Nam Triệu và Nam Chiếu

Trong Lĩnh Nam chích quái có một câu chuyện rất thật, không có chút huyền thoại hay “chích quái” nào nhưng lại khó hiểu nhất vì chẳng hề ăn khớp tí gì với chính sử. Đó là Truyện Nam Chiếu. Nay xin “đọc lại” câu chuyện này, không cần phải “giải mã” gì, chỉ cần đối chiếu với những gì đã và đang biết về lịch sử bị lãng quên của miền Tây và Nam nước ta.

Câu đầu tiên của Truyện Nam Chiếu khẳng định: “Người Nam Chiếu là con cháu vua Vũ Đế Triệu Đà”. Câu khẳng định này đúng là đánh đố người đọc ngày nay. Nam Chiếu được coi là quốc gia của người Di Bạch vùng Vân Nam, sao lại là con cháu Triệu Đà được? Nhưng đích thực, câu mở đầu này đã xác định nước “Nam Chiếu” thực chất là ở đâu.

Triệu Vũ Đế dựng nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung – Quảng Đông. Thành phần dân tộc chính vùng này là nhóm người Tày Thái. Nam Chiếu là con cháu Triệu Đà, tức là một quốc gia người Thái. Lịch sử Nam Chiếu cho biết quốc gia người Thái này đã từng trải rộng trên đất Tây Bắc Việt Nam, Lào và Bắc Thái Lan.

Nước Nam Chiếu ở trong truyện không phải mới bắt đầu vào thời Đường như nước Nam Chiếu theo chính sử ở Vân Nam, mà có gốc gác từ thời Tây Hán. Khi Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt thì “Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.

Đất Hoành Sơn mà ở gần cửa Thần Phù thì là đèo Ngang giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chứ không phải Hoành Sơn ở Quảng Bình. Con cháu họ Triệu như vậy trở về vùng Ái Châu tụ tập.

Đoạn ghi chép trên rất giống với chuyện… Man vương Mạnh Hoạch chống lại các vị quan họ Chu của nhà Đông Hán trong thần tích làng Hương Ngải – Sơn Tây. Mạnh Hoạch hoạt động cả một dải từ Hưng Hóa tới Ái Châu, làm quan cai trị ở Giao Châu lúc đó phải lao đao… Nam Triệu như vậy là tên gọi nước của Mạnh Hoạch từ thời Đông Hán, là vùng đất phía Tây Giao Chỉ.

Tiếp theo, “Đến đời Ngô, Tôn Quyền sai Đái Lương, Lữ Đại làm thú mục để đánh dẹp. Quân Nam Chiếu ở cả một vùng từ núi Thiên Cầm tới Hà Hoa, Cao Vọng, Hoành Sơn, Ô Tung, Hải Ngạn, Sử Bộ, Trường Sa, Quế Hải, Vọng Cái, Lỗi Lôi, núi cao bể rộng, sóng gió hiểm trở, không có một vết chân người. Quân Nam Chiếu ở đấy thường lấy việc cướp bóc để sinh sống, đánh giết thú mục, không thể ngăn cản nổi.

Đây cũng là thành tích của Mạnh Hoạch khi phần đất phía Đông Giao Chỉ được Sĩ Nhiếp Ngạn Uy dâng cho Ngô Tôn Quyền. Đoạn trên cho biết một loạt các địa danh “từ núi Thiên Cầm tới Hà Hoa, Cao Vọng, Hoành Sơn, Ô Tung, Hải Ngạn, Sử Bộ, Trường Sa, Quế Hải, Vọng Cái, Lỗi Lôi”. Các địa danh này hẳn nằm ở Tây Bắc và Tây Thanh Nghệ ngày nay, là đất Nam Triệu của Mạnh Hoạch.

Mạnh Hoạch hay Mãnh Hoàng, có thể chỉ là cách gọi vị vua của người Mường Mán. Mãnh Hoàng là con cháu họ Triệu, sau khi kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt thất thủ đã rời về Tây Giao Chỉ và hùng cứ một vùng, liên tục chống lại các quan lại nhà Hán rồi tới nhà Ngô. Tiếp theo thì như đã biết, Vũ Hầu Gia Cát, thừa tướng của nhà Thục đã vượt Lô Giang, tiến vào Tây Bắc bình định, thu phục Mãnh Hoàng. Mãnh Hoàng tiếp tục cai quản khu vực Nam Triệu này dưới hình thức tự trị, độc lập.

Truyện Nam Chiếu kể tiếp: “Cuối đời Tấn thiên hạ rối loạn, có người thổ tù là Triệu Ông Lý cũng là con cháu của Triệu Vũ Đế, anh em đông đúc, thảy đều dũng lược hơn người, ai nấy đều nể phục, cùng hợp lại với quân Nam Chiếu, được hơn hai vạn người, lại đem châu báu ngà ngọc hiến cho nước Tây Bà Dạ, xin chỗ sinh sống ở vùng đất trống ven bờ biển.

Nếu đối chiếu với tộc phả họ Phạm:
Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 trước CN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái châu (Bình Trị Thiên) và Trung châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung bộ ngày nay.

Sau khi Triệu Đà chống lại nhà Nam Hán, lập nên nước Nam Việt (207 trước CN) sáp nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt và thu gom cả đất Nam Hà (xứ Lâm Ấp). Chỉ đến khi nhà Hán xâm chiếm lại Nam Việt, nhà Triệu bị diệt vong (111 trc CN) thì họ Lý xưng vương xứ Lâm Ấp. Mãi đến đời Lý Khu Kiên mất, họ Phạm kế vị với 19 đời vua trải qua gần 500 năm (140-605), đóng đô tại thành Châu Sa ( xã Tịnh Châu huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi ngày nay).”

Có thể thấy Triệu Ông Lý, con cháu Triệu Đà, là họ Lý, bắt đầu từ Lý Thân (Lý Ông Trọng). Vùng đất Tây Giao Chỉ là vùng Lâm Thao, nơi Lý Ông Trọng trấn giữ người Hồ dưới thời Tần.

Đặc biệt truyền phả họ Nguyễn còn chép rằng Triệu Đà chính là Lý Ông Trọng. Chuyện này tuy còn nhiều nghi vấn, nhưng có thể có phần nào là sự thật khi con cháu Triệu Đà cũng là con cháu của Lý Thân, chiếm vùng đất Tây Giao Chỉ dưới thời Hán.

Vùng Tây Giao Chỉ là đất của Mãnh Hoàng (Mạnh Hoạch), còn gọi là Nam Triệu, thời Tam quốc đã hàng phục nước Thục nhờ công của Vũ Hầu Gia Cát. Khi nhà Tấn diệt Thục, Tấn chỉ chiếm được vùng Xuyên Thục phía Bắc của nước này. Phần phía Nam vẫn do Mãnh Hoàng tự trị kiểm soát. Theo Truyện Nam Chiếu thì lúc này Triệu Ông Lý, con cháu Triệu Đà – Lý Thân, đã lên nắm quyền cai quản ở đây. Triệu Ông Lý chống lại nhà Tấn, “cùng hợp với quân Nam Chiếu”, tức là hợp với quân của họ Phạm ở phía Nam vùng ven biển Trung Bộ theo như tộc phả họ Phạm chép.

Truyên Nam Chiếu chép: “Khi ấy, nước Tây Bà Dạ chia đều đất ra thành hai lộ. Một lộ trên từ Quý Châu, dưới tới Diễn Châu gọi là lộ Già La, trên từ Cầm Châu xuống tới Hoan Châu gọi là lộ Lâm An giao cho Nam Chiếu và Triệu Ông Lý thống lĩnh. Sau đó, ông Lý xây thành ở tổng Cao Xá, đất Diễn Châu, đông giáp với biển, tây tới nước Bà Dạ, nam tới Hoành Sơn, tự xưng làm chúa.”

Có thể thấy nước Nam Chiếu trong truyện ở thời kỳ nhà Tấn chính là xứ Lâm Ấp hay Nam Hà trong tộc phả họ Phạm. Xứ này bao gồm 2 phần:
– Phần lộ trên từ Quý Châu tới Diễn Châu do Triệu Ông Lý cai quản. Lộ này có tên Như Hoàn, hay Già La, sách khác gọi là Như La, Gia Viễn. Đây là phần đất liền không giáp biển, là Tây Giao Chỉ, gồm cả đất Lào ngày nay. Tên gọi Già La hay Như La cho thấy vùng này chính là nước Lỗ (La) của thời Chiến Quốc. Đây cũng là đất Lâm Thao thời Tần, trước do Lý Ông Trọng cai quản, sau đó giao cho con cháu Lý Thân.
– Lộ dưới từ Cầm Châu tới Hoan Châu gọi là Lâm An, do con cháu họ Phạm quản lý. Đây là phần giáp biển, ven biển miền Trung ngày nay. Tên lộ Lâm An cho thấy đây là đất Yên (An) thời Chiến Quốc, đã được nhà Tần giao cho Phạm Duy Hinh, con của tướng Phạm Duy Minh ở Đằng Châu cai quản.

Lam Ap
Bản đồ trên ước vẽ 2 phần đất Già La và Lâm An từ thời Tấn. Đây là phạm vi nước Lâm Ấp vẫn được mô tả trong sử sách, có phía Đông giáp biển, Tây đến Vân Nam …

Truyện Nam Chiếu kể tiếp: “Nhà Đông Tấn sai tướng là Tào Khả đem quân sang đánh, Ông Lý mai phục ở rừng núi hiểm trở nơi đầu nguồn sông mà đánh, rồi lại tới nấp ở núi Liên Vị, địch tới thì mình đi, địch đi thì mình tới, sáng ra tối vào, cầm cự trong 4, 5 năm trời, không hề đối đầu. Quân Tấn không chịu nổi lam chướng, chết hơn quá nửa, bèn rút quân về.

Nhà Tấn sau khi diệt Thục và Ngô, tấn công xuống phương Nam. Nhưng gặp sự kháng cự của Mãnh Hoàng, rồi Triệu Ông Lý ở vùng Nam Triệu này, không tiến nổi. Vùng đất này như vậy vẫn giữ độc lập từ thời Tấn.

Lý Ông Nam Triệu tương đương với … Lý Nam Đế (Triệu = Chúa), trong sử Việt được gọi là triều Hậu Lý Nam Đế. Tới thời Tùy Cao Tổ năm 602 tướng Lưu Phương đã dụ hàng con cháu của Nam Triệu, đưa vùng đất La – Lỗ nhập vào đất Tùy. Năm 605 Lưu Phương cũng tấn công xuống phía Nam thắng lợi, đuổi họ Phạm chạy ra ngoài hải đảo, sát nhập nốt đất An – Yên vào nhà Tùy. Nước “Nam Triệu” của Triệu Ông Lý chấm dứt ở đây sau 600 năm tồn tại. Nhưng sau đó, một nước Nam Chiếu mới lại nổi lên…

Tộc phả họ Phạm viết: “Đến đời vua họ Phạm thứ 19 là Phạm Chí bị tướng nhà Tuỳ là Lưu Phương bất ngờ đột kích, cướp phá đô thành Châu Sa, vơ vét của cải , châu báu cùng 18 pho tượng vàng của 18 vua họ Phạm, khiến Phạm Chí và con là Phạm Trung chạy ra các vùng hải đảo quanh đảo Côn Lôn để cầu cứu, được 3, 4 vạn viện binh về cùng Mai Thúc Loan và cha con Phùng Hưng, Phùng An , diệt được quan quân nhà Đường và lập Mai Thúc Loan làm Bố Cái Đại vương, tức Mai Hắc đế (766).

Còn Truyện Nam Chiếu chép: “Quân Nam Chiếu tới cướp các xứ Nam thành, Đông thành, Trường An, quan lệnh không thể dẹp nổi. Tới khi nhà Đường thịnh lên, vua Ý Tông sai Cao Biền đem quân sang dẹp, không đánh nổi phải bỏ về.

Đoạn này nói tới cuộc khởi nghĩa thời Mai Thúc Loan – Phùng Hưng, tấn công chiếm thành Tống Bình (Trường An?). Phải tới Cao Vương Biền mới đuổi được quân Nam Chiếu của họ Phùng ra khỏi Đông Giao Chỉ, và đặt vùng này làm Tĩnh Hải quân. Nhưng phía Tây Giao Chỉ vẫn do Nam Chiếu chiếm giữ. Thậm chí còn mở rộng ra thành 6-7 “chiếu” theo như truyền thuyết về Khun Borom ở Lào.

oS7CpqZF.HNsjN4DR34N2Q
Đoạn cuối cùng của Truyện Nam Chiếu: “Tới đời Ngũ Đại vua Tấn là Thạch Kính Đường sai tướng tư mã là Lý Tiến đem 30 vạn quân đánh Đồ Sơn, quân Nam Chiếu bèn rút về biên giới Ai Lao, gọi là nước Đầu Mô, nay là đất Bồn Man”.

Thời Thạch Kính Đường thì Hoa Nam đã chia năm xẻ bảy, còn hơi sức đâu mà nhà Hậu Tấn đánh dẹp Nam Chiếu. Lúc này trên đất Tĩnh Hải là triều đại của Nam Hán Lưu Cung. Đoạn sử trên có thể nói tới sự kiện Cao Biền đánh Nam Chiếu từ thời Đường Ý Tông, hoặc chuyện Đoàn Tư Bình diệt Nam Chiếu, lập nước Đại Lý. Có điều sử Tàu đã biến chuyện Nam Chiếu bị diệt thành chuyện Nam Hán Lưu Cung cử Lý Tiến đánh Khúc Thừa Mỹ. Có thể Lý Tiến là tướng của Lưu Cung quãng năm 936 – 940 (thời Hậu Tấn) đã tấn công Nam Chiếu ở Tây Giao Chỉ, chứ không phải đánh Khúc Thừa Mỹ.

Phải nói Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái là một ghi chép rất đầy đủ và chân xác về lịch sử vùng Tây Giao Chỉ trong suốt một thời kỳ dài từ Đông Hán tới tận thời Ngũ Đại. 1000 năm lịch sử của miền Tây đã bị lãng quên, may mắn còn được lưu lại trong truyện. 600 năm Nam Triệu và 400 năm Nam Chiếu, kiên cường chống lại phương Bắc, huy hoàng mở các quốc gia người Thái khắp Đông Nam Á.