Thời đại Hùng Vương tính từ Kinh Dương Vương hay từ con của Lạc Long Quân?

Trong “Sách giáo khoa” lịch sử hiện nay thường trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư hay Truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái rằng Hùng Vương là con trưởng của Lạc Long Quân dựng nước Văn Lang, cho nên 18 đời Hùng Vương là tính người con đầu của Lạc Long Quân. Tuy nhiên các bản ngọc phả Hùng Vương Thánh Tổ lại cho biết 18 đời Hùng Vương bắt đầu từ Kinh Dương Vương, hay cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đều là những vị vua Hùng. Vậy phải lý giải sự mâu thuẫn giữa các nguồn tư liệu này như thế nào?

Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương.

Một số người chủ trương rằng thời đại Hùng Vương bắt đầu từ sau Lạc Long Quân, bởi họ muốn gán thời kỳ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân vào khu vực “châu Kinh” ở “Động Đình hồ”, ý là ở Nam sông Dương Tử. Lý thuyết này tuy có vẻ thích hợp để giải quyết giai đoạn nước Văn Lang của vua Hùng, nhưng lại không giải thích được nguồn gốc của người Việt từ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Chả hiểu vì lý do gì mà từ 4.000 năm trước khi còn đang là thời kỳ đồ đá người Việt lại có thể “thiên di” một quãng đường dài mấy ngàn km từ sông Dương Tử về sông Hồng, để quanh quanh lập nước Văn Lang ở miền Bắc Việt? Hùng Vương mà theo kiểu này cứ như là từ trên trời rơi xuống đất Việt Nam vậy.

Đọc kỹ Đại Việt sử ký toàn thư thì mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Sử ký trong phần Kỷ họ Hồng Bàng đã nêu rõ có 3 thời kỳ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương. Năm bắt đầu của thời họ Hồng Bàng là năm Nhâm Tuất (tức năm 2879 TCN, ngang với thời Đường Ngu). Năm kết thúc theo Sử ký chép là năm Quý Mão, tức là năm thứ 57 đời Chu Noãn Vương (258 TCN), tổng cộng gồm có 2.622 năm. Như thế với mỗi thời kỳ trong họ Hồng Bàng trung bình kéo dài là 874 năm. Với thời gian như thế rõ ràng trong mỗi thời kỳ này không phải chỉ có 1 vị Kinh Dương Vương, 1 vị Lạc Long Quân hay 1 Hùng Vương.

Sử ký ghi KINH DƯƠNG VƯƠNG, Xưa cháu ba đời Viêm-đế họ Thần-Nông là Đế-Minh sinh ra Đế-Nghi. Rồi đó sang tuần phương Nam, đến dãy Ngũ-Lĩnh, tiếp được Vụ Tiên-Nữ, sinh ra Vương (Lộc-Tục). Vương là bậc thánh, trí, thông, minh. Đế-Minh yêu quý lạ, muốn cho nối-ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế-Minh vì thế lập Đế-Nghi làm con nối dòng, trị phương Bắc. Lại phong Vương làm Kinh-Dương-Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích-Quỷ.

Như thế giai đoạn mà Sử ký gọi là Kinh Dương Vương bao gồm cả thời gian của các vị vua Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục. Đế Minh mới là người mở sử họ Hùng, là vị thủ lĩnh của toàn thể dân tộc họ Hùng đầu tiên. Thiên Nam ngữ lục cho biết Đế Minh chính là họ Hữu Hùng đã thay thế họ Thần Nông:

Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

Vì thế Đế Minh mới là vị vua Hùng đầu tiên mà hiện đang được thờ tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh dưới tên Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương, hay Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ Tiền Hoàng Đế. Nói cách khác người bắt đầu 18 đời họ Hùng Việt cổ không phải là con của Lạc Long Quân, mà là ông tổ mấy đời trước của Lạc Long Quân.

Giai đoạn Kinh Dương Vương như thế ít nhất có 3 triều đại là Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn theo cha Lạc Long Quân xuống biển, được biết là có nhiều đời Lạc Vương nối tiếp nhau. Gọi là Lạc Vương là để chỉ dòng theo cha Lạc Long Quân, phân biệt với Hùng Vương trong dòng theo mẹ ở giai đoạn sau. Giai đoạn Lạc Vương này cũng kéo dài gần cả ngàn năm.

Giai đoạn Hùng Vương theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang tuy cũng gọi là Hùng Vương nhưng chỉ là 1 trong số những giai đoạn sau của Kỷ họ Hồng Bàng. Gọi là Hùng Vương bởi bà Âu Cơ mới là chính dòng trưởng của vua Hùng Đế Minh (Âu Cơ là con Đế Lai, Đế Lai là con của Đế Nghi, Đế Nghi là con trưởng của Đế Minh). Trong khi đó Lạc Long Quân là dòng thứ từ Kinh Dương Vương Lộc Tục, nên thường chỉ gọi là các Lạc Vương.

Nếu Thái tổ Hùng Vương Đế Minh là người thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ, đến thời Hùng Vương lập nước Văn Lang thì chỉ còn trăm nước chư hầu, được cai quản bởi trăm người anh em cùng bọc đồng bào. Phải đến khi Thục Vương thay thế Hùng Vương thì thiên hạ họ Hùng mới trở nên thống nhất trong một quốc gia. Mỗi bước phát triển từ vạn bang – trăm chư hầu đến thiên hạ nhất thống kéo dài hơn 800 năm. Đó mới giống tiến trình phát triển thực sự của lịch sử.

Họ Hùng dựng nước bắt đầu đã 5.000 năm có lẻ từ Hữu Hùng Đế Minh, qua 1.000 năm của thời kỳ Kinh Dương Vương thì tới thời các Lạc Vương theo cha khai phá miền ven biển Đông. Để rồi tới 3.000 năm trước nước Văn Lang do các vua Hùng trong dòng theo mẹ lên núi được hình thành, đứng đầu trong thiên hạ trăm nước chư hầu Bách Việt. Cho nên Hùng Vương là tổ của Bách Việt vậy. Danh xưng Hùng Vương vừa là để chỉ vị Thái tổ Đế Minh, khởi đầu họ Hữu Hùng, cũng vừa để chỉ Hùng Quốc Vương, người con cả của bà Âu Cơ đã lập ra trăm nước, đặt ra trăm họ, sắp xếp trăm quan, phong cho trăm thần… Chính vì vậy mà có cả Hùng Vương là tổ của Lạc Long Quân, cũng có Hùng Vương là con cháu của Lạc Long Quân vậy.

Những khía cạnh trong tín ngưỡng thờ thần bất tử Chử Đồng Tử

Chử Đồng Tử đi vào trong tín ngưỡng dân gian là vị thần bất tử thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam. Bản chất của tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử được làm rõ hơn qua nghiên cứu các thần tích dân gian về vị thủy thần cùng vùng sông nước sông Hồng này.

1.      Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ mấy?

Truyện Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái ghi Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ 3. Một số thần tích như ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) ghi là đời Hùng Duệ Vương thứ 18. Nhưng cũng có nơi như ở thần tích đình Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên) lại ghi là đời Hùng Vương thứ 6. Xét sự tích Chử Đồng Tử mang đầy màu sắc huyền thoại xa xưa thì có thể thấy câu chuyện này không phải ở cuối thời đại Hùng Vương, mà là ở quãng giữa, nghiêng về gần đầu thời kỳ Hùng Vương. Việc đánh số thứ tự các vị vua Hùng là 3 hay 6 thực ra không có nhiều ý nghĩa vì không rõ trong từng trường hợp thứ 3, thứ 6 hay thứ 18 là tính từ vị tổ đầu tiên nào.

2.      Chử Đồng Tử là hình tượng một thủy thần

Việc xác định Chử Đồng Tử là một vị thủy thần đã được nhiều tài liệu nói đến qua hình thức phối thờ với những thủy thần khác như với Tứ Vị Càn Nương, với thần Cá Chép … Nhà Chử làm nghề đánh cá ở bãi Chử Xá, rồi khi cha mất Chử Đồng Tử trầm mình trong nước mà kiếm sống, nên tất nhiên khi hóa thần sẽ là thủy thần của vùng sông nước. Tuy nhiên, khác với các vị như Linh Lang Đại vương hay Quý Minh Đại vương là các “thủy thượng linh thần” trong dòng dõi theo cha Lạc Long Quân xuống biển, Chử Đồng Tử có xuất thân từ trong nhân dân lao động chài lưới ven sông biển, nhờ duyên kỳ ngộ mà đắc đạo thành tiên.

Trong các thần tích ở vùng Khoái Châu, khác hẳn với lời kể của Lĩnh Nam chích quái, Chử Đồng Tử không hề đi buôn bán. Ngọc phả đền Hóa Dạ Trạch kể: … Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Như vậy, Chử Đồng Tử là một vị nhân thần tu tiên đạo, chứ không phải là “ông tổ” nghề thương mại.

3.      Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo là ở đâu?

Bức đại tự trước cung thờ Chử Công Đồng Tử ở làng Đông Tảo Đông (Văn Giang, Hưng Yên) ghi Quỳnh Viên đắc đạo 瓊園得道. Các thần tích về Chử Đồng Tử ghi rất rõ Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử gặp lão tiên ông là ở Hoan châu, tức vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoan châu cũng là quê mẹ của Công chúa Tiên Dung (theo thần tích mẹ của Công chúa là Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan), nên sau khi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử không quay về triều vua Hùng mà về quê mẹ sinh sống là điều tự nhiên. Di tích và truyền thuyết về Chử Đồng Tử, Tiên Dung ở Hoan châu nay vẫn còn là ở núi Nam Giới tại Thạch Hà, Hà Tĩnh.

4.      Những mối duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử

Trong sự tích của Chử Đồng Tử có tới 3 mối duyên kỳ ngộ. Thứ nhất là việc gặp gỡ trong một hoàn cảnh bất ngờ với Công chúa Tiên Dung bên bãi sông. Thứ hai là việc gặp lão tiên ông ở Quỳnh Viên. Thứ ba là gặp Tây Cung Tiên nữ trong đầm Dạ Trạch. Ý nghĩa của sự kết hợp nhân duyên này là gì?

Ngọc phả kể khi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên gặp ông lão bạc đầu hát như sau:
Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm
Trần trung thiển hữu thức kỳ âm
Thức kỳ âm hề, kết giai âm
Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.
Ký kết đắc nhi dữ chi du hề
Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:
Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm
Cõi trần mấy ai hiểu âm này
Hiểu âm này chừ kết giai âm

Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm
Đã kết được rồi thì cùng du chơi
Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Lời hát của lão tiên ám chỉ việc kết hợp giữa “núi cao” và “nước sâu”, là sự việc quý giá, vạn dặm cũng tìm. Sự kết hợp đó sẽ làm nên công trạng “sánh cùng với núi cao nước sâu”. Khi đặt lời hát của tiên ông vào trong bối cảnh của Chử Đồng Tử thì sẽ thấy rõ ràng rằng thủy thần Chử Đồng Tử là “nước”, còn Tiên Dung Công chúa phải là “sơn”. Đây là một sự kết hợp sơn – thủy khác trong truyền thuyết Việt bên cạnh cuộc gặp gỡ của Lạc Long Quân và Âu Cơ hay của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sự kết hợp của 2 dòng lên núi và xuống biển đã được nhấn mạnh nhiều lần vào thời kỳ đầu của thời đại Hùng Vương, là nguồn gốc Tiên Rồng của trăm họ người Việt.

5.      Chử Đồng Tử đắc Tiên đạo hay Phật đạo?

Tất cả các thần tích ở các nơi phụng thờ Chử Đồng Tử đều ghi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên đã gặp lão tiên ông mà được truyền thụ tiên đạo cùng với gậy và nón thần. Chỉ có Lĩnh Nam chích quái mới gọi vị Tiên ông này là lão Phật quang. Giai đoạn đầu của thời kỳ Hùng Vương (thứ 3) đâu đã có đạo Phật của Thích Ca để mà Chử Đồng Tử tu theo. Gậy trúc và nón tròn là biểu tượng của Âm – Dương rất rõ. Cùng với phép thuật đầu sinh đầu tử, cải hóa cả âm dương của cây gậy trúc thì chỉ có thể nói Chử Đồng Tử đã đắc Tiên đạo. Tín ngưỡng dân gian đã tôn ông là Chử Đạo Tổ. Các đạo sĩ thời Nguyễn đã liệt cả Chử Đồng Tử, Tiên Dung cùng Tây Cung Công chúa vào trong sách Hội chân biên như những vị tổ của Đạo giáo Việt Nam.

6.      Vì sao Chử Đồng Tử là thần bất tử thứ hai?

Trong bộ các vị thần Tứ bất tử nước Nam, Chử Đồng Tử được xếp ở hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh. “Bất tử” là mục đích tu tiêu của đạo Giáo nên đây không phải là cách sắp xếp theo công trạng thành tích của các vị thần được thờ.
Tản Viên Sơn Thánh đứng đầu trong các vị thần bất tử bởi Thánh có cây gậy thần do Thái Bạch Kim Tinh trao truyền, có khả năng cải tử hoàn sinh, đã từng cứu sống con rắn con Long Vương Động Đình ở bên bãi Trường Sa, nhờ đó đi xuống Thủy phủ mà được thêm cuốn sách ước. Thánh Tản không hóa mà đã lên núi Tản Viên trở thành bất tử.
Chử Đồng Tử cũng vậy, nhờ học được phép tiên của lão tiên ông ở Quỳnh Viên, dùng cây gậy trúc cứu sống nhiều người ở xã Ông Đình, Mạn Trù, nên Chử Đồng Tử là thần bất tử. Chử Đồng Tử không hóa, mà một đêm bay về trời, mãi mãi bất tử ở nơi cung trăng.
Còn vị thần bất tử thứ ba là Thánh Dóng, tuy là bất tử bay về trời thành Thiên Vương, nhưng Phù Đổng chỉ có khả năng diệt giặc, mà không có khả năng cải tử hoàn sinh, cứu người chết sống lại như Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đạo Tổ. Do đó Phù Đổng Thiên Vương đứng hàng thứ 3 trong thần bất tử là hợp lẽ.

7.      Tây Cung Tiên nữ

Hiểu biết về thần bất tử trong chuyện Chử Đồng Tử còn đến từ nhân vật Công chúa Tây Nương. Ngọc phả kể: Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng: Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.
Tây Nương đúng là đã ở trần gian trong 3 lần, lần đầu là sinh ra ở Đông Miên (Đông An, Hưng Yên) rồi mất, nhưng lần 2 lại thường xuyên về thăm gia đình, ruộng vườn, du chơi trên đường cái, cầu kiều. Lần thứ 3 là xuất hiện trong “kính cổ” khi gặp vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Tây Vương Mẫu là vị thiên thần bất tử, đứng đầu các vị thần trên núi Côn Lôn của Đạo giáo. Tây Sa Công chúa là con của Tây Vương Mẫu đã lấy Chử Đồng Tử tức là Chử Đồng Tử đã có được tiên đạo bất tử. Các thần tích còn kể, Tây Sa Công chúa có khả năng chế thuốc chữa bệnh cứu người, điều mà Chử Đồng Tử không làm được vì cây gậy trúc phải đợi người chết đi mới cứu sống lại được. Câu đối ở đình Phương Trù (Khoái Châu, Hưng Yên) kể về việc này:
造化亦無權金鼎靈丹傳不死
神仙安可接石頭廟貌凛如生
Tạo hóa diệc vô quyền, kim đỉnh linh đan truyền bất tử
Thần tiên an khả tiếp, thạch đầu miếu mạo lẫm như sinh.

Dịch là:
Tạo hóa cũng vô quyền, đỉnh vàng thuốc thiêng truyền bất tử
Thần tiên khó thể tiếp, đầu ghềnh miếu mạo nghiêm như sinh.

8.      Chử Đồng Tử lập Trạch quốc

Ngọc phả chép: Việc xong, ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Cung Tiên nữ) lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa. Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái.
Bức đại tự trước cung thờ ở đình Phương Trù ghi: Trạch quốc Tam Thanh 澤國三清, có ý nói rằng ba vị nhà Chử là người khởi đầu của một quốc gia vùng đầm lầy Dạ Trạch. Việc Chử Đồng Tử lấy Công chúa Tiên Dung không theo mệnh vua cha có nghĩa là Chử Đồng Tử đã tiếm đoạt ngôi quyền của vua Hùng, tự lập thành một nước riêng ở vùng đầm bãi ven bờ phải của sông Hồng. Quan quân triều Hùng Vương đóng ở bờ trái.
Tam Thanh là khái niệm 3 vị thánh khởi đầu trong Đạo giáo. Trạch quốc Tam Thanh là 3 vị tổ của vùng đầm Dạ Trạch, gồm có Chử Đạo Tổ là Thủy thần, Tiên Dung Công chúa là Sơn thần và Tây Cung Tiên nữ là Thiên thần (con của Tây Vương Mẫu – Mẫu Thượng Thiên). Khái niệm Tam phủ Thiên Nhạc Thủy như thế đã hình thành từ rất sớm, ngay trong truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Ban thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ ở đình Ngự Dội, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình làng Đông Tảo Đông, Văn Giang, Hưng Yên.
Gậy trúc, nón vẽ ở đền Hóa Dạ Trạch.
Hoành phi Quỳnh Viên đắc đạo ở đình Đông Tảo Đông.
Hoành phi Quỳnh Liễu cung ở đền thờ Mẫu trên núi Nam Giới, Hà Tĩnh.
Hoành phi Trạch quốc Tam Thanh ở đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.

Vài điều làm rõ về Linh Lang và Lạc Long Quân ở Bình Đà

Làng Bình Đà ở Thanh Oai có 2 di tích là đình Ngoại thờ Linh Lang Đại vương, là thủy thần xuất thế thời Lý và đền Nội thờ Lạc Long Quân. Bản khai 1938 của làng ghi vậy. Trong bản khai cũ chỉ có thần tích của Linh Lang Đại vương mà không có sự tích của Lạc Long Quân. Tuy nhiên, không hiểu sao sau này lại thấy có sự tích lưu ở đền Nội Bình Đà về Lạc Long Quân được chép với niên hiệu Thái Bình Thiên Quốc, và nội dung ná ná như Cổ Lôi ngọc phả. Rõ ràng đây là tư liệu được đưa vào di tích sau năm 1938, không phải tư liệu gốc của đền.

Bia ở đền Nội ghi khá đơn giản, rõ ràng: Dân có tổ, tổ có miếu, nước thì thờ, làng thì cúng, đều là để tưởng nhớ vậy. Làng ta phụng thờ quốc tổ Lạc Long Quân từ xưa… Không có đoạn sự tích như Cổ Lôi ngọc phả kể từ Kinh Dương Vương, rồi Lý Long Cảnh, Sùng Lãm… Đền Nội Bình Đà đơn giản là một nơi thờ Lạc Long Quân, không có mộ tổ của cụ nào được ghi chép ở đấy cả.

Về bức giá tượng trong đền Nội, các tài liệu ghi là có chữ “Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ …“, tức là nói đến Hùng Vương. Nhưng bản khai 1938 lại ghi rằng bức giá tượng đó có chữ “Ngũ thập tử tòng phụ, ngũ thập tử tòng mẫu “, tức là nói đến truyền thuyết bách noãn của Lạc Long Quân.

Hiện nay, Linh Lang Đại vương ở Bình Đà được làm lễ ngày hóa là ngày 26/2 âm lịch. Theo Cổ Lôi ngọc phả thì Lạc Long Quân hóa ngày 28/2, tức là gần trùng với ngày hóa của Linh Lang Đại vương. Ngày 6/3 âm mà hiện nay đền Nội đang làm chính lễ hội, không phải là ngày hóa của Lạc Long Quân, mà là ngày khánh hạ của làng mà thôi.

Ở đình Ngoại trên bia và trên đại tư cho biết đây là 1 trong 4 đền thiêng của Thanh Oai (Thanh Oai tứ linh từ chi nhất). Câu đối ở đình:

Thần tích thái hy kỳ, lịch đại bao phong, Thanh Oai tứ linh từ chi liệt

Võ công do hách trạc, xã dân sùng bái, Lý triều bát thế kỷ dĩ lai.

Dịch nghĩa:

Thần tích thật kỳ lạ, các đời bao phong, là trong 4 đền thiêng của Thanh Oai

Võ công còn rạng tỏ, xã dân sùng bái, từ thời Lý tám đời tới nay.

Nếu đền thờ Linh Lang Đại vương đã là một trong 4 đền thiêng của Thanh Oai, thì sao đền thờ Lạc Long Quân lại không được xếp trong các đền thiêng này? Rõ ràng ở đây coi đình thờ Linh Lang và đền thờ Lạc Long Quân là 1 cụm di tích, thờ chung 1 vị thần mà thôi.

Điều lạ nữa là trong đình Ngoại Bình Đà tuy thờ Linh Lang là tướng quân, nhưng hai bên lại bày ban văn võ, giống y như bên đền Nội. Có đủ ban văn võ hai bên thì người được thờ phải là vua.

Như vậy thực ra làng Bình Đà vốn chỉ thờ 1 vị thần là Linh Lang Đại Vương, cũng là Lạc Long Quân. Đình Ngoại là đình thờ, chỉ có bài vị. Đền Nội là đền thờ nên có bức giá tượng. Việc trùng ngày hóa của 2 vị, cùng là Thủy thần hiển linh thời Lý, cùng 1 đền thiêng của Thanh Oai… là những dẫn chứng cho nhận định rằng Linh Lang Đại vương chính là quốc tổ Lạc Long Quân.

Bia ở đền Nội Bình Đà
Bức giá tượng Ngũ thập tử tòng phụ, Ngũ thập tử tòng mẫu ở đền Nội Bình Đà
Bia đình Ngoại Bình Đà
Hoành phi: Nhất tứ linh từ, ở đình Ngoại Bình Đà
Bụi Trúc hóa long ở sân đình Ngoại Bình Đà
Bài vị cổ Linh Lang Đại vương ở đình Ngoại Bình Đà
Ban Võ ở đình Ngoại Bình Đà
Ban Văn ở đình Ngoại Bình Đà

Mười tám đời Hùng Vương là những ai?

Theo Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, sưu khảo bởi Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt thì 18 đời Hùng Vương gồm:

Giai đoạn Sơn triều Thánh tổ:

1. Hùng Vũ Vương, bắt đầu vào quãng 5.000 năm trước. Tên thường gọi là Thái Tổ Đế Minh. Tên thờ là Đột Ngột Cao Sơn, hay đầy đủ là Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ Tiền Hoàng Đế. Chính đền thờ tại núi Hùng Nghĩa Lĩnh.

2. Hùng Hy Vương, tên thường gọi là Đế Nghi. Tên thờ là Viễn Sơn Thánh Vương. Đền chính tại núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Khu vực thờ khác là ở núi Hồng Lĩnh của Nghệ Tĩnh.

3. Hùng Anh Vương, tên thường gọi là Lộc Tục. Tên thờ là Ất Sơn Thánh Vương. Đền chính ở núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Khu vực khác là ở vùng chân núi Lịch, Sơn Dương, Tuyên Quang.

4. Hùng Việt Vương, tên thường gọi là Kinh Dương Vương. Tên thờ là Nam Thiên Thủy Tổ Tản Viên Sơn Thánh. Chính đền ở vùng núi Ba Vì.

Giai đoạn Kinh triều Lạc thị:

5. Hùng Hoa Vương, quãng 4.000 năm trước. Tên thường gọi là Lạc Long Quân. Tên thờ là Linh Lang Đại vương hay vua cha Bát Hải Động Đình. Chính đền ở An Phụ, hồ Dâm Đàm. Đền thờ ở nhiều nơi khác trên vùng Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển.

6. Hùng Uy Vương, là triều đại phục hưng sau sự gián đoạn bởi Trạch quốc của Chử Đồng Tử. Hoa sử gọi là nhà Hạ Trung hưng.

7. Hùng Huy Vương, người Dao gọi là Bàn Vương, sáng lập ra nhà Thương ở vùng Nam sông Dương Tử.

8. Hùng Duệ Vương, là triều đại nhà Ân sau khi theo Bàn Canh vượt Dương Tử tiến lên Hoàng Hà.

Giai đoạn Thục triều Văn Lang:

9. Hùng Chiêu Vương, quãng 1.100 TCN. Tên thường gọi là Văn Lang. Tên thờ là Âu Cơ. Đền chính ở Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ.

10. Hùng Quốc Vương, tên thường gọi là Vũ Ninh. Tên thờ là Hùng Linh Công. Đền chính ở Y Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang

11. Hùng Tạo Vương, tên thường gọi là An Dương Vương. Hoa sử gọi là Đông Chu Vương. Đền chính ở Cổ Loa.

12. Hùng Nghị Vương, tên trong Hoa sử là Dịch Hu Tống của nước Tây Âu hay Chu Vương thời Chiến Quốc.

Giai đoạn Hoàng triều Triệu Hiếu:

13. Hùng Định Vương, tên thường gọi là Tần Vương. Tần Thủy Hoàng xưng đế năm 221 TCN.

14. Hùng Trịnh Vương, tên thường gọi là Lý Bôn hay Lưu Bang. Tên thờ là Triệu Vũ Đế. Đánh đổ nhà Tần năm 206 TCN. Chính từ thờ tại Đồng Sâm, Thái Bình.

15. Hùng Triệu Vương, tên thường gọi là Triệu Quang Phục. Lập quốc Nam Việt và xưng đế năm 179 TCN. Đền chính ở vùng Dạ Trạch và các đền ven cửa Độc Bộ ở biển Nam Định, Ninh Bình.

16. Hùng Hiếu Vương, tên thường gọi là Lý Phật Tử. Hoa sử gọi là nhà Tây Hán.

17. Hùng Trưng Vương, bắt đầu quãng năm 110 TCN. Tên thường gọi là Bà Trưng. Tên thờ là Ả Lã Nàng Đê. Đền chính ở Hát Môn.

18. Hùng Tân Vương, tên thường gọi là Vương Mãng. Trên đất Việt là giai đoạn các thái thú Đặng Nhượng, Tích Quang.

Hỏi kỹ chuyện qua mà chép sử
Thấy rành như vẽ mới làm thơ.

Link bản đồ:

Hội Thống Thượng thượng thượng đẳng thần

Tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An từng có một ngôi đền lớn nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam, gọi là đền Hội. Theo ghi chép trong cuốn Địa chí Nghi Lộc (2014) thì:

Đền Hội: ở xóm Hoàng Xá, xã Cẩm Trường cũ, bên cạnh quốc lộ 1A có 3 toàn, tòa trong (gọi là thượng điện) 3 gian đặt ngai thần, cao 2 m, rộng 1m. Tòa giữa (trung điện) 3 gian đặt 8 tượng (ông phỗng bằng gỗ, quì hai bên). Tòa ngoài (hạ điện) 5 gian 2 hồi, là nơi hội họp, tế tự. Trước có cổng tam quan 3 gian (1 chính, 2 phụ). Tượng 2 voi đá nằm trong hai gian phụ, hai tường bên có tượng hai ông tướng đứng hầu. Phía trước có hai cây gạo cổ thụ. Toàn bộ cột kèo oai bẩy của đền bằng gỗ lim. Mái lợp ngói mũi hài, trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía ngoài có hai bia đá.
Đền Hội thờ vị tướng người Tàu có sắc phong là: Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn Trấn quốc lịch đại gia phong Thượng thượng thượng đẳng tôn thần.
Hiện nay đền đã bị phá, chỉ còn hai bia đá
.
Đền Thánh: Thờ Khổng Tử cách đền Hội 300 m về phía Nam có 2 tòa. Phía trước có một bia đá, đền này đã bị phá, bia đá vẫn còn...
Đại tế ở đền Hội (gọi là tế Kỳ Yên) hàng năm vào các ngày 17-18-19 tháng Giêng, các thôn rước thần ở thôn mình về hội tế ở đền Hội. Ngày 17 rước ông chủ tế về đền, ngày 18 rước thần các thôn về đền, ngày 19 đại lễ. Ngày tế lễ, có đội bát âm (đội nhạc gồm 8 người). Đêm diễn tuồng chèo…

Di tích đền Hội (ở xóm Hoàng Xá) thờ “Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn trấn quốc, lịch đại gia phong Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh tôn thần” cũng được Ninh Viết Giao nhắc đến trong cuốn Tục thờ thần và thần tích Nghệ An. Tác giả cho biết đền này nhiều làng trong tổng Kim Nguyên cũng phụng tự và làng Kim Chi ở xã Nghi Liên có đến Kim Cẩm cũng thờ Mạch Sơn Trấn quốc Thượng đẳng thần (thờ vọng thần ở đền Hội thuộc xã Nghi Trung).

Vị Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn trấn quốc là ai mà được lịch đại gia phong Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh tôn thần? Chắc chắn đây không phải “người Tàu” như Địa chí Nghi Lộc chép. Với mức độ gia phong 3 lần Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh thì đây phải là một vị thần rất cổ. Cách bài trí trong đền với ngai thần rất lớn (cao 2 m, rộng 1 m), 8 vị phỗng chầu cũng nói lên điều này. Tam quan đền 3 gian, có 2 voi đá và 2 tướng đứng hầu. Đặc biệt có 2 cây gạo cổ thụ, nằm ngay trên con đường thiên lý Nam Bắc đi qua Quán Hành, xưa kia chắc chắn là một điểm dừng quan trọng của tuyến đường này. Hai cây gạo gợi ý về tục thờ các vị thủy thần thời Hùng Vương, như ở nhiều nơi trên miền Bắc.

Đền Hội nằm cách cửa Hội, cửa sông Lam đổ ra biển giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chỉ có khoảng hơn 10km. Cửa Hội là một mạch nguồn quan trọng được nhắc tới trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả:
Xưa Kinh Dương Vương vào ngày mùng 5 tháng Hai năm Nhâm Tuất vâng lệnh đem các tướng dời đến Nam Miên, trấn giữ và cai trị đất nước. Trên đường Vua ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa có đại cuộc chân long quý mạch để lập đô ấp, trấn trị thiên hạ. Qua Hoan Châu vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc phong cảnh tươi đẹp như lâu đài muôn nhẫn, tên là núi Hùng Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, xưa gọi là Cựu Đô, nay là Ngàn Hống. Vùng đất này non biển đúc linh, núi sông khe hồ hội chầu, tụ họp ở ven biển tại xã Hội Thống. Ở cửa Hội Thống núi chạy quan co, sông chảy cuốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông. Vua bèn xây dựng đô thành cung điện lâu đài cửa ngọc, làm nơi cho bốn phương triều cống.

Cũng tại cửa Hội Thống Kinh Dương Vương đã lạc thuyền rồng đến xứ hồ Động Đình và gặp được Tiên nữ Thần Long, kết duyên mà sinh ra Lạc Long Quân.

Kinh Dương Vương có tên là Lộc Tục, hay Lạc tộc, được vua cha Đế Minh mệnh cho cai quản (thống chế) phương Nam nên được gọi là Nam Thiên Thánh Tổ. Kinh Dương Vương cũng là Lạc Thị và cũng chính là Tản Viên Sơn Thánh. Đền Hội nằm gần cửa Hội Thống thờ Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn Trấn quốc thì rõ ràng đây chính là vị thần của cửa Hội Thống, tức là Kinh Dương Vương. Chữ Mạch có thể là đọc khác của chữ Lạc. Nam Thiên Lạc Sơn trấn quốc không còn ai khác là Nam Thiên Thánh Tổ Lạc thị Tản Viên Sơn.

Đây là phát hiện quan trọng, cho thấy Kinh Dương Vương khi đóng đô ở vùng Cựu Đô ở Nghệ Tĩnh xưa được gọi là Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn Trấn quốc và được thờ tới nay ở khu vực cửa Hội (Nghi Trung, Nghi Liên, xưa là tổng Kim Nguyên). Dấu vết thời đại Hùng Vương ở Nghệ Tĩnh như vậy còn rất đậm nét, từ tục thờ Tam Lang Long Vương (Lạc Long Quân), Thống Chế Nam Thiên Mạch Sơn, hay thậm chí cả Âu Cơ như ở xã Nghi Khánh, Nghi Lộc. Chưa kể đến các vị thần Cao Sơn Cao Các cũng có thể là các vua Hùng thờ rất phổ biến ở vùng này.

Hiện tại Viện NC Hán Nôm còn lưu được bản khai thần sắc của tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An số hiệu AD.b1/15, trong đó có sắc phong thời Lê cho Mạch Sơn… Đại vương. Còn trong nguồn của Viện thông tin Khoa học xã hội có bản khai thần tích thần sắc làng Kim Cẩm, tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ký hiệu TTTS007418/19 gồm 3 trang tiếng Pháp cho vị thần Mạch Sơn Trấn quốc. Đền Kim Cẩm nay thuộc xã Nghi Liên như trên.

Hiện tại ở xã Nghi Trung, đền Hội Thống đã bị phá. Ở vị trí đền xưa nay là trạm xăng dầu, chỉ còn lưu lại 2 tấm bia đá và một số đá kê chân cột xưa. Tấm bia lớn còn nguyên vẹn có tiêu đề “Trùng tu Chân Lộc huyện từ vũ bi ký” (Bia ghi chép về việc trùng tu từ vũ huyện Chân Lộc”). Bia này có được giới thiệu và dịch (theo bản viết tay lưu giữ tại Thư viện Nghệ An) trong cuốn Văn bia Nghệ An (2004), nội dung nói việc dời Từ vũ từ ấp Hùng Quần đến thôn Kỳ Cẩm, ca ngợi đất ấy. Bia ghi Thiệu Trị năm thứ hai Nhâm Dần (1842).

Tấm bia nhỏ hơn ở đây đã bị vở, chỉ còn lại một nửa. Đối chiếu theo sách Văn bia Nghệ An thì đây là bia ghi việc dời và làm văn từ huyện Nghị Lộc: Văn từ Nghi Lộc trước ở thôn Kỳ Cẩm thuộc xã Nghi Liên, nay dời đến khu Ba xã, tức ở Quán Hội, thuộc xã Nghi Trung bây giờ. Bia làm năm Đồng Khánh thứ ba (1888).

Như vậy cả 2 tấm bia còn lại đều là bia của văn từ. Một bia ghi văn từ chuyển từ ấp Hùng Quần đến Kỳ Cẩm (Nghi Liên), bia sau đó ghi lại chuyển từ Kỳ Cẩm đến đến Quán Hội xã Nghi Trung. Còn bia của đền Hội được nhắc đến trong Địa chí Nghi Lộc thì chưa rõ ở đâu.

Xã Nghi Trung là nơi có nhà thờ họ Nguyễn Đức, một dòng họ văn học nổi tiếng với các danh nhân như nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Nhà thờ họ Nguyễn Đức nằm ngay gần đền Hội xưa, cùng xóm Hoàng Xá, nay đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đền Hội ở Nghi Lộc thực chất là đền thờ thần cửa Hội Thống, là Nam Thiên Thánh Tổ Kinh Dương Vương, gặp Động Đình Long Nữ tại vùng cửa biển này. Đền vốn là nơi làm đại lễ Kỳ Yên của cả tổng Kim Nguyên xưa, nay gồm khu vực xã Nghi Trung và Nghi Liên, hàng năm vào tháng Giêng. Đền cũng từng là nơi có văn từ của huyện Nghi Lộc, nơi cúng bái các bậc tiên hiền, nho sĩ đỗ đạt của cả huyện. Rất cần thiết khôi phục lại ngôi đền cổ của vùng này và tục thờ Thống Chế Nam Thiên – Kinh Dương Vương tại đây.

Hai tấm bia còn lại ở Quán Hội xưa
Đá kê chân cột của khu vực đền Hội
Hoa Gạo trên đất Nghệ An
Nhà thờ họ Nguyễn Đức ở xóm Hoàng Xá, Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An.

2 chuyện cần bàn thêm

Sau bài viết của tác giả Văn Nhân Nguyễn Quang Nhật “Sử Việt, 2 chuyện cần bàn“, xin góp bàn thêm về giai đoạn đặc biệt phức tạp nhưng cũng hết sức hào hùng này trong lịch sử nước Nam người Việt.

1. Chuyện số 1:

Lý Nam Việt Đế là Triệu Vũ Đế, cũng là Cao Tổ Lưu Bang. Tuy nhiên, còn người làm vua Nam Việt tiếp theo Lưu Bang thì cần xem thêm. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, vị này:

– Ngay khi nhà Tần diệt vong đã tự xưng là Nam Việt Vũ Vương.
– Sau đó mấy năm được Lưu Bang cử Lục Giả mang phẫu phù đến sắc phong Vương chính thức.
– Khi Lữ Hậu mất thì xưng Đế, thuần phục Tây Âu và Mân Việt.

Xét theo truyền thuyết Việt, người được Lý Nam Đế trao lại quyền nước Nam, tự xưng Dạ Trạch Vương rồi xưng Hoàng đế phải là Triệu Quang Phục. Theo thần tích Hạ Mạo thì Quang Phục là dòng dõi Hùng Vương, cháu ngoại của Đông Chu Quân, được vua ban cho họ Lê, khởi nghĩa cùng Triệu Vũ Đế và được gả con gái là Triệu Hậu cho. Vì thế Quang Phục khi xưng Đế đã lấy tên triều đại của mình theo Triệu Cao Tổ Lưu Bang.

Đoạn văn tế độ Triệu Vũ Đế ở Đồng Sâm: 

Công tham lưỡng đại,
Uy nhiếp bách Man.
Thuỷ đế khai thất quận chi đồ, Hán hùng tịnh thế,
Mẫu nghi chính lục cung chi biểu, Chu hậu đồng ban. 

Người kế tục Lưu Bang – Lý Bôn ở Nam Việt là Triệu Quang Phục, xưng là Triệu Văn Đế. Đôi búa sắt lưu ở đền Đồng Xâm tương truyền là do nhà Hán, tức do Lưu Bang, đã trao cho Triệu Việt Vương. Phải chăng đây là khi Lưu Bang nhập Quan Trung nhà Tần, để lại binh quyền Nam Việt cho Triệu Việt Vương?

2. Chuyện số 2:

Khu Liên là Triệu Quốc Đạt – Đô Dương, người đã nối tiếp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng của bà Trưng – bà Triệu cuối thời Đông Hán. Thêm nữa, khi khảo sát các di tích và sự tích về Lý Nam Đế ở nước ta đã phát hiện có 2 vị vua đều được được gọi là Lý Nam Đế. Vị thứ nhất ở vùng Thái Bình, Long Hưng dựng nghiệp là Triệu Vũ Đế – Lưu Bang như đã nêu ở chuyện thứ 1. 

Vị thứ hai ở vùng Sơn Tây (quận Nhật Nam), từ nhỏ nuôi chí lớn ở trong chùa, khởi nghĩa lập ra nước Lâm Ấp. Khu Liên do đó là Lý Nam Đế thứ 2, vị vua đã “thác thủy” Lâm Ấp địa. Sau khi Khu Liên mất, đã giao lại quyền bính cho một người bên họ ngoại là Hữu tướng Phạm Tu, tức Sĩ Nhiếp. Phạm Tu là người có công bình định đất phương Nam – Lâm Ấp (miền Trung bộ), giao cho một người con là Phạm Hùng cai quản. Sĩ Nhiếp Phạm Tu duy trì chế độ tự trị kéo dài 40 năm đối với nhà Đông Hán rồi Đông Ngô.

Còn phần phía Tây Bắc Việt do người anh của Khu Liên là Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo cầm quân. Lý Thiên Bảo mất, con là Lý Phật Tử lên thay. Dòng họ Lý ở vùng đất quận Nhật Nam xưa được sử Việt gọi là Nam Triệu (Nam Chiếu). Còn Hoa sử gọi là Tây Nam Man Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch và Sĩ Nhiếp chia đôi nước Lâm Ấp của Khu Liên thành 2 phần Đông Tây, lấy bãi Quân Thần ở Thượng Cát làm ranh giới. Đây cũng là ranh giới 2 quận Giao Chỉ và Nhật Nam từ thời Tây Hán.

Các di tích ở vùng Sơn Tây thờ Lý Nam Đế như ở Giang Xá (Hoài Đức) chính là nơi khởi nghĩa của Lý Khu Liên. Câu chuyện về 2 vị vua Lý Nam Đế này nay đã lẫn lộn vào nhau, nên trong sự tích mỗi nơi đều thấp thoáng chuyện của cả 2 vị ở 2 thời kỳ khác nhau.

Câu đối ở Giang Xá:

Thiên Đức hồng cơ long đỉnh Bắc
Vạn Xuân cung khuyết phượng thành Đông.
 

Tướng Ông trong hội cờ người lễ hội Giang Xá.

Y Sơn linh tích Hùng Ninh Vương

Khu vực Hiệp Hòa, Bắc Giang có di tích thờ một thần tướng đánh giặc Ân là Hùng Linh Công. Cụm di tích thờ Hùng Linh Công nằm quanh núi Y Sơn (Hòa Sơn) tại đây. Theo truyền thuyết và các tài liệu thư tịch cổ thì: vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6 có quan trị sự xứ Kinh Bắc tên là Hùng Nhạc dòng dõi Hùng Vương. Ông đã ngoài 60 tuổi, bà ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Nhân ngày đầu xuân, ông bà đi thăm Châu Lạng và vãng cảnh trên dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), qua vùng núi Ia thì trời sẩm tối. Ông bà đã vào chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) nghỉ trọ lễ phật cầu phúc. Đêm ấy xảy ra thần mộng: “Thiên thần thị ngã ứng hoài thai”.

Sau đó, quan bà Cao Tiên phu nhân mang thai sinh ra một người con trai vào ngày 12 tháng 10 năm Đinh Hợi, đặt tên là Hùng Linh Công. Hùng Linh Công khôi ngô tuấn tú, năm 17 tuổi văn võ song toàn. Đức vua nghe tin đã triệu về Kinh đô để thi kén hiền tài. Hùng Linh Công tỏ ra xuất sắc.

Khi có giặc lang thú, hổ, báo phá hoại dân lành, Đức vua sai Hùng Linh Công cầm quân đi dẹp. Người đã dẹp yên và bắt những con mãnh thú đầu đàn mang về nuôi thuần hóa để sử dụng.

Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Đức vua giao cho Hùng Linh Công ba vạn quân và phong chức Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân cầm quân dẹp giặc cùng Đức Thánh Gióng. Sau khi đánh tan quân giặc, đất nước thanh bình, Hùng Linh Công trở lại vùng núi Ia, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, Người đã đóng bản doanh tại đây và hiển thánh vào ngày mùng 8 tháng 8 Âm lịch.

Hôm ấy đang trời quang mây tạnh, bỗng mây đen kéo đến, mưa gió, sấm chớp nổi lên và có 3 tiếng sét trên đỉnh núi, dân chúng thấy một người mình mặc giáp trụ, tay cầm thanh kim đao cưỡi con hổ đen bay lên trời. Sau đó, Hùng Linh Công biến mất. Tạnh mưa, dân làng lên đỉnh núi thấy cây trầm cổ thụ trên đỉnh núi héo khô, dân làng thấy làm điềm lạ đã mang cây tạc tượng Hùng Linh Công, lập đền phụng thờ để bày tỏ lòng thành kính nhớ ơn.

Sau khi Phụ thân và Mẫu thân Hùng Linh Công từ trần, Đức vua cảm kính trước câu chuyện thần mộng và công lao của Người đối với dân, với nước nên đã cho dân làng thờ hai ông bà Hùng Nhạc tại Hậu đường chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) và phụng thờ Hùng Linh Công tại đền Ia.

Hùng Linh Công là vị tướng đánh giặc Ân có tục lệ thờ lớn và linh thiêng nhất sau Phù Đổng Thiên Vương. Một đoạn trong bộ câu trường đối ở đền Ia (Y Sơn linh từ): “Đương dữ Sóc phong liệt tướng thành sở vị, giang Nam nhất nhân giang Bắc nhất nhân”. Dịch là: “Cùng với núi Sóc các tướng nổi danh rằng: một người ở phía Nam sông, một người phía Bắc sông”

Nhưng nếu Thánh Dóng xuất phát là một đứa trẻ ở làng Phù Đổng thì Hùng Linh Công lại là dòng dõi họ Hùng chính thống, cầm đầu quân đội đánh giặc. Câu đối ở đền Ia:

雄派奇跡垂不朽
和峰遺像凜如生
Hùng phái kỳ tích thùy bất hủ
Hòa phong di tượng lẫm như sinh.
Dịch nghĩa:
Tích lạ dòng Hùng trùm bất hủ
Núi Hòa tượng mãi vẫn như sinh.

Nếu cuộc chiến của Hùng Vương thứ 6 đánh giặc Ân đã được xác định là cuộc chiến lập quốc của nhà Chu thì người con của vua Hùng đã cầm đầu quân đội miền núi đánh giặc Ân phải là Cơ Phát, con của Văn Vương Cơ Xương. Cơ Phát ban đầu có tên là Ninh Vương, rất có thể đây chính là dấu vết lưu lại trong cái tên Linh Công. Đất phong ban đầu của Cơ Phát có thể chính là vùng Bắc Ninh xưa, gọi là Vũ Ninh theo tên của Vũ Vương.

Trong quần thể di tích Y Sơn còn có ngôi chùa Y Sơn Tây tự nơi thờ cha và mẹ của thánh Hùng Linh Công. Trước chùa là đình “Phật tự xuân hội”, nơi diễn ra lễ hội Y Sơn. Trước sân chùa từng có một đôi Long mã, rất giống với đôi Long mã ở trước sân đền Thượng núi Sóc Vệ Linh. Lễ hội Y Sơn còn được biết đến trò diễn “tướng quản” đặc sắc, khi các tướng quản voi ngựa của thánh Hùng Linh Công đến làm lễ trước chùa.

Theo góc nhận định mới, Hùng Linh Công là Ninh Vương Cơ Phát thì cha và mẹ của thánh sẽ là Văn Vương Cơ Xương và bà Thái Tự Chu Hậu. Còn “Phật” ở thời Ân – Chu tất nhiên không phải là Phật Thích Ca, mà là Đạo sĩ Khương Tử Nha, được truyền thuyết Việt kể là Lão Phật giáng thế giúp vua Hùng nước Văn Lang. Trước khi ra trận đánh giặc Ân Vũ Vương Cơ Phát đã làm lễ trước vua cha và mẹ cùng với bái tướng Khương Tử Nha là Thượng phụ.

Cùng với Hùng Linh Công ở Hiệp Hòa còn thờ đức Vua Bà Mã Yên Sơn tại đình Bé dưới chân núi Hòa Sơn. Khi tế lễ Hùng Linh Công đồng thời cũng khấn tên Đức Vua Bà. Nếu Hùng Linh Công là Vũ Ninh Cơ Phát thì Vua Bà Mã Yên Sơn sẽ là bà Nghị Địch, người vợ của Vũ Vương. Bà Nghi Địch được thờ là tổ của nghề nấu rượu ở làng Vân, Việt Yên, cũng cùng đất Bắc Giang. Đây là một dẫn chứng khác cho thấy Vũ Ninh Cơ Phát từng dựng nghiệp ở vùng đất này.

Câu đối trong đền Ia nói về sự hiển hách của Hùng Linh Công:
平石奇功垂罔極
扶丁偉績永猶傳
Bình Thạch kỳ công thùy võng cực
Phù Đinh vĩ tích vĩnh do truyền.
Dịch nghĩa:
Dẹp Thạch kỳ công trùm khắp chốn
Trợ Đinh tích lớn mãi còn truyền.

“Bình Thạch” ở đây nói đến việc Hùng Linh Công đã dẹp được Thạch Linh Thần tướng, là tướng cầm đầu quân đội nhà Ân trong sự tích thời Hùng. Rất bất ngờ là cũng ở khu vực Bắc Giang tại vùng Việt Yên có di tích thờ Thạch Linh Thần tướng thời Hùng Vương. Đền Ia ở núi Y Sơn nằm ở đầu sông Cầu thì đền thờ Thạch Linh Thần tướng nằm ở phía dưới của dòng sông này.

Về các công trạng của Hùng Linh Công, ở đền Ia còn có câu đối:
青隴威加平虎患
月江波湧護龍舟
Thanh lũng uy gia bình hổ hoạn
Nguyệt giang ba dũng hộ long chu.
Dịch nghĩa:
Núi biếc thêm oai dẹp nạn hổ
Sóng dồn sông Nguyệt trợ thuyền rồng.

Ở đền Ia đặc biệt còn có dấu tích một phiến đá lớn với sự tích rằng Vua thủy tề đã cho người đội đá theo dòng sông mang đến đặt phiến đá gần cổng đền làm thành một cây cầu. Dưới gầm cầu bây giờ vẫn còn dấu vết hình đầu người và các đầu ngón tay của người đội đá. Cạnh cây cầu xưa còn có một ngôi miếu nhỏ thờ vị tướng là Quý Minh Đại vương. Phải hiểu dấu tích về phiến đá thần này như thế nào? Tại sao “vua thủy tề” lại phải cho đội đá đến tế thần Nhạc phủ (Hùng Linh Công là Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân)?

Quý Minh Đại vương được biết là một vị thủy thần giúp vua Hùng đánh Thục. Trong chuyện này thì Quý Minh Đại vương là tướng bên phía nhà Ân (được gọi là Hùng Duệ Vương) chống lại quân nhà Chu (quân Thục) đến từ miền Tây rừng núi (Nhạc phủ).

Câu đối đền Ia cho phép lý giải hình tượng phiến đá của Vua thủy tề (Thủy thần Quý Minh) này. Vì Hùng Linh Công đã “bình Thạch” Linh Thần tướng của quân đội nhà Ân, nên quân nhà Ân (trong hình tượng thủy thần Quý Minh) đã đội phiến đá (Thạch Linh) ngược dòng sông Cầu (từ Việt Yên) lên đến Y Sơn để quy hàng Hùng Linh Công. Phiến đá của Vua thủy tề do đó cũng tương tự như hình tượng các nữ tướng Ân được đem đến đền làm lễ chém tướng trong lễ hội đền Sóc và đền Phù Đổng.

Như vậy, các di tích ở Bắc Giang, nơi chiến trường xưa giữa quân đội Chu Thục và Ân Thương nay là những nơi đất phong thần thờ tự các vị tướng lĩnh của cả 2 bên trong cuộc chiến khốc liệt phạt Thương lập Chu cách nay trên 3.000 năm. Vũ Vương Cơ Phát được thờ dưới tên Hùng Linh Công ở Hiệp Hòa, bái Lão Phật Khương Tử Nha làm tướng, tế bái cha Văn Vương và mẹ Thái Tự rồi đánh dẹp Thạch Linh Thần tướng ở Việt Yên, hàng phục tướng của nhà Thương là Quý Minh. Giò hoa tre – quả trám – bông lúa trong lễ hội Y Sơn như nhắc lại sự tích về một thời mở thế thái bình của nước Văn Lang xưa.

Tượng đức thánh Hùng Linh Công ở đền Ia
Đình “Phật tự xuân hội” trước chùa Ia
Hậu điện chùa Ia
Thạch Linh Thần tướng ở Việt Yên.
Phiến đá của vua thủy tề Quý Minh trước đền Ia
Hậu cung đình Bé Hòa Sơn
Hoa tre trong lễ hội Y Sơn

Việt Nam Lạc Thị – Những vị Lạc Vương ở Bắc Ninh

Ở khu vực huyện Thuận Thành và Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh ven dòng sông sông Đuống có tín ngưỡng thờ các vị thần từ thời Hùng Vương mang tên là Việt Nam Lạc Thị. Những vị “họ Lạc” thủy tổ nước Việt Nam này là ai?

Thần tích về các vị Lạc Thị ở Bắc Ninh như sau (theo thần phả đình làng Nghi Khúc, Gia Bình):

Xưa Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai, dáng vẻ sinh đẹp, trí dũng kiêm toàn, người người đều nể phục. Năm mươi người con theo cha về biển, chia trị các xứ bờ biển. Năm mươi người con theo mẹ về núi chia trị núi rừng đất đai các xứ. Tôn con trưởng danh hiệu Hùng làm vua. Thứ làm Lang. Truyền 18 đời gọi là Hùng Vương. Tên nước là Văn Lang.
Tổ thờ ở Á Lữ. Tổ đi chu du thiên hạ, kiến xem hình thế. Một lần qua làng, thấy trước có 3 chẽ sông quanh co. Sau có 3 ngọn núi nhấp nhô đẹp đẽ. Sơn thủy hữu tình. Nhân đó dựng hành cung ở bờ sông, đặt tên là Nghi Giang cung. Chợt thấy 3 con rồng, mình dài vài trượng, lưng to mấy vòng. Trên đỉnh đầu có ấn vàng. Trong ấn nổi lên 2 chữ LẠC VƯƠNG. Lối lên ở ngã ba sông. Cá, tôm, rùa, ba ba đi theo. Sóng to gió dữ không thể kể xiết. Sau đó một đi chơi vùng Đại Đoan (nay là Đại Bái – Đoan Bái sông), một đi chơi sông Nghi Tuyền (nay là Nghi An sông), một đi chơi sông Bình An (nay là Bình Ngô – Yên Ngô sông).
Khoảnh chốc trở lại chỗ rồng nổi lên, vua thấy khác lạ, bèn ghi mật chúc rằng: “Đây là nơi rồng ẩn”. Về sau đời đời xa cách, vật đổi sao rời. Chỗ đó chỉ còn nền cung , tre lá, cây cỏ mọc lên thành bụi, rất lấy làm lạ. Sau hơn một trăm năm ở nơi sông này có một ngày mưa gió rất lớn, nghe như biển động chừng 1 canh giờ. Mây mưa chợt tạnh. Nhân dân nhìn thấy nền cung cũ gần nửa biến thành một đầm nước lớn, sâu bao nhiêu chẳng biết mà đo. Tục gọi là “Vực Thiêng”.
Dân bèn dựng miếu thờ. Gặp năm tai hạn, dân đốt hương khẩn cầu: Hoạn này hãy qua, yên tạnh như có nắng hạn được mưa, mùa màng tươi tốt. Nhân dân địa phương cảm kích vui mừng, nhân đó dựng đền thờ ở nơi cũ. Thờ cúng hàng năm.
Thủy thần ba vị tên chữ gọi là:
– Việt Nam Lạc Thị Đệ nhất Đại vương
– Việt Nam Lạc Thị Đệ nhị Đại vương
– Việt Nam Lạc Thị Đệ tam Đại vương.
Trải qua được các triều đại vua ban tặng. Hàng năm cứ đến tháng Hai ngày mùng 4, làng vào đám nhập tịch. Già trẻ nghi lễ khênh rước đến đền thờ, mật xin thần hiệu, múc một bình nước rước về đình (tên đình là đình Phúc Lộc), làm lễ cầu phúc. Năm nào bình nước thơm mát thì được mùa – bình yên tươi tốt. Nước chua thiu – gặp tai. Nước nhạt đục – ấy hạn. Rất có linh ứng. Thường ngày tùy theo dân đến cầu mong điềm lành, điều tốt.
Đến năm Cảnh Hưng dân địa phương có nạn binh lửa. Vật quý cũ sắc tặng phong các đạo bị thất lạc. Sau này lại được khâm mông làm:
– Tôn thần Việt Nam Lạc Thị Linh ứng Khai sơ Sáng thủy Khải minh Thùy hiến Uông nhuận Dực bảo Trung hưng Đại Vương.
– Hương Mát Hùng tài Đại lược Anh nghị Quả đoán Linh thông Hiển ứng Anh uy Hùng lược Đặc đạt Đại Vương.
– Quý Lang Diên hựu Đốc hỗ Tích chỉ Phong công Khải thánh Tập cái Từ tường Đoan chính Tập phúc Chiêu tường Đại Vương
.

Đây là khu vực duy nhất có tư liệu nói về Lạc Vương (3 con rồng trên đầu có ấn có chữ Lạc Vương). Tên “triển khai” đầy đủ của Lạc Vương ở đây là Việt Nam Lạc Thị Đại vương. Việt là chỉ tộc Việt, đất Việt. Nam là đất phương Nam, khởi dựng từ Kinh Dương Vương thụ mệnh vua cha làm vua phương Nam. Lạc Thị là họ Lạc, ở đây là Lạc chứ không phải họ Hùng. Lạc Thị là một giai đoạn của thời đại Hùng Vương.

Có 3 vị Lạc Thị là 3 vị thủy tổ của Việt – Nam mang họ Lạc. Các đền đình thờ Lạc Thị ở Bắc Ninh nay thường chuyển thành thờ các vị thủy tổ người Việt, mà cụ thể một số nơi theo tư liệu sắc phong và thần tích cho biết trước đây thờ thần Việt Nam Lạc Thị thì:

  • Đền Á Lữ, Thuận Thành nổi tiếng được biết đến vì là nơi có lăng Kinh Dương Vương. Ngoài Kinh Dương Vương ở Á Lữ còn thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ và vua Hùng Quốc Vương.
  • Đình làng Đại Bái (Bưởi Nồi), Gia Bình nay được ghi là thờ Lạc Long Quân.
  • Đền làng Bình Ngô, Thuận Thành nổi tiếng với cuốn Hùng Vương ngọc phả, tức là thờ chính là Hùng Vương.
  • Đình làng Đoan Bái (Bưởi Đoan), cùng cụm di tích 4 làng Bưởi với làng Đại Bái, nay trở thành một nơi thờ đủ các vị thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Quốc Vương.
  • Đình làng Ngọc Xuyên (Bưởi Xuyên) thờ thần Bách Noãn.

Như vậy tục thờ Việt Nam Lạc Thị là thờ các vị vua khai sáng “Việt Nam” và Bách Việt (Bách Noãn), lần lượt có thể xác định là:

  • Việt Nam Lạc Thị Đệ nhấtKinh Dương Vương như ở đền Á Lữ.
  • Việt Nam Lạc Thị Đệ nhịLạc Long Quân như ở đình Đại Bái.
  • Việt Nam Lạc Thị Đệ tamHùng Quốc Vương như ở đền Bình Ngô.

3 vị khai sáng tổ của dòng Lạc theo cha xuống biển đã hiển hóa thành 3 con rồng với dấu ấn Lạc Vương tại vùng ven sông Thiên Đức, lưu truyền thành tín ngưỡng thờ Lạc Thị. Sự tích này cũng cho phép giải thích vì sao chữ Lạc 貉 lại viết dùng bộ Trãi. Bộ Trãi 豸 biểu thị loài bò sát không chân, rất có thể gắn với hình tượng những con rồng Lạc trên dòng sông Đuống này.

“Vực Thiêng” ở làng Nghi Khúc (Bưởi Cuốc) vốn là hành cung Nghi Giang thời Lạc Thị, là chốn cực kỳ linh thiêng của nước ta, giống như khu vực “Giếng Việt” của thời sau vậy. Khu vực ven sông Đuống có lẽ chính là nơi xuất phát của truyền thuyết sinh trăm trứng (Bách Noãn) trong huyền sử Hùng Vương.

Sau thời kỳ Sơn triều với Tam vị Hùng Vương Thánh Tổ ở vùng núi Phong Châu, giai đoạn Lạc triều từ Kinh Dương Vương truyền qua Lạc Long Quân rồi các đời Hùng Vương được truyền thuyết hóa bằng con số 18 đời ở vùng đồng bằng ven sông biển.

Câu đối ở đình làng Đại Mão, Gia Bình, nơi thờ Tam vị Lạc Thị:

Thiên đãng thánh thần khai Bách Việt
Địa xưng văn hiến ngưỡng tam linh.

Các di tích thờ Việt Nam Lạc Thị ở Bắc Ninh.
Sắc phong cho Kinh Dương Vương miếu ở Á Lữ, Thuận Thành: Khai sơ Sáng thủy Khởi minh Thùy hiến Việt Nam Lạc Thị Linh ứng Trung đẳng thần.
Ngai vị ba vị Việt Nam Lạc Thị ở đình làng Nghi Khúc, Gia Bình.
Bia sự tích Việt Nam Lạc Thị ở đình làng Đại Mão, Thuận Thành.
Tượng đồng Lạc Long Quân và Âu Cơ ở đình làng Đoan Bái, Gia Bình.
Nghi môn đền Bình Ngô, Thuận Thành.

Hai vị Lý Nam Đế trong sử Việt

Trên cơ sở phân tích các di tích và sự tích về Lý Nam Đế, có thể nhận thấy có 2 nhân vật lịch sử Lý Nam Đế có nguồn gốc và thời gian tách biệt, cụ thể là:

1. LÝ BÔN LONG, người Long Hưng Thái Bình, làm quan lệnh Long Xuyên, lấy vợ ở Vũ Thư, đánh Long Biên – Bắc Ninh, xưng đế nước Vạn Xuân, chặn giặc ở Hợp Phố, khi dời đi đã giao quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Tức đây là Triệu Vũ Đế khởi nghĩa kháng Tần chống Sở thời trước Công nguyên.

2. LÝ XÁ LỢI, người châu Dã Năng, đi tu trong chùa từ nhỏ, khởi nghĩa ở vùng Sơn Tây, đánh chiếm vùng Đông Anh – Hà Nội, mở 

nước Lâm Ấp, chặn giặc ở cửa sông Tô Lịch, sau giao quyền lại cho Hữu tướng Phạm Tu. Tức đây là Triệu Quốc Đạt – Khu Liên chống giặc Đông Hán.

Sự thực về “Triệu Đà” ở Thanh Oai…

Làng Quảng Minh, Mỹ Hưng, Thanh Oai thờ một vị Đại vương họ Triệu và thường được các “tín đồ” của Cổ Lôi ngọc phả dẫn rằng đây là nơi thờ Triệu Đà, made in Vietnam chính cống, bởi trong Cổ Lôi ngọc phả kể về một vị Nguyễn Cẩn (hay Thận), là con của Hùng Dực Công (em của Hùng Duệ Vương), sau làm con nuôi của Triệu Cao và đổi sang họ Triệu, rồi làm vua nước Nam Việt…

Các cụ làng Quảng Minh có vẻ cũng thích thú việc thành hoàng quê mình là vị Hoàng đế khai quốc Triệu Đà nên khá tin vào câu chuyện trên. Nhưng thực ra Cổ Lôi ngọc phả không hề có chữ nào nói về Triệu Đà cả, vì như họ đã ghi đây là ông Nguyễn Cẩn hoặc Nguyễn Thận, chưa từng chép tên Đà. Tức là bản thân vị họ Triệu được nhắc đến trong Cổ Lôi ngọc phả không phải là Triệu Đà.

Nay thử xét kỹ xem thực sự Triệu Công chính vị ở Quảng Minh là ai?

Sắc phong thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (năm 1711) của làng Quảng Minh ghi phong cho các vị:

  • Linh quảng Thánh thần Triệu chính vị Đại vương,
  • Tả Hoàng hậu,
  • Hữu Phi nhân,
  • cùng Tán trị Thánh thần Đại vương.

Câu đối ở đình Quảng Minh:

文謨武烈動王功著雄朝光史筆

左母右姨啟聖德留梓里豎碑銘

Văn mô võ liệt động vương, công trứ Hùng triều quang sử bút

Tả mẫu hữu di khải thánh, đức lưu tử lý thụ bi minh.

Tạm dịch là:

Mưu văn tài võ động tới vua, công nổi triều Hùng rạng bút sử

Trái mẹ phải dì khởi sinh thánh, đức lưu quê ấp dựng bài bia.

Như vậy, làng Quảng Minh thờ một vị họ Triệu ở ngôi giữa và bên trái thờ mẹ, bên phải thờ dì (em của mẹ) và có thể cùng một vị Tán trị Thánh thần không rõ thông tin.

Bản khai thần tích thần sắc của Quảng Minh cho biết vị Triệu Công này đã cùng Tản Viên Sơn Thánh giúp Hùng Duệ Vương chống quân Thục. Sự việc này xem ra vị Triệu Công ở Quảng Minh tương đồng với vị Nguyễn Cẩn trong Cổ Lôi ngọc phả, là dòng dõi vua Hùng. Tuy nhiên, để xác nhân chân tướng của vị Triệu Công ở vùng Thanh Oai này thì cần tham khảo… bản ngọc phả họ Lê ở Hạ Mạo (nay thuộc TX Phú Thọ, Việt Trì).

Ngọc phả Hạ Mạo phối hợp với thần tích của làng Mạo Phổ bên cạnh cho biết vị vua Triệu, cháu của Hùng Duệ Vương cùng Sơn Thánh chống Tần là Út Ngọ Lôi Mao hay Triệu Quang Phục. Đây không phải là Triệu Đà, người xưng Vũ Đế, bởi Triệu Vũ Đế không phải dòng dõi quý tộc Hùng Vương và khởi nghĩa ban đầu là ở đất Chân Định, không phải ở vùng Phong Châu. Triệu Vũ Đế thực ra là cũng là vị Cao Tổ họ Triệu, nên Cổ Lôi ngọc phả chép thành Triệu Cao. Triệu Quang Phục Nguyễn Cẩn là “con nuôi” của Triệu Cao Tổ là chính xác.

Triệu Quang Phục có cha là Triệu Túc, hay Hậu Hùng Vương (em Hùng Duệ Vương) trong ngọc phả Hạ Mạo. Mẹ của ông là Duyên Hòa Thánh mẫu thờ ở Mạo Phổ, là con gái Đông Chu Quân, tức triều vua Hùng đời cuối. Triệu Quang Phục đã cùng với Triệu Đà (được kể thành Sơn Thánh) khởi nghĩa chống Tần thắng lợi. Triệu Đà xưng là Vũ Đế, còn Triệu Quang Phục sau đó xưng vương, tức là Triệu Việt Vương. Triệu Vũ Đế gả con gái cho Triệu Quang Phục nên từ đó nước Nam Việt theo họ Triệu (chi tiết giống Nguyễn Cẩn theo Triệu Cao làm con nuôi và đổi họ).

Như vậy, vị Triệu công chính vị ở Quảng Minh hay Nguyễn Cẩn trong Cổ Lôi là Triệu Quang Phục, người sau này trở thành Nam Việt Vương. Đây là một vị khác, không phải Vũ Đế Triệu Đà ở Đồng Sâm (Thái Bình), người là Cao Tổ đã xưng Đế cả thiên hạ Trung Hoa sau khi diệt Tần thắng Sở. Vị “tả Hoàng hậu” họ Trần ở Quảng Minh tương ứng với con gái Đông Chu Quân, vợ của Hậu Hùng Vương Triệu Túc.

Câu chuyện về các vị vua Triệu, đế và vương khá lẫn lộn, nên cần suy xét, đối chiếu kỹ càng, tránh để tình trạng như hiện nay, Quảng Minh thay vì thờ Triệu Việt Vương lại cho là Triệu Đà. Còn Đồng Sâm thay vì thờ Triệu Vũ Đế lại treo biển ghi thành ông Nguyễn Cẩn của Cổ Lôi.

Sắc phong làng Quảng Minh năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1711).
Nghi môn đình Quảng Minh.
Ban tiền tế đình Quảng Minh.