Dấu chân Trâu vàng và tiếng chuông Thiên Đế

Lĩnh Nam chích quái kể rằng, xưa ở núi Tiên Du (Bắc Ninh) có tinh Trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán Trâu, Trâu vàng bỏ chạy, đến địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Trên đường Trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rãnh, lạch.

Truyền thuyết về Trâu vàng đã đi vào tâm thức bao đời của người Việt, thể hiện trong bao nhiêu địa danh thôn làng, sông hồ, mang chữ Ngưu trong tên gọi. Vậy con Trâu vàng Kim ngưu là gì mà lại linh thiêng vậy?

Chuyện kể về sự tích Hồ Tây rằng vào thời Lý có ông Khổng Lồ đúc một quả chuông lớn, khi đánh lên tiếng chuông vang xa. Con Trâu vàng đang nằm nghe thấy tiếng chuông liền chạy đến. Rồi ông Khổng Lồ ném chiếc chuông xuống Hồ Tây. Con Trâu vàng nhảy theo, ẩn mình trong hồ. “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Ông Khổng Lồ, người đã gõ lên tiếng chuông thức giấc Trâu vàng là ai?

Trâu đá chùa Kim Ngưu ở thôn Cổ Miếu, núi Tiên Du.

1. Núi Tiên Du ở Bắc Ninh là nơi tu hành của Khâu Đà La, là vị tu sĩ Bà Là Môn đã truyền đạo vào nước ta những thế kỷ đầu Công nguyên. Trên núi nay còn có chùa Kim Ngưu tại thôn Cổ Miếu xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Quanh chùa còn phát hiện được những bức với tượng linh vật đá từ thời Lý, trong đó có tượng hình Trâu đang quỳ chầu. Ngôi chùa Linh Quang ở cùng xã đó tương truyền là nơi Khâu Đà La tu hành và nay còn thờ ông tại đây. “Nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu”ở núi Tiên Du như thế chính là vị tu sĩ Khâu Đà La.

Trên đỉnh núi Tiên Du có những bàn đá lớn gắn với truyền thuyết tiều phu Vương Chất gặp các vị tiên đánh cờ ở núi này. Ngọn núi này cũng là nơi có chùa Phật Tích, với hai hàng linh vật bằng đá thời Lý nổi tiếng. Vị tiên giỏi cờ theo truyền thuyết Việt là Đế Thích, người có kỳ thuật cao siêu và có phép cải tử hoàn sinh như trong truyện “Hồn Trương Ba, xương da hàng thịt”. Đế Thích cũng được biết là hình tượng của vị thần Shiva, một trong những thần chủ quan trọng nhất của Bà La Môn giáo. Do đó, giáo sĩ Khâu Đà La ở núi Phật Tích, người đã truyền đạo Bà La Môn vào miền Bắc Việt thời đầu Công nguyên đã được tôn thờ dưới hình tượng Đế Thích trong văn hóa Việt.

Con Trâu vàng từ núi Phật Tích chạy qua sông Đuống, sang bên kia bờ sông là thành cổ Luy Lâu, trung tâm của Giao Châu thời Bắc thuộc. Nơi đây là nơi có ngôi chùa Dâu cổ kính, gắn với sự tích về Khâu Đà La và Phật Bà Man Nương sinh ra Tứ Pháp Vương Phật. Bên ngoài sân chùa Dâu, dưới chân tháp Hòa phong là một con Cừu đá. Có thể thấy, con Cừu này không gì khác chính là hình tượng của con Trâu vàng đã chạy theo tu sĩ Khâu Đà La từ núi Tiên Du tới.

Phép phiên thiết Nho văn cho ta một bất ngờ lớn. “Kim ngưu” đọc thiết âm là “Cừu”. Tên gọi con “Cừu” thực chất là chỉ con Trâu vàng. Thời đầu Công nguyên, nước ta chưa có loài “cừu” theo cách hiểu như ngày nay sinh sống.

Ban thờ Khâu Đà La ở chùa Linh Quang, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

2. Từ chùa Dâu, Trâu vàng theo dòng sông Dâu xưa chạy ra vùng đất Văn Giang. Ở Văn Giang nay còn có dòng sông mang tên Kim Ngưu với các di tích liên quan. Bên dòng sông này, tại thôn Cầu Váu của xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang có đền thờ Đế Thích với tên là Thiên Đế tự. Sự tích ở đây chép rằng Thiên Đế đã giáng trần, cưỡi Bò vàng, bắn cung, diệt trừ quỷ Càn Sát và 15 loại quỷ trừ hại cho dân. Khu vực này tới nay vẫn lưu giữ tục lệ không ai được cưỡi Bò là vì vậy.

Khám thờ trong nội cung của đền Thiên Đế ở Cầu Váu có bức tượng gỗ tạo hình Thiên Đế đang cưỡi trên một chú Bò màu nâu đỏ, rất sinh động. Câu đối ở đền này nhắc lại sự tích trên:

Sáng lòa chớp đỏ ngờ cung ảnh

Mù mịt mây vàng tưởng xe trâu.”

Thiên Đế Đế Thích là hình tượng của thần Shiva nên con vật cưỡi của Thiên Đế là con Bò thần Nandin. Trong Bà La Môn giáo Bò thần Nandin được cho rằng có khả năng truyền ý nghĩ cho thần Shiva. Nó có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết qua con sông và dẫn đường cho linh hồn người quá cố lên thiên đường. Con Trâu vàng – Kim ngưu – Cừu chính là con Bò thần Nandin của Khâu Đà La – Thiên Đế – thần Shiva. Đây là dấu vết rất sớm của việc du nhập và truyền đạo Bà La Môn vào nước ta và đã tôn giáo, tín ngưỡng này đã ăn sâu vào văn hóa Việt qua gần 2.000 năm.

Trâu vàng từ Văn Giang chạy sang vùng đất Hưng Yên. Chặng đường của Trâu vàng cũng được đánh dấu bằng những nơi có sự tích về Đế Thích. Đó là ở thôn Liêu Hạ (xã Tân Lập, huyện Mỹ Hào) với chuyện Đế Thích đã giáng trần đánh cờ rồi hoàn hồn tái sinh cho kỳ thủ Trương Ba. Rồi ở xã Cẩm La (huyện Ân Thi) với sự tích Đế Thích trừ yêu quỷ từ thời Hùng Tạo Vương. Vùng này cũng là nơi mà tục thờ Tứ Pháp rất phổ biến, thờ Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Lôi, cùng với Thạch Quang Phật.

Ở Phố Hiến, trung tâm của tỉnh Hưng Yên còn có ngôi chùa Chuông cổ kính. Xưa kia chùa có một quả chuông đồng rất lớn. Tương truyền khi đánh quả chuông ở chùa thì Trâu vàng sẽ chạy đến…

Thiên Đế cưỡi Bò ở điện Cầu Váu, Văn Giang.

3. Trâu vàng tiếp tục đi men phủ Lý Nhân sang đất Hà Nam. Tới đây câu chuyện liên quan tới một vị tướng thời nhà Đường. Sách “Thăng Long cổ tích khảo” chép rằng: “Tương truyền đời Đường, Cao Biền làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ, đi các nơi có núi sông danh thắng của ta để yếm diệt long mạch. Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đội. Sơn Thần núi ấy biến thành hình con Trâu toả ánh vàng bơi theo sông Đường Giang lên phía Bắc, ẩn ở vùng Hồ Tây thành Đại La.”

Cao Biền là tướng nhà Đường được cử sang dẹp quân Nam Chiếu ở Bắc Việt. Nam Chiếu khi đó là một quốc gia theo đạo Bà La Môn (Hindu giáo) nên đã được hình tượng hóa bằng hình ảnh Trâu vàng – Kim Ngưu. Khu vực Đọi Sơn có lẽ từng là một căn cứ quan trọng của Nam Chiếu. Cao Biền dẫn quân đổ bộ bằng đường biển từ vùng Thái Bình – Nam Định tiến đánh Nam Chiếu, trước hết là đánh vùng Lý Nhân Hà Nam này, sau đó mới tiến chiếm thành Đại La.

Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái nói về việc này:

Trâu vàng còn ẩn mãi trong hồ

Dấu vết khó tìm dẫu nước khô

Đại Việt Nam yên nhờ thánh chúa

Cao Biền hạ bút hận không bờ.”

Lại nói về ông Khổng Lồ thời Lý đúc chuông, được biết là vị Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, với tên hiệu là Không Lộ thiền sư. Thần tích về thánh Nguyễn Minh Không cho biết, mẹ của ông là bà họ Dương đi cầu tự, đã nằm mộng gặp được Thái Thượng Lão Quân. Lão Quân chỉ cho bà Dương nuốt một con Bò vàng (“Hoàng ngưu”) để có được đứa con Phật (“Phật tử”). Từ đó bà có mang, sinh ra thánh Không Lộ.

Như vậy ông Khổng Lồ đánh chuông là một kiếp giáng sinh của Thiên Đế Đế Thích qua điềm mộng Bò thần vào thời Lý. Bài minh trên chiếc chuông ở đền Thiên Đế tại Cầu Váu viết, khi chuông đánh lên thì “Phật văn lâm giáng, quỷ kiến diệt vong” (Phật nghe mà giáng tới, Quỷ thấy sẽ diệt vong).

Tiếng chuông của Thiên Đế là tiếng chuông hoằng dương đạo pháp, xua trừ tà quỷ, tích thiện gặp lành, truyền khắp nước Nam, theo dấu chân dẫn đường của con Trâu vàng – Kim ngưu. Xuất phát từ núi Tiên Du ở Bắc Ninh, Trâu vàng mang theo đạo Bà La Môn giáo của Thiên Đế Khâu Đà La đã lan sang các vùng Hưng Yên, Hà Nam, rồi quay về Hà Nội mà ẩn trong lòng Hồ Tây. Tín ngưỡng thờ “Trời” (Thiên Đế) đã ẩn sâu dấu dưới những lớp văn hóa khác trong tâm thức người Việt. Chỉ cần thỉnh lên tiếng chuông của Trời Phật thì con Trâu vàng, tinh thần của đạo, sẽ lại hiển hiện trên nhân gian.

Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần.

Tục cúng xá tội vong nhân, một đạo lý từ thời Hùng Vương

Từ bao đời nay, cứ vào đầu tháng Bảy người Việt lại có tục cúng ngày Xá tội vong nhân. Theo quan niệm dân gian vào ngày 2/7 âm lịch hằng năm, Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để cô hồn dạ quỷ được trở về nhân gian. Rồi đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, ma quỷ sẽ bị gọi trở lại địa ngục. Đây được coi là ngày “âm khí xung thiên”, nên người ở trần gian sẽ phải cúng cháo, gạo hay muối cho các vong linh, gọi là cúng cô hồn… Nguồn gốc của lệ tục này bắt đầu từ khi nào và liệu có liên quan gì đến lịch sử của người Việt?

Trong kho tàng huyền sử Việt có một câu chuyện vô cùng kỳ dị nói tới Diêm Vương và các hồn ma bóng quỷ. Đó là Truyện Giếng Việt, bắt đầu như sau:

Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua Địa phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.”

Truyện Giếng Việt cung cấp một thông tin hết sức quan trọng, Ân Vương chết biến thành vua Địa phủ. Như thế, vua Ân chính là Diêm Vương, người cho mở Quỷ Môn Quan thả các vong hồn lên Dương thế vào tháng 7 hàng năm. Tục cúng cô hồn vào tháng 7 do đó liên quan tới cái chết của vua Ân trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương.

Truyện Giếng Việt kể tiếp, đến đời Tần, có quan Ngự sử là Thôi Vĩ đã cho trùng tu lại miếu Ân Vương. Con trai của Thôi Vĩ là Thôi Lượng, sau đó đã đi lạc đường trên núi Trâu Sơn, đến được Ân Vương Thành và gặp mặt Ân Hậu. Ân Hậu tiếp đãi Thôi Vĩ một cách ân cần rồi cho Dương Quan dẫn Thôi Vĩ về. Sau đó Dương Quan nhân biến thành một con dê đá, đứng sau đền Việt Vương trên núi Trâu.

Núi Trâu Sơn nay thuộc địa phận huyện Quế Võ. Trên núi từng có đền thờ Ân Vương rất cổ xưa. Con “dê đá” ở đền Ân Vương là một bức tượng hình nửa thân của một con linh thú kỳ dị nằm trên núi ở thôn Cựu Tự thuộc xã Ngọc Xá. Bức tượng thú bằng đá sa thạch, rất lớn, cao khoảng hơn 1,5m, khắc hình con thú có cổ dài, thân có vảy như rồng, có 2 sừng cong như sừng dê, nhưng lại có mỏ như mỏ phượng và trên thân có 2 cánh và có chân.

Phi LiemTượng Phi Liêm ở thôn Cựu Tự trên núi Trâu Sơn.

Đây là tượng con thần thú Phi Liêm, loại thú kết hợp giữa Rồng và Phượng. Dạng tượng Phi Liêm bằng đá lớn như thế này thường được thấy từ thời Tần Hán, đặt cạnh các lăng mộ hay miếu thờ các vương tôn quý tộc. Phi Liêm cũng là tên một vị trọng thần của vua Ân trong Phong thần diễn nghĩa. Thần thú Phi Liêm là tiền thân cho hình tượng Thiên Lộc, Tỳ Hưu, những linh vật cát tường phổ biến về sau này.

Truyện Giếng Việt còn kể, Ân Vương đã sai vị Ma Cô Tiên đến trao cho Thôi Lượng thuốc ngải chuyên chữa bệnh u bướu và ban cho một người con gái để kết làm vợ, lại ban cho một viên ngọc Long Tụy, trong cặp ngọc báu thư hùng mà vua Ân mang theo người khi chết ở Trâu Sơn. Ma Cô Tiên được biết là một vị thọ thần và phúc thần trong văn hóa phương Đông, là từ câu chuyện Giếng Việt này.

Vùng núi Trâu Sơn nay còn có một ngôi chùa cổ khá lớn mang tên chùa Ma Cô Tiên, nằm ở thôn Châu Cầu, xã Châu Phong. Chùa còn lưu được nhiều bia ký từ thời Lê, nhưng đặc biệt các chữ Ma có trên bia đều bị đục bỏ. Rải rác ở các thôn quanh núi Trâu như ở Phùng Dị, Hữu Bằng có những ngôi miếu nhỏ thờ Ma Cô Tiên.

IMG_4000

Tượng Ma Cô Tiên ở Phùng Dị, xã Ngọc Xá.

Liên quan đến các âm hồn tác quái, truyền thuyết Việt còn có truyện Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây lại đổ. Vua chay giới cầu đảo, thì có Rùa Vàng hiện lên xưng là sứ giả Thanh Giang. Thanh sứ cho biết, đây là bởi vong hồn của Vương tử đời trước báo thù. Vong hồn này ẩn náu trong núi, cùng với yêu quái nguyên là tinh con gà trắng (Bạch Kê Tinh) hóa thành ở quán Ma Lôi bên núi, tụ tập gây hại. An Dương Vương cùng thần Kim Qui đi đánh yêu quái, bắt được Bạch Kê Tinh đem giết đi.

Ở núi Thất Diệu, nay thuộc khu vực xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh, có ngôi miếu Bạch Kê, trong đó thờ một vị “Mẫu Nghi Thiên Hạ” gọi là Mẫu Bạch Kê. Cùng trên núi đó có đình làng Yên Phụ và ngôi đền Núi cùng thờ đức Vua Bà Ma Vương. Ở đây còn có một cái ao được gọi là Giếng Cô Tiên, gắn với truyền thuyết Bạch Kê và việc xây thành Cổ Loa.

Từ những di tích tín ngưỡng ở núi Yên Phụ có thể thấy Bạch Kê Tinh ở Cổ Loa chính là Ma Cô Tiên, một phi nhân của Ân Vương hay của “Vương tử đời trước” đã báo oán Thục Vương khi xây thành. Làng Ma Lôi có quỷ tinh gà trắng hiện hình vào người con gái chủ quán cũng chính là nói đến vị Ma Cô Tiên.

Truyền thuyết kể, An Dương Vương sau khi diệt được Bạch Kê Tinh liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Xương người chết xưa kia chất đầy trong núi, tạo nên oan khí vô cùng, nên mới hình tượng thành Ma Cô Tiên – Bạch Kê Tinh gây hại. Những địa danh như ngã ba Sọ, chợ Chờ, đò Lo ở vùng Yên Phong cũng gắn nỗi ám ảnh của người dân xưa kia khi phải đi qua vùng núi này.

Lịch sử Trung Hoa kể, khi bị quân đội của Vũ Vương nhà Chu, cầm đầu bởi đại tướng là Khương Tử Nha tấn công vào kinh đô Triều Ca, Ân Trụ Vương đã đốt cháy Lộc Đài và nhảy vào biển lửa tự vẫn, chấm dứt thời kỳ nhà Ân Thương kéo dài khoảng 600 năm và đồng thời chấm dứt cuộc chiến giành giật thiên hạ hàng chục năm giữa 2 nhà Ân và Chu với bao nhiêu đổ máu cho cả 2 bên.

Kết thúc cuộc chiến này, các tướng lĩnh đã hy sinh của cả 2 bên đã được vào đưa vào bảng phong thần, trở thành các vị thần có thờ tự. Còn bao nhiêu sinh linh đã thiệt mạng trong cuộc chiến, mà bi thảm nhất chính là cái chết của Trụ Vương, thì được cúng tế trong tục cúng cô hồn. Ngày cúng cô hồn là ngày kinh thành của Ân Vương thất thủ, nước mất, nhà vong.

Tháng 7 là tháng đầu mùa thu theo Âm lịch. Thục Vương hay Chu Vương là thủ lĩnh khu vực phía Tây thiên hạ, lấy mùa thu làm tháng biểu tượng cho triều đại. Khởi đầu mùa thu cũng nghĩa là khởi đầu triều đại phía Tây của nhà Thục hay nhà Chu trong lịch sử.

Cúng cô hồn tháng Bảy hàng năm thực chất là ngày cầu siêu cho nhân dân đói khổ vì chiến tranh loạn lạc, binh sĩ nơi sa trường, đã chết trong cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Chu và nhà Ân hay Thục Vương và Hùng Vương của 3000 năm trước. Cũng vì lẽ đó mà nó được gọi là ngày xá tội vong nhân. Sau chiến tranh, những tử sĩ dù là của bên nào cũng đều được xá tội, được hương khói cho siêu thoát các vong hồn. Việc xá tội cho cả kẻ thù bên kia chiến tuyến để có được lòng người, có được sự đại đoàn kết của toàn dân là cái đức của người làm vua, là thiên mệnh giúp quốc gia bền vững. Thiên hạ đại xá để bắt đầu một triều đại mới.

Xã hội phương Đông phát triển từ chế độ chiếm hữu nô lệ (thời Ân Thương hay Hùng Vương) sang chế độ phong kiến (nhà Chu hay nhà Thục nước Âu Lạc) đã phải trải qua một cuộc “cách cổ đỉnh tân”, thay cũ đổi mới, thật đắt giá với hàng vạn người đã đầu rơi máu chảy. Tục cúng xá tội vong nhân tháng Bảy thể hiện đạo lý nhân bản, vị tha, cầu sinh, chán ghét chiến tranh. Nó nhắc nhở mọi người không quên những người nghèo khổ đã khuất, những binh sĩ bỏ mình vì nước, bởi không có sự hy sinh của họ thì xã hội đã không thể tiến lên phía trước, chúng ta cũng không thể có cuộc sống an lành ngày hôm nay.

IMG_5360

Chiếc Dữu đựng rượu thời Ân Thương.

Đạo lý này cũng thể hiện qua bài thơ mà Ngự sử đại phu Thôi Vĩ đã đề ở miếu Ân Vương trên núi Trâu:

Thắng thua một cuộc không Ân đức

Vạn thế linh thiêng trấn Việt Thường

Trăm họ một lòng cùng thờ phụng

Xin phù tổ quốc mãi yên phương.

Xa toi vong nhan

Tê giác, loài Kỳ lân của cổ văn hóa sử phương Đông

Kỳ lân là biểu tượng của văn hóa và lịch sử cổ truyền ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Tương truyền, khi Khổng Tử sinh ra ở nước Lỗ thì thấy Kỳ lân xuất hiện, báo hiệu thánh nhân ra đời. Khổng Tử chép Kinh Thư từ thời thượng cổ đến khi Lỗ Ai Công săn được Kỳ lân thì dừng lại. Vì thế Kinh Thư còn được gọi là Lân Kinh, là cuốn sách về lịch sử Trung Hoa cổ đại. Thế nhưng, liệu ai có thể ngờ được rằng, nguyên mẫu của Kỳ Lân, con vật đứng đầu trong Tứ linh, lại là con Tê giác, một loài vật chỉ gặp ở xứ nhiệt đới phương Nam.

Trong Kinh Thi phần Chu Nam có bài thơ Quyển nhĩ như sau:

Trèo lên trái núi
Ngựa ta mệt rồi
Bình ta rót rượu hủy quang
Để mà tránh khỏi đau thương lâu dài.”

Bà Chu hậu nhớ chồng đi xa, lên núi cao, uống rượu trong một chiếc “hủy quang” để mong quên đi nỗi nhớ thương.

Hủy quang là một loại đồ vật bằng đồng, mô phỏng hình dáng con Tê giác, dùng để đựng rượu, thịnh hành ở thời Tây Chu. Một chiếc Hủy quang bằng đồng xanh của thời kỳ này được thấy ở Lào.

Te giac

Chiếc quang đựng rượu hình Tê giác thời Tây Chu.

Chiếc quang hình con Tê giác này có phần đầu rất lớn, một sừng to, cong, vươn ra phía trước. Sừng khác nhỏ hơn ở trên trán. Tai Tê giác nhọn. Phần sau của nắp quang là hình mặt lợn, mõm rộng, tai cong. Con mắt của chú Tê giác này to tròn, rất sống động. Phần thân chiếc quang Tê giác được trang trí bằng những hoa văn nổi. Dài theo thân quang ở mỗi bên là hình một con chim lớn, cách điệu, mỏ tù, đuôi dài, mào cong như con chim phượng trên chiếc quang chim thú ở trên. Phần ngực Tê giác hai bên có hình con quỳ long nhỏ, có sừng, đang há miệng, quay đầu về phía con chim phượng.

Tê giác vốn là một loài thú lớn, chỉ sống ở vùng nhiệt đới nóng ẩm. Vậy mà hình tượng Tê giác đã đi vào trong kinh sách và hiện vật văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Suy xét sâu hơn nữa thì Tê giác còn hiện hữu trong văn hóa phương Đông ở trong bộ linh vật là Tứ linh.

Sách Lễ ký của Khổng Tử, tài liệu sớm nhất nói về Tứ linh, cho một trật tự 4 con vật này như sau: “Lân, Phụng, Quy, Long”. Theo đó, con Lân hay Kỳ Lân là loài linh vật đứng đầu Tứ linh.

Khái niệm Tứ linh liên quan trực tiếp đến học thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Bảng kê đầy đủ về Ngũ hành được tóm tắt thấy trong sách Lã Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi đời Tần như sau:

– Mộc đức: mùa Xuân, phương Đông, màu xanh. Động vật tiêu biểu là loài có vảy, tức là chỉ con Rồng (Long)

– Hỏa đức: mùa Hè, phương Nam, màu đỏ. Động vật tiêu biểu là loài chim có lông vũ, chỉ chim Phượng hoàng (Phụng).

– Kim đức: mùa Thu, phương Tây, màu trắng. Động vật tiêu biểu là loài thú có lông mao, tức là chỉ Kỳ lân (Ly).

– Thủy đức: mùa Đông, phương Bắc, màu đen. Động vật tiêu biểu là loài giáp giới, chỉ con Rùa (Quy).

Theo bản kê trên, Lân là con thần thú đứng đầu các loài có lông mao và là biểu tượng của hướng Tây. Điều này trùng khớp với tên của loài Tê giác vì bản thân chữ Tê còn có âm đọc là Tây.

Một câu hỏi là trong Tứ linh tên gọi đúng là con Ly hay là con Lân? Phép phiên thiết Hán Nôm giúp giải đáp câu hỏi này. Kỳ lân đọc phản thiết là Ly. Tức là “Kỳ lân” là từ ghi âm của chữ Ly. Gọi là Lân hay Ly đều là về một con vật, một hình tượng.

Bàn về nguyên mẫu và ý nghĩa của con Lân có thể xem bài phong dao Lân chi chỉ (Chân con Lân) trong Kinh Thi (phần Chu Nam):

Kìa là chân của Kỳ lân. Con Văn Vương cũng hậu nhân rõ là. Ôi, như Kỳ lân thật mà!
Kìa là trán của Kỳ lân. Cháu Văn Vương cũng hậu nhân vô cùng. Ôi, như Kỳ lân, một lòng!
Kìa là sừng của Kỳ lân. Họ Văn Vương cũng hậu nhân xiết nào. Ôi, như Kỳ lân làm sao!

Về con Lân trong bài thơ này tác giả Chu Hy (thế kỷ 12 thời Nam Tống) đã chú giải như sau: “Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con Lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống.

Ngày nay cả ở Việt Nam và Trung Quốc đều thể hiện Kỳ lân ở dạng loài động vật bốn chân móng guốc, đầu rồng, thân có vảy. Nhưng như vậy hóa ra Kỳ lân là con Long mã (đầu rồng chân ngựa). Điều này hoàn toàn không phù hợp vì trong bộ Tứ linh đã có riêng con rồng (Long) là loài có vảy. Ở vị trí con Lân phải là loài có lông mao.

Bài Lân chi chỉ trong Kinh Thi ca ngợi dòng dõi Chu Văn Vương, có lòng nhân hậu, có thánh đức như con Lân không dẫm lên côn trùng, không ăn sinh vật… Con Lân hay con Ly là con thần thú biểu tượng của nhà Chu, cho lòng nhân đức của Văn Vương, người khởi dựng nhà Chu trong lịch sử.

Gom Cay Mai Tượng Kỳ lân trong dòng gốm Cây Mai Nam Bộ.

Ở miền Nam Việt Nam trước đây có dòng gốm Cây Mai cũng thường tạo hình Kỳ lân dưới dạng con thú có râu dài, có một sừng và có hai bông hoa lớn, ý chỉ là loài không ăn thịt, cũng là có nghĩa ca ngợi tính nhân hậu của Kỳ lân. Con vật có lông mao, hình dáng như con hươu lớn, có móng guốc như ngựa, đuôi như đuôi bò, ăn hoa lá, có một sừng, lại biểu tượng cho hướng Tây thì chắc chắn phải là con Tê giác.

Trong cuốn Hoa văn Việt Nam, tác giả Nguyễn Du Chi có bàn như sau: Ở Việt Nam hình tượng Kỳ lân cũng được du nhập vào rất sớm. Từ thời Lý đã được chú ý đến loại đề tài này. Tuy nhiên, đọc sách vở thấy Kỳ lân có nhiều nét giống Tê giác, nên năm 1057 triều đình nhà Lý đã mang hai con này qua Quảng Châu định cống vua Tống và nói là Kỳ lân. Vì người Trung Quốc tin rằng chỉ có thánh nhân ra đời mới có Kỳ lân xuất hiện nên các quan nhà Tống đã cãi nhau sôi nổi về việc con vật được cống nạp này. Sách Tục tư trị thông giám trường hiện của Lý Đảo đời Tống còn chép rõ hình dáng con vật: “Hình như trâu, mình có da dày từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng, hay ăn cỏ, quả, dưa, cho ăn phải lấy gậy đanh nó mới ăn”.

Có thể nhận ra rằng vì các loài Tê giác chỉ có ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nên những người phương Bắc (Trung Quốc) không biết nguyên mẫu con Lân là con Tê giác. Do đó đã biến con Lân trong văn hóa Trung Hoa thành một con vật hoàn toàn tưởng tượng (Long mã), không phù hợp với những mô tả về Kỳ lân trong thư tịch cổ.

Te giac chua Phat Tich 2Tượng Tê giác thời Lý ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.

Tê giác là loài vật vốn rất được tôn trọng ở nước ta không chỉ bởi sừng Tê là vật quý. Với ý nghĩa cát tường, hình Kỳ lân – Tê giác một sừng đã được vẽ màu trên những chiếc đĩa gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp thế giới. Tê giác cũng bắt gặp trong những cặp tượng linh thú thời Lý đặt trước sân chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, hay chầu bên lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa.

Tê giác trong văn hóa phương Đông là tượng trưng cho sức mạnh tinh thần, trí tuệ và văn hóa. Vua Minh Mạng khi lên ngôi, cho đúc Cửu đỉnh đặt ở Thái miếu tại Hoàng thành Huế, cũng đã cho khắc hình con Tê lên Chương đỉnh, như một biểu tượng của văn chương.

Con Tê giác cuối cùng ở Đông Dương đã tuyệt chủng năm 2010 tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), nhưng hình tượng Tê giác – Kỳ lân sẽ không thể mất trong văn hóa Việt vì nó đã hóa thành loài vật linh thiêng bất diệt trong Tứ linh, biểu tượng cho một nền văn minh sớm, đầy rực rỡ của người Việt.

IMG_5027Hình con Tê trên Chương đỉnh ở Huế.

Với việc phục hồi nguyên mẫu của Kỳ lân là loài Tê giác, linh vật của hướng Tây, thì định vị của Trung Nguyên thời kỳ nhà Chu chắc chắn phải dời xa hơn về phương Nam, nơi có loài thú này sinh sống. Bởi Trung Nguyên có nghĩa là chỗ giữa của thiên hạ bốn phương. Thần thú Kỳ lân nay đã hiện nguyên hình là con Tê giác thì lịch sử phương Đông cổ đại, gắn liền với sự khởi lập thiên hạ của nhà Chu, với triết lý Âm dương Ngũ hành, với biểu tượng Tứ tượng Tứ linh… rồi cũng sẽ trở nên sáng tỏ, trở về bản căn vốn có của sự thật lịch sử.

MINH THI

(Báo Lao động cuối tuần số 35 từ 28.8 đến 30.8.2020. Trang 4-5.)

Bốn con Nghê

Con Nghê, loại hình thú biểu tượng “thuần Việt” trong mỹ thuật và văn hóa truyền thống, là con gì, có nguồn gốc xuất xứ thế nào, vẫn là câu hỏi đặt ra đối với các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tới bản sắc văn hóa Việt. Đã có nhiều lý giải về hình tượng Nghê trong văn hóa Việt nhưng hiện vẫn chưa bao quát hết được ý nghĩa của hình tượng này, cũng như chưa xác định được loại hình và công dụng cụ thể của hình tượng Nghê khi ứng dụng.
Có thể thấy mặc dù cùng có tên gọi là Nghê nhưng có nhiều hình tượng Nghê gặp ở nhiều khía cạnh ứng dụng khác nhau. Việc “đơn giản hóa” tên gọi Nghê chung vào 1 loại hình dẫn đến loại bỏ những loại hình ứng dụng khác của Nghê, làm cho khái niệm Nghê trở nên không xác định, không có quy tắc cụ thể khi áp dụng. Vì thế, việc phân biệt, phân loại các loại hình Nghê khác nhau sẽ giúp làm rõ hơn hình tượng này cùng công dụng và nguồn gốc của nó.
Bài ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa nói tới con Nghê trong các công trình kiến trúc (cửa, nhà, cầu, quán):

Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay.
Cắt kèo và lựa đòn tay.
Bào trơn, đóng bén, khéo thay mọi nghề.
Bốn cửa anh chạm bốn nghê,
Bốn con nghê đực chầu về tổ tông.

Lấy cảm hứng từ bài ca dao này, xin đưa ra 4 loại hình Nghê chủ yếu gặp ở nước ta.
1. Đầu tiên và có lẽ cũng là cổ xưa nhất là hình tượng Kim Nghê. Kim nghê 金猊là 1 trong số những đứa con của rồng, được dùng trên nắp các lư hương vì tin rằng loại thú này thích hương khói. Nguyên mẫu của Kim nghê như đã được bàn trước đây là hình Hổ trên nắp đồ đồng Thương Chu. “Kim” đây chính là kim loại, chỉ loại hình Nghê trên các vật dụng kim loại (đồng, sắt). Hổ – hỏa, là ngọn lửa nên hình tượng này gắn với hương khói, đồ đựng nóng. Tới nay Kim nghê trên lư hương đã chuyển thành dạng hình Sư tử, nhưng vẫn giữ vị trí là tay cầm của nắp vật nóng.

Kim-nghe-1024x934

Hình hổ – Kim nghê trên nắp đồ đồng thời Chiến Quốc.

2. Loại Nghê thứ hai là Toan Nghê, tức là Sư tử. Toan nghê 狻猊 hiểu đơn giản là con Nghê to khỏe. Vì Nghê ban đầu là con Hổ như ở loại Kim Nghê nên con Hổ rất khỏe là ám chỉ loài Sư tử. Có thể đây là tên gọi để chỉ loài Sư tử bởi vì loài Sư tử không hề sinh sống ở khu vực Đông Á, người xưa buộc phải dùng tên một loài vật đã biết để gọi cho nó.
Xếp vào nhóm Nghê sư tử này là các bệ đỡ tượng Phật hình Sư tử. Bản thân công năng dùng trong tượng Phật cũng xác định đây là hình tượng “ngoại lai” từ Trung Á (Ấn Độ). Nhóm Toan nghê do đó chỉ có thể thể hiện dưới dạng hình Sư tử, chứ không có các biến tướng khác.
Thời điểm xuất hiện Sư tử trong văn hóa phương Đông có lẽ gắn liền với sự du nhập của Phật giáo. Ở nước ta văn bia và điêu khắc đá thời Lý có ghi nhận về loại “Sư tử nghê đài” này.

Su-tu-da-chua-Phat-Tich-1024x683

Sư tử đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

3. Loại Nghê thứ ba là Nghê chầu, là loại hình Nghê phong phú và phổ biến trong văn hóa truyền thống Việt. Ca dao có câu:

Mỗi người đều có một nghề
Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.

“Nghề” của con Nghê là chầu. Công năng làm con vật đứng chầu xác định cách thể hiện hình tượng Nghê này. Con thú chầu này có thể là bất cứ loài vật gì: Kỳ lân, Sư tử, Chó, Rồng, thậm chí đến cả Cá, cũng có thể thể hiện thành Nghê khi nó có chức năng “chầu”. Do đó mới có các loại Kỳ lân nghê, Sư tử nghê, Long nghê, Khuyển nghê, rồi có thể cả Ngư nghê.
Đặc điểm của Nghê chầu là đứng ngay ngắn, nghiêm trang, quay mặt về phía trong nơi có đối tượng thờ cúng. Chữ “nghê” lúc này tương đương với chữ “ngay”, “ngây” hay “nghiêm”. “Ngay nghê” hay Nghê chầu thường được “ăn mặc” (trang trí) một cách nghiêm trang, lộng lẫy bởi các đao lửa, bờm, râu bay bốc…
Hình tượng Nghê chầu có lẽ xuất hiện vào đầu thời Lê vì các di vật khảo cổ Lý Trần chưa tìm thấy dạng con vật chầu nào cả. Cũng vì vậy mà Nghê chầu là “đặc sản” thuần Việt, không gặp trong văn hóa Trung Quốc như Kim Nghê hay Toan Nghê.

Nghe-o-Thai-mieu-nha-Le-963x1024

Dàn Nghê chầu chực trước Thái miếu nhà Lê ở Thanh Hóa.

Nhân tiện nói thêm về câu thành ngữ truyền khẩu lưu truyền hiện nay trong mỹ thuật truyền thống: “Nghê chầu, chó trực”. Thành ngữ “chó trực” được giải nghĩa ở đây là chó thì đứng quay mặt thẳng ra ngoài. Tuy nhiên, câu từ vậy trong thành ngữ là không ổn. Trong thành ngữ này “chầu” là động từ, “trực” lại là tính từ. “Chầu” là từ Nôm, còn “trực” lại là từ Hán Việt.
Sự khập khiễng này cho thấy, câu trên đúng hơn phải là: “Nghê chầu, chó chực”. “Chầu chực” ghép lại mới thành một từ hoàn chỉnh. Chầu và chực cùng một loại từ (động từ) trong tiếng Nôm. Ý nghĩa của nó nghĩa là Nghê có chức năng là chầu, quay mặt hướng vào nơi được thờ. Còn Chó chỉ có chức năng là chực, quay mặt ra phía ngoài đón khách.
4. Còn một loại Nghê nữa gặp rất phổ biến nhưng hiện chưa được xếp thành một loại và bị đánh lẫn với Nghê chầu ở trên. Dạng Nghê này hãy tạm gọi là Ngô nghê vì cách tạo hình ngộ nghĩnh của nó. Đó là hình những con Nghê hình dạng như con chó, tuy đầu to miệng rộng, tai to hơn, gặp trong các mảng chạm khắc ở các đình làng. Những con Nghê này được thể hiện một cách sinh động, rất “dân gian”. Có lúc đó là hình ảnh con nghê ngủ, gãi tai, hay bầy nghê mẹ nghê con đang đùa giỡn. Có chỗ là nghê quay mông ra ngoài, có khi lòi rõ cả bộ phận sinh dục…
Loài hình Nghê này rõ ràng là biểu đạt cho hình ảnh của con người trong đời sống bình dân. Cũng vì thế nó được gặp nhiều trong các đình làng, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Trong khi nó ít được thấy hơn ở các đền miếu, là nơi thờ cúng, nơi mà loại Nghê chầu thực hiện vai trò của mình. Chữ “Ngô” cũng hay ở chỗ có nghĩa là “ta”, chỉ con người. Ngô nghê là biểu tượng hóa thân của người ta trong văn hóa.

Nghe-gai-tai-Van-Xa-300x205

Nghê gãi tai trên nóc đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam).

Loại Nghê dân gian mới là hình tượng được xem như đối lập với hình tượng Rồng – biểu tượng của vương quyền và thần quyền. Nghê đối lại với Rồng như dân đối lại với vua. Cũng vì thế cần phân biệt những hình chạm Rồng khi nhìn trực diện, đầu Rồng lúc này rất giống Nghê. Hoặc có chỗ thể hiện là Rồng con còn chưa phát triển thân, râu tóc đầy đủ, cũng dễ nhầm với Nghê. Sự khác biệt là hình chạm Nghê, thường là loại Ngô nghê – biểu tượng cho dân gian, nên sẽ không được trang trí cầu kỳ, diêm dúa bởi bờm, lông, mà thường có da trơn, hình đơn giản.

Rong-Nghe-Ung-Thien-1024x479

Mảng chạm Rồng – Nghê – Người ở đình Hoàng Xá (Vân Đình, Hà Nội).

Khác với Ngay nghê (Nghê chầu), Ngô nghê thường không đứng nghiêm một chỗ, hay quay mặt vào trong như Nghê chầu, mà rất sống động, đang chạy nhảy hay ngủ nghỉ. Ngô nghê có thể là nghê con hay nghê cái, trong khi Nghê chầu chỉ có thể là Nghê đực (như trong câu ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa ở trên).
Như thế ít nhất có 4 loại hình Nghê khác nhau với ý nghĩa biểu tượng và nguồn gốc xuất hiện khác nhau. Đối với mỗi một dạng công năng biểu tượng thì hình tượng Nghê cũng cần được thể hiện tương ứng, phù hợp.