Những vị tiên thời Trung đại

Hình tượng các vị tiên thời kỳ phục hưng Trung đại ở nước ta thể hiện những mong muốn về cuộc sống ấm no, đủ đầy, may mắn của đại chúng qua sự hòa đồng các tôn giáo lớn khi đó là Đạo giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Hình tượng tiên thời Tùy Đường

Sau thời kỳ Lục triều, Nam Bắc phân tranh, Hồ Hoa lẫn lộn, Trung Hoa bước vào giai đoạn phục hưng từ nhà Tùy và đạt đỉnh thịnh vào thời Đường. Đạo Giáo dưới thời Đường đã gần như trở thành quốc giáo, với việc tôn Lão Tử là tổ của họ Lý Đường, tôn xưng Thái Thượng Lão Quân.

Trên mảnh đất Việt ở phương Nam khi đó vẫn tiếp tục cùng dòng chảy văn hóa lịch sử chung của phương Đông. Những di vật tiêu biểu thời kỳ này có thể kể đến là tấm bia Xá lợi tháp minh thời Tùy Văn Đế tìm thấy ở khu vực Luy Lâu hay những nhân vật kiệt xuất thời Đường như tể tướng Khương Công Phụ người Thanh Hóa và thần đồng thơ Đường Vương Bột, người đất Long Môn ở Giao Châu. Quan niệm về thần tiên của thời Tùy Đường đã vượt ra khỏi yếu tố “độ linh” cho người chết thời Tần Hán, mà trở thành nhu cầu tín ngưỡng thường nhật, hướng cầu tới những điều may mắn, hạnh phúc hàng ngày cho quảng đại quần chúng. Hình tượng các vị tiên thời trung đại cũng thay đổi theo cùng xu hướng đó.

Các gương đồng thời Tùy Đường đã không còn là vật chôn theo người chết như trước, mà là đồ dùng và đồ trang trí thường nhật của tầng lớp quý tộc. Chủ đề trên gương lúc này không còn những hình ảnh kỳ bí của thế giới thần tiên đạo Giáo, mà thay vào đó là những cảnh chim thú hoa lá, như phượng hoàng ngậm hoa, chim uyên ương… Đặc biệt phổ biến trên gương đồng lúc này là hình ảnh các loài “thụy thú”, có thể là các thú 4 chân như chó, hổ hay thú biển (hải thú), được thể hiện trong vườn hoa trái bồ đào (nho) chín mọng. Chữ “Thụy” nghĩa là điều tốt đẹp, no ấm, đủ đầy, may mắn… thể hiện ước muốn của chủ nhân những chiếc gương thời Tùy Đường.

Hình tượng tiên thời Tùy Đường cũng “đẹp” và “thụy” không kém. Trên các gương đồng lúc là 2 vị tiên nữ quần rộng áo rủ đang bay phất phới lên trời (Phi tiên kính). Lúc là cảnh đêm trăng với vũ khúc nghê thường có chị Hằng, thỏ ngọc, cóc vàng (Hằng Nga bôn nguyệt kính). Lúc là những điển xưa tích cũ như chuyện Khổng Tử hỏi Vi Khải Kỳ về 3 điều vui ở đời (Tam lạc kính). Lúc là cảnh vị chân nhân đánh đàn cưỡi sương cưỡi hạc, hay tiên nhân Vương Tử Kiều thổi bầu sênh dẫn gió nơi đồng nội…

Gắn với điều may mắn, tốt lành ở thời này bắt đầu xuất hiện bộ Bát tiên, gồm 8 vị tiên Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hoà và Hà Tiên Cô. Mỗi vị một vẻ, đi mây về gió, ngao du vượt biển, làm bạn với thiên nhiên, phong cảnh ở trần gian. 8 bảo bối là vật cầm của bát tiên gồm quạt ba tiêu, trống cơm, phất trần, kiếm phép, sáo ngọc, thủ quyến, thiết trượng, hồ lô, dây phách, giỏ hoa lam, hoa sen. Bát tiên và bát bảo có phép mầu nhiệm trong chữa bệnh, diễn xướng, trừ tà, mang đến sức khỏe, niềm vui và sự sung túc cho con người.

Hình tượng tiên thời Lý Trần

Sang thời Ngũ Đại, nhà Đường tan rã chia thành 10 tiểu quốc. Vùng đất Việt ở phương Nam cũng theo đó tách khỏi Trung Hoa. Lĩnh Nam đạo dưới thời Đường trở thành vùng của tiết độ sứ quân cai quản. Tiết độ sứ là người cầm cờ tiết độ, có toàn quyền tự trị ở một khu vực. Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân đầu tiên là Cao Vương Biền, cho xây thành Đại La với quy mô lớn, làm thủ phủ của cả vùng đô hộ An Nam. Nối tiếp nhau giữ vị trí Tiết độ sứ vùng Tĩnh Hải là ba vị chủ họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ), rồi sau đó là các vị Đinh Liễn, Lê Hoàn và Lý Công Uẩn.

Từ khi các vua Lý lập nước Đại Việt, lên ngôi xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu ngang với phương Bắc thì văn hóa tín ngưỡng thần tiên trên đất Việt có sự phát triển riêng biệt. Điểm nổi bật của thời kỳ Lý Trần là ảnh hưởng của các tôn giáo đến từ Ấn Độ, mà đã được gọi chung là Phật giáo (gồm cả Phật giáo Thích Ca và Ấn Độ giáo). Thời Lý có 3 vị thiền sư đồng hành đi cầu đạo ở phương Tây là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Ba vị đi đến nước Kim Xỉ (Myanma) thì đắc đạo, quay trở về trở thành những bậc vừa Tiên vừa Phật, với đủ chuyện bay trên không, đi trên nước, hàng long phục hổ, đầu thai hóa sinh ly kỳ. Chuyến đi cầu đạo phương Tây của ba thiền sư đã diễn tả sự du nhập của tôn giáo Ấn Độ vào nước ta dưới thời Lý. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ lên tín ngưỡng và mỹ thuật Việt thời Lý đến từ phương Tây qua con đường tu học và truyền giáo, chứ không phải từ phương Nam qua những tù binh người Chăm bị bắt giữ.

Sang thời Trần, cùng với đạo Phật, đạo Giáo tiếp tục trở nên hưng thịnh. “Tam giáo đồng lưu” của thời Trần là Đạo giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo, được thể hiện khá rõ trong cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua quan nhà Trần. Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi tu Phật ở Yên Tử đã tu Đạo ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Vị anh hùng Trần Hưng Đạo cũng là một Đạo sĩ có tiếng, trừ tà diệt quỷ là tướng giặc Phạm Nhan. Trần triều đã trở thành hẳn một phủ thờ riêng trong tín ngưỡng dân gian. Những kinh sách và cách thực hành tôn giáo của các vị Trúc Lâm tam tổ đều mang tính “nhập thế” cao. Nói cách khác, Phật giáo Ấn Độ du nhập đã hòa đồng cùng với tôn giáo bản địa lâu đời của người Việt là Đạo giáo.

Hình tượng nghệ thuật thời Lý Trần thể hiện rõ xu thế “Tây hóa” trên. Khác với những hình ảnh kỳ dị của tiên nhân Đạo giáo thời Tần Hán, các vị tiên theo phong cách Ấn Độ giáo thời Lý Trần được thể hiện trong hình dáng đầy đặn, tươi vui, tráng lệ. Hình ảnh các vị tiên được khắc họa trên các di vật Lý Trần là các Chư Thiên trong Ấn Độ giáo. Điển hình là hình Tiên múa (Apsara), Tiên đánh đàn (Càn Thát Bà), Tiên thân chim (Khẩn Na La) gặp phổ biến trên các di vật như ở bệ đá chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) thời Lý hay trong chạm khắc gỗ chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên) thời Trần.

Vào thời Lý Thánh Tông còn có chuyện Đế Thích giáng trần, triệu hồi Tam phủ công đồng hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba tại thôn Liêu Hạ (Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên). Hồn Trương Ba được nhập vào trong thân xác của người hàng thịt, to lớn, đẫy đà, phải chăng cũng chính là một dạng thể hiện của thần đầu voi Ganesha (Hoan Hỷ Thiên)? Đế Thích Nhân Đà La rõ ràng là vị Vua Trời trong Ấn Độ giáo và là người đứng đầu thần điện của Tam phủ trong chuyện này.

Những vị tiên thời Trung đại - Ảnh 1.
Thiên Đế điện ở Liêu Hạ (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Những vị tiên thời Trung đại - Ảnh 2.
Tiên cưỡi thú – gương đồng thời Đường.
Những vị tiên thời Trung đại - Ảnh 3.
Chim uyên ương và hoa lá – gương hoa quỳ thời Đường.
Những vị tiên thời Trung đại - Ảnh 4.
Chim tước và hoa lá – gương tròn thời Đường.
Những vị tiên thời Trung đại - Ảnh 5.
Tiên tấu nhạc – chạm khắc chùa Thái Lạc.
Những vị tiên thời Trung đại - Ảnh 6.
Tiên thân chim dâng hoa – chạm khắc chùa Thái Lạc.

https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-vi-tien-thoi-trung-dai-179221229222732023.htm

Thượng Nguyên giữa lòng Hà Nội

Ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên, là một lễ tiết lớn theo  truyền thống của người Việt trong dịp đầu xuân. Vào tiết Thượng Nguyên người ta thường làm lễ cầu an, cầu phúc, ước nguyện điều lành trong năm mới. Điều mà ít người biết đến là Tết Thượng nguyên vốn là ngày lễ vị Thiên Quan, là người ban phúc trời cho nhân gian. Đây không chỉ là tục thờ và cầu phúc của người Hoa ở Sài thành, mà ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội từ lâu đã có một ngôi đền cổ thờ Thiên Quan Tứ phúc.

Đền Vũ Thạch ở số 13B phố Bà Triệu, nằm cách bờ hồ Gươm chỉ vài bước đi bộ. Đây là một ngôi đền cổ, rất may mắn đã không bị phá hủy trong thời gian chiến tranh và còn bảo tồn được nguyên vẹn  tới ngày nay. Ngoài cổng đền có đắp vòng bích tròn đề dòng chữ Nho “Đại Thiên hành hóa”, dịch là: “Thay Trời làm phép”. Đôi câu đối ở 2 bên cột ngôi đền nêu bật thêm ý nghĩa của ngôi đền: “Dữ Phật vi lân, từ chúc quang khai thành bất dạ/ Đại Thiên hành hóa, đức phong phổ phiến hải vô ba”. Nghĩa là: “Làm phép thay Trời, gió Đức thổi tràn yên sóng bể/ Kế bên cùng Phật, đuốc Từ soi rạng sáng đêm thành”.

Bước vào tòa chính đường của ngôi đền ta có thể chiêm ngưỡng bức cửa võng chạm khắc rồng chầu mặt trời rất tinh xảo, được sơn son thiếp vàng rực rỡ, ngăn tạo không gian thờ cúng linh thiêng bên trong. Phía trên cửa võng là bức hoành phi: “Đức lớn vô cùng”. Bên phải có bức hoành phi đề: “Giáo hóa vạn dân”. Bức hoành phi bên trái đề: “Che trùm bốn biển”. Tất cả đều nêu ý nghĩa đức hóa của thần bao trùm khắp muôn dân.

Hai bên ban thờ chính điện có 2 vị quan hầu khoác áo vàng đang chắp tay quỳ chầu. Bên cạnh là một đôi nghê gỗ, được chạm khắc quanh thân với những lớp vẩy và các đao lửa, tuy hình khối mộc mạc nhưng toát lên vẻ trang nghiêm và cổ kính.

Sâu trong nội điện là tượng một vị thần ngồi trên ngai rồng, khoác áo vàng có thêu rồng, đầu đội mũ cánh chuồn. Tay phải thần cầm một thẻ bài. Tay trái xòe ra như đang ban phúc lộc. Phía trên bức tượng có hoành phi đề: “Khắc tương Thượng Đế”, dịch là “Gánh vác, trợ giúp Thượng Đế”.

Không hiểu tại sao các tài liệu ngày nay về đền Vũ Thạch lại nói nơi đây thờ một vị tướng thời Trưng Vương, trong khi thần tượng hoàn toàn không thể hiện đây là võ tướng, mà là hình một vị tôn quan khá rõ nét. Chính xác hơn nữa, bản sắc phong năm Tự Đức thứ sáu (1852) của đền Vũ Thạch ghi: “Sắc cho thần Thiên Quan, nguyên tặng là thần Tứ phúc Diên hi Công chính”. Thiên Quan Tứ Phúc là tên phong hiệu của vị thần ở đền Vũ Thạch.

Tấm bia “Vũ Thạch bi ký” khắc năm Khải Định thứ chín (1924) có đoạn: “Thọ Xương huyện Vũ Thạch thôn … Thiên Quan bảo điện, di tượng thanh cao, thần ư Phật tự chi tiền, hách hách quyết thanh, dương dương tại thượng, cầu tất ứng…”. Dịch là: “Thôn Vũ Thạch huyện Thọ Xương… có điện báu Thiên Quan, di tượng thanh cao, thời ở trước chùa Phật, tiếng thiêng hiển hách, rờ rỡ nơi trên, cầu tất ứng…”. Như thế, bức tượng thần ở đền Vũ Thạch là tượng cổ thờ Thiên Quan.

Thiên Quan là một trong Tam Quan Đại đế của Đạo Giáo gồm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan. Thiên Quan chủ về đường Sinh nên có ý nghĩa “Tứ phúc”, đem điều may mắn đến cho nhân gian. Ngày “Quan Trời ban phúc” là ngày Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Còn Địa Quan xá tội vào ngày Trung Nguyên Rằm tháng Bảy. Thủy Quan giải ách vào ngày Hạ Nguyên Rằm tháng Mười.

Tín ngưỡng thờ Tam Quan khởi đầu từ thời Đông Hán bởi giáo chủ Trương Đạo Lăng và truyền xa mãi tới nay. Ở nước ta, Tam Quan là đối tượng thờ chính của Đạo Giáo Tam Phủ, từng rất phổ biến trước đây. Đền thờ Tam Quan được xây dựng ở nhiều nơi như trong quần thể di tích chùa Thầy ở Sài Sơn (Quốc Oai) hay ở thành phố Bắc Ninh, ở xã Cao Đức huyện Gia Bình… Một loạt các đình làng ở Thanh Hóa cũng thờ các vị Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan làm thành hoàng làng.

Trong đền Vũ Thạch, ngoài chính điện thờ Thiên Quan thì điện bên trái là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị thần tiên trong Công đồng Tứ phủ. Đặc biệt ở đây có bức hoành phi đề: “Hồi đầu thị ngạn”, nghĩa là “Quay đầu lại là bờ”. Bức hoành phi này không chỉ là lời cảnh tỉnh giác ngộ con người hướng thiện, mà  trong bối cảnh của đền Vũ Thạch thì nó có thể hàm ý nói tới cuộc đại chiến Sòng Sơn giữa Mẫu Liễu với Tam Quan Nội đạo tràng. Trong cuộc chiến này Mẫu Liễu đã bị bại bởi 3 vị quan – 3 đạo sĩ của phái Nội đạo, sau nhờ Phật Tổ hiện lên giải cứu mới thoát khỏi kiếp nạn và từ đó được tôn sùng là Thánh mẫu.

Bia ký Vũ Thạch có đoạn: “Mẫu đức bao hàm trạch biến Cửu thiên chi vũ. Tiên dung yểu điệu diễm khai Tam phủ chi hoa.” Nghĩa là: “Sự bao hàm đức của Mẫu như mưa từ Cửu thiên. Vẻ yểu điệu hình tiên như hoa nở đẹp của Tam phủ”. Từ sau cuộc đại chiến Sòng Sơn, Tam phủ của Đạo Giáo vốn chỉ thờ Tam Quan đã mở rộng ra thờ các nữ thần và trở thành Đạo Mẫu Tứ phủ như ngày nay.

Nằm ở phía sau đền Vũ Thạch là ngôi  chùa Quang Minh, cũng là một di tích cổ hiếm hoi còn bảo tồn được khá nguyên vẹn trong lòng Hà Nội. Làm lễ cầu phúc nơi điện Thiên Quan, dâng hương tới Thánh mẫu Liễu Hạnh ở đền Vũ Thạch xong có thể ghé chùa cổ trong ngày Thượng nguyên đầu xuân năm mới. Đôi câu đối ở nhà thờ tổ chùa Quang Minh như nhắc lại ký ức về một Hà thành hào hoa nhưng rất tâm thành tín lễ:

“Ngọc Đảo hương phong, cách phượng thải hoa hàm khẩu kệ/ Kiếm Hồ thu nguyệt, kim long xuất thủy phủng tâm kinh”.

Nghĩa là: “Hương gió Ngọc Sơn, phượng cách hoa tô ngâm lời kệ/ Trăng thu Hồ Kiếm, rồng vàng phun nước đỡ tâm kinh.”

Bài đăng báo Lao Động cuối tuần số 7-9 từ 13 đến 27 tháng 2 năm 2022

Người truyền sấm vĩ báo sự diệt vong của Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 32, Thủy Hoàng tới Kệ Thạch, sai người Yên là Lư Sinh đi tìm Tiện Môn, Cao Thệ… Người Yên là Lư Sinh được sai ra biển trở về, tâu việc quỷ thần, lại dâng sách ghi lời sấm viết rằng: “Kẻ diệt Tần là Hồ vậy”. Thủy Hoàng bèn sai tướng quân Mông Điềm cất 30 vạn quân lên phía Bắc đánh người Hồ, chiếm đất Hà Nam”.  (Sử ký Tư Mã Thiên)

Nhận được lời sấm truyền từ Lư Sinh, rằng nhà Tần sẽ bị diệt bởi người Hồ nên Tần Thủy Hoàng đã phát động cuộc tấn công lên phía Bắc, cho đắp công trình “thiên niên kỷ” Vạn lý trường thành để phòng bị Hung Nô. Nhưng kết quả Tần bị diệt không bởi Hung Nô, mà bởi Lưu Bang, một thường dân áo vải ở phương Nam. Vậy là lời sấm vĩ của Lư Sinh đã sai hay Tần Thủy Hoàng đã phán đoán sai?

Lư Sinh được cử đi ra biển tìm tiên mà về truyền lại lời sấm. Đã là đi ra biển tìm tiên lúc đó thì chỉ có thể là ra biển Nam Hải. Năm thứ 37… Thủy Hoàng du hành… lên núi Cối Kê tế Đại Vũ, trông ra Nam Hải mà dựng đá khắc bia, ca tụng công đức của nhà Tần. Nam Hải thời Tần rõ ràng là vùng biển Đông ngày nay, mà chứng cứ là Tần Thủy Hoàng lấy đất Lục Lương chia làm 3 quận Quế Lâm, Tượng và Nam Hải.

Người Yên Lư Sinh đi ra biển Đông (Nam Hải) có thể xác định là… Yên Kỳ Sinh. Vị Thiên Tuế Ông này đi hái thuốc ở ven biển Đông nổi tiếng, được biết rõ tại Việt Nam bởi còn di tích là núi Yên Tử ngày nay. Một đạo sĩ đi hái thuốc thì không phải để chữa bệnh, mà là để chế “tiên dược” cho thuật trường sinh bất lão. Lư Sinh đã nói với Tần Thủy Hoàng: Chúng thần tìm linh chi, kỳ dược thần tiên…

Theo Liệt tiên truyện, Tần Thủy Hoàng đã gặp Yên Kỳ Sinh khi đi tuần phương Đông, rồi tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích. Yên Kỳ Sinh đã bỏ lại số quà tặng quý báu này trong đình Phụ Hương cùng với một bức thư, dặn Tần Thủy Hoàng mấy năm sau đến tìm ông ở núi Bồng Lai. Mấy năm sau (năm thứ 37) đúng là Thủy Hoàng đã đi ra biển Nam Hải, lên núi “Cối Kê”, hẳn là để tìm Yên Kỳ Sinh, mà không gặp. Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ Yên Kỳ Sinh ở đình Phụ Hương và ven biển Đông. Nhà Tần mất, Hạng Vũ từng mời ông ra làm quan, ông bèn đi nơi khác.

Núi Yên Tử vốn có tên là Tượng Đầu sơn, ở đỉnh núi có khối đá tương truyền là tượng Yên Kỳ Sinh đã đắc đạo thành tiên ở núi này. Tên núi Yên Tử lấy theo tên của Yên Kỳ Sinh. Rất bất ngờ là đầu năm 2021 tại chân núi Yên Tử ở di tích Thiên Long Uyển thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX. Đông Triều, Quảng Ninh, đã phát hiện một “bãi cọc” cổ, nhưng không phải là cọc Bạch Đằng mà là cột cho một công trình kiến trúc hoành tráng. Niên đại C14 của cọc này là thế kỷ IV-III trước Công nguyên, tức là trùng khớp với niên đại của nhà Tần. Liệu đây có phải là ngôi đình Phụ Hương cổ tích, nơi gặp gỡ giữa Tần Thủy Hoàng và người Yên Kỳ Sinh?


Cột gỗ thế kỷ IV – III TCN ở di tích Thiên Long Uyển (ảnh của báo CAND)

Tần Thủy Hoàng bản kỷ kể rằng Lư Sinh thuyết phục Thủy Hoàng năng vi hành để tránh ác quỷ để chân nhân mới tới. Thực ra ở đây Lư Sinh có ý khuyên Thủy Hoàng bớt làm điều ác, để ý hơn đến dân tình. Sau đó Lư Sinh bàn với Hầu Sinh: Con người của Thủy Hoàng, tính khí ương bướng tàn bạo, tự theo ý mình, xuất thân chư hầu, thôn tính thiên hạ, muốn gì được nấy, tự cho là từ xưa tới nay không ai bằng mình…”. Thế rồi Lư Sinh bỏ trốn.

Chuyện kể của Lư Sinh đã giải thích lý do Yên Kỳ Sinh treo ngọc ở đình mà đi, không gặp Tần Thủy Hoàng nữa. Yên Kỳ Sinh vốn ban đầu muốn dùng tiên đạo để khuyên Tần Thủy Hoàng bớt tàn ác, nhưng không được nên đành bỏ đi. Trước lúc đi vẫn để lại di ngôn ở dạng sấm vĩ nhằm khuyên răn Thủy Hoàng.

Lời sấm mà Yên Kỳ Sinh đã để lại (trong bức thư ở đình Phụ Hương?): “Kẻ diệt Tần là Hồ vậy” rất chính xác bởi nó chỉ người Hồ ở đây là người ở phương Nam, ở chính vùng đất gần nơi bức thư đã để lại bên bờ biển Đông. Người Hồ đó là Triệu Đà, người ở Chân Định, đất Thái Bình, cách vùng núi Yên Tử không xa. Lời sấm của Yên Kỳ Sinh một lần nữa xác nhận gốc tích của Lưu Bang, người diệt Tần là một người phương Nam, được truyền thuyết Việt kể lại dưới tên Triệu Vũ Đế.

Cao Tổ bản kỷ kể rằng khi Lưu Bang còn làm đình trưởng ở đất Bái, có gặp một cụ già xem tướng cho Lữ Hậu và Lưu Bang nói rằng: tướng của ông quý hết chỗ nói. Rất có thể cụ già xem tướng cho Lưu Bang ở đất Bái chính là Yên Kỳ Sinh (Lư Sinh) và khi đó Yên Kỳ Sinh đã dự đoán Lưu Bang – Triệu Đà chính là “người Hồ” sẽ diệt nhà Tần. Đây cũng là lý do vì sao cho dù có “người quen” giới thiệu, Yên Kỳ Sinh vẫn không về làm quan cho Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, bởi ông đã đoán biết trước ai mới là người chiến thắng trong cuộc chiến Hán – Sở tranh hùng.

Cũng Cao Tổ bản kỷ chép: Tần Thủy Hoàng đế thường nói: “phía Đông Nam có khí thiên tử”, thế rồi tuần du phương Đông để trấn yểm”. Với lời sấm của Yên Kỳ Sinh, Tần Thủy Hoàng cũng đã đoán biết người thay thế mình đang ở phía Đông Nam. Phía Đông Nam của nước Tần thì phải là vùng ven biển Đông, nơi Thủy Hoàng đã dựng đá ở núi Cù làm cửa thông ra biển.

Thủy Hoàng cũng đã cho một đại tướng thân tín của mình trấn giữ “người Hồ” ở phương Nam là Lý Thân. Lý Ông Trọng là con rể của Tần Thủy Hoàng, làm tới chức Phụ Tín hầu và được cử trấn giữ tại vùng đất Lạc, đóng ở… thành Cổ Loa. Đồng thời với việc xây Vạn lý trường thành, Thủy Hoàng đã cho củng cố lại thành Lạc Dương ở Đông Ngàn để đề phòng người Hồ ở phương Nam. Nhưng cũng chính việc xây thành này lại là nguồn gốc dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Lưu Bang – Triệu Đà kháng Tần trên đất Việt. Do chế độ phu dịch hà khắc của nhà Tần, đình trưởng Lưu Bang đã cùng dân phu bỏ vào rừng núi Mang Đường (nay là núi Vũ Ninh ở Quế Võ, Bắc Ninh) “làm cướp”, cho đến khi Thủy Hoàng mất…

Những địa danh được nói đến trong bài:
1. Yên Tử, nơi có tượng đá Yên Kỳ Sinh
2. Yên Đức, nơi có di chỉ Thiên Long Uyển với cọc gỗ thời Tần
3. Đồng Xâm, nơi Triệu Đà làm đình trưởng
4. Ngọc Xá, nơi núi Vũ Ninh, căn cứ khởi nghĩa của Triệu Đà
5. Thành Cổ Loa, nơi Lý Thân đóng quân và xây thành.

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Trong các ngày Tết, ngày lễ cổ truyền dân gian có một ngày rất quan trọng là Tết Trùng cửu, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là số dương, do sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng cửu hay Trùng dương. Tết Trùng cửu cũng được coi là Tết người cao tuổi hay Tết người già. Vì sao lại như vậy? Tết Trùng cửu có nguồn gốc sâu xa và ý nghĩa như thế nào trong văn hóa Việt?

Nguồn gốc Tết Trùng cửu được sách cổ kể rằng, đời Hậu Hán có Hoàng Cảnh theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, người ta lên núi, uống rượu hoa cúc để cầu may…

Về ngày Trùng dương, thiền sư Huyền Quang, vị tổ Trúc Lâm thứ ba thời Trần, có câu thơ:

Trong núi năm tàn không có lịch. 

Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương.  

Tết Trùng dương ở Việt Nam là lúc hoa Dã quỳ (cúc dại) nở vàng rộ ven các triền núi. Thu ngắm hoa Dã quỳ nở, thưởng rượu hoa Cúc trong không khí thoáng đãng trên núi cao quả là những thú tao nhã của các tiên nhân, mặc khách xưa.

Ý nghĩa của ngày Trùng dương trước hết là từ khái niệm về sự tuần hoàn của vũ trụ theo mô hình Thái cực. Trùng dương ứng với tượng Thái Dương, là lúc hoàn thành một chu kỳ Tứ tượng từ Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm đến Thái Dương. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm truyền “Cửu cửu càn khôn dĩ định”, cũng là chỉ ngày mồng 9 tháng 9, lúc mà “càn khôn” âm dương đã đi hết một vòng tiêu trưởng. Số 9 trong số đếm Giáp, Ất, Bính… là con số áp cuối trong thập can, trước khi chuyển sang một nấc bậc mới.

Mô hình Tứ tượng được hình tượng hóa thành bốn con vật thiêng là Long, Ly, Quy, Phụng, hay là Tứ linh thú trong phong thủy là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Đồ hình Tứ linh gặp phổ biến trên các gương đồng cổ bắt đầu thời Tây Hán. Những chiếc gương này cũng thường được tìm thấy trong các mộ cổ xây gạch, gọi là mộ dạng Hán, gặp ở nhiều nơi ở nước ta như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh…

Gương Tứ linh thời Hán thường có đúc chữ 12 địa chi Tý, Sửu, Dần, Mão… ở trong hình vuông tại trung tâm. Vòng ở giữa thể hiện 4 linh thú và các thụy thú khác. Ở vòng ngoài có dòng chữ là một bài thơ có vần. Thường gặp trong bài thơ có đoạn mô tả bố cục quy củ của chiếc gương là: 

Rồng trái Hổ phải xua tan điều xấu. 

Chu Điểu, Huyền Vũ điều hòa âm dương.

Thái Dương là vị trí Âm tiêu đến cùng cực, là số không và bắt đầu đi lên. Chính sự quay đầu của khí âm, bắt đầu cho chu trình Âm Dương tiêu trưởng, mới khiến cổ nhân chọn con Quy (Rùa) làm đại biểu cho tượng Thái Dương. Quy có nghĩa là quay về, cũng là từ phát âm gần với Quay trong tiếng Việt, nghĩa là điểm quay đầu, thay đổi trong sự phát triển.

Gương có Tứ linh điều hòa âm dương, xua dữ cầu lành còn có những dòng cầu chúc với nội dung cầu phúc cho con cháu, cầu thọ cho song thân, cầu mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa, cầu quan vị tôn hiển, nghi đạt. Còn có sự tích rằng Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày Trùng dương cũng là ngày mùa màng cho thu hoạch, kết thúc một vòng tuần hoàn sinh trưởng của cây cỏ thiên nhiên trong năm.

Một sự tích khác về ngày Trùng cửu được chép trong sách “Phong thổ ký” rằng cuối đời nhà Hạ vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng đế giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn…

Hạ Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ, đã bị vua Thành Thang nhà Thương tiêu diệt. Triều Hạ khởi đầu từ Hạ Khải – Lạc Long Quân nên có biểu tượng là nước (Lạc). Sự tàn bạo của Hạ Kiệt được truyền thuyết hóa thành cơn thủy tai cuối thời Hạ. Người dân lên núi lánh nạn, tức là đi theo Thành Thang, vốn là bộ tộc ở phía Bắc xưa, có biểu tượng là Núi. Ngày mồng 9 tháng 9 là ngày chấm dứt triều đại nhà Hạ, khởi đầu nhà Thương, chấm dứt cơn thủy tai đại nạn do Hạ Kiệt gây ra, mở ra một triều đại mới trong lịch sử.

Gương Tứ linh thời Hán tìm thấy ở Bắc Việt

Trên những chiếc gương đồng trong mộ Hán thường gặp bài minh tả cảnh như sau:

Trên có tiên nhân không biết tuổi

Khát uống suối ngọc, đói ăn táo

Quanh trên núi thiêng hái dược thảo

Ngao du thiên hạ khắp bốn biển

Thọ như đá vàng, nên thiên đạo.

Thật bất ngờ khi nhận ra rằng những bài thơ trên đồng kính thời Hán lại như đang mô tả cảnh ngày Tết trùng dương, lên núi gặp lão tiên trường thọ, ăn uống thanh khiết, thưởng hoa hái thuốc. Ngày Trùng dương như vậy theo quan niệm của đạo Thần Tiên thời Hán là ngày có thể “đắc thiên đạo”, trở thành trường sinh bất tri lão. Tục ăn bánh “cao” ngày Trùng cửu giống như chuyện tiên nhân ăn táo. Tục uống rượu hoa cúc cũng như uống nước suối ngọc.

Một tục khác vào ngày Tết Trùng Cửu là tục cài lá Thù du hay còn gọi là Châu du. Cài lá Thù du là một phong tục có từ thời Đường, mọi người nhất là trẻ em và phụ nữ thường giắt lá vào người hay cho vào trong những túi vải để trừ tà. Trái cây Thù du là một vị thuốc vô cùng tốt có thể khử hàn độc, ôn nhiệt. Có thể thấy việc cài lá Thù du tương tự việc tiên nhân bồi hồi ngao du đi tìm “chi thảo” như được mô tả trên gương đồng cổ.

Trong kinh điển Đạo Giáo có chuyện Tần Thủy Hoàng nhiều lần đi ra bờ biển Đông gặp đạo sĩ Yên Kỳ Sinh bên đình Phụ Hương hỏi cách trường sinh bất lão. Di tích nay còn là núi Yên Tử ở Quảng Ninh nước ta, tương truyền là nơi Thiên Tuế Ông Yên Kỳ Sinh đi hái cây thuốc Thạch xương bồ, mọc trên các khe đá ở vùng núi cao. Gần đây, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại di chỉ Thiên Long Uyển ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều một bãi cột gỗ, có niên đại được xác định vào thế kỷ thứ III, IV trước Công nguyên. Đây là bằng chứng trực tiếp cho một kiến trúc đình đài dựng bằng gỗ tại khu vực Quảng Ninh bên bờ biển Đông vào thời Tần.

Gạch mộ kiểu Hán ở chân núi Yên Tử

Sách “Phong Thổ Ký” chép: “Đời Hán vua Văn Đế cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy”. Vương hậu của Văn Đế là Đậu hoàng hậu, một người theo chủ trương Vô vi của đạo Giáo. Đậu hoàng hậu sau trở thành Thái hậu rồi Thái hoàng thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong các đời Cảnh Đế và Vũ Đế tiếp theo. Đây là lý giải cho sự tích vua Văn Đế xây đài lên cao vào ngày Trùng dương, gắn với tư tưởng thăng tiên của Đạo Giáo. Phí Trường Phòng cũng là một tiên nhân thời Hán. Có thể thấy sự tích ngày Trùng dương lên cao gặp tiên đều bắt nguồn từ thời Tây Hán, tương đương với niên đại của những chiếc gương Tứ linh ở trên.

Cần nói thêm rằng nhà Tây Hán có các vị vua đều mang hiệu là Hiếu, như Hiếu Văn Đế, Hiếu Cảnh Đế, Hiếu Vũ Đế… như được ghi trong “Sử ký Tư Mã Thiên”. Nên chính xác phải gọi đây là nhà Hiếu, một triều đại của người Bách Việt. Nhà Hiếu do Cao Tổ là Lưu Bang, một người Việt chính cống sáng lập, cùng với các công thần lập quốc như Hàn Tín, Mai Thừa, Anh Bố, Văn Ông, Tiêu Hà, Tào Tham đều đã được ghi nhận trong “Bách Việt tiên hiền chí” của sử gia Âu Đại Nhậm thời Minh.

Tượng Hồ Công và Phí Trường Phòng ở núi Xuân Đài, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Truyền thuyết về nguồn gốc ngày Trùng cửu với vị tiên Phí Trường Phòng còn tương đồng với một sự tích cùng nhân vật ở Thanh Hóa nước ta. Ở động Hồ Công thuộc huyện Vĩnh Lộc, tương truyền xưa kia có một ông già vai đeo quả bầu nhỏ thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến ông lại về động, thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Có người là Phí Trường Phòng thấy lạ mà hỏi. Hồ Công liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ trời, đất, trăng sao, nhà cửa… Sau này Phí Trường Phòng cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động Hồ Công ngày nay.

Quan niệm thành tiên thời kỳ đầu Công nguyên được Cát Hồng, một đạo sĩ đời Tấn đề cập. Cát Hồng có hiệu là Bão Phác Tử, từng làm quan lệnh ở huyện Câu Lậu, thuộc miền Bắc nước ta. Về sau ông tìm cầu thuật trường sinh bất tử, hết sức đề xướng thần tiên Đạo giáo. Trong cuốn “Bão phác tử luận tiên” Cát Hồng đã dẫn sách “Tiên kinh” cho biết tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên”. Như thế, việc đăng cao lên núi là một trong những cách để thành tiên trong quan niệm thời này. Còn việc thoát xác thành tiên được thể hiện qua các đồ tùy táng như các gương đồng hay vải liệm lụa có vẽ tranh trong các ngôi mộ Hán.

Những chiếc gương đồng trong mộ cổ thời Hán không chỉ là đồ dùng bồi táng theo người đã mất mà nó có ý nghĩa là giúp cho người chết trong quá trình thoát khỏi thân xác phàm tục mà thăng tiên. Trong các nghi lễ cúng xưa của người Việt các thầy phù thủy cũng từng dùng gương đồng như một pháp cụ hành lễ. Vì vậy, các họa tiết biểu tượng và minh văn trên gương đồng cổ thể hiện tư tưởng tín ngưỡng và tâm linh của con người đương thời.

Trong sự tích Việt cũng có truyền thuyết lên núi gặp tiên được phúc như thần tích về Tản Viên Sơn Thánh. Hai anh em ông Nguyễn Cao Hành một hôm đi săn lên núi Thu Tinh, gặp một Lão ông mang theo một bầu rượu và một cái la bàn. Hai anh em xin Lão ông chọn cho một huyệt mộ để táng hài cốt của thân phụ, nhờ đó sinh được các bậc tiên thánh là ba vị Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Nguyễn Tuấn trở thành Tản Viên Sơn Thánh, vị thần bất tử đứng đầu linh thần Việt. Cao Sơn và Quý Minh là hai vị Tả hữu kiên thần, có công chống giặc Thục, yên định giang sơn. Khi hai vị Cao Sơn và Quý Minh hóa, cũng lại quay về núi Thu Tinh mà thăng thiên.

Cảnh đi săn trên gương đồng hình hoa Cúc thời Đường

Truyền thuyết táng mộ ở núi Thu Tinh cũng giống như quan niệm ngày Trùng cửu lên núi gặp tiên, uống rượu hoa cúc. Lão ông ở núi Thu Tinh cầm bầu rượu và cái la bàn, không khác gì là cầm một chiếc gương phong thủy. Mục đích là tìm cầu sinh con quý tử và thọ lão, thành tiên lúc quay về trời.

Cuối cùng xin lấy bài thơ của lão tiên nhân đã ngâm đọc trên núi Thu Tinh để kết thúc bài viết về ngày tết Trùng cửu của người Việt:  

Từ đế vương cùng muôn triệu dân

Quay về sẽ phải tụ tinh thần

Sự truyền khó luận chân hay ảo

Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.

Hưng Thánh quán và Đạo Giáo

Đạo Giáo có ở Việt Nam từ bao giờ? Có thật Đạo Giáo nước ta là được du nhập vào từ Trung Quốc? Những di tích Đạo Giáo để lại ở nước ta giúp hiểu thêm về nguồn gốc tín ngưỡng và triết lý nhân sinh này của người Việt xưa?

Toan canh chua MuiToàn cảnh chùa Mui – Hưng Thánh quán.

Chùa Mui nằm ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) là một di tích có tiếng, không phải là nơi thờ Phật mà là một Đạo quán. Quán này có tên Hưng Thánh quán (興聖觀), là một trong số ít những di tích Đạo quán cổ còn lưu lại được ở nước ta tới nay.
Đôi câu đối hai bên cột trước cửa quán:
擇地立聖宮五世李朝起造
開天眞秘籙千秋老道長書
Trạch địa lập thánh cung, ngũ thế Lý triều khởi tạo
Khai thiên chân bí lục, thiên thu Lão đạo trường thư.
Dịch:
Chọn đất lập thánh cung, triều Lý năm đời khởi dựng
Mở trời soạn bí lục, đạo Lão ngàn thu mãi ghi.
Vế đối đầu cho biết Hưng Thánh quán được xây dựng vào thời Lý đời thứ 5 (Lý Thần Tông?). Vế đối sau nói tới “chân thư khai thiên” của Đạo Lão được lưu truyền. Chân thư này là chỉ tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Hưng Thánh quán thờ Thái Thượng Lão Quân, tức là Lão Tử, nên chân thư của Lão Tử được đề cao ở đây.

Tran Vu cungTrấn Vũ cung.

Phía sau Hưng Thánh quán còn một nơi nhỏ hơn, xây riêng gọi là Trấn Vũ cung (鎮武宮), thờ thần Trấn Vũ. Cung thờ cũng được khởi dựng cùng vào thời Lý với Hưng Thánh quán.
Không xa khu vực này có đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín) thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương, cũng gọi là Quán Thánh. Nếu ở đền Bộ Đầu có bức tượng Huyền Thiên bằng đất cao 7-8 m thì trong Hưng Thánh quán cũng có riêng tượng đất một vị đức thánh khá lớn, tay đang bắt quyết, xung quanh tượng là các loài thú, tôm cá. Người trong chùa Mui gọi là Đức Thánh Lương. Còn theo tài liệu thì cho rằng đó là thần Đông Nhạc.

Duc Thanh LuongTượng Đức thánh ở Hưng Thánh quán.

Kết nối dữ liệu ở cả 3 di tích trên thì thần Huyền Thiên là Trấn Vũ ở Quán Thánh. Đổng Thiên Vương có lẽ đã bị nhầm thành Đông Nhạc thần. Như đã biết, Huyền Thiên Đổng Thiên Vương chính là Lão Tử. Hưng Thánh Quán như vậy là một di tích khởi dựng thời Lý, thờ Lão Tử (Thái Thượng Lão Quân), gắn với sự tích Huyền Thiên Trấn Vũ. Rất có khả năng, “thời Lý” khởi dựng ở đây là thời Lý Đường, tức là thời nhà Đường, là một triều đại tôn Lão Tử làm thủy tổ của mình và cho xây dựng đạo quán ở khắp nơi.
Hưng Thánh quán là bằng chứng hiện hữu về vị thần bất tử thứ ba Đổng Thiên vương, ở ngôi Thượng thiên của nước Nam. Lão Tử là Huyền Thiên đại thánh người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu dẹp quỷ, xây thành Cổ Loa.
Câu đối ở chính điện ngoài cùng (ban thiêu hương) của Hưng Thánh quán:
蘭麝飄香金鴨氤氳無量界
笙璈響奏霓裳縹缈大羅天
Lan xạ phiêu hương, kim áp nhân uân vô lượng giới
Sanh ngao hưởng tấu, nghê thường phiếu miểu đại la thiên.
Dịch:
Lan xạ mùi hương, lư vàng hòa khí chốn vô lượng
Sênh ngao tiếng tấu, nghê thường thăm thẳm trời đại la.

Chinh dien Hung ThanhChính điện Hưng Thánh quán.

Điện thờ chính của Hưng Thánh quán có tượng Thượng đế, hai bên là một vị đồng tử và một vị tiên ông. Điện thờ này có 2 cặp câu đối. Một cặp bên ngoài là:
玄之又玄三十六天真主宰
極而無極萬千億劫大元尊
Huyền chi hựu huyền, tam thập lục thiên chân chủ tể
Cực nhi vô cực, vạn thiên ức kiếp đại nguyên tôn.
Dịch:
Huyền là có huyền, ba mươi sáu thiên chính chúa tể
Cực mà không cực, nghìn vạn ức kiếp đại nguyên tôn.
“Huyền chi hựu huyền” là câu trong Đạo Đức Kinh nói về giáo nghĩa của Đạo, phép huyền diệu thâm sâu vô cùng. “Thái cực mà vô cực” là khẩu hiệu của nhà lý học Chu Liêm Khê thời Tống, cũng nói về giáo nghĩa của Đạo.
Người là chân chúa tể của 36 cung trời và là khởi nguyên của ngàn vạn ức kiếp được nói đến trong câu đối là Thượng Đế hay Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế. Hưng Thánh quán thờ Lão Tử ở ngôi Thượng thiên.

Thai Thuong Huyen Thien

Ba bức tượng ở điện thờ chính này thể hiện Thượng Đế ở giữa, một bên là Thái Thượng Lão Quân (hình một tiên ông) và một bên là Huyền Thiên Đại Thánh với khả năng trấn quy xà (hình rắn và rùa). Như vậy đây không phải là 3 nhân vật khác nhau mà là 3 ngôi của cùng một vị – Lão Tử.
Cặp đối thứ hai ở điện thờ Thượng đế:
道傳太一三元始
法演玄空萬古崇
Đạo truyền Thái Nhất tam nguyên thủy
Pháp diễn Huyền Không vạn cổ sùng.
Dịch:
Đạo truyền Thái Nhất ba nguyên thủy
Phép giảng Huyền Không vạn cổ sùng.
Nếu câu đối trước nói tới giáo nghĩa của Đạo Giáo và Thần chủ của Đạo Giáo thì câu đối này nói tới việc thực hành, truyền giảng Đạo Giáo. Thái Nhất là khái niệm được nêu thời Kim (Tống) trong môn phái Thái Nhất trong Đạo Giáo, tôn thờ thần Thái Nhất (Thái Cực). Phép màu Huyền Không của Đạo cũng được nói tới trong bức hoành phi ở Tam quan của quán: Đạo diễn huyền không 道演玄空.

Tam bao Hung ThanhTam bảo Hưng Thánh quán.

Điện thờ trên cùng của Hưng Thánh quán là điện Tam bảo (Đại hùng bảo điện), nhưng không phải thờ Phật mà thờ Tam Thanh. Tam Thanh là ba vị thần tiên tối cao của Đạo Giáo gồm Ngọc Thanh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, cũng chính là Thái Thượng Lão Quân. Nguyên Thủy Thiên Tôn được đặt ngồi ở giữa. Bên phải là Linh Bảo Thiên Tôn tay cầm gậy như ý. Bên trái là Đạo Đức Thiên Tôn cầm quạt.
Câu đối ở ban thờ Tam bảo:
两儀開闔乾坤人類和同真善美
三寳勸懲善悪衆生苦滅貪嗔癡
Lưỡng nghi khai hạp, kiền khôn nhân loại hòa đồng chân thiện mĩ
Tam bảo khuyến trừng, thiện ác chúng sinh khổ diệt tham sân si.
Dịch:
Hai ngôi khai mở, trời đất nhân loại hòa đồng chân thiện mĩ
Ba báu khuyên răn, lành dữ chúng sinh khổ diệt tham sân si.
Trước ban Tam bảo là bệ hoa sen. Bệ này còn lưu lại những trang trí gạch gốm của thời Mạc, hình rồng, hoa sen và chim thần khá đẹp. Tương truyền thì dưới bệ tượng này là huyệt đan sa, nơi luyện kim đan của các đạo sĩ trước đây.

Rong Hung ThanhHình rồng trên gốm ở Hưng Thánh quán.

Trường phái Kim Đan trong Đạo Giáo có thể nói bắt đầu phát triển từ nhà y học, đạo sĩ Cát Hồng với tác phẩm Bão Phác Tử thời Đông Tấn. Theo thư tịch cổ thì Cát Hồng từng xin vua Tấn cho làm huyện lệnh ở huyện Câu Lậu của Giao Chỉ vì cho rằng Giao Chỉ có nguyên liệu để luyện đan. Trên đường đi Cát Hồng bị giữ lại ở Quảng Châu, vào núi La Phù tu luyện và viết sách.
Giáo sư Trần Quốc Vượng căn cứ theo sách Thiền uyển tập anh cho rằng ”huyện Câu Lậu quận Tế Giang” nay thuộc đất Văn Giang – Khoái Châu tỉnh Hưng Yên bởi ở đó có dòng chảy Kim Ngưu (Trâu vàng), có vũng Trâu Đằm, có huyền tích về Trâu vàng chạy từ Phật Tích xuống. Khu vực Hưng Thánh quán nằm đối diện bên bờ sông Hồng với đất Khoái Châu. Phải chăng đây là nơi mà Cát Hồng đã tu luyện đan sa? Có thật Cát Hồng đã ở lại Quảng Châu chứ không phải đã đến Giao Châu tu hành?
Dù thế nào thì Đạo Giáo đã phát triển mạnh mẽ ở Giao Châu khá sớm, nếu không nói đây là nơi khởi nguồn của Đạo Giáo. Lão Tử vốn thành nghiệp ở nước Nam sau khi giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa đầu thời Đông Chu. Cát Hồng cất công sang Giao Châu để tìm đường học đạo, tu đạo, luyện kim đan. Nhiều “cổ tích” khác của Đạo Giáo còn thấy ở nước Nam, cần được xem xét kỹ lưỡng thêm.

Quan Thánh đế quân là ai?

Tục thờ Quan Công hay Quan Thánh đế quân ở Việt Nam nhiều sách cho rằng là bắt nguồn từ tín ngưỡng ngoại lai của Trung Quốc. Sự thể tưởng là rõ ràng vì ai cũng biết Quan Công là tướng của Lưu Bị nhà Thục qua truyện Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng vậy thì người Việt dựng tượng, lập miếu thờ Quan Công có đúng đạo không?
Thời Tam Quốc phía Đông Giao Chỉ thuộc đất của Tôn Quyền do Sĩ Nhiếp cai quản. Phía Tây Giao Chỉ thuộc đất của Mạnh Hoạch, thần phục nhà Thục của Lưu Bị. Khảo cổ học ngày nay của chính các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận hai nước Ngô và Thục là quốc gia phi Hán (TS. Nguyễn Việt). Như vậy về bản chất thời kỳ Tam Quốc là thời kỳ hai quốc gia của người Bách Việt là Ngô và Thục chống lại giặc ngoại (Ngụy) xâm. Quan Công là đại tướng của nhà Thục, có công chống Hán quân thì hiển nhiên cũng là một danh nhân của người Việt trong cuộc chiến đấu chống giặc phương Bắc.
Trong truyền thuyết Việt thời kỳ Lưu Bị được lưu truyền dưới tên Lý Bí hay Hậu Lý Nam Đế. Người anh cùng khởi nghĩa của Lý Bí là Lý Thiên Bảo thực ra là Lưu Biểu ở Kinh Châu. Trong bức thư của vua Hán gửi cho Sĩ Nhiếp đã gọi Lưu Biểu là “nghịch tặc”:
Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất Nam”.
Nghịch tặc của nhà Hán lúc này thì chỉ có thể là đồng đảng của quân khởi nghĩa Khăn Vàng từ Trương Giác. Khởi nghĩa của Lưu Bị dựng nên nhà Thục thực chất là nối tiếp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng ở Kinh Châu, Quý Châu, Ích Châu, chống lại quân Hán.
Sách Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa có ghi: “ Đến thời Tống Chân Tông, Hà Đông có yêu ma hoành hành hút cạn nước Diêm Trì, lại sắp đưa quân Tây Nhung tới quấy nhiễu biên giới, tình thế vô cùng nguy ngập. Chân Tông phái sứ thần đến núi Long Hổ ở Tín Châu cầu cứu Trương Thiên Sư. Trương Thiên Sư phái Quan Vũ đi trừ yêu. Bảy ngày sau bầu trời phủ đầy mây đen, trời tối như mực, sấm chớp liên hồi, năm ngày sau trời quang đãng, yêu ma đã hàng phục. Chân Tông bèn phong cho Quan Vũ là Võ An Vương, sai đến núi Ngọc Tuyền tế lễ”.
Trương Thiên Sư là Trương Đạo Lăng, tổ sư của các thủ lĩnh quân Khăn Văng Trương Giác, Trương Lương, Trương Bào. Vậy mà Trương Thiên Sư lại “phái Quan Vũ đi trừ yêu”. Quan Vũ không phải là người đã tham gia đánh dẹp quân Khăn Vàng mà ông chính là một tướng lĩnh trong khởi nghĩa này. Quan Vũ trở thành một tướng “hộ giáo” của khởi nghĩa Khăn Vàng.
Ở Việt Nam Quan Công được thờ phổ biến không chỉ ở miền Nam, nơi có nhiều người Hoa, mà còn ngay ở Hà Nội. Ở nội thành Hà Nội có ít nhất 4 làng từng lập Quan Công làm Thành hoàng. Quan Công còn là một trong những người được thờ chính ở đền Ngọc Sơn ngay trung tâm Hà Nội với tên Quan Thánh đế quân.
Hình thức thờ Quan Công gặp ở 2 dạng. Thứ nhất Quan Công biểu trưng cho tinh thần thượng võ, trung nghĩa, tiết liệt, được thờ làm thần chủ các võ miếu. Ở hình thức này Quan Công được thể hiện ở dạng một võ tướng, mang đại đao, có Châu Xương và Quan Bình đứng hầu…
Một hình thức thứ hai như ở đền Ngọc Sơn Hà Nội, Quan Công được thờ là Quan Thánh đế quân, dưới dạng một vị thần của Đạo giáo. Đền Ngọc Sơn được xây bởi hội Hướng Thiện từ thế kỷ 19. Hội Hướng Thiện tập hợp các sĩ phu Hà Thành do Vũ Tông Phan làm hội trưởng. Hội này sau thực hành tín ngưỡng Tam Giáo, trong đó Quan Thánh đế quân được tôn vinh khá cao. Thậm chí có người còn cho rằng Quan Thánh đế quân đã lên thay ngôi của Thượng đế…
Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng: Quan Công thờ tại gia đình thì là vị thần phù hộ cho gia chủ (nam giới), thờ ở đền miếu là vị thần phù hộ cộng đồng, thờ ở Đạo quán là một trong ba mươi sáu tướng của Huyền Thiên thượng đế chuyên trừ tà ma cứu độ chúng sinh, thờ ở chùa là Già Lam bồ tát hộ trì tam bảo (Sổ tay hành hương đất phương Nam).
Như vậy Quan Công không chỉ còn là một võ tướng mà trở thành một nhân vật Đạo giáo quan trọng. Tại sao lại như vậy? Ở đây có khả năng trong tín ngưỡng Hoa Việt đã có sự “trộn lẫn” giữa 2 nhân vật: giữa Quan Công thời Tam Quốc với một vị “Quan” khác, là đạo sĩ.
Vị “Quan” đó là… Quan Thánh, được thờ ở đền Trấn Vũ cạnh Hồ Tây. Quan hay Quán đều cùng là một chữ Nho 觀. Đền Quan Thánh ở Hồ Tây không phải là quán (nơi thờ phụng của Đạo giáo) thờ Thánh mà là đền thờ vị thần có tên là Quan Thánh. Người thờ ở đền Quan Thánh là Huyền Thiên Trấn Vũ, người đã có công cử thần Kim Quy tới giúp vua An Dương Vương diệt trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa trong truyền thuyết.

Quan Thanh Bo Dau

Một nơi khác thờ Huyền Thiên cũng được gọi là đền Quán Thánh là đền Bộ Đầu ở xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội). Rõ ràng Huyền Thiên được gọi là Quan Thánh vì đền Bộ Đầu không hề là “quán” của Đạo Giáo. Huyền Thiên ở đền Bộ Đầu còn có tên Đổng Thiên Vương, là một trong 4 vị tối linh Hương Bổng Đổng Đằng của nước ta.
Huyền Thiên là vị thần trấn phương Bắc (huyền phương). Phương Bắc cũng gọi là hướng Quan vì khi người ta đứng tay mặt ở hướng mặt trời mọc (Đông), tay chiêu ở hướng mặt trời lặn buổi chiều (Tây) thì mắt sẽ nhìn (quan) về hướng Bắc. Quan Thánh có nghĩa là vị thánh trấn phương Bắc, đồng nghĩa với Huyền Thiên hay Bắc Đế Trấn Vũ.
Huyền Thiên là ông tổ của Đạo Giáo (Lão Tử), đứng ngôi Thái thanh Đạo đức Thiên tôn trong Tam thanh. Đổng Thiên Vương cũng là vị bất tử thứ ba trong Tứ bất tử Việt Nam, ứng với ngôi Vua cha của Thiên phủ trong Tứ phủ. Đây chính là lý do vì sao Quan Công lại trở thành vị thần Đạo giáo. Trong tín ngưỡng này Quan Công được lấy làm “hóa thân” của Quan Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ do trùng “họ” Quan với Huyền Thiên. Cách “hóa thân” này gặp khá phổ biến trong Đạo Mẫu Tứ phủ, ví dụ như các hàng Chầu thường là hóa thân của các Mẫu tương ứng.
Đền thờ chính của Huyền Thiên Trấn Vũ là đền Sái ở Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội), nơi Huyền Thiên đã diệt Bạch Kê Tinh, giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Trong khuôn viên đền Sái bên cạnh khu chính thờ Huyền Thiên có một am nhỏ thờ Quan Công. Câu đối ở Ngũ môn đền Sái:
仰望祠前萬里祥雲呈聖瑞
與和舍共九天甘露灑人家
Phiên âm:
Ngưỡng vọng từ tiền, vạn lý tường vân trình thánh thụy
Dữ hòa xá cộng, cửu thiên cam lộ sái nhân gia.
Dịch:
Ngưỡng vọng trước đền, muôn dặm mây lành trình thánh đẹp
An hòa thôn xóm, chín tầng ban phúc khắp nhân gia.

Huyen Thien dai quan

“Huyền Thiên Đại Quán” ở núi Sái, Đông Anh.

Một sự trùng hợp là câu đối này cũng là câu trong kinh giáng bút tại đền Tam giáo Vọng Từ ở làng Hòa Xá (Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội). Đền Vọng Từ này một trong những nơi hành sự của Hội Hướng Thiện (Hội đã xây đền Ngọc Sơn). Liên quan giữa Quan Thánh đế quân và Huyền Thiên Trấn Vũ lại một lần nữa thể hiện ở đây.
Như vậy, Quan Thánh đế quân cho dù ở vai võ tướng Quan Công hay đạo sĩ Quan Thánh thực ra đều là gốc người Việt. Truyền thống người Việt thờ Quanh Thánh đế quân hoàn toàn đúng đạo, đúng nghĩa lý.

Văn Nhân xin thêm ý:
Quan Công là nhân vật trung nghĩa nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, được nhiều đời và rất nhiều nơi thờ kể cả ở Việt Nam .
Thực ra trung thành tuyệt đối với Lưu Bị không phải là mấu chốt để Quan Công được lịch sử đánh giá cực cao như thế.
Nhìn nhận bối cảnh lịch sử thời Lưỡng triều phục quốc theo sử thuyết Hùng Việt …
Tư liệu lịch sử viết: … Lưu Bị liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô ở Nhữ Nam. Tháng 6 năm 201 Tào Tháo sai Sái Dương mang quân tấn công Lưu Bị ở Nhữ Nam. Quan Vũ cầm quân ra trận giết chết Sái Dương. Tào Tháo bèn tự cầm đại quân tiến đánh. Quân Tào giết chết tướng “Khăn Vàng” Cung Đô, Lưu Bị không chống nổi, phải bỏ chạy về Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu…
Chi tiết hiếm hoi làm đảo lộn lịch sử Trung Hoa… dù mới chỉ nói mé mé… Lưu Bị liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô trong buổi đầu tạo dựng sự nghiệp…., chưa dám nói thẳng ra sự thực lịch sử: Lưu Bị là lãnh tụ của quân khởi nghĩa Khăn Vàng ở Nhữ Nam.
Trong bài viết trên tác giả cũng đã khẳng định vai vế lịch sử của Lưu Biểu thời gian này: …. Nghịch tặc đối với vua quan triều đình Đông Hán, tức hãn quốc Đông.
Chân tướng thực sự của cặp Lưu Biểu – Lưu Bị lộ ra trong dòng sử Việt: Lưu Biểu và Lưu Bị chính là Lý thiên Bảo và Lý Bí; 2 lãnh tụ của khởi nghĩa Khăn Vàng đã lãnh đạo dân … Thiên hạ nổi dậy lật đổ ách thống trị của Đông Hán, tức Đông hãn quốc.
Lịch sử Trung Hoa không có thời Tam quốc, chỉ có thời Lưỡng quốc kháng Ngụy hay thời “thù trong – giặc ngoài” (Ngụy là ngoại, cũng là giả – dã).
Lưu Bị còn có tên là Lưu Huyền Đức. Thực ra … Lưu là biến đổi của Lý, Đức chỉ là đế chép sai. Trong ngôn ngữ dựa trên Dịch tượng thì Huyền màu đen và phương Nam – nom – nhìn chỉ là một. Lưu Huyền Đức của sử Trung Hoa không ai khác chính là Lý Nam đế trong sử Việt. Lưu Bị chính là Lý Bí .
Tại sao vì trung thành với Lưu Bị – Lý Bí mà Quan Công được cả người Việt và Hoa ngưỡng mộ như thế?
Trong con mắt của Quan Công thì Lý Bí – Lưu Bị hay Lưu hoàng thúc là người kế nghiệp chính thống sự nghiệp chính trị của Lưu Bang, không phải là Quan Công trung thành với Lý Bí mà là trung thành với tổ quốc họ Hùng mà Lý Bôn – Lưu Bang, ông cha của Lưu Bị – Lý Bí có công dựng nên 1 triều đại.
Triều Lý Bôn theo Sử thuyết Hùng Việt là Hùng triều thứ 17, triều đại quan trọng đúng danh nghĩa sau cùng của Hữu Hùng quốc. Triều Tân Hùng Duệ lang của Vương Mãng chỉ là sự kéo dài thêm 1 chút (duệ là kéo dài thêm ra) thời độc lập tự chủ trước khi mất nước – mất Thiên Hạ vào tay các Hãn; chúa tổ của bọn Lục Lâm Thảo khấu.
Tào Tháo tìm mọi cách chiêu hàng ông nhưng Quan Công dứt khoát cự tuyệt vì dưới mắt ông Tào Tháo là giặc xâm lược…
Tư liệu còn chép giai thoại:
Tôn Quyền khiến Gia Cát Cẩn đến Kinh Châu, nói với Quan Công: “Tôi đến có ý kết giao hai nhà. Chúa tôi có con trai thông minh, nghe ngài có con gái tuyệt sắc, nên muốn cầu thân…
Nhưng Vân Trường nổi giận nói: “Con gái ta ví như loài hổ, há lại gả cho loài khuyển?”.
Rõ ràng trong cái nhìn của Quan Công thì chúa tôi Tôn Quyền không hơn loài khuyển mã, chỉ là đám phản nghịch dám xưng đế tiếm ngôi khi đã có dòng dõi nhà Lý là Lý Bí – Lưu Bị kế thừa sự nghiệp ông tổ Lý Bôn duy trì quốc thống (sử Tàu mập mờ lộn sòng… nước Thục Hán kế tục quốc thống của Tây Hán).
Quan niệm này ngày càng được nhiều người chấp nhận, coi thời Lưu Bị là thời hậu Lưu Bang, người Việt coi Lý Bôn là Lý Nam đế cũng là Nam Việt đế. Còn Lý Bí là Lưu Huyền Đức – hậu Lý Nam đế.

Luận giải truyền tích Tứ bất tử từ góc độ đạo thần tiên ở Việt Nam

Hiện nay khái niệm Tứ bất tử trong văn hóa dân gian được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống nên được coi là “bất tử”. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hoàn toàn hợp lý. Đúng hơn, những vị thần phải có phép “bất tử” thì mới có thể gọi là thần bất tử. Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này vì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là nhà sư, đạo sĩ, không biểu trưng cho lĩnh vực nào của đời sống nhân dân. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là “bất tử”. Bất tử là mục đích tối cao của phép tu tiên trong Đạo giáo nên các thần bất tử là những nhân vật trong quá trình phát triển Đạo thần tiên ở nước ta. Từ nhận thức như vậy có thể xem xét lại ý nghĩa các truyền tích và vị trí của các vị thần trong Tứ bất tử. [i]

Tu bat tu tu phuTranh Tứ bất tử.

Tản Viên Sơn Thánh

Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị “Đệ nhất phúc thần” nước Nam[ii]. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Theo thần tích đền Và (xã Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) thì Tản Viên đã nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử của Thái Bạch tử vi thiên tướng trên núi Tản. Từ đó Tản Viên xưng là Thần sư, đi cứu độ nhân gian, dùng gậy thần cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình. Khi xuống thăm Long Cung Tản Viên lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất…

Câu đối ở đền Và tóm tắt về sự tích của thần Tản Viên như sau:

神爲之靈地爲之靈亦人崇爲之靈屹爾東宮西鎮
山得其術水得其術卽今欲得其術渺乎僊杖約書
Thần vi chi linh, địa vi chi linh, diệc nhân sùng vi chi linh, ngật nhĩ Đông cung Tây trấn
Sơn đắc kỳ thuật, thủy đắc kỳ thuật, tức kim dục đắc kỳ thuật, diểu hô tiên trượng ước thư.
Dịch:
Thần tôn là thiêng, đất tôn là thiêng, cũng người tôn mà thành thiêng, cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi được thành thuật, sông được thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.

Gậy thần sách ước” của Tản Viên là phép thuật gì? Chuyện này có thể hiểu khi so sánh truyền thuyết Tản Viên với chuyện của Đại Vũ trong thần thoại Trung Hoa:

Vũ đang đứng trên bờ quan sát sức mạnh của dòng nước thì thấy một ông già mặt trắng trẻo, mình cá, nhảy lên từ dòng sông… Ông già tự xưng là Hà Bá. Vị thần này cho Vũ một phiến đá to màu xanh… Đó chính là Hà đồ.[iii]

Rồi tiếp theo còn có chuyện Vũ gặp một con rắn thần ở trong hang, rắn dẫn Vũ tới gặp Phục Hy và Phục Hy trao cho Vũ một thanh Ngọc giản, có thể đo đạc được trời đất.

Có thể thấy chuyện Sơn Tinh được gậy thần sách ước và chuyện Đại Vũ được Hà đồ, Ngọc giản chỉ là một. “Ông già mặt trắng” là Thái Bạch Thần Tinh ở núi Tản. Thái Bạch cũng là Thái Hạo (Hạo trong Hoa ngữ nghĩa là sáng, bạch), là tên khác của Phục Hy trong truyền thuyết. Phục Hy tương truyền có mình rắn. Phục Hy là người tìm ra Bát quái nên hoàn toàn có thể Phục Hy cũng là Thái Bạch Tử Vi thiên tướng trong truyền thuyết Tản Viên.

Phục Hy là người đã chép Hà đồ từ lưng con Long Mã (tức là con rồng, rắn thần). Còn vua Vũ vẽ Lạc thư từ lưng con Thần Quy. Có thuyết khác lại cho rằng cả Hà đồ lẫn Lạc thư đều do Đại Vũ nghĩ ra. Dù thế nào thì rõ ràng phép thần của Tản Viên Sơn Thánh chính là Hà Lạc, được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy.

Gậy thần sách ước của Tản Viên Sơn Thánh xét thực chất chính là Hà đồ Lạc thư, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà – Lạc). Nhờ những kiến thức khoa học này ở thủa bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc ở vùng Nam Giao (2 anh em Cao Sơn, Quý Minh), trị thủy thắng lợi. Thánh Tản do vậy đã trở thành vị thần bất tử đầu tiên của người Việt.

Chử Đạo Tổ

Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí thứ tự cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử. Sự tích Chử Đồng Tử được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên):

淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, Bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung công chúa ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón thần. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được...”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Khi so sánh truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung với chuyện của các vị thần trong Đạo Giáo Trung Hoa thì thấy đây cũng là chuyện của Hậu Nghệ – Hằng Nga. Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đi tìm thuốc bất tử, trải qua muôn vàn gian khó mới gặp và xin được của Tây Vương Mẫu một viên thuốc để trở thành bất tử. Khi về nhà Hằng Nga vô ý uống thuốc này nên đã bay lên mặt trăng.

Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ – Hằng Nga là những vị thần bất tử như Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng một đêm cũng bay về trời ở đầm Nhất Dạ như chuyện Hằng Nga về cung trăng.

Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.

Trong lịch sử Trung Hoa thì Hậu Nghệ là người đã tiếm ngôi, làm gián đoạn nhà Hạ thời Hạ Thái Khang. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử cũng kể về vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, thể hiện một cuộc đụng độ đã xảy ra.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ rõ nhất là về ngôn ngữ. Có từ Chư hầu, chỉ rõ mối tương thông Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép). Liên hệ Hậu – Chậu – Chử tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.

Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố phiên thiết cho chữ Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Đổng Thiên Vương

Vị trí thứ ba trong Tứ bất tử theo quan niệm hiện tại là Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt đánh thắng giặc Ân. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, có liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì nhân vật Thánh Gióng hoàn toàn không phù hợp là thần bất tử. Thánh Gióng không có phép màu nào, dùng sức khỏe đánh giặc. Đánh thắng giặc xong là thần “hóa”, bay về trời ở núi Sóc… và không quay trở lại nữa. Như vậy sao có thể gọi là thần “bất tử”?

Ở đây đã có sự nhầm lẫn do mặt chữ. Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương, chứ không phải Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng là từ phiên thiết của chữ Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Gióng. Còn Đổng Thiên Vương lại là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị“. Các sách cũ[iv] đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Bản thân đền được gọi là đền Quán Thánh.

Theo sự tích ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên còn là vị thần được thờ tại Trấn Vũ quán ở Hồ Tây (Hà Nội). Ở những nơi này tượng thờ Huyền Thiên đều được làm dưới hình dạng một người cao lớn, tay bắt quyết và dẫn dụ rắn rùa. Chữ Đổng như vậy thực ra là ký âm của Đùng, chỉ vị thần có thân hình to lớn.

Câu đối ở Quán Thánh (Hồ Tây) kể về sự tích Huyền Thiên Trấn Vũ:

武當山石鍊何年色相俱空真身尚在
玄天觀雲遊此日仙縱偶寄靈蹟長留
Vũ Đương sơn thạch luyện hà niên, sắc tướng câu không, chân thân thượng tại
Huyền Thiên quán vân du thử nhật, tiên tung ngẫu kí, linh tích trường lưu.
Dịch thơ:
Núi Vũ Đương năm xưa luyện đá
Mặc hình nhan thân cả ở cao
Mây bay Huyền quán ngày nào
Dấu tiên chợt hiện, biết bao giờ mờ.

Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, có khả năng giáng sinh nhiều kiếp, có phép màu trấn yểm yêu quỷ, quy xà nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Lão Tử hiện còn được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), với công trạng giống như của Huyền Thiên tại đền Sái.

Có thể thấy phép thuật của Huyền Thiên Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương hạn chế ở khả năng chữa bệnh dịch, diệt yêu trừ quỷ, chỉ hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh. Vì thế Đổng Thiên Vương được xếp ở vị trí thứ ba trong Tứ bất tử, sau Chử Đạo Tổ.

Bắt đầu từ vị thần bất tử thứ ba Đổng Thiên Vương ta thấy xuất hiện thông tin về đạo Phật. Lão Tử được coi trong một thân là thánh thần tiên phật. Quan niệm về luân hồi, chuyển kiếp đầu thai cũng là quan niệm của đạo Phật. Đạo giáo nói đến tu tiên, trường sinh bất lão và cải tử hoàn sinh chứ không đầu thai. Lão Tử ban đầu là một nhân vật trường sinh bất lão, luyện tiên đan (Thái Thượng Lão Quân). Sang đến hình ảnh Huyền Thiên mới thêm việc chuyển kiếp theo quan niệm đạo Phật.

Liễu Hạnh Thánh Mẫu

Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ hơn ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở lăng mộ Liễu Hạnh tại Vụ Bản (Nam Định) nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh:

五百餘年神故化
再三轉世聖而仙
Ngũ bách dư niên thần cố hóa
Tái tam chuyển thế thánh nhi tiên.
Dịch:
Năm trăm năm lẻ thần hóa cũ
Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

Mẫu Liễu được tôn sùng vì trong các lần chuyển hóa thể hiện là người có “hiếu, trinh, từ”:

勝蹟肇仙鄉而聖而神而佛
靈聲振越甸惟慈惟孝惟貞
Thắng tích triệu Tiên hương, nhi thánh nhi thần nhi phật
Linh thanh chấn Việt điện, duy từ duy hiếu duy trinh.
Dịch:
Thắng tích mở Tiên Hương, là thánh là thần là phật
Linh thiêng vang Việt điện, bởi lành bởi hiếu bởi trinh.

Phép thuật cụ thể của Mẫu Liễu là gì thì truyền tích không đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về năng lực và thời gian xuất hiện (thời Lê) thì Liễu Hạnh xếp thứ tư trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

Như vậy, Tứ bất tử là 4 nhân vật đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo thần tiên ở nước Nam. Thứ tự và phương vị của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:

– Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, là Hà thư Lạc đồ, những kiến thức khoa học thời sơ khai. Tản Viên là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước. Phương vị của Tản Viên là hướng Tây (Sơn Tây). Xét trong đạo Tứ phủ thì Tản Viên là thần chủ của Nhạc phủ.

– Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Truyền thuyết Chử Đồng Tử là cách kể khác của chuyện Hậu Nghệ thời nhà Hạ. Chử Đồng Tử hay Chử Đông Tử, nghĩa là Người ở bãi phía Đông, là thần nắm hướng Đông và là thần trong Thoải phủ (Thủy phủ).

– Xếp thứ ba là Đổng Thiên Vương Huyền Thiên Lão Tử, là giáo chủ Đạo giáo, là thầy thuốc cứu dân độ thế, có khả năng trường sinh bất lão, có thể trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu. Đổng Thiên Vương là người trấn phương Bắc (Huyền phương), ứng với Thiên phủ.

– Cuối cùng là thánh mẫu Liễu Hạnh, thần chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê. Liễu Hạnh là người thành Nam (Nam Định), nắm giữ phương Nam.


CHÚ THÍCH:

[i] Bài viết được trích lược từ sách Bước ra từ huyền thoại của tác giả.
[ii] Lĩnh Nam chích quái, Truyện núi Tản Viên.
[iii] Thần thoại Trung Hoa, Dương Tuấn Anh sưu tầm, tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009.
[iv] Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ (chủ biên), NXB Văn học, 2003.

Tiên và Phật

Đạo Phật du nhập vào nước Nam từ bao giờ? Đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam từ thời Hùng Vương là chắc chắn, nhưng Hùng Vương là thời kỳ kéo dài hơn 2000 năm trước Công nguyên. Vậy đạo Phật đến Việt Nam cụ thể vào lúc nào?
Trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế thiền sư Lê Mạnh Thát nhận định: “Phật giáo đã đặt nền móng tại Việt Nam từ thời Hùng Vương, Sư dạy đạo đầu tiên là Sư Phật Quang, Phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử”.
Cùng quan điểm này các tác giả Trịnh Minh Hiên và Đồng Hồng Hoàn trong cuốn Thành NêLê – Đồ Sơn thời Asoka đã nêu ra một số dẫn chứng xung quanh Chử Đồng Tử và sư Bần ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Đó là ngôi chùa Hang (Cốc Tự) ở Đồ Sơn với truyền tích: “Thời xưa vào cuối đời vua Hùng ở đây có một vị sư tên là sư Bần (Bần Tăng), người Ấn Độ, lập bàn thờ Phật và tu ở trong chùa Hang”. Gần chùa Hang (thôn Cốc Liễu, xã Minh Tân, Kiến Thụy) có ngôi miếu Bà Đa, thờ Chử Đồng Tử với truyền thuyết Chử Đồng Tử đi qua đây đã dùng phép cải tử hoàn sinh cứu sống con bà Đa. Từ đó các tác giả cho rằng Chử Đồng Tử đã gặp sư Phật Quang (hay sư Bần) ở Quỳnh Viên là khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng, rồi sau đó trên đường đi đã cứu sống con bà Đa ở Kiến Thụy…
Muốn dựa vào truyền thuyết về Chử Đồng Tử để xác định thời điểm Phật Giáo có mặt ở Việt Nam thì trước hết cần định vị và định thời gian của nhân vật Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử không thể đi tu Phật mà là tu Tiên. Sư Phật Quang là sự gán ghép muộn màng sau này của đạo Phật vào truyền thuyết Chử Đồng Tử.
Lý do Chử Đồng Tử không tu Phật là:
–    Chử Đồng Tử là vị thần bất tử xếp hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh và trước Đổng Thiên Vương. Nếu Đổng Thiên Vương là Thánh Gióng đánh giặc Ân, vào cỡ khoảng thế kỷ 11 trước Công nguyên thì Chử Đồng Tử phải có từ trước thời kỳ này. Còn nếu Đổng Thiên Vương là Huyền Thiên đại thánh (như ở đền Bộ Đầu, xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) thì Chử Đồng Tử vẫn là nhân vật lịch sử có trước thời của Thái thượng Lão quân (Huyền Thiên Lão Tử). Trong khi đó đạo Phật mới ra đời từ Phật Thích Ca vào quãng giữa thế kỷ 6 trước Công nguyên, sau Lão Tử. Thời Chử Đồng Tử như vậy đã làm gì có đạo Phật mà tu.
–    Phép thuật mà Chử Đồng Tử học được nằm ở 2 bảo bối gậy và nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương, là quan niệm cơ bản của Đạo giáo chứ không phải của đạo Phật. Đạo Phật nói tới thuyết luân hồi, không bàn tới cải tử hoàn sinh vì như vậy là phá vỡ luân hồi. Chử Đồng Tử đã “thọ giáo” một đạo sĩ chứ không phải sư Phật.
Núi Quỳnh Viên nơi Chử Đồng Tử đi tu có thể ở Đồ Sơn, tháp Nê Lê của vua A Dục có thể ở Đồ Sơn thật. Nhưng những điều đó không có nghĩa là Chử Đồng Tử tu Phật ở Đồ Sơn. Sự có mặt di tích và truyền thuyết của Chử Đồng Tử ở Hải Phòng có thể hiểu được vì Chử Đồng Tử là vị thần bất tử của hướng Đông, đã mở mang khu vực phía Đông theo truyền thuyết.
Một liên hệ khác để định vị công lao khai mở phía Đông của Chử Đồng Tử là chuyện về Quảng Bác Đại Vương ở Phú Xuyên (Hà Nội). Đây là vị thần được thờ làm thành hoàng ở nhiều làng quanh khu vực Phú Xuyên (tổng Thịnh Đức), nơi thờ chính của thần là đền Ba Sa ở Phú Yên, Phú Xuyên. Sự tích thần chép Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương là con vua Hùng thứ tám và cung phi Tiên Dung Châu, đã lập nhiều chiến công đem lại bình yên cho đất nước.

P1110718Đền Ba Sa ở Phú Xuyên với hoành phi “Hùng triều bát đại vương”

Câu đối ở cổng đền Ba Sa:
Di tích Hùng triều, danh hiệu đại vương lưu vạn thế
Sắc phong khai quốc, anh linh hiển thánh ngự Ba Sa.
Âm Ba trong tên thánh Ba Sa được ghi bằng chữ Nôm.
Còn tại đình Giẽ Hạ (Phú Yên, Phú Xuyên) nơi thờ Quảng Bác Đại Vương làm thành hoàng làng có bức hoành phi đề Trạch tư Đông thổ 宅兹東土, nghĩa là Yên định vùng đất Đông.
Sự tích của Quảng Bác Đại Vương ở Phú Xuyên là một cách kể khác của chuyện Chử Đồng Tử. Câu đối về Chử Đồng Tử ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) như sau:
淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
Chữ Sa 沙 và Chử 渚 đều nghĩa là bãi cát ven sông. Còn chữ Ba (3) trong tên Ba Sa và số Tám (Hùng triều bát đại vương) của chuyện Quảng Bác Đại Vương đều là những con số chỉ hướng Đông trong Hà Thư. Như vậy Ba Sa đồng nghĩa với Đông Chử hay Chử Đồng. Chử Đồng Tử đúng phải là Chử Đông Tử, nghĩa là vị thầy ở bãi Đông.
Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, rõ ràng là một vị tổ của Đạo giáo, chứ không phải đạo Phật. Nghĩa của tên Chử Đạo Tổ và Quảng Bác Đại Vương cũng rất gần nhau.
Bên cạnh đình Giẽ Hạ còn có đền thờ mẫu là bà Tiên Dung Châu, hoàn toàn trùng với tên Tiên Dung trong truyền thuyết về Chử Đồng Tử.
Quay lại với một số “dấu tích” cổ của đạo Phật ở Việt Nam. Một số tác giả căn cứ vào Ngọc phả Hùng vương kể chuyện vua Hùng thứ 7 là Lang Liêu lên núi Tam Đảo gặp Tiên ở chùa Địa Ngục mà kết luận: đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ thời Lang Liêu (?!) Có điều Lang Liêu, vị vua Hùng thứ 7, là thời kỳ nước ta vừa mới đánh giặc Ân xong. Nhà Ân Thương trước thời Phật Thích Ca ra đời có tới nửa thiên niên kỷ, làm sao thời Lang Liêu đã có đạo Phật được.
Chuyện Lang Liêu lấy nàng Tiên ở núi Tam Đảo chỉ rõ đây là chuyện thần tiên của đạo Lão chứ không phải chuyện của đạo Phật. Tây Thiên quốc mẫu Lăng Thị Tiêu ở núi Tam Đảo là Tây Vương Mẫu hay Mẫu Cửu trùng (Cửu Thiên Huyền Nữ), là vị mẫu cùng Ngọc Hoàng thượng đế cai quản các vị thần tiên trên trời, hoàn toàn không phải là Phật hay Bồ Tát gì cả.
Một “Phật tích” khác là tấm bia ở Hải Phòng có nói tới Tháp Xá Lợi ở miền Bắc Việt. Xá Lợi tháp là tháp nào? Tấm bia Xá lợi tháp minh mới phát hiện ở Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 2012 cho biết vào năm Nhân Thọ thứ nhất Tùy Văn Đế đã cho nhập xá lợi Phật vào Giao Châu tại chùa Thiền Chúng. Thiền Chúng phản thiết là Chiền, tức là chỉ một ngôi chùa ở Giao Châu mà thôi. Cổ Châu Phật bản hạnh ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết rõ:

Thời ấy có ông Lưu Chi
Tâu rằng nhà Tùy Cao Đế niên gian
Năm hòm xá lợi Bụt quan
Giữa huyện Siêu Loại là chiền Cổ Châu
Danh lam bảo tháp phù đồ
Cao dự nghìn trượng khỏe phò thánh cung.

Tùy Văn Đế năm 601 đã cho nhập xá lợi vào Giao Châu tại chùa Dâu. Tháp Hòa Phong ở chùa Dâu ngày nay được xây dựng lại trên nền cũ tháp Xá Lợi xưa.
Chùa Dâu ở Bắc Ninh gắn liền với sự tích về Phật Man Nương và Tứ pháp thời Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp ở vùng này được gọi là Tiên Sĩ Vương. Sĩ Nhiếp thực ra là người tu tiên theo đạo Lão. Hình tượng Tứ pháp (Vân Vũ Lôi Điện) là hình tượng thủy thần, hóa thân của Sĩ Nhiếp vì… Sĩ Nhiếp là Long độ đình hầu, tức thần Long đỗ của thành Thăng Long, là vua Mây họ Phạm ở Đằng Châu trong quan niệm dân gian.

P1110794Tam quan chùa Mui ở Thường Tín với bức tự “Đạo diễn huyền không”.

Sự đan xen giữa đạo Lão và đạo Phật trong tín ngưỡng dân gian Việt như vậy gặp ở nhiều sự tích, di tích. Ngay như ngôi chùa Mui (thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) gọi là chùa nhưng thực ra vốn là một Đạo quán (Hưng Thánh quán) thờ Thái thượng Lão quân, tức là thờ Lão Tử. Nếu không phân tách ảnh hưởng muộn của đạo Phật trong các truyền thuyết của đạo Lão thì sẽ đi đến những kết luận lệch lạc về lịch sử Phật giáo ở Việt Nam. Đối với Việt Nam Tiên có trước, Phật là sau. Tín ngưỡng chính thống và đặc sản của người Việt là Đạo giáo chứ không phải Phật giáo.

Nhị bất tử Hậu Nghệ – Hằng Nga

Cổ sử Trung Hoa cho biết sau khi Hạ Khải mất con là Thái Khang lên nối ngôi. Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự. Hậu Nghệ thường đi theo phục vụ Thái Khang. Thấy Thái Khang bỏ bê triều chính, Hậu Nghệ nảy sinh ý định giành ngôi.
Một hôm Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc. Hậu Nghệ bí mật tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó mang quân ra chặn bờ sông, phong toả lối về của Thái Khang. Thái Khang bị buộc phải lưu lạc đến hết đời.
Thần thoại Trung Hoa thì kể Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Một hôm, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời. Ngọc Hoàng thấy các con trai của ông đã chết bèn trừng phạt Hậu Nghệ bằng cách đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới.
Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Khi ông đi vắng, Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và, vô tình Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh. Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi đến Mặt Trăng.
Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. “Bất tử” không phải là do dân gian tôn sùng mà thành như cách giải thích ngày nay. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ đã phải vượt muôn ngàn gian khổ mới đến gặp và xin được thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu về.
Khi so sánh câu chuyện của hai vị thần bất tử Hằng Nga – Hậu Nghệ với với các vị thần bất tử nước Nam thì chợt nhận ra đây cũng là chính chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Rõ nhất là liên hệ về ngôn ngữ: HậuChậuChử. Liên hệ này tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.
Còn có từ Chư hầu, chỉ rõ mối liên hệ Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép).
Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố thiết Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.
Hậu Nghệ là người đã làm gián đoạn nhà Hạ, đuổi Hạ Thái Khang lưu lạc nơi đất Lạc. 40 năm sau nhà Hạ phải tới Thiếu Khang mới lại trung hưng. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử cũng kể về vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, thể hiện một cuộc đụng độ đã xảy ra. Việc Chử Đồng Tử lấy Tiên Dung con gái vua Hùng mà không được vua cha đồng ý là chỉ việc Chử Đồng Tử – Hậu Nghệ đã chiếm ngôi của Thái Khang.
Như đã từng xác định, Chử Đồng Tử là vị Tứ bất tử xếp hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh nhưng trước Đổng Thiên Vương. Nghĩa là Chử Đồng Tử ở vào quãng sau Đại Vũ nhà Hạ tới trước thời Chu của Lão Tử. Hậu Nghệ cũng là nhân vật lịch sử ở đúng thời kỳ này. Phép thần trượng lạp (gậy nón) của Chử Đồng Tử cho thấy đây là một nhân vật ở thời kỳ rất sớm trong lịch sử vì gậy nón là hình ảnh của Âm Dương, tức là khi quan niệm Dịch học vẫn còn khá đơn giản.
Hậu Nghệ đi tìm thuốc trường sinh gặp Tây Vương Mẫu cho thuốc tiên. Hậu Nghệ nghĩa là vị Hầu ở xứ Nghệ, cũng là nơi tu hành của Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử đi vào đất Quỳnh Lâm (Nghệ An) gặp lão Phật Quang và được gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.
Hằng Nga uống thuốc và bất ngờ bay lên tận cung trăng. Còn vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì một đêm cũng bay về trời ở đầm Nhất Dạ. Thì ra chị Hằng ở cung trăng lại chính là công chúa Tiên Dung.
Câu đối ở đền thờ Chử Đồng Tử tại Đa Hòa, (Khoái Châu, Hưng Yên) mô tả:
化境是何年自然為洲一夜成澤
奇緑曠千古人間夫婦天上神仙
Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch
Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên.
Dịch:
Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch
Kỳ duyên trùm thiên cổ, nhân gian chồng vợ, lên trời biến thần tiên.

IMG_7010Hoành phi ở trước chính điện đền Đa Hòa.

Một trong những công tích khác của Hậu Nghệ là đã diệt con mãng xà khổng lồ (con Tu Xà hay Ba Xà) ở hồ Động Đình. Đoạn kể này về Hậu Nghệ rất giống truyền thuyết Việt về Lạc Long Quân diệt ngư tinh. Hồ Động Đình tức là biển Đông. Ba Xà hay Tu Xà đều có nghĩa là con rắn ở phía Đông vì Ba (3) là số chỉ phương Đông trong Hà thư, Tu hay Từ là tính chất từ ái của phương Đông.
Thời Hậu Nghệ là thời Hạ, khi nhà Hạ còn đang ở vùng Động Đình – biển Đông nên chắc chắn vẫn còn được lưu giữ trong truyền thuyết Việt Nam, dưới câu chuyện của vị thần bất tử Chử Đạo Tổ. Những mẩu thần thoại Trung Hoa, càng kể về những sự tích lâu đời thì lại càng có liên hệ trực tiếp với khu vực nước Nam…

Ngọc Hoàng thượng đế

Người Việt cứ có chuyện gì là lại kêu “Trời”. Nhưng ông Trời là ai? Tại sao người Việt lại tin vào ông Trời đến vậy?
Trong Đạo Giáo Trung Hoa ông Trời là Ngọc Hoàng thượng đế, người cai quản Thiên đình. Trong Đạo Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam vua cha của Thiên phủ cũng là Ngọc Hoàng thượng đế. Các sử gia với cái nhìn thiên kiến về tính xác thực của các thông tin trong tín ngưỡng và tôn giáo đều không muốn tìm xem Ngọc Hoàng thượng đế là nhân vật lịch sử nào.

Thực ra Ngọc Hoàng thượng đế là Hoàng Đế, người được coi là ông tổ của Hoa sử. Gọi là “Ngọc” vì đây đang là còn thời kỳ đồ đá. Gọi là “Hoàng” vì là màu của trung tâm trong Ngũ hành, tương ứng với vua. Ngọc Hoàng nghĩa là vị vua của thời tiền sử.

Ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng coi Hoàng Đế là vị vua đầu tiên của nước ta. Câu mở đầu của chính sử Đại Việt ghi rõ: “Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt…”.

Hoàng Đế của Trung Hoa lại là ông Trời của người Việt. Ở nước ta tới giờ vẫn còn những nơi riêng thờ Ngọc Hoàng như đền Đậu An ở làng An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Theo thần tích còn lưu giữ trong đền, vào năm “Thiên Định nhị niên” có Thiên tiên, Địa tiên mở cổng trời xuống hướng dẫn nhân dân khai phá vùng sình lầy, dạy cách săn bắn, hái lượm và trồng lúa nước. Ngoài ra còn có Ngũ lão tiên ông huy động dân làng khai hoang, diệt trừ thú dữ và dựng Thụy Ứng quán thờ trời để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Đền Đậu An nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, xung quanh có hồ nước trong xanh bao bọc. Do đó câu đối ở đền chép:
Thiên Định kỷ nguyên, Thụy Ứng Ngọc Hoàng lai giáng hạ
Địa linh thiên cổ, điện đài thượng đế ngự long đầu.

Dịch:
Thiên Định năm xưa, Thụy Ứng Ngọc Hoàng xuống hạ thế
Đất thiêng nghìn tuổi, điện đài thượng đế ngự đầu rồng.

Thap

Tháp đất nung và điện thờ Ngọc Hoàng ở đền Đậu An, Hưng Yên

Ngọc Hoàng thượng đế ở đền Đậu An còn có cả niên hiệu “Thiên Định” như một triều đại thật sự. Theo thông tin ở đây thì ngôi đền này đã được dựng từ năm 226 trước Công nguyên. Rõ ràng tục thờ Ngọc Hoàng là tín ngưỡng bản địa của người Việt bởi vì lúc đó nước ta còn chưa chịu ảnh hưởng của phương Bắc. Theo chính sử thì mãi tới năm 218 TCN thì nhà Tần lần đầu mới đánh chiếm Bách Việt. Trước đó Văn Lang, Âu Lạc là những quốc gia hoàn toàn độc lập, không liên quan gì tới phương Bắc.

Hoàng Đế trong Hoa sử có tên là Hiên Viên, là vua nước Hữu Hùng. Còn Thiên Nam ngữ lục thì chép:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

Họ Thần Nông được thay bằng họ Hữu Hùng. Đối chiếu hai dòng sử thì thấy rõ vua Hữu Hùng là Đế Minh trong truyền thuyết họ Hồng Bàng vì sử Việt bắt đầu chính bằng “Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông…”.

Huyền sử Trung Hoa cho biết sau trận đánh quyết liệt giữa Hiên Viên với Xuy Vưu ở Trác Lộc thì tất cả dân chúng các bộ lạc đều hoan nghênh Hữu Hùng Thị, tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi Minh chủ, lấy hiệu là Hoàng Ðế.

Hoàng Đế được tôn là Minh chủ hay Minh Đế, tức là Đế Minh của truyền thuyết Việt. Minh nghĩa là sáng, là tỏ, tương ứng với chữ Hiển trong Hán văn. Chính vì vậy Hoàng Đế – Đế Minh được gọi là Hiển Vương, tam sao thất bản chép thành Hiên Viên.

Hoàng Đế là ông tổ của dân tộc Hoa Việt, là vị vua Hùng chính thức đầu tiên của nước họ Hùng (Hữu Hùng). Tên Hùng Hiển Vương trong Ngọc phả Hùng Vương được chép là của Lạc Long Quân. Đây là sự lẫn lộn thường thấy giữa 2 vị quốc tổ họ Hùng này khi chép theo 2 dòng sử Hoa và Việt.

Câu đối ở đền Hùng – Phú Thọ:
Thiên thư định phận chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.

Dịch:
Sách trời định chốn chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt duy có tổ
Núi tỏa linh thiêng cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.

Ngọc Hoàng – Đế Minh đã dựng Minh Đô tại nơi ba con sông Đà, Lô, Thao hội tụ ở Phong Châu – Phú Thọ, bắt đầu thời đại có quốc gia, có vua của người họ Hùng, của cộng đồng người Bách Việt. Là quốc tổ khai sinh họ Hùng nên Đế Minh mãi được tôn là ông Trời trong tâm thức của người Việt cũng như người Hoa.