Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?

Bài diễn văn của một nữ sinh 17 tuổi “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”, có lẽ sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “giấc mơ Trung Hoa”.

Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?
Dưới đây là toàn bộ bài nội dung bài diễn văn:
Kính thưa các thầy cô,bạn bè thân mến: Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai ?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.
Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?
Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?
Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu.
Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.
Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.
Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.
Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi  sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có  bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.
Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.
Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.
Theo NTDTV
http://tinhhoa.net/tu-su-viec-doan-thi-huong-ngam-ve-nhung-nguoi-khong-co-tu-su.html

Cá vượt Vũ môn hóa Rồng

Thac BoTừ Mai Châu nhìn xuống lòng hồ sông Đà.

Thác Bờ ở Hòa Bình xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm thét ồn ào, sinh ra một kỳ khu hiểm lộ.
Sách Đại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long thuỷ, hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua đê Long thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5,6 trượng, người ta gọi là “ao vua”, tức là bến sông Vạn Bờ xưa thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc”…lại có tên núi nữa là núi Ngải.
Sách Đại Thanh nhất thống chí chép: “núi ở huyện Gia Hưng; trông ra sông cái…tương truyền trên núi có cây ngải tiên, mùa xuân nở hoa, sau khi mưa, hoa rụng xuống nước, con cá nào nuốt phải hoa ấy thì vượt được Long – môn mà hoá thành rồng. Nay núi Long môn châu Đà Bắc, trước mặt trông ra sông Đà, gần đê Long thuỷ, có lẽ là đấy”.
Như vậy, Thác Bờ trên dòng sông Đà còn có tên là Long Môn, là nơi có truyền thuyết “Cá vượt Vũ môn hóa rồng”. Vũ môn không phải là “cửa mưa” mà là cửa của vua Vũ (= Vua = Long). Long Môn hay Vũ Môn chính là nơi vua Đại Vũ nhà Hạ trị thủy, khơi thông dòng Hắc Thủy (tên khác của sông Đà) thời lập quốc người Việt. Truyền thuyết Việt kể là Tản Viên Sơn Thánh ở núi Ba Vì.
Long Môn là nơi dòng sông Đà đổi dòng, chảy ngược lên phía Bắc để tránh dãy Ba Vì rồi đổ vào sông Thao và sông Lô tại ngã ba Bạch Hạc Việt Trì.

Lang XuongĐền Lăng Xương ở xã Thanh Thủy, Phú Thọ bên bờ sông Đà, nơi sinh của thánh Tản.

Văn Nhân góp ý:
Đầu tiên ghi nhận chuyện “cá vượt Vũ môn hóa rồng” là truyện cổ tích Việt Nam. Chuyện kể:
Vào một năm, trời hạn hán, vì số Rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hoà cho khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén các vật lên làm Rồng, gọi là “Thi Rồng”. Khi chiếu Trời ban xuống, vua Thuỷ Tề loan báo cho tất cả các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kỳ. Mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng. Trong một tháng trời, đại diện của bao nhiêu loài thuỷ tộc đến thi đều bị loại cả vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau có cá Rô nhảy qua được một đợt nhưng cũng bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi, đã gần hoá Rồng, nhưng đến lượt thứ ba đuối sức ngã bổ xuống mà lưng đã còng lại. Đến lượt con cá Chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Cá Chép ta vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, và lọt vào cửa Vũ môn. Cá Chép đỗ. Vẩy, đuôi, râu, sừng mọc đủ, vóc dáng thật oai linh, thật đúng là thần Rồng. Cá chép hoá Rồng phun nước làm gió táp, mưa sa, muôn loài sung sướng. Sự sống đã hồi sinh
Nhưng người Tàu cũng có Vũ môn…
Theo Bửu Kế, tác giả của Tầm nguyên tự điển, Vũ môn là tên một con sông hiểm trở mà vua Vũ (Trung Quốc) đã đào trong việc trị thủy. Đó “là con sông có một khúc hiểm trở, nước không thông lên trên được, nên hễ con cá nào nhảy lên được thì hóa rồng”.
Theo truyền thuyết Trung quốc, từ thời thượng cổ, vua Vũ nhà Hạ trị thủy bằng cách cho đục phá một mỏm đá có hình dạng như cái cửa ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành, tỉnh Thiềm Tây) nên gọi cửa Vũ, hay Vũ môn. Theo đó, Vũ môn có sóng dữ, hằng năm vào tiết tháng ba, cá chép tập trung đến đây, con nào vượt qua được Vũ môn thì hóa rồng.
Còn Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển thì cho rằng Vũ môn “là tên một khúc núi ở thượng du sông Trường Giang nước Tàu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, chân núi có vực rất sâu, tương truyền đến mùa thu nước lụt lớn thì cá đua nhau tới đó nhảy thi, con nào vượt qua vũ môn thì hóa rồng”.

long-mc3b4n_html_b0b5ea2bfee40700-1Lãnh thổ nhà Hạ theo định vị của Trung Quốc.

Chỉ tiếc theo sơ đồ do chính các con nhà Giời vẽ thì đất đai nhà Hạ của Đại Vũ lại ở Sơn Tây – Hà Bắc ngày nay. Như thế vua Vũ có lẽ… mộng du đến thượng lưu Hoàng hà hay xuống tuốt Trường giang để đục núi trị thủy…
Đối chiếu với thực tại… Kinh Thư chép: Ông Vũ cho đục bạt cả một nửa Long Môn sơn để khai thông dòng chảy… hoàn toàn đúng với cảnh quan ghi nhận trong bài viết trên và cũng hoàn toàn khớp đúng một cách lạ kì với ghi chép của Đại Nam nhất thống chí… “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội”…
Vậy Vũ môn hay Long môn cũng là Vũ Long môn ở đâu? Bên ta hay bên Tàu?
Vũ môn nơi vua Đại Vũ khai sơn phá thạch trị thủy lập nên 9 châu Trung Hoa có thể nào lại là thác Bờ trên dòng sông Đà?
Tích cá vượt Vũ môn được ghi nhận nhiều trong dân gian Việt Nam:
Ca dao có câu:
Mồng bốn cá đi ăn thề
Mùng tám cá về cá vượt Vũ môn.
hay:
Một ngày ở với người khôn
Cũng như cá vượt Vũ môn hóa rồng.
Còn theo các tư liệu:
Sách Giao Châu ký nói: “Có Long Môn (Cửa Rồng) nước sâu trăm tầm (phép đo đời nhà Chu 5 thước là một tầm), cá lớn vượt lên được đó thì thành rồng”.
Sách Sơn Đường dị khảo nói: “Sông Long Môn ở huyện Gia Hưng, nước An Nam, nước sông đến đó, hai bờ cao ngất, đá lớn chấn ngang dòng sông, giữa mở 3 lối, nước tóe xuống như bay, cao mấy trượng, tiếng nước dội xuống, tiếng đá đập nhau kêu ầm ầm như trống thúc sấm vang, ngoài trăm dặm còn nghe tiếng. Thuyền đến đó, phải khiêng lên bờ mới đi được. Bên cạnh có hang và nhiều cá Anh Vũ. Chỗ sông sách kể đây tức là chỗ Thác Pha này đó”.
Theo Quế Đường của Lê Quý Đôn: “… Núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngôi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.”
Hiện nay địa danh Long Môn được ghi nhận đích xác trên bản đồ địa lý Việt, không tơ lơ mơ như mấy ông Tàu. Những gì dân gian đã ghi nhận thì khó có thể sai vì dân gian không có lý do để phải xiên xẹo…
Quan điểm của Sử thuyết Hùng Việt: Vua Đại Vũ khai sơn phá thạch trị thủy ở vùng núi Tản sông Đà. Đại Vũ chính là Hùng Việt Vương – Tuấn Lang trong Hùng phả. Tuấn chỉ là tên chữ biến âm của Tản – tán – Tốn tên quẻ Tốn, Tốn là “phong”, chỉ miền Phong châu nước Việt cổ.

Bách Việt trùng cửu thêm ý:
“Thác Pha” trong Sơn Đường dị khảo rõ ràng là ghi âm Nôm của từ “Thác Bờ”.
Long Môn còn là quê hương của nhà thơ Đường nổi tiếng thần đồng Vương Bột. Hóa ra Vương Bột là người Hòa Bình (Đà Bắc), có cha làm quan ở Phong Châu (Phú Thọ). Vương Bột từ ngã ba Việt Trì xuôi dòng sông Hồng tới dự yến tiệc ở Đằng Vương Các tự tại Lý Nhân – Hà Nam chỉ cần mất có 1 đêm (“Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa“) hoàn toàn có thể. Đúng là “cá” (Vương Bột) vượt Vũ Môn (Đà Bắc) hóa rồng (Đằng Châu).

Nhà Chu và bài thơ Thử ly trong Kinh Thi

Trong Kinh Thi phần Vương phong có bài Thử ly gồm 3 đoạn thơ, khác nhau ở 4 câu đầu và chung phần điệp khúc. Phiên âm Hán Việt của bài này như sau:
I. Bi thử ly ly
Bỉ tắc chi miêu
Hành mại mỹ mỹ
Trung tâm dao dao.
đoạn lặp:
Tri ngã giả
Vị ngã tâm ưu
Bất tri ngã giả 
Vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên 
Thử hà nhân tai.
II. Bi thử ly ly
Bỉ tắc chi toại 
Hành mại mỹ mỹ 
Trung tâm như tuý.
“đoạn lặp”
III. Bi thử ly ly
Bỉ tắc chi thật 
Hành mại mỹ mỹ 
Trung tâm như ất (yết).
“đoạn lặp”
Giải thích về phần Vương phong Chu Hy đời Tống viết:
Vương là nói nhà Chu đóng đô về phía đông ở Lạc Ấp, trong vòng kinh kỳ của Vương Thành. Đất vuông 2600 dặm, theo sách Vũ Cống, nhắm khoảng núi Thái Hoạ và núi Ngoại Phương thuộc châu Dự, phía bắc được vùng Hà Dương, rồi lần xuống phía nam của châu Ký.
Lúc khởi đầu nhà Chu, Văn Vương ở đất Phong, Vũ Vương ở đất Hạo. Đến đời Thành Vương, Chu Công bắt đầu dựng Lạc Ấp làm chốn hội họp chư hầu lúc bấy giờ, vì cớ đất ấy ở ngay chính giữa, bốn phương đến đấy thì dặm đường xa đồng nhau. Từ đấy gọi đất Phong, Hạo là Tây Đô, còn Lạc Ấp là Đông Đô.
Đến khi U Vương sủng ái nàng Bao Tự, sanh ra Bá Phục, phế hoàng hậu nước Thân và thái tử Nghi Cữu. Nghi Cữu chạy sang nước Thân. Thân Hầu nổi giận, cùng với rợ Khuyển Nhung đánh Tông Chu, giết U Vương ở đất Hý.
Văn Hầu nước Tấn và Vũ Công nước Trịnh rước thái tử Nghi Cữu ở nước Thân và lập lên làm vua. Ấy là Bình Vương. Bình Vương dời về Đông Đô, tức Vương Thành. Từ đấy, nhà Chu lại hèn kém, không khác gì các nước chư hầu, cho nên thơ ca không được gọi là nhã, mà gọi là phong, nhưng vương hiệu chưa bị bỏ, cho nên không gọi là nhà Chu mà gọi là Vương.
Như vậy bài thơ Thử ly trên là bài ca dao của nước Chu khi nhà Chu đã dời về phía Đông tại Lạc Ấp. Thử là lúa nếp, còn Tắc là lúa tẻ (tễ). Bài thơ nói về một người đi qua ruộng lúa và suy tư…
Có điều, Đông Đô của nhà Chu ở chỗ nào mà lại nhiều ruộng lúa, cả nếp, cả tẻ đến vậy? Theo các sử gia Tàu ngày nay thì kinh đô Lạc Dương của nhà Chu ở tận Hà Nam Trung Quốc, chỗ đó là vùng ôn đới, thời trước Công nguyên làm gì có cây lúa nào mọc được đâu mà trồng với chả ngẫm nghĩ, suy tư. Rõ ràng đất Lạc của nhà Chu phải nằm ở vùng ấm ẩm hơn nhiều, nơi các loại lúa phát triển rất tốt.
Hiện quan niệm phổ biến cho rằng nhà Chu là một bộ tộc du mục ở Thiểm Tây, nổi lên diệt nhà Ân làm chủ thiên hạ Trung Hoa. Thế nhưng bài thơ Thử ly trên đã chỉ rõ, nhà Chu nằm ở khu vực cận nhiệt đới, canh tác nông nghiệp lúa nước, chứ chẳng du mục gì cả. Bản thân chữ Chu 周 là ghép của hai chữ Điền 田 và Khẩu 口. Điền 田 là ruộng lúa vuông vắn, chia ô rõ ràng. Nhà Chu là một dân tộc trồng lúa nước điển hình, hiển nhiên không hề xuất phát từ vùng rừng núi Thiểm Tây, vừa khô vừa lạnh, chỉ có cỏ cho ngựa ăn như người Tàu chú thích.

IMG_1631 (2)

Hoàn tiền Đông Chu 東周 và Tây Chu 西周 tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam.

Bỉ thử ly ly hiện được dịch là “Kìa nếp đã chín đầu rủ ngọn”. Nhưng chữ Ly 離 không hề có nghĩa là rủ. Ly ly là tua tủa. Bỉ thử ly ly tức là Lúa nếp đang mọc lên tua tủa, sum xuê, rập rạp, tươi tốt. Lúa nếp là giống lúa có thân cao, thời gian sinh trưởng dài, nên từ đầu bài tới cuối bài vẫn mọc tua tủa, trong khi cây lúa tẻ từ cây mạ, ra bông rồi đã kết hạt.
Tâm tình của người qua đường (hành mại mỹ mỹ) thay đổi theo sự sinh trưởng phát triển của cây lúa tẻ. Khi cây mới mọc mạ (miêu) thì người thấy “dao dao”, tức là đang lo lắng. Khi cây trổ bông (toại) thì người như say (túy). Khi cây lúa kết hạt (thật) thì người thấy như nghẹn ngào (rất hứng khởi).
Đây đúng là thái độ của một người chủ ruộng, một nông dân trồng lúa, hàng ngày đi thăm đồng. Lúc mới gieo cấy thì lo lắng. Khi lúa trổ đòng thì vui mừng. Khi lúa nên thóc thì quá thích thú tới nghẹn ngào.
Đoạn điệp khúc:
Người biết ta thì nói ta đang ưu tư
Người không biết ta thì nói ta đang tìm kiếm
Hỡi trời xanh xa thẳm, đó là ai vậy?
Đoạn này đúng là “than trách” người đời không chịu hiểu mình, có thể có ý nuối tiếc quá khứ huy hoàng của nhà Chu, là triều đại đã ươm mầm văn hóa để xã hội Trung Hoa đơm hoa kết trái, nhưng lại bị lãng quên. Câu “Thử hà nhân tai” có thể hiểu là ý trách: người đời vốn là vậy (vốn dễ quên đi công lao của triều đại cũ).
Dịch lại bài thơ này:
I
Lúa nếp tua tủa

Lúa tẻ nảy mầm
Người đi chầm chậm
Trong lòng xiêu xiêu
“Người biết thì nói
Ta đang ưu tư
Người không lại bảo
Ta đang kiếm tìm
Hỡi trời xanh thẳm
Người đời vậy chăng?”
II
Lúa nếp tua tủa

Lúa tẻ trổ bông
Người đi chậm chậm
Trong lòng như say…
III
Lúa nếp tua tủa

Lúa tẻ hạt thành
Người đi chầm chậm
Trong lòng nghẹn ngào…

Một số vị tướng nhà Triệu Nam Việt và thời Trưng Vương

Xem chuyện về thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu Nam Việt trong cuốn Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện, tác phẩm khuyết danh xuất hiện vào khoảng cuối thời Nguyễn:
Lữ Gia thuở nhỏ bẩm sinh khôi ngô đĩnh ngộ, học đâu nhớ đấy, mới năm tuổi đã biết âm luật, lên tám tuổi đã hiểu nghĩa lý kinh sử. Năm 15 tuổi thì cha mẹ chẳng may lâm bệnh nặng rồi nối nhau qua đời, từ đấy Lữ Gia phải đến nương nhờ tại nhà ông cậu tên là Trương Viên, đang giữ một chức quan nhỏ ở địa phương lúc bấy giờ. Ông cậu yêu quý chàng như con đẻ, nhưng ba năm sau, do mắc lỗi nhỏ, bị Bộ chủ Vũ Ninh tên là Đào Hoan, do có tư thù riêng, đã khép vào tội chết, rồi đem đi hành hình.
Ông cậu bị giết khiến Lữ Gia vô cùng căm phẫn, muốn tìm cách báo thù, nhưng ngặt lúc bấy giờ thân cô thế cô, nên phải nuốt hận chờ thời. Bởi thế, ngay sau đó chàng đã lên đường “tầm sư học đạo”, chuẩn bị thực lực cho mình, nhưng cũng là để giấu kín tung tích thật, để từ đó tạo thế bất ngờ.
Chàng lặn lội đi vào tận đất Ô Lý – Lâm Ấp, vừa để sống mai danh ẩn tích, nhưng cũng vừa để theo học vị đại sư ở chùa Hoàng Long, vốn nổi tiếng thông tuệ, võ nghệ cao cường và hiện đang có rất nhiều đệ tử trong vùng đến theo học. Do có ý chí kiên cường, mới theo học được vài tháng, Lữ Gia, với bẩm tính thông minh, can đảm, lại có cách đối nhân xử thế đĩnh đạc, đàng hoàng, nên được cả thầy yêu lẫn bạn mến, rồi được tôn lên hàng tôn trưởng (tức trưởng tràng).
Hơn một năm sau, dưới quyền của Lữ Gia đã có hơn một trăm chiến binh dũng cảm, là bạn bè cùng theo học với chàng và đều tinh thông võ nghệ. Rồi vào một ngày đầu xuân Lữ Gia cùng các bạn làm lễ xuất quân. Sau khi từ biệt Đại sư, mọi người cùng nhau xuống thuyền ở Linh Giang ngược về phía bộ Vũ Ninh, với các vũ khí trong tay là côn quyền, đao kiếm. Gặp quân lính của Đào Hoan ở chân núi Chung Sơn, hai bên xông vào giáp chiến. Phía Đào Hoan, tuy quân số đông hơn nhưng kém về võ nghệ lại chưa chuẩn bị kịp, nên đã bị các chiến binh của Lữ Gia đánh cho tơi bời và Đào Hoan bị bắt. Lữ Gia cùng các bạn giải Đào Hoan về quê ở Lôi Dương, mổ bụng moi gan, rồi làm lễ tế trước bàn thờ ông cậu. Trả xong mối hận thù, Lữ Gia cùng các chiến binh lập tức xuống thuyền, xuôi về Lâm Ấp, để tránh sự truy xét của chính quyền.
Lại nói vùng Lâm Ấp khi ấy, do một vị Lạc tướng thuộc dòng dõi các vua Hùng đến làm Bộ chủ. Ngài có hai con gái nhan sắc tuyệt vời mà hơn một năm trước Lữ Gia đã gặp và đem lòng yêu mến. Biết tiếng Lữ Gia là người tài giỏi lại có đảm lược, nên ngài cũng muốn kết tình thân và rồi gả cả hai cô gái một lần cho chàng…
Đoạn truyện trên Lữ Gia có phần kỳ lạ vì nó chẳng ăn nhập gì với lịch sử đang được biết về thừa tướng ba đời vua Triệu Nam Việt Lữ Gia cả. Nhưng nếu đối chiếu với Sử thuyết Hùng Việt thì đoạn truyện về xuất xứ của Lữ Gia có thể hiểu như sau.
Bộ Vũ Ninh ám chỉ vùng đất phía Tây hay nhà Tây Hán (nhà Hiếu) được thành lập từ Hiếu Cao Tổ Lưu Bang. Việc gia đình, người thân của Lữ Gia bị bộ chủ Vũ Ninh sát hại là chuyện gia tộc họ Lữ sau khi Lữ Hậu mất, định cướp chính quyền nhưng không thành, bị các cận thần trung thành của Lưu Bang ra tay trước, diệt họ Lữ.
Lữ Gia phải bỏ trốn vào Lâm Ấp để tìm cơ hội phục thù. Lâm Ấp nghĩa là Nam Ấp hay khu vực phương Nam. Đây là chỉ việc một người nhà họ Lữ đã chạy xuống phía Nam để lập quốc gia riêng, chính là lập nước Nam Việt. “Vị Lạc tướng dòng họ Hùng” là chỉ vua Triệu của Nam Việt. Vị Lạc tướng ở Lâm Ấp này gả con gái cho Lữ Gia tức là Lữ Gia lấy con gái hay thông gia với vua Triệu.
Khi hiểu vậy thì mới rõ, tại sao Lữ Gia trở thành thừa tướng của nhà Triệu. Vì Lữ Gia chính là đại thần lập quốc, nối dòng họ Lữ từ Lữ Hậu, tôn một người con cháu của Lưu Bang lên làm vua Triệu, còn mình làm thừa tướng phò tá, trở thành hoàng thân quốc thích của nhà Triệu.
Phần bắt đầu của nhà Triệu là như vậy, còn phần kết thúc của triều đại này cũng để lại nhiều dấu vết ở Việt Nam.

IMG_2933

Đình Mỹ Giang, nơi thờ tướng Đỗ Năng Tế.

Làng Mỹ Giang, nay là xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, có đình thờ một vị thành hoàng có tên Đỗ Năng Tế. Theo thần tích thì vị tướng công họ Đỗ này là thầy dạy của Hai Bà Trưng. Phụ quốc Đại thần Đỗ Tế Công phu phụ Ngọc phả kể ông là người quê ở đất Sơn Nam, phủ Khoái Châu, lấy bà Tạ Cẩn Nương. Cả hai ông bà đều văn võ song toàn và giỏi y thuật, đức lượng như núi nên dân chúng các nơi đều nể phục mà theo về.
Bấy giờ Lạc tướng Phong Châu dòng dõi Hùng Định Vương và phu nhân là Man Thiện, ngầm nuôi chí lớn đánh đuổi giặc Hán, khôi phục nhà Hùng, nhưng tuổi đã cao, nên quyết tìm thầy giỏi trong thiên hạ để dạy công tử và nhị vị công nương là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nghe danh vợ chồng Tế Công là bậc anh hùng uy trấn bốn phương, Lạc tướng cho phu nhân là Man Thiện thân chinh đến mời, và phong ngay cho Tế công chức Tiết cấp Trưởng Nội Các binh sự.
Trước lúc lâm trung Lạc tướng lại gọi Tế Công đến giao phó quốc sự, gia phong ông chức Tiết cấp nhập nội Thái tử Quốc chính Trung tín hầu, để phò tá Thái tử. Phu nhân Cẩn Nương được phong Tham tán phu nhân hoằng tướng phu nhân, thống lĩnh nội thị. Từ đấy mọi sự chính trị và quân sự đều do Tế Công sắp đặt.
Sinh thời ông bà đã đem hết sở học truyền dạy cho các học trò. Chẳng may Thái tử mất sớm. Ông bà phù giúp Hai Bà Trưng làm nên nghiệp lớn, đánh đuổi Thái thú Tô Định, thu hồi 65 thành ở Lĩnh Nam, rồi lên ngôi nữ vương, định đô ở Mê Linh.
Đất nước thanh bình được ba năm, Mã Viện lại đem quân sang xâm lược, hai ông bà cùng Trưng Vương và các tướng chia quân các đạo, quyết chiến với giặc. Thế giặc quá mạnh, Tạ Cẩn Nương tuẫn quốc ngày 19 giêng ở trận Lãng Bạc. Tế Công đánh với giặc Hán nhiều trận, sau phải rút về Mỹ Giang, ẩn thân trong rừng Quán Cấm…
Ngày 15/7 ông làm lễ cho người đã khuất là Tạ Cẩn Nương và hai người thiếp (Đặng Xuân Nương và Lý Thanh Nương)… Quân Hán lại kéo đến ông xông ra tử chiến với giặc bị trúng thương ở bả vai. Biết mình không qua khỏi, ông sai người mua rượu ngon về cùng uống với dân làng và nói với dân rằng: Ta cùng với dân ân tình chứa chan đã thành có nghĩa, nói đến đây thì hóa.
Xét theo tư liệu khác là Cổ Lôi ngọc phả ở Thanh Oai thì:
Cụ Nguyễn Năng Tế thuộc dòng dõi Triệu Vũ Đế Nguyễn Thận, quê ở Cổ Lôi, nguyên là Lạc tướng huyện Chu Diên, khi ấy đã già (gần 70 tuổi), giao quyền lại cho con rể là Đặng Thành cũng quê ở Cổ Lôi.
Cụ Nguyễn Năng Tế, trước lấy cụ bà Đào Thị Dực quê ở làng Phượng Dực phía dưới Cổ Lôi sinh được 3 người con là Chiêu Nương, Nguyễn Khắc Trung (còn gọi Chiêu Trung), Nguyễn Đỗ Lý. Khi các con trưởng thành, cụ bà Đào Thị Dực qua đời. Nhiều năm sau, cụ Tế lấy vợ kế, là bà Tạ Cẩn Nương còn trẻ.
Con gái đầu của cụ Nguyễn Năng Tế là Chiêu Nương lấy ông Đặng Thành người ở Cổ Lôi sau được kế chức Huyện lệnh trưởng Chu Diên, sinh ra các vị (theo thứ tự) Đặng Xuân, Đặng Nghiêm, Đặng Tiến, Đặng Đình, Đặng Trần. Đặng Xuân (anh) lấy cô Huệ (Trưng Nhị) sinh hai con trai. Đặng Nghiêm (em) lấy cô Lý (Trưng Trắc) chưa có con.
Như thế rõ ràng thầy giáo Đỗ Năng Tế ở làng Mỹ Giang chính là cụ Nguyễn Năng Tế, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong Cổ Lôi ngọc phả.
Tác giả Lã Duy Lan cũng cho biết đến sau thời vua Thành Thái hội đồng tộc biểu ở Cổ Lôi đã phải sơ tán các đền thờ từ Cổ Lôi đi các địa phương và nhiều nhân vật được thờ tuy cùng tên nhưng đã mang những họ khác nhau. Trong số đó cụ Nguyễn Năng Tế còn có tên thờ khác là Đỗ Năng Tế.
Tướng quân Đỗ Năng Tế như vậy không chỉ là thầy giáo của Trưng Vương mà còn là ông ngoại của Thi Sách (Cổ Lôi ngọc phả chép là Đặng Nghiêm). Đỗ/Nguyễn Năng Tế là dòng dõi Triệu Vũ Đế.
Thần tích ở làng Mỹ Giang có kể bố (Hùng Định) và mẹ (Man Thiện) của Trưng Vương có nhờ Đỗ Năng Tế dạy dỗ cho “Thái tử”, nhưng Thái tử chẳng may mất sớm. Thái tử thì phải là con vua chứ không phải trong gia đình Lạc tướng. Rất có thể “Thái tử” đây chính là ông Thi Sách, là con vua Triệu.
Đỗ/Nguyễn Năng Tế là “Phụ quốc đại thần” của nhà Triệu, phò tá Thái tử (Triệu Vệ Dương Vương). Nhưng khi Phiên Ngung thất thủ, quân của nhà Hiếu truy sát, Thái tử (vua Triệu) đã bị bắt giết ở cửa Đại Ác (cửa sông Đáy đổ ra biển tại Nghĩa Hưng – Nam Định). Đỗ Năng Tế cùng với các hoàng phi của vua Triệu lui về Phong Châu, sau đó ông hỗ trợ tổ chức cho Hai Bà hoàng phi này phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn.
Cái tên Năng Tế có thể là đọc chệch của Lang Tề, tức là thủ lĩnh phía Tây. Đỗ/Nguyên Năng Tế có thể chính là Tây Vu Vương được sử sách nhắc tới. Cổ Lôi ngọc phả cho biết Tây Vu Vương cũng là dòng dõi Triệu Vũ Đế, còn gọi là Tây Lý Vương (mang họ Lý của Lý Bôn – Lưu Bang vì vua Triệu là dòng dõi Lưu Bang như đã kể trong chuyện Lữ Gia ở trên).
Hai Bà Trưng được kể trong các tư liệu khác nhau là đã tử tiết ở Cấm Khê hoặc đã tự vẫn trên sông Hát. Làng Mỹ Giang nơi có đình thờ Đỗ Năng Tế còn gọi là khu vực Quán Cấm. Theo giải thích của Cổ Lôi ngọc phả thì Cấm Khê là khe nước chảy qua Quán Cấm, nơi có quân canh gác của thành Phong Châu. Làng Mỹ Giang nằm ngay sát vùng Hát Môn, bên bờ sông Đáy (sông Hát). Như thế rất có thể đây chính là nơi Trưng Vương đã tử tiết.

Mo Do Nang Te

Khu mộ tướng Đỗ Năng Tế ở Quán Cấm.

Câu đối ở đình Mỹ Giang về tướng Đỗ Năng Tế:
松髙夣啓英雄將
蛇現魂驚矍鑠兵
Tùng cao mộng khải anh hùng tướng
Xà hiện hồn kinh quắc thước binh.
Dịch:
Thông cao mộng khởi tướng anh hùng
Rắn hiện kinh hồn quân quắc thước.
Thêm một số câu đối ở trong đình Mỹ Giang:
偉烈佐徴王一片忠貞寒馬賊
芳名垂越史歷朝褒袞娈龍章
Vĩ liệt tá Trưng vương, nhất phiến trung trinh hàn Mã tặc
Phương danh thùy Việt sử, lịch triều bao cổn luyến long chương.
名將杜公慶合碑留惟有壹
徳王徴女山西史記定無雙
Danh tướng Đỗ công khánh hợp bi lưu duy hữu nhất
Đức vương Trưng nữ, Sơn Tây sử ký định vô song.

Ba vị họ Chu ở Thạch Thất và Mạnh Hoạch

Tiểu sử ba vị họ Chu thờ ở đền Quán Sải tại thôn Thúy Lai (Phú Kim, Thạch Thất, Hà Nội) được tóm tắt theo ban quản lý di tích như sau:
Tam tướng công sinh khoảng năm 300 – 350 thời Tam Quốc. Song thân làm thuốc rất có uy tín ở xứ Ba Trung. Tam tướng công đều là người văn võ song toàn cùng đỗ đầu trong 9 kỳ thi Hiếu Liêm do vua Hán Hiến Đế mở để tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Trong thời gian này miền Bắc nước ta bị giặc Mạnh Hoạch xâm chiếm. Vì vậy Tam tướng công được vua Hán (Lưu Bị) cử sang đánh dẹp giặc tại phương Nam. Khi sang nước ta Tam tướng công giữ yên lành cho nhân dân, dạy nhân dân làm thuốc, chữa bệnh, mở trường dạy học, dạy dân, chăn tằm làm ruộng… Tam tướng công còn bỏ tiền mua ruộng của 72 làng phát cho dân. Vì vậy Tam tướng công đã có 72 đền thờ (Thất thập nhị từ). Vì là phúc thần nên được các đời vua nước ta phong 23 sắc phong. Hiện nay còn lưu giữ trong các đình đền. Khi mất đã được an táng tại Quán Sải. Mộ thiên táng tại huyệt Đế Vương do chức sắc kỳ mục của 72 làng an táng Tam vị tướng công.

IMG_2975Nghi môn quán Sải.

Quán Sải là một công trình có quy mô của vùng Sơn Tây xưa. Người dân ở đây có câu “Thứ nhất đền Và, thứ nhì quán Sải, thứ ba đình Vồi”. Đền Và thờ Tản Viên Sơn Thánh là ngôi đền lớn ở thành phố Sơn Tây. Quán Sải và đình Vồi đều là 2 di tích ở xã Phú Kim của huyện Thạch Thất và đều thờ ba vị họ Chu nói ở trên. Sự so sánh 2 di tích này với đền Và cho thấy trước đây quy mô của quán Sải lớn như thế nào.
Quán Sải nằm ở thôn Thúy Lai. Cũng như đền Và có tên chữ là Vân Già, là từ phiên thiết từ âm Nôm của chữ Và, thì Thúy Lai cũng là tên phiên thiết từ âm Sải. Thúy = Súy nên Súy Lai thiết Sải.
Câu đối ở quán Sải:
顕聖一堂三千秋䀡仰
崇祠七十二萬古英靈
Hiển thánh nhất đường tam thiên thu chiêm ngưỡng
Sùng từ thất thập nhị vạn cổ anh linh.
Dịch:
Một nhà ba người hóa thánh, ngàn năm chiêm ngưỡng
Bảy mươi hai đền thờ cúng, vạn cổ linh thiêng.

IMG_3008Thúy Lai quán.

Tất nhiên con số 72 nơi là con số mang tính ước lệ. Có thể 72=9×8, trong 9 khu vực (cửu thiên) thì cả 8 hướng đều có đền thờ.
Việc thờ 3 vị quan họ Chu tại nhiều nơi ở Thạch Thất (tương truyền có tới 72 làng) hiện nay bị chỉ trích là dân gian đã thờ nhầm “giặc” vì đó là các quan đô hộ của nhà Hán. Tuy nhiên khi nhìn nhận lại các triều đại của thời kỳ này dưới một góc nhìn mới thì sẽ nhận ra không phải như vậy.
Theo thần tích của xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) thì ba vị họ Chu được cử sang đế chống lại quân Mạnh Hoạch và có dùng cháu của Sĩ Nhiếp là Sĩ Năng làm mưu sĩ. Ba vị họ Chu cùng thời với Mạnh Hoạch và Sĩ Nhiếp, tức là lúc này đã có các nước Thục và Ngô. Khu vực nước ta lúc đó đâu còn thuộc nhà Hán (Hán Hiến Đế) nữa. Ba vị quan đô hộ họ Chu thực ra là các quan của nước Thục dưới thời Lưu Bị. Quê quán của ba vị này ở Ba Trung, tức là ở Ba Thục, thuộc khu vực đất đai nhà Thục.
Nước Thục của Lưu Bị là một quốc gia của người Bách Việt (người Hoa) hình thành sau khởi nghĩa Khăn Vàng, chống lại Hán tộc xâm lược. Lưu Bị được truyền thuyết Việt chép dưới tên Lý Bí. Triều đại nhà Thục do đó là một triều đại Việt, hiển nhiên các quan lại của nhà Thục lúc đó không phải giặc ngoại xâm.
Những hành động dạy dân, làm thuốc, mở trường… của các vị quan này cũng chứng tỏ họ hoàn toàn coi người Việt là đồng bào đồng tộc với mình. Người dân địa phương cũng tri ân ba vị, một khu vực 72 làng đều thờ thần. Lễ hội Thúy Lai hàng năm được tổ chức với nhiều tục lệ khá đặc sắc như múa con đĩ đánh bồng, múa sênh tiền, múa rồng, thi cân gà, thi xôi đồng, thổi cơm thi…
Có thể Thạch Thất khi đó là nơi đóng trị sở của vùng phía Tây Giao Chỉ, thuộc đất của nhà Thục từ Lưu Bị – Lý Bí.
Di tích và tục thờ Tam vị họ Chu ở Thạch Thất còn là bằng chứng rõ ràng rằng Mạnh Hoạch là thủ lĩnh người dân tộc (Mường, Thái) ở vùng Tây Bắc nước ta. Khu vực này sau về với nhà Thục khi Gia Cát Vũ Hầu Nam chinh, vượt dòng Lư Thủy, tức sông Lô, tiến vào Tây Bắc Việt. Gia Cát Lượng sau khi thần phục được Mạnh Hoạch, vẫn cho ông ta tiếp tục cai quản vùng đất này, dưới hình thức tự trị.

Thêm về Giao Châu Đặng cư sĩ

Trong sách Thăng Long cổ tích khảo của cụ Đăng Xuân Khanh soạn xong năm 1956 tại Học viện Viễn Đông bác cổ có chép một nhân vật mang tên Đặng Thiện như sau:
Đặng Thiện. Người quận Long Biên, Giao Châu. Ông bẩm tính thông minh khác thường, sức học sâu rộng, tinh thông kinh sử, lại có võ nghệ siêu quần. Thời ấy, về văn học, giáo hóa lễ nghĩa, học vấn ở nước ta còn chưa phát triển, ông luôn lưu tâm truyền bá cho dân chúng học tập chữ nghĩa lễ nghi. Văn hóa nước ta ngày một đổi mới, phần nhiều là nhờ công sức của ông, người người đều kính phục, tôn ông làm Trưởng châu. Đời Hán Chiêu Đế, Châu Chương làm Thứ sử Giao Châu, nghe nói ông có công giáo hóa dân bèn viết sớ tâu lên Hán đế. Hán đế phong tước Liệt hầu.
Về sau tù trưởng ở bảy quận Châu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Mê Lĩnh, Quế Lâm khởi loạn. Vua Hán hỏi các đình thần ai có thể bình được giặc thì ban cho chức Thái thú trông coi bản châu. Sầm Bành tiến cử ông là người có đức, có danh vọng, được lòng người, có thể sai khiến cho việc ấy. Vua Hán liền phong ông làm Thái thú ở bản châu. Ông lĩnh mệnh xong, đem quân đi đánh dẹp, lại sai người đưa hịch nói rõ uy phúc triều đình, các đảng giặc đều đến hàng phục. Bảy quận lại được thanh bình, ông đem quân trở về Long Biên, từ đó giảm hình phạt, bớt tô thuế, nhân dân an cư lạc nghiệp.
Sau khi ông mất, vua Hán sai quan đế dụ tế, sắc phong làm phúc thần. Đời Hán Bình đế lại gia phong làm Tá Thiện cư sĩ đại vương.
Vị “Thái thú” thời Hán đã có công bình định 7 quận Giao Châu mang họ Đặng thì phải là Đặng Nhượng. Tên “Đặng Thiện” thực ra là lấy theo danh phong “Tá Thiện cư sĩ” của vị Giao Châu mục họ Đặng này.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Kỷ thuộc Tây Hán.
Tân Mùi, [110 TCN], (Hán Nguyên Phong năm thứ 1). Nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán. Nhà Hán cho Thạch Đái làm Thái Thú 9 quận (Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ đều ở giữa biển, còn 7 quận thuộc về Giao Châu, Đái làm châu Thái thú). Thời Tây Hán, trị sở của Thái Thú đặt tại Long Uyên, tức là Long Biên, thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng. Đến khi Đái chết, Hán Chiêu Đế lấy Chu Chương thay. Đến cuối đời Vương Mãng, châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặn bờ cõi để tự giữ. Tướng nhà Hán là Sầm Bành vốn quen thân với Nhượng, gửi thư cho Nhượng bày tỏ uy đức của nhà Hán. Thế rồi [Nhượng] bảo Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái thú các quận là bọn Đỗ Mục sai sứ sang cống hiến nhà Hán. Nhà Hán đều phong cho những người ấy tước hầu.
Xem lại các tư liệu của Thăng Long cổ tích khảo và Đại Việt sử ký cho biết một số điều thêm về Giao Châu mục Đặng Nhượng và thời kỳ giao thời này:
– Đặng Nhượng là người quận Long Biên, tức là người Việt chính cống. Hiện ở vùng Long Biên còn đền thờ vị họ Đặng này là ở làng Gia Lâm, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thần tích của Đặng cư sĩ ở Gia Lâm cũng có nhiều nét tương đồng với thông tin về Đặng Thiện ở trên. Xin xem bài Giao Châu Đặng cư sĩ.

 

P1060585Nghè Gia Lâm.

– Đặng Nhượng là người đã phát triển văn hóa, chú trọng dạy chữ nghĩa lễ nghi cho người Việt. Theo quan niệm hiện nay thì việc giáo hóa, dạy chữ ở nước ta bắt đầu từ Thái thú Tích Quang. Tích Quang là Thái thú của Giao Chỉ cùng thời với Đặng Nhượng và Giao Chỉ quận đang nằm trong quản hạt chung của Châu mục Đặng Nhượng. Đặng Nhượng đã rõ là người Việt ở Long Biên. Tích Quang làm quan dưới chức Đặng Nhượng, cũng là người Việt mà thôi. Hoàn toàn không phải người Việt biết chữ nghĩa lễ nghi là do người Tàu dạy, mà do chính công lao khai hóa của các thủ lĩnh người Việt ở Giao Châu.
– Sầm Bành là tướng của Hán Quang Vũ Lưu Tú được cử đi đánh dẹp phương Nam. Sau khi triều Tân của Vương Mãng sụp đổ, vùng Giao Châu chưa tự nhiên mà thuộc về đám giặc cỏ Lục Lâm của Lưu Huyền – Lưu Tú. Vì thế làm gì có chuyện 7 quận Giao Châu “khởi loạn”. Phải nói đúng là toàn bộ vùng Giao Châu đã chống lại sự bành trướng của quân Hán xuống phương Nam.
– Khi Sầm Bành nhà Đông Hán tấn công phương Nam thì Đặng Nhượng là người cầm đầu 7 quận Giao Châu. Sầm Bành đã phải giở thủ đoạn phủ dụ, đe dọa (“uy phúc”) đối với các vị Châu mục và Thái thú người Việt ở đây như trong các tư liệu nói ở trên. Không có chuyện Đặng Nhượng, Tích Quang đầu hàng nhà Hán và được phong hầu. Những vị anh hùng người Việt này đã kiên cường chống trả lại sự xâm lược của Hán quân và bỏ mình vì nước, như thần tích của đình Gia Lâm kể lại. Cũng vì thế mà Đặng Thiện mới trở thành một trong số những danh nhân ít ỏi được nhắc đến trong Thăng Long cổ tích khảo.
– Sầm Bành chính là Mã Viện, viên tướng mặt ngựa (mã diện) của khả hãn Lưu Tú, người đã đặt Giao Châu vào vòng nô lệ. Cũng tên tướng này đã bắt hàng trăm “cừ súy” Việt về an trí ở phương Bắc. Cừ súy thiết Quý, cũng như Cư sĩ thiết Quý, chỉ tầng lớp quý tộc, lãnh đạo Giao Châu lúc này. Hầu hết các nhân vật mang danh “cư sĩ” của thời kỳ này được thờ ở nước ta như Tá Thiện cư sĩ ở trên (Đặng Nhượng) chính là các “cừ súy” đã bỏ mình vì nước trong cuộc chiến chống lại Hán quân xâm lược.

Nam Giao hoc toNghi môn đền Tam Á.

– Những vị “cư sĩ” đã giáo dân hóa lý, đồng thời duy trì sự độc lập tự trị của Giao Châu chống lại Hán quân khi chính quyền trung ương (nhà Tân) đã rơi vào tay giặc được dân gian gọi là Sĩ Nhiếp, vị Nam Giao học tổ được thờ tại thành Long Biên (Luy Lâu). Vế đối trên cổng đền thờ Sĩ Nhiếp ở Tam Á, Thuận Thành, Bắc Ninh ghi nhận chính xác công nghiệp của các cư sĩ – thái thú Giao Châu này.
汶陽幾辰遷為軍將為州牧為教育師儒恩信遍蒼梧七郡外
龍编何日事此城郭此人民此江河運會文采傳武寧一部中
Vấn Dương kỉ thời thiên, vi quân tướng, vi châu mục, vi giáo dục sư Nho, ân tín biến Thương Ngô thất quận ngoại
Long Biên hà nhật sự, thử thành quách, thử nhân dân, thử giang hà vận hội, văn thái truyền Vũ Ninh nhất bộ trung.
Dịch:
Vấn Dương mấy lúc dời, vì quân tướng, vì châu mục, vì giáo dục Nho gia, bảy quận ngoài Thương Ngô ơn nghĩa trải khắp
Long Biên sự ngày nọ, đây thành quách, đây nhân dân, đây non sông vận hội, toàn bộ trong Vũ Ninh văn đức còn truyền.