Triệu Việt Vương

Tôi viết bài thơ Triệu Việt Vương

Chống Tần Chân Định kiến cơ xương

Núi Châu mây hiển che quân chủ

Sông Nhị rồng lên hiệu bốn phương

Dạ Trạch hùng uy tan giặc dữ

Phiên Ngung hoàng ốc tiết mao dương

Tiên đồng thoát trảo về nơi biển

Nam Việt vạn xuân mãi ngát hương.

Sách ebook LỊCH SỬ HÙNG VƯƠNG Tân biên & Vịnh sử

Lời nói đầu

Lịch sử các vua Hùng dựng nước luôn là câu hỏi nhức nhối đối với bất kỳ người Việt nào muốn tìm về nguồn cội của mình. Hàng ngàn năm lịch sử với 18 triều đại Hùng Vương đâu phải là một chớp mắt. Vậy thời đại Hùng Vương thực sự đã diễn ra như thế nào? Chắc chắn, trên bước đường chập chững lúc mới nên hình nước non đã xảy ra bao nhiêu biến cố, bao nhiêu thách thức. Những bước tiến nào mà xã hội người Việt đã trải qua trong suốt hàng ngàn năm đó? Cha ông người Việt đã làm gì để đã vượt qua những thách thức đó?

Cuốn sách tái hiện lịch sử thời đại Hùng Vương thành một mạch xuyên suốt từ khi mở trời mở đất cho đến vị vua Hùng cuối cùng qua những sự kiện, những mốc phát triển chính. Cuốn sách không tham vọng khảo chứng lịch sử, mà là chia sẻ sự nhìn nhận có được qua việc tìm hiểu quá khứ từ những dữ kiện và góc nhìn khác nhau. Đó là việc đối chiếu các nguồn tư liệu thành văn của Hoa sử và Việt sử. Là những thông tin chắt lọc từ những sự tích thờ cúng, lễ hội cho những anh hùng, những nhân vật trong suốt chiều dài sử Việt. Là sự suy ngẫm trước những hiện vật khảo cổ biết nói đã được phát hiện không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực trời Đông. Là góc nhìn địa văn hóa, sử văn hóa từ những dấu vết ngôn ngữ, triết học cổ.

Trên bìa những cuốn lịch sử Hùng Vương xưa (ngọc phả Hùng Vương) được soạn bởi các bậc hàn lâm học sĩ đương thời có đề đôi câu đối:

Vấn lai dĩ sự tu vi sử
Tế nhận như đồ dục mệnh thi.

Tức là:

Hỏi kỹ chuyện qua mà chép sử
Thấy rành như vẽ mới làm thơ.

Xem kỹ những gì đã biết về các vua Hùng, thấy sự việc rõ rành thì tất có cái hứng để làm thơ, để ca ngợi công đức tiền nhân, để cảm sự nỗ lực của người Việt dựng nên nền tảng văn hóa xã hội ngàn đời cho con cháu. Sau phần biên diễn lịch sử là những bài thơ vịnh sử xuất phát từ những cảm hứng này.

18 vương triều Hùng bất diệt. 3000 năm xã hội Việt phát triển qua 4 giai đoạn từ thấp đến cao. Không gian lịch sử bao trùm khắp trời Đông. Những vị anh hùng đã hóa thần trong sử Việt. Đó là những gì cuốn sách muốn gửi gắm đến các bạn đọc ngày hôm nay.

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách phát hành online bởi Hùng Việt sử quán.

Bất kỳ sự sao chép, in ấn nào từ tác phẩm với mục đích thương mại đều phải được phép của tác giả.

Link tải sách:

https://drive.google.com/file/d/1OmKTZHLxNdEhZaEcLS7Rfqu1pop4tpAx/view?usp=sharing

Mã QR

Liên hệ để nhận mật khẩu theo:

    Facebook: https://www.facebook.com/hungvietsuquan

    Email: bachviet18@yahoo.com, 

    Phone, Zalo: 0559551003.

Mục lục

Lời nói đầu 

LỊCH SỬ HÙNG VƯƠNG
    Thời thần thoại
    Tam Sơn Hùng Vương Thánh Tổ
    Nam Thiên Thánh Tổ Kinh Dương Vương
    Động Đình Lạc Long Quân
    Chử Đạo Tổ
    Long Khuyển Bàn Hồ
    Âu Cơ và Sùng Lãm
    Trị bình kiến phu
    Đông Chu phong vũ
    An Dương Vương
    Tần Việt nhân duyên
    Vạn Xuân Triệu Vũ Đế
    Triệu Việt Vương
    Hậu Lý Nam Đế
    Trưng Lữ Vương
    Vương Mãn
MẤY BÀI THƠ SỬ
    Thấy rành như vẽ mới làm thơ
    Ngày giỗ Tổ
    Sơn Tinh
    Tản Viên
    Sơn Tinh – Hạ Vũ
    Bốn ngàn năm
    Nhớ Hằng Nga
    Hiếu với trời đất
    An Dương Vương
    Phù Đổng Thiên Vương
    Phong thần
    Nước Việt Thường
    Lão Tử Cổ Loa
    Cổ Loa thành
    Ai oán Mỵ Châu
    Lý Bôn
    Chuyện Nam Việt
    Từ Nam Việt đến Đại Việt
    Trưng Triệu
    Đất nước tôi

Cổ Việt Hùng Thị phả đồ

Trên đất Việt mỗi độ hoa đào nở
Cành mai vàng rực rỡ trước gió xuân
Có nhớ chăng công sức của tiền nhân
Dựng nghiệp nước mấy ngàn năm lịch sử?

Ngọn núi Đọ quê hương người Việt cổ
Bên sông Chu, sông Mã chảy muôn đời
Hạt lúa vàng thẫm đẫm giọt mồ hôi
Thuở khai quốc của Thần Nông, Viêm Đế.

Xuân đất nước chuyện bao mùa còn kể
Kỷ Hồng Bàng khai phá đất phương Nam
Cánh chim hồng, chim hộc lượn trên ngàn
Dòng Lạc Việt lớn lên cùng đất nước.

Gian nan thay các vua Hùng lập quốc
Gương Tản Viên trị thủy lũ sông Đà
Dãy Hoàng Liên ý chí Việt vượt qua
Cơn hồng thủy của hàng nghìn năm trước.

Mở bờ cõi cha Lạc Long tiếp bước
Mặt biển Đông dậy con sóng Lạc Hồng.
Đậm tình người câu chuyện lá trầu không
Têm cánh phượng cho nước màu đỏ mãi.

Tuổi lên ba chí anh hùng có phải?
Giữ xuân đời ngựa Gióng đuổi giặc Ân.
Tiếng trống đồng giữa trời đất còn ngân
Vang như tiếng nỏ thần dân Âu Lạc.

Ngẫm vuông tròn bánh chưng ai chế tác?
Đạo âm dương gói trời đất xa gần
Để ngàn đời tỏa sáng một chữ “văn”
Dòng lịch sử nước Văn Lang chảy mãi.

Vua Lý Bôn mong quốc gia vạn đại
Thuận lòng người đặt tên nước Vạn Xuân.
Quê hương ơi, trải mưa nắng bao lần!
Vầng nhật nguyệt có khi mờ khi tỏ
Đánh giặc mạnh bao phen bon ngựa đá
Thắng thiên tai bao đất mới khai hoang
Vẫn ngọt ngào, đầm ấm giọng hò khoan
Trên đất mẹ những năm dài khó nhọc.

Nụ cười tươi át đi bao tiếng khóc
Mùa xuân về rừng lại thắm hoa xoan
Áng mây hồng bay trên đỉnh đại ngàn
Một nước Việt trong vạn mùa xuân mới.

Thấy rành như vẽ mới làm thơ

Tôi viết bài thơ thủa Hùmg Vương
Cao Sơn đột ngột mở con đường
Vạn bang có chủ từ khi ấy
Thái Sơn núi tổ của muôn phương.

Kìa trông núi Lịch chốn Sơn Tinh
Nam quốc Anh Hoàng chuyện sử tình
Cầu hiền há kể Di hay Dị
Vua Thuấn cày trên ruộng Lạc Kinh.

Sự xưa kể lại mẫu Thần Long
Khai tộc Cha Tiên với Mẹ Rồng
Mây phủ Động Đình ngàn năm đó
Thánh kế thần truyền tự Lạc Hồng.

Hơn bốn ngàn năm sử nước ta
Lạc Long đánh dấu đức vua cha
Tiếp diệt Ân vương phân bang ấp
Trăm nước trăm quan hội một nhà..

Cái thời sơ sử thế mà nhanh
Vươn vai Phù Đổng hóa tinh anh
Dịch lý soi đường dân Bách Việt
Cố hương cố tổ mãi lưu danh.

Nhà Chu và bài thơ Thử ly trong Kinh Thi

Trong Kinh Thi phần Vương phong có bài Thử ly gồm 3 đoạn thơ, khác nhau ở 4 câu đầu và chung phần điệp khúc. Phiên âm Hán Việt của bài này như sau:
I. Bi thử ly ly
Bỉ tắc chi miêu
Hành mại mỹ mỹ
Trung tâm dao dao.
đoạn lặp:
Tri ngã giả
Vị ngã tâm ưu
Bất tri ngã giả 
Vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên 
Thử hà nhân tai.
II. Bi thử ly ly
Bỉ tắc chi toại 
Hành mại mỹ mỹ 
Trung tâm như tuý.
“đoạn lặp”
III. Bi thử ly ly
Bỉ tắc chi thật 
Hành mại mỹ mỹ 
Trung tâm như ất (yết).
“đoạn lặp”
Giải thích về phần Vương phong Chu Hy đời Tống viết:
Vương là nói nhà Chu đóng đô về phía đông ở Lạc Ấp, trong vòng kinh kỳ của Vương Thành. Đất vuông 2600 dặm, theo sách Vũ Cống, nhắm khoảng núi Thái Hoạ và núi Ngoại Phương thuộc châu Dự, phía bắc được vùng Hà Dương, rồi lần xuống phía nam của châu Ký.
Lúc khởi đầu nhà Chu, Văn Vương ở đất Phong, Vũ Vương ở đất Hạo. Đến đời Thành Vương, Chu Công bắt đầu dựng Lạc Ấp làm chốn hội họp chư hầu lúc bấy giờ, vì cớ đất ấy ở ngay chính giữa, bốn phương đến đấy thì dặm đường xa đồng nhau. Từ đấy gọi đất Phong, Hạo là Tây Đô, còn Lạc Ấp là Đông Đô.
Đến khi U Vương sủng ái nàng Bao Tự, sanh ra Bá Phục, phế hoàng hậu nước Thân và thái tử Nghi Cữu. Nghi Cữu chạy sang nước Thân. Thân Hầu nổi giận, cùng với rợ Khuyển Nhung đánh Tông Chu, giết U Vương ở đất Hý.
Văn Hầu nước Tấn và Vũ Công nước Trịnh rước thái tử Nghi Cữu ở nước Thân và lập lên làm vua. Ấy là Bình Vương. Bình Vương dời về Đông Đô, tức Vương Thành. Từ đấy, nhà Chu lại hèn kém, không khác gì các nước chư hầu, cho nên thơ ca không được gọi là nhã, mà gọi là phong, nhưng vương hiệu chưa bị bỏ, cho nên không gọi là nhà Chu mà gọi là Vương.
Như vậy bài thơ Thử ly trên là bài ca dao của nước Chu khi nhà Chu đã dời về phía Đông tại Lạc Ấp. Thử là lúa nếp, còn Tắc là lúa tẻ (tễ). Bài thơ nói về một người đi qua ruộng lúa và suy tư…
Có điều, Đông Đô của nhà Chu ở chỗ nào mà lại nhiều ruộng lúa, cả nếp, cả tẻ đến vậy? Theo các sử gia Tàu ngày nay thì kinh đô Lạc Dương của nhà Chu ở tận Hà Nam Trung Quốc, chỗ đó là vùng ôn đới, thời trước Công nguyên làm gì có cây lúa nào mọc được đâu mà trồng với chả ngẫm nghĩ, suy tư. Rõ ràng đất Lạc của nhà Chu phải nằm ở vùng ấm ẩm hơn nhiều, nơi các loại lúa phát triển rất tốt.
Hiện quan niệm phổ biến cho rằng nhà Chu là một bộ tộc du mục ở Thiểm Tây, nổi lên diệt nhà Ân làm chủ thiên hạ Trung Hoa. Thế nhưng bài thơ Thử ly trên đã chỉ rõ, nhà Chu nằm ở khu vực cận nhiệt đới, canh tác nông nghiệp lúa nước, chứ chẳng du mục gì cả. Bản thân chữ Chu 周 là ghép của hai chữ Điền 田 và Khẩu 口. Điền 田 là ruộng lúa vuông vắn, chia ô rõ ràng. Nhà Chu là một dân tộc trồng lúa nước điển hình, hiển nhiên không hề xuất phát từ vùng rừng núi Thiểm Tây, vừa khô vừa lạnh, chỉ có cỏ cho ngựa ăn như người Tàu chú thích.

IMG_1631 (2)

Hoàn tiền Đông Chu 東周 và Tây Chu 西周 tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam.

Bỉ thử ly ly hiện được dịch là “Kìa nếp đã chín đầu rủ ngọn”. Nhưng chữ Ly 離 không hề có nghĩa là rủ. Ly ly là tua tủa. Bỉ thử ly ly tức là Lúa nếp đang mọc lên tua tủa, sum xuê, rập rạp, tươi tốt. Lúa nếp là giống lúa có thân cao, thời gian sinh trưởng dài, nên từ đầu bài tới cuối bài vẫn mọc tua tủa, trong khi cây lúa tẻ từ cây mạ, ra bông rồi đã kết hạt.
Tâm tình của người qua đường (hành mại mỹ mỹ) thay đổi theo sự sinh trưởng phát triển của cây lúa tẻ. Khi cây mới mọc mạ (miêu) thì người thấy “dao dao”, tức là đang lo lắng. Khi cây trổ bông (toại) thì người như say (túy). Khi cây lúa kết hạt (thật) thì người thấy như nghẹn ngào (rất hứng khởi).
Đây đúng là thái độ của một người chủ ruộng, một nông dân trồng lúa, hàng ngày đi thăm đồng. Lúc mới gieo cấy thì lo lắng. Khi lúa trổ đòng thì vui mừng. Khi lúa nên thóc thì quá thích thú tới nghẹn ngào.
Đoạn điệp khúc:
Người biết ta thì nói ta đang ưu tư
Người không biết ta thì nói ta đang tìm kiếm
Hỡi trời xanh xa thẳm, đó là ai vậy?
Đoạn này đúng là “than trách” người đời không chịu hiểu mình, có thể có ý nuối tiếc quá khứ huy hoàng của nhà Chu, là triều đại đã ươm mầm văn hóa để xã hội Trung Hoa đơm hoa kết trái, nhưng lại bị lãng quên. Câu “Thử hà nhân tai” có thể hiểu là ý trách: người đời vốn là vậy (vốn dễ quên đi công lao của triều đại cũ).
Dịch lại bài thơ này:
I
Lúa nếp tua tủa

Lúa tẻ nảy mầm
Người đi chầm chậm
Trong lòng xiêu xiêu
“Người biết thì nói
Ta đang ưu tư
Người không lại bảo
Ta đang kiếm tìm
Hỡi trời xanh thẳm
Người đời vậy chăng?”
II
Lúa nếp tua tủa

Lúa tẻ trổ bông
Người đi chậm chậm
Trong lòng như say…
III
Lúa nếp tua tủa

Lúa tẻ hạt thành
Người đi chầm chậm
Trong lòng nghẹn ngào…

Thấy bóng Cam đường nhớ Thiệu Công

Bài thơ Cam đường của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập:
Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu Công
Ðất dư dời được bạn cùng thông.
Bút thơ đã chép hương còn bén
Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.
Bài này nói đến cây “cam đường” và ông Thiệu Công, là sự tích trong cổ sử Trung Hoa. Trong Kinh Thi phần Thiệu Nam có bài Cam đường 甘棠 gồm 3 thiên:
蔽芾甘棠.勿翦勿伐.召伯所茇
Tế phế cam đường. Vật tiễn vật phạt. Thiệu Bá sở bạt.
蔽芾甘棠.勿翦勿敗.召伯所憩
Tế phế cam đường. Vật tiễn vật bại. Thiệu Bá sở khế.
蔽芾甘棠. 勿翦勿拜.召伯所說。
Tế phế cam đường. Vật tiễn vật bái. Thiệu Bá sở thuế.
Bài này thường được giải thích là làm theo thể phú, tức là tả cảnh trực tiếp, nói về quan Thiệu Bá nhà Chu đi công cán, ngồi dưới gốc cây Cam đường và xử kiện. Người dân sau nhớ ơn đức ấy mà bảo nhau không phá hoại cây Cam đường…
Tản Đà dịch:
Rườm rà cái cây cam đường
Ấy quan Thiệu bá xưa thường nghỉ ngơi
Chớ vin! Chớ bẻ! ai ơi,
Chớ ai cắt lá! Chớ ai đẵn cành.
Thiệu Bá là Cơ Thích, dòng dõi của Cơ Xương – Chu Văn Vương, có công trong việc cùng Cơ Phát – Chu Vũ Vương đánh Trụ diệt Ân, lập nên vương triều Chu. Cơ Thích được phong thực ấp ở đất Thiệu, nên gọi là Thiệu Công hay Thiệu Bá. Kinh Thi có phần Thiệu Nam là phong dao của vùng đất Thiệu này.
Thiệu Công Thích còn được phong đất ở nước Yên. Tuy nhiên, sau khi Vũ Vương mất, Thiệu Công Thích cùng với Chu Công Đán (Chu Công) đã ở lại kinh thành phò tá vua Chu còn nhỏ tuổi. Thiệu Công đảm nhận chức Thái bảo dưới thời Chu Thành Vương.
Xét bài Cam đường trong Kinh Thi nay thấy có nhiều vấn đề phải bàn thêm. Theo cách hiểu ngày nay Thiệu Bá ngồi dưới gốc Cam đường xử lý mấy vụ kiện cáo dân sự. Có sách không biết dựa vào đâu còn kể là xử vụ trai gái cãi nhau (?!). Là một khai quốc công thần của triều Chu, triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử của thiên hạ Trung Hoa, ân đức của Thiệu Công mà lại chỉ ở chỗ xử mấy vụ án con con ở ngoài đường như thế này thì không ổn. Ý nghĩa thực sự của bài thơ này lớn hơn nhiều, ngầm chỉ một sự việc khác trong công nghiệp của Thiệu Công. Bài thơ không phải làm theo thể Phú, mà là thể Tỉ (so sánh, ẩn dụ).
Công đức chính đối với muôn dân của Thiệu Công được thấy qua bài Thiệu Cáo trong Kinh Thư. Thiệu Cáo là lời tâu với Chu Thành Vương của Thiệu Công. Nội dung các bài trong Kinh Thư nói chung đều khá khó hiểu. Tuy nhiên, nay trong liên hệ thiên Thiệu Cáo với bài Cam đường trong Thiệu Nam thì có thể sáng tỏ hơn ý của bài cáo này.
Thiệu Cáo chép: Duy tháng hai, rằm rồi qua sáu ngày. Ất vị Nhà vua sớm ra đi từ đất Chu, sang tới đất Phong. Quan Thái bảo (Thiệu Công) đi trước, Chu Công xem xét nơi ở, thong thả tới. Tháng ba, ngày Bính ngũ, đã có ánh trăng. Qua ba ngày là Mậu thân, quan Thái bảo sớm tới đất Lạc, bói chỗ ở. Khi bói đã được thì sửa sang. Qua ba ngày nữa, Canh tuất, quan Thái bảo bèn đem dân Ân đắp nền ở trên bãi sông Lạc. Qua năm ngày, Giáp dần, nền đã thành.
Phần này bắt đầu bằng việc kể vua Chu (Thành Vương) rời Cảo Kinh của Tây Chu đi sang vùng đất Phong, tức là vùng kinh đô cũ thời Chu Văn Vương. Thiệu Công đi trước dọn đường. Chu Công tháp tùng vua Chu. Sau đó đoàn đi tiếp sang đất Lạc. Ở đây Thiệu Công sai dân Ân đắp nền bên bãi sông Lạc.
Việc Thiệu Công sai dân Ân làm đường, làm nền đón vua Chu ở đất Lạc là có chủ ý nhất định. Dưới thời Chu Thành Vương, hậu duệ của nhà Ân là Vũ Canh cùng Tam Thúc làm phản. Chu Công và Thiệu Công đã cùng nhau dẫn quân đi dẹp phản loạn. Đám quý tộc nhà Ân bị bắt, đem về an trí tại Lạc Dương. Đây chính là đám “dân Ân” ở đất Lạc được nói đến trong thiên Thiệu Cáo.
Thiệu Cáo chép tiếp: Qua bảy ngày, Giáp tý, Chu Công bèn sớm ra dùng thư để ra lệnh cho dân Ân, các quan chủ công việc ở các nước trong Hầu, Điện, Nam phục. Sau khi đã ra lệnh cho dân Ân rồi, dân Ân đều tới làm. Quan Thái bảo bèn đem chúa các nước ra, lấy các lễ vật rồi lại vào đưa cho Chu Công mà rằng:
Xin chắp tay, dập đầu, dâng Nhà vua cùng ông. Ban lời truyền bảo dân Ân là ở ông, kẻ coi việc… Than ôi! Đấng Hoàng thiên Thượng đế thay đổi con đầu của ngài… Nay ngôi của nước Ân to tát là trao cho Nhà vua được chịu ngôi… Nay nhà Ân nhiều các bậc vua hiền triết ở trên Trời. Cho tới vua sau coi dân là sau, nên nay nào chức, nào ngôi phải mất hẳn.
Đoạn này Thiệu Công tâu, mào đầu là Trời đã thay đổi ngôi vua (thiên tử – con đầu của Trời) từ Ân sang cho nhà Chu. Nhà Ân trước kia cũng có nhiều bậc vua hiền được Trời phù hộ. Nhưng vua sau cùng (Trụ Vương) coi khinh dân nên dẫn đến mất chức, mất ngôi.
Tiếp: Trí xếp bỏ! Tai nạn còn đó! Kẻ làm chồng biết bế ẵm, dắt díu vợ con nó, để thảm thiết kêu Trời! Nó đi trốn, đi ra thì bị bắt! Trời cũng thương cho dân bốn phương. Lòng thương và ngôi báu của Ngài là dùng để khuyến khích. Nhà vua hãy mau mau trọng về đức!
Đoạn tiếp này nói, sự việc đã vậy là đúng lẽ (việc Ân mất ngôi), nhưng tai nạn vẫn còn. Người dân Ân chồng dắt díu vợ con chạy nạn, nhưng lại bị bắt, kêu thảm thiết. Trời cũng thương. Lòng thương và ngôi báu đều là tặng vật của Trời. Nhà vua (vua Chu) hãy trọng đạo đức.
Vua Chu xưng là Thiên tử, ý là tiếp ngôi theo ý Trời. Thiệu Công lấy lẽ đó để nói Trời còn có lòng thương. Người đã nhận ngôi báu của Trời thì cũng phải có lòng thương, thương lấy cảnh khốn khổ của dân Ân.
Tiếp: Nhà vua trẻ trung nối ngôi thì xin chớ bỏ sót bậc già cả… Nhà vua dù còn nhỏ nhưng là con đầu của Trời! Sao cho có thể đem lòng thành cảm cả đến hạng dân nhỏ, ấy là phúc cho lúc này!
Chu Thành Vương tiếp ngôi lúc còn nhỏ, Chu Công phụ chính. Thiệu Công lấy lẽ Trời cố gắng xin nhà vua chớ bỏ đi đạo đức, noi gương tiền nhân, sao cho có thể cảm hóa được muôn dân, thì là phúc.
Ý của cả bài phát biểu của quan Thái bảo Thiệu Công rất rõ, là nài xin vua Chu và Chu Công xét ý Trời, noi gương các bậc minh quân xưa, thương xót dân chúng mà không trừng phạt đám dân Ân đã bị bắt về đất Lạc lúc này.
Đáp lại lời cầu xin này của Thiệu Công, Chu Công nói:
Nhà vua trước phải thu phục các kẻ coi việc của nhà Ân, cho gần gặn xen lẫn với các kẻ coi việc của nhà Chu ta. Giữ gìn tính nết mỗi ngày một tiến. Nhà vua phải trong việc làm, nơi nghỉ. Không thể không trọng về đức được…
Nhà vua hãy gắng tu đức đặng cầu Trời cho được ở ngôi lâu dài. Lại mong sao Nhà vua chớ vì bọn dân nhỏ đắm đuối về những sự trái phép mà cũng quả quyết việc giết chóc đặng xử trị chúng. Sao cho dân thuận theo, mới có công… Muốn Nhà vua nhờ bọn dân nhỏ mà được chịu mệnh lâu dài của Trời.
Đây là Chu Công trả lời thay cho vua Chu vì Chu Công là người phụ chính Chu Thành Vương đang còn nhỏ. Chu Công cũng là người đã cầm đầu quân đội đánh dẹp loạn Vũ Canh và bắt các tù binh Ân. Thiệu Công lấy lẽ Trời, lẽ người ra cầu xin nên Chu Công đã đồng ý, khuyên vua muốn ở ngôi lâu dài thì không nên giết chóc dân Ân, nhờ phúc đó thì ngôi vị mới bền.
Bài Thiệu Cáo là lời Thiệu Công cầu xin vua Chu không sát hại, phạt tội những người dân của nhà Ân đã bị bắt về đất Lạc. Đây là công đức to lớn của Thiệu Công cho muôn dân và cho nhà Chu. Đây mới là ý thực sự được nói đến trong bài Cam đường của Kinh Thi.

Do Dong Dong SonĐồ đồng Đông Sơn ở một bộ sưu tầm cá nhân ở Thanh Hóa.

Tế phế Cam đường nghĩa là cây Cam đường tỏa bóng. Cam đường tượng trưng cho ông Thiệu Bá. Bóng tỏa rộng là ân đức phủ tới muôn dân.
Vật tiễn vật phạt/bại/bái là Chớ bẻ, chớ uốn, chớ phạt… Nghĩa tỉ dụ ở đây nói đến việc Thiệu Công xin vua Chu không giết, không áp dụng hình phạt với đám dân Ân ở đất Lạc.
Thiệu Bá sở bạt/khế/thuế. Ba chữ cuối hiện đều dịch nghĩa là “nghỉ ngơi”. Nhưng nếu hiểu theo ý nghĩa mới thì cây Cam đường không phải chỉ là chỗ nghỉ ngơi của Thiệu Bá. 3 chữ này thuộc 3 bộ thủ khác nhau: bộ Thảo艹, bộ Tâm 心 và bộ Ngôn 言. Nghĩa bóng phải hiểu là Nơi ở, Tấm lòng và Lời nói của Thiệu Bá.
Dịch lại bài Cam đường trên lời thơ của Tản Đà:
Rộng che cái cây cam đường
Tấm lòng Thiệu Bá, chỗ thường thuyết chơi
Chớ vin! Chớ bẻ! ai ơi,
Chớ ai cắt lá! Chớ ai đẵn cành.
Cây Cam đường tán lá sum xuê có thể là loại cây Đa, rất dễ gặp ở Việt Nam. Vì thế mà Nguyễn Trãi mới ngắm “cây Cam đường, làm bạn cùng Thông” như trong bài thơ đã dẫn ở đầu bài viết này. Bài Cam đường trong Thiệu Nam tương đương ý với bài Chu lân chỉ trong Chu Nam. Con Lân biểu tượng cho văn đức của nhà Chu, không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống… Còn cây Cam đường biểu tượng cho ân đức của Thiệu Bá che tỏa muôn dân, vị tha đối với dân phản loạn nhà Ân.
Đất phong Thiệu Nam của Thiệu Công không phải ở Kỳ Sơn bên sông Hoàng Hà, cũng không phải nước Yên ở Bắc Kinh tới giáp Triều Tiên. Ngay trong Thiệu Nam có bài Giang hữu tỉ 江有汜, có từ Giang 江chỉ sông, hoàn toàn không phải sông Trường Giang như hiện người Tàu đang giảng giải. Cả 2 vùng Kỳ Sơn và Bắc Kinh đều không hề có sông Trường Giang.
Giang hữu tỉ”, sông có nhánh trong Thiệu Nam là … sông Mã, sông Chu ở Thanh Hóa. Thanh Hóa có đất Thiệu Hóa, xưa là phủ Thiệu Thiên khá rộng, gồm cả một số xã của huyện Đông Sơn, Yên Định và thành phố Thanh Hóa nay. Thiệu Hóa là vùng đất phong hóa Thiệu Nam được nhắc đến trong Kinh Thi.
Là đại công thần khai quốc của triều Chu nên Thiệu Bá được phong ở nước Yên, phải là nước lớn nằm cạnh đất nhà Chu. Nước Yên là khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Kinh đô nước Yên có thể chính là đất Thiệu Hóa ở Thanh Hóa. Nơi đây cũng là nơi phát lộ chiếc trống đồng đầu tiên và lấy tên đặt cho nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn rực rỡ. Truyền thống đúc đồng và các di vật khảo cổ thời kỳ này hiện vẫn còn được lưu giữ rất phong phú ở Thanh Hóa.
Liệu con cháu xứ Thanh ngày nay có mấy ai nhìn cây đa nhớ tới ân đức của Thiệu Công?

Cay SanhCây sanh tại nhà một nghệ nhân Đông Sơn, Thanh Hóa.

Đừng tưởng đem có nói không…

P1180564

Lan man câu chuyện ở đời
Ngẫm xem thật giả mấy lời cà kê
Đừng tưởng nòng nọc con Trê
Đứt đuôi lên cạn rõ về với ai
Đừng tưởng cứ lớn là tài
Cứ bé là kém, là ngoài văn minh
Đừng tưởng cứ chữ là Kinh
“Toàn thư tứ khố” trá hình trắng đen
Đừng tưởng cứ Việt là hèn
Cứ Tàu là mạnh, thói quen bốc trời
Đừng tưởng Sử ký rõ mười
Dân gian truyền thuyết là nơi tù mù
Đừng tưởng tiến sĩ, giáo sư
Sách chất cả tủ mà như mắt mờ
Đừng tưởng Vương Bột làm thơ
Đằng Vương các tự bên bờ Trường Giang
Đừng tưởng lạnh Bắc nóng Nam
La bàn chỉ hướng thế gian lộn vòng
Đừng tưởng thiên hạ Liêu Mông
Man Di Nhung Địch ngoài vùng Trung Nguyên
Đừng tưởng Phật có trước Tiên
Vũ Đương Lão Tử hóa miền Cổ Loa
Đừng tưởng cứ Hán là Hoa
Cứ Việt là Lạc, cứ Bà là Chiêm
Đừng tưởng lạc hậu Tây Nguyên
Nhà rông, công trĩ ở trên trống đồng
Đừng tưởng đem có nói không
Đừng tưởng mắt thánh lấy bông che mù
Đừng tưởng người Việt ngu ngơ
Đừng tưởng xã thử thành hồ làm ghê.