Những khía cạnh trong tín ngưỡng thờ thần bất tử Chử Đồng Tử

Chử Đồng Tử đi vào trong tín ngưỡng dân gian là vị thần bất tử thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam. Bản chất của tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử được làm rõ hơn qua nghiên cứu các thần tích dân gian về vị thủy thần cùng vùng sông nước sông Hồng này.

1.      Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ mấy?

Truyện Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái ghi Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ 3. Một số thần tích như ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) ghi là đời Hùng Duệ Vương thứ 18. Nhưng cũng có nơi như ở thần tích đình Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên) lại ghi là đời Hùng Vương thứ 6. Xét sự tích Chử Đồng Tử mang đầy màu sắc huyền thoại xa xưa thì có thể thấy câu chuyện này không phải ở cuối thời đại Hùng Vương, mà là ở quãng giữa, nghiêng về gần đầu thời kỳ Hùng Vương. Việc đánh số thứ tự các vị vua Hùng là 3 hay 6 thực ra không có nhiều ý nghĩa vì không rõ trong từng trường hợp thứ 3, thứ 6 hay thứ 18 là tính từ vị tổ đầu tiên nào.

2.      Chử Đồng Tử là hình tượng một thủy thần

Việc xác định Chử Đồng Tử là một vị thủy thần đã được nhiều tài liệu nói đến qua hình thức phối thờ với những thủy thần khác như với Tứ Vị Càn Nương, với thần Cá Chép … Nhà Chử làm nghề đánh cá ở bãi Chử Xá, rồi khi cha mất Chử Đồng Tử trầm mình trong nước mà kiếm sống, nên tất nhiên khi hóa thần sẽ là thủy thần của vùng sông nước. Tuy nhiên, khác với các vị như Linh Lang Đại vương hay Quý Minh Đại vương là các “thủy thượng linh thần” trong dòng dõi theo cha Lạc Long Quân xuống biển, Chử Đồng Tử có xuất thân từ trong nhân dân lao động chài lưới ven sông biển, nhờ duyên kỳ ngộ mà đắc đạo thành tiên.

Trong các thần tích ở vùng Khoái Châu, khác hẳn với lời kể của Lĩnh Nam chích quái, Chử Đồng Tử không hề đi buôn bán. Ngọc phả đền Hóa Dạ Trạch kể: … Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Như vậy, Chử Đồng Tử là một vị nhân thần tu tiên đạo, chứ không phải là “ông tổ” nghề thương mại.

3.      Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo là ở đâu?

Bức đại tự trước cung thờ Chử Công Đồng Tử ở làng Đông Tảo Đông (Văn Giang, Hưng Yên) ghi Quỳnh Viên đắc đạo 瓊園得道. Các thần tích về Chử Đồng Tử ghi rất rõ Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử gặp lão tiên ông là ở Hoan châu, tức vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoan châu cũng là quê mẹ của Công chúa Tiên Dung (theo thần tích mẹ của Công chúa là Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan), nên sau khi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử không quay về triều vua Hùng mà về quê mẹ sinh sống là điều tự nhiên. Di tích và truyền thuyết về Chử Đồng Tử, Tiên Dung ở Hoan châu nay vẫn còn là ở núi Nam Giới tại Thạch Hà, Hà Tĩnh.

4.      Những mối duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử

Trong sự tích của Chử Đồng Tử có tới 3 mối duyên kỳ ngộ. Thứ nhất là việc gặp gỡ trong một hoàn cảnh bất ngờ với Công chúa Tiên Dung bên bãi sông. Thứ hai là việc gặp lão tiên ông ở Quỳnh Viên. Thứ ba là gặp Tây Cung Tiên nữ trong đầm Dạ Trạch. Ý nghĩa của sự kết hợp nhân duyên này là gì?

Ngọc phả kể khi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên gặp ông lão bạc đầu hát như sau:
Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm
Trần trung thiển hữu thức kỳ âm
Thức kỳ âm hề, kết giai âm
Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.
Ký kết đắc nhi dữ chi du hề
Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:
Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm
Cõi trần mấy ai hiểu âm này
Hiểu âm này chừ kết giai âm

Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm
Đã kết được rồi thì cùng du chơi
Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Lời hát của lão tiên ám chỉ việc kết hợp giữa “núi cao” và “nước sâu”, là sự việc quý giá, vạn dặm cũng tìm. Sự kết hợp đó sẽ làm nên công trạng “sánh cùng với núi cao nước sâu”. Khi đặt lời hát của tiên ông vào trong bối cảnh của Chử Đồng Tử thì sẽ thấy rõ ràng rằng thủy thần Chử Đồng Tử là “nước”, còn Tiên Dung Công chúa phải là “sơn”. Đây là một sự kết hợp sơn – thủy khác trong truyền thuyết Việt bên cạnh cuộc gặp gỡ của Lạc Long Quân và Âu Cơ hay của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sự kết hợp của 2 dòng lên núi và xuống biển đã được nhấn mạnh nhiều lần vào thời kỳ đầu của thời đại Hùng Vương, là nguồn gốc Tiên Rồng của trăm họ người Việt.

5.      Chử Đồng Tử đắc Tiên đạo hay Phật đạo?

Tất cả các thần tích ở các nơi phụng thờ Chử Đồng Tử đều ghi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên đã gặp lão tiên ông mà được truyền thụ tiên đạo cùng với gậy và nón thần. Chỉ có Lĩnh Nam chích quái mới gọi vị Tiên ông này là lão Phật quang. Giai đoạn đầu của thời kỳ Hùng Vương (thứ 3) đâu đã có đạo Phật của Thích Ca để mà Chử Đồng Tử tu theo. Gậy trúc và nón tròn là biểu tượng của Âm – Dương rất rõ. Cùng với phép thuật đầu sinh đầu tử, cải hóa cả âm dương của cây gậy trúc thì chỉ có thể nói Chử Đồng Tử đã đắc Tiên đạo. Tín ngưỡng dân gian đã tôn ông là Chử Đạo Tổ. Các đạo sĩ thời Nguyễn đã liệt cả Chử Đồng Tử, Tiên Dung cùng Tây Cung Công chúa vào trong sách Hội chân biên như những vị tổ của Đạo giáo Việt Nam.

6.      Vì sao Chử Đồng Tử là thần bất tử thứ hai?

Trong bộ các vị thần Tứ bất tử nước Nam, Chử Đồng Tử được xếp ở hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh. “Bất tử” là mục đích tu tiêu của đạo Giáo nên đây không phải là cách sắp xếp theo công trạng thành tích của các vị thần được thờ.
Tản Viên Sơn Thánh đứng đầu trong các vị thần bất tử bởi Thánh có cây gậy thần do Thái Bạch Kim Tinh trao truyền, có khả năng cải tử hoàn sinh, đã từng cứu sống con rắn con Long Vương Động Đình ở bên bãi Trường Sa, nhờ đó đi xuống Thủy phủ mà được thêm cuốn sách ước. Thánh Tản không hóa mà đã lên núi Tản Viên trở thành bất tử.
Chử Đồng Tử cũng vậy, nhờ học được phép tiên của lão tiên ông ở Quỳnh Viên, dùng cây gậy trúc cứu sống nhiều người ở xã Ông Đình, Mạn Trù, nên Chử Đồng Tử là thần bất tử. Chử Đồng Tử không hóa, mà một đêm bay về trời, mãi mãi bất tử ở nơi cung trăng.
Còn vị thần bất tử thứ ba là Thánh Dóng, tuy là bất tử bay về trời thành Thiên Vương, nhưng Phù Đổng chỉ có khả năng diệt giặc, mà không có khả năng cải tử hoàn sinh, cứu người chết sống lại như Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đạo Tổ. Do đó Phù Đổng Thiên Vương đứng hàng thứ 3 trong thần bất tử là hợp lẽ.

7.      Tây Cung Tiên nữ

Hiểu biết về thần bất tử trong chuyện Chử Đồng Tử còn đến từ nhân vật Công chúa Tây Nương. Ngọc phả kể: Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng: Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.
Tây Nương đúng là đã ở trần gian trong 3 lần, lần đầu là sinh ra ở Đông Miên (Đông An, Hưng Yên) rồi mất, nhưng lần 2 lại thường xuyên về thăm gia đình, ruộng vườn, du chơi trên đường cái, cầu kiều. Lần thứ 3 là xuất hiện trong “kính cổ” khi gặp vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Tây Vương Mẫu là vị thiên thần bất tử, đứng đầu các vị thần trên núi Côn Lôn của Đạo giáo. Tây Sa Công chúa là con của Tây Vương Mẫu đã lấy Chử Đồng Tử tức là Chử Đồng Tử đã có được tiên đạo bất tử. Các thần tích còn kể, Tây Sa Công chúa có khả năng chế thuốc chữa bệnh cứu người, điều mà Chử Đồng Tử không làm được vì cây gậy trúc phải đợi người chết đi mới cứu sống lại được. Câu đối ở đình Phương Trù (Khoái Châu, Hưng Yên) kể về việc này:
造化亦無權金鼎靈丹傳不死
神仙安可接石頭廟貌凛如生
Tạo hóa diệc vô quyền, kim đỉnh linh đan truyền bất tử
Thần tiên an khả tiếp, thạch đầu miếu mạo lẫm như sinh.

Dịch là:
Tạo hóa cũng vô quyền, đỉnh vàng thuốc thiêng truyền bất tử
Thần tiên khó thể tiếp, đầu ghềnh miếu mạo nghiêm như sinh.

8.      Chử Đồng Tử lập Trạch quốc

Ngọc phả chép: Việc xong, ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Cung Tiên nữ) lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa. Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái.
Bức đại tự trước cung thờ ở đình Phương Trù ghi: Trạch quốc Tam Thanh 澤國三清, có ý nói rằng ba vị nhà Chử là người khởi đầu của một quốc gia vùng đầm lầy Dạ Trạch. Việc Chử Đồng Tử lấy Công chúa Tiên Dung không theo mệnh vua cha có nghĩa là Chử Đồng Tử đã tiếm đoạt ngôi quyền của vua Hùng, tự lập thành một nước riêng ở vùng đầm bãi ven bờ phải của sông Hồng. Quan quân triều Hùng Vương đóng ở bờ trái.
Tam Thanh là khái niệm 3 vị thánh khởi đầu trong Đạo giáo. Trạch quốc Tam Thanh là 3 vị tổ của vùng đầm Dạ Trạch, gồm có Chử Đạo Tổ là Thủy thần, Tiên Dung Công chúa là Sơn thần và Tây Cung Tiên nữ là Thiên thần (con của Tây Vương Mẫu – Mẫu Thượng Thiên). Khái niệm Tam phủ Thiên Nhạc Thủy như thế đã hình thành từ rất sớm, ngay trong truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Ban thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ ở đình Ngự Dội, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình làng Đông Tảo Đông, Văn Giang, Hưng Yên.
Gậy trúc, nón vẽ ở đền Hóa Dạ Trạch.
Hoành phi Quỳnh Viên đắc đạo ở đình Đông Tảo Đông.
Hoành phi Quỳnh Liễu cung ở đền thờ Mẫu trên núi Nam Giới, Hà Tĩnh.
Hoành phi Trạch quốc Tam Thanh ở đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.

Ngọc phả ba vị triều Hùng Duệ Vương là Chử Công Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ

Thần tích làng Đông Tảo Đông, tổng Yên Vĩnh, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên  theo bản khai 1938 số TTTS 12104

Chữ húy nhất thiết cấm là bảy chữ: Toại, Vân, Đồng, Tử, Tiên, Dung, Tây.

Ngọc phả ba vị triều Hùng Duệ Vương là Chử Công Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ.

Chi Khảm, bộ thứ hai Thượng đẳng

Xưa đất Việt ta dựng cơ đồ phương Nam phân chia theo sao Ngưu, sao Đẩu. Từ triều Hùng Kinh Dương Vương vâng mệnh vua cha phân phong là tông phái đế vương đất Việt ta. Đất tốt châu Hoan kiến lập kinh đô. Hình mạnh Nghĩa Lĩnh xây sửa miếu đền. Cha truyền con nối hơn hai ngàn năm, đều xưng tôn hiệu là Hùng Vương.

Lại nói, thời họ Hùng truyền 18 đời đến khi Duệ Vương ở ngôi, đóng đô tại Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước tên là Văn Lang, kinh đô tên là thành Phong Châu. Vương là người có tài cao chí lớn, tư chất thánh triết, kế thừa cơ đồ thịnh vượng của tổ tông 17 đời gây dựng, trong sửa văn đức, ngoài giữ biên phương, cố sức để hưng bình mà yên Trung Quốc. Khi ấy Vương có một Hoàng hậu. Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan. Có 6 quý phi, một trăm cung tần. Sinh hạ được 20 nam hoàng tử, 4 nữ công chúa. Nhưng mệnh trời thương thay, đều đem thân chốn Bồng Lãng, một ngày mà thành người thiên cổ. Hoàng hậu buồn rầu không thôi, ngày ngày rơi nước mắt lẫn máu. Nên khi ấy bèn cùng vài chục người thị nữ loan giá đi chu du giải buồn. Một hôm nghe nói ở huyện Tam Dương phủ Tam Đới có núi Tam Đảo thờ phụng đền Trụ Quốc Mẫu, rất là linh ứng, cầu gì tất được như ý nguyện mong muốn. Hoàng hậu bèn thân cùng các thị nữ đến hành hương cầu đảo. Tối đó Hoàng hậu nằm mơ thấy có một bà lão ôm một đứa trẻ tiên đem cho. Hoàng hậu trong mộng giơ tay nhận lấy, bỗng nhiên tỉnh lại. Sáng ngày ra làm lễ bái tạ rồi trở về. Từ đó cảm động mà có mang thai, đến kỳ sinh được một người con gái (ngày mùng 4 tháng giêng), mặt phấn má đào, sắc rạng mặt hồ, nhan sắc đầy đặn, hình dáng yểu điệu. Vương mở tiệc mừng lớn, nhân đó đặt tên là Tiên Dung, phong hiệu là Công chúa. Đến khi được 18 tuổi Công chúa không muốn lấy chồng, chỉ thích đi du chơi. Vương yêu mến nên không cấm. Cứ mỗi năm vào quãng tháng ba, tháng tư lại trang trí một chiếc thuyền mà đi chơi chốn sông biển. Một hôm thuyền đi đến bến Chử gia ở địa phận xã Đa Hòa.

Trước đó ở xã Đa Hòa có một gia đình họ Chử, tên là Toại Vân. Vợ chồng tích đức làm việc nhân, ba sinh hương lửa, một gối thật là phong lưu, đầy đủ sao. Một hôm bà mẹ nằm mơ thấy có một ông lão đầu bạc ban cho một đứa trẻ. Từ đó mà cảm động có mang. Mùa thu ngày 20 tháng 8 sinh hạ một người con trai, nhân đó đặt tên là Đồng Tử. Đồng Tử vốn tư chất thông minh, bản tính hiếu thành. Năm 13 tuổi bà mẹ bất hạnh mà bị bệnh qua đời. Nhà cửa lại gặp lửa cháy, tài vật đều mất hết, chỉ còn mỗi một chiếc khố vải. Cha con ra vào cùng mặc chiếc khố đó. Đến khi người cha lâm bệnh sắp mất, mới dặn lại Đồng Tử rằng:

  • Con người ta ở đời bần cùng hay phú quý đều không ngoài ý trời. Nhà ta trước giàu sau nghèo đều do trời vậy, không thể nài kéo. Cha nay bị bệnh, số khó tránh khỏi. Nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có nắm đất che không lộ ra, nên hãy để thân trần mà chôn, giữ lại mảnh khố cho con làm cách che thân.

Dặn xong thờ dải một tiếng rồi mất. Đồng Tử khóc lóc động trời, nhưng tình thế không thay đổi được, đành ôm thi hài mà khóc rằng:

  • Cha ơi! Cha ơi! Sinh con khó nhọc. Nay nhà nghèo thân hèn, không có gì để báo đáp. Con nay còn ở trên đời nếu lòng trời không phụ, tất sau sẽ có nhiều quần áo.  Cha lúc sống đã là người không có tấm áo quần, nay mất đi há lại thành quỷ lõa thể hay sao?

Bèn đem chiếc khố liệm cho cha mà đem chôn ở bãi đất nhạn bay phía Bắc. Từ đó không có quần áo che thân, thật là rất đói rét, bèn ngâm mình trong nước sông, thấy thuyền buôn đi qua thì đứng lên xin ăn. Lại thả cần câu để làm kế sinh nhai.

Hôm đó thuyền của Tiên Dung đi tới. Đồng Tử nghe tiếng chiêng chống, lại thấy giáo mác cờ xí rợp trời. Đồng Tử sợ hãi chạy lên trên bãi, tìm nơi ẩn náu. Ở tại xã Mạn Trù có một chỗ cao có 5-7 khóm lau sậy, bèn nấp vào trong đám lau sậy, lấy tay đào cát thành hố, nằm nấp vào đó, lấy cát phủ lên trên để che thân đi.

Phút chốc thuyền của Tiên Dung tiến đến bãi cát đầu thôn của xã Mạn Trù. Tháng tư trời nắng nóng. Tiên Dung cùng vài người thị nữ đi lên bãi Màn Trù, thấy có một nơi cao ráo, bèn lệnh cho thị nữ quây màn lại để tắm rửa. Nước tắm chảy xuống làm trôi cát. Đồng Tử hiện ra. Tiên Dung kinh hãi, lặng im hồi lâu. Đồng Tử cũng rất sợ, ý muốn tìm cách chạy thoát. Tiên Dung thấy Đồng Tử muốn chạy thoát bèn nắm lấy tay mà nói rằng:

  • Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay lại gặp gỡ ở đây, cả hai đều ở trần, tất là trời đã sai khiến vậy. Khanh hãy mau cùng tắm rửa với ta.

Tiên Dung sai ban cho quần áo, dắt tay xuống thuyền, mở tiệc mừng lớn. Đồng Tử kể lại rõ sự việc chôn mình trên bãi cát. Tiên Dung than thở rồi kết làm vợ chồng.

Vua cha Duệ Vương nghe tin, than rằng:

  • Con gái Tiên Dung của ta mà muốn lấy rể Đông sàng thì trong ngoài triều trăm quan đông đúc, sao không kết làm rể Đông sàng, mà lại nửa đường tự theo kẻ bần cùng ăn xin, sao như chuyện nghe tiếng đức mà thăng cho Thuấn được? Lòng ta thật hổ thẹn.

Bèn không cho phép về cung. Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Trên đường gặp một ông lão tóc trắng, tuổi khoảng 8-9 mươi, đầu đội nón tròn, tay cầm gậy trúc, vừa đi vừa hát rằng:

Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm

Trần trung thiển hữu thức kỳ âm

Thức kỳ âm hề, kết giai âm

Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.

Ký kết đắc nhi dữ chi du hề

Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:

Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm

Cõi trần mấy ai hiểu âm này

Hiểu âm này chừ kết giai âm

Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm

Đã kết được rồi thì cùng du chơi

Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Đồng Tử nghe hát biết là tiên nhân đắc đạo, bèn đến chắp tay nói:

  • Vẻ tiên thân tục, may mắn được thấy. Nghìn năm hiếm có sự gặp gỡ này. Xin chớ cho là đường đột.

Ông lão đầu bạc cười mà nói rằng:

  • Ta vốn là tiên nhân trên trời. Nhà ngươi cũng không phải khách trần tục. Nay đã gặp gỡ là thầy trò có duyên. Hơn nữa người tục mà thành tiên đã là điều lạ. Huống chi không phải người tục mà thành tiên thì có khó gì. Nhà người có muốn theo học ta chăng?

Đồng Tử cảm tạ nói:

  • Tiên ông đã mở lòng như vậy, đệ tử rất vui mừng, sai lại không theo.

Tiên ông bèn dẫn Đồng Tử ra ngoài hải đảo, đem hết phép thuật thần tiên, phi thăng, biến hóa truyền thụ cho Đồng Tử. Đồng Tử nhất nhất đều hiểu thấu. Đến lúc giã từ trở về Tiên ông lại trao cho nón vẽ và gậy trúc cùng với một đạo thần chú, dặn rằng:

  • Một đầu gậy có thể cứu người, đầu dưới gậy có thể trừ kẻ ác. Sau này khi về dựng gậy trên mặt đất, lấy nón phủ lên trên, tự nhiên sẽ thành lâu đài, trăm thứ. Người chết có thể sống lại, người bệnh có thể khỏi, đều ở tại trong thần chú của cây gậy trúc này. Chớ có xem thường.

Đồng Tử lại bái tạ mà nhận lấy, chia tay quay về với Tiên Dung. Thế là đã được 3 năm. Đồng Tử mới đem phép thuật thần tiên truyền thụ lại cho Tiên Dung. Từ đó vợ chồng cùng thành tiên. Một hôm vợ chồng lại trở về huyện Đông An, đi chơi ở đất hai xã Đa Hòa, Mạn Trù.

Lại nói, trong trang xã Đông Miên, huyện Đông An có một người con gái gia đình nông dân. Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng:

  • Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.

Thế là bà mang thai mà sinh là nương (ngày mùng 10 tháng 2). Nương  tính thích thanh tịnh, ăn chay và các đồ hương hoa. Năm 36 tuổi không có bệnh gì mà mất. Thế nhưng có lúc lại hiện về thăm nhà cửa ruộng vườn, có lúc du chơi trên cầu, đường cái. Có người gặp muốn hỏi thì bỗng nhiên biến mất. Mọi người đều lấy làm kinh lạ, cho rằng nương đã đắc đạo thành tiên.

Khi ấy Đồng Tử và Tiên Dung đi đến địa giới hai xã Ông Đình và Yên Vĩ, thấy nương đang du chơi nơi kính cổ. Tiên Dung thấy nương có dung nhan chim sa cá lặn, có tướng mạo hoa nhường nguyệt thẹn, bèn chỉ cho Đồng Tử nói:

  • Lang quân có muốn lấy cô nương này làm thứ thất không?

Đồng Tử mỉm cười. Tiên Dung biết được ý đó bèn tiến đến Tây Nương cười mà nói rằng:

  • Nàng là Tiên hay là người trần? Là phong nữ hay hoa kiều? Lang quân của ta thiên tư cao xa, tài mức thông minh. Nàng làm thiếp cho người đó chẳng phải tốt sao? Ta tuy là con gái vua nhưng không có lòng đố kỵ và kiêu căng. Nàng và ta làm chị em chẳng phải vui sao?

Tiên Dung dứt lời, Tây Nương đáp rằng:

  • Ta chẳng qua nương ẩn trong hình hài này mà thôi. Ta là tiên nữ Tây Cung, còn vợ chồng nàng cũng đã học thành tiên thuật vậy. Nay không hẹn mà gặp, là do trời hay do người đây?

Tiên Dung nói:

  • Mưu sự bởi người, thành sự do trời. Nay trong việc này là do người vậy.

Thế rồi cả hai cùng cười lớn, dắt tay nhau đi đến chỗ Chử Công ngồi, làm lễ kết thành vợ chồng. Đương lúc đó thấy trong ấp Ông Đình đem ra 6 thi thể người chết mang đi chôn. Chử Công bèn nói với Tiên Dung và Tây Nương rằng:

  • Ta có phép tiên có thể cải tử hoàn sinh. Nay thấy có người chết, ta muốn cứu. Các nàng có thuận theo không?

Tiên Dung cùng Tây Nương nói:

  • Cứu người là việc phúc lớn, sao lại không theo.

Dứt lời ba người cùng đến vào Ông Đình, quả nhiên cứu được 5-6 tử thi. Từ đó tiếng tăm khắp xa gần trong huyện Đông An đều truyền tới. Khi ấy xã Mạn Trù gặp bất hạnh, thiên tai hoành hành, bệnh dịch phát tác. Người bệnh trong làng bị 20-30 người. Người chết 5-6 người. Người chết không có người chôn. Người bệnh không có người nuôi. Bèn tìm Chử Đồng Tử cùng với Tiên Dung và Tây Nương ba người mời về trong làng. Đồng Tử nói một cách nặng nhọc rằng:

  • Xã Mạn Trù là nơi ta và Tiên Dung gặp nhau. Ta mải đi chơi thăm thú mà không để ý, khiến cho người dân mắc bệnh và mất như vậy thật là lỗi của ta vậy.

Bèn cùng với Tiên Dùng và Tây Nương đến xã Mạn Trù, theo phép mà tiên ông đã truyền thụ để cứu xã Mạn Trù, người chết được sống lại, người bệnh khỏi bệnh. Thế là nhân dân, nam nữ, già trẻ xã Mạn Trù ai nấy đều vui mừng, nhảy nhót, làm lễ xin được làm thần tử, xin được lập sinh từ để ngày sau lo hương khói. Đồng Tử bèn dựng gậy ở đất Mạn Trù, lấy nón đội lên trên, miệng ngâm thần chú. Tự nhiên biến thành một tòa nhà to lớn, lưu ở xã Mạn Trù để làm nơi ngày sau hưởng thần.

Việc xong, ba người lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa.

Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái. Đồng Tử cùng với Tiên Dung than rằng:

  • Đạo làm con sao dám chống lại mệnh của cha.

Đến nửa đêm bỗng mưa to gió lớn đập lên nơi đất ở đó. Lâu đài, của cải cùng với Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Nương đều cùng một lúc bay lên trời (ngày 11 tháng 11). Trời sáng, quan quân trở về thuật lại sự việc, tâu lên Duệ Vương. Vương mới biết họ đã đắc đạo thành tiên, bèn xa giá đến xem nơi đất đó, thấy bùn đất ngàn dặm, nhân đó gọi là đầm Nhất Dạ.

Đương khi đó thấy một người con gái cưỡi hạc trắng từ phương Tây đến, đứng ở trong đầm, tự xưng là Tây Cung Tiên nữ, vâng mệnh của Đồng Tử, Tiên Dung đến tạ quân vương. “Chúng thần xin nhận tội không trọn đạo làm con, xin vua cha thứ tội.” Tạ xong lại theo trong đầm mà bay lên không mà đi.

Vương cảm việc đó, bèn sắc phong là Nội Trạch Tiên Cung Tiên nữ, cho được cùng thờ hưởng với Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa. Lập đền thờ chính ở xã Đa Hòa. Ban chiếu truyền trong huyện Đông An, nơi nào ngày trước ba vị có lập cung đền và có đi qua trú ngụ, thì đến đền chính Đa Hòa nghênh đón thần hiệu về phụng thờ.

Khi ấy nhân dân xã Mạn Trù cũng đến Đa Hòa làm lễ nghênh thần hiệu của ba vị về miếu trước đây Chử Công đã dựng để phụng thờ. Từ đó hễ trong dân có việc cầu xin đều linh ứng. Nên nhân dân đều nghiêm túc phụng thờ thêm, bốn mùa tám tiết hương hoa đúng như nghi thức.

Phong Chử công Đồng Tử Chí thánh Linh thông Thượng đẳng thần.

Phong Tiên Dung Công chủ Thiên tiên Uyển diễm Thượng đẳng thần.

Phong Nội Trạch Tây Cung Tiên nữ Huyền diệu Thượng đẳng thần.

Lại nói, trải đến thời Tiền Lý Nam Đế cùng chống cự với các tướng Lương là Bá Tiên, Dương Sàn. Nam Đế không may nửa đường mà mất, trao lại quyền cho đại tướng Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục bèn dẫn quân trở về đầm Nhất Dạ cố thủ. Một hôm trai giới lập đàn cầu đảo trời đất bách thần. Trong một lúc thấy có một người nam cưỡi rồng

từ trên trời hạ xuống, tháo móng rồng trao cho, để chế ra đâu mâu, đặt trên nỏ, hướng vào đâu nơi đó khắc yên. Quang Phục bái nhận, lại hỏi tính danh. Người nam đó cười rằng:

  • Chử Đồng Tử chính thị là ta.

Rồi lại cưỡi rồng bay lên không mà đi. Quang Phục bèn sai chế tạo nỏ thần móng rồng, một trận đánh mà bại được giặc. Bèn lên ngôi tự lập làm Triệu Việt Vương. Mới truy tôn Chử Công là Hoàng đế. Tiên Dung Tây Nương là Tả Hữu Hoàng hậu. Lại cho phép dân các xã thờ ba vị đều tu sửa miếu điện mà phụng thờ. Xuân thu sai quan đến tế lễ. Từ đó trải Đinh, Lê, Trần, Lý cùng với hoàng gia ta khai sáng cơ đồ, thường có giúp nước cứu dân, cầu mưa tránh lũ đều có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự, để bốn mùa hương lửa, vạn đời là lệ thường. Tốt đẹp thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ cùng với các chữ nhất thiết cấm là năm chữ Đồng, Tử, Tiên, Dung, Tây. Y phục hai màu vàng, tím cấm dùng khi làm lễ.

Ngày sinh thần của Chử Công là ngày 12 tháng 8, làm lễ trên hoa quả, dưới lễ tam sinh, ca hát 10 ngày.

Ngày sinh thần của Tiên Dung là mùng 4 tháng Giêng, lễ như tháng 8, ca hát 1 ngày.

Ngày sinh thần Tây Nương là mùng 10 tháng 2, lễ hát y như tháng Giêng.

Ngày hóa thần ba vị cùng ngày là 11 tháng 11, lễ dùng cỗ chay.

Năm Hồng Phúc thứ nhất, giữa xuân ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các điện Đại học sĩ, thần Nguyễn Bính vâng soạn.

Đình làng Đông Tảo Đông

Vãn cảnh Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử

Bài đăng trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 28/7/2022 https://congdankhuyenhoc.vn/van-canh-quynh-vien-noi-chu-dong-tu-hoc-dao-bat-tu-179220727152402541.htm

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử lấy công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 3, được lưu truyền trong lịch sử như một cuộc tình duyên đẹp từ 4.000 năm trước.

Chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung được khái quát đầy đủ qua câu đối ở đền Đa Hòa tại Khoái Châu, Hưng Yên như sau:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Toàn cảnh núi Nam Giới nhìn từ dãy Hồng Lĩnh.

Dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đồng Tử

Trong truyền thuyết này ngoài cuộc kỳ ngộ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử ở bãi Tự Nhiên bên sông Hồng, còn kể tới việc Thánh Chử đã học được phép thuật ở Quỳnh Lâm. Truyền Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái chép: “Đồng Tử bèn cùng lái buôn đi buôn bán. Đến núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại đó lấy uống nước. Đồng Tử lên am chơi, trong am có sư tên gọi Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử ở lại học phép, giao tiền cho lái buôn mua hàng. Sau bọn lái buôn quay lại am chở Đồng Tử trở về. Sư bèn tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”. Đồng Tử trở về, giảng đạo lại cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, liền bỏ phố phường, chợ búa cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo.”

Một trong những nơi có dấu tích rõ ràng nhất về sự kiện Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang là tại núi Nam Giới, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Học giả Bùi Dương Lịch từ thế kỷ 18 trong cuốn Nghệ An ký chép: “Núi Nam Giới ở trên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà… Nơi cao nhất của núi phía Đông Bắc như trán Rồng. Liền ở dưới có một dải sống núi như mũi Rồng. Hai bên tả hữu có hai hòn đá tròn như hình mắt Rồng. Dưới mũi đột ngột nổi lên một ngọn núi tròn giống như đầu mũi Rồng. Dưới đầu mũi có một ao trời rộng độ vài mẫu như miệng Rồng, sâu thăm thẳm. Bốn bên ao nước cỏ lầy lội không thể vào được. Hai bên ao có hai ngọn nhánh ôm lại như râu Rồng. Nước ao chảy quanh co trong đó ra phía Bắc ra biển rồi đổ xuống… Trên bờ ao có hai nền nhà. Tục truyền vào thời Hùng Vương, Chử Đồng tử và công chúa Tiên Dung tu đạo ở đấy, gọi là núi Quỳnh Viên”. 

Bùi Dương Lịch cũng trích bài văn của sách Ốc lậu thoại nói về suối Hiêu Hiêu ở núi Nam Giới rằng: “Suối này ở cõi Nam phục, núi Nam Giới, huyện Thạch Hà. Đời truyền thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đắc đạo ở đây. Hiện nay trên đỉnh núi có một cái Ao tắm, trên bờ cao có hai cái nền nhà …”. 

Trên đỉnh của núi Nam Giới ở Thạch Hà hiện nay vẫn còn một bàn cờ tiên bằng đá trên mặt có kẻ ngang dọc hình bàn cờ, một tảng đá lớn tục gọi là Dấu chân tiên và một khu ao rộng, nước từ ao chảy xuống thành con suối Hiêu Hiêu (Hau Hau). Đây là dấu tích thần tiên nơi Chử Đồng Tử đã đắc đạo bên bờ biển miền Trung.

Sau khi tu hành thành đạo ở Quỳnh Lâm, Chử Đồng Tử nhận được cây gậy thần và chiếc nón thiêng, có phép thuật vô cùng, tham dự vào Âm Dương, có khả năng cải tử hoàn sinh. Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, là một trong những vị tổ của Đạo Giáo ở nước ta. Hình ảnh của bàn cờ tiên cũng là thuật Âm Dương vì cờ là “dịch kỳ”, là dịch lý, tức là quy luật biến hóa của trời đất. Chính nhờ có phép thuật này mà Chử Đồng Tử được coi là vị thần bất tử thứ hai trong bộ Tứ bất tử nước Nam.

Hình ảnh bàn cờ tiên còn được thể hiện qua bức chạm gỗ tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng hay đền thờ Vũ Mục công Lê Khôi tại chân núi Nam Giới. Cũng tại đây còn lưu truyền một bài thơ của một nhà giáo người Hà Tĩnh từ những năm 1930 về danh thắng Quỳnh Viên:

Ngàn dặm quan sơn một bước trèo

Gập ghềnh hòn đá ngó cheo leo

Mây bay rải rác màu đen bạc

Suối chảy ồn ào giọng hóc heo,

Sự nghiệp Chiêu Trưng bia đá tạc

Ván cờ Đồng Tử đã phong rêu,

Ai lên ướm hỏi người tiên tử

Núi có tình chi đội mão kiều.

Ván cờ Đồng Tử tuy đã phong rêu, đường lên đỉnh núi Nam Giới đã bị cây cỏ che lấp, nhưng ngọn núi Nam Giới đội mũ mây bên Cửa Sót còn đó. Con suối Hiêu Hiêu vẫn chảy từ Ao Trời trên đỉnh núi với dòng nước ngọt lành còn đó. Những dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đạo Tổ như vẫn còn sống động qua 4.000 năm lịch sử.

Bức chạm Tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên của đền Chiêu Trưng.

Vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên

Ở chân núi Nam Giới nay còn dấu vết về nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Phật. Đó là ngôi đền cổ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bên trong đền vẫn giữ được bộ tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu bằng gỗ cổ và đẹp lạ. Trong đền có 2 tấm biển rước đề “Đệ Nhất”, “Thánh Mẫu”.  Cũng tại nơi này, ngày nay người ta đã cho lập chùa Quỳnh Viên và lưu truyền là nơi tu hành của vị sư Phật Quang trong truyền thuyết Chử Đồng Tử.

Tấm hoành phi ở chính điện đền Thánh Mẫu ghi “Quỳnh Liễu cung”. Quỳnh Liễu tương đương với Quỳnh Lâm hay Quỳnh Viên. Như thế, vị trí Quỳnh Lâm nơi Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang chính là nơi núi Nam Giới Quỳnh Viên. Vị sư thầy mà Chử Đồng Tử đã gặp liên quan trực tiếp đến Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Cặp câu đối trước đền Thánh mẫu đề:

Thiên thánh chủ hồ Bồng, vườn Lãng

Địa thần tiên biển Rót, núi Quỳnh. 

Chữ “Rót” nghĩa rót nước (ra biển) nay đọc thành Sót, chỉ con sông đổ ra biển. Khu cửa sông ở đây nay gọi là Cửa Sót bên cạnh núi Quỳnh Sơn.

Vị Tiên Phật mà Chử Đồng Tử đã gặp chính là Mẫu Liễu, người được gọi là “Đệ Nhất Thiên Tiên Thánh mẫu”. Theo các sắc phong xưa Mẫu Liễu còn được phong là “Đế Thích Tiên đình”, tức là vị Tiên theo dòng Đế Thích. Theo truyền thuyết Mẫu Liễu vừa là Tiên, vừa là Phật, đã nhiều lần giáng sinh hạ giới và cũng là một trong những vị thần bất tử nước Nam. Lần “giáng sinh” đầu tiên của vị Đế Thích Tiên này không phải ở thời Lê, mà ở thời kỳ Hùng Vương tại Cửa Sót Nam Giới.

Bản thân Vua Trời Đế Thích cũng là thần bất tử và giỏi về dịch kỳ (đánh cờ) như trong chuyện hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba theo sự tích “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đế Thích được người Việt tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là vị thần được thờ phổ biến trong các điện thờ Phật. Ngay tại chùa Quỳnh Viên ngày nay cũng có tượng cổ thờ Ngọc Hoàng.

Núi Nam Giới Quỳnh Viên ở Hà Tĩnh còn đủ các vết tích Bàn cờ tiên, Ao trời trên đỉnh núi, đền thờ Đế Thích Tiên Quỳnh Liễu cung ở lưng núi và sự tích lưu truyền về ván cờ Đồng Tử ở đền Chiêu Trưng. Tất cả là chứng tích cho một vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên.

Bài thơ của vua Lê Thánh Tông ngự đề trên bia đá ở đền Chiêu Trưng tại chân núi Nam Giới ghi lại cảm nhận của vị Hoàng đế nước Việt trước cảnh thần tiên như cửa Trời Thượng Đế của danh thắng Quỳnh Sơn:

Quỳnh Viên chuyện cũ lưu tên núi

Vũ Mục đền nay trải mấy đời

Giang hồ bỗng tỉnh ra điều mộng

Tưởng đã cưỡi bè tới cửa Trời.

Vũng Rồng ở chân núi Nam Giới, nơi có đền Thánh mẫu và đền Chiêu Trưng.
Hoành phi “Quỳnh Liễu cung” của đền Thánh mẫu Cửa Sót.
Tam Tòa Thánh mẫu ở Quỳnh Liễu cung.
Tấm bia có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông về Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng.

Cung trăng bất tử dưới góc nhìn của người Việt

Cung trăng được “hình thành” bởi vũ khúc “Nghê Thường” của cặp thần tiên Hậu Nghệ – Thường Nga, cũng là Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong truyền thuyết Việt ở đầm Nhất Dạ đã một đêm bay lên trời hóa thành bất tử.

Từ xa xưa Trung Thu đã trở thành một lễ hội truyền thống của dân tộc Việt. Lễ hội này được tiếp nối qua nhiều thế hệ và cho đến nay vẫn vẹn nguyên sự háo hức, niềm ước vọng về những điều viên mãn, tròn đầy như ánh trăng ngày rằm tháng 8. Đối với Người Việt nói đến mặt trăng là nói đến chú Cuội, chị Hằng, cây Đa, Thỏ ngọc và Cóc vàng. Những hình tượng của cung trăng này mang ý nghĩa gì trong văn hóa Việt?

Bài văn giáng bút “Dạ Trạch tiên gia phú” của Thánh Chử do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh chép và khắc ở đình làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

1. Theo quan niệm phương Đông trong vòng tuần hoàn của Tứ tượng thì phía Đông là ban ngày, mùa Xuân, thần chủ là mặt Trời. Ngược lại rằm tháng 8 là giữa Thu, thuộc phía Tây, ban đêm, do mặt Trăng làm thần chủ. Chính vì thế Trung Thu trở thành ngày Tết của chị Hằng – thần mặt Trăng. Về chị Hằng, thần thoại Trung Hoa kể, Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Lúc đó, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời. Ngọc Hoàng bèn trừng phạt, đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới. Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu cho Hậu Nghệ một viên thuốc để trở thành bất tử. Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Khi ông đi vắng, Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và vô tình Hằng Nga đã nuốt viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời, bay mãi cho đến khi đến Mặt Trăng.

Thần thoại Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ đã phải vượt muôn ngàn gian khổ mới đến gặp và xin được thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu về. Khái niệm bất tử là mắt xích thú vị khi kết nối thần thoại Trung Hoa với tích cổ của người Việt. Trong tín ngưỡng dân gian thì Chử Đồng Tử được tôn là vị thần bất tử, đứng hàng thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam.

Câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) như sau:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ.
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là ở cây gậy và chiếc nón thần.

Tam vị bất tử nhà Chử ở đền Đa Hòa

2. Xem chuyện Đầm Nhất Dạ có thể nhận ra nhiều điểm tương đồng với thần thoại Hậu Nghệ – Hằng Nga về tên gọi cũng như nội dung lịch sử. Cổ sử Trung Hoa cho biết sau khi Hạ Khải mất, con là Thái Khang lên nối ngôi. Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự. Hậu Nghệ vốn là vua của nước Hữu Cùng, là một chư hầu của nhà Hạ. Hậu Nghệ thường đi theo phục vụ Thái Khang. Thấy Thái Khang bỏ bê triều chính, Hậu Nghệ nảy sinh ý định giành ngôi. Một hôm Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc. Hậu Nghệ bí mật tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó mang quân ra chặn bờ sông, phong tỏa lối về của Thái Khang. Thái Khang bị buộc phải lưu lạc đến hết đời.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ thấy rõ nhất là về ngôn ngữ và những yếu tố lịch sử. Có từ “chư hầu”, chỉ ra mối tương thông Chử – Hậu. Hậu Nghệ là một chư hầu đã làm gián đoạn nhà Hạ, đuổi Hạ Thái Khang lưu lạc nơi đất Lạc. Bốn mươi năm sau nhà Hạ phải tới Thiếu Khang mới lại trung hưng. Chử Đồng Tử đã lấy con gái vua Hùng mà không được phép nên vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, cho thấy có một cuộc đụng độ đã xảy ra vào thời này.

Trong thần thoại Trung Hoa, Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Còn Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh, được tôn là Chử Đạo Tổ. Theo phép phiên thiết, “Tông Bố” đọc lướt là “Tổ”. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Lý do để Chử Đồng Tử là thần bất tử chính là ở phép cải tử hoàn sinh. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Thần Cá ở đền Đa Hòa

3. Hậu Nghệ đi tìm thuốc trường sinh gặp Tây Vương Mẫu cho thuốc tiên. Hậu Nghệ nghĩa là vị Hầu ở xứ Nghệ, cũng là nơi tu hành của Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử đi vào đất Quỳnh Lâm (Nghệ An) gặp lão Phật Quang và được gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Sa công chúa. Vị công chúa này là người có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Sa) dùng phép thuật của mình cứu dân, xây dựng lâu đài, để rồi một đêm cùng bay về trời. Câu đối ở đền Đa Hòa miêu tả lại chuyện này:

Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch.
Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên.

Về mặt chữ nghĩa thì Hằng thông nghĩa với Thường nên Hằng Nga cũng là Thường Nga. Mặt khác trong Ngũ hành thì hành Hoả ở phía trên, hành Thủy ở phía dưới. 2 nhân vật Hậu Nghệ và Thường Nga làm thành một cặp đối ứng theo phép lưỡng lập. Trong đó, chữ “Nghệ” nghĩa là đỉnh cao, đối phản với “Thường”, tiếng Việt là bình thường, sàn sàn như nhau, không có gì nổi trội.

Về mặt trăng nổi tiếng nhất là tích cổ kể chuyện vua Đường Huyền Tông nằm mơ rong chơi trên nguyệt cung. Ông nghe thấy tiếng nhạc và các tiên nữ múa trong y phục mang sắc màu cầu vồng được làm bằng lông chim. Tiếng hát của tiên nữ vô cùng huyền diệu, điệu bộ thanh thoát, bay bổng. Sau khi tỉnh dậy, vua đã hồi tưởng lại giấc mơ và chép lại vũ điệu, nhạc khúc. Vũ khúc đêm trăng có tên Nghê Thường vũ y khúc. Nếu để ý, sẽ thấy Nghê Thường rất gần với Nghệ – Thường. Trong đó Nghệ là Hậu Nghệ, Thường là Thường Nga. Y phục lông chim mang sắc cầu vồng tức là năm sắc của Ngũ hành.

Gương đồng Nguyệt cung thời Đường

4. Ngũ tượng Trung Thu ngoài Hậu Nghệ – Thường Nga là trục trên dưới hay Nam – Bắc, thì trục Đông Tây được lập bởi hình ảnh Thỏ Ngọc và Cây Đa. Từ khoá Cây giúp nhận ra hành Mộc của phía Đông. Cuội có thể là biến âm của “cội”, nghĩa là “gốc”, ứng với câu “Thằng Cuội ngồi gốc cây Đa”. Hoặc cũng có thể đó là biến âm từ “cối” trong từ kép “cây cối”, “cối” có thể là từ Việt cổ cũng nghĩa là “cây” mà ngày nay không còn dùng nữa. Trên gương đồng cung trăng thời Đường thường thể hiện một cái cây lớn (cây Đa hay cây Quế) với một cái u to ở giữa thân. Liệu cái u này có phải là nói đến cái “cội” hay “cối” trong tên của chú Cuội không?

Cây Đa đã là hành Mộc phía Đông thì còn lại biểu tượng Thỏ Ngọc phải là tượng trưng của phía Tây. Dịch học Việt xác định phía Tây thuộc hành Thổ, nghĩa là đất đá khoáng vật nói chung (gồm cả Ngọc) và vì thế đối phản với thực vật ở phía Đông. “Thỏ” âm Hán Việt là “Thố”, chính là biến âm của “Thổ”. Phía Tây trong Ngũ hành có sắc Trắng, nên Thỏ trên cung trăng gọi là Bạch Thố. Như thế trong câu truyện dân gian về Trăng thu, Thỏ Ngọc cùng với Cây Đa đã tạo thành trục Đông Tây, hợp với trục trên dưới là Hậu Nghệ và Thường Nga, hoàn chỉnh mặt phẳng đứng trong không gian 2 chiều. Thỏ Ngọc có chiếc chày giã thuốc bất tử, tương ứng với Tây Sa công chúa, người vợ thứ hai của Chử Đồng Tử trong truyện Đầm Nhất Dạ.

Gương đồng Tiên nhân cưỡi thú thời Đường

Còn lại vị trí trung tâm của cung trăng được biểu hiện bằng chú Cóc vàng, tên chữ là Kim thiềm (Thiềm thừ). Mặt trăng cũng được gọi là Thiềm cung. Màu Vàng là màu của Trung cung trong Ngũ hành. “Con cóc là cậu ông Trời”. Hóa ra cậu ông Trời lại “ngự” ở chính cung trăng. Trên những chiếc gương đồng thời Đường có hình cung trăng có thể hiện Cóc vàng đang giơ cả 4 chân, như chỉ về 4 hướng. Bởi vì Cóc vàng ở Trung tâm, Nghệ – Thường ở hướng Nam – Bắc, Cây – Thỏ ở hướng Đông – Tây. Tất cả xếp thành một mô hình Ngũ hành đầy đủ, toàn mĩ trên Cung trăng.

Trong bài “Dạ Trạch tiên gia phú” lưu truyền ở vùng Khoái Châu, Hưng Yên, Thánh Chử đã giáng bút đề: “Tích cũ còn ghi trong sách khó tin. Gót tiên như áng mây trôi bất diệt”. Sách “Thái Bình hoàn vũ ký” chép: “Người Lạc Việt, cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý thì lấy nhau”. Câu chuyện về cặp vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay Hậu Nghệ – Thường Nga còn là biểu tượng cho sự kết hợp tròn đầy của âm dương, ngũ hành, là biểu tượng cho sự đoàn tụ và những khát vọng về viên mãn thường hằng, bất tử./.

MINH THI

Kinh Dương bản kỷ

Kinh Dương Vương tên là Tản (Tuấn). Bố là Cao Hành, được phong ở đất Sùng. Ông Cao Hành là dòng dõi của Hoàng Đế Đế Minh ở phương Nam (đất Sùng hay đất Lạc).Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Đế Nghi tìm người có thể trị thủy. Quần thần Tứ nhạc đều nói ông Cao Hành có thể làm được. Đế Nghi nghe lời Tứ nhạc dùng Cao Hành trị thủy. Ông Cao Hành lấy đất đá đắp bờ chặn dòng nước lũ, nên còn có tên là Cổn (cản). Qua chín năm mà lũ vẫn không dứt, chẳng nên công trạng. Thế rồi Đế Nghi lại tìm người, liền được Lộc Tục ở Lịch Sơn là Thuấn.
Thuấn được cất nhắc, làm thay chính sự của thiên tử, đi tuần thú các nơi. Thấy Sùng Cổn trị thủy không có công trạng, bèn đày tới Vũ Sơn. Thiên hạ đều cho rằng Thuấn trách phạt đúng. Thuấn còn được gọi là Ma Thị Cao Sơn, cất nhắc con của ông Cao Hành là Tản, sai tiếp tục công việc của Cổn.
Vua Nghi băng, Đế Thuấn hỏi Tứ nhạc: Có ai có thể phát huy và làm rạng rỡ được đức nghiệp của vua Nghi thì cho làm quan? Mọi người đều đáp: Tản Viên làm chức Tư không có thể phát huy và làm rạng rỡ công tích của vua Nghi. Đế Thuấn nói: Ồ, đúng. Rồi mệnh cho Tản Viên rằng: Ngươi dẹp yên nước lũ, thật gắng giỏi. Tản Viên chắp tay dập đầu nhường cho Tiết, Hậu Tắc và Cao Giao. Đế Thuấn nói: Ngươi đi coi việc của ngươi được rồi.

Tản Viên Sơn Thánh ở đền Đỗng Hoa, Thạch Thất

Khi đó Tản Viên có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy (nơi Tản Viên Sơn đục đá thông nước lũ là Long Môn Thác Bờ trên sông Hắc Thủy hay sông Đà).
Tản Viên cùng với Ích và Hậu Tắc vâng mệnh vua, lệnh cho chư hầu bá quan điều động nhân lực đào đất trị thủy, vượt núi cắm mốc, xác định núi cao sông cả. Hậu Tắc có tên là Kỳ Mệnh do sinh ra chốn rừng núi, được muông thú che chở.
Tản Viên thương cha Cao Hành công trạng chưa thành lại bị phạt liền lao tâm khổ tứ, ở ngoài mười ba năm, qua cửa nhà không dám vào. Áo cơm đạm bạc, hết mực kính thờ quỷ thần. Cung thất giản đơn, dốc hết chi phí cho việc trị thủy.
Biết Tản Viên mắc việc lâu ngày không trở về nhà, Thủy Tinh cho quân cải trang đến báo tin vợ con ông ốm nặng, mới mất, mời ông về nhà gấp. Tản Viên điềm nhiên bảo:
– Sinh mạng của vợ con ta không lớn bằng sinh mạng của trăm họ. Trăm họ còn đang lầm than khốn khổ vì nước dữ. Rủi vợ con ta có bề nào chăng nữa, ta cũng không thể bỏ mọi người mà về được.

Rồi Tản Viên Sơn Tinh lại tiếp tục gánh đất đắp núi. Đường đất đi bằng xe, đường sông đi bằng thuyền, đường bùn đi bằng khiêu, đường núi đi bằng cúc. Tay trái thì mang gậy thần, tay phải thì mang sách ước, mang suốt bốn mùa để vạch 9 châu, thông 9 đường, đắp 9 đầm, đo 9 núi.
Lại sai Ích cho dân lúa để có thể ở trồng ở vùng trũng ẩm. Sai Hậu Tắc cho dân lương thực, lương thực thiếu thì điều động ở những nơi dư thừa, cung cấp cho nhau, cân đối lương thực giữa các nơi.
Tản Viên theo miền biển mà về, vào cửa biển Thần Phù, lại qua các quận, muốn tìm được đất tốt, lên núi Đông Nhạc, Yên Tử, xem cảnh trí, nhân qua ở Phạm Xá, Hoa Quật. Rồi đó ngược sông Cái mà qua đất Long Biên. Tiếp tới bến Chấn, muốn ở lại đó nhưng rồi lại ngược sông Lô lên thượng nguồn, qua huyện Phúc Lộc, tới bến Bạn Phiên, nhìn về núi xanh Tam Đảo, đất quý hội loan là đô thành cũ của Hùng Vương. Nhân đó về Mộc Châu xem ngắm phong thủy, theo thế rồng uốn lượn cho đến núi Tản Viên, thấy có 3 ngọn cao vót hơn vạn nhận, thật là đẹp thay, mờ tỏ không thể gọi tên được. Lại thêm nhiều xóm thôn dân cư trù phú tập trung, bất giác thấy lòng trong sáng, chất phác mà thích thú vô cùng. Bèn mới mở một con đường lên, lập cung ở đỉnh đó, thuộc đất của sách Thủ Pháp (nay là Thượng thần cung theo hướng Cấn – Khôn làm chỗ ngự chính, còn Hạ thần cung là nơi để cầu đảo, cung Đông Tây là nơi cáo chúc, Nam Bắc thần cung là nơi tạm trú). Núi Ba Vì là núi Đại Tông của Tản Viên.

Nghi môn đình Phú Hữu, một nơi thờ Tản Viên Sơn

Vương lúc thì đi ra sông Tiểu Hoành xem đánh cá, qua các huyện Ma Nghĩa, Phúc Lộc, lạc tới xứ Bi Bi xã Cổ Đằng, thường tạm trú ở đó. Đến xã Tam Vật Lại thấy phong cảnh đẹp mà lập hành cung. Lại đi xem đánh cá ở sông Tiểu Hoành, qua tám xã Thuỵ Phiêu, Tam Sơn, Lễ Toàn, Nhân Lý, Văn Khê, Xuân Hương, An Phúc, Tung Cao của huyện Phúc Lộc, rồi xa giá trở về cung, xa trông cửa biển Thần Phù, sai người dân không được làm tắc đường thủy.
Lại thường đi săn tới xã An Diệu huyện Mỹ Lương, tạo cung Mang Sơn, lưu ruộng thờ để cho việc thờ cúng, định việc hàng năm tiết Xuân, tiết Đông nhân dân các xã theo như lệ đánh cá cùng nhau thờ phụng. Tháng 8, tháng 9 xã Tam Vật Lại phụng đón tới xã Khả Lê, lập làm điện thờ bằng tranh cỏ, đánh cá để tế các thần, cùng người dân địa phương đều đến đền để làm lễ phụng thờ.

Thế là chín châu đại đồng, bốn cõi an cư, 9 núi tế Lữ, 9 sông khơi dòng, 9 chằm có đập, bốn bể lưu thông. Đồ cống tế của các chư hầu có Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao.
Vua ban đất và đặt tên họ trong nước. Nước Xích Quỷ Đông vươn đến biển, Tây chạm đất Lào (Lưu Sa thiết La), Bắc Nam trải dài, thanh giáo trùm khắp bốn bể. Bấy giờ Ma Thị Cao Sơn mới lập chúc thư, giao lại toàn bộ vùng kinh đô núi Tản sông Đà, truyền lại ngôi vị cho Tản Viên. Cao Sơn Đế Thuấn băng. Tản Viên lên ngôi gọi là Kinh Dương Vương, lấy họ là Nguyễn.
Vương thường đi vãng du đến sông Tiểu Hoành xem đánh cá tới xã An Vệ huyện Ma Nghĩa thấy một khu Thanh Lan Bảo Sơn, có hình rồng chầu về tổ, mới lập làm cung xá để ở, lấy xã An Vệ làm tạo lệ phụng sự hương hỏa, mỗi năm mùa xuân tháng 2 dùng trâu một con, dê một con, lợn một đầu mà làm nghi lễ cúng tế.
Vương thường đi săn bắn tới xã Cổ Đằng huyện Ma Nghĩa nghỉ ngơi, lập cung xá gọi là Nam cung điện, ở xứ Bi Bi lập 4 cột đá, 8 con lợn đá gồm 1 lợn mẹ và 7 lợn con để lưu làm di tích. Lấy xã Cổ Đằng làm tạo lệ phụng sự hương hỏa, mỗi năm mùa xuân tháng 2 dùng trâu một con, dê một con, lợn một đầu mà làm nghi lễ cúng tế.
Vương thường đi vãng du sông Tiểu Hoành xe đánh cá đến xã Tam Sơn huyện Phúc Lộc lập làm cung xá một dãy, tạm trú ở đó, nay gọi là điện Cửu Miếu. Hàng nằm các xã Tam Sơn, Nhân Lý, Văn Khê, Xuân Hương, Lễ Toàn, An Phúc, Tung Cao lấy ngày 10 tháng 10 phụng nghênh tại điện Quán Thánh đến điện Cửu Miếu, cùng nhau thờ cúng, tới ngày 15 đánh cá để làm lễ cúng tế.

Lăng mộ Kinh Dương Vương ở Á Lữ (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Mười năm sau, Kinh Dương Vương đi tuần hướng Đông, đến Á Lữ bên bờ sông Đuống thì băng, trao thiên hạ cho ông Ích. Kinh Dương Vương hóa sinh bất diệt, đứng đầu trong Tứ bất tử và linh thần đất Việt. Nhờ có công lao trị thủy, yên định 9 châu, ông được tôn là Vua cha Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Ông Ích là chính dòng của Đế Nghi, còn gọi là Đế Lai. Sau 3 năm Đế Lai nhường ngôi (ái nữ Âu Cơ) cho con của Kinh Dương Vương là Khải, lánh ra ở phía Nam Kỳ Sơn. Con của Hậu Tắc cũng vì bị Hạ Khải bỏ chức Tắc phải lánh nạn theo ông Ích.
Chư hầu các nơi đều theo Khải. Khải lên ngôi thiên tử, lấy tên nước là Hoa Hạ, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân là con trai của Tản Viên Sơn Thánh. Mẹ là Thần Long Động Đình. Mẫu Thần Long sinh ra một bọc trứng, đem vứt bỏ ở bãi Nhật Chiêu bên sông Hồng. Tới đêm bọc trứng phát sáng, tiếng nổ như sấm, rồi hóa thành 7 con rồng bay lên trên sông Nhị. Đó là Long Quân và 6 người anh em của lục bộ thủy phủ, là thất giáp Đoài hồ.
Long Quân lên ngôi, họ Hữu Hồ không phục, Lạc Long Quân bèn thảo phạt, đại chiếm ở đất Chàm. Sắp khai chiến, Long Quân làm bài Chàm thệ. Đoạn diệt họ Hữu Hồ. Thiên hạ đều chầu. Long Quân sau khi dẹp loạn Cửu vĩ Hồ, định đô ở An Ấp tại Yên Phụ giữa Tây Hồ và sông Nhị, lấy tên là Uy Linh Lang. 

Đình Yên Phụ thờ Uy Linh Lang

Lạc Long Quân băng, hóa sinh về biển Động Đình, thành vua cha Bát Hải của Thoải phủ. Những người anh em cùng bọc của Long Quân thành Ngũ vị tôn quan, lập thành ban Công đồng trong Tứ phủ.
Con của Lạc Long Quân gọi là Hùng Vương, nối ngôi phụ đạo. Vua gọi là Phụ (Bố), vợ vua gọi là Mẫu (Ma, má). Chế độ cha truyền con nối bắt đầu là từ Lạc Long Quân vậy.
Giữa thời Lạc triều, Chử Đồng Tử là một chư hầu, nhân lúc vua đi săn đã chặn đường về, tiếm ngôi, chiếm đoạt vị (công chúa Tiên Dung), lập đô ở vùng Hồng Châu (Hưng Yên). Hùng Thái Khang phải sống lưu lạc ở phương Nam xưa. Tới thời Hùng Thiếu Khang, trung hưng lại vương quyền, nhưng kinh đô đã dời đến đất Quảng Đông ở Dương Thành. Con cháu Lạc triều lại xăm mình, lội nước, noi gương Tản Viên Sơn, khai phá vùng đất Mân Việt, lấy đó làm đất thờ Kinh Dương Vương.
Kinh triều cha truyền con nối, truyền 18 đời đến Hùng Duệ Vương thì con cháu của Tản Viên Sơn là Nguyễn Sùng Cao Sơn và Nguyễn Hiển Quý Minh cai quản vùng đất Sùng Lạc của tổ tiên. Hậu duệ của dòng theo Đế Lai và Hậu Tắc chạy về hướng Tây là Thục bá Âu Cơ phát binh tiến đánh nước Sùng. Cao Sơn và Quý Minh ra sức chống giặc, giữ nước, nhiều lần thắng quân Thục, nhưng cuối cùng thất bại. Sùng Hầu đành phải khuyên Hùng Duệ Vương nhường lại ngôi cho Âu Cơ. Lạc triều của Kinh Dương Vương từ đây chấm dứt. Đất Lạc nhập vào với đất Âu thành nước Âu Lạc của Thục triều.
Có thơ rằng:
Ban sơ Nam Việt từ Kinh Dương
Thống nhất núi sông mười tám vương
Hơn trăm họ truyền ngàn xưa đó
Vạn năm hương lửa vạn năm hương.

Thái sử công soạn

Nguồn tham khảo:

1. Lĩnh Nam chích quái. Các truyện Truyện Họ Hồng Bàng, Truyện Hồ Tinh, Truyện Đầm Nhất Dạ

2. Sử ký Tư Mã thiên. Các phần Ngũ đế bản kỷ, Hạ bản kỷ.

3. Kinh Thư. Khổng Tử san định.

4. Tản Lĩnh sơn từ di tích của ngọc phả của Cẩm Đái (Bất Bạt, Sơn Tây), trưởng tạo lệ đền Thượng núi Ba Vì.

5. Thần tích đền An Trì của làng Yên Phụ, tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.

6. Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu, ngọc phả của sách Tang Ma, Thanh Thủy, Phú Thọ.

7. Sự tích núi Chẹ và núi Chẹ Đùng trong tập Dưới chân núi Tản một vùng văn hóa dân gian.

Vài điều về thời dựng nước trong Lĩnh Nam chích quái

Những mẩu truyện trong Lĩnh Nam chích quái là những thông tin hết sức cô đọng về quá khứ của người Việt từ đầu thời kỳ dựng nước. Có nhiều chi tiết trong các chuyện này, đọc đi đọc lại mà không khỏi giật mình vì sự xác tín và thâm sâu của nó. Người Việt đã dùng truyền thuyết lưu lại lịch sử của mình một cách khéo léo nhưng cũng rất rõ ràng. Chỉ là chúng ta “có mắt không tròng” mới đọc mà không hiểu những nhắn gửi của tiền nhân để lại.
Ví dụ, Truyền đầm Dạ Trạch kể: Đồng Tử trở về giảng lại đạo Phật, Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, chợ búa, cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo. Trên đường viễn hành, trời tối mà chưa tới thôn xá, hai người tạm nghỉ ở giữa đường, cầm trượng che nón mà trú thân. Đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng, đền đài, dinh thực, phủ khố miếu xã, vàng bạc châu báu, giường chiếu chăn màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ, la liệt trước mắt. Sáng hôm sau ai trông thấy cũng kinh lạ, đem hương hoa, ngọc thực tới dâng mà xin làm bề tôi. Có văn võ bách quan chia quân túc vệ, lập thành nước riêng.
Truyện kể rất rõ ràng, Chử Đồng Tử sau khi lấy con gái vua đã lập thành một nước riêng, có văn võ bách quan, có quân đội, có thành quách… Tức là Chử Đồng Tử đã lập ra một triều đại riêng, tuy không phải chính thống theo lối thiện nhượng như Sơn Tinh (vì lấy con gái vua mà chưa được đồng ý). Đối chiếu với Hoa sử thì đây là chuyện của Hậu Nghệ, nhân lúc vua Hạ Thái Khang ham chơi săn bắn đã chặn đường về mà đoạt ngôi. Nhà Hạ bị gián đoạn tới Hạ Thiếu Khang mới lại trung hưng.

Lau dai Da Hoa

Cổng đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử với 4 chữ Cận thủy lâu đài.

Câu đối trên cổng đền Đa Hòa ở Khoái Châu về Chử Đồng Tử:
淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
Một câu chuyện khác cũng về thời kỳ vươn ra biển Đông của người Việt là Truyện dưa hấu. Truyện bắt đầu như sau: Về đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai Tiêm vốn người ngoại quốc, khi lên 7, 8 tuổi, vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. Kíp tới khi lớn lên diện mao đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yến, hiệu là An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái…
Mai An Tiêm như thế là một “người ngoại quốc”. “Ngoại quốc” thời Hùng Vương thì chỉ có thể là từ nước Hồ Tôn ở phía Nam. Truyện Mai An Tiêm từng được xác định cũng là sự tích thánh mẫu Thiên Y A Na của vùng miền Trung Việt. An Tiêm = Thiên Yên = Thiên Y A Na. Trong truyền tích Thiên Y A Na lấy hoàng tử Bắc Hải cũng sinh được một trai và một gái, đặt tên là Tri và Quí, rất khớp với Truyện dưa hấu kể rằng An Tiêm sinh được một trai một gái.
Biểu tượng của thánh mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa là loài chim Yến hay chim Tinh Vệ, tha đá ở núi Tây mà lấp biển biển Đông. Còn Mai An Tiêm vốn có tên là Mai Yến, là tên của loài chim này (loài chim đã mang hạt dưa tới cho An Tiêm?). Mai là hướng mặt trời lên (ban mai) hay hướng Đông, được biểu trưng bằng số 8 (Bát) trong Hà thư. Có lẽ Bát Hải đã bị chép nhầm thành ra Bắc Hải, chỉ vị hoàng tử chồng của Thiên Y An Na.
Truyện Đổng Thiên vương thì có đoạn kể Long Quân hiển hiện thành một cụ già tới gặp vua Hùng và nói: Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi có thể dẹp được giặc vậy.
Lời nhắn nhủ của Long Quân rất kỳ lạ. Khi thắng được giặc thì các tướng có công sẽ được phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Đây chính là nói tới việc bắt đầu của chế độ “phong kiến”, phân phong và kiến lập của các chư hầu nhà Chu. Thánh Dóng là vị tướng dẫn đầu quân đội của nhà Chu tiến đánh Ân Trụ Vương. Đối chiếu theo Hoa sử thì có thể Thánh Dóng tương ứng với là Khương Thái Công Lã Vọng. Phải chăng Vọng là biến âm của Dóng? Chuyện Văn Vương cầu hiền gặp được Lã Vọng cũng tương tự như việc vua Hùng cầu người tài đánh giặc Ân vậy. Sau khi thành đại nghiệp Lã Vọng được kiến phong đất ở nước Tề, gọi là Khương Thái Công. Câu nói của Long Quân trong truyện là bằng chứng về khởi điểm chế độ phong kiến, thiên tử – chư hầu của thời Hùng Vương (thời Chu) tại nước ta.
Chế độ phân phong này còn được nhắc đến trong một truyện khác của Lĩnh Nam chích quái. Truyện bánh chưng bánh dày có đoạn: Vua bèn truyền ngôi cho Liêu, anh em hai mươi mốt người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau các tướng tranh giành nhau thường dùng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự…
Rõ ràng đây là chuyện phân phong và kiến lập các chư hầu. Lang Liêu hay Văn Lang là Chu Văn Vương, người đã tác Dịch, được truyền thuyết kể là làm ra bánh chưng bánh dày (bánh trăng bánh giời hay âm dương, tròn vuông). Nhà Chu đã phân phong cho các công thần và anh em trong dòng tộc cùng họ Cơ các vùng đất, sau thành các nước chư hầu. Các nước chư hầu tới thời Đông Chu thì nổi lên bá đạo, rồi vương đạo, tranh giành nhau qua các thời Xuân Thu Chiến Quốc, đúng như truyện kể trên. Thậm chí truyện còn dùng cả hình ảnh thực tế là cái hàng rào gỗ để ghi nhận sự tranh giành giữa các chư hầu, 21 người anh em của Lang Liêu…

Ho Phung Di

Núi Trâu Sơn nhìn từ hồ Phùng Dị (Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh).

Đặc biệt có một địa danh rất linh thiêng của nước Việt cổ, được nhiều truyện trong Lĩnh Nam chích quái nhắc tới, đó là núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, gần khu vực Lục Đầu giang. Đây là nơi Thánh Dóng đánh giặc Ân theo truyền thuyết. Vua Ân chết tại trận ở núi này và được lập đền miếu. Truyện Giếng Việt kể tới thời Tần Nhâm Hiêu làm quan ở Long Xuyên, có Thôi Vĩ là con của ngự sử đại phu nhà Tần (Thôi Lượng) sau khi chữa bệnh cho Nhâm Hiêu thì ngã xuống giếng tại núi Trâu Sơn. Thôi Vĩ gặp một con rắn trắng lớn, trên trán có chữ Vương Kinh Tử (dòng dõi của Kinh Vương hay Lạc Vương?). Rắn dẫn Thôi Vĩ gặp Ân hậu… Khi trở về có Dương quan đưa đường. Dương quan sau đó hóa thành con dê đá ở sau chùa Triệu Việt Vương.
Còn Truyện đầm Nhất Dạ cho biết: Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập làm Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn huyện Vũ Ninh.
Truyện Rùa vàng, bản A.2107 chép: Về sau nhà vua nhiều lần phá quân Tần Triệu Đà. Đà đóng quân ở Trâu Sơn cùng quân nhà vua đối lũy…
Theo tư liệu này thì Triệu Đà là quân Tần, hay Trọng Thủy là Tần chứ không phải Triệu. An Dương Vương mất nước vào tay nhà Tần chứ không phải Triệu Việt Vương sau này.
Như thế nếu theo các truyện này núi Trâu Sơn ít nhất có các di tích sau:
– Chiến trường Thánh Dóng đánh giặc Ân.
– Miếu Ân Vương.
– Giếng Việt.
– Nơi Triệu Đà (Tần) đóng quân khi đánh An Dương Vương.
– Thành của Triệu Việt Vương thời Tiền Lý Nam Đế.
– Chùa Triệu Việt Vương và con dê đá hóa hình của Dương quan.

Chua Huu Bang

Chùa Hữu Bằng (Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh) ở chân núi Trâu Sơn.

Theo các tư liệu địa chí của Bắc Ninh thời Nguyễn thì những di tích này từng tồn tại ở đây. Núi Trâu Sơn ở Bắc Ninh nay là khu vực huyện Quế Võ với các cái tên xã rất “cổ tích” của miền Giếng Việt: Châu Cầu (Châu = Trâu, có chùa Cô Tiên – nơi Thôi Vĩ gặp tiên nữ Ma Cô?), đầm Thất Gian (nơi Thánh Dóng nhổ tre đánh giặc), Ngọc Xá (liên quan đến viên ngọc Long Tụy?), hồ Phùng Dị (nơi Thôi Vĩ gặp sự lạ, rơi xuống giếng?). Trâu Sơn như vậy là nơi giao thời của các triều đại: từ Thương sang Chu, Chu sang Tần, Tần sang Triệu.
Một câu đối ở chùa Hữu Bằng tại chân núi Trâu Sơn:
有憑灵寺傳自古
樓臺經始永千秋
Hữu Bằng linh tự truyền tự cổ
Lâu đài kinh thủy vĩnh thiên thu.
Quanh núi Trâu Sơn như thế là một khu vực rất đáng được tìm hiểu cặn kẽ cả về mặt sự tích dân gian cũng như khả năng phát hiện những di chỉ khảo cổ của thời kỳ trước Công nguyên.

Bài Dạ Trạch tiên gia phú ở đình làng Quan Xuyên xã Thành Công huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên

NGUYỄN MINH TƯỜNG, TRƯƠNG ĐỨC QUẢ. TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 6(73) NĂM 2005
http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0506.htm

1. Lời giới thiệu
Vào ngày 16-4-2005, nhận lời mời của các đồng chí phụ trách thôn Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đã về làm việc tại địa phương trong một ngày. Công việc mà các đồng chí phụ trách thôn Quan Xuyên đề nghị chúng tôi giúp cho là: dịch những hoành phi, câu đối, bia đá… chữ Hán tại các công trình văn hóa – lịch sử trên địa bàn thôn như: đình Quan Xuyên, Nhà Sắc, Miếu Thượng, Miếu Trung, Miếu Hạ và tấm bia đá đặt tại bên tả (nhìn từ ngoài vào) của đình. Trong đó, đặc biệt có một bức hoành phi treo tại gian giữa nhà đại bái của đình Quan Xuyên, khắc toàn bộ bài Dạ Trạch Tiên gia phú khá nổi tiếng (có chừng 550 chữ). Ðây là một di sản vật thể quý báu về nhiều mặt (chạm khắc, thư pháp, nội dung văn học…) mà nhân dân Quan Xuyên còn lưu giữ được.
Bài Dạ Trạch Tiên gia phú vốn khắc tại đền Đa Hòa, thuộc tổng Mễ Sở, huyện Ðông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Ða Hòa, xã Bình Minh, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Ðền Đa Hòa là ngôi đền chính thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa.
Vào nãm Ất Tỵ (1905) đời vua Thành Thái, một đàn cầu tiên được tổ chức tại đền Đa Hòa. Những người hầu dưới đàn là: Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tấn Cảnh, Lê Chuyên… Bài Dạ Trạch Tiên gia phúnày được coi là bài Giáng bút của Chử Đạo tổ (tức Chử Đồng Tử). Chu Mạnh Trinh, người xã Phú Thị, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892), từng giữ chức Quang lộc Tự khanh, kính chép và khắc bài phú Giáng bút này ở đền Đa Hòa.
Vào nãm Quý Sửu (1913) đời vua Duy Tân, các cụ phụ lão làng Quan Xuyên đã khắc lại bài Dạ Trạch Tiên gia phú này từ đền Đa Hòa đưa về treo tại đình. Nhận thấy đây là một bài phú hay, nội dung liên quan tới Chử Đồng Tử, một nhân vật được Đạo giáo Việt Nam suy tôn vào hàng “Tứ bất tử”, chúng tôi xin phiên dịch toàn bộ bài Dạ Trạch Tiên gia phú và công bố để bạn đọc xa gần cùng tham khảo.

2. Nguyên vãn chữ Hán
成 泰 乙 巳 年
渚 仙 降 筆 自 題
河 山 過 眼 幾 千 年
一 曲 高 歌 散 九 天
江 渚 月 明 雲 影 淡
澤 林 水 漲 隴 沙 圓
漫 傳 筇 笠 仙 家 事
誰 識 樓 臺 帝 子 緣
到 底 一 塵 還 不 染
金 鰲 駕 海 寓 雲 煙
夜 澤 仙 家 賦
玉 闕 天 高 金 臺 地 辟.
雲 萬 丈 以 騰 飛 水 千 重 而 凝 碧.
扁 舟 泛 泛 誰 從 訪 蓬 萊, 仙 境 之 虛 無;
夜 澤 汒 汒 我 獨 創 帝 子, 因 緣 之 屬 籍;
相 傳:
江 上 遇 帝 女 以 成 親;
誰 識:
仙 班 本 珠 宮 之 莫 逆.
雄 王 之 世, 十 九 相 承;
帝 曰 有 邦 彼 姝 者 子.
乃 從 星 而 顯 耀, 還 駕 雨 來,
赤 藤 勝 地 之 間;
因 伐 木 以 裁 樓, 別 向 風 雲,
白 社 圓 基 之 址.
是 處: 仙 家 雞 犬 何 事 飛 昇?
偶 然: 大 澤 龍 蛇 相 爭 議 庇.
杏 栽 千 樹, 藥 餌 遍 于 方 民;
桃 贈 萬 家 吟 詠 傳 於 閭 里.
辰 則:
月 明 夜 靜, 江 闊 天 空, 或 乘 舟 而 垂 釣, 或 倚 杖 以 迎 風;
攜 手 高 臺, 弄 玉 蕭 而 鳳 降, 識 針 還 閣, 聯 金 字 而 鵷 同.
塵 埃 風 景 蒼 汒 難 容, 久 住 日 月 壺 天 隱 約.
每 動 高 蹤; 乃 辭 帝 闕.
上 表 陳 情 旋 向 神 山 訪 予 舊 侶 赤 松 是 兩 師 遊 戲;
神 農 之 世 非 遙, 蒼 頡 生 文 字 契 書, 盤 古 之 風 可 緒.
四 頭 江 渚, 三 十 年 之 托 跡 轉 空;
扣 手 天 門 九 萬 里 之 高 歌 有 自.
樓 臺 亦 幻 瞕 梓 空 留; 江 波 寂 寂 雲 影 悠 悠.
閱 古 今 之 陳 跡; 感 禾 黍 於 郊 邱.
萊 公 之 陳 成 陰 德 能 兆 異; 潘 令 之 桃 結 寔, 我 亦 何 求.
然 而:
召 伯 甘 堂 不 伐; 總 人 心 之 思 慕
所 以:
羊 公 硯 首 興 言 示 來 者 之 綢 繆.
曰 庭 曰 閣; 成 邑 成 都.
仙 蹤 縹 緲; 往 事 荒 蕪.
筇 笠 林 間, 齊 東 野 之 妄 言 可 笑;
幕 帷 江 上, 趙 北 方 之 佳 話 還 無 虛 以 傳 虛 信 難 可 信.
人 思 舊 澤 而 不 忘; 我 獨 飛 靈 而 默 運
石 豈 能 言 之 物, 轉 也 何 曾;
檜 傳 左 紐 之 文, 是 誰 繆 引.
遂 使:
千 秋 韻 事, 遺 跡 難 憑 識;
看 一 片 閒 雲 仙 跡 不 泯.
維 新 癸 丑 春.
恭 錄 多 禾 祠.
乩 文.
奉 鐫 拜 進.

Phiên âm
Thành Thái Ất Tỵ niên
CHỬ TIÊN GIÁNG BÚT TỰ ĐỀ
Hà sơn quá nhãn kỷ thiên niên
Nhất khúc cao ca tán cửu thiên
Giang chử nguyệt minh vân ảnh đạm
Trạch lâm thủy trướng lũng sa viên(1)
Mạn truyền cung lạp tiên gia sự(2)
Thùy thức lâu đài đế tử duyên
Đáo để nhất trần hoàn bất nhiễm
Kim ngao giá hải ngụ vân yên.
DẠ TRẠCH TIÊN GIA PHÚ
Ngọc khuyết thiên cao; kim đài địa tịch
Vân vạn trượng dĩ đằng phi; thủy thiên trùng nhi ngưng bích.
Biển chu phiếm phiếm thùy tòng phỏng Bồng Lai tiên cảnh chi hư vô;
Dạ Trạch mang mang ngã độc sáng đế tử nhân duyên chi thuộc tịch.
Tương truyền Giang thượng ngộ Đế nữ dĩ thành thân;
Thùy thức: Tiên ban bản châu cung chi mạc nghịch.
Hùng Vương chi thế, thập cửu tương thừa.
Đế viết hữu bang, bỉ xu giả tử.
Nãi tòng tinh nhi hiển diệu, hoàn giá vũ lai, Xích Đằng thắng địa chi gian;
Nhân phạt mộc dĩ tài lâu, biệt hướng phong vân, Bạch Xã viên cõ chi chỉ.
Thị xứ: Tiên gia kê khuyển hà sự phi thăng?
Ngẫu nhiên: Ðại trạch long xà tương tranh nghị tý.
Hạnh tài thiên thụ, dược nhị biến vu phương dân;
Ðào tặng vạn gia, ngâm vịnh truyền ý lý lý.
Thời tắc: Nguyệt minh dạ tĩnh, giang khoát thiên không,
Hoặc thừa chu nhi thùy điếu, hoặc ỷ trượng dĩ nghênh phong;
Huề thủ cao đài, lộng ngọc tiêu nhi phượng giáng,
Thức châm hoàn các, liên kim tự nhi uyển đồng.
Trần ai phong cảnh thương mang, nan dung cửu trú;
Nhật nguyệt hồ thiên ẩn ước, mỗi động cao tung;
Nãi từ Đế khuyết, thướng biểu trần tình;
Toàn hướng thần sõn, phỏng dư Cựu lữ;
Xích Tùng, thị lưỡng sư du hý, Thần Nông chi thế phi dao;
Thương Hiệt sinh văn tự khế thư, Bàn Cổ chi phong khả tự.
Tứ đầu giang chử, tam thập niên chi thác tích chuyển không;
Khấu thủ thiên môn, cửu vạn lý chi cao ca hữu tự.
Lâu dài diệc huyễn; hiêu tử không lưu.
Giang ba tịch tịch, vân ảnh du du.
Duyệt cổ kim chi trần tích; Cảm hòa thử ý giao khâu.
Lai Công chi trúc thành âm đức năng triệu dị; Phan Lệnh chi đào kết thực, ngã diệc hà cầu.
Nhiên nhi: Thiệu Bá cam đường bất phạt, tổng nhân tâm chi tý mộ;
Sở dĩ: Dương Công nghiễn thủ hứng ngôn, thị lai giả chi trù mâu.
Viết đình viết các; thành ấp thành đô.
Tiên tung phiêu diểu; vãng sự hoang vu.
Cung lạp lâm gian, Tề đông dã chi võng ngôn khả tiếu;
Mạc duy giang thượng, Triệu bắc phương chi giai thoại hoàn vô.
Hý dĩ truyền hý; tín nan khả tín.
Nhân tý cựu trạch nhi bất vong; ngã độc phi linh nhi mặc vận.
Thạch khởi năng ngôn chi vật, chuyển dã hà tằng;
Cối truyền tả nữu chi văn, thị thùy mậu dẫn.
Toại sử: Thiên thu vận sự, di tích nan bằng;
Thức khán nhất phiến nhàn vân, tiên tung bất dẫn.
Duy Tân, Quý Sửu niên.
Cung lục Đa Hòa từ.
Kê vãn.
Phụng thuyên bái tiến.

3. Dịch nghĩa:
Năm Ất Tỵ (1905) đời vua Thành Thái
ĐỀ TỰ BÀI GIÁNG BÚT CỦA TIÊN ÔNG CHỬ ĐỒNG TỬ
Sông núi này, mắt ta ngắm nhìn đã mấy nghìn năm.
Một khúc ca cao vút, lan rộng tới chín tầng trời.
Trăng sáng chiếu qua mây, bóng nhạt nhòa bên bến sông.
Sóng nước vỗ đập vào bãi cát vùng đất Dạ Trạch.
Câu chuyện thần tiên về chiếc gậy trúc, nón gồi chẳng qua là ngoa truyền.
Ai hay được chuyện tình duyên của con gái vua chốn đền đài?
Dù cho sống nõi trần gian, nhưng cuối cùng chẳng nhiễm bụi trần.
Mọi chuyện rồi cũng theo Rùa vàng ra biển hay gửi trong đám mây trôi.
DẠ TRẠCH TIÊN GIA PHÚ
(PHÚ VỀ GIA ĐÌNH TIÊN ĐẦM DẠ TRẠCH)
Ngọc khuyết thiên cao; Kim đài rộng mở(3).
Mây muôn trượng bay cao, nước ngàn trùng xanh biếc(4).
Thuyền một lá lênh đênh, ai hỏi chốn Bồng Lai cảnh tiên hư ảo?
Dạ Trạch đầm nước mênh mang, ta riêng tạo chốn nhân duyên đế tử(5).
Tương truyền: May gặp Hoàng nữ trên sông, rồi bỗng nên duyên phận;
Biết chăng: Vốn nòi tiên sánh cùng Cung ngọc, chẳng có gì sai(6).
Hùng Vương dựng nghiệp, mười chín đời truyền(7);
Đế thất lưu truyền: Nước có mỹ nữ(8).
Theo sao mờ hiển hiện, chớp nhoáng như xe bay, mây lướt mưa sa ở đất Xích Đằng(9) thắng địa.
Rồi nhân thế phạt mộc dựng lầu cao, gây riêng một chốn, thử hỏi nào đâu Bạch Xã(10) nền xưa.
Đây xứ: Tiên cung chó gà kêu việc xẩy đột nhiên;
Bỗng nhiên: Ðầm lớn rồng rắn quấn quýt sao mà lạ(11).
Trồng hạnh nghìn cây, thuốc hay giúp khắp thôn dân;
Gây đào vạn cửa, lời ca vang cùng làng xóm.
Những khi: Trãng sáng, đêm thanh, trời cao sông rộng.
Lúc cưỡi thuyền buông câu; lúc tựa song đón gió.
Dan tay gác tía, thổi sáo ngọc mà chim phượng đến; cài trâm bên cửa biếc, gắn chữ vàng mà uyên ương theo.
Trần ai phong cảnh mênh mang, ở lâu sao đặng;
Nhật nguyệt giữa trời lấp lánh, thấy động dấu tiên.
Bèn từ cung khuyết. Dâng biểu trần tình;
Lại đến thần sơn, tìm hỏi bạn cũ(12).
Cùng Xích Tùng tiên du hí, đời ThầnNông(13) ngày ấy chẳng xa;
Chữ Thương Hiệt(14) thư khế rành rành, phong tục Bàn Cổ(15) đã có đầu mối.
Bốn mặt nước Chử giang(16), ba mươi năm thác tích, thành không;
Hai tay chắp Cửu trùng, ngàn muôn dặm ngợi ca từ đó(17).
Lâu đài nào thấy; gậy cũ còn đâu!
Sóng nước mịt mờ, mây mù thăm thẳm.
Xem nào cổ kim dấu tích; nhớ tới ngoài nội lúa ngô.
Trúc Lại Công(18) nay đã thành rừng, đức thường gây dựng.
Ðào Phan Lệnh(19) vốn đà kết trái, ta cũng chẳng cầu.
Thế mà: Như Thiệu Bá(20) không phạt Cam đường, cũng là do lòng người tư mộ;
Sở dĩ: Dương Công(21) miệt mài bên nghiên mực, chỉ mong cho hậu thế đẹp tươi.
Nào đền, nào gác, nên xóm nên thành.
Gót tiên lãng đãng; sự cũ hoang vu.
Khá cười chuyện cũ hoang đường, gậy trúc nón gồi, đồn khắp hang cùng ngõ hẻm;
Lại hay giai thoại vu vơ, màn gấm bên sông, lan xa ngoài cõi Bắc phương(22).
Đồn lại thêm đồn; tin không khó biết.
Đầm xưa, người nhớ mãi chẳng quên; Ta vẫn riêng cưỡi mây phù vận(23).
Đá có nói gì đâu mà vật chuyển dời, sao thế?
Sao truyền cội gốc chuyện xa xưa ngoa vậy, vì ai ?(24).
Khiến cho: Nghìn thu chuyện đẹp, tích cũ khó tìm bằng cứ?
Hãy nhìn một áng mây trôi, dấu tiên như còn tỏ.
Năm Quý Sửu (1913) đời vua Duy Tân.
Kính cẩn chép từ đền Đa Hòa – Văn giáng bút.
Kính sao – Bái tiến.

4. Mấy nhận xét
Bài Dạ Trạch Tiên gia phú, chúng tôi vừa giới thiệu trên đây, như đã nói, được coi là bài phú “giáng bút” của Chử Đạo tổ trong một đàn cầu tiên tổ chức tại đền Đa Hòa vào năm 1905.
Ðàn cầu tiên là một sinh hoạt có tính văn hóa của những người trí thức Nho học Việt Nam tồn tại từ lâu đời. Đến khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đạo cầu hồn vốn xuất hiện ở Âu Mỹ, được gọi là Thần linh học hoặc Linh hồn học (Psychisme) thấm dần vào Việt Nam. Từ đó, đàn cầu tiên có thêm “người bạn đồng hành” là đạo cầu hồn nên đã phát triển hõn trước. Cầu hồn của phương Tây với cầu tiên của nước ta không khác nhau là bao nhiêu. Về nguyên tắc hai bên đều thừa nhận linh hồn bất tử, có thể giao tiếp với người sống, tiên “giáng bút” thì làm thõ, làm phú bằng chữ Hán. Cầu hồn kiểu Tây thì ai chấp bút cũng được, hồn nhập bút viết bằng chữ Pháp hay chữ Quốc ngữ.
Bài Dạ Trạch Tiên gia phú được ra đời trong hoàn cảnh Cầu tiên do các vị Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tấn Cảnh, Lê Chuyên… tổ chức. Loại trừ việc coi bài phú này của Chử Đồng Tử là điều khó có thể tin được, thì giá trị văn học của Dạ Trạch Tiên gia phú là điều dễ nhận thấy. Về hình thức cũng như nội dung, Dạ Trạch Tiên gia phú có vẻ tài hoa, thanh thoát tương tự như bài Thanh Tâm Tài Nhân phú được sáng tác trong Tao đàn Hưng Yên cũng vào nãm 1905 của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc công bố rộng rãi bài Dạ Trạch Tiên gia phú này, để bạn đọc tham khảo và thưởng thức là điều hết sức cần thiết và bổ ích.
N.M.T – T.Đ.Q

CHÚ THÍCH
(1) Nguyên chú: thủy trúng chính long.
(2) Nguyên chú: chữ nguyên chú nhỏ quá lại mờ chưa đọc được.
(3) Nguyên chú: lời này có ý rằng bậc quân chủ yêu quý người hiền tài.
(4) Nguyên chú: ta từ trên trời giáng xuống trần thế.
(5) Nguyên chú: lời này nói về đất nõi ta ẩn cư.
(6) Nguyên chú: ta cùng Chính phi Tiên Dung đều là tiên giáng thế, không cần Hoàng đế cho phép, vẫn kết hôn.
(7) Nguyên chú: Ta giáng sinh vào giờ Sửu (1-3 giờ sáng) năm Bính Ngọ, đời Hùng Vương thứ 19.
(8) Nguyên chú: bỉ xu giả tử: Đẹp sao người con gái kia. Câu này dẫn trong Kinh Thi lấy ý thơ chương Đại Minh.
(9) Xích Đằng: tên xã thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên), có đền thờ Phạm Bạch Hổ và Ðinh Ðiền.
(10) Bạch Xã: địa danh thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Theo sách Tấn thư – Ðổng Kinh truyện, thì Bạch Xã là nơi mà Ðổng Kinh đã từng trú ngụ. Theo sách Thủy kinh chú thì Bạch Xã là tên làng cũ ở phía Bắc của sông Dương Cừ chảy qua tỉnh Hà Nam. (Từ nguyên-Bộ Ngọ, tr.57).
(11) Nguyên chú: ta có phép thần có thể biến thành rồng rắn giáng thế.
(12) Xích Tùng – Cựu Lã: tức Xích Tùng Tử và Lã Động Tân là hai vị tiên trong số Bát tiên của Đạo giáo thần tiên Trung Quốc.
(13) Thần Nông: một trong Ngũ Đế trong thời Cổ sử Trung Quốc (Phục Hy – Thần Nông – Hoàng đế – Đế Nghiêu – Ðế Thuấn). Tương truyền, Thần Nông đã có công dạy dân biết trồng trọt, phân biệt ngũ cốc và chữa bệnh.
(14) Thương Hiệt: người đời cổ của Trung Quốc, được coi là có công sáng tạo ra chữ Hán.
(15) Bàn Cổ: một nhân vật thần thoại Trung Hoa.
(16) Chử giang: dòng sông Hồng chảy qua bãi Chử Xá, nơi Chử Đồng Tử sinh ra và kiếm sống rồi gặp Tiên Dung công chúa.
(17) Nguyên chú: Ta ngồi hóa giờ Dậu (7-8 giờ tối), ngày 20-9 nãm Giáp Tuất đời Hùng Vương thứ 20. Ta sống tại cõi trần 30 năm, lại trở về cõi tiên, vì thế cổ nhân bảo ta có thuốc trường sinh.
(18) Lại Công Trúc: truyện Khấu Chuẩn trong Tống sử chép: Khấu Chuẩn bị biếm đến Lôi Châu, chết ở đó. Người nhà đem ông về táng ở Tây Kinh. Ðường đi qua huyện Công An, phía Nam Kinh Châu, nhân dân thương ông đều đặt bàn thờ, khóc lóc tế ông bên đường. Họ còn bẻ trúc trồng hai bên đường… Sau này trúc khô đi nhưng sinh ra măng. Do đó ở Kinh Châu có loại trúc Lại Công. (Từ nguyên – bộ Thân, tr.27).
(19) Phan Lệnh đào: chưa rõ ở điển nào.
(20) Thiệu Bá: tên thật là Thiệu Công Thích, con thứ của Chu Vãn Vương. Ông cùng với Chu Công Ðán là hai bề tôi có công lao cai trị đất nước thời Chu Võ Vương và Chu Thành Vương. Thiệu Công Thích vốn họ Cõ, nhưng vì được chia thái ấp ở đất Thiệu, nên xưng là Thiệu Bá. Thiệu Bá xử kiện công minh cho dân, người sau trồng cây cam đường để ghi nhớ! Kinh Thi có câu: Tế phế cam đường (Rườm rà cây cam đường).
(21) Dương Công: chưa rõ tác giả sử dụng điển nào.
(22) Nguyên chú: sử nước ngoài có nói chuyện gậy trúc, nón gồi, có lý nào như vậy! Thế mà con Hoàng đế giáng vân. Đến việc vây màn bên sông, đều do bọn dốt nát bịa ra, không thể tin cậy được! Muốn hiểu thấu phải tự mình lý giải mà thôi!
(23) Nguyên chú: nói là phi linh, tức giáng linh, đây dùng lời của bậc đại nhân.
(24) Nguyên chú: chỗ này cũng nên xem xét cho rõ ràng./.

Luận giải truyền tích Tứ bất tử từ góc độ đạo thần tiên ở Việt Nam

Hiện nay khái niệm Tứ bất tử trong văn hóa dân gian được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống nên được coi là “bất tử”. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hoàn toàn hợp lý. Đúng hơn, những vị thần phải có phép “bất tử” thì mới có thể gọi là thần bất tử. Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này vì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là nhà sư, đạo sĩ, không biểu trưng cho lĩnh vực nào của đời sống nhân dân. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là “bất tử”. Bất tử là mục đích tối cao của phép tu tiên trong Đạo giáo nên các thần bất tử là những nhân vật trong quá trình phát triển Đạo thần tiên ở nước ta. Từ nhận thức như vậy có thể xem xét lại ý nghĩa các truyền tích và vị trí của các vị thần trong Tứ bất tử. [i]

Tu bat tu tu phuTranh Tứ bất tử.

Tản Viên Sơn Thánh

Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị “Đệ nhất phúc thần” nước Nam[ii]. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Theo thần tích đền Và (xã Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) thì Tản Viên đã nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử của Thái Bạch tử vi thiên tướng trên núi Tản. Từ đó Tản Viên xưng là Thần sư, đi cứu độ nhân gian, dùng gậy thần cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình. Khi xuống thăm Long Cung Tản Viên lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất…

Câu đối ở đền Và tóm tắt về sự tích của thần Tản Viên như sau:

神爲之靈地爲之靈亦人崇爲之靈屹爾東宮西鎮
山得其術水得其術卽今欲得其術渺乎僊杖約書
Thần vi chi linh, địa vi chi linh, diệc nhân sùng vi chi linh, ngật nhĩ Đông cung Tây trấn
Sơn đắc kỳ thuật, thủy đắc kỳ thuật, tức kim dục đắc kỳ thuật, diểu hô tiên trượng ước thư.
Dịch:
Thần tôn là thiêng, đất tôn là thiêng, cũng người tôn mà thành thiêng, cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi được thành thuật, sông được thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.

Gậy thần sách ước” của Tản Viên là phép thuật gì? Chuyện này có thể hiểu khi so sánh truyền thuyết Tản Viên với chuyện của Đại Vũ trong thần thoại Trung Hoa:

Vũ đang đứng trên bờ quan sát sức mạnh của dòng nước thì thấy một ông già mặt trắng trẻo, mình cá, nhảy lên từ dòng sông… Ông già tự xưng là Hà Bá. Vị thần này cho Vũ một phiến đá to màu xanh… Đó chính là Hà đồ.[iii]

Rồi tiếp theo còn có chuyện Vũ gặp một con rắn thần ở trong hang, rắn dẫn Vũ tới gặp Phục Hy và Phục Hy trao cho Vũ một thanh Ngọc giản, có thể đo đạc được trời đất.

Có thể thấy chuyện Sơn Tinh được gậy thần sách ước và chuyện Đại Vũ được Hà đồ, Ngọc giản chỉ là một. “Ông già mặt trắng” là Thái Bạch Thần Tinh ở núi Tản. Thái Bạch cũng là Thái Hạo (Hạo trong Hoa ngữ nghĩa là sáng, bạch), là tên khác của Phục Hy trong truyền thuyết. Phục Hy tương truyền có mình rắn. Phục Hy là người tìm ra Bát quái nên hoàn toàn có thể Phục Hy cũng là Thái Bạch Tử Vi thiên tướng trong truyền thuyết Tản Viên.

Phục Hy là người đã chép Hà đồ từ lưng con Long Mã (tức là con rồng, rắn thần). Còn vua Vũ vẽ Lạc thư từ lưng con Thần Quy. Có thuyết khác lại cho rằng cả Hà đồ lẫn Lạc thư đều do Đại Vũ nghĩ ra. Dù thế nào thì rõ ràng phép thần của Tản Viên Sơn Thánh chính là Hà Lạc, được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy.

Gậy thần sách ước của Tản Viên Sơn Thánh xét thực chất chính là Hà đồ Lạc thư, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà – Lạc). Nhờ những kiến thức khoa học này ở thủa bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc ở vùng Nam Giao (2 anh em Cao Sơn, Quý Minh), trị thủy thắng lợi. Thánh Tản do vậy đã trở thành vị thần bất tử đầu tiên của người Việt.

Chử Đạo Tổ

Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí thứ tự cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử. Sự tích Chử Đồng Tử được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên):

淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, Bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung công chúa ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón thần. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được...”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Khi so sánh truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung với chuyện của các vị thần trong Đạo Giáo Trung Hoa thì thấy đây cũng là chuyện của Hậu Nghệ – Hằng Nga. Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đi tìm thuốc bất tử, trải qua muôn vàn gian khó mới gặp và xin được của Tây Vương Mẫu một viên thuốc để trở thành bất tử. Khi về nhà Hằng Nga vô ý uống thuốc này nên đã bay lên mặt trăng.

Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ – Hằng Nga là những vị thần bất tử như Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng một đêm cũng bay về trời ở đầm Nhất Dạ như chuyện Hằng Nga về cung trăng.

Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.

Trong lịch sử Trung Hoa thì Hậu Nghệ là người đã tiếm ngôi, làm gián đoạn nhà Hạ thời Hạ Thái Khang. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử cũng kể về vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, thể hiện một cuộc đụng độ đã xảy ra.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ rõ nhất là về ngôn ngữ. Có từ Chư hầu, chỉ rõ mối tương thông Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép). Liên hệ Hậu – Chậu – Chử tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.

Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố phiên thiết cho chữ Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Đổng Thiên Vương

Vị trí thứ ba trong Tứ bất tử theo quan niệm hiện tại là Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt đánh thắng giặc Ân. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, có liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì nhân vật Thánh Gióng hoàn toàn không phù hợp là thần bất tử. Thánh Gióng không có phép màu nào, dùng sức khỏe đánh giặc. Đánh thắng giặc xong là thần “hóa”, bay về trời ở núi Sóc… và không quay trở lại nữa. Như vậy sao có thể gọi là thần “bất tử”?

Ở đây đã có sự nhầm lẫn do mặt chữ. Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương, chứ không phải Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng là từ phiên thiết của chữ Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Gióng. Còn Đổng Thiên Vương lại là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị“. Các sách cũ[iv] đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Bản thân đền được gọi là đền Quán Thánh.

Theo sự tích ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên còn là vị thần được thờ tại Trấn Vũ quán ở Hồ Tây (Hà Nội). Ở những nơi này tượng thờ Huyền Thiên đều được làm dưới hình dạng một người cao lớn, tay bắt quyết và dẫn dụ rắn rùa. Chữ Đổng như vậy thực ra là ký âm của Đùng, chỉ vị thần có thân hình to lớn.

Câu đối ở Quán Thánh (Hồ Tây) kể về sự tích Huyền Thiên Trấn Vũ:

武當山石鍊何年色相俱空真身尚在
玄天觀雲遊此日仙縱偶寄靈蹟長留
Vũ Đương sơn thạch luyện hà niên, sắc tướng câu không, chân thân thượng tại
Huyền Thiên quán vân du thử nhật, tiên tung ngẫu kí, linh tích trường lưu.
Dịch thơ:
Núi Vũ Đương năm xưa luyện đá
Mặc hình nhan thân cả ở cao
Mây bay Huyền quán ngày nào
Dấu tiên chợt hiện, biết bao giờ mờ.

Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, có khả năng giáng sinh nhiều kiếp, có phép màu trấn yểm yêu quỷ, quy xà nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Lão Tử hiện còn được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), với công trạng giống như của Huyền Thiên tại đền Sái.

Có thể thấy phép thuật của Huyền Thiên Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương hạn chế ở khả năng chữa bệnh dịch, diệt yêu trừ quỷ, chỉ hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh. Vì thế Đổng Thiên Vương được xếp ở vị trí thứ ba trong Tứ bất tử, sau Chử Đạo Tổ.

Bắt đầu từ vị thần bất tử thứ ba Đổng Thiên Vương ta thấy xuất hiện thông tin về đạo Phật. Lão Tử được coi trong một thân là thánh thần tiên phật. Quan niệm về luân hồi, chuyển kiếp đầu thai cũng là quan niệm của đạo Phật. Đạo giáo nói đến tu tiên, trường sinh bất lão và cải tử hoàn sinh chứ không đầu thai. Lão Tử ban đầu là một nhân vật trường sinh bất lão, luyện tiên đan (Thái Thượng Lão Quân). Sang đến hình ảnh Huyền Thiên mới thêm việc chuyển kiếp theo quan niệm đạo Phật.

Liễu Hạnh Thánh Mẫu

Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ hơn ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở lăng mộ Liễu Hạnh tại Vụ Bản (Nam Định) nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh:

五百餘年神故化
再三轉世聖而仙
Ngũ bách dư niên thần cố hóa
Tái tam chuyển thế thánh nhi tiên.
Dịch:
Năm trăm năm lẻ thần hóa cũ
Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

Mẫu Liễu được tôn sùng vì trong các lần chuyển hóa thể hiện là người có “hiếu, trinh, từ”:

勝蹟肇仙鄉而聖而神而佛
靈聲振越甸惟慈惟孝惟貞
Thắng tích triệu Tiên hương, nhi thánh nhi thần nhi phật
Linh thanh chấn Việt điện, duy từ duy hiếu duy trinh.
Dịch:
Thắng tích mở Tiên Hương, là thánh là thần là phật
Linh thiêng vang Việt điện, bởi lành bởi hiếu bởi trinh.

Phép thuật cụ thể của Mẫu Liễu là gì thì truyền tích không đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về năng lực và thời gian xuất hiện (thời Lê) thì Liễu Hạnh xếp thứ tư trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

Như vậy, Tứ bất tử là 4 nhân vật đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo thần tiên ở nước Nam. Thứ tự và phương vị của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:

– Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, là Hà thư Lạc đồ, những kiến thức khoa học thời sơ khai. Tản Viên là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước. Phương vị của Tản Viên là hướng Tây (Sơn Tây). Xét trong đạo Tứ phủ thì Tản Viên là thần chủ của Nhạc phủ.

– Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Truyền thuyết Chử Đồng Tử là cách kể khác của chuyện Hậu Nghệ thời nhà Hạ. Chử Đồng Tử hay Chử Đông Tử, nghĩa là Người ở bãi phía Đông, là thần nắm hướng Đông và là thần trong Thoải phủ (Thủy phủ).

– Xếp thứ ba là Đổng Thiên Vương Huyền Thiên Lão Tử, là giáo chủ Đạo giáo, là thầy thuốc cứu dân độ thế, có khả năng trường sinh bất lão, có thể trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu. Đổng Thiên Vương là người trấn phương Bắc (Huyền phương), ứng với Thiên phủ.

– Cuối cùng là thánh mẫu Liễu Hạnh, thần chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê. Liễu Hạnh là người thành Nam (Nam Định), nắm giữ phương Nam.


CHÚ THÍCH:

[i] Bài viết được trích lược từ sách Bước ra từ huyền thoại của tác giả.
[ii] Lĩnh Nam chích quái, Truyện núi Tản Viên.
[iii] Thần thoại Trung Hoa, Dương Tuấn Anh sưu tầm, tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009.
[iv] Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ (chủ biên), NXB Văn học, 2003.

Tiên và Phật

Đạo Phật du nhập vào nước Nam từ bao giờ? Đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam từ thời Hùng Vương là chắc chắn, nhưng Hùng Vương là thời kỳ kéo dài hơn 2000 năm trước Công nguyên. Vậy đạo Phật đến Việt Nam cụ thể vào lúc nào?
Trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế thiền sư Lê Mạnh Thát nhận định: “Phật giáo đã đặt nền móng tại Việt Nam từ thời Hùng Vương, Sư dạy đạo đầu tiên là Sư Phật Quang, Phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử”.
Cùng quan điểm này các tác giả Trịnh Minh Hiên và Đồng Hồng Hoàn trong cuốn Thành NêLê – Đồ Sơn thời Asoka đã nêu ra một số dẫn chứng xung quanh Chử Đồng Tử và sư Bần ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Đó là ngôi chùa Hang (Cốc Tự) ở Đồ Sơn với truyền tích: “Thời xưa vào cuối đời vua Hùng ở đây có một vị sư tên là sư Bần (Bần Tăng), người Ấn Độ, lập bàn thờ Phật và tu ở trong chùa Hang”. Gần chùa Hang (thôn Cốc Liễu, xã Minh Tân, Kiến Thụy) có ngôi miếu Bà Đa, thờ Chử Đồng Tử với truyền thuyết Chử Đồng Tử đi qua đây đã dùng phép cải tử hoàn sinh cứu sống con bà Đa. Từ đó các tác giả cho rằng Chử Đồng Tử đã gặp sư Phật Quang (hay sư Bần) ở Quỳnh Viên là khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng, rồi sau đó trên đường đi đã cứu sống con bà Đa ở Kiến Thụy…
Muốn dựa vào truyền thuyết về Chử Đồng Tử để xác định thời điểm Phật Giáo có mặt ở Việt Nam thì trước hết cần định vị và định thời gian của nhân vật Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử không thể đi tu Phật mà là tu Tiên. Sư Phật Quang là sự gán ghép muộn màng sau này của đạo Phật vào truyền thuyết Chử Đồng Tử.
Lý do Chử Đồng Tử không tu Phật là:
–    Chử Đồng Tử là vị thần bất tử xếp hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh và trước Đổng Thiên Vương. Nếu Đổng Thiên Vương là Thánh Gióng đánh giặc Ân, vào cỡ khoảng thế kỷ 11 trước Công nguyên thì Chử Đồng Tử phải có từ trước thời kỳ này. Còn nếu Đổng Thiên Vương là Huyền Thiên đại thánh (như ở đền Bộ Đầu, xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) thì Chử Đồng Tử vẫn là nhân vật lịch sử có trước thời của Thái thượng Lão quân (Huyền Thiên Lão Tử). Trong khi đó đạo Phật mới ra đời từ Phật Thích Ca vào quãng giữa thế kỷ 6 trước Công nguyên, sau Lão Tử. Thời Chử Đồng Tử như vậy đã làm gì có đạo Phật mà tu.
–    Phép thuật mà Chử Đồng Tử học được nằm ở 2 bảo bối gậy và nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương, là quan niệm cơ bản của Đạo giáo chứ không phải của đạo Phật. Đạo Phật nói tới thuyết luân hồi, không bàn tới cải tử hoàn sinh vì như vậy là phá vỡ luân hồi. Chử Đồng Tử đã “thọ giáo” một đạo sĩ chứ không phải sư Phật.
Núi Quỳnh Viên nơi Chử Đồng Tử đi tu có thể ở Đồ Sơn, tháp Nê Lê của vua A Dục có thể ở Đồ Sơn thật. Nhưng những điều đó không có nghĩa là Chử Đồng Tử tu Phật ở Đồ Sơn. Sự có mặt di tích và truyền thuyết của Chử Đồng Tử ở Hải Phòng có thể hiểu được vì Chử Đồng Tử là vị thần bất tử của hướng Đông, đã mở mang khu vực phía Đông theo truyền thuyết.
Một liên hệ khác để định vị công lao khai mở phía Đông của Chử Đồng Tử là chuyện về Quảng Bác Đại Vương ở Phú Xuyên (Hà Nội). Đây là vị thần được thờ làm thành hoàng ở nhiều làng quanh khu vực Phú Xuyên (tổng Thịnh Đức), nơi thờ chính của thần là đền Ba Sa ở Phú Yên, Phú Xuyên. Sự tích thần chép Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương là con vua Hùng thứ tám và cung phi Tiên Dung Châu, đã lập nhiều chiến công đem lại bình yên cho đất nước.

P1110718Đền Ba Sa ở Phú Xuyên với hoành phi “Hùng triều bát đại vương”

Câu đối ở cổng đền Ba Sa:
Di tích Hùng triều, danh hiệu đại vương lưu vạn thế
Sắc phong khai quốc, anh linh hiển thánh ngự Ba Sa.
Âm Ba trong tên thánh Ba Sa được ghi bằng chữ Nôm.
Còn tại đình Giẽ Hạ (Phú Yên, Phú Xuyên) nơi thờ Quảng Bác Đại Vương làm thành hoàng làng có bức hoành phi đề Trạch tư Đông thổ 宅兹東土, nghĩa là Yên định vùng đất Đông.
Sự tích của Quảng Bác Đại Vương ở Phú Xuyên là một cách kể khác của chuyện Chử Đồng Tử. Câu đối về Chử Đồng Tử ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) như sau:
淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
Chữ Sa 沙 và Chử 渚 đều nghĩa là bãi cát ven sông. Còn chữ Ba (3) trong tên Ba Sa và số Tám (Hùng triều bát đại vương) của chuyện Quảng Bác Đại Vương đều là những con số chỉ hướng Đông trong Hà Thư. Như vậy Ba Sa đồng nghĩa với Đông Chử hay Chử Đồng. Chử Đồng Tử đúng phải là Chử Đông Tử, nghĩa là vị thầy ở bãi Đông.
Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, rõ ràng là một vị tổ của Đạo giáo, chứ không phải đạo Phật. Nghĩa của tên Chử Đạo Tổ và Quảng Bác Đại Vương cũng rất gần nhau.
Bên cạnh đình Giẽ Hạ còn có đền thờ mẫu là bà Tiên Dung Châu, hoàn toàn trùng với tên Tiên Dung trong truyền thuyết về Chử Đồng Tử.
Quay lại với một số “dấu tích” cổ của đạo Phật ở Việt Nam. Một số tác giả căn cứ vào Ngọc phả Hùng vương kể chuyện vua Hùng thứ 7 là Lang Liêu lên núi Tam Đảo gặp Tiên ở chùa Địa Ngục mà kết luận: đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ thời Lang Liêu (?!) Có điều Lang Liêu, vị vua Hùng thứ 7, là thời kỳ nước ta vừa mới đánh giặc Ân xong. Nhà Ân Thương trước thời Phật Thích Ca ra đời có tới nửa thiên niên kỷ, làm sao thời Lang Liêu đã có đạo Phật được.
Chuyện Lang Liêu lấy nàng Tiên ở núi Tam Đảo chỉ rõ đây là chuyện thần tiên của đạo Lão chứ không phải chuyện của đạo Phật. Tây Thiên quốc mẫu Lăng Thị Tiêu ở núi Tam Đảo là Tây Vương Mẫu hay Mẫu Cửu trùng (Cửu Thiên Huyền Nữ), là vị mẫu cùng Ngọc Hoàng thượng đế cai quản các vị thần tiên trên trời, hoàn toàn không phải là Phật hay Bồ Tát gì cả.
Một “Phật tích” khác là tấm bia ở Hải Phòng có nói tới Tháp Xá Lợi ở miền Bắc Việt. Xá Lợi tháp là tháp nào? Tấm bia Xá lợi tháp minh mới phát hiện ở Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 2012 cho biết vào năm Nhân Thọ thứ nhất Tùy Văn Đế đã cho nhập xá lợi Phật vào Giao Châu tại chùa Thiền Chúng. Thiền Chúng phản thiết là Chiền, tức là chỉ một ngôi chùa ở Giao Châu mà thôi. Cổ Châu Phật bản hạnh ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết rõ:

Thời ấy có ông Lưu Chi
Tâu rằng nhà Tùy Cao Đế niên gian
Năm hòm xá lợi Bụt quan
Giữa huyện Siêu Loại là chiền Cổ Châu
Danh lam bảo tháp phù đồ
Cao dự nghìn trượng khỏe phò thánh cung.

Tùy Văn Đế năm 601 đã cho nhập xá lợi vào Giao Châu tại chùa Dâu. Tháp Hòa Phong ở chùa Dâu ngày nay được xây dựng lại trên nền cũ tháp Xá Lợi xưa.
Chùa Dâu ở Bắc Ninh gắn liền với sự tích về Phật Man Nương và Tứ pháp thời Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp ở vùng này được gọi là Tiên Sĩ Vương. Sĩ Nhiếp thực ra là người tu tiên theo đạo Lão. Hình tượng Tứ pháp (Vân Vũ Lôi Điện) là hình tượng thủy thần, hóa thân của Sĩ Nhiếp vì… Sĩ Nhiếp là Long độ đình hầu, tức thần Long đỗ của thành Thăng Long, là vua Mây họ Phạm ở Đằng Châu trong quan niệm dân gian.

P1110794Tam quan chùa Mui ở Thường Tín với bức tự “Đạo diễn huyền không”.

Sự đan xen giữa đạo Lão và đạo Phật trong tín ngưỡng dân gian Việt như vậy gặp ở nhiều sự tích, di tích. Ngay như ngôi chùa Mui (thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) gọi là chùa nhưng thực ra vốn là một Đạo quán (Hưng Thánh quán) thờ Thái thượng Lão quân, tức là thờ Lão Tử. Nếu không phân tách ảnh hưởng muộn của đạo Phật trong các truyền thuyết của đạo Lão thì sẽ đi đến những kết luận lệch lạc về lịch sử Phật giáo ở Việt Nam. Đối với Việt Nam Tiên có trước, Phật là sau. Tín ngưỡng chính thống và đặc sản của người Việt là Đạo giáo chứ không phải Phật giáo.