Vài điều về thời dựng nước trong Lĩnh Nam chích quái

Những mẩu truyện trong Lĩnh Nam chích quái là những thông tin hết sức cô đọng về quá khứ của người Việt từ đầu thời kỳ dựng nước. Có nhiều chi tiết trong các chuyện này, đọc đi đọc lại mà không khỏi giật mình vì sự xác tín và thâm sâu của nó. Người Việt đã dùng truyền thuyết lưu lại lịch sử của mình một cách khéo léo nhưng cũng rất rõ ràng. Chỉ là chúng ta “có mắt không tròng” mới đọc mà không hiểu những nhắn gửi của tiền nhân để lại.
Ví dụ, Truyền đầm Dạ Trạch kể: Đồng Tử trở về giảng lại đạo Phật, Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, chợ búa, cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo. Trên đường viễn hành, trời tối mà chưa tới thôn xá, hai người tạm nghỉ ở giữa đường, cầm trượng che nón mà trú thân. Đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng, đền đài, dinh thực, phủ khố miếu xã, vàng bạc châu báu, giường chiếu chăn màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ, la liệt trước mắt. Sáng hôm sau ai trông thấy cũng kinh lạ, đem hương hoa, ngọc thực tới dâng mà xin làm bề tôi. Có văn võ bách quan chia quân túc vệ, lập thành nước riêng.
Truyện kể rất rõ ràng, Chử Đồng Tử sau khi lấy con gái vua đã lập thành một nước riêng, có văn võ bách quan, có quân đội, có thành quách… Tức là Chử Đồng Tử đã lập ra một triều đại riêng, tuy không phải chính thống theo lối thiện nhượng như Sơn Tinh (vì lấy con gái vua mà chưa được đồng ý). Đối chiếu với Hoa sử thì đây là chuyện của Hậu Nghệ, nhân lúc vua Hạ Thái Khang ham chơi săn bắn đã chặn đường về mà đoạt ngôi. Nhà Hạ bị gián đoạn tới Hạ Thiếu Khang mới lại trung hưng.

Lau dai Da Hoa

Cổng đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử với 4 chữ Cận thủy lâu đài.

Câu đối trên cổng đền Đa Hòa ở Khoái Châu về Chử Đồng Tử:
淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
Một câu chuyện khác cũng về thời kỳ vươn ra biển Đông của người Việt là Truyện dưa hấu. Truyện bắt đầu như sau: Về đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai Tiêm vốn người ngoại quốc, khi lên 7, 8 tuổi, vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. Kíp tới khi lớn lên diện mao đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yến, hiệu là An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái…
Mai An Tiêm như thế là một “người ngoại quốc”. “Ngoại quốc” thời Hùng Vương thì chỉ có thể là từ nước Hồ Tôn ở phía Nam. Truyện Mai An Tiêm từng được xác định cũng là sự tích thánh mẫu Thiên Y A Na của vùng miền Trung Việt. An Tiêm = Thiên Yên = Thiên Y A Na. Trong truyền tích Thiên Y A Na lấy hoàng tử Bắc Hải cũng sinh được một trai và một gái, đặt tên là Tri và Quí, rất khớp với Truyện dưa hấu kể rằng An Tiêm sinh được một trai một gái.
Biểu tượng của thánh mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa là loài chim Yến hay chim Tinh Vệ, tha đá ở núi Tây mà lấp biển biển Đông. Còn Mai An Tiêm vốn có tên là Mai Yến, là tên của loài chim này (loài chim đã mang hạt dưa tới cho An Tiêm?). Mai là hướng mặt trời lên (ban mai) hay hướng Đông, được biểu trưng bằng số 8 (Bát) trong Hà thư. Có lẽ Bát Hải đã bị chép nhầm thành ra Bắc Hải, chỉ vị hoàng tử chồng của Thiên Y An Na.
Truyện Đổng Thiên vương thì có đoạn kể Long Quân hiển hiện thành một cụ già tới gặp vua Hùng và nói: Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi có thể dẹp được giặc vậy.
Lời nhắn nhủ của Long Quân rất kỳ lạ. Khi thắng được giặc thì các tướng có công sẽ được phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Đây chính là nói tới việc bắt đầu của chế độ “phong kiến”, phân phong và kiến lập của các chư hầu nhà Chu. Thánh Dóng là vị tướng dẫn đầu quân đội của nhà Chu tiến đánh Ân Trụ Vương. Đối chiếu theo Hoa sử thì có thể Thánh Dóng tương ứng với là Khương Thái Công Lã Vọng. Phải chăng Vọng là biến âm của Dóng? Chuyện Văn Vương cầu hiền gặp được Lã Vọng cũng tương tự như việc vua Hùng cầu người tài đánh giặc Ân vậy. Sau khi thành đại nghiệp Lã Vọng được kiến phong đất ở nước Tề, gọi là Khương Thái Công. Câu nói của Long Quân trong truyện là bằng chứng về khởi điểm chế độ phong kiến, thiên tử – chư hầu của thời Hùng Vương (thời Chu) tại nước ta.
Chế độ phân phong này còn được nhắc đến trong một truyện khác của Lĩnh Nam chích quái. Truyện bánh chưng bánh dày có đoạn: Vua bèn truyền ngôi cho Liêu, anh em hai mươi mốt người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau các tướng tranh giành nhau thường dùng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự…
Rõ ràng đây là chuyện phân phong và kiến lập các chư hầu. Lang Liêu hay Văn Lang là Chu Văn Vương, người đã tác Dịch, được truyền thuyết kể là làm ra bánh chưng bánh dày (bánh trăng bánh giời hay âm dương, tròn vuông). Nhà Chu đã phân phong cho các công thần và anh em trong dòng tộc cùng họ Cơ các vùng đất, sau thành các nước chư hầu. Các nước chư hầu tới thời Đông Chu thì nổi lên bá đạo, rồi vương đạo, tranh giành nhau qua các thời Xuân Thu Chiến Quốc, đúng như truyện kể trên. Thậm chí truyện còn dùng cả hình ảnh thực tế là cái hàng rào gỗ để ghi nhận sự tranh giành giữa các chư hầu, 21 người anh em của Lang Liêu…

Ho Phung Di

Núi Trâu Sơn nhìn từ hồ Phùng Dị (Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh).

Đặc biệt có một địa danh rất linh thiêng của nước Việt cổ, được nhiều truyện trong Lĩnh Nam chích quái nhắc tới, đó là núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, gần khu vực Lục Đầu giang. Đây là nơi Thánh Dóng đánh giặc Ân theo truyền thuyết. Vua Ân chết tại trận ở núi này và được lập đền miếu. Truyện Giếng Việt kể tới thời Tần Nhâm Hiêu làm quan ở Long Xuyên, có Thôi Vĩ là con của ngự sử đại phu nhà Tần (Thôi Lượng) sau khi chữa bệnh cho Nhâm Hiêu thì ngã xuống giếng tại núi Trâu Sơn. Thôi Vĩ gặp một con rắn trắng lớn, trên trán có chữ Vương Kinh Tử (dòng dõi của Kinh Vương hay Lạc Vương?). Rắn dẫn Thôi Vĩ gặp Ân hậu… Khi trở về có Dương quan đưa đường. Dương quan sau đó hóa thành con dê đá ở sau chùa Triệu Việt Vương.
Còn Truyện đầm Nhất Dạ cho biết: Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập làm Triệu Việt Vương, xây thành ở Trâu Sơn huyện Vũ Ninh.
Truyện Rùa vàng, bản A.2107 chép: Về sau nhà vua nhiều lần phá quân Tần Triệu Đà. Đà đóng quân ở Trâu Sơn cùng quân nhà vua đối lũy…
Theo tư liệu này thì Triệu Đà là quân Tần, hay Trọng Thủy là Tần chứ không phải Triệu. An Dương Vương mất nước vào tay nhà Tần chứ không phải Triệu Việt Vương sau này.
Như thế nếu theo các truyện này núi Trâu Sơn ít nhất có các di tích sau:
– Chiến trường Thánh Dóng đánh giặc Ân.
– Miếu Ân Vương.
– Giếng Việt.
– Nơi Triệu Đà (Tần) đóng quân khi đánh An Dương Vương.
– Thành của Triệu Việt Vương thời Tiền Lý Nam Đế.
– Chùa Triệu Việt Vương và con dê đá hóa hình của Dương quan.

Chua Huu Bang

Chùa Hữu Bằng (Ngọc Xá, Quế Võ, Bắc Ninh) ở chân núi Trâu Sơn.

Theo các tư liệu địa chí của Bắc Ninh thời Nguyễn thì những di tích này từng tồn tại ở đây. Núi Trâu Sơn ở Bắc Ninh nay là khu vực huyện Quế Võ với các cái tên xã rất “cổ tích” của miền Giếng Việt: Châu Cầu (Châu = Trâu, có chùa Cô Tiên – nơi Thôi Vĩ gặp tiên nữ Ma Cô?), đầm Thất Gian (nơi Thánh Dóng nhổ tre đánh giặc), Ngọc Xá (liên quan đến viên ngọc Long Tụy?), hồ Phùng Dị (nơi Thôi Vĩ gặp sự lạ, rơi xuống giếng?). Trâu Sơn như vậy là nơi giao thời của các triều đại: từ Thương sang Chu, Chu sang Tần, Tần sang Triệu.
Một câu đối ở chùa Hữu Bằng tại chân núi Trâu Sơn:
有憑灵寺傳自古
樓臺經始永千秋
Hữu Bằng linh tự truyền tự cổ
Lâu đài kinh thủy vĩnh thiên thu.
Quanh núi Trâu Sơn như thế là một khu vực rất đáng được tìm hiểu cặn kẽ cả về mặt sự tích dân gian cũng như khả năng phát hiện những di chỉ khảo cổ của thời kỳ trước Công nguyên.

Bàn thêm về Sỹ Nhiếp và Tứ pháp

Thần tích xã Đặng Xá ở Ân Thi, Hưng Yên cung cấp một số chi tiết khác về sự tích Man Nương và tục thờ Tứ pháp. Ngay ở đầu thần tích cho biết:
Tương truyền vào cuối đời Hán Minh Đế có một nhà sư tên là Khâu Đà La vốn dòng đạo Bà La Môn ở nước Thiên Trúc“.
Thông tin rất rõ ràng, Khâu Đà La là một nhà sư theo đạo Bà La Môn. Trong bài trước về Sỹ Nhiếp đã bàn, bản chất của tục thờ Tứ pháp là thờ thần dông tố Indra của đạo Bà La Môn. Cũng theo thần tích này thì chính Sỹ Nhiếp là người cho tạc tượng Tứ pháp và phổ biến tục thờ Tứ pháp ở khu vực miền Bắc. Như thế Sỹ Nhiếp có thể cũng là một tu sĩ theo đạo Bà La Môn, hoặc chí ít thì tín ngưỡng chính của Giao Châu thời Sỹ Nhiếp là đạo Bà La Môn, chứ không phải đạo Phật như vẫn nghĩ.

Chua DauCổng chùa Đậu ở Thường Tín.

Thần tích còn cung cấp thông tin rằng với sự “tư vấn” của thầy địa lý Quách Thông, tượng Pháp Vũ đầu tiên được dựng thờ ở chùa Thành Đạo, thuộc Sơn Nam, ở địa phận xã Gia Phúc, tổng La Phù, huyện Thượng Phúc. Địa chỉ này nay khớp với chùa Đậu ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đậu cũng có nghĩa là Thành (Đạo).
Đặc biệt, thần tích Đặng Xá cho biết Sỹ Nhiếp đã chọn chỗ này để xây dựng Kính Thiên điện. Ở chùa Đậu tới nay còn lưu giữ cuốn sách bằng đồng do Sỹ Nhiếp viết. Trong sách đồng có đoạn tả cảnh chùa:
Đồng bằng bát ngát nẩy toà sen
Phật ngự trang nghiêm tựa động tiên
Đất phúc xây nên cung Nguyệt Điện
Trời Nam riêng hẳn cảnh thiên nhiên
Lô hương khói toả tan niềm tục
Hồ ngọc trăng soi rõ cửa thiền
Công đức từ bi bao xiết kể
Công lao vô lượng lại vô biên.
Bài thơ trong sách đồng như thế cũng nói tới một cung điện đã từng được dựng ở đây. Nội dung của bài thơ này có thể thấy tương tự bài thơ chép trong thần tích Đặng Xá:
Trùng trùng dũng địa xuất hồng liên
Chính khí chung lại bảo điện tiền
Lệ nhuận tây thiên tân đông vũ
Hùng khoa nam hải cựu sơn xuyên
Ngọc khê nguyệt đạm khai từ kính
Hương các phong lại tấu tuệ huyền
Tối thượng cập nhập đa phúc trạch
Huyền công vô lượng cánh vô lương.
Những thông tin trên rất hữu ích, là chỉ dẫn để hiểu thêm về di tích chùa Đậu và có thể là đầu mối để tìm kiếm vết tích của một cung điện cổ của Giao Châu từ thế kỷ thứ 3 ở chỗ này.

Bia chua DauBia Tu tạo Pháp Vũ tự ở chùa Đậu.

Đôi câu đối ở chùa Đậu cũng ghi nhận sự tích về Tứ pháp và Sỹ Nhiếp:
天使甘霖南越遥傳千古蹟
地開明鏡士王屹立萬年祠
Thiên sử cam lâm, Nam Việt diêu truyền thiên cổ tích
Địa khai minh kính, Sĩ Vương ngật lập vạn niên từ.
Dịch:
Trời khiến mưa lành, Nam Việt truyền xa tích thiên cổ
Đất mở gương sáng, Sĩ Vương dựng cao đền vạn năm.
Vế đầu câu đối nói tới Tứ Pháp (ở đây là Pháp Vũ – mưa) là tích truyện cổ truyền ở nước Nam Việt. Vế đối sau kể tại đất này Sĩ Vương đã cho dựng một ngôi đền cao.

Chinh dien chua Dau

Chính điện thờ của chùa Đậu.

Theo thần tích Đặng Xá trong 3 pho tượng còn lại thì tượng thánh Pháp Điện đặt tại chùa Trí Quả, gần với chỗ ở của thánh mẫu Man Nương. Chùa Trí Quả là chùa Dàn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi thờ Pháp Điện. Tuy nhiên, cũng địa điểm xã Trí Quả là nơi đã phát hiện tấm bia Xá lợi tháp minh thời Tùy. Tấm bia nói về việc Tùy Văn Đế năm Nhân Thọ nguyên niên (601) đã cho nhập xá lợi Phật vào chùa Thiền Chúng ở Giao Châu.
Có thể thấy, chùa Thiền Chúng được nói đến ở đây phải là chùa Dâu, nơi thờ Pháp Vân, cùng trong hệ thống Tứ pháp ở Thuận Thành. Chùa Dâu còn có tên là Thiền Định. Có thể từng được gọi là Thiền Chúng. Hoặc Thiền Chúng đọc phản thiết cho chữ Chiền, chỉ ngôi chùa nói chung. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời kể của Cổ Châu Phật bản hạnh, một tư liệu cổ của chùa Dâu, kể rằng Tùy Văn Đế đã nhập xá lợi vào “chiền Cổ Châu”:

Thời ấy có ông Lưu Chi
Tâu rằng nhà Tùy Cao đế niên gian
Năm hòm xá lỵ Bụt quan
Giữa huyện Siêu Loại là chiền Cổ Châu
Danh lam bảo tháp phù đồ
Cao dự nghìn trượng khỏe phò thánh cung.

Thap Hoa Phong

Tháp Hòa Phong, bia tứ diện và con cừu đá chùa Dâu.

Tháp xá lợi thời Tùy chính là ở chỗ tháp Hòa Phong nay của chùa Dâu. Tấm bia tứ diện dưới chân tháp Hòa Phong cũng xác nhận sự kiện này.
Đôi cừu đá, một ở tháp Hòa Phong, một ở lăng mộ Sỹ Nhiếp là tượng chứng về một thời kỳ Giao Châu tự chủ và sự du nhập của đạo Bà La Môn vào Giao Châu qua tín ngưỡng Tứ pháp, cầu mưa.

Sự tích Man Nương

Thần tích xã Đặng Xá, huyện Ân Thi, Hưng Yên, chép theo sách Truyền thuyết dân gian người Việt (quyển 2), Kiều Thu Hoạch chủ biên, NXB KHXH, 2014.

Tương truyền vào cuối đời Hán Minh Đế có một nhà sư tên là Khâu Đà La vốn dòng đạo Bà La Môn ở nước Thiên Trúc, tay cầm gậy thần xích chu du bốn bể mười phương. Sư đến thành Luy Lâu, hồi đó là trị sở của Sĩ Vương. Trong thành có một viên quan tên là Tu Định, là người Siêu Loại. Tu Định thấy Đà La có khí độ thần tiên phơi phới, bèn mời về nhà riêng. Đà La về nhà Tu Định ở. Nhà sư thanh tịnh nhiều ngày không ăn uống. Tu Định thấy vậy lấy làm lạ, nảy sinh lòng kính ngưỡng. Nhà Tu Định có cô con gái tuổi mới mười hai, đêm đến khêu đèn thắp nhang rất là kính cẩn. Nhà sư thấy cô bé nhỏ tuổi mà có lòng thành như vậy cũng lấy làm lạ bèn đặt cho cái tên là Man Nương. Hơn một tháng thì sư xin về. Tu Định muốn giữ lại, liền cúi đầu xin được độ làm đệ tử. Vì thế sư lưu lại bảy hôm nữa, vời Man Nương đến trước mặt, sư xoa đầu cô mà phán rằng: “Mi đã thành pháp bảo của ta. Ta rất yêu mi!”. Nhân đó lại bảo Tu Định rằng: “Sau ba năm trời đại hạn, chẳng những lúa má cháy khô mà cả người và gia súc cũng không có chỗ nào mà uống. Nay ta giúp cho gia đình nhà ngươi sống qua lúc đó”. Nhà sư lấy gậy thần xích cắm xuống vườn nước bèn vọt lên. Tu Định theo đúng chỗ đó đào một cái giếng để phòng ngừa hạn hán. Nhà sư bèn từ giã vào núi.
Hồi ấy Man Nương đến tuần cập kê, chưa lấy chồng mà đã có chửa. Tu Định xấu hổi hỏi vặn con: “Mày không chồng mà có chửa là lỗi tại ai?”. Nhà sư chưa kịp vân du mà đã nghe được lời căn vặn con của Tu Định, bèn mỉm cười phán rằng: “Hãy nhịn, nhịn, nhịn… mọi điều oan gia từ đây sẽ hết”. Tu Định lĩnh hội được ý của sư, ông nuôi dưỡng Man Nương chu đáo. Nàng có mang đẫy mười bốn tháng, đến giờ Ngọ ngày mồng Tám tháng Tư năm Giáp Ngọ, sinh được đứa con gái. Nàng ẵm con vào rừng tìm sư, lúc đến nơi nhà sư cất tiếng gọi con: “Hỡi đứa con của Đà La”, bèn ẵm đứa bé vào trong rừng sâu hô to lên rằng: “Hỡi các cây gỗ to! Cây nào ẵm đứa con này cho ta thì mở lòng ra mà nhận. Sau này sẽ làm thiên thần, hưởng sự thờ cúng của thế gian, lưu truyền vĩnh viễn muôn đời”.
Có một cây to vui vẻ trả lời: “Tôi xin giữ đứa trẻ này”. Cái cây ấy nứt ra, nhà sư liền đưa đứa bé ấy vào trong lòng cây gỗ. Cây gỗ từ từ khéo lại. Nhà sư đọc câu kệ rằng:
“Hình hài như nghịch lữ,
Tâm không cảnh diệc không
Ngưng nhiên nhất vị ngộ
Ứng vạn vật duyên đồng”.
Nghĩa là: Hình thể con người ở đời như cái quán trọ, trong lòng hư không tất cả đều hư không. Lặng thinh một mùi vị ngộ đạo, ứng tiếp vạn vật chung một nhân duyên.
Đọc xong cây kệ thì đi đâu mất không thấy xuất hiện. Man Nương cúi đầu lạy tạ rồi trở về nhà.
Hồi đó trời nắng hạn ba năm không có một giọt nước mưa. Các giếng khô kiệt, riêng có giếng nhà Tu Định nước lúc nào cũng đầy ăm ắp. Nhân dân trong thành nhiều người được uống nhờ ơn đức. Sĩ Vương nghe tin, liền hỏi nguyên nhân thế nào. Man Nương cho người đem đầu đuôi câu chuyện báo cáo cho Vương hay. Vương cho người vào núi tìm sư, ba lần đi ba lần về không, chẳng biết sư trụ trì ở đâu. Vương lại vời Man Nương đến truyền lệnh cho nàng vào rừng tìm sư về thành làm phù phép khu trừ hạn hán giúp nước cứu dân. Nàng vâng lệnh vào rừng, gặp sư ngồi nhập định dưới bóng cây to. Nàng bạch sư về sắc lệnh của Vương mời làm phép hộ quốc cứu dân qua cơn tai nạn. Sư nghe lời trở về, liền hô gió gọi mưa, biến hóa, bay nhảy trên không, hóa phép thư phù, chẳng đầy chớp mắt thì mưa đổ như trút. Khi ấy trong nước từ trên xuống dưới, không ai là không tỏ ra sung sướng, không một vật nào không tỏ vẻ sinh dưỡng trưởng thành.
Sau này gió bão nổi lên bật hẳn cây gỗ lớn theo lũ cuốn trôi xuống sông Long Biên, từ từ trôi đến bến thành Luy Lâu thì dừng lại. Mọi người đều nghe thấy trong thân cây văng vẳng có tiếng âm nhạc. Chẳng những thế mà cái cây cây gỗ lớn ấy còn tỏa ra mùi thơm ngào ngạt và dọi ánh hào quang rực rỡ. Dân đem việc lạ ấy tâu lên Sĩ Vương. Vương ngầm ra coi thấy quả nhiên như vậy. Ngày hôm sau Vương sai lực sĩ kéo cây gỗ lên bờ sông. Vương thấy cây gỗ rất chắc, có ý muốn xẻ ra để xây dựng điện Kính Thiên nhưng chưa quyết định. Đêm hôm ấy Sĩ Vương chiêm bao thấy một vị quan trưởng đầu đội mũ hoa đến trước mặt Vương nói: “Nay ta cùng ngài nên mở mắt mà coi: tám nghìn năm trở về trước, ta với ngài vốn là người quen thuộc”. Vương tỉnh dậy bèn đem việc chiêm bao ấy nói cho quân thần nghe. Trong số này có người nói: “Cây gỗ để ở bên thành rất thiêng sao không lấý nó để tạc thần tượng”. Ngay hôm ấy Vương cho mời người thợ mộc là Đào Độ cắt cây gỗ ra làm bốn đoạn để tạc bốn pho tượng. Ở giữa đoạn gỗ thứ nhất trong lòng có một hòn đá, người thợ mộc đem hòn đá ấy ra sông rửa, chẳng ngờ sểnh tay rơi xuống sông mất.
Sau khi tạc xong bốn pho tượng, Vương mở hội khánh thành, bỗng nhiên mây kéo đen nghịt, mưa đổ xuống, sấm nổi lên, chớp sáng lòe, nhân đó Vương đặt tên cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và viết bài thơ rằng:
Nam bang sơn nhạc giáng thần linh
Văn hiến khai đoan hiển Phật kinh
Thánh mẫu quả nhiên sinh thánh tử
Cam lâm nhuận trạch hậu dân sinh.
Nghĩa là: Núi non nước Nam có thần linh giáng thế, mở nguồn văn hiên cho nên kinh Phật được sáng rõ, mẹ thánh quả nhiên sinh ra con thánh, mưa ngọt nhuần thấm bồi đắp cuộc sống cho dân.
Vương bảo quần thần: “Sông núi giáng linh cho nên được bốn pho thần tượng này, thật là một sự kiện kỳ diệu của nghìn muôn năm. Hơn nữa thần còn hiển linh cứu hạn hán cho dân thật là tuyệt vời. Các người nên tìm nơi đất danh thắng, lập đền thờ phụng các ngài.”
Khi ấy có thầy địa lý chính tông tên là Quách Thông tâu rằng: “Bốn pho tượng thánh nên chia ra các đền để thờ phụng khiến cho ơn đức của thánh thấm đến muôn dân. Phương Nam của ta thuộc “bính đinh”, nếu được vị thần anh linh để trấn thủ thì thật là ngôi phúc tinh của một xứ sở vậy. Thần trước đây có đi qua Sơn Nam thấy ở địa phận xã Gia Phúc, tổng La Phù, huyện Thượng Phúc có một kiểu đất sơn thủy triều phục, ở giữa có một cái gò nổi lên hình như bông sen ở trong tấm gương sáng. Bên cạnh có chuông trống, đằng trước có hình nhà sư bái lễ. Đất này thật là đất danh lam thắng cảnh”.
Vương bèn thân hành đến thăm, nhìn khắp trước sau quả nhiên đúng như lời của Quách Thông. Vương bèn sai xây dựng lâu đài đồ sộ như điện Kính Thiên, cho rước tượng thánh Pháp Vũ về thờ và đặt tên là chùa Thành Đạo. Vua bèn đề thơ ở chùa, thơ rằng:
Trùng trùng dũng địa xuất hồng liên
Chính khí chung lại bảo điện tiền
Lệ nhuận tây thiên tân đông vũ
Hùng khoa nam hải cựu sơn xuyên
Ngọc khê nguyệt đạm khai từ kính
Hương các phong lại tấu tuệ huyền
Tối thượng cập nhập đa phúc trạch
Huyền công vô lượng cánh vô lương.
Dịch nghĩa: Hoa sen hồng điệp trùng nổi lên mặt đất. Chính khí hun đúc trước điện báu. Vẻ tươi đẹp nổi bật nếp lâu đài của trời Tây, thế hùng mạnh ca ngợi non sông cũ của biển Nam. Ánh trăng nhạt soi suối ngọc như mờ tấm gương từ bi. Gió thổi vào gác thơm như dạo khúc đàn trí tuệ. Nhiều phúc trạch thấm nhuần đến con người là điều hơn hết, công huyền diệu đã là vô lượng càng là vô biên.
Còn ba pho thần tượng mỗi pho thờ tại một nơi. Tượng thánh Pháp Vân đặt tại chùa Thiền Định; tương thánh Pháp Lôi đặt tại chùa Phi Tướng; tượng thánh Pháp Điện đặt tại chùa Trí Quả, gần với chỗ ở của thánh mẫu (tức thân mẫu của bốn vị thánh).
Tương truyền khi mới rước vào chùa, ba pho tượng đều nhẹ, riêng có pho tượng Pháp Vân rất nặng nhấc lên không được. Sĩ Vương vời người thợ đến hỏi, người thợ mộc đem cái vết hòn đá trong gỗ trình bày cho Vương biết. Vương liền cho người thuyền chài xuống sông mò hòn đá ấy. Họ thấy ánh hào quang rực rỡ ở dưới sông soi thấu vào người nên không dám đến gần. Thuyền chài lên tâu Vương. Vương liền sai Man Nương xuống sông tìm hòn đá ấy. Man Nương vâng lệnh đến bến sông. Khi đó, hòn đá bỗng nhảy lên bờ. Man Nương ôm hòn đá ấy về trình lên Vương. Vương cho thợ đặt nó vào pho tượng Pháp Vân, pho tượng bỗng nhẹ hẳn lên. Vương lấy làm lạ, bèn đặt tên cho pho tượng Pháp Vân là “Thạch Quang Vương Phật”. Qua đó mới hay đoạn gỗ tạc tượng Pháp Vân đúng là cái đoạn gỗ đã ôm “đứa bé của Đà La” do Man Nương sinh hạ. Nhân đó, Vường tưởng nhớ ơn đức của nhà sư Khâu Đà La, liên sai sứ giả mang hương hoa lễ vật vào rừng xanh lạy tạ. Song sứ giả không tìm thấy tung tích của sư đâu cả, mà chỉ thấy bài kệ vạch ở da cây:
Kham than tuế mạo lão dư linh
Thả hỉ bang gia tứ hải thanh
Yếu sử cơ niên quy khứ sở
Bạch vân thâm xứ tủng đình đình.
Dịch nghĩa: Đáng tiếc tuổi tác đã già. Song mừng thấy nước nhà thanh bình bốn bể. Qua một năm thấy chốn đi về. Đó là nơi mây trắng xa xăm, cao vời vợi.
Sư Đà La hóa đi hay là đi truyền giáo ở nước khác cũng không rõ dấu vết thế nào. Hiện tại trước cửa chùa Thiên Định có một cái mả, người đời đều kêu là mả Man Nương, còn gọi là mả thánh mẫu. Hiện còn di tích ghi lại để nhớ.
Sau này bốn vị thánh “Tứ Pháp” (Pháp Vũ, Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện) rất anh linh, các nơi đều có lập đền thờ phụng sự. Ngoài thân cây gỗ đã tạc tượng ra còn các cành cội của nó đều được nhân dân đến lấy về tạc tượng hoặc đem yểm tâm cho pho tượng sẵn có. Thánh Tứ Pháp rất anh linh, năm nào đại hạn, cầu đảo đều mưa, nhân dân cầu phúc, cầu tự, cầu tài đều linh ứng rất nhanh. Đức thánh Pháp Vân, trong nước những nơi danh lam thắng cảnh đều có thờ phụng, kể không sao xiết. Chẳng hạn chỉ kể một vài nơi ở Hưng Yên như xã Dị Sử ở Đương Hào, xã Cầu Tu và Đặng Xá ở Ân Thi, xã Bình Kiều ở Đông Yên đều có lập đền thờ. Từ Đông Hán đến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương gồm ba trăm bốn mươi chính năm, tựu trung có chùa Pháp Vân ở Đặng Xá đã được nước đảo dân cầu, đèn hương bất diệt, hiển ứng vô cùng. Trải các triều Đinh, Lê, Lý… khai sáng nghiệp lớn, các ngài đều hiển linh giúp nước giúp dân, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, cho nên lịch đại đế vương đều có gia phong duệ hiệu.

Quan hệ Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa: nhận định của Sử thuyết Hùng Việt

Trong bài trích từ sách của tác giả Lâm Thị Mỹ Dung đã dẫn một số ý kiến của các học giả, chủ yếu là các nhà khảo cổ học, bàn về mối liên hệ giữa nền văn hóa Sa Huỳnh với quốc gia Lâm Ấp và Chămpa. Sau đây là một số nhận xét theo Sử thuyết Hùng Việt giúp giải tỏa những vướng mắc trong mối quan hệ phức tạp của giai đoạn hơn 1000 năm lịch sử phương Nam này.
Trước hết là các học giả đều nhất trí, với sức sản xuất của nền văn hóa Sa Huỳnh, không kém gì văn hóa Đông Sơn, thì khu vực này chắc chắn đã phải xuất hiện “Nhà nước”. Nhưng tại sao sử sách không hề ghi chép gì về một nhà nước nào đã tồn tại ở miền Trung Việt Nam vào thời kỳ trước Công nguyên (niên đại của văn hóa Sa Huỳnh)?

Chien Quoc

Vị trí các nước thời Chiến Quốc theo Sử thuyết Hùng Việt.

Sử thuyết Hùng Việt giải đáp rõ ràng câu hỏi này. Khu vực miền Trung Việt cũng như miền Bắc Việt vào thời kỳ Đông Sơn – Sa Huỳnh đã hình thành các nhà nước quân chủ với trình độ phát triển cao. Đây là thời kỳ mà Hoa sử gọi là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Các nhà nước lúc này chính là các nước chư hầu của Trung Hoa, bao phủ trên toàn cõi Đông Nam Á. Cụ thể:
– Bắc Việt lúc đó là đất của nhà Đông Chu, nơi có thành Lạc Dương ở Cổ Loa của thiên tử Chu.
– Bắc Trung Bộ (Thanh Nghệ) và Tây Bắc – Lào là đất của nước Lỗ. Nước này vốn là đất phong của Chu Công Đán, quê hương của Khổng Tử, Lỗ Ban.
– Khu vực quãng từ Quảng Bình đến Nha Trang là đất của nước Yên, hoặc còn có tên khác là nước Cam. Cam = Chàm = Chiêm. Hoặc Cam Yên thiết Chiêm. Dấu vết của nước này là địa danh Cam Ranh – ranh giới phía Nam nước Cam. Hoặc trong cái tên An Chiêm mà Trần Nhân Tông từng gọi khi ông đi thăm khu vực Khánh Hòa. Nước này vốn là đất phong của Thiệu Công Thích, vị đại thần lập quốc của nhà Chu.
– Phía Nam của Cam Ranh là nước Phan với các địa danh Phan Rang (Phan Ranh), Phan Thiết… Sử cũ gọi là Phù Nam vì Phù Nam thiết Phan. Đây là nước không thấy nhắc đến trong thời Chiến Quốc, nhưng là đất phong của Tất Công họ Phan, vị quân chủ thứ 3 của Đông Đô nhà Chu. Sử Việt gọi là Phan Tây Nhạc.
Khoảng giữa thời kỳ Sa Huỳnh và Lâm Ấp các nhà khảo cổ biết rõ là có sự xen lẫn thời kỳ các hiện vật “Hán” phương Bắc. Tuy nhiên, sự xen lẫn này không phải bắt đầu vào thời Hán (dù là Tây Hán) mà trước đó 1 triều đại. Nhà Tần đã tấn công diệt Đông Chu từ năm 256 TCN dưới thời Tần Chiêu Tương Vương. Sau đó Tần Thủy Hoàng tiếp tục diệt các nước Lỗ và Yên ở phía Nam. Biên giới phía Nam nhà Tần khi thống nhất lục quốc đã tới miền “Bắc Hộ”, miền nhà cửa quay về hướng Bắc, tức là vùng Nam Trung Bộ Việt. Có thể Tần chưa chiếm tới vùng đất Phan ở xa hơn nữa về phía Nam.

Cac quan thoi TanCác quận cực Nam của nhà Tần.

Trên khu vực này Tần đặt ra các quận gồm:
– Lấy đất Đông Chu đặt thành quận Tam Xuyên hay Long Xuyên, là vùng Bắc Bộ Việt và một phần Quảng Tây.
– Nước Lỗ và một phần phía Bắc nước Yên xưa thành quận Lang Gia (Lang Gia thiết La = Lỗ).
– Hậu duệ nhà Chu được ân sủng đặc biệt của Tần đế, ban cho một vùng đất để sinh sống gọi là Đông Chu quân. Vùng đất này có thể chính là thành Châu Sa (Sa là thủ lĩnh, Châu = Chu) ở Quảng Ngãi.
Cũng vì khu vực Trung Bộ đã thuộc nhà Tần nên sang thời nhà Triệu vùng đất này thuộc luôn về đất của Nam Việt. Ta không hề thấy các vua Triệu cần phải đánh đấm gì ở phía Nam cả mà vẫn có vùng “Nhật Nam” sau đó ở Trung Bộ Việt. Các hiện vật khảo cổ khẳng định giai đoạn “thuộc Hán” hiện diện trên khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ.
Sang đến giai đoạn Lâm Ấp, có điểm quan trọng phải làm rõ. Các sử gia hiện tại đang hết sức sai lầm khi cho rằng Khu Liên khởi nghĩa và lập nước Lâm Ấp chỉ là khu vực Nam Trung Bộ. Chỉ cần điểm qua vài thông tin về khởi nghĩa Khu Liên cũng thấy sự thật không phải thế. Nơi Khu Liên khởi nghĩa được Thiên Nam ngữ lục chép là Tượng Quận. Các tài liệu khác gọi là vùng Tượng Lâm. Khởi nghĩa của Khu Liên đã giết cả thứ sử Giao Châu là Chu Phù. Như vậy Khu Liên không thể khởi nghĩa ở tận Nam Trung Bộ vì ở đó làm gì có Tượng Quận và làm gì có thứ sử Giao Châu nào ở tít trong đó. Khởi nghĩa Khu Liên thực chất nổ ra ở giữa vùng Tượng Quận – Quế Lâm, tức là từ đó đổ về Nam là đất của Lâm Ấp, bao gồm cả Giao Châu, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Chỉ khi nhận ra điểm kết nối này thì mới giải thích được tính liên tục của văn hóa Sa Huỳnh sang Lâm Ấp. Toàn bộ khu vực phương Nam từ vùng Tượng – Lâm ở Quảng Tây kéo dài xuống tới miền Bắc Hộ xưa của nhà Tần là nước Lâm Ấp của Khu Liên. Khu Liên mất, lịch sử Lâm Ấp lúc này mới tách dòng. Ở phía Bắc (Giao Châu) người kế tục Khu Liên là Sĩ Nhiếp, được nhà Hán buộc phải công nhận là thứ sử Giao Châu 7 quận gồm cả vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Phần Tây Bắc và có thể cả Bắc Trung Bộ thuộc một thủ lĩnh khác trong cùng liên minh Lâm Ấp là Mạnh Hoạch.

Lam Ap

3 phần của Lâm Ấp thời hậu Khu Liên.

Ở phần cực Nam của Lâm Ấp, Sĩ Nhiếp giao cho con của mình là Phạm Hùng cai quản. Tộc phả họ Phạm ở Quảng Ngãi chép là Đại lang Phạm Duy Hinh, con Phạm Duy Minh ở Đằng Châu (Giao Châu), làm vua cai quản tại thành Châu Sa – Quảng Ngãi.
Các nhà khoa học đã nhận định rất chính xác rằng Lâm Ấp ban đầu vốn là một quốc gia nói tiếng Nam Á, thuộc dòng Âu Lạc (xem bài đã dẫn của Lâm Thị Mỹ Dung). Bởi vì Lâm Ấp do Phạm Hùng cai quản hiển nhiên là dùng tiếng như ở Giao Châu (Phạm Hùng là con của Sĩ Nhiếp – Phạm Tu).
Một phát hiện gần đây cho biết Sĩ Nhiếp là một tu sĩ theo đạo Bà La Môn, thờ Tứ pháp, là đặc tính của thần Đế Thích – Indra trong Bà La Môn giáo. Khu vực mà Phạm Hùng cai quản do vậy cũng theo đạo này. Rất có thể cái tên Indrapura (chỉ phần đất/tộc người phía Bắc Chiêm Thành) là bắt nguồn từ tên thần Indra của Bà La Môn.
Sau khi Sĩ Nhiếp mất, Giao Châu thuộc về nhà Đông Ngô của Tôn Quyền. Hậu duệ của Sĩ Nhiếp bị Tôn Quyền phế bỏ. Với sự phát triển của dòng Thiền Phật giáo như Khương Tăng Hội ở Luy Lâu thì Giao Châu chuyển sang tín Phật. Trong khi đó khu vực còn lại của Lâm Ấp xưa ở Nam Trung Bộ do họ Phạm nắm giữ,  không thuộc Đông Ngô, vẫn tiếp tục truyền thống cũ của đạo Bà La Môn. Chỉ từ lúc này khái niệm Lâm Ấp mới dùng để chỉ riêng vùng Nam Trung Bộ Việt.
Họ Phạm ở Nam Trung Bộ sau đó nhiều lần tiến đánh đòi lại đất đai cha ông ở miền Bắc, cũng như mở rộng thêm các diện tích xa hơn về phía Nam. Lâm Ấp họ Phạm tồn tại mãi tới khi tướng Tùy là Lưu Phương dẫn quân tiến đánh năm 605 mới tạm chấm dứt. Cho tới lúc đó rõ ràng ngôn ngữ chính của Lâm Ấp là tiếng Việt – Nam Á.
Cần nói thêm rằng Nam Trung Bộ Việt là nơi hội tụ các ngôn ngữ của cả 2 dòng Nam Á và Nam Đảo rất sâu rộng. Ở đây (như trên Tây Nguyên) có thể bắt gặp các tộc người sống ngay cạnh nhau nhưng thuộc 2 nhóm ngôn ngữ khác nhau này. Đồng thời, tuy gọi là khác nhau nhưng mức độ hòa lẫn, giao thoa của các ngôn ngữ địa phương này lại rất lớn. Ngay tiếng Chăm ngày nay cũng có rất nhiều yếu tố Nam Á. Phải nói rằng Nam Trung Bộ là nơi xuất phát gốc của cả 2 dòng ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo. Vì thế, ở đây không thể hoàn toàn dùng ngôn ngữ để xác định lịch sử hay dân tộc được, khi không thể phân biệt đâu là Nam Á, đâu là Nam Đảo trong ngôn ngữ, ai là ngọn, ai là gốc.
Dù như thế nào thì từ góc nhìn của Sử thuyết Hùng Việt văn hóa Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa là sự tiếp nối và phát triển liên tục. Chính sự phát triển theo tiến trình của lịch sử mới dẫn đến những phân hóa về dân tộc và ngôn ngữ như ngày nay. Nhưng tất cả tộc Chăm và Việt vốn đều cùng một nguồn gốc ban đầu. Vùng Trung Bộ Việt vốn là đất phong Lỗ, Yên, Tề, Phan của những đại công thần lập quốc của nhà Chu. Tức là tất cả cùng một bà mẹ Âu Cơ sinh Bách Việt dưới thời thiên tử Chu của thiên hạ Trung Hoa.

Quan hệ Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa

Trích sách SA HUỲNH – LÂM ẤP CHĂMPA của Lâm Thị Mỹ Dung (2017).
LTMD1.2. Quan hệ Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa: Kết quả nghiên cứu và vấn đề.
… Bàn về những mối quan hệ Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa sớm đã có trên mười ý kiến và cũng khoảng chừng nấy đánh giá về chuỗi văn hóa – lịch sử Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa, tựu trung lại chúng có thể được nhóm vào hai dạng nhận định chính, dạng thứ nhất cho rằng Lâm Ấp – Chămpa có nguồn gốc từ Sa Huỳnh và dạng thứ hai thì ngược lại.
Dạng thứ nhất: Đây là những ý kiến thiên về sự chuyển tiếp rõ ràng từ thời Sa Huỳnh sang thời Lâm Ấp – Chămpa. Đại bộ phận các nhà khoa học đại diện cho ý kiến này chủ yếu dựa vào quan điểm duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, lôgic sử học… nhưng chưa đưa ra được nhiều những tài liệu khảo cổ học cụ thể do tình trạng thiếu vắng nghiên cứu khảo cổ học cư trú Chămpa những năm trước đây.

Hà Văn Tấn là người đại diện tiêu biểu cho ý kiến về dòng chảy văn hóa nối tiếp và liên tục giữa Sa Huỳnh và Chămpa khi ông cho rằng chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh nói tiếng Nam Đảo hay Mayo-Polynesien và văn hóa Sa Huỳnh kéo dài đến giáp Công nguyên. Nước Lâm Ấp của Khu Liên thành lập vào cuối thế kỷ 2 theo thư tịch cổ Trung Hoa theo ông chắc chắn là Chămpa, quốc gia của người Chăm, những chứng cứ khác là tấm bia Võ Cạnh đề cập đến quốc gia với người sáng lập là Sri Mara. Hà Văn Tấn cho rằng không thể đồng ý với quan điểm cho rằng người Chăm đã đuổi cư dân Sa Huỳnh đi để lập ngay các quốc gia của mình, theo ông, cách giải thích hợp lý nhất là cho rằng chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh là tổ tiên trực tiếp của những cư dân đã xây dựng các quốc gia Chămpa. Vào khoảng gần Công nguyên, cư dân Sa Huỳnh nói một thứ ngôn ngữ Nam Đảo không khác nhiều lắm thứ tiếng Chăm trên bia Đông Yên Châu thế kỷ thứ 4, nhưng trong khu vực văn hóa Sa Huỳnh, còn có những nhóm Nam Á cổ mà sự tiếp xúc lâu dài với các ngôn ngữ này đã làm cho tiếng Chàm có nhiều yếu tố Nam Á.
Đáng lưu ý là ý kiến sau đây của ông…: “Sức sản xuất của cư dân Sa Huỳnh không kém gì Đông Sơn. Phải chăng từ trong lòng văn hóa Sa Huỳnh, Nhà nước đã xuất hiện? Và quốc gia Chăm mà Khu Liên đã lập nên, phải chăng chỉ là sự tái sinh, sau một thời kỳ bị người Hán xâm chiếm? và phải chăng quốc goa Chàm ở phía Nam đèo Cù Mông, nơi quá xa sự khống chế của người Hán, là bộ phận vẫn tiếp nối nhà nước thời Sa Huỳnh?”…

Những ý kiến nhận định dạng thứ hai:
Diệp Đình Hoa trong nhiều bài nghiên cứu của mình luôn kiên trì quan điểm Trung và Nam Trung bộ thời sơ sử thuộc không gian văn hóa Việt cổ và chủ nhân của Lâm Ấp là một bộ phận người Âu Lạc, Chămpa sau đó thay thế Lâm Ấp. Theo ông:
i. Đất Việt Thường thị thời Hùng Vương là vùng Nghĩa Bình – Phú Khánh (…).
ii. Gốc nguồn của cư dân Lâm Ấp – Hoàn Vương liên quan đến những người Lạc Việt. Sau khi Âu Lạc bị diệt thì chỉ còn một bộ phận nhỏ của cư dân quận Nhật Nam giữ được vị trí độc lập của mình qua sự thành lập nước Lâm Ấp. Trước sự bành trướng xâm lược của phong kiến phương Bắc, chỉ có cư dân Văn Lang ở huyện cuối cùng của quận Nhật Nam là giữ được độc lập của mình qua sự thành lập nước Lâm Ấp;
iii. Nhà nước Chămpa thay thế nhà nước Lâm Ấp và sự phát sinh, hưng thịnh của vương quốc Chămpa đã làm cho lớp cư dân này (tức cư dân Lạc Việt, chủ nhân của Lâm Ấp) lên vùng Tây nguyên hoặc đi ra vùng biển cả mênh mông. Tuy vậy, theo ông vẫn có mối liên hệ giữa Lâm Ấp với Chămpa vì những thành tựu mà người Lâm Ấp, cư dân cũ của quận Nhật Nam thời Hùng Vương, tiếp thu từ Ấn Độ, sau này đã được vương quốc cổ Chiêm Thành phát huy một cách sáng tạo…
Không ít người thường có nhận định văn hóa Sa Huỳnh là nguồn gốc trực tiếp của văn hóa Chămpa, nhưng thực tế khảo cổ học với sự kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh còn có một khoảng cách vài thế kỷ mới đến sự hình thành vương quốc Chămpa. Đây chỉ là thời kỳ liên minh, liên hợp của nhiều tiểu quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Những cư dân của các tiểu quốc này có thể là người tiền Chămpa, hoặc những người thuộc ngữ hệ Nam Á, có những nhóm chịu tác động của Trung Quốc, có những nhóm chịu ảnh hưởng của Ấn Độ” (Diệp Đình Hoa)…

Ý kiến của Nguyễn Duy Hình:… địa bàn của Lâm Ấp chủ yếu phân bố từ Hoành Sơn đến đèo Cả. Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận không thuộc nước Lâm Ấp mà chỉ là bộ phận của nước Chiêm Thành tức Chămpa, cộng đồng Bắc – Lâm Ấp chịu ảnh hưởng của văn hóa Lạc Việt, văn hóa Trung Hoa sâu đậm, cộng đồng này cũng đã chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ sâu đậm hơn các quận Cửu Chân, Giao Chỉ phương Bắc.
… người Sa Huỳnh không phải là người Tiền Chămpa mà thị tộc Dừa và thị tộc Cau mới là người Tiền Chămpa…

Ý kiến của M. Vickery: trong công trình… Champa Revised…:
i. Lâm Ấp về mặt ngôn ngữ là Mon-Khmer do nhóm tộc người chính của Lâm Ấp là Mon-Khmer, có thể là nhánh Katuic, hay thậm chí nhánh của Vietic hay Việt – Mường.
ii. Lịch sử Lâm Ấp cần được tách ra khỏi Chămpa sớm.
iii. Chămpa chưa bao giờ thống nhất và những ghi chép chỉ đề cập tới một phần của Chămpa và không thể dùng tài liệu của từng phần ngoại suy cho phần còn lại.
iv. Từ ý trước, Chămpa cần được xem xét như thực thể tồn tại trong thời gian của ít nhất là ba vùng quan trọng ngang nhau. Đó là: 1. Bắc – gồm thung lũng sông Thu Bồn (Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương / Indrapura và mở rộng ở một khoảng thời gian nào đó đến Quảng Trị và Quảng Bình; 2. Nha Trang và 3. Phan Rang / Panduranga…