Phong tục thờ cúng tổ tiên THẮP SÁNG LÒNG BIẾT ƠN VÀ Ý THỨC VỀ NGUỒN CỘI

Tâm thức quy hướng về nguồn cội có mặt trong tất cả những diện mạo của văn hóa (đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, nhận thức về đời sống) cho đến văn minh (văn minh dịch học, văn minh vật chất, v.v.). Bởi tâm thức quy hướng về nguồn cội ấy nên người Việt có tục thờ cúng tổ tiên. Và đó là cách để dân tộc Việt nuôi dưỡng được lòng biết ơn và thắp sáng lên ý thức về nguồn cội của mình. Đây là một phong tục đẹp, không hề mê tín, đầy đủ về cả hệ thống triết lý, thực hành và mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Cũng như các cộng đồng dân tộc khác, người Việt có nhu yếu tìm cho mình một nơi nương tựa bằng niềm tin tâm linh. Nhưng điều đặc biệt và khác biệt ở chỗ, thay vì sáng tạo ra những vị thần để thờ theo tưởng tượng, người Việt đã thiêng hóa lịch sử và ông cha mình thành chung một dòng chảy cội nguồn, thành những vị thần, những biểu tượng thiêng liêng để thờ tự. Từ thực tế lịch sử cho thấy, người Việt đã thành công trong việc gìn giữ lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội qua việc thờ cúng tổ tiên.
Ở trong gia đình, chúng ta có ban thờ gia tiên và chư vị long thần thổ địa, vốn cũng là những vị tổ tiên lâu xa của dân tộc. Rộng hơn phạm vi gia đình là việc thờ tổ của các dòng họ. Ngoài làng xã lại có tục thờ tổ nghề, tục thờ tam, tứ phủ và ở phạm vi quốc gia, cả dân tộc thờ chung một vị quốc tổ Hùng Vương. Thờ cúng tổ tiên là một phong tục đẹp lâu đời của người Việt, giúp gắn kết những cá nhân cùng huyết thống, gắn kết tình thân tộc và tình đồng bào. Bên cạnh đó, phong tục nay còn có tác dụng giáo dục lòng biết ơn sâu sắc. Chính việc hình thành một hệ thống thờ tự tổ tiên từ trong từng gia đình giúp cho ý thức về nguồn cội trở thành một mạch nguồn chảy trong huyết quản của mỗi người con mang dòng máu Việt. Từ khi tượng hình được cáo với tổ tiên và nguyện cầu tổ tiên che chở, đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng là “lá rụng về cội”. “Sống gửi, thác về” trở thành một chu trình, trong đó, sự có mặt nơi cuộc sống dường như chỉ để hoàn thành một sứ mạng trong vai trò tiếp nối tiền nhân. Và sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, dòng tộc, để ngày trở về hòa vào dòng chảy cội nguồn…
Chính từ ý nghĩa đoàn kết nhân tâm và tính giáo dục sâu sắc, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành nền tảng cho nếp sống của dân tộc Việt và tạo nên một chuỗi những giá trị. Tâm thức biết ơn và hướng về nguồn cội trở thành nếp sống hiếu hạnh, trọng sự thương kính và làm thành yếu tố căn cốt cho mọi giá trị văn hóa dân tộc từ đó mà phát sinh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra để có thể tiếp nối và phát huy trọn vẹn những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền, chúng ta cần có một nỗ lực để khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt, khơi lại mạch nguồn nếp sống hiếu hạnh ngàn đời của dân tộc. 

Chính điện thờ Hùng Vương Thánh Tổ tại đình làng Trẹo, thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt

Có một biểu tượng tinh hoa văn hóa dân tộc trong mỗi ngôi nhà Việt rất cụ thể, thiêng liêng và gần gũi. Đó là ban thờ gia tiên. Ban thờ gia tiên không phải chỉ để thờ người đã khuất, ban thờ là biểu tượng của nguồn cội. Chính bởi vậy, khi thắp lên một nén hương có nghĩa là thắp lên lòng biết ơn và niềm thương kính đối với tổ tiên, ông bà, với cội nguồn của mình. Tục thờ cúng của người Việt được bắt đầu từ việc người Việt thờ cúng tổ tiên trong chính ngôi nhà của mình. Đây là một phong tục giúp hình thành nên nếp nhà và từ đó giáo dục lòng yêu nước, thương nòi cho mỗi người con Việt từ lúc được sinh thành.
Nhà trong tâm thức người Việt, dựng lên không chỉ xuất phát từ nhu yếu để có nơi ở, mà con là để có nơi thờ tự tổ tiên. Người Việt quan niệm “con cháu ở đâu ông bà ở đó”, nên có nhà là có ban thờ gia tiên và mình phải ở như thế nào cho xứng đáng. Mỗi ngôi nhà là một gia đình. Từ nơi nếp nhà ấy sẽ có gia huấn và tạo ra gia phong. Gia phong là nề nếp chuẩn mực sống của một gia đình được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vậy gia phong ấy thể hiện ở đâu? Chính là ở nơi ban thờ tổ tiên trong gia đình để người ta dặn dò, nhắc nhở, giáo dục cháu con về nếp sống chuộng sự thương kính, lòng biết ơn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Nhà của người Việt thường ở miền Bắc là ba gian hay năm gian, gian giữa là gian đẹp nhất, người ta dành để thờ. Gian giữa chính là gian nổi bật nhất về chạm trổ và trưng bày vì nơi đó có sự ngự trị của tổ tiên. Nhà nào khó khăn hay nghèo túng hơn thì nơi ban thờ vẫn cố gắng sao cho trang trọng nhất có thể. Người ta có thể vì cuộc sống hoặc hoàn cảnh riêng mà biết hoặc không biết rõ về tổ tiên của mình nhưng vẫn luôn có ban thờ làm thành một biểu tượng để bày tỏ tấm lòng mình với cội nguồn.

Tran Ông và tran Bà trong một gia đình ở Quảng Trị

Ngày nay, tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình ở miền Trung còn giữ được qua việc thờ Tran Ông và Tran Bà. Trong mỗi gia đình như ở Thừa Thiên Huế, trên ban thờ Tran Ông, còn gọi là Tran Tiên Sư, có đặt ba bát hương thờ. Khi cúng Tran Ông người ta thỉnh tấu Trạng (sớ) lên các vị Tiên Sư như sau: “Tam Giáo Thánh Hiền Lịch Đại Tiên Sư, Bách Công Kỹ Nghệ liệt vị Tổ Sư, Đông Trù Tư Mệnh Táo Quân, Ngũ Phương Thổ Công Tôn thần, Xuy Đào Thần nữ, Tiến hỏa Lang quân. Trang viện liệt vị nhất thiết uy linh, đồng thuỳ chiếu giám, cộng giáng cát tường”.
Trong đó đầu tiên thỉnh các vị “tiên sư” về tôn giáo các đời, tiếp là các vị “tổ sư” của các nghề kỹ nghệ, sau mới đến những vị thần bếp, thần đất, thần gió, thần lửa. Có thể thấy các vị được thờ ở Tran Ông đều là các vị tổ – tiên, có ngay trong tên gọi của Tran là Tran Tiên Sư.
Bên phải của Tran Ông còn có lập Tran Bà, được xem là Tran bổn mạng của người nữ trong gia đình. Người nữ này thờ Tran Bà trong 60 năm ứng với 60 hiệu của Bà (Lục thập hoa giáp). Vị thần sáng tạo ra Lục thập hoa giáp là Cửu Thiên Huyền Nữ nên nhiều chỗ trên Tran Bà người dân đặt tranh của Cửu Thiên Huyền Nữ để thờ. Tuy nhiên, lòng sớ cúng Tran Bà cho biết, vị thần chủ được phụng thờ là “Tây Cung Vương Mẫu Bổn Mạng Thánh Đức Tiên Bà”. Cửu Thiên Huyền Nữ cũng là Mẫu Cửu trùng hay Mẫu Thượng thiên trong hệ thống thờ của đạo Mẫu Tứ phủ. Mẫu Thượng thiên còn là Tây Thiên Quốc Mẫu, vị mẫu thần của núi Tam Đảo vì theo các tư liệu tại đây Quốc mẫu Tây Thiên thường giáng đồng với tư cách là Mẫu đệ nhất Thượng thiên.

Cửu Thiên Huyền Nữ, tranh kính Nam Bộ

Thắp lên một nén hương trước ban thờ gia tiên là thắp lên niềm thương kính của mình với nguồn cội. Ban thờ tổ tiên trở thành “biểu tượng của nguồn cội” thiêng liêng và vững chãi giữa không gian ngôi nhà Việt. Cha mẹ, ông bà và xa hơn nơi ban thờ gia tiên, đó là những vị long thần thổ địa, những vị tiên sư, thánh hiền, biểu tượng cho nguồn cội ngàn đời của dân tộc.
Rộng hơn phạm vi gia đình là ngoài họ mạc, người Việt có tục thờ vị tổ của dòng tộc mình. Mỗi dòng họ lớn thường có một nhà thờ họ trong làng. Ngày giỗ nơi nhà thờ họ chính là dịp để những người con trong tộc họ mình trở về để tụ họp, để nhắc nhớ về tổ tiên và tình thân tộc. Trong cả nước, có nhiều dòng họ đã cùng tìm lại lịch sử cha ông mình, kết nối với nhau sau những biến thiên mất mát của lịch sử. Đó cũng là một nét đẹp khơi nguồn thật đáng trân trọng và vô cùng cần thiết.

Tục thờ bách thần làng xã

Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt, tức là khơi dậy những giá trị đẹp và lành của tiền nhân đã ngàn đời tạo dựng. Lịch sử Việt đặc biệt ở chỗ, chúng ta có riêng một dòng sử dân gian qua các truyền thuyết, tích cổ, qua những thần tích, ngọc phả còn lại. Cổ sử, từ cái cốt lịch sử trở thành những trang huyền sử. Thế nên, hiếu đạo không dừng lại ở việc thờ cúng tổ tiên, mà còn thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của dân tộc Việt. Thờ Thần là một đặc trưng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, trong đó có thờ thành hoàng, thờ tổ nghề và có hệ thống nhất là thần điện của đạo Giáo Tam phủ và đạo Mẫu Tứ phủ.
Phần lớn các vị được tôn làm thành hoàng làng hay một vị phúc thần bảo hộ cho làng xã đều có danh xưng, sự tích và các công hạnh cụ thể, được ghi chép trong thần tích và ngọc phả. Những nhân vật lịch sử có sự tích rõ ràng được gọi là các Nhân thần. Những nhân vật xa xưa của cổ sử với sự tích có phần dị thường, kỳ lạ thì thường được xếp vào hàng Nhiên thần. Tuy nhiên, khi xét sâu vào sự tích và đối chiếu với hệ thống thờ tự chung thì thường dù có được gọi là “Sơn thần” hay “Thủy thần” thì các vị thần này vẫn có nguyên mẫu là một nhân vật từng tồn tại trong quá khứ. Đó là những vị “chánh thần” được chính thức gia phong, nêu gương sáng qua các triều đại.

Tranh sứ Đạo Mẫu Tứ phủ ở đền Mẫu tại phường Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội


Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép lời của Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên… Vì thế ta phải chia tách riêng. 50 con theo cha về biển, làm Thuỷ tinh. 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc”. Theo đó, Lạc Long Quân hóa tiên về biển làm Động Đình Đế Quân, cai quản Thủy phủ, tức chính là đức Vua cha Bát Hải Động Đình, vị tôn thần hàng đầu trong đạo Mẫu Tứ phủ.
Những người con theo cha Lạc Long Quân cai quản miền ven biển được gọi là các “thủy thượng linh thần” hay các Linh Lang. Tục thờ các thủy thần Linh Lang rất phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, với sự tích thần hóa thân ở nhiều thời gian khác nhau. Đó là Uy Linh Lang, con của Lạc Long Quân bên bến Nhật Chiêu của sông Hồng, là thần Vệ Quốc và Dực Thánh bên Hồ Tây thời vua Hùng đánh giặc Thục, là thái tử Hoàng Lang thời Lý trấn Tây của kinh thành Thăng Long, là Hoàng tử thứ 7 con vua Trần Nhân Tông ở vùng Yên Phụ đánh giặc Nguyên Mông… Tất cả đều là một biểu tượng được tôn sùng và thờ cúng của nhân dân đối với một bậc anh hùng khai quốc tối cổ, vị quốc tổ Lạc Long Quân của thời 4.000 năm lịch sử dựng nước. Tìm hiểu một vị thần tiêu biểu trong những vị thần tối linh của dân tộc Việt, chúng ta có thể hiểu được khái lược về cách người Việt “thiêng hóa” lịch sử, gìn giữ sự thờ tự chính của mình.
Truyền thuyết dân gian được hình thành qua hàng ngàn năm với hình thức truyền miệng. Đương nhiên sẽ không thể phản ánh chân xác những gì đã diễn ra trong quá khứ mà chỉ là những nét phác, những tiếng vang của lịch sử. Cốt lõi của sự việc thờ thần, thần hoàng như tục thờ Thủy Thần – vua cha Lạc Long Quân ở trên là việc dân tộc Việt đã gìn giữ lịch sử, gìn giữ truyền thống thờ phụng tổ tiên để biểu hiện cho nếp sống Hiếu đạo, chuộng sự thương kính của mình.

Chạm rồng ở đình Công Đồng ở xã An Mỹ, Bình Lục, Hà Nam


Các vị thủy thần con cháu của Lạc Long Quân thường được kể với sự tích hiện hình xuất sinh ban đầu là rắn thần. Kèm theo đó là câu chuyện về ông Dài và ông Cụt, là những vị thủy thần thân rắn có công hộ đê chống lũ lụt giúp nhân dân, như trong những chuyện kể ở vùng dọc sông Cái (sông Hồng), từ ngã ba Việt Trì cho tới cửa biển ở Thái Bình. Những thần rắn này đều trở thành những nhân vật thật sự được tôn sùng, tôn xưng là Tôn quan (trong Tứ phủ), Đại vương hay Long thần (các thành hoàng). Dù thế nào thì ý nghĩa cốt lõi của biểu tượng “Thần rắn – Long Vương – Thủy thần” thì vẫn là một. Đại đồng, tiểu dị bởi có chung một cốt lõi, là những thủ lĩnh, những anh hùng của cộng đồng trong quá trình người Việt đi khai phá vùng đồng bằng sông Hồng từ thủa cha Rồng Lạc Long Quân xuống biển. Việc bóc tách các trầm tích lịch sử để thấy ra được cốt lõi của tín ngưỡng là điều vô cùng quan trọng.
Tục thờ cúng bách thần thực chất là thờ cúng tổ tiên, các vị tiên hiền liệt sĩ đã có công lao to lớn trong gây dựng xã hội và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Các bậc tiền nhân anh liệt đó đã “hóa thần” trong tâm thức dân gian và cũng như được nhà nước phong kiến xưa thừa nhận và tôn sùng, qua những đạo sắc phong, những dụ chỉ xây đền miếu, cấp tế điền cho các địa phương. Dưới thời Hậu Lê, bộ Lễ trong chính quyền đã có cả chức quan Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh chuyên về Quản giám Bách thần. Thời Nguyễn, việc phụng tự bách thần cũng rất được coi trọng, thể hiện qua nhiều sắc phong của các đời vua cũng như những di tích được tôn tạo, xây dựng. Tất cả đều với một tâm thức hướng về nguồn cội, tôn sùng tiên tổ.

Bản sắc chỉ thời Lê Cảnh Hưng của đình Cổ Tích, xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ về việc thờ phụng Hùng Vương Thánh Tổ

Tục thờ cúng của dân tộc

Tục thờ cúng của người Việt là một di sản đã được hình thành ngay từ buổi đầu của lịch sử dân tộc. Sớm nhất theo huyền sử là khi chàng Lang Liêu chế ra bánh Chưng, bánh Dày để dâng cúng trời đất và tổ tiên. Hiếu đạo đó của Lang Liêu được vua Hùng ghi nhận, tôn thành người nối ngôi Thiên tử, đứng đầu trong những người anh em được phân phong làm phiên dậu bình phong các nơi.
Tục thờ cúng Hùng Vương như là quốc tổ được chép sớm nhất là khi Thục An Dương Vương dựng cột đá thề trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nguyện thề nối nghiệp họ Hùng, giữ gìn bờ cõi giang sơn. Tục cả nước thờ chung một quốc tổ là một nét độc đáo duy nhất có ở Việt Nam, mà nay đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Phụng tự tổ tiên còn là chỗ dựa tinh thần cho những thủ lĩnh quốc gia trong những cuộc chiến khó khăn chống giặc ngoại xâm. Bà Trưng khi phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn đã lập đàn tế thần và đọc lời thề: “… Thiếp hiềm là một nữ nhân cháu gái họ Hùng Vương xưa, nghĩ tới sinh linh, rỏ trăm giọt lệ Hoàng thiên. Ngày hôm nay đau lòng thương dân đỏ, trượng nghĩa trừ bạo tàn. Xin trăm họ các vị tôn thần linh thiêng hội đàn chứng giám cho lời thề, giúp sức cho Trưng nữ dẫn quân dẹp giặc, giữ nước giúp dân. Dám mong phục dựng lại cơ đồ cũ của tổ tông, đưa nhân dân khỏi tầng cực khổ, thoát ra khỏi nơi nước lửa binh đao, sau không phụ ý của Hoàng thiên, thỏa linh thiêng của miếu đền tiên tử, an ủi cha ông dưới nơi chín suối.”

Đền Hai Bà Trưng ở phường Phương Châu, Việt Trì, Phú Thọ nơi có Đàn Thần Hiện trợ giúp Trưng Vương


Những lời thề của An Dương Vương hay Trưng Vương đã thể hiện lòng biết ơn và ý thức tiếp nối những thế hệ tiền nhân đi trước, nguyện giữ gìn bảo vệ nước nhà và cầu mong được tiền nhân yểm trợ, chở che. Thắp sáng lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội trong mỗi người con Việt qua nếp sống từ nơi gia đình, họ tộc, làng xã và dân tộc chính là mục đích cuối cùng và duy nhất mà cha ông muốn trao truyền cho thế hệ con cháu ngàn đời.

Hành trình di sản Tản Viên Sơn, nối lại mạch nguồn văn hóa

Trong vòng 2 thế kỷ vừa qua đất nước Việt Nam đã trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, cộng với những biến động đột ngột của xã hội đã dẫn đến hàng loạt những đứt gãy trong các lĩnh vực văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trở nên mong manh hơn bao giờ hết. 

Sự đứt gãy văn hóa ấy có thể dễ thấy nhất là trong văn hóa vật chất như thay đổi hoàn toàn phong cách kiến trúc nhà ở truyền thống, trong hình thức quần áo xưa và nay đã thật khác xa nhau. Đó là đứt gãy mối liên hệ trong văn tự, khi mà chữ Nho tượng hình vốn là chữ viết sử dụng từ lâu đời của người Việt đã được La tinh hóa, dẫn đến thế hệ trẻ ngày nay không còn đọc được những gì cha ông mình để lại trong các văn bản, trong các di tích. Đứt gãy về tinh thần giữa quan niệm vô thần biện chứng của phương Tây bao trùm lên nền văn hóa đa thần lâu đời của người Việt. Đứt gãy về tổ chức xã hội, nơi mà cơ cấu làng xã truyền thống đã được thay bằng thể chế hành chính nhà nước từ trung ương xuống địa phương. Đứt gãy về lịch sử lại càng là vấn đề lớn, khi mà người Việt không biết mình là ai, từ bao giờ, từ đâu mà ra?

Trong bối cảnh ấy, để có thể xây dựng một nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc, chắc chắn cần tìm lại những gì mà cha ông chúng ta đã để lại, đó chính là các di sản văn hóa. Chỉ khi nhìn nhận đúng vai trò của di sản văn hóa, chúng ta mới có cơ hội nối lại mạch nguồn với quá khứ, để hướng tới một tương lai vững vàng và thịnh vượng hơn.

Chạm rồng nghê ở đền Vù (Vật Lại, Ba Vì)

Di sản văn hóa làng xã trước hết ngưng đọng trong các di tích thờ tự của làng xã. Ở mỗi một làng Việt xưa đều có một hệ thống các di tích của gồm đình, đền, miếu, chùa, có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua tín ngưỡng đối với các vị thần được tôn thờ. Một trong những linh thần hàng đầu của tín ngưỡng làng xã ở miền Bắc đó là Tản Viên Sơn Thánh. Cho dù đây là vị thần quan trọng bậc nhất trong thần điện Việt, nhưng lại rất ít người biết đến và hiểu rõ. Phần lớn người Việt chỉ biết về Thánh Tản một cách sơ sài qua câu chuyện huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh. Trên thực tế tín ngưỡng thờ Sơn Thánh đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, để lại những di sản văn hóa đồ sộ vô giá ở rất nhiều làng xã người Kinh cũng như người dân tộc, miền núi cũng như đồng bằng trên miền Bắc Việt. Ý nghĩa của những di sản này không chỉ dành cho những người hoài cổ, mà vẫn đang sống động trong tâm thức làng xã và nhân dân. Đi sâu vào tìm hiểu những di sản của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cho ta một nhận thực đầy đủ hơn về giá trị của di sản văn hóa với đời sống hôm nay.

Trên hành trình di sản của Tản Viên Sơn Thánh, đầu tiên chúng tôi tìm về đền Lăng Sương ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Đây là nơi gắn với truyền thuyết bà mẹ họ Đinh đi cấy ruộng, gặp rồng vàng phun nước, đứng trên bàn đá mà sinh hạ Nguyễn Tuấn (Sơn Thánh) bên giếng. Lúc bà sinh nở, có hổ đến ngậm đá chèn bụng để giúp đỡ đẻ. Những di vật hòn đá dựa, giếng nước rồng, hổ thú đá nay vẫn còn ở trước sân đền Lăng Sương như những minh chứng xác thực cho sự tích này. Bà mẹ Thánh Tản sau trở thành bà chúa Thượng Ngàn cai quản Sơn Lâm Nhạc phủ. Còn Nguyễn Tuấn, một con người có thật đã ra đời, để rồi bước vào cõi huyền thoại của những trang lịch sử đầu tiên của người Việt.

“Tinh thần cốt cách ngọc Lăng Sương
Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu
Hoài thai lâu lạ khác bao thường.”

Tảng đá quỳ nơi sinh Thánh Tản ở đền Lăng Sương

Truyện núi Tản Viên trong Lĩnh Nam chích quái kể Sơn Thánh có tên là Hương Lang, là người con cả trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Mẹ Âu Cơ quê cũng ở động Lăng Sương, tức chính là Đinh Phi Thánh Mẫu, người đã sinh ra Thánh Tản ở đây. Đền Lăng Sương là di tích cho thấy Tản Viên Sơn Thánh có nguồn gốc quê quán, có cha mẹ rõ ràng, không phải là sự thần thánh hóa tín ngưỡng thờ núi như quan niệm sai của nhiều người.

Di sản thứ hai mà chúng tôi tìm đến là đình La Phù nằm trong cùng huyện Thanh Thủy của Phú Thọ. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh cùng với Động Đình Tang Ma Thánh Mẫu họ Phan và người con thứ ba của Thánh mẫu. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng dân làng La Phù lại mở hội xuân. Đặc biệt trong ngày hội có trò cướp cây bông, diễn lại tích Tản Viên Sơn Thánh vào làng luyện quân đi đánh giặc Thục từ thời Hùng Vương. Di sản lễ hội này thật sôi nổi hấp dẫn, độc đáo, mang ý nghĩa rèn trí, luyện sức, đua tài, giúp gắn kết cộng đồng trong làng xã cũng như với du khách thập phương.

Làng La Phù cũng là nơi có bãi dâu gai (Tang Ma) hay bãi Trường Sa bên bờ sông Đà, là nơi cha Lạc Long và mẹ Âu Cơ đã gặp gỡ nhau trong truyền thuyết họ Hồng Bàng, mở đầu cho huyền sử Việt. Theo ngọc phả Lăng Sương thì đây cũng là nơi mà Tản Viên Sơn Thánh đã cứu sống con rắn thần, con của Long Vương Động Đình, để lại những lời thơ đầy lưu luyến tình cảm:

“Không gặp làm sao có kiếp sinh
Khi đi là nghĩa, về là tình,
Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
Trở lại cung Rồng, khách chẳng đành
Một dải âm dương đôi tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh
Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
Tương tư chốn ấy bởi xa tình.”

Trong những di sản văn hóa của tục thờ Tản Viên Sơn Thánh thì các thần tích và ngọc phả đóng một vai trò hết sức quan trọng. Số lượng các làng thờ Tản Viên Sơn Thánh có tới hàng trăm, mỗi làng lại có một cách kể sự tích Thánh riêng nên cũng có hàng trăm bản thần tích về Sơn Thánh. Bản thần tích dài nhất trong số này là ngọc phả của sách Tang Ma, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Tuy nhiên ngọc phả này hiện chỉ còn lưu được bản sao trong các thư viện trung ương. Ngay địa danh “sách Tang Ma” trên thực tế đã được chia thành các xã khác nhau của huyện Thanh Thủy, không còn giữ tên xưa. Các ngôi đình cổ thờ Tản Viên Sơn Thánh và Đinh Phi Thánh mẫu ở các xã này đã bị tiêu hủy trong chiến tranh, nay mới được dựng lại một cách sơ sài.

Di tích đền miếu mất mát qua biến động của thời gian. Chữ viết tượng hình xưa dân làng nay không ai biết đọc. Mối liên hệ với tín ngưỡng làng xã trong quá khứ tưởng chừng như đã mất. Nhưng ngọc phả vẫn còn. Những câu chuyện hay, ý nghĩa về Thánh vẫn còn lưu truyền. Trong ngọc phả sách Tang Ma kể rất chi tiết về suy nghĩ và hành động của Thánh Tản báo hiếu 2 bà mẹ đẻ và mẹ nuôi của mình. Sơn Thánh nhờ lòng chí hiếu đó mà cảm động được thần tiên, được ban cho gậy thần mà trở thành Thần sư. 

“Theo trời là Tiên, người là Thánh
Trung thần với nước, hiếu gia đường.”

Đình cổ Tường Phiêu

Hay được nói đến nhiều nhất khi kể về di sản làng xã là những ngôi đình cổ kính với những mái đao chồng diêm bay bổng và nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh tế. Nhưng ít ai để ý rằng, những ngôi đình xứ Đoài (Sơn Tây) nổi tiếng nhất như đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Tường Phiêu, đình Quang Húc, đình Đông Viên… đều là những nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh. Những bức chạm cá hóa rồng, voi lồng, hươu nai… thực ra đều gắn với sự tích của Thánh Tản. Chỗ là Thánh dậy dân cày ruộng, đánh cá, săn bắn, chỗ là dậy hát múa, hội hè… Đối với người dân xứ Đoài, Tản Viên Sơn Thánh là vị phúc thần đã mang lại những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của họ, đúng như lời mong ước trong bản diễn ca sự tích Tản Viên Sơn Thánh của làng Vật Lại (Ba Vì) đã nêu: 

“Ước nên thiên hạ bình an
Ước nên bốn bể phượng loan một nhà
Ước nên phong vũ thuận hòa
Được mùa bách cốc nhà nhà đủ no.”

Các tiên nhân trên núi. Chạm khắc đình Tây Đằng

Di sản của Tản Thánh không chỉ dừng lại ở xứ Đoài. Ngay ở đình Chèm, ngôi đình cổ kính tầm bậc nhất của Hà Nội cũng là nơi có sự tích gắn với Thánh Tản. Đình Chèm thờ một trong Tứ linh thần đất Việt “Hương Bổng Đổng Đằng”, mà thần Hương chính là Hương Lang hay Tản Viên Sơn Thánh. Đây có lẽ cũng là nơi mà vị “phong thủy vương” Cao Biền thời Đường đã chịu thảm bại trước Tản Viên Sơn Thánh, phải than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Cái vượng khí đời nào hết được!”.

Không chỉ là các đình làng, di tích về Tản Viên Sơn Thánh còn là một hệ thống các đền thờ và nhất là các hành cung, tức là những di tích được lập tại những nơi mà Thánh đã thường ghé qua. Lớn nhất trong Ngũ hành cung Tản Viên là Đông cung đền Và ở thị xã Sơn Tây. Theo thần tích thì Đông thần cung là nơi các quan thần yết kiến Thánh Tản. Tại đây Tản Viên Sơn Thánh đã thực sự trở thành vị Vua tối cao của đất nước, nắm đại quyền thiên hạ.

Đền Và có thể coi là một di sản văn học bởi đền có rất nhiều những bức hoành phi, câu đổi cổ, tất cả đều cùng một chủ đề ca ngợi công đức và tôn sùng Tản Viên Sơn Thánh. Một câu đối rất hay của đền Và đã khái quát về Thánh như sau:

“Thần tôn là thiêng, đất tôn là thiêng, cũng người tôn mà thành thiêng, cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi được thành thuật, sông được thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.”

Cái linh khí của bậc Tiên Thánh ấy là từ Trời, từ Đất và nhất là từ Con người, từ dân gian tôn mà thành thiêng. Di sản tín ngưỡng thờ thần thánh của người Việt bắt nguồn từ chính dân gian, từ chính làng xã Việt.

Tượng đá cổ Tản Viên Sơn Thánh ở đền Thượng Ba Vì

Nói về di sản văn hóa về Sơn Thánh không thể không nói đến núi Tản Viên, ngọn núi thiêng vào bậc nhất của nước Nam. Đền Thượng trên đỉnh Ba Vì là nơi chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn ngày nào đốn củi, gặp được Thái Bạch Tử Vi Thiên Tướng, lãnh hội được cây gậy của thần mà trở thành vị thần đứng đầu Tứ bất tử trời Nam. Hiện cổ vật của đền Thượng là 3 pho tượng đá không biết có từ bao giờ, thể hiện Tản Viên Sơn Thánh, lão tiên Thái Bạch Kim Tinh và Tá Thánh Thiên Thần núi Ba Vì. Tư tưởng của Đạo Giáo về các tiên nhân phiêu du trên miền rừng núi được thể hiện rất rõ trong sự tích của Tản Viên Sơn Thánh.

Bài thơ về núi Thu Tinh, nơi có long mạch đã sinh ra Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh, luận về việc này:

“Từ đế vương cùng muôn triệu dân
Quay về sẽ phải tụ tinh thần
Sự truyền khó luận chân hay ảo
Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.”

Tín ngưỡng đối với Sơn Thánh đã không còn là chỉ là đền miếu dân gian mà đã đi vào kinh sách của Tam Giáo. Một trong những cuốn kinh về Tản Thánh của phong trào thiện đàn Tam Giáo thời nhà Nguyễn là Đại hóa thần kinh, với bài trùng đính ngọc phả Thánh Tản của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lời của Đại hóa thần kinh ghi: 

“Thượng Đế sắc phong [Thánh Tản] làm Nam Nhạc thần, nắm quyền Nam Tào Bắc Đẩu, là chủ của vạn thần nước Nam. Tất cả việc nối ngắt các triều đại, hóa sinh của người vật, không có gì là không thuộc quyền xét của Thánh, là đại diện phân xử chính. Đến nay việc ra vào đi đứng, ăn uống trang phục đều như lúc còn sống. Trong các thần bất tử nước Nam thì Tản Thánh ta là đứng đầu.”

Tín ngưỡng đối với Tản Viên Sơn Thánh như thế đã lên đến hàng đầu trong văn hóa bách thần nước Nam.

Trang bìa cuốn Đại hóa thần kinh in dưới thời vua Thành Thái

Một câu chuyện có thực về vai trò của di sản Sơn Tinh trong đời sống ngày nay từng xảy ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Nơi đây xưa vốn là xã Bằng Lộ thuộc châu Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình, là nơi sinh sống của đồng bào người Mường. Trước đây tại đình làng Bằng Lộ người Mường thờ Quốc mẫu Vua Bà, là mẹ đẻ của Thánh Tản. Tuy nhiên, trong chiến tranh giặc Pháp đã phá đình lấy gạch đá để xây lô cốt. Ngôi đình hàng tổng xưa đã bị hủy trong gần trăm năm, nhưng người dân Bằng Lộ vẫn đau đáu muốn khôi phục lại tục thờ Quốc mẫu Vua Bà. Cho dù không còn gì để làm căn cứ chính thống, nhưng nhân dân xã Đông Xuân cùng với chính quyền xã đã “mạnh dạn” góp nhau cùng dựng lại một gian thờ ở chỗ nền đình xưa. Rất may, sau đó xã Đông Xuân lại tìm được bộ bản sao các thần sắc từ năm 1938 của làng Bằng Lộ lưu trong Thư viện Khoa học xã hội. Với căn cứ di sản là các sắc phong cổ, ngôi đình xưa đã được dựng lại một cách chính thức và công nhiên. Nhu cầu văn hóa tín ngưỡng được đáp ứng trong niềm hoan hỉ của người dân.

Những câu chuyện như ở xã Đông Xuân hiện nay không phải hiếm gặp trong các làng xã cổ. Rất nhiều trường hợp chỉ bằng những di sản như một bản thần tích, một đạo sắc phong, một tấm bia đá, một bức tượng gỗ… cũng đủ để làng xã khôi phục lại cả một công trình tín ngưỡng và lễ hội truyền thống. Di sản văn hóa lúc này là mạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là chỗ dựa cho bản sắc văn hóa vật chất và tinh thần làng xã, cho tư tưởng tín ngưỡng của nhân dân và cho cả lịch sử chân xác hàng ngàn năm của dân tộc vẫn đang còn ẩn chứa trong dân gian.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” cho thấy ý nghĩa của trống đồng trong việc hiệu lệnh chư hầu trước các nước lân bang. Chỉ một tiếng trống vang lên cũng đã làm các chúa mường phải thuần phục. Thục Phán nhờ có trống đồng đã trở thành vua chủ của 9 tộc người. Trống đồng là thứ gì mà lại có quyền uy như vậy?

Bất ngờ lớn nhất là những thông tin về công dụng của trống đồng lại được ghi trong cuốn kỳ thư cổ đại là Kinh Dịch. Trong 64 quẻ Dịch, quẻ Dự có lời tượng như sau: Dự – sấm vang rền mặt đất, tiên vương dùng tạo nhạc đề cao đạo đức, long trọng dâng lên thượng đế cùng với tiên tổ.
Trống đồng còn gọi là trống sấm, là loại trống duy nhất khi đánh để úp xuống đất, nên lời tượng quẻ Dự nói: sấm vang rền mặt đất. Quẻ Dự như vậy có hình tượng là trống đồng. Chữ “tác nhạc” cho thấy rõ ràng trống đồng là một nhạc cụ dùng trong các buổi lễ tế. Nó chính là tổ tiên của văn hóa cồng chiêng ngày nay.
Nói đến vua Thục Phán không thể không nói tới thành Cổ Loa, tương truyền do An Dương Vương xây dựng. Cũng ở Cổ Loa, đã phát hiện đươc một chiếc trống đồng lớn cùng với những vũ khí hình như lưỡi cày đồng. Ở mặt trong vành chân đế của trống đồng Cổ Loa có khắc một dòng chữ triện, có thể đọc được như sau: “Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”. Nghĩa là: “Trống tế thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”. Chữ đầu tiên trong dòng chữ này đọc là Vu, có nghĩa là tế lễ, cầu mưa. Đây là một bằng chứng về công dụng sử dụng của trống đồng trong các buổi lễ tế trời và tổ tiên người Việt.

Trống đồng Cổ Loa

Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là nơi có đền thờ thần Trống Đồng, gọi là đền Đồng Cổ, nằm ở làng Đan Nê. Sách “Linh tích Tam Thai sơn” có đoạn viết về trống đồng ở Đan Nê như sau: “Trước kia, ở miếu thờ có 1 trống đồng, tương truyền là vật cổ từ thời vua Hùng, mặt trống có đường tròn 1 thước 5 tấc (0,6m), cao hai thước (0,8m), rỗng lòng không đáy, giữa mặt trống có chỗ lõm như rốn bụng, vành mép ngoài nối liền chữ triện, bốn bên có dây xoắn hình chữ Vạn, chữ lâu đời bị mòn, xoa xát cũng không rõ, xung quanh mặt chỉ còn vân hoa như hoa đẩu; núm có lỗ hổng bằng hạt đậu. Đó là trống đồng Lạc Việt nổi tiếng”.
Theo Địa chí huyện Yên Định thì tại làng Đan Nê còn lưu truyền đôi câu đối: “Vật lưu Bách Việt tổ. Kiến ấp Trịnh Lưu Hà”. Di vật còn lưu lại ở Đan Nê là chiếc trống đồng như được mô tả trong sách Linh tích Tam Thai sơn. Trên chiếc trống này còn có chữ dạng triện (sách Đại Nam nhất thống chí chép là dạng chữ khoa đẩu), là loại chữ tượng hình sớm, trước thời nhà Tần. Câu đối ở Đan Nê cho biết trống đồng gắn liền với thời Hùng Vương, là tổ của Bách Việt và dùng trong việc phong ấp cho 3 dòng họ ở đây là họ Trịnh, họ Lưu và họ Hà.
Công dụng của trống đồng dùng trong phong ấp lập họ cũng khớp với lời của quẻ Dự, nói: “Lợi kiến hầu, hành sư”. Theo lời quẻ, trống đồng được sử dụng để “kiến hầu”, tức là dùng để phong tước phong hầu, và “hành sư”, nghĩa là dùng để điều khiển quân đội.
Trong cuốn cổ thư “Trúc thư kỷ niên” có chép khi Tần đánh bại và thu phục được các tiểu quốc Tây Nhung, vua Chu Tương Vương đã ban cho Tần Mục Công những chiếc trống đồng. Đây là tư liệu sớm nhất nhắc đến trống đồng trong lịch sử. Việc vua Chu ban trống đồng có ý nghĩa như là phong vùng đất Tây Nhung mới thu phục được cho Tần Mục Công. Nói cách khác, trống đồng đã được sử dụng làm vật ban phong đất và phong tước.

Tiền tế đền Đồng Cổ ở Đan Nê

Trống đồng là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn được biết gặp nhiều nhất tại Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Phạm vi phân bố của trống đồng tương ứng với cương thổ của nước Văn Lang thời Hùng Vương, có phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Ba Thục, phía Bắc giáp Hồ Nam, phía Nam giáp Hồ Tôn. Vùng đất Quý Châu là đất Ba Thục, cũng là nơi được ghi nhận là xuất xứ của Thục An Dương Vương.
Một chiếc trống đồng có nguồn gốc từ đất Thục ở Quý Châu với những họa tiết tạo hình và chữ viết rất độc đáo. Chiếc trống Thục này có dạng đặc trưng Heger II, cao 24cm, đường kính mặt trống 35 cm, đường kính đáy 29 cm. Ở giữa chiếc trống đồng là hình mặt trời có 16 tia, nhưng hết sức khác lạ là bên trong mặt trời lại có hình tròn với 5 vòng xoắn. Hình tròn 5 xoáy vừa là biểu tượng cho mặt trời, cũng là biểu tượng của Ngũ hành, xưa có tên là “Nhật nguyệt tinh thần”, gồm 4 tượng của các vì tinh tú và 1 hình tròn ở trung tâm. Đây là biểu tượng của nguyên thần, của những gì căn cơ nhất trong trời đất, tương tự như khái niệm Thái cực đồ âm dương sau này.
Ở vòng tròn bên trong gần mặt trời là hình 16 con chim cổ dài như cổ cò, đứng thành từng 8 cặp quay vào nhau. Mỗi con chim đứng trên một con rắn dài nhỏ. Hình Chim – Rắn khá giống cảnh đôi Hạc đứng trên lưng Rùa để chầu. Chim – Rắn cũng như Hạc – Rùa là thể hiện không gian, trên trời có chim, dưới đất có rắn rùa. Tương tự trên trống đồng Ngọc Lũ là chim bay trên trời, hươu chạy dưới đất. Rắn cũng có thể coi là tượng hình của Rồng, nên biểu tượng Chim – Rắn là dẫn chứng nữa về sự hòa hợp biểu tượng của 2 dòng Tiên – Rồng trên mặt trống đồng.
Vòng ngoài trên mặt trống gồm 4 đoạn giống nhau, phân tách bởi 4 tượng cóc. Mỗi đoạn gồm 3 cụm hoạt cảnh. Mỗi hoạt cảnh thể hiện hình một người có tóc búi đuôi sam dài, đang dương cung bắn vào một con thú, hình như con cáo. Đối diện là một hình người chim, có phần đầu như đầu chim, mỏ lớn, có 2 cánh. Tổng cộng có 12 hoạt cảnh giống nhau lặp lại ở vòng ngoài của mặt trống. Tóc đuôi sam, hình người chim đều là những biểu tượng đặc trưng có trong văn hóa Thục. Người chim được thể hiện trên cây vũ trụ tìm thấy ở Tam Tinh Đôi trên đất Thục cổ. Sử dụng nỏ thành thạo là sự liên hệ đến câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết Việt.
Trên mặt trống có 4 tượng cóc cõng nhau. Khác với hình cóc thường gặp trên trống đồng Đông Sơn, mỗi tượng cóc ở đây được thể hiện thành khối dày chắc chắn, ngẩng đầu, có các xoáy âm dương ở hai bên thân. 4 tượng cóc nằm ở 4 góc, thể hiện tính vuông của Đất. Trong khi mặt trống hình Tròn, chỉ tính chất của Trời. 4 góc là nơi Trời tròn – Đất vuông giao hòa mà sinh ra vạn vật. Cho nên mới có cóc đực cái giao hợp, sinh sôi nảy nở không ngừng.

Trống đồng Thục

Trống Thục có 4 chiếc quai, khá đặc biệt, không giống kiểu quai hình văn thừng như các trống đồng Đông Sơn. Quai trống Thục có hình đầu rồng có tai lớn, ngậm quai. Hình này có thể gọi là hình Tiêu đồ, đặc trưng của các đồ đồng dòng đỉnh vạc thời Thương Chu. Sự kết hợp các chi tiết biểu tượng của 2 dòng đồ đồng Trung Hoa trên cùng một hiện vật, đánh dấu sự thống nhất 2 dòng văn hóa của thiên hạ. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Rồng là dòng theo cha Lạc Long Quân, thể hiện trên các đồ vật có chân như đỉnh, vạc thời Thương Chu. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Chim là dòng theo mẹ Âu Cơ, thể hiện trên các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn.
Ở vành ngoài trên mặt trống có 57 ký tự lớn ở dạng Đại triện. Niên đại của lối chữ này ước đoán vào khoảng thời Chiến Quốc, trước khi Tần thống nhất chữ viết toàn Trung Hoa thành chữ Tiểu triện. Sự kết hợp giữa trống đồng và chữ Triện là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất rằng văn hóa trống đồng thuộc chung nền văn hóa chữ tượng hình phương Đông, tức là nằm trong cùng một thiên hạ Trung Hoa thời nhà Chu.
Dòng chữ ngoài cùng được đúc sâu, khá rõ nét. Lối viết Đại triện này có nhiều khác biệt nên hiện không thể đọc hết được số chữ này. Tuy nhiên trong bài minh văn của chiếc trống Thục có nói tới việc phong tước và hành sư, như đoạn câu “Vương tứ Bá” – Vua ban thưởng cho Bá, và đoạn “nội sơn tác sư” – trong núi lập ra quân đội. Dựa vào nội dung chữ đọc được trên trống, có thể thấy đây là một chiếc trống được ban cho một vị tướng tước Bá để dùng làm hiệu lệnh, xây dựng quân đội.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép về đền Đồng Cổ ở Yên Định như sau: “Xưa Hùng Vương đi đánh Chiêm Thành đóng quân ở núi Khả Lao, đêm mơ thấy thần báo mộng, bảo vua rằng: Xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen này. Đến khi ra trận, thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống, tiếng kiếm kích, rồi quả nhiên vua được toàn thắng”.
Như vậy, trong thần tích về thần Đồng Cổ, trống đồng được dùng trong việc đánh trận, điều khiển quân đội. Ở chiếc trống Thục trên, công dụng về việc hiệu lệnh quân đội thể hiện ở phần thân trống. Thân trống chia làm 3 phần. Phần tang trống có 16 hoạt cảnh người đi săn – người chim như trên mặt trống. Còn 2 phần lưng và chân trống là vòng tròn các chiến binh, gồm cụm 3 người một. Một người chống tay cầm kiếm, một người đang dương cung và một ngươi vung 2 tay như đang dùng dùi đục. Tổng cộng cả phần mặt trống và thân trống có tất cả 156 hình người. Có thể thấy đây là trống quân dùng trong quân ngũ, chứ không phải trống dùng trong tế lễ.

Mặt trống Thục

Chiếc trống đồng có chữ Đại triện là minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp giữa vùng Bắc Việt và đất Thục ở Tứ Xuyên, Quý Châu. Những cặp đôi: Mặt trời – Ngũ hành, Chim – Rồng, Trống đồng – Chữ đại triện cho thấy thực chất cả 2 dòng Tiên – Rồng của truyền thuyết Việt đều thuộc một nền văn minh phương Đông cổ đại. Trống đồng thật sự là vật lưu truyền của tổ Bách Việt, từ cha Rồng mẹ Tiên hợp nhất trong vòng quay trường cửu quanh mặt trời ở trung tâm vũ trụ.