Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2)

Vị trí thứ ba trong Tứ bất tử theo quan niệm hiện tại là Thánh Dóng. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì có thể còn có một vị thần khác cùng ở vị trí bất tử thứ ba này. Đó là Đổng Thiên Vương.

Tranh vẽ Tứ bất tử.

Thánh Dóng cởi nhung y thành tiên ở núi Vệ Linh

Thánh Dóng không chỉ là một vị tướng đã đánh bại giặc Ân, mà còn là một tiên nhân, như được thể hiện trong bức tranh dân gian vẽ Tứ bất tử. Phép tiên thánh của Thánh Dóng có thể thấy qua những “thần khí” của ngài.

Được biết nhiều nhất là con ngựa sắt của Thánh Dóng. Ngoài chuyện con ngựa thần kỳ này phun ra lửa diệt giặc thì chi tiết ít người chú ý là Thánh Dóng đã cưỡi ngựa sắt mà bay về trời. So với việc Tản Viên Sơn Thánh bay lên trời ở núi Ba Vì hay Chử Đồng Tử một đêm về trời ở đầm Dạ Trạch thì việc hóa bất tử thành tiên của Thánh Dóng có phần thấp hơn một bậc, phải nhờ đến thần thú ngựa sắt mới có thể bay lên được.

Voi và hoa tre trong lễ hội đền Sóc.

Thần khí thứ hai của Thánh Dóng là cây roi sắt, nguyên văn chữ Nho là “thiết tiên”. Cây roi này có thể đánh chết cả Thạch Linh thần tướng của nhà Ân, nên chính xác tên nó được gọi là “Roi đánh thần”. So với cây gậy đầu sinh đầu tử của Chử Đồng Tử hay Tản Viên Sơn Thánh thì Roi sắt chỉ có 1 đầu tử để đánh thần, chứ không có khả năng cải tử hoàn sinh. Cũng vì chỉ có 1 đầu sử dụng nên nó mới được gọi là roi, chứ không phải gậy. Chiếc roi này còn bị rơi hoặc gãy mất trong khi đánh nhau với giặc Ân, tức là không phải vật toàn năng như cây gậy thần của Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đồng Tử.

Đền Thượng Sóc Sơn.
Đền Thượng Sóc Sơn.

Nếu Tản Viên Sơn Thánh có sách ước, Chử Đồng Tử có nón thần, còn Thánh Dóng lại có nón sắt làm thần khí. Nón sắt như vậy tương đương với cuốn Thiên thư của Tản Viên Sơn Thánh, ở đây hàm ý là trí tuệ (nón đội trên đầu). 

Chiếc áo ra trận giáp của Thánh Dóng không phải là áo giáp sắt, mà lại là áo hoa lau. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể: “Đổng Thiết cười vang một tiếng, duỗi tay vươn vai, tiếng vang như sấm, ánh mắt loé sáng như chớp, thân mình cao hơn 18 thước. Vì chưa kịp may quần áo nên sai 10 vạn quân đi bẻ hoa lau đem về kết thành đồ mặc”. Rồi sau khi thắng giặc, “đến núi Sóc xã Vệ Linh huyện Kim Hoa, Thần vương cởi bỏ bộ áo hoa lau, cưỡi ngựa bay lên không mà bay đi. Nay nơi ấy vẫn còn dấu chân ngựa in trên lèn đá”.

Hòn đá nứt ở lưng núi Vệ Linh. Tương truyền là áo giáp của Phù Đổng Thiên Vương
để lại trước khi bay lên trời.

Áo hoa lau nhưng lại là vật hộ thân thần kỳ, không mũi tên hay gươm đao nào có thể xâm nhập được. Những bông hoa lau từ chiếc áo thần này khi Thánh Dóng thoát nhung y ở núi Sóc vẫn còn được tái hiện qua những hoa tre màu vàng, màu đỏ dùng trong lễ hội đền Sóc hàng năm. Màu vàng là màu trung tâm của Ngũ hành, nên những bông hoa lau như những chiếc cờ “Hành hoàng kỳ” hay “Ngũ hành kỳ” tỏa ra che chở cho Thần vương. Ngay cái tên địa danh Kim Hoa của vùng núi Sóc Sơn cũng chính là nhắc tới chiếc áo giáp hoa lau thần kỳ này.

Tiền tế đền Phù Đổng.

Núi Sóc còn có tên Vệ Linh, mang hàm nghĩa một nơi linh thiêng. Linh thiêng không chỉ vì đó là nơi Thánh Dóng cưỡi ngựa sắt về trời, mà bởi đó còn là nơi Thánh Dóng đăng đàn trảm tướng phong thần sau chiến thắng. Trong lễ hội đền Sóc vào mồng 6/8 tháng Giêng hàng năm, thôn Yên Tràng ở chân núi Vệ Linh còn có tục diễn cảnh chém 3 tướng Ân của Phù Đổng trước khi bay về trời. Đỉnh Đá Chồng trên núi Vệ Linh với dấu chân ngựa in trên đá là đàn tế phong thần của Phù Đổng Thiên Vương năm xưa.

Hoành phi Bách thần nguyên tự đền Phù Đổng.

Đền Phù Đổng và đền Sóc đều có bức hoành phi đề “Bách thần nguyên tự”, cho biết việc thờ cúng bách thần khởi nguyên từ Phù Đổng Thiên vương. Câu đối ở đền Phù Đổng:

Vạn cổ trường xuân, chiếm liễu trung ương khoa thắng địa

Bách thần nguyên tự, nguy nhiên thượng đẳng đối cao thiên.

Dịch:

Muôn thuở mãi xuân, chiếm giữa trung tâm vùng đất lớn

Trăm thần thờ gốc, sừng sững thượng đẳng sánh trời cao.

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép về vua Hùng: “Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm các tộc, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần”. Tín ngưỡng thờ bách thần của thiên hạ Bách Việt được bắt đầu từ sau chiến thắng nhà Ân Thương và lễ tế phong bách thần của Thánh Dóng cho các tướng sĩ của cả 2 bên tử trận trong cuộc chiến lập quốc Văn Lang.

Huyền Thiên Lão Tử trừ yêu quỷ thành Cổ Loa

Phù Đổng là từ phiên thiết của chữ Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Dóng. Còn Đổng Thiên Vương lại là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh Thành hoàng nhất vị”. Các sách cũ đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Bản thân đền được gọi là đền Quán Thánh.

Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam.

Theo sự tích ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Thụy Lôi, Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên còn là vị thần được thờ tại Trấn Vũ quán ở Hồ Tây (Hà Nội). Ở những nơi này tượng thờ Huyền Thiên đều được làm dưới hình dạng một người cao lớn, tay bắt quyết và dẫn dụ rắn rùa.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 9.
Đổng Thiên Vương ở đền Bộ Đầu, Thường Tín.

Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, có khả năng giáng sinh nhiều kiếp, có phép màu trấn yểm yêu quỷ, điều khiển rắn rùa, nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Lão Tử hiện còn được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), với công trạng giống như của Huyền Thiên tại đền Sái là đã cử Rùa vàng đến giúp An Dương Vương thời Đông Chu diệt trừ yêu quỷ khi xây thành Cổ Loa.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Ngọc Trì, Gia Lâm.

Câu đối ở đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác thần tiên.

Dịch:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng tay nắm chốn thanh hư, khai mở đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một mình truyền phép màu nhiệm, tạo tác thần tiên.

Theo thần tích của xã Phù Đạm (Phủ Lý, Hà Nam) thì “Thái Thượng Lão Quân, hiệu là Lý Bá Hoành, tự là Lão Đam, húy là Thái Ông. Ngài giáng sinh đầu thai ở thôn Kim Chân, xã Thúc Lực… Ngài vốn tính thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ngài đem đạo phù thủy truyền bá cho nhân dân. Ngài đến xã Phù Khê (tức Phù Đạm) thấy nhân dân trong xã bị dịch chết quá nửa. Ngài bèn đóng giả một cụ già viết 1 đạo bùa thổi vào trong xã, bao nhiêu người bị bệnh trong xã đều khỏi…”

Đình Phù Vân ở Phủ Lý, Hà Nam, nhìn từ bên ngoài.
Đình Phù Vân ở Phủ Lý, Hà Nam.

Thôn Phù Vân của xã Phù Đạm xưa, nay thuộc thành phố Phủ Lý. Đình Phù Vân vẫn còn lưu giữ được tục thờ Thái Thượng Lão Quân ở đây. Theo thần tích trên Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, vị tổ sư của Đạo Giáo. Lão Tử giáng sinh ở ngay khu vực Hà Nam của nước ta, từng chữa dịch bệnh cho nhân dân trong vùng. Đó là lý do tại sao khu vực Hà Nam lại thờ Thái Thượng Lão Quân như ở chùa Bà Đanh (Kim Bảng, Hà Nam). Các di tích và truyền tích ở Hà Nam là minh chứng về quê hương bản quán của Lão Tử ở Việt Nam, ngay trên đất Hà Nam.

Bài vị Thái Thượng Lão Quân ở đình Phù Vân.

Có thể thấy phép thuật của Huyền Thiên Lão Tử – Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương là ở khả năng chữa bệnh dịch, diệt yêu trừ quỷ, chỉ hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh. Vì thế Đổng Thiên Vương được xếp ở cấp độ thứ ba trong Tứ bất tử, sau Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đạo Tổ.

(Còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-2-17922092815140611.htm

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 1)

Tết Trùng cửu (9/9 Âm lịch hàng năm) không chỉ là ngày giới tao nhân mặc khách lên núi cao uống rượu, ngắm hoa cúc, mà đó vốn là ngày của các đạo nhân lên núi thành tiên, hóa thân thành bất tử trong văn hóa cổ truyền.

Bất tử là mục đích tối cao của phép tu tiên trong Đạo giáo nên các thần bất tử là những vị đạo tổ trong quá trình phát triển Đạo thần tiên ở nước ta.

Hiện nay khái niệm Tứ bất tử trong văn hóa dân gian được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống nên được coi là “bất tử”. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hoàn toàn hợp lý. Đúng hơn, những vị thần phải có phép “bất tử” thì mới có thể gọi là thần bất tử. 

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 1.
Tranh tượng Tản Viên Sơn Thánh ở đền Tứ Đền (Lương Sơn, Hòa Bình).

Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này, vì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là nhà sư, đạo sĩ, không biểu trưng cho lĩnh vực nào của đời sống nhân dân. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là “bất tử”. 

Quan niệm về bất tử bắt đầu xuất hiện từ thời Tần với chuyện Tần Thủy Hoàng trong các chuyến Đông du tìm gặp các tiên nhân như Yên Kỳ Sinh bên bờ biển Đông để cầu thuật bất tử. Sang thời Hán, đạo Thần Tiên càng phát triển hơn trong dân gian. Cát Hồng, vị huyện lệnh huyện Câu Lậu thời Tấn, trong cuốn Bão phác tử luận tiên đã dẫn sách Tiên kinh cho biết, tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên”.

Đối chiếu thuật thành tiên này với Tứ bất tử nước Nam cho thấy có 4 cấp độ đắc đạo thành tiên.

Cấp độ bất tử thứ nhất: Tản Viên Sơn Thánh

Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị “Đệ nhất phúc thần” nước Nam. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Theo cuốn thần phả Tản Lĩnh ngọc ký, Sơn Thánh quê ở Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ), đi kiếm củi trên núi Tản, gặp được Thái Bạch Thần tinh Tử Vi Thiên tướng, được trao cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử mà từ đó trở thành Thần sư, đi cứu độ nhân gian. Đạo học và phép bất tử của Tản Viên Sơn Thánh được truyền thụ từ Thái Bạch Tử Vi Thiên tướng, cho thấy đây chính là Đạo thần tiên trong Đạo Giáo. Tượng vị Thái Bạch Thần tinh nay được thờ cùng với Sơn Thánh ở các đền trên núi Ba Vì.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 2.
Nghi môn đền Trung Ba Vì và ngọn Tản Lĩnh.

Nhờ có cây gậy thần mà Thần sư Tản Viên đã cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình bên bãi Trường Sa trên sông Đà. Khi xuống thăm Long Cung, Thần sư lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất… Câu chuyện Sơn Thánh cứu con của Long Vương cũng là chuyện Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long Động Đình trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng.

Cuốn Di tích thờ Tản Viên là thần phả của làng Ngọc Nhị (Cẩm Lĩnh, Ba Vì), là làng trưởng tạo lệ cho đền Thượng núi Ba Vì, kể: “Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm… Khi đó chỉ có Vương (Tản Viên Sơn Thánh) có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy”.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 3.
Tượng Thái Bạch Thần tinh ở đền Trung Ba Vì.

Gậy thần sách ước của Tản Viên Sơn Thánh xét thực chất chính là Hà đồ Lạc thư, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà – Lạc). Phép thần của Tản Viên Sơn Thánh được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy. Nhờ những kiến thức khoa học này ở thuở bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc bốn phương ở vùng Nam Giao, trị thủy thắng lợi, trở thành vị Thánh Tổ của Trời Nam (Nam Thiên Thánh Tổ) Kinh Dương Vương.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 4.
Tượng đá cổ Tản Viên Sơn Thánh, Thái Bạch Thần Tinh và Tá Thánh Thiên thần ở đền Thượng Ba Vì.

Tản Lĩnh ngọc ký kể rằng, sau khi trả lại ngôi vị cai quản đất nước cho vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh đã du ngoạn khắp nơi như một vị tiên thánh: “Cùng gió mây voi ngựa mà ngắm xem sông núi, sương móc xe kiệu mà lên xuống trời đất. Lúc thì đàn reo sáo múa, thi thư đối xướng với đất trời, nhạc phượng ca loan, tiếng hình là điều thú vị cõi Bồng Lai. Cỏ bồng dẫn lối, Ngũ hồ gió trăng, thuyền câu là dấu tiên, soi hình cảnh hội khói sương, xe mây vạn hình là bước chân, non xanh nước biếc quấn quít chưa đẫy càn khôn. Thánh Nam thần Bắc, ra vào chốn phong cảnh chín trời”.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam - Ảnh 5.
Hoành phi Nam Thiên Thánh Tổ ở đền Và (Thị xã Sơn Tây).

Cuối cùng, Sơn Thánh đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục chúa, để cùng nhau về nơi “Lãng Uyển Bồng Hồ, mãi cùng với trường xuân tuế nguyệt, lầu rồng gác phượng không dính bụi phàm”. Vua Hùng nghe theo, “cùng với Sơn Thánh và công chúa Ngọc Hoa cùng giữa ban ngày mà bay lên trời đi vào cõi hóa sinh bất diệt”.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 6.
Đền Và (Thị xã Sơn Tây).

Như thế Tản Viên Sơn Thánh đã đắc tiên đạo, bay lên trời giữa ban ngày, trở thành vị Thiên tiên Thánh tổ của nước Nam, vị thần bất tử đứng hàng đầu của người Việt.

Cấp độ bất tử thứ hai: Chử Đạo Tổ

Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí thứ tự cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được công chúa Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên bên bờ sông Hồng. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được Tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón thần. Gậy và nón cũng là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Nhờ đó Chử Đạo Tổ được coi là người có thể “tham tán huyền cơ thiên địa”, dự vào sự quyến biến của trời đất.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 7.
Thần Cá ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Thần tích ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được…”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Câu đối ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên):

Bay lên dải Ngân Hán, là một trong bốn ở Quế Giao

Tham giúp lẽ cơ huyền, chỉ hai không ba cùng trời đất.

Khi so sánh truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung với chuyện của các vị thần trong Đạo Giáo Trung Hoa thì thấy đây cũng là chuyện của Hậu Nghệ – Hằng Nga. Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đi tìm thuốc bất tử, trải qua muôn vàn gian khó mới gặp và xin được của Tây Vương Mẫu một viên thuốc để trở thành bất tử. Khi về nhà Hằng Nga vô ý uống thuốc này nên đã bay lên mặt trăng.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 8.
Gậy và nón của Chử Đồng Tử ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Thần tích ở đền Đa Hòa kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.

Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ – Hằng Nga là những vị thần bất tử như Chử Đồng Tử. Bộ ba Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa Công chúa, một đêm bay về trời, theo luận thuyết của Tiên kinh là những bậc Thiên tiên bất tử.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 9.
Khám tượng Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung công chúa ở đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ rõ nhất là về ngôn ngữ. Có từ Chư hầu, chỉ rõ mối tương thông Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép). Liên hệ Hậu – Chậu – Chử tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.

Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố khi đọc phiên thiết cho chữ Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Ở hai cấp bất tử đầu tiên, Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử đều là các vị tu tiên đắc đạo, nắm được quyền biến của lẽ âm dương sinh tử, bay lên trời hóa sinh bất diệt, thành những vị Thánh Tổ muôn đời của nước Nam.

(Còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-1-179220922121122173.htm

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết)

Trong bài trước, chúng ta đã biết người Dao là một bộ phận chính của nhà Thương Ân, có nguồn gốc từ thời Đế Cao Tân. Sang thời Chu, vùng đất quanh trung lưu sông Trường Giang là nước Sở nên đây cũng là đất nước của người Dao vào thời này. Các vua Sở mang họ Hùng, mà trong tiếng Dao nghĩa là Vương.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 1.
Dụng cụ của thầy cúng người Dao có ghi Thiên phủ, Địa phủ, Dương phủ, Thủy phủ.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 2.
Hổ đồng thời Ân Thương.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 3.
Lôi đồng thời Thương Chu ở Lào Cai.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 4.
Tranh Tam Quan của người Dao.
Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 5.
Tranh thờ Tam Thanh phối Tam Từ của người Dao.

Văn hóa Dao và nhà Thương Ân

Trúc thư kỷ niên cho biết, năm thứ 32 đời vua Vũ Đinh nhà Ân “chinh phạt người Quỷ Phương, đóng trú ở đất Kinh”. Sự kiện Ân Cao Tông phạt nước Quỷ Phương, nhưng lại đóng quân ở đất Kinh Sở tại Hồ Nam – Hồ Bắc cho thấy vùng đất này nằm trong đất của nhà Ân. Có thể nói, đất Kinh vốn là địa bàn gốc của nhà Thương từ vua Thành Thang, trước khi Bàn Canh thiên di lên phía Bắc lập Ân.

Nước Quỷ Phương hay Cửu Phương, nghĩa là nước nằm về phía Tây lãnh thổ nhà Ân Thương. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây của Hà thư. Nước Quỷ Phương là khu vực Tứ Xuyên, ứng với nền văn hóa Tam Tinh Đôi của thời kỳ này. Chỉ có vùng Tứ Xuyên với nền văn minh Kim Sa rực rỡ giàu có từ hơn 1.000 năm trước Công nguyên mới có thể khiến Cao Tông nhà Ân Thương khổ cực suốt 3 năm trời mới chiếm được.

Đặc trưng của các đồ đồng đúc dưới thời Ân Thương là những hình vẽ các loài vật đầy thần bí, như hình con Quỳ (rồng một chân), hình chim Cú, Ve sầu, mặt Thao thiết. Một chiếc bình đồng có niên đại quãng thời đầu Tây Chu được phát hiện ở thành phố Lào Cai, trên đó trang trí bởi biểu tượng Ve sầu như gặp trên đồ đồng thời Thương. Lào Cai cũng là địa bàn sinh sống của nhiều người Dao với văn hóa Dao đậm nét, nhất là văn hóa tín ngưỡng. Cách thực hành các nghi thức tế lễ của người Dao luôn toát lên vẻ thần bí của một nền văn hóa lâu đời từ quá khứ.

Năm 1989 tại thị trấn Đại Dương Châu, huyện Tân Can, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã phát hiện một ngôi mộ cổ thời Thương với số hiện vật tìm thấy lên đến hơn 1.500 đồ vật. Điều đáng ngạc nhiên là bởi các đồ vật thời Thương sớm lại tìm thấy ở một địa điểm ở phía Nam sông Dương Tử. Đây là bằng chứng khảo cổ cho việc xác định nhà Thương vốn ban đầu xuất phát từ phía Nam sông Trường Giang.

Trong số 480 món đồ đồng tìm thấy ở Đại Dương Châu có một đồ vật được xếp hạng là quốc bảo của Trung Quốc, đó là con hổ đồng hai đuôi. Con hổ đồng được chế tác tinh xảo, toàn thân hổ được trang trí bởi hoa văn uốn cuộn như rồng. Trên lưng hổ có hình một con chim nhỏ đang ngồi một cách yên bình. Con “long hổ” hai đuôi này như gợi nhắc tới truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao.

Thời nhà Thương, chữ tượng hình bắt đầu trở nên phổ biến, hình thành một thể chữ khá chín muồi mà nay gọi là Giáp Cốt văn, do chúng thường được khắc trên yếm rùa và xương động vật. Giáp cốt văn tự được coi là khởi nguồn của các loại chữ tượng hình Trung Hoa sau này. Người Dao cũng có tục cúng Rùa với nghi lễ diễn xướng trang trọng trong các dịp lễ tết. Về chữ viết, cho tới nay người Dao là dân tộc vẫn sử dụng chữ Nho, cho dù nó được gọi là chữ “Nôm Dao”, bởi có tới hơn 85% chữ Dao đồng nhất hoàn toàn với chữ Nho. Các sách cúng, sách bói, lịch, sớ… của người Dao đều được ghi bằng chữ Nho một cách nguyên sơ nhưng thuần thục. Chắc chắn người Dao là một trong những bộ phận dân tộc chính đã làm nên chữ viết tượng hình Trung Hoa.

Người Dao ăn Tết riêng theo lịch Dao, mà như ở Thanh Hóa gọi là ăn “Tết năm cùng”. Tết này được bắt đầu vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng. Tương tự, người Mông cũng có tục ăn Tết Mông vào cùng thời gian đầu tháng 12 âm lịch. Tết Nguyên đán ngày nay lấy tháng Dần làm tháng Giêng, gọi là lịch Kiến Dần. Đây là lịch ban đầu của thời nhà Hạ, sau tới nhà Hán lấy lại và từ đó không thay đổi. Còn nhà Thương khi lập nên vương triều đã lấy tháng Sửu (trước tháng Dần 1 tháng) làm tháng Giêng. Tết của người Dao và người Mông vào đầu tháng 12 âm lịch cho thấy nhóm người Miêu Dao vốn dùng lịch Kiến Sửu của nhà Thương. Đây là một dẫn chứng nữa cho thấy người Dao là thành phần chính của dân nhà Thương Ân.

Người Dao có tín ngưỡng thờ Tam Nguyên. Tranh thờ Tam Nguyên, dùng trong lễ cấp sắc và các lễ hội của người Dao thể hiện các vị quan là Thượng Nguyên Thiên Quan tứ phúc cúng vào rằm tháng Giêng, Trung Nguyên Địa Quan xá tội cúng vào rằm tháng Bảy, Hạ Nguyên Thủy Quan giải ách cúng vào rằm tháng Mười. Khái niệm Tam Nguyên hay Tam Quan tương tự như tín ngưỡng Tam phủ của người Kinh. Trên chiếc chày gỗ là dụng cụ của các thầy cúng người Dao cũng có khắc hình các vị thần của Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ và Dương phủ. Đặc biệt, vị vua của Địa phủ đã được Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái ghi nhận là Ân Vương, người đã chết trong trận chiến với Thánh Dóng. Ngày rằm tháng 7 cúng Địa Quan Xá Tội Đại vương cũng là một ngày tiết lễ lớn trong năm của người Dao.

Truyền thuyết Bàn Vương của người Dao có đoạn cuối kể rằng Bàn Vương đi săn sơn dương, chẳng may bị sơn dương húc chết, người Dao vô cùng thương tiếc, làm lễ cúng tế Bàn Vương… Sự việc này là nói tới chuyện Ân Trụ Vương đi săn “con hươu” của thiên hạ không thành, đã nhảy vào ngọn lửa ở Lộc Đài tại kinh đô Triều Ca để tự kết thúc trong cuộc chiến giữa nhà Chu và vua Ân. Lộc là hươu, là sơn dương, cũng là Lục, nghĩa là đất đai hay Địa phủ.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 6.
Các thầy cúng người Dao trong lễ hội Bàn Vương.

Múa Bắt Rùa của người Dao ở Hoàng Su Phì.

Hùng Vương nước Sở

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia chép: “Tổ tiên nước Sở xuất phát từ đế Chuyên Húc Cao Dương. Cao Dương là cháu nội của Hoàng Đế, con của Xương Ý. Cao Dương sinh ra Xứng, Xứng sinh ra Quyển Chương, Quyển Chương sinh Trùng Lê. Trùng Lê làm Hảo chính cho đế Cốc Cao Tân, rất có công, có thể chiếu sáng cho thiên hạ, đế Cốc ban cho danh hiệu Chúc Dung”. Tổ tiên các vua nước Sở vốn bắt đầu dưới thời Đế Cao Tân, tương tự như truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao và xuất xứ của vua Thành Thang nhà Thương Ân.

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia kể tiếp: “Lục Chung sinh được 6 người con, đều do người phải bị nứt mổ mà sinh ra. Con trưởng là Côn Ngô; thứ hai là Sâm Hồ; thứ ba là Bành Tổ; thứ tư là Hội Nhâm; thứ năm là Tào Tính; thứ sáu là Quý Liên, họ Mị, hậu duệ của ông chính là nước Sở. Côn Ngô thị, thời nhà Hạ từng làm hầu bá, thời vua Kiệt bị Thành Thang diệt. Bành Tổ thị, thời nhà Ân từng làm hầu bá, cuối đời Ân, Bành Tổ thị bị diệt. Quý Liên sinh Phụ Tự, Phụ Tự sinh Huyệt Hùng. Con cháu nửa chừng suy vi, có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước Man di, không sao ghi chép được các đời”.

Sự hình thành 6 người con hay 6 họ nước Sở từ Lục Chung cũng khá tương đồng với truyền thuyết 12 họ người Dao. Các họ này “có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước Man di”. Điều này cũng rất khớp với sự kiện vua Bàn Canh dẫn một nửa số dân Thương vượt sông lập nên nhà Ân. Những người nhà Thương ở lại quanh khu vực sông Trường Giang rõ ràng sau đó thuộc về phạm vi nước Sở.

Sở thế gia cho biết: “Thời Chu Văn Vương, con cháu của Quý Liên là Chúc Hùng. Con của Chúc Hùng thờ Văn Vương, mất sớm. Con của Chúc Hùng là Hùng Lệ. Hùng Lệ sinh Hùng Cuồng. Hùng Cuồng sinh Hùng Dịch. Hùng Dịch vào thời Chu Thành Vương, Thành vương cất nhắc hậu duệ các bề tôi cần mẫn có công thời Văn Vương và Vũ Vương, rồi phong cho Hùng Dịch ở Sở Man, phong tặng ruộng đất cho con trai Hùng Dịch, lấy họ Mị, sống ở Đan Dương”.

Người Sở còn gọi là Man. Còn người Dao cũng gọi là người Mán. Thậm chí có chỗ Bàn Vương được gọi là Hùng Vương, nên có những thông tin cho rằng người Dao cũng thờ Hùng Vương. Điều này càng khẳng định thêm nhận định rằng thành phần chính của nước Sở của Chúc Hùng là người Miêu Dao.

Tín ngưỡng người Dao mang màu sắc Đạo giáo một cách sâu sắc, chứng tỏ đây là tôn giáo gốc của dân tộc Dao. Cũng như Đạo giáo của Trung Hoa, trong hầu hết các lễ cúng người Dao đều phải có tranh thờ Tam Thanh, ba vị thần có quyền lực tối thượng cai quản ở 3 nơi, là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Ba vị này có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau, hoặc các vị này được vẽ hòa cùng với hàng loạt các vị thần linh khác.

Những thực hành cúng lễ, nhảy múa, hầu đồng của người Dao như trong các ngày Tết nhảy, lễ Bàn Vương, lễ cấp sắc… phảng phất một nguồn gốc tín ngưỡng đa thần như ở nước Sở, mà tới nay còn được biết qua tác phẩm Sở từ, phần Cửu ca của Khuất Nguyên.

Qua những so sánh trên, có thể nhận định rằng, dân tộc Dao vốn là thành phần chính của nhà Ân Thương. Cũng giống như người Việt thờ 18 đời Hùng Vương, tín ngưỡng Bàn Vương của người Dao nói đến nhiều thời đại các vị vua tổ của mình. Đó là ông Bàn Cổ khai thiên lập địa, là ông Tiết con của Cao Tân Thị thời Đế Nghiêu, là Thành Thang cầm búa lớn mở ra nhà Thương với 12 họ người Dao, là Bàn Canh quá sơn vượt Trường Giang lập Ân, là Ân Trụ Vương chết làm vua Địa phủ, là các vua Sở họ Hùng. Sự thiếu khuyết của truyền thuyết Việt cho giai đoạn mở nước về phía Đông Nam của Lạc triều từ Long Quân được bổ sung bằng truyền thuyết Bàn Vương của người Dao.

https://congdankhuyenhoc.vn/viet-nen-su-dao-tiep-theo-va-het-179220919114714623.htm

Viết nên sử Dao (phần 1)

Tháng 9 năm 2018, tôi về dự lễ hội Bàn Vương ở xã Hồ Thầu trong tuần văn hóa du lịch “Qua miền di sản Ruộng bậc thang” trên vùng núi Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang. Nhìn những họ người Dao hội tụ về đây bái lễ tổ tiên, trời đất trước những bức tranh thờ nhiều màu sắc vẽ hình các vị thần Đạo Giáo, những điệu múa của các thầy mo cùng với những cuốn sách cúng ghi bằng thứ chữ tượng hình Nôm Dao, tôi không khỏi băn khoăn: Vị Bàn Vương, thủy tổ của người Dao là ai? Các họ người Dao khởi nguồn từ đâu, có quan hệ thế nào với lịch sử người Việt?
1. Bàn Cổ khai thiên lập địa
Người Dao là một tộc người đông đúc sinh sống ở Trung Quốc và Việt Nam. Địa bàn cư trú ban đầu của họ ở vùng quanh hồ Động Đình ở trung lưu sông Trường Giang. Người Dao ở nhiều nơi có tín ngưỡng thờ Bàn Hồ hay ông Bàn Cổ, là người đã khai thiên lập địa ra trời đất và con người theo quan niệm của dân tộc Dao. Sách cúng người Dao nói là “Bàn Cổ xuất thế Trường Sa quốc”. Trường Sa nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, là quê hương gốc của người Dao.
Truyền thuyết về Bàn Cổ sáng thế được ghi chép lại từ rất sớm trong Sơn Hải kinh, là cuốn sách cổ từ thời trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng thần thoại Bàn Cổ của Trung Hoa có xuất phát từ truyền thuyết Bàn Hồ của người Dao. Người Dao còn có những truyền thuyết về thần Phục Hy cùng với bà Nữ Oa đội đá vá trời, là những thần thoại tối cổ của Trung Hoa. Như vậy, những vị thủy tổ đầu tiên của dân tộc Dao cũng là thủy tổ của Trung Hoa. Vậy người Dao có liên hệ như thế nào với tộc người gốc của Trung Hoa cổ đại?
2. Long Khuyển Bàn Hồ ngũ sắc thời Cao Tân thị
Tất cả dân tộc Dao đều tôn thờ Bàn Vương là thủy tổ của mình. Ghi chép sớm nhất về Bàn Vương người Dao là truyện Bàn Hồ trong Hậu Hán thư, như sau:
Ngày trước thời họ Cao Tân có giặc Khuyển Nhung, trong lúc Đế bị bệnh bèn xâm phạm, mà chinh phạt vẫn không khắc chế được. Bèn chiêu mộ hỏi khắp thiên hạ, người có thể lấy được đầu tướng Khuyển Nhung là Ngô tướng quân, sẽ ban cho ngàn dật vàng ròng, phong ấp vạn nhà, gả con gái cho. Vừa lúc đó Đế có con chó, lông năm sắc, tên gọi Bàn Hồ.
Sau khi lệnh ban xuống, Bàn Hồ đã tha được đầu người đến dưới cửa khuyết, quần thần kinh ngạc xem kỹ, thì chính là đầu của Ngô tướng quân. Đế rất mừng… đem con gái gả cho Bàn Hồ… Bàn Hồ được cô gái, cõng lên mà chạy vào Nam Sơn… Qua ba năm, sinh được mười hai người con, sáu nam sáu nữ… Con cháu của họ ngày càng sinh sôi… Ngày nay là họ người man ở Trường Sa, Vũ Lăng.

Một điểm hết sức đáng chú ý là Bàn Hồ được xác định xuất hiện ở thời Đế Cao Tân, là vị Đế thứ ba trong Ngũ đế Trung Hoa, sau Hoàng Đế và Đế Chuyên Húc. Theo truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ Dao, đặc biệt là trong Quá sơn bảng văn, sách cổ của người Dao về nguồn gốc và sự di cư của dân tộc Dao, thì Bàn Hồ là con Long Khuyển được Bình Vương gả con gái và phong là Bàn Vương sau khi có công lớn giết được Cao Vương. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 con trai, 6 con gái) đều được ông là Bình Vương ban sắc thành 12 họ là: Bàn, Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu, như các họ của người Dao ngày nay.
So sánh với chính sử Trung Hoa, Trúc thư kỷ niên, cuốn Biên niên sử viết trên thẻ tre từ thời Chiến Quốc, chép: Cao Tân thị có người vợ tên là Giản Địch, vào tiết xuân phân, khi chim huyền điểu tới thì đang theo Đế đi làm lễ tế giao để cầu tự, bấy giờ cùng người em gái của mình tắm ở sông Huyền Khâu. Có con chim huyền điểu ngậm quả trứng mà đánh rơi, trứng ấy có năm màu rất đẹp, hai người tranh nhau đi lấy, rồi dùng giỏ ngọc úp lên. Giản Địch lấy được trứng trước, bèn nuốt vào bụng, thế rồi mang thai, sau đấy xẻ ngực mà sinh ra Tiết. Tiết lớn lên rồi làm chức Tư đồ cho vua Nghiêu, vì có công với dân mà được nhận phong ở đất Thương. Trải qua mười ba đời sinh ra Chủ Quý. Vợ của Chủ Quý tên là Phú Đô, nhìn thấy có luồng khí trắng vắt ngang mặt trăng trong lòng rung cảm, thế rồi sinh ra Thang vào ngày Ất, bởi thế mới có hiệu là Thiên Ất.
Truyền thuyết “huyền điểu sinh Thương” cho biết nhà Thương là dòng dõi từ Đế Cao Tân từ thời Đế Nghiêu, vợ là Giản Địch do nuốt trứng ngũ sắc của chim huyền điểu mà sinh ra ông Tiết. Dòng dõi 14 đời của ông Tiết là vua Thành Thang. Đối chiếu truyền thuyết của người Dao với truyền thuyết Trung Hoa có thể thấy người Dao có tổ tiên chính là ông Tiết, dòng dõi họ Cao Tân. Ông Tiết là tổ của nhà Thương, nên người Dao cũng là thành phần dân tộc gốc của nhà Thương, khởi dựng từ Thiên Ất Thành Thang.
Trúc thư kỷ niên chép về Thành Thang: Thang đi về phía Đông tới bên bờ sông Lạc, ngắm nhìn đàn tế của Đế Nghiêu, lại ném ngọc bích xuống sông, lùi ra phía sau mà đứng. Sau đấy một cặp cá màu vàng nhảy vọt lên, một con chim đen theo đó mà đậu xuống dưới đàn tế, hóa thành hắc ngọc. Lại có con rùa đen xuất hiện, trên lưng có hoa văn màu đỏ sắp thành chữ, nói là Hạ Kiệt vô đạo, Thành Thang sẽ thay thế hắn. Có vị thần Đào Ngột xuất hiện ở núi Bi. Có vị thần dắt theo con sói trắng, miệng ngậm cái móc, đi vào triều đình nhà Thương.
Những điềm báo Thành Thang làm thiên tử trong Trúc thư kỷ niên mô tả Ngũ sắc: cá vàng, chim đen, rùa mai đỏ, thần ở núi (xanh), sói trắng. Ngũ sắc là biểu tượng của Ngũ hành. Người có Ngũ sắc nghĩa là người nắm được Ngũ hành, hay nắm được thiên hạ. Con sói trong chuyện của Thành Thang cùng với Ngũ sắc cho thấy sự tương đồng với truyện Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao. Vị Bàn Vương (Long Khuyển Bàn Hồ) đã diệt Cao Vương, lấy con gái của vua mà sinh ra 12 họ người Dao chính là Thành Thang, người đã diệt Hạ Kiệt, lên ngôi thiên tử của nhà Thương.
Ghi nhận khác của người Xá, là một tộc người rất gần với người Dao có thờ Bàn Hồ, kể rằng: Thời Đế Cao Tân, trong cung có một bà già tai to bị đau tai. Trăm chim vào chầu, quan ngự y cắt ra thì xuất hiện Long Khuyển. Đó là Kim Long giống tằm, nuôi được tám tháng, Kim Long thân dài 8 thước, cao 5 thước, toàn lông ngũ sắc, bèn ban hiệu là Bàn Hồ.
Trong truyền thuyết Việt có dòng theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông. Ban đầu đó là nhà Hạ Trung Hoa. Nhà Thương nối tiếp nhà Hạ, vẫn lấy Rồng làm biểu tượng, nhưng lại gọi là Long Khuyển. Khuyển hay Khang là tính chất của hướng Tây. Cẩu (chó) cũng là cửu, chỉ hướng Tây. Long Khuyển nghĩa là tộc người dòng Rồng ở phía Tây, bởi phần hướng Đông là nhà Hạ.
3. Bàn Canh vượt Trường Giang
Người Dao tôn thờ Bàn Vương là tổ. Nhà Thương cũng có vị vua tổ là Bàn Canh, nổi tiếng bởi những cuộc thiên di liên tục, 5 lần dời đô, lập nên nhà Ân Thương, tức là nhà Thương thứ hai. Kinh Thư có 3 thiên Bàn Canh thượng, trung và hạ nói đến việc vua Bàn Canh dời đô. Các vua Thương dời đô nhiều lần đến mức… dân gian có cụm từ “lang thang”, chỉ sự di cư bất định như các vị vua (lang) nhà Thương (thang).
Sách cúng người Dao còn kể: vào năm Dần Mão, nạn hạn hán xảy ra, con cháu người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, cơ cực nên phải thiên di vượt biển tìm nơi sinh sống. Với sự che chở của Bàn Cổ đại vương, 12 tộc họ người Dao vượt biển thành công. Để lưu truyền cho đời sau, họ đã viết sách “Quá Sơn Bảng Văn” kể lại quá trình thiên di đầy gian khổ, ca ngợi Bàn Vương.
Câu chuyện Bàn Vương đã qua núi, vượt bể này là như nhắc tới một cuộc thiên di của người Dao từ thời rất xa xưa. “Vượt bể” ở đây là vượt sông lớn, chứ người Dao vốn không sinh sống ở bên bờ đại dương để có thể vượt biển. Có thể thấy truyền thuyết Bàn Vương vượt bể của người Dao là nói đến vua Bàn Canh, người đã dẫn một bộ phận dân nhà Thương vượt qua sông Trường Giang, lập nên đất Ân ở vùng phía Bắc sông này.
Một trong những kinh đô của nhà n Thương được biết là di chỉ khảo cổ Bàn Long Thành, là một tòa thành đất trên một khu vực khai quật rộng tới 1 km2, nay ở tỉnh Hồ Bắc, ngay phía Bắc sông Dương Tử. Di chỉ có hàng trăm ngôi mộ cổ với nhiều hiện vật đồ đồng, đồ gốm, đồ ngọc có niên đại vào đầu và trung kỳ thời Ân Thương. Đây là dấn ấn rõ ràng nhất của sự kiện Bàn Canh dẫn dân Thương vượt hà. Long là từ chỉ vua nên Bàn Long Thành tức là thành của Bàn Vương.
Hậu Hán thư kể chú chó Bàn Hồ đi về Nam Sơn, sinh ra 6 người con trai và 6 người con gái, thành tổ tiên của 12 họ người Dao. Hướng Nam xưa nay là hướng Bắc nay, tượng bởi quẻ Cấn – núi. Số 6 là con số chỉ hướng Nam xưa (Bắc nay) trong Hà thư. Chi tiết Bàn Vương (hay Bàn Hồ) đã dẫn người Dao bơi 7 ngày bảy đêm trên đại dương để đến nơi ở mới cũng tương đồng với việc nhà Thương đã năm lần bảy lượt di cư.
Tín ngưỡng thờ Bàn Hồ của người Dao đã cho thấy họ là một bộ phận người dân đã lập nên nhà Thương Ân, triều đại được truyền thuyết Việt xếp vào dòng những người con theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá miền biển hướng Đông Nam xưa.

Đoạn sách cúng kể về Bàn Vương dẫn 12 họ người Dao “phiêu du quá hải, thiên lý chi lộ”.
Bài cúng mở đầu bằng “Bàn Cổ xuất thế Trường Sa quốc”
Đàn tế cúng trong lễ hội Bàn Vương ở Hoàng Su Phì
Các họ người Dao tế lễ Bàn Vương

Đọc lại lịch sử Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng

Với một góc nhìn lịch sử mới từ các di tích tín ngưỡng văn hóa trên đất Việt thì nay những câu hỏi về vị Phụ tín hầu Lý Thân thời Tần Thủy Hoàng trên đất Việt đã có lời giải đáp.

Truyện Lý Ông Trọng sinh ra từ thời Hùng Vương, làm quan qua thời An Dương Vương đến khi Tần thống nhất thiên hạ đã là chuyện khó hiểu. Cộng thêm việc năm Tần Thủy Hoàng thứ 33 (năm 214 Trước Công nguyên) tướng Tần là Mông Điềm mới vượt sông Hoàng Hà đánh Hung Nô, mở rộng đất nhà Tần sang miền Bắc. Như thế làm sao trước đó Lý Trọng có thể đi trấn giữ Hung Nô ở Cam Túc được? 

Những điều khó hiểu này đã làm cho người ta nghi ngờ về tính chân xác của truyền thuyết Lý Ông Trọng. Tuy nhiên, với một góc nhìn lịch sử mới từ các di tích tín ngưỡng văn hóa trên đất Việt thì nay những câu hỏi về vị Phụ tín hầu Lý Thân thời Tần Thủy Hoàng trên đất Việt đã có lời giải đáp.

Truyện Lý Ông Trọng trong “Lĩnh Nam chích quái” kể: Cuối đời Hùng Vương ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ có người họ Lý tên Thân, sinh ra to lớn, cao 2 trượng 3 thước, tính tình hung tợn. Thân giết người, tội đáng tử hình. Hùng Vương tiếc, không nỡ giết. Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh đánh nước ta. An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến. Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Tư lệ Hiệu úy. Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung Nô không dám xâm phạm biên ải. Thủy Hoàng phong Thân làm Phụ tín hầu, lại gả công chúa cho Thân.

Chuyện kể Lý Ông Trọng này nghe ra… kỳ kỳ. Tần Thủy Hoàng đánh Đông dẹp Bắc, thu phục cả thiên hạ, tới nước Việt thì thay vì chống lại, An Dương Vương lại còn cho “mượn” người làm tướng để giúp Tần chống giữ Hung Nô. Lý Ông Trọng người Việt mà làm tới chức Tư lệ hiệu úy nhà Tần, được phong là Phụ Tín hầu, rồi còn làm phò mã nước Tần! Một người Việt chính gốc lại được đại đế lang sói như Tần Thủy Hoàng hậu đãi tới vậy! Lại còn từ nước Văn Lang sang tới tận Cam Túc để trấn giữ Hung Nô…

1. 

Bản sự tích đầy đủ nhất về Lý Ông Trọng không phải là thần tích đình Chèm ở Từ Liêm, mà là ở Trạo Thôn, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, Hưng Yên – quê mẹ của Lý Ông Trọng. Thần tích Trạo Thôn kể rằng vào đời Hùng Duệ Vương có người con gái họ Hoàng, tên A Nương ở Trạo Thôn đã duyên ngộ và kết hôn với vị Lý Tuấn, người làng Thụy Uyên ở Từ Liêm. Hai người lấy nhau sinh ra một người con trai, lớn lên thân cao hơn 2 trượng, sức địch vạn người, trí dũng siêu quần, thông minh xuất chúng. 

Khi ấy Hùng Duệ Vương cho tuyển người tài dũng, Lý Thân đổi tên thành Trọng vào cung đình ứng tuyển, được vua phong cho chức Chỉ huy sứ. Ông Trọng tính cường bạo, gây tội giết người. Hùng Duệ Vương mến tài nên đại xá cho. Lại mỗi khi giặc Chiêm Thành, Ai Lao đến quấy nhiễu là mỗi lần Ông lập công. Vua bèn lệnh cho ra trấn giữ Lâm Thao, giặc man khấu không dám xâm phạm.

Thần tích quê mẹ Lý Thân ở Hưng Yên cho thêm những thông tin lạ về Ông Trọng. Đó là Ông Trọng từng có công đánh giặc Chiêm Thành, Ai Lao và ra vùng Lâm Thao đất của vua Hùng để trấn giữ giặc man khấu. Như thế địa danh Lâm Thao được nhắc đến ở đây không nằm ở phương Bắc, mà là ngay trên đất Việt. Giặc Hung Nô trong thần tích này được gọi là Chiêm Thành và Ai Lao, tức là người phía Nam và Tây đất Việt, không phải ở tận đất Cam Túc xa xôi.

Đất Lâm Thao thời Tần có người Hồ là đất Lâm Ấp, được biết là tiền thân của Chiêm Thành sau này. Ghi chép về Lâm Ấp thời Tần có thể thấy trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, Kỷ nhà Triệu chép: “Giáp Ngọ, Tần Nhị Thế năm thứ ba (năm 207 Trước Công nguyên), Vua (Triệu Vũ Đế) chiếm đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương”.

Đại Nam quốc sử diễn ca có thơ kể về Lý Ông Trọng:

Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân

Làm quan hiệu úy đem quân ngữ Hồ

Uy danh đã khiếp Hung Nô,

Người về Nam quốc, hình đồ Bắc phương.

Trong bài diễn ca này Hung Nô còn được gọi là người Hồ. Vận dụng phép phiên thiết Nho văn cho ta một số thông tin bất ngờ. Hung Nô đọc lướt là Hồ. Lý Ông Trọng trấn Hung Nô tức là trấn giữ người Hồ hay người Hời. Từ Liêm cũng đọc thiết âm là Tiêm, hay Chiêm. Đức thánh Chèm cũng nghĩa là Đức thánh Chiêm. Tên làng Chèm chỉ rõ công đức trấn giữ đất Chiêm của Lý Ông Trọng. Tới đây không còn nghi ngờ gì nữa, thực ra Lý Ông Trọng làm tướng Tần để giữ vùng đất Tây và Nam nước ta chống lại người Hồ hay người Chiêm.

2. 

Thần tích Trạo Thôn ghi Lý Thân làm Chỉ huy sứ thời Hùng Duệ Vương, tức giai đoạn cuối cùng của thời đại Hùng Vương. Đây cũng chính là An Dương Vương như “Lĩnh Nam chích quái” kể. Chỉ có thế mới có thể hiểu được, tại sao Lý Thân làm quan từ thời Hùng Vương, sang An Dương Vương và tới tận thời Tần.

Lý Thân là phò mã của nhà Tần, lấy Bạch Tịnh Cung công chúa, con gái của Tần Thủy Hoàng. Thế nhưng ở thành Cổ Loa lại lưu truyền rằng Lý Ông Trọng là Hữu thừa tướng, một trong Tứ trụ của triều đình An Dương Vương. Hiện Lý Ông Trọng vẫn đang được thờ cùng với các tướng Cao Lỗ, Nồi Hầu và Trần Tự Minh tại đền Thượng Cổ Loa. Có thể thấy, trong trường hợp này An Dương Vương là vua chủ của Lý Ông Trọng, tương đương với Tần Thủy Hoàng. Lý Thân làm tướng Tần, cũng là quan trụ quốc của An Dương Vương.

Bài thơ được khắc trên gỗ tại đình Chèm có câu nói tới Lạc đô – kinh đô nước Âu Lạc ở thành Cổ Loa:

Xa ôm núi Tản, Nhị hà quanh

Quận cũ Từ Liêm sương trải mành

Vững mãi Lạc đô sông với núi

Lưu truyền Mã sử ngưỡng thanh danh.

Kỳ lạ hơn, ở xã Ninh Sơn, Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ còn đình làng thờ Lý Ông Trọng là thành hoàng. Thần tích Ninh Sơn cho biết đây là nơi cha và mẹ của Lý Thân đã tới cầu tự và cũng là nơi Lý Ông Trọng hóa. Di tích này tương ứng với truyện kể của “Lĩnh Nam chích quái” rằng Ông Trọng đã phải ẩn vào trong núi và tự vẫn khi Tần Thủy Hoàng cho đòi ông về Hàm Dương.

Đặc biệt, thần tích Ninh Sơn lại kể Lý Thân đã vâng mệnh “Triệu Vũ Đế” dẫn binh đánh quân Thục ở thành Cổ Loa. Có thể thấy Triệu Vũ Đế trong thần tích Ninh Sơn là chỉ Tần Thủy Hoàng, người lập nên Trung Hoa thống nhất. Nhà Tần vốn mang họ Triệu, từ vị tổ của Tần là Tạo Phụ thời Chu Mục Vương được phong đất ở Triệu thành. Còn quân Thục trong thần tích Ninh Sơn là hậu quân của An Dương Vương, sau khi bị Tần tấn công chiếm thành Cổ Loa, đã trở thành man khấu người Hồ ở đất Nam Chiếu – Ai Lao như thần tích Trạo Thôn chép. An Dương Vương trong các ngọc phả và thần tích đều được biết là người đến từ đất Ai Lao.

Đức thánh Chèm Lý Thân sinh ra ở Từ Liêm vào thời Hùng Vương đời cuối là An Dương Vương, nhập Tần làm tướng dưới thời Tần Triệu. Tần Thủy Hoàng gả con gái và phong Lý Thân làm Tư lệ Hiệu úy, trấn thủ vùng Lâm Ấp có người Chiêm Hồ – Ai Lao, là hậu quân của nhà Thục. Ông Trọng đóng trị sở ở cố đô Âu Lạc là thành Cổ Loa. Ông mất tại vùng núi Ninh Sơn, Chương Mỹ.

Câu đối ở đình Chèm ca ngợi Lý Ông Trọng:

Điện Việt còn đây thần thượng đẳng

Ải Tần chốn đó tướng Trung Hoa.

Lý Thân là tướng Tần, cũng là người Việt. “Trung Hoa tướng” lại là “Việt điện thượng đẳng thần”. Nhà Tần của Trung Hoa cũng là một giai đoạn lịch sử của người Việt, nối tiếp nhà Thục của An Dương Vương ở Cổ Loa, như một giai đoạn phát triển mới trong thời đại Hùng Vương.

https://congdankhuyenhoc.vn/doc-lai-lich-su-duc-thanh-chem-ly-ong-trong-179220830114802645.htm

Rước giá trong lễ hội Chèm năm 2022
Lâm giá ở đường vào đình Chèm, lễ hỗi Chèm 2022
Rồng chầu trước nghi môn đình Chèm, lễ hội Chèm 2022
Tôn tượng Bạch Tịnh Cung Công chúa và Lý Hiệu úy ở đình Chèm
Bài thơ nói đến Lạc đô ở đình Chèm.

Trang sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” nói về Lý Ông Trọng ngữ Hồ.
Đình Ninh Sơn, Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.