Đôi điều về các vị tổ Thiền phái Trúc Lâm và Đạo Giáo

Một trong những tư tưởng nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là tư tưởng nhập thế tích cực. Tư tưởng này như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái mà được thể hiện rõ trong bài Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông:
Cư trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền.
Hay trong câu:
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đồ công.
Sau này có ý kiến cho rằng Trần Nhân Tông khi xuất gia đã không còn tích cực nhập thế, không còn tham gia việc thế tục nữa. Nhưng thực tế không phải vậy.
Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm rất có thể là ảnh hưởng từ Đạo Giáo. Ngay khi Trần Nhân Tông xuất gia đầu tiên ở hành cung Vũ Lâm đã có đạo sĩ luôn đi cùng Phật Hoàng như trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ thể hiện.
Trần Quang Chỉ trong bài dẫn đề trên bức tranh này đã ghi:
Tuổi ngoài 40, ngài bỗng có chí xuất gia, bèn truyền quốc đồ cho con, vào động Vũ Lâm tu tập… Thủa ấy có đạo sĩ Trung Quốc là Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại Sĩ, thăm thú các nơi, có lúc viễn du giáo hóa, tế độ các nước láng giềng. Các ngài đi về phương Nam, đến tận Chiêm Thành, khất thực ở kinh đô…
Nguyên văn là Trung quốc đạo sĩ Lâm Thời Vũ 中國林時雨. Ở đây “trung quốc đạo sĩ” nghĩa là một đạo sĩ trong nước, chứ không phải đạo sĩ đến từ Trung Quốc, vì để chỉ xuất xứ từ phương Bắc khi đó sẽ dùng nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh. Còn khái niệm Trung Quốc ở thời Trần rất không rõ ràng. Nhà Nguyên không phải Trung Quốc vì là người Mông Cổ. Còn nhà Minh thời đó (Minh Thành Tổ) đang làm chiếm cả vùng Bắc Việt thì sao phải phân ra Trung Quốc với An Nam?
Tương tự như trong cùng bài giới thiệu trên của Trần Quang Chỉ phần đầu có đoạn nói Trần Nhân Tông kỳ trị quốc dĩ nhân kỳ sự trung quốc dĩ thành 其治國以仁其事中國以誠. Câu này phải hiểu là “Trị nước có nhân, xử lý việc trong nước với tấm lòng chân thành”. Còn hiểu là “đối với Trung Quốc một cách thành thực” (???) thì câu trở nên rất vô lý và tối nghĩa.
Tên Lâm Thời Vũ giống một danh hiệu hơn là một tên riêng. Họ Lâm ở Việt Nam rất hiếm. Để hiểu danh hiệu này của một người Việt “trong nước” thì cần dùng tiếng Việt (tiếng Nôm) làm căn cứ.
Xét ra thì từ “Vũ” (cho dù nó được ghi âm bằng chữ Nho là 雨, 禹 hay 武) vốn dùng để chỉ Vua trong tiếng Việt.  Trong văn hóa Trung Hoa các vị vua khai mở triều đại được đặt tên hiệu là Vũ, như Đại Vũ khai mở nhà Hạ, Chu Vũ Vương lập nhà Chu,…
Vũ là biến âm của Ngũ, là con số 5, số trung tâm của Hà đồ và Lạc thư (河圖洛書), là Dịch tượng dùng để chỉ thủ lĩnh của cộng đồng, của Thiên hạ. Do đó nó tương đương với từ Vua của tiếng Nôm.
Khi hiểu như vậy ta sẽ thấy “Vũ Lâm” có nghĩa là “chỗ vua tu ẩn” (Lâm 林 ở đây là khu vực rừng núi). Còn “Lâm Thời Vũ” tức là người tháp tùng vua. Dùng nghĩa của chữ Lâm 臨, “lâm thời” nghĩa tiếng Việt là “đi theo”. Nghĩa này đúng như bài giới thiệu đã ghi: Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại Sĩ, thăm thú các nơi.
Bên cạnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông luôn có một đạo sĩ đi cùng, tới mức gọi luôn là ông Lâm Thời Vũ – “Đi Theo Vua”, chứng tỏ ảnh hưởng của Đạo Giáo tới việc tu thiền của Phật Hoàng rất lớn.
Ngay cả khi Trần Nhân Tông sang tận Chiêm Thành, thì tín ngưỡng ông không quên thúc đẩy ở đây là đề cao một vị thần bản xứ. Sách Trung Châu nhân vật ký của Lam Trà Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương ghi:
Khi lên xứ Trầm Hương – Đại Điền, nhớ lại tích xưa, tưởng niệm công đức của vợ chồng bà Tinh Vệ – Chấn Long, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông tôn phong Bà Tinh Vệ là Thiên Y Thánh Mẫu, và bàn với chúa Chiêm Chế Mân cho trùng tu lại ngôi đền thờ ông bà Tinh Vệ. Chúa Chiêm Chế Mân đã cho trùng tu ngôi đền. Trên mái trước đền tạc 4 chữ Nho Thiên Y Thánh Mẫu và 2 bên trụ đền tạc đôi câu đối do chính Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngự đề…

IMG_3140
Bia và tháp mộ Tam tổ Huyền Quang ở chùa Đại Bi.

Ảnh hưởng hay sự hòa đồng của Đạo Giáo trong Thiền phái Trúc Lâm còn thấy rõ ở sự tích của vị tổ thứ ba là Huyền Quang tôn giả. Xuất xứ của Tam tổ Huyền Quang hiện còn được lưu trên bia đá Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng nay ở chùa Đại Bi, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh. Sách Tổ gia thực lục chép nội dung tương tự như trên bia chùa Đại Bi, tóm tắt chuyện này như sau:
Thủy tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan hành khiển dưới triều Lý Thần Tông. Trải qua nhiều đời đến tổ phụ là Tuệ Tổ có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không ra làm quan, chỉ thích chuyện hay, sách lạ và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại chùa Ma Cô Tiên. Trong khi chợp mắt bỗng mơ thấy một con khỉ lớn đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà… Lê Thị hoài thai Sư đến 12 tháng…
Trước khi sinh nhà của Sư ở phía Nam chùa Ngọc Hoàng, một hôm thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là thiền sư Huệ Nghĩa mộng thấy Đức Phật chỉ Tôn giả A-Nan bảo hãy tái sinh làm pháp khí Đông độ và phải nhớ lại duyên xưa…
Chùa Ma Cô Tiên ở núi Chu Sơn (Châu Sơn hay Trâu Sơn) gần quê của Huyền Quang nay là chùa Cô Tiên ở Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh. Sự tích Ma Cô Tiên gắn với công cuộc khởi nghiệp của một vị đế vương lớn tại núi này là Triệu Vũ Đế. Tục thờ Triệu Vũ Đế vốn được phổ biến ở 8 làng trong khu vực núi Châu Sơn là Ngọc Xá, Cựu Tự, Châu Cầu, Thất Gian, Hữu Bằng, Kim Sơn, Long Khê.
Như thế hình tượng con khỉ lớn đội mũ triều thiên mặc áo hoàng bào ở đây chính là chỉ Triệu Vũ Đế. Sự tích này ám chỉ Huệ Quang là dòng dõi từ Triệu Vũ Đế. Điều này rất có thể vì Huệ Quang là dòng dõi nhà Lý. Theo thông tin địa phương ở Châu Sơn, thân tộc nhà Lý đã di cư đến đây khi triều đại đổi sang nhà Trần. Lý cũng là họ của nhà Triệu Nam Việt vì Triệu Vũ Đế là Lý Bôn.

IMG_3765Bia Thánh tổ Cô Tiên tự bi ký tại chùa Cô Tiên ở Châu Cầu.

Điểm chú ý khác là Ma Cô Tiên được gọi là Thánh tổ trên bia còn lưu ở chùa Cô Tiên tại Châu Cầu. Còn sắc phong của làng Châu Cầu gọi bà là Thông huyền Diệu hóa Thanh hư Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa. Có thể thấy đây là một vị tổ mẫu của Đạo Giáo. Chữ “Cô” chỉ người nữ tu. Ma Cô Tiên cũng là một phúc thần phổ biến trong Đạo Giáo.
Việc bà mẹ của Huyền Quang ngụ ở chùa Cô Tiên mơ thấy khỉ mang triều phục ném mặt trời hồng vào lòng mà sinh ra Huyền Quang ám chỉ khá rõ rằng Huyền Quang có xuất xứ từ Đạo Giáo. Thêm vào đó là việc nhà sư ở chùa Ngọc Hoàng cũng mơ thấy Huyền Quang là A-Nan Tôn giả giáng thế. Chùa Ngọc Hoàng nay ở thôn Thái Bảo, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh. Bia chùa còn ghi đây là “Ngọc Hoàng quán”, tức đây vừa là chùa vừa là quán. Quán thờ Ngọc Hoàng cho thấy yếu tố Đạo Giáo rất rõ.

IMG_3242
Bia Ngọc Hoàng quán ký ở chùa Ngọc Hoàng.

Huyền Quang còn được biết là người đã chắp bút (định bản) tác phẩm Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương, được mô tả là gồm các nghi lễ trong đạo Phật; các bài văn, các đạo bùa dùng trong lúc làm đàn chay, giải oan, phá ngục v.v.
Có thể thấy yếu tố bùa chú, đàn tràng, cúng giải oan, phá ngục… của Đạo Giáo được đưa vào Phật giáo thời Trần bởi chính Tam tổ Huyền Quang, hay chính qua Thiền phái Trúc Lâm từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

IMG_3114Đền Tam tổ ở chùa Đại Bi.

Câu đối ở đền thờ Trúc Lâm tam tổ tại chùa Đại Bi (Gia Bình, Bắc Ninh):
悲海運潮音喚醒山河千載夢
南天重聖瑞光囬社稷萬斯民
Bi hải vận triều âm, hoán tỉnh sơn hà thiên tải mộng
Nam thiên trùng thánh thụy, quang hồi xã tắc vạn tư dân.

Dịch:
Bể thương nổi tiếng triều, đánh thức núi sông ngàn năm mộng
Trời Nam dày điềm thánh, sáng soi đất nước vạn nhân dân.

 

Những điều mới biết về Ma Cô Tiên ở Châu Sơn

Ma Cô Tiên trong thần thoại Trung Hoa là một nữ thần trường thọ cùng với Tây Vương Mẫu. Thế nhưng ở Việt Nam lại có di tích và tục thờ Ma Cô Tiên từ lâu đời, gắn liền với một giai đoạn giao thời đặc biệt giữa huyền thoại và lịch sử.
Đại Nam nhất thống chí chép: Núi Trâu Sơn còn gọi là núi Vũ Ninh ở phía Đông huyện Quế Dương 12 dặm, núi non liên tiếp kéo dài, trên núi có Việt Tỉnh (Giếng Việt). Tục truyền đời Hùng Vương, vua nhà Ân sang xâm lăng, đóng binh ở dưới núi. Đổng Thần Vương đánh phá, Ân Vương chết tại núi này, người nơi ấy lập đền thờ, lâu năm đền bỏ hoang. Đến đời Tần có Thôi Lượng sửa sang lại. Ân Vương cảm ơn ấy sai Tiên Ma Cô trao thuốc tiên cho con của Lượng, chữa được bệnh bướu cổ. Ở bên núi có đền Ma Cô Tiên, lại có hai đền thờ, thờ Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương.

IMG_3798
Một tấm bia
? Cô Tiên tự với chữ bị xóa.

Ở Trâu Sơn nay tại làng Châu Cầu (xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh) có ngôi cổ tự mang tên chùa Cô Tiên. Khi xem các bia đá cổ tại chùa thì phát hiện thấy tất cả những chỗ có tên chùa đều bị đục mất 1 chữ trước chữ Cô Tiên. Theo ông Nguyễn Quang Khải, là một nhà nghiên cứu tôn giáo có thâm niên ở Bắc Ninh, thì cách đây hơn 30 năm ông đã từng đọc bia tại chùa này. Khi đó chữ bị đục vẫn còn nhận ra là chữ Ma và như thế chính tên ngôi chùa này là chùa Ma Cô Tiên 麻姑仙.
Sự tích về Ma Cô Tiên được ghi trong Truyện Giếng Việt của Lĩnh Nam chích quái: Tiết Thượng nguyên tháng Giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường. Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cởi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh.
Chuyện Ma Cô Tiên đánh vỡ bình ở đền được Thôi Vỹ (con của Thôi Lượng) cứu giúp rất giống truyện Từ Thức gặp tiên làm gãy cành hoa mẫu đơn ở huyện Tiên Du, cũng trong Bắc Ninh. Từ Thức sau vào hang động gặp được Giáng Tiên, còn Thôi Vỹ rơi xuống giếng rồi gặp Ma Cô Tiên, được Ma Cô Tiên tìm người con gái gả cho Thôi Vỹ. Từ Thức ra về bằng một cỗ xe đi rất nhanh còn Thôi Vỹ được kể là do Dương quan đưa về. Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trên núi, nay con dê ấy còn ở sau đền Việt Vương trên núi Trâu.
“Con dê đá” ấy nay đúng là vẫn còn ở Trâu Sơn, nhưng nó không phải là Dê. Nay ở làng Cựu Tự của xã Ngọc Xá còn một tượng đá lớn cao gần bằng người, có hình một con vật kỳ lạ, có chân móng guốc, có sừng cong như sừng dê. Nhưng con vật này trên thân có vảy và có cánh ngắn ở cổ vai. Quan sát kỹ còn nhận ra con vật này có mỏ nhọn như mỏ chim.

IMG_2719Tượng linh vật đá ở làng Cựu Tự.

So sánh với các hình tượng linh vật cổ chợt nhận ra, đây là con Phi Liêm, một dạng kết hợp giữa Rồng và Phượng. Phi Liêm là linh vật phổ biến vào thời Tần Hán ở Trung Quốc. Phi Liêm tượng trưng cho thần gió (Phong Sư) và là tiền thân của các hình tượng Thiên Lộc, Tỳ Hưu, Kỳ Lân sau này.
Truyện Giếng Việt cho biết: Đến đời Nhâm Ngao, Triệu Đà Nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh.
Như thế đền thờ Ân Vương ở Trâu Sơn đã được Triệu Đà cho xây sửa cúng tế hậu hĩnh. Đền Ân Vương cũng là nơi mà Ma Cô Tiên đã gặp Thôi Vỹ. Có thể nhận định rằng hình con Phi Liêm đá ở làng Cựu Tự chính là vết tích còn lại của ngôi đền Ân Vương được truyền thuyết nói tới.
Một sự tích khác được kể là giặc Ân khi tới núi Vũ Ninh (tức Trâu Sơn) đã bắt nhân dân ta phải cho ngựa đá ăn… Đây cũng là liên hệ giữa con “Ngựa đá” ở Trâu Sơn với nơi thờ Ân Vương. Tượng Phi Liêm bằng đá nay còn lại ở làng Cựu Tự là linh vật của đền thờ Ân Vương. Bản thân tên làng Cựu Tự nghĩa là nơi thờ cũ, cũng chỉ ra điều này.
Vậy còn đền thờ Triệu Vũ Đế được nói tới ở Trâu Sơn là ở đâu?

IMG_2533Khu đất trước đây là đình làng Hữu Bằng, với những tấm bia của đình bị vứt bỏ.

Sắc phong năm Minh Mệnh thứ 1 còn sao lưu được của làng Hữu Bằng xã Ngọc Xá cho thông tin: Sắc chỉ Bắc Ninh tỉnh Võ Giang huyện Bằng Xá Thất Gian nhị xã nhĩ nhị xã tòng tiền phụng sự Triệu Vũ Hoàng đế miếu tiết mông ban cấp.
Làng Hữu Bằng cũng là nơi còn lưu được bức tượng Triệu Vũ Đế bằng gỗ lớn bằng người thật cùng với nhiều bia công đức của đình làng. Thông tin từ sắc phong trên cho biết 2 xã Bằng Xá và Thất Gian được ban cấp phụng thờ miếu Triệu Vũ Hoàng Đế. Như thế bức tượng gỗ này và đình làng Hữu Bằng thực chất vốn là của miếu Triệu Vũ Đế được truyền thuyết và sách vở nói tới ở Trâu Sơn.

Tuong Trieu Vu De 2
Tượng Triệu Vũ Đế còn lại ở chùa Hữu Bằng.

Một chứng thực khác cho tục thờ Ma Cô Tiên ở Châu Sơn được bất ngờ tìm thấy tại chùa Đại Bi, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh. Chùa Đại Bi là nơi vị Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang lập nên để tưởng nhớ tới cha mẹ mình và nay còn đền thờ Huyền Quang. Trong sân chùa có mộ của vị Đại Sĩ này với tấm bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng khắc năm Tự Đức thứ 18. Tấm bia cho biết Huyền Quang vốn họ Lý, tên Đạo Tái. Bà mẹ họ Lê một lần đi lấy thuốc trên núi Châu Sơn, nghỉ tại chùa Cô Ma Tiên, mơ thấy một con khỉ đội mũ triều thiên mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà. Bà về có thai 12 tháng mới sinh ra con trai…
Tấm bia chùa Đại Bi là bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của ngôi chùa Ma Cô Tiên ở núi Châu Sơn. Câu chuyện con khỉ hầu mặc áo hoàng bào đội mũ triều thiên ở núi Châu Sơn mang đầy ẩn ý. Châu Sơn nơi chùa Ma Cô Tiên như đã biết là khu vực thờ Triệu Vũ Đế, xưa còn là hành cung của vua Triệu khi khởi nghĩa (khi lập đền thờ Ân Vương ở núi Vũ Ninh). Hình tượng khỉ mặc triều phục rõ ràng là chỉ Triệu Vũ Đế. Câu chuyện này muốn nói Tam tổ Huyền Quang là hậu duệ của họ Triệu (thực ra là họ Lý). Thông tin của người dân địa phương ở Châu Sơn cho biết nơi đây cũng là nơi ẩn trú của tôn thất nhà Lý khi nhà Trần lên thay.

IMG_3115
Bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng ở chùa Đại Bi.

Vị trí của ngôi chùa/đền Ma Cô Tiên ở núi Trâu/Châu Sơn như thế đã được xác định là chùa Cô Tiên tại làng Châu Cầu. Tuy nhiên, Ma Cô Tiên là ai mà lại có sự tích từ xa xưa và được thờ tự như vậy?
Truyện Giếng Việt kể Ma Cô Tiên dắt một người con gái đem cho Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Tụy. Cái tên Châu Cầu 珠球 có nghĩa là viên ngọc, là mối liên hệ với câu chuyện này.
Trong số các tấm bia còn lại ở chùa Cô Tiên có tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự Bi mà trên đó còn có thể đọc được một phần bài minh kể về sự tích của vị Thánh Tổ này. Bài minh này bắt đầu bằng việc ca ngợi chùa “? Cô Tiên” là một nơi “cổ tích danh lam” trên vùng đất “long sơn hổ thủy”, đã từng một thời rất thịnh đạt (nhất thời phát đạt). Nơi đây đã từng có một vị đế vương được các nơi xa phải ngưỡng chầu (viễn xứ triều ngưỡng) vì công nghiệp đã dẹp yên nạn binh đao, lưu danh vạn thế. Trong bài minh cũng đề cập đến một nhân vật nữ đã lấy chồng ở phương xa (nữ công viễn giá) và cuối cùng cho biết nơi đây từng là nơi tụ hội của các bậc anh kiệt (nam quán quần anh).
Thông tin từ bài minh trên tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự cho thấy Cô Tiên hay Ma Cô Tiên là một nhân vật có thật, liên quan đến một vương triều huy hoàng trong lịch sử và đã được tôn thờ như một vị “Thánh tổ”.

IMG_3810.JPG
Bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự Bi Ký ở chùa Châu Cầu.

Làng Châu Cầu trước đây cũng thờ Triệu Vũ Đế làm thành hoàng làng. Hiện Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu được bản sao sự tích về Triệu Vũ Đế và hoàng hậu Trình Thị nhưng là bản sao lục thần tích của xã Đường Sâm ở Kiến Xương phủ, Chân Định huyện (tỉnh Thái Bình ngày nay). Đặc biệt là tất cả các sắc phong hiện còn cho thành hoàng làng Châu Cầu lại không phải sắc phong cho Triệu Vũ Đế.
Hiện làng Châu Cầu còn sao lưu được 9 đạo sắc phong, đạo sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) ghi tên Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa. Đạo sắc cuối cùng là năm Duy Tân năm thứ 3 ghi tên thần sau 9 lần gia tặng là Thông huyền Diệu hóa Thanh hư Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa chi Thần.

dsc03934.jpg
Bản sao sắc phong Đồng Khánh nhị niên.

Vị thần được thờ ở Châu Cầu có tên là Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa/Phu nhân. Có thể thấy đây cũng chính là vị Ma Cô Tiên thánh tổ, đã xuất giá lấy chồng xa như trong bia chùa Châu Cầu nói đến.
Danh phong Đệ nhất Cửu trùng chỉ một vị trí rất cao của vị thần này vì Cửu trùng là từ dùng chỉ Vua (Vua Bà). Đệ nhất Cửu trùng Phu nhân trong bối cảnh của Châu Cầu thì chỉ có thể chỉ vị Hoàng hậu của Triệu Vũ Đế, tức bà Trình Thị.
Có thể nhận ra: Ma = má = mẫu. Thiên tiên Thánh mẫu do đó tương đương với tên Ma Cô Tiên. Trong đó chữ Cô chỉ người phụ nữ tu hành, cùng hàm ý trong các tên Thiên tiên, Thánh tổ, Thông huyền, Diệu hóa. Hoàng hậu Trình Thị không chỉ có quyền quản Cửu trùng mà còn là một đạo sĩ, thánh tổ của một đạo giáo. Thật bất ngờ khi biết rằng hoàng hậu của Triệu Vũ Đế là người đã từng có thực quyền nhiếp chính, được tôn xưng là Mẫu nghi thiên hạ và hóa thần trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa như một vị tiên đầy quyền năng.