Chu Vương tạo đỉnh, dùng tế lễ lớn

Cửu đỉnh ở Huế

Cửu đỉnh ở Thế miếu Huế

Dưới thời vua Minh Mạng, nước Đại Nam của nhà Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ hơn bao giờ hết. Khu vực Tây Bắc và một phần của Lào trước đó thuộc nước Bồn Man đã được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt vào thời Lê, với tên gọi là Trấn Ninh. Nhờ công lao mở nước ở phương Nam của chúa Nguyễn Hoàng mà miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã thuộc về nước Đại Nam. Một phần lớn đất ở Campuchia cũng thuần phục nhà Nguyễn, trở thành Trấn Tây Thành. Là một đế quốc bao trùm Đông Nam Á khi đó, Minh Mạng đã rất ý thức được vấn đề nguồn gốc người Việt. Vua nêu cao việc noi gương tổ tiên và các vị vua triều đại trước, mà việc đúc Cửu đỉnh để đặt làm tế lễ phụng sự ở Thế miếu là một điển hình, công khai với toàn thiên hạ về nguồn gốc và phạm vi lãnh thổ của triều đại.

Trong buổi lễ khánh thành cửu đỉnh, nhà vua cùng quần thần đến miếu tế cáo. Lễ xong, nhà vua dụ bảo các quan rằng: Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ [truyền lại] còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là [hình dạng] của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và Trấn Tây Thành đều được biết.

9 chiếc đỉnh to lớn sừng sững nay vẫn còn tại Thế miếu trong kinh thành Huế là một lời minh chứng cho thời kỳ huy hoàng của đế quốc Đại Namvà tư tưởng noi gương các đời Tam Đại của vua Minh Mạng.

Cao đỉnh trước Thế miếu ở Huế

Phỏng Chu Vương Bá đỉnh

Cũng thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, năm thứ 20, vua đã cho phỏng theo các đồ vật thời Tam Đại mà đúc nên 33 loại đồ vật, gọi là Cổ khí. Bài minh văn ngự chế đúc trên 1 chiếc đỉnh nói rõ chuyện này. Đỉnh này có tên ghi là đỉnh phỏng theo đỉnh của Chu Vương Bá, với chữ ngự đề:

惟明命二十年己亥予受天眷祐河順歲豐盜賊屏息年近知天爰法古鑄器凡三十三類此鼎其一也用傳來許我之子孫若能親賢遠侫愛民敬天卜年世遠勝周家可天下畏服大南日昌可永保用之可

Duy Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi, dư thụ thiên quyến hữu, hà thuận tuế phong, đạo tặc bính tức, niên cận tri thiên, viên pháp cổ chú khí, phàm tam thập tam loại, thử đỉnh kì nhất dã, dụng truyền lai hứa, ngã chi tử tôn, nhược năng thân hiền viễn nịnh, ái dân kính thiên, bốc niên thế viễn, thắng Chu gia khả, thiên hạ úy phục, Đại Nam nhật xương khả, vĩnh bảo dụng chi khả.

Dịch nghĩa: Năm Kỷ Hợi niên hiệu Minh Mạng thứ 20, ta được trời mến giúp, sông thuận, được mùa, trộm cắp trừ yên. Ta đã sắp đến tuổi biết mệnh trời (tuổi 50), bèn theo phép cổ mà đúc khí vật, tất cả 33 loại. Đỉnh này là một trong số 33 loại ấy, để truyền lại cho đời sau, sao cho biết gần gũi người hiền, tránh xa nịnh bợ, biết thương dân kính trời, thì đoán chừng là triều đại này bao năm có thể còn dài hơn cả nhà Chu, thiên hạ có thể sợ phục nước Đại Nam ngày càng thịnh vượng, mãi mãi có thể dùng bảo vật này.

Tên gọi Chu Vương Bá ở trên đỉnh khả năng là một vị vương thất thời Chu Vũ Vương. Vua Minh Mạng đặt bài minh khái quát các cổ khí ở chiếc đỉnh Chu Vương Bá vì có thể vua coi Gia Long là người lập nên nhà Nguyễn giống như Chu Văn Vương mở đầu nhà Chu. Còn bản thân Minh Mạng nối tiếp sự nghiệp, giống như Chu Vũ Vương nối tiếp Văn Vương. Trong Cửu đỉnh tại Huế có Cao đỉnh là dùng thờ Gia Long, và Nhân đỉnh dùng đặt đối diện ban thờ Minh Mạng.

Vị Vương Bá thời Chu Vũ Vương lập nhà Chu thì có khả năng là Bá Ấp Khảo, người con đầu của Văn Vương, anh của Vũ Vương. Bá Ấp Khảo đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại Trụ Vương, để Vũ Vương sau đó hoàn thành đại nghiệp, phạt Trụ diệt Ân, lập nên vương triều thiên tử nhà Chu kéo dài hơn 800 năm.

Hình vẽ Phỏng Chu Văn Vương đỉnh

Chu Vương đỉnh

Một chiếc đại đỉnh lớn thật sự của thời Chu đúc bằng đồng, cao tổng cộng 53 cm, rộng tới 43 cm, nặng 12 kg. 2 quai đỉnh hình chữ U lớn, dày. Mặt ngoài mỗi quai có hình hai con rồng chầu mặt trời. Trên từng quai đỉnh có khắc 8 chữ Kim văn lớn: 周王作之子孫永用

Chu vương tác chi. Tử tôn vĩnh dụng

Dịch nghĩa: Chu Vương tạo vật này cho con cháu dùng mãi.

Chiếc đỉnh Chu Vương này có phần thân hình tròn, hơi dẹt. Thân đỉnh có 6 khía dọc chia đỉnh thành 6 múi. Mỗi múi có hình mặt thú thao thiết. 3 chân đỉnh lớn cũng có đúc nổi hình mặt thao thiết. Cả chiếc đỉnh nhìn trầm hùng, vững chắc, bề thế.

Đỉnh Chu Vương

Phần thân đỉnh có đúc chữ nổi xung quanh thân, là một bài minh chép bằng chữ kim văn. Chữ đúc lớn, nét chữ có phần giản lược. Bài minh này được lặp lại 3 lần (ba mặt một lời) và có một dòng 4 chữ như tiêu đề. Tất cả có 208 chữ đúc nổi trên thân đỉnh. Chia thành 52 dòng, mỗi dòng 4 chữ. Nội dung bài minh trên Chu Vương đỉnh như sau:

晳丕俎用

史戊寸公,作休子子門,休永寶對,賜旗吉待,匍正民初,曰盂玟有,

周命于若,胜又王宗,攸用佩帚,門生隹卑,邵宫名大,反吊夫死,

友君子師,厭永吉有, 考庚辟內,于其朋享,晳丕俎用

TÍCH PHI TRỞ DỤNG

Sử Mậu Thốn Công, tác hưu tử tử môn, hưu vĩnh bảo đối, tứ kỳ cát, đãi bồ chính dân, sơ viết Vu Mân, hữu Chu mệnh vu nhược, thắng hựu Vương tông, du dụng bội trửu, môn sinh chuy ti, thiệu cung danh đại, phản điếu phu tử, hữu quân tử sư, yếm vĩnh cát hữu, khảo canh tịch nội, vu kỳ bằng hưởng, tích phi trở dụng.

Chú giải:

Tích phi trở dụng: chữ Bất 不 ở đây đọc thông với chữ Phi 丕, nghĩa là to lớn. Trở là vật dùng tế lễ.

Sử Mậu Thốn Công: Chữ sử 史dùng thông với chữ 使. Mậu Thốn là tên một vị đại thần tước Công.

Tác hưu tử tử môn: làm ra khu nhà dùng cầu lành cho con cháu

Hưu vĩnh bảo: Bảo là đồ quý, ở đây chỉ chiếc đỉnh.

Bồ chính dân: Bồ nghĩa là vất vả. Ý nói việc cai quản dân nhiều khó nhọc.

Vu Mân: Nghĩa thường là đồ đựng bằng ngọc. Nhưng có thể ở đây chỉ Văn Vương, là vị vua khởi đầu nhà Chu. Vu Mân đọc thiết là Văn.

Dụng bội trựu: chữ “trựu” đọc không chắc chắn. Hiểu nghĩa chung là dùng đồ vật quý làm tín lễ.

Chuy ti: chữ đọc không chắc chắn. Suy theo nghĩa là chỉ việc phúc sinh được con cái.

Hữu quân tử sư:  chỉ bậc thầy của vua, có lẽ là chỉ các bậc tiên vương.

Khảo canh: đọc thông nghĩa với “thọ khang”.

Diễn nghĩa bài minh trên Chu Vương đỉnh:

Dùng tế lễ lớn

Sai Mậu Thốn Công làm chiếc đỉnh quý đặt ở cửa lành cho con cháu, cùng ban cờ cầu phúc, để gắng sức cai quản nhân dân. Trước đây vua Văn có được mệnh thắng của nhà Chu, Vương tông lại dùng đồ tín lễ mà trong nhà sinh được điều lành, rạng danh cung lớn, dùng cúng điếu người đã mất, để cho bạn, quân, con, thầy có điều tốt đầy mãi, luôn trong mạnh thọ mà hưởng dụng như vậy, dùng cho tế lễ lớn.

Phần đầu bài minh Tích phi trở dụng

Chiếc đỉnh tông Chu Vương này có hình dạng tương đồng với đỉnh Cận 堇鼎, là chiếc đỉnh lớn thời đầu Tây Chu tìm thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đỉnh Cận là một trong những trọng khí quốc gia của Trung Quốc, kích thước cao 62 cm, chỉ cao hơn chiếc đỉnh Chu Vương trên 9 cm. Trên đỉnh Cận có khắc chữ kể về một vị hầu tước tên Cận đi cống lễ vua Chu. Chiếc đỉnh Chu Vương mô tả ở trên như vậy cũng có niên đại xấp xỉ vào đầu thời kỳ Tây Chu, cách nay gần 3.000 năm.

Nội dung bài minh trên đỉnh Chu Vương khá tương đồng với bài minh của vua Minh Mạng đúc trên Phỏng Chu Vương Bá đỉnh. Bài minh có ý nghĩa là đúc đỉnh để truyền lại cho con cháu làm vật quý sử dụng trong việc tế lễ, thờ cúng tổ tiên, tang lễ, để nhờ đó cầu phúc, cầu mệnh trời cho triều đại được lâu dài, cai quản nhân dân.

Pháp cổ

Dụ chỉ đúc đỉnh của vua Minh Mạng nêu: Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam Đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.

Các minh vương thời Tam Đại đúc cửu đỉnh tượng trưng cho đất đai thiên hạ 9 châu bắt đầu từ Đại Vũ của nhà Hạ. Các cổ khí của vua Minh Mạng chủ yếu phỏng theo các đồ thời Thương và và Chu. Tam Đại Trung Hoa mà Minh Mạng noi theo là các triều đại Hạ, Thương và Chu của Trung Hoa cổ đại.

Từ thời vua Gia Long đầu triều Nguyễn đã đề ra xu hướng “Pháp cổ” – noi theo phép xưa có. Có 2 khái niệm pháp cổ:

  • Pháp tiên vương: tức là theo phép thời Nghiêu, Thuấn.
  • Pháp hậu vương: tức là theo phép thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu).

Thời Minh Mạng lại đề ra khái niệm “pháp tổ”, theo phép tổ tiên, cũng đều có thể gọi chung là pháp cổ. Tuy là phương châm “pháp tổ” (“kính thiên pháp tổ”) nhưng lại vua Minh Mạng lại mô phỏng theo thời Hạ Thương Chu, mà tiêu biểu là đúc Cửu đỉnh và Cổ khí. Nói cách khác, Minh Mạng công khai coi các vị tiên vương thời Ngũ Đế và hậu vương thời Tam Đại Trung Hoa là “tổ” của triều Nguyễn, mà noi theo.

Trang Ngọc phả Hùng Vương thời Minh Mạng có ghi “niên hiệu” Hùng Vương năm thứ 32

Vương triều Chu của Trung Hoa bắt đầu từ Văn Vương dựng nghiệp, Vũ Vương lập thiên hạ lên ngôi thiên tử, đều là những triều đại của người Việt, được sử sách Việt gọi là thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, phân phong trăm anh em thành Bách Việt. Chiếc đỉnh Chu Vương tạo đúc là biểu tượng của vương quyền thiên tử nhà Chu trước trăm tộc Bách Việt, cũng chính là tế vật của vua Hùng nước Văn Lang xưa. Lịch sử Trung Hoa cổ đại còn truyền tới triều Nguyễn nước Đại Nam, tự xưng mình là Hùng Vương như trong bản Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả được biên soạn dưới thời vua Minh Mạng. Báu vật bảo đỉnh Chu Vương còn lưu truyền đến nay qua gần 3000 năm, là chứng thực cho sự vững bền của quốc gia, của nền văn minh dân tộc Việt trải suốt chiều dài lịch sử. Liệu Việt Nam ngày nay có thể lại trở thành một “đế quốc” bao trùm rộng lớn với thiên hạ chín châu hay không phụ thuộc vào nhận thức của chính người Việt đối với những di sản cổ vật của tiên tổ để lại cho chúng ta ngày nay.

Ngọc phả Lăng Sương về Tản Viên Đinh Phi Thánh mẫu

Đền Lăng Sương

Trong thời Hùng Duệ Vương ở động Bình, châu Thuận Bình, phủ Triệu Châu, xứ Thuận Hóa có một trưởng bộ, họ Đinh tên Bích, lấy vợ ở trang Hạ, xã Cao Quần, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, xứ Sơn Nam, họ Dương tên Hằng. Vợ chồng tuổi đã ngoài 40 mà chưa thấy lan quế trước nhà nhập mộng, bèn cùng lên chùa Tây Thiên núi Tam Đảo cầu tự. Trời tối lưu lại ở chùa để cầu ứng mộng. Thái bà mộng thấy một ông lão râu tóc bạch phơ nói với Thái bà rằng:
– Hãy nghe mệnh! Thiên Đế lệnh cho ta đem một viên ngọc trắng giao xuống cho.
Lão ông giao cho Thái bà, lại ngâm tụng rằng:
Trời cao có nẻo chiếu nhân gian
Có phúc đều do phúc báo hoàn
Ngọc báu nay ban cho đến chỗ
Đảo Sơn, Tản Lĩnh đối cùng ngang.

Ngâm xong lão ông bay lên trời biến mất. Thái bà cầm ngọc cất vào trong bụng. Bỗng nhiên tỉnh lại, mới biết là nằm mộng. Bèn đem việc này kể lại với Trưởng ông. Vợ chồng ra về. Sau đó trăm ngày, đang khi giữa giờ Ngọ, bỗng thấy một con chim lạ lông cánh năm sắc, chân mỏ màu đỏ, từ trên trời hạ xuống, bay thẳng vào trong nhà. Xung quanh phòng trong nhà trong chốc lát đều sáng bừng lên. Thái bà thấy vậy tự nhiên chuyển ý mà hoài thai. Tới ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Sửu vào buổi tối Thái bà mơ thấy một người con gái rất đẹp, theo mây từ từ mà hạ xuống, đi vào nhà. Thái bà muốn hỏi thì bỗng nhiên tỉnh dậy, thấy trời đã sáng.
Tới ngày mồng 7 giờ Tỵ sinh hạ một người con gái, phong tư đẹp lạ, cốt cách thanh kỳ, thân tự phát ra mùi hương thơm ngào ngạt. Được trăm ngày mới đặt tên là Đinh Thị Ngọc. Lúc Nương lên 3 tuổi trong động có một gia tộc lớn họ Mãn, nhà giàu có, kiêu ngạo ngang ngược, đem lòng kết bè đảng, muốn giết hại Trưởng ông. Buổi tối đó dẫn hơn trăm người cầm khí giới xông vào nhà Trưởng ông. Trưởng ông biết chuyện bèn cùng với gia quyến chạy thoát. Bè đảng đốt nhà, lấy hết tài sản.
Lại nói, Trưởng ông từ khi bị nhà họ Mãn làm hại đã dẫn gia quyến đi vào trong núi sâu, không quay lại nữa. Đi hơn mười ngày đều dựa vào châu động, rừng núi cùng mãnh thú hổ báo, lại không biết đường ra, lạc ở trong rừng. Trưởng ông mới ngửa mặt lên trời mà than dài. Bỗng thấy có một lão ông thần cao 7 thước, quần áo mây gấm, vừa đi vừa cười, rồi đọc rằng:
Trong thân có ngọc cớ sao lo
Còn cười trời được, thật là ngô
Người lòng trong sạch đâu sợ nạn
Cuối cùng sẽ được việc không ngờ.

Trưởng ông nghe lão ông hát biết là ý trời muốn trêu ngươi, bèn mới vui mừng hỏi rằng:
–    Lão ông từ đâu đến đây? Nơi này không thấy đường, mây mù u ám, không biết đường nào mới ra được chỗ có dân cư. Xin lão ông chỉ dạy, sẽ nhớ ghi ơn hậu này.
Lão ông ngửa mặt lên trời cười mà đọc rằng:
Đường mây lớp núi thấy trùng trùng
Người được ý này dễ thoát chung
Một phiến mây trùm trên bảo ngọc
Hướng Tây đi tới chỗ người cùng.

Lão ông đọc xong thì bay lên không mà đi. Trưởng ông bèn ngửa mặt lên xem xét, thấy một đám mây màu nhạt phủ bay trên trời phía trên đầu Ngọc Nương. Đám mây trôi đi trước. Ông cùng Thái bà và gia quyến nhìn mây mà đi theo hướng Tây. Được vài bộ thì thấy một tảng đá lớn chắn đường, không có lối đi. Ông bèn xem xét ở quanh tảng đá, thấy một hang đá. Ông chui vào hang đá lại thấy trong hang có một con đường nhỏ.
Ông cùng vợ con lách người mà đi, vượt qua hang đá thì mở thành đường lớn. Trong khoảnh khắc đã tới châu Hoan (tức nay là Nghệ An), qua đền Khổng Tước (tục gọi là điện Cuông). Ông lại thấy lão ông đã chỉ đường ở đó, đang đi vào trong đền. Ông bèn đi theo. Khi vào trong thì không thấy đâu nữa. Ngửa lên xem phía trên đền có dòng chữ lớn khắc trên biển được trang trí bằng vàng sáng láng, đề rằng:
Hùng Vương điện, Nam Thiên Thánh tổ”.
Ông biết đấy là Hùng Vương đã xuống răn dạy. Ông bèn làm lễ bái tạ trước điện. Lại đi tới châu Ái, đến châu Đà Bắc. Ông bèn ở đất đó. Ông vốn thạo nghề phong thủy, thường đi tìm xem đất. Người dân ở các châu động tại Đà Bắc đều kính phục, cử làm thầy tướng địa lý. Ông cùng với vợ ở đó, qua được 7-8 năm, trở nên giàu có phong lưu.
Khi ấy ở động Lăng Sương có một trưởng bộ, họ Nguyễn Cao tên Hành, gia thế giàu có, thạo việc cung tên, thường đi săn bắn. Ông tuổi đã cao mà nhưng chưa thấy mộng lan quế. Thái bà mất sớm. Lúc ấy Cao Công nghe tiếng Đinh Công ở Đà Bắc là một người tốt. Cao Công thường đi săn ở nơi ấy, để mong kết bạn.  Một hôm Cao Công thấy em gái của Đinh Công (tức là bà Thị Điên), có ý yêu mến, nhờ mai mối đến hỏi cưới. Đinh Công bèn gả cho. Hôn lễ xong Cao Công đón về nhà ở động Lăng Sương chung sống.
Đinh Công đi ngắm phong cảnh đồng nội, lại thấy núi cao muôn vẻ, sông chảy miên man, non nước như vẽ, cây cối sum xuê, chim ca vượn hót véo von, đài phượng gác mây lung linh, thành một cảnh đệ nhất trời Nam. Đinh Công thấy địa hình sơn thủy hữu tình, mới hứng khởi mới làm một bài thơ rằng:
Tạo hoá sinh thành tú khí linh
Lăng Sương đất ấy bốn kỳ hình
Lầu rồng gác phượng sinh hiền chúa
Voi phục rùa chầu xuất thánh minh
Giếng ngọc giấu châu, sinh bất diệt
Ấn đeo bình bạc, thọ mà vinh
Dân phong thuần hậu cùng vui vẻ
Khắp chốn chầu tôn đất tối linh.

Lại nói Đinh Công cùng Cao Công chơi được vài chục ngày lại về Đà Bắc. Khi ấy Ngọc Nương đã 16 tuổi. Môt hôm, Thái bà không bệnh tự nhiên hóa. Ông bèn chôn cốt tại đó (tức động Thanh Khê châu Đà Bắc). Đươc vài năm sau Cao Công đón Đinh Công về động Lăng Sương. Từ đó Đinh Công đến ở tại Lăng Sương. Cao Công tuy là em rể nhưng coi anh như cha mẹ ruột vậy.
Lại nói, Đinh Công ở đó được 3-4 năm thì chẳng may bà em họ Đinh lại mất (tức là vợ của Cao Công, em của Đinh Công tên là Đinh Thị Điên). Trong lúc lâm chung có để lời lại cho người cháu hiền quyền lấy Cao Công. Đinh Công thương tình Cao Công là người có nghĩa, bèn đồng ý gả. Ngày qua tháng lại, được hai năm rưỡi, một hôm (ngày 25 tháng 4) trời đẹp, hai ông quay về Đà Bắc thăm phần mộ của Thái bà. Qua một tháng, lại trở về nhà. Đến ngày 25 tháng 12 năm Ất Mão, trời đông, hai ông đi săn đến chỗ chợ (tức là chợ Lăng Sương), cùng nhau uống rượu rồi ra khe nước mà tắm rửa (ở bên cạnh chợ có một cửa khe giếng nước). Tắm xong lại lên vào chợ, rồi bỗng nhiên bị đau đồng mà cùng hóa.
Thái bà làm lễ an táng ở nơi đó (tức chợ Lăng Sương). Trong 3 năm các tiết, đều làm lễ tuần chay 49 ngày, làm trọn lễ hiếu. Ruộng đất của nhà chia mười phần, chỉ giữ lại một. Thái bà mới dựng nên một gian nhà cỏ ở ngoài khu dân cư nơi đầu ruộng cạnh chỗ giếng nước (giếng này có đất đẹp quý cuộc, mạch dẫn Canh Tân, thế hợp Đinh Quý, trái phải có voi ngựa rồng hổ phượng chim, hình người đang bái, nhất nhất quay đầu cùng lại chầu, ở ngay phía sau có một động cao làm đài lầu, phía trước có dòng nước ở minh đường, cùng với giếng thành hình chữ Ngọc).
Lại nói, Thái bà từ khi đến ở đất đó, mỗi tháng hai kỳ sóc vọng đều thấy hổ về nơi đó nằm chầu trước sân một lúc rồi đi. Tới năm Đinh Tỵ vào ngày 14 tháng 1 vào đêm Thái bà đang nằm mộng thấy một vị quan y phục cân đai chỉnh tề, cưỡi một con ngựa trắng đến thẳng nơi Thái bà đang nằm, tay cầm một bức chiếu chỉ rồng, quỳ mà tuyên đọc rằng:
Thiên thần xuất thế đã đến nay
Vâng mệnh Thiên tào báo sự đây
Hiền nhân Đinh Thị rồi sinh Thánh
Quyền cai thần chưởng Lăng Sương n
ày.
Đọc xong thì bay lên mà đi. Thái bà tỉnh lại thấy trời đã sáng. Ngày hôm đó (ngày 15 tháng Giêng), Thái bà ngồi trên bàn đá trắng, bỗng có mây bây năm màu, hòa quang sáng lành. Đến giờ Thìn sinh được một người con trai, dáng vẻ tuấn tú, cao lớn hơn người thường nhiều lắm. Rồng phun nước tắm, hổ ngậm đá đỡ cho bụng Thái bà (tới nay ở đền hiện vẫn còn hòn đá chèn và bàn đá ở bên giếng).
Lại kể được trăm ngày sau mới đặt tên là Nguyễn Tuấn. Khi Công được 6 tuổi, mẹ con một mình cô đơn, không có cách sinh nhai nên mẹ con cùng dẫn nhau tới núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản (tức là chính ở tại xứ Mang Bội, châu Thủ Pháp, tổng Hoằng Nhuệ, huyện Thanh Xuyên) trú ở nơi đó. Lại cùng với một lão bà kia trên núi tên là Ma Thị (do ở nơi đất là Bùi nên người ta gọi là bà Bùi) Cao Sơn Thần nữ. Được ba năm quay về động cũ Lăng Sương (Tuấn Công khi 12 tuổi đổi tên là Nguyễn Tùng), có chí cho việc học hành. An bần lạc đạo, thật là có đại chí vậy.
Lại dẫn mẹ đến núi Tản Viên ở cùng mẹ nuôi. Được một năm rưỡi, Đinh bà mộng thấy có một tấm thẻ rồng treo trên tường trúc đề rằng:
Một áng mây hồng đến nhân gian
Mới gọi Tiên nương lên Quảng Hàn
Việc đời qua đi còn là thánh
Núi thiêng hương lửa mãi muôn vàn.

Đinh bà tỉnh lại, thuật lại mộng cho con nghe. Nguyễn Công mới tạ Ma Bà, mẹ con trở về nhà ở Lăng Sương. Sau 4-5 ngày, một hôm (ngày 12 tháng 6) Đinh bà đi ra ruộng cấy lúa, quay về sân, bỗng thấy một đám mây trắng từ trên trời hạ thẳng xuống, tự nhiên mà hóa. Nguyễn Công cùng với người trong động khi đó đang làm lễ chôn cất thì mối xông thành mộ (ở tại nơi góc ruộng có cửa giếng, có bàn đá, là nơi nhà ở trước đây sinh Tùng Công).
Lại nói, Nguyễn Công từ khi thân mẫu qua đời, gia cảnh trở nên khốn cùng. Một hôm vào buổi chiều tối thấy một lão bà từ ngoài đi vào trước sân nói rằng:
Người con côi!
Người con côi!
Quân tử vốn khó khăn
Hồng nhan nhiều gian nan
Con hiếu sẽ được yên
Muốn lập thân thành nên
Hãy về với mẹ nuôi
Dựa vào núi Tản thiêng.

Lời dứt thì biến mất. Tùng Công biết là mẫu thân dạy vậy, bèn quay về với lão bà Ma Thị mà ở. Đến một hôm lên núi Tản Linh chặt một cây to cành lớn. Trong hôm đó về báo cho người trong động (tức động Mang Bội) cùng lên chặt gỗ. Nhưng mà ngày hôm sau đến nơi, thì thấy cây gỗ cành lá vẫn xuân xanh, tươi tốt. Nguyễn Công lấy đó làm sự lạ thường, bèn lại một lần nữa chặt cây, rồi giả như đi về, quay lai nơi ấy để xem ra sao. Đến ban đêm thấy một ông lão thần cao hơn một trượng, tay phải cầm một cây gậy trúc, theo sau có một hề đồng cầm một cái chuông đồng, lắc liền ba hồi. Lão ông miệng niệm thần chú, dùng gậy mà chỉ. Bỗng thấy vụt kéo tới một trận sấm gió bồng bột, trời đất chao đảo. Cái cây hồi sinh.
Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng bèn chạy lại nơi cây cổ thụ, hai tay ôm lấy ông lão mà hỏi rằng:
– Ông lão từ đâu đến đây? Từ đâu đến đây? Tên cụ là gì? Sao vì thương xót một cành cây già mà phụ nỗi mong mỏi của người dân?
Ông lão rằng:
– Ta là đại thần tinh núi, tên gọi Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên Tướng, vâng sắc chỉ của Ngọc Hoàng xuống trông giữ vùng núi non. Nay cái cây này là cây ngô đồng quý, giúp thánh ra đời, chính là mộc chủ trong núi Ngọc Tản, không thể chặt được.
Nguyễn Tùng chắp tay vái mà nói:
– Lời nói của thiên tướng đã làm sáng tỏ lòng mong mỏi một bề. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu việc sinh tử người đời, để báo ân sâu cha mẹ, sau là để đáp ơn ban phúc, khỏi phải đi kiếm củi nuôi mẹ nữa.
Ông lão nghe lời nói biết là bậc đại hiếu, không phải dạng người thường, bèn lấy gậy thiêng cùng thần chú giao cho. Lại nói rằng:
– Một đầu gậy có thể cứu sống người. Đầu dưới có thể trừ diệt hại. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!
Nói xong bay lên không mà đi. Nguyễn Công từ khi được gậy và chú, vui mừng liền trở lại núi thiêng, bái tạ mẹ nuôi mà nói rằng:
–    Con nay có được gậy thiêng của thiên thần, có thể cứu được sự sinh tử thế gian.
Việc xong thì về động cũ Lăng Sương, nhân từ đó xưng là Thần vương. Mọi người trong động đều kính phục. Thần Vương sửa sang lại lăng mộ của cha mẹ, làm lễ bái yết, nhờ thác nhân dân lo việc hương đèn. Mọi người đều nhận việc đó (hôm đó là ngày 4 tháng 4).
Hôm đó Thần vương đi qua thôn Cốc sách Thủy Pháp. Nơi ấy hay bị voi hổ làm hại. Thần vương đến nơi, thấy trăm con voi hổ đang ngậm 5-6 người sách Thủy Pháp. Thần vương lấy gậy chỉ vào, tức thì hồ về Bắc, voi sang Đông, bỏ người xuống đất. Thần vương lại chỉ đầu sinh của trượng, những người đó đều sống lại. Nhân dân hôm ấy (5 tháng 5) đều làm lễ xin làm thần tử. Thần vương đồng ý.
Thaàn vương lại đi đến bãi Trung Độ trang Ma Xá (cũng gọi là Trường Sa). Trên đường thấy đám trẻ chăn trâu cùng đánh chết một con rắn đen. Thần vương nói với lũ trẻ chăn trâu rằng:
–    Cho ta mua lại con rắn này.
Lũ trẻ đồng ý. Thần vương lấu 36 văn tiền mà mua, đem tới bãi Trường Sa, miệng đọc thần chú lấy gậy thiêng mà chỉ. Con rắn sống lại. Rắn đen cúi đầu, trên đầu có chữ Vương, bái tạ Thần vương.
Thần vương tự đứng xem, thấy rắn phân nước thành đường, mới biết đó là con của Long Vương.
Rắn đen về đến Động Đình đem sự việc tâu với Đế quân. Đế quân lập tức sai Thái tử đi đón Thần sư, từ tạ dưỡng mẫu, mà theo sứ đến Thủy cung. Đế quân ngồi ở chính tòa, mời Thần sư đến bên phải long sàng, phán rằng:
–    Giống rồng Đông cung là Thái tử của Trẫm. Hôm qua đi chơi gặp sự biến Trường Sa, may được Ngài cứu khỏi. Hôm nay mời đến muốn để báo đáp tấm tình.
Thần vương tâu rằng:
–    Ngày trước cứu giúp là bởi thấy có lòng nhân. Hôm nay lại được gần với vẻ rạng ngời của Đế quân, đâu dám mong báo đáp.
Hôm đó mở yến tiệc lớn. Sự xong Đế quân muốn tạ ơn bằng vàng bạc châu báu. Thần vương cố từ chối không nhận. Thái tử khi đó nói riêng rằng:
–    Đế quân có một cuốn sách thần, phép lạ bí truyền, kinh thiên triệt địa đều ở trong cuốn sách thần đó. Nếu Thần sư muốn thứ đó tôi sẽ tâu riêng với Đế quân ban cho.
Thần vương nói: Được.
Thế là Thái tử tâu riêng với Đế quân mang sách thần đem cho Thần vương xem. Có được sách thần, bèn từ biệt Thủy cung.
Lại nói, Thần vương về động Lăng Sương, lấy trượng cầu chú, dùng sách mà ước, tự nhiên hóa thành lâu đài vạn vật, rồi đem hành lễ ở lăng của mẹ và cha. Xong quay về núi Tản Linh nói với dưỡng mẫu rằng:
–    Từ thủa nhỏ con đã ở cùng với mẹ. Công đức của mẹ cao như trời vậy. Ngày nay con về đây xin nguyện thần vận quỷ dẫn cho một chút để báo đáp công đức ấy.
Bèn lấy sách thần mà ngầm cầu trời đất đọc ước cho một lần biến hóa. Tự nhiên thấy tiền đồng trăm vạn quan rơi xuống. Thần vương lấy đó mang vào dâng tạ ơn. Ma bà thấy tấm lòng thành thật đó, thầm mong vạn sự được đủ đầy, bèn lấy những vật rừng núi của mình đem trao cho Thần Vương. Nên bèn lập một đạo chúc thư, Ma Thị Cao Sơn Thần nữ tự ký.  
Sự xong, Thần vương lại mẹ nuôi chung sống. Được một năm Ma Thị mắc bệnh mới gọi Thần Vương lại mà dặn lại rằng:
– Sau khi mẹ Ma Thị mất, Vương lập cho một cỗ thọ đường đặt ở miếu đường phụng thờ cho tỏ đạo hiếu.
Thần Vương lĩnh mệnh. Hôm ấy bà Ma Thị mất. Thần Vương làm lễ chôn cất (lăng này chôn ở vực núi Đãng Khô sách Phương Giao huyên Thanh Xuyên, nay vẫn còn).
Lại kể rằng Thần Vương trở về nơi động Lăng Sương cùng với Tả Hữu Kiên Thần (tức là cháu chắt của bà Ma Thị) xem như anh em cùng một bọc, phù tá hai vai. Khi ấy Thần vương về động Lăng Sương, hôm đó bèn truyền nhân dân thiết lập 2 bệ cùng với 2 cột đồng ở tại nơi lăng (tức mộ tổ của Đinh Công và Nguyễn Công), mà làm gia quán kỷ cương. Từ đó các châu động trang sách đều là thần tử. Hàng ngày hứng khởi đàn ngâm. Hoặc luyện thuốc trường sinh, đi du ngoạm non xanh nước biếc, bay lên khó biết, biến hóa vô cùng, thật là bậc thánh trên đời vậy.
Lại kể khi đó cơ đồ họ Hùng đến lúc mạt suy. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử nhưng đều lần lượt theo nhau về cõi tiên. Rồi sinh được 2 con gái. Công chúa Tiên Dung về sau gả cho Chử Đồng Tử. Còn lại công chúa Mị Nương nhân duyên định ước còn chưa đến kỳ. Vương muốn tìm người tài mà gả để tiếp nối ngôi báu, bèn lập một tòa lầu ở cổng thành Việt Trì, tên đề “Lầu cầu hiền kén rể”. Truyền hịch đi khắp thiên hạ thần dân trăm họ. Bút văn múa mà hình rồng động. Trận võ bày mà hổ báo khiếp. Bốn bể anh hùng. Tuy nhiên đều là được mặt này mà mất mặt kia, không có toàn tài, khó để xưng nhận vậy.
Lại nói, khi đó có Tản Viên Sơn Thánh gửi thư cho Thủy Tinh cùng đến kinh thánh, vào tâu trước ngự tiền rằng:
– Chúng thần thẹn vì tài hèn, may sinh ra trên nước của Vua. Trộm nghe Thánh thượng mở khoa lớn chọn rể. Chúng thần đến muộn, xin Vua ngự cho thử thi tài, may thì không ngoài hịch chiêu hiền vậy.
Vua bèn rời giá đến lầu để xem thi. Thế là Sơn Tinh đến ngồi ở đầu sông. Thủy Tinh quay về đáy nước, biến ra muôn hình vạn trạng, xuất quỷ nhập thần, biến hóa mù mịt. Sơn Tinh tay trái cầm sách, tay phải cầm gậy, miệng ngâm thần chú mà chỉ. Tức thì kỳ kỳ quái quái đều theo đầu gậy mà biến hết. Lại rời núi Ngũ nhạc ra giữa sông lên cao ngàn vạn trượng sánh trời đất.
Hai người làm phép biến hóa đều là huyền diệu. Vua không biết gả cho ai, quay giá về cung, gọi lại nói rằng:
–    Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam Điền. Nay hai khanh đều thật là anh hùng. Hôm nay xem ra không thể thẩm định được thắng thua thuộc về ai. Nếu ai mang được sính lễ đến trước, Trẫm sẽ gả cho.
Thế là Thủy Tinh quay về Động Đình để cầu tìm vật lạ. Sơn Tinh xuống ngay dưới lầu, tay lấy sách thần đọc mật chú. Bỗng thấy voi trắng chín ngà cùng các kỳ trân dị vật từ trên trời hạ xuống. Trời còn tối vào giờ Tý thì đem sính lễ vào lầu rồng. Vua mới gọi công chúa lại mà gả cho Sơn Tinh đón hôn.
Sơn Tinh đi khỏi thì tới giờ Mão Vua thấy Thủy Tinh mang lễ vật đến. Vua nói:
–    Trẫm theo như ước, Sơn Tinh đã đem sính lễ đến trước rồi.
Thủy Tinh trở về.
Lại nói, khi ấy Duệ Vương trị nước đã 115 năm, mới muốn nhường ngôi cho con rể. Sơn Thánh cố từ chối không nhận. Vua lại rằng:
–    Hùng đồ đã mạt cho nên mới cầu tài nối ngôi. Ngài không nhận thì còn ai trong nước này nữa?
Sơn Thánh còn do dự chưa quyết. Khi đó vào năm Ất Mùi, Thục Vương khởi binh đến xâm phạm bờ cõi. Vua khiển Sơn Thánh cùng với Tả Hữu kiê thần trong ngày (15 tháng 5) đại hội đãi quân sĩ, rồi tiến về kinh thành với quân cả nước là 3 vạn, tiến đến Mộc Châu. Sơn Thánh một mình ngồi ở đầu núi, cầm sách đọc mật chú. Bỗng nhiên từ tren trời giáng xuống một vị đại thần tướng, thân cao 5 trượng, dưới chân có dây lửa vạn nhận, cầm một cây tiêu gỗ dài 30 trượng, đứng bên trái của Sơn Thánh (sau phong là Tá Thánh, cũng thờ phụng ở đền Tản Viên Sơn) mà thôi. Một trận sấm gió nổi lên, gẫy cây bạt nhà, cát bay đá chạy. Quân Thục đại loạn bỏ chay. Phục binh bốn hướng xông đến, bắt sông không thoát. Thần tướng bay lên trời. Sơn Thánh khải hoàn. Vua mở tiệc, phong cho các công thần.
Được hai năm Thục Vương lại dấy binh phục thù. Vua triệu Sơn Thánh. Sơn Thánh nhận mệnh tiến thẳng đến đồn chính của quân Thục, đại chiến một trận, lấy được ấn tín của Thục. Mới viết rằng:
–    Nước Nam có thần tướng, chớ nên khinh động. Đợi khi có chiếu đến hãy tấn công.
Tướng Thục tuân lệnh, kiên trì phòng thủ không đánh. Sơn Thánh tay cầm gậy, miệng ngâm thần chú mà chỉ. Bỗng quân Thục đại loạn. Sơn Thánh đại phá, số chết không kể, số sống bắt đem về kinh sư. Sơn Thánh khải hoàn. Vua bao phong Sơn Thánh, lại tặng phong Đinh Thái bà cùng Tả Hữu kiên thần, cho phép dân hộ nhị Lăng Sương được miễn tất cả các tạp dịch. Đều phong cho làm làng hộ nhi quý ấp.
Phong Tản Viên Sơn Thánh Mẫu Đinh Phi chủ Ngọc bệ hạ.
Phong Tả kiên thần Cao Sơn hiển ứng Đại vương.
Phong Tản Viên Sơn Tam vị chiêu dung hiển ứng Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ.
Phong Hữu kiên thần Quý Minh linh hiển ứng Đại vương.
Sơn Thánh trở về Lăng Sương. Qua hơn một tháng, tới ngày 10 tháng 11 thì về quốc đô. Duệ Vương nhường ngôi, Sơn Thánh cố từ chối không được, nên giúp nhiếp chính. Được mấy năm Sơn Thánh bàn rằng:
–    Cơ đồ họ Hùng trải thời gian đã dài, ý trời tất nhiên có hạn nên mới sai Thục Vương hai lần lại gây hấn. Vả lại Thục Vương là bộ chủ Ai Lao, cũng là tông phái của hoàng đế trước đây. Nên Bệ hạ và thần học lấy thuật thần tiên. Chi bằng chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển mà tiêu dao bất lão. Chí ấy mới thật là cao vậy.
Vua nghe theo bèn gửi thư cho Thục Vương. Thục chủ sai sứ đến tạ. Vua nhân đó ban cho nỏ thần, rồi về núi Nghĩa Lĩnh, hẹn cùng Sơn Thánh và công chúa Mị Nương, hôm đó (5 tháng 5) cùng nhau giữa ban ngày mà bay lên trời, hóa sinh bất diệt.
Kể đến Thục An Dương Vương được nước, cảm ơn nhường ngôi của Duệ Vương và Sơn Thánh lớn như trời đất, bèn dựng lập dao đài với hai cột đồng ở núi Nghĩa Lĩnh. Lại rời giá đến núi Tản Viên tu sưa đền miếu, làm lễ bái tạ công đức lạ kỳ đó, rồi xa giá về kinh thành. Triệu các tông phái của Duệ Vương và Sơn Thánh cùng với các quê làng quý ấp, các cung chốn phụng thờ, tất cả đều ban làm làng trung nghĩa, trưởng tạo lệ. Lại cấp cho ruộng ở tại làng để phụng thờ cùng với sự lành quốc gia, vạn năm không dứt, vạn cổ trường tồn.
Tự Đức năm thứ 3 ngày 15 tháng 10.
Tiền triều Hồng Phúc năm thứ nhất ngày 10 tháng Giêng Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn.
Năm Vĩnh Tộ thứ 20 ngày tốt tháng 2 Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Lê Nguyên Hải theo như bản cũ vâng chép.
Nay sĩ tử Nghệ An Song viện quán Hoàng Sĩ Đoạn lại theo như nguyên bản vâng sao chép.

Dịch theo bản khai thần tích năm 1938 của làng Lăng Sương, tổng Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Ban thờ Đinh Phi Thánh mẫu ở đền Lăng Sương.

Ngọc phả Tam vị Tản Viên của trang Quang Diệu

Ngọc phả ba vị Tản Viên Sơn Thánh, Tả Hữu Lưỡng Kiên Thần Cao Sơn, Quý Minh

Chi Chấn, bộ thứ tư, thượng đẳng quốc tế

Đất Việt xưa trời Nam mở vận, phân ngang núi sông bởi sao Dực, sao Chẩn. Nước Bắc lúc đầu thẳng theo hướng sao Ngưu, sao Đẩu. Từ triều Hùng mở vận, Thánh tổ dựng cơ đồ, nước biếc một dòng, mở vận đế thánh, vua sáng. Núi xanh vạn dặm, lập nền cung điện đô thành. Mở vật giúp người, thống lĩnh 50 bộ, thế quản chư phiên vững chắc. Làm vua trị nước có hơn hai ngàn năm, mãi giữ cơ đồ tổ tông vững như bàn đá. Hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh. Lưu truyền hươnng lửa nơi núi Hùng. Người đời sau có thơ vịnh rằng:

Tạo dựng Hùng đồ nghiệp mãi đây
Mười tám vị tên truyền mãi này
Tích xưa con đế nòi tiên đó
Thủy tổ mở trời sử chép dầy.

Bấy giờ cơ đồ Hùng Vương truyền 18 nhánh tới Duệ Vương ở ngôi, đóng đô tại Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước hiệu là nước Văn Lang. Kinh đô gọi là thành Phong Châu. Vua là người có tài cao mưu lớn, tư chất sáng láng, nối nghiệp tổ tông, cơ đồ 17 đời thịnh trị, dốc lòng quản thiên hạ, yên định Trung Quốc.

Trước đó, ở động Lăng Sương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây, động này có trời Nam gấm vóc, đất rộng suối xanh, hợp thành một cảnh đẹp bậc nhất ở trời Nam. Ở đó có một lão ông họ Nguyên tên Ban, thái bà tên Tạ Thị Hoan. Ông bà là những người tích đức làm việc nhân, chăm lo giữ gìn việc cúng lễ hương lửa, một đời phong lưu, giàu sang dư giả. Khi ấy ông Nguyễn đã gần 53 tuổi. Bà Tạ Thị Hoan cũng đã sống trải nhiều năm, vậy mà phòng lan chưa thấy sinh hương, buồng quế chưa đơm một đóa. Ông Nguyễn có người anh ruột tên Nguyễn Cao Hành. Vợ ông Cao Hành tên là Đinh Thị Điên. Vợ chồng đều tuổi đã ngoài 50 mà chưa có con. Vì sự hiếm muộn đó mà không vui. Nhằm đúng ngày giỗ cha, anh em than thở với nhau rằng:

–    Lời xưa nói 30 tuổi chưa có con trai là điều bất hiếu lớn. Huống chi anh em ta đều đã ở tuổi năm sáu mươi, mà chưa có niềm vui con trẻ. Giả như có ngày kia chết đi, việc hương khói tổ tông cha mẹ lấy ai ủy thác? Đó chẳng phải là đại bất hiếu sao? Chi bằng phân phát tài sản để tạo phúc, cầu cho có được con cái, để lòng người được yên, ý trời có thể đổi.

Thế rồi anh em phân tán hết tài sản, giúp nghèo cứu khổ. Cứ như vậy được ba bốn năm. Một hôm, tiết xuân tháng Giêng, khắp nơi hoa nở ngập đất, người người nhộn nhịp tìm hương. Anh em ông bèn lên chơi núi thiêng Tản Lĩnh. Đến khi trở xuống núi, ở dưới chân núi thấy một ông lão vừa đi vừa hát. Lại có mấy chú bé áo xanh cầm một bầu rượu và một chiếc la bàn. Hai anh em nói với nhau rằng:

–    Đây nếu không phải tiên ông chốn Bồng Lai thì là thần linh núi Tản, không phải người thường. Có lẽ nhà ta làm việc thiện nên Hoàng thiên mới cho tiên ông này xuống để đáp việc đức mà nhà ta đã làm.

Dứt lời, anh em chạy lại trước mặt ông lão, cúi người làm lễ nói:

–    Gia đình chúng thần đức bạc. Anh em thần tuổi tác đã cao mà không có con trai. Dám xin tôn ông mở lòng cứu anh em chúng thần. Vạn điều mong được đại đức tái sinh của tôn ông.

Ông lão nghe vậy bèn cười mà nói rằng:

–    Ta không phải tiên, không phải thánh, chỉ ở trong cuộc trần thế này mà thân ở cõi tam sinh. Đứng xem sự rong ruổi của phong thủy, qua lại nhìn phúc thiện trên nhân gian. Vì người mà tạo phúc, vốn không phải là ý của ta. Nay anh em các người gặp ta tại đây là vì nhà các người có phúc dày, không phải bạc phúc đâu. Ta mới thấy có một thế đất tại ngọn núi Thu Tinh. Không quá trăm ngày sẽ sinh được 1 thánh 2 thần. Anh em các người mau về nhà đem phần mộ của cha đến để ta chôn vào đó.

Hai ông nghe lời đó rất vui mừng, chạy về nơi ở, thu lấy hài cốt của thân phụ đem đến cho ông lão. Ông lão mới chôn ở trên đỉnh núi Thu Tinh theo hướng dựa Quý hướng Đinh. Chôn xong thầy trò ông lão không biết biến mất ở đâu. Anh em hai ông lập đàn làm lễ bái tạ. Từ đó trở về càng thêm lòng tạo phúc, cố sức làm việc nhân. Được khoảng trăm ngày đều thấy hai bà của hai nhà cùng có thai. Mang thai dài 12 tháng. Ngày 6 tháng Giêng năm Đinh Hợi, vợ người anh là Đinh Thị Điên sinh được một bào một người con trai. Vợ người em là Tạ Thị Hoan sinh được một bào hai trai. Tất cả đều có phong thái chỉnh tề, khí chất khôi ngô, khác vượt người thường lắm lắm.

Đương lúc khi sinh ra có khí lành vương vấn, hương bay ngào ngạt. Sinh được trăm ngày thì con người anh được đặt tên là Tuấn Công. Con nhà người em, người đầu tên Sùng Công, người sau là Hiển Công. Ngày qua tháng lại khi đã được 13 tuổi thì đều tìm thầy mà học. Học được vài năm, nghìn kinh vạn quyển, có thể tỏ tường như Khổng Mạnh. Bốn khoa ba truyện, chẳng nhường mưu kế Tôn Ngô. Đến 17 tuổi, cha mẹ hai nhà trong vòng cùng một năm đều theo nhau mà mất. Anh em ba ông khóc lóc với trời nhưng chẳng thể làm gì được. Bèn tìm đất tốt mà làm lễ chôn cất. Ba năm chịu tang, hương lửa theo nghi lễ.

Từ đó gia tài đều cạn sạch. Song dù ở cảnh bần hàn mà tính lạc quan vẫn không thay đổi. Ngày thì rong ruổi theo bầu gió ánh trăng, búa rìu làm kế sinh nhai. Đêm khuya đọc sách bên án tuyết đèn huỳnh, rượu vui một bầu làm thú vị. An bần lạc đạo, lấy đó làm chí lớn. Tuy nhiên đôi lúc chợt xót cha mẹ gian khổ, thương cha mẹ khó nhọc, mà thường buông sách thở dài, rơi lệ rằng:

–    Sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, trông nom ta, chăm sóc ta, nghĩ ơn cha mẹ như núi như biển. Nay chưa một chút báo đáp. Ngày sau dù có vạn báu ngàn lộc cũng không còn gặp mà báo đáp.

Từ đó sáng kiếm chiều vay, bữa đực bữa cái, không có lúc mừng. Anh em than thở với nhau rằng:

–    Nghèo hèn như thế này, không có kế sinh nhai, lấy gì để sống.

Vì đó mà cùng đến núi thiêng Tản Lĩnh xin làm con nuôi của Thần nữ Ma Thị Cao Sơn. Ngày ngày hái củi để kiếm nuôi sống. Sau có được gậy trúc của Thái Bạch Thần Tinh và sách ước của vua thủy chốn cung rồng, báo đáp được ơn sâu của bà Ma Thị, cứu được họa phúc ở nhân gian. Bà Ma Thị vì người con nuôi có hiếu mà đem hết núi rừng, khe ngòi, đất đai, cây cối lập chúc thư giao cho Tuấn Công. Tuấn Công bèn phân đất cho hai em, cho Sùng Công ở núi Nộn, Hiển Công ở núi Lãng. Từ đó danh tiếng nổi lên. Thiên hạ đều gọi Tuấn Công là Tản Viên Sơn Thánh, Sùng Công là Tả Kiên Thần, Hiển Công là Hữu Kiên Thần.

Lại nói, lúc này cơ đồ họ Hùng về cuối, ý trời muốn kết thúc. Duệ Vương sinh được 20 nam hoàng tử, 4 nữ công chúa, đều cùng nhau theo về trời. Chỉ còn lại hai người con gái. Người thứ nhất là Tiên Dung công chúa, Vua sau gả cho ông Chử Đồng Tử. Còn lại người thứ hai là Mị Nương công chúa, cung thiềm còn khóa, nhụy ngọc đang phong, lương duyên chưa định cùng ai. Vua bèn dựng lầu ở cửa thành Việt Trì, ban chiếu truyền các thần tử trong thiên hạ, hễ ai có tài trí thông minh, đức độ anh hùng, có thể nối được ngôi báu thì sẽ định kế truyền cho.

Ngày đó bên sông tàu thuyền, trước lầu xe ngựa, bút văn múa như ảnh động rắn rồng, sao sáng sa sông lạnh. Trận võ bày làm hổ báo hồn kinh, sấm sét vang rền góc biển. Một vùng nước nhà, bốn biển anh hùng. Tuy nhiên được cái này mất cái kia, lục tục mà trôi qua, không có ai có thể xứng là có toàn tài. Thời bài Đào yêu chưa có người gảy đàn ngâm thơ vậy. Người đời sau có thơ vịnh rằng:

Trăng gió một trường giục động tâm
Bốn bề chật mắt thấy anh quần
Việt thành then khóa xuân nào thấy
Ai người sẽ mở, ai người cầm?

Bấy giờ Sơn Thánh nghe chuyện bèn nói với Tả Hữu Kiên:

–    Có câu gian nhân khó được. Người đàn ông gặp gỡ được đã là khó huống hồ là cưới vợ là công chúa. Nay con gái nhà vua trong cung là một bậc khuynh thành. Ta chẳng vì xa mà không đến, nắm lấy mối tơ duyên này chẳng cho ta thì còn ai được nữa.

Dứt lời cùng nhau đến trước lầu ở kinh thành. Lại có Thủy Tinh cũng đến tham dự thi. Vua ngự xem thi tài, thấy Sơn Thánh cùng Thủy Tinh đều có phép lạ thông trời thấu đất, có thuật màu nhiệm chiếu nước dời núi. Vua cho là những người tài nhất, bèn triệu đến nói rằng:

–    Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam Điền mà hai khanh đều đúng là bậc anh hùng. Ngô vui thì Tần rầu. Hán ca thì Sở khóc. Không biết phải gả công chúa cho ai. Sớm mai ai có thể đem sính lễ đến trước, Trẫm sẽ gả cho người đó.

Thế là Thủy Tinh trở về thủy cung, do cầu kỳ chọn các vật lạ (nguyên trước đó sách ước đã đem cho Sơn Thánh lấy, Thủy Tinh không cưới được công chúa mới kết oán thù. Hàng năm cứ quãng tháng sáu tháng bảy lại dâng nước đến đánh, về sau thường gặp).

Sơn Thánh đi xuống ngay dưới lầu, miệng đọc thần chú, lấy sách ước mà cầu. Tự nhiên thấy voi trắng, ngựa hồng cùng các vật lạ, trân kỳ từ trời rơi xuống. Sơn Thánh nhặt lấy, đương lúc còn tối vào giờ Tí đem sính lễ đến lầu rồng. Vua gọi công chúa đến gả cho. Sơn Thánh làm lễ đón về sống ở sơn động, để lại hai vị Tả Hữu kiên thần cho vua cha.

Vua rất yêu mến bèn phong người em thứ hai của Sơn Thánh Tả Kiên thần Sùng Công là Tả đô đài Đại phu, người em thứ ba Hữu Kiên thần Hiển Công làm Hữu đô đài Đại phu. Vua tôi đức hợp, thiên hạ thái bình, vạn dân gặp được thời no đủ. Bốn biển ngưỡng cảnh tượng thái hòa. Duệ Vương vì công lao đó mà ban cho búa sắt, cùng hưởng lành với đất nước.

Hiển Công, Sùng Công và Sơn Thánh như những con trời cháu tiên đi khắp nơi trong đất nước. Núi sông Thần Phù, Yên Tử mây trắng vầng hồng cao thấp. Gió trăng Vinh Quẫn, Long Biên, núi xanh nước biếc trên dưới. Có lúc đi du ngoạn sông tiểu hoàng thưởng thức sự thú vị của đánh cá. Đi qua trang Quang Diệu, tổng An Lạc, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai, Sùng Công và Hiển Công thấy đất Quang Diệu có nước đẹp núi xanh, địa thế quanh co, hổ rồng chầu cuộn, tưởng cũng là một cảnh quang đẹp đẽ. Bèn xin với Sơn Thánh cho dựng một cung ở đất Quang Diệu. Hiển Công, Sùng Công ở đó, khuyến hóa nông tang, giúp thiện trừ tai, lại có thể dùng nhân nghĩa mà cố kết lòng người, lấy hòa mục đắp thành lễ nhượng. Thật là có công lớn với dân.

Bấy giờ Duệ Vương ở ngôi đã 105 năm, triệu Sơn Thánh với Sùng Công, Hiển Công vào triều cùng với Vua lo việc chính sự, lại muốn truyền ngôi cho Sơn Thánh. Lại có bộ chủ Ai Lao họ Thục tên Phán, cũng là dòng dõi của nhà họ Hùng, đổi sang họ Thục, phân trị Ai Lao. Thục Phán tới đó nghe đồn Duệ Vương tuổi thọ trời cho đã cao, mà 20 hoàng tử đầu đã về chốn tiên bồng, không có người nối dõi, bèn thừa cơ phát động can qua, cầu kết các nước láng giềng, chỉnh đốn trăm vạn tinh binh, tám ngàn tuấn mã, chia làm 5 đạo. Một đạo theo đường Thập Châu, Hoàng Đạo tới núi Quỳnh Nhai mà ra. Một đạo theo đường Tuyên Quang, hai châu Tụ Long, Bảo Lạc mà đến. Một đạo theo đường Ái Châu, núi Tam Điệp mà ra. Một đạo quân thủy theo Hoan Châu, cửa Hội Thống, thủy bộ cùng tiến. Quân thanh chấn động. 

Duệ Vương lo lắng, bèn gọi Sơn Thánh đến hỏi kế sách. Sơn Thánh tâu rằng:

–    Hơn hai ngàn năm nay, các bậc vua thánh hiền đã có sáu bảy. Ơn sâu đức dày, đã thẫm đẫm vào cốt tủy. Mà nay nước giàu quân mạnh. Uy đức của Bệ hạ mở ra nước ngoài. Còn người Thục đã không tự giữ gìn, lại dám dấy động, việc nắm lấy phần thua đã có thể thấy trước. Một khi Bệ hạ xét tội thảo phạt, lấy nghĩa mà phục, thì tất con dân đều theo Bệ hạ mà không theo địch. Việc dẹp mối lo này có gì mà không được. Như tình hình hiện nay, thần xin vì thánh giá mà tự dẫn các tướng tài cùng với 30 vạn binh hùng. Giặc Thục không quá một tháng có thể bình được.

Vua rất mừng, đồng ý. Thế là Sơn Thánh ra diễn võ trường, truyền các tướng đến nhận lệnh. Thứ nhất là hai vị Tả Hữu kiên thần Sùng Công và Hiển Công dẫn hùng binh 5 vạn, tì tướng 50 viên tiến theo đường Ái Châu trừ giặc Thục. Còn lại 4 chi đạo giặc Thục, Sơn Thánh cùng các tướng phân ra tấn công. Sùng Công và Hiển Công bái tạ nhận lệnh, lĩnh binh đường đường mà tiến. Tới trang Quang Diệu, huyện Mỹ Lương thì đóng quân nơi cung sở. Hôm ấy nhân dân trang Quang Diệu làm tiệc bái lễ, xin được theo hai ông dẹp giặc. Hai ông bèn lấy trong trang 7 người họ Đinh, 6 người họ Bùi, 6 người họ Lê, 6 người họ Nguyễn, 3 người họ Hoàng, 3 người họ Trần, 2 người họ Phạm, 2 người họ Trương. Cộng tất cả là 40 người làm gia thần thân tín. 

Ngày hôm ấy đại quân thuyền ngựa song hành, tiếng động dậy cả hai bên bờ sông. Thủy bộ cùng tiến, tiếng sấm vang ngoài ngàn dặm. Quân uy ngùn ngụt như bốc tới trời. Tiến thẳng đến Ái Châu, địa đầu của núi Tam Điệp, cùng với giặc Thục một trận đại chiến, thế như chẻ tre đuổi gió, uy dậy như vặn củi bẻ cành. Bắt sống được chính tướng của giặc Thục, chém ngay dưới cờ, và chém hơn ngàn đầu các quân tướng sĩ của giặc. Thế là đạo quân đầu của giặc Thục đã được hai ông bình dẹp. Còn 4 đạo quân giặc Thục do Sơn Thánh cùng các tướng hiệp sức giao chiến. Bốn đạo quân Thục đều thua to tan tác, một xe không thoát, một ngựa không sót. Người đời sau có thơ vịnh rằng:

Đúng là thước kiếm xua giặc dữ
Liền ngay thành chiếm lại cho vua
Nghìn năm về trước, nghìn năm lại
Quốc gọi là thần, đáng con nhà.

Khi đó Sơn Thánh truyền các tướng hội về một chỗ, làm biểu tâu lên. Vua ban chiếu cho quay về, gia phong tướng sĩ thêm cấp bậc. Phong Sơn Thánh là Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng, tăng cấp Sùng Công làm Cao Sơn Đại vương, Hiển Công làm Quý Minh Đại vương. Lúc bấy giờ Sùng Công và Hiển Công tâu với Vua xin Vua cho trang Quang Diệu được miễn đi lính, tô thuế và tạp dịch để sau khi hai ông trăm tuổi làm nơi thờ phụng. Vua hạ chiếu đồng ý. Ngay hôm đó hai ông cùng với các gia thần và nhân dân Quang Diệu nghênh đón chiếc sắc về nơi cung Quang Diệu.

Nhằm vào dịp mồng 6 tháng Giêng là ngày mừng sinh nhật của hai ông, tổ chức ca hát, đấu vật trong 10 ngày. Từ đó hai ông ở cung Quang Diệu. Ngày cùng với một số gian thần của Quang Diệu đi chu du phong cảnh Ái Châu và hai huyện Mỹ Lương, Bất Bạt. Hoặc có lúc săn cáo bắn thỏ, dưới trăng dong buồm nơi sông nước. Hoặc có lúc thích núi vui non, tắm gió mát trong nơi đồng nội. Cứ hàng năm ngày sóc vọng các tiết lớn nhỏ lại về chầu Duệ Vương, chưa từng vắng mặt. Chầu xong, lại quay về nơi cung Quang Diệu mà ở.

Khi Vua truyền ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh thay Vua lo chính sự. Được ba năm, Thục Vương gửi thư cầu hòa, xưng thần và nộp cống. Sơn Thánh bèn tâu với Vua rằng:

–    Mười tám đời họ Hùng, lòng trời có hạn nên mới sai Thục Vương thừa cơ đến xâm chiếm. Vẩ lại Bệ hạ sinh 20 con trai đều đã thân về Bồng Lãng, không mong có người kế truyền. Đó không phải là điều đại biến của nước nhà sao? Trước đây Thục Vương tuy có ngông cuồng, nay lại đã xưng thần nộp cống, biết tiến biết lui, đúng là một vị hiền quân. Hơn nữa, Thục chúa tuy là bộ chủ Ai Lao, nhưng cũng là tông phái của hoàng gia. Bệ hạ hà tất chỉ vì yêu mến một cảnh sắc phương Nam mà cưỡng lại ý trời. Thần xin cùng Bệ hạ luyện thuật biến hóa thần tiên, chẳng bằng rong ruổi nơi chốn bất lão Bồng Lai, Lãng Uyển. Gác phượng lầu rồng quyết bỏ tránh nhiễm bụi trần. Xin Bệ hạ nhường cho Thục.

Vua nghe theo bèn gọi Thục Vương đến nhường lại ngôi vị. Xong việc, Vua cùng với Sơn Thánh giữa ngày bay lên trời, hóa sinh bất diệt.

Khi đó Sùng Công và Hiển Công sống ở nơi cung Quang Diệu nghe vậy, than rằng:

–    Thiên hạ nhà họ Hùng đã thuộc người khác.

Bèn mới bày tiệc mời các phụ lão và nhân dân đến uống rượu. Hai ông mới nói rằng:

–    Chúng tôi cùng nhân dân đã có nghĩa xưa, không phải chỉ một ngày, sao nay có thể quên được. Chúng tôi có một cung đền lưu tại nhân dân, làm nơi anh em chúng tôi sau khi trăm tuổi có chỗ tụ lại tinh thần. Vào các ngày sinh ngày hóa của chúng tôi các nghi lễ cần tuân thủ, không thể bỏ được.

Lúc đó nhân dân và phụ lão trang Quang Diệu đều bái tạ nhận mệnh. Hai ông cùng đọc rằng:

Lễ nghi một chốn tụ tinh thần
Vạn cổ khói hương mới mỗi lần
Tuy nói là vui trong cuộc rượu
Quang Diệu lưu tình ngàn vạn xuân.

Đọc xong cùng một số người dân lại theo tiếng hạc, tiếng gió mà chu du bốn biển. Lúc thì reo đàn múa trúc, thơ văn ngân đối đất trời. Nhạc phượng ca loan, sắc thanh thú vị Bồng Lai. Ba nhánh chủ trương trăng gió. Năm hồ dấu tiên thuyền câu. Soi cảnh hội sương khói ngày đêm. Vạn hình mây bay quang cảnh. Nước trong xanh, núi đẹp đẽ, quy lại mảnh áo đất trời. Nam là thánh, Bắc là thần, ra vào một trời phong cảnh.

Một ngày các thầy trò hai ông đến núi Thu Tinh. Hai ông lên núi thăm viếng phần mộ. Bỗng thấy trước mặt có một người râu tóc bạc phơ, chỉ núi Thu Tinh mà rằng:

–    Núi này phàm là người khi chết tất tinh thần sẽ quay về đây, do đó gọi là núi Thu Tinh.

Dứt lời, người đó xuống núi mà không biết đi đâu. Hai ông cùng đọc một bài thơ:

Từ đế vương cùng muôn triệu dân
Quy về sẽ phải tụ tinh thần
Sự truyền khó luận chân hay ảo
Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.

Đọc xong thì trời đất tối tăm, sấm gió nổi lên. Nghìn chim tụ tập, trăm thú lại chầu. Từ trên không trung có tiếng đàn hát du dưa. Khi đó Sùng Công và Hiển Công thấy có một ngôi sao lớn từ trong thân bay ra. Hai ông ngồi ngay ngắn trên bàn đá mà cùng hóa (đó là ngày 6 tháng 11). Ngay khi hai ông hóa, những người dân Quang Diệu đi theo mới quay về nói với nhân dân lập miếu thờ phụng. Lúc ấy, Thục chúa nhận ngôi vị, cảm ơn nhường nước của Duệ Vương bèn cho tu sửa miếu điện hoàng gia ở núi Nghĩa Lĩnh để thờ phụng các thánh tổ họ Hùng cùng với ba vị Tản Viên. Tới khi đó các tướng có công giúp nước đều được phong Thượng đẳng phúc thần, sai các hương ấp nơi ở lập miếu phụng thờ, xuân thụ lệnh các quan đến cúng tế, bốn mùa hương lửa, vạn đời duy trì, cùng với quốc gia hưu thịnh. Tốt đẹp thay!

Phong Cao Sơn Đại vương Thượng đẳng thần (bên trái, huý Sùng)

Phong Tản Viên Sơn Quốc chủ kiêm Thượng đẳng thần (chính giữa, huý Tuấn)

Phong Quý Minh Đại vương Thượng đẳng thần (bên phải, huý Hiển)

Cho phép cho trang Quang Diệu, tổng An Lạc, huyện Mỹ Lương phụng sự.

Lại nói, Thục Vương ở ngôi được 50 năm, có người Chân Định họ Triệu tên Đà dẫn quân đến đánh, nên nhà Thục mất. Triệu Đà được nước, cha truyền con nối, 5 đời làm vua. Từ đó đất Việt ta thuộc Hán. Đến Đông Hán Quang Võ lấy Tô Định làm Thái thú đất Việt. Định là người tham tàn, bạo ngược, xâm chiếm trung nguyên. Họ Triệu tàn thương, không người cứu giúp. Đến khi có người cháu gái Hùng Vương là Trưng nữ tướng quân, tên là Trắc Nương, cùng với em ruột là Nhị Nương, nổi chí oai hùng, dẫn quân đến đánh. Đến Mỹ Lương lập đàn cầu đảo Thánh tổ họ Hùng cùng với ba vị Tản Viên. Đến khi đuổi được Tô Định, Trắc Nương lên ngôi, tự lập làm Vua, mới phong thêm mỹ tự Cao Sơn hiển ứng hộ quốc Đại vương, Quý Minh khang dụ linh ứng Đại vương. Sắc chỉ ban về trang Quang Diệu, trùng tu miếu điện để phụng thờ. Từ đó về sau trải qua các triều Tiền Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần cùng với hoàng triều ta mở tạo cơ đồ lớn, thường có giúp nước giữ dân, cầu mưa cầu thời đều có nhiều linh ứng. Nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự để ức vạn niên hương lửa vô cùng.

Phụng khai các tịch sinh hóa cùng với các chữ húy nhất thiết cấm. Ba chữ Tuấn, Sùng, Hiển cùng với chữ húy của thánh phụ, thánh mẫu đều cấm. Các sắc phục màu vàng cũng cấm.

Ngày 6 tháng Giêng là sinh thần, lễ khánh hạ (dùng bánh trôi, bánh chay, bánh mật hoặc thịt trâu, xôi, rượu, ca hát, đấu vật trong 15 ngày).

Ngày lễ mừng sắc phong vào 12 tháng 8 (dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát một ngày đêm).

Ngày hóa là ngày mồng 6 tháng 11 (dùng bánh trôi, bánh chay, bánh mật, các đồ thịt trâu, xôi, rượu).

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ 3, tháng giữa xuân, ngày tốt.

Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, thần Nguyễn Bính phụng soạn.

Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền, tuân theo chính bản phụng sao.

Dịch từ bản khai thần tích năm 1938 của làng Quang Diệu, tổng Bằng Lộ, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Đền Măng Sơn, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây