Đợi tuần tháng Tám cá ăn thề

Truyền thuyết cổ đại kể rằng, thời Đường Nghiêu hồng thủy mênh mông, nước ngập tới lưng trời. Vua Đại Vũ đi xem xét các nơi rồi đến đoạn hiểm trở nhất của sông Hắc Thủy, đục đá phá mỏm núi chắn ngang sông, khơi thông nước lũ. Thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”. Nơi Đại Vũ phá đá trị thủy gọi là Vũ Môn. Vũ Môn có nước chảy xiết, hằng năm cá chép tập trung đến đây, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng. Nên nơi đây còn gọi là Long Môn hay Vũ Long Môn.

Đối với người Việt, Cá vượt Vũ Môn là hình tượng rất thân thuộc, đã đi vào thơ văn, vào tranh dân gian, vào các mảng chạm khắc trang trí trong các đình làng quê lối xóm. Người Việt có câu ca dao:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Vũ Môn là nơi nào mà ca dao người Việt lại nói tới rõ ràng cả ngày tháng như một phong tục lâu đời vậy?

Chạm khắc cá hóa rồng ở đình Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì

Cuốn sách thờ cổ lưu truyền ở vùng chân núi Ba Vì là “Tản Viên Sơn từ di tích” có đoạn sau: “Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Tản Viên đại vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, bèn đọc ước chú làm cho đá vỡ tung, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai liền hết.”

So sánh đoạn sự tích này với truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì bất ngờ nhận ra rằng vua Đại Vũ trị thủy thời Đường Nghiêu chính là Tản Viên Sơn Thánh ở vùng núi Ba Vì. Sông Hắc Thủy, nơi Đại Vũ dùng “thuật thần tiên” bạt đá trừ thủy hoạn, vốn là tên của dòng sông Đà. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” đã ghi:

Dòng chính có một nhánh chảy xuống thành sông Hắc Thủy vào nước ta… đến sông Kim Tử thì nhập lại thành sông Đà. Sông này nước rất trong… Đường thủy khó đi với 83 ghềnh thác có tiếng hiểm trở mà Vạn Bờ là khó khăn hiểm trở nhất.

Còn nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người mà quê hương và bút danh gắn với vùng núi Tản sông Đà có bài thơ “Tự thuật” như sau, minh chứng cho tên Hắc Thủy (sông Đen) của dòng sông Đà:

Văn chương thời nôm na,

Thú chơi có sơn hà,

Ba Vì ở trước mặt,

Hắc Giang bên cạnh nhà.”

Một đoạn sông Đà ở khu vực Vạn Bờ.

Long Môn, nơi vua Vũ đã đục thông lòng sông Hắc Thủy, khơi dòng dẫn nước qua núi Tam Nguy về Nam Hải, là đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ nay ở tỉnh Hòa Bình, rồi vòng qua núi Ba Vì mà chảy vào sông Nhị Hà ra biển. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long Thuỷ. Hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua bờ Long Thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5-6 trượng, người ta gọi là Ao Vua, tức là bến sông Vạn Bờ xưa, thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc.”

Mỏm đá có bài thơ “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn quá Long Thủy đê” (Chinh phạt Đèo Cát Hãn về qua bờ Long Thủy) của Lê Thái Tổ đề khắc tháng ba năm Nhâm Tý (1432) nay vẫn còn lưu trong khu di tích đền Thác Bờ. Đây là những minh chứng rõ ràng cho tên gọi Long Môn xưa của Thác Bờ trên sông Đà.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn còn chép: “Thác Bờ ở địa phận động Dĩ Lý và Hào Trang thuộc Mộc Châu. Một ngọn núi đứng sững giữa dòng sông Đà. Đá lớn lởm chởm. Mỗi năm đến ngày 8 tháng 4 từng đàn cá ngược dòng bơi lên những chỉ có vài con cá chép là lên được. Sách Giao Châu ký viết rằng: Có Long Môn nước sâu đến trăm tầm, cá lớn vượt lên đến đấy sẽ hóa thành rồng. Sách Sơn Đường dị khảo viết: Sông Long Môn ở huyện Mông, phủ Gia Hưng, nước An Nam. Nước sông chảy đến đấy thì hai bên bờ đá lớn chắn ngang, nguy hiểm. Ở giữa mở ra ba đường, nước tung tóe, bay xa đến mấy trượng, ầm ầm như sấm dội trống vang, xa hơn trăm dặm mà vẫn còn nghe được. Đến đây thuyền phải kéo lên bờ mới đi được. Bên cạnh có hang lắm cá Anh Vũ. [Chỗ các sách trên nói tới] chính là đây… Hạ lưu của Vạn Bờ… có núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngòi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.” 

Vũ Long Môn là Thác Bờ trên sông Đà, nơi Tản Viên Sơn Thánh đã khơi dòng trị thủy. Xứ Ngòi Lạt là quê hương của Sơn Thánh, nằm 2 bên bờ sông Đà ở đoạn giáp núi Ba Vì, thời Nguyễn thuộc tổng Tu Vũ. Ngày nay con ngòi này vẫn còn mang tên Ngòi Lạt chảy từ ở địa phận huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình sang huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ.

Truyền thuyết ở Ba Vì kể Ngòi Lạt là đường nước mà Thủy Tinh đã mở để đánh tập hậu vào mặt Tây núi Tản. Nơi đây Sơn Tinh dùng lạt hóa ra lũy tre, cắm chông đá (Đá Chông) để chặn quân của Thủy Tinh. Cửa Ngòi Lạt chảy từ núi Tản ra sông Đà nay là Xóm Lặt, nơi có đền Hạ thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì. 

Núi Tản nhìn từ sông Đà.

Núi Tản như thế là ngọn núi có cây ngải tiên, hoa rơi xuống ngòi, cá đớp được vượt Thác Bờ sẽ hóa rồng. Ở khúc sông Đà này có nhiều cá Anh Vũ, là loài cá có hình dáng tựa như cá chép nhưng có chiếc mõm rất dày, cong, có màu sắc như mỏ vẹt. Cá Anh Vũ dùng chiếc mõm dày khỏe này để bám vào vách đá, ăn rêu nơi nước chảy xiết. Đến mùa sinh sản tháng 3-4, loài cá này bơi ngược dòng để tìm những hốc đá nước sâu mà đẻ trứng. Hình ảnh những con cá Anh Vũ vượt ghềnh Thác Bờ đã được điển tích hóa thành cá hóa rồng ở Vũ Môn.

Cá đi ăn thề còn là hình tượng của việc Sơn Tinh cùng hẹn với Thủy Tinh đến Phong Châu nơi vua Hùng kén rể để thi tài. Cá vượt Vũ Môn cũng là việc vua Đại Vũ trị thủy, khơi thông dòng sông, vượt qua được nạn hồng thủy, chiến thắng Thủy Tinh.

Tương truyền vua Đại Vũ khi trị thủy đã nhìn hình vẽ trên lưng một con Long mã mà sáng tạo ra Hà đồ. Theo đồ hình này thì số 4 là con số chỉ hướng Tây, số 8 chỉ hướng Đông, số 5 chỉ trung cung. Trong câu ca dao, cá tụ họp ăn thề vào ngày mồng 4 ở hướng Tây (Sơn Tây), để đi sang hướng Đông (mồng 8), vượt qua trung cung (số 5 – ngũ – Vũ môn) mà ra biển lớn mà hóa rồng. 

Long mã cõng Hà đồ.

Trong Ngũ hành, cá thuộc về hành Thủy (nước), Rồng thuộc về hành Mộc. Thủy sinh Mộc là một giai đoạn trong Ngũ hành tương sinh, nói về sự phát triển từ những nền tảng vật chất (hành Thủy) mà đạt được sự thăng hoa trong xã hội (hành Mộc). Đại Vũ Sơn Tinh thật sự là “cá hóa rồng” khi khơi dòng Hắc Thủy Đà Giang ở Long Môn Thác Bờ, rồi lên làm chủ thiên hạ họ Hùng của người Việt.

Hình tượng cá vượt Vũ Môn là một lời thề, là tấm gương ngàn năm của Tản Viên Sơn Thánh, vị vua lớn thời lập quốc, đã tìm tòi sáng tạo ra những tri thức về thế giới và nhân sinh (Hà đồ, Ngũ hành), nhờ đó nỗ lực vượt qua thiên tai, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân, đưa xã hội người Việt ở thủa hồng hoang phát triển lên một nấc thang mới.

Một lần nữa xin dẫn lời của Tản Đà, người được nhà văn Hoài Thanh xếp hàng đầu trong “Thi nhân Việt Nam”. Bài thơ “Thề non nước” với lời nguyện nước thề non lấy từ điển tích cá đi ăn thề và truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh ở vùng núi Tản sông Đà.

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi, không về cùng non

Nhớ lời “nguyện nước thề non”

Nước đi chưa lại, non còn đứng không…

Bài viết đăng báo Lao động cuối tuần ngày 27/9/2020.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-tuan-thang-tam-ca-an-the-839005.ldo

Rồng bay biển Bát – Phượng gáy non Kỳ

Thời đại Hùng Vương theo huyền sử Việt có thể được chia thành 3 giai đoạn:1. Sơ kỳ họ Hùng: 5.000 năm – 4.000 năm trước. Thời kỳ có thủ lĩnh. Bắt đầu từ Đế Minh, cháu ba đời của Thần Nông cho đến Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Khởi đầu của thời kỳ này là việc Thái tổ Đế Minh lên núi Thái Sơn mở nước. Biểu tượng của thời này là Nhật nguyệt tinh thần (khai mở Càn Khôn). Trung tâm của thời này là vùng đất tổ Phong Châu.2. Trung kỳ Hùng Vương: 4.000 năm – 3.000 năm trước. Thời phụ đạo.Từ Lạc Long Quân đến Hùng Duệ Vương. Khởi đầu thời kỳ này là Vua cha Lạc Long Quân xuất thế ở Bát Hải. Thời kỳ này người Việt phát triển về phía Đông (Động Đình). Biểu tượng là con Rồng.3. Hậu kỳ Hùng Vương: 3.000 năm trước đến năm 258 TCN. Thời kỳ phong kiến phân quyềnTừ khi Thục Chủ Âu Cơ lên ngôi ở Phong Châu cho đến khi An Dương Vương cầm sừng văn tê bảy tấc đi ra biển. Thời kỳ này là dòng Âu – Thục ở phía Tây (Ai Lao) làm Thiên tử. Biểu tượng là hình chim Phượng trên trống đồng, gắn với điềm báo “Phượng gáy non Kỳ”.
Thời đại Hùng Vương theo huyền sử kết thúc khi nhà Tần diệt An Dương Vương thống nhất thiên hạ, lập chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Biểu tượng thời thống nhất là hình tượng Phi Liêm, kết hợp giữa Rồng và Phượng.
Lược đồ thời đại Hùng Vương kèm theo với những hình màu xanh là những truyền thuyết (sự kiện) xảy ra trong mỗi thời kỳ.Hình Long Phượng chầu Nguyệt thực chất là biểu tượng cho lịch sử dựng nước họ Hùng, gồm cả 3 thời kỳ trên.

Lược đồ sơ và trung kỳ của thời đại Hùng Vương

Lược đồ sơ và trung kỳ của thời đại Hùng Vương đối chiếu và sắp xếp theo 3 nguồn tư liệu:

1. HUYỀN SỬ VIỆT như Lĩnh Nam chích quáiTrong mỗi truyện của huyền sử mỗi hình tượng nhân vật là một triều đại truyền nhiều đời, có thể kéo dài vài trăm tới hàng nghìn năm. Ví dụ, Kinh Dương Vương không phải chỉ có 1 người mà Kinh Dương Vương là một danh xưng của thủ lĩnh vùng Bắc Việt (đất Kinh hay Lạc). Do đó có Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy 2 công chúa Ngọc Hoa Tiên Dung, có Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình.

2. TÍN NGƯỠNG VIỆT qua các thần phả thần tích ở các di tích tín ngưỡngĐiểm đặc biệt của loại thông tin này là mang tính địa phương cao. Cùng một hình tượng trong huyền sử nhưng được cụ thể hóa bởi công đức sự nghiệp tại địa phương có di tích. Nhờ đó có thể định vị, xác định được những chi tiết trong lịch sử.

3. HOA SỬ như ghi chép của Tứ thư Ngũ kinhĐặc điểm của những tư liệu này là rất chính xác… từ góc nhìn của người Hoa. Trong đó 90% những lời chú giải về vị trí của các nhân danh, địa danh là sai hoàn toàn do hệ tọa độ địa văn hóa bị dùng nhầm một cách vô tình hay cố ý.

Ghi chú về các ký hiệu trong hình:

– Dấu cộng: Sự kết hợp 2 dòng (2 cộng đồng) một cách hòa bình qua hình thức kết hôn hoặc nhường ngôi.

– Dấu mũi tên một chiều: Ngôi vị được truyền qua các đời.

– Dấu mũi tên 2 chiều: Sự đối kháng của 2 cộng đồng qua chiến tranh giành quyền lực.

Nước Sùng và Tản Viên Sơn Thánh

Thông tin về nước Sùng, một nước thời Tam Đại Trung Hoa, theo wikipedia:

Tương truyền vào thời Hạ, cha của vua Vũ là Cổn được phong là Sùng Bá đã lập nên thành trì nước Sùng, sau khi Cổn bị giết thì đất ấy từ đó liên tục không có vua.

Nước Sùng thời Ân Thương dời đô sang chỗ khác… Quốc quân nước này trong giáp cốt văn được gọi là “Tông hầu”, người trong họ từng giữ chức khuyển quan nên gọi là “khuyển tông”… Dưới thời Đế Tân, Sùng Hầu Hổ mật báo việc Chu Văn Vương mưu đồ tạo phản với vương thất nhà Thương. Văn Vương về sau liền khởi binh diệt luôn nước Sùng, lấy đô thành của nước này dựng nên Phong Kinh. 

Theo đó, nước Sùng trong thư tịch cổ là:

– Nơi Đại Vũ trị thủy, tức là kinh đô Trung Hoa thời Hạ Vũ.

Nơi đóng đô của Sùng Hầu Hổ, Bắc Bá Hầu dưới thời Ân Trụ Vương. Tông hầu nghĩa là nước của “tổ tông” Trung Hoa, tức còn là đất gốc từ thời Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn.

Là Phong kinh của thời Chu Văn Vương.

Các học giả Tàu hiện lúng túng không biết nước Sùng như thế thì nằm ở đâu, đành đưa ra lý thuyết… nước này có chân, chạy từ nơi này sang nơi khác… vì nhà Hạ họ xác định đâu đó quãng Sơn Tây – Hà Bắc, Phong kinh của nhà Chu lại ở Thiểm Tây, cách nhau một giời một vực, làm sao ra thành một địa điểm được?

Thời Hạ Vũ, nước lũ ngập trời… Vậy làm sao chỗ nước ngập trời ấy lại ở vùng sa mạc Thiểm Tây?

Những ghi chép về nước Sùng thời Tam Đại đã cho thấy… định vị Hạ Thương Chu của sử Tàu hiện nay là sai hoàn toàn. Sự thực nước Sùng không hề nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà nên tìm khắp ở đó không có chỗ nào đáp ứng được những mô tả của cổ thư về nước này.

Để xác định vị trí nước Sùng, trước tiên xin xem thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”.

Sông Hắc Thủy đổ ra biển Nam Hải, nơi Đại Vũ khơi dòng trị thủy, thì không thể ở tận bên Hoàng Hà được. Hắc Thủy thực ra là tên của sông Đà (sông Đen), tới ngày nay vẫn còn lưu tên. Nhà thơ Tản Đà, quê hương và bút danh ở vùng núi Tản sông Đà có bài thơ Tự thuật như sau, minh chứng cho tên Hắc Thủy của sông Đà:

Văn chương thời nôm na,
Thú chơi có sơn hà,
Ba Vì ở trước mặt,
Hắc Giang bên cạnh nhà. 

Chạm khắc cá hóa long đình Tây Đằng.

Sông Đà cũng là nơi “cá vượt Vũ Môn hóa rồng” vì Vũ Môn hay Long Môn là khu vực Thác Bờ hiểm trở trước đây của dòng sông này. Đại Nam nhất thống chí ghi“Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội”…

Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì ghi: “… Núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngòi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.” 

Long Môn là nơi vua Vũ đã  đục thông lòng sông, khơi dòng dẫn nước qua Tam Nguy về Nam Hải, là ở đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ nay ở tỉnh Hòa Bình, rồi qua núi Ba Vì mà chảy vào sông Nhị Hà ra biển.Như vậy khu vực nước Sùng, nơi 2 vị Cổn và Vũ lao tâm khổ tứ hàng chục năm trời trị thủy cũng chính là vùng sông nước mêng manh thời cổ này ở đồng bằng miền Bắc Việt. Vị vua trị thủy bên dòng sông Đà thì không còn ai khác ngoài Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh chính là Đại Vũ trong cổ sử Trung Hoa.

Câu ca dao Việt:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Theo Hà thư thì số 4 là con số chỉ hướng Tây, số 8 là chỉ hướng Đông. Cá tụ họp ăn thề đi từ hướng Tây sang hướng Đông, theo sông Đà vượt qua Vũ Môn ở Thác Bờ mà hóa Rồng ở vùng sông Nhị (đền Và) rồi ra biển. 

Ban văn võ ở đền Và và hoành phi Nam Thiên thánh tổ.

Cá thuộc về hành Thủy (nước). Rồng thuộc về hành Mộc. Thủy sinh Mộc là một giai đoạn trong Ngũ hành tương sinh, nói về sự phát triển từ những nền tảng vật chất (hành Thủy) mà đạt được sự thăng hoa trong xã hội (hành Mộc). Đại Vũ Sơn Tinh thật sự là “cá hóa rồng” khi khơi dòng Hắc Thủy, rồi lên làm chủ thiên hạ họ Hùng người Việt.

Thư tịch cổ cho thông tin hết sức quan trọng. Cha của Đại Vũ là Cổn, là thủ lĩnh vùng đất Sùng. Do vậy, nước Sùng của Sùng Hầu Hổ thời Ân Thương cũng chính là nơi Đại Vũ trị thủy, tức là miền Bắc Việt ngày nay. Hình ảnh Tản Viên Sơn Thánh trong truyền thuyết Việt bao gồm những sự tích của cả thời Đại Vũ trị thủy và Sùng Hầu Hổ thời Ân Thương. 

Nước Sùng còn in dấu ấn trong sử Việt với tên Sùng Lãm của cha Lạc Long Quân. Còn ở Bình Đà, nơi thờ Lạc Long Quân thì có ghi chép 4 đời chúa họ Sùng có là Sùng Nghiêm, Sùng Quyền, Sùng Huề và Sùng Lãm. Lạc Long Quân được coi là người khởi đầu triều Hùng nên các chúa họ Sùng sau đó cũng thuộc về các đời Hùng Vương, mà Hùng triều kết thúc bằng sự kiện Thục Vương đánh Hùng Duệ Vương. 

Sùng Công còn là một trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Vị Tả kiên thần Cao Sơn của Thánh Tản có tên là Nguyễn Sùng. Đây hẳn cũng là một vị chúa họ Sùng đã cùng Sùng Hầu Hổ chống giặc Thục. 

Câu chuyện Sơn Thánh đánh Thục trong sử Việt là việc Sùng Hầu Hổ chống lại Chu Văn Vương, mà kết thúc là Văn Vương chiếm được đất Sùng, lập Phong kinh ở đó. Truyền thuyết Việt kể thành Thục Vương được vua Hùng nhường ngôi liền về Phong Châu đóng đô, lập đền miếu thờ các vua Hùng. Nước Sùng – Phong Châu chính là đất gốc tổ của Trung Hoa, mà giáp cốt văn gọi là “Tông hầu”, là nơi khởi phát của dòng họ Hùng từ thời Đế Minh Hữu Hùng Hoàng Đế Hiên Viên thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ.

Dòng họ Hùng truyền qua thời Nghiêu Thuấn, qua thời Hạ từ Đại Vũ, rồi Thương Ân, được ngọc phả Hùng Vương chép là 18 đời vua Hùng. Sùng Hầu Hổ là thủ lĩnh vùng đất tổ họ Hùng và được kể dưới tên Sơn Thánh trong cuộc chiến chống Thục Vương (Chu Văn Vương). Kinh đô của nước Sùng thời Sùng Hầu Hổ có thể là vùng xứ Đoài Sơn Tây, nơi có dày đặc các di tích thờ Sơn Thánh, có cả cung điện thiết triều của Sơn Thánh như đền Và. Ở đây Sơn Thánh đã hóa thành một vị thần bất tử, đứng đầu linh thần trong Việt điện, cũng bởi vì vị trí thiêng liêng của mảnh đất Sùng đối với dòng giống Việt.

Đất Sùng là đất gốc tổ “Tông hầu” nơi Thái tổ Đế Minh mở nước bên dãy Thái Sơn, Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn, Đại Vũ trị thủy ở Long Môn núi Tản, Sơn Thánh Sùng Hầu phò giúp Duệ Vương, cũng là nơi Thục Vương Cơ Xương khởi đầu nước Văn Lang trên vùng Tây Thổ Phong Châu.

Tục cúng xá tội vong nhân, một đạo lý từ thời Hùng Vương

Từ bao đời nay, cứ vào đầu tháng Bảy người Việt lại có tục cúng ngày Xá tội vong nhân. Theo quan niệm dân gian vào ngày 2/7 âm lịch hằng năm, Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để cô hồn dạ quỷ được trở về nhân gian. Rồi đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, ma quỷ sẽ bị gọi trở lại địa ngục. Đây được coi là ngày “âm khí xung thiên”, nên người ở trần gian sẽ phải cúng cháo, gạo hay muối cho các vong linh, gọi là cúng cô hồn… Nguồn gốc của lệ tục này bắt đầu từ khi nào và liệu có liên quan gì đến lịch sử của người Việt?

Trong kho tàng huyền sử Việt có một câu chuyện vô cùng kỳ dị nói tới Diêm Vương và các hồn ma bóng quỷ. Đó là Truyện Giếng Việt, bắt đầu như sau:

Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua Địa phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.”

Truyện Giếng Việt cung cấp một thông tin hết sức quan trọng, Ân Vương chết biến thành vua Địa phủ. Như thế, vua Ân chính là Diêm Vương, người cho mở Quỷ Môn Quan thả các vong hồn lên Dương thế vào tháng 7 hàng năm. Tục cúng cô hồn vào tháng 7 do đó liên quan tới cái chết của vua Ân trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương.

Truyện Giếng Việt kể tiếp, đến đời Tần, có quan Ngự sử là Thôi Vĩ đã cho trùng tu lại miếu Ân Vương. Con trai của Thôi Vĩ là Thôi Lượng, sau đó đã đi lạc đường trên núi Trâu Sơn, đến được Ân Vương Thành và gặp mặt Ân Hậu. Ân Hậu tiếp đãi Thôi Vĩ một cách ân cần rồi cho Dương Quan dẫn Thôi Vĩ về. Sau đó Dương Quan nhân biến thành một con dê đá, đứng sau đền Việt Vương trên núi Trâu.

Núi Trâu Sơn nay thuộc địa phận huyện Quế Võ. Trên núi từng có đền thờ Ân Vương rất cổ xưa. Con “dê đá” ở đền Ân Vương là một bức tượng hình nửa thân của một con linh thú kỳ dị nằm trên núi ở thôn Cựu Tự thuộc xã Ngọc Xá. Bức tượng thú bằng đá sa thạch, rất lớn, cao khoảng hơn 1,5m, khắc hình con thú có cổ dài, thân có vảy như rồng, có 2 sừng cong như sừng dê, nhưng lại có mỏ như mỏ phượng và trên thân có 2 cánh và có chân.

Phi LiemTượng Phi Liêm ở thôn Cựu Tự trên núi Trâu Sơn.

Đây là tượng con thần thú Phi Liêm, loại thú kết hợp giữa Rồng và Phượng. Dạng tượng Phi Liêm bằng đá lớn như thế này thường được thấy từ thời Tần Hán, đặt cạnh các lăng mộ hay miếu thờ các vương tôn quý tộc. Phi Liêm cũng là tên một vị trọng thần của vua Ân trong Phong thần diễn nghĩa. Thần thú Phi Liêm là tiền thân cho hình tượng Thiên Lộc, Tỳ Hưu, những linh vật cát tường phổ biến về sau này.

Truyện Giếng Việt còn kể, Ân Vương đã sai vị Ma Cô Tiên đến trao cho Thôi Lượng thuốc ngải chuyên chữa bệnh u bướu và ban cho một người con gái để kết làm vợ, lại ban cho một viên ngọc Long Tụy, trong cặp ngọc báu thư hùng mà vua Ân mang theo người khi chết ở Trâu Sơn. Ma Cô Tiên được biết là một vị thọ thần và phúc thần trong văn hóa phương Đông, là từ câu chuyện Giếng Việt này.

Vùng núi Trâu Sơn nay còn có một ngôi chùa cổ khá lớn mang tên chùa Ma Cô Tiên, nằm ở thôn Châu Cầu, xã Châu Phong. Chùa còn lưu được nhiều bia ký từ thời Lê, nhưng đặc biệt các chữ Ma có trên bia đều bị đục bỏ. Rải rác ở các thôn quanh núi Trâu như ở Phùng Dị, Hữu Bằng có những ngôi miếu nhỏ thờ Ma Cô Tiên.

IMG_4000

Tượng Ma Cô Tiên ở Phùng Dị, xã Ngọc Xá.

Liên quan đến các âm hồn tác quái, truyền thuyết Việt còn có truyện Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây lại đổ. Vua chay giới cầu đảo, thì có Rùa Vàng hiện lên xưng là sứ giả Thanh Giang. Thanh sứ cho biết, đây là bởi vong hồn của Vương tử đời trước báo thù. Vong hồn này ẩn náu trong núi, cùng với yêu quái nguyên là tinh con gà trắng (Bạch Kê Tinh) hóa thành ở quán Ma Lôi bên núi, tụ tập gây hại. An Dương Vương cùng thần Kim Qui đi đánh yêu quái, bắt được Bạch Kê Tinh đem giết đi.

Ở núi Thất Diệu, nay thuộc khu vực xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh, có ngôi miếu Bạch Kê, trong đó thờ một vị “Mẫu Nghi Thiên Hạ” gọi là Mẫu Bạch Kê. Cùng trên núi đó có đình làng Yên Phụ và ngôi đền Núi cùng thờ đức Vua Bà Ma Vương. Ở đây còn có một cái ao được gọi là Giếng Cô Tiên, gắn với truyền thuyết Bạch Kê và việc xây thành Cổ Loa.

Từ những di tích tín ngưỡng ở núi Yên Phụ có thể thấy Bạch Kê Tinh ở Cổ Loa chính là Ma Cô Tiên, một phi nhân của Ân Vương hay của “Vương tử đời trước” đã báo oán Thục Vương khi xây thành. Làng Ma Lôi có quỷ tinh gà trắng hiện hình vào người con gái chủ quán cũng chính là nói đến vị Ma Cô Tiên.

Truyền thuyết kể, An Dương Vương sau khi diệt được Bạch Kê Tinh liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Xương người chết xưa kia chất đầy trong núi, tạo nên oan khí vô cùng, nên mới hình tượng thành Ma Cô Tiên – Bạch Kê Tinh gây hại. Những địa danh như ngã ba Sọ, chợ Chờ, đò Lo ở vùng Yên Phong cũng gắn nỗi ám ảnh của người dân xưa kia khi phải đi qua vùng núi này.

Lịch sử Trung Hoa kể, khi bị quân đội của Vũ Vương nhà Chu, cầm đầu bởi đại tướng là Khương Tử Nha tấn công vào kinh đô Triều Ca, Ân Trụ Vương đã đốt cháy Lộc Đài và nhảy vào biển lửa tự vẫn, chấm dứt thời kỳ nhà Ân Thương kéo dài khoảng 600 năm và đồng thời chấm dứt cuộc chiến giành giật thiên hạ hàng chục năm giữa 2 nhà Ân và Chu với bao nhiêu đổ máu cho cả 2 bên.

Kết thúc cuộc chiến này, các tướng lĩnh đã hy sinh của cả 2 bên đã được vào đưa vào bảng phong thần, trở thành các vị thần có thờ tự. Còn bao nhiêu sinh linh đã thiệt mạng trong cuộc chiến, mà bi thảm nhất chính là cái chết của Trụ Vương, thì được cúng tế trong tục cúng cô hồn. Ngày cúng cô hồn là ngày kinh thành của Ân Vương thất thủ, nước mất, nhà vong.

Tháng 7 là tháng đầu mùa thu theo Âm lịch. Thục Vương hay Chu Vương là thủ lĩnh khu vực phía Tây thiên hạ, lấy mùa thu làm tháng biểu tượng cho triều đại. Khởi đầu mùa thu cũng nghĩa là khởi đầu triều đại phía Tây của nhà Thục hay nhà Chu trong lịch sử.

Cúng cô hồn tháng Bảy hàng năm thực chất là ngày cầu siêu cho nhân dân đói khổ vì chiến tranh loạn lạc, binh sĩ nơi sa trường, đã chết trong cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Chu và nhà Ân hay Thục Vương và Hùng Vương của 3000 năm trước. Cũng vì lẽ đó mà nó được gọi là ngày xá tội vong nhân. Sau chiến tranh, những tử sĩ dù là của bên nào cũng đều được xá tội, được hương khói cho siêu thoát các vong hồn. Việc xá tội cho cả kẻ thù bên kia chiến tuyến để có được lòng người, có được sự đại đoàn kết của toàn dân là cái đức của người làm vua, là thiên mệnh giúp quốc gia bền vững. Thiên hạ đại xá để bắt đầu một triều đại mới.

Xã hội phương Đông phát triển từ chế độ chiếm hữu nô lệ (thời Ân Thương hay Hùng Vương) sang chế độ phong kiến (nhà Chu hay nhà Thục nước Âu Lạc) đã phải trải qua một cuộc “cách cổ đỉnh tân”, thay cũ đổi mới, thật đắt giá với hàng vạn người đã đầu rơi máu chảy. Tục cúng xá tội vong nhân tháng Bảy thể hiện đạo lý nhân bản, vị tha, cầu sinh, chán ghét chiến tranh. Nó nhắc nhở mọi người không quên những người nghèo khổ đã khuất, những binh sĩ bỏ mình vì nước, bởi không có sự hy sinh của họ thì xã hội đã không thể tiến lên phía trước, chúng ta cũng không thể có cuộc sống an lành ngày hôm nay.

IMG_5360

Chiếc Dữu đựng rượu thời Ân Thương.

Đạo lý này cũng thể hiện qua bài thơ mà Ngự sử đại phu Thôi Vĩ đã đề ở miếu Ân Vương trên núi Trâu:

Thắng thua một cuộc không Ân đức

Vạn thế linh thiêng trấn Việt Thường

Trăm họ một lòng cùng thờ phụng

Xin phù tổ quốc mãi yên phương.

Xa toi vong nhan