Đợi tuần tháng Tám cá ăn thề

Truyền thuyết cổ đại kể rằng, thời Đường Nghiêu hồng thủy mênh mông, nước ngập tới lưng trời. Vua Đại Vũ đi xem xét các nơi rồi đến đoạn hiểm trở nhất của sông Hắc Thủy, đục đá phá mỏm núi chắn ngang sông, khơi thông nước lũ. Thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”. Nơi Đại Vũ phá đá trị thủy gọi là Vũ Môn. Vũ Môn có nước chảy xiết, hằng năm cá chép tập trung đến đây, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng. Nên nơi đây còn gọi là Long Môn hay Vũ Long Môn.

Đối với người Việt, Cá vượt Vũ Môn là hình tượng rất thân thuộc, đã đi vào thơ văn, vào tranh dân gian, vào các mảng chạm khắc trang trí trong các đình làng quê lối xóm. Người Việt có câu ca dao:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Vũ Môn là nơi nào mà ca dao người Việt lại nói tới rõ ràng cả ngày tháng như một phong tục lâu đời vậy?

Chạm khắc cá hóa rồng ở đình Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì

Cuốn sách thờ cổ lưu truyền ở vùng chân núi Ba Vì là “Tản Viên Sơn từ di tích” có đoạn sau: “Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Tản Viên đại vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, bèn đọc ước chú làm cho đá vỡ tung, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai liền hết.”

So sánh đoạn sự tích này với truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì bất ngờ nhận ra rằng vua Đại Vũ trị thủy thời Đường Nghiêu chính là Tản Viên Sơn Thánh ở vùng núi Ba Vì. Sông Hắc Thủy, nơi Đại Vũ dùng “thuật thần tiên” bạt đá trừ thủy hoạn, vốn là tên của dòng sông Đà. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” đã ghi:

Dòng chính có một nhánh chảy xuống thành sông Hắc Thủy vào nước ta… đến sông Kim Tử thì nhập lại thành sông Đà. Sông này nước rất trong… Đường thủy khó đi với 83 ghềnh thác có tiếng hiểm trở mà Vạn Bờ là khó khăn hiểm trở nhất.

Còn nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người mà quê hương và bút danh gắn với vùng núi Tản sông Đà có bài thơ “Tự thuật” như sau, minh chứng cho tên Hắc Thủy (sông Đen) của dòng sông Đà:

Văn chương thời nôm na,

Thú chơi có sơn hà,

Ba Vì ở trước mặt,

Hắc Giang bên cạnh nhà.”

Một đoạn sông Đà ở khu vực Vạn Bờ.

Long Môn, nơi vua Vũ đã đục thông lòng sông Hắc Thủy, khơi dòng dẫn nước qua núi Tam Nguy về Nam Hải, là đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ nay ở tỉnh Hòa Bình, rồi vòng qua núi Ba Vì mà chảy vào sông Nhị Hà ra biển. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long Thuỷ. Hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua bờ Long Thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5-6 trượng, người ta gọi là Ao Vua, tức là bến sông Vạn Bờ xưa, thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc.”

Mỏm đá có bài thơ “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn quá Long Thủy đê” (Chinh phạt Đèo Cát Hãn về qua bờ Long Thủy) của Lê Thái Tổ đề khắc tháng ba năm Nhâm Tý (1432) nay vẫn còn lưu trong khu di tích đền Thác Bờ. Đây là những minh chứng rõ ràng cho tên gọi Long Môn xưa của Thác Bờ trên sông Đà.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn còn chép: “Thác Bờ ở địa phận động Dĩ Lý và Hào Trang thuộc Mộc Châu. Một ngọn núi đứng sững giữa dòng sông Đà. Đá lớn lởm chởm. Mỗi năm đến ngày 8 tháng 4 từng đàn cá ngược dòng bơi lên những chỉ có vài con cá chép là lên được. Sách Giao Châu ký viết rằng: Có Long Môn nước sâu đến trăm tầm, cá lớn vượt lên đến đấy sẽ hóa thành rồng. Sách Sơn Đường dị khảo viết: Sông Long Môn ở huyện Mông, phủ Gia Hưng, nước An Nam. Nước sông chảy đến đấy thì hai bên bờ đá lớn chắn ngang, nguy hiểm. Ở giữa mở ra ba đường, nước tung tóe, bay xa đến mấy trượng, ầm ầm như sấm dội trống vang, xa hơn trăm dặm mà vẫn còn nghe được. Đến đây thuyền phải kéo lên bờ mới đi được. Bên cạnh có hang lắm cá Anh Vũ. [Chỗ các sách trên nói tới] chính là đây… Hạ lưu của Vạn Bờ… có núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngòi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.” 

Vũ Long Môn là Thác Bờ trên sông Đà, nơi Tản Viên Sơn Thánh đã khơi dòng trị thủy. Xứ Ngòi Lạt là quê hương của Sơn Thánh, nằm 2 bên bờ sông Đà ở đoạn giáp núi Ba Vì, thời Nguyễn thuộc tổng Tu Vũ. Ngày nay con ngòi này vẫn còn mang tên Ngòi Lạt chảy từ ở địa phận huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình sang huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ.

Truyền thuyết ở Ba Vì kể Ngòi Lạt là đường nước mà Thủy Tinh đã mở để đánh tập hậu vào mặt Tây núi Tản. Nơi đây Sơn Tinh dùng lạt hóa ra lũy tre, cắm chông đá (Đá Chông) để chặn quân của Thủy Tinh. Cửa Ngòi Lạt chảy từ núi Tản ra sông Đà nay là Xóm Lặt, nơi có đền Hạ thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì. 

Núi Tản nhìn từ sông Đà.

Núi Tản như thế là ngọn núi có cây ngải tiên, hoa rơi xuống ngòi, cá đớp được vượt Thác Bờ sẽ hóa rồng. Ở khúc sông Đà này có nhiều cá Anh Vũ, là loài cá có hình dáng tựa như cá chép nhưng có chiếc mõm rất dày, cong, có màu sắc như mỏ vẹt. Cá Anh Vũ dùng chiếc mõm dày khỏe này để bám vào vách đá, ăn rêu nơi nước chảy xiết. Đến mùa sinh sản tháng 3-4, loài cá này bơi ngược dòng để tìm những hốc đá nước sâu mà đẻ trứng. Hình ảnh những con cá Anh Vũ vượt ghềnh Thác Bờ đã được điển tích hóa thành cá hóa rồng ở Vũ Môn.

Cá đi ăn thề còn là hình tượng của việc Sơn Tinh cùng hẹn với Thủy Tinh đến Phong Châu nơi vua Hùng kén rể để thi tài. Cá vượt Vũ Môn cũng là việc vua Đại Vũ trị thủy, khơi thông dòng sông, vượt qua được nạn hồng thủy, chiến thắng Thủy Tinh.

Tương truyền vua Đại Vũ khi trị thủy đã nhìn hình vẽ trên lưng một con Long mã mà sáng tạo ra Hà đồ. Theo đồ hình này thì số 4 là con số chỉ hướng Tây, số 8 chỉ hướng Đông, số 5 chỉ trung cung. Trong câu ca dao, cá tụ họp ăn thề vào ngày mồng 4 ở hướng Tây (Sơn Tây), để đi sang hướng Đông (mồng 8), vượt qua trung cung (số 5 – ngũ – Vũ môn) mà ra biển lớn mà hóa rồng. 

Long mã cõng Hà đồ.

Trong Ngũ hành, cá thuộc về hành Thủy (nước), Rồng thuộc về hành Mộc. Thủy sinh Mộc là một giai đoạn trong Ngũ hành tương sinh, nói về sự phát triển từ những nền tảng vật chất (hành Thủy) mà đạt được sự thăng hoa trong xã hội (hành Mộc). Đại Vũ Sơn Tinh thật sự là “cá hóa rồng” khi khơi dòng Hắc Thủy Đà Giang ở Long Môn Thác Bờ, rồi lên làm chủ thiên hạ họ Hùng của người Việt.

Hình tượng cá vượt Vũ Môn là một lời thề, là tấm gương ngàn năm của Tản Viên Sơn Thánh, vị vua lớn thời lập quốc, đã tìm tòi sáng tạo ra những tri thức về thế giới và nhân sinh (Hà đồ, Ngũ hành), nhờ đó nỗ lực vượt qua thiên tai, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân, đưa xã hội người Việt ở thủa hồng hoang phát triển lên một nấc thang mới.

Một lần nữa xin dẫn lời của Tản Đà, người được nhà văn Hoài Thanh xếp hàng đầu trong “Thi nhân Việt Nam”. Bài thơ “Thề non nước” với lời nguyện nước thề non lấy từ điển tích cá đi ăn thề và truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh ở vùng núi Tản sông Đà.

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi, không về cùng non

Nhớ lời “nguyện nước thề non”

Nước đi chưa lại, non còn đứng không…

Bài viết đăng báo Lao động cuối tuần ngày 27/9/2020.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-tuan-thang-tam-ca-an-the-839005.ldo

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s