Trung y hay Việt y?

Cuốn Y học tam tự kinh của tác giả Trần Tu Viên soạn đời nhà Thanh có phần đầu là chương Y học nguyên lưu (Nguồn gốc y học) được mở đầu như sau:
Y chi thủy. Bản Kỳ Hoàng.
Linh Khu tác. Tố Vấn tường.
Nạn Kinh xuất. Cánh dương dương.
Việt Hán quý. Hữu Nam Dương.
Lục kinh biện. Thánh đạo chương.
Dịch nghĩa:
Y học khởi đầu vốn từ Kỳ Bá và Hoàng Đế
Sáng tác bộ sách Linh Khu, giảng giải qua sách Tố Vấn.
Sách Nạn Kinh ra đời làm cho y học càng sáng tỏ hơn.
Cuối thời Việt Hán có thầy ở đất Nam Dương
Biện luận rõ 6 bộ kinh, làm rạng rỡ đạo thánh.

y-hoc

Bìa sách Y học Tam tự kinh.

Đây là bài kinh ba chữ cho các thầy thuốc Đông y học để biết được nguồn gốc, sự phát triển ban đầu của y học phương Đông. Tuy nhiên, vấn đề ít được các y sinh, y sư biết là những tác giả, những vị thần y khởi nguồn của y học phương Đông được bộ kinh này nhắc tới hóa ra đều là những người Việt.
Từ thời Thần Nông người phương Đông đã có những tìm hiểu, những khái niệm ban đầu về y học và các cách chữa trị các bệnh. Thần Nông được kể là đã nếm thử hàng trăm loại cây cỏ để kiểm tra các tính chất dược học của chúng và tổng kết lại thành cuốn Thần Nông bản thảo kinh. Tác phẩm này được coi là dược điển sớm nhất của Trung Hoa.
Đặc biệt Thần Nông đã phát hiện ra việc dùng Trà. Thần Nông lần đầu tiên nếm thử trà từ những chiếc lá chè trên cành trà bị cháy, được gió nóng của đám cháy đưa tới và rơi vào vạc nước sôi của ông… Vấn đề ở chỗ, Trà là loài cây đặc sản, chỉ mọc tự nhiên ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nơi phát sinh của cây Trà ở phương Đông chủ yếu là vùng Vân Nam, Bắc Việt và Lào. Như vậy thì Thần Nông nếm chè chỉ có thể là ở khu vực này. Thần Nông không thể ở tận vùng sông Hoàng Hà như người Tàu đang “tưởng tượng”, mà Thần Nông chính là thời thái sơ lịch sử của người Việt.
Theo như đoạn Y học Tam tự kinh dẫn ở trên nguồn gốc của Y học phương Đông được tính bắt đầu từ 2 bộ sách vấn đáp giữa quân thần Hoàng Đế và Kỳ Bá, có tên là Linh KhuTố Vấn. Hai bộ sách này tổng cộng có 18 thiên, gộp thành sách Nội Kinh. Hoàng Đế thuộc dòng dõi Thần Nông, thủ lĩnh của Hữu Hùng Thị, sau khi thắng Xi Vưu đã được tôn làm vị vua đầu tiên của Trung Hoa. Thủ lĩnh của Hữu Hùng thì còn ai khác ngoài vua Hùng? Truyền thuyết Việt Hoàng Đế trong chính là Đế Minh, “cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông”, vị vua Hùng đầu tiên của sử Việt.
Thiên Nam ngữ lục có câu:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.
“Viêm Hoàng tử tôn”, con cháu Thần Nông, Hoàng Đế chính là người Hoa Việt. 2 người khởi đầu y học phương Đông cũng là 2 vị quốc tổ của người Việt.
Vị tổ nghề y tiếp theo được Y học Tam tự kinh nhắc tới là thần y Biển Thước với tác phẩm Nạn Kinh còn lưu lại tới nay. Biển Thước là một thầy thuốc sống vào thời Chiến Quốc. Sử ký Tư Mã Thiên trong Biển Thước Thương Công liệt truyện cho biết: “Biển Thước là người huyện Trịnh, quận Bột Hải, họ Tần, tên Việt Nhân”. Ông hành nghề y rất tài tình, cứu sống thái tử nước Quắc, chuẩn đoán chính xác bệnh tình của Tề Hoàn Công và từng sang thăm bệnh cho Tần Vũ Vương.
Vấn đề là quê hương của Biển Thước nằm ở đâu? Mộ của Biển Thước được người đời sau lập khắp nơi từ Thiểm Tây, Sơn Đông, Sơn Đông Hà Nam ở Trung Quốc. Các tài liệu khác nhau chỗ bảo Biển Thước người nước Tề, chỗ bảo nước Lỗ, chỗ nói nước Triệu. Thực sự thì Biển Thước người nước nào?
Trước hết cần xác định Biển Thước người quận Bột Hải thì Bột Hải đây không phải là vùng biển phía Bắc Trung Quốc giáp với Triều Tiên. Bởi vì vùng đất này thời trước là của các tộc người Liêu, người Di, không phải người Hoa. Mãi tới khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa mới sai tướng Mông Điềm vượt sông Hoàng Hà đánh chiếm lấy vùng Hà Sáo, lập các quận huyện mới và xây trường thành. Khu vực ven biển giáp Triều Tiên do vậy không thể nằm trong phạm vi thiên hạ Trung Hoa thời Tiên Tần.
Vậy Bột Hải quê của Biển Thước là ở đâu?
Bột Hải là từ mà cách đây không lâu vẫn được dùng ở Việt Nam để chỉ Biển Đông ngày nay. Ví dụ, trong vở tuồng Trưng Nữ Vương của Phan Bội Châu, tướng Tô Định khi xưng danh mào đầu nói:
Cõi Nam Quan quét sạch bụi trần
Miền Bột Hải trừng thanh bạch lãng.
Tô Định lập công nghiệp ở miền Bột Hải thì Bột Hải ở đây rõ ràng chỉ Biển Đông.

thai-duongĐền thờ Đức thánh cả Bột Hải đại vương ở Thái Đường.

Dẫn chứng khác, ở khu vực Vân Đình nay vẫn còn có đền thờ Đức thánh Cả tại thôn Thái Đường (xã Thái Bình, Ứng Hòa, Hà Nội). Đức thánh Cả ở đây có tên sắc phong là Bột Hải đại vương. Tuy nhiên, công trạng của vị thánh này lại là đánh giặc Ân ở vùng Hoan Ái. Câu đối trong đền ghi:
Đệ lục đại Hùng Vương, thần tướng huy đao, kình khô ngạc đoạn
Kỷ thiên thu Đông Hải, Ân binh tuyệt mệnh, kích chiết chu trầm.
Dịch:
Hùng Vương thứ sáu triều xưa, thần tướng vung đao, kình đứt sấu đoạn
Biển Đông nghìn thu thủa trước, quân Ân hết số, kích gãy thuyền chìm.
Câu đối này cho biết đức thánh Bột Hải đại vương đã đánh giặc Ân ở vùng biển Đông. Nói cách khác Bột Hải là tên gọi xưa của Biển Đông. Bột Hải thực ra là Bát Hải. Bát là số 8, con số chỉ phương Đông trong Hà thư.
Tên thật của thần y Biển Thước là Việt Nhân cho thấy rõ ràng ông là một người Việt chính cống. Huyện Trịnh ở bên bờ biển Đông của đất Việt có thể là vùng đất Thái Bình xưa vì nơi đây từng mang tên là Chân Định (tên cũ của huyện Kiến Xương). Chân Định đọc phiên thiết là Trịnh.
Văn chầu Quan lớn đệ Tam của Tứ phủ cũng cho biết:
Trịnh giang biên doành ngân lai láng
Đôi vầng hồng soi rạng Nam minh
Con vua Thoải quốc Động Đình
Đệ tam thái tử giáng sinh đền rồng.
Quan đệ Tam là con vua Bát Hải Động Đình ở chốn Nam minh. Nam minh là biển Nam, tức là biển Đông. Bát Hải như đã phân tích, tương đương với Bột Hải, chỉ biển Đông. Động Đình hồ nghĩa là cái hồ lớn ở phía Đông, tức là biển Đông.
Trong văn chầu cho biết nơi sinh Quan đệ Tam có con sông Trịnh. Quan đệ Tam và Vĩnh Công Bát Hải Động Đình là anh em sinh cùng bọc trứng ở đất Thái Bình, nay là đền Đồng Bằng (An Lễ, Quỳnh Phụ). Đây là dẫn chứng cho thấy khả năng huyện Trịnh quận Bột Hải, quê của Biển Thước là vùng huyện Kiến Xương xưa.
Tên Biển Thước là lấy danh theo một thầy thuốc nổi tiếng từ thời Hoàng Đế. Nếu đọc theo Hán văn, Biển Thước 扁鹊 dịch là “con chim khách dẹt”, chẳng có nghĩa gì cả. Rất có thể, đây là tên phát âm theoo tiếng Việt. Biển là… biển. Biển Thước là loài chim biển di cư, hay chim hải âu. Hoàng Đế là vị vua Hùng của người Việt ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay) nên tên của vị thần y thời Hoàng Đế đọc theo tiếng Việt là điều hiển nhiên.
Tiếp theo Y học Tam tự kinh nói tới vị thầy thuốc nổi danh là Trương Cơ, tự là Trọng Cảnh. Đây là tác giả của những cuốn sách y học nổi tiếng truyền lại như Thương Hàn luận, Kim quỹ yếu lược. Tiểu sử của vị y sư này cho biết, ông là người đất Nam Dương (Hà Nam) và từng làm thái thú quận Trường Sa.
Trương Trọng Cảnh hiện đang được cho là sống cuối vào thời Đông Hán. Tuy nhiên, chỗ bất cập là cuối thời Đông Hán thì Thái thú quận Trường Sa là Tôn Kiên, là bố của Tôn Quyền, người lập nên nhà Đông Ngô thời Tam quốc sau đó. Vùng đất Trường Sa khi đó thuộc họ Tôn Ngô, làm sao còn có vị họ Trương nào làm Thái thú Trường Sa lúc này?
Ngay trong Y học Tam tự kinh cho biết: Việt Hán quý, hữu Nam Dương. Tức là cuối thời Việt Hán có ông Trương Trọng Cảnh người quê ở Nam Dương.
Thời Hán được nói tới ở đây là “Việt Hán”. Trong 2 triều đại hiện lịch sử ghi nhận là Tây Hán và Đông Hán thì nhà Tây Hán mới có thể gọi là Việt Hán. Bởi vì Cao Tổ Lưu Bang là một người Việt, khởi nghĩa kháng Tần thành công lập nên nhà Hán (chính xác hơn là nhà Hiếu). Triều đại của Lưu Bang còn gọi là Viêm Lưu, chỉ triều đại của họ Lưu ở Viêm phương, tức phương Nam. Viêm Lưu là một triều đại Việt. Trong khi đó, nhà Đông Hán từ Hán Quang Vũ Lưu Tú là người Hán chính gốc nên triều đại này không thể gọi là Việt Hán.
Dẫn chứng khác là trong các truyện kể về Trương Trọng Cảnh có việc ông đã dùng các bài thuốc Lục vị và Bát vị độc dáo để chữa bệnh cho Hiếu Vũ Đế Lưu Triệt. Lưu Triệt là Vũ Đế của nhà Tây Hán. Như vậy, nhiều khả năng Trương Trọng Cảnh phải là một thầy thuốc sống vào cuối thời Tây Hán (khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên) chứ không phải thời Đông Hán (sau Công nguyên).
Y học nguyên lưu từ Thần Nông, Hoàng Đế tới các danh y khai mở nền y học phương Đông là Việt Nhân Biển Thước, Việt Hán Trương Cơ đều là người Việt. Nếu có ai đó định đăng ký bản quyền y học phương Đông thì phải gọi là Việt y, chứ không phải Trung y.

Những vị thủy thần của phủ Ứng Thiên

Thần phả đình Giẽ Hạ (xã Thịnh Đức, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), khu vực thuộc phủ Ứng Thiên cũ, chép:
Vào ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn đệ nhị tiên cung tên là Tiên Dung Châu xuất thần giáng sinh. Nhân đó đặt tên là Giáng Tiên. Khi nàng trưởng thành, sắc đẹp tuyệt trần…, những lúc nhàn rỗi thường du ngoạn ở châu Phong, đất Giao Chỉ. Tình cờ gặp vua Hùng Vương thứ 8 là Huy Vương. Vua rất ưng ý liền phong làm cung phi chính thất.
Hai năm sau nàng có thai tròn 12 tháng. Lúc đó là ngày mồng 10 tháng 6 năm Giáp Ngọ nàng đến ngã ba sông Sa tắm gội. Đến ngày 12-6 sinh được một bọc, nở ra 5 người con trai. Người xưa vẫn ca ngợi “nhất bào ngũ tử”…
Khi trưởng thành 5 anh em này đều lần lượt nhiều lần lập công lớn, dẹp giặc đem lại yên bình cho đất nước… Sau khi hóa vua lại ban cho sắc chỉ phong vào hàng thượng đẳng thần. Cả năm anh em đều là quý tử… Vua ban sắc phong cho là Thủy thần…

image0021
Miếu thờ bà Tiên Dung Châu ở Giẽ Hạ.

Các đền thờ là:
1. Quảng Xung linh tế đại vương (xã Hữu Vĩnh, phủ Hoài An)
2. Quảng Bác uyên dung đại vương (xã Thịnh Đức, huyện Phú Nguyên)
3. Quảng Xuyên linh quang đại vương (xã Quảng Tái, huyện Sơn Minh)
4. Quảng Tế linh ứng đại vương (xã Bãi Nhiễm, huyện Duy Tiên)
5. Quảng Hóa cư sĩ đại vương (xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì).
Ở khu vực xã Thịnh Đức hiện còn đền thờ đức Quảng Bác đại vương, là con thứ 2 của Vua Hùng thứ 8. Đức thánh này được gọi là thánh Ba Sa, hay thủy thần Tam Giang.
Thần tích đình Giẽ Hạ về 5 vị thủy thần với đền thờ trong vùng phủ Ứng Thiên là một đầu mối để lần tìm lại sự tích, công nghiệp và nhân vật thật sự của các vị thần được thờ ở đây.
Câu đối tại ở đình Giẽ Hạ:
三两秀所鍾龍子仙孫七世譜
百千秋為烈丹庭紫誥歷朝恩
Tam lưỡng tú sở chung, long tử tiên tôn thất thế phổ
Bách thiên thu vi liệt, đan đình tử cáo lịch triều ân.
Dịch:
Đôi ba đúc ngời, con rồng cháu tiên truyền lưu thế phả
Trăm ngàn thu rạng, thềm son chiếu tía ơn ghi lịch triều.
Thần tích của đình Giẽ Hạ hoàn toàn tương đồng với sự tích về Trung Thành phổ tế đại vương, vị thần được thờ phổ biến ở khu vực Phú Xuyên – Hà Nam:
– Hùng Vương thứ 8 tương ứng trong thần tích về Trung Thành đại vương là ông Đào Công Bột hay Bột Hải đại vương. Bột = Bát, là số 8. Số 8 hay số 3 (trong Ba Sa) ở đây là chỉ hướng Đông, “bộ Hải Dương” hay vùng Biển Đông. Bức đại tự trong đình Giẽ Hạ Trạch tư Đông thổ 宅兹東土 (Yên định vùng đất Đông) cùng hàm ý này.
– 5 người con trai sinh ra cùng một bọc trứng họ Đào là Cự, Hồng, Trưởng, Quý Lân và Thạch Khanh. Ở sự tích tại Giẽ Hạ gọi là Quảng Xung, Quảng Bác, Quảng Xuyên. Quảng Tế, Quảng Hóa. Cả 5 người có công đánh giặc (giặc Thục) và là các thủy thần, phụ trách thủy quân, sông nước.
Như đã từng xác định, đây cũng là chuyện về Vĩnh Công Bát Hải Động Đình của đền Đồng Bằng (An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Bột Hải đại vương là Bát Hải Động Đình, là vua cha của Thoải phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ. 5 người con là Ngũ vị quan lớn của ban Công đồng trong tín ngưỡng này. Trung Thành phổ tế đại vương là Thổ Lệnh hay Quan lớn đệ Tam, thờ chính ở đền Lảnh (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam). Còn Thạch Khanh, một trong 2 vị thần sông Bạch Hạc là Quan lớn đệ Ngũ tuần Tranh.
Trong sự tích ở đình Giẽ Hạ thì Quảng Bác đại vương là người con thứ hai, tức là tương ứng với Quan lớn đệ Nhị. Vị Quảng Xuyên đại vương ở Quảng Tái, nay thuộc xã Trung Tú của huyện Ứng Hóa, vẫn còn được thờ ở các làng tại đây. Vị Quảng Tế đại vương ở huyện Duy Tiên có thể tương ứng với Quan lớn đệ Tam, là khu vực đền Lảnh ở Duy Tiên. Trong 2 vị Quảng Hóa và Quảng Xuyên, không rõ vị nào là quan lớn đệ Tứ, vị nào là quan lớn đệ Ngũ, cần khảo cứu thêm.

image0041
Nghi môn đền Thiên Vựng ở Hữu Vĩnh.

Riêng người con thứ nhất, Quảng Xung đại vương, khá đặc biệt. Trong thần tích Giẽ Hạ ghi là thờ ở đền Hữu Vĩnh. Tại thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang của huyện Ứng Hòa nay có ngôi đền rất nổi tiếng, là đền Đức thánh Cả. Vị thánh này không rõ tại sao lại bị ghi chép thành một tướng dưới thời Lý Bôn, đánh dẹp giặc Lương. Trong khi đó, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: Đền Hữu Vĩnh ở xã Hữu Vĩnh, huyện Hoài An. Tương truyền thần là con của Kinh Dương Vương, tên là Quảng Xung.
Đôi câu đối ở nghi môn đền Vựng (đền Hữu Vĩnh):
四千餘年于兹鴻貉聖神秀水奇山標勝跡
百年萬世之下龍仙民族普風甘雨藉靈庥
Tứ thiên dư niên vu tư/ Hồng Lạc thánh thần/ tú thủy kỳ sơn tiêu thắng tích
Bách niên vạn thế chi hạ/ long tiên dân tộc/ phổ phong cam vũ tạ linh hưu.
Dịch:
Bốn ngàn năm dư ấy nay, thánh thần Hồng Lạc, sông đẹp núi lạ nêu thắng tích
Trăm năm vạn đời sau đó, dân tộc rồng tiên, gió lộng mưa thơm nhờ phúc thần.
Câu đối này nói sự tích của vị Đức thánh Cả tại Hữu Vĩnh đã có từ 4000 năm, từ thời Hồng Lạc, liên quan tới con rồng cháu tiên. Câu đối tương tự cũng thấy ở trong đình Giẽ Hạ. Nội dung này nhắc tới câu đối cũng ở nghi môn đền Đồng Bằng về Vĩnh Công Bát Hải Động Đình:
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bốn nghìn năm nước gọi thượng thần, biển Bát rồng bay truyền tích lạ
Mười tám hiệu triều Hùng xuất thế, sông Đào hổ lược dậy danh thiêng.
Có thể thấy Đức thánh Cả ở Hữu Vĩnh cũng là Vĩnh Công, là con Hoàng xà lớn trong 3 con Hoàng xà do Quý Nương sinh ra của sự tích đền Đồng Bằng. Ở đền Đồng Bằng có sự tôn sùng Vĩnh Công ở cả 2 ngôi, vừa là vua cha Bát Hải của Thủy phủ, vừa là Quan lớn đệ Nhất. Điều này có thể hiểu, người con đầu đã được tôn làm vua nên Quan lớn đệ Nhất khi đánh giặc Thục cũng là đức Vua cha Thoải phủ sau đó.
Vua cha Vĩnh Công Bát Hải từng được xác định là Lạc Long Quân, vị quốc tổ 4000 năm của người Việt. Như vậy, Đức thánh Cả ở Hữu Vĩnh cũng là đức Lạc Long Quân. Điều này giải thích vì sao đền Hữu Vĩnh nổi tiếng linh thiêng. Người dân địa phương thậm chí còn lưu truyền câu nói “Bất lộ trần ai”, không được tiết lộ điều gì về Đức Thánh Cả. Không ai được vào cung cấm của đền trừ thủ từ. Còn có chuyện, có cụ đồ ở làng vào cung cấm để đọc sắc phong và thần tích, chỉ mấy tháng sau đó bị chết không rõ nguyên nhân…

phu-ung-thienVị trí các địa danh di tích trong bài viết.

Câu đối tại đền Hữu Vĩnh của Thượng thư Bùi Bằng Đoàn viết:
國有永祠昭帝德
民懷安宅仰皇恩
Quốc Hữu Vĩnh từ chiêu đế đức
Dân Hoài An trạch ngưỡng hoàng ân.
Dịch
Đền quốc gia Hữu Vĩnh sáng đế đức
Đất nhân dân Hoài An ngưỡng ơn vua.
Theo như câu đối này thì Đức thánh Cả là một vị vua chứ không phải chỉ là một tướng quân thông thường. Trong đền 2 bên có đắp tượng ban văn và ban võ đầy đủ. Đã có sự nhầm lẫn, tam sao thất bản về thần tích của Xung Lang đại vương tại Hữu Vĩnh. Đây là hình ảnh của quốc tổ Lạc Long Quân, vị vua khởi sử của người Việt, không thể chép thành vị tướng thời Tiền Lý.
Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam dẫn theo Đại Việt địa chí Bắc Thành đia dư chí lục cho biết đền Hữu Vĩnh có tên “Nam thiên hoàng đế từ“. Tương truyền đền thờ thần Quảng Xung là con của Kinh Dương Vương. Truyền thuyết nói vua Lê đi tuần qua miền này, thuyền đang đi trên sông Vĩnh thì gặp phải bãi cát, không tiến lên được. Vua lên bờ vào đền làm lễ cầu đảo, dòng sông lại thông suốt. Vua bèn phong cho thần là Nam Thiên hoàng đế.
Có lẽ chính tên Nam thiên hoàng đế này mà Đức thánh Cả thời Hùng Vương đã bị nhầm lẫn thành thời Tiền Lý Nam Đế. Quảng Xung đại vương như vậy rõ ràng đã là một vị vua lớn của trời Nam.
Bản thân chi tiết thần Xung Lang là con của Kinh Dương Vương cũng chứng tỏ điều này. Con cả của Kinh Dương Vương thì rõ là Lạc Long Quân. Như vậy bà Tiên Dung Châu thờ ở đình Giẽ Hạ hay đức Vua Bà ở đền Hữu Vĩnh phải là Quý Nương – Mẫu Thoải, hay là Xích Lân Long nữ vợ của Kinh Dương Dương.

image008
Miếu thờ Vua Bà bên cạnh đền Đức thánh Cả ở Hữu Vĩnh.

Câu đối khác ở chính điện đền Hữu Vĩnh, do tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền đề:
隆典奮崇祠五彩鸞章僊闕下
靈蹤傳古史千年雲駕海天歸
Long điển phấn sùng từ, ngũ thái loan chương tiên khuyết hạ
Linh tung truyền cổ sử, thiên niên vân giá hải thiên quy.
Dịch:
Điển rồng hưng đền lớn, nét phượng năm sắc xuống cửa tiên
Dấu thiêng truyền sử xưa, xe mây ngàn năm về trời biển.
Ngũ thái loan chương” có thể ám chỉ việc đức Vua Bà (Mẫu Thoải) sinh 5 người con rồng.
Về Ngũ vị tôn quan ở phủ Ứng Thiên còn có thể lẫn trong sự tích của thần Quý Minh đại vương. Ở đình Hoàng Xá (nơi khả năng là trị sở của phủ Ứng Thiên cũ), thờ Quý Minh đại vương, vị “Đệ Tam Tản Viên Sơn”, một trong Tam vị Tản Viên. Tuy nhiên rất khó xác định Quý Minh ở đây là Sơn thần hay Thủy thần. Đặc biệt ở góc mái của đình Hoàng Xá lại có một bức chạm riêng biệt hình chiếc thuyền bơi chải. Tục bơi chải là đặc trưng trong các lễ hội thờ các Thủy thần. Xét trong khung cảnh của phủ Ứng Thiên thì Quý Minh đại vương ở Hoàng Xá phải là Quan lớn đệ Tam của Thoải phủ, người anh em đã cùng Lạc Long Quân (được chép dưới tên Tản Viên Sơn Thánh) đánh Thục, giành ngôi, lập quốc. Quý là thứ 3 trong thứ tự Mạnh Trọng Quý. Quý Minh do đó tương ứng với Quan đệ Tam Thoải phủ.

image010
Bức chạm bơi chải ở đình Hoàng Xá.

Ở khu vực Ứng Hòa, quanh thị trấn Vân Đình còn một số di tích với sự tích tương tự. Tại thôn Thái Bình (xã Thái Đường) cũng có đền thờ Đức thánh Cả. Vị thánh này có tên phong là Bột Hải đại vương, với công tích giúp vua Hùng thứ 6 đánh… giặc Ân, nhưng lại bằng thủy chiến và ở châu Hoan châu Ái. Thật khó hiểu, giặc Ân nào trên sông nước ở vùng Thanh Nghệ?
Câu đối trong đền Đức Thánh Cả ở Thái Đường:
第六代雄王神將揮刀鯨刳鰐断
幾千秋東海殷兵絶命戟折舟沉
Đệ lục đại Hùng Vương, thần tướng huy đao, kình khô ngạc đoạn
Kỷ thiên thu Đông Hải, Ân binh tuyệt mệnh, kích chiết chu trầm.
Dịch:
Hùng Vương thứ sáu triều xưa, thần tướng vung đao, kình đứt sấu đoạn
Biển Đông nghìn thu thủa trước, quân Ân hết số, kích gãy thuyền chìm.
Từ “Đông Hải” trong vế đối chỉ rõ Bột Hải đại vương là người cầm quân đánh thủy binh của giặc Ân ở vùng biển Đông. Bột Hải chính là chỉ biển Đông ở nước ta. Châu Hoan châu Ái là vùng đất ven biển Đông nên Bột Hải phải là biển Đông. Trận thủy chiến đánh giặc Ân ở châu Hoan, châu Ái này không phải trận chiến trên cạn của Thánh Dóng diệt giặc Ân ở núi Trâu Sơn – Vũ Ninh.
Đức Thánh Cả ở Thái Đường là Bột Hải đại vương, tức là vị Quan lớn đệ nhất hay vua cha Bát Hải Động Đình. Khu vực này còn có 2 vị Đức thánh Trung và Đức thánh Hạ tương ứng với các vị Quan đệ nhị và Quan đệ tứ trong ban Công đồng Tứ phủ.
Để lý giải sự khác biệt của sự tích này cần nhắc lại bản chất cuộc chiến Hùng Thục thời vua cha Bát Hải Động Đình. Đây là cuộc chiến tranh giành vương vị của ông Khải – Lạc Long Quân với ông Ích sau khi Đại Vũ – Kinh Dương Vương mất. Ích cũng là Ất, là số 2 trong thập can (Giáp, Ất…). Địa bàn gốc của tộc người theo Bá Ích là vùng cựu đô Ngàn Hống ở châu Hoan từ thời Hoàng Đế – Đế Minh. Vì thế thần tích về Đức thánh Cả ở Thái Bình đã kể thành Hùng Vương thứ sáu (Hùng Lục Vương hay Lạc Vương) đánh giặc Ân ở Hoan Ái. Ân hay ơn là số 2. Ái cũng là từ biến âm của Ích – Ất. Trong các thần tích về Trung Thành phổ tế đại vương gọi là dẹp giặc ở Hồng Châu.
Phủ Ứng Thiên là nơi tập trung các vị thủy thần thời Hùng Vương. Vị thánh Cả là Lạc Long Quân, đức Vĩnh Công Bát Hải, vua cha của Thoải phủ. Còn 5 vị thủy thần khác là Ngũ vị tôn quan, làm nên ban Công đồng, là một triều đình đầy đủ, khởi đầu lịch sử người Việt.

p1270630Khúc sông Đáy ở cửa đền Hữu Vĩnh.

Viết thêm:
Tháng Tám giỗ cha…
“Cha” ở đây là đức vua cha của Thoải phủ, hay đức Bát Hải Động Đình, cũng là cha Lạc Long Quân của người Việt. Khu thờ chính của cha Bát Hải ở đền Đồng Bằng tại Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Một “di bản”, “dị tích” của Lạc Long Quân là Đức thánh Cả Bột Hải đại vương ở thôn Thái Đường (Thái Bình, Ứng Hòa, Hà Nội). Có lẽ cũng vì nguồn gốc của vị này từ đất Thái Bình mà ở đây có xã Thái Bình. Bản thân tên phủ Ứng Thiên có thể cũng là sự linh ứng của vị Nam Thiên hoàng đế Lạc Long Quân này.
Đặc biệt theo ghi chép và tục thờ ở Thái Đường thì Đức thánh cả được thờ cùng với 4 bộ tướng là: Quý Minh thượng đẳng, Minh Pháp tôn thần, Chiêu Pháp tôn thần và Nguyễn thượng đẳng thần. Đức thánh Cả cùng với 4 bộ tướng hợp thành bộ 5 – Ngũ vị quan lớn của Tứ phủ.
Đây cũng là dẫn chứng trực tiếp cho thấy vị thần Quý Minh được thờ ở đình Hoàng Xá (cách đền Đức thánh Cả ở Thái Đường chưa đầy 1km) với bức đại tự “Sơn anh Hải tú” chính là bộ tướng của Bột Hải đại vương hay là Quan lớn đệ Tam của Thoải phủ. Chữ “Hải” ở đại tự tại Hoàng Xá là chỉ Bột Hải hay Biển Đông. Còn chiếc thuyền bơi chải ở góc mái đình là từ tục thờ Quý Minh, vị thủy thần đứng đầu (Trưởng Lệnh) trong Ngũ vị tôn quan của Thoải phủ.

than-tich-thanh-ca

Miếu Lịch Đợi

Nguồn: Cồ Việt
Giới thiệu
Miếu Lịch Đợi, tên đầy đủ dịch theo Hán tự là miếu Lịch Đại Đế Vương, đây là một công trình kiến trúc quan trọng được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Ngày nay, tên miếu đã trở thành tên con đường Lịch Đợi dài 1280m, chạy từ đường Bảo Quốc (hay còn gọi là đường Báo Quốc) đến đuờng Tôn Thất Tùng, thuộc địa bàn Phường Đúc, thành phố Huế.
Giá trị lịch sử
Miếu Lịch Đợi là ngôi miếu thờ các đời đế vương được dựng đầu tiên và độc nhất ở Việt Nam vào năm Minh Mang thứ tư, tức năm Quý Mùi 1823.
Theo sử sách triều Nguyễn còn ghi lại thì miếu Lịch Đợi là nơi “Thống kỷ các vị đế vương, ngưỡng mộ đức tốt của các đời trước”. Với ý nghĩa quan trọng “uống nước nhớ nguồn”, “chim có tổ, người có tông”, triều Nguyễn đã cho xây dựng công trình kiến trúc này để thờ các vị vua anh hùng từ Hồng Bàng trở về sau. Hằng năm, xuân thu hai kỳ đều tổ chức tế miếu Lịch Đợi vào ngày tân tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) sau ngày tế đàn Xã Tắc, và ngày tân đầu tháng trọng thu (tháng 8 âm lịch). Năm Bính Tuất 1826, niên hiệu Minh Mạng thứ VII bổ sung quy định: năm có khánh điển (lễ lớn) thì hoàng đế thân chinh tế lễ, những năm khác, các hoàng tử đi khâm mạng (thay mặt vua). Ngoài ra, vào các dịp lễ tết đầu năm, mùng 5 tháng 5 âm lịch, vua phái một quan văn tam phẩm đi tế miếu Lịch Đợi.

lich-doi-1Mặt tiền miếu Lịch Đợi. Tranh bút sắt: Nguyễn Thứ.  Nguồn Phanxiphăng.

Kiến trúc tổng quan
Miếu Lịch Đợi hướng về phía nam, thuộc địa phận xã Phú Xuân. Trước đây, công trình này gồm một chính đường có 5 gian, đông vu và tây vu (hay còn gọi là Tả Vu và Hữu Vu) cũng có 5 gian. Xung quanh miếu xây tường thành bằng gạch, mặt trước vành tường ngoài dựng 4 trụ biểu, tạo thành 3 ngạch cửa. Mặt trước vành tường trong có trổ cửa chính bên trên có lầu, ngoài ra còn có phượng môn. Phía bắc tường miếu làm “tể sinh”, là nơi mổ vật hiến sinh để tế lễ.
Chi tiết kết cấu
5 gian của tòa nhà chính gồm:
1. Gian giữa thờ Phục Hy tại chính trung. Vị tả nhất (vị trí bên trái kề chính trung) thờ Thần Nông. Vị hữu nhất (vị trí bên phải kề chính trung) thờ Hoàng Đế. Vị tả nhị thờ Đường Nghiêu. Vị hữu nhị thờ Ngu Thuấn. Vị tả tam thờ Hạ Võ. Vị hữu tam thờ Thương Thang. Vị tả tứ thờ Chu Văn. Vị hữu tứ thờ Chu Võ.
2. Gian tả nhất (gian bên trái kề chính gian) thờ các vị vua khai sáng nuớc Việt: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương, Đinh Tiên Hoàng.
3. Gian hữu nhất (gian bên phải kề chính gian) thờ vua Lê Đại Hành và 3 vị vua triều Lý là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông.
4. Gian tả nhị thờ 3 vị vua triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông.
5. Gian hữu nhị thờ 4 vị vua triều Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lê Trang Tông, Lê Anh Tông.
Ngoài ra đôi nhà Tả Vu và Hữu Vu thờ các vị tướng Trung Hoa lẫn Viện Nam.
Tả Vu thờ 6 danh tướng Trung Hoa là Phong Hậu, Cao Dao, Long Bá Ích, Phó Duyệt, Thái Công Vọng, Thiệu Mục Công Hồ; 8 danh tướng Việt Nam là Nguyễn Bặc, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu, Nguyễn Xí, Lê Niệm, Hoàng Đình Ái.
Hữu Vu thờ 8 danh tướng Trung Hoa là Lực Mục, Hậu Quỳ, Bá Di, Y Doãn, Chu Công Đán, Triệu Công Thích, Phương Thúc, Hồng Hiến; 7 danh tướng Việt Nam là Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Đinh Liệt, Lê Khôi, Trịnh Duy Thoan, Phùng Khắc Khoan.
Tất nhiên, hệ thống vua quan được tôn thờ trong miếu Lịch Đợi là do triều đình nhà Nguyễn chọn lựa, sắp xếp.
Hiện trạng ngày nay
Duới triều Nguyễn, miếu Lịch Đợi thường xuyên được quan tâm, tu bổ. Đến năm 1945, triều Nguyễn sụp đổ, từ đó trở đi, miếu Lịch Đợi xuống cấp nhanh chóng. So với các công trình kiến trúc khác thì miếu Lịch Đợi nhỏ nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử thì không thể phủ nhận. Tuy nhiên ngày nay, ngôi miếu danh tiếng này chỉ còn trơ lại 4 bức tường đổ nát. Vùng đất ngày xưa ngôi miếu được dựng lên nay đã bị các hộ cư dân chiếm dụng. Chỉ còn đó một con đường với cái tên Lịch Đợi, để chỉ khu vực phía sau lưng nhà ga Huế.

https://phanxipang.files.wordpress.com/2011/11/lich-doi-2.jpg

Toà nhà chính gồm 5 gian, 2 chái của miếu Lịch Đợi. Tranh bút sắt: Nguyễn Thứ.  Nguồn Phanxiphăng.

Vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt

Câu đối ở điện Long Hưng (Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) nơi thờ Triệu Vũ Đế, vị vua đầu của nước Nam Việt:
一指已無秦萬里開先閩貉絶
两立何難漢億年倡始帝王基
Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt
Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.
Dịch:
Một lệnh dẹp không Tần, vạn dặm mở đầu dứt Mân Lạc
Hai ngôi sánh cùng Hán, nghìn năm gây nền vững đế vương.
Vế đầu của câu đối này nói tới cuộc khởi nghĩa của Triệu Đà đã giành thắng lợi nhanh chóng dưới thời Tần:
Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương (Nam Việt Úy Đà liệt truyện, Sử ký Tư Mã Thiên).
Và sự kiện Triệu Đà khuất phục Mân Việt và Âu Lạc vào thời Tây Hán:
Cao Hậu mất, liền bãi binh. Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn dặm. Đà bèn đi xe mui lụa mầu vàng cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là “chế”, chẳng kém gì Trung Quốc.

xuan-quanTiền đình điện Long Hưng ở Xuân Quan.

Vấn đề đặt ra là đất Tây Âu (Lạc) được nói đến trong Sử ký Tư Mã Thiên ở trên là chỗ nào. Việc xác định vị trí đất Âu Lạc liên quan đến sự lịch sử của triều đại trước đó, tức là thời kỳ An Dương Vương, một thời kỳ “nửa thực nửa hư” trong quan niệm của các sử gia ngày nay.
Cũng trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện, khi tiếp sứ giả nhà Tây Hán là Lục Giả thì Triệu Đà có đề cập: Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”.
Như vậy Âu Lạc hay Tây Âu là mảnh đất nằm ở phía Tây nước Nam Việt. Quan trọng hơn đây là khu vực không thuộc sự cai quản của Nam Việt vì chỉ “lệ thuộc” và vẫn xưng vương. Tây Âu và Mân Việt lúc này vẫn độc lập, chỉ theo Nam Việt dưới dạng nước chư hầu.
Bằng chứng về sự độc lập của 2 nước này đối với Nam Việt là sự kiện vua Mân Việt tấn công Nam Việt sau khi Triệu Đà mất:
Đà mất, cháu Đà là Hồ làm Nam Việt Vương. Lúc bấy giờ vua Mân Việt là Dĩnh đem binh đánh các ấp ngoài biên của nước Nam Việt.
Nếu Mân Việt đã thuộc Nam Việt trước đó thì không thể vẫn còn vua và tấn công Nam Việt.
Cuộc tấn công này đã buộc vua Nam Việt là Triệu Hồ phải nhờ nhà Tây Hán (nhà Hiếu) giúp chống lại quân Mân Việt. Nhưng Quân của Hán chưa vượt núi Ngũ Lĩnh thì em của Mân Việt Vương là Dư Thiện đã giết Dĩnh để hàng.
Vì Mân Việt đã hàng Nam Việt nên đây là thời điểm đất Mân Việt trở thành 1 quận của nước Nam Việt. Đây chính là quận Thương Ngô, do Tần Vương là Triệu Quang, một người trong hoàng tộc nhà Triệu cai quản như được nói đến trong truyện.
Mân Việt đã sát nhập vào Nam Việt nhưng vùng Tây Âu thì không. Do đó khi Lộ Bác Đức nhà Hiếu (Tây Hán) đánh dẹp Nam Việt, bắt vua Vệ Dương Vương Triệu Kiến Đức và thừa tướng Lữ Gia thì: Thương Ngô Vương là Triệu Quang là người cùng họ với Việt Vương, nghe quân nhà Hán đến, cùng quan huyện lệnh Kê Dương của Việt tên là Định tự quyết định đi theo nhà Hán; quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán. Những người này đều được phong tước hầu.
Như vậy đất Mân Việt cũ, thời Triệu Vệ Dương Vương là quận Thương Ngô, đã hàng nhà Tây Hán. Còn nước Âu Lạc thì được quan giám của quận Quế Lâm dụ, cũng theo về nhà Tây Hán.
au-lac

Các quận và khu vực lân cận nước Nam Việt nhà Triệu
(Tên quận trong nước Nam Việt lấy theo tên các quận thời Tần).

Từ tất cả những sự kiện và nhận định trên, vị trí các quận, đất thời Nam Việt có thể được xác định như sau (xem bản đồ):
– Quận Nam Hải thời Tần, nơi có kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt, là khu vực tỉnh Quảng Đông ngày nay.
– Quận Quế Lâm là khu vực tỉnh Quảng Tây.
– Vùng Bắc Việt ngày nay là quận Long Xuyên hay Tam Xuyên, nơi Triệu Vũ Đế khởi nghĩa ban đầu chống Tần. Đây cũng là phần đất Lạc trong Âu Lạc.
– Nước Mân Việt, sau thành quận Thương Ngô của Nam Việt, là khu vực phía Đông Nam Việt, tức là vùng Phúc Kiến và Chiết Giang.
– Khu vực tỉnh Quý Châu là đất Dạ Lang hay Ba Thục, thuộc nhà Tây Hán vì trong các cánh quân của Lộ Bác Đức đánh Nam Việt có Trì Nghĩa Hầu, đem thêm tội nhân nước Ba Thục, đưa quân từ đất Dạ Lang xuống đường sông Tường Kha.
– Nước Tây Âu hay Tây Âu Lạc nằm ở phía Tây của Nam Việt, như vậy phải là khu vực tỉnh Vân Nam. Thời Tần đây là quận Tượng vì bản thân từ Tượng là chỉ phía Tây. Khả năng thủ lĩnh vùng Tây Âu (Vân Nam) lúc này gọi là Điền vương.
Hán thư chép: “Năm thứ 5 niên hiệu Nguyên Phượng thời Hiếu Chiêu Đế quận Tượng bị bãi bỏ, chia cắt vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha”.
Sự kiện này một lần nữa cho thấy quận Tượng không thuộc đất Nam Việt của nhà Triệu vì sau khi Tây Hán chiếm Nam Việt chia vùng này thành 9 quận, không có quận Tượng ở trong: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Đam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô. Dưới thời Hiếu Chiêu Đế (76 TCN) quận Tượng cũ bị đổi thành quận Tường Kha và một phần nhập vào quận Uất Lâm.
Chỗ khó giải thích ở đây là tại sao khi đánh Tần thì Triệu Vũ Đế đã chiếm được Tượng quận, nhưng tới sau đó (sau khi Lữ Hậu mất) Tượng quận lại không nằm trong Nam Việt, và Triệu Đà phải dùng của cải mua chuộc để Tây Âu (vùng Tượng quận thời Tần) theo mình?
Điều này chỉ có thể hiểu khi nhận ra, thực ra có 2 người được Sử ký Tư Mã Thiên cùng chép thành Vũ Đế Triệu Đà. Một Triệu Vũ Đế lãnh đạo người Việt khởi nghĩa kháng Tần, khi Tần Thủy Hoàng mất đã lấy lại 3 quận mà Tần lập ra trên đất Việt và xưng Nam Việt Vũ Vương. Một Triệu Đà thứ hai nổi lên sau khi Lữ Hậu mất, chỉ chiếm các khu vực Bắc Việt và Lưỡng Quảng (3 quận Long Xuyên, Nam Hải, Quế Lâm), rồi phủ dụ 2 nước Tây Âu và Mân Việt phục tùng mình.
Thêm về nước Âu Lạc xưa thời An Dương Vương. Theo đúng mô tả của sử sách về nước Văn Lang, cũng là Âu lạc, có Bắc giáp Hồ Nam (Trường Sa Động Đình), Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Xuyên Thục (Tứ Xuyên), đông giáp quận Nam Hải (Quảng Đông). Như vậy nước Âu Lạc này gồm đất các tỉnh sau:
– Vân Nam: là đất Tây Âu, tức phần Tây của đất Âu.
– Quảng Tây: là quận Quế Lâm thời Tần – Nam Việt.
– Quý Châu: là Dạ Lang. Quảng Tây và Quý Châu là phần Đông của đất Âu.
– Bắc Việt: là Long Xuyên thời Tần – Nam Việt. Là phần đất Lạc trong Âu Lạc.

au-lac-2

Phạm vi Âu Lạc thời An Dương Vương.

Thấy bóng Cam đường nhớ Thiệu Công

Bài thơ Cam đường của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập:
Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu Công
Ðất dư dời được bạn cùng thông.
Bút thơ đã chép hương còn bén
Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.
Bài này nói đến cây “cam đường” và ông Thiệu Công, là sự tích trong cổ sử Trung Hoa. Trong Kinh Thi phần Thiệu Nam có bài Cam đường 甘棠 gồm 3 thiên:
蔽芾甘棠.勿翦勿伐.召伯所茇
Tế phế cam đường. Vật tiễn vật phạt. Thiệu Bá sở bạt.
蔽芾甘棠.勿翦勿敗.召伯所憩
Tế phế cam đường. Vật tiễn vật bại. Thiệu Bá sở khế.
蔽芾甘棠. 勿翦勿拜.召伯所說。
Tế phế cam đường. Vật tiễn vật bái. Thiệu Bá sở thuế.
Bài này thường được giải thích là làm theo thể phú, tức là tả cảnh trực tiếp, nói về quan Thiệu Bá nhà Chu đi công cán, ngồi dưới gốc cây Cam đường và xử kiện. Người dân sau nhớ ơn đức ấy mà bảo nhau không phá hoại cây Cam đường…
Tản Đà dịch:
Rườm rà cái cây cam đường
Ấy quan Thiệu bá xưa thường nghỉ ngơi
Chớ vin! Chớ bẻ! ai ơi,
Chớ ai cắt lá! Chớ ai đẵn cành.
Thiệu Bá là Cơ Thích, dòng dõi của Cơ Xương – Chu Văn Vương, có công trong việc cùng Cơ Phát – Chu Vũ Vương đánh Trụ diệt Ân, lập nên vương triều Chu. Cơ Thích được phong thực ấp ở đất Thiệu, nên gọi là Thiệu Công hay Thiệu Bá. Kinh Thi có phần Thiệu Nam là phong dao của vùng đất Thiệu này.
Thiệu Công Thích còn được phong đất ở nước Yên. Tuy nhiên, sau khi Vũ Vương mất, Thiệu Công Thích cùng với Chu Công Đán (Chu Công) đã ở lại kinh thành phò tá vua Chu còn nhỏ tuổi. Thiệu Công đảm nhận chức Thái bảo dưới thời Chu Thành Vương.
Xét bài Cam đường trong Kinh Thi nay thấy có nhiều vấn đề phải bàn thêm. Theo cách hiểu ngày nay Thiệu Bá ngồi dưới gốc Cam đường xử lý mấy vụ kiện cáo dân sự. Có sách không biết dựa vào đâu còn kể là xử vụ trai gái cãi nhau (?!). Là một khai quốc công thần của triều Chu, triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử của thiên hạ Trung Hoa, ân đức của Thiệu Công mà lại chỉ ở chỗ xử mấy vụ án con con ở ngoài đường như thế này thì không ổn. Ý nghĩa thực sự của bài thơ này lớn hơn nhiều, ngầm chỉ một sự việc khác trong công nghiệp của Thiệu Công. Bài thơ không phải làm theo thể Phú, mà là thể Tỉ (so sánh, ẩn dụ).
Công đức chính đối với muôn dân của Thiệu Công được thấy qua bài Thiệu Cáo trong Kinh Thư. Thiệu Cáo là lời tâu với Chu Thành Vương của Thiệu Công. Nội dung các bài trong Kinh Thư nói chung đều khá khó hiểu. Tuy nhiên, nay trong liên hệ thiên Thiệu Cáo với bài Cam đường trong Thiệu Nam thì có thể sáng tỏ hơn ý của bài cáo này.
Thiệu Cáo chép: Duy tháng hai, rằm rồi qua sáu ngày. Ất vị Nhà vua sớm ra đi từ đất Chu, sang tới đất Phong. Quan Thái bảo (Thiệu Công) đi trước, Chu Công xem xét nơi ở, thong thả tới. Tháng ba, ngày Bính ngũ, đã có ánh trăng. Qua ba ngày là Mậu thân, quan Thái bảo sớm tới đất Lạc, bói chỗ ở. Khi bói đã được thì sửa sang. Qua ba ngày nữa, Canh tuất, quan Thái bảo bèn đem dân Ân đắp nền ở trên bãi sông Lạc. Qua năm ngày, Giáp dần, nền đã thành.
Phần này bắt đầu bằng việc kể vua Chu (Thành Vương) rời Cảo Kinh của Tây Chu đi sang vùng đất Phong, tức là vùng kinh đô cũ thời Chu Văn Vương. Thiệu Công đi trước dọn đường. Chu Công tháp tùng vua Chu. Sau đó đoàn đi tiếp sang đất Lạc. Ở đây Thiệu Công sai dân Ân đắp nền bên bãi sông Lạc.
Việc Thiệu Công sai dân Ân làm đường, làm nền đón vua Chu ở đất Lạc là có chủ ý nhất định. Dưới thời Chu Thành Vương, hậu duệ của nhà Ân là Vũ Canh cùng Tam Thúc làm phản. Chu Công và Thiệu Công đã cùng nhau dẫn quân đi dẹp phản loạn. Đám quý tộc nhà Ân bị bắt, đem về an trí tại Lạc Dương. Đây chính là đám “dân Ân” ở đất Lạc được nói đến trong thiên Thiệu Cáo.
Thiệu Cáo chép tiếp: Qua bảy ngày, Giáp tý, Chu Công bèn sớm ra dùng thư để ra lệnh cho dân Ân, các quan chủ công việc ở các nước trong Hầu, Điện, Nam phục. Sau khi đã ra lệnh cho dân Ân rồi, dân Ân đều tới làm. Quan Thái bảo bèn đem chúa các nước ra, lấy các lễ vật rồi lại vào đưa cho Chu Công mà rằng:
Xin chắp tay, dập đầu, dâng Nhà vua cùng ông. Ban lời truyền bảo dân Ân là ở ông, kẻ coi việc… Than ôi! Đấng Hoàng thiên Thượng đế thay đổi con đầu của ngài… Nay ngôi của nước Ân to tát là trao cho Nhà vua được chịu ngôi… Nay nhà Ân nhiều các bậc vua hiền triết ở trên Trời. Cho tới vua sau coi dân là sau, nên nay nào chức, nào ngôi phải mất hẳn.
Đoạn này Thiệu Công tâu, mào đầu là Trời đã thay đổi ngôi vua (thiên tử – con đầu của Trời) từ Ân sang cho nhà Chu. Nhà Ân trước kia cũng có nhiều bậc vua hiền được Trời phù hộ. Nhưng vua sau cùng (Trụ Vương) coi khinh dân nên dẫn đến mất chức, mất ngôi.
Tiếp: Trí xếp bỏ! Tai nạn còn đó! Kẻ làm chồng biết bế ẵm, dắt díu vợ con nó, để thảm thiết kêu Trời! Nó đi trốn, đi ra thì bị bắt! Trời cũng thương cho dân bốn phương. Lòng thương và ngôi báu của Ngài là dùng để khuyến khích. Nhà vua hãy mau mau trọng về đức!
Đoạn tiếp này nói, sự việc đã vậy là đúng lẽ (việc Ân mất ngôi), nhưng tai nạn vẫn còn. Người dân Ân chồng dắt díu vợ con chạy nạn, nhưng lại bị bắt, kêu thảm thiết. Trời cũng thương. Lòng thương và ngôi báu đều là tặng vật của Trời. Nhà vua (vua Chu) hãy trọng đạo đức.
Vua Chu xưng là Thiên tử, ý là tiếp ngôi theo ý Trời. Thiệu Công lấy lẽ đó để nói Trời còn có lòng thương. Người đã nhận ngôi báu của Trời thì cũng phải có lòng thương, thương lấy cảnh khốn khổ của dân Ân.
Tiếp: Nhà vua trẻ trung nối ngôi thì xin chớ bỏ sót bậc già cả… Nhà vua dù còn nhỏ nhưng là con đầu của Trời! Sao cho có thể đem lòng thành cảm cả đến hạng dân nhỏ, ấy là phúc cho lúc này!
Chu Thành Vương tiếp ngôi lúc còn nhỏ, Chu Công phụ chính. Thiệu Công lấy lẽ Trời cố gắng xin nhà vua chớ bỏ đi đạo đức, noi gương tiền nhân, sao cho có thể cảm hóa được muôn dân, thì là phúc.
Ý của cả bài phát biểu của quan Thái bảo Thiệu Công rất rõ, là nài xin vua Chu và Chu Công xét ý Trời, noi gương các bậc minh quân xưa, thương xót dân chúng mà không trừng phạt đám dân Ân đã bị bắt về đất Lạc lúc này.
Đáp lại lời cầu xin này của Thiệu Công, Chu Công nói:
Nhà vua trước phải thu phục các kẻ coi việc của nhà Ân, cho gần gặn xen lẫn với các kẻ coi việc của nhà Chu ta. Giữ gìn tính nết mỗi ngày một tiến. Nhà vua phải trong việc làm, nơi nghỉ. Không thể không trọng về đức được…
Nhà vua hãy gắng tu đức đặng cầu Trời cho được ở ngôi lâu dài. Lại mong sao Nhà vua chớ vì bọn dân nhỏ đắm đuối về những sự trái phép mà cũng quả quyết việc giết chóc đặng xử trị chúng. Sao cho dân thuận theo, mới có công… Muốn Nhà vua nhờ bọn dân nhỏ mà được chịu mệnh lâu dài của Trời.
Đây là Chu Công trả lời thay cho vua Chu vì Chu Công là người phụ chính Chu Thành Vương đang còn nhỏ. Chu Công cũng là người đã cầm đầu quân đội đánh dẹp loạn Vũ Canh và bắt các tù binh Ân. Thiệu Công lấy lẽ Trời, lẽ người ra cầu xin nên Chu Công đã đồng ý, khuyên vua muốn ở ngôi lâu dài thì không nên giết chóc dân Ân, nhờ phúc đó thì ngôi vị mới bền.
Bài Thiệu Cáo là lời Thiệu Công cầu xin vua Chu không sát hại, phạt tội những người dân của nhà Ân đã bị bắt về đất Lạc. Đây là công đức to lớn của Thiệu Công cho muôn dân và cho nhà Chu. Đây mới là ý thực sự được nói đến trong bài Cam đường của Kinh Thi.

Do Dong Dong SonĐồ đồng Đông Sơn ở một bộ sưu tầm cá nhân ở Thanh Hóa.

Tế phế Cam đường nghĩa là cây Cam đường tỏa bóng. Cam đường tượng trưng cho ông Thiệu Bá. Bóng tỏa rộng là ân đức phủ tới muôn dân.
Vật tiễn vật phạt/bại/bái là Chớ bẻ, chớ uốn, chớ phạt… Nghĩa tỉ dụ ở đây nói đến việc Thiệu Công xin vua Chu không giết, không áp dụng hình phạt với đám dân Ân ở đất Lạc.
Thiệu Bá sở bạt/khế/thuế. Ba chữ cuối hiện đều dịch nghĩa là “nghỉ ngơi”. Nhưng nếu hiểu theo ý nghĩa mới thì cây Cam đường không phải chỉ là chỗ nghỉ ngơi của Thiệu Bá. 3 chữ này thuộc 3 bộ thủ khác nhau: bộ Thảo艹, bộ Tâm 心 và bộ Ngôn 言. Nghĩa bóng phải hiểu là Nơi ở, Tấm lòng và Lời nói của Thiệu Bá.
Dịch lại bài Cam đường trên lời thơ của Tản Đà:
Rộng che cái cây cam đường
Tấm lòng Thiệu Bá, chỗ thường thuyết chơi
Chớ vin! Chớ bẻ! ai ơi,
Chớ ai cắt lá! Chớ ai đẵn cành.
Cây Cam đường tán lá sum xuê có thể là loại cây Đa, rất dễ gặp ở Việt Nam. Vì thế mà Nguyễn Trãi mới ngắm “cây Cam đường, làm bạn cùng Thông” như trong bài thơ đã dẫn ở đầu bài viết này. Bài Cam đường trong Thiệu Nam tương đương ý với bài Chu lân chỉ trong Chu Nam. Con Lân biểu tượng cho văn đức của nhà Chu, không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống… Còn cây Cam đường biểu tượng cho ân đức của Thiệu Bá che tỏa muôn dân, vị tha đối với dân phản loạn nhà Ân.
Đất phong Thiệu Nam của Thiệu Công không phải ở Kỳ Sơn bên sông Hoàng Hà, cũng không phải nước Yên ở Bắc Kinh tới giáp Triều Tiên. Ngay trong Thiệu Nam có bài Giang hữu tỉ 江有汜, có từ Giang 江chỉ sông, hoàn toàn không phải sông Trường Giang như hiện người Tàu đang giảng giải. Cả 2 vùng Kỳ Sơn và Bắc Kinh đều không hề có sông Trường Giang.
Giang hữu tỉ”, sông có nhánh trong Thiệu Nam là … sông Mã, sông Chu ở Thanh Hóa. Thanh Hóa có đất Thiệu Hóa, xưa là phủ Thiệu Thiên khá rộng, gồm cả một số xã của huyện Đông Sơn, Yên Định và thành phố Thanh Hóa nay. Thiệu Hóa là vùng đất phong hóa Thiệu Nam được nhắc đến trong Kinh Thi.
Là đại công thần khai quốc của triều Chu nên Thiệu Bá được phong ở nước Yên, phải là nước lớn nằm cạnh đất nhà Chu. Nước Yên là khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Kinh đô nước Yên có thể chính là đất Thiệu Hóa ở Thanh Hóa. Nơi đây cũng là nơi phát lộ chiếc trống đồng đầu tiên và lấy tên đặt cho nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn rực rỡ. Truyền thống đúc đồng và các di vật khảo cổ thời kỳ này hiện vẫn còn được lưu giữ rất phong phú ở Thanh Hóa.
Liệu con cháu xứ Thanh ngày nay có mấy ai nhìn cây đa nhớ tới ân đức của Thiệu Công?

Cay SanhCây sanh tại nhà một nghệ nhân Đông Sơn, Thanh Hóa.

Bài Dạ Trạch tiên gia phú ở đình làng Quan Xuyên xã Thành Công huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên

NGUYỄN MINH TƯỜNG, TRƯƠNG ĐỨC QUẢ. TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 6(73) NĂM 2005
http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0506.htm

1. Lời giới thiệu
Vào ngày 16-4-2005, nhận lời mời của các đồng chí phụ trách thôn Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đã về làm việc tại địa phương trong một ngày. Công việc mà các đồng chí phụ trách thôn Quan Xuyên đề nghị chúng tôi giúp cho là: dịch những hoành phi, câu đối, bia đá… chữ Hán tại các công trình văn hóa – lịch sử trên địa bàn thôn như: đình Quan Xuyên, Nhà Sắc, Miếu Thượng, Miếu Trung, Miếu Hạ và tấm bia đá đặt tại bên tả (nhìn từ ngoài vào) của đình. Trong đó, đặc biệt có một bức hoành phi treo tại gian giữa nhà đại bái của đình Quan Xuyên, khắc toàn bộ bài Dạ Trạch Tiên gia phú khá nổi tiếng (có chừng 550 chữ). Ðây là một di sản vật thể quý báu về nhiều mặt (chạm khắc, thư pháp, nội dung văn học…) mà nhân dân Quan Xuyên còn lưu giữ được.
Bài Dạ Trạch Tiên gia phú vốn khắc tại đền Đa Hòa, thuộc tổng Mễ Sở, huyện Ðông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Ða Hòa, xã Bình Minh, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Ðền Đa Hòa là ngôi đền chính thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa.
Vào nãm Ất Tỵ (1905) đời vua Thành Thái, một đàn cầu tiên được tổ chức tại đền Đa Hòa. Những người hầu dưới đàn là: Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tấn Cảnh, Lê Chuyên… Bài Dạ Trạch Tiên gia phúnày được coi là bài Giáng bút của Chử Đạo tổ (tức Chử Đồng Tử). Chu Mạnh Trinh, người xã Phú Thị, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892), từng giữ chức Quang lộc Tự khanh, kính chép và khắc bài phú Giáng bút này ở đền Đa Hòa.
Vào nãm Quý Sửu (1913) đời vua Duy Tân, các cụ phụ lão làng Quan Xuyên đã khắc lại bài Dạ Trạch Tiên gia phú này từ đền Đa Hòa đưa về treo tại đình. Nhận thấy đây là một bài phú hay, nội dung liên quan tới Chử Đồng Tử, một nhân vật được Đạo giáo Việt Nam suy tôn vào hàng “Tứ bất tử”, chúng tôi xin phiên dịch toàn bộ bài Dạ Trạch Tiên gia phú và công bố để bạn đọc xa gần cùng tham khảo.

2. Nguyên vãn chữ Hán
成 泰 乙 巳 年
渚 仙 降 筆 自 題
河 山 過 眼 幾 千 年
一 曲 高 歌 散 九 天
江 渚 月 明 雲 影 淡
澤 林 水 漲 隴 沙 圓
漫 傳 筇 笠 仙 家 事
誰 識 樓 臺 帝 子 緣
到 底 一 塵 還 不 染
金 鰲 駕 海 寓 雲 煙
夜 澤 仙 家 賦
玉 闕 天 高 金 臺 地 辟.
雲 萬 丈 以 騰 飛 水 千 重 而 凝 碧.
扁 舟 泛 泛 誰 從 訪 蓬 萊, 仙 境 之 虛 無;
夜 澤 汒 汒 我 獨 創 帝 子, 因 緣 之 屬 籍;
相 傳:
江 上 遇 帝 女 以 成 親;
誰 識:
仙 班 本 珠 宮 之 莫 逆.
雄 王 之 世, 十 九 相 承;
帝 曰 有 邦 彼 姝 者 子.
乃 從 星 而 顯 耀, 還 駕 雨 來,
赤 藤 勝 地 之 間;
因 伐 木 以 裁 樓, 別 向 風 雲,
白 社 圓 基 之 址.
是 處: 仙 家 雞 犬 何 事 飛 昇?
偶 然: 大 澤 龍 蛇 相 爭 議 庇.
杏 栽 千 樹, 藥 餌 遍 于 方 民;
桃 贈 萬 家 吟 詠 傳 於 閭 里.
辰 則:
月 明 夜 靜, 江 闊 天 空, 或 乘 舟 而 垂 釣, 或 倚 杖 以 迎 風;
攜 手 高 臺, 弄 玉 蕭 而 鳳 降, 識 針 還 閣, 聯 金 字 而 鵷 同.
塵 埃 風 景 蒼 汒 難 容, 久 住 日 月 壺 天 隱 約.
每 動 高 蹤; 乃 辭 帝 闕.
上 表 陳 情 旋 向 神 山 訪 予 舊 侶 赤 松 是 兩 師 遊 戲;
神 農 之 世 非 遙, 蒼 頡 生 文 字 契 書, 盤 古 之 風 可 緒.
四 頭 江 渚, 三 十 年 之 托 跡 轉 空;
扣 手 天 門 九 萬 里 之 高 歌 有 自.
樓 臺 亦 幻 瞕 梓 空 留; 江 波 寂 寂 雲 影 悠 悠.
閱 古 今 之 陳 跡; 感 禾 黍 於 郊 邱.
萊 公 之 陳 成 陰 德 能 兆 異; 潘 令 之 桃 結 寔, 我 亦 何 求.
然 而:
召 伯 甘 堂 不 伐; 總 人 心 之 思 慕
所 以:
羊 公 硯 首 興 言 示 來 者 之 綢 繆.
曰 庭 曰 閣; 成 邑 成 都.
仙 蹤 縹 緲; 往 事 荒 蕪.
筇 笠 林 間, 齊 東 野 之 妄 言 可 笑;
幕 帷 江 上, 趙 北 方 之 佳 話 還 無 虛 以 傳 虛 信 難 可 信.
人 思 舊 澤 而 不 忘; 我 獨 飛 靈 而 默 運
石 豈 能 言 之 物, 轉 也 何 曾;
檜 傳 左 紐 之 文, 是 誰 繆 引.
遂 使:
千 秋 韻 事, 遺 跡 難 憑 識;
看 一 片 閒 雲 仙 跡 不 泯.
維 新 癸 丑 春.
恭 錄 多 禾 祠.
乩 文.
奉 鐫 拜 進.

Phiên âm
Thành Thái Ất Tỵ niên
CHỬ TIÊN GIÁNG BÚT TỰ ĐỀ
Hà sơn quá nhãn kỷ thiên niên
Nhất khúc cao ca tán cửu thiên
Giang chử nguyệt minh vân ảnh đạm
Trạch lâm thủy trướng lũng sa viên(1)
Mạn truyền cung lạp tiên gia sự(2)
Thùy thức lâu đài đế tử duyên
Đáo để nhất trần hoàn bất nhiễm
Kim ngao giá hải ngụ vân yên.
DẠ TRẠCH TIÊN GIA PHÚ
Ngọc khuyết thiên cao; kim đài địa tịch
Vân vạn trượng dĩ đằng phi; thủy thiên trùng nhi ngưng bích.
Biển chu phiếm phiếm thùy tòng phỏng Bồng Lai tiên cảnh chi hư vô;
Dạ Trạch mang mang ngã độc sáng đế tử nhân duyên chi thuộc tịch.
Tương truyền Giang thượng ngộ Đế nữ dĩ thành thân;
Thùy thức: Tiên ban bản châu cung chi mạc nghịch.
Hùng Vương chi thế, thập cửu tương thừa.
Đế viết hữu bang, bỉ xu giả tử.
Nãi tòng tinh nhi hiển diệu, hoàn giá vũ lai, Xích Đằng thắng địa chi gian;
Nhân phạt mộc dĩ tài lâu, biệt hướng phong vân, Bạch Xã viên cõ chi chỉ.
Thị xứ: Tiên gia kê khuyển hà sự phi thăng?
Ngẫu nhiên: Ðại trạch long xà tương tranh nghị tý.
Hạnh tài thiên thụ, dược nhị biến vu phương dân;
Ðào tặng vạn gia, ngâm vịnh truyền ý lý lý.
Thời tắc: Nguyệt minh dạ tĩnh, giang khoát thiên không,
Hoặc thừa chu nhi thùy điếu, hoặc ỷ trượng dĩ nghênh phong;
Huề thủ cao đài, lộng ngọc tiêu nhi phượng giáng,
Thức châm hoàn các, liên kim tự nhi uyển đồng.
Trần ai phong cảnh thương mang, nan dung cửu trú;
Nhật nguyệt hồ thiên ẩn ước, mỗi động cao tung;
Nãi từ Đế khuyết, thướng biểu trần tình;
Toàn hướng thần sõn, phỏng dư Cựu lữ;
Xích Tùng, thị lưỡng sư du hý, Thần Nông chi thế phi dao;
Thương Hiệt sinh văn tự khế thư, Bàn Cổ chi phong khả tự.
Tứ đầu giang chử, tam thập niên chi thác tích chuyển không;
Khấu thủ thiên môn, cửu vạn lý chi cao ca hữu tự.
Lâu dài diệc huyễn; hiêu tử không lưu.
Giang ba tịch tịch, vân ảnh du du.
Duyệt cổ kim chi trần tích; Cảm hòa thử ý giao khâu.
Lai Công chi trúc thành âm đức năng triệu dị; Phan Lệnh chi đào kết thực, ngã diệc hà cầu.
Nhiên nhi: Thiệu Bá cam đường bất phạt, tổng nhân tâm chi tý mộ;
Sở dĩ: Dương Công nghiễn thủ hứng ngôn, thị lai giả chi trù mâu.
Viết đình viết các; thành ấp thành đô.
Tiên tung phiêu diểu; vãng sự hoang vu.
Cung lạp lâm gian, Tề đông dã chi võng ngôn khả tiếu;
Mạc duy giang thượng, Triệu bắc phương chi giai thoại hoàn vô.
Hý dĩ truyền hý; tín nan khả tín.
Nhân tý cựu trạch nhi bất vong; ngã độc phi linh nhi mặc vận.
Thạch khởi năng ngôn chi vật, chuyển dã hà tằng;
Cối truyền tả nữu chi văn, thị thùy mậu dẫn.
Toại sử: Thiên thu vận sự, di tích nan bằng;
Thức khán nhất phiến nhàn vân, tiên tung bất dẫn.
Duy Tân, Quý Sửu niên.
Cung lục Đa Hòa từ.
Kê vãn.
Phụng thuyên bái tiến.

3. Dịch nghĩa:
Năm Ất Tỵ (1905) đời vua Thành Thái
ĐỀ TỰ BÀI GIÁNG BÚT CỦA TIÊN ÔNG CHỬ ĐỒNG TỬ
Sông núi này, mắt ta ngắm nhìn đã mấy nghìn năm.
Một khúc ca cao vút, lan rộng tới chín tầng trời.
Trăng sáng chiếu qua mây, bóng nhạt nhòa bên bến sông.
Sóng nước vỗ đập vào bãi cát vùng đất Dạ Trạch.
Câu chuyện thần tiên về chiếc gậy trúc, nón gồi chẳng qua là ngoa truyền.
Ai hay được chuyện tình duyên của con gái vua chốn đền đài?
Dù cho sống nõi trần gian, nhưng cuối cùng chẳng nhiễm bụi trần.
Mọi chuyện rồi cũng theo Rùa vàng ra biển hay gửi trong đám mây trôi.
DẠ TRẠCH TIÊN GIA PHÚ
(PHÚ VỀ GIA ĐÌNH TIÊN ĐẦM DẠ TRẠCH)
Ngọc khuyết thiên cao; Kim đài rộng mở(3).
Mây muôn trượng bay cao, nước ngàn trùng xanh biếc(4).
Thuyền một lá lênh đênh, ai hỏi chốn Bồng Lai cảnh tiên hư ảo?
Dạ Trạch đầm nước mênh mang, ta riêng tạo chốn nhân duyên đế tử(5).
Tương truyền: May gặp Hoàng nữ trên sông, rồi bỗng nên duyên phận;
Biết chăng: Vốn nòi tiên sánh cùng Cung ngọc, chẳng có gì sai(6).
Hùng Vương dựng nghiệp, mười chín đời truyền(7);
Đế thất lưu truyền: Nước có mỹ nữ(8).
Theo sao mờ hiển hiện, chớp nhoáng như xe bay, mây lướt mưa sa ở đất Xích Đằng(9) thắng địa.
Rồi nhân thế phạt mộc dựng lầu cao, gây riêng một chốn, thử hỏi nào đâu Bạch Xã(10) nền xưa.
Đây xứ: Tiên cung chó gà kêu việc xẩy đột nhiên;
Bỗng nhiên: Ðầm lớn rồng rắn quấn quýt sao mà lạ(11).
Trồng hạnh nghìn cây, thuốc hay giúp khắp thôn dân;
Gây đào vạn cửa, lời ca vang cùng làng xóm.
Những khi: Trãng sáng, đêm thanh, trời cao sông rộng.
Lúc cưỡi thuyền buông câu; lúc tựa song đón gió.
Dan tay gác tía, thổi sáo ngọc mà chim phượng đến; cài trâm bên cửa biếc, gắn chữ vàng mà uyên ương theo.
Trần ai phong cảnh mênh mang, ở lâu sao đặng;
Nhật nguyệt giữa trời lấp lánh, thấy động dấu tiên.
Bèn từ cung khuyết. Dâng biểu trần tình;
Lại đến thần sơn, tìm hỏi bạn cũ(12).
Cùng Xích Tùng tiên du hí, đời ThầnNông(13) ngày ấy chẳng xa;
Chữ Thương Hiệt(14) thư khế rành rành, phong tục Bàn Cổ(15) đã có đầu mối.
Bốn mặt nước Chử giang(16), ba mươi năm thác tích, thành không;
Hai tay chắp Cửu trùng, ngàn muôn dặm ngợi ca từ đó(17).
Lâu đài nào thấy; gậy cũ còn đâu!
Sóng nước mịt mờ, mây mù thăm thẳm.
Xem nào cổ kim dấu tích; nhớ tới ngoài nội lúa ngô.
Trúc Lại Công(18) nay đã thành rừng, đức thường gây dựng.
Ðào Phan Lệnh(19) vốn đà kết trái, ta cũng chẳng cầu.
Thế mà: Như Thiệu Bá(20) không phạt Cam đường, cũng là do lòng người tư mộ;
Sở dĩ: Dương Công(21) miệt mài bên nghiên mực, chỉ mong cho hậu thế đẹp tươi.
Nào đền, nào gác, nên xóm nên thành.
Gót tiên lãng đãng; sự cũ hoang vu.
Khá cười chuyện cũ hoang đường, gậy trúc nón gồi, đồn khắp hang cùng ngõ hẻm;
Lại hay giai thoại vu vơ, màn gấm bên sông, lan xa ngoài cõi Bắc phương(22).
Đồn lại thêm đồn; tin không khó biết.
Đầm xưa, người nhớ mãi chẳng quên; Ta vẫn riêng cưỡi mây phù vận(23).
Đá có nói gì đâu mà vật chuyển dời, sao thế?
Sao truyền cội gốc chuyện xa xưa ngoa vậy, vì ai ?(24).
Khiến cho: Nghìn thu chuyện đẹp, tích cũ khó tìm bằng cứ?
Hãy nhìn một áng mây trôi, dấu tiên như còn tỏ.
Năm Quý Sửu (1913) đời vua Duy Tân.
Kính cẩn chép từ đền Đa Hòa – Văn giáng bút.
Kính sao – Bái tiến.

4. Mấy nhận xét
Bài Dạ Trạch Tiên gia phú, chúng tôi vừa giới thiệu trên đây, như đã nói, được coi là bài phú “giáng bút” của Chử Đạo tổ trong một đàn cầu tiên tổ chức tại đền Đa Hòa vào năm 1905.
Ðàn cầu tiên là một sinh hoạt có tính văn hóa của những người trí thức Nho học Việt Nam tồn tại từ lâu đời. Đến khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đạo cầu hồn vốn xuất hiện ở Âu Mỹ, được gọi là Thần linh học hoặc Linh hồn học (Psychisme) thấm dần vào Việt Nam. Từ đó, đàn cầu tiên có thêm “người bạn đồng hành” là đạo cầu hồn nên đã phát triển hõn trước. Cầu hồn của phương Tây với cầu tiên của nước ta không khác nhau là bao nhiêu. Về nguyên tắc hai bên đều thừa nhận linh hồn bất tử, có thể giao tiếp với người sống, tiên “giáng bút” thì làm thõ, làm phú bằng chữ Hán. Cầu hồn kiểu Tây thì ai chấp bút cũng được, hồn nhập bút viết bằng chữ Pháp hay chữ Quốc ngữ.
Bài Dạ Trạch Tiên gia phú được ra đời trong hoàn cảnh Cầu tiên do các vị Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tấn Cảnh, Lê Chuyên… tổ chức. Loại trừ việc coi bài phú này của Chử Đồng Tử là điều khó có thể tin được, thì giá trị văn học của Dạ Trạch Tiên gia phú là điều dễ nhận thấy. Về hình thức cũng như nội dung, Dạ Trạch Tiên gia phú có vẻ tài hoa, thanh thoát tương tự như bài Thanh Tâm Tài Nhân phú được sáng tác trong Tao đàn Hưng Yên cũng vào nãm 1905 của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc công bố rộng rãi bài Dạ Trạch Tiên gia phú này, để bạn đọc tham khảo và thưởng thức là điều hết sức cần thiết và bổ ích.
N.M.T – T.Đ.Q

CHÚ THÍCH
(1) Nguyên chú: thủy trúng chính long.
(2) Nguyên chú: chữ nguyên chú nhỏ quá lại mờ chưa đọc được.
(3) Nguyên chú: lời này có ý rằng bậc quân chủ yêu quý người hiền tài.
(4) Nguyên chú: ta từ trên trời giáng xuống trần thế.
(5) Nguyên chú: lời này nói về đất nõi ta ẩn cư.
(6) Nguyên chú: ta cùng Chính phi Tiên Dung đều là tiên giáng thế, không cần Hoàng đế cho phép, vẫn kết hôn.
(7) Nguyên chú: Ta giáng sinh vào giờ Sửu (1-3 giờ sáng) năm Bính Ngọ, đời Hùng Vương thứ 19.
(8) Nguyên chú: bỉ xu giả tử: Đẹp sao người con gái kia. Câu này dẫn trong Kinh Thi lấy ý thơ chương Đại Minh.
(9) Xích Đằng: tên xã thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên), có đền thờ Phạm Bạch Hổ và Ðinh Ðiền.
(10) Bạch Xã: địa danh thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Theo sách Tấn thư – Ðổng Kinh truyện, thì Bạch Xã là nơi mà Ðổng Kinh đã từng trú ngụ. Theo sách Thủy kinh chú thì Bạch Xã là tên làng cũ ở phía Bắc của sông Dương Cừ chảy qua tỉnh Hà Nam. (Từ nguyên-Bộ Ngọ, tr.57).
(11) Nguyên chú: ta có phép thần có thể biến thành rồng rắn giáng thế.
(12) Xích Tùng – Cựu Lã: tức Xích Tùng Tử và Lã Động Tân là hai vị tiên trong số Bát tiên của Đạo giáo thần tiên Trung Quốc.
(13) Thần Nông: một trong Ngũ Đế trong thời Cổ sử Trung Quốc (Phục Hy – Thần Nông – Hoàng đế – Đế Nghiêu – Ðế Thuấn). Tương truyền, Thần Nông đã có công dạy dân biết trồng trọt, phân biệt ngũ cốc và chữa bệnh.
(14) Thương Hiệt: người đời cổ của Trung Quốc, được coi là có công sáng tạo ra chữ Hán.
(15) Bàn Cổ: một nhân vật thần thoại Trung Hoa.
(16) Chử giang: dòng sông Hồng chảy qua bãi Chử Xá, nơi Chử Đồng Tử sinh ra và kiếm sống rồi gặp Tiên Dung công chúa.
(17) Nguyên chú: Ta ngồi hóa giờ Dậu (7-8 giờ tối), ngày 20-9 nãm Giáp Tuất đời Hùng Vương thứ 20. Ta sống tại cõi trần 30 năm, lại trở về cõi tiên, vì thế cổ nhân bảo ta có thuốc trường sinh.
(18) Lại Công Trúc: truyện Khấu Chuẩn trong Tống sử chép: Khấu Chuẩn bị biếm đến Lôi Châu, chết ở đó. Người nhà đem ông về táng ở Tây Kinh. Ðường đi qua huyện Công An, phía Nam Kinh Châu, nhân dân thương ông đều đặt bàn thờ, khóc lóc tế ông bên đường. Họ còn bẻ trúc trồng hai bên đường… Sau này trúc khô đi nhưng sinh ra măng. Do đó ở Kinh Châu có loại trúc Lại Công. (Từ nguyên – bộ Thân, tr.27).
(19) Phan Lệnh đào: chưa rõ ở điển nào.
(20) Thiệu Bá: tên thật là Thiệu Công Thích, con thứ của Chu Vãn Vương. Ông cùng với Chu Công Ðán là hai bề tôi có công lao cai trị đất nước thời Chu Võ Vương và Chu Thành Vương. Thiệu Công Thích vốn họ Cõ, nhưng vì được chia thái ấp ở đất Thiệu, nên xưng là Thiệu Bá. Thiệu Bá xử kiện công minh cho dân, người sau trồng cây cam đường để ghi nhớ! Kinh Thi có câu: Tế phế cam đường (Rườm rà cây cam đường).
(21) Dương Công: chưa rõ tác giả sử dụng điển nào.
(22) Nguyên chú: sử nước ngoài có nói chuyện gậy trúc, nón gồi, có lý nào như vậy! Thế mà con Hoàng đế giáng vân. Đến việc vây màn bên sông, đều do bọn dốt nát bịa ra, không thể tin cậy được! Muốn hiểu thấu phải tự mình lý giải mà thôi!
(23) Nguyên chú: nói là phi linh, tức giáng linh, đây dùng lời của bậc đại nhân.
(24) Nguyên chú: chỗ này cũng nên xem xét cho rõ ràng./.