Nước Lỗ của Khổng Tử nằm ở đâu?

Nhân thể chuyện xây văn miếu và thờ Khổng Tử ở Việt Nam đang được dư luận bàn tán rôm rả xin góp vui vài ý về sự thật nước Lỗ và quê hương của Khổng Tử.
Khổng Tử người nước Lỗ thì ai cũng biết, nhưng nước Lỗ này nằm ở đâu? Sử ký Tư Mã Thiên chép về quê hương của Khổng Tử  như sau: Khổng Tử sinh ở ấp Trâu, thuộc làng Xương Bình nước Lỗ. Tổ tiên trước kia là người nước Tống…
Thông tin gốc như vậy mà không biết căn cứ vào đâu cho rằng quê của Khổng Tử “nay là” huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc? Khổng Miếu ở Sơn Đông cho dù có là di sản văn hóa thế giới nhưng niên đại của cái miếu đó chắc không quá được thời Đường Tống đổ về, tức là xây cách thời Khổng Tử cỡ trên 1.500 năm.

Nước Lỗ vốn là đất phong của Chu Công Đán, vị đại công thần lập  quốc lớn nhất của nhà Chu. Nước Lỗ của Chu Công không hề nằm ở vùng Sơn Đông vì thời Ân Thương khu vực Sơn Đông là đất của dân Di, không phải của người Hoa. Chu Công còn phải vất vả đi đánh dẹp cuộc nổi loạn của hậu duệ nhà Ân là Vũ Canh liên kết với đám Hoài Di, Từ Nhung thời Chu Thành Vương. Như vậy làm gì có chuyện đất phong của Chu Công trước đó lại nằm trên đất của Di Địch được.
Trà kinh của Lục Vũ (học giả thời Đường) chép: Trà làm thức uống, khởi từ Thần Nông thị, truyền bởi Lỗ Chu Công, Tề có Án Anh… Vậy là 3.000 năm trước Chu Công nước Lỗ đã thích uống trà. Nhưng vùng Sơn Đông (hay vùng Hoàng Hà nói chung) làm gì có cây trà mà uống? Trà (chè) là loài cây gốc tự nhiên ở khu vực dãy Hymalaya, như ở Vân Nam và Bắc Việt. Làm gì có trà mọc ở bán đảo Sơn Đông băng giá.
Chuyện khác, Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử đã ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ Khoa Đẩu cổ văn do ông cha chúng tôi cất giấu. Vương lại lên nhà thờ đức Khổng Tử, nghe được tiếng vàng, đá, tơ, trúc, bèn không cho phá nhà nữa, đem toàn bộ sách trả cho họ Khổng”.
Thì ra Khổng Tử chép Ngũ kinh bằng chữ Khoa đẩu. Chữ Khoa đẩu được biết là chữ của người Việt cổ. Khổng Tử soạn kinh bằng chữ Việt, hỏi Khổng Tử là người Việt hay người Tàu?
Chân lạp phong thổ ký do Chu Đạt Quan thời Nguyên đi sứ sang đất Chân Lạp (Cămpuchia) thì ghi nhận: Ngôi tháp bằng đá (Phnom Bakheng) ở ngoài cửa thành hướng Nam nửa dặm, người ta thuật lại rằng ông Lỗ Ban, vị kiến trúc sư Trung Hoa theo huyền thoại đã xây cất trong một đêm. Ngôi mộ của ông Lỗ Ban (Angko Wat) ở ngoài cửa Nam lối một dặm, có hàng trăm căn nhà bằng đá.
Lỗ Ban, vị tổ nghề mộc và xây dựng người nước Lỗ cùng thời với Khổng Tử mà lại đi xây tháp ở Cămpuchia và mộ nằm ở Angko Wat. Hỏi nước Lỗ của Lỗ Ban và Khổng Tử phải nằm ở đâu?
Khổng Tử làm Kinh Xuân thu đến năm Lỗ Ai Công săn được con Lân thì dừng bút. Vì thế Kinh Xuân thu còn gọi là Lân kinh. Thế nhưng, Chu Hy (thế kỷ 12 thời Nam Tống) chú giải về con Lân như sau: Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống.
Loài thú đứng đầu các loài có lông mao (động vật có vú), trông giống hươu, đuôi bò, móng ngựa, có một sừng thì phải là con Tê giác. Con Lân là con Tê hay con Tây. Vấn đề là con Tê giác thì không thể nào có ở khu vực Sơn Đông được. Tê giác là loài vật của vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, gặp ở Lào – Việt Nam – Cămpuchia. Nước Lỗ nơi Lỗ Ai Công săn được con Lân chắc chắn nằm ở khu vực bán đảo Đông Dương, chứ không phải bán đảo Sơn Đông của vùng ôn đới.

NhathohoCao

Nhà thờ họ Cao tại Nho Lâm, Diễn Thọ.

Thông tin từ văn hóa dân gian Việt cũng cho một số chỉ dẫn về vị trí nước Lỗ. Nhà thờ họ Cao ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An thờ tổ Cao Đại Tôn là ông Cao Thiện Trí, sống vào quãng năm 1360. Gia phả họ Cao nhận mình là xuất xứ từ vùng Bột Hải. Bột Hải nếu như ngày nay là vùng biển giáp với Triều Tiên ở tít phía Bắc Trung Quốc. Thực ra Bột Hải hay Bát Hải nghĩa là biển ở phương số Tám (8), tức là phương Đông trong Hà thư. Bột Hải của họ Cao là vùng biển Đông ngày nay.
Ông Cao Thiện Trí còn được gia phả họ Cao ghi lấy vợ là bà Khổng Thị Tám, người… nước Lỗ chạy loạn sang Nghệ An. Nước Lỗ ở gần Nghệ An và Bột Hải – biển Đông thì phải là khu vực nước Lào ngày nay. Đây mới là vị trí thực sự quê của Khổng Tử, nơi có những con Lân – Tê sinh sống, có những cây trà cổ thụ mọc trong tự nhiên, nơi người dân vốn dùng chữ Khoa đẩu mà chép sách truyền kinh.
Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Diễn Châu, Nghệ An thì có câu đối:
Cổ nguyệt môn cao, hệ xuất thần minh Ngu đế trụ
Bảng sơn địa thắng, thế truyền thi lễ Khổng sư tông.
Dịch:
Cửa cao trăng Hồ, sinh ra dòng dõi anh minh đế Ngu Thuấn
Đất lành núi Bảng, các đời truyền lễ nghĩa thầy Khổng Khâu.
Họ Hồ, dòng họ của những vĩ nhân Hồ Quý Ly, Quang Trung và Hồ Chí Minh, là có nguồn gốc từ Đế Ngu Thuấn, theo lễ nghĩa của Khổng Tử. Người Việt thực sự đã bị lạc hướng và hiểu sai về nguồn gốc và văn hóa của mình. Những đóng góp to lớn của Khổng Tử cho nền văn hóa Trung Hoa chính đã tạo nên nền tảng của văn hóa Việt.
Có thơ:
Muốn cứu đời thánh nhân Khổng Tử
Dốc lao tâm khổ tứ viết kinh
Thư, Thi, Dịch, Lễ, Nhạc thành
“Vạn thế sư biểu” tôn vinh đời đời.

Tây học và Cựu học

Thời buổi ngày nay người ta đua nhau cho con cho cái đi học nước ngoài từ … lớp vỡ lòng đến đại học. Những người đang có công ăn việc làm cũng chăm chăm để đi học, không Âu thì Mỹ. Người không có việc làm lại càng muốn xuất ngoại. Thời bây giờ đi học không ai còn theo cái chí học của Phan Bội Châu mà “Đông du” như xưa. Người ta đi học để mong cái bằng Tây học sẽ đem lại kiến thức cao siêu hơn, công ngon việc lành hơn, ví trí xã hội đứng trên nhiều người hơn…

Cơ hội Tây học ngày nay cũng nhiều. Đi xa thì có Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, … Đi gần cũng không thiếu Úc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,… Học bổng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ,… không phải quá khó để nhận được đối với những người có học lực tốt. 2 năm, 3 năm hay 5 năm về là có bằng cấp thạc sĩ tiến sĩ “made in” nước ngoài…

Nhưng đời nay có mấy ai học làm … “kẻ sĩ”? Kẻ sĩ thời nào cũng vậy, là người có kiến thức và vì có hiểu biết đầy đủ nên là những người có trách nhiệm với quê hương, với đồng bào, với bạn bè. Người làm kẻ sĩ lấy nhân lấy lễ làm gốc, đối với bạn bè luôn chân tình và hết lòng, không cho phép với bạn bè “thấy chết mà không cứu”. Kẻ sĩ thời nay biết “trọng nghĩa khinh tài” thật ít. Thạc sĩ tiến sĩ Tây học ngày càng nhan nhản nhưng Tây học chỉ có học cái “khôn” mà không học cái “ngoan”. Quan trường đất Việt ngày nay mới đẻ ra lắm tham nhũng, tệ nạn đến vậy.

Kẻ sĩ nói được là làm được. Ngày nay người nói thì nhiều, người làm thì ít. Người làm như nói lại càng hiếm. “Chém gió” và múa “hoa chiêu” đã thành “nghề” của nhiều “nhân sĩ” Tây học đời nay.

Nước ta từ khi người Pháp tới, Tây học thay dần Cựu học. Nhân lễ nghĩa trí tín của Nho đạo bỏ đi đằng nào hết. Tây học dựa vào lý lẽ, nhằm vào công nghệ, pháp luật. Cựu học lấy văn làm gốc, văn là người, dựa vào tình người. Tây học có môn gọi đúng tiếng Tây là “nhân học” (humanities). Tiếng ta gọi là Khoa học Nhân văn. Chữ văn được thêm vào trong tiếng Việt thật đầy đủ và bao hàm hơn cái tiếng Tây nhiều.

Người Việt cứ cho rằng Cựu học dựa vào Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo bên Tàu, thôi thì đằng nào cũng là học theo người ta, Tàu hay Tây cũng đều vậy cả. Ít ai biết rằng Nho học của ta chẳng “Tàu” chút nào, mà là “Ta” từ gốc 100%. Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc được Khổng Tử đúc kết vào thời Đông Chu, chẳng phải ở đâu xa mà chính là vùng Việt Nam và lân cận ngày nay.

Thi là thơ, là văn. Học Thi không phải là học làm thơ, mà là học nói học viết.
Thư là sách, là lịch sử. Không biết sử thì như người mất gốc, lưu lạc ngay trên đất quê hương của mình.
Dịch là quan niệm, là triết học. Dịch là cái gốc làm nên văn hóa Việt Nam.
Lễ là cách đối nhân xử thế. Khổng Tử nói: “Không học Lễ thì không biết đi đứng ở đời”.

Không tự nhiên mà người Việt được đánh giá cao về tố chất, khả năng thích ứng, suy luận, tư duy logic… Bản lĩnh văn hoá, trình độ con người Việt có nguồn gốc cả 4-5 ngàn năm lịch sử. Cái tên nước Văn Lang từ thời Hùng Vương cũng đủ nói lên một dân tộc có “văn” từ bao đời.

Thời Trần, quân Mông Cổ khi đã chiếm cả vùng đất của nhà Tống vẫn bắt Đại Việt hàng năm phải cống nạp “nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và nghệ nhân giỏi, mỗi loại 3 người”. Người Mông Cổ hơn ai hết hiểu rõ cội nguồn Nho, Y, Lý, Số của Trung Hoa nằm ở đâu. Việt Nam tới nay vẫn tỏ rõ khả năng “xuất khẩu nhân tài” như Ngô Bảo Châu mới giải Fields toán học gần đây.

Cựu học có ít nhất từ Khổng Tử, tính rẻ cũng là 2 nghìn năm. Tây học vào nước ta mới có 200 năm. Bỏ cái 2 nghìn năm của “ta” để thay bằng cái 200 năm của Tây thì có vô lý quá không? Lẽ ra lấy Cựu mà nghinh Tân thì người ta lấy Tân mà nhìn vào Cựu. Dùng đồ Tây mới toanh thì hỏi làm sao có thể giải quyết được những vấn đề nghìn năm của “ta”?

Cái hậu quả của Tây học át Cựu học tới nay đã có thể thấy rõ ở Việt Nam. Chỉ quan tâm đến công nghệ và kinh tế thị trường nên môi trường sống bị ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng. Một nước 80% dân số sống bằng nông nghiệp mà tìm được ngọn rau sạch, con cá lành để ăn cũng khó… Rừng núi, cây cối, động vật theo nhau … đội nón ra đi phục vụ thói quen tiêu dùng vô tội vạ … kiểu Tây… Khoáng sản được đào khắp nơi, mặt đất hóa thành hầm thành hố, thành bãi thải,… Thủy điện nhiều như cầu như cống, một đống nước treo trên cao, không đổ xuống đầu thì mới là lạ…

Chế độ pháp trị kiểu Tây mà áp dụng ở ta có lẽ khiến ai cũng phải thất vọng. Luật nhiều như ma trận mà thực thi luật thì ít. Luật chỉ để phục vụ một nhóm người bên trên mà thôi. Con dân thấp cổ bé họng chỉ thấy luật treo lơ lửng trên đầu mình như gông như gánh, lúc nào cũng có thể rơi xuống chẳng bởi lý do gì cả…

Ngày nay Tây học tiến bộ bắt đầu nói đến “phát triển bền vững”, “kinh tế xanh”… Nhưng những chữ “phát triển” và “kinh tế” vẫn nằm ở đầu. “Bền vững”, “xanh” chỉ là cái đuôi đằng sau, để gọi cho mốt mà thôi.

Khác với Tây học chăm chăm đi theo một cực, Cựu học phương Đông từ gốc đã xuất phát bởi quan niệm của Dịch là lưỡng lập, có trời có đất, có âm dương, có nam có nữ, có to có nhỏ, có càn có khôn, có lý có tình. Mọi thứ phải cân bằng thì mới tồn tại. Âm dương đối lập mà hoà hợp. Vừa cân bằng lại vừa dịch chuyển. Vì thế cái học, cái đạo xưa rất “thân thiện” với môi trường. Nền khoa học như vậy chắc chắn là “xanh”, chẳng cần lên gân lên cốt “kinh tế xanh”, “công nghệ sạch” làm gì…

Tây học đặt người lên trên cả trời đất, thì làm gì mà môi trường chẳng bị huỷ hoại, biến đổi khí hậu gây đại hồng thuỷ cận kề… Con người mà ở trên cả trời đất thì … chắc còn có nước kéo nhau lên cung trăng mà ở… Ở đó có chỗ sẵn cho các … chú Cuội… ngồi trông chị Hằng dưới gốc cây đa…

Cựu học xác định “trên trời dưới đất giữa hoà nhân gian”. Con người là trung tâm nhưng là một phần trong tổng thể không tách rời thiên – địa – nhân…

Dịch học nhấn mạnh sự “trung dung”, tức là trúng. Làm không cần đao to búa lớn mà phải biết làm đúng, làm trúng mới nên. Lời quẻ Khôn: “Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh”… “Nguyên, hanh, lợi” là các nguyên tắc Nhân bản, hợp lý và thiết thực. “Tẫn mã” là “ngựa cái”, ý nói đến sự tòng thuận. Có tòng thuận thì mới có “trinh”. Tức là phải biết tuân theo qui luật thì mới bền vững.

Ông tổ tín ngưỡng Đạo Giáo phương Đông Lão Tử cũng chẳng ở đâu xa, chính ngay bên thành Cổ Loa Việt Nam. Lão Tử cưỡi trâu, trâu cũng như ngựa, là nói đến đạo tòng thuận và đề cao đạo đức: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Đạo đức kinh). Biết tòng thuận với tự nhiên thì mới bền vững.

Tây học sau nhiều năm lấy pháp trị là chính, nay lại nói đến “cộng đồng”, “sự tham gia”, “đồng quản lý”, … Nói nhiều mà mọi thứ vẫn rối tinh, đâu vẫn hoàn đó. Bởi vì bản chất của Tây học không thể đi được vào quần chúng một cách thật sự.

Còn trong văn hóa Việt tính cộng đồng, coi trọng người dân đã có từ lâu. Từ thủa khai quốc triều đại Việt dựa vào các “tế bào” xã hội là làng xã mà nên. “Phép vua thua lệ làng”, nói theo ngôn ngữ ngày nay tức là “chính sách quốc gia” không bằng “hương ước cộng đồng”. Cộng đồng trong tâm trong hồn người Việt vẫn còn nhưng đã và đang dần bị Tây hoá, biến thành những đơn vị hành chính khô khan. Khôi phục, phát huy năng lực cộng đồng theo kiểu Tây thật khó…

Lật thuyền mới biết dân như nước… câu Nguyễn Trãi nói về Hồ Quí Ly. “Đồng quản lý” cái gốc là ở dân. Dân như nước, nước chảy đá mòn, có gì mà không thể làm được…