Chim Âu và Rồng Lạc – xướng danh dòng giống Tiên Rồng

Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng cùng thời.

Hình ảnh những con chim lớn mỏ dài, đuôi rộng, giang cánh tung bay trên mặt các trống đồng không xa lạ gì với người Việt ngày nay. Loài chim này được Giáo sư Đào Duy Anh gọi là “chim Lạc” khi so sánh chúng với các loài “hậu điểu” ở vùng Giang Nam di cư cùng với những chiếc thuyền có các chiến binh đội lông chim như thể hiện trên tang trống đồng. 

Nhận xét của Giáo sư Đào Duy Anh khá xác đáng rằng hình chim trên trống đồng là loài chim di cư và được người Việt cổ coi là vật tổ. Tuy nhiên, việc gọi loài chim này là Lạc thì cần xét thêm, vì người Việt không biết loài chim nào tên là Lạc. 

Vật tổ của mình mà đến tên còn không lưu lại được thì sao gọi là vật tổ?

Trong khi đó, hình ảnh loài chim vật tổ của người Việt gắn liền với Tiên nữ Âu Cơ. Loài chim biểu tượng cho dòng Tiên là Phượng hoàng, khi gắn với tên bà Âu Cơ thì phải gọi là chim Âu mới hợp lý. Nguyên mẫu của loài chim di cư này có thể là loài chim Hạc lớn như Hồng hạc, tới nay vẫn còn bay về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa đông mỗi năm. 

Nhận định khác cho rằng đó là loài chim Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất. Dù là Hạc hay là Phượng thì ý nghĩa biểu tượng cho dòng Tiên lên núi theo Mẹ vẫn là nội hàm của hình ảnh này.

Một dẫn chứng khác về hình tượng chim Âu là ở đền Thượng khu di tích Cổ Loa. Đền Thượng thờ Thục An Dương Vương, nhưng nghi môn của đền không đắp rồng chầu mặt trời như những nơi khác, mà lại đắp hình Phượng chầu mặt trời. 

Đền Cổ Loa còn có tên là “Tiên từ đệ nhất”, có thể hiểu nghĩa là ngôi đền hàng đầu thờ dòng Tiên. An Dương Vương đã lấy đất Lạc của Hùng Vương để lập ra nước Âu Lạc nên An Dương Vương phải là dòng Âu hay dòng Tiên lên núi xuất phát từ mẹ Âu Cơ.

Còn tên gọi Lạc chính xác hơn phải là để chỉ vật tổ biểu tượng cho dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Sách Giao Châu ngoại vực ký viết: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc, ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực ruộng ấy, nên gọi là Lạc dân. Lập ra Lạc vương, Lạc hầu, coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có Lạc tướng, Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh”.

Rõ ràng từ Lạc gắn liền với ruộng lúa nước có “thủy triều lên xuống”, tức là vùng đồng bằng ven sông biển, bãi bồi bán ngập nước. Lạc thực ra là đọc khác của Nác, mà nay tiếng vùng Nghệ Tĩnh vẫn phát âm có nghĩa là Nước. Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống khai phá miền ven biển nên những người này được gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Biểu tượng của Lạc Long Quân là cha Rồng, nên gọi là Rồng Lạc, hay Lạc Long.

Rồng vốn có nguyên mẫu là Thuồng luồng, hay một loài Cá sấu lớn, sống bán cư ở vùng sông nước ven bờ. Loài vật này còn được gọi là Giao long trong truyền thuyết vì vào thời sơ sử trước Công nguyên, đồng bằng sông Hồng là một bãi bồi lớn, là nơi rất thuận lợi cho các loài bò sát lưỡng cư sinh sống. Truyện Chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, sứ giả nước Việt Thường đối đáp với Chu Công rằng người Việt “vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến”.

Người Việt lấy Giao long hay Rồng Lạc làm vật tổ bởi liên quan đến tục xăm mình cho những người sống ở vùng ven sông, làm nghề đánh cá, chài lưới, thường xuyên tiếp xúc với Thuồng luồng cá sấu. Chữ Lạc trong Lạc Long Quân có bộ Trãi, chỉ một loài bò sát, càng chứng tỏ thêm điều này.

Hình ảnh những con giao long vật tổ có thể thấy ở ngay trên các đồ đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn (quãng thế kỷ IV Trước Công Nguyên đến thế kỷ I). Trống đồng Nam Cường 1 là một trống dạng Đông Sơn, được phát hiện ở Thành phố Lào Cai. Trên mặt trống ở vòng ngoài có hình 14 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở vòng trong là hình 4 con “thú lạ” chầu quay quanh mặt trời 14 cánh ở tâm mặt trống. Những con “thú lạ” có mõm dài như mỏ chim, đầu có sừng hoặc mào, 4 chân nâng thân thú ngắn. Đặc biệt là chiếc đuôi dài và rộng. 

Đuôi loài thú này có thể cuộn lại như trường hợp thể hiện trên mặt trống đồng Phú Xuyên, cho thấy đây không phải là loài cáo, mà là một loài bò sát có khả năng cuộn mình.

Con “thú lạ” đó thực ra không hề lạ, mà là cách thể hiện con Giao long hay Rồng của người Việt ở thời kỳ trống đồng. Hình Giao long tương tự được thấy trên nhiều vũ khí khác cùng thời như mũi giáo, lưỡi rìu, vỏ kiếm. Thường gặp hình một đôi Giao long thân dài, đối xứng chạm chân vào nhau, đuôi có thể cuộn lại, hoặc duỗi thẳng ra. Hình giao long hay rồng trên các vũ khí là linh hồn biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của chúng.

Biểu tượng cặp Giao long trên vũ khí thời Đông Sơn đã từng được Viện khảo cổ học Việt Nam lấy làm logo. Loài thú trên trống đồng và vũ khí đồng Đông Sơn như thế chính là biểu tượng của Rồng. Toàn cảnh mặt trống đồng Nam Cường 1 nhìn lại là hình Rồng chầu Phượng múa dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Người viết bài này còn được xem trên vỏ một thanh kiếm thời kỳ Chiến Quốc (tương đương với thời văn hóa Đông Sơn) đúc nổi và mạ bạc hình Rồng và Phượng. Đặc biệt là hình Rồng được thể hiện trong phong cách Đông Sơn với thân kéo dài, đuôi xoắn và xếp thành cặp đối xứng. Đôi phượng được thể hiện với phong cách tương tự, đầu phượng có mỏ nhọn có mào, thân kéo dài, cánh ngắn, đuôi dài. Sự kết hợp Rồng – Phượng như vậy gặp một cách ổn định trên các hiện vật của thời kỳ này.

Rồng – Phượng hay chim Âu – rồng Lạc thể hiện trên các đồ đồng Đông Sơn là sự xướng danh nguồn gốc dân tộc từ Cha Rồng xăm mình lội nước đắp đê, chiến đấu với thủy quái, đến Mẹ Tiên ngẩng đầu giang cánh chinh phục các triền núi cao. 

Huyền thoại Tiên Rồng còn lưu dấu ngàn năm trên các cổ vật thời sơ sử.

Nghi môn trong đền Thượng Cổ Loa với bức đại tự “Tiên từ đệ nhất”.
Phượng chầu mặt trời trên nóc nghi môn đền Thượng Cổ Loa.
Trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Rồng Lạc, chim Âu trên mặt trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Giao long trên mũi giáo thời Đông Sơn.
Lưỡi rìu Đông Sơn có hình giao long.

https://congdankhuyenhoc.vn/chim-au-va-rong-lac-xuong-danh-dong-giong-tien-rong-1792207071643037.htm

Con Trâu chở Đạo và Huyền Thiên Lão Tử

Bài đăng báo Lao động số Xuân Tân Sửu 2021

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả bàn rằng: Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng… Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng.

Các thánh nhân thời cổ đại đã chế ra Thiên can và Địa chi dùng để phân định thời gian và nhận biết phương hướng. 12 con giáp không chỉ dùng để chỉ ngày giờ tháng năm, mà còn là để gọi tên cho các khu vực trên mặt đất. Vì thế các con giáp được gọi là các Địa chi. 12 địa chi được sắp xếp theo 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi phương tương ứng với 3 vùng đất (3 địa chi). Như một chiếc gương đồng thời Đường (thế kỷ 7-9) tìm thấy ở Quảng Nam có khắc nổi trên mặt gương hình Tứ linh, Bát quái và Thập nhị địa chi, minh họa rõ cho những mối liên hệ này.

Xem đồ hình trên gương cổ, chi Sửu có hình tượng là con Trâu, nằm cùng hướng quẻ Khảm trong Bát quái và cùng với phương Huyền vũ (hình con Rùa) trong Tứ linh. Đây là phương Bắc, trong Ngũ hành thuộc về hành Thủy (nước), ứng với màu Tím (hoặc Đen).

Gương đồng thời Đường tìm thấy ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Tên gọi chi Sửu có mối liên hệ với từ Nước như sau: Sửu – Sủy – Thủy. Con trâu được người Việt Nam gọi đầy đủ là con trâu nước hay thủy ngưu. Trâu là con vật quen thuộc của nền văn minh lúa nước đã được người xưa dùng làm con vật tiêu biểu cho phương “nước” – hành Thủy, hay hướng Bắc ngày nay. Tính chất căn bản của quẻ Khảm hay hướng Nước đó là sự tòng thuận. Con Trâu là con vật nuôi do người điều khiển mà làm các công việc hàng ngày như cày, kéo, nên người xưa đã dùng hình ảnh con Trâu để tượng trưng cho tính chất thuận tòng của hành Thủy, Bắc phương.

Tòng thuận cũng là tư tưởng then chốt trong học thuyết Đại Đạo do Lão Tử đề xướng từ cách đây trên 2.500 năm. Trong tác phẩm để đời Đạo Đức Kinh của mình, ở chương “Tượng nguyên” Lão Tử đã viết: “Trong cõi có Tứ Đại, mà Người là một. Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Trong tư duy Dịch học cổ đại, Đất tượng trưng cho những gì thuộc về vật chất, về tri thức khoa học kỹ thuật. Trời tượng trưng cho những gì thuộc về tinh thần, về minh triết nhân sinh. Đạo Đức kinh giảng rằng, con người phải biết tuân theo những hiểu biết của khoa học kỹ thuật. Khoa học đến lượt mình lại cần được sự định hướng của minh triết. Chân lý này tuy đơn giản nhưng ngày nay với khoa học công nghệ hiện đại chế ra hàng tấn bom nguyên tử treo lơ lửng thì ta mới hiểu, khoa học mà không có sự định hướng của minh triết sẽ có hậu quả khôn lường.

Minh triết có gốc ở Đạo. Đạo là từ sự tự nhiên, không cưỡng ép. Con người ta có Khôn (trí tuệ, khoa học) nhưng phải có Ngoan (biết tuân thủ, biết hướng Đạo) thì mới được bền lâu. Khi con người làm những điều trái với tự nhiên, mất “đạo đức”, như phá rừng, thiêu đốt nguyên liệu hóa thạch, đã dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng to lớn đến tương lai loài người ngày nay. Đây là những viễn cảnh đã được báo trước trong Đạo Đức kinh.

Tư tưởng tòng thuận, tự nhiên, vô vi là căn cơ trong Đạo Lão. Vì thế mà Lão Tử thường được thể hiện dưới hình ảnh đang cưỡi một con Trâu. Trâu là con vật chở Đạo tòng thuận, sống và hành động thuận theo trời đất, không đi ngược với lẽ tự nhiên.

Ở nước ta sự tích về hành trạng và công nghiệp của Lão Tử được gặp ở nhiều di tích cổ, là những nơi còn lưu dấu chân con Trâu chở Đại Đạo trên vùng đất Bắc Việt. Như bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã được công nhận, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được vang danh từ lâu bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là Lão Đam, Thái Thượng Lão Quân.

Thần tích về Lão Tử ở làng Thổ Hà được khắc trên tấm bia “Cung sao thánh tích” lưu tại đình. Sự tích thánh mở đầu như sau: “Thời Hùng Vương kết thúc, khi An Dương Vương nối ngự trị, có một người từ nước Bắc tới trang Thổ Hà, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, sống ở tại chùa tên là chùa Đoan Minh. Ngài ngày đêm đọc giảng, tự như có sức lực của thần thánh vậy. Ở trong trang có nhiều đệ tử đến theo học. Một hôm, Ngài nói với đệ tử rằng:

– Ta vốn xuất hiện từ chốn Hồng Mông, trời đất sinh ra nên Ta có được bản tính thông minh. Xưa mẹ Ta nói với Ta rằng: Mẹ vốn sinh ra từ sự huyền diệu của lòng từ bi, tên là Mỹ Thổ Hoàng, nằm mộng nuốt một con Trâu trắng là tinh khí của mặt trời mà cảm ứng mang thai. Sau 81 năm vào mùa Xuân năm Canh Thìn, ngày 7 tháng Giêng, bên nách cánh tay chuyển động mà sinh ra Ta. Khi sinh đầu đã bạc, chân có chữ. Ta không có cha. Theo lời mẹ mà lấy Lý làm họ, tên là Lão Đam, tự Lý Bá Dương, danh Thái Thượng.”

Sự tích làng Thổ Hà cho biết vị Thái Thượng ở đây mang tên Lão Đam hay Lý Bá Dương, cầm tinh con Trâu trắng mặt trời. Tinh con Trâu trong sự tích này có ý nghĩa nói tới Đạo tòng thuận của Lão Tử.

Ở làng Thổ Hà, Lão Tử không chỉ giảng đạo mà còn ra sức chữa bệnh cứu giúp nhân dân. “Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi. Trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: Nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử vâng mệnh, đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú. Xong, Ngài lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương. Các nơi đều trở nên yên ổn. Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân. Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang.

Giặc Xích tỵ (Quỷ mũi đỏ) là loại dịch bệnh gây nổi các vết đỏ trên da, dẫn đến tử vong. Có thể đây là bệnh dịch hạch hoặc đậu mùa, rất phổ biến thời xưa. Nhờ có những tri thức về y học, về vệ sinh dịch tễ mà Lão Tử đã giúp nhân dân và triều đình ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Do đó ông đã được tôn phong ở trang Thổ Hà. Nhưng công nghiệp của vị Thái Thượng này không chỉ dừng ở đó. Thần tích làng Thổ Hà kể tiếp:

Sau đó vua (An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng). Thành xây nửa tháng vừa xong.”

Đây là một thông tin hết sức bất ngờ, khi biết được rằng người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa trong truyền thuyết lại là triết gia Lão Tử của Trung Hoa cổ đại. Thần Kim Quy đã theo sự sai khiến của Lão Tử hiện thành Thanh Giang sứ giả mà chém Bạch Kê tinh. Sự thật trong truyền thuyết Cổ Loa thành này là gì?

Về hàng trạng của Lão Tử, tấm bia cổ đời Hán Hoàn đế (146-167) có tên “Lão Tử minh” chép: “Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.”

So sánh thông tin của Lão Tử minh và sự tích thành Cổ Loa sẽ nhận thấy, nguyên nhân chính của việc thành xây bị đổ là những trận động đất của vùng Tam Xuyên. Tam Xuyên là 3 con sông, chỉ vùng đất hợp lưu sông Đà, sông Lô và sông Thao ở Việt Trì. Tam Xuyên hay Tam Giang là tên gọi cổ của vùng đất Bắc Việt, nơi có thành Cổ Loa.

Lão Tử là quan thủ thư dưới thời Chu U Vương, vị vua cuối cùng của nhà Tây Chu. U Vương tính tình tàn dị, để mua nụ cười của Bao Tự mà đã cho đốt lửa Ly Sơn ngàn dặm, gây kinh động tới các chư hầu. Lão Tử nhân việc động đất ở Tam Xuyên đã đăng đàn ở núi Thất Diệu, nhằm muốn khuyên răn vua Chu về đạo thuận theo mệnh trời và nhắc nhở bài học mất nước của Hạ Kiệt, Trụ Vương thời trước.

Đình Thổ Hà có câu đối nói về sự việc này:

Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ

Long năng thừa hóa, Ngũ Vân trang hạ ký đăng tiên.

Dịch:

Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ

Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

Cửa võng ban thờ chính điện đình làng Thổ Hà

Như trên đã biết, trong địa chi thì chi Sửu – con Trâu nằm cùng hướng với Huyền vũ, là hình tượng “Quy Xà hợp hình”, gồm có Rùa và Rắn (Rồng). Vì thế, thần Kim Quy từ dưới nước đi lên cũng là biểu tượng của hành Thủy, của tinh thần Đạo tòng thuận, tuân theo lẽ trời đất. Đạo lý này chính là điều đã giúp được An Dương Vương yên định được oán khí trong nhân dân, xây dựng thành trì, củng cố đất nước vững mạnh, nối nghiệp tổ tiên và theo mệnh trời mà trị quốc.

Tại Ngọc điện ở làng An Xá (xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương), Lão Tử được thờ dưới hình một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy đầu Rồng, chân dẫm lên một con Rùa vàng. Hình tượng Rùa vàng hay Trâu trắng đều là thể hiện tinh thần tòng thuận của Đạo Lão.

Tượng thờ Thái Thượng Lão Quân ở làng An Xá, Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương

Về Lão Tử còn lưu truyền câu chuyện “Tử khí Đông lai”, kể rằng, khi Lão Tử đi qua cửa Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ nhìn thấy có một luồng khí sắc tím bay tới từ phía Đông, biết rằng sẽ có thánh nhân đi qua. Quả nhiên lúc sau Lão tử cưỡi trâu xanh từ hướng Đông qua đây. Doãn Hỷ ăn mặc chỉnh tề, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại và viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ lại tư tưởng của mình trong cuốn Đạo Đức Kinh.

Thần Kim Quy cũng từ phía Đông tới giúp An Dương Vương, rồi trao cho vua cái Móng rùa để làm bí quyết an dân giữ nước. Móng rùa ở đây không gì khác chính là cuốn Đạo Đức kinh, hay là tư tưởng Đại Đạo mà Lão Tử đã theo đuổi. Sống có Đạo, có Đức, tuân theo trời đất, hợp với tự nhiên là chiếc Móng rùa được Lão Tử gửi gắm lại cho nhân gian.

Ở Cổ Loa, người được tôn sùng vì giúp An Dương Vương trừ yêu xây thành là Huyền Thiên Chân Vũ. Đây là tên thờ của Lão Tử, xuất hiện dưới thời Đường. Do học thuyết của Lão Tử lấy sự tòng thuận trong tính chất của phương Bắc (Huyền vũ) làm căn bản nên ông được tôn là Đại Thánh Bắc phương Thiên Tôn. Đặc biệt ở làng Thụy Lôi, là nơi thờ phụng Huyền Thiên Chân Vũ bên núi Võ Đương (núi Sái ở Đông Anh), có tục lệ hàng năm nuôi một con bò chăn cho béo tốt, đến ngày dùng để tế lễ đức Huyền Thiên. Truyền ngôn rằng: “khi xưa Ngài nằm ở đây trông thấy một con bò tinh. Ngài ước rằng được ăn thịt con bò ấy. Rồi sau khi Ngài hóa, con bò ấy cũng chết. Cho nên dân làng đều tế bằng bò. Dân làng phải lập cuộc giả vương giả tướng để lễ tạ Ngài, tức là thay mặt vua Thục để lễ tạ.” Việc nuôi bò để tế Huyền Thiên Chân Vũ là hình thức khuyến khích Đạo tòng thuận trong biểu tượng của con “Hoàng ngưu” (chi Sửu còn có hình tượng là con Bò vàng trong lịch pháp Trung Quốc).

Tượng Huyền Thiên Đại thánh ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Các nơi thờ Huyền Thiên Chân Vũ như ở Quán Thánh bên Hồ Tây, Huyền Thiên Cổ Quán ở phố Hàng Khoai, hay ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, Long Biên, đều thể hiện Ngài trong hình dáng to lớn, đang chống một thanh gươm có Rắn quấn quanh lên mình con Rùa. Những hình tượng này đều thống nhất với cách thờ đối với Thái Thượng Lão Quân như ở làng An Xá ở trên. Quy xà hợp hình thành linh vật Huyền vũ, đại diện của Bắc phương, sắc tím.

Huyền Thiên Lão Tử cầm tinh con Trâu, giảng Đại Đạo ở Thổ Hà, tiêu trừ dịch bệnh, đăng đàn nêu cao đạo tòng thuận ở núi Võ Đương, để lại cuốn Đạo Đức kinh làm bí quyết nỏ thần giúp An Dương Vương an định thành đô, trị bình thiên hạ. Mùa Xuân năm Tân Sửu 2021 bắt đầu. Xem lại chuyện xưa mà ngẫm trong xã hội ngày nay. Thế kỷ 21 này dịch bệnh lây lan, xã hội đầy những sự thái quá, phá bỏ quy luật tự nhiên, tất không khỏi phải gánh lấy hậu quả. Xin hãy cưỡi Trâu mà đi giữa đường đời để có được sắc tím huyền diệu của Đạo, giúp cho con người có cuộc sống yên bình dài lâu, hạnh phúc như các bậc thần tiên.

Câu đối đình Thổ Hà

Để nhớ đến đức Huyền Thiên Lão Tử, người đã khai mở con đường Đạo Đức cho nhân gian, xin ghi nhớ đôi câu đối ở chính điện tiền tế đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.

Dịch nghĩa:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ thanh hư mở Đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền màu nhiệm tạo Thần Tiên.

MINH THI

Dấu chân Trâu vàng và tiếng chuông Thiên Đế

Lĩnh Nam chích quái kể rằng, xưa ở núi Tiên Du (Bắc Ninh) có tinh Trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán Trâu, Trâu vàng bỏ chạy, đến địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Trên đường Trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rãnh, lạch.

Truyền thuyết về Trâu vàng đã đi vào tâm thức bao đời của người Việt, thể hiện trong bao nhiêu địa danh thôn làng, sông hồ, mang chữ Ngưu trong tên gọi. Vậy con Trâu vàng Kim ngưu là gì mà lại linh thiêng vậy?

Chuyện kể về sự tích Hồ Tây rằng vào thời Lý có ông Khổng Lồ đúc một quả chuông lớn, khi đánh lên tiếng chuông vang xa. Con Trâu vàng đang nằm nghe thấy tiếng chuông liền chạy đến. Rồi ông Khổng Lồ ném chiếc chuông xuống Hồ Tây. Con Trâu vàng nhảy theo, ẩn mình trong hồ. “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Ông Khổng Lồ, người đã gõ lên tiếng chuông thức giấc Trâu vàng là ai?

Trâu đá chùa Kim Ngưu ở thôn Cổ Miếu, núi Tiên Du.

1. Núi Tiên Du ở Bắc Ninh là nơi tu hành của Khâu Đà La, là vị tu sĩ Bà Là Môn đã truyền đạo vào nước ta những thế kỷ đầu Công nguyên. Trên núi nay còn có chùa Kim Ngưu tại thôn Cổ Miếu xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Quanh chùa còn phát hiện được những bức với tượng linh vật đá từ thời Lý, trong đó có tượng hình Trâu đang quỳ chầu. Ngôi chùa Linh Quang ở cùng xã đó tương truyền là nơi Khâu Đà La tu hành và nay còn thờ ông tại đây. “Nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu”ở núi Tiên Du như thế chính là vị tu sĩ Khâu Đà La.

Trên đỉnh núi Tiên Du có những bàn đá lớn gắn với truyền thuyết tiều phu Vương Chất gặp các vị tiên đánh cờ ở núi này. Ngọn núi này cũng là nơi có chùa Phật Tích, với hai hàng linh vật bằng đá thời Lý nổi tiếng. Vị tiên giỏi cờ theo truyền thuyết Việt là Đế Thích, người có kỳ thuật cao siêu và có phép cải tử hoàn sinh như trong truyện “Hồn Trương Ba, xương da hàng thịt”. Đế Thích cũng được biết là hình tượng của vị thần Shiva, một trong những thần chủ quan trọng nhất của Bà La Môn giáo. Do đó, giáo sĩ Khâu Đà La ở núi Phật Tích, người đã truyền đạo Bà La Môn vào miền Bắc Việt thời đầu Công nguyên đã được tôn thờ dưới hình tượng Đế Thích trong văn hóa Việt.

Con Trâu vàng từ núi Phật Tích chạy qua sông Đuống, sang bên kia bờ sông là thành cổ Luy Lâu, trung tâm của Giao Châu thời Bắc thuộc. Nơi đây là nơi có ngôi chùa Dâu cổ kính, gắn với sự tích về Khâu Đà La và Phật Bà Man Nương sinh ra Tứ Pháp Vương Phật. Bên ngoài sân chùa Dâu, dưới chân tháp Hòa phong là một con Cừu đá. Có thể thấy, con Cừu này không gì khác chính là hình tượng của con Trâu vàng đã chạy theo tu sĩ Khâu Đà La từ núi Tiên Du tới.

Phép phiên thiết Nho văn cho ta một bất ngờ lớn. “Kim ngưu” đọc thiết âm là “Cừu”. Tên gọi con “Cừu” thực chất là chỉ con Trâu vàng. Thời đầu Công nguyên, nước ta chưa có loài “cừu” theo cách hiểu như ngày nay sinh sống.

Ban thờ Khâu Đà La ở chùa Linh Quang, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

2. Từ chùa Dâu, Trâu vàng theo dòng sông Dâu xưa chạy ra vùng đất Văn Giang. Ở Văn Giang nay còn có dòng sông mang tên Kim Ngưu với các di tích liên quan. Bên dòng sông này, tại thôn Cầu Váu của xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang có đền thờ Đế Thích với tên là Thiên Đế tự. Sự tích ở đây chép rằng Thiên Đế đã giáng trần, cưỡi Bò vàng, bắn cung, diệt trừ quỷ Càn Sát và 15 loại quỷ trừ hại cho dân. Khu vực này tới nay vẫn lưu giữ tục lệ không ai được cưỡi Bò là vì vậy.

Khám thờ trong nội cung của đền Thiên Đế ở Cầu Váu có bức tượng gỗ tạo hình Thiên Đế đang cưỡi trên một chú Bò màu nâu đỏ, rất sinh động. Câu đối ở đền này nhắc lại sự tích trên:

Sáng lòa chớp đỏ ngờ cung ảnh

Mù mịt mây vàng tưởng xe trâu.”

Thiên Đế Đế Thích là hình tượng của thần Shiva nên con vật cưỡi của Thiên Đế là con Bò thần Nandin. Trong Bà La Môn giáo Bò thần Nandin được cho rằng có khả năng truyền ý nghĩ cho thần Shiva. Nó có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết qua con sông và dẫn đường cho linh hồn người quá cố lên thiên đường. Con Trâu vàng – Kim ngưu – Cừu chính là con Bò thần Nandin của Khâu Đà La – Thiên Đế – thần Shiva. Đây là dấu vết rất sớm của việc du nhập và truyền đạo Bà La Môn vào nước ta và đã tôn giáo, tín ngưỡng này đã ăn sâu vào văn hóa Việt qua gần 2.000 năm.

Trâu vàng từ Văn Giang chạy sang vùng đất Hưng Yên. Chặng đường của Trâu vàng cũng được đánh dấu bằng những nơi có sự tích về Đế Thích. Đó là ở thôn Liêu Hạ (xã Tân Lập, huyện Mỹ Hào) với chuyện Đế Thích đã giáng trần đánh cờ rồi hoàn hồn tái sinh cho kỳ thủ Trương Ba. Rồi ở xã Cẩm La (huyện Ân Thi) với sự tích Đế Thích trừ yêu quỷ từ thời Hùng Tạo Vương. Vùng này cũng là nơi mà tục thờ Tứ Pháp rất phổ biến, thờ Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Lôi, cùng với Thạch Quang Phật.

Ở Phố Hiến, trung tâm của tỉnh Hưng Yên còn có ngôi chùa Chuông cổ kính. Xưa kia chùa có một quả chuông đồng rất lớn. Tương truyền khi đánh quả chuông ở chùa thì Trâu vàng sẽ chạy đến…

Thiên Đế cưỡi Bò ở điện Cầu Váu, Văn Giang.

3. Trâu vàng tiếp tục đi men phủ Lý Nhân sang đất Hà Nam. Tới đây câu chuyện liên quan tới một vị tướng thời nhà Đường. Sách “Thăng Long cổ tích khảo” chép rằng: “Tương truyền đời Đường, Cao Biền làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ, đi các nơi có núi sông danh thắng của ta để yếm diệt long mạch. Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đội. Sơn Thần núi ấy biến thành hình con Trâu toả ánh vàng bơi theo sông Đường Giang lên phía Bắc, ẩn ở vùng Hồ Tây thành Đại La.”

Cao Biền là tướng nhà Đường được cử sang dẹp quân Nam Chiếu ở Bắc Việt. Nam Chiếu khi đó là một quốc gia theo đạo Bà La Môn (Hindu giáo) nên đã được hình tượng hóa bằng hình ảnh Trâu vàng – Kim Ngưu. Khu vực Đọi Sơn có lẽ từng là một căn cứ quan trọng của Nam Chiếu. Cao Biền dẫn quân đổ bộ bằng đường biển từ vùng Thái Bình – Nam Định tiến đánh Nam Chiếu, trước hết là đánh vùng Lý Nhân Hà Nam này, sau đó mới tiến chiếm thành Đại La.

Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái nói về việc này:

Trâu vàng còn ẩn mãi trong hồ

Dấu vết khó tìm dẫu nước khô

Đại Việt Nam yên nhờ thánh chúa

Cao Biền hạ bút hận không bờ.”

Lại nói về ông Khổng Lồ thời Lý đúc chuông, được biết là vị Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, với tên hiệu là Không Lộ thiền sư. Thần tích về thánh Nguyễn Minh Không cho biết, mẹ của ông là bà họ Dương đi cầu tự, đã nằm mộng gặp được Thái Thượng Lão Quân. Lão Quân chỉ cho bà Dương nuốt một con Bò vàng (“Hoàng ngưu”) để có được đứa con Phật (“Phật tử”). Từ đó bà có mang, sinh ra thánh Không Lộ.

Như vậy ông Khổng Lồ đánh chuông là một kiếp giáng sinh của Thiên Đế Đế Thích qua điềm mộng Bò thần vào thời Lý. Bài minh trên chiếc chuông ở đền Thiên Đế tại Cầu Váu viết, khi chuông đánh lên thì “Phật văn lâm giáng, quỷ kiến diệt vong” (Phật nghe mà giáng tới, Quỷ thấy sẽ diệt vong).

Tiếng chuông của Thiên Đế là tiếng chuông hoằng dương đạo pháp, xua trừ tà quỷ, tích thiện gặp lành, truyền khắp nước Nam, theo dấu chân dẫn đường của con Trâu vàng – Kim ngưu. Xuất phát từ núi Tiên Du ở Bắc Ninh, Trâu vàng mang theo đạo Bà La Môn giáo của Thiên Đế Khâu Đà La đã lan sang các vùng Hưng Yên, Hà Nam, rồi quay về Hà Nội mà ẩn trong lòng Hồ Tây. Tín ngưỡng thờ “Trời” (Thiên Đế) đã ẩn sâu dấu dưới những lớp văn hóa khác trong tâm thức người Việt. Chỉ cần thỉnh lên tiếng chuông của Trời Phật thì con Trâu vàng, tinh thần của đạo, sẽ lại hiển hiện trên nhân gian.

Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần.

Đợi tuần tháng Tám cá ăn thề

Truyền thuyết cổ đại kể rằng, thời Đường Nghiêu hồng thủy mênh mông, nước ngập tới lưng trời. Vua Đại Vũ đi xem xét các nơi rồi đến đoạn hiểm trở nhất của sông Hắc Thủy, đục đá phá mỏm núi chắn ngang sông, khơi thông nước lũ. Thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”. Nơi Đại Vũ phá đá trị thủy gọi là Vũ Môn. Vũ Môn có nước chảy xiết, hằng năm cá chép tập trung đến đây, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng. Nên nơi đây còn gọi là Long Môn hay Vũ Long Môn.

Đối với người Việt, Cá vượt Vũ Môn là hình tượng rất thân thuộc, đã đi vào thơ văn, vào tranh dân gian, vào các mảng chạm khắc trang trí trong các đình làng quê lối xóm. Người Việt có câu ca dao:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Vũ Môn là nơi nào mà ca dao người Việt lại nói tới rõ ràng cả ngày tháng như một phong tục lâu đời vậy?

Chạm khắc cá hóa rồng ở đình Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì

Cuốn sách thờ cổ lưu truyền ở vùng chân núi Ba Vì là “Tản Viên Sơn từ di tích” có đoạn sau: “Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Tản Viên đại vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, bèn đọc ước chú làm cho đá vỡ tung, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai liền hết.”

So sánh đoạn sự tích này với truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì bất ngờ nhận ra rằng vua Đại Vũ trị thủy thời Đường Nghiêu chính là Tản Viên Sơn Thánh ở vùng núi Ba Vì. Sông Hắc Thủy, nơi Đại Vũ dùng “thuật thần tiên” bạt đá trừ thủy hoạn, vốn là tên của dòng sông Đà. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” đã ghi:

Dòng chính có một nhánh chảy xuống thành sông Hắc Thủy vào nước ta… đến sông Kim Tử thì nhập lại thành sông Đà. Sông này nước rất trong… Đường thủy khó đi với 83 ghềnh thác có tiếng hiểm trở mà Vạn Bờ là khó khăn hiểm trở nhất.

Còn nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người mà quê hương và bút danh gắn với vùng núi Tản sông Đà có bài thơ “Tự thuật” như sau, minh chứng cho tên Hắc Thủy (sông Đen) của dòng sông Đà:

Văn chương thời nôm na,

Thú chơi có sơn hà,

Ba Vì ở trước mặt,

Hắc Giang bên cạnh nhà.”

Một đoạn sông Đà ở khu vực Vạn Bờ.

Long Môn, nơi vua Vũ đã đục thông lòng sông Hắc Thủy, khơi dòng dẫn nước qua núi Tam Nguy về Nam Hải, là đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ nay ở tỉnh Hòa Bình, rồi vòng qua núi Ba Vì mà chảy vào sông Nhị Hà ra biển. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long Thuỷ. Hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua bờ Long Thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5-6 trượng, người ta gọi là Ao Vua, tức là bến sông Vạn Bờ xưa, thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc.”

Mỏm đá có bài thơ “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn quá Long Thủy đê” (Chinh phạt Đèo Cát Hãn về qua bờ Long Thủy) của Lê Thái Tổ đề khắc tháng ba năm Nhâm Tý (1432) nay vẫn còn lưu trong khu di tích đền Thác Bờ. Đây là những minh chứng rõ ràng cho tên gọi Long Môn xưa của Thác Bờ trên sông Đà.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn còn chép: “Thác Bờ ở địa phận động Dĩ Lý và Hào Trang thuộc Mộc Châu. Một ngọn núi đứng sững giữa dòng sông Đà. Đá lớn lởm chởm. Mỗi năm đến ngày 8 tháng 4 từng đàn cá ngược dòng bơi lên những chỉ có vài con cá chép là lên được. Sách Giao Châu ký viết rằng: Có Long Môn nước sâu đến trăm tầm, cá lớn vượt lên đến đấy sẽ hóa thành rồng. Sách Sơn Đường dị khảo viết: Sông Long Môn ở huyện Mông, phủ Gia Hưng, nước An Nam. Nước sông chảy đến đấy thì hai bên bờ đá lớn chắn ngang, nguy hiểm. Ở giữa mở ra ba đường, nước tung tóe, bay xa đến mấy trượng, ầm ầm như sấm dội trống vang, xa hơn trăm dặm mà vẫn còn nghe được. Đến đây thuyền phải kéo lên bờ mới đi được. Bên cạnh có hang lắm cá Anh Vũ. [Chỗ các sách trên nói tới] chính là đây… Hạ lưu của Vạn Bờ… có núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngòi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.” 

Vũ Long Môn là Thác Bờ trên sông Đà, nơi Tản Viên Sơn Thánh đã khơi dòng trị thủy. Xứ Ngòi Lạt là quê hương của Sơn Thánh, nằm 2 bên bờ sông Đà ở đoạn giáp núi Ba Vì, thời Nguyễn thuộc tổng Tu Vũ. Ngày nay con ngòi này vẫn còn mang tên Ngòi Lạt chảy từ ở địa phận huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình sang huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ.

Truyền thuyết ở Ba Vì kể Ngòi Lạt là đường nước mà Thủy Tinh đã mở để đánh tập hậu vào mặt Tây núi Tản. Nơi đây Sơn Tinh dùng lạt hóa ra lũy tre, cắm chông đá (Đá Chông) để chặn quân của Thủy Tinh. Cửa Ngòi Lạt chảy từ núi Tản ra sông Đà nay là Xóm Lặt, nơi có đền Hạ thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì. 

Núi Tản nhìn từ sông Đà.

Núi Tản như thế là ngọn núi có cây ngải tiên, hoa rơi xuống ngòi, cá đớp được vượt Thác Bờ sẽ hóa rồng. Ở khúc sông Đà này có nhiều cá Anh Vũ, là loài cá có hình dáng tựa như cá chép nhưng có chiếc mõm rất dày, cong, có màu sắc như mỏ vẹt. Cá Anh Vũ dùng chiếc mõm dày khỏe này để bám vào vách đá, ăn rêu nơi nước chảy xiết. Đến mùa sinh sản tháng 3-4, loài cá này bơi ngược dòng để tìm những hốc đá nước sâu mà đẻ trứng. Hình ảnh những con cá Anh Vũ vượt ghềnh Thác Bờ đã được điển tích hóa thành cá hóa rồng ở Vũ Môn.

Cá đi ăn thề còn là hình tượng của việc Sơn Tinh cùng hẹn với Thủy Tinh đến Phong Châu nơi vua Hùng kén rể để thi tài. Cá vượt Vũ Môn cũng là việc vua Đại Vũ trị thủy, khơi thông dòng sông, vượt qua được nạn hồng thủy, chiến thắng Thủy Tinh.

Tương truyền vua Đại Vũ khi trị thủy đã nhìn hình vẽ trên lưng một con Long mã mà sáng tạo ra Hà đồ. Theo đồ hình này thì số 4 là con số chỉ hướng Tây, số 8 chỉ hướng Đông, số 5 chỉ trung cung. Trong câu ca dao, cá tụ họp ăn thề vào ngày mồng 4 ở hướng Tây (Sơn Tây), để đi sang hướng Đông (mồng 8), vượt qua trung cung (số 5 – ngũ – Vũ môn) mà ra biển lớn mà hóa rồng. 

Long mã cõng Hà đồ.

Trong Ngũ hành, cá thuộc về hành Thủy (nước), Rồng thuộc về hành Mộc. Thủy sinh Mộc là một giai đoạn trong Ngũ hành tương sinh, nói về sự phát triển từ những nền tảng vật chất (hành Thủy) mà đạt được sự thăng hoa trong xã hội (hành Mộc). Đại Vũ Sơn Tinh thật sự là “cá hóa rồng” khi khơi dòng Hắc Thủy Đà Giang ở Long Môn Thác Bờ, rồi lên làm chủ thiên hạ họ Hùng của người Việt.

Hình tượng cá vượt Vũ Môn là một lời thề, là tấm gương ngàn năm của Tản Viên Sơn Thánh, vị vua lớn thời lập quốc, đã tìm tòi sáng tạo ra những tri thức về thế giới và nhân sinh (Hà đồ, Ngũ hành), nhờ đó nỗ lực vượt qua thiên tai, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân, đưa xã hội người Việt ở thủa hồng hoang phát triển lên một nấc thang mới.

Một lần nữa xin dẫn lời của Tản Đà, người được nhà văn Hoài Thanh xếp hàng đầu trong “Thi nhân Việt Nam”. Bài thơ “Thề non nước” với lời nguyện nước thề non lấy từ điển tích cá đi ăn thề và truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh ở vùng núi Tản sông Đà.

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi, không về cùng non

Nhớ lời “nguyện nước thề non”

Nước đi chưa lại, non còn đứng không…

Bài viết đăng báo Lao động cuối tuần ngày 27/9/2020.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-tuan-thang-tam-ca-an-the-839005.ldo

Nguồn gốc biểu tượng Lưỡng long chầu Thái cực

Có một hình tượng được sử dụng rất rộng rãi trong các công trình kiến trúc cổ đó là hình Lưỡng long chầu nhật/nguyệt. Hình tượng này có thể gặp ở khắp nơi, từ trên nóc mái kiến trúc, tại chính điện những nơi thờ cúng, trên cửa võng, hương án,… Một hình tượng phổ biến như vậy chắc chắn phải có nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa.

IMG_1509Lưỡng long chầu Thái cực trong kiến trúc hiện đại.

Trong bài trước đã xác định, hình cầu bốc lửa ở giữa mà đôi rồng chầu vào là Thái cực đồ, bao gồm 4 yếu tố trong Tứ tượng là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Hình tượng này còn có tên khác là Nhật nguyệt tinh thần, là 4 vì tinh tú biểu tượng cho Tứ tượng trong Thái cực đồ. Vậy thời xưa, Thái cực đồ được thể hiện như thế nào?

NNTTNhật nguyệt tinh thần trên Thái cực đồ.

Triết gia đời Tống Chu Đôn Di (1017-1073) viết “Thái Cực Đồ thuyết”: “Vô cực” là chưa thành “thái cực”. “Thái cực” hoạt động tạo ra dương, khi chuyển động đến giới hạn, nó trở nên tĩnh. Trong tĩnh, nó tạo ra âm, tới cực đại, nó lại hoạt động. Động và tĩnh chuyển hóa, cái này là nền của cái kia. Khi âm và dương đã phân hóa, hai trạng thái xuất hiện. Sự chuyển hóa và kết hợp của âm và dương tạo ra kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Với ngũ hành, các thời kỳ biến đổi của khí được sắp xếp hài hòa, qua đó bốn mùa được tiếp diễn. Ngũ hành đơn giản là âm và dương, âm và dương chẳng qua chính là thái cực, thái cực có nền tảng từ vô cực. Do vậy, trong quá trình tạo ra ngũ hành, mỗi hành đều chứa đựng bản chất riêng của nó.
Chu Đôn Di cung cấp đồ hình Thái cực lúc đó ở dạng các vòng tròng đen trắng xen lẫn nhau. Có thể thấy, trong Thái cực gắn liền với Ngũ hành. Cách thể hiện Thái cực đồ này cũng có gặp ở Việt Nam, trên một số viên gạch dùng để trang trí chùa thời Trần .

thai-cuc.png
Thái cực đồ của Chu Đôn Di

Trong thời kì nhà Minh (1368-1644) bắt đầu xuất hiện các đồ hình vòng xoáy thể hiện Thái cực rồi trở thành hình Thái cực hiện đại như ngày nay.
Vậy trước thời Tống liệu đã có Thái cực đồ chưa và Thái cực đồ lúc trước được thể hiện như thế nào?
Thái cực đồ của các thời kỳ trước nữa có thể tìm thấy thông qua hình ảnh của 2 con rồng chầu đồ hình ở giữa. Một đồ hình tròn, với 1 chấm nổi ở giữa và 4 chấm chìm xung quanh, được 2 con rồng chầu vào, là hình khắc trên đá mộ thời Bắc Ngụy (thế kỷ V).

Song LongLưỡng long chầu thời Bắc Ngụy.

Hình tròn ở giữa 2 con rồng chầu tương ứng với vị trí của Thái cực đồ , do đó có thể nhận định đây là một dạng thể hiện Thái cực đồ với các chấm tròn là biểu tượng của Ngũ hành như trong liên hệ của Chu Đôn Di ở trên.
Như đã từng biết, các hình tượng trong “Long sinh cửu tử”, những đứa con của Rồng từ Bị hí, Trào phong, Si vẫn, … đều có nguồn gốc từ các trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu. Những hình tượng này được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc truyền thống của đình đền miếu, cung điện… So sánh một cách hợp lý thì rõ ràng hình tượng Lưỡng long chầu Thái cực cũng sẽ thấy trên đồ đồng thời Thương Chu.

Ngu hanh do.jpgHoa văn Quỳ chầu trên đồ đồng thời Chu.

Hoa văn trên đồ đồng thời Chu có hình 2 con Quỳ (rồng 1 chân) đang hướng vào một vòng tròn với một chấm tròn ở giữa và 5 vòng xoáy xung quanh. Đồ hình này khá phổ biến trên đồ đồng thời Chu, ví dụ như trên một chiếc Vu thời Thương hiện lưu ở Bảo tàng cố cung Đài Loan.

Dai Loan.jpgHình tròn có 5 vòng xoáy trên một chiếc Vu đồng thời Thương.

Với vị trí ở giữa có rồng chầu như vậy, rõ ràng đây chính là biểu tượng của Thái cực đồ với Ngũ hành bên trong (Ngũ hành đồ?).
Hình tượng 2 con Quỳ chầu hình tròn được dùng để trang trí khắp trên một chiếc bình đồng khác của thời Chu. Điểm khác là trong hình tròn này chỉ có 4 vòng xoáy. Có thể nhận định tương đương với đồ hình Tứ tượng, như trong hình khắc đá thời Bắc Ngụy.

IMG_2033.JPGBình đồng có hình 2 con Quỳ long chầu Thái cực đồ.

Như vậy, hình tượng Lưỡng long chầu Nhật nguyệt có nguồn gốc từ thời Thương Chu, ban đầu là các hình tượng trên đồ đồng dùng cúng tế của thời kỳ này. Hình tượng Thái cực đồ ban đầu này có dạng là hình tròn, có 1 chấm ở tâm với 4 hoặc 5 vòng xoáy nhỏ xung quanh. Đây là dạng sơ khai nhất của Thái cực đồ còn được nhận ra.

Nhật Nguyệt Tinh Thần

Có một hình tượng được dùng rất phổ biến trong các đền miếu, được đặt một cách trang trọng ở chính giữa các công trình kiến trúc, điện thờ, vật thờ,… Đó là 2 linh vật đang chầu hay dâng một khối tròn, bốc lửa hoặc hình lá đề. Hình tượng này có ít nhất từ thời Lý, như trên cột đá chùa Dạm, trang trí đầu ống ngói ở Hoàng thành Thăng Long, trán bia chùa Long Đọi… Hai linh vật chầu hai bên có thể là Rồng, Phượng, thậm chí có chỗ là Cá hóa rồng.  Tên gọi và ý nghĩa của hình tượng này là gì?

Den Soc
Đền Thượng Sóc Sơn, với 2 lớp rồng chầu mặt nguyệt trên nóc.

Hình tượng hình tròn bốc lửa hay là đề ở chính giữa có nhiều cách gọi: Mặt nguyệt, Mặt trời, Ngọc, Âm dương, Thái cực. Nói chung tất cả đều thể hiện về một điều gì đó tôn quý, sơ khởi, có thể gọi là “nguyên thần”. 2 linh vật chầu vào “nguyên thần” ở giữa như thế là biểu tượng của tín ngưỡng hướng về nguồn cội, về gốc gác của vạn vật.

Luong long chau NNTT 3
Lá đề lưỡng long dâng châu ở hầm tòa nhà Quốc hội.

Hình tượng này có tên trong thư tịch cổ là Nhật Nguyệt tinh thần 日月星辰. Đây là cụm từ được sử dụng khá nhiều trong Ngọc phả Hùng Vương. Ví dụ các đoạn sau:
– Đoạn kể về thái tử Lạc Long Quân sau khi đi khắp nước về thăm Đế tổ là Đế Minh, Đế bá là Đế Nghi: Đế tổ Đế bá, thị Thái tử vi cốt nhục, quán như nhật nguyệt tinh thần, sí nhược kim bảo châu ngọc, đại vật bất tề. Dịch ý: Đế tổ, Đế bá coi Thái tử như cốt nhục, xem như nhật nguyệt tinh thần, quý như châu ngọc vàng báu, vật quý cũng không bằng.

Quan nhu NNTT
Một trang Ngọc phả Hùng Vương dùng cụm từ Nhật nguyệt tinh thần.

– Đoạn Ngọc phả bàn về thời đầu Hùng Vương thịnh trị: Tứ phương bách tính, dĩ thần thuộc sự. Vạn dân tắc canh điền giám tỉnh, tuế tác nhập tức. Thiên địa nhật nguyệt tinh thần, âm dương dĩ chính, tứ thời tiết hậu. Dịch ý: Bốn phương trăm họ đều thần thuộc. Vạn dân được cày ruộng soi giếng, ăn nên làm ra. Trời đất nhật nguyệt tinh thần đều chính. Bốn mùa khí hậu an hòa.
– Đoạn kể về Lão tiên ông chống gậy trúc ở bến sông Việt Trì được Hùng Hiền Vương mời về đặt định tên cho trăm hoàng tử: Lão hữu thần thư nhất quyển, bốc tri thiên địa nhật nguyệt tinh thần, hô danh tiên pháp. Dịch ý: Lão có một quyển sách thần, là xem mà biết phép tiên, gọi tên trời đất nhật nguyệt tinh thần
– Đoạn về Hùng Vương dùng lễ dối, bị Trời giáng tai họa: Đắc Thân niên Thân nguyệt, nhật nguyệt tinh thần xuất tuệ, phong vũ bất điều, thì khí bất chánh, thử nhân quân đức chánh vị thuần. Dịch ý: Đến năm Thân tháng Thân, nhật nguyệt tinh thần rơi rụng. Mưa gió không điều hòa. Khí thời không chính. Đức của người làm vua không được thuần.
– Đoạn Hùng Huy Vương cho xây dựng điện thờ trên núi Nghĩa Lĩnh: Phát tích tại bản tự, đắc thần bộ chúng, giáng thế phù dực, sơn hà chung linh tú dị, nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú, Bách thần đô hội. Dịch ý: Dấu tích bắt đầu tại chùa này, nơi được các bộ chúng thần giáng thế giúp đỡ, núi sông chung đúc linh thiêng lạ đẹp, Nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú cùng trăm thần tụ hội.

Luong long chau NNTT
Hình tượng Nhật nguyệt tinh thần dưới dạng Thái cực đồ ở một ngôi đình tại Phú Thọ.

Nghĩa cụm từ này không hẳn như vẫn dịch là “Mặt trăng Mặt trời Tinh tú”. Nhật Nguyệt Tinh Thần là cụm từ chỉ 4 trạng thái trong Tứ tượng:

  • Nhật (Mặt Trời) – tương ứng với Thái Dương.
  • Nguyệt (Mặt Trăng) – tương ứng với Thái Âm.
  • Tinh (các vì sao đứng yên, định tinh) tương ứng với Thiếu Âm.
  • Thần (hay Thìn, các ngôi sao chuyển động, hành tinh) tương ứng với Thiếu Dương.
NNTT

Như vậy cụm từ “Nhật nguyệt tinh thần” là tương đương với Thái cực đồ, mà trong đó có cả Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Đây là dẫn chứng rõ ràng cho thấy hình ảnh “mặt nguyệt” mà đôi rồng chầu gặp trong đền miếu có tên là Nhật Nguyệt Tinh Thần, là đồ hình Tứ tượng, bao quát hết cả không gian và thời gian.
Đồ hình Thái cực – Tứ tượng – Nhật nguyệt tinh thần này còn trở thành hình lá đề trong các chủ đề được trình bày thời Lý, như trên cột đá chùa Dạm hay trên trang trí nóc Hoàng thành Thăng Long.

Luong long chau NNTT 4
Lưỡng long dâng chầu Nhật nguyệt tinh thần ở chùa Dạm, Bắc Ninh.

Trong lễ tục truyền thống, hình tròn Nhật nguyệt tinh thần còn gặp ở các tục vật cầu, ở Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) hay làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang). Bản thân các quả cầu này cũng là vật được thờ trong đình làng. Ngày hội khi đêm cầu ra cũng làm lễ tế, rước. Ở làng Vân có quan niệm:
Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.
Nhìn nhận xa hơn thì quả cầu là hình tượng của “Nhật nguyệt tinh thần” hay Thái cực đồ vẫn được dùng cho rồng, phượng chầu trong đền miếu. Quả cầu như thế là sự hội tụ về tinh thần của trời đất vạn vật. Với nghĩa đó nó được thờ cúng và lễ rước.

Cau Thuy Linh.jpg
Các quả cầu trong hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội).