Kính nhi viễn chi

Thành ngữ “kính nhi viễn chi” có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong Luận ngữ – Ung dã: Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ. Tạm dịch như sau: Làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần nhưng nên tránh xa quỷ thần, đó là trí.
Tư tưởng “kính mà xa” này của Khổng Tử thực ra không phải là cách xử thế đối với chốn quan trường hay trong triều đình như vẫn được giải thích. Đây là cách mà Khổng Tử nói tới nên ứng xử như thế nào đối với các tín ngưỡng dân gian (việc quỷ thần). Đặc biệt Khổng Tử, như một nhà sử học đầu tiên của Trung Hoa (viết Kinh Thư), đã có một quan điểm rất đúng đắn khi xử lý các truyền thuyết, tín ngưỡng trong việc biên chép sử. Vừa phải tôn trọng (kính) những thông tin trong truyền thuyết, nhưng cũng vừa phải lùi xa, nhìn rộng, suy thấu một cách thực tế thì mới có thể thấy được sự thật của quá khứ.

P1060168Chiếc lịch ba chân thời Tây Chu với hoa văn Thao thiết và Quỳ long.

Một ví dụ thường được lấy về quan điểm của Khổng Tử đối với những chuyện quỷ thần trong truyền thuyết khi biên sử là chuyện về Hoàng Đế. Theo thần thoại, Hoàng Đế là một vị thần có 4 mặt để trông coi 4 phương. Thông tin này được Khổng Tử giải thích rằng Hoàng Đế đã phái 4 người đi trị vì 4 phương. Cách giải thích này đúng là vừa “kính”, tức là vừa tôn trọng thông tin, không bác bỏ nó, nhưng cũng vừa “viễn”, tức là nhìn nhận và lý giải thông tin một cách thực tế.
Ví dụ khác về hình ảnh “Quỳ nhất túc”, tức là con Quỳ có một chân. Khổng Tử đã bác bỏ sự hoang đường để giải thích là con Quỳ hung ác chỉ cần có 1 điểm khả thủ đó là việc giữ chữ Tín là đủ. Hay Quỳ đã biến thành một nhạc quan của vua Thuấn và người như Quỳ chỉ cần 1 là đủ. Như vậy thay vì đi tìm loài thú 1 chân, hình ảnh Quỳ nhất túc được hiểu thành thông điệp “một là đủ”.
Tinh thần “kính mà xa” việc quỷ thần của Khổng Tử bị các Nho gia đời sau hiểu không chính xác, dẫn đến sự khô cứng gò bó của Nho gia trong chép sử. Lỗ Tấn đã nhận xét: Khổng Tử ra đời, lấy những điều thực dụng sửa mình, yên nhà, trị nước, bình thiên hạ làm giáo lý, không muốn nói việc quỷ thần, những thuyết hoang đường thời thái cổ đều là những điều nhà Nho không muốn nói, cho nên về sau, chẳng những không làm gì được cho sáng sủa lớn lao thêm mà còn để cho tản mác, mất mát đi nữa (Lịch sử truyền thuyết Trung Quốc).
Cũng Lỗ Tấn đã cho rằng trong các truyền thuyết xa xưa luôn chứa đựng những điều đáng kể về lịch sử: Lịch sử của bất cứ một dân tộc nào khi bắt đầu toàn là những sự kiện mông lung, nhiều mâu thuẫn. Đó là tình hình chung và không có cách nào khắc phục được của lịch sử các dân tộc. Nhưng sau khi đã nói xong mọi câu chuyện truyền thuyết, vô luận thế nào, những truyền thuyết rất xa xưa đó về mặt lịch sử mà nói, đều có những yếu tố và hạt nhân đáng kể, chứ không phải bịa đặt hoàn toàn.

IMG_1860Hoa văn con Quỳ trên nắp một chiếc bình thời Tây Chu.

Tinh thần “kính nhi viễn chi” của Khổng Tử đã từng được các nhà Nho Việt Nam áp dụng trong soạn những bộ sử đầu tiên của đất nước. Danh nhân thời Trần là Hồ Tông Thốc, người viết cuốn Việt Nam thế chí, một cuốn sử sớm của nước ta là người đi đầu trong việc này. Quan điểm sử học của Hồ Tông Thốc khi đưa những huyền thoại, truyền thuyết vào chính sử được nêu trong bài tựa của tác phẩm Việt Nam thế chí:
Sách chép về thế phả, vốn có từ lâu, khảo xét các đời đã qua để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện ngờ lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu được. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm.
Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: Thời thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay trung thổ cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời, mười mặt trời cùng mọc, v.v…, đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời hồng hoang thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đầy đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra?
Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.
Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi việc về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện lại; xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ…
Chính nhờ tinh thần vừa tôn trọng truyền thuyết, tín ngưỡng, vừa cẩn trọng tìm kiếm đối chiếu với các tư liệu có được, qua người già kể lại, tại đền miếu cúng thờ, mà Hồ Tông Thốc đã làm được một việc lớn cho việc biên chép sử Việt, đó là đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử. 18 triều đại vua Hùng, kéo dài trên 2000 năm vốn chỉ được biết qua các truyền thuyết huyền sử. Nhìn nhận đúng thời đại Hùng Vương chính là trở về đúng với cội nguồn của dân tộc.
Bài học “Kính quỷ thần nhi viễn chi” của Khổng Tử, Lỗ Tấn, Hồ Tông Thốc tuy vẫn hiện hữu, nhưng ngày nay các sử gia Việt chỉ biết có “Viễn” mà không biết “Kính”. Thái độ “hủ Nho” này là nguyên nhân làm cho sử Việt trở thành khô khan, rời rạc, cụt lủn, mất mát đi quá nửa. Những câu hỏi lớn của lịch sử cổ và trung đại của nước Nam không được giải đáp một cách thỏa đáng, dẫn đến hàng loạt những điều vô lý, tới mức người ta không dám đem thời kỳ lịch sử này ra để thi cử bao giờ, vì ngay ban giám khảo cũng không biết trả lời thế nào là đúng.
Điểm qua vài vấn đề lớn trong sử Việt, liên quan đến chuyện “quỷ thần”:
– Lạc Long Quân giống Rồng lấy Âu Cơ là nòi Tiên sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là khởi nguồn của trăm giống Việt. Ý nghĩa của việc “sinh trăm trứng” này là gì?
– Sơn Tinh dùng cây gậy thần và sách ước biến hóa sinh tử, lấy được công chúa Mỵ Nương, đánh thắng Thủy Tinh. Phép thuật “gậy thần sách ước” của Tản Viên là gì?
– An Dương Vương xây thành Cổ Loa, cứ xây lại đổ, phải nhờ thần Kim Quy bắt Bạch Kê tinh thì thành mới xây được. Sự thật điều gì đã làm cho thành Cổ Loa bị đổ?
– Thần Kim Quy cho An Dương Vương chiếc móng thần để làm lẫy nỏ, bắn một phát cả trăm mũi tên. Rồi “Nỏ thần sơ ý trao tay giặc, nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”… “Móng rùa” ở đây là gì?
– Triệu Việt Vương được thần nhân ở đầm Nhất Dạ cho chiếc móng rồng, làm mũ đâu mâu, đánh đâu thắng đó, rồi bị Lý Phật Tử đánh tráo mà thất bại, cùng đường đi vào biển mà mất. “Móng rồng” ở đây là thứ gì?
Có lẽ không thể kể hết được những chuyện “quỷ thần” trong sử Việt vì nó luôn có mặt từ những trang sử đầu tiên đến cuối cùng. Đó là cách thức chép sử của dân gian, luôn tồn tại song song với sử sách của nhà nước. Những chuyện quỷ thần đó không phải vô lý vô nghĩa, mà thực sự mang những thông tin xác thực, đầy ý nghĩa. Cần tôn trọng những dữ liệu dân gian và có sự so sánh đối chiếu thực tế về ý nghĩa của những dữ liệu đó thì mới có thể giải đáp được những khúc mắc trong sử Việt, trả lại sự thật về quá khứ huy hoàng 4000 năm của người Việt.

Truyền thuyết học lịch sử Việt

Trích từ lời tựa cho sách Bước ra từ huyền thoại

Tre coc kien nhauTruyền thuyết và việc chép sử Việt
Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà lại giàu có về huyền thoại và truyền thuyết như nước Nam ta. Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái là tập hợp phong phú những truyền thuyết dân gian lâu đời nhất còn lưu lại được tới nay. Những truyền thuyết Việt đã được kể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những truyền thuyết từ thời khai thiên lập địa khi con người còn đang ăn hang ở hốc cho tới những thời kỳ gần hơn của sử trung đại.
Truyền thuyết Việt không như truyện thần thoại phương Tây, mà là những truyện “cổ tích” thực sự, nghĩa là những vết tích của những gì đã từng xảy ra trong quá khứ xa xưa. Đằng sau mỗi câu chuyện cổ được lưu truyền là lịch sử chân xác của quốc gia, của dân tộc. Lịch sử đã bị lãng quên, bị bôi đen, bóp méo bởi kẻ thù phương Bắc. Truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian là những ký ức lịch sử lưu lại được khi người Việt phải trải qua gần ngàn năm thống khổ cùng cực, lúc nào dao cũng kề cổ. Cộng thêm những hành động đốt sạch, phá sạch, tận diệt, tận xóa vết tích văn hóa văn minh trên đất Việt của không ít kẻ thù đã làm cho việc nhận ra chân lịch sử Việt đúng là thiên nan vạn nan.
Để tìm về cội nguồn và bản ngã dân tộc thì không thể thiếu những truyền thuyết lịch sử rất phong phú lưu truyền trong tín ngưỡng và văn hóa dân gian. Tục thờ thành hoàng là những nhân vật lịch sử từ xưa làng nào cũng có. Những thần phả thần tích kể lại nguồn gốc và công trạng của các thần thánh được thờ phụng  có niên gian ghi chép không thua gì những quyển sử chính thống. Những hoành phi câu đối trên cổng đình, trong điện thờ thực sự là những minh văn quí giá, cô đọng, hàm ý súc tích, sâu xa về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Những nét văn hóa trong các lễ hội làng, hội tổng được hình thành trên cơ sở những sự kiện từng xảy ra nên mang trong đó những thông tin lịch sử chân thực.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam rất đặc biệt. Thần linh của người Việt không phải là những đấng siêu nhiên, tạo ra từ trí tưởng tượng của con người. Thần tiên Việt rất thật, rất người bởi vì họ vốn là những con người thật sự được tôn thờ lên. Công lao, sự nghiệp, đạo đức của họ làm nên tinh thần bất diệt, khiến họ “hóa thần” trong tín ngưỡng và văn hóa dân tộc. Đằng sau mỗi thần tích, mỗi huyền thoại về các vị thần người Việt đều là những nhân vật, những sự kiện có thật từng xảy ra.
Đã có không ít các công trình của những học giả danh tiếng xưa và nay muốn “đọc” lịch sử qua những câu truyện truyền thuyết để tìm lại mấy ngàn năm lịch sử bị khuất lấp. Điều này quả thật không dễ dàng vì muốn vậy phải có dữ liệu để đối chiếu giữa huyền thoại và lịch sử. Trong thời gian trước đây việc này hầu như không thể làm được vì nguồn đối chiếu duy nhất cho các sử gia Việt lại là sách Tàu, tức là sách của chính những kẻ đã cố tình nhào nặn, biến hóa sử Việt. Các sử gia đành chép lại những truyền thuyết dân gian lưu vào sử để đợi đời sau giải mã, tìm lại lịch sử chân thực của dân tộc.
Hãy nghe Hồ Tông Thốc, người viết Việt Nam thế chí, một trong những quyển sử sớm nhất của nước ta, nói về việc này:
Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: … Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá, thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử, tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.
Ngày nay những truyền thuyết mang tiếng vang hình bóng của lịch sử đã có những nguồn để đối chiếu và kiểm chứng tin cậy. Trước hết là khảo cổ học, mà một trong những thành tựu đầu tiên của ngành khảo cổ học Việt Nam là xác định sự tồn tại của thời đại Hùng Vương qua văn hóa đồ đồng Đông Sơn huy hoàng. Cùng với những phát hiện khảo cổ, từng hiện vật, từng viên gạch, từng đồng tiền cổ phát lộ lại càng thấy lịch sử Việt cần được viết lại và những nhân vật từ trong huyền thoại đang dần bước ra, hiện rõ lên trước mắt chúng ta.
Kết hợp những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại với những dữ liệu dân gian phong phú và nguồn thư tịch văn bản còn lại nay đã cho phép nhìn ra chân tướng cổ sử nước Nam. Việt Nam – suối nguồn của văn minh phương Đông, sự thực ấy đang ngày càng sáng tỏ. Lịch sử nước Nam không phải chỉ bị lãng quên mà là bị đánh tráo, đánh tráo một cách trơ trẽn, làm cho chủ biến thành khách, anh em hóa ra thù. Giải mã các truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian lúc này càng trở nên cần thiết cho việc nhìn nhận đúng lịch sử nước nhà. Nhìn lại lịch sử để nhận lại cha ông, nòi giống, đòi lại bản quyền của nền văn hóa huy hoàng mà tiền nhân hàng ngàn năm đổ mồ hôi và xương máu xây dựng và gìn giữ.

Lăng kính đọc lịch sử qua truyền thuyết
Truyền thuyết Việt không hề “u linh” hay “chích quái” một khi chúng được sọi nhìn bằng “lăng kính” thích hợp. Truyền thuyết là hình bóng của lịch sử. Từ cái bóng đó cái hình cốt lịch sử thật sự có thể được phục dựng nếu có được “hệ quy chiếu” đúng với không gian và thời gian mà lịch sử đã xảy ra.
Những sự tích, những câu chuyện được kể lại đều xuất phát từ thực tế lịch sử, cho dù những sự kiện này đã được cách điệu hóa, hình tượng hóa trong truyền thuyết. Cây gậy thần và quyển sách ước của Tản Viên Sơn Thánh có thể truy nguyên là Hà đồ Lạc thư mà Đại Vũ đã nắm bắt được trong quá trình trị thủy. Chiếc móng rồng làm mũ đâu mâu của Triệu Quang Phục là hình tượng ngọc tỷ của Triệu Vũ Đế Lưu Bang mà họ Lữ đã mang về Nam Việt. Con voi của Bà Trưng, Bà Triệu là hình ảnh nước Tượng Đinh của các nữ anh hùng này…
Một trong những đặc điểm dễ thấy của truyền thuyết lịch sử Việt là khi kể về các nhân vật dân gian không dùng tên thật của những vị vua, vị tướng này mà dùng các danh xưng, tên hiệu. Ví dụ Triệu Đà là vị vua đầu (= Đà) của nhà Triệu. Trưng Trắc, Trưng Nhị là các vị quân trưởng (= Trưng) thứ nhất và thứ hai. Sĩ Nhiếp là vị quan văn (= Sĩ) nhiếp chính Giao Châu khi chính quyền trung ương bị mất. Đinh Bộ Lĩnh là vị thủ lĩnh của khu vực Đinh Bộ, tức là vùng Tĩnh Hải quân… Những danh hiệu trong truyền thuyết lịch sử do vậy là những gợi ý, dẫn chứng rõ ràng về công nghiệp của các bậc tiền nhân.
Cũng vì tên của các nhân vật trong truyền thuyết là các danh hiệu nên cùng một tên gọi có thể chỉ 2, 3 người hoặc cả một triều đại trong lịch sử. Truyền thuyết là những chuyện kể không hạn chế về thời gian. Chuyện của cả một vương triều có thể đều được ghi chép chung vào trong một tên gọi, một danh xưng của vị vua đã sáng lập ra triều đại đó. Cũng như tập tục thờ cúng của người Việt thường chỉ thờ vị tổ đầu tiên của dòng họ. Ví dụ cái tên Triệu Việt Vương có nghĩa là vị vua Triệu của nước Nam Việt, bao gồm cả 4 đời vua Triệu từ Văn Vương, Minh Vương, Ai Vương và Vệ Dương Vương. Hậu Lý Nam Đế không phải chỉ có 1 Lý Phật Tử mà là cả một triều đại của họ Lý tồn tại gần 600 năm sau Lý Nam Đế… Thời gian trong truyền thuyết do vậy được tính bằng triều đại, bằng nhân vật và sự kiện chứ không phải bằng năm bằng tháng như truyện lịch sử.
Truyền thuyết khác biệt không chỉ ở cách ghi chép theo thời gian. Không gian của truyền thuyết Việt cũng có những điểm cần nhận rõ khi giải mã truyền thuyết. Đầu tiên, ở thời kỳ trung đại phạm vi của truyền thuyết Việt không hạn chế chỉ ở khu vực nước Đại Việt của thời Lê thế kỷ 15-16 sau này. Ngay từ tên Lĩnh Nam chích quái, tập hợp những truyền thuyết của vùng Lĩnh Nam đã cho thấy phạm vi những truyền thuyết này rộng lớn thế nào. Lĩnh Nam hiểu rộng là toàn bộ khu vực phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương. Vì thế mà có truyện của Triệu Đà lập nước Nam Việt đô đóng ở Phiên Ngung (Quảng Đông). Hay Giao Châu thời Sĩ Nhiếp gồm cả 7 quận, tức là cả khu vực Lưỡng Quảng. 12 sứ quân trong sử Việt là những “đạo”, những “quân” theo cách phân chia “thập đạo” gồm các tiết độ sứ đứng đầu của nhà Đường trên toàn bộ lãnh thổ của mình…
Không gian của truyền thuyết được kể qua các địa danh. Cũng như tên các nhân vật, các địa danh hầu hết đều mang ý nghĩa cụ thể và để xác định vị trí của những địa danh này cần phải đặt chúng đúng trong bối cảnh lịch sử. Hơn nữa, do ngôn ngữ biến đổi theo thời gian, phương âm các vùng trên phạm vi Lĩnh Nam và Trung Hoa rất khác nhau nên cùng một địa danh có thể được chính sử và truyền thuyết chép lại thành những tên khác nhau mà dấu vết liên hệ ngôn ngữ còn nhận thấy được. Những ví dụ có thể kể như tên người Lý Bôn là tên “tiếng Nôm” của Lưu Bang, Cảo Nương là biến âm của Cù Thị, Phùng Hưng là Phong Hưng, là vị vua đã chấn hưng đất Phong Châu. Hay tên địa danh Long Biên là tên ngày nay của huyện Long Xuyên thời Triệu Đà, Giang Tây là Dương Tây, tức là vùng phía Tây của biển (đại dương),…
Đặc biệt, một trong những đặc điểm ngôn ngữ và văn tự ảnh hưởng đến việc hiểu truyền thuyết là phép phiên thiết hay phản thiết. Do tiếng Nôm hay tiếng Hoa nói chung là ngôn ngữ tượng hình nên để ghi âm một tiếng người ta phải dùng 2 chữ ký tự, một ký tự ký phụ âm, một ký tự ký vần. Ví dụ Thái Bình là chữ phản thiết của chữ Bái. Tên Phàn Sùng thực ra là người họ Phùng. Chùa Thiền Chúng chẳng qua là ngôi Chiền trong tiếng Nôm mà thôi… Những ví dụ như vậy trong truyền thuyết và lịch sử Việt có rất nhiều. Nếu không nhận ra đây là những từ ký âm mà đọc theo mặt chữ thì sẽ bị lạc hướng rất xa, dẫn tới những nhận định sai về ý nghĩa các thông tin lịch sử trong truyền thuyết.
Đối với phương Đông tìm hiểu lịch sử dân tộc vào thời cổ thì không thể không nói đến Dịch lý. Dịch lý phương Đông là nền tảng của văn minh xưa. Thuyết Âm dương Ngũ hành, Hà đồ Lạc thư là những phát minh to lớn của người Việt. Những thông tin lịch sử được mã hóa qua các dịch tượng mà lưu truyền nên Dịch là chìa khóa để mở những cánh cửa tìm về cội nguồn.
Truyền thuyết và lịch sử Việt có nhiều nhân danh, địa danh mang những dịch tượng trong tên gọi. Xích My không phải là đạo quân tô lông my cho đỏ làm “ám hiệu”, mà là cuộc khởi nghĩa của những người Trung Hoa ở hướng Nam (hướng Xích đạo) và hướng Đông (hướng ban mai – my, nơi mặt trời lên). Cái tên Tĩnh Hải thời Đường tương đương với một loạt các từ Giang Tây, Quế Dương, Quế Hải, Đinh Bộ, đều cùng chỉ vùng phía Tây của biển, vì Tĩnh hay Đinh là tính chất của phương Tây, Quế hay Quý là con số trong thập can chỉ hướng Tây. Vận dụng dịch lý cho phép khám phá mối liên hệ và hiểu đúng nghĩa những nhân danh, địa danh trong truyền thuyết.
Những tranh luận về nguồn gốc, về chủ quyền của Kinh Dịch, của chữ viết, của lịch sử Trung Hoa rồi cũng phải đi đến chân lý. Sự thật chỉ có một và sớm muộn gì cũng sẽ sáng tỏ. Con chữ “nòng nọc” thuộc về Trê hay về Cóc chỉ cần đợi thời gian sẽ tự “đứt đuôi” mà nhảy lên bờ cho bàn dân thiên hạ rõ mặt. Những câu truyện truyền thuyết, những bức tranh dân gian đều là những minh chứng cho lịch sử nước Việt. Chỉ cần có tâm, có trí thì có là lên tìm gặp ông Trời cũng chẳng phải chuyện khó khăn.

Bách Việt trùng cửu dẫn luận

Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử…, còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử. Trong khi các sử gia thận trọng biên chép các sự kiện lịch sử theo quan niệm chính thống mỗi thời đại thì còn một dòng sử khác tồn tại song song, với sức lan tỏa rộng hơn, sinh động hơn. Đó là dòng sử trong dân gian, được lưu truyền qua các câu chuyện kể, các di tích, các di vật, các sự tích của các danh nhân địa phương…

Truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là tổ của Bách Việt. Cha Lạc Long dẫn 50 người con xuống khai phá vùng biển Đông. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng, về đất Phong Châu, lập con cả làm vua, gọi là Hùng Vương. Người Việt ngày nay là con cháu của trăm người con trai đó, tức là một phần của cả dòng họ, đồng bào Bách Việt xưa, cùng chung một nguồn cội họ Hùng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ…”.

Cương vực 15 bộ mênh mông của nước Văn Lang thời Hùng Vương, với Tây giáp Tứ Xuyên (Ba Thục), Bắc tới Hồ Nam (hồ Động Đình?), làm các sử gia nghi ngờ rằng đó là lãnh thổ của cả dòng Bách Việt chứ không chỉ của “nước Việt” ngày nay. Lãnh thổ Bách Việt đã trải khắp vùng Hoa Nam, rộng lớn không thể ngờ.

Bach Viet 1

Phạm vi nước Văn Lang thời Hùng Vương theo truyền thuyết

Truyền thuyết từ thời cha sinh mẹ đẻ không sai. Chính sử Việt chép cũng không sai. Bởi vì đó là những thông tin, những ghi chép lịch sử của cả cộng đồng người Bách Việt còn lưu lại chứ không phải chỉ của nước Đại Việt vào thời Lê sau này. Nếu nhìn nhận các truyền thuyết lịch sử Việt tách rời khỏi không gian và thời gian mà nó hình thành sẽ dẫn đến những lệch lạc vô cùng lớn, làm cho những câu truyện truyền thuyết trở nên không thể hiểu nổi. Với “tầm nhìn thời đại” của các chuyên gia sử học ngày nay thì những chuyện “trâu ma rắn thần” của thời cổ sử bị biến thành không “chích quái” thì cũng là “u linh”, mờ ảo. Thế nhưng, quá khứ xa xôi của người Việt lại nằm chính ở những dòng huyền sử lắng đọng đó. Chối bỏ huyền sử tức là quay mặt lại với quá khứ, với tổ tiên nòi giống.

Người Việt là một phần của đại tộc Bách Việt là điều thật rõ, rõ ngay từ cái tên gọi. Vì thế lịch sử Bách Việt cũng là lịch sử của người Việt. Sách Hán thư viết: “Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.” Bách Việt là một cộng đồng các dân tộc cùng nguồn gốc sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương từ thời trước Công nguyên. Về nhân chủng học thì Bách Việt là những cư dân thuộc loại hình Nam Mongoloid (Nam Á), trong đó bao gồm những nhóm dân tộc Tày Thái, Việt Mường, Môn – Khmer và cả Miêu Dao, phân bố ở Hoa Nam và Đông Nam Á ngày nay.

Trung Quốc thời nay là một tập hợp các vùng lãnh thổ nơi mà trong quá khứ đã được sinh sống bởi những tộc người khác nhau. Con sông Dương Tử chia đại lục Trung Quốc thành 2 phần gần bằng nhau. Một nửa lãnh thổ Trung Quốc là đất người Bách Việt vào thời trước Công nguyên nên lịch sử Trung Hoa không thể không có những khoảng thời gian là lịch sử Bách Việt. Hơn thế nữa, một nửa phương Nam mới là nơi đã làm nên nền văn hóa Trung Hoa cổ đại rực rỡ. Những công trình xác nhận vai trò của văn hóa Bách Việt đối với nền văn minh Trung Hoa cổ xuất hiện ngày càng nhiều. Bắt đầu từ những bước lội ngược dòng của giáo sư Kim Định vào những năm 1970 chỉ ra những đóng góp to lớn của văn hóa Việt trong văn hóa Trung Hoa cổ. Hay gần đây hơn như công bố của giáo sư người Nga Dega Deopik, Viện các nước Á – Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva, cho rằng chủ nhân của nền văn minh Trung Hoa là người Môn – Khmer, tức là người Bách Việt. Cho tới nay, chính nghiên cứu của những nhà khoa học Trung Quốc tại vùng Lĩnh Nam cũng đang khẳng định điều này.

Xem lại lịch sử Trung Hoa thời trung đại. Thế kỷ thứ 13 khi vó ngựa Mông Cổ tung hoành khắp đại lục Trung Hoa, nước Đại Lý, rồi Nam Tống của người Hoa lần lượt bị quân Nguyên thôn tính. Chỉ có nhà Trần trên đất Đại Việt – Giao Chỉ là kiên cường chống quân xâm lược. 3 lần đại thắng quân Nguyên của vua tôi nhà Trần không chỉ là chiến thắng của người Việt trước quân giặc phương Bắc mà còn là chiến thắng của cộng đồng Bách Việt trước sự bành trướng của ngoại tộc Thát Mông. Nhà Trần vốn xuất xứ từ vùng đất Mân Việt ở Phúc Kiến – Chiết Giang, là đất Trung Hoa, cũng là đất Bách Việt xưa. Xét vậy thì giữa nhà Trần và nhà Nguyên rõ ràng nhà Trần mới là Trung Hoa đích thực. Nhà Nguyên là triều đại của người Mông Cổ, không liên quan gì tới Trung Hoa cổ đại. Các vua Trần rồi vua Lê sau đó trong không ít thư tịch, văn bia để lại đã gọi quốc gia của mình là cõi Trung Hạ, Trung Quốc, thậm chí Hoa Hạ (xin xem các trích dẫn trong phần Quan niệm Hoa Di trong sách Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức).

Gần hơn nữa, có Nguyễn Huệ, tên thật là Hồ Thơm, người họ Hồ từ tổ tiên dòng Đế Thuấn nước Ngu của Trung Hoa cổ đại. Trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa Càn Long nhà Thanh và vua Quang Trung ở thành Thăng Long thì rõ ràng triều đại của Quang Trung mới là người Trung Hoa chính gốc. Nhà Thanh là người Mãn Kim, không hề có dây mơ rễ má gì với Trung Hoa cả.

Sang đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng lên ngôi, đoàng hoàng, công khai cho đúc Cửu đỉnh, là 9 chiếc đỉnh lớn tượng trưng cho vương quyền của Trung Hoa, đặt ở kinh thành Huế. Chiếu chỉ đúc đỉnh ghi rõ: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu…”.

Những chiếc đỉnh được đúc theo gương “các minh vương thời Tam đại” (Hạ, Thương, Chu) này là minh chứng rõ ràng, triều Nguyễn mới là “thiên tử” chính truyền của Trung Hoa thời kỳ này.

Truyền thuyết lịch sử Việt được chép trong Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái là những thu nhặt chuyện kể trong dân gian từ thời Trần. Những câu đối, hoành phi trong các đền miếu ngày nay còn giữ lại được phần lớn là từ thời Nguyễn. Có vẻ niên đại của những minh văn này không đủ xa, đủ lâu so với những thư tịch chính sử… được mang từ bên Tàu về. Nhưng giá trị của những tư liệu dân gian này là ở chỗ nó không bị chỉnh lý bởi quan niệm sử chính thống hay bị bóp nặn theo ý đồ của ai đó. Những thần phả, thần tích địa phương ở nước ta được chép với quan điểm Trung Hoa – Bách Việt rõ ràng, bởi vì vào thời kỳ đó chỉ có Việt mới là Hoa thực thụ.

“Trung Hoa” trong quá khứ là từ chung chỉ “thiên hạ” của các tộc người vùng Đông và Đông Nam Á. Trung Hoa xưa và Trung Quốc nay không phải là một. Trong số các dân tộc của Trung Quốc ngày nay thậm chí còn không có dân tộc “Hoa”, chỉ có Hán tộc mà thôi. Hoa không hề là Hán như vẫn người Tàu vẫn chú thích một cách vô căn cứ vì người Hoa là người Bách Việt, còn Hán là người Bắc Mongonloid, cùng dòng giống với người Liêu, người Kim, người Thát (Mông Cổ).

Nhận định lịch sử Trung Hoa cổ đại là lịch sử Bách Việt mà người Việt ở nước Nam ngày nay là một bộ phận độc lập còn tồn tại cho phép giải mã được phần lớn các truyền thuyết lịch sử Việt. Đây không phải là “lấy sử Tàu làm  ta”, bởi vì “sử Tàu” hay “sử ta” ngày nay chỉ là những cách chép sử với góc nhìn mang hạn chế của vùng lãnh thổ hiện tại vào thời điểm hiện tại. Nước Nam của thời đầu Công nguyên có lãnh thổ hoàn toàn không giống với nước Đại Việt thời Lê hay với nước Việt Nam thế kỷ 21 này. Những sự kiện, những nhân vật lịch sử nước Nam thời cổ và trung đại có tầm vóc, phạm vi vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh thổ quốc gia ngày nay bởi đó là lịch sử ghi chép theo quan điểm dân tộc Bách Việt trên địa bàn của Trung Hoa rộng lớn.

Lĩnh Nam chích quái là truyền thuyết của vùng Lĩnh Nam, tức là của cả vùng đất Bách Việt. Giải mã, đối chiếu truyền thuyết và lịch sử của nước Nam không thể chỉ hạn chế ở ranh giới Việt – Trung mới được định lại vào sau thời “Trung Hoa dân Quốc” của Tôn Trung Sơn (năm 1911). Từ đầu Công nguyên cột đồng phân giới giữa Trưng Vương và Mã Viện hoàn toàn có thể nằm ở tận Bắc Quảng Tây. Bảy quận nước Nam của Giao Châu thời Sĩ Nhiếp chẳng chừa vùng Lưỡng Quảng. Lưu Cung lập nước Đại Việt năm 917 không phải là trên vùng đất Nam Việt nhà Triệu xưa? Đó đều là lịch sử Việt cả.

Thiên Nam ngữ lục, trường ca thơ sử bằng chữ Nôm cuối thế kỷ 17 là một kho tàng sử liệu cực kỳ quý giá đối với nghiên cứu lịch sử Việt. Tác phẩm có niên đại cùng thời Ngô Sĩ Liên chỉnh lý Đại Việt sử ký toàn thư. Bộ ngữ lục này được sáng tác bằng thơ, bằng chữ Nôm, nhưng không có nghĩa là “tùy tác”. Đây là một tác phẩm được soạn để dâng lên chúa Trịnh, là một cuốn chính sử hoàn toàn nghiêm túc như trong câu mở đầu tác phẩm đã nói:

Trải xem sự kỷ nước Nam
Kính vâng tay mới chép làm nôm na.

Truyền thuyết, thơ sử lưu truyền ngày nay bị cho là có tính “thảng thốt” về lịch sử, bởi vì những gì được chép lại không giống với dòng sử bác học đang lưu hành. Không giống không có nghĩa là không đáng tin, đáng nghĩ. Những chỗ mà dòng sử dân gian vênh lệch so với sử hàn lâm chính là những chỗ lịch sử nước Nam cần phải xem xét lại, phải diễn giải lại cho đúng với không gian thời gian của lịch sử.

Bên cạnh phạm vi lãnh thổ và thời gian, để hiểu đúng truyền thuyết còn cần lùi cách nhìn nhận lại vào đúng không gian ngôn ngữ văn hóa của thời kỳ mà truyền thuyết được hình thành. Ví dụ từ “cửu trùng” hiểu như ngày nay là “9 tầng” thì sẽ dẫn đến những điều vô lý, chẳng đâu vào đâu. Xưa lên ngôi vua gọi là lên “ngôi cửu trùng”. Đền Thượng thờ vua Hùng ở Phú Thọ gọi là Cửu trùng thiên điện, không phải nghĩa là điện thờ ở 9 tầng trời mà là điện thờ Vua, thờ ông Trời. Thành Cổ Loa không phải có 9 vòng thành, mà là tòa thành từng được gọi là “Cửu trùng thành”, nghĩa là thành nơi có Vua. Cửu trùng hay trùng cửu – trường cửu là từ mượn âm, dùng để xưng tụng, tung hô với nghĩa như từ “vạn tuế”. Đời vua Hùng Vương 18 không phải là đời vua Hùng cuối cùng, mà ngược lại, 18 là trùng cửu (9×2), là con số chỉ sự trường tồn của thời đại Hùng Vương.

Những cái bẫy của ngôn ngữ do sự khác biệt xưa – nay đã làm lạc hướng các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt, dẫn đến “sai một ly đi một dặm”. Do chữ Nho là thứ văn tự bản chất tượng hình nên để ký âm, nhất là âm của ngôn ngữ khác, các nho sĩ xưa phải dùng phép phiên thiết. Phiên thiết một âm là dùng 2 “ký tự” (2 chữ), một tự ký phụ âm, một tự ký vần, ghép lại để ghi âm. Một âm Nôm khi chép vào sử sách do vậy biến thành 2 chữ Nho, lâu ngày người ta quên đi rằng đây là các “ký tự” để ghi âm chứ không phải ghi nghĩa. Mê Linh là 2 ký tự ghi âm Minh – Minh đô của vua Hùng, chẳng phải loài chim M’linh, M’lang nào cả. Tên làng Vân Già thiết , chứ không phải đám mây có tuổi mà “già”…

Truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng nếu truyền thuyết được quy chiếu vào đúng hệ tọa độ không gian – thời gian – ngôn ngữ  – văn hóa sẽ trở thành lịch sử thật sự. Một trong những tọa độ căn bản của văn hóa phương Đông xưa là Dịch học, là Hà thư Lạc đồ, là Âm Dương Ngũ Hành. Hà là trời, Lạc là đất. Hà thư là những cặp số sắp xếp theo phương vị để chỉ 4 phương trời và một phương trung tâm. Do đó Ngũ Lĩnh là 1 ngọn núi tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở trung tâm. Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, không phải là nơi có 5 ngọn núi ở bên Tàu. Bát Hải không phải là có 8 cửa biển mà là biển nằm ở phương Tám, tức là phương Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ trong đạo Mẫu do vậy không hề xuất xứ từ đầm nước ở Hồ Nam mà là vị vua của biển Đông, là cha Lạc Long đã dẫn 50 người con xuống biển.

Khi các con số chỉ phương hướng của Hà thư lại phối chồng lên với các tính chất của Ngũ hành hay các quẻ của Bát quái thì sự thể còn đi xa hơn nữa. Từ Lạc – Nác – Nước, cũng là Lục, là số 6, con số chỉ phương Bắc ngày nay. Hùng Vương thứ sáu là Lạc Vương, nghĩa là vua vùng đất phía Bắc, đồng nghĩa với Kinh Dương Vương (Canh Giêng Vương). Tên nước Xích Quỷ hay Xích Quẻ là quẻ chỉ hướng Nam, hướng Xích đạo. Hiểu nước Xích Quỷ của Lạc Long Quân thành “quỷ mặc áo đỏ” thì chẳng ra ngọn ngành gì cả…

Những ví dụ về ngôn ngữ như vậy trong cổ sử Hoa Việt vô cùng nhiều. Không vận dụng Dịch lý thì không thể hiểu được những nhân danh, địa danh trong quá khứ, tức là không thể hiểu được những “mật mã” mà tiền nhân người Việt đã nhắn gửi trong những câu truyền thuyết.

Ngôn ngữ, văn hóa không chỉ đọng lại trong thư tịch, trong truyền thuyết, trong hoành phi câu đối điện thờ. Những hiện vật khảo cổ của từng thời kỳ lịch sử, có minh văn hay không có minh văn, đều tự kể chuyện mình, kể những câu chuyện hoàn toàn không như cách “giải đoán” của các sử gia ngày nay. Tấm bia Xá lợi tháp minh phát hiện ở Bắc Ninh ghi rõ năm 601 Giao Châu là đất “thuộc bản đồ đế quốc Tùy”, do thứ sử Lưu Phương cai quản. Tức là Lý Phật Tử – Triệu Việt Vương không hề đóng đô ở Long Biên vào những năm này. Đồng tiền cổ với chữ Đinh ở mặt sau thời Ngũ đại thập quốc lại có tên được đúc trăm đồng như một là “Đại Hưng bình bảo”, xứng tên nước Đại Hưng rõ ràng. Chuông cổ Thanh Mai ở Hà Nội đúc năm Càn Hòa thứ 6 cho biết năm 948 Giao Châu đang là một huyện dưới thời vua Lưu Thịnh ở Quảng Đông. Trận đại thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng do đó không thể xảy ra vào năm 938 được…

Ngày càng có nhiều những phương pháp, những dẫn chứng thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau soi thấy chính sử nước Nam đã được chép… đúng mà không đúng. Lịch sử bị biến thành huyền thoại vì đã không được đặt đúng, hiểu đúng trong tọa độ vốn dĩ của các sự kiện từng xảy ra. Giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt không phủ nhận, mà trái lại, giúp làm rõ thêm lịch sử. Lịch sử nước Nam là lịch sử của cả đại tộc Bách Việt trên phạm vi thiên hạ Trung Hoa rộng lớn thời cổ trung đại. Lịch sử Hoa Việt thật sự càng lộ rõ thì tộc danh Bách Việt càng rực rỡ, rực rỡ như đã từng tỏa chiếu trong quá khứ.

trongd10Hình ảnh trên mặt trống đồng Ngọc Lũ

Những thông điệp từ quá khứ được nhắn gửi rõ ràng ngay trên mặt trống đồng, linh khí của người Việt cổ. Ở chính giữa mặt trống đồng là hình ảnh của mặt trời, nguồn sống muôn loài. Ngọn lửa ánh sáng ở trung tâm tức là Trung Hỏa – Trung Hạ hay Trung Hoa. Trung Hoa là cõi thiên hạ của người Bách Việt. Vòng ngoài cùng của mặt trống đồng Ngọc Lũ khắc 18 cặp chim, 1 non và 1 trưởng thành đang tung bay. 18 là trùng cửu, là trường cửu. Ý nghĩa của vòng ngoài mặt trống đồng là đời sau con cháu nối tiếp ông cha đời trước mà trường tồn. Thông điệp của trống đồng gửi từ ngàn xưa về là Bách Việt trùng cửu, một sự khẳng định: Bách Việt trường tồn với thời gian.

Viết tại Kota Kinabalu, Malaysia

“Thi sử kinh nhân” Hồ Tông Thốc

Hồ Tông Thốc, dòng dõi họ Hồ ở Châu Diễn, đỗ trạng nguyên cuối thời nhà Trần, là một nhà thơ có tiếng của thời đó. Về khả năng làm thơ và … uống rượu của ông đã được người cháu họ là Hồ Nguyên Trừng mô tả trong tác phẩm Nam Ông mộng lục, bài Thi tửu kinh nhân (Thơ và rượu kinh người):
Người Diễn Châu Hồ Tông Thốc, thi đỗ từ trẻ, rất có tài danh. Ban đầu chưa nổi tiếng lắm, nhân đến Nguyên tiêu, có đạo nhân Pháp quan họ Lê giăng đèn mở tiệc, rước khách văn chương. Tông Thốc nhận giấy mời đề thơ. Trong một đêm, trên tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu, ai nấy xúm nhìn thán phục, không ai địch nổi. Từ đó danh động kinh đô, sau dùng văn tài làm thầy người. Làm quan thờ Trần Nghệ Vương, quan đế Hàn lâm học sĩ, Thừa chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ, thơ rượu không ngày nào vắng. Tuổi ngoài tám mươi, mất tại nhà.
Làm trăm bài thơ một lúc đã là tài, còn uống đến trăm chén rượu một lúc thì quả là “kinh người”. Thơ rượu không ngày nào vắng mà thọ tới 80 tuổi!
Nhưng Hồ Tông Thốc không chỉ làm “kinh người” bởi thơ và rượu…
Trong dòng họ Hồ, Hồ Tông Thốc và Hồ Quý Ly đều cùng là cháu đời thứ 15 kể từ nguyên tổ Hồ Hưng Dật ở Quỳnh Đôi – Châu Diễn. Hồ Tông Thốc làm quan nhà Trần, từng được cử đi sang sứ triều Minh. Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ còn ghi lại một bài thơ của ông trên đường đi sứ, đề ở đền Hạng Vũ như sau:
Bách nhị sơn hà khởi chiến phong
Huề tương tử đệ nhập Quan Trung,
Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lãnh
Tuyết tán Hồng môn ngọc đấu không
Nhất bại hữu thiên vong Trạch tả
Trùng lai vô địa đáo Giang Đông
Kinh doanh ngũ tải thành hà sự
Tiêu đắc khu khu táng Lỗ Công.

Trong câu đầu tiên của bài thơ cụm từ “sơn hà” thì rõ là chỉ nước non, quốc gia. Hai chữ đầu vậy chắc chắn là tên một nước. Các chữ “Bách nhị” này được các sách hiện nay giải thích: nhà Tần đóng đô ở Quan Trung là nơi hiểm yếu, hai người có thể chống chọi trăm người nên mới có tên Bách nhị sơn hà.
Giải thích vậy xem ra không ổn, vì:
– Tại sao không phải 1 người chọi một trăm mà lại là 2 người? Một chọi trăm mới đúng là thành ngữ. Hơn nữa, làm gì có ai lấy chuyện bâng quơ như vậy để gọi tên quốc gia, “sơn hà” bao giờ.
– Nhà Tần khi Hạng Vũ khởi nghĩa đã đóng đô ở khoảng giữa hai nhà Đông Chu và Tây Chu, là chốn phồn hoa đô hội lâu đời, có đường thông ra tận cửa biển. Tần Thủy Hoàng xưng đại đế, có sợ ai đâu mà phải đóng ở chốn hiểm yếu, để đến nỗi tên nước gọi thành “Bách nhị”.
– Hạng Vũ người nước Sở, theo Sở Nghĩa Đế nổi dậy chống Tần, đâu phải là người Tần mà nói khởi nghĩa ở Quan Trung?
Thực ra trong chữ Nho, chữ Nhị 貳 phồn thể rất gần với chữ Việt 越, nhất là khi viết trong cổ văn. Đọc là “Bách Việt sơn hà”… cụm từ này rất thông dùng để chỉ non sông Bách Việt. Hạng Vũ khởi nghĩa ở Bách Việt, thật quá chính xác. Nước Sở chẳng phải thuộc Bách Việt thì là gì? Nhà Tần cũng là Bách Việt mà thôi.
Nguyên ý bài thơ của Hồ Tông Thốc xác định cuộc khởi nghĩa của Hạng Vũ chống Tấn là lịch sử Bách Việt, đã bị người đời sau “mắt mờ đọc quẹo”, Việt 越 thành nhị貳, thành ra nghĩa không thể hiểu nổi…
Hai chữ cuối của bài thơ là “Lỗ Công”, được giải thích khi Hạng Vũ chết đã được Lưu Bang dùng lễ mai táng như Lỗ Công. Lỗ Công là ai? Mai táng như Lỗ Công là trọng hay khinh?
Lỗ Công tức là Chu Công Đán, vương nước Lỗ. Chu Công là người đã phò tá Chu Thành Vương dẹp loạn, ổn định triều chính, gây tạo cơ nghiệp nhà Chu gần nghìn năm. Lễ nghi Trung Hoa đều bắt đầu từ Chu Công cả. Lưu Bang dùng lễ táng của Chu Công đối với Hạng Vũ thì có thể nói là thể hiện sự coi trọng hết mức.
Với những chú giải trên xin ghi dịch lại bài thơ Đề ở đền Hạng Vương của Hồ Tông Thốc như sau:
Bách Việt non sông nổi bụi hồng
Đem đoàn đệ tử đến Quan Trung
Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh
Tuyết rã Hồng Môn đấu ngọc không
Thua chạy giời xui đường Trạch Tả
Quay về đất lấp nẻo Giang Ðông
Năm năm lăn lộn hoài công cốc
Còn được vùi trong mả Lỗ Công.

Hồ Tông Thốc không chỉ là nhà thơ mà còn là một sử gia tài năng. Ông là người đã viết những cuốn sử đầu tiên của nước ta là Việt sử cương mục Việt Nam thế chí. Hai từ “Việt Nam” được dùng lần đầu tiên chính là trong tác phẩm của Hồ Tông Thốc từ thời Trần. Có thể thấy Hồ Tông Thốc không hề mơ hồ khi đưa những dẫn liệu lịch sử vào thơ văn. Thơ và rượu chỉ là nguồn cảm hứng chứ không làm cong đi tính sử của các dữ liệu mà ông để lại.
Theo gia phả họ Hồ Tam Công ở Nghệ An thì tên hiệu của Hồ Tông Thốc là Động Đình Ông. Tại sao Hồ Tông Thốc lại lấy Động Đình làm bút danh? Hồ Động Đình nếu ở Hồ Nam – Trung Quốc thì quá vô lý. Hồ Nguyên Trừng khi bị bắt nhà Minh bắt sang Bắc Kinh, viết sách lấy hiệu là Nam Ông, tưởng nhớ về phương Nam. Còn Hồ Tông Thốc … chẳng nhẽ là tưởng nhớ đến đất Hồ Nam?!
Thơ của Hồ Tông Thốc còn lưu lại được bài Du Động Đình họa Nhị Khê nguyên vận (Chơi Động Đình hoa vần thơ của Nhị Khê). Một số sách chép bài thơ, không hiểu Hồ Tông Thốc đi … du lịch ở tận Động Đình Hồ Nam lúc nào, nên sửa thành Du Đông Đình họa Nhị Khê…?!
Nguyên văn phiên âm bài thơ chữ Hán:
Tài thức như quân thượng thiếu niên
Văn chương ta ngã lão vô duyên
Dĩ tương đắc táng di hình ngoại
Bất phục công danh đáo chẩm biên
Biến báo chỉ kham nhàn ẩn khách
Tiễn ngư hà tất khổ lâm xuyên
Hạnh năng nhật nguyệt tần lai phỏng
Hưu quái Động Đình tự khánh huyền.

Câu kết thường được dịch theo nghĩa: Chớ ngại Đông Đình: khánh ngoắc lên!
Dịch thế này thì chẳng hiểu gì cả! Tại sao lại ngại đình Đông? Tại sao treo khánh lên làm gì?
Bài thơ trên làm vào quãng thời gian cuối đời của Hồ Tông Thốc. Khi Hồ Quý Ly soán đoạt ngôi của nhà Trần, chí hướng Hồ Tông Thốc và Hồ Quý Ly khác nhau nên Hồ Tông Thốc đã từ quan về đất Nghệ An ở ẩn. Bài thơ này do vậy miêu tả một người “tài thức” còn đang sung sức như “thiếu niên”, nhưng đã gạt “công danh” sang một bên mà “nhàn ẩn”.
Câu kết bài thơ như vậy phải hiểu là: Về hưu ở Động Đình như chiếc khánh màu huyền, ý nói đi ẩn, giữ mình thanh sạch như chiếc khánh đen tuyền, không gợn vết.
Hồ Tông Thốc về hưu ở Động Đình… Động Đình đây là biển Đông, chứ chẳng phải đầm, hồ nào ở Hồ Nam cả. Nơi ông cáo lão về quê là Nghĩa Đàn – Nghệ An. Từ đó mà đi ra biển Đông thì chẳng mấy bước, Hồ Tông Thốc “Du Động Đình…” thật chẳng khó khăn gì.
Hồ Tông Thốc sinh ra ở ven biển duyên hải Châu Diễn. Diễn nghĩa là vươn dài ra biển (“Dài … biển” thiết Diễn). Ông lớn lên và đi học ở Hồng Châu – Hưng Yên. Khi cáo lão lại về Nghệ An ẩn cư. Cả cuộc đời ông gắn với miền biển. Hơn nữa, là người chép huyền sử Việt, ông rất hiểu truyền thuyết họ Hồng Bàng mà trong đó Động Đình là quê mẹ của Lạc Long Quân, là cội nguồn của Bách Việt, nên đã lấy tên hiệu Động Đình Ông vậy.
Bài minh trên văn bia chùa Báo Ân, núi Non Nước (Ninh Bình), là một trong số ít những bài minh do Hồ Tông Thốc thảo còn lưu lại được, có đoạn:
Ôi! Phật pháp từ khi nhập vào Trung Quốc đến nay, khắp núi sông trong thiên hạ, những vùng đất danh thắng như nơi đây đều quy về nhà Phật. Nhưng Phật đặt ra Phật pháp để độ người, đó là cái tâm của Phật, còn người xây dựng chùa để thờ Phật thì đó lại không phải là ý muốn của Phật vậy…
Hoàng Việt niên hiệu Xương Phù năm thứ 7 (1383) ngày mùng 7 tháng Chạp năm Quý Hợi.

Tại sao văn bia ở Ninh Bình, nói về chùa về phật ở Ninh Bình lại nói Phật vào “Trung Quốc” là thế nào? Thời Trần đã làm gì có “Trung Hoa nhân dân quốc” mà gọi là Trung Quốc? Ở trên ghi là “Trung Quốc”, còn dưới thì ký “Hoàng Việt”…
Nhà sử học Hồ Tông Thốc đã ghi rõ: Trung Quốc là từ mà nhà Trần gọi quốc gia Hoàng Việt của mình. Trung Quốc là nước giữa thiên hạ, tức là… thiên tử. “Việt Nam” thời Trần (đúng nghĩa trong Việt Nam thế chí) chính là Trung Quốc!
Thời Trần, một bên là các vua họ Trần, gốc Mân Việt, một bên là nhà Nguyên, gốc … Mông Cổ, thì hiển nhiên nhà Trần mới chính là Trung Hoa chân truyền từ thời Tam đại. Nhà Trần gọi mình là Trung Quốc hoàn toàn đúng.
Cái làm “kinh người” của sử gia Hồ Tông Thốc còn là ở chỗ, chính ông là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử. Nếu Lê Văn Hưu viết sử chỉ từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thì Hồ Tông Thốc đã rất mạnh dạn và sáng suốt chép toàn bộ thời Hồng Bàng vào sử. Sử quan vừa thoáng lại vừa sâu, cách viết sử có phương pháp rành mạch của ông đã được Ngô Sĩ Liên nhận xét và đánh giá cao, xếp ông còn vượt hơn Lê Văn Hưu và Phan Phụ Tiên. Ngô Sĩ Liên tiếp tục sự nghiệp Hồ Tông Thốc, đưa thời đại Hùng Vương vào trong Đại Việt sử ký toàn thư. 18 triều Hùng nước Việt nhờ vậy được lưu truyền trong con rồng cháu tiên mãi tới ngày nay.
Các tác phẩm Việt sử cương mụcViệt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc hẳn còn chứa đựng nhiều thông tin xác thực và giá trị nên mới bị … “thất lạc” (?) dưới thời giặc Minh xâm lược. Ý đồ tiêu hủy sử sách Việt Nam của nhà Minh rất rõ ràng, sách gì cũng đốt, bia gì cũng đập, tứ đại khí An Nam đem nấu chảy làm vũ khí cả…
Cũng may Bài tựa sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc còn lưu lại được đầy đủ. Trong đó đã nói rõ quan điểm sử học của Hồ Tông Thốc khi đưa những huyền thoại, truyền thuyết vào chính sử:
Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: … Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.

Những truyền thuyết trâu thần rắn quái lưu truyền trong sử từ Hồ Tông Thốc ấy nay đã … chờ được “các bậc quân tử sau này”. “Ngọc đá” tới nay đã phân minh. Từ “tiếng vang và hình bóng của lịch sử” đã phục dựng được gần như nguyên vẹn bức tranh cổ sử. Từng trang huyền sử Việt đang ngày càng hiện tỏ. Thi sử gia Hồ Tông Thốc chắc cũng được ngậm cười nơi chín suối; hay đang phù hộ cho cháu con trên con đường hoàn thành tâm nguyện của cha ông …
Câu đối ở nhà thờ Hồ Tông Thốc tại Nghệ An:
國慶家慶長先德榮封自今始
臣心子心一吾生報稱相謂何
Quốc khánh gia khánh trường, tiên đức vinh phong tự kim thủy
Thần tâm tử tâm nhất, ngô sinh báo xứng tương vị hà.
Dịch:
Bền lâu thế nước vận nhà, đức tổ tới nay vinh vẫn lớn
Như một lòng thần dạ tử, đời ta đã xứng báo đền chưa.