Cao Biền và Trang Nghị đại vương trên đất Thái Bình

Năm 1985 ở khu vực chợ Quài (Thái Hà, Thái Thụy, Thái Bình) Bảo tàng Thái Bình đã tiến hành đào một miệng giếng cổ và phát hiện hàng trăm viên gạch mang dòng chữ Giang Tây quân 江西軍. Giang Tây quân là gạch loại gạch của Tĩnh Hải quân thời Đường, mà Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân đầu tiên là Cao Biền. Đây cũng là loại gạch được tìm thấy ở lớp gạch dưới cùng trong Hoàng thành Thăng Long và một số thành cổ khác như thành Hoa Lư (Ninh Bình), thành nhà Hồ (Thanh Hóa).
Theo nhận xét của đoàn khai quật khu vực này tập trung đậm đặc loại gạch trên ở trong khoảng đất dài khoảng 1000m, rộng từ 50-100m. “Di tích khảo cổ Thái Hà – Thái Phúc cao, hẹp, dài, án ngữ cửa Kỳ Bố và cửa Đại Toàn… Rất có khả năng đây là một công trình quân sự phòng thủ ven biển…”.

Thai Binh

Gạch Giang Tây quân ở Thái Bình.

Ở chùa Phúc Lâm của thôn Phúc Tiền (Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình), cũng là nơi phát hiện loại gạch Giang Tây khi nhà chùa đào đất lấy cát sau chùa. Cùng với những viên gạch Giang Tây quân này nhà chùa còn đào được 1 hũ tiền Khai Nguyên thông bảo, tức là tiền mang niên hiệu Khai Nguyên (713-741) của vua Đường Huyền Tông. Tiền Khai Nguyên thông bảo là loại tiền được dùng phổ biến trong suốt thời nhà Đường. Chùa Phúc Lâm do đó có thể là một trạm hoặc kho quân dụng trong tuyến phòng thủ ven biển dưới thời Đường.
Trong khuôn viên chùa Phúc Lâm nay còn một ngôi đền nhỏ thờ thành hoàng làng. Trước đây đình Phúc Tiền (Thái Phúc) theo Danh mục thần tích thần sắc Thái Bình có thờ tướng quân Cao Biền. Sau đình bị phá nên nhà chùa mang các đồ thờ về dựng một ngôi đền nhỏ để tiếp tục thờ.
Câu đối ở đền thờ thành hoàng trong chùa Phúc Lâm:
文物彬彬地是前東材舊邑
宫庭飭飭歲在己未春新修
Văn vật bân bân, địa thị Tiền Đông tài cựu ấp
Cung đình sức sức, tuế tại Kỷ Mùi xuân tân tu.
Dịch:
Văn vật mộc mạc, đất ở Tiền Đông nơi ấp xưa
Cung quán nghiêm trang, năm tại Kỷ Mùi xuân mới sửa.
“Văn vật” ở đây phải chăng nói tới những viên gạch có chữ Giang Tây quân?

IMG_6915Đền thờ thành hoàng ở chùa Phúc Lâm (Phúc Tiền, Thái Thụy, Thái Bình).

Những viên gạch Giang Tây quân và tục thờ Cao Biền tại Thái Phúc đã xác nhận đây là một điểm đồn binh quan trọng của Cao Biền trên đất Tĩnh Hải. Thần tích của một nơi khác ở Thái Bình đã kể lại rõ ràng diễn biến của việc này. Đó là thần tích về Trang Nghị đại vương ở Hoa Dương (nay là xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình). Hoa Dương xã thần tích chép như sau:
Giữa Đời Đường Hàm Thông đời vua Ý Tông lại cử Yêu Vệ tướng quân Cao Biền: ông họ Cao húy là Biền, cháu của Cao Sùng, con của Cao Luân, mẹ người họ Lý vốn người ở Quảng Đông, gia truyền làm thầy địa lý tinh thông, đời nối đời làm quan. Vào thời Đường, thay quan chức Tù trưởng bằng chức Đô hộ Tổng quản Kinh lược Chiêu thảo sứ tướng quân tất phải trao cho Cao Biền. Cao Biền khấu tạ (vua Đường) đem quân ra đi, tới cửa biển làm lễ cầu đảo trời đất, rồi lệnh cho hơn 5 vạn tinh binh xuống thuyền ra đi từ cửa biển thuận buồm xuôi gió hứng khởi ngâm một vần thơ:
Ba quân lẫm liệt xuất trùng quan
Vạn dặm sóng cồn vạn dặm an
Tự hồng mao chẳng nề sống thác
Thờ vua nợ nước dám từ nan?
Vừa khi đi tới địa đầu huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, có một ngày đi qua địa đầu trại Yến Liên, sau đổi là trang Hoa Dương, ở đó có một con sông nhỏ.
Đoạn trên trong thần tích tại Hoa Dương kể rất rõ việc Cao Biền xuất quân từ bên phương Bắc theo đường biển đổ bộ vào cửa biển nước Nam tại Thái Bình. Đó cũng là lý do để Cao Biền xây dựng một tuyến phòng thủ ven biển tại đây như đã thấy qua di tích gạch Giang Tây quân ở trên.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về lần tiến quân này của Cao Biền:
Ất Dậu (865) (Đường Hàm Thông năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Biền trị quân ở trấn Hải Môn, chưa tiến. Giám quân là Lý Duy Chu ghét Biền muốn tống đi, nhiều lần giục Biền tiến quân. Biền đem hơn 5000 quân vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu đem quân ứng viện. Biền đi rồi, Duy Chu cầm quân còn lại không đi. Tháng 9, Biền đến huyện Nam Định và Châu Phong, người Man gần 5 vạn đương gặt lúa, Biền đánh úp, chúng tan cả, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy lúa đã gặt để nuôi quân.
Như vậy việc đổ bộ của Cao Biền vào Nam Định (đúng ra là đất Thái Bình) của Châu Phong (có lẽ là Tĩnh Hải hay Giang Tây) là trận thắng đầu tiên của quân nhà Đường trước quân Nam Chiếu. Nhờ có trận thắng này mà lực lượng ban đầu của Cao Biền đã đứng vững trên đất Giao Châu.
Đoạn tiếp theo thần tích thôn Hoa Dương kể tại đây Cao Biền gặp 4 vị thần, tự xưng là tứ vị Lôi Đình (Lôi Oanh): một vị tên là Thanh Cung, một vị tên là Chàng Chiểu, một vị tên là Từ Kinh, một vị tên là Trang Nghị,… Vốn là thần nắm giữ gió mây sấm chớp, chăm chăm phụng mệnh trời giáng làm Thủy thần trông coi bốn phía phương dân, cai quản đất đai cảnh thổ.
Lại nói, bấy giờ ở đất Phong Châu có trên 5 vạn tên giặc Man vào xâm lấn bờ cõi. Viên quan dâng tấu vua Đường, vua sai quan truyền lệnh cho Biền công Thứ sử Giao Châu đem quân đi đánh Nam Chiếu (tức Ai Lao), Biền công lập tức điều quân đi đánh Nam Chiếu. Trong một ngày, quan quân vừa tới trang Hoa Dương, huyện Ngự Thiên phủ Tiên Hưng, Biền công ra lệnh cho quân đình trú ngự tại thần từ, kỷ đảo xin thần phù hộ cho quân đi đánh giặc đợi sau khi chiến thắng trở về, sẽ phong sắc cho thần là Thượng Thượng đẳng.
Sáng hôm sau ông bái yết thần từ, đề binh tiến thẳng tới Nam Chiếu đại phá giặc, chém đầu Chánh tướng và Tỳ tướng của chúng gồm 20 thủ cấp, thu hồi vũ khí, xe ngựa của chúng nhiều vô kể. Giặc tháo chạy tan tác chẳng biết đi lối nào hết. Từ đây thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự, Biền công làm sớ tâu lên vua Đường: giặc Man đã quét sạch cũng là nhờ công âm phù trợ của thần linh.
Vua ban sắc cho Tứ Vị Lôi Oanh là Thượng đẳng phúc thần để thần cùng được trường tồn với trời đất mà việc phụng thờ thần trở thành nghi thức muôn thuở vậy thay.
Cao Biền được nhà Đường cử sang An Nam để đánh dẹp giặc Nam Chiếu. Bước tiến quân đầu tiên của Cao Biền là dẫn quân đi thuyền vào đất Thái Bình. Tứ vị Lôi Oanh ở Thái Bình đã hiển linh phù trợ Cao Biền trong trận chiến này. 4 vị “thần sấm” này là ai mà lại trợ giúp Cao Biền đánh Nam Chiếu?
Xét các vị thủy thần của khu vực đất Thái Bình thì 4 vị thần này chỉ có thể là những người trong Ngũ vị tôn quan trong thần tích thờ vua cha Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Nói cách khác, đây chính là những người anh em đã theo Lạc Long Quân (vua Hùng) đánh Thục, gây dựng nên triều đại cha truyền con nối đầu tiên của Trung Hoa. Vì là những vị thần có công đánh Thục ở phía Tây nên các vị này mới hiển linh giúp Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu (Ai Lao – cũng là ở phía Tây).
Chữ Lôi là quẻ Chấn, chỉ hướng Đông. Hướng Đông là hướng biển (Động Đình), là hướng Bát (số 8 của Hà thư) trong tên Bát Hải Động Đình. Lạc Long Quân có nơi như ở làng Bình Đà (Hà Nội) còn được gọi là Pháp Lôi là với ý này.
Tứ vị Lôi Oanh còn gọi là Lôi Đình. Lôi là quẻ Chấn, tương đương với hướng Đông, tính Động. Lôi Đình = Động Đình. Tứ vị Lôi Đình là Ngũ vị tôn quan của Động Đình.
Xét tên của 4 vị Lôi Oanh ở Hoa Dương thì đây là 4 phương vị:
– Thanh Cung rõ nhất là hướng Đông vì Thanh, màu xanh là màu phương Đông.
– Chàng Chiểu là hướng Tây vì Chiểu – Chiêu – Chiều, hướng mặt trời lặn.
– Từ Kinh là hướng Bắc vì Kinh hay Canh là can chỉ phương Bắc (như trong kim La Kinh).
– Trang Nghị như thế phải là thần hướng Nam. Chưa hiểu liên hệ từ ngữ thế nào.
Địa danh Hoa Dương cũng có thể xuất phát từ “Hoa Đào trang”, là nơi lập nghiệp của vua cha Bát Hải Động Đình. Hoa – Hạ là tên của vương triều do Lạc Long Quân lập nên, xuất phát từ đất Thái Bình.
Trang Nghị đại vương là vị thần thời Hùng Vương, công thần lập quốc của Lạc Long Quân và là một trong 5 vị quan lớn của ban Công đồng trong Tứ phủ. Một vị cổ thần anh linh đã 4000 năm như vậy mà bị biến thành bố của Thái sư Trần Thủ Độ thì… con cháu quá to gan, chẳng mấy bữa các cụ hiển linh vặn cổ cho chẳng còn đường mà sống…

Đọc dịch một số câu đối ở đền Hát Môn

Dan the Hat Mon

Đàn thề Hát Môn.

Đền Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, là một di tích có nhiều minh văn lưu lại trong các bức hoành phi, câu đối. Những câu đối ở ngôi đền này đều do các bậc đức cao vọng trọng, học nhiều hiểu rộng soạn viết và cung tiến từ thời Nguyễn. Do đó đây là những câu đối có văn phong, thi pháp hay, ca ngợi tinh thần và sự nghiệp của Hai Bà Trưng.
Thời gian trước tác giả Phạm Hy Sơn đã từng đọc và dịch một số câu đối ở đền Hát Môn. Gần đây, trong cuốn sách mới xuất bản Đền Hát Môn di tích lich sử quốc gia đặc biệt, nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng đã có phần đọc và dịch rất chi tiết các hoành phi câu đối ở đền này. Tuy nhiên, do tính chất của cổ văn dùng trong câu đối rất súc tích, sử dụng nhiều điển cổ và thông tin của cổ sử nên để hiểu thêm về những câu đối ở đền Hát Môn, bài viết dưới đây xin đưa ra một cách giải nghĩa cho một số câu đối khó dịch của di tích lịch sử này.

Câu 1

大義復夫讎猶令東漢當辰嶺南六十五城勞逺略
鴻圖肇國統從此皇丁而後越甸數千餘載定天書
Đại nghĩa phục phu thù, do lệnh Đông Hán đương thời, Lĩnh Nam lục thập ngũ thành lao viễn lược
Hồng đồ triệu quốc thống, tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu, Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.

21558761_1473665936057985_2705221036556420372_nSách Đền Hát Môn chép chữ “lệnh” 令 thành chữ “kim” 今.
Ở câu đối này triều “Hoàng Đinh” đối lại với nhà “Đông Hán”, rõ ràng là chỉ triều đại do vua Trưng lập nên. Trong câu đối nói triều Hoàng Đinh này cách thời điểm viết câu đối (thời Nguyễn – thế kỷ 19) “trên mấy nghìn năm”. Vì thế đây không thể là triều Đinh của Đinh Tiên Hoàng vào thế kỷ 10 được. Triều Đinh của Đinh Bộ Lĩnh cũng không có liên quan gì tới Hai Bà Trưng cả, nên đưa vào câu đối này không hợp lý.
Đinh là một dịch tượng chỉ phương hướng. Đinh, hay Tĩnh là tính chất của phương Tây. Vì Hai Bà Trưng khởi nghĩa từ “Châu Phong”, là vùng đất Tây Thổ, nên triều đại của Trưng Vương có tên là Đinh. Đinh là quốc danh của triều đại Trưng Vương còn lưu truyền mãi tới thời nhà Nguyễn như trong câu đối trên.
Dịch:
Nghĩa lớn báo thù chồng, sánh ngang Đông Hán cùng thời, sáu mươi lăm thành Lĩnh Nam lập kế lớn
Cơ đồ dựng quốc thống, từ đó Hoàng Đinh về sau, trên mấy nghìn năm Việt Điện định sách trời.

Câu 2

越祖百男閒出英雌能復國
唐初雙女未聞閨綉自興王
Việt tổ bách nam, gián xuất anh thư năng phục quốc
Đường sơ song nữ, vị văn khuê tú tự hưng vương.

Duong so

Câu đối này trong sách Đền Hát Môn lẫn lộn vị trí 2 từ “gián” (nhàn) 閒 và văn 聞. Chính xác như trong ảnh thì ở vế đối đầu là chữ 閒, đọc là “gián” với nghĩa là xen lẫn. Vế sau phải là “văn” 聞 với nghĩa là nghe thấy.
Thời sơ Đường ở đây không phải thời đầu nhà Lý Đường (thế kỷ 7), mà là nói tới thời Đường Nghiêu Ngu Thuấn. Đó là lấy tích hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh mà so sánh với Hai Bà Trưng. Nga Hoàng và Nữ Anh là hai con gái của Đế Nghiêu được gả cho Đế Thuấn. Khi Đế Thuấn mất hai vị vương phi này đã tự vẫn theo chồng ở sông Tương. Còn hai bà Trưng khi chồng là Thi Sách bị giặc giết thì lại tự mình phất cờ khởi nghĩa, giành thắng lợi, xưng vua. Hai Bà sau đó cũng tử tiết trên sông, do đó được so với 2 vị nữ thần sông Tương thời Đường Ngu.
Dịch:
Tổ Việt trăm trai, xen có anh thư hay phục quốc
Sơ Đường đôi gái, chưa nghe khuê tú tự xưng vua.

Câu 3

西江姊妹神湘女
東漢縱横霸粵王
Tây Giang tỷ muội thần Tương nữ
Đông Hán tung hoành bá Việt vương.
Tây Giang ở đây không phải nghĩa là sông Tây, mà là chỉ Hai Bà khởi nghĩa ở miền đất phía Tây (của biển Đông). Giang = Dương, chỉ biển. Tây Giang hay Giang Tây là tên khác của vùng đất Tĩnh Hải dưới thời nhà Đường. Cái tên này còn gặp trên các viên gạch “Giang Tây quân” trong các di tích thời Đường ở nước ta.
Dịch:
Tây Giang em chị thần Tương nữ
Đông Hán dọc ngang xứng Việt vương.

Câu 4

馬鐙一戎征死了貪残猶(裭?)魄
象棚三(據?)戰生還矍鑠尙驚魂
Mã đặng nhất nhung chinh tử liễu tham tàn do sỉ? phách
Tượng bằng tam cứ? chiến sinh hoàn quắc thước thượng kinh hồn.

 

Câu đối này dùng một số chữ dị thể nên việc đọc ở các tác giả không thống nhất. Như chữ ở vế đối đầu Phạm Hy Sơn đọc thành hổ (虎?), dịch thành “con cọp”, còn sách Đền Hát Môn đọc là “quý” 愧 nghĩa là thẹn, xấu hổ. Bài này đề xuất đọc là “sỉ” 裭. “Sỉ phách” là mất vía.
Vế đối sau cũng có chữ dị thể khó đọc. Sách Đền Hát Môn đọc thành “cứ” (據?) nhưng lại ghi chữ là 捷 (tiệp). Câu đối này do vậy rất khó hiểu chính xác nên dịch thường không thoát ý.
Dịch:
Bước ngựa một xa chinh, dù mất tham tàn còn khiếp vía
Lầu voi ba trận chiến, sống về quắc thước thật kinh hồn.

Câu 5

旰宵東雒中興主
鞅掌西湖矍鑠翁
Cán tiêu Đông Lạc trung hưng chúa
Ương chưởng Tây Hồ quắc thước ông.

“Cán tiêu” 旰宵 nghĩa đen là chiều tối, chỉ sự tối tăm, suy vi. Sách Đền Hát Môn chép thành “can tiêu” 干標, không có nghĩa.
Đông Lạc chỉ nhà Đông Hán, đóng đô ở Lạc Dương. “Trung hưng chúa” chỉ Hán Quang Vũ, người được coi là phục hưng nhà Hán. “Quắc thước ông” là người khỏe mạnh, chỉ Mã Viện.
Câu đối dùng những hình ảnh đối lập “cán tiêu” – “trung hưng”, “ương chưởng” – “quắc thước”, để nhấn mạnh, ca ngợi tầm vóc của cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương.
Dịch:
Đông Hán tối tăm này chúa hưng 
Tây Hồ nhọc nhằn kia ông khỏe.

Câu 6

順徔古有虞嬪南面奚裨天下治
剛猛史称孫妹東行莫雪使君仇
Thuận tòng cổ hữu Ngu tần, Nam diện hề tì thiên hạ trị
Cương mãnh sử xưng Tôn muội, Đông hành mạc tuyết sứ quân cừu.
“Ngu tần” ở đây nói tới các vị phu nhân của Đế Thuấn (Ngu Thuấn) là Nga Hoàng và Nữ Anh. “Nam diện” là trong tích “quay mặt phương Nam mà xưng vương”, chỉ việc làm vua. Vế này so sánh Hai Bà Trưng với 2 phi tần đã giúp Đế Thuấn.
“Tôn muội” có thể nói tới em gái Tôn Quyền của Đông Ngô, quyết đi theo chồng là Lưu sứ quân (Lưu Bị). Vế này so sánh Trưng Vương khởi nghĩa báo thù chồng, cương quyết như em gái Tôn Quyền.
Dịch:
Tòng thuận xưa có phi tần vua Ngu, quay mặt phương Nam giúp trị thiên hạ
Dũng mãnh sử nêu em gái họ Tôn, đi về phía Đông rửa thù sứ quân.

Câu 7

縱不金刀天再造
未應銅柱地分疆
Túng bất kim đao thiên tái tạo
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.
Câu đối này tương truyền do Cao Bá Quát đề ở cột trụ nghi môn đền Hát Môn. Các tài liệu thường dịch câu đối này không chính xác do Cao Bá Quát sử dụng cụm từ chiết tự trong vế đối này. Trong vế đối thứ nhất có cụm từ “kim đao” 金刀 là chiết tự của chữ Lưu 劉, họ của các vua nhà Hán.
Vế đối thứ nhất nói tới chí khí của Trưng Vương đã khởi nghĩa chống quân Hán, lập nên một “thiên hạ”, một mảnh trời riêng của mình. Vế đối thứ hai nói tới cột đồng do Mã Viện nhà Đông Hán dựng nên, nhưng ở đây lại là để đánh dấu phân giới đất đai với Trưng Vương. Trưng Vương thậm chí còn không bằng lòng với vị trí cột đồng phân giới này.
Dịch:
Mặc không Lưu Hán trời riêng tạo
Chẳng nhận cột đồng đất rạch biên.

Câu 8

爾城以北分中国
銅柱而南入帝圖
Nhĩ thành dĩ Bắc phân Trung Quốc
Đồng trụ nhi Nam nhập đế đồ.
Câu đối này nêu 2 sự vật. Một là tòa thành làm địa giới giữa nhà Hán và nước của Trưng Vương (sử chép là Man thành ở Quảng Tây). Hai là cột đồng, cũng dùng để xác lập địa đồ đế vương. Khí phách của câu đối ở chỗ “phân Trung Quốc” và “nhập đế đồ”, khẳng định triều đại của Trưng Vương ngang hàng với nhà Hán, cùng phân chia thiên hạ Trung Hoa và cùng xưng đế.
Dịch:
Thành kia làm Bắc chia Trung Quốc
Đồng trụ về Nam nhập đế đồ.

Câu 9

始終臣節坤貞吉
咫尺神祠萃引孚
Thủy chung thần tiết Khôn trinh cát
Chỉ xích thần từ Tụy dẫn phu.
Câu đối này dùng 2 quẻ của Chu Dịch. Quẻ Khôn mang tính chất bền vững, tốt đẹp nên gọi là “trinh cát”. Quẻ Tụy nghĩa là tụ tập, có lời hào nhị: Dẫn cát, vô cữu, phu nãi lợi dụng thược (dẫn dắt, lôi kéo nhau theo đường công chính, không lỗi, tâm thành lễ mọn vẫn được tốt lành). “Tụy dẫn phu” là việc tập hợp mọi người dẫn tới niềm tin thành kính.
Dịch:
Trước sau giữ lễ, sự bền đẹp của quẻ Khôn
Gang tấc đền thần, dẫn tín tâm của quẻ Tụy.

Câu 10

湯武鉞旄三戰後
雄庞城郭百年前
Thang Vũ việt mao tam chiến hậu
Hùng Bàng thành quách bách niên tiền.
Thang chỉ vua Thành Thanh, người sáng lập nhà Thương của Trung Hoa. Vũ chỉ Vũ Vương, người đánh Trụ diêt Ân, lập nên nhà Chu. “Thang Vũ việt mao” chỉ khí thế khởi nghĩa mạnh mẽ của những vị khai mở triều đại.
Dịch:
Thang Vũ phất cờ ba cuộc sau.
Hùng Bàng thành dựng trăm năm trước.

Nam Triệu Trưng Vương

Khởi nghĩa Trưng Vương là một cuộc khởi nghĩa độc đáo, có tầm vóc to lớn trong lịch sử nước ta. Lễ hội đền Hát Môn, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa, đã được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các bài viết, khảo cứu về Trưng Vương đã có nhiều, lại một lần nữa được tập hợp trong cuốn sách Đền Hát Môn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vừa xuất bản 2017.
Tuy nhiên, những câu hỏi tồn nghi về khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong các tài liệu này vẫn chưa được làm rõ một cách thỏa đáng. Ngoài việc cho rằng ông Thi Sách tên là Thi chứ không phải Sách thì có lẽ không có thông tin khám phá gì nhiều trong những tài liệu này.

IMG_3360Tế lễ hội đền Hát Môn.

Dưới đây, xin nêu một số điều đáng chú ý rút ra từ các tư liệu dân gian về khởi nghĩa Trưng Vương ở khu vực Hát Môn.
Thần tích về tướng Hoàng Thông thời Hai Bà Trưng ở đình Yên Dục, xã Hiệp Thuận, Quốc Oai, Hà Nội kể:
Xưa vua Hùng Vương truyền mười tám đời, phương Nam mở nước, non sông ứng vận sao Dực sao Chẩn, đất Bắc mới phong, phân thuộc về sao Đẩu sao Ngưu. Sau vua Thục An Dương Vương làm vua được năm mươi năm thì họ Triệu lấy mất. Đến thời thuộc về nhà Hán ở trang Kiều Lộc, có một nhà họ Hoàng tên là Sáng, vợ là Phùng Thị Tam.
Ông bà lành hiền nhân đức, sớm nào cũng thắp hương thờ trời, trước làm sao sau làm vậy. Năm Nguyên Phong nhà Hán thứ năm nhằm hôm mười hai tháng mười bà Phùng thị nằm mộng thấy đỏ rực trong nhà…
Được hơn một năm,… Ngài sinh ra hình dáng mặt mũi như hoa, da như mỡ. Đến khi lớn tài kiêm văn võ, tài giỏi hơn cả người mới đặt tên là Thông. Bấy giờ có tên Tô Định, người nhà Hán sang làm quan Thái thú, giết oan ông Thi Sách, thuế dịch nặng nề, dân không chịu được, kẻ hào kiệt khắp nước nổi lên.
Bấy giờ bà Trưng Trắc giận tên Tô Định giết chồng, bà ấy chiêu tập quân lính thu dụng hào kiệt để đuổi đánh tên Tô Định. Ngài ở trang Kiều Lộc cùng khởi quân hiệp cùng các xứ đi theo bà Trưng Trắc lấy lại các phủ huyện. Tên Tô Định chay thoát. Ngài đuổi đến trang Trảo Oa thì giết được.
Tướng Hoàng Thông ở Hiệp Thuận (gần Hát Môn) như vậy sinh vào năm Nguyên Phong thứ sáu. Nguyên Phong là niên hiệu của Hiếu Vũ Đế nhà Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ sáu là năm 105 TCN. Vậy mà Hoàng Thông lại theo Hai Bà Trưng, đánh đuổi, thậm chí còn là người đã giết được Tô Định. Nếu theo sử sách ngày nay, khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra ở Hát Môn năm 40 sau Công nguyên. Tính từ năm Nguyên Phong thứ sáu tới lúc này thì Hoàng Thông đã là 145 tuổi. Thần tích nhầm hay… sử gia nhầm?
Câu đối ở đình Yên Dục (dẫn theo sách Đền Hát Môn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt):
Mộng Hiệp nhất đóa vân, Sài Lĩnh chung anh đĩnh sinh hiển hách
Uy soái tam thôn sĩ, Lộc Thành ứng nghĩa thu phục sơn hà.
Dịch nghĩa:
Một đám mây lành đất Mộng Hiệp, núi Sài linh thiêng sinh ra bậc hiển hách
Uy linh thống soái ba thôn, quân sĩ thành Lộc ứng nghĩa thu phục non sông.
Thông tin về năm sinh của vị tướng đã giết Tô Định ở vùng sông Hát núi Sài vào năm Nguyên Phong nhà Tây Hán cho thấy khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tại Hát Môn không phải xảy ra vào thời Đông Hán. Hai Bà Trưng khởi nghĩa thực chất nổ ra ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt ở Phiên Ngung bị diệt vào thời Tây Hán.
Thần tích đền Hát Môn thì chép:
Trưng Vương thu được hơn 60 thành, giành lại đất Nam, dẹp yên giặc Tô Định. Nước Nam thống nhất, bách quan nghênh giá đón Trưng Vương vào thành Chu Diên, lên ngôi tự xưng là Trưng Vương, phong cho Nhị Nương là Phó vương, được tự do ra vào cung cấm, tham dự triều chính. Vua họ Trưng đóng đô ở Mê Linh, đặt quốc hiệu là Triệu.
Thần tích đền Hát Môn như thế cho biết quốc hiệu nước của Trưng Vương là Triệu. Đối chiếu với Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái:
“Người Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế”. Khi Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt thì “Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.
So sánh 2 thông tin này thì thấy rõ nước Triệu (Nam Triệu) của Trưng Vương chính là xuất phát từ nước Nam Việt của Triệu Vũ Đế. Điều này một lần nữa xác định thêm nhận định rằng khởi nghĩa của Trưng Vương phải nổ ra vào thời Tây Hán. Trưng Vương là hậu quân của nhà Triệu Nam Việt đã rút về Phong Châu chống lại nhà Tây Hán.

IMG_3516Lễ rước của các làng trong hội đền Hát Môn.

Câu đối khác của đình Yên Dục:
Hiển thánh tích trưng Sài lĩnh mộng
Phù vương tâm bạch Hát giang ba.
Dịch nghĩa:
Di tích thờ bậc hiển thánh rạng rỡ núi Sài
Lòng sáng phò vua trào dâng nơi sông Hát.
Các câu đối ở đình Yên Dục đều nói tới mối liên quan giữa tướng Hoàng Thông với núi Sài và sông Hát. Sông Hát là nơi Trưng Vương khởi nghĩa, liên hệ với tướng Hoàng Thông thì dễ hiểu. Nhưng còn Sài Sơn ở Quốc Oai thì liên quan gì đến vị tướng này và tới khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
Để lý giải điều này thì cần biết Sài Sơn là di tích gắn với thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia. Tương truyền là nghĩa quân Lữ Gia đã tử tiết ở núi Sài. Như vậy hậu quân của nhà Triệu Nam Việt chính là nghĩa quân của Lữ Gia đã rút từ Phiên Ngung về Phong Châu.
Theo thần tích của thôn Nại Xá, nơi từng có đền thờ Thi Sách, thì Trưng Vương có tên thời con gái là Ả Lã. Ả Lã nghĩa là con gái họ Lã. Trưng Vương là con gái của thừa tướng Lữ Gia. Ông Thi Sách, chồng của Trưng Vương, như thế không ai khác chính là vị vua Triệu cuối cùng của nước Nam Việt là Triệu Kiến Đức, người đã bị quân Tây Hán truy sát ở cuối sông Hát.
Mối thù không đội trời chung giữa họ Lữ – nhà Triệu với Tây Hán đã làm nên cuộc khởi nghĩa Trưng Vương và sự chống đối bền bỉ sau này của Nam Triệu – Nam Chiếu ở vùng Phong Châu – Tây Bắc Việt. Mối thâm thù này được ghi lại qua các câu đôi ở các di tích như câu đối do Cao Bá Quát đề ở cột trụ cổng đền Hát Môn:
縱不金刀天再造
未應銅柱地分疆
Túng bất kim đao thiên tái tạo
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.
Câu đối này thường bị hiểu sai do Cao Bá Quát đã dùng phép chiết tự ở đây. Trong vế đối thứ nhất cụm từ “kim đao” 金刀 là chỉ chữ Lưu 劉, họ của các vua Hán. Câu đối này có thể được dịch như sau:
Mặc không Lưu Hán trời riêng tạo
Chẳng nhận cột đồng đất rạch biên.

img_8025-2.jpg
Ngoại đình đền Hát Môn.

Tương tự, câu đối tại đền Đồng Xâm (Thái Bình) nơi khởi nghiệp Triệu Vũ Đế:
靈跡億年遺鉄斧
帝图四百少金刀
Linh tích ức niên di thiết phủ
Đế đồ tứ bách thiểu kim đao.
Dịch:
Tích thiêng vạn năm lưu búa sắt
Đất vua bốn hướng chẳng họ Lưu.
“Thiết phủ” là chiếc búa sắt lưu ở đền Đồng Xâm, là một linh vật của đất Thái Bình, tương truyền là cây búa Triệu Vũ Đế được ban cho khi khởi nghiệp. Kim 金 đao刂là chiết tự của chữ Lưu 劉 như nói ở trên.
Câu đối ở đền thờ Lữ Gia tại chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định):
趙氏有天存社稷
漢人無地出楼船
Triệu thị hữu thiên tồn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền.
Dịch:
Còn trời họ Triệu còn xã tắc
Không Hán, lên thuyền đất chẳng chung.
Họ Lữ đã cùng vua Triệu Vệ Dương Vương kiên quyết lên thuyền đi về Giao Châu chống lại Tây Hán.
Mối tương quan Triệu Vũ Đế – Lữ Gia – Trưng Vương thể hiện rất rõ. Nước Nam Việt từ Triệu Vũ Đế khởi lập không mất, mà nó được truyền thừa sang phía Tây qua cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương, lập nên nước Nam Triệu, rồi còn hùng bá một phương tới mãi sau này với tên Nam Chiếu.