Hội Thống Thượng thượng thượng đẳng thần

Tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An từng có một ngôi đền lớn nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam, gọi là đền Hội. Theo ghi chép trong cuốn Địa chí Nghi Lộc (2014) thì:

Đền Hội: ở xóm Hoàng Xá, xã Cẩm Trường cũ, bên cạnh quốc lộ 1A có 3 toàn, tòa trong (gọi là thượng điện) 3 gian đặt ngai thần, cao 2 m, rộng 1m. Tòa giữa (trung điện) 3 gian đặt 8 tượng (ông phỗng bằng gỗ, quì hai bên). Tòa ngoài (hạ điện) 5 gian 2 hồi, là nơi hội họp, tế tự. Trước có cổng tam quan 3 gian (1 chính, 2 phụ). Tượng 2 voi đá nằm trong hai gian phụ, hai tường bên có tượng hai ông tướng đứng hầu. Phía trước có hai cây gạo cổ thụ. Toàn bộ cột kèo oai bẩy của đền bằng gỗ lim. Mái lợp ngói mũi hài, trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía ngoài có hai bia đá.
Đền Hội thờ vị tướng người Tàu có sắc phong là: Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn Trấn quốc lịch đại gia phong Thượng thượng thượng đẳng tôn thần.
Hiện nay đền đã bị phá, chỉ còn hai bia đá
.
Đền Thánh: Thờ Khổng Tử cách đền Hội 300 m về phía Nam có 2 tòa. Phía trước có một bia đá, đền này đã bị phá, bia đá vẫn còn...
Đại tế ở đền Hội (gọi là tế Kỳ Yên) hàng năm vào các ngày 17-18-19 tháng Giêng, các thôn rước thần ở thôn mình về hội tế ở đền Hội. Ngày 17 rước ông chủ tế về đền, ngày 18 rước thần các thôn về đền, ngày 19 đại lễ. Ngày tế lễ, có đội bát âm (đội nhạc gồm 8 người). Đêm diễn tuồng chèo…

Di tích đền Hội (ở xóm Hoàng Xá) thờ “Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn trấn quốc, lịch đại gia phong Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh tôn thần” cũng được Ninh Viết Giao nhắc đến trong cuốn Tục thờ thần và thần tích Nghệ An. Tác giả cho biết đền này nhiều làng trong tổng Kim Nguyên cũng phụng tự và làng Kim Chi ở xã Nghi Liên có đến Kim Cẩm cũng thờ Mạch Sơn Trấn quốc Thượng đẳng thần (thờ vọng thần ở đền Hội thuộc xã Nghi Trung).

Vị Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn trấn quốc là ai mà được lịch đại gia phong Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh tôn thần? Chắc chắn đây không phải “người Tàu” như Địa chí Nghi Lộc chép. Với mức độ gia phong 3 lần Thượng Thượng Thượng đẳng tối linh thì đây phải là một vị thần rất cổ. Cách bài trí trong đền với ngai thần rất lớn (cao 2 m, rộng 1 m), 8 vị phỗng chầu cũng nói lên điều này. Tam quan đền 3 gian, có 2 voi đá và 2 tướng đứng hầu. Đặc biệt có 2 cây gạo cổ thụ, nằm ngay trên con đường thiên lý Nam Bắc đi qua Quán Hành, xưa kia chắc chắn là một điểm dừng quan trọng của tuyến đường này. Hai cây gạo gợi ý về tục thờ các vị thủy thần thời Hùng Vương, như ở nhiều nơi trên miền Bắc.

Đền Hội nằm cách cửa Hội, cửa sông Lam đổ ra biển giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chỉ có khoảng hơn 10km. Cửa Hội là một mạch nguồn quan trọng được nhắc tới trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả:
Xưa Kinh Dương Vương vào ngày mùng 5 tháng Hai năm Nhâm Tuất vâng lệnh đem các tướng dời đến Nam Miên, trấn giữ và cai trị đất nước. Trên đường Vua ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa có đại cuộc chân long quý mạch để lập đô ấp, trấn trị thiên hạ. Qua Hoan Châu vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc phong cảnh tươi đẹp như lâu đài muôn nhẫn, tên là núi Hùng Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, xưa gọi là Cựu Đô, nay là Ngàn Hống. Vùng đất này non biển đúc linh, núi sông khe hồ hội chầu, tụ họp ở ven biển tại xã Hội Thống. Ở cửa Hội Thống núi chạy quan co, sông chảy cuốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông. Vua bèn xây dựng đô thành cung điện lâu đài cửa ngọc, làm nơi cho bốn phương triều cống.

Cũng tại cửa Hội Thống Kinh Dương Vương đã lạc thuyền rồng đến xứ hồ Động Đình và gặp được Tiên nữ Thần Long, kết duyên mà sinh ra Lạc Long Quân.

Kinh Dương Vương có tên là Lộc Tục, hay Lạc tộc, được vua cha Đế Minh mệnh cho cai quản (thống chế) phương Nam nên được gọi là Nam Thiên Thánh Tổ. Kinh Dương Vương cũng là Lạc Thị và cũng chính là Tản Viên Sơn Thánh. Đền Hội nằm gần cửa Hội Thống thờ Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn Trấn quốc thì rõ ràng đây chính là vị thần của cửa Hội Thống, tức là Kinh Dương Vương. Chữ Mạch có thể là đọc khác của chữ Lạc. Nam Thiên Lạc Sơn trấn quốc không còn ai khác là Nam Thiên Thánh Tổ Lạc thị Tản Viên Sơn.

Đây là phát hiện quan trọng, cho thấy Kinh Dương Vương khi đóng đô ở vùng Cựu Đô ở Nghệ Tĩnh xưa được gọi là Thống chế Nam Thiên Mạch Sơn Trấn quốc và được thờ tới nay ở khu vực cửa Hội (Nghi Trung, Nghi Liên, xưa là tổng Kim Nguyên). Dấu vết thời đại Hùng Vương ở Nghệ Tĩnh như vậy còn rất đậm nét, từ tục thờ Tam Lang Long Vương (Lạc Long Quân), Thống Chế Nam Thiên Mạch Sơn, hay thậm chí cả Âu Cơ như ở xã Nghi Khánh, Nghi Lộc. Chưa kể đến các vị thần Cao Sơn Cao Các cũng có thể là các vua Hùng thờ rất phổ biến ở vùng này.

Hiện tại Viện NC Hán Nôm còn lưu được bản khai thần sắc của tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An số hiệu AD.b1/15, trong đó có sắc phong thời Lê cho Mạch Sơn… Đại vương. Còn trong nguồn của Viện thông tin Khoa học xã hội có bản khai thần tích thần sắc làng Kim Cẩm, tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ký hiệu TTTS007418/19 gồm 3 trang tiếng Pháp cho vị thần Mạch Sơn Trấn quốc. Đền Kim Cẩm nay thuộc xã Nghi Liên như trên.

Hiện tại ở xã Nghi Trung, đền Hội Thống đã bị phá. Ở vị trí đền xưa nay là trạm xăng dầu, chỉ còn lưu lại 2 tấm bia đá và một số đá kê chân cột xưa. Tấm bia lớn còn nguyên vẹn có tiêu đề “Trùng tu Chân Lộc huyện từ vũ bi ký” (Bia ghi chép về việc trùng tu từ vũ huyện Chân Lộc”). Bia này có được giới thiệu và dịch (theo bản viết tay lưu giữ tại Thư viện Nghệ An) trong cuốn Văn bia Nghệ An (2004), nội dung nói việc dời Từ vũ từ ấp Hùng Quần đến thôn Kỳ Cẩm, ca ngợi đất ấy. Bia ghi Thiệu Trị năm thứ hai Nhâm Dần (1842).

Tấm bia nhỏ hơn ở đây đã bị vở, chỉ còn lại một nửa. Đối chiếu theo sách Văn bia Nghệ An thì đây là bia ghi việc dời và làm văn từ huyện Nghị Lộc: Văn từ Nghi Lộc trước ở thôn Kỳ Cẩm thuộc xã Nghi Liên, nay dời đến khu Ba xã, tức ở Quán Hội, thuộc xã Nghi Trung bây giờ. Bia làm năm Đồng Khánh thứ ba (1888).

Như vậy cả 2 tấm bia còn lại đều là bia của văn từ. Một bia ghi văn từ chuyển từ ấp Hùng Quần đến Kỳ Cẩm (Nghi Liên), bia sau đó ghi lại chuyển từ Kỳ Cẩm đến đến Quán Hội xã Nghi Trung. Còn bia của đền Hội được nhắc đến trong Địa chí Nghi Lộc thì chưa rõ ở đâu.

Xã Nghi Trung là nơi có nhà thờ họ Nguyễn Đức, một dòng họ văn học nổi tiếng với các danh nhân như nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Nhà thờ họ Nguyễn Đức nằm ngay gần đền Hội xưa, cùng xóm Hoàng Xá, nay đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đền Hội ở Nghi Lộc thực chất là đền thờ thần cửa Hội Thống, là Nam Thiên Thánh Tổ Kinh Dương Vương, gặp Động Đình Long Nữ tại vùng cửa biển này. Đền vốn là nơi làm đại lễ Kỳ Yên của cả tổng Kim Nguyên xưa, nay gồm khu vực xã Nghi Trung và Nghi Liên, hàng năm vào tháng Giêng. Đền cũng từng là nơi có văn từ của huyện Nghi Lộc, nơi cúng bái các bậc tiên hiền, nho sĩ đỗ đạt của cả huyện. Rất cần thiết khôi phục lại ngôi đền cổ của vùng này và tục thờ Thống Chế Nam Thiên – Kinh Dương Vương tại đây.

Hai tấm bia còn lại ở Quán Hội xưa
Đá kê chân cột của khu vực đền Hội
Hoa Gạo trên đất Nghệ An
Nhà thờ họ Nguyễn Đức ở xóm Hoàng Xá, Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An.

Leave a comment