Ba vị Thánh tổ thời Lý

Không Lộ Lý triều quốc sư là một trong Tứ bất tử theo quan niệm dân gian của người Việt. Về thân thế và sự nghiệp của vị thiền sư này có rất nhiều truyền tích, kèm theo hàng chục các ngôi chùa lớn nhỏ và các đền, đình thờ Không Lộ ở khắp các miền duyên hải Bắc và Bắc Trung Bộ Việt đã làm cho vấn đề xác định xuất xứ và nhân thân của Không Lộ thiền sư trở nên rất khó khăn, là đề tài tranh luận của các nhà nghiên cứu văn hóa và tín ngưỡng trong nhiều năm qua, kể cả từ thời Nguyễn. Phổ biến nhất là vấn đề có 1 hay 2 vị Không Lộ thiền sư triều Lý. Bài viết này nêu lên thêm một nhận định, hy vọng góp phần nào vào việc tìm hiểu sự thực về thánh tổ Không Lộ.
Lĩnh Nam chích quái
, Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải:
Thiền sư Dương Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang huyện Hải Thanh, mấy đời làm nghề câu cá, sau bỏ nghề ấy mà đi tu, thường hay đọc kinh Đà La Ni. Thời Chương Thánh Gia Khánh cùng với bạn tu hành là Giác Hải ẩn dật ở chùa Hà Trạch, mặc áo vải, ăn rau, quên mình mà tu, không cầu bên ngoài, tâm thần tai mắt nhẹ nhàng sáng sủa, có thể bay lên không, đi trên mặt nước, phục được cọp, giáng được rồng, vô cùng kỳ lạ, người đời không sao lường biết được. Sau về quê xây chùa mà ở….
Thiền sư Giác Hải cũng là người huyện Hải Thanh, tu tại chùa Diên Phúc trong quận nhà. Sư họ Nguyễn, thuở nhỏ thích câu cá, thường lấy thuyền câu làm nhà, lênh đênh trên mặt nước. Năm hai mươi lăm tuổi mới bỏ nghề ấy, cắt tóc đi tu. Lúc đầu cùng Thiền sư Không Lộ ở chùa Hà Trạch, sau mới tìm về ở Hải Thanh. Thời Lý Nhân Tông, sư thường cùng sư Thông Huyền được triệu vào ngồi hầu trên ghế đá mát lạnh ở cung Liên Mộng. Bỗng một hôm có đôi tắc kè đang gáy, nhức tai điếc óc. Vua truyền Thông Huyền dùng phép để ngăn nó lại, Huyền lặng nhẩm thần chú, một con rơi xuống trước. Vua cười bảo với Giác Hải rằng: “Hãy còn một con xin để nhường nhà sư”. Sư liền đọc thần chú, trong nháy mắt con còn lại cũng rơi xuống đất. Vua kinh lạ, làm thơ rằng:
Giác Hải lòng như biển

Thông Huyền đạo cũng huyền
Thần thông thêm biến hoá
Một Phật một thần tiên.
Sự kiện 2 vị cao tăng diệt tắc kè có nhiều người xem qua nghĩ chẳng có gì là phép thần thông cả, sao lại được vua Lý tán dương như thế?
Thực ra, gọi là tắc kè chỉ là một cách kể. Đúng ra đây là tài: “phục được cọp, giáng được rồng”, vì tắc kè chính là hình ảnh của rồng.
Qua chuyện trên ta thấy Thông Huyền và Giác Hải là 2 người khác nhau. Bản Thánh tổ bản hạnh ở chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan) ở Hành Thiện (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) ghi: Thánh tổ Không Lộ đại pháp thiền sư sư giả, cựu danh Thông Huyền. Tức là: Vị sư Thánh tổ Không Lộ đại pháp thiền sư có tên cũ là Thông Huyền.
Sách Địa dư huyện Quỳnh Côi của tri huyện Ngô Vi Liễn, phần chép về xã La Vân, sự tích đức Không Lộ thuyền sư cũng nói, sau khi Từ Đạo Hạnh, Không Lộ và Giác Hải đi Tây phương trở về thì Không Lộ thuyền sư từ đấy phép Phật thông huyền, bay trên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ, thiên kỳ vạn quái, không ai biết đâu mà lường… Đến đời vua Lý Nhân Tôn ngài cùng thiền sư Giác Hải đã diệt 2 con tắc kè và được vua có thơ tán tụng.
Như vậy Không Lộ thiền sư ở vùng Nam Định từng có tên là Thông Huyền, là người đã cùng thiền sư Giác Hải đã làm phép giáng rồng (diệt tắc kè) thời Lý Nhân Tông. Đây là nhận định quan trọng thứ nhất, xác nhận vị thánh tổ Không Lộ đầu tiên là Thông Huyền ở vùng Giao Thủy Nam Định.
Cũng trong bản Thánh tổ bản hạnh ở chùa Keo ngoài kể Không Lộ và Giác Hải cùng quê Hải Thanh, làm nghề đánh cá, kết nghĩa làm anh em. Sau đó hai người đi sang Tây phương tìm đạo, giữa đường gặp Từ Đạo Hạnh, lại kết nghĩa giao nhượng. Đạo Hạnh làm huynh trưởng, Không Lộ làm huynh thứ, Giác Hải làm đệ.
Như vậy rõ ràng  Không Lộ – Thông Huyền và Giác Hải là 2 nhân vật khác nhau, kết nghĩa huynh đệ. Tuy nhiên, bản Thánh tổ sự tích ở đền chùa La Vân (Quỳnh Phụ, Thái Bình) lại ghi: Nhất phong Không Lộ Giác Hải đại vương. Danh phong “Không Lộ Giác Hải” còn gặp ở khá nhiều nơi khác, chỉ 1 vị thần. Ví dụ như ở xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), còn giữ được 3 sắc phong cho “Không Lộ Giác Hải chi thần“. Trong đình có bức tượng một vị thần cầm mái chèo lướt trên sóng.

Khong Lo Giac Hai.jpg
Tượng thần tại đình Quan Lạn.

Không Lộ Giác Hải được thờ như một vị thần bảo hộ cho ngư dân, tận Đà Nẵng vẫn có nơi thờ. Đình Nam Thọ (Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) có sắc phong cho “Khổng Lộ Giác Hải Đạt ma chi thần“.
Có thể thấy vị thần Giác Hải còn có tên được phong là Không Lộ hoặc được thờ cùng với tên Không Lộ như là 1 người. Vậy phải hiểu sao khi Không Lộ cũng là Thông Huyền như trên?
Bài minh trong khoa cúng Thỉnh Thánh tổ Không Lộ trong Tạp tiếu chư khoa có đoạn:
Ngưỡng khải thánh tổ minh
Phụ Lý thị Triều đình
Phụ cư Giao Thủy quán 
Mẫu tại Hán triền sinh
Biến hiện Không Lộ tính
Kết hữu Giác Hải tinh
Dự đồng Từ Đạo Hạnh
Ước vi tam đệ huynh…
Huấn đồng tử ca thanh
Triều đình sự bất minh
Dục dũ thiên tử bệnh
Tu đắc Không Lộ danh

Ở bài minh này nói tới “Không Lộ tính“, “Không Lộ danh“. Như vậy, vốn “Không Lộ” không phải là một tên riêng mà là từ chỉ một danh xưng cho người đắc đạo nào đó.
Khi hiểu như vậy sẽ giúp giải quyết vấn đề tên Không Lộ Giác Hải, nghĩa là vị thần Giác Hải còn được gọi bằng danh hiệu Không Lộ. Đây cũng là danh xưng của vị Thông Huyền trước đó.
Từ những điều trên, có thể nhận đình rằng và đầu thời Lý đã hình thành một dòng phái các thiền sư mang danh tính là Không Lộ. Người đầu tiên lập nên dòng phái tu này là Thông Huyền, người quê ở Giao Thủy, Hải Thanh. Người thứ hai được nhận danh hiệu này là Giác Hải quê Hải Thanh, là em kết nghĩa của Thông Huyền. Rất có thể vị Không Lộ được nói tới, với quê ở Hán Lý (Ninh Giang, Hải Dương) là vị Giác Hải này.
Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không trong Lĩnh Nam chích quái kể:
Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (còn có tên là Gia Viễn) đất Trường An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo, trải hơn mười năm. Đạo Hạnh thấy người tiết tháo bèn truyền tâm ấn, lại đặt tên cho. Kíp tới khi Đạo Hạnh sắp tạ thế bảo Minh Không rằng: “Xưa tôn sư của ta tu đã tròn quả phúc mà còn bị cái nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thuở mạt thế huyền vi này, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng.
Nguyễn Minh Không sau đó đã chữa bệnh hóa hổ cho hậu kiếp của Từ Đạo Hạnh là vua Lý Thần Tông và được phong là Lý triều quốc sư.
Nguyễn Minh Không quê Đàm Xá (Ninh Bình) là lớp học trò của Từ Đạo Hạnh, nên cũng là hậu bối của Thông Huyền và Giác Hải. Tuy nhiên, Nguyễn Minh Không này cũng hay được gọi là Không Lộ thiền sư, rất nhầm lẫn với Dương Không Lộ. Từ những nhận xét trên có thể thấy Nguyễn Minh Không cũng là một vị thiền sư đạt được danh hiệu Không Lộ, nối tiếp dòng phái tu từ Thông Huyền và Giác Hải.
Một dẫn chứng khác là ở đền Phả Lại (Quế Võ, Bắc Ninh), thờ cùng lúc 2 vị là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Tương truyền 2 vị này đã từng hưng công chùa này.

IMG_7660 (2).JPG
Bia Phả Lại tự bi

Như vậy, do Không Lộ là một danh hiệu, chỉ người đứng đầu dòng phái tu Không Lộ, nên ít nhất có tới 3 Không Lộ thiền sư:
1. Người sáng lập ra dòng phái này là Thông Huyền ở Giao Thủy. Vị Không Lộ thứ 1 này được biết với công trạng chém thần rết ở cửa biển Giao Thủy và được thờ như thần phù hộ nghề chài lưới.
2. Người kế nhiệm là Giác Hải, cũng từng mang danh là Không Lộ, quê gốc ở Hải Dương, là em kết nghĩa của Thông Huyền. Rất có thể Giác Hải là người đã học được nghề đúc đồng (khi đi phương Tây?) và là người khởi xướng việc đúc An Nam tứ đại khí. Vị Không Lộ tổ nghề đúc đồng là thiền sư Giác Hải.
3. Người thứ ba, là học trò/hậu bối của 2 vị trước, là Nguyễn Minh Không ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình). Nguyễn Minh Không có quan hệ mật thiết với vị tổ Thông Huyền, có thể là con hoặc học trò. Nguyễn Minh Không là một thầy thuốc danh tiếng, đã chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông và được phong là Lý triều quốc sư.
Cũng vì lý do có tới 3 vị thánh tổ Không Lộ ở các thời gian khác nhau như vậy nên Không Lộ thiền sư được dân gian tôn là một trong các vị thần bất tử.

IMG_1730.JPG
Cổng đền thánh Nguyễn ở Gia Viễn, Ninh Bình.

Câu đối ở đền thánh Nguyễn (Đàm Xá, Gia Viễn, Ninh Bình):
與十八子有因果乎卓然扵後扵前醫虎翊龍两朝偉績
是二社民所尸祝者辰或為分為合觀燈望井萬古祥光
Dữ thập bát tử hữu nhân quả hồ, trác nhiên ư hậu ư tiền, y hổ dực long lưỡng triều vĩ tích
Thị nhị xã dân sở thi chúc giả, thần hoặc vi phân vi hợp, quan đăng vọng tỉnh vạn cổ tường quang.
Dịch:
Cùng vua họ Lý nhân quả sao! vời vợi trước sau, chữa hổ giáng rồng, hai triều tích lớn
Ấy dân hai xã khấn tế vậy! khi lúc chia hợp, xem đèn trông giếng, vạn năm sáng lành.

Thiên Tiên Thánh giáo

Cong
Trụ sở Thiên Tiên thánh giáo ở Huế.

Đạo Mẫu ở Huế được biết với tên Thiên Tiên Thánh giáo. Người theo đạo này thờ Tứ phủ, nhưng 4 phủ này không hoàn toàn giống Tứ phủ ở miền Bắc. Ngoài 2 phủ là Thủy phủ và Thượng ngàn là tương đồng, còn 2 phủ khác trong Thiên Tiên Thánh giáo đều là Thiên phủ, chia thành Thượng Thiên và Trung Thiên. Đứng đầu Tứ phủ ở Huế là các vị thánh mẫu:
– Cõi Thượng thiên có Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thánh mẫu
Cõi Thượng ngàn có Quản cai Sơn nhạc Cửu châu Lê Mại đại vương
Cõi Trung Thiên có Tây Cung Vương Mẫu bổn mạng Chúa tiên
Cõi Thủy phủ có Thủy phủ Long Cung Thánh mẫu.
Có thể thấy ở vị trí chính – Thượng thiên Thánh mẫu trong Tứ phủ Huế không phải là Thánh mẫu Liễu Hạnh mà lại là một vị Thánh mẫu của “người Chăm” – Thiên Y A Na. Trong khi bản thân đạo Mẫu Huế xuất phát từ hội Sơn Nam, là những người dân từ Nam Định di cư vào Huế từ thời tiền Nguyễn, mà Nam Định là quê hương của Mẫu Liễu. Việc này phải giải thích thế nào? Tại sao người Việt lại tôn thờ một nữ thần Chăm làm thiên chủ?
Thiên Y A Na được biết là bà Mẹ xứ sở Poh Nagar trong tín ngưỡng của người Chăm. Bà là thiên thần sinh ra từ thế giới của mây trời và bọt biển… 
Ngài là nữ thần Mẹ của vương quốc. Ngài tạo dưng nên vùng đất cho cây cối và rừng gỗ quý sinh sôi. Ngài gây ra giống lúa và dạy dân trồng lúa…
Bà Poh Nagar là nữ thần Uma, vợ của thần Shiva trong Hindu giáo. Là vợ của Vua Trời  (Shiva) nên bà Uma được tôn làm Thượng thiên Thánh mẫu, rất hợp lý.
Xét mặt khác, Thánh mẫu Liễu Hạnh được sắc phong là “Đế Thích Tiên đình“. Đế Thích Tiên có thể hiểu là vợ của Đế Thích hay Thiên Đế. Như vậy, bản thân mẫu Liễu là hóa thân của bà Uma ở miền Bắc Việt. Khi vào miền Trung, ngôi Thượng thiên chuyển cho Thiên Y A Na, cũng là vợ Đế Thích, tương đương với vị trí của Mẫu Liễu ở miền Bắc.
Đến đây ta có một phát hiện quan trọng. Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế thờ nữ thần Hindu giáo là thần chủ Thượng thiên. Chữ “Thiên” trong tên của Thiên Tiên Thánh giáo chính là chỉ ngôi Thượng Thiên của nữ thần Uma. Suy rộng hơn, Thiên ở đây chỉ các vị thần của Hindu giáo, được gọi là các Chư Thiên, bao gồm cả Phật. Thiên Tiên Thánh giáo thờ Phật A Di Đà và Phật Bà Quan Âm cũng là với ý này.
Chữ Phật nhiều nơi được ghi bằng chữ Thiên với bộ Nhân. Phật là “Người Trời” hay Chư Thiên. Thiên trong Thiên Tiên Thánh giáo là chỉ chung cho Phật đạo – Hindu giáo.

Thien Tien ThanhCửu trùng đài và chính cung Thiên Y A Na ở trụ sơ Thiên Tiên Thánh giáo.

Ở vị trí Trung thiên là bà Tây Cung Vương Mẫu, được người miền Trung thờ là thần “bản mệnh” cho người phụ nữ. Các gia đình ở Thừa Thiên Huế thường thờ đặt ban bà trong nhà, gọi là Tran Bà, với hình ảnh của Cửu Thiên Huyền nữ. Tây Cung Vương Mẫu cũng là Cửu Thiên Huyền nữ, và cũng là Mẫu Cửu trùng trong Thiên phủ ở miền Bắc. Bà là bà Mẹ Trời, cai quản các thần tiên trong Đạo giáo.
Tây Cung Vương Mẫu không chỉ là bản mệnh cho gia đình, mà còn là “bản mệnh” thành hoàng cho cả kinh thành Huế, vì bà mang tên Thừa Thiên Hiệu Pháp Khai Hoàng Hậu Thổ Nguyên Quân. Rất có thể tên “Thừa Thiên Huế” là bắt nguồn từ danh hiệu này của Tây Cung Vương Mẫu.
Như thế, yếu tố thứ hai cấu thành Thiên Tiên Thánh giáo là yếu tố “Tiên”, tức là chỉ Đạo Lão, với thần chủ Tây Cung Vương Mẫu. Trong tín ngưỡng này còn mang nhiều hình tượng, thần tượng khác của Đạo Lão như bệ Cửu trùng, Ngọc hoàng Thượng đế, các bà Ngũ hành,… Thậm chí ngay cả vị Quan Thánh Đế Quân được thờ trong Thiên Tiên Thánh giáo cũng là một yếu tố từ Đạo Lão.
Yếu tố thứ ba trong Thiên Tiên Thánh giáo là chữ “Thánh”. Ở Việt Nam đạo thờ Thánh tức là đạo thờ tổ tiển, thờ phụng những người có công với đất nước, những vị thủ lĩnh quốc gia hiển hách. Cụ thể vua Đồng Khánh đã tự xếp mình là một vị Thánh, cùng với Lục vị tôn ông thành bộ Thất Thánh trong Thiên Tiên Thánh giáo. Ngoài ra những vị Thánh trong lịch sử của dân tộc cũng được tôn thờ ở đây như Sơn Tinh, Thủy Tinh, Trần Hưng Đạo…

IMG_0695Một góc của điện Hòn Chén.

Đạo thờ Thánh này cũng có thể coi là một dạng tín ngưỡng xuất phát từ Nho giáo, với triết lý tôn vinh các bậc Thánh hiền trong thiên hạ. Xét như vậy thì Thiên Tiên Thánh giáo thực chất là một tôn giáo gồm Tam giáo đồng nguyên:
– Thiên: đạo Phật và Ấn Độ giáo.
– Tiên: đạo Lão
– Thánh: đạo thờ tổ tiên, hay đạo Nho.
Tất cả hình thành một tổ hợp thần điện hỗn hợp nhưng lại rất có trật tự, có giáo lý, hợp thành một tôn giáo đầy đủ: Thiên Tiên Thánh giáo.
Hình thức “Tam giáo đồng nguyên” này ở miền Bắc cùng thời đó là phong trào của Hội thiện với các Thiện đàn, cùng với tục thờ thần và thực hành lên đồng, cầu cơ, giáng bút rất tương đồng.
Có thể nói Thiên Tiên Thánh giáo phát triển từ đạo mẫu Tứ phủ của miền Bắc, nhưng đã bổ sung thêm yếu tố tín ngưỡng của Ấn Độ (Phật và Hindu) trong thần điện, đề cao hơn các vị Thánh – những vị tiền liệt có công lao với đất nước.

Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ

Dịch từ bản Ngọc phả chữ Nho chép tay hiện đang lưu ở đền Hóa Tây Thiên, xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

20190508_084143

Bản quốc toàn dân kính hiệu Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ
Truyền lại để đời sau thờ phụng.

Nước Việt Nam ta, tổ quốc vua Hùng, ngày 12 tháng 7 năm Mậu Thìn (tức là năm 1988), tỉnh Vĩnh Phú, huyện Tam Đảo, xã Đồng Tranh, thôn Phù Liễn, Nguyễn Văn Ánh tuổi 76 phụng kính Thượng đẳng Thánh mẫu, chấp bút rõ ràng thừa sao chính bản Ngọc phả sự tích Tây Thiên, y như trước đây truyền lại, theo trước phụng sự đền thiêng quốc mẫu Tây Thiên.
Chuyện bày tới mai sau trong văn thờ tích thiện thường giúp yên giáng ứng, sắc phong chung đúc trạng nguyên tới nay, bậc tôn kính giúp nước cứu dân, lên ngôi rồng, cùng nhau mãi ngưỡng vọng phật thánh, cúi lạy bậc kính tôn.
Theo ở chính sự của bản xã Đại Đình, thôn Sơn Đình nguyên có tục trọng vọng bái Thánh mẫu Tây Thiên, đảo tất thông, cầu tất ứng, giáng phúc nhiều ơn, mọi người đều có phúc. Nên họp tại Đền Thượng, hội nghị Đền Đông trên lầu. Các chức sắc mục, trên dưới tiến đến, cùng một lòng tôn quý Ngọc phả phụng sự, sửa sắp tôn sùng đền Thánh mẫu, phụng sự ngàn năm, oai thiêng rộng lớn, cùng với các công trình, cố lấy tài mà chép truy lại xem cây lớn cội rễ thế nào để làm thành Ngọc phả. Hàng ngàn người chư tôn tín thiện, tăng thêm lòng lành, sinh điều hội họp, mong giáng phúc, được kết quả thành đủ, thời nay lập thành phủ miếu, truyền quốc danh cổ tích, phụng sao cho đời sau truyện cổ Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu Đại vương.

Nước Việt xưa Hùng Vương đóng đô trị nước, lấy hiệu là Văn Lang. Khi đó ở đảo Tây Thiên, phủ Đoan Hùng, huyện Tam Dương, xã Đông Lộ, trong xã có một Trưởng ông của xóm tên Phiêu Hùng, tuổi gần 40 mới lấy bà tên Lũy Tây. Trưởng ông là con người khí trượng, khôi ngô, thể hiện người anh hùng khoáng đạt, 40 tuổi vẫn còn như trẻ, thuộc dòng dõi Hùng Vương theo như Ngọc phả. Trong một ngày ông bà nằm mộng là hành du lên trên núi Tam Đảo, đến chùa Tây Thiên ngủ lại, dâng hương cầu đảo, mật khấn ở trong chùa. Trong ngày đó họ nằm chờ cầu ứng mộng. Đến khoảng ngoài canh ba khi đang mơ màng, chợt thấy trong người bàng hoàng, bên góc có mây ngũ sắc bay vào chùa. Hương khói đầy phòng, nghênh đón mây lành. Trong mây vàng hiện lên một dải tinh mỹ bay lượn trong mây. Trước sân chùa thấy một khối mây trắng, xa lập một quần tiên 7, 8 người đều mặc xiêm áo. Người thì ca hát, người thì nhảy múa, người thì gảy đàn, người thì ngâm thơ quanh bà Đào Thị. Đến lúc trời mờ sáng thì bay về phía Tây. Bà tỉnh lại mới biết đây là ứng mộng lành.
Từ đấy trở đi chuyển động tâm thần, mang thai hơn 14 tháng, đến ngày mồng 10 tháng 5 năm Giáp Thân sinh hạ một người con gái. Lúc mới sinh trong phòng khí sáng huy hoàng, ánh hồng sáng lạn, sắc mặt tươi tốt. Cả nhà đều biết trước sau đây là kỳ nhân giáng hạ từ Cửu thiên. Lên 3-4 tuổi, yểu điệu sánh phượng, mặt sáng như mặt trời bởi thời phượng. Nhan sắc như phượng, được bồi thêm nét thang tĩnh, có vẻ chim sa cá lặn, như hoa nhường nguyệt thẹn, mọi mặt đều đáng ca tụng.
Sáu tuổi đã thông thạo văn ấn, được mệnh danh là Thẩm, húy là Nhược Cảm. Trưởng ông và Thái bà rất mực yêu thương, chăm sóc. Tới năm 11-12 tuổi không có môn nữ tắc, nữ công nào không tường tận. Lại có tài năng võ nghệ, binh thư thao lược, các môn cưỡi ngựa, múa kiếm không có môn nào không thông thạo. Thực là người con gái anh hùng hào kiệt. Từ thời Đường Ngu đến đó chưa có ai có trí bằng.
20 tuổi đã anh hùng dũng mãnh, tài lược cầm quân. Người đến cầu đều là các bậc hào kiệt trong huyện. Đều thấy là một lãng tử hùng kiệt, vẻ ngoài tốt lành rõ ràng, có thuật thần tiên, một lúc vừa là thần, là thánh rành rành, lại vừa là chúa vừa là tiên, biến hóa thần thông, xuất nhập nhiều đường, không phải là dạng nhân gian thông thường. Trong xã đều gọi là bậc đệ nhất đại phu. 
Thời bấy giờ có giặc nước Ngô xâm lăng, trong nước hết sức lo sợ. Hùng Vương có chiếu loan báo trong thiên hạ, kêu gọi ai là anh hùng giải phóng nước Ngô Thục tới mùa xuân thu, thiên hạ yên bình, cứu nhân gian thoát cảnh binh đao, yên nước nhà khỏi cảnh hồn kinh phách lạc, lo sợ đầy rẫy.
Kim Nương nghe thấy chiếu chỉ liền tức tốc kêu gọi người bản bộ, xã Đông Lộ 50 người, Quan Nội 150 người, xã Sơn Đình 100 người, xã Quan Ngoại 150 người, xã Quyết Trung 10 tráng sĩ, cùng với các nơi đến tập hợp ở huyện đường, được tất cả 3000 tráng sĩ, theo về Phong Châu, Việt Trì, xin được vào yết kiến Hùng Vương.
Hùng Vương thấy là một đại tài, bèn giao tinh binh 10 vạn, ngựa chiến 3 ngàn, cùng 50 bộ quân thủy theo diệt phá Ngô Thục xâm lược. Kim Nương thống chế thủy bộ quân, vào tháng 2 ngày 29 ra quân dẹp giặc trước. Nàng lệnh hành trình từ kinh thành tiến quân chia thành 3 đạo. Một đạo tinh binh 3 vạn, ngựa mạnh 1 ngàn, từ Phong Châu tiến đến đạo Hưng Hóa, phủ châu Ngưu Giang, cùng với quân nữ Ngô Thục quyết chiến. Một đạo hộ quốc chống Ngô Thục, binh hùng 5 vạn, danh tướng 1 ngàn, ngựa 3 ngàn, cùng nhau từ sông Ấn đến sông Mã trực chiến cùng với quân Ngô Thục. Một đạo cuối hộ quốc giúp Hùng, 4 vạn ẩn binh, ngựa 24, tướng 1 ngàn viên, tiến đến Sóc Sơn tuân lệnh phân tán thành 3 vạn cùng giao chiến với quân Ngô Thục. Ba đạo vạn binh mã cùng tiến đánh, gặp tại chiến trường, giết được quân giặc Ngô Thục rất nhiều. Quân Ngô Thục đại bại, vứt bỏ giáo giáp, bỏ chạy về động của mình, về sau không dám quay lại xâm chiếm.
Kim Nương rút quân về phòng ngự, quay về triều đình. Hoàng đế thấy việc quốc sự vui mừng, bèn mở tiệc. Các tướng sĩ Tây Thiên được ban quan tước. Kim Nương được phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại vương. Ngày 28 tháng 2 toàn huyện quê hương bái giá.
Tương truyền rằng Kim Nương đã dẹp được giặc Ngô, lập công lớn, cùng các tướng bản bộ và binh mã về quê, mổ trâu dê đãi quân sĩ, bái tạ cha mẹ, mời các phụ lão, anh hùng hào kiệt đến ăn mừng.
Ngày tháng qua đi, Thái ông Thái bà tuổi đã ngoài 80, không bệnh mà mất. Kim Nương làm lễ an táng cha mẹ vào ngày 10 tháng Giêng.
Công chúa lúc nhàn rỗi đi ngắm sơn thủy giải khuây, đến các nơi, liền truyền cho tổng xứ, tức là xã Quan Nội lập làm tả cung, Quan Đình và Nhân Lý là nơi thân thuộc lập hữu cung, xã Quyết Trung lập là hạ cung. Lại phụng sự đến núi Tam Đảo, miếu Tây Thiên, ngự tại trong đình, bỗng thấy mây năm sắc từ trên trời hạ xuống, phủ khắp một bên gian phòng. Lại có một vị thiên sứ từ trong mây xuất hiện nói rằng tuân lệnh Thượng Đế triệu Công chúa về triều. Công chúa liền về nhà tắm gội rồi Công chúa cùng với thiên sứ bay về trời.
Những gì còn lại được phụng thờ các đời ở miếu Tây Thiên. Lưu truyền thờ phụng. Sĩ Nông Công Thương một lòng cầu đảo, tất được ứng nghiệm, nhân gian lưu truyền là ngày 11 tháng 2.
Do có công phù Hùng diệt Ngô Thục, phù Đinh Lê, nên được sắc phong Quốc mẫu Đại vương, gia tặng sắc phong làm Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu đại Đệ nhất Thượng thượng đẳng Phúc thần. Xuân thu bốn mùa làm quốc tế, vạn năm cùng với đất nước nhớ ghi, lập miếu đình lưu truyền ngàn thu, vạn đời. Từ Đinh Lê Lý Trần đều đồng lòng thờ phụng Thánh mẫu Đại vương của thần điện Nam Bang. Thiên hạ đồng lòng cầu đảo, cầu lộc được lộc, lưu thông, cầu bình an, cầu phong chức, an cư lạc nghiệp, giúp nước cứu dân. An cư lạc nghiệp, vạn vạn đời nước Nam không quân giặc xâm chiếm, cả nước hòa bình. Đình nhận được quang vinh truyền đời đời, ngày sau đều cảm nhận được tiếng thơm xưa nay.