Văn tế Hùng Vương ngày 1 tháng 8

Văn tế Hùng Vương ngày 1 tháng 8 của làng Triệu Phú (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ).

Bát nguyệt sơ nhất nhật văn
Cung duy Thánh vương
Nhật nguyệt chung quang, càn khôn dựng tú.
Thiên khởi Viêm Bang, sơ đầu thánh tổ.
Trị quốc an dân, kiến nghi xã tắc.
Thiết lập kỷ cương, bảo vệ sơn hà.
Lịch kiến quốc tự Xích Quỷ Nam Giao, chí Văn Lang kế tục.
Chí kim sơn hà thượng địa, chư di tích đắc bảo tồn Nghĩa Lĩnh sơn thượng.
Bách tính tử tôn, nhật thiêm đa thịnh vượng.
Dân phú quốc cường, địa bàn thiêm quảng đại.
Hùng Thị thập bát thế tương truyền.
Di dân hương hoả tôn phụng tổ tiên.
Bảo toàn di tích, bảo vệ giang sơn.
Dân tư di chúc, tẩm hiện ngôn truyền, thiên vạn niên bất dị.
Đệ niên dĩ kỳ tái vi lệ.
Thích trị thu thiên, nhật phùng sơ nhất.
Nhân Vương tổ thân chinh thám vấn chư phương thắng trận.
Dân hân hoan tác tịch nghinh vương.
Bài loan nghinh loan giá.
Xướng ca vi lạc, phụng sự Thánh Vương.
Lai nhật quân thần thượng lộ.
Dân hoan hỷ hợp đồng tái tịch.
Kim nhật cáo lễ, kỳ phúc kỳ an, kỳ ủng hộ nhân khang vật thịnh.
Thiên hạ thái bình, thiên tĩnh hải trừng.
Phù hộ quốc điền phong đăng hoà cốc,
Chư nhân đắc an khang trường thọ.
Tư Thánh tổ công ân thiên hải,
Tử tôn nguyện vạn đại bất vong.
Tẩm lại.

Nho văn

八月初一日文
恭惟聖王,日月鍾光,乾坤孕秀.
天啟炎邦,初頭聖祖.
治國安民,建宜社稷.
設立紀綱,保衛山河.
歷建國自赤鬼南交, 至文郎繼續.
至今山河尚地,諸遺跡得保存義嶺山上.
百姓子孫,日添多盛旺.
民富國強,地盤添廣大.
雄氏十八世相傳.
貽民香火尊奉祖先.
保全遺跡,保衛江山.
民思貽嘱,寔現言傳,千万年不易.
遞年以祈賽為例.
適值秋天,日逢初一.
因王祖親征探問諸方勝陣.
民訢歡作席迎王.
排鸞迎鵉 駕.
唱歌為樂,奉事聖王.
來日君臣上路.
民歡喜合仝再席.
今日告礼,祈福祈安,祈擁護人康物盛.
天下太平,天靜海澄.
扶護國田丰登禾穀,
諸人得安康長壽.
思聖祖功恩天海子孫願萬代不忘.
寔賴

Thủa vua Hùng Vương thứ 18…

Sự kiện kết thúc thời đại Hùng Vương thường được kể trong các thần tích tóm tắt như sau:

Hùng Duệ Vương là người có hùng tài đại lược, tư chất thánh minh, kế nghiệp 17 đời Hùng, yên định Trung Quốc. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử nhưng đều lần lượt về chầu tiên tổ. Chỉ còn 2 công chúa là Tiên Dung được gả cho Chử Đồng Tử và Ngọc Hoa kén được rể là Tản Viên Sơn Thánh.

Khi ấy Thục Vương là Chủ bộ quan Ai Lao, cũng là tông phái Hùng Vương, thừa cơ phát binh từ phương Tây đến tấn công. Sơn Thánh lĩnh mệnh cầm quân, phục kích đánh tan quân Thục ở châu Quỳnh Nhai (Mạn Nhai), khải hoàn trở về.

Mấy năm sau, Thục Vương lại phát 5 đạo quân thủy bộ theo các đường châu Quỳnh Nhai Hoàng Tế, Lạng Sơn Văn Giản, Đại Man, Bố Chính Minh Linh, Hoan Châu Hội Thống tiến đánh Hùng Vương. Lần này Sơn Thánh cùng với 2 vị tả hữu kiên thần là Cao Sơn và Quý Minh dẫn quân đánh vào chính binh quân Thục. Sơn Thánh giả ấn của Thục Vương viết thư gửi tướng Thục lệnh án binh cố thủ. Nhân đó Sơn Thánh đem quân đến thẳng kinh đô Thục tập kích, đại phá được cánh quân chính.

Sau trận thắng này, Duệ Vương muốn nhường ngôi cho Sơn Thánh, nhưng Sơn Thánh cố từ và khuyên Duệ Vương:

Họ Hùng hưởng nước kể cũng đã lâu dài. Lòng trời ắt có hạn, khiến cho Thục Vương thừa cơ gây hấn xâm chiếm Trung Hoa. Vả lại Thục Vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là dòng phái của hoàng đế trước đây. Nay thế nước kém thường cũng là chuyện do tiền định. Vua không nên vì yêu một cõi phương Nam mà đối địch với ý trời vậy, làm hại đến sinh linh.

Duệ Vương nghe theo, nhường ngôi lại cho Thục Vương, còn nhân đó đem tặng cả nỏ thần linh quang làm vật bảo quốc. Thục Vương nhận vị, mới về Nghĩa Lĩnh lập miếu đền thờ Hùng Vương… Đồng thời cũng phong thờ cho một loạt các tướng lĩnh công thần của Hùng Duệ Vương, đặc biệt nhiều là ở vùng 2 bên bờ sông Lô như:

– Ở Quế Nham (Đồng Quế, Sông Lô, Vĩnh Phúc): 4 vị đại vương là danh tướng theo Sơn Thánh đánh Thục.

– Ở Hương Lan (Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ): 3 vị Chàng Chấu Linh Lang đại vương, là tùy tòng hầu kiệu của Duệ Vương.

– Ở Bảo Đà (Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ): Tả hữu kiên thần Cao Sơn, Quý Minh và Cương Trực tướng quân…

Que NhamĐình Quế Nham ở Đồng Quế, Sông Lô, Vĩnh Phúc.

Câu đối ở đình Quế Nham:

Kháng Thục phù Hùng sinh dũng tướng
Tòng Trưng phạt Hán tử linh thần. 

Hiện nay, sự kiện Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương được cho là xảy ra vào quãng năm 257 TCN. Tuy nhiên, đây là sự lẫn lộn với việc nhà Tần (Triệu) đánh phương Nam, diệt Thục vào cùng năm (thời Tần Chiêu Tương Vương). Sự kiện Hùng nhường ngôi cho Thục trên phải xảy ra vào đầu thời kỳ nhà Thục, chứ không phải lúc cuối.

Nhận định như vậy thì chợt nhận ra, việc Thục Vương thay thế Hùng Vương đời cuối chính là sự kiện Chu Văn Vương bắt đầu cuộc chiến đánh giặc Ân ở vùng Bắc Việt. Cụ thể như sau.

Vị vua Hùng đời cuối của dòng theo cha Lạc Long Quân ra biển là vua Trụ nhà Ân Thương. Đế Tân là người có trí lược, dũng mãnh, từng chinh phạt nhiều nơi, nhưng do có tính tình tàn ác, lại chìm đắm trong tửu sắc, giết hại các đại thần nên đã làm cho “Hùng đồ mạt tạo, vận nước cáo chung“.

Tây Bá hầu Cơ Xương là thủ lĩnh đứng đầu các chư hầu miền Tây của nhà Ân. Truyền thuyết Việt gọi là Thục chúa, Bộ chủ Ai Lao. Thục là hướng Tây. Ai Lao là vùng cao nguyên Vân Nam Quý Châu, mà nay vẫn còn dãy núi Ai Lao Sơn ở đó.

Cơ Xương khởi sự không đánh trực tiếp vào kinh đô của Trụ Vương ở An Huy mà đầu tiên đánh chiếm nước Sùng của Bắc Bá hầu Sùng Hầu Hổ. Sùng Hầu Hổ là thủ lĩnh vùng đất phía Bắc xưa của nhà Ân. Vùng này tương ứng với đất Lạc (Lạc = nước là tượng của phương Bắc). Sùng Hầu Hổ trong truyền thuyết Việt được gọi dưới tên Tản Viên Sơn Thánh. Sơn là quẻ Cấn trong Tiên thiên Bát quái, chỉ hướng Bắc. Sùng Hầu Hổ như thế là tiếp nối dòng dõi Lạc Long Quân, có thể gọi là một Lạc Vương ở vùng đất này. Sùng Hầu Hổ được chép thành ra tên của Lạc Long Quân là Sùng Lãm.

IMG_8571Nghi môn đình Bảo Đà ở Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ.

Là 2 đại thủ lĩnh 2 miền lớn của thiên hạ nên cuộc chiến giữa Tây Bá hầu Cơ Xương và Bắc Bá hầu Sùng Lãm diễn ra một cách ác liệt, với nhiều binh lính, nhiều trận chiến khó khăn, nhiều mưu mẹo như mô tả việc Sơn Thánh đánh Thục trong các thần tích. Chiến trường chính là mạn ngược giữa Bắc Việt và Vân Nam nên thần tích ghi là các châu Quỳnh Nhai, Đại Man, Mộc Châu… Không ít lần quân của Cơ Xương (Thục chúa) đại bại, thậm chí kinh đô Thục ở Ai Lao (Vân Nam) cũng bị đánh phá. Nhưng cuối cùng, sức người không bằng ý trời, Cơ Xương nhờ có lòng nhân đức, bao dung, đã thu phục được nhân tâm và giành thắng lợi. Truyền thuyết kể là Sơn Thánh đã theo mệnh trời mà khuyên Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương.

Tin Cơ Xương chiếm được nước Sùng, làm rung chuyển cả kinh đô Triều Ca của Trụ Vương như Kinh Thư kể. Cơ Xương cho dời đô từ miền Tây về đất Phong Châu, tức là vùng Việt Trì ngày nay. Đây là kinh đô của họ Hùng từ thời mở nước của Đế Minh và hẳn cũng là nơi đóng đô của Sơn Thánh – Sùng Hầu Hổ khi đó. Truyền thuyết kể thành việc Thục Vương xây thành ở Việt Trì, lên núi Nghĩa Lĩnh lập miếu điện thờ cúng Hùng Vương…

Như vậy, tục thờ Hùng Vương đã bắt đầu từ thời nhà Thục cách nay 3000 năm. Đền miếu ở Nghĩa Lĩnh là nơi thờ các vị Hùng Vương Thánh tổ đầu tiên gồm Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn, chứ không phải thờ Hùng Duệ Vương. Vì “Thục Vương cũng là tông phái của Hoàng đế họ Hùng” nên mới thờ những vị Thánh tổ đầu tiên của họ Hùng. Cơ Xương cũng là người mang họ Cơ, là họ của Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên.

Trieu CoHoành phi Triệu Cơ Vương Tích của đền Hùng (nay để ở đình làng Trẹo, Hy Cương). 

Hoành phi “Triệu Cơ vương tích” ở các nơi thờ vua Hùng tại Nghĩa Lĩnh có nghĩa là: Dấu tích khai mở của vua họ Cơ. Chính chữ Cơ Tích này mà đã đổi thành Cổ Tích, là làng tạo lệ của Hùng Sơn.

Cùng với việc lập miếu thờ Thánh tổ Hùng Vương, Thục Vương Cơ Xương còn chiêu mộ các cựu thần của Hùng Vương (nhà Ân) trước đây. Đối với những người không theo Thục mà trung nghĩa tử tiết, Cơ Xương đều “phong thần”, cho lập miếu thờ tự như những ví dụ ở trên. Chính do có tấm lòng nhân đức này của Cơ Xương mà cơ trời lòng người đã từ Hùng (nhà Ân) sang tay Thục (nhà Chu).

Sự kiện Cơ Xương thu phục được Sùng Hầu Hổ và dời đô về đất Phong, lập nước Âu Lạc, còn được kể trong truyền thuyết Việt với việc Âu Cơ (Cơ Xương) chia tay với Sùng Lãm, về Phong Châu lập ra nước Văn Lang. Văn Lang là gọi theo tên hiệu Văn Vương của Cơ Xương. Còn Âu Lạc chỉ việc sát nhập 2 khu vực Âu của Thục Chúa và Lạc của Sơn Thánh.

Nhờ có được nửa thiên hạ 2 miền Tây và Bắc (hướng Nam nay) Trung Hoa mà sau đó con của Cơ Xương là Vũ Vương Cơ Phát đã phát động cuộc chiến quyết tử phá Trụ diệt Ân. Cuộc chiến thần thánh này được sử Việt mô tả trong truyền tích Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân. Cơ Phát được Hùng Vương ngọc phả chép là con trưởng Hùng Quốc Vương, đã lên ngôi thiên tử, tiến hành việc phân chia đất đai trăm họ chư hầu, đặt ra lễ chế trăm quan, phong cho trăm thần, là những tướng lĩnh đã tử trận trong cuộc chiến Hùng – Thục / Ân – Chu kéo dài hàng chục năm. Nước Văn Lang – Âu Lạc trở thành Trung Nguyên của Thiên hạ Trung Hoa, bắt đầu một Hùng triều tiếp theo của dòng họ Hùng, kéo dài hơn 800 năm.

Câu đối ở đình Bảo Đà:

Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.

Dịch:

Mấy ngàn năm phụ đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

Tê giác, loài Kỳ lân của cổ văn hóa sử phương Đông

Kỳ lân là biểu tượng của văn hóa và lịch sử cổ truyền ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Tương truyền, khi Khổng Tử sinh ra ở nước Lỗ thì thấy Kỳ lân xuất hiện, báo hiệu thánh nhân ra đời. Khổng Tử chép Kinh Thư từ thời thượng cổ đến khi Lỗ Ai Công săn được Kỳ lân thì dừng lại. Vì thế Kinh Thư còn được gọi là Lân Kinh, là cuốn sách về lịch sử Trung Hoa cổ đại. Thế nhưng, liệu ai có thể ngờ được rằng, nguyên mẫu của Kỳ Lân, con vật đứng đầu trong Tứ linh, lại là con Tê giác, một loài vật chỉ gặp ở xứ nhiệt đới phương Nam.

Trong Kinh Thi phần Chu Nam có bài thơ Quyển nhĩ như sau:

Trèo lên trái núi
Ngựa ta mệt rồi
Bình ta rót rượu hủy quang
Để mà tránh khỏi đau thương lâu dài.”

Bà Chu hậu nhớ chồng đi xa, lên núi cao, uống rượu trong một chiếc “hủy quang” để mong quên đi nỗi nhớ thương.

Hủy quang là một loại đồ vật bằng đồng, mô phỏng hình dáng con Tê giác, dùng để đựng rượu, thịnh hành ở thời Tây Chu. Một chiếc Hủy quang bằng đồng xanh của thời kỳ này được thấy ở Lào.

Te giac

Chiếc quang đựng rượu hình Tê giác thời Tây Chu.

Chiếc quang hình con Tê giác này có phần đầu rất lớn, một sừng to, cong, vươn ra phía trước. Sừng khác nhỏ hơn ở trên trán. Tai Tê giác nhọn. Phần sau của nắp quang là hình mặt lợn, mõm rộng, tai cong. Con mắt của chú Tê giác này to tròn, rất sống động. Phần thân chiếc quang Tê giác được trang trí bằng những hoa văn nổi. Dài theo thân quang ở mỗi bên là hình một con chim lớn, cách điệu, mỏ tù, đuôi dài, mào cong như con chim phượng trên chiếc quang chim thú ở trên. Phần ngực Tê giác hai bên có hình con quỳ long nhỏ, có sừng, đang há miệng, quay đầu về phía con chim phượng.

Tê giác vốn là một loài thú lớn, chỉ sống ở vùng nhiệt đới nóng ẩm. Vậy mà hình tượng Tê giác đã đi vào trong kinh sách và hiện vật văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Suy xét sâu hơn nữa thì Tê giác còn hiện hữu trong văn hóa phương Đông ở trong bộ linh vật là Tứ linh.

Sách Lễ ký của Khổng Tử, tài liệu sớm nhất nói về Tứ linh, cho một trật tự 4 con vật này như sau: “Lân, Phụng, Quy, Long”. Theo đó, con Lân hay Kỳ Lân là loài linh vật đứng đầu Tứ linh.

Khái niệm Tứ linh liên quan trực tiếp đến học thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Bảng kê đầy đủ về Ngũ hành được tóm tắt thấy trong sách Lã Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi đời Tần như sau:

– Mộc đức: mùa Xuân, phương Đông, màu xanh. Động vật tiêu biểu là loài có vảy, tức là chỉ con Rồng (Long)

– Hỏa đức: mùa Hè, phương Nam, màu đỏ. Động vật tiêu biểu là loài chim có lông vũ, chỉ chim Phượng hoàng (Phụng).

– Kim đức: mùa Thu, phương Tây, màu trắng. Động vật tiêu biểu là loài thú có lông mao, tức là chỉ Kỳ lân (Ly).

– Thủy đức: mùa Đông, phương Bắc, màu đen. Động vật tiêu biểu là loài giáp giới, chỉ con Rùa (Quy).

Theo bản kê trên, Lân là con thần thú đứng đầu các loài có lông mao và là biểu tượng của hướng Tây. Điều này trùng khớp với tên của loài Tê giác vì bản thân chữ Tê còn có âm đọc là Tây.

Một câu hỏi là trong Tứ linh tên gọi đúng là con Ly hay là con Lân? Phép phiên thiết Hán Nôm giúp giải đáp câu hỏi này. Kỳ lân đọc phản thiết là Ly. Tức là “Kỳ lân” là từ ghi âm của chữ Ly. Gọi là Lân hay Ly đều là về một con vật, một hình tượng.

Bàn về nguyên mẫu và ý nghĩa của con Lân có thể xem bài phong dao Lân chi chỉ (Chân con Lân) trong Kinh Thi (phần Chu Nam):

Kìa là chân của Kỳ lân. Con Văn Vương cũng hậu nhân rõ là. Ôi, như Kỳ lân thật mà!
Kìa là trán của Kỳ lân. Cháu Văn Vương cũng hậu nhân vô cùng. Ôi, như Kỳ lân, một lòng!
Kìa là sừng của Kỳ lân. Họ Văn Vương cũng hậu nhân xiết nào. Ôi, như Kỳ lân làm sao!

Về con Lân trong bài thơ này tác giả Chu Hy (thế kỷ 12 thời Nam Tống) đã chú giải như sau: “Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con Lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống.

Ngày nay cả ở Việt Nam và Trung Quốc đều thể hiện Kỳ lân ở dạng loài động vật bốn chân móng guốc, đầu rồng, thân có vảy. Nhưng như vậy hóa ra Kỳ lân là con Long mã (đầu rồng chân ngựa). Điều này hoàn toàn không phù hợp vì trong bộ Tứ linh đã có riêng con rồng (Long) là loài có vảy. Ở vị trí con Lân phải là loài có lông mao.

Bài Lân chi chỉ trong Kinh Thi ca ngợi dòng dõi Chu Văn Vương, có lòng nhân hậu, có thánh đức như con Lân không dẫm lên côn trùng, không ăn sinh vật… Con Lân hay con Ly là con thần thú biểu tượng của nhà Chu, cho lòng nhân đức của Văn Vương, người khởi dựng nhà Chu trong lịch sử.

Gom Cay Mai Tượng Kỳ lân trong dòng gốm Cây Mai Nam Bộ.

Ở miền Nam Việt Nam trước đây có dòng gốm Cây Mai cũng thường tạo hình Kỳ lân dưới dạng con thú có râu dài, có một sừng và có hai bông hoa lớn, ý chỉ là loài không ăn thịt, cũng là có nghĩa ca ngợi tính nhân hậu của Kỳ lân. Con vật có lông mao, hình dáng như con hươu lớn, có móng guốc như ngựa, đuôi như đuôi bò, ăn hoa lá, có một sừng, lại biểu tượng cho hướng Tây thì chắc chắn phải là con Tê giác.

Trong cuốn Hoa văn Việt Nam, tác giả Nguyễn Du Chi có bàn như sau: Ở Việt Nam hình tượng Kỳ lân cũng được du nhập vào rất sớm. Từ thời Lý đã được chú ý đến loại đề tài này. Tuy nhiên, đọc sách vở thấy Kỳ lân có nhiều nét giống Tê giác, nên năm 1057 triều đình nhà Lý đã mang hai con này qua Quảng Châu định cống vua Tống và nói là Kỳ lân. Vì người Trung Quốc tin rằng chỉ có thánh nhân ra đời mới có Kỳ lân xuất hiện nên các quan nhà Tống đã cãi nhau sôi nổi về việc con vật được cống nạp này. Sách Tục tư trị thông giám trường hiện của Lý Đảo đời Tống còn chép rõ hình dáng con vật: “Hình như trâu, mình có da dày từng mảnh như giáp, đầu mũi có sừng, hay ăn cỏ, quả, dưa, cho ăn phải lấy gậy đanh nó mới ăn”.

Có thể nhận ra rằng vì các loài Tê giác chỉ có ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nên những người phương Bắc (Trung Quốc) không biết nguyên mẫu con Lân là con Tê giác. Do đó đã biến con Lân trong văn hóa Trung Hoa thành một con vật hoàn toàn tưởng tượng (Long mã), không phù hợp với những mô tả về Kỳ lân trong thư tịch cổ.

Te giac chua Phat Tich 2Tượng Tê giác thời Lý ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.

Tê giác là loài vật vốn rất được tôn trọng ở nước ta không chỉ bởi sừng Tê là vật quý. Với ý nghĩa cát tường, hình Kỳ lân – Tê giác một sừng đã được vẽ màu trên những chiếc đĩa gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp thế giới. Tê giác cũng bắt gặp trong những cặp tượng linh thú thời Lý đặt trước sân chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, hay chầu bên lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa.

Tê giác trong văn hóa phương Đông là tượng trưng cho sức mạnh tinh thần, trí tuệ và văn hóa. Vua Minh Mạng khi lên ngôi, cho đúc Cửu đỉnh đặt ở Thái miếu tại Hoàng thành Huế, cũng đã cho khắc hình con Tê lên Chương đỉnh, như một biểu tượng của văn chương.

Con Tê giác cuối cùng ở Đông Dương đã tuyệt chủng năm 2010 tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), nhưng hình tượng Tê giác – Kỳ lân sẽ không thể mất trong văn hóa Việt vì nó đã hóa thành loài vật linh thiêng bất diệt trong Tứ linh, biểu tượng cho một nền văn minh sớm, đầy rực rỡ của người Việt.

IMG_5027Hình con Tê trên Chương đỉnh ở Huế.

Với việc phục hồi nguyên mẫu của Kỳ lân là loài Tê giác, linh vật của hướng Tây, thì định vị của Trung Nguyên thời kỳ nhà Chu chắc chắn phải dời xa hơn về phương Nam, nơi có loài thú này sinh sống. Bởi Trung Nguyên có nghĩa là chỗ giữa của thiên hạ bốn phương. Thần thú Kỳ lân nay đã hiện nguyên hình là con Tê giác thì lịch sử phương Đông cổ đại, gắn liền với sự khởi lập thiên hạ của nhà Chu, với triết lý Âm dương Ngũ hành, với biểu tượng Tứ tượng Tứ linh… rồi cũng sẽ trở nên sáng tỏ, trở về bản căn vốn có của sự thật lịch sử.

MINH THI

(Báo Lao động cuối tuần số 35 từ 28.8 đến 30.8.2020. Trang 4-5.)

Tháng Bảy cô hồn là sự kiện gì trong lịch sử?

Theo quan niệm dân gian cứ vào ngày 2/7 âm lịch hằng năm, Diêm Vương sẽ cho mở cửa Quỷ môn quan để cô hồn dạ quỷ được trở về nhân gian. Rồi đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, ma quỷ sẽ bị gọi trở lại địa ngục. Đây cũng là ngày “âm khí xung thiên”. Người ở trần gian sẽ phải cúng cháo, gạo hay muối cho các vong linh…
Còn Truyện giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái cho biết: Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới chân núi Trâu. Hùng Vương cầu cứu với Long Quân, Long Quân hóa thành Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc, quân nhà Ân đều thua chạy. Vua nhà Ân chết trận dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ, bốn mùa đều phải hương khói.
Theo đó, vua Ân chết biến thành vua Địa phủ, tức chính là Diêm Vương, người cho mở Quỷ Môn quan thả các vong hồn lên dương thế vào tháng 7 hàng năm. Từ dữ liệu này có thể nhận định rằng tục cúng cô hồn vào tháng 7 liên quan tới cái chết của vua Ân trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương.
Ở núi Trâu Sơn, hay núi Vũ Ninh nay thuộc Quế Võ, Bắc Ninh vẫn còn những dấu vết trực tiếp của câu chuyện Giếng Việt, với những “hang nhà Ân” như những cung điện ngang dọc trong lòng đất (các mộ gạch cổ). Khu vực núi Vũ Ninh thờ Triệu Vũ Đế, nhưng nhiều khi tượng thờ vua Triệu lại được dân địa phương gọi là “tượng người Ân”.
20191124_092438 (2)
Tượng Triệu Vũ Đế xưa thờ ở Trâu Sơn.
Liên quan đến các âm hồn, truyền thuyết Việt còn có truyện Bạch Kê tinh ở Cổ Loa: Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống lâu ngàn năm, hóa thành yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều trước chôn ở đây.
Tinh Gà trắng hại người ở quán bên chân núi, hàng đêm lại hóa thành con cú bay đậu lên cây chiên đàn, ngậm lá thư kêu Trời, làm cho thành Cổ Loa cứ xây xong lại đổ. Nhờ có Huyền Thiên Lão Tử cử thần Kim Quy đến diệt trừ thì mới dẹp yên.
Miếu Bạch Kê ở núi Thất Diệu nay vẫn còn. Câu đối ở cổng miếu:
千秋鈥鈿前王澤
百越山河故國恩
Thiên thu hỏa điền tiền vương trạch
Bách Việt sơn hà cố quốc ân.
Dịch:
Hỏa điền ngàn năm lộc vua trước
Núi sông Bách Việt ơn nước xưa.
Câu đối này coi Bạch Kê là “tiền vương” của Bách Việt.
Bach Ke
Miếu Bạch Kê ở thị trấn Sọ, Yên Phong, Bắc Ninh.  
Đền Bạch Kê nằm ở thị trấn Sọ, cho thấy xương người chết xưa kia ở đây đã chất đầy trong núi, tạo nên oan khí vô cùng… Lĩnh Nam chích quái kể lại việc “khai quật” này khi Thục An Dương Vương xây Cổ Loa: Vua liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông.
Trong lễ tục mở cửa mả, siêu thoát cho người đã khuất cũng có dùng một con gà trống kêu quanh mộ người chết. Kê tinh như thế là biểu tượng cho âm hồn. Mà cụ thể trong truyện ở Cổ Loa, là hiện thân của “con vua đời trước” muốn báo thù cho nước.
Môt liên hệ nữa là bản thân gà trống là chữ Hùng 雄 trong tên Hùng Vương. Kê tinh như thế chỉ oan hồn của vị vua Hùng “đời trước”, đã bị mất nước bởi Thục Vương. Thục An Dương Vương ở Cổ Loa là triều đại mà đã đánh dẹp nhà Ân. Như thế Bạch Kê tinh tức chính là âm hồn của Ân Vương.
Lịch sử kể, khi bị quân đội của Vũ Vương nhà Chu, cầm đầu bởi Khương Tử Nha tấn công vào kinh đô Triều Ca, thì Ân Trụ Vương đã đốt cháy Lộc Đài và nhảy vào biển lửa tự vẫn, chấm dứt thời kỳ nhà Ân Thương kéo dài khoảng 600 năm, chấm dứt cuộc chiến giành thiên hạ hàng chục năm giữa Ân và Chu, với bao nhiêu đổ máu cho cả 2 bên.
Kết thúc cuộc chiến này, các tướng lĩnh đã hy sinh của cả 2 bên đã được vào đưa vào bảng phong thần, trở thành các vị thần có thờ tự. Còn bao nhiêu sinh linh đã thiệt mạng trong cuộc chiến, mà bi thảm nhất chính là cái chết của Trụ Vương, thì được cúng tế trong tục cúng cô hồn.
Ngày rằm tháng 7 theo Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả là ngày hóa của Hùng Huy Vương, húy là Long Tiên Lang. Triều đại tiếp theo là Hùng Ninh Vương, húy là Thừa Văn Lang. Thông tin này khẳng định thêm nhận định về Thương – Chu ở trên. Long Tiên Lang là dòng vua Hùng theo cha Lạc Long Quân ở phía Đông, tức là nhà Ân Thương. Còn Ninh Vương chính là tên của Cơ Phát hay Chu Vũ Vương, người kế thừa nước Văn Lang của Chu Văn Vương, nên có tên là Thừa Văn Lang.
Cúng cô hồn tháng Bảy hàng năm thực chất chính là ngày cầu siêu cho nhân dân đói khổ vì chiến tranh loạn lạc, binh sĩ nơi sa trường, đã chết trong cuộc chiến khốc liệt giữa Chu – Thục Vương và Ân – Hùng Vương của 3000 năm trước.
Xã hội phát triển từ chế độ chiếm hữu nô lệ (thời Ân Thương) sang chế độ phong kiến (Chu Văn Lang) đã phải trải qua một cuộc “cách cổ đỉnh tân”, thay cũ đổi mới, thật đắt giá với hàng vạn người đã đầu rơi máu chảy, sọ chất thành núi như ở Cổ Loa.

Sự tích các vị thành hoàng xã Quế Lâm

IMG_0062

Sự tích các vị thành hoàng xã Quế Lâm (nay đổi là xã Quế Trạo)

Năm Hưng Long thứ tư, ngày 15 tháng 1, lương thần phụng sao một cuốn thần tích bản chính.

Chủ bộ quan triều Hùng Chính Lâm Đại vương họ Đặng húy Hồng, cùng với bà họ Trần húy Đoan, sinh một bọc nở được ba người con trai, con đầu tên là Cốt Sơn, thứ hai là Giao Sơn, thứ ba là Húc Sơn. Năm 24 tuổi cùng với cha cùng giúp vua Hùng thứ 18 là Duệ Vương đánh Thục Vương. Bản phả cổ, Trung bộ, hào thứ 6 quẻ Khôn.

Xưa nước Việt ta triều Hùng khai mở thánh đồ, mười tám đời vận đế thánh vua sáng, núi xanh vạn dặm dựng nên dáng đô thành cung điện, giữ phép trị nước hơn hai ngàn năm, mãi mãi giúp dòng dõi vững như bàn đá, mở vật giúp người quản mười lăm bộ, thế lớn mạnh trước phiên thần, hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh, lưu truyền hương lửa ở núi Hùng, đời đời cha truyền con nối, cùng xưng tên là Hùng Vương, ngọc trắng xe sách, núi sông thống nhất, chính là tổ của Bách Việt. Người đời sau có thơ ca ngợi rằng:

Triều Hùng một mối các vương hầu

Mười tám đời truyền tên giống nhau

Năm lẻ hai ngàn dòng nhánh mãi

Lệ trời điện đẹp vững dài lâu.

Kể rằng thời cơ đồ họ Hùng mười tám lá truyền tới Duệ Vương đóng đô ở Bạch Hạc bên sông Việt Trì, đặt tên là nước Văn Lang, kinh đô là thành Phong Châu. Vua có tài hùng mưu lớn, tư chất minh thánh, kế nghiệp tổ dựng tông bồi, vững mạnh mười bảy đời Hùng đồ, trong sửa đức văn, ngoài phòng biên giới, lấy việc hưng bình làm chí hướng mà yên định Trung Quốc. Đương khi đó ở xứ Sơn Tây có một Chủ bộ quan, quê ở xứ Tuyên Quang, người châu Tụ Long, là dòng dõi danh tướng nhà họ Hùng, được Duệ Vương khi ấy phong là Chủ bộ quan. Khi đó triều Hùng yên sự, bồn biển thanh bình. Vua ở quê người núi Tiên, núi sông nước cũ, thấp cao Thần Phù Yên Tử, ngày hồng mây trắng, gió trăng hoa quả lúc lên khi xuống, trên dưới núi xanh nước biếc, bốn biển yên ninh.

Chủ bộ quan cũng đi chu du khắp phong cảnh thiên hạ, núi sông bốn hướng, qua sông ra bến, tản bộ dạo núi. Hoặc lúc đàn reo trúc múa, thơ văn gói cả đất trời, nhạc phượng ca loan, sắc tiếng Bồng Lai, thích gặp khi Tam Giang chủ trương câu cá, đón trăng nơi Ngũ Hồ theo dấu tiên, chơi ngắm tới lúc sương ráng hội cảnh, mây bay vạn hình như cổ, nước chảy quanh núi xanh, cuộn đẹp rời đi như đất trời hé lộ, thánh Nam, thần Bắc, ra vào phong cảnh chốn Trời Nam.

Một ngày Chủ bộ quan đi đến xã Quế Lâm (tức Quế Trạo), huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới. Ông thấy xã Quế Lâm có địa thế nước dạt dào, núi vời vợi, đá nghiêng nghiêng, rồng bay hổ giữ, sông vạch núi theo. Phía trước có sông như hình rồng lại chầu. Phía sau có dãy núi cúi phục. Kim tinh dẫn mạch, tất cả đều quay về chầu ở đất này. Khi đó đang mùa xuân, khí trời ấm áp, khắp nơi khoe sắc. Ông nhận thấy là một vùng có thế cục quý giá, mới lập hành cung ở đất này, gọi tên là cung Thưởng Xuân, rồi ở lại đó.

Khi đó Chủ bộ quan lấy một người con gái là dòng dõi đời thứ sáu của họ Hùng, tên là Đạm Nương, lập làm đệ nhất cung phi, rước về cung Thưởng Xuân. Ở được vài năm thì bà Đạm Nương không bệnh mà mất. Lúc đó Chủ bộ quan đã 38 tuổi. Ông xem chọn được đất tốt để chôn cất tại đó (chôn tại đất Đông Thụy). Ông trở về cung ở xã Quế Lâm. Được ba bốn tháng, một hôm Bộ quan đi chơi đến xã Hoa Ngạc. Khi đó xã Hoa Ngạc có một người họ Trần tên Bảo, lấy người ở xã Quế Lâm là bà Nguyễn Thị Đường. Uyên ương hợp bạn, loan phượng vui bầy, tiếng đàn tiếng thơ đẹp vần, chiêng trống múa ca, vẻ mê ngày xuân bướm lượn, tình thư cưu thanh tốt. Thế rồi sinh được một con gái tên là Thụy Nương. Tuổi 20 mặt phấn má đào, ánh sắc như nước, nhan sắc tươi đẹp, phong tư yểu điệu, lại là người có bốn đức công dung ngôn hạnh không thiếu đức nào, thực là Hằng Nga trên thượng thế, là bậc quốc sắc đương thời.

Lúc ấy Chủ bộ quan du ngoạn nơi đất đó (tức là xã Quế Lâm), bỗng gặp Thụy Nương ở trên đường. Nhìn thấy nhan sắc của Thụy Nương, lòng vô cùng thích thú. Ông triệu nhân dân Quế Lâm đến hỏi. Dân nói đó là con gái nhà họ Trần, tuổi đã 24, thơ Đào Yêu chưa có người nghe ngâm. Ông nghe nhân dân nói vậy mới mời triệu ông Bảo đến, đãi tiệc thật hậu, xin được cùng Thụy Nương kết làm vợ chồng. Ông Bảo đồng ý, trở về nhà nói với Thụy Nương. Thụy Nương cũng vui lòng, đợi ngày lành tháng tốt định hôn lễ, sánh duyên lành kết hợp. Bộ quan mới cưới đón về nơi cung Quế Lâm. Được vài năm, tình nồng loan phượng, hòa hợp thư cưu, chú chuyên vào lầu nguyệt, tưởng vui buồn như giấc mộng trên đời, nhã hứng duyên hảo hợp phòng khuê. Tất thêm kỹ duyên tới điềm rắn ấu, ngắm trông điều lành mà chưa hề thấy.

Một hôm đang lúc ngày giỗ tiên tổ, vợ chồng mới cùng nhau than rằng:

– Ngoài ba mươi mà chưa có con là tội lớn bất hiếu. Nhà ta nay tuổi đã cao mà chưa mộng được điềm gấu rắn. Hay là do phạm phải điều dặn dò của cha mẹ, tổ tông nào đó. Chi bằng chia của để cầu phúc, yên được lòng người, trời mới có thương cho.

Do đó mới đem chia hết gia tài vào các đền thần chùa phật, chỗ nào chưa có nơi đều tu sửa, để cầu sinh được con. Khi ấy Bộ quan cho lập một ngôi chùa ở xã Quế Lâm, gọi là chùa Phù Long. Ngày thì tiến cúng hương hoa. Đêm thì tụng niệm chân kinh. Được ba bốn tháng, một hôm buổi tối Ông cùng với Thụy Nương đang ngồi ở trong chùa, cảm thấy mông lung. Bỗng thấy trước chùa có ba quả núi dựng cao, ở giữa có một thần tướng cưỡi hổ đen, đứng trên ba ngọn núi mà gọi Thụy Nương ra, nói rằng:

– Ba quả núi này tên một là Cốt Sơn, một là Giao Sơn, nữa là Húc Sơn. Hôm nay gia đình các ngươi có đức cầu đã nhiều. Ta đem ba ngọn núi này cho nhà các ngươi. Ngày sau tất sinh được ba con trai theo như mệnh này.

Dứt lời, lại thấy ở trên núi có một tiếng động lớn.  Chốc lát trong núi bay ra ba con rồng trắng, bay thẳng đến nằm bên thân Thụy Nương. Thụy Nương giật mình tỉnh dậy, mới biết là một giấc mộng Kê Vàng, tai vừa nghe bầy gà gáy sáng, phương Đông trắng dần. Bèn đem những điều trong mộng kể với Bộ quan. Bộ quan liền nói rằng:

Nhà ta phúc dày nên Trời đã biết thấu đó. Mộng này tất là Trời giáng điềm lành, sẽ sinh được quý tử. Dứt lời, Ông mới ngâm một bài thơ luật:

Tích thiện nhiều năm tất có nền

Hoàng Thiên ứng mộng đẹp cho điềm

Ba rồng chầu đến, tỏ điều tốt

Thêm đức nhà ta mừng sắp nên.

Ngâm xong Ông thuật lại sự việc trong mộng bằng cách viết lên vải lụa để cất cho mai sau. Lại thấy Thụy Nương có mang thai. Mang thai được 13 tháng tới năm Giáp Tý ngày 11 tháng 1. Tối đó Bộ quan nằm ở trong cung sở (tức cung Thưởng Xuân ở xã Quế Lâm), hồi hồi như mộng, bỗng thấy bên ngoài cửa vang lên ba tiếng kêu lớn, gọi Bộ quan rằng:

– Xin hãy mau mở cửa.

Ông bàng hoàng liền mở cửa đi ra. Nhìn khắp nơi không thấy ai, nhìn xa như từ trên trời có khí trời thanh hòa, chỉ thấy một đám mây trắng từ phương Tây bay đến. Trong khoảnh khắc đám mây lại biến mất. Ông lấy đó làm lạ mà không biết là điều gì.

Tới ngày hôm sau (tức ngày 12 tháng 1) mới thấy Thụy Nương sinh được một bọc, nở ra ba người con trai. Lúc đang sinh trên trời có ba tiếng sấm nổ, khí lành bay khắp, mùi hương thơm nức. Sinh được một trăm ngày sau thì Bộ quan theo sự việc trong mộng mới đặt tên người con trưởng là Cốt Sơn, người con thứ là Giao Sơn, người con út là Húc Sơn.

Năm 8 tuổi được vào học với Hiên Đường tiên sinh, xưng rằng:

Đây là một gia đình vững mạnh mới có điều phúc thế này, sinh được những người con trai có học vậy. Có ngày sẽ kiêm toàn văn võ, là những người con làm nổi danh gia đình.

Đến khi 15 tuổi, những người con không có sách vở của bách gia nào chưa xem. Người người cùng gọi là thánh đồng. Lại rất giỏi đấu cung tên, đọc binh sách Thái Công. Mỗi khi ngồi đàm thoại nghị luận, bạn bè hai bên không ai không kinh phục, đều xưng là lạ, cho là kỳ tài trong thiên hạ. Những bậc tuấn tú của thế gian so như kém cỏi. Các vị như rồng gặp mây mưa, những người khác như vật trong ao tù. Nên mới sáng tác một bài thơ vịnh ba ông rằng:

Sông dài bao dẫn hội màu trời

Sinh xuất chân Nho há ở nơi

Khen rộng sớm khuya cao tiếng giá

Cùng như huynh đệ ít trên đời.

Một ngày khí trời trong xanh, mặt trời mới ló, khi đang vui chơi với bạn bè, ba ông có hứng làm bài thơ luật vịnh rằng:

Mặt trời mới ló vạn dặm xuân

Ví như chúng tớ há lo bần?

Râu tóc mắt tai trời nào thiếu

Nam Dương nằm đợi giúp thánh quân.

Khi đó cuộc sống người dân xã Quế Lâm còn hoang sơ, phong tục chưa thuần. Ba ông đã lấy nhân nghĩa là cố kết lòng dân, lấy sự hòa thuận đúc thành mỹ tục. Lại dạy dân làm nông tang, ra sức chuyên cần. Do đó nhân dân được giàu có, phong tục trở nên thuần hậu. Thật là có công lớn với dân.

Khi ba ông tuổi được 22, Thụy Nương tự nhiên bị sốt nóng liên miên, hơn mười ngày dùng thuốc mà không đỡ, cầu khấn không linh hiệu. Thụy Nương mất ở tại nhà. Ba ông liền làm lễ tìm đất tốt chôn cất. Việc cúng tế hương khói trong gia đường ba năm liền, rất đỗi hiếu kính.

Lại rằng, thời đã đến lúc kết thúc, cơ đồ họ Hùng cận cuối. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử, 6 công chúa, đều lần lượt theo về với tiên tổ. Chỉ còn lại 2 người con gái, một tên là công chúa Mị Châu Tiên Dung, sau được gả cho Chử Đồng Tử. Người thứ hai tên là công chúa Mị Nương Ngọc Hoa. Cung trăng một vẻ, ngọc nhụy đương thì, lương duyên tốt đẹp chưa được định ước. Vua muốn tìm người tài đến lấy để nhường ngôi báu, bèn lập một lầu ở cửa thành Việt Trì, xuống chiếu truyền thần dân thiên hạ, ai có tài trí thông minh, anh hùng đức độ có thể tiếp được ngôi vua thì sẽ gả con gái cho.

Khắp bên sông thuyền bè, trước lầu xe ngựa, viết văn múa võ như hình động rắn rồng, sao đẩu lạc lạnh sông, trận võ về mà kinh hồn hổ báo, một trường sấm sét bay bạt biển. Anh hùng bốn biển trong nước đều lỡ mất duyên kia. Những người có duyên thì đều không có toàn tài, khó xưng đạt ý chỉ. Chỉ có Tản Viên Sơn Thánh, có kỳ tài thông trời thấu đất, phép thuật dời non lấp biển. Vua cho là nhân tài đứng đầu, bèn mời công chúa Ngọc Hoa đến gả cho Tản Viên Sơn Thánh. Khi đó, Vua đã ở ngôi 105 năm.

Thục Vương là Chủ bộ quan Ai Lao, cũng là tông phái Hùng Vương, mới nghe Duệ Vương tuổi trời đã đến lúc, mà 20 hoàng tử đều đã quy tiên, không có người lập trưởng, nên đã thừa cơ âm thầm phát động binh đao, từ phương Tây đến muốn tấn công để chiếm lấy nước này. Vua mới triệu Sơn Thánh đến hỏi kế sách. Sơn Thánh nói rằng:

– Đã hơn hai ngàn năm, mười bảy thánh quân, ơn sâu dày đã thấm vào trong xương tủy lòng người. Nay nước giàu quân mạnh. Oai đức của Bệ hạ vang cả ngoài cõi. Mà người Thục đã không tự thủ giữ, lại dám chống lại thì cơ sự thua bại đã rõ. Một khi Bệ hạ kêu gọi trừ dẹp Thục thì dân ta sẽ đều vì Bệ hạ mà chống lại giặc thù, phá họa này, Thục không thể thắng.

Vua nghe thế vô cùng vui mừng. Ngày hôm đó Sơn Thánh sai sứ đi truyền hịch tới triệu các phiên thần phụ đạo, dẫn quân về triều chống giặc. Một ngày tới xã Quế Lâm. Quan bộ chủ cùng với Ba ông đều được mời đến. Ba ông bèn tập hợp được 78 người dân xã Quế Lâm, 60 người dân xã Quế Nham cùng với binh phu ở huyện và bản bộ binh mã, được năm ngàn người, ngay trong ngày tiến quân hướng về kinh thành để bái yết. Vua thấy Ba ông, tức là con trai của Bộ quan, có tướng mạo đường đường, oai phong lẫm liệt, bèn nói rằng:

– Nước ta trời đã sinh được người con rể Tản Viên Sơn Thánh, thật là bậc thánh thần trên cao, lại có nhiều bậc kỳ tài để bảo hộ cho nhà họ Hùng của ta không gặp họa.

Hôm đó Sơn Thánh cùng với các tướng Bộ quan và Ba ông làm lễ bái tạ lĩnh mệnh, đường đường mà quay về. Người đời sau có thơ vịnh là:

Cửa ngọc xuất chinh phất phới cờ

Ba quân nghiêm giữ chẳng sai tơ

Việc công vó ngựa bay trong gió

Trướng hổ đâu nghi tuyết mòn giờ

Ly biệt một lần chia cách núi

Ruổi rong ngàn dặm tựa như mơ

Kiếm cung từ cổ anh hùng sự

Gánh hết gian nan lạnh nào chờ.

Khi quân Thục đã đến núi Mạn Nhai Châu (nay là địa phận miếu Yên Tây), Sơn Thánh cùng với các tướng tiến quân đến bản châu, nổ một tiếng lớn để phát lệnh, lập trận đóng quân ở đó. Sơn Thánh mới sai hai vạn quân mạnh tiến thẳng đến núi Mạn Nhai Châu, ở ngoài xa 50 dặm cho nổi trống khiêu chiến. Tướng Thục nghe vậy liền đưa 30 vạn quân đến tấn công quân Hùng. Quân Sơn Thánh giả vờ không đánh lại mà chạy về phục ở Thiên Táo. Quân Thục truy kích đến bản châu. Sơn Thánh mới đánh trống liên tục, lấy nỏ thần bắn vào đó. Quân phục kích vây lại, đại chiến với tướng Thục. Một trận chém hơn 5.000 quân. Quân Thục thua to, chạy trốn. Ba ông đuổi theo mà chém. Đám quân Thục không thể quay phát binh nữa. Mới gửi tấu về cho Duệ Vương. Vua mới ban chiếu cho rút về. Sơn Thánh và các tường phụng nghênh chiếu triệu hồi, khải hoàn trở về nước bái tạ.

Hôm đó Vua cho giết mổ để khao thưởng tướng sĩ, luận công mà ban thường, phong cho Sơn Thánh là Thượng đẳng thần phụ trách Nhạc phủ.  Phong cho Chủ bộ quan là Chính Lâm Đại vương từ đó (do vậy mà từ đấy xã Quế Lâm đổi thành xã Quế Trạo). Phong cho Cốt Sơn, Giao Sơn, Húc Sơn đều là Đại vương. Từ đó phúc thánh thấm sâu, ơn vua hưởng nặng, có duyên hương lửa sáng rạng.

Một hôm Chính Lâm Đại vương và Ba ông mới xin Vua cho được trở về cung quán. Vua đồng ý. Chính Lâm Đại vương mới trở về mở tiệc khao thưởng quân sĩ (tức ngày 12 tháng 8). Nhân dân xã Quế Lâm làm lễ bái, xin làm thần tử. Khi Chính Lâm Đại vương thọ 78 tuổi thì một hôm bỗng thấy bị đau quặn bụng mà mất (ngày 1 tháng 1. Chính Lâm Đại vương họ Đặng húy Hồng, sinh vào năm Canh Thìn ngày 10 tháng 6, sống thọ được 78 năm thì hóa). Ba ông mới dâng biểu tấu lên triều đình, làm lễ chôn cất, lập miếu ở xứ gò (tức là phần gò Đông Thụy) để phụng thờ về sau.

Lại kể rằng, được 3 năm, Thục Vương lại chuẩn bị cho cuộc chiến, đi xem xét cầu viện các nước láng giềng, chỉnh đốn quân đội trăm vạn, ngựa khỏe tám ngàn, chia thành 5 đạo. Chính binh 30 vạn, 5000 ngựa, theo đường núi Mạn Nhai châu Hoàng Tế mà đi. Đạo thứ hai ở cánh tả quân số 10 vạn, ngựa ngàn con, theo đường núi Lạng Sơn châu Văn Giản mà vào. Hậu quân 20 vạn, ngựa ngàn con, theo đường Đại Man mà đi. Ba đạo ở cánh phải có quân 10 vạn, ngựa 500 con đi theo châu Bố Chính Minh Linh. Một đạo thủy quân tàu thuyền 3000 chiếc, quân thạo thủy chiến 20 vạn tiến theo cửa Hội Thống châu Hoan. Thủy bộ cùng tiến, tiếng quân vang động.

Duệ Vương rất lo lắng, hỏi các đình thần thì đều nhìn nhau không có kế sách gì khả thi. Sơn Thánh mới tâu rằng:

– Trước đây Thục Vương ngông cuồng đã dẫn quân, tưởng oai như trời, xuất binh lẫm liệt, nhưng thất bại thảm hại. Hoàng đế Bệ hạ đã khoan hồng độ lượng, miễn cho không lật tổ phá đô. Nay lại không biết hối cải, tội muốn tái chiếm cơ đồ. Như thế trời đã định chắc phải vong vậy. Bệ hạ không phải lo nữa. Hiện nay đầu tiên cần bảo vệ thánh giá. Thần xin được lĩnh các tướng tài cùng với 30 vạn quân mạnh. Thiên hạ khắc sẽ được được định đoạt.

Vua đồng ý. Như vậy, Sơn Thánh điều hai vị tả hữu kiên thần ở động Lăng Sương trợ giúp. Lại truyền hịch triệu Ba ông dẫn quân theo đánh trận. Ba ông nghe hịch bèn chỉnh đốn binh mã đến hội quân với Sơn Thánh. Hôm đó, Ba ông đến gặp đại binh của Sơn Thánh tiến tới địa phận xã Lãng Sơn ở cùng huyện. Các ông bèn điều động nhân dân (nhân dân xã Quế Lâm) cùng với các binh sĩ từ cung sở của mình đến để làm lễ đón tiếp, xin được theo ra chinh chiến (Sau này hai xã Lãng Sơn, Quế Lâm mỗi năm ngày 27 tháng 8 quét dọn từ chốn đình ra đến bãi triền để hội tế, mổ trâu và ca hát vui chơi để tưởng nhớ sự tích Ba vị Đại vương làm lễ đón Sơn Thánh vậy).

Sơn Thánh cùng với hai vị thần tả hữu và Tam công Đại vương dẫn quân tiến thẳng đến kinh đô Thục cùng đánh chặn, thế như sấm sét. Sơn Thánh mới cử Tam công đánh hậu binh của quân Thục. Ba ông đánh một trận đại phá, bắt được một số quân Thục thì quay về giao hiến cho Sơn Thánh. Sơn Thánh mới giả viết một bức thư của Thục Vương, sai một quân địch đã đầu hàng biết việc, tự xưng là do Thục Vương sai khiến, cưỡi ngựa đưa đến đồn của cánh quân chính, mang thư cho tướng Thục rằng: Phía bên quân nhà Hùng có một thần nhân. Lệnh cho tướng quân phụng mệnh đến đánh nước người, chớ nên khinh động. Đợi có thư báo lại thì mới quyết định.

Tướng Thục từ khi nhận được thư đó lại tăng thêm phòng thủ. Từ đó khi các cánh quân giao chiến đều không dâng thư báo gấp về. Sơn Thánh mới tiến quân ngày đêm hơn 50 dặm đến thẳng kinh đô của Thục, chia quân tập kích. Nước Thục cáo cấp không ngừng. Sơn Thánh ước sách thần, hô gậy thần, đại phá được tướng cánh chính của địch. Binh mã đều bị bắt sống cả. Ba cánh quân thủy bộ tự nhiên chạy tan tác. Ba ông bèn truy sát, chém được ngàn đầu, treo dưới cổ ngựa. Quân Thục bị phá tan, chạy trốn về phương Bắc. Nhờ đó, Sơn Thánh quay cờ khải hoàn, đuổi sạch cánh quân chính của địch, rồi binh mã trở về kinh tấu báo.

Hôm đó Vua bèn nhường ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh cố từ chối không nhận. Nhân đó dâng lời can Vua rằng:

18 triều Hùng đều cơ căn cơ của lòng trời. Nay xem Bệ hạ sinh được 20 hoàng tử, đều đã thoát đi phiêu du chốn Bồng Lãng, không còn ở trên trần thế để mong kế tục ngôi vị. Đó là cơ đồ nhà Hùng đã mạt, vận nước kết hồi, ý trời quả nhiên như vậy, nay biết làm sao. Thục Vương vốn là Bộ quan Ai Lao, cũng là tông phái của nhà họ Hùng. Vua không nên vì mến một cảnh phương Nam mà cưỡng lại ý trời. Chi bằng triệu Thục Vương đến truyền lại ngôi sự. Còn thần xin cùng Bệ hạ chuyên vào thuật thần tiên, hưởng một cuộc sống thân ở chốn Lãng Uyển, Bồng Hồ, trường xuân sánh cùng năm tháng. Lầu rồng gác phượng chẳng nhiễm bụi trần. Non xanh nước biếc thưởng ngoạn. Quân tử vui vầy là vậy!

Vua nghe lời nói ấy liền triệu Thục Vương đến nhường ngôi cho.

Lại kể rằng Tam Công nghe chính lệnh về việc Vua nhường nước cho Thục bèn tạ triều đình xin được về cung sở an nhàn. Vua bèn thưởng cho 500 hốt vàng. Từ đó Tam Công chu du bốn biển, hoặc lúc bắt thỏ săn cáo, ngăm trăng sáng trên dòng nước, hoặc lúc làm ruộng, săn bắt, gió mát ngoài bãi triền. Một hôm Tam Công trở về chốn cung sở. Hôm ấy nhân dân đến lễ bái. Ba ông mới bày tiệc ở từ đường ngoài gò, làm lễ báo yết. Xong việc mới mời nhân dân phụ lão xã Quế Lâm đến uống rượu. Rót rượu mà nói với nhân dân rằng:

– Chúng tôi cùng với dân đã thành nghĩa lâu năm, không thể chỉ một ngày mà mất đi. Nay chúng tôi là những danh tướng của triều Hùng, không phải gia thần của chúa Thục. Bây giờ hoàng gia đã nhường ngôi cho Thục, tức là mọi nơi nhân dân đều là chỗ của chúa Thục. Thục chúa nhận ngôi tất sẽ triệu các cự thần, dòng dõi hoàng gia về giao việc. Chúng tôi chắc cũng sẽ bị gọi. Thờ 2 chủ là bất trung. Chúng tôi thà giao du ở núi trúc rừng đào, chứ không thể vì Thục. Chúng tôi có cung sở ở đây, là để phụng thờ cha mẹ tổ tiên. Sau này chúng tôi ngoài trăm tuổi, xin nhân dân cũng phụng thờ chung cho một chỗ. Lại có 500 hốt vàng ở đây xin gửi nhân dân dùng bày tỏ tấm lòng, để sau này làm việc hương lửa, cúng thần có chỗ cầu chúc vậy.

Nhân dân phụ lão đều nhận mệnh bái tạ. Tiệc xong, Ba ông mới vịnh một bài thơ rằng:

Một nhà tụ hội giáo tinh thần

Vạn cổ hương đèn tại xã dân

Ấy đó khi say vui lời rượu

Tình lưu thôn ấp muôn năm xuân.

Ngâm xong, ngày hôm sau bỗng thấy một đám mây trắng đên ở trên chỗ cung. Chốc lát gió mưa như sấm sét nổi lên. Lại thấy trên giữa cung có ba tiếng gọi lớn, kêu Ba ông nhanh chóng trở về lên Thiên đình (tức là ngày 19 tháng 11). Ba ông cùng hóa.

Hôm đó xã Quế Lâm đều ra ngoài nghênh đón Tam Công về cùng chôn cốt ở lăng Chính Lâm, tức lăng Đông Thụy. Chôn cất xong nhân dân lập miếu cùng với Chính Lâm Đại vương để thờ một chỗ. Xong xuôi, nhân dân làm lễ an vị. Khi đang làm lễ bỗng thấy sứ giả Thục đến triệu Tam Công. Thấy nhân dân đều đang việc tang, sứ thần bèn làm lễ bái tạ, gia phong Thượng đẳng thần. Khi ấy bỗng nhiên trời đất u ám, kinh trời động đất, trên gác nghe tiếng ầm ầm như sấm sét sắp nổi lên. Sứ thần mới biết đó là rất linh dị, bèn về triều tâu với Thục Vương. Thục Vương bèn theo mỹ tục của triều Hùng (tức là coi Tam Công đúng là trung thần) mà phong tặng sắc chỉ, cho đem về nhân dân được bảo hộ ở xã Quế Lâm để phụng thờ hương lửa, vạn đời cùng thịnh với đất nước. Gia phong các tên hiệu chức vị là Chính Lâm Đại vương, Cốt Sơn, Giao Sơn, Húc Sơn cùng là Đại vương. Còn như Quế Lâm, Quế Nham truyền đời sự tích, xã Hoa Ngạc có miếu thờ. Còn các xã có thờ phụng cộng tất cả 36 xã.

Lại kể rằng thời Trưng nữ vương tên Trắc, là bậc thượng thánh thần, bậc hào kiệt trong giới nữ, khởi binh trừ Tô Định, có hành quân qua chỗ cung Quế Lâm, trú đêm tại đây, truyền cho quân làm lễ cầu đảo ở cung Quế Lâm nơi chính đền phụng thờ 4 vị đại vương. Tối ấy, Trưng Vương lưu nghỉ ở trong cung. Tới nửa đêm mơ màng như mộng, bỗng thấy 4 người từ phương Tây đến, một người cưỡi hổ đen còn ba người cưỡi hổ trắng, thân mặc áo vàng áo trắng. Theo sau có binh sĩ giáo mác hàng ngàn, cờ xí rợp trời, tinh khí khắp đất, đến hội đứng trước Trưng nữ vương, tự nguyện phù giúp dẹp giặc, ra trận giúp nước. Vua Trưng mới hỏi tính danh thì tự xưng là Chính Lâm Đại vương và các Đại vương Cốt Sơn, Giao Sơn, Húc Sơn,

Là phúc thần của xã Quế Lâm. Vừa dứt lời thì bỗng tỉnh lại, mới biết là mộng, nghĩ là điềm tất thành công. Bèn làm lễ bái, khởi binh tiến đánh một trận. Tô Định đại bại, chạy trốn. Trưng nữ vương lên ngôi mới bao phong là Chính Lâm Phù vận Hộ quốc, lại phong Cốt Sơn Anh linh Dực thánh, phong Giao Sơn Tế thế Hiển ứng, phong Húc Sơn Hùng lược An dân là các Đại vương cùng quốc gia hưởng phúc. Lại ban sắc chỉ về trùng tu miếu điện, sai sứ thần đến tế, bốn mùa hương lửa, vạn đời không ngừng. Từ đó về sau, nước cầu dân cúng, đều rất linh thiêng, có nhiều linh ứng. Sau này các đời đế vương có phong thêm mĩ tự, vạn đời hưởng cúng cùng với trời đất mãi còn.

Thật tốt thay! Đẹp thay!

Cuối cùng:

Chính Lâm Đại vương, ngày sinh là ngày 1 tháng 1, ngày hóa là 10 tháng 6.

Tam công Đại vương, ngày sinh là ngày 12 tháng 1, ngày hóa là ngày 19 tháng 11.

Ngày 27 tháng 8 Tam Công làm lễ bái đón Tản Viên tại chốn bãi bằng tiếp giáp với xã Lãng Sơn. Hàng năm đúng ngày tháng đó hai xã Quế Lâm, Lãng Sơn làm lễ tới chỗ bãi đó cúng tế. Trên bày bài vị Tản Viên Sơn Thánh. Bên trái là bài vị của Tam công Đại vương. Bên phải là bài vị của một vị thành hoàng Đại vương của xã Lãng Sơn.

IMG_0065

Có bao nhiêu nhà Thục trong sử Việt?

Ngày nay học sinh sinh viên Việt Nam học sử Việt, được giảng: Thục An Dương Vương là người đã thay thế Hùng Vương lập ra nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, rồi bị Triệu Đà sai con là Trọng Thủy đến lừa lấy mất lẫy nỏ thần, nên phải đường cùng mà tự vẫn ngoài biển Đông… Cao cấp hơn một chút, các giáo sư lịch sử sẽ “hé lộ” phát kiến mới chưa từng được sử sách nào ghi lại… là chuyện Thục Phán được các Lạc hầu Lạc tướng tôn lên làm “người Tuấn kiệt”, kháng chiến chống đại quân Tần thắng lợi…
Việc quy kết tất cả các chuyện nói đến Thục Vương đều vào một thời gian khi thời đại Hùng Vương kết thúc là một sự lạc lối hết sức lớn của cổ sử Việt. Nếu Hùng Vương có tới 18 chi nhánh (18 triều đại) thì liệu Thục Vương có thể chỉ là 1 người được hay sao?
Thục thực ra là danh từ chỉ phía Tây vì:
– Thục = Thụt, là hướng mặt trời lặn.
– Thục nghĩa là Chín (thành thục), chỉ số 9, con số của hướng Tây.
Ví dụ nước Ấn Độ được gọi là Tây Trúc hay Đại Thực đều là những từ phiên thiết của chữ Thục mà ra, chỉ nước ở phía Tây Trung Hoa.
Vì Thục nghĩa là phía Tây, nên Thục Vương có nghĩa là Tây Vương, không phải là tên 1 người hay một dòng họ, mà là một danh xưng của các triều đại lập quốc ở phía Tây Trung Hoa xưa. Do đó, không phải chỉ có 1 Thục Vương, mà là có hàng loạt các triều đại Thục khác nhau trong sử Việt.
Hơn nữa, các sách vở đều ghi, Thục Vương là dòng dõi hoàng đế đời trước của Hùng Vương. Như vậy, việc Thục Vương kế vị (Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Vương) là chuyện tự nhiên và quan trọng hơn, khi đó Thục Vương lại trở thành một triều đại Hùng Vương kế tiếp.
Với cách nhìn nhận như vậy, xem hết trong sử sách nước ta, có ít nhất những thời kỳ sau có nói tới Thục:
1. Trong sự tích của Quốc mẫu Tây Thiên kể, bà đã tụ họp quân dân ở vùng Đại Đình, Tam Đảo kéo về Phong Châu giúp vua Hùng dẹp tan giặc Thục. Do đó, bà đã được phong là Tam Đảo sơn Trụ quốc Mẫu, đời đời tôn là người mẹ nguyên tổ của cả dân tộc họ Hùng. Giặc Thục ở thời kỳ này là tộc Cửu Lê do Xuy Vưu cầm đầu, đã được Hiên Viên Hữu Hùng Hoàng Đế (Đế Minh) dẹp nhờ sự giúp đỡ của Cửu Thiên Huyền Nữ (Tây Thiên Quốc mẫu). Sự kiện diễn ra ở thời khởi sử 5000 năm trước của Hồng Bàng Thị.

Câu đối ở đền Hóa Tây Thiên:
Vô sinh thiên hạ giai xưng mẫu

Phù Hùng tảo tặc hiệu thánh thần.

Dịch nghĩa:
Tự không thiên hạ đều xưng mẫu

Giúp Hùng dẹp giặc gọi thánh thần.

Dai LuNghi môn đền Đại Lữ, nơi Tây Thiên quốc mẫu hội quân với vua Hùng. Vế đối chữ Nôm còn ghi: Phù Hùng thắng Thục giữ trời Nam. 

2. Trận chiến Hùng – Thục thứ hai được kể trong sự tích Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đánh Thục cùng với các vị quan lớn. Trong lần này, phần thắng thuộc về Hùng Vương, tức là dòng phía Đông (Động Đình) thắng dòng phía Tây. Đây cũng là chuyện Lạc Long Quân đánh nhau với Đế Lai khi bắt Âu Cơ vì vua cha Bát Hải đứng đầu Thoải phủ là Lạc Long Quân. Trong Hoa sử thì đây là cuộc chiến giữa Hạ Khải, con của Đại Vũ, đã đánh đuổi ông Bá Ích giành quyền cai quản thiên hạ. Sự kiện này đánh dấu mốc thời kỳ lịch sử theo chế độ phụ đạo, cha truyền con nối (Đại Vũ cho Hạ Khải hay Kinh Dương Vương cho Lạc Long Quân) ở quãng 4000 năm trước. Có thể gọi thời kỳ này là Việt Thường Thị.

Câu đối ở điện thờ vua cha Bát Hải tại đền Đồng Bằng:
Bình Thục trứ nguyên huân, mỹ tai Hồng Lạc sơn hà, bi kệ trường minh Đào Động miếu
Lịch triều long tự điển, tế thử Á Âu phong hội, sương uy do tại hải môn thu.

Dịch nghĩa:
Trải triều đại thịnh dày năm xưa, đúng đây hội tục Á Âu, màn uy còn tại tiết thu cửa biển
Dẹp quân Thục công đầu tiếng nổi, đẹp thay Lạc Hồng sông núi, bia đá mãi sáng nơi miếu Động Đào.

Dong Bang
Nghi môn đền Đồng Bằng với dòng chữ Bát Hải Động Đình.

 

3. Dòng dõi ông Bá Ích hay Đế Lai (Âu Cơ) buộc phải “dắt nhau” lên núi, tức là di cư về phía Tây, nên được gọi là Thục. Khoảng 1000 năm sau, hậu duệ của dòng này được kể là vị con trai trưởng Hùng Quốc Vương đã lên ngôi Thiên tử ở đất Phong Châu, sau khi đã giành thắng lợi trước dòng Hùng ở phía Đông (từ nhánh Lạc Long Quân đi khai phá miền biển). Hùng Quốc Vương lập nước Văn Lang, phân phong cho các anh em và các công thần ở các nước chư hầu phiên dậu, mỗi chư hầu được quyền cha truyền con nối gọi là Phụ đạo, đặt ra trăm họ cho các nước chư hầu được phong, đặt ra lễ chế triều đình trăm quan, phong cho trăm thần. Trong Hoa sử đây là khi nhà Chu ở phía Tây (do Tây Bá Hầu Cơ Xương khởi sự) đánh bại nhà Ân Thương ở phía Đông, lập ra thiên hạ Trung Hoa trăm nước Bách Việt.

Câu đối ở đình Bảo Đà (Việt Trì):
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.

Dịch nghĩa:
Mấy ngàn năm phụ đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

Au Co
Đền mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa. 
 

 4. Nhà Chu ban đầu đóng đô ở phía Tây nên gọi là thời Tây Chu. Tới thời Chu U Vương, do vua Chu thất đức, quân Khuyển Nhung làm loạn, nên buộc phải dời đô về phía Đông, bắt đầu thời kỳ Đông Chu. Đánh dấu sự kiện này là việc vua Chu xây thành ở Lạc Dương mà được sử Việt kể Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, với sự giúp đỡ của Huyền Thiên Lão Tử, cử thần Kim Quy đến diệt trừ Bạch Kê Tinh, là oan hồn của đời trước (của thời nhà Ân – dòng Hùng Vương phía Đông). Sự kiện dời đô xây thành ở Đông Ngàn Cổ Loa xảy ra vào quãng thế kỷ 8 trước Công nguyên.

Câu đối ở đình Thổ Hà, nơi thờ Lão Tử:
Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo
Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.
Dịch nghĩa:
Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ chốn thanh hư, mở Đạo Giáo
Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền phép màu nhiệm, tạo Thần Tiên.

Ngu mon
Ngũ môn đền Sái ở Đông Anh, nơi Huyền Thiên cử Kim Quy diệt Kê tinh.

5. Cuối thời Đông Chu, chư hầu mạnh nhất ở phía Tây là nước Tần bắt đầu thôn tính cả thiên hạ. Trung tâm nước Tần khi đó nằm ở vùng Tứ Xuyên, tức là đất Xuyên Thục, phía Tây Bắc thiên hạ Trung Hoa. Do đó Tần chúa cũng được gọi là Thục Vương. Tần chúa ban đầu thôn tính đất đai phần Tây Chu, tức là vùng cao nguyên Vân Quý mà được sử Việt gọi là đất Ai Lao. Tần chiếm được vùng này, trở thành “bộ chủ Ai Lao” như trong Ngọc phả Hùng Vương đã chép. Sau đó, Tần Chiêu Tương Vương mới tấn công chiếm nốt đất Đông Chu ở miền Bắc Việt Nam, đuổi dòng họ Cơ của vua Chu về một khu đất nhỏ, gọi là Đông Chu Quân. Đất của Đông Chu Quân khả năng là ở miền Trung Việt, nơi mà theo truyền thuyết An Dương Vương đã đi vào biển về với thần Kim Quy. Tần thay thế vua Chu làm Thiên tử của Thiên hạ Trung Hoa, được sử Việt gọi là An Dương Vương lập ra nước Âu Lạc. Tới đời Tần Thủy Hoàng, chế độ Thiên tử – Chư hầu bị bãi bỏ, thay vào đó theo kế sách của Lý Tư, Thủy Hoàng đã lập quận huyện thống nhất quản lý trên toàn lãnh thổ. Thời kỳ phong kiến của nhà Chu (nước Văn Lang của Hùng Vương) đã chấm dứt, thay bằng một thời kỳ quốc gia thống nhất, vào năm 257 TCN.

Câu đối ở đền Cổ Loa:
Chiêu lăng tùng bách kim hà xứ
Thục quốc sơn hà thượng cố cung.

Dịch nghĩa:
Thông bách lăng Chiêu giờ đâu nhỉ?
Non sông nước Thục đó cung xưa.

Co Loa
Cửa võng đền Cổ Loa.

Tới đây ta nhận thấy, cuộc chiến giữa Hùng – Thục hay hai dòng Đông – Tây chính đã tạo nên sự phát triển chế độ xã hội Trung Hoa (Việt), là những nấc thang trên con đường tiến hóa của lịch sử phương Đông. (Hùng – Thục) = (Đông – Tây) = (Âu – Lạc) = (Rồng – Tiên) là cặp lưỡng lập, âm dương tăng trưởng không ngừng.
Trong các thần tích Việt, còn có sự kiện Tản Viên Sơn Thánh cùng các tướng lĩnh đánh Thục. Đây khả năng là sự kiện thứ 3 nêu trên, khi Thục Vương – Tây Bá Hầu Cơ Xương (Âu Cơ) đánh nước Sùng của Sùng Hầu Hổ (Sùng Lãm). Sử Việt kể Hùng Vương sau nhiều trận chiến với sự trợ giúp của Sơn Thánh đã nhường lại ngôi vị cho Thục Vương.
Ngoài ra, còn một thời kỳ Thục nữa là thời Tây Thục của Lưu Bị, mà khi đó phần Tây của miền Bắc Việt do Mạnh Hoạch cai quản, là một khu tự trị của nhà Tây Thục. Khu vực Tây Bắc sau đó đã không bị nhà Tấn chiếm được, tồn tại mãi dưới tên Hậu Lý Nam Đế, kéo dài tới thời Tùy mới nhập lại với quốc gia Trung Hoa, để rồi sau đó thời gian ngắn lại tách ra thành nước Nam Chiếu nổi tiếng trong sử cận đại.

Tần chúa tranh vua

Chuyện Chín chúa tranh vua của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Tổng Lằn là trống lăn, gọi chệch là Đống Lân. Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

IMG_1934
Chùa Đống Lân ở TP. Cao Bằng.

Theo sự tích trên, ta thấy “trống đồng” khi đó có vai trò là hiệu lệnh của Thiên tử. Tiếng trống vang lên ở gò Đống Lân (trống lăn) đã khuất phục được các chúa mường.

Dựa vào câu chuyện này mà các nhà sử học ngày nay cho rằng Thục An Dương Vương có xuất xứ từ Cao Bằng, đã đánh Hùng Vương để lập nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Cho dù truyền thuyết người Tày không hề nói gì đến chuyện Hùng Vương và thành Cổ Loa cả.

Nay đọc lại câu chuyện này chợt nhận ra những thông tin khá bất ngờ, giúp phát lộ chân tướng nguồn gốc của Thục An Dương Vương:

Thứ nhất là về hình thức tổ chức xã hội thời kỳ đó, bao gồm các “mường” khác nhau, mỗi mường có một “chúa”. Tuy nhiên, cao hơn Chúa còn có Vua, là chúa một xứ mường mạnh nhất, tài giỏi nhất, được các mường khác thuần phục.
Đây thực chất là hình thức Thiên tử (Vua) – Chư hầu (Chúa) của chế độ phong kiến phân quyền. Thiên hạ có nhiều nước, được gọi trong ngôn ngữ Tày Thái là các mường. Đứng đầu các nước này là các vị công hầu, mà truyện gọi là các chúa mường. Còn theo ngọc phả Hùng Vương thì đây là các phiên thần, thổ tù, phụ đạo bộ chủ. Danh xưng “bộ chủ” rõ ràng tương đương về ngữ nghĩa với tên gọi “chúa mường”.
Ngọc phả Hùng Vương ghi Thục An Dương Vương là bộ chủ Ai Lao… Ai Lao tới nay còn là tên của dải núi Ai Lao sơn nằm giữa tỉnh Vân Nam, chính là đất Thục xưa.

Thứ hai, Thục Phán được kể là Chúa mường thứ chín. Con số 9 này không phải vô cớ. Thục cũng có nghĩa là Chín (trong từ thành thục). Đặc biệt, số 9 còn là phát âm tiếng Trung của… TẦN, mà ngày nay còn thấy trong cái tên tiếng Anh: China.
Thục Phán là chúa mường thứ 9 tức là chủ nước Tần.

Thứ ba, cái tên Nam Cương có thể phân tích dựa trên Dịch lý:
– Nam vốn là phương mà cây kim Nam châm chỉ tới, tức là hướng về Bắc cực ngày nay.
– Cương là cứng rắn, là tính chất đặc trưng của phương Tây.
Nam Cương nghĩa là nước ở phía Tây Nam xưa (Tây Bắc nay), đúng vị trí của nước Tần trong Thiên hạ Trung Hoa.

Xét thông tin “Chín chúa tranh vua” như trên thì rõ ràng đây là chuyện Tần chúa đánh dẹp các chư hầu, giành ngôi Thiên tử. Thục An Dương Vương không phải ai khác chính là Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, lên ngôi xưng Đế, sắp xếp lại Thiên hạ trăm nước theo chế độ quận huyện. Chấm dứt thời kỳ phong hầu kiến ấp, để bắt đầu chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Sử Việt gọi là An Dương Vương lập nước Âu Lạc, kết thúc thời đại Hùng Vương, bắt đầu một trang lịch sử mới của người Hoa Việt.

Nhự Nương Trình Thị, vị Đế Hậu của Cao Tổ Lưu Bang

Thôn Nhự Nương xã Phương Định, Trực Ninh, Nam Định thờ một vị nữ thần đặc biệt là Hoàng Thái hậu, vợ của vua Triệu Vũ Đế. Đặc biệt vì ở đây bà được tôn sùng hết mức, được gọi là Đế Hậu, với đầy đủ các đức tính của một nữ trung: Cung túc Từ liêm Cẩn tiết Đôn thiện Mục thận Anh linh Bảo quốc An dân Chiêu đức Đoan trang bà Hoàng Thái hậu Tôn thần Thượng đẳng tối linh. Theo thần tích, bà là sao Thái Âm giáng thế vào gia đình họ Tình, lưu lạc đến khu Nhị Nương mà sinh ra ở đó.
Câu đối ở đình Nhự Nương:
瑞應太陰星明明在上
恩流湯沐浥濯濯厥靈
Thụy khí Thái âm tinh, minh minh tại thượng
Ân lưu Thang mộc ấp, trạc trạc quyết linh.

Dinh Nhu Nuong
Đình Nhự Nương.

Đặc biệt hơn nữa, truyện kể về vị Hoàng Thái hậu này đặc biệt giống y chuyện của vị Hoàng Thái hậu cùng thời là Lữ Hậu, vợ của vua Cao Tổ Lưu Bang. Thần tích Nhự Nương chép:
Một ngày Trang Nương theo mẫu thân đi thăm với dì ruột ở đất quận Cửu Chân. Khi đó vua Triệu Úy Đà đang khởi binh đánh Thục. Lúc ấy người địa phương thấy Trang Nương có tài sắc lạ thường đã báo với vua Triệu. Vua bèn mời Thái bà cùng với Trang Nương vào trong phủ gặp mặt. Vua thấy dung mạo nhan sắc tưởng như tiên nữ Bồng Doanh, Lãnh Uyển, lòng đầy thích thú. Lập tức cho vào điện làm lễ cưới. Ban thưởng cho cha mẹ các đồ sính lễ. Lập làm chính cung.
Triệu Đà khởi nghĩa ở quận Cửu Chân. Thông tin tưởng như sai mà lại rất đúng. Cửu Chân, chỗ khác trong thần tích gọi là Tây Chân rõ ràng tương đương với đất Chân Định, nơi chính thức được ghi là quê của Triệu Đà. So sánh từ ngữ ta thấy:
– Cửu là số 9, chỉ hướng Tây trong Hà thư.
– Định là tính chất tĩnh lặng của phương Tây.
Như thế 3 từ Chân Định – Cửu Chân – Tây Chân cùng một nghĩa.
Đoạn chép về việc Trang Nương lấy Triệu Đà ở trên tương tự như việc Lưu Bang gặp và lấy Lữ Hậu.  Sử ký Tư Mã Thiên, Cao Tổ bản kỷ chép:
Lữ Công người Đan Phụ, quen thân với quan lệnh huyện Bái, đến ở làm khách ở Bái để tránh người thù nhân đó làm nhà ở luôn tại Bái. Những người háo mục và quan lại ở Bái nghe nói quan huyện có người khách quý đều đến mừng. Tiêu Hà làm chủ lại,nhận đồ mừng của khách ra lệnh cho các tân khách…
Rượu uống gần tàn, Lữ Công nhân lấy mắt ra hiệu cố giữ Cao Tổ lại. Sau khi Cao Tổ uống rượu xong, Lữ Công nói:
– Tôi từ nhỏ thích xem tướng người ta, đã xem tướng rất nhiều, nhưng chẳng người nào bằng ông Quý cả. Xin ông Quý lo gìn giữ thân mình. Tôi có cháu gái muốn gả làm kẻ nâng khăn sửa túi cho ông Quý.
Tiệc rượu tan, bà Lữ giận Lữ Công nói:
– Ông vẫn thường muốn con mình có số khác thường, muốn gả cho người sang, ông huyện lệnh đất Bái là chỗ thân tình hỏi ông không gả, sao lại hứa gả bừa cho Lưu Quý.
Lữ Công nói:
– Cái đó không phải là cái đàn bà con trẻ biết được.
Rốt cục gả con gái cho Lưu Quý. Con gái Lữ Công chính là Lữ Hậu, sinh Hiếu Huệ và công chúa Lữ Nguyên.
Tiếp theo, thần tích Nhự Nương kể:
Khi đó Triệu Vương và Thục Vương đanh giao tranh, chinh Đông dẹp Tây, chinh chiến bất thường. Nên đã cho dẫn Chính cung về ở khu Nhị Nương, trang Phương Để, truyền cho nhân dân trong ấp xây dựng cung phủ để Chính cung ở đó. Tự Chính cung về khu Nhị Nương tiếp quản dinh phủ, tích trữ quân lương, chiêu dụ anh hùng bốn biển đến tụ hội.
Chuyện Triệu Đà chinh Đông dẹp Tây phải để vợ về quê cũng giống như chuyện Lưu Bang tranh hùng cùng Hạng Võ, Lữ Hậu bỏ gia sản ra giúp chồng chiêu binh mãi mã ở quê nhà. Những vị quan tướng trung thành và tài ba nhất của Lưu Bang như Tiêu Hà, Trương Lương đều có một công Lữ Hậu chiêu dụ.
Thế rồi, Thục Vương nghe tin Triệu Vương có Chính cung đã xây dựng phủ ở khu Nhị Nương, tích trữ quân lương, chiêu dụ các tướng tài, liền sai quân đến vây bắt. Chính cung thấy quân Thục tiến tới, liền xuất quân cùng chiến đấu, phá vỡ vòng vây của quân Thục. Cung phi mới về thẳng quận Nam Hải cùng với Triệu Vương.
Đọc đoạn này không khỏi giật mình vì cũng Lữ Hậu khi ở quê đã bị Hạng Vũ vây bắt làm con tin, mãi sau này tới hiệp ước Hồng Câu mới được thả về lại với Lưu Bang.
Thần tích không hề nhắc tới Trọng Thủy là con của Hoàng Thái hậu Trang Nương nên cuộc chiến Triệu Vương – Thục Vương ở đây không phải việc Trong Thủy gửi rể mà gạt Mỵ Châu. Trái lại, Trang Nương đã ra trận như một nữ tướng, phá vây về hội quân với Triệu Vương. Không có chuyện sau đó lại có Trọng Thủy đi cầu hòa.

IMG_4230Bia đề: Đế Hậu chính vị.

Tấm bia lưu ở văn chỉ của thôn Nhự Nương gọi bà Trang Nương là “Đế hậu”. Còn câu đối ở trong đình Nhự Nương ghi:
淑慎閨儀七郡山河資內治
清高廟貌千秋香火顯英靈
Thục thận khuê nghi, thất quận sơn hà tư nội trị
Thanh cao miếu mạo, thiên thu hương hỏa hiển anh linh.
Dịch nghĩa:
Vẻ ngọc thục hiền, non sông bảy quận riêng nội trị
Miếu mạo cao sáng, hương lửa nghìn thu tỏ anh linh.
Hoàng Thái hậu Trang Nương đã là Đế hậu, nội trị non sông nước Việt. Điều này cũng giống như Lữ Hậu đã từng lâm triều xưng đế, được Tư Mã Thiên dành hẳn một phần “Bản kỷ” tương đương với các bậc đế vương.
Nếu chuyện của Triệu Vũ Đế kháng Tần đã rất giống chuyện của Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa thì nay lại có chuyện bà Trang Nương giúp chồng binh lực, cùng ra trận không khác chuyện của Lữ Hậu. Chính xác hơn nữa, xét tên của bà Trang Nương:
– Ở khu vực Nam Định – Thái Bình bà được gọi với tên là Trình Thị. Thần tích thời Lê thì đề là họ Tình, nhưng sắc phong lại là Trình Thái hậu. Trình Thị đọc thiết âm là Trĩ.
– Thôn Nhự Nương (thần tích thời Lê chép là Nhị Nương) trong bản khai của thôn thời Bảo Đại lại dùng là Nhự Lang 茹郎. Nhự Nương do đó đọc thiết âm là Lữ, chính là họ của Lữ Hậu.
Nhự Nương Trình Thị chỉ đích danh Lữ Trĩ, là tên cúng cơm của Lữ Hậu.

Trieu Hoang Thai HauTriệu Hoàng Thái hậu Trình Thị thần vị

Câu đối ở cột trước đình:
始帝炎邦湞淑二南起化
生神故地樓臺一簇重新
Thủy đế Viêm Bang, trinh thục Nhị Nam khởi hóa
Sinh thần cố địa, lâu đài nhất thốc trùng tân.
Câu đối này gọi bà Trang Nương là Đế khởi thủy Viêm Bang. Địa danh thôn ở đây ghi là Nhị Nam, nếu đọc phiên thiết thì cũng như chữ Nhự Nương sẽ cho ra họ Lữ.

IMG_6980Hoành phi: Thiên Hạ Mẫu.

Đình Nhự Nương vốn là “sinh từ” (đền thờ lập lúc thần còn sống) thờ Lữ Hậu, hoàn toàn ăn khớp với các tư liệu lịch sử. Vùng đất Tây Chân – Cửu Chân – Chân Định chính là Bái huyện, nơi khởi sự của Lưu Bang. Di tích, thần tích vẫn còn. Lữ Hậu, vị nữ Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên của thời kỳ phong kiến tập quyền, thiên hạ thống nhất, hoàn toàn xứng đáng để lập sinh từ, tôn là bậc Thái Âm giáng thế, đời đời phụng sự.

 

Ngọc phả cổ chép về Nam Việt Vương Hoàng Thái hậu

Thần tích thôn Nhự Nương, làng Phương Để, tổng Phương Để, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Dịch theo bản khai năm 1938 lưu tại Thư viện Khoa học xã hội.

Ngọc phả cổ chép về Nam Việt Vương Hoàng Thái hậu 

Nước Việt xưa trời Nam mở vận, thánh tổ trị đồ hơn 2000 năm, lập tên Hùng Vương là tổ của Bách Việt. Cho tới khi triều Hùng suy mạt, thế nước kết thúc, thời tới vua thứ 18 là Duệ Vương không có con trai, sau nhường ngôi vị cho Thục An Dương Vương, được thêm 60 năm, có đế Triệu tên Úy Đà ở quận Hải Nam khởi binh hùng, lập đô thành ở quận Hải Nam, tự xưng là Triệu Vũ Đế, đến đánh Thục Vương để chiếm nước.
Khi đó nước ta tương truyền có khu Nhị Nương, trang Phương Để, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, quận Hải Nam. Lúc ấy ở trang Hoa Xá, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, châu Ái có một vị tiên sinh họ Tình tên là Quang, vợ là Võ Thị Mỹ. Ông Tình vốn là gia đình có truyền thống thi thư, năm đời làm quan trong triều. Đến đời tiên sinh thì tinh thông Nho Y, hay tạo phúc, làm việc nhân nghĩa.
Khi Ông có tuổi đã năm mươi, Thái bà tuổi gần bốn mươi thì có nằm mộng thấy một ông lão xưng là thần núi Bán Nguyệt My, cho biết một hốc huyệt ở núi My để chuyển mộ của gia tiên táng tại đó. Sau được trăm ngày Thái bà nằm mộng thấy có một ngôi sao Thái âm rơi vào miệng. Thái bà bỗng nhiên có thai.Vì cảnh nghèo nàn bức bách nên mới dắt díu vợ con đến ở khu Nhị Nương, trang Phương Để, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, quận Nam Hải.
Một tối nhân dân các họ ở trong khu cùng nằm mơ thấy có một vị quan áo mũ chỉnh tề, thân cưỡi ngựa hồng, theo sau hơn chục người, tiếp thẳng vào trong khi báo với các họ tộc rằng:
– Ta là chúa tể của Long Châu, cai quản ngôi chùa của dân chúng, đến báo cho nhân dân được hay. Nay có cha mẹ của Hoàng hậu họ Tình đang ở ngoài chùa. Hoàng hậu là chính theo mệnh Thiên đình, là phúc thần của dân chúng ở đây. Rạng ngày các ngươi mau ra nghênh đón về phụng dưỡng. Sau này dân chúng sẽ có được phúc dày. Nếu bỏ qua thì Hoàng Thiên sẽ trách, dân chúng không được yên.
Nhân dân các họ bỗng nhiên tỉnh giấc mộng kỳ lạ đó. Đến sáng ngày mọi người dân ra ngoài quán sở, cùng nói về giấc mộng giống nhau. Lập tức cùng vào trong chùa, thấy ông Quang và vợ con đang nằm đó. Mọi người các họ tộc mới hỏi:
– Ông từ đâu đến đây? Vì sao mà lại dẫn dắt vợ con ở đó?
Ông đáp rằng:
– Tôi vốn họ Tình tên Quang, vợ Võ Thị, vì cảnh nghèo bức bách nên phải đi tìm đất lành để nương tựa tấm thân.
Mọi người nghe vậy thấy ứng nghiệm với giấc mộng. Lại nhìn mà không thấy Hoàng hậu đâu cả. Khi nhìn kỹ hơn thấy Thái bà họ Võ đang có mang, ngầm nhận ra tất nhiên Hoàng hậu đang ở trong bụng đó. Các họ tộc nghênh đón vợ chồng họ Tình về ở trong ấp dân mà nuôi nấng.
Tới năm Quý sửu ngày 10 tháng 3 Thái bà đi ra chỗ bãi ngoài cửa ngã ba sông để tắm gội. Tắm gội xong Thái bà vừa mới đi lên bờ thì bỗng nhiên thấy trời đất mờ mịt, gió gào rung động như sấm, xung quanh mùi hương thơm ngát, khí lành sáng rạng. Đến ngày 12 tháng đó Thái bà sinh được một con gái, mặt như gương ngọc không chút bụi, tựa như bình bạc khinh trăng, mắt phượng mày ngài, mặt phấn môi hồng, nhan sắc tuyệt trần. Mọi người đến xem, lấy làm kinh sợ, nhớ tới điềm mộng quả nhiên đã ứng nghiệm. Được trăm ngày, cha mẹ mới đặt tên là Trang Nương.
Từ đó xuân qua hè đến, năm tháng như con thoi, tuổi đã 28, nhà khuê khóa ngọc, trong lưu chính nhụy, dung nhan chim sa cá lặn, trăng nhường hoa thẹn, tài văn bảy bước thành thơ, nghệ võ chính là dùng cùng tên, các việc nữ công không gì là không biết, trí tuệ thì nam giới cũng khó bằng.
Khi đó nhân dân bỗng nhiên mắc bệnh tật, người vật không yên. Cầu đảo nhiều lần mà không thấy khỏi. Nhân dân lại làm lễ chay ở trong chùa của ấp. Đêm đó mọi người nằm mơ thấy Long thần đến báo ứng:
– Các người đã được Hoàng Thiên giáng hạ cho thần nữ, sinh ta ở chỗ cửa sông đầu rồng. Dân chúng thấy chỗ đất giáng sinh mà vẫn cứ điềm nhiên, không chịu sửa lập. Vì thế mà Trời mới trách phạt. Nay các người mau mau tu dựng một đền thờ sống thì dân chúng sẽ tự được yên.
Nhân dân các họ bỗng nhiên tỉnh giấc, cùng nói thấy mơ giống nhau nên lập tức dựng một đền thờ sống tại nơi đó. Từ đó tật bệnh trong nhân dân tự nhiên khỏi.
Một ngày Trang Nương theo mẫu thân đi thăm với dì ruột ở đất quận Cửu Chân. Khi đó vua Triệu Úy Đà đang khởi binh đánh Thục. Lúc ấy người địa phương thấy Trang Nương có tài sắc lạ thường đã báo với vua Triệu. Vua bèn mời Thái bà cùng với Trang Nương vào trong phủ gặp mặt. Vua thấy dung mạo nhan sắc tưởng như tiên nữ Bồng Doanh, Lãnh Uyển, lòng đầy thích thú. Lập tức cho vào điện làm lễ cưới. Ban thưởng cho cha mẹ các đồ sính lễ. Lập làm chính cung.
Khi đó Triệu Vương và Thục Vương đanh giao tranh, chinh Đông dẹp Tây, chinh chiến bất thường. Nên đã cho dẫn Chính cung về ở khu Nhị Nương, trang Phương Để, truyền cho nhân dân trong ấp xây dựng cung phủ để Chính cung ở đó. Tự Chính cung về khu Nhị Nương tiếp quản dinh phủ, tích trữ quân lương, chiêu dụ anh hùng bốn biển đến tụ hội.
Thế rồi, Thục Vương nghe tin Triệu Vương có Chính cung đã xây dựng phủ ở khu Nhị Nương, tích trữ quân lương, chiêu dụ các tướng tài, liền sai quân đến vây bắt. Chính cung thấy quân Thục tiến tới, liền xuất quân cùng chiến đấu, phá vỡ vòng vây của quân Thục. Cung phi mới về thẳng quận Nam Hải cùng với Triệu Vương.
Sau đó Triệu Vương diệt Thục, lên ngôi Hoàng đế, lập Trang nương làm Hoàng hậu quản chính. Đồng ý cho khu Nhị Nương trang Phương Để làm con dân phụng thờ đền khi sống của Hoàng hậu, cấp thưởng cho 3000 quan tiền, lại miễn việc quân lương.
Đến khi Hoàng hậu tuổi ngoài bảy mươi, một ngày khi không có bệnh mà tắm gội, bỗng thấy trời đất mờ mịt, ban ngày giống như đêm. Khi đó Hoàng hậu tự nhiên mà hóa (ngày 6 tháng 11). Trăm quan trong triều làm lễ an táng ở đất trang Cao Bạt, quận Hải Nam.
Khi việc đã xong liền sai quan về đến khu Nhị Nương, trang Phương Để nơi sinh để sửa chữa đền thờ, nơi cung dinh tế lễ, lập việc thờ phụng. Vua lại phong các mỹ tự, vạn cổ hưởng hương lửa lễ lạt không cùng, cùng với quốc gia trường tồn, mãi mãi là phép tắc không đổi.
Từ Đinh, Lê, Lý, các triều đại đế vương đều có phong Cung túc Từ liêm Cẩn tiết Đôn thiện Mục thận Anh linh Bảo quốc An dân Chiêu đức Đoan trang bà Hoàng Thái hậu Tôn thần Thượng đẳng tối linh. Cùng với việc phong các chữ này là việc làm lễ tế quốc gia.
Năm Hồng Phúc thứ nhất, ngày 10 tháng 1. Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, thần là Nguyễn Bính phụng soạn.
Hoàng triều hiệu Vĩnh Hựu năm thứ ba, ngày tốt đầu tháng 2, Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền, tuân theo đúng như triều trước mà sao chép.
Phụng kê, các sắc văn cho Thần đương cảnh Trình Thái hậu gồm 12 đạo như sau:
– Cảnh Hưng năm 44, ngày 16 tháng 5, một đạo sắc cho Thần đương cảnh Trình Thái hậu là Cảm ứng Thánh huệ Ngọc bảo Phương diễm Từ hoà Linh nghi Trinh thục Thuần ý Nhu gia Trang tĩnh Trung hiến Ôn lương Hoàng quân.
– Cảnh Hưng năm 44, ngày 26 tháng 7, một đạo gia phong là Phong tư Chính trực Ôn lương Yểu điệu Huy khiết Dung hành Khuê chương Văn vọng Anh dục Tú chung Thông minh Mẫu nghi Khôn thuận Quế cách Hoàng quân.
– Cảnh Hưng năm 44, ngày 26 tháng 7, lại một đạo gia phong Mậu công Thuần đức Tuý phạm Hoàng quân.
Ba đạo sắc trên được ban nhân khi Quốc vương trị vì khi đó khi tiến phong ngôi vua.
– Gia Long năm thứ 9, ngày 21 tháng 8, một đạo sắc chỉ qua các triều đại đã gia tôn mỹ tự nên đồng ý theo cũ phụng thờ.
– Minh Mệnh năm thứ 2, ngày 15 tháng 7, một đạo.
– Thiệu Trị năm thứ 2, ngày 7 tháng 8, một đạo.
– Thiệu Trị năm thứ 2, ngày 9 tháng 9, một đạo.
– Tự Đức năm thứ 3, ngày 3 tháng 7, một đạo.
– Tự Đức năm thứ 33, ngày 24 tháng 11, một đạo.
– Đồng Khánh năm thứ 2, ngày 1 tháng 7, một đạo.
– Duy Tân năm thứ 3, ngày 11 tháng 8, một đạo.
– Khải Định năm thứ 9, ngày 15 tháng 7, một đạo đồng ý riêng cho theo cũ phụng thờ (nhân ngày quốc khánh lần thứ 40 của vua khi đó).

Thừa sao theo bản chính bởi phó lý trưởng là Võ Thích đã ký.
Lý Trưởng đồng ý đóng dấu.

Văn ca trù ở đền Đồng Sâm thờ Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu Trình Thị

Hiện ở đền Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình), nơi thờ Vũ Đế Triệu Đà và Hoàng hậu Trình Thị còn lưu được 8 bài ca trù dùng trong tiết lễ thu hát chầu thần. Các bài này đều có phần đầu là 2 cặp câu biền ngẫu (câu đối), ca ngợi công đức của Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng hậu. Còn phần sau là phần cầu tụng cho dân sinh. Xin giới thiệu đoạn đầu của 8 bài ca trù này.

Bài ca trù thứ nhất

聰明睿知
淑慎徽柔
月斧橫而七郡基開漢雄並世
桃夢叶而六宮儀表周后同符

Thông minh duệ trí
Thục thận huy nhu
Nguyệt phủ hoành nhi thất quận, khai Hán hùng tịnh thế
Đào mộng hiệp nhi lục cung, nghi biểu Chu hậu đồng phù.

Dịch nghĩa:

Thông minh sáng suốt
Hiền dịu nhẹ nhàng
R
ìu trăng ngang khắp bảy quận, mở nền hùng Hán sánh thời
Mộng đào hòa sáu cung,
phép tắc Chu hậu cùng hợp.

Giải nghĩa:

Nguyệt phủ (rìu trăng): tương truyền là chiếc búa hình mặt trăng, là búa khai quốc của Triệu Vũ Hoàng đế. Đôi búa ngọc này vốn từng lưu ở đền Đồng Sâm.

Thất quận: Nhà Triệu Nam Việt được lập ra trên các quận phía Nam thời Tần. Sau này thời Hán Vũ Đế đã chia đất nhà Triệu thành 7 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Hợp Phố, Quảng Tín, Thương Ngô, Nhật Nam.

Mộng đào: theo thần tích, trước đây ở Đồng Sâm có một người họ Trình tên là Liên, lấy bà Đinh Thị Ngoạn người bản trang, tuổi đã ngoài 40, nằm mơ nhặt được chiếc gương ngọc, rồi bống nhiên có mang, ngày tháng dần đủ, đêm rằm tháng 7 sinh được một người con gái, mặt như gương ngọc, sắc tựa hoa mai. Năm 18 tuổi công dung ngôn hạnh, tứ đức vẹn toàn. Cha mẹ đặt tên là nàng Lan. Nàng Lan là bà Trình Thị, là Hoàng hậu của Triệu Vũ Đế.

Chu hậu: bà Thái Tự là Chính phi của Chu Văn Vương, mẹ của Chu Vũ Vương, người sáng lập nhà Chu. Bà được gọi với những tên khác trong các bài ca trù này là Cơ Tự, Chu Cơ.

Lục cung: Hệ thống hậu cung cho các phi tần trong chế độ phong kiến Trung Hoa.

Bài ca trù thứ hai 

文武聖神
貞淑慈懿
基開七郡規摸空視項秦
表正六宮儀範遠同姬姒

Văn vũ thánh thần
Trinh thục từ ý

khai thất quận, quy không thị Hạng Tần
Biểu chính lục cung, nghi phạm viễn đồng Cơ Tự

Dịch nghĩa:

Thánh thần văn võ
Hiền hậu đoan trang
Bảy quận mở nền, quy mô không thua Tần Hạng
Sáu cung chính tỏ, khuôn phép sâu như Tự Cơ
.

Giải nghĩa:

Hạng Tần: Hạng Vũ là người nước Sở, đã khởi nghĩa đánh Tần, xưng là Sở Bá Vương.

Bài ca trù thứ ba

聰明出類
聖德超凡
南海建昌基雄爭漢北
番禺真定鼎帝始炎南

Thông minh xuất loại
Thánh đức siêu phàm
Nam Hải Kiến Xương , hùng tranh Hán Bắc
Phiên Ngu Chân Định đỉnh, đế thuỷ Viêm Nam.

Dịch nghĩa:

Thông minh ngoài hạng
Đức thánh siêu phàm
Nam Hải
nền Kiến Xương, tranh hùng Hán Bắc
Phiên Ngu đỉnh Chân Định, mở đế Viêm Nam.

Giải nghĩa:

Kiến Xương: vừa có nghĩa là xây dựng nền móng, vừa là tên của vùng đất Thái Bình, nơi có đền Đồng Sâm.

Chân Định: vừa có nghĩa là lập định đất nước một cách thực sự, vừa là tên cũ của vùng đất Thái Bình. Chân Định theo sử sách được chép là quê của Triệu Đà.    

Bài ca trù thứ tư

文武聖神
貞淑慈懿
揮月斧而圖成七郡漢世並雄
叶夢桃而儀表六宮桐鄉誌瑞

Văn võ thánh thần
Trinh thận từ ý
Huy nguyệt phủ nhi đồ thành thất quận, Hán thế tịnh hùng
Hiệp mộng đào nhi nghi biểu lục cung, Đồng hương chí thụy.

Dịch nghĩa:

Thánh thần văn võ
Hiền hậu đoan trang
Vung búa nguyệt mà dựng thành bảy quận, thời Hán sánh hùng
Hòa mộng đào mà phép tỏ sáu cung, làng Đồng bày tốt.

Bài ca trù thứ năm

河海鍾靈
山川毓秀
開七郡而炎邦帝始漢世並雄
叶夢桃而表宮天下母儀周姬

Hà hải chung linh
Sơn xuyên dục tú
Khai thất quận nhi Viêm Bang đế thủy, Hán thế tịnh hùng
Hiệp mộng đào nhi biểu cung thiên hạ, mẫu nghi Chu Cơ.

Dịch nghĩa:

Sông biển đúc thiêng
Nước non nuôi đẹp
Mở bảy quận là đế đầu Viêm Bang, thời Hán sánh hùng
Hòa mộng đào mà thiên hạ tỏ cung, phép mẫu Chu Cơ. 

Giải nghĩa:

Viêm Bang: Chỉ đất nước ở xứ nóng (viêm). Đáng chú ý là triều đại của Cao Tổ Lưu Bang lập nên nhà Hán được gọi là Viêm Lưu.

Bài ca trù thứ sáu

乾始坤生
海𣶬春育
圖開七郡並漢世之雄風
儀表六宮接周姬之芳躅

Càn thủy khôn sinh
Hải hàm xuân dục
Đồ khai thất quận, tịnh Hán thế chi hùng phong
Nghi biểu lục cung, tiếp Chu Cơ chi phương trục.

Dịch nghĩa:

Tạo Càn sinh Khôn
Dưỡng xuân bao biển
Mở đồ bảy quận, cùng
thời Hán đây ngọn gió hùng
Tạo lễ sáu cung, tiếp Chu Cơ đó lưu
thơm dấu.

Bài ca trù thứ bảy

聰明睿知
漙博淵泉
九真揚玉斧之威雄開漢地
七郡奠金甌之勢帝始南天

Thông minh duệ trí
Đoàn bác uyên nguyên
Cửu Chân dương ngọc phủ chi uy, hùng khai Hán địa
Thất quận điện kim âu chi thế, đế thủy Nam thiên.

Dịch nghĩa:

Thông minh sáng suốt
Bao quát thâm sâu
Cửu Chân
búa ngọc dương oai, hùng mở đất Hán
Bảy quận
âu vàng vững thế, đế tạo trời Nam.

Giải nghĩa:

Cửu Chân: một trong 7 quận thuộc nhà Triệu. Chi tiết Triệu Vũ Đế khởi nghĩa ở quận Cửu Chân là một thông tin mới, khác với chính sử.

Bài ca trù thứ tám

功同湯武
德比虞周
與北國爭雄低視六縱之計
為南邦帝始宏開七郡之圖

Công đồng Thang Võ
Đức tỉ Ngu Chu
Dữ Bắc quốc tranh hùng, đê thị lục tung chi kế
Vi Nam bang đế thủy, hoành khai thất quận chi đồ.

Dịch nghĩa:

Công ngang Thang Võ
Đức sánh Ngu Chu
Cùng
tranh hùng đất Bắc, theo kế sáu nước hợp tung
Là đế tạo bang Nam,
cơ đồ bảy quận mở rộng.

Giải nghĩa:

Thang Võ: Thành Thang và Võ Vương. Thành Thang là vị vua diệt Hạ Kiệt lập ra nhà Thương. Võ Vương diệt Ân Trụ Vương, lập ra nhà Chu.

Ngu Chu: Ngu Thuấn vầ Chu Văn Vương. Ngu Thuấn là vị vua nổi tiếng hiếu thảo. Chu Văn Vương cũng là người có tiếng nhân đức.

Lục tung: Kế sách hợp tung 6 nước để chống Tần thời Chiến Quốc.