước Công nguyên thì khả năng lớn là Bát quái tiên khởi hay Tiên thiên Bát quái.

Sau khi đã xác định được trời tròn đất vuông ở bên ngoài thì ta để ý phần ở trung tâm. Ở giữa gương có một chấm nổi lớn, là núm để treo gương. Xung quanh có các cánh như hình mũi tên chỉ vào 4 góc. Đọc theo ngôn ngữ Dịch học thì đây là biểu tượng của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cách thể hiện này cũng tương ứng với cách thể hiện bằng Tứ linh trong gương vuông. Hành Kim được đặt vào chính giữa vì hành này có màu biểu trưng là màu vàng, tiếng Hán gọi là Kim. Kim cũng nghĩa là nay, bây giờ, tức là thời điểm hiện tại, chính giữa tương lai và quá khứ. Ngũ hành nằm ở trung tâm Trời và Đất, thể hiện phần cốt lõi, “nguyên thần” của vũ trụ.

Vấn đề ý nghĩa 3 hình TLV trên cơ sở đó có thể suy đoán như sau. 4 chữ V ở 4 góc, tương ứng với nơi hình vuông và hình tròn giao nhau, tức là nơi gặp nhau giữa Trời và Đất. Có thể coi đây là tiêu điểm của 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, cũng tương ứng với 4 phương theo mũi tên chỉ của hình Ngũ hành ở bên trong trung tâm.

Các chữ T và L xếp thành cặp đối mặt có cạnh dài vào nhau và sắp xếp ở 4 phía của hình vuông. Như vậy đây không phải để chỉ phương hương, vì phương hướng thì cần chính xác ở một điểm. Cặp T – L này thể hiện một quá trình kéo dài, phải là chỉ thời gian. Như vậy 4 cặp T – L trên gương phù hợp nhất là chỉ Tứ thời: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Phối hợp tất cả những phân tích trên, nay có thể đọc hoa văn trên gương đồng thời Vương Mãng như trong hình sau.

Giải đọc gương TLV

Những chiếc gương đồng cổ đã gói gọn cả Trời tròn Đất vuông qua những hoa văn họa tiết của nó. Gương không chỉ là để soi hình ngắm cảnh, mà là để “soi xét” việc trong nhân gian. Bộ đồ hình trên gương là những tiêu chuẩn về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, để qua đó mà quán chiếu việc đời.

Dịch học, tiếng Nôm và trống đồng

Bài trình bày trong hội thảo Kinh Dịch với người Việt do Trung tâm minh triết và Trung tâm Lý học phương Đông tổ chức ngày 2/6/2018.

Đối với phương Đông, Dịch lý là nền tảng của sự phát triển của xã hội và văn hóa xa xưa từ những trang lịch sử đầu tiên, thể hiện thế giới quan của cộng đồng tộc người đã làm nên Dịch học. Vì thế ngôn ngữ, văn vật và địa lý của cộng đồng này sẽ là mối liên hệ trực tiếp cho phép khám phá các ý nghĩa của Dịch học. Hoa ngữ và địa lý nước Tàu hiện nay không làm được điều này bởi chủ nhân thực sự của Dịch học không nói thứ tiếng đó và không ở chỗ đó. Tiếng Việt, trống đồng của người Việt và mảnh đất Việt Nam ngày nay mới là quê hương chân xác của Dịch lý. Bài viết sau so sánh, đối chiếu các yếu tố văn hóa địa lý Việt với các dịch tượng trong Dịch học để tìm lại nền móng căn bản của Dịch lý, đồng thời góp phần khẳng định chủ nhân tác Dịch chính là người Việt trên mảnh đất Việt ngày nay.

Nôm na là cha mách qué

Trong thành ngữ tiếng Việt có câu: “Nôm na là cha mách qué”, xưa nay nhiều người biết, nhiều người dùng, nhưng ý nghĩa thực của câu này là gì chưa thấy có ai giải thích cặn kẽ. Thực ra, câu thành ngữ này “Nôm na là cha mách qué” có nghĩa rất đặc biệt, là chiếc chìa khoá giúp ta đi vào Dịch học. Xin giải nghĩa thành ngữ trên như sau:
– “Nôm” là biến âm của “Nam”, chỉ nước Việt người Việt. Từ Nôm trong câu này chỉ chữ Nôm, từ Nôm hay âm Nôm. Nói chung ý trong câu là chỉ tiếng nói của người Việt Nam.
Ngày nay thường hiểu từ Nam là chỉ riêng người Việt Nam. Thực ra đây là từ chỉ chung cả khối Bách Việt. Thời Nguyên Mông nói chung thì người phía Bắc sông Dương Tử gọi là người Hán, phía Nam Dương Tử gọi là người Nam.
– “Na” tức “na ná”, nghĩa là “gần giống với”.
– “Cha” đồng nghĩa với thầy, cũng có thể hiểu là thầy dạy học, người chỉ dẫn.
– “Mách” là chỉ bảo, chỉ dẫn, nghĩa như trong mách bảo, mách nước v.v.
– “Qué” ở đây biến âm của từ Quái trong Hoa ngữ, hay Quẻ trong tiếng Việt, chỉ 8 quẻ căn bản của Dịch học. Quẻ đơn là Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Như vậy nghĩa của câu “Nôm na là cha mách qué” là: Na ná hay gần giống với từ Nôm là thầy chỉ bảo về ý nghĩa các quẻ Dịch. Có thể viện dẫn các ví dụ trong Dịch học để chứng tỏ ý nghĩa này:
– Quẻ Kiền hay Càn, chỉ sức mạnh hay sự to lớn có gốc từ tiếng Việt là “cồng kềnh” hay “kềnh càng”.
– Quẻ Đoài là biến âm của “điều” hay “đào” tức màu đỏ.
– Quẻ Ly là biến âm của “lửa”, tượng trưng cho sức nóng, ánh sáng và mặt trời.
– Quẻ Chấn là biến âm của “sấm”, Hoa ngữ là “lôi”.
– Quẻ Tốn hay Toán, tức “tính toán “ trong tiếng Việt, chữ cổ còn gọi là “tán”.
– Quẻ Khảm còn gọi là Cống, thực ra là “cóng”, tiếng Việt thường dùng từ kép “lạnh cóng”.
– Quẻ Cấn còn gọi là Căn, nghĩa tiếng Việt là “cán”, là cái để nắm lấy mà điều khiển như cán dao, cán cuốc v.v.
– Quẻ Khôn chỉ sự khôn ngoan nơi con người, chỉ khả năng nhận xét của não bộ, tức khả năng nhìn nhận và phán đoán sự việc.
Xem xét kỹ thì không chỉ riêng Bát quái mà Thập can cũng do “Nôm na” mà ra như:
– Giáp là “chắc” trong “chắc chắn”.
– Ất là “óp” như trong “óp ép”.
– Bính là “bấn” trong “bấn loạn”.
– Đinh là “đanh” trong “cứng như đanh”.
– Mậu là “mẹ”.
– Kỷ là “cả”.
– Canh là “nước canh”, cánh, cạnh, cành, chỉ trục ngang.
– Tân là “tâng”, tưng, tung lên, chỉ trục đứng.
– Nhâm là “nhũn”, nhung trong “mềm như nhung”.
– Quý hay Khang là khăng, “khăng khăng” không đổi.
Thực kỳ lạ, tên các thành tố của Dịch học như Thập can, Bát quái… không mang một ý nghĩa gì trong Hoa ngữ. Nó thuần là các tên để gọi mà thôi. Ngược lại khi “Nôm na” thì ý nghĩa Dịch lý lại nằm ngay chính trong tên gọi của nó. Thậm chí những từ khoá trong nguyên lý cơ bản “sinh sinh chi vị dịch” cũng có gốc từ “Nôm na” mà ra: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái…”. Cực, nghi, tượng, quái v.v. đều là những “đặc từ” chỉ dùng trong Dịch học, phải có công “tu luyện” mới thấu đáo…
Khi dùng “nôm na pháp” vào đây ta có: “1 cục, hay cuộc, sinh 2 ngôi, 2 ngôi sinh 4 tạng hay dạng, 4 tạng sinh 8 quả”. Rồi cả 3 tòa, 5 hình, 9 chỗ v.v. Thì ra tất cả là những danh từ thông thường dùng trong cuộc sống hàng ngày người “bình dân” ai gặp cũng hiểu ngay, chẳng phải là “đặc ngữ đặc từ” chi cả. Có thể nói, khi “Nôm na” thì Dịch học rất gần gũi đời sống thường nhật của con người, trái hẳn với Dịch học siêu đẳng của Hoa ngữ, nói toàn chuyện trên mây như chỉ dành cho các bậc thánh triết, mà trên cõi đời này hỏi có được mấy vị?
Dựa vào yếu tố ngôn ngữ có thể khẳng định, Kinh Dịch chứa đựng những hiểu biết về sự vận động và biến đổi của mọi vật trong Không và Thời gian là thành tựu trí tuệ của người Nam hay Bách Việt mà chi duy nhất còn lại đại diện cho cả dòng giống là Lạc Việt, tức người Việt Nam ngày nay.

Chữ nguyên hình “điểu thú văn”

Trên mặt tất cả trống đồng loại 1, tức loại xưa nhất, đều được đúc theo khuôn mẫu: trung tâm là mặt trời, rồi đến các vòng đồng tâm khắc hình chim và nai, sau đó là cảnh sinh hoạt, đánh trống đồng, đo bóng mặt trời, cảnh chiến binh trên thuyền v.v. Mặt trời được người Việt cổ coi là nguồn sáng và nguồn sống cho muôn loài. Với quan niệm cha trời mẹ đất, tổ tiên ta đã hiểu rõ những gì thu hoạch được từ đất như củ, quả… không thể có được nếu không có ánh nắng mặt trời. Điều này thật đời thường nhưng cũng rất khoa học. Lúc đó người ta làm gì biết đến diệp lục tố và sự quang hợp như chúng ta ngày nay. Nhưng bằng sự quan sát và so sánh việc được mùa và không được mùa có liên quan chặt chẽ tới sự chiếu sáng của mặt trời người xưa đã hiểu được có sự phối hợp giữa trời và đất để ban của ăn nuôi sống con người, Từ đó hình thành quan niệm lưỡng hợp. Một phía là cái cụ thể có thể nắm bắt là đất, một phía ta biết rõ ràng, có đấy nhưng không thể nắm bắt đó là những gì đến từ trời. Dần dần tổng kết thành các quy luật trời đất có âm, có dương, ý niệm khởi nguồn của Kinh Dịch.
Với quan niệm mặt trời là nguồn sáng, cổ nhân coi mặt trời là khởi nguồn của văn minh, của sự sáng suốt, vì không có ánh sáng mặt trời thì bóng tối che phủ, không thể phân biệt được cao thấp, xấu đẹp, không gian trở thành một khối hỗn mang và trong màn đêm đó không biết bao sự rình rập của quỷ dữ, của ác thú, sinh mệnh con người mong manh biết bao nhiêu, và mọi vật chỉ trở nên sống động thực sự khi mặt trời ló dạng, từ đó con người sùng bái mặt trời. Với người Việt sự sùng bái đã gần như một ý thức về tôn giáo: đạo thờ Trời, thờ ông Thiên và hình ảnh biểu tượng là mặt trời. Với vị trí là tâm điểm trên trống đồng, mặt trời là trung tâm của vũ trụ. Điều này chắc mới dừng ở ý niệm siêu hình, nhưng trong đó ta đã thấy thấp thoáng bóng khoa học rồi.
Trên trái đất không biết bao nhiêu loài thú, tại sao chim và nai lại được coi trọng ngang hàng với con người, được kết hợp với người để tạo thành thế giới 3 thành phần trên mặt trống, coi như hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ?
Ta trở lại với Dịch lý. Mọi người đều nhất trí coi Hà và Lạc là một phần của Dịch lý, hoặc là cách diễn đạt Dịch lý thông qua các nút số, một loại diễn đạt khác với Dịch lý vạch quẻ của Bát quái. Vậy Hà là gì và Lạc là gì? Trải qua mấy ngàn năm, các cuộc tranh luận của các bậc trí giả “nhìn xa trông rộng” vẫn còn tiếp tục xảy ra, nào là long mã, nào là thần quy, người thì bảo là thần vật xuất hiện ở Hoàng Hà, rồi Mạnh Hà, rồi Lạc Thủy… Sở dĩ như vậy là tại các vị nhìn một vật ngay trước mắt qua “kính viễn vọng” nên hậu quả là… vẫn còn cãi nhau.
Thật ra khi ta nhìn bằng mắt trần thì sự việc trở nên đơn giản: Hà nghĩa là Trời, Lạc là biến âm của Lục, nghĩa là Đất. Hà Lạc là Trời và Đất, rất rõ ràng. Chính xác phải gọi là Hà thư – Lạc đồ, chứ không thể gọi ngược như trước đây được. Hà thư tức Thiên thư. Lạc đồ cũng là Địa đồ.
Thông điệp trên mặt trống đồng rất rõ ràng. Mặt trời là trung tâm và ở các vòng đồng tâm kế tiếp nhau là Hạc – Nhân – Lộc, tức trên là trời, giữa là người, dưới là đất nối tiếp “chạy” quanh mặt trời. Ta có:
Trời = Hà  → Hạc: chim Hạc hay hồng hạc.
Đất = Lục → Lộc: con nai.
Từ sự việc này gợi ra một ý kiến là: chữ “tượng hình” không phải là loại chữ cổ xưa nhất mà là sự tiếp nối một loại chữ khác có trước, tạm gọi là chữ “nguyên hình”. Ta liên tưởng trong Kinh Dịch phần Thuyết Quái, Khổng Tử viết: “… Ngày xưa họ Bào Hy ngẩng lên xem tượng trời, cúi xuống xem thế đất… quan điểu thú chi văn …” rồi tổng kết lại thành các quy luật Dịch lý. Câu “quan điểu thú chi văn” được hiểu là “nhìn các nét “văn” trên (mình) chim, thú… Nay ta có thể hiểu khác đi là đã có một loại chữ có tên là “điểu thú văn”, tức chữ “nguyên hình”, từ trước khi họ Bào Hy tác Dịch.

Chu nguyen hinh

Lạc đồ đặt nằm ngang và những chữ nguyên hình.

Trong bối cảnh Văn hóa Á Đông ta có thể tìm thêm 4 chữ “nguyên hình” nữa ngoài các chữ “chim hạc” và “con nai” (= Trời và Đất).
Hướng Xích đạo là vùng nhiệt đới được tượng trưng bằng con Hổ. Hổ là biến âm của Hoả, là lửa. Tính của lửa là nóng.
Ngược với lửa là nước, nơi vùng nước này có rất nhiều con Sấu. Sấu là biến âm của Xíu, là nước (âm Quảng Đông). Trong truyền thuyết lịch sử Việt Nam nó là con thuồng luồng, một loài thủy quái hại người. Sau này do biến cố khí hậu loài Sấu ở phía Bắc (cứ tạm gọi như tên hiện nay) bị tiêu diệt nên người xưa thay thế bằng con rùa, tức Quy.
Hướng Đông là biển nên biểu tượng bằng thần vật có công hút nước làm mưa mà người xưa gọi là Rồng hay Long. Trong văn hóa Việt – Hoa, Rồng được coi là chúa tể cai trị thế giới biển cả.
Ai đã từng học Dịch lý đều biết quan điểm hướng Đông là phương động, tượng trưng bởi quẻ Chấn, cũng gọi là quẻ Thìn tức quẻ con rồng. Chính xác phải gọi là hướng động vì Đông là biến âm của động. Theo nguyên lý đối lập của Dịch, phương Tây là tịnh như trong Thuyết Quái của Dịch: cứng mềm cọ sát sinh ra động tịnh. Phương Đông: mềm mà động. Phương Tây: cứng mà tịnh, định.
Việt ngữ có từ kép “định đoạt” để chỉ phương Tây. “Định” là chỉ bên không thay đổi. “Đoạt” là tên khác của quẻ Đoài.
Phương Tây là phương tịnh và ở đó có rất nhiều voi, nên con voi trở thành chữ “nguyên hình” là Tịnh, con tịnh. Như thế ta có thể coi chữ “nguyên hình” là loại chữ tối cổ. Đó cũng là điểm xuất phát của chữ “tượng hình” sau này.
Tổng số ta có được 7 “chữ”:

  • Mặt trời là Trung tâm.
  • Hạc = Trời.
  • Lộc = Đất.
  • Hổ = phương nóng, Xích đạo.
  • Sấu, Quy = phương nước, ngược với phương nóng.
  • Long, Rồng = phương Đông.
  • Tịnh = phương Tây.

Xác định như trên ta có thể khẳng định đất nước Trung Hoa hiện nay không thể là quê hương của Dịch lý được vì không thể tìm được vùng đất nào của Trung Hoa mà phương Đông là biển và phương Tây có voi. Chỉ có miền Trung của Việt Nam mới hội đủ tính chất chỉ định của 6 chữ “nguyên hình” hay “điểu thú văn” như phần trên. Loài Hổ Đông Dương ở Trường Sơn và Nam Lào đã nổi tiếng từ lâu rồi. Về hướng Bắc thì đồng bằng Bắc Bộ vài ngàn năm trước là vùng đầm lầy, chắc chắn lý tưởng cho loài Sấu. Về hướng Đông là biển, đúng là quê hương của Rồng và hướng Tây thì chỉ tên nước Lào “Triệu Voi” cũng đủ minh chứng cho sự khẳng định trên.
Trong lãnh vực tâm linh, tất cả các đền, miếu của Việt Nam đều có hình Hạc hay Hồng Hạc đứng trên mai Rùa tượng trưng cho Trời và Đất. Như thế đã đủ 6 con vật tượng trưng cho 6 cõi của 1 không gian 3 chiều. Người xưa đã dùng những con vật nổi trội ở một vùng đất như một dạng thức chữ, là chữ “nguyên hình”, để chỉ 4 phương. Còn Trung tâm là nơi sinh tụ của cộng đồng người cổ đã tạo nên Dịch lý.
Dịch lý đã là tài sản của cả nhân loại, phát nguyên từ đâu không phải là điều quan trọng đối với thiên hạ. Nhưng đối với người Việt Nam thì khác, nếu không thể làm sáng tỏ về quê hương Dịch lý thì mắc lỗi với tiền nhân. Người xưa đã lao tâm khổ tứ biết bao mới có thể ký thác được những giá trị vĩnh hằng vào trong đấy, làm tài sản cho con cháu vào đời. Quá khứ không phải qua đi là hết. Dòng linh khí từ quá khứ sâu thăm thẳm vẫn liên tục chảy về hiện tại, tạo thành sức mạnh tâm linh vô song cho mỗi người. Dù tiếp nhận trong vô thức, dòng linh khí đó trở thành bản lĩnh sống, thành năng lực bẩm sinh của trí tuệ. Đấy cũng là lý do để ta nỗ lực vượt bực mong tìm được đích xác nguồn gốc dòng giống của mình. Xác định cho được bản quyền dân tộc trên Dịch lý, một siêu phẩm của minh triết và khoa học.

Dịch học và đồ đồng Đông Sơn

Truyền tích bánh dày bánh chưng kể rằng vua Hùng đã già nghĩ ra cách để tìm người kế vị. Vua ra lệnh cho các hoàng tử (các “lang”) ai dâng lên cho vua được món ăn ngon nhất và ý nghĩa nhất sẽ được vua truyền ngôi. Trong khi các anh em đổ đi khắp nơi để tìm của ngon vật lạ thì hoàng tử Lang Liêu vốn cảnh sống rất thanh bạch và không muốn dành ngôi vua nhưng bản tính hiếu thảo nên vẫn băn khoăn không biết lấy gì dâng cho vua cha. Chợt tối ngủ Lang Liêu được một vị thần hiện ra chỉ dẫn: Lấy gạo nếp tinh tuyền đã nấu chín giã ra làm bánh màu trắng hình tròn, đặt tên là bánh dày. Lấy gạo nếp đổ trên lá, giữa cho nhân đậu xanh và thịt heo gói lại thành hình vuông đem luộc chín gọi là bánh chưng. Khi dâng vua, vua cha cho các món ngon vật lạ của các hoàng tử khác đều là tầm thường.
Riêng bánh dày và bánh chưng của Lang Liêu được vua khen ngon và hỏi ý nghĩa thì Lang Liêu tâu: Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất. Vua khen trời tròn đất vuông là trọn ý nghĩa của đạo trời đất và vua quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu.

Trong dong

Trống đồng vuông tròn.

Ta thử giải mã từ “Lang Liêu” trong truyền thuyết trên. Lang là từ Thái ngữ, có nghĩa là thủ lãnh, biến thể sang Hoa và Việt ngữ là Long, nghĩa là con rồng hay Vua. Lang là biến âm của Năm, số 5 trung tâm của Hà thư – Lạc đồ: năm → lăm → lang. Liêu là biế́n âm của Lử̉a chỉ phương nóng, vùng nhiệt đới, hướng Xích đạo, biến âm ra: lửa → ly → la → lê → liêu → lý… Lang Liêu có nghĩa là “vua La” hay vua của người La, Liêu, Lý… “Bánh chưng bánh dày” là biến âm của “bánh trăng bánh giời” hay “bánh trăng bánh trời”.
Bánh dày hình tròn, bánh chưng hình vuông biểu thị cho nguyên lý cơ bản của Dịch học. Trời tròn chỉ sự vô hình vô ảnh… Những gì vẫn có đấy nhưng thị giác con người không thể cảm thụ được. Đường tròn biểu thị sự liên tục không đứt đoạn, khi chuyển sang hệ ký hiệu vạch là vạch liền ────. Đất vuông chỉ vậ̣̣t chất hữ̃u hình, hữu hình nên hữu hạn, biểu thị sự hữ̃u hạn là bờ và mốc, tức 4 cạnh và các góc của hình vuông. Trong hệ ký hiệ̣̣u vạch là vạch đứt chỉ sự gián cách ──   ──. Tròn và vuông cũng chỉ là tên gọi khác của Âm và Dương mà thôi.
Truyền thuyết nói Trời chỉ dạy cho Lang Liêu làm ra bánh Chưng bánh Dày, đồng nghĩa với sự truyền dạy cho hậu thế rằng: vua La là người đã làm ra Dịch học, người La là chủ của thuyết Lưỡng nghi – Tam tài sinh hóa vạn vật.
Lang Liêu là ai và đạo Tròn vuông có liên quan như thế nào với người Việt?
Trên mặt tròn của nhiều trống đồng có 4 hình cóc đắp nổi. Đấy chính là biểu tượng của nguyên lý trời tròn đất vuông. 4 con cóc biểu thị cho 4 góc của hình đất vuông trên mặt trống tròn của trời. 4 con cóc là 4 tiếp điểm của hình vuông và hình tròn. Người chế tạo ra trống đồng nói rất rõ:
Cóc là biến âm của góc hình vuông, cóc → góc (tương tự như: Kà → gà; Cái → gái).
Sự biểu diễn dịch học trên đồ đồng Đông Sơn còn thấy rõ hơn ở mặt thạp đồng Đào Thịnh đã tìm được. Ở nắp thạp đồng tròn 4 con cóc đã được thay bằng 4 cặp nam nữ đang giao hợp, ý chỉ 4 điểm giao của hình vuông và tròn cũng là giao điểm của trời và đất, âm và dương. Trống đồng người Việt xưa gọi là “cối đồng”, Hoa ngữ dịch ra “đồng cửu”, rồi biến âm thành “đồng cổ”. Cửu là cái cối, biến ra “cổ” là cái trống.

Thap dong

Thạp Đào Thịnh.

Tóm lại là có sự liên quan rất rõ ràng giữa Dịch học và trống đồng, hay rộng hơn là đồ đồng Đông Sơn. Sự khẳng định này khiến ta không thể lý giải vì theo chính sử Trung Quốc thì Văn Vương tác Dịch ở tận Thiểm Tây, Bắc Trung Quốc hiện nay và vào thủa ấy người Việt không hề biết Dịch lý là gì, cũng như Văn Vương không hề biết mặt mũi trống đồng, thạp đồng ra sao… Nhưng với những gì đã biết như trên, ta không thể nào kết luận khác hơn là “dân trống đồng”chính là chủ thể đã tác tạo ra Dịch học.
Dịch học còn có cặp quẻ Khiêm nhường – Dự phần, gọi tắt là Khiêm và Dự. Sự sáng suốt nơi con người mách bảo vạn vật và xã hội phát triển theo những quy luật. Các quy luật thì trường tồn và bất biến, con người không thể thay đổi một cách chủ quan, tùy tiện. Công thức về sự chủ động phát triển là: Khiêm nhường – Dự phần.
Muốn “dự phần” hay tham gia cùng trời và đất trong việc biến đổi vũ trụ con người phải biết tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên. Một thành tựu đạt được luôn là sự hợp tác con người – tự nhiên. Con người không thể thay đổi quy luật nhưng có thể tác động ở đầu vào để nhận được kết quả ở đầu ra. Như thế gọi là Khiêm và Dự, Dự chính là dự phần vào việc tái tạo vũ trụ.

Khiem DuÝ nghĩa quẻ Dự = Lôi/Địa: Dự nghĩa là tham gia vào là cùng trời cùng đất tạo thành bộ mặt vũ trụ, tài nhân ngang hàng tài thiên, tài địa trong thế tam tài của Dịch học. Một quan điểm triết lý tôn vinh con người rất tiến bộ so với thời đại ấy.
Lời quẻ Dự: Lợi kiến hầu, hành sư.
Quẻ Dự tạo thành bằng quẻ Lôi trên quẻ Địa, sấm nổ trên đất chính là tượng của trống đồng. Lợi kiến hầu nghĩa là dùng vào việc phong tước hầu. Hiện nay có những nhà nghiên cứu lịch sử cho trống đồng là một biểu tượng vua ban khi phong tước cho các công hầu. Nó tựa như một loại ấn tín sắc phong vậy. Đặc biệt trong lễ nghi đạo hiếu của Việt Nam thì các bậc vương hầu dùng trống đồng thay mặt người dân của mình để tế tổ tiên của cộng đồng. Chữ “lợi” ở đây có nghĩa là “được dùng để” (ngờ rằng sau chữ “lợi” còn có chữ “dụng” nhưng bị bỏ mất). Lợi kiến hầu nghĩa là dùng trong việc phong tước hầu. Lợi hành sư nghĩa là dùng để hành quân, quân theo tiếng trống mà tiến hoặc lùi hoặc sang phải, sang trái, công hoặc thủ v.v. Trống đồng trở thành một quân khí dùng trong quân sự.
Lời tượng của quẻ Dự: Lôi xuất địa phấn, dự, tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức, ân tiến chi thượng đế, dĩ phối tổ khảo. Dịch nghĩa: Sấm vang trên mặt đất là tượng quẻ Dự, các bậc tiên vương làm ra nhạc đề cao đạo đức, long trọng dâng lên thượng đế cùng với anh linh tiên tổ.
Trống đồng còn gọi là trống sấm, là loại trống duy nhất khi đánh để úp xuống đất, nên lời tượng nói: lôi xuất địa phấn. Tiên vương tức tiên đế nhà Chu là Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công… Chữ “tác nhạc” cho thấy rõ ràng trống đồng là một nhạc cụ dùng trong các buổi lễ tế. Nó chính là tổ tiên của văn hóa cồng chiêng ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn đang đặt câu hỏi: trống đồng dùng để làm gì hay công dụng của nó ra sao? Lời quẻ và lời tượng quẻ Dự đã chỉ rõ 3 công dụng:

  1. Trống đồng dùng như một lệnh bài sắc phong tước vị.
  2. Dùng làm hiệu lệnh điều quân.
  3. Dùng trong âm nhạc ở các buổi tế lễ long trọng.

Qua lời quẻ và lời tượng của quẻ Lôi/Địa Dự việc liên hệ giữa Dịch học và trống đồng là điều không thể phủ nhận. Chỉ với những khám phá trên đủ khẳng định: Dân tộc là chủ nhân của trống đồng cũng chính là dân tộc đã sáng tạo Dịch học. Dịch học dứt khoát không phải là sản phẩm của nền văn minh Hán. Dân tộc sống ở lưu vực Hoàng Hà không hề biết trống đồng là gì vào thời những chiếc trống đồng cổ xưa nhất được dùng.

Trống đồng, bức thông điệp ngàn năm

Trống đồng có nhiều hình dạng, nhiều thời, do đó cũng nhiều mảng thông tin khác nhau. Ở đây bàn về thông điệp trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Mặt trống gồm 1 tâm và 3 vòng đồng tâm.

Trong Ngoc Lu

Tâm trống và vòng đồng tâm số 1: nhân sinh quan Việt

Tâm trống là mặt trời đang chiếu sáng. Vòng tròn số 1 là cảnh sống, sinh hoạt của con người.
Tâm trống đồng luôn luôn là mặt trời, mọi kiểu trống mọi thời đại đều như thế. Điều  này cho thấy có sự thống nhất và xuyên suốt nguyên tắc cơ bản trong hệ tư tưởng Việt: Mặt trời là trung tâm vũ trụ cũng chính là hình ảnh đại diện cho “ông trời” siêu hình.
Ông Trời là đấng tối cao mà quyền năng chi phối tất cả nhưng lại thân thiết gần gũi như cha mẹ nên người Việt hay gọi: “Trời đất ơi! Cha mẹ ơi!”.
Mặt trời phát ra ánh sáng cũng là phát ra sự sống. Trong tiếng Việt “sáng” và “sống” gần như là một âm. Phần hồn, tức anh linh nơi con người chính là một phần của cái khối sáng vĩ đại ấy, đến trái đất nhập vào thân xác vật chất thành ra con người sống động có thần. Thần tính ấy được quẻ Kiền gọi là Long hay con Rồng. 6 hào của quẻ Kiền là hình ảnh tượng trưng của 6 giai đoạn bay lên từ đất tới trời cao.
Khi đã đi hết đoạn đường trần thế thì xác trả về cho đất hồn trở về trời. Chính vậy mà mặt trời với người Việt trở thành chốn linh thiêng vì tổ tiên ông bà ngự nơi đấy. Quẻ Lôi/Địa Dự viết: “lôi xuất địa phấn tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức ân tiến chi thượng đế dĩ phối tổ khảo” cũng là lẽ này. “Cầu dâng lên trời mà cũng là để ông bà mình hưởng” đã chỉ ra: anh hồn tổ tiên đang ở chung với ông trời hay đấng tối cao…
Cuộc sống miên trường không bao giờ dứt, có chăng chỉ là chuyển đổi dạng thức tồn tại từ dương sang âm mà thôi. Hay nói theo dân gian là chuyển địa chỉ từ dương trần sang âm phủ.
Cuộc sống vẫn tiếp nối chỉ chuyển dạng tồn tại mà thôi, đấy là triết lý về sự sống – chết của người Việt đã được Kinh Dịch thể hiện. Hay nói cách khác: tâm và vòng đồng tâm thứ nhất của mặt trống đồng Ngọc Lũ đã thể hiện “nhân sinh quan” của người Việt. Cuộc sống sinh động nhưng hữu hạn vì có sinh, có biến đổi ắt có tử. Duy nhất chỉ nơi tâm vòng tròn là bất biến nên bất tử. “Sinh” là từ cõi Hằng bước sang cõi “Biến”. Qua một thời gian dạo chơi trần thế để biết mùi “đời” rồi “tử”, tức là trở về nơi đã ra đi. Người đời nói  “sinh ký tử quy” (sống gửi thác về) nghĩa là vậy. Nhưng ta phải luôn nhớ không phải ra đi làm sao thì trở về làm vậy. Vì qua thời gian ở cõi “biến” ta đã thành người khác. Sáng hơn hay tối hơn là tùy những gì ta đã làm nơi dương trần với tư cách con người có ỵ́ thức và chủ động trong hành vi của mình.
Với nhân sinh quan như vậy nên người Việt là dân tộc có hiếu nhất thế giới. Chữ Hiếu được nâng hẳn lên thành một tôn giáo, gọi là đạo “Hiếu” hay đạo thờ ông bà. Cao nhất là thờ ông ‘Thiên”, tổ của cả loài người. Với quốc gia thì thờ quốc tổ, làng thì thờ “thành hoàng”, tộc họ thì có nhà thờ họ và trong mỗi nhà đều có bàn thờ “gia tiên”… Trong nhân sinh quan người Việt thì quá khứ – hiện tại – tương lai, sống và chết, là sự biến đổi tiếp nối tuần hoàn không có chấm dứt. Thế nào rồi cũng có ngày phải về gặp các cụ. Lúc đó ăn làm sao, nói làm sao? Chính vì vậy nên phải lo liệu ngay từ bây giờ. Công đức tạo nên không phải chỉ để cho đời này mà là công đức cho mọi đời. Ngoại trừ những tay “siêu bịp” thì ai được kính trọng ở đời này ắt cũng được kính trọng ở đời sau và ngược lại kẻ bị người đời nguyền rủa thì cũng sẽ bị nguyền rủa đời đời.

Vòng đồng tâm thứ 2: xướng danh dân tộc

Là người Việt không ai mà không biết huyền tích Kinh Dương Vương kết duyên cùng Long Nữ, con gái Động Đình Quân. Kinh Dương Vương nghĩa là vua phương Nam. Long Nữ hay Long Mẫu, con gái Động Đình Quân – vua phương Đông. Sự hợp huyết 2 dòng phương Nam và phương Đông là sự hoàn tất việc đúc kết tạo nên người Việt. Cũng vì lẽ này người Việt rất đỗi tự hào khi nhận mình là “con Rồng cháu Tiên”.
Những thông tin tạo nên tuyền thuyết này đều xuất phát từ Hà thư. Trong đồ hình Hà thư số 6 hay 6 nút trắng nằm ở phía Nam, số 8 nằm ở phía Đông. Phương Nam ngoài số 6 còn có số 1 nên phương Nam còn là phương của Đế Tiên hay bà Vũ Tiên. Vì lẽ này người Việt mới nhận mình là “cháu Tiên”.

Ha thuHà thư.

Theo Hậu thiên Bát quái phương Nam, số 6 còn là phương của nước, tức quẻ Khảm. Nước tiếng Việt cổ là nác – lác – Lạc. Đây chính là từ Lạc trong Lạc Long Quân và Lạc Việt.
Trong Hậu thiên Bái quái phương Đông, số 8 là quẻ Chấn hay Thìn, tức con Rồng. Hoa ngữ là Long.

Hau thien bat quai

Hậu thiên bát quái.

Tới đây đã rõ câu “con cháu Tiên-Rồng” hay dòng giống Lạc – Long là chỉ sự hợp nhất giữa 2 dòng người ở phương Nam số 6 và phương Đông 8 theo Hà thư vào thời Hùng Việt Vương –  Tuấn Lang.
Mặt trống đồng Ngọc Lũ đã thể hiện những thông tin lịch sử này ở vòng tròn thứ 2 bởi nửa vòng tròn khắc hình 6 con chim và 10 con nai và nửa vòng tròn còn lại là 8 con chim và 10 con nai. Ở đây tiền nhân người Việt đã  sử dụng những nút số của Hà thư, đặc biệt số 10 lại không được coi là 10 (số chẵn) mà coi như là 2 số 5, là số lẻ.
Các nút trắng – chẵn của Hà thư được thay thế bằng hình Chim và nút đen – lẻ được thay thế bằng con nai.
Nhìn lại Hà thư với các nút chẵn:

  • 10 con nai và 6 con chim chỉ người họ Hùng phương Nam, con cháu của Kinh Dương Vương.
  • 10 con nai và 8 con chim chỉ người họ Hùng phương Đông, con cháu của Long Nữ hay Long Mẫu.

Ý nghĩa thể hiện ở vòng tròn đồng tâm thứ 2 trên mặt trống đồng chính là sự tự xưng danh tính của chủ nhân trống đồng Ngọc Lũ. Dân tộc ấy chính là dòng giống Tiên – Rồng hay Lạc – Long, Tiên – Long, xác lập bởi các cặp số (6/10) và số (8/10).
Nếu không có số 10 chỉ dùng số 6 và số 8 sẽ bị hiểu là: người nước ngoài ở phía Nam và Đông nước ta. Người Việt xưa đã thêm mẫu số 10 để nói rõ đấy là: người họ Hùng, thuộc chi phương Trung – Nam và chi phương Trung – Đông.

Vòng đồng tâm thứ 3: ước vọng dân tộc trường tồn

Vòng đồng tâm thứ 3 của mặt trống đồng có tổng cộng 18 cặp chim, mỗi cặp có 1 chim lớn đang tung cánh bay và 1 con chim nhỏ đang tung tăng trên mặt đất. Từng cặp như vậy nói lên   sự nối tiếp liên tục, hễ tre già thì măng mọc, cha mẹ già khuất núi thì con cháu lớn lên, cứ như thế mà tiếp nối mãi.
Trong Dịch học chim Hạc hay Hồng hạc là chữ của điểu thú văn chỉ Trời cao, chỉ thời gian và những yếu tố văn hóa phi vật thể. Hà → hạc. Con nai Hoa ngữ là Lộc, biến âm của “lục”, là số 6, cũng là Đất, cũng là chữ điểu thú văn dùng chỉ Đất, chỉ không gian và những yếu tố văn hóa hữu hình hữu thể.
Trong danh sách 18 đời Hùng Vương có vị vua Hùng Việt Vương hiệu Tuấn Lang, Đây cũng chính là Sơn Tinh hay Tản Viên Sơn Thánh quốc chúa đại vương. ‘Tuấn” là tên chữ ký âm của ‘Tản” tiếng Việt. Sơn Tinh cũng là một vị Kinh Dương Vương (canh = 6, giêng = 1), nghĩa là chúa phương Nam vì trong Tiên thiên Bái quái quẻ Cấn là sơn – núi, chỉ phương Nam.
Truyền thuyết nói Kinh Dương Vương kết duyên cùng Long Nữ như đã xác định ở vòng tròn thứ 2 mặt trống đồng Ngọc Lũ, phải chăng là nói về sự thống nhất dòng Tiên và Rồng để tạo ra “dòng giống tiên Rồng” ở triều đại Hùng Việt Vương – Tuấn Lang? Từ “người Việt” bắt đầu có từ đây.
Những cặp chim ở vòng tròn thứ 3 trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là loài chim Diệc. Diệc là  phát  âm của người Nam Bộ. Âm Bắc là Việt. Chính là từ Việt trong đế hiệu Hùng Việt Vương – Tuấn Lang.
Số 9 là “cửu”. Cửu cũng có nghĩa là lâu dài. 18 là trùng cửu (9×2), đồng âm với “trường cửu”, nghĩa là mãi mãi bất tận. Điều này xin đừng vội cho là cưỡng ép vô lối vì chính người Hoa cũng hay dùng lối đồng âm gán nghĩa này, như họ kiêng số 4 vì đọc là “tứ”, cận âm với “tử”, là chết. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi họ tặng bạn chiếc quan – tài… vì “quan” ở đây được hiểu là sự thăng quan tiến chức, “tài” hiểu là tấn tài tấn lộc, nghĩa là chúc có thêm tiền.
Như thế những hình tượng trên vòng đồng tâm thứ có nghĩa sau:

  • Chim Diệc đang tung cánh bay là chỉ dân tộc Việt trong vòng thời gian.
  • Mỗi cặp chim 1 trưởng thành 1 còn non chỉ sự nối tiếp kế thừa.
  • 18 cặp là trùng cửu (2 lần 9), cũng là trường cửu.

Vòng đồng tâm thứ 3 trên mặt trống đồng Ngọc Lũ với 18 cặp̣ chim Diệc là bản văn ngắn gọn nhưng rất rõ ràng: “Dân tộc Việt đời sau nối đời trước, cứ như thế tồn tại mãi mãi”.
Tới đây thì  ta hiểu rõ tại sao vua Đông Hán ra lệnh cho mặt ngựa (Mã Diện hay Viện) tịch thu và phá hủy cho bằng hết trống đồng của người Việt. Ý đồ của chúng là biến người Việt thành đám con hoang không cội nguồn, đồng thời chặt đứt ước nguyện trường tồn của dân tộc này… Nhưng trời xanh có mắt…
Việc giải mã được những thông tin chứa trên mặt trống đồng Ngọc Lũ đưa đến hệ quả hết sức quan trọng với người Việt:

  • “Con Rồng cháu Tiên” không còn là truyền thuyết lịch sử mà chính thức trở thành lịch sử, một lịch sử được ghi chép rõ ràng trên sách “đồng” bằng ngôn ngữ Dịch học đã phổ biến lưu truyền 3.000 năm nay.
  • Truyền thuyết lịch sử Việt không phải chỉ có 1 chuyện “con Rồng cháu Tiên”, mà là cả một hệ thống những truyền thuyết tương đối hoàn chỉnh, chứa đựng những thông tin của một thời gian dài mà ngày nay gọi là thời tiền sử. Chỉ cần minh xác được 1 đoạn trong cái chuỗi thông tin liên hoàn ấy cũng đủ để ta “lượng giá” về tính xác thực của cả hệ thống   truyền thuyết lịch sử đang lưu truyền.
  • Lịch sử và văn minh Việt có liên hệ “máu thịt” với Dịch lý từ khi người Hán chưa đặt chân tới mảnh đất này. Những trống đồng cổ nhất có đến 3.000 năm tuổi đã trở thành vật chứng chắc chắn, rõ ràng nhất giúp khẳng định: Dịch lý là thành tựu trí tuệ tuyệt vời của tiền nhân người Việt ngày nay.

Dịch học hình tượng

Con người chúng ta tư duy bằng 2 hệ thống dấu hiệu chính: hệ thống dấu hiệu âm thanh và hệ thống dấu hiệu hình ảnh. Đơn vị của hệ thống dấu hiệu hình ảnh là Tự hay Chữ. Tự nối kết với nhau thành Văn. Còn đơn vị của hệ thống dấu hiệu âm thanh là tiếng, nối kết nhau thành Điều. Ta hay dùng như một từ kép “điều tiếng”.
Gọi là 2 hệ chính vì còn các hệ thống dấu hiệu cá biệt khác như hệ thống chữ nổi của người mù được cảm nhận bằng xúc giác và hệ thống dấu hiệu cử chỉ dành cho người câm.
Trước khi có văn tự con người vẫn có tư duy, khám phá và chuyển giao thành quả, tức vẫn có tiến bộ. Dịch học tuần tự có 3 hệ thống:
– Dịch lý nút số.
– Dịch lý vạch quẻ.
– Dịch lý bằng văn tự.
Dịch học là tư duy của con người xưa. Vậy khi chưa có Dịch nút số con người suy nghĩ dựa trên cơ sở nào?
Trước Dịch học nút số đã có một nền Dịch học khác, đó là Dịch lý “hình tượng”, tức lấy chính các hình ảnh và hiện tượng tự nhiên làm Dịch tượng ̣để tư duy.

Hinh tuongKhi tìm hiểu về Dịch lý ta thường nói: Càn là trời, Khôn là đất, Ly là lửa… Như thế là đã đi ngược tiến trình của Dịch học. Đúng ra ta phải nói: Trời là Càn, Khôn là Đất… vì từ những hình tượng có thực trong cuộc sống người ta mới nén thông tin vào trong các Dịch tượng tạo thành hệ thống dấu hiệu làm công cụ cho tư duy.
Dịch lý thô sơ dựa trên các hình tượng đã hệ thống hóa sau. Dịch học hình tượng lấy Trời và Đất hay bầu trời và quả đất để biểu thị cho không gian. Lấy Mặt trời và Mặt trăng để biểu thị cho ngày và đêm, tức chỉ thời gian. 4 quẻ còn lại biểu diễn cho cái không gian hẹp, tức khuôn khổ trong đó con người ta sinh sống.
Dịch học nói: tại thiên thành tượng, tại địa thành hình. Hình ảnh biển cả và đất liền được dùng để tượng trưng cho mặt địa cầu là cái nền chở đỡ và dưỡng nuôi loài người. Đất và nước luôn đi đôi trở thành từ kép “đất nước”, đồng nghĩa với tổ quốc của mỗi người.
Hiện nay người ta cho là quẻ Đoài là cái hồ, thực ra không phải vậy. Khi nói Đoài là hồ, Cấn là núi là đã giảm tầm cỡ của Dịch lý. Kích cỡ của cái hồ hay quả núi có thấm tháp gì so với sự mênh mông của mặt địa cầu nên không thể nào trở thành một nguyên tố của Dịch học. Chỉ có biển cả hay đại dương, đất liền hay đại lục mới đủ tư cách gánh vác trách nhiệm đại biểu đó.
Tại thiên thành tượng. Hai hiện tượng tự nhiên trên bầu trời có ấn tượng sâu sắc trong đầu thánh nhân khi tác Dịch là: sấm sét và bão gió. Trời thì trong suốt đâu có nhìn thấy gì đâu, nhưng qua các hiện tượng chúng ta biết vật chất vẫn tồn tại ở đó. Thứ vật chất mà Dịch học gọi là nhẹ và trong, nhận định có 2 thể loại vật chất, một là chất đục và nặng, có thể nhân biết dễ dàng, còn một thứ trong suốt nên chỉ có thể nhận biết một cách gián tiếp thông qua các hiện tượng. Ở đây Dịch học chọn sấm sét và gió bão, chỉ cái không gian bao la trên đầu con người.
Bốn hình tượng: biển – đất và sấm – gió đủ để vẽ nên sinh cảnh của con người lúc ấy.
Từ 8 hình tượng của tự nhiên người xưa đã nén thông tin tạo thành 8 quẻ của Dịch học “tự nhiên”, tức Dịch học tiên khởi trước cả Dịch học nút số. Dịch học tự nhiên là tư duy của người Việt cổ hàng chục vạn năm cho tới khi được Dịch học nút số thay thế.
Hình tượng của Dịch lý tự nhiên sau đã tạo thành 8 quẻ (Bát quái):
– Trời tạo thành quẻ Kiền hay Kiện.
– Đất tạo thành quẻ Khôn hay Xuyên.
– Mặt trời hay ban ngày tạo thành quẻ Ly hay La.
– Mặt trăng hay ban đêm tạo thành quẻ Khảm hay Cống.
– Biển cả tạo thành quẻ Đoài hay Đoạt.
– Đất liền hay đại lục tạo thành quẻ Cấn hay Căn.
– Sấm sét tạo thành quẻ Chấn hay Thìn.
– Bão gió tạo thành quẻ Tốn hay Toán.
Dịch học hình tượng là Dịch học thô sơ. Sau này khi khối tri thức lớn thêm, đầu óc càng ngày càng mở mang và khi con người đã “chất biến” thì Dịch học cũng đổi thay. Dịch học nút số thay thế Dịch học tự nhiên. Hình tượng trở thành Dịch tượng với các thông tin chứa ở trong sâu xa và trừu tượng hơn.
Các hình tượng của Dịch lý tự nhiên đã cho chúng ta các thông tin về sinh cảnh lúc ấy:

Nơi sinh sống của cộng đồng người đã phát minh ra Dịch học là vùng ven biển.

Nơi đất liền với biển, từ cảnh quan cho đến sự cung ứng thực phẩm hàng ngày đều đến từ một môi trường kép “biển và đất”, từ đó mới sinh ra lưỡng nghi “Đoài và Cấn”. Quẻ Cấn còn được coi là tượng trưng cho “núi”. Việt ngữ có từ kép “khuất núi” để chỉ sự chết. Ý nghĩa này bắt nguồn từ việc mặt trời lặn ở hướng Tây. Với ý này ta thu được thông tin: người “tác” Dịch sống ở nơi phía Tây là núi và phía Đông là biển.
Thực vậy, chỉ có sống ở nơi ven biển mới có thể nhìn thấy đường “chân trời” nơi mút tầm mắt, từ đó nảy ra ý niệm: trời như cái bát úp trên mặt đất, chân trời là nơi cái miệng chén đặt trên mặt đất. Vũ trụ quan đơn sơ này chính là khởi nguyên của “trời tròn đất vuông” là ý niệm cơ bản trong Dịch học.
Xét như thế ta khẳng định Dịch học không thể ra đời ở vùng Thiểm Tây – Sơn Tây, cái nôi của Hán tộc, vì đấy là vùng đất nằm sâu trong đất liền. Ở nơi mà chỉ có cát với cỏ thì làm sao có thể tưởng tượng ra cặp lưỡng nghi Đoài và Cấn?

Cặp hình tượng “sấm sétgió bão” chỉ ra rằng cộng đồng người đã sản sinh ra Dịch học sống ở nơi mà mưa bão, sấm sét là chu kỳ lặp đi lp lại hàng năm.

2 “thiên tượng” này phải là một nếp hằn sâu đậm trong đầu óc người cổ thì nó mới có thể được cấp cho “tính đại biểu” của phần không gian hẹp trên đầu con người, tức là 1 lưỡng nghi của Dịch học. Sấm và bão ngoài sự hoành tráng vốn có nó còn là sống còn của cư dân nông nghiệp sau này vì sấm luôn kèm với mưa, mà mưa là yếu tố quyết định của canh tác lúa nước. Người Việt đã tổng kết “nước – phân – cần – giống” đủ biết mưa quan trọng như thế nào trong đời sống. Mưa bão sấm sét là một sự liên hoàn luôn đi với nhau nên thành 1 lưỡng nghi của Dịch học: Chấn và Tốn.
Lại thêm một khẳng định: quê hương của Dịch học không thể ở ngoài vùng “Châu Á gió mùa” vì chỉ ở vùng này Chấn và Tốn mới có tính chu kỳ và ảnh hưởng sâu sắc trên cuộc sống con người. Sơn Tây – Thiểm Tây, cái nôi của Hán tộc, rất ít mưa và hầu như không có sấm sét là hiện tượng sinh đôi của mưa bão, thử hỏi làm sao có thể tưởng tượng ra Chấn với Tốn?
Tổng kết thông tin trong bài viết này ta có: Dịch học đã ra đời ở Việt Nam. Cụ thể hơn là ở vùng đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, nơi mà phía Đông là biển, phía Tây là núi. Nơi mà hằng năm gánh không biết bao nhiêu là bão gió – sấm sét. Nơi mà bên Đông có rồng, bên Tây có tịnh, hướng Bắc (hướng của Dịch lý, tức hướng Xích đạo) có hổ và hướng Nam (xưa) có đầy thuồng luồng như đã chép trong truyền thuyết và trên trời nhiều hạc, mặt đất đầy hươu nai.
Riêng về loài nai thống kê khảo cổ học cho biết ở đất Việt cách nay vài ngàn năm hươu nai là loài thú săn chiếm tới trên 50% trong tổng số thú bắt được. Cá biệt có nơi xương hươu nai chiếm tới trên 75%. Vì điều này chúng ta hiểu được tại sao Dịch học nút số dùng số 6 là lục hay lộc, tức con nai, tượng trưng cho mặt đất nơi mình sinh sống. Ở Thiểm Tây – Sơn Tây có nai hay lộc nhiều như thế hay không?
Tớí đây ta có thể tạm kết về Dịch học hình tượng. Dịch học hình tượng là một hệ thống gồm:

  • 8 hình tượng tự nhiên: Trời – đất, mặt trời – mặt trăng, biển cả – đất liền và sấm sét – gió bão.
  • 6 chữ nguyên hình (điểu thú văn): Hạc – lộc – hổ – sấu – long – tịnh.

Và các hình tượng đặc biệt:

  • Mặt trời: là nguồn sáng, cũng là nguồn sống được coi như biểu tượng của đấng tối cao và được nhân cách hóa thành ông trời.
  • Con người: là trung tâm của vũ trụ nơi xuất phát mọi giá trị.
  • Biểu tượng bộ phận sinh dục nam, người Viêt gọi là “nõn” hay “lõ”, người Chăm gọi là “Linhga”.
  • Biểu tượng bộ phận sinh dục nữ, gọi là “nường” hay “lường”, người Chăm gọi là “Yoni”.

Linhga và Yoni chính là biểu tượng xưa nhất của Âm và Dương, được coi như một biểu tượng tôn giáo trong các nền văn hoá Chăm và Khơme cổ. Người Việt xưa vẫn có tục rước “nõn- nường”. Sử sách Trung Hoa chép: Chu Công đã cấm tục thờ sinh thực khí, tức “nõn-nường” trong ngôn ngữ Việt hiện nay. Linhga và yoni đã được xác định chính là Âm và Dương trong 2 danh từ “âm hộ” và “dương vật”, tức bộ phận sinh dục nữ và nam.
Như vậy qua bài viết này ta thấy Dịch học hình tượng là khởi nguyên của Dịch học, nền Dịch học ra đời từ khi con người còn chưa biết đến chữ, dù là loại chữ “kết thằng” cổ xưa, và nó đã đồng hành cùng con người cả trăm ngàn năm. Cùng với tiếng nói hay “điều – tiếng”, Dịch học tự nhiên đã trở thành cái nền của tư duy, khám phá, ứng dụng và truyền thông. Dịch học hình tượng là căn đế của một nền văn minh vô cùng rực rỡ nhưng đang tạm thời bị vùi lấp và cũng đang dần toả sáng./.