Họ Vi và họ Đồng

Họ Vi là dòng họ lớn của người Tày ở vùng ven biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng. Họ này từng có những người làm các chức quan tộc nhiều đời ở đây như tổng đốc Vi Văn Định thời trước cách mạng tháng Tám. Nguồn gốc họ Vi theo sách Thất tộc thổ ty của Lã Văn Lô như sau:
Xét gia phả họ Vi, nguyên tổ tiên là họ Hàn tên là Nhân, dòng dõi của Hoài Âm hầu Hàn Tín. Lã Hậu nghi Hàn Tín mật thông với Trần Hy làm phản, nên cùng lập mưu với Tiêu Hà diệt trừ Hàn Tín. (khoảng năm 110 trước CN). Lúc bấy giờ một người thiếp của Hàn Tín có thai, Tiêu Hà mật gửi cho Triệu úy Đà ở Lĩnh Nam nhận nuôi. Đà làm Long châu lệnh (Long châu nguyên là đất Việt ta, thời Tần Vua sai Triệu Đà theo Nhâm Thao sang chia cai trị, đất ấy đến bây giờ thuộc Hán), nuôi nhận (tức là con người thiếp của Hàn Tín) rất chu đáo. Khi Nhân trưởng thành, giúp Đà làm việc, Đà chia đất cho từ Thượng Thạch trở đi, lấy phía Đông làm giới hạn. Đà sai Nhân bỏ nửa chữ Hàn đi trở thành họ Vi từ đó (để tránh chu di Tam tộc). Từ khi Nhân ở đất Long châu, từ Thượng Thạch về phía Đông, Cổ Lân, Tư Lãng về phía Bắc đều giao cho Nhân quản trị. Đến lúc họ Triệu suy, Nhân chiếm ức đất Long châu, sai con thứ chín là Vi Tiết Nghiêm, giúp cai trị. Sau Nghiêm kiêu ngạo làm bậy bị Hồ giết chết (Hồ là cháu Triệu Đà, con Trọng Thủy lấy Mỵ nương nước Việt sinh ra). Họ hàng con cháu lánh nạn về đất Nhật Nam, trở thành một dòng họ quý tộc ở đất này. Như thế đủ thấy phúc trạch họ Vi đầy đặn và lâu dài.
Đoạn tộc phả trên chứa đựng những thông tin khá lạ về giai đoạn Lưu Bang – Triệu Đà trên đất Việt. Hoài Âm Hầu Hán Tín là mưu sĩ đại công thần của Lưu Bang trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng. Khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế đã tìm cách diệt trừ các công thần có quyền thế lớn, trong đó có Hàn Tín. Tiêu Hà, một cận thần của Lưu Bang đã ra tay cứu vớt dòng họ Hàn, gửi gắm vợ con của Hàn Tín cho Triệu Đà ở đất Lĩnh Nam. Họ Hàn (韩) bỏ đi nửa chữ, đổi thành họ Vi (韦) để tránh nạn chu di và được Triệu Đà trọng dụng cho cai quản một vùng đất lớn ở Long Châu…
Chỗ lạ của chuyện này là việc Tiêu Hà gửi gắm dòng máu của Hàn Tín cho nhà Triệu. Triệu Đà và Lưu Bang theo sách sử ngày nay khởi nghĩa thành công cùng một năm ở 2 miền Nam Bắc riêng biệt. Nam Việt và Tây Hán có liên quan gì đến nhau đâu mà Tiêu Hà lại thân thiết với Triệu Đà đến mức có thể giao phó một chuyện lớn như vậy? Họ Vi bắt đầu từ con của Hàn Tín người Hán sao lại cuối cùng thành ra một dòng họ của người Tày?
Đoạn tộc phả trên có thể giải thích theo cách nhìn mới về thời kỳ lịch sử nhà Tây Hán và Nam Việt. Hiếu Cao Tổ Lưu Bang vốn xuất thân là một đình trưởng nhỏ ở đất Bái. Từ lúc thả dân phu đi Lịch Sơn Lưu Bang bỏ vào vùng rừng núi Mang Đường (= Mường) ẩn náu. Khi Tần Thủy Hoàng mất, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Viên huyện lệnh đất Bái theo lời “tư vấn” của Tiêu Hà mời Lưu Bang về trợ giúp, song sau lại đổi ý, dẫn đến kết cục bị nhân dân đất Bái nổi dậy giết chết, tôn Lưu Bang làm Bái Công, cầm đầu khởi nghĩa kháng Tần…
Từ góc nhìn của dòng sử dân gian Việt chuyện này được chép là Triệu Đà người Chân Định (Kiến Xương) ở đất Thái Bình (Thái Bình phiên thiết Bái), thay chức Nhâm Ngao, rồi khởi nghĩa ở huyện Long Xuyên hay Long Biên. Tộc phả họ Vi chép Long Xuyên là Long Châu. Thực ra Long Châu hay Long Xuyên là quận Tam Xuyên thời Tần vì Tam và Long đều là những dịch tượng chỉ hướng Đông. Nhâm Ngao theo như tộc phả trên là người từng cai quản đất Long Châu – Long Xuyên này, không phải Nhâm Ngao là quận thủ của quận Nam Hải như sách sử vẫn chép. Từ quận Tam Xuyên Lưu Bang – Triệu Vũ Đế mới đánh chiếm Quế Lâm, Nam Hải và quận Tượng, làm chủ toàn bộ vùng đất mà nhà Tần thiết lập trên đất Việt trước đó.
Tiêu Hà là cận thần theo Lưu Bang từ khi khởi nghĩa còn đang trứng nước ở đất Bái – Long Xuyên. Vì thế quan hệ Tiêu Hà với vùng Long Châu mới rất gần gũi như trong tộc phả họ Vi đã kể. Triệu Đà lập nước Nam Việt sau khi Lữ Hậu mất là một người cháu của Lưu Bang, nên Lưu Bang được nhà Triệu Nam Việt tôn là Vũ Đế. Con cháu của đại tướng quân Hàn Tín như vậy mới được trọng dụng ở Nam Việt, nhằm đối đầu với triều Hiếu (Tây Hán) ở phía Bắc, được dựng nên bởi các cận thần của Lưu Bang sau khi Lữ Hậu mất.
Tộc phả họ Vi còn cung cấp một chi tiết nữa. Con cháu họ Vi lánh nạn ở đất Nhật Nam. Nhật Nam nếu theo định vị hiện tại nằm ở vùng Nam Trung Bộ Việt Nam, lấy đâu ra dòng họ Vi? Trong khi đó dòng họ Vi tới nay vẫn là một dòng họ lớn, có vai vế ở vùng Lạng Sơn và Quảng Tây. Như vậy vùng đất Nhật Nam được nói tới không phải là ở miền Trung mà là khu vực phía Nam Quảng Tây và một phần giáp ranh Bắc Việt. Vị trí quận Nhật Nam cũng là nơi Khu Liên khởi nghĩa cuối thời Đông Hán, không phải ở miền Trung Việt Nam mà là ở Quảng Tây.
Một dòng họ khác cũng có nguồn gốc bắt đầu từ thời Tây Hán là họ Đồng. Theo các tài liệu do chị Đồng Hồng Hoàn thu thập thì họ Đồng là hậu duệ của sử gia nhà Tây Hán Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên vì bị liên luỵ trong vụ án Lý Lăng nên đã phải chịu cung hình. Để bảo toàn gia tộc, 2 người con của ông buộc phải đổi họ. Người con trưởng là Tư Mã Lâm (司马临) từ họ phức là Tư Mã (司马) đã lấy chữ Mã (马) đồng thời thêm 2 chấm bên trái đổi thành họ Phùng (冯). Người con thứ là Tư Mã Quan (司马观) từ họ phức Tư Mã (司马) lấy chữ Tư (司) đồng thời thêm một nét sổ bên trái chữ Tư đổi thành họ Đồng (同). Hiện nay tại thôn Trại Từ Long Môn thuộc Hàn Thành, Thiểm Tây, quê hương của Tư Mã Thiên tuy không còn họ Tư Mã, nhưng người họ Phùng, họ Đồng rất đông, họ đều là con cháu đời sau của Tư Mã Thiên. Cả ngàn năm nay hai họ Phùng và Đồng vì cùng tế chung một ông tổ nên không bao giờ thông hôn, họ đều là người một nhà.
Còn gia phả họ Đồng ở Cổ Loa, Đông Anh thì cho biết: Tương truyền rằng trước đây tổ tiên là người Trung Quốc – họ Đồng Mã, nhưng không truyền tại duyên cớ gì sang bản quốc cư trú tại xã Nam Gián, tỉnh Hải Dương; Họ là từ chữ Tư (司) rồi thêm một nét sổ thành chữ Đồng (同)…
Vấn đề muốn bàn ở đây là tổ tiên họ Đồng đã sang định cư ở Hải Dương vào thời gian nào, vì duyên cớ gì?
Họ Tư Mã là một trong bách gia tính Trung Hoa, tức là người Bách Việt. Vốn Trình Bá thời Chu làm chức Tư mã rồi lấy đó làm họ. Như vậy Tư Mã Thiên là một sử gia người Hoa Việt, chép sử dưới thời Hiếu Vũ Đế, cũng là một triều đại Việt. Đây hoàn toàn không phải họ của người Hán như việc đánh lẫn họ của vua Tấn (Tư Mã Chiêu) với họ của Tư Mã Thiên. Tấn là chữ phiên thiết của Tây Hán, là người Hán chứ không phải người Hoa, nên không thể chung họ với Tư Mã Thiên được. Vả lại con cháu Tư Mã Thiên đều đã đổi sang họ Phùng và họ Đồng, làm gì còn ai mang họ Tư Mã mà sau này làm vua Tây Hán – Tấn.
Khi xác định họ Đồng VN bắt đầu từ Tư Mã Thiên thì việc có một người họ Đồng Trung Quốc đến Nam Gián, Hải Dương nhiều khả năng sẽ là dưới thời Sĩ Nhiếp, khi “danh sĩ nhà Hán sang nương nhờ có hàng trăm người“. Sĩ Nhiếp này là các thái thú châu mục Đặng Nhượng, Tích Quang của triều Tân chống lại giặc Hán, chứ không phải Sĩ Nhiếp thời Tam quốc.
Cuối thời Tân, đám Lục Lâm thảo khấu (được gọi là Hán quân) nhân cơ hội Trung Hoa suy yếu sau cải cách của Vương Mãng đã cướp được chủ quyền Trung Hoa. Tiền nhân họ Phùng là Phàn Sùng đã tôn một người cháu của Lý Bôn – Lưu Bang là Lưu Bồn Tử (Lý Bôn Tử) lên ngôi và phát động cuộc khởi nghĩa Xích My đánh dẹp quân Lục Lâm. Phàn Sùng chiếm được Trường An (kinh đô thời nhà Hiếu) nhưng sau đó bị thất bại bởi quân của Lưu Tú (Hán Quang Vũ). Trường An là nơi có nhà Tư Mã = Đồng + Phùng. Trong khởi nghĩa của họ Phùng này hẳn con cháu Tư Mã Thiên họ Đồng đã tham gia.
Họ Tư Mã vốn là những danh sĩ của nhà Hiếu, tiếp là triều Tân của Vương Mãng, nên sau khi khởi nghĩa của họ Phùng (Phàn Sùng) thất bại hẳn người họ Đồng đã phải chạy giặc xuống phương Nam, nương nhờ các thái thú châu mục ở đây lúc này là Đặng Nhượng và Tích Quang. Đặng Nhượng là người Việt quê ở Gia Lâm nên việc họ Đồng tới vùng Hải Dương rất liên quan đến thời điểm này.
Qua 2 câu chuyện của họ Vi và họ Đồng có thể thấy triều đại của nhà Hiếu (sử ngày nay gọi là Tây Hán) có liên quan trực tiếp đến vùng đất Giao Chỉ. Đây là nơi các danh sĩ nhà Hiếu, nhà Tân đã tìm về để ẩn náu do những biến động của thời cuộc bởi vì đây là đất gốc tổ của người Hoa Việt, của Hiếu Cao Lưu Bang và là nơi được các vị nhân sĩ trí thức yêu nước kiên cường chống giặc Hán xâm lược ngay cả khi triều đình trung ương đã rơi vào tay giặc (thời Sĩ Nhiếp). Mảnh đất Giao Chỉ do vậy là nơi hội tụ và bảo giữ được những dòng máu, những văn hóa cổ xưa nhất của người Bách Việt.

Khởi nghĩa Trưng Vương thời Tây Hán

Theo chính sử hiện tại, khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra vào năm 40 khi chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách bị thái thú Tô Định của nhà Đông Hán giết chết. Trưng Trắc lập đàn ở cửa sông Hát thề đền nợ nước, trả thù nhà. Từ vùng Phong Châu Hai Bà Trưng Trắc Trưng Nhị đánh xuống Long Biên, đuổi Tô Định, chiếm được 65 thành ở vùng Lĩnh Ngoại. Trưng Trắc lên ngôi, làm vua được 3 năm thì nhà Đông Hán cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân dẫn quân thủy bộ tiến vào. Sau một số trận đánh lớn như ở Lãng Bạc, Hai Bà đã tử tiết tại Cấm Khê, kết thúc một cuộc khởi nghĩa hào hùng và bi tráng của 2 nữ vương.

Trong khi sử sách Trung Quốc có rất ít thông tin về khởi nghĩa của Trưng Vương tại Giao Chỉ thì trong dân gian có rất nhiều tướng lĩnh của khởi nghĩa Hai Bà Trưng được thờ ở khắp miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, những thần tích về các tướng lĩnh của Trưng Vương lại có những thông tin rất lạ về thời điểm của cuộc khởi nghĩa. Ví dụ như thần tích đình Lạc Cầu (Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên) kể về 2 vị thành hoàng là Trương Công Tuấn và Lý Công Mẫn là tướng Tham tán của Trưng Vương, nhưng lại bắt đầu thần tích vào thời Tây Hán, Tô Định được cử làm thái thú nước ta… Tô Định là thái thú nhà Tây Hán, vậy Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào lúc nào?

Đình Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên).

Cũng ở Hưng Yên có đình Đại Đồng (Văn Lâm) hay còn gọi là đình Nôm, thờ vị thành hoàng là đức thánh Tam Giang thời Hai Bà Trưng. Làng Nôm là một làng còn lưu được nhiều nét văn hóa cổ của vùng đất Phố Hiến. Đình có kiến trúc theo phong cách hội quán Phúc Kiến. Thần tích đình Nôm kể (Theo cuốn Di tích lịch sử – văn hóa Hưng Yên):
Vào thời Tây Hán ở trang Vân Mẫu thuộc đạo Bắc Giang có người con gái họ Phạm húy là Tĩnh. Năm 18 tuổi nổi tiếng về tài sắc nhưng nàng không muốn lấy chồng, chỉ một lòng theo đạo Phật. Nàng đến chùa Pháp Vân thấy cảnh chùa linh ứng phù hợp với tâm linh của mình liền xin tu ở chùa. Cò lần nàng ra sông Nguyệt Đức tắm, bỗng trời đất tối sầm, sóng gió nổi lên một con thuồng luồng quấn chặt lấy nàng. Đêm ấy nàng nằm mơ thấy mình nuốt vầng trăng vào bụng, từ đó mang thai. Đến ngày 10 tháng 2 năm Nhâm Thìn nàng sinh được người con trai khôi ngô tuấn tú, tướng mạo khác thường, đặt tên là Tam Giang.
Lớn lên Tam Giang trở thành trang nam nhi dũng lược, văn võ kiêm toàn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, Tam Giang đứng lên chiêu mộ trai tráng quanh vùng tham gia và được cử làm Điện tiền chỉ huy tướng quân…
Sau một thời gian quân của Hai Bà Trưng đánh thắng giặc Hán… Tam Giang trở về trấn sở ở trại Đồng Cân, trang Đồng Xá sinh cơ lập nghiệp. Thấy cháu gái Triệu Đà là Triệu Mỵ Nương xinh đẹp nết na, Tam Giang lấy làm vợ. Từ đó nhân dân trại Đồng Cân được sống yên vui.
Ba năm sau nhà Hán cử Mã Viện sang xâm lược. Tam Giang ra trận nhưng thế giặc mạnh, quân ta bị thua. Tam Giang cùng mẹ và vợ xuống thuyền ở bến đò sông Nguyệt Đức rồi vùng tuẫn nạn trên sông.
Hiện đình Nôm thờ thánh Tam Giang, còn bà mẹ Phạm Tĩnh và vợ ông là Triệu Mỵ Nương được thờ tại chùa Nôm. Câu đối ở nghi môn đình Nôm:
生為將死為神萬古英靈桐嶺峙
功在徴名在漢一心忠義徳江清
Sinh vi tướng tử vi thần vạn cổ anh linh Đồng lĩnh trĩ
Công tại Trưng danh tại Hán nhất tâm trung nghĩa Đức giang thanh.
Dịch:
Sinh là tướng chết là thần, vạn cổ anh linh cao Đồng Lĩnh
Công ở Trưng danh ở Hán, một lòng trung nghĩa sáng Đức Giang.
Hay câu đối khác:
六十城東洛大都漢氏山河幾可轉
百千載南朝名蹟徵家義烈豈能磨
Lục thập thành Đông Lạc đại đô, Hán thị sơn hà ki khả chuyển
Bách thiên tải Nam triều danh tích, Trưng gia nghĩa liệt khải năng ma.
Dịch:
Sáu mươi thành đô lớn Đông Lạc, thời Hán núi sông mà lay chuyển
Trăm ngàn năm tích nổi Nam triều, nhà Trưng công nghĩa chẳng từ nan.

Ban thờ mẹ và vợ thánh Tam Giang ở chùa Nôm.

Vấn đề là một “Điền tiền chỉ huy tướng”, tức là chức vụ cầm đầu quân đội, của Hai Bà Trưng lại lấy vợ và cháu gái Triệu Đà. Triệu Đà là vua nước Nam Việt từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, thời Tây Hán. Cháu gái Triệu Đà đến năm 40 sau Công nguyên đã ngoài trăm tuổi, sao lại còn lấy chồng là đại tướng của Trưng Vương? Liên hệ giữa nhà Triệu Nam Việt và Trưng Vương là như thế nào?
Ở Hưng Yên còn một di tích khác vời thần tích nêu cụ thể về thời gian giữa nhà Triệu và Trưng Vương. Đình và đền thôn Thượng Bùi ở xã Trung Hòa, Yên Mỹ kể:
Ở động Hoa Lư, huyện An Khánh, phủ Trường An, châu Ái có người tên là Ngô Thông vốn dòng dõi thế gia. Ngô Thông làm đến chức Phủ doãn phủ Hà Trung. Lại có người tên là Phạm Cầu, người động Nga Sơn, huyện Thanh Sơn, phủ Hà Trung, làm đến chức Thái phó ở đời Triệu Ai Vương, được bổ nhiệm làm Bộ chúa Hải Dương… Hai họ Ngô Phạm thân thiết với nhau và có giao ước sẽ kết gả con cho nhau.
Ngô Công sinh con trai đặt tên là Ngọ. Nhà họ Phạm sinh hai con gái, đặt tên là Nga Nương và Châu Nương…
Năm Ngọ Công 11 tuổi cha bị quân Hán giết hại, mẹ sau cũng mất theo. Ngọ Công trở thành mồ côi, tìm đến nhà Phạm Công nương nhờ. Khi Ngọ Công 17 tuổi Phạm Công gả Nga Nương cho Ngọ Công. Lúc ất Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh Tô Định. Ngọ Công và Nga Nương đem quân tướng bái yết Trưng Vương. Trưng Vương phong cho Ngọ Công làm Than tán quốc chính thượng tướng quân Ngọ Phong Hầu và Nga Nương là Thống Lĩnh tả hữu nội vệ nữ tốt Nguyệt Nga công chúa…
Như vậy, Phạm Công người Thanh Hóa, làm chức Thái phó đời Triệu Ai Vương (117 TCN – 112 TCN). Thế mà con là Nguyệt Nga khi mười bảy đôi mươi lại là tướng thống lĩnh nội vệ của Trưng Vương. Tất cả những thần tích nêu trên ở Hưng Yên chỉ ra rõ ràng rằng có một khởi nghĩa Trưng Vương xảy ra không phải vào thời Đông Hán sau Công nguyên, mà là ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt bị nhà Tây Hán diệt. Chuyện này là thế nào?
Nhà Triệu Nam Việt thành lập từ thế kỷ 2 trước công nguyên, đô đóng Phiên Ngung (Quảng Đông), truyền tới Triệu Vệ Dương Vương thì bị nhà Tây Hán tấn công. Thừa tướng ba đời nhà Triệu là Lữ Gia cùng với vua Triệu và gia quyến đã lên thuyền rời kinh đô đi về phía Tây, tức là về vùng duyên hải Giao Chỉ lúc đó. Lữ Gia và Triệu Vệ Dương Vương bị quân Hán truy sát, bị bắt và tử tiết ở cửa sông Đáy đổ ra biển. Truyền thuyết Việt chép thành chuyện Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) bị Lý Phật Tử đuổi, ra đến cửa Đại Nha thì đi ra biển mà mất. Còn thừa tướng Lữ Gia là tướng Lý Phục Man của Lý Nam Đế, sau khi tử trận đã được tùy tướng là Trương Hống Trương Hát đem về chôn cốt ở làng Giá – Yên Sở đầu sông Đáy.
Trương Hống Trương Hát chính là Nhị Trưng Vương, làm nên cuộc khởi nghĩa tiếp theo ở Phong Châu. Nhị Trưng Vương là con gái thừa tướng Lữ Gia và là hoàng phi của Triệu Vệ Dương Vương. Vì vậy Trưng nữ vương mới lấy cửa sông Đáy (Hát Môn) làm nơi phất cờ khởi nghĩa đền nợ nước Nam Việt đã mất và trả thù nhà là vua Triệu đã bị chết ở cửa Đại Nha. Các tướng lĩnh của Trưng Vương do vậy mới có thân phụ làm quan cho nhà Triệu còn con thì cùng Trưng Vương trả thù nhà, đền nợ nước.
Thánh Tam Giang ở đình Nôm lấy cháu gái Triệu Đà tức là hoàng thân quốc thích của nhà Triệu Nam Việt và của Trưng Vương. Đức thánh do vậy nhận chức Điện tiền chỉ huy, tổng quản quân đội là hợp lý. Tam Giang thực ra là Tam Xuyên, là quận mà nhà Tần đã lập ra khi chiếm đất nhà Chu ở Giao Chỉ. Thánh Tam Giang là vị tướng cai quản vùng Tam Xuyên (Giao Chỉ) thời Trưng Vương.
Tư liệu dân gian cho thấy sử Việt đã chép thiếu khởi nghĩa của Nhị Trưng Vương dưới thời Tây Hán. Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Phong Châu là nhằm phục quốc Nam Việt của nhà Triệu, nối tiếp ý chí chống Hán của thừa tướng Lữ Gia. Quốc thống và dòng dõi nhà Triệu, triều đại xưng Nam đế, xưng Việt đế đầu tiên trong lịch sử, không mất mà còn nối tiếp bởi các hoàng phi họ Lữ và sau đó là nước Nam Triệu ở vùng Tây Bắc Việt.