Quốc Mẫu Tây Thiên

Tục thờ Tây Thiên Quốc mẫu rất phổ biến ở vùng núi Tam Đảo. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc có tới trên 50 nơi khác nhau thờ Mẫu Tây Thiên. Sự tích vị Quốc mẫu này tóm tắt như sau:
Thời Hùng Vương ở đạo Sơn Tây, Đoan Hùng phủ, Tam Dương Động, Đông Lộ trang có gia đình sinh một người con gái đặt tên là Lăng Thị Tiêu. Lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, giỏi giang hiền thục. Đời Hùng Vương thứ bảy là Lang Liêu lên nối ngôi. Có lần vua Hùng Chiêu Vương (Lang Liêu) đi cầu tiên phật ở núi Tam Đảo đã gặp người con gái này và đưa về triều làm Chính phi. Nàng đã hết lòng yêu quý Hùng Chiêu Vương và đem tài năng của mình ra thi thố, giúp chồng trị quốc.
Khi nước Văn Lang bị giặc nhà Thục đe dọa, đem quân vây hãm kinh thành. Lăng Thị Tiêu đã chiêu mộ binh sĩ kéo về Phong Châu đánh tan quân địch, giải cứu triều đình. Khi nàng mất, được các triều vua phong là Tây Thiên quốc mẫu.

Mối tình giữa Lang Liêu và vị nữ thần núi Tam Đảo đã được lưu truyền như một huyền thoại đẹp thời Hùng Vương.
Hiện tại ở vùng Tam Đảo còn có cả một hệ thống các điện thờ liên quan tới Quốc Mẫu Tây Thiên. Nơi Mẫu sinh và Mẫu hóa nằm ở xã Đại Đình. Ở Đại Đình còn có Đền Thỏng là Hữu thần cung của Mẫu. Gần đó là xã Tam Quan nơi có Tả thần cung và Trung thần cung ở thôn Quan Ngoại. Qua Tam quan thì đến Đại đình … Hệ thống địa danh chỉ “cổ tích” rất rõ.

Den Thong
Đền Thỏng ở di tích Tây Thiên

Câu đối ở đền Thỏng:
Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh tiên giáng
Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký lập mẫu nghi.

Dịch:
Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế
Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi lập mẫu oai nghiêm.

Chỗ khó giải thích của truyền thuyết Tây Thiên Quốc Mẫu là Mẫu Lăng Thị Tiêu đã giúp vua Hùng đánh Thục. Thông thường, đây phải là vào đời vua Hùng cuối cùng (thứ 18) thì mới có giặc Thục (Thục Phán). Nhưng trong truyền thuyết ở Tam Đảo thì Lăng Thị Tiêu lại lấy Lang Liêu là đời vua Hùng thứ bảy. Vậy giặc Thục đây là Thục nào?
Để nhận diện đúng chuyện Tây Thiên Quốc Mẫu cần so sánh với các truyền thuyết khác trong tín ngưỡng dân gian, trong thần thoại và huyền sử Trung Hoa.
So sánh với hệ thống Tứ phủ thì thấy Tây Thiên quốc mẫu chính là Mẫu cửu trùng hay Mẫu thượng thiên, thần chủ của Thiên phủ. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây nên Mẫu cửu trùng tương đương với Mẫu Tây thiên.
Tư liệu của GS Ngô Đức Thịnh cũng cho biết Mẫu Tây Thiên khi giáng đồng thường với tư cách của Mẫu đệ nhất thượng thiên. Mẫu thượng thiên là Mẫu cửu trùng chứ không phải Mẫu Liễu Hạnh. Các cung thờ ở Tây Thiên đều đặt Mẫu Tây Thiên ở vị trí cao nhất trong điện (vị trí của Mẫu thượng thiên), hai bên là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng ngàn. Vậy là đã rõ nguồn gốc của Mẫu thượng thiên, chính là vị nữ thần núi Tam Đảo (Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu).
So sánh với huyền sử Việt thì nàng Lăng Thị Tiêu là Lang Tiên, hay Vua Tiên, tương ứng với con gái bà Vụ Tiên trong Truyền thuyết họ Hồng Bàng:
Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh, lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về sinh ra Lộc Tục.
Núi Ngũ Lĩnh ở đây là núi nào?
Ở Tây Thiên dân gian có câu:
Núi thờ cha Tản Viên
Núi thờ mẹ Tây Thiên
Đều hướng về Ngũ Lĩnh
Thờ núi Tổ linh thiêng.

Ngũ Lĩnh chính là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ vua Hùng ngày nay ở Phú Thọ.
Tản Viên là thần chủ Nhạc phủ ở núi Tản. Lăng Thị Tiêu là mẫu chủ của Thiên phủ ở Tam Đảo. Ngũ Lĩnh nghĩa là núi nơi có vua (Ngũ là số 5, chỉ vua, không phải 5 ngọn núi) Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Thiên Nam ngữ lục chép đoạn này về Đế Minh như sau:Đương thời giữa thủa Đế Minh
Chí khôi đại nghiệp ra danh cõi ngoài
Nhân nhàn xa giá đi chơi
Nam tuần xảy gặp một người thiếu niên
Xưng danh là ả Khương Tiên
Có tinh Cửu vĩ là em ngoan ngùy.
Như vậy con gái bà Vụ Tiên ở đây gọi là Khương Tiên. Tiên là số 1, chỉ hướng Nam (xưa). Khương là tính chất của phương Tây nên Khương Tiên đồng nghĩa với Tây Tiên = Tây Thiên Lăng Thị Tiêu.
Vì Đế Minh là Ngọc Hoàng thượng đế, cai quản thiên phủ nên Lăng Thị Tiêu – Khương Tiên là Mẫu thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Lý do mà Lăng Thị Tiêu được tôn làm Quốc mẫu là vì đã giúp vua Hùng đánh Thục. Trận chiến Hùng – Thục này là một trận chiến khác hoàn toàn với 2 cuộc chiến Hùng Thục thời Bát Hải Động Đình (Lạc Long – Âu Cơ) và Thục Phán An Dương Vương. Khi đã xác định Quốc mẫu Tây thiên là Mẫu Cửu trùng thì cuộc chiến Hùng Thục này phải xảy ra vào thời Hoàng Đế (Ngọc Hoàng thượng đế).
Huyền sử Trung Hoa chép:
Trận đánh dữ dội quyết định sự thắng bại giữa Hiên Viên với Xuy Vưu xảy ra ở Trác Lộc. Sương mù dày đặc, quân Hữu Hùng Thị bị Xuy Vưu vây chặt, không nhận định được phương hướng đánh ra giải vây, nên thường bị Xuy Vưu đánh bại phải tháo lui. Sự thảm bại của Hữu Hùng Thị thấy rõ trước mắt.
Trong lúc nguy cấp như thế, đấng Cửu Thiên Huyền Nữ hiện ra dạy Hữu Hùng Thị chế ra xe hai bánh chỉ Nam, có bộ phận chỉ rõ hướng Nam, để phân định phương hướng và vị trí tiến quân, lại dạy cho binh pháp. Nhờ vậy, Hữu Hùng Thị củng cố binh mã, từ trong đánh ra bất ngờ, làm cho binh đội Xuy Vưu thảm bại, bắt sống được thủ lãnh Xuy Vưu đem giết chết.
Thế là yên giặc, tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghinh Hữu Hùng Thị, tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi Minh chủ, lấy hiệu là Hoàng Ðế.
Sau đó, Ðấng Cửu Thiên Huyền Nữ cũng thường ứng hiện giúp vua Hoàng Ðế và những người hiền tài trong nước, như giúp Hoàng Hậu Nguyên Phi chế ra nghề nuôi tằm lấy tơ dệt lụa, giúp ông Dung Thành chế ra máy Cai Thiên để xem Thiên tượng, giúp ông Thương Hiệt chế ra chữ viết tượng hình để thay cho việc thắt nút ghi nhớ các sự việc. Ngoài ra Ðấng Cửu Thiên Huyền Nữ truyền khoa Lục Nhâm Ðộn Giáp, và phép bói 64 quẻ Dịch mà đoán kiết hung.
Quốc Mẫu Tây Thiên chính là Cửu Thiên Huyền Nữ (Mẫu cửu trùng). “Giặc Thục” ở đây là bộ tộc phía Tây do Xuy Vưu lãnh đạo. Bộ tộc Hữu Hùng Thị của Hiên Viên như vậy đã được bộ tộc ở phía Nam (xưa) là Lang Tiên Thị (Lăng Thị Tiêu) giúp khi đánh bộ tộc phía Tây (Cửu Lê) của Xuy Vưu. Cửu Thiên Huyền Nữ còn là người đem lại nhiều sáng chế đến cho vua Hùng như Kim chỉ Nam, dịch học, chữ viết,… Với công lao to lớn thời lập quốc họ Hùng như vậy hiển nhiên Lăng Thị Tiêu được tôn làm Quốc mẫu và chiếm ngôi thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Các khu vực là nơi Mẫu sinh và Mẫu hóa ở Tam Đảo ngày nay lại là các làng của người dân tộc Sán Dìu. Bản thân những người dân tộc này tham gia lễ hội Tây Thiên với vai trò chủ nhân văn hóa và coi bà Lăng Thị Tiêu như vị Mẫu thần của dân tộc mình. Đây không phải là “sự tích hợp văn hóa liên tộc người”. Rất có thể người Sán Dìu là một bộ phận trong bộ tộc Lang Tiên Thị xưa ở chính vùng núi Tam Đảo này.
So sánh với thần thoại Trung Hoa thì Tây Thiên Quốc Mẫu còn là bà Tây Vương Mẫu.
Thần thoại Trung Hoa cho biết Tây Vương Mẫu là Dao Trì Kim Mẫu, cai quản núi Tây Côn Lôn , cùng với chồng là Hạo Thiên Thiên Đế cai quản Thiên đình.
Dao Trì tức là Giao Chỉ, là chỗ trung tâm của thiên hạ thời Hùng. Núi Côn Lôn của Tây Vương Mẫu như vậy là núi Tam Đảo.
Tây Vương Mẫu còn được 3 con chim Thanh Điểu thay nhau mang thức ăn tới. Ba con chim này sống ở trên núi Tam Nguy, ở phía Tây của núi Côn Lôn. Núi Tam Nguy gồm ba ngọn, cao vút xuyên qua cả mây trời nên mới có tên như vậy.
Tam Nguy của Tây Vương Mẫu chính là 3 ngọn của núi Tam Đảo luôn khuất trong mây trắng.

Cong Tay Thien
Tây Thiên và Tam Đảo trong mây

Việc xác định Tây Thiên quốc mẫu là Tây Vương Mẫu cũng giải đáp nốt truyền thuyết về mối tình Lang Liêu với nữ thần Tam Đảo.
Lang Liêu hay Hùng Chiêu Vương ở đây không phải là vị Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày, chế tác dịch học (Chu Văn Vương). Lang Liêu với nghĩa là vua người Liêu, cùng với tên Hùng Chiêu Vương, là chỉ một vị vua thời Tây Chu (khi nhà Chu còn đóng ở đất Liêu – Di Lão).
Đây là chuyện Chu Mục Vương, vị vua thứ 5 của nhà Chu đã cưỡi xe bát mã lên núi Côn Lôn, tìm được cung điện ngọc của Hoàng Đế và gặp Tây Vương Mẫu. Núi Côn Lôn là núi Tam Đảo nên Chu Mục Vương hay vua người Liêu (Lang Liêu) đã gặp nàng tiên núi Tam Đảo ở đây.
Trong tín ngưỡng, văn hóa dân gian Việt Nam lại luôn gặp những truyền thuyết, huyền thoại của Trung Hoa. Ta chép của Tàu chăng? Không phải. Ông Trời luôn có mắt. Cái gì của người Việt thì sẽ trở về với người Việt.
Muốn gặp “Mẹ trời” đối với người Việt thật không khó. Núi Tam Đảo – Côn Lôn vẫn còn đó. Tục thờ Tây thiên Quốc mẫu vẫn còn đó. Thần tiên chẳng ở đâu xa. Cỗ xe 8 ngựa của Chu Mục Vương chỉ là hình tượng của trí tuệ và thành tâm mà thôi. Có tâm có trí thì sẽ gặp được Trời. Cái lý “con cóc” lên giời của người Việt là như vậy.

Truyền thuyết Đinh Lê

Xung quanh sự ra đời và sự nghiệp của vua Đinh Bộ Lĩnh, vị hoàng đế được coi là khởi đầu nền độc lập tự chủ lâu dài nước ta, lại là một bức màn truyền thuyết bao phủ. Những dãy núi đá vôi, những dòng sông nhỏ quanh co ở cố đô Hoa Lư càng tăng thêm tính huyền thoại của những câu chuyện thời Đinh Lê ở đây. Có điều những câu chuyện đó và cả thời kỳ 12 sứ quân ở nước ta lại không hề thấy chép trong các tài liệu của Hoa sử…

Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng là bóng dáng của lịch sử còn lưu lại. Trong chuyện Đinh Lê, cái “hình” để tạo cái “bóng” này lại là những sự kiện xảy ra ở một nơi khác, trên một bình diện khác…

Đầu tiên là truyền thuyết cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui.

Truyền thuyết trên giống hệt chuyện của … Chu Nguyên Chương (vua đầu nhà Minh bên Trung Quốc) thủa nhỏ. Cũng chăn trâu, tập trận, cũng mổ bò khao quân, cũng bị đuổi lưu lạc khắp nơi. Giống hơn nữa là chuyện Đinh Bộ Lĩnh đầu quân cho sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải khẩu (Thái Bình), được Trần Lãm tin tưởng, gả con gái và trao quyền cầm quân cho. Chu Nguyên Chương thì gia nhập khởi nghĩa Hồng Cân của tướng Quách Tử Hưng, cũng được gả con gái và giao quyền hành. Từ đó đánh đông dẹp bắc, thắng quân Mông Cổ rồi lên ngôi.
Thậm chí một trong những bạn chăn trâu thủa nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh sau thành khai quốc công thần nhà Đinh là Lưu Cơ thì có tên trùng khớp với mưu sĩ khai quốc công thần của Chu Nguyên Chương là Lưu Bá Ôn.

Trong khi đó, một loạt sách sử cho biết thông tin khác về thời niên thiếu và khởi đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc ghi: “Cuối đời Ngũ Đại, Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha”.

Sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115- 1184) ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sai Nha tướng Đinh Công Trứ nhiếp Hoan châu Thứ sử. Công Trứ chết, con Bộ Lĩnh nối chức ấy. Khi đó, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn cùng thống soái ba vạn người đánh phá bọn Xử Bình, đất ấy mới yên, bèn tự lập làm Vạn Thắng Vương, lấy Liễn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ

Sách Văn hiến Thông khảo của sử gia Mã Đoan Lâm (1254 – 1324) đời Tống ghi: “Trước, Dương Đình Nghệ lấy Nha tướng Đinh Công Trứ giữ chức Hoan châu Thứ sử, và Ngự phiên Đô đốc. Bộ Lĩnh con của Công Trứ vậy. Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối các chức ấy. Đến đây, Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đem binh đánh bại bọn Xử Bình, tặc đảng tan vỡ, cảnh nội đều yên, dân ơn đức ấy bèn suy Bộ Lĩnh làm Giao Châu soái, hiệu là Đại Thắng Vương.”

Rõ ràng Đinh Bộ Lĩnh là con của thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ, đã kế tập chức vụ của cha và từ đó đánh dẹp đất Tĩnh Hải. Như vậy làm gì có chuyện Đinh Bộ Lĩnh mô côi cha từ nhỏ, phải đi chăn trâu, bỏ nhà đầu quân cho Trần Lãm,… Sử sách Trung Quốc cũng không hề ghi có cuộc nội chiến 12 sứ quân nào xảy ra trên đất Tĩnh Hải lúc này cả. Những truyền thuyết về “cờ lau tập trận” này là sản phẩm thời Lê, sau thời Đinh ít nhất 500 năm, đã dùng các hình tượng và mô típ chuyện các vua cùng thời ở bên Trung Quốc gán vào cho Đinh Bộ Lĩnh.

Truyền thuyết thứ hai của nhà Đinh là chuyện cái chết của Đinh Tiên Hoàng và sự tranh chấp vương vị giữa các con của vua Đinh. Gọi là “truyền thuyết” vì toàn những chuyện sử mà nghe như đùa: Đinh Liễn nổi giận dễ dàng giết Hạng Lang (con thứ của Đinh Tiên Hoàng). Rồi một tên quan vô danh tiểu tốt Đỗ Thích chỉ vì nằm mơ thấy sao rơi vào miệng mà đã giết cả cha con vua Đinh lúc đang say xỉn… Đọc đoạn sử này thấy sao mà nhà Đinh lại bê tha, thối nát vậy.

Sự thực thì câu chuyện này là “bóng dáng” của câu chuyện khác, cũng của một vị vua họ Chu của Trung Hoa. Đó là Hậu Lương Chu Ôn. Chu Ôn xuất thân nghèo hèn, thủa nhỏ phải đi chăn lợn, làm công cho địa chủ là Lưu Sùng. Chu Ôn rất thích đánh quyền múa kiếm, sao nhãng lao động nên thường bị Lưu Sùng đánh mắng. Khi Hoàng Sào khởi nghĩa, Chu Ôn cùng hai anh đi theo. Trong chiến đấu Chu Ôn dũng cảm thiện chiến được thăng làm quan tiên phong…

Đoạn trên cũng không khác chuyện Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu rồi đầu quân cho Trần Lãm là mấy. Khó biết dân gian đã chép truyền thuyết vua Đinh từ chuyện của Chu Ôn hay Chu Nguyên Chương.

Chu Ôn là tướng của Hoàng Sào nhưng đã phản bội, đầu hàng nhà Đường, sau đó rồi lại gạt bỏ nhà Đường mà lên ngôi Lương Thái Tổ. Từ đó bắt đầu thời kỳ phân liệt Trung Hoa mà sử gọi là thời Ngũ đại thập quốc. Khi nhìn từ góc nhìn của người Việt ở Giao Chỉ thì đã bị chép thành thời kỳ “loạn 12 sứ quân”. Sự lầm lẫn này nhiều khả năng xảy ra hơn là nhầm với thời kỳ Chiến Quốc của nhà Tần vì thời Chiến Quốc cách thời của Đinh Lê quá xa.

Đinh là dịch tượng chỉ hướng Tây. Chu cũng vậy. Chính vì thế mà có sự lẫn lộn giữa Đinh Bộ Lĩnh với Chu Ôn hay Chu Nguyên Chương vì các vị này đều ở vào thời kỳ phân liệt cát cứ mà lên ngôi. Chu Ôn lên ngôi nhà Hậu Lương thì đổi tên thành Chu Hoảng. Có thể Hoảng = Hoàng. Như vậy Đinh Tiên Hoàng tương đương với Chu Hoảng – Lương Thái Tổ.

Chu Ôn sống dâm loạn, thất thường. Ông ta ngủ với kỹ nữ sinh ra Chu Hữu Khuê. Sau đó lại thường bắt các con dâu phải hầu hạ mình. Năm 912, Chu Ôn ốm nặng, định truyền ngôi cho con thứ là Chu Hữu Văn. Nhưng người con trai lớn là Chu Hữu Khuê nhanh tay hơn, phát động chính biến.

Đêm ngày 18-7 năm 912, khi bệnh tình Chu Ôn đang trở nên nguy cấp thì Chu Hữu Khuê cùng tay chân của mình xông vào bên trong. Chu Ôn bị một thuộc hạ của Chu Hữu Khuê đâm một đao giữa bụng, chết ngay tại chỗ. Thuộc hạ của Chu Hữu Khuê còn tiêu diệt nốt Chu Hữu Văn. Sau khi mọi việc đã xong xuôi, Hữu Khuê ra lệnh cho quan hầu cận của Hoàng đế thảo một bức chiếu thư giả vu khống Chu Hữu Văn giết cha và phong mình làm Hoàng đế. Chu Hữu Khuê sinh ra trong kỹ viện, gây tội ác giết cha giết em nên có miếu hiệu là Lương Thứ Nhân.

Chỉ ít lâu sau, người con trai khác của Chu Ôn là Chu Hữu Trinh lại nổi dậy, giết chết Chu Hữu Khuê, tự mình lên ngôi Hoàng đế. Như vậy Chu Ôn và Chu Hữu Văn đã bị một thuộc hạ giết chết trong đêm, giống y chuyện Đỗ Thích thí nhị Đinh ở Hoa Lư. Còn chuyện Đinh Liễn giết Hạng Lang là chuyện Chu Hữu Trinh giết Chu Hữu Khuê, lên ngôi Lương Mạt Đế.

Cuối cùng trong truyền thuyết Đinh Lê là chuyện Thái hậu Dương Vân Nga khoác long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi đất nước bị nạn ngoại xâm đe dọa. Chuyện này đã bị các sử gia nghi ngờ từ lâu vì quá giống cuộc binh biến Trần Kiều dẫn đến sự lên ngôi của Tống Thái Tổ. Thập đạo quân tính ra là cả triệu người. Đội quân như vậy vào thời đó thì chỉ có Triệu Khuông Dẫn là Chỉ huy sứ của nhà Hậu Chu cầm đầu mà thôi.

Triệu Khuông Dẫn tiếp ngôi từ nhà Hậu Chu của họ Sài. Sài Vương Chu Thế Tông ở đây là “tiền triều” của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, tức là ứng với Đinh Tiên Hoàng. Có thể thấy truyền thuyết Việt đã chép những chuyện của các thời vua Chu trong Hoa sử để hình thành nên những truyền thuyết thời Đinh Lê ở Hoa Lư. Chu Ôn là người bắt đầu thời kỳ Hoa Nam thập quốc, còn Chu Thế Tông kết thúc thời kỳ này. Truyền thuyết Việt chép thành chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Cong dinh Gia Phuong Cổng đình Gia Phương

Câu đối ở đình Gia Phương (Đại Hữu), quê Đinh Bộ Lĩnh:
Địa phân Chu Tống dĩ lai, triệu tác Nam Bang tân đế trạch
Quốc tự Trần Lê nhi hậu, do truyền Đại Hữu cổ thang hương.

Dịch:
Đất tách Chu Tống tới nay, sáng lập Nam Bang thành đế quốc
Nước từ Trần Lê trở lại, còn truyền Đại Hữu chốn quê hương.

Chu Tống ở đây là nói đến thời kỳ Chu Thế Tông – Tống Thái Tổ, là lúc nhà Đinh Lê lập quốc gia riêng.

Từ quan điểm lịch sử của cộng đồng dân tộc Hoa – Việt thì các triều đại của Chu Ôn hay Chu Thế Tông đều là triều đại của người Việt (Bách Việt). Nhà Tống từ Triệu Khuông Dẫn cũng là một phần của sử Việt. Chu Nguyên Chương thắng quân Nguyên Mông, lập nước Ngô cũng là sử Việt. Chỉ có tới Chu Đệ, đoạt ngôi nhà Minh, dời đô về Bắc Kinh thì Trung Quốc đã chuyển thành quốc gia của người phương Bắc. Cho tới nay xuất thân của Chu Đệ vẫn đang là dấu hỏi vì nhiều khả năng Chu Đệ chẳng có họ hàng gì với Chu Nguyên Chương hết, mà là người Mông Cổ hay Cao Ly (http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/tham-cung-bi-su/201205/Nghi-an-me-ruot-cua-hoang-de-Chu-Nguyen-Chuong-2152618/). Đó cũng là lý do vì sao Minh Thành Tổ khi chiếm Đại Việt đã tận diệt văn hóa lịch sử vùng đất này, nhằm xóa đi gốc tích thật sự của Trung Hoa, đánh lẫn Nam Bắc, Hoa Hán.

Truyền thuyết Đinh Lê ở Hoa Lư là chuyện sao chép của Hoa sử nên trên mảnh đất Giao Chỉ thời phân rã hậu Đường không hề có “loạn 12 sứ quân”. Cũng không có triều Đinh, triều Lê mấy đời vua, con cháu trong nhà tranh chấp hay nhường ngôi Đinh – Lê – Lý nào cả. Đúng như câu đối trên trong đình Gia Phương, từ nhà Đinh chuyển sang luôn nhà Trần và Lê (Quốc tự Trần Lê nhi hậu). Sự thực chỉ có một triều Lý ẩn họ Lê làm chủ đất Đinh Bộ – Tĩnh Hải qua 2 đời Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông, đến Lý Thánh Tông mới xưng nước Đại Việt độc lập và rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Tản Viên Sơn Thánh và tín ngưỡng Tứ phủ

Hiện nay trong hệ thống thờ Tứ phủ có 4 vị mẫu cai quản các phủ Thiên, Địa, Nhạc, Thoải. Bên cạnh các mẫu có 3 vị vua cha được thờ làm thần chủ các phủ là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên phủ), Bát Hải Động Đình (Thoải phủ) và Diêm vương (Địa phủ). Tuy nhiên như vậy còn khuyết vị trí vua cha của Nhạc phủ.
Vị trí vua của Nhạc phủ là có, được thỉnh đến trong bài Văn Công đồng:
Tận hư không giới thánh hiền
Dục giới sắc giới chư thiên đều mời
Vua Đế Thích quản cai Thiên chủ
Vua Ngọc Hoàng Thiên phủ chi tôn
Dương phủ ngũ nhạc thần vương
Địa phủ thập điện Minh vương các toà
Dưới Thoải phủ giang hà ngoại hải
Chốn Động Đình Bát Hải Long Vương…

Ngũ nhạc thần vương là ai? Không ai khác đó phải là Tản Viên Sơn Thánh.
Ngọc phả đức thánh Tản Viên ở Đền Và chép chi tiết việc bà Ma Thị Cao Sơn là mẹ nuôi của Tản Viên Nguyễn Tuấn đã làm chúc thư trao lại khu vực rừng núi từ sông Đà tới sông Lô cho Thánh Tản. Việc Sơn Thánh cai quản Thượng Ngàn như vậy còn có cả “văn bản” hẳn hoi:
Sau khi Ma Thị tôi qua đời, Nguyễn Tuấn phải tuân lệnh giữ mọi vật ở trong núi, quyền đó mãi mãi không được thay đổi, lưu truyền vạn đại…
Ngọc phả đền Và kể khi giao tranh với Thủy Tinh thì Sơn Thánh đã “niệm thần chú … núi Ngũ nhạc nổi lên trên mặt sông cao đến mấy nghìn vạn trượng”.
“Ngũ nhạc” không phải là 5 ngọn núi nào đó ở bên Tàu. Ngũ (số 5) là con số trung tâm của Hà Lạc. Ngũ Nhạc nghĩa là ngọn núi ở trung tâm, nơi có vua. Ngọn Ngũ nhạc của thần vương Sơn Tinh là núi Tản Lĩnh (Ba Vì).
Ngọc phả trên còn có đoạn: “Vua (Hùng) … gia phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thượng Đẳng…“.
Như vậy rõ ràng Tản Viên Sơn Thánh là thần vương của Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Ngọc phả lại có đoạn: “… Từ đó phụng mệnh Hoàng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở trên hải đảo đi tuần xét muôn việc trong nhân gian“.
Đoạn trích này cho biết người đứng đầu Tứ phủ Công đồng là Hoàng Đế. Điều này nghĩa là vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế của Thiên Phủ là Hoàng Đế Hiên Viên, người được nhắc đến ở đầu Đại Việt sử ký toàn thư: “Thủa Hoàng Đế mở muôn nước…”.

Den Thinh Cổng Bắc cung Tản Viên (Đền Thính) ở Yên Lạc – Vĩnh Phúc.

Cũng trong thần tích Thánh Tản đã dùng cây gậy thần cứu sống con rắn là Thuỷ Tinh, con của Động Đình Đế Quân, rồi đi xuống thăm thuỷ phủ, được tặng thêm quyển sách ước… Lại theo truyện cũ ở sách Giao Châu ký của Lỗ Công thì “đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh …” (theo Lĩnh Nam chích quái).
Đoạn này là một cách kể khác của chuyện Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Xích Lân Long Nữ là Mẫu Thoải, thần chủ của Thoải phủ, trong truyền thuyết Tản Viên đã được chép là Thuỷ Tinh.
Tiếp đó là đến đoạn vua Hùng kén rể. Sơn Tinh là người đã dâng lễ vật lên trước nên được cưới Mỵ Nương. Lễ vật là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Sơn Tinh được chọn làm rể nghĩa là Tản Viên đã tiếp nhận ngôi vị của vua Hùng theo lối truyền hiền. Đây là chuyện Đế Thuấn truyền ngôi cho Đại Vũ. Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao là hình ảnh Đại Vũ chia 9 châu với các cống vật của các châu (thiên Vũ Cống trong Kinh Thư). Số 9 được lặp lại tức là “cửu trùng”, chỉ Đại Vũ đã lên ngôi cai quản toàn thiên hạ.
Truyền thuyết kể tiếp, Thủy Tinh đến muộn, không lấy được Mỵ Nương (không chiếm được vương vị) nên đã dâng nước đánh Sơn Tinh… Có thể thấy Thủy Tinh lúc này không phải là Thủy Tinh được Sơn Tinh cứu sống và làm bạn lúc trước. Trận đánh giữa Thủy Tinh từ Động Đình chống lại Tản Viên là hình ảnh cuộc tranh đoạt vương quyền giữa ông Khải (con của Đại Vũ) với ông Bá Ích trong Hoa sử. Truyền thuyết Việt vùng đồng bằng ven biển chép là chuyện Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đánh Thục. Còn truyền thuyết Hùng Vương chép là chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ thủy hỏa tương khắc, phải chia đàn con Bách Việt làm hai, một lên rừng một xuống biển. Dòng tộc Tản Viên là dòng Thục ở phía Tây (Tây Tản) của Âu Cơ. Kết thúc cuộc chiến Đông – Tây này là chiến thắng của Thục Phán – Âu Cơ dựng nước Văn Lang – Âu Lạc ở Tây Thổ Phong Châu. Đền miếu dòng Tản Viên mãi còn như trong câu đối ở đền Hùng:
Hiển vu Tây Thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ”.
Tản Lô là vùng Thượng Ngàn mà bà Ma Thị Cao Sơn đã để chúc thư lại cho Tản Viên cai quản.
Trong thần tích của Tản Viên Sơn Thánh có đủ các thần chủ của Tứ phủ từ Mẫu Thượng Ngàn (Ma Thị Cao Sơn), Ngọc Hoàng Thượng Đế (Hoàng Đế), Mẫu Thoải (Thủy Tinh 1) và vua cha Bát Hải Động Đình (Thủy Tinh 2). Tín ngưỡng Tứ phủ công đồng hình thành ở vùng đồng bằng sông Hồng, là vùng đất phía Đông do dòng Lạc Long nắm giữ. Có lẽ vì thế mà vai trò của Nhạc phủ, với thần chủ là Tản Viên Sơn Thánh, thuộc dòng tộc phía Tây (Thục) đã bị mờ nhạt đi trong tín ngưỡng này. Để tín ngưỡng Tứ phủ trở thành tín ngưỡng chung của người Việt ở đồng bằng cũng như vùng núi, để trăm người con cùng một bọc đồng bào, chung cha chung mẹ thờ đúng tổ tiên của mình thì cần xác nhận vị trí tôn chủ Nhạc phủ của Tản Viên Sơn Thánh.