Tập sử ký Xuân Lan

Triệu Vũ Hoàng Đế ở Long Hưng điện, Xuân Quan.

Đế họ Triệu, tên Đà, người Chân Định. Đầu thời Tần, Nhâm Hiêu ở Nam Hải bị bệnh, cho gọi gấp Đế tới. Đế đang làm chức lệnh ở Long Châu. Nhâm Hiêu nói:

– Nhà Tần vô đạo, thiên hạ cực khổ. Ta nghe Trần Thắng tạo loạn, thiên hạ không biết lúc nào được yên. Phiên Ngung có thế núi hiểm trở, vốn có biển Nam, Đông Tây vài ngàn dặm, lại cùng Trung Quốc nương tựa. Cũng là một nơi đứng đầu các châu, có thể lập nước riêng.

Hiêu mất. Đế đảm nhận việc úy của Nam Hải, bèn tức thời gửi hịch đi các nơi, chặn đường, tụ hợp quân đội, diệt các quan lại nhà Tần, tấn công chiếm Quế Lâm, Tượng quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở thành Phiên Ngung. Khi Hán Vương dẹp Sở, lên ngôi, ban chiếu lập Đế làm Nam Việt Vương, sai Lục Giả đem ấn thao cùng với phù tín để thông sứ, khuyên hòa tập với Bách Việt để biên cương phía Nam không có tai hoạ. Khi Lục Giả đến, Đế ngồi xổm mà tiếp. Lục Giả nói:

– Vương là người Trung Quốc, phần mộ thân thích đều ở Chân Định. Nay nhân giữ khư khư đất Việt mà với thiên tử hán không chịu khuất phục. Điều này có thể được không?

Thế là Đế mới ngồi dậy, tạ lỗi rằng:

– Ta ở chốn man di đã lâu, nên đã quá thất lễ.

Rồi cùng tiếp Lục Giả. Được vài ngày nói:

– Nước Việt không có nhiều người có thể nói chuyện được cho đến khi tiên sinh đến, hàng ngày tôi được nghe những điều chưa từng được nghe.

Đế tặng cho Lục Giả túi đựng đồ đáng ngàn vàng. Lục Giả trở về nước Bắc. 

Đế cất quân xuống phía Nam, giao chiến với An Dương Vương đang đóng đô ở thành Cổ Loa. An Dương Vương lấy nỏ thần bắn ra. Đế bèn lùi quân về đóng ở chân núi Trâu Sơn (nay ở chân núi Trâu Sơn, huyện Vũ Ninh có miếu thờ Thánh đế), cùng với An Dương Vương đối đầu với nhau. Rồi Đế đề nghị thông hòa. An Dương Vương vui mừng, đồng ý từ Tiểu giang về phía Bắc do Đế cai trị, từ sông đó về phía Nam do Vương cai trị. 

Nhân đó Đế giả cách sai con là Trọng Thủy vào làm cận vệ, cầu hôn với con gái Vương là Mị Châu. Vương sơ ý không biết là kế gian nên đồng ý. Trọng Thủy dụ Mị Châu trộm lấy lẫy nỏ thần giấu đi, tìm một lẫy nỏ khác đổi móng của Rùa vàng, rồi nói dối với Mị Châu là muốn về thăm hỏi cha mẹ. Nhân đó nói:

– Tình cảm vợ chồng không thể nào mất. Ơn sinh thành của cha mẹ không thể đổi. Ta nay về thăm cha mẹ. Nhỡ sau này hai nước bất hòa, Bắc Nam cách trở. Ta đến đâu để có thể gặp được nhau?

Mị Châu nói:

– Thiếp thân là nữ nhi, mà nay gặp cảnh chia biệt, tình này khó vượt. Thiếp có một chiếc gối gấm lông ngỗng, thường mang theo người, đến nơi nào thì sẽ nhổ lông mà thả trên đường để biết là ở nơi đó.

Trọng Thủy giấu lẫy nỏ mà về, tâu lên Đế. Đế được việc đó rất vui mừng, bèn phát quân tấn công An Dương Vương.  Vương không biết là lẫy nỏ đã mất, vẫn ngồi chơi cờ mà tự cười rằng:

– Quân Bắc không sợ nỏ thần của ta sao?

Đế dẫn quân đến dưới thành. Vương dương nỏ thì thấy lẫy thần đã mất, đành thua chạy. Vương để Mị Châu ngồi sau ngựa mà chạy về phía Nam. Trọng Thủy nhận theo lông ngỗng. Vương chạy đến bờ biển thì cùng đường, không có thuyền chèo, bèn cầm sừng tê bảy tấc theo Rùa vàng mở đường nước vào biển mà đi ở xứ Hải Sơn, xã Cao Xá, quận Diễn Châu. Mị Châu ngẩng lên trời nói:

– Thiếp một lòng trung tín lại bị người lừa gạt. Nay xuống nước xin hóa thành châu ngọc để rửa sạch mối thù nhục này.

Mị Châu bèn nhảy xuống nước chết bên bờ biển. Trai ngọc uống vào hóa thành minh châu. Đế dẫn quân truy đến nơi thì thấy một vùng trống không, chỉ thấy thi thể của Mị Châu ở đó. Trọng Thủy ôm xác Mị Châu về chôn cất ở Loa thành, thi thể hóa thành đá ngọc. Trọng Thủy vì đó rất đau đớn, khi đến xứ Trang Dục tưởng như thấy hình thể Mị Châu, bèn đầu thân xuống giếng mà chết (tương truyền ngọc minh châu rửa bằng nước giếng này thì sẽ trở nên trong sáng).

Đế chiếm giữ nước Âu Lạc, khai mở đất đai, phương Nam đều bình được. Khi Lã Hậu nhà Hán không cho phép thông quan mua bán đồ sắt, Đế tức giận phát binh đánh hạ Linh Lăng, Trường Sa. Nhân binh uy đó lấy tài vật đút lót mà sai khiến Mân Việt và Tây Âu Lạc. Biên cương Đông Tây mở hơn vạn dặm, tự xưng là Nam Việt Vũ Đế, lên ngôi Hoàng đế, đi xe hoàng ốc, cắm cờ tả đạo, xưng “Chế”, cùng với Hán Trung Quốc đối đầu.

Hán Vương nhân mồ mả người thân của Đế ở tại Chân Định, đặt người giữ ấp đó ngày tháng phụng thờ, gọi con cháu Đế đến ban thưởng hậu hĩ, lại sai Lục Giả đi sứ, gửi thư cho Đế rằng:

– Trẫm là con vợ lẽ của Cao Đế. Khi có biến họ Lã, nhờ sức của các công thần mà dẹp được yên. Trẫm vì các vương hầu không cho chối từ nên không thể không nhận lên ngôi. Trước kia nghe Vương đem quân đánh biên giới, Trường Sa khổ sở không ngừng, Nam Quận lại càng khổ. Nước của Vương có thể được lợi riêng sao? Tất phải chết nhiều quân sĩ, hại các quan tướng tài, làm cho vợ góa chồng, con mồ côi, cha mẹ mất con. Được một mất mười. Trẫm không nhẫn tâm làm vậy. Có được đất của Vương cũng không thành lớn thêm. Có được tài vật của Vương cũng không giàu thêm. Xin cùng Vương bỏ những điều hiềm khích trước đây mà thông sứ như xưa.

Lục Giả đến, Đế nhận chiếu, hạ lệnh: 

– Trong một nước không thể hai người hùng cùng lập ngôi, không thể hai người hiền ở cùng một thời. 

Nhân đó Đế gửi thư xưng:

– Man di đại trưởng lão phu, thần, vốn là quan sứ ở Việt trước đây. May mắn Cao Đế ban cho thần ấn tỉ. Huệ Đế vì nghĩa không nỡ tuyệt. Lão phu ở Việt đã 49 năm, đến nay đã có cháu bồng rồi, nhưng ngày đêm thức ngủ không yên, ăn uống không biết vị ngon, mắt nhìn không thấy sắc đẹp, tai không nghe thấy tiếng chuông trống,  vì không được phụng sự nhà Hán vậy. Nay may mắn được ban cho thông sứ như trước, Lão phu dù chết xương cũng không nát.

Đế bèn nhận hòa với Hán Đế. Đương khi đó Đế hỏi Lục Giả rằng:

– Ta so với Hán Cao Đế thì thế nào?

Lục Giả nói:

– Vương sao dám so với Cao Đế được.

Đế nói: 

– Ta hận là không khởi binh ở Phong Bái, sao lại không bằng Hán?

Lục Giả sắc mặt tiu nghỉu.

Đế ở ngôi 71 năm, trải xuân thu thọ 120 tuổi. Đế thừa khi nhà Tần loạn, chiếm hữu Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung. Thời Hán Văn Đế làm đế một phương, có lòng yêu dân, có trí tuệ giữ gìn đất nước, có võ công mạnh như Tàm Tùng, văn giáo vang nơi Tượng quận. Lấy thi thư mà giáo hóa phong tục trong nước. Lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng dân. Dạy dân trồng trọt, dệt vải, nước giàu quân mạnh, Nam Bắc giao hòa. Thiên hạ vô sự. Là vị chủ có chân tài lược anh hùng. Trị nước một thời lâu dài vậy. 

Truyền đời Văn Vương, Minh Vương, Ai Vương, Vệ Dương Vương tất cả được 5 đời. Tới khi Hán Vũ Đế thôn tính lấy được nước đó, phân đặt các quan thú lệnh. Con cháu lại tụ tập tại những nơi vắng vẻ không người ở cửa biển Thần Phù, Hoành Sơn. Chế tạo thuyền bè, vượt biển đột nhập vào đất liền, cướp đoạt người ở bờ biển, giết các quan thú lệnh nhà Hán. Dân sợ phục, gọi là Nam Triệu.

Cho tới thời Ngô Tôn Quyền thì từ các xứ núi Thiên Cầm, Hà Hoa, Cao Vọng, Điểu Tồn, Hải Ngạn, Lại Bộ, Vọng Cái, Trang Chử, Thạch Song, Lôi Sơn, núi cao biển sâu, sóng gió hiểm trở, đều có nạn Nam Triệu, thường lấy việc cướp bóc làm nghề. Đồ đảng chúng khá mạnh, bèn lấy của cải châu báu đút lót cho nước Tây Bà Dạ để cầu cứu trợ.

Cuối thời Tấn, thiên hạ đại loạn, thổ tù Triệu Ông Dịch cùng  nhiều anh em đồ đảng dũng lược hơn người, nên được chúng phục theo. Cùng với đồ đảng Nam Triệu hơn hai vạn người chia giữ bờ biển ở các đầu thành 2 lộ. Trên từ Quỳ Châu đến Diễn Châu là lộ Già La. Từ Cầm Châu đến Hoan Châu là lộ Lâm An. Mổ trâu ngựa để kết thề. Do đó xây thành ở làng Cao Xá, Diễn Châu. Đông giáp biển, Tây đến nước Bà Dạ, Nam tới Hoành Sơn, do Triệu Ông Dịch cai quản.

Nhà Tấn lệnh cho tướng quân Tào Cam tiến đánh. Trải qua 4-5 năm, quân Tấn không chịu nổi khí núi chết quá nửa. Tấn rút quân về.

Sau Triệu Việt Vương, tên húy là Quang Phục, sinh ở làng Lan Cứu (nay là xã Xuân Lan), là hậu duệ của Cổ Tiên Thánh Đế. Thời Tiền Lý Nam Đế là Tả tướng quân. Nhà Lương Tiêu Diễn lệnh cho Trần Bá Tiên dẫn quân xâm chiếm phương Nam. Nam Đế tị cư ở động Khuất Liêu rồi mất tại đó. Việt Vương thay quyền nắm giữ đất nước, thấy sức lực không thể giữ bèn lùi về Dạ Trạch. Vùng này đất trũng thấp, khó đi bằng đường bộ. Vương dùng thuyền độc mộc nhân buổi tối ra đánh, cướp lấy lương thực, cầm cự lâu dài để làm quân giặc suy yếu. Trong 3-4 năm quân Lương không giao chiến được. Bá Tiên than rằng:

– Xưa gọi là đầm một đêm bay lên trời. Nay phải gọi là đầm một đêm trộm cướp vậy.

Đến khi Hầu Cảnh gây loạn, Bá Tiên trở về nước, giao lại cho tì tướng Dương Sàn cầm quân. Việt Vương trai giới lập đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo trời đất cùng thần linh bản thổ. Bỗng thấy có thần nhân cưỡi rồng hạ xuống trong đầm, nói với Vương rằng:

– Nơi ta bay lên trời là chốn linh thiêng. Nhà ngươi đã thành tâm cầu khấn, ta vì đó mà đến cứu giúp để dẹp yên tai họa, loạn lạc.

Xong bèn tháo móng rồng trao cho Vương, nói là dùng để đặt ở mũ đâu mâu, nhằm hướng đó thì giặc tất đều sẽ bị diệt.

Nói xong thì bay về trời. Vương làm theo như lời đó. Quân Lương thua to, giết được tướng Dương Sàn. Đuổi diệt được quân Lương. Vương mới lập làm Triệu Việt Vương, vào ở trong thành Long Biên. Ban chiếu sửa hai thành Loa Lộc, Vũ Ninh. Đặt tên là nước Nam Việt. 

Lại có người họ tộc của Tiền Nam Đế là tướng Lý Phật Từ từ động Dã Năng trở về. Vương thấy Phật Tử là anh họ Nam Đế, không nỡ tận tuyệt, bèn cắt đất ở Cát Châu cho ở đó. Phật Tử cho con là Nhã Lang cầu hôn với con gái Vương là Quả Nương. Vương đồng ý. 

Nhã Lang nịnh vợ rằng:

– Xưa hai cha của chúng ta còn là thù địch, nay lại là kết hôn nhân, thật là điều tốt thay! Cha nàng có thuật gì mà có thể đánh được quân của cha ta?

Quả Nương không biết thâm ý, ngầm lấy mũ đâu mâu móng rồng cho chồng xem. Nhã Lãng âm thầm tráo đổi móng đó, lại nói riêng với Quả Nương rằng:

– Ta nay dứt tình để về thăm cha mẹ. Vạn nhất chẳng may có giặc, vua cha của nàng gặp bất lợi, thì qua nơi nào nàng hãy lấy lông ngỗng ở chiếc gối gấm mà đánh dấu đường. Ta sẽ đến tương trợ.

Nhã Lang về bàn mưu với cha. Phật Tử đem quân đến. Ban đầu Vương không biết, tập hợp lính, đốc quân, đem mũ đâu mâu ra đợi giặc. Quân giặc tiến áp đến rất đông. Vương biết thế lực không chống lại được bèn đem con gái chạy về phía Nam. Giặc đều đuổi đến gần. Vương hô lớn rằng:

–  Rồng vàng thần vương không giúp ta sao?

Bỗng Long vương chỉ cho thấy con gái Việt Vương tự rắc lông ngỗng, chính là giặc vậy. Vương rút đao mà chém. Vương cưỡi ngựa đến cửa biển Đại Nhã thì gặp nước ngăn trở bèn than rằng:

– Ta tới đường cùng rồi!

Rồng vàng mới rẽ nước thành đường, dẫn Vương đi vào trong nước. Quân Phật Tử đuổi đến chỉ thấy mênh mông không biết là đâu, bèn phải quay về.

Vương ở ngôi 23 năm, lập đền ở cửa biển Đại Nhã (nay là huyện Đại An) phụng thờ. Phật Tử sau rời đô về Phong Châu, ở ngôi 32 năm. Đến khi nhà Tùy đến xâm chiếm thì ra hàng và về Bắc. Người trong nước cũng lập đền ở cửa biển Tiểu Nhã phụng thờ, đối diện với đền Việt Vương.

Ông Đùng, Bà Đà

Theo sách Văn hóa dân gian làng Đào Động. Phạm Minh Đức, Đinh Đăng Túy. NXB Hội nhà văn, 2016.

VỀ SỰ HÌNH THÀNH ĐẤT HOA ĐÀO

Khi Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, người trao cho các con từng vùng đất bãi để khai khẩn phát triển nông tang (trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải) và cả phần biển để đánh bắt tôm cá…

Người bảo các con rằng:

– Dòng trưởng mạnh nhất sẽ thay cha mẹ cai quản Lạc Việt. Các con vừa là thần dân, vừa la anh em một nhà. Hãy gìn giữ và mở mang đất nước của cha mẹ truyền cho… Mẹ Âu Cơ đã về rừng còn ta về Thủy phủ… Khi đất nước có sự biến, cha mẹ sẽ tiếp sức cho các con. 

Nói rồi Người hiện nguyên hình là một con Hoàng long lớn, biến mất trong sóng biển Đông…

Người con được trao phần đất bãi tương ứng với đồng bằng Bắc Bộ bây giờ có tên là ông Đùng, rất to lớn mạnh mẽ. Lại nói ông Đùng đi dọc sông Cái (sông Hồng), đem theo những “hạt đậu” cha mẹ trao cho, trích thân mình lấy máu tẩm vào rồi rắc lên những cồn, gò và các vùng đất bằng phẳng… Các “hạt đậu” lập tức biến thành người Việt sinh sống trên vùng đất ấy…

Một ngày, ông Đùng đi đến vùng đồng bằng ven biển phía Bắc hạ lưu sông Cái, thấy những vạt đất nổi cao giữa vùng đầm lầy mênh mông nước… Ông ngắm nghía rồi gọi bọn thủy binh sông Cái khổng lồ như Thuồng luồng, Hà giải, Ngư tinh… đến khơi dòng, đào một con sông lớn lấy nước từ sông Cái về thau chua rửa mặn cho cả vùng.

Nhìn hình dạng cuộn khúc của tướng Thuồng luồng dẫn đầu “binh tướng khai sông” (Thuồng luồng là một loại Giao long), ông Đùng hình dung ra con sông sắp đào phải uốn khúc để có thể dễ đưa nước ngọt đến khắp vùng ngập lợ, liền vạch đất để bọn thủy binh đào sông ngoằn ngoèo như hình rồng cuộn, giúp tiêu nước lợ được nhanh và cuốn ra biến… Làm xong lộ trình “khai hóa” của mình, ông Đùng gọi dân bản thổ đến mà bảo:

– Nơi đây có thế đất linh, ta đặt tên con sông vừa đào cho các con là sông Vĩnh, để mong cuộc sống nơi đây vĩnh hằng tấn phát… Vua cha Lạc Long Quân cho ta sáu “vật tượng” để đánh dấu các vùng đất địa linh trong lãnh địa của ta, vậy ta đặt một vật tại đây.

Nói rồi ông Đùng móc trong tú ra một hạt đào và đặt xuống đất… Bỗng nhiên hóa ra từng dãy cây đào nở hoa rực rỡ… Vì thế sau này, Hùng Vương thứ 18 đã về đây và đặt tên vùng đất này là Hoa Đào trang.

Tương truyền, sau khi làm xong việc “khai hóa” của mình, 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đều hóa thành “Sơn thủy bách thần” nổi tiếng linh ứng, phò giúp dân nước Lạc Việt mãi mãi.

Lần theo dấu vết sáu vật linh mà ông Đùng “yểm” lại trong lãnh địa của mình, đó là các địa danh:

1. Vùng phát tích Sơn Thánh Ba Vì – Tản Viên.

2. Vùng thành Thăng Long (Hà Nội).

3. Vùng phát tích nhà Đinh – Lê (Ninh Bình).

4. Vùng phát tích nhà Lý (Bắc Ninh)

5. Vùng phát tích nhà Trần (Thái Bình).

6. Vùng phát tích Đức Vua Bát Hải (Đào Động – Thái Bình).

Trong đó trấn sơn Ba Vì và đất Đào Động là nơi lưu giữ “hồn nước”, nơi hội tụ của “Sơn thủy bách thần”, thường “chìm ẩn”. Còn các địa danh kia là hiện diện sự “khởi phát tinh hóa” của đất Việt.

ĐỐNG BÀ ĐÀ

Tại phía Bắc đất Đào Động cổ có con đường nối thẳng từ thôn Di Phúc qua quốc lộ số 10 đến đền quan Đệ Tam và quan Thượng… Khoảng giữa con đường đó nguyên có một đống cao nổi lên giống như một quả đồi trên sóng lúa. Dân gọi đó là đống Bà Đà.

Tên đống Bà Đà có từ trước thời Trần rất lâu, gắn với chuyện ông Đùng khai địa thời cổ. Ông Đùng là tên gọi của một trong 50 người con của Lạc Long Quân “xuống biển” thời thượng cổ. Ông Đùng đi dọc sông Cái (sông Hồng), lấy hạt đậu cha mẹ trao, nhuộm máu ngón tay của mình vào rồi rắc lên các vùng đất. Hạt đậu biến thành người sinh sống ở đó. Xong việc thì ông Đùng “hóa”.

Những cư dân mới được ông “rắc ra” ở vùng đồng bằng và duyên hải còn rất bỡ ngỡ trên miền đất mới. Người sống trên sông, trên biển chưa biết bắt tôm cá, thường hay vị thuồng luồng, quái ngư sát hại… Người sống trên bãi, trên đồng chưa biết canh tác nông nghiệp, cũng chưa biết khẩn hoang rửa mặn để cấy lúa trồng mầu…

Thần Nông ở trên trời nhìn xuống thương xót, lệnh cho một thuộc hạ (chính là Bà Đà) xuống trần dạy dân Bách Việt ở duyên hải canh nông, mang các giống lúa mầu cho dân, lại dạy dân đóng thuyền đánh bắt tôm cá trên sông, trên biển…

Trước khi sai Bà Đà xuống trần, vua Thần Nông dặn rằng:

– Ngươi phải lấy tình thương của từ mẫu mà lo cho con dân.

Bà Đà đi dọc miền duyên hải Bách Việt để dạy dân đánh bắt tôm cá và cấy lúa. Khi bà đi dạy dân canh nông chài lưới vừa đến hết miền duyên hải Văn Lang – Lạc Việt cũng là lúc vua Thần Nông lệnh triệu bà về trời gấp.

Với tấm lòng của một người mẹ thương con, trước khi “hóa”, Bà Đà đã “cắn răng” rứt đứt đôi “nhũ hoa” của mình để lại cho các con. Tương truyền một “nhũ hoa” chính là đống Bà Đà ở Đào Động. Còn một “nhũ hoa” là một hòn đảo hình tròn cũng rất linh ứng ở giữa hồ Động Đình.

Từ thượng cổ truyền lại rằng giữa đỉnh đống Bà Đà xưa có một miệng giếng nhỏ tự nhiên, chỉ to bằng miệng cái thúng nhưng luôn tràn trề nước trong mát. Gặp những dịp hạn hán, Vĩnh Công (Đức Vua Bát Hải) thường đến đống Bà Đà cầu khấn rồi trang trọng múc lên 28 bát nước, bày theo đúng phương vị nhị thập bát tú và làm lễ. Sau đó cả vùng sẽ nhanh chóng được mưa ngọt.

Nhiều đời sau, những khi trong trấn, trong phủ gặp hạn hán lâu ngày, quan tổng trấn được thần báo mộng cho người về đây rước Bà Đà về đảo vũ…