Sách ebook VIỆT ĐIỆN TỨ LINH Tứ phủ, Tứ linh, Tứ bất tử, Tứ trấn, Tứ pháp

Lời nói đầu

Thường nghe: nước Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến… Bốn ngàn năm, con số không hề nhỏ đối với lịch sử của một quốc gia trên thế giới này. Bốn ngàn năm lịch sử đã kết tụ thành một nền văn hóa Việt phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn. Lịch sử và văn hóa luôn gắn liền với nhau. Dòng chảy lịch sử làm nên văn hóa tộc người và văn hóa đến lượt mình định hướng cho hành vi của con người trong cuộc sống hiện tại mà làm nên tương lai.

Văn hóa Việt có một lịch sử lâu đời như vậy nhưng còn có biết bao câu hỏi về nguồn gốc, về lịch sử văn hóa Việt chưa được giải đáp thỏa đáng. Suy nghĩ hiện nay của đại bộ phận người Việt, kể cả các nhà nghiên cứu chuyên môn, cho rằng văn hóa Việt được hình thành chủ yếu mới từ thời Lý cách đây ngàn năm, vì trước đó là ngàn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc và trước nữa là thời “khuyết sử”, không biết đã có “ta” hay chưa nữa. Và rằng văn hóa Việt là sự vay mượn, không phải của Trung Quốc thì là Ấn Độ, thậm chí còn là của Chămpa…

Có thực như vậy không? Di sản văn hóa Việt có gì đáng giá? Liệu văn hóa Việt có đóng góp đáng kể gì cho nhân loại? Tại sao Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc lại vẫn thoát ra một cách độc lập, không bị đồng hóa? Bản lĩnh văn hóa của người Việt là do đâu mà có? Rất, rất nhiều câu hỏi cần tìm câu trả lời.

Thế hệ người Việt Nam hiện tại đang phải hứng chịu hậu quả của một thời kỳ đứt gãy hàng trăm năm về văn hóa, khi những nền tảng truyền thống kết tinh hàng ngàn năm bỗng nhiên bị gạt bỏ, thay bằng lối sống, văn hóa xa lạ của phương Tây. Trước hết là chữ Nho, thứ chữ tượng hình vốn là sản phẩm sáng tạo của người Việt đã bị thay bằng chữ quốc ngữ, dẫn đến nhiều từ, nhiều ngữ của tiếng Việt không còn được hiểu đúng, dùng đúng. Di sản văn hiến Việt được lưu giữ bằng chữ Nho trở nên “không đọc được” với đại bộ phận người Việt hiện nay.

Mỹ thuật, kiến trúc truyền thống cũng đã thay đổi hoàn toàn, thiếu sự tiếp nối hài hòa. Những mái đình, mái đền cong vút, tương trưng cho bầu trời bao la của phương Đông, bị thay bằng những nhà mái bằng khô cứng. Các nghề thủ công truyền thống như chạm khắc, đúc đồng, làm gốm, vẽ tranh… phần nhiều bị thất truyền hay mai một, khiến những sản phẩm ngày nay làm ra không thể nào có được nét tinh tế và sự sáng tạo của thời xưa. Giá trị thẩm mỹ trong văn hóa Việt như thế đã “tiến lùi” rất nhiều so với trước đây.

Các lễ hội truyền thống xưa kia làng nào cũng có, nay phần nhiều đã bị mai một sau thời gian chiến tranh loạn lạc kéo dài hàng trăm năm vừa qua. Tục thờ thần của người Việt vốn rất phong phú, ẩn chứa trong nó những giá trị tinh thần to lớn, cũng bị biến dạng, nhiều khi trở thành tệ nạn mê tín dị đoan vì không mấy ai hiểu đúng bản chất của những tín ngưỡng này.

Trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, cái gì để có thể chứng minh “Có một nền văn hóa Việt Nam” bản sắc và đáng giá? Nhận diện lại nguồn gốc văn hóa truyền thống do đó là việc làm hơn lúc nào hết cần thiết cho phát triển tương lai văn hóa Việt.

Nhà văn Hoài Thanh từng viết: Văn hóa phải khơi nguồn từ đại chúng: đó là điều nhất định. Một khi văn hóa đi xa đại chúng ắt sẽ mất dần sức sáng tạo, sẽ khô héo dần đi. Văn hóa cũng như một cái cây, không thể sống lơ lửng giữa trời. Muốn cho nó đâm chồi nảy lộc, phải cho gốc rễ nó ăn vào đất, nước. Khôi phục các giá trị văn hóa văn minh như vậy trước hết phải dựa vào đại chúng, vào như những di sản của dân gian còn lưu truyền lại được. Văn hóa dân gian thực sự còn nhiều khi “bác học” hơn cả văn hóa bác học ngày nay vì nó được cô đọng cả hàng ngàn năm lịch sử trong nội tại của mình.

Thành tựu của khoa học lịch sử gần đây đã sang một trang mới cho việc tìm hiểu văn hóa Việt. Phát hiện về nguồn gốc lịch sử Việt cũng đồng thời với việc xác định nguồn gốc và tiến trình văn hóa Việt. Nền văn minh Việt đã từng là ánh đuốc soi đường cho cả phương Đông đi lên trong suốt hàng ngàn năm của quá khứ. Di sản vật chất Việt trước hết phải kể đến là trống đồng, siêu phẩm trí tuệ và kỹ nghệ của người Việt. Trên trống đồng có ghi đầy đủ những khái niệm Dịch học, nền tảng của văn hóa của phương Đông. Những truyền thuyết Việt lại chép rất đầy đủ về công tích các thánh nhân, các lãnh tụ, các anh hùng nghĩa sĩ của lịch sử Trung Hoa. Những hình tượng mỹ thuật thường thức nhất, gặp trong các chốn đình đền Việt lại mang đậm tính Dịch lý và nét văn hóa của Trung Hoa cổ. Tại sao văn hóa Việt lại chứa đựng cả triết lý và nguồn gốc của Trung Hoa cổ đại?

Đạo thờ tổ tiên hay Đạo Hiếu ở người Việt đã làm nên một di sản văn hóa Việt bất hủ với hàng trăm các vị thần đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Nổi lên hơn hết là những vị anh hùng, những thủ lĩnh của quốc gia đã có công dựng nước, giữ nước, phát triển văn hóa xã hội. Tất cả được lồng ghép vào một hệ thống tín ngưỡng mang tên là Công đồng Tứ phủ, với đầy đủ thứ bậc vua, quan, mẫu,…

Từ những hiểu biết mới về lịch sử và nền tảng Dịch học của văn hóa phương Đông cuốn sách này tập hợp những bài viết nhằm giải mã nguồn gốc văn hóa Việt qua phân tích những nhân vật được thờ trong thần điện Việt. Cuốn sách muốn gửi tới bạn đọc một sự góp nhặt mới, dù là rất nhỏ nhoi trong biển văn minh kỳ vĩ mà nhân dân Việt đã sáng tạo ra qua hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách phát hành online bởi Hùng Việt sử quán.

Bất kỳ sự sao chép, in ấn nào từ tác phẩm với mục đích thương mại đều phải được phép của tác giả.

Link tải sách:

https://drive.google.com/file/d/1cGNYy9di78ACcQ3qhi_Epq0HoFH5oOAH/view?usp=sharing

Liên hệ để nhận mật khẩu theo:

    Facebook: https://www.facebook.com/hungvietsuquan

    Email: bachviet18@yahoo.com, 

    Phone, Zalo: 0559551003.

Tứ pháp và Thái Thượng Lão Quân ở Hà Nam

IMG_4586

Chùa Bà Đanh nằm bên dòng sông Đáy cạnh hòn núi Ngọc là một thắng cảnh có tiếng của đất Hà Nam. Chùa còn có tên là Bảo Sơn tự, tương truyền rằng vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ Tứ pháp, đến thời Lê chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn. Câu đối trong chùa ca ngợi cảnh đẹp và sự linh thiêng của ngôi chùa độc đáo này:
神界寂空水鏡山鬟層閣外
靈蹤彷彿竹響松濤半天来
Thần giới tịch không, thủy kính sơn hoàn tằng các ngoại
Linh tung phảng phất, tùng đào trúc hưởng bán thiên lai.
Dịch:
Cõi thần lặng không, núi bọc nước soi tầng gác trước
Dấu thiêng phảng phất, trúc reo thông vẫy nửa trời qua.

IMG_4581 (2)Chùa Bà Đanh – núi Ngọc.

Trong cung cấm của chùa ngoài một pho tượng Tứ pháp còn có tượng Phật Tam Thế cùng với Thái Thượng Lão quân và Nam Tào, Bắc Đẩu. Câu đối trong chùa nói về Tứ pháp:
榕化靈光儕四法
梅修品格遇三乘
Dong hóa linh quang sài tứ pháp
Mai tu phẩm cách ngộ tam thừa.
Dịch:
Cây dung hóa thiêng cùng Tứ pháp
Cốt mai tu phẩm rõ Tam thừa.
Câu đối này nói tới sự tích bà Man Nương thời Sĩ Nhiếp ở thành Luy Lâu, theo thầy Khâu Đà La tu hành, sau đó sinh một đứa con gái, được thầy làm phép gửi vào trong một cây dung thụ bên sông. Về sau cây dung thụ được dùng để tạc tượng Tứ pháp, là các vị thần cầu mưa linh ứng ở khu vực này.
Tứ pháp gồm 4 vị nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Dân gian gọi là các Bà Dâu, Bà Dàn, Bà Đậu, Bà Nành, … tùy từng địa phương. Có nhiều ý kiến cho rằng các “bà” ở đây là ảnh hưởng tín ngưỡng thờ thần của người Chăm, do các tù binh Chăm thời Lý Trần Lê lập nên…
Mây Mưa Sấm Chớp thực ra là 4 tính chất của Đế Thích hay thần dông tố Indra, một vị thần tối cao của đạo Bà Là Môn. Có thể chữ “Bà” trong tên “Bà Đanh” ở đây chính là chỉ đạo Bà – La Môn. Chữ “Bà” này không phải là yếu tố ảnh hưởng của người Chăm từ Trung Bộ Việt như thường nghĩ. Khu vực Trung Bộ Việt vào đầu Công nguyên đang thuộc cai quản của Sĩ Nhiếp ở miền Bắc. Khâu Đà La, Sĩ Nhiếp thực chất là các tu sĩ của đạo Bà La Môn. Do đó, nếu đạo Bà La Môn phổ biến ở Giao Chỉ thì cũng phổ biến ở miền Trung. “Người Chăm” miền Trung như vậy chịu ảnh hưởng tín ngưỡng của người Việt ở miền Bắc trong trường hợp này.

Một chút bàn luận về nhân vật Sĩ Nhiếp trong sử Việt của tác giả Văn Nhân Nguyễn Quang Nhật: Sử hiện nay cho Sĩ Nhiếp có tên khác là Sĩ Tiếp. Suy nghĩ theo hướng khác thì Sĩ không phải là họ mà chỉ kẻ Sĩ hay người có học. Sĩ Tiếp là quan triều Lý Bôn (Lưu Bang) và Vương Mãn. Cuối thời Vương Mãn bọn Lục Lâm thảo khấu nổi loạn chiếm kinh đô Tràng An, giết vua Vương Mãn. Không còn vua và triều đình trung ương, khắp nơi các quan đầu mục nổi lên xưng tướng, xưng vương. Riêng Sĩ Tiếp chỉ đóng cửa giữ thành, bảo an dân chúng… Phải chăng chính vì thế mà sử gọi là Sĩ Tiếp? Chữ “tiếp” là tiếp tục – tiếp nối…
Thời Hai Bà Trưng sử hiện nay bỏ qua hẳn chi tiết Mã Viện sau khi diệt Đô Dương bộ tướng của Trưng Vương thì nghị hoà… 2 nước Hán – Trưng nhà ai nấy ở. Biên giới được đánh dấu bằng cột đồng ở động Cổ Sâm – Khâm Châu, nay thuộc Quảng Tây. Tư liệu viết trên cột đồng khắc câu … trụ đồng gãy thì Giao Chỉ… tiêu đời… tức rất rõ ràng lúc cắm cột đồng phân ranh thì Giao Chỉ còn nguyên…
Do bỏ hẳn đoạn sử này nên sử cả ta và Tàu quên luôn không nói gì đến “nước” và bộ máy lãnh đạo quốc gia trên đất Giao Chỉ thời hậu Trưng này.
Sử thuyết Hùng Việt cho rằng thủ lãnh nước hậu Trưng chính là Sĩ Nhiếp – Ngạn Uy được chép trong sử.
Sĩ Nhiếp tức kẻ sĩ nhiếp quyền, đặt kinh đô nước hậu Trưng ở Luy Lâu, sau theo về với Tôn Quyền. Luy Lâu trở thành thủ phủ của Giao Châu như chép trong sử.
Quan điểm của Sử thuyết Hùng Việt là: lịch sử Thiên hạ không có thời Tam quốc, chỉ có thời Lưỡng quốc kháng Ngụy. 2 nước Thục và Ngô của người Trung Hoa vừa đánh lẫn nhau vì thù trong, vừa cùng nhau chống lại nước Ngụy của Hán tộc, tức giặc ngoài.
Gần đây việc khai quật thành Luy Lâu lần 2 đã phát hiện tới 900 mảnh khuôn đúc trống đồng với đủ loại hoa văn đặc trưng của trống đồng Đông Sơn. Niên đại của lò đúc trống đồng này ước định quãng thế kỷ 3-4.
Luy Lâu, thủ phủ Giao Châu thời Sĩ Nhiếp là đất của người Việt, nên ở đấy đúc trống đồng theo tục Việt là hoàn toàn hợp lẽ. Còn theo sử hiện nay đấy là thời Hán thuộc thì sự việc Luy Lâu đúc trống cũng giống như nước Hồi giáo chế mõ tụng kinh Phật vậy… Làm gì có việc như thế.

Vi keo

Bộ vì kèo ở chùa Bà Đanh.

Đôi câu đối ở khu tiền tế bên ngoài chùa Bà Đanh:
地湧寒江傳妙決
天移蓬島在人間
Địa dũng hàn giang truyền diệu quyết
Thiên di bồng đảo tại nhân gian.
Dịch:
Đất phun sông mát truyền phép lạ
Trời chuyển đảo bồng chốn nhân gian.
Câu đầu chỉ phép màu của Tứ pháp tạo nguồn nước cứu hạn cho nhân dân. Vế đối sau ca ngợi cảnh đẹp ở đây như chốn Bồng Lai tiên cảnh. Có thể câu này ứng với tục thờ Thái Thượng Lão Quân trong chùa, là một nơi tiên tích của đạo Giáo.

Bao Son tu

Chính điện Bảo Sơn tự.

Câu đối ở gian giữa chùa Bà Đanh:
化鼓两間司橐籥
功高四法凜靈聲
Hóa cổ lưỡng gian tư thác thược
Công cao tứ pháp lẫm linh thanh.

Vế đối sau thì ý tứ khá rõ ràng, công của Tứ pháp to lớn, vang vọng mãi tiếng thiêng. Còn vế đối đầu tương đối khó hiểu. Vế này sử dụng từ ngữ trong Đạo Đức Kinh, chương 5 – Thiên Thượng:
Thiên địa chi gian, kì do thác thược hồ
Tạm dịch là Trời đất là không gian, giống như cái ống bễ vậy.
“Hóa cổ” là cái trống Tạo hóa. Cả vế này “Hóa cổ lưỡng gian tư thạc thược” hiểu nôm na là: Trống Hóa Công có 2 gian (Trời và Đất) thì (ngài) cai quản cái ống bễ nối chúng.
Đối tượng được nói đến ở đây là người cai quản sự liên thông giữa trời và đất chính là Thái Thượng Lão Quân. Vế đối này như vậy ca ngợi vai trò, quyền lực của Thái Thượng Lão Quân.
Câu đối trên là dẫn chứng một cách rõ ràng rằng chùa Bà Đanh thờ Thái Thượng Lão Quân như một đối tượng thờ chính, sánh ngang cùng với Tứ pháp, chứ không phải phối thờ.
Chùa Ba Đanh như vậy thờ tới 3 tôn giáo:

  • Tứ pháp là đạo Bà La Môn.
  • Đạo Phật, và
  • Đạo Lão.

Đây không phải mô hình Tam giáo đồng lưu thông thường vì không có yếu tố “Nho giáo” trong chùa này. Chắc chắn tục thờ cúng này có nguồn gốc, có lịch sử hình thành riêng của nó. Tại sao Thái Thượng Lão Quân lại được thờ cùng Tứ pháp ở chùa Bà Đanh?
Thần tích vùng Phủ Lý, Hà Nam giải đáp câu hỏi này. Theo thần tích của xã Phù Đạm thì Thái Thượng Lão Quân, hiệu là Lý Bá Hoành, tự là Lão Đam, húy là Thái Ông. Ngài giáng sinh đầu thai ở thôn Kim Chân, xã Thúc Lực…
Ngài vốn tính thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ngài đem đạo phù thủy truyền bá cho nhân dân. Ngài đến xã Phù Khê (tức Phù Đạm) thấy nhân dân trong xã bị dịch chết quá nửa. Ngài bèn đóng giả một cụ già viết 1 đạo bùa thổi vào trong xã, bao nhiêu người bị bệnh trong xã đều khỏi…

P1210273Đình Phù Vân ở Phủ Lý.

Thôn Phù Vân của xã Phù Đạm xưa nay thuộc thành phố Phủ Lý. Đình Phù Vân vẫn còn lưu giữ được tục thờ Thái Thượng Lão Quân ở đây. Theo thần tích trên Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, vị tổ sư của Đạo Giáo. Lão Tử giáng sinh ở ngay khu vực Hà Nam của nước ta, từng chữa dịch bệnh cho nhân dân trong vùng. Đó là lý do tại sao khu vực Hà Nam lại thờ Thái Thượng Lão Quân như ở chùa Bà Đanh. Các di tích và truyền tích ở Hà Nam là minh chứng về quê hương bản quán của Lão Tử ở Việt Nam, ngay trên đất Hà Nam.
Câu đối khác ở chùa Bà Đanh:
一息蓬蓬八表遊行天地使
層臺屹屹萬家欹頌海山僊
Nhất tức bồng bồng, bát biểu du hành thiên địa sử
Tằng đài ngật ngật, vạn gia y tụng hải sơn tiên.
Dịch:
Một thoáng bồng bồng, tám phương du hành khiển trời đất
Hai tầng ngân ngất, vạn nhà khen tụng thần núi sông.

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ pháp

Tứ pháp là bộ bốn vị thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Mây, Mưa, Sấm, Chớp), được kể trong Truyện Man Nương. Chuyện xảy ra dưới thời Sỹ Nhiếp, liên quan tới vị sư đến từ Ấn Độ là Khâu Đà La. Tứ pháp được tạo tượng thờ từ thân cây dung thụ, nơi ẩn chứa đứa con gái của Man Nương và Khâu Đà La và được tin là các thần cầu mưa rất linh ứng.
Sự tích Tứ pháp được tóm tắt trong câu đối sau ở chùa Đậu (chùa Thành Đạo thờ Pháp Vũ ở Thường Tín, Hà Nội):
萬古仰玄功涸潤枯繁嘉惠普霑南海甸
两間鍾灝氣樹藏石化慶源溯自士王朝
Vạn cổ ngưỡng huyền công, hạc nhuận khô phồn, gia huệ phổ triêm Nam hải điện
Lưỡng gian chung hạo khí, thụ tàng thạch hóa, khánh nguyên tố tự Sỹ Vương triều.
Dịch:
Vạn năm ngưỡng phép thiêng, thấm hạn tưới khô, ơn lành phủ khắp điện Nam Hải
Hai gian đúc khí lớn, giấu cây hóa đá, nguồn tốt đến từ triều Sỹ Vương.
Thụ tàng” chỉ chuyện Man Nương sinh con, mang cho Khâu Đà La, Khâu Đà La giấu đứa bé trong cây Dung thụ, sau trở thành Tứ pháp. “Thạch hóa” chỉ chuyện phần cây Dung thụ có đứa bé con Khâu Đà La cứng như đá, rìa búa bổ vào đều mẻ. Sau được tạc thành Thạch Quang Phật.
Trong các bài viết trước đây đã từng xác định, Tứ pháp là bốn tính chất hay là hiện thân của thần dông tố Indra, vị thần tối cao của đạo Bà La Môn. Khâu Đà La và bản thân Sỹ Nhiếp là những tu sĩ theo Bà La Môn giáo.

Bia chua DauBia đá “Tu tạo Pháp Vũ tự bi” chùa Đậu.

Chùa Đậu ở Thường Tín còn gọi là chùa Vua, không phải là chùa dành cho vua chúa (Sỹ Nhiếp không xưng vua), mà là chùa thờ Vua. Vua ở đây là thần Phạm Thiên – Đế Thích của đạo Bà La Môn. Chùa này theo các tư liệu vốn có tên là Kính Thiên điện hay điện thờ Trời.
Tương tự, ở thành phố Hà Nội cũng có chùa Vua thờ thần Đế Thích. Khu vực chợ gần đó gọi là chợ Trời, không phải là chợ ở ngoài trời, mà là khu vực thờ ông Trời. Chùa Vua đúng tên mà nay còn ghi ở đó là Thiên Đế điện.
Đế Thích là vị thần cai quản thời tiết và chiến tranh. Cũng vì vậy mà dân gian kể thành ra Đế Thích rất giỏi chơi cờ. Chơi cờ tướng là nghệ thuật điều binh khiển tướng, tức là tổ chức chiến tranh.

Thiên Đế điện – chùa Vua Hà Nội.

Đạo Bà La Môn như vậy rất thịnh hành dưới thời Sỹ Nhiếp ở cả miền Bắc và miền Trung Việt. Họ Phạm của Sĩ Nhiếp cũng như họ Phạm ở Lâm Ấp có thể vừa là pháp danh trong đạo, vừa là họ. Trong quan niệm của Bà La Môn thì tầng lớp thống trị là con của thánh thần. Thần Bà La Môn là Phạm Thiên nên người cai quản đất nước cũng mang họ Phạm.
Như thế trung tâm Luy Lâu vốn khởi đầu không phải là bởi Phật giáo mà là đạo Bà La Môn. Chỉ sau khi Sỹ Nhiếp mất thì Phật giáo ở đây mới bắt đầu nổi lên, bằng sự xuất hiện của sư tổ Khương Tăng Hội, chép dịch kinh và truyền đạo. Việc Khương Tăng Hội từng sang Kiến Nghiệp để thuyết giáo cho Tôn Quyền nay có thể hiểu lại.
Khi Sỹ Nhiếp mất, Tôn Quyền cho Lữ Đại sang thay họ Sỹ – Phạm cai quản Giao Châu. Việc Đông Ngô khuyến khích Phật Giáo ở Giao Châu như thế còn có ý nghĩa về chính trị, nhằm loại bỏ “tàn dư” của thời Sỹ Nhiếp do Bà La Môn giáo thống trị. Giao Châu từ đó chuyển sang chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Trong khi khu vực miền Trung vẫn tiếp tục do họ Phạm lãnh đạo và tiếp tục theo Bà La Môn giáo. Khương Tăng Hội không chỉ từ Giao Châu sang thuyết giáo Tôn Quyền mà có thể đã dựa vào Tôn Quyền để khuếch trương Phật giáo tại Giao Châu, nơi vốn là lãnh địa của Bà La Môn giáo họ Phạm.
Vị sư tổ Thiền tông Khương Tăng Hội đã soạn các bản kinh bằng chữ Nho rõ ràng là với mục đích truyền bá Phật Giáo ở Giao Châu sau thời Sỹ Nhiếp. Tác phẩm Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội do đó không phải là kinh nguyên văn của Ấn Độ được dịch mà là sách do Khương Tăng Hội sáng tác với mục đích truyền giáo vào Giao Châu – Trung Quốc. Chính vì vậy mà trong Lục độ tập kinh ta thấy xuất hiện có những mô típ điển hình của truyền thuyết Việt như chuyện sinh trăm trứng hay chuyện sừng tê bảy tấc rẽ nước (An Dương Vương). Thiền sư Lê Mạnh Thát đã từng lấy đây làm dẫn chứng để cho rằng các truyền thuyết của nước ta là đi chép từ kinh của Ấn Độ. Như vậy là không hợp lý. Ngược lại, đây là những truyền thuyết Việt đã được Khương Tăng Hội vận dụng đưa vào trong kinh Phật để cho phù hợp với tâm lý và tư tưởng người Việt khi mới truyền giáo. Thủ pháp truyền giáo này được áp dụng ở thời kỳ đầu du nhập đạo Phật sang phương Đông như thời Đông Tấn có sư Tuệ Viễn đã dùng các điển tích của Trang Tử để giảng đạo Phật ở Trung Quốc.
Việc một khu vực chuyển từ ảnh hưởng của Bà La Môn giáo sang Phật giáo gặp rất phổ biến ở thời kỳ đầu của Phật giáo. Sự việc này được hình ảnh hóa thành ra 2 vị thần tối cao của Bà La Môn giáo là Indra (Đế Thích) và Brahma (Phạm Thiên) trở thành 2 vị hộ pháp khi Phật tổ ra đời. Trong các chùa ngày nay thường gặp tượng của Phạm Thiên và Đế Thích đặt ở 2 bên tượng Cửu long (Thích Ca sơ sinh) hoặc thờ thành ban Đức Ông riêng.

Duc OngBan thờ Đức Ông chùa Bộc.

Ở chùa Bộc có ban thờ Đức Ông nằm phía bên trái chính điện. Bức tượng Đức Ông này có quần áo trang phục như một vị vua và được cho là hình tượng của vua Quang Trung. Tuy nhiên, đôi câu đối hai bên ban thờ này chép:
洞裡無塵大地山河留棟宇
光中化佛小天世界轉風雲
Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ
Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.
Dịch:
Trong động bụi không, đất rộng núi sông lưu đền mái
Giữa quang phật hóa, một trời thế giới chuyển gió mưa.
Đoạn câu đối “tiểu thiên thế giới chuyển phong vân” là chỉ thần Đế Thích, vị thần cai quản chuyện làm mưa làm gió ở trên thế giới này đã theo Phật. Tứ pháp, Vân Vũ Lôi Điện, là hiện thân của thần Đế Thích, bắt nguồn từ Bà La Môn giáo du nhập vào Giao Châu dưới thời Sỹ Nhiếp. Sau này, từ khi Khương Tăng Hội soạn kinh và truyền giáo ở Giao Châu thì các điện thờ Tứ pháp mới chuyển hóa thành các chùa thờ Phật.

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Hoa Lư Tứ trấn

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước ta tính từ thời phục hưng – độc lập, từ khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi tới khi nhà Lý dời đô về Thăng Long. Là kinh đô nên nơi đây cũng có bộ 4 vị thần đóng vai trò Tứ trấn, trấn giữ 4 phương của kinh thành. Không có tư liệu nào cho biết chính xác phương vị của Tứ trấn Hoa Lư, nhưng khi xét từng vị một sẽ thấy cần xoay lại phương vị này một góc 90 độ ngược chiều kim đồng hồ so với quan niệm hiên nay.
Hoa Lư nằm phía Nam của thành Thăng Long nên ở 2 phương vị Bắc và Nam, tứ trấn Hoa Lư trùng với tứ trấn Thăng Long.

Trấn Bắc – Thiên Tôn: Thiên Tôn là cách gọi khác của Huyền Thiên đại thánh mà thôi vì Lão Tử trong Đạo Giáo là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Thiên Tôn – Huyền Thiên phải là vị thần trấn Bắc, không thể là trấn Đông như quan niệm hiện tại ở Hoa Lư.
Công nghiệp của vị Thiên Tôn ở Hoa Lư trùng khớp với Huyền Thiên ở Cổ Loa, với thành tích chủ yếu là giúp Thục An Dương Vương xây thành. Nơi thờ chính là ở thôn Đa Giá (Ninh Mỹ, Hoa Lư). Tại đây có động Thiên Tôn và đền Đa Giá thờ thần. Ngọn núi nơi có động Thiên Tôn cũng được gọi là núi Vũ Đương Sơn, tức là ngọn núi mà Huyền Thiên đã tu hành trong truyền thuyết.
Động Thiên Tôn là một di tích rất cổ, là tiền đồn cửa ngõ của Hoa Lư. Ở đây tìm thấy cả những viên gạch Giang Tây quân (thời Đường) và Đại Việt quốc quân thành chuyên (thời Đại Việt) như dưới nền thành Hoa Lư. Phía trên động có một chùa nhỏ, nhưng không thờ Phật, mà thờ Tam Thanh (của Đạo Giáo) cùng với Quan Âm Diệu Thiện và cha mẹ của bà là Trang Vương và hoàng hậu. Chùa này cùng với động Thiên Tôn tương truyền do Cao Biền xây.
Tại sao Hoa Lư lại lấy thần Thiên Tôn làm thần trấn giữ cửa ngõ kinh thành? Nếu Cổ Loa là nơi Huyền Thiên – Lão Tử thành nghiệp, thì Ninh Bình rất có thể chính là quê hương, nơi sinh của Lão Tử – Thiên Tôn. Đó là lý do vì sao thần Thiên Tôn lại rất gắn bó với Hoa Lư.

Gach Dai Viet

Mảnh gạch có chữ Đại Việt ở động Thiên Tôn.

Trấn Đông – Quý Minh: Hiện tại vị thần này đang được cho là thần trấn Nam của Hoa Lư. Đền thờ chính của thần là đền Trần trong quần thể di tích danh thắng Tràng An. Trần là chữ ghép Đông A, chỉ vị thần trấn Đông.
Vì ở Hoa Lư có cả thần Cao Sơn và Quý Minh nên nhiều tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng đây là 2 người anh em của Tản Viên Sơn Thánh. Ở núi Ba Vì đúng là có bộ ba Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh, nhưng đó đều là các thần núi. Thần Quý Minh ở Hoa Lư lại là một vị thủy thần. Lễ hội Tràng An đặc trưng bởi tiết mục đua thuyền rồng, thể hiện rõ điểm này.
Trong đền Trần Tràng An còn có tượng thờ Quý Nương, là mẹ của Quý Minh. Đây cũng là điểm để phân biệt với thần Quý Minh trong Ba Vì. Quý Nương hay nàng Ba (trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý) là mẹ của vua cha Bát Hải Động Đình, vị thủy thần của biển Đông đánh Thục 4000 năm trước. Quý Minh tức là vị Quan thứ Ba hay Quan lớn đệ Tam Thoải phủ, là anh em cùng bọc trứng với vua cha Bát Hải. Vua cha Bát Hải như đã nói trong bài về Tứ phủ là Lạc Long Quân.
Quan lớn đệ Tam là người đứng đầu (Trưởng Lệnh) thủy binh của Lạc Long Quân, đứng đầu Ngũ vị tôn quan của ban Công đồng trong Tứ phủ. Nơi đóng quân và nơi hóa của vị này là ở Yên Lệnh (nơi an nghỉ của Trưởng Lệnh) hay ở đền Lảnh (Duy Tiên, Hà Nam). Phạm vị phía Đông Hoa Lư thuộc về khu vực hoạt động của Quan đệ Tam. Do đó Hoa Lư lấy Quý Minh làm thần trấn Đông là hợp lý.

Trấn Nam – Cao Sơn: Trong bài về Thăng Long Tứ trấn đã bàn nhiều tới nhân vật trấn Nam Cao Sơn và xác định đó là Cao Biền, thầy phong thủy nổi tiếng thời Đường. Cao Biền không chỉ là người xây thành Đại La mà còn là người xây thành cả Hoa Lư. Những viên gạch Giang Tây quân của Tĩnh Hải Tiết độ sứ Cao Biền xác thực việc này. Ngay chi tiết tiền đồn của Hoa Lư là động Thiên Tôn do Cao Biền xây cũng là dẫn chứng khác về đóng góp của Cao Biền với thành Hoa Lư. Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu, tiến tới sào huyệt khởi nguồn của Nam Chiếu ở Nghệ Tĩnh, cho sửa chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Đó là vì sao ở động Thiên Tôn lại có di tích của Cao Biền dựng để thờ Quan Âm Diệu Thiện và Trang Vương (là 2 người thờ ở chùa Hương Tích – Hà Tĩnh).
Trấn Nam của Hoa Lư do đó là thần Cao Sơn hay Cao Biền – Cao Hiển. Một trong những nơi thờ  Cao Sơn là chùa Bái Đính cũ.
Theo bia ở đền Kim Liên thì nơi các vị tướng của Lê Tương Dực gặp đền Cao Sơn trong rừng là ở huyện Phụng Hóa, thuộc Nho Quan hoặc Tràng An, chưa rõ chính xác nơi nào.

Dam HoaBan thờ vợ Cao Hiển ở đình Đại Bạch Mai.

Khảo cứu thêm, tại sao trấn Nam Cao Sơn đại vương lại là Cao Biền. Đền Kim Liên, nơi thờ chính của thần Trấn Nam Thăng Long Cao Sơn có tấm bia đá cổ được vớt ở bến Bồ Đề về kể lại sự việc thần hiển linh giúp Lê Tương Dực dẹp loạn lên ngôi. Hội đền Kim Liên khi tổ chức vào ngày 15-16/3 Âm lịch hàng năm đều có nơi là Bạch Mai, Phương Liệt và Quỳnh Lôi rước kiệu đến, chứng tỏ những nơi này thờ cùng một vị thần với đền Kim Liên. Tuy nhiên, đình Đại, nơi cũng thờ Trấn Nam Cao Sơn đại vương ở Bạch Mai, lại có thần tích chép đó là Cao Hiển, người Bắc quốc…
Câu đối ở đình Đại Bạch Mai:
凌雲彩筆星斗動文光飄然身上僊宮出世名留前北史
浮水石碑古今傳異事獨是匡扶帝統平胡功在我南邦
Lăng vân thái bút tinh đẩu động văn quang, phiêu nhiên thân thượng tiên cung, xuất thế danh lưu tiền Bắc sử
Phù thủy thạch bi cổ kim truyền dị sự, độc thị khuông phù đế thống, bình Hồ công tại ngã Nam bang.
Dịch:
Bút sáng tỏa mây, sao Đẩu động ánh văn, thân nhẹ bay lên cung tiên, xuất thế danh lưu sử Bắc trước
Bia đá dạt sông, xưa nay truyền sự lạ, một tay phù trợ triều đế, dẹp Hồ công ở nước Nam ta.
Vế đối đầu nói ca ngợi văn tài của Cao Hiển khi đỗ đạt ở Bắc quốc. Vế đối sau đề cập rất rõ chuyện bia đá trôi sông được vớt lên, và chuyện phù trợ Lê Tương Dực lên ngôi. Tức là khẳng định Cao Hiển ở đình Đại cũng chính là Cao Sơn đại vương của đền Kim Liên. Cũng là người đã đánh giặp giặc Hồ ở nước Nam.
Hoành trướng ở đình Đại: Lưỡng quốc phong vương hiệu, chỉ ra rằng Cao Sơn đại vương là người Bắc được phong thần ở nước Nam. Đình Đại Bạch Mai còn thờ cả vợ ông Cao Hiển, cũng như đình Phương Liệt thờ bà Đàm Hoa là vợ Cao Sơn.

Luong quocHoành trướng Lưỡng quốc phong vương hiệu ở đình Đại Bạch Mai.

Việc liên hệ Cao Hiển với Cao Biền không phải chỉ bây giờ mới có. Trong Hải Dương địa dư, tổng đốc Hải Dương thời Nguyễn là Phan Tam Tinh đã nhận xét về đền thần Cao Vương ở Hải Dương như sau:
Nay khảo xem quan chế đời Tống không thấy có chức Đại thừa tướng, quan danh sử truyện cũng không có bề tôi nào họ Cao tên Hiển cả. Vả, Khánh Lịch ngang với đời vua Lý Thái Tông, Cao Vương có công với nhà Tống thì nhà Tống thờ là đáng, cớ chi lập miếu thờ lại sang cả nước ta? Duy Cao Biền nhà Đường là Quận vương Bột Hải, từng sang làm Tiết độ sứ [nước ta], hoặc trước kia tướng tá có lập đền thờ, rồi dân sở tại nhân đấy mà thờ, cứ thế truyền sai đi mà thôi.

Trấn Tây – Không Lộ thiền sư: Như vậy vị trí còn lại là trấn Tây phải dành cho Không Lộ thiền sư. Ở Hoa Lư vị này được chép là Nguyễn Minh Không, quê ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình). Nay ở Đàm Xá còn đền thờ thánh Nguyễn khá đẹp. Nguyễn Minh Không có công chữa bệnh cho vua Lý nên được phong là Lý triều quốc sư… Tuy nhiên, thân thế sự nghiệp của vị quốc sư này còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ.
Một trong những nơi thờ chính của Không Lộ thiền sư là chùa Keo tại làng Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định). Ở đây sự tích của vị thiền sư này lại bị lẫn lộn với vị Dương Không Lộ, cũng là thiền sư nhưng quê ở Thái Bình.
Cũng tại Hành Thiện còn có ghi chép cho rằng Không Lộ thiền sư là đạo sĩ Thông Huyền trong câu chuyện hai vị Giác Hải và Thông Huyền hạ tắc kè thời Lý Nhân Tông. Vua lấy đó làm lạ, làm một bài thơ khen:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên.
Nếu Giác Hải là tu Phật thì Thông Huyền là một đạo sĩ (“thần tiên”). Mà bản thân Không Lộ thiền sư có lẽ không hẳn là người tu Phật hoặc tu theo dòng Mật tông, chứ không phải Thiền tông. Với những gì ông làm như đi trên không, có phép rút đất, chữa bệnh cho vua… thì có vẻ ông là một pháp sư (thầy phù thủy) hơn là một tăng sĩ của đạo Phật. Việc đặt Không Lộ thiền sư vào một trong Tứ trấn Hoa Lư cũng cho thấy ông là một pháp sư, giỏi nghề trấn yểm.

Dai phap su

Hoành phi Đại pháp sư ở trước cung cấm chùa Keo Hành Thiện.

Bia đá tại chùa Keo Hành Thiện ghi rõ: ”Thần Quang tự Đại pháp sư bi”. Tức là gọi Không Lộ là Đại pháp sư. Hoành phi trong chùa cũng ghi vậy. Đôi câu đối về Không Lộ thiền sư ở chùa Keo Hành Thiện:
幽秘會三玄地可縮天可升靈跡渺茫四器併隨雷雨化
神通超六智水衣濡火衣熱塵寰遊戱百針特為帝王醫
U bí hội tam huyền, địa khả súc, thiên khả thăng, linh tích diểu mang, tứ khí tinh tùy lôi vũ hóa
Thần thông siêu lục trí, thủy bất nhu hỏa bất nhiệt, trần hoàn du hí, bách châm đặc vị đế vương y.
Dịch:
Thâm bí đủ tam huyền, phép rút đất, phép bay không, tích thiêng mênh mông, bốn vật hội theo mưa sấm hóa
Thần thông vượt lục trí, nước không chìm, lửa không nóng, cõi trần dạo chơi, trăm kim chuyên chữa bệnh đế vương.

Buc cham Hanh Thien 2

Một mảng chạm bên nóc mái ngoài cung cấm chùa Keo Hành Thiện.

Còn một liên hệ khác, đó là chuyện Pháp sư diệt Mộc tinh được nói tới trong Lĩnh Nam chích quái. Truyện Mộc tinh có đoạn cuối như sau:
…Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Văn Du Tường vốn người phương bắc, đức hạnh thanh cao, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân man, học được thuật làm nanh vàng và răng đồng, năm hơn 80 tuổi sang nước Nam ta. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho nghề tạp kỹ để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y. Đoàn tạp kỹ này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Hàng năm tới tháng 11 lại dựng lầu Phi Vân cao 20 thước, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây chão dài 136 thước, đường kính rộng 2 tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên trên dây mà chạy nhanh 3,4 lần, đi đi lại lại mà không ngã. Kỵ đầu đội khăn đen, mình mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Can hai tay cầm hai cán cờ. Hai người đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì lại tránh, lên xuống mà không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy một tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên trên cây cao 17 thước 3 tấc, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 cái, tiến tiến lùi lùi điên đảo. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, dài 5 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà lăn. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, la hét kêu gào, chuyển động chân tay, vỗ đùi vỗ bụng, tiến lùi lên xuống, hoặc cưỡi ngựa bôn tẩu, cúi mình xuống lấy vật ở dưới đất mà không ngã. Khi thì Thượng Hiểm ngả mình nằm ngửa lấy thân đỡ một cái gậy dài rồi cho đứa trẻ trèo lên mà không rớt xuống. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Lại giết súc vật mà tế. Thần Xương Cuồng tới, thấy thế bèn đến xem, pháp sư đọc mật chú rồi lấy kiếm mà chém. Thần Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết, không thể trở lại thành yêu nữa. Lệ tiến lễ hàng năm bèn bỏ, dân lại sống yên lành như xưa.
Cái tên pháp sư Văn Du Tường nếu so ra với Dương Không Lộ thì rất gần nhau. Tường – Dương. Văn Du hay Vân Du, cùng nghĩa với Không Lộ. Như đã biết, thời Đinh của nước ta chính là thời kỳ đầu của nhà Lý. Vì thế nói pháp sư thời Đinh thì cũng là Lý pháp sư hay Lý triều quốc sư.
Không Lộ ở Ninh Bình còn được gọi là ông Khổng Lồ, là người có những sự tích kỳ lạ như gánh núi, bắt cá… Nay nếu ông Khổng Lổ có thêm “chặt cây”, diệt Mộc tinh thì cũng là tương đồng.
Đặc biệt hơn nữa, trong văn hóa dân gian còn bảo lưu được tục diễn trò rối đầu gỗ ở khu vực Nam Định. Trò này còn gọi là trò Ổi Lỗi mà trung tâm là 6 đầu rối bằng gỗ, gọi là các thánh tượng, được diễn với nghi thức thờ thánh, tức là thờ các vị “pháp sư” Từ Đạo Hạnh và Không Lộ. 6 “thánh tượng” này do đó rất giống với 6 vị đoàn tạp kỹ biểu diễn của pháp sư Văn Du Tường là: Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Thánh tượng đọc thiết âm là Thượng. Như thế 6 nhân vật tham gia diễn trò trừ thần Xương Cuồng là 6 thánh tượng Kỵ, Can, Hiếm, Đát, Toái, Câu. Sự tích pháp sư trừ thần Xương Cuồng hóa ra thuộc về Không Lộ thiền sư.

Buc cham Hanh Thien 3

Mảng chạm những đầu người đầy thần bí ở chùa Keo Hành Thiện.

Để kết thúc khảo cứu tổng hợp về Tứ trấn, xin bàn thêm về vai trò của các pháp sư trong lịch sử. Có thể thấy thời đại nào các pháp sư cũng đóng vai trò quan trọng, tham gia vào chính sự của đất nước. Từ thời Hùng Vương đã có Lão Tử, vị đại giáo chủ của Đạo Giáo, khuyên răn vua Chu trong thời suy mạt. Hoặc chính các quan cai trị đứng đầu một khu vực là các pháp sư hay tu sĩ như trường hợp của Sĩ Nhiếp và Cao Biền. Cho đến như Không Lộ làm quốc sư – đại pháp sư cho triều Đinh – Lý hẳn cũng đã góp công đáng kể vào việc kiến thiết nước Đại Việt lúc ban đầu với những việc như chữa bệnh, đúc tứ đại khí An Nam, diệt trừ tà (thần Xương Cuồng)…

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ trấn Thăng Long

Trước hết thử bàn về khái niệm Tứ trấn. Khái niệm này chỉ áp dụng cho một khu vực nhất định mà mỗi “trấn” chiếm một phương vị của 4 phương xung quanh khu vực đó. Trong khi Tứ linh cũng theo 4 phương nhưng vì không có khu vực trung tâm cố định nên phương vị của Tứ linh không rõ ràng như Tứ trấn.
Điểm thứ hai cần bàn là khu vực được trấn giữ này là khu vực có tầm quan trọng, thường là kinh đô của quốc gia. Có là kinh đô thì mới cần đến 4 vị thần trấn 4 hướng. Trong dân gian có 2 nơi có bộ thần Tứ trấn là cố đô Hoa Lư và kinh thành Thăng Long, cho thấy khái niệm Tứ trấn đi liền với khu vực kinh thành.
Điểm thứ ba là khái niệm thần “trấn” phương của kinh thành thì phải là những vị thần có khả năng “trấn” áp tà ma, bảo vệ vượng khí cho kinh đô. Những vị võ tướng dù đánh giặc rất giỏi cũng không thể đóng vai trò “trấn trạch” được vì đánh giặc và trấn tà là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Các vị tướng đánh giặc do đó chủ yếu sẽ nằm ở bộ Tứ linh, chứ không phải Tứ trấn.
Như vậy, các vị thần trấn phương phải là những… Pháp sư, tức là những người có “phép” trừ yêu dẹp quỷ, thông thạo phong thủy địa lý, có khả năng trấn trạch,…  Như vậy thì mới có thể là thần bảo hộ một phương của kinh thành. Đây là khái niệm quan trọng, mang tính phát hiện khi xét tới các bộ Tứ trấn trong 2 kinh đô xưa của nước Việt.

THĂNG LONG TỨ TRẤN
Dễ nhận ra lai lịch nhất là thần Trấn Bắc – Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền thờ vị này là đền Quán Thánh nằm ở đầu phố Thụy Khuê bên Hồ Tây. Như đã từng xác định, Huyền Thiên đại thánh là Lão Tử, vị tổ của Đạo Giáo. Thời Đường Lão Tử được phong là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế, liên quan tới sự kiện lên ngôi của Lý Thế Dân Đường Thái Tông ở cửa Huyền Vũ. Huyền Vũ là phía Bắc.
Lão Tử tất nhiên rất giỏi công việc của một “pháp sư”, trừ yêu dẹp quỷ. Lão Tử vốn là quan thủ thư của nhà Chu, khi Tây Chu suy, chuyển dời sang phía Đông, vùng Đông Đô gặp một trận động đất lớn. Quan thủ thư lúc này có thể có vai trò như một thầy cúng của triều đình. Lão Tử nhân cơ hội động đất đã bày đặt chuyện quỷ thần lập đàn cúng tế, khai quật xương cốt trên núi, nói là của các đời Hạ Thương, nhằm răn dạy vua Chu về lẽ trời và đạo lý.

Chua Kim Quy

Thần chúa Kim Quy làm lễ bái Huyền Thiên đại thánh trong lễ hội tại đền Sái (Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội).

Truyền thuyết Việt chép chuyện Lão Tử thành việc Huyền Thiên đại thánh (cụ già – Lão Tử) đã cử thần Kim Quy giúp An Dương Vương trừ Bạch Kê Tinh ở núi Thất Diệu khi xây thành Cổ Loa. Câu đối ở nghi môn Miếu Bạch Kê ở Yên Phong, Bắc Ninh:
千秋鈥鈿前王澤
百越山河故國恩
Thiên thu hỏa điền tiền vương trạch
Bách Việt sơn hà cố quốc ân
.
Dịch:
Hỏa điền ngàn năm lộc vua trước
Núi sông Bách Việt ơn nước xưa.

Miếu Bạch Kê là nơi thờ tinh gà trắng trong truyền thuyết về An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Miếu nằm trên núi Thất Diệu, tương truyền là nơi xưa kia An Dương Vương đã diệt Bạch Kê tinh ở đây.

Mieu Bach Ke

Nghi môn miếu Bạch Kê.

Câu đối trên nói chuyện Bạch Kê là chuyện của cả Bách Việt và Bạch Kê là “tiền vương” của An Dương Vương. “Tiền vương” hay vua đời trước của An Dương Vương, tức là Hùng Vương. Câu đối như thế nói Hùng Vương là vua chủ của Bách Việt.
Theo truyền thuyết thì Bạch Kê tinh là linh khí của các vua đời trước đã hiện lên ngăn cản An Dương Vương xây thành. Cũng trong truyền thuyết kể rằng An Dương Vương “liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt“.
Miếu Bạch Kê nằm ở thị trấn Sọ với sự tích trước đây ma quỷ thường ám hại người qua lại, nên để lại rất nhiều xương cốt và đầu lâu. Do đó nơi này có tên là Sọ. Sự tích này ứng với việc An Dương Vương đã đào được xương cốt của các vua đời trước tại núi Thất Diệu. Nói theo ngôn ngữ khảo cổ là đã khai quật được các mộ cổ ở núi này.

IMG_1631 (2)

Hoàn tiền có chữ Đông Chu tìm thấy ở vùng Cổ Loa.

Hai chữ Hỏa điền viết ở bộ Kim 金, chỉ đồ dùng bằng kim loại. Trong số các “hiện vật khảo cổ” đã tìm được ở Cổ Loa có những đồ tế khí bằng đồng từ thời Thương Chu và cả những đồng hoàn tiền (Điền 鈿 nghĩa là tiền) đúc nổi 2 chữ Đông Chu rõ ràng.
Chính vì năng lực trấn quỷ trừ tinh ở thành Cổ Loa mà Huyền Thiên đại thánh được đặt làm thần Trấn Bắc của kinh thành Thăng Long. Nhà Lý đã rước Huyền Thiên từ núi Sái (Thụy Lôi, Đông Anh) về lập đền thờ ở Thụy Khuê, trấn Bắc kinh thành Thăng Long là vậy.

Vị thần Trấn Tây là Linh Lang đại vương được thờ ở đền Thủ Lệ và đền Voi Phục ở cuối Thụy Khuê bên Hồ Tây. Vị thần này được truyền thuyết kể là hoàng tử nhà Lý có công đánh giặc Vĩnh Trinh. Nhưng thời Lý (dù là Tiền hay Hậu Lý) của nước ta không hề thấy sách sử ghi có hoàng tử nào như vậy và có loại giặc nào là giặc Vĩnh Trinh cả. Đây là một nhân thần hoàn toàn ở một thời điểm khác, sớm hơn nhiều so với nhà Lý sau này.
Cách đánh giặc của Linh Lang đại vương mới thật kỳ lạ. Ông dùng một lá cờ lớn, cưỡi voi bay ra trận là giặc tan. Đánh giặc bằng cờ thì chỉ có là đánh ma quỷ, dùng cờ như pháp bảo của một pháp sư để diệt.
Linh Lang đại vương chính xác là Ninh Lang, hay Chu Công, nghĩa là vị Công tước của phía Tây (Chu = Chiêu; Ninh là tính chất tĩnh, định của hướng Tây). Chu Công là người đã xây thành Đông Đô nên được chọn làm người bảo hộ cho kinh thành Thăng Long, rất hợp lý. Chu Công cũng là một trong tứ thánh của Dịch học, có những đóng góp vào việc hoàn thiện Dịch lý. Ông dẹp giặc (cuộc nổi loạn của hậu duệ nhà Ân) chủ yếu nhờ ân đức, chứ không phải võ lực. Do đó cũng có thể coi ông là một Pháp sư. Chí ít thì ông cũng đã là Thái sư dưới triều Chu Thành Vương.

Thu Le

Nghị môn ngoại đền Thủ Lệ – Tây Trấn từ.

Vị thần Trấn Đông là thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm. Vị thần này là ai mà lại được tôn làm thần trấn Đông của kinh thành?
Câu đối ở đền Bạch Mã:
南國上神四鎭升龍傳越史
東城顯聖壹威馬跡正光天
Nam quốc thượng thần, tứ trấn Thăng Long truyền Việt sử
Đông thành hiển thánh, nhất uy mã tích chính quang thiên.
Dịch
Thượng thần nước Nam, Thăng Long tứ trấn truyền sử Việt
Hiển thánh thành Đông, dấu ngựa một uy tại trời xanh.
Long Đỗ cũng là Long Độ vì chữ Đỗ là viết kiêng húy Trần Thủ Độ từ thời Trần. Long Độ đình hầu chính là Sĩ Nhiếp. Sĩ Vương là người đã gìn giữ thành Luy Lâu – Long Biên (Bắc Ninh) trong thời loạn lạc hàng chục năm, nên được lấy làm thần bảo hộ hướng Đông cho thành Thăng Long là hợp lý. Sĩ Vương là một tu sĩ đạo Bà Là Môn, liên quan đến việc hô mây gọi gió của Tứ pháp.
Sĩ Vương “khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người”. Hình ảnh này cho thấy Sĩ Nhiếp từng là một tu sĩ hay pháp sư, có người Hồ đi theo đốt hương phục vụ. Những truyện thần kỳ khác cũng được kể về Sĩ Nhiếp như truyện ông đã chết đi 3 ngày lại còn sống lại sau khi được Đổng Thừa cho uống thuốc tiên…

Bach Ma

Đền Bạch Mã.

Sang vị thần cuối cùng của Tứ trấn Thăng Long là thần Trấn Nam – Cao Sơn đại vương. Đền thờ chính của vị này là đình Kim Liên ở quận Đống Đa ngày nay. Nhận xét rằng các thần Tứ trấn kinh thành là các pháp sư, thầy cúng hay thầy địa lý, một lần nữa xác nhận rằng Cao Sơn đại vương ở Kim Liên là thầy phong thủy nổi tiếng Cao Biền thời Đường. Tài trấn yểm của Cao Vương thì chắc chẳng phải bàn.
Cao Vương là người đã xây thành Đại La nên được tôn thờ làm thần bảo hộ kinh thành Thăng Long hoàn toàn hợp đạo và hợp lý. Cao Vương là thần Trấn Nam vì thành tích chính của ông là dẹp giặc Nam Chiếu. Vùng phía Nam Hà Nội (Thường Tín), Ninh Bình (Phụng Hóa, Nho Quan), Thanh Hóa (Thọ Xuân), tới tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều có các đền thờ Cao Biền, thờ đúng tên Cao Biền hoặc dưới tên Cao Sơn Cao Các đại vương.

Khe Hoi

Nghi môn đình Khê Hồi (Thường Tín, Hà Nội), nơi thờ Cao Sơn đại vương.

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ bất tử và Tứ linh

TỨ BẤT TỬ
Bộ tứ tiếp theo thường được nhắc đến là Tứ bất tử. Quan niệm rằng tứ bất tử là biểu trưng hóa các giá trị tinh thần trong các lĩnh vực đời sống xã hội của dân gian là không chính xác. Hầu hết các thần linh Việt đều là biểu trưng của các giá trị này như đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất,… Nhưng tại sao lại chỉ có 4 vị được gọi là bất tử?
Bất tử là khái niệm và mục tiêu tu hành của đạo Giáo hay đạo Thần tiên. Các đạo sĩ tu hành nhằm hóa thành tiên, tức là thành những người bất tử, bất diệt. Vì thế các vị thánh bất tử đầu tiên phải là những đạo sĩ hay tu sĩ, có khả năng làm cho mình trở nên “bất tử” dưới các hình thức khác nhau.
Đứng đầu các vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh. Khác với việc là vua cha cai quản Nhạc phủ, Tản Viên Sơn Thánh được gọi là bất tử vì ông có phép thần là cây gậy thần do Thái  Bạch Tử Vi thần tướng trao tặng trên núi Ba Vì. Cây gậy thần này có khả năng làm cho người chết sống lại, Tản Viên đã từng dùng nó để cứu sống con rắn thần, là con của Long Vương, nên Tản Viên lại được nhận thêm cuốn sách ước khi đi xuống thăm thủy cung Động Đình.
Gậy thần sách ước của Tản Viên là Hà thư Lạc đồ, là 2 bảo vật mà Đại Vũ đã nhận được từ Phục Hy trong truyền thuyết Trung Hoa. Tản Viên Sơn Thánh không ai khác chính là vua Đại Vũ trị thủy nổi tiếng, nhờ biết vận dụng những kiến thức khoa học về trời đất (Hà Lạc) của thời hồng hoang, chinh phục thắng lợi cơn hồng thủy, khởi dựng nên nước Việt. Nơi Đại Vũ khơi thông dòng Hắc Thủy là cửa Long Môn, tức là khu vực Thác Bờ trên dòng sông Đà (sông Đen) ở Hòa Bình. Công nghiệp của Đại Vũ – Tản Viên gắn với ngọn núi Ba Vì và dòng sông Đà.
Đứng thứ hai trong các thần bất tử không phải là Phù Đổng Thiên Vương mà là Chử Đồng Tử hay còn gọi là Chử Đạo Tổ. Thứ bậc trong tứ bất tử xác định bởi năng lực “bất tử” của các vị thần này và thời gian xuất hiện của họ. Những vị thần có năng lực càng cao thì sẽ xuất hiện càng sớm trong dòng lịch sử dân gian. Chử Đồng Tử là người đi tu tiên, cho dù truyền thuyết kể là đi thụ giáo lão Phật Quang ở Quỳnh Lâm. Phật ở đây chỉ có nghĩa là người tu hành đắc đạo, không có nghĩa là đạo Phật như ta hiểu ngày nay, vì thời Chử Đồng Tử đã làm gì có ông Thích Ca Mầu Ni ra đời mà có Phật giáo.
Phép bất tử của Chử Đạo Tổ (cái tên Đạo Tổ chỉ rõ đây là một Đạo sĩ) nằm ở cây gậy và chiếc nón (trượng lạp). Cùng với sự hỗ trợ của công chúa Tây Sa (thực ra là Tây Vương Mẫu) Chử Đồng Tử đã dùng cây gậy đầu sinh đầu tử này đi cứu chữa cho nhân dân. Chử Đồng Tử và Tiên Dung là cách kể khác của các vị thần bất tử Hậu Nghệ và Hằng Nga trong truyền thuyết Trung Hoa. Hậu Nghệ là người đã làm gián đoạn nhà Hạ thời Hạ Thái Khang (tranh ngôi theo kiểu lấy con gái vua mà không được sự đồng ý), rồi sau đó cùng Hằng Nga bay lên cung trăng. Truyền thuyết Việt kể thành truyện Đầm Nhất Dạ, trong một đêm Chử Đồng Tử và Tiên Dung cùng lâu đài thành quách phút chốc bay về trời.
Vị trí thứ ba của thần bất tử được gọi là Phù Đổng Thiên Vương. Tuy nhiên, đức Thánh Dóng làng Phù Đổng mà gọi là bất tử rõ ràng là không phù hợp, vì Thánh Dóng không hề đi tu ngày nào và không hề có phép bất tử. Ở đây các nhà bác học đã nhầm. Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương hay Huyền Thiên đại thánh. Chứng thực điều này là đền Bộ Đầu ở bên sông Hồng (thuộc xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội), nơi thờ Đổng Thiên Vương Huyền Thiên đại thánh. Huyền Thiên là vị thánh đã giúp An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ ở núi Thất Diệu khi xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên Trấn Vũ không phải ai khác chính là vị Lão Tử nổi tiếng, vị đạo tổ của đạo Giáo Trung Hoa. Gốc tích thành nghiệp của Lão Tử là ở Cổ Loa, nơi đền Sái trên núi Thất Diệu thờ Huyền Thiên và làng Thổ Hà nơi thờ Thái Thượng Lão Quân.
Lão Tử được gọi là bất tử thì khá dễ hiểu vì ông là Thái Thượng Lão Quân, chuyên nghề luyện kim đan giúp con người sống trường sinh bất lão. Hiểu nôm na thì Huyền Thiên Lão Tử vốn là một đạo sĩ bác sĩ, đã giúp nhân dân phòng chống đại dịch Xích Tị hay dịch hạch vào thời giao kỳ giữa Tây Chu và Đông Chu. Xét về thời gian và năng lực như vậy thì rõ ràng Lão Tử đứng thấp hơn Đại Vũ Tản Viên và Hậu Nghệ Chử Đạo Tổ vì không có phép cải tử hoàn sinh mà chỉ có thuật trẻ mãi không già.

P1230442Gác chuông đền thánh Nguyễn ở Gia Viễn (Ninh Bình).

Riêng vị trí thứ tư của Tứ bất tử lại có tới 3 người từng được xếp ở đây. Đó là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và thánh mẫu Liễu Hạnh. Đặc điểm rõ ràng là cả 3 vị này đều là những đạo sĩ. Nguyễn Minh Không theo bia ở chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) còn được gọi là “Đại pháp sư”. Khả năng của các vị này khá hạn chế, còn chưa được trường sinh bất lão như Huyền Thiên Lão Tử. Các vị vẫn phải “hóa”, rồi tái sinh chuyển thế. Như Từ Đạo Hạnh hóa sinh thành Lý Thần Tông hay nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh có tới 3 lần sinh hóa. Ở vị trí này ảnh hưởng của đạo Phật thấy cũng khá rõ vì Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không đều là các nhà sư, còn Liễu Hạnh công chúa đã quy y Phật sau trận chiến ở Sòng Sơn. Bản thân khái niệm “hóa sinh” hay luân hồi là khái niệm của Phật giáo, không phải gốc của đạo Giáo.

Song SonChính điện Sòng Sơn (Thanh Hóa).

TỨ LINH
Tứ linh là khái niệm ngày nay ít được nhắc tới, nhưng đó từng là khái niệm được ghi nhận đối với thần điện Việt. Lời tiếm bình Việt Điện u linh của tiến sĩ thời Lê là Cao Huy Diệu chép “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. Vậy Hương Bổng Đổng Đằng là những ai?

Ninh SonĐình Ninh Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nơi thờ Lý Ông Trọng.

Thần Hương: khá rõ là Thụy Hương Lý Ông Trọng. Lý Thân là một đại tướng, phò mã của Tần Thủy Hoàng, trấn giữ giặc Hung Nô hay người Hồ (Hung Nô thiết Hồ), tức là người Chiêm ở vùng Tây Nam nhà Tần. Vì thế Lý Thân còn gọi là đức thánh Chèm (chính xác là Chiêm vì Từ Liêm thiết Chiêm). Lý Thân mất, Tần Thủy Hoàng vô cùng thương tiếc cho đặt làm tượng đồng và để ở Hàm Dương, đe dọa Hung Nô. Hàm Dương thiết Hương, tức là tượng đồng Ông Trọng đặt ở ngay làng Thụy Hương chứ chẳng phải ở tận Thiểm Tây ở phía Bắc.
Đặc biệt là khái niệm Tứ linh được sắp xếp theo đúng Ngũ hành. Thần Hương chiếm phương vị ở phía Tây, dùng màu trắng (vợ của Lý Thân là Bạch Tĩnh Cung công chúa), tượng là Chim (Chiêm).
Thần Bổng: tìm khắp thần điện Việt không thấy vị nào có tên là Bổng cả. Nhưng lại có Phù Đổng thiết PhổngBổng. Thần Bổng chính là Phù Đổng Thiên Vương Thánh Dóng, người đã ăn cơm cà mà lớn nhanh như thổi, phi ngựa sắt làm nên cuộc chiến thần thánh, đánh Trụ diệt Ân, khai quốc Văn Lang ngàn năm bay bổng. Thánh Dóng sau trận chiến đã về nơi núi Sóc mà bay bổng về trời. Xét về phương vị thần Bổng chiếm hướng Nam hay hướng Sóc, dùng lửa (ngựa phun lửa).
Thần Đổng: như đã biết Đổng Thiên Vương chính là Huyền Thiên Trấn Vũ hay Lão Tử, vị tổ của đạo Giáo. Phương vị của Đổng Thiên Vương rõ ràng là hướng Bắc, màu đen (Huyền). Linh vật là Rắn và Rùa. Huyền Thiên trong các tượng thờ thường được thể hiện là vị thần có khả năng khiển quy xà, với hình thanh xà kiếm, chống lên lưng rùa.
Thần Đằng: thần Đằng Châu hay vua Mây họ Phạm ở Hưng yên, được nói tới với khả năng hô mưa gọi gió, hiển linh làm nửa phần sông tạnh, nửa phần mưa. Truy nguyên nguồn gốc thì đây chính là Sĩ Nhiếp hay Phạm Tu, người đã duy trì nền tự trị của Giao Châu trong vòng 40 năm thời loạn cuối thời Đông Hán và Tam Quốc. Sĩ Nhiếp là một tu sĩ Bà La Môn, theo thầy Khâu Đà La trong truyện Man Nương, thờ thần dông tố Indra, được biến tướng trong tín ngưỡng dân gian thành Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Vua Mây cũng là có nghĩa như vậy. Vua của mây cũng là Rồng nên thần Đằng chiếm phương Đông (Đằng), có tượng là rồng.
Như thế Tứ linh là những nhân thần có công lớn, rất được tôn sùng, trở nên linh thiêng ở 4 hướng Đông Tây Nam Bắc. Biểu tượng Tứ linh còn gắn với bộ 4 linh vật là Long Ly Quy Phượng, tuy ở vị trí Tây và Nam ở đây có sự hoán đổi: chim Phượng lại gắn với Lý Ông Trọng ở hướng Tây, còn loài động vật lông mao (Ly ở đây thay bằng Ngựa phun lửa) của hướng Tây lại gắn với thần Bổng của Sóc phương.

Các bộ tứ trong thần điện Việt: Tứ phủ công đồng

Tín ngưỡng thờ thần trong dân gian người Việt thường được đặc trưng bởi các “bộ tứ” khác nhau. Rất đặc biệt là phần lớn các bộ tứ này được định vị theo Ngũ hành, trong đó hành Trung tâm bị ẩn đi, hoặc nói cách khác ở vị trí trung tâm chính là vị trí của con người hiện tại, được bao quanh bởi thế giới của các thần linh. Vì thế trước khi vào các bộ tứ trong thần điện Việt xin điểm qua khái niệm Ngũ hành.
Ngũ hành gồm 5 hành hay năm hình, được tượng trưng bởi các loại vật chất (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Mỗi hành đồng thời cũng tương ứng với 1 mùa (thời gian), 1 màu sắc, 1 loại linh vật, 1 phương hướng,… Có thể kê sơ bộ các tượng của Ngũ hành như sau:
– Kim: phương Trung tâm, màu Vàng, hiện tại, con Người.
– Mộc: phương Đông, màu Xanh lá cây, mùa Xuân, con Rồng (long).
– Thủy: phương Bắc (nay), màu Đen (hoặc xanh chàm đậm), mùa Đông, con Rùa (quy).
– Hỏa: phương Nam (nay), màu Đỏ, mùa Hè, con Phượng.
– Thổ: phương Tây, màu Trắng, mùa Thu, con Lân.
Các bộ tứ gặp trong tín ngưỡng dân gian có thể kể đến Tứ phủ, Tứ linh, Tứ bất tử, Tứ pháp, Tứ trấn. Một vị thần hay một nhân vật có thể tham gia các bộ tứ khác nhau vì mỗi bộ tứ được sắp xếp với quy tắc và ý nghĩa riêng.

Ban Mau

Một ban thờ gồm Ba vị vua cha, Tam tòa thánh mẫu và Ngũ vị tôn quan.

Tứ phủ công đồng
Là thần điện của tín ngưỡng Tam Tứ phủ mà nay bị gọi thành đạo Mẫu. Bản chất của tục thờ tam tứ phủ là thờ tổ tiên, thờ những vị quốc tổ, quốc mẫu, những nhân vật có công trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, có đức với nhân dân. Tứ phủ gồm 4 phủ là Thiên phủ, Thoải phủ, Nhạc phủ và Địa phủ là 4 phạm vi Trời, Nước, Núi và Đất, là nơi ngự trị của các thần linh, con người, cây cối và các sinh linh trên thế giới này. Đứng đầu mỗi phủ có 1 vị Vua cha và 1 vị Mẫu. Thấp hơn là tới hàng các quan lớn (chỉ có trong Thoải phủ), hàng chầu bà, các ông hoàng, các cô, cậu… Ở đây chỉ nêu các vị thần đứng đầu Tứ phủ, là những nhân vật có tầm “quốc gia”. Còn các hàng (các giá đồng) thấp hơn thường mang tính địa phương ở những vùng miền riêng biệt.
+ Thiên phủ
Thiên phủ là nơi của các thần linh, được cai quản bởi Ngọc hoàng Thượng đế và Tây Vương Mẫu trong đạo Giáo.
Vua cha Ngọc hoàng Thượng đế: ông Trời Ngọc hoàng Thượng đế chính là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của sử Việt. Đền thờ chính của Hùng Vương nằm ở núi Nghĩa Lĩnh (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ), dưới tên Đột ngột Cao Sơn. Đền thờ riêng Ngọc hoàng có ở một số nơi khác như ở đền Đậu An (Hưng Yên).
Mẫu Thượng thiên: hay còn gọi là Mẫu Cửu trùng. Đây chính là vị Tây Thiên quốc mẫu của núi Tam Đảo. Bà là người đã giúp vua Hùng đánh giặc và xây dựng đất nước từ thủa hồng mông ban đầu. Mẫu Cửu trùng trong đạo Giáo là Tây Vương mẫu hay là Cửu thiên huyền nữ.

Cửu trùngBệ thờ cửu trùng với 9 lớp rồng ở điện Hòn Chén (Huế).

+ Thoải phủ
Thoải phủ hay Thủy phủ trong địa lý văn hóa Việt ứng với hướng Đông, nơi có biển Đông (Động Đình) và đồng bằng sông Hồng (sông Đào). Cội nguồn của đạo Mẫu Tam Tứ phủ xuất phát từ khu vực này nên Thoải phủ đóng vai trò rất quan trọng trong thần điện của Tứ phủ.
Mẫu Thoải: vị mẫu của Thoải phủ là bà Xích Lân Long Nữ, là con gái của Long Vương Động Đình, vợ của Kinh Dương Vương. Trong các sự tích còn gọi là nàng Ba hay Quý Nương. Bà là người sinh ra Lạc Long Quân.
Vua cha Bát Hải Động Đình: đứng đầu thủy cung thì không ai khác là cha Lạc Long Quân mà người Việt coi là quốc tổ. Trong Tứ phủ Lạc Long Quân được gọi là vua cha Bát Hải Động Đình, xuất thế nơi biển Động Đình, đánh giặc Thục ở phía Tây, dựng nên nước Đào – Hoa – Hạ. Đền thờ chính là đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Ngũ vị tôn quan: Riêng Thoải phủ với vai trò lập quốc như vậy nên có thêm hàng các vị quan lớn, hợp thành ban Công đồng trong thần điện. Đây là những vị quan tướng đã theo vua cha Bát Hải làm cuộc “kháng chiến” đánh Thục và lập nên quốc gia lịch sử chính thức đầu tiên – Hoa Hạ.
Trong số 5 vị thì đáng kể nhất là Quan lớn đệ Tam và Quan lớn đệ Ngũ. Quan đệ Tam là Trưởng Lệnh hay Thổ Lệnh (Thủ Lệnh), đứng đầu quan chức của Thoải phủ. Nơi hiển danh của ông là Lảnh giang hay Yên Lệnh (nơi yên nghỉ của Trưởng Lệnh). Một số nơi ở vùng đồng bằng sông Hồng Quan đệ Tam có thể được gọi thành Quý Minh (thủy thần), xuất phát từ chữ Quý nghĩa là thứ Ba trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý. Quý Minh nghĩa là quan lớn thứ Ba hay đệ Tam.
Quan lớn đệ Ngũ còn gọi là Quan tuần Tranh, có lẽ là người “thi hành công vụ” chính (nay ta gọi là hành pháp). Nơi hiển danh chính là ở sông Tranh (Hải Dương). Quan đệ Ngũ còn được gọi là Thạch Khanh trong sự tích các vị thần Tam Giang của ngã ba Bạch Hạc. Vị này nổi tiếng còn bởi nỗi oan khuất, bị đày lên sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn.
Riên Quan lớn đệ Nhất thường cũng chính là vua cha Bát Hải hay Lạc Long Quân. Đền thờ của vị này có ở nhiều nơi dưới những cái tên khác nhau, như đền thờ Quảng Xung ở Hữu Vĩnh bên chân núi chùa Hương (Ứng Hòa, Hà Nội) hay đền thờ Phạm Hải ở An Cố, Thái Thụy, Thái Bình.
Sự tích ngũ vị tôn quan gặp rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng cho tới ngã ba Bạch Hạc Việt Trì dưới dạng ông Đào Công Bột (Bột Hải đại vương hay Bát Hải) lấy vợ sinh ra bọc trứng, nở ra 3 hoặc 5 con rắn thần, hóa thành các chàng trai, rồi được vua Hùng tuyển làm tướng phụ trách đường sông nước (thủy thần). Các vị này có công giúp vua Hùng (Lạc Long Quân) đánh giặc Thục vào quãng 4.000 năm trước, chính là thời điểm mà dân gian cho mốc bắt đầu lịch sử nước ta.

Huu VinhĐền thiêng Hữu Vĩnh.

+ Nhạc phủ
Nhạc phủ thường được hiểu là nơi có cây cối, chim muông sinh sống, đối lập với Thoải phủ là nơi ở của tôm cá, rồng rắn. Do Tứ phủ bắt đầu từ Thoải phủ ở phía Đông nên phần Nhạc phủ ở phía Tây có phần bị lu mờ trong tín ngưỡng. Sự chia cắt Đông – Tây có nguồn gốc sâu xa từ khi cha Rồng – mẹ Tiên tách đàn con Bách Việt thành 2, kẻ lên rừng, người xuống biển, hay là cuộc chiến Hùng – Thục được nói đến trong sự tích về Thoải phủ ở trên.
Ngũ nhạc thần vương: đứng đầu Nhạc phủ là Ngũ nhạc thần vương, không ai khác chính là Tản Viên Sơn Thánh. Vị thần này được bà mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn làm di chúc lại cho toàn bộ vùng rừng núi phía Tây và được phong là Nhạc phủ kiên thượng đẳng thần.
Mẫu Thượng ngàn: vị mẫu chủ của Nhạc phủ không đồng nhất ở các nơi. Có chỗ là công chúa Quế Hoa con vua Hùng. Có chỗ là công chúa La Bình con của Sơn Tinh. Rồi có chỗ là mẫu Đông Cuông người dân tộc miền núi. Đáng chú ý nhất, Mẫu Thượng ngàn là bà chúa Lâm Thao thời Hùng Vương hay công chúa Diệu Thiện đi tu Phật ở chùa Hương, trở thành Nam Hải Quan Âm.
Tam vị chúa Mường: Do Nhạc phủ từng có thời gian tách biệt ở phía Tây miền rừng núi nên hình thành thêm một bộ 3 vị chúa bà. Mỗi chúa bà có thể ứng với 1 phủ riêng trong Tam phủ. Bà chúa Tây Thiên ứng với Mẫu Thương thiên của Thiên phủ. Bà chúa Bói đệ nhị Nguyệt Hồ ứng với miền ao nước (Thoải) của rừng núi. Bà chúa Ót (út) là bà chúa Lâm Thao ứng với Mẫu Thượng ngàn như đã nói ở trên.
+ Địa phủ
Địa phủ là chốn gần con người nhất nên rất được tôn thờ. Tuy nhiên vị trí vua cha của Địa phủ là Diêm vương còn chưa xác định là nhân vật nào. Đáng chú ý Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái cung cấp thông tin:
Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ…

Trau SonKhu vực núi Trâu Sơn ở Quế Võ (Bắc Ninh).

Nếu theo tư liệu này thì vua của Địa phủ chính là Ân Vương, người đã chết trong trận chiến với Thánh Dóng. Tuy nhiên, có lẽ nhân vật Ân Vương quá xa lạ với người Việt nên vị trí này đang để thành “khuyết danh”. Và ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí vua cha Địa phủ hiện nay có lẽ là Hưng Đạo đại vương, vốn đã có trong các ban thờ Trần triều, luôn đi kèm với các nơi thờ Tam Tứ phủ.
Vị trí Mẫu Địa phủ khá rõ ràng là Vân Cát thần nữ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nhưng do mẫu Liễu gần con người quá, rất được sùng tín nên bà thay mặt luôn cho bà mẹ Trời, trở thành Thiên Tiên Thánh mẫu. Tuy nhiên, mẫu Liễu chỉ có thể đóng vai trò cai quản con người chứ không thể đứng đầu các thần tiên như Mẫu Cửu trùng được nên cho dù bà có được khoác áo đỏ, màu của Thiên phủ, nhưng nội dung quyền lực với người và thần của bà vẫn cần phân biệt.